Trại tù Yên Báy - Phạm Hữu Phước
frank 23.04.2018 23:33:33 (permalink)
Bệnh xá trại tù Yên Bái
 
Phạm Hữu Phước

Chương 1


Sáng nay tôi nhận được một mẫu tin nhắn trên Face Book từ một người tôi vừa biết vừa không biết.
Biết vì anh đã từng là người được tôi chăm sóc trong hai tuần ở Bệnh xá của trại tù Yên Bái khi anh bị kiết lỵ nặng phải đưa từ trại lên Bệnh xá. Không biết vì giờ này tôi có cố moi óc cũng không thể tài nào hình dung ra anh là ai. Bệnh nhân đến rồi đi, thầy thuốc có bao giờ nhớ hết mọi người.


" Kính anh Phước, tình cờ đọc bài "Củ khoai lang Yên Bái" nhớ đến anh nhiều (có thể anh không còn nhớ tôi!) lúc được anh điều trị cho sau khi được khiêng từ trại 12 ra trạm xá Yên Bái/Hoàng Liên Sơn, lúc đó anh, tuy là tù nhân Phước Long nhưng được tên "bác sĩ" VC tên Cán (?) ủy thác trị bệnh cho anh em QN/VNCH ở Liên trại 4. Tuy ở tram xá có 2 tuần, vào thời điểm anh niên trưởng của chúng tôi là PĐT219 Nguyễn văn Nghĩa bệnh nặng và chết tại đó. Anh cũng đã nhường phần (hồ) bột mì cho tôi "bồi dưỡng", nên chóng bình phục, tôi vẫn còn nhớ và mang ơn anh, hôm nay nhờ bè bạn KQ mách bảo cho nên muốn liên lạc với anh để tỏ lòng tri ân và gợi lại những kỷ niệm thời gian tù đầy gian khổ ngoài Bắc. Mong thay. KQ Trần quang Tuyến/USA. Thân kính.

Mẫu tin nhỏ gợi tôi nhớ lại có một thời tôi đã từng ở nơi rừng sâu nước độc này.
Tháng Tư/75 Sài Gòn rơi vào tay CS. Tháng Sáu/76 , CS ồ ạt chuyển tù từ miền Nam ra. Tôi được điều về Bệnh xá của trai tù Yên Bái, Hoàng Liên Sơn. Lúc ấy trong trại chỉ có tôi là BS, vì tôi bị bắt khá sớm trên chiến trường Phước Long như một tù binh ngay từ tháng Giêng/75 rồi chuyển ra Bắc theo đường mòn HCM.
Bệnh xá gồm 80 giường, 20 giường cho bộ đội và 60 giường còn lại cho tù. Đứng đầu là BS. Cán, thượng úy, ông ta điều trị cho bộ độ; còn 60 giường của tù giao cho tôi. Hai mươi giường của " khung " chỉ lèo tèo mấy tên bộ đội trông còn khỏe chán, chỉ về bệnh xá để nghỉ ngơi. Ông BS Cán quá rảnh, không biết làm gì tiêu thời giờ nên đi nuôi gà và tăng gia trồng trọt để cải thiện thêm "chất tươi". Trong khi 60 giường của tù lúc nào cũng "làm ăn khấm khá", khách khứa ra vào tấp nập, nhất là khi có những trận bệnh bùng phát như kiết lỵ, sốt vàng da ( Leptospirosis )… đôi khi một giường phải nằm đến hai người.

Bệnh xá là tuyến điều trị đầu tiên và cũng là tuyến cuối cùng. Rất hiếm khi tù được chuyển lên tuyến cao hơn là BV Yên Bái. Bệnh xá dụng cụ chẳng có gì, thuốc men lại vô cùng thiếu thốn. Tôi cũng chẳng có sách báo Y khoa gì để tham cứu, hay một người BS bạn để bàn luận khi gặp những trương hợp khó. Tôi chỉ loay hoay, xoay trở trong mớ kiến thức còn rơi rớt lại trong đầu từ thuở còn học ở Y khoa Sài Gòn và lê lết ở các bệnh viện. Cũng may Y khoa Sài Gòn đã đào tạo chúng tôi khá quy củ. Ngày xưa tôi oán mấy ông giáo sư lắm vì bắt bọn này học nhiều quá, mỗi lần thi cử nhìn đống cua cao ngất mà hải hùng. Sau đó khi đi thực tập ở BV Nguyễn Văn Học, Gia định tôi lại có dip học thêm bệnh truyền nhiểm từ GS. Joel D Brown, một BS chuyên môn về bệnh nhiểm trùng. Không ngờ những gì mình phải học chung chung để thi lên lớp và ra trường giờ mới thấy hữu dụng.

Tôi làm việc với cả tấm lòng và nhận lại những ánh mắt biết ơn của các bạn tù. Chúng tôi là những kẻ " cùng một lứa bênh trời lận đận " cả mà, làm sao không trải lòng với nhau. Nói thì có người cho tôi là đạo đức giả, chứ theo tôi đó là thời kỳ đẹp nhất trong đời thầy thuốc của tôi, vì tôi giúp được những người đang tha thiết mong chờ sự giúp đỡ của mình trong hoàn cảnh cùng khổ như nhau, hoàn toàn không dựa vào tiền bạc. Ai cũng muốn sống sót để có ngày về với gia đình. Bệnh tật trong trại tù cũng nguy hiểm dễ đưa đến tử vong không khác gì khi xông pha lửa đạn trên trận mạc. Do đó mọi người rất quý mến tôi, vì tôi là cái phao cho những hy vọng của họ khi phải sống xa sự săn sóc của gia đình. Nói thật tôi qua Úc, học lại rồi hành nghề ở Melbourne 25 năm trước khi về hưu, tất cả giao tiếp của tôi đối với bệnh nhân phần lớn đều dựa trên tiền bạc.

Có những buổi sáng tôi đứng sau hàng rào bệnh xá. Anh em đi lao động ngang qua, thấy tôi họ vẩy tay: " BS. Phước, BS Phước !!!." Tôi thấy cả một niềm vui ấm áp dâng trào trong lòng. Cảm ơn những bạn tù khốn khổ của tôi.
Bệnh xá của tôi cuối cùng được bầu là đơn vị tiên tiến. Điều ấy có nghĩa là bệnh xá chúng tôi đã tiếp nhận bệnh nhân khá đông và tổ điều trị chúng tôi cũng đã làm việc cật lực với những phương tiện hết sức nghèo nàn .

( Còn tiếp )

Phạm Hữu Phước

<bài viết được chỉnh sửa lúc 26.04.2018 23:42:46 bởi frank >
#1
    frank 24.04.2018 23:29:21 (permalink)
    Chương 2

    Bệnh xá của liên trại tù Yên bái tuy là tuyến đầu tiên nhưng hầu như cũng là tuyến cuối cùng để điều trị tù nhân. Từ ngày tôi về bệnh xá, chỉ có một trường hợp duy nhất bị g
    ãy xương đùi được chuyển ra BV tỉnh Yên Bái, nhưng ba hôm sau bệnh nhân được chuyển về với tình trạng y nguyên như cũ.


    Dụng cụ của bệnh xá rất sơ sài. Chúng tôi chỉ có ống nghe, máy đo huyết áp, một bộ tiểu giải phẩu, ống chích và kim tiêm. Ngay cả găng tay là thứ chúng tôi cần nhất vẫn không có. Thuốc men cũng lèo tèo không kém, không gì ngoài mấy thứ trụ sinh thông thường do các công ty quốc danh cung cấp như penicillin, tetracycline, thuốc bổ multivitamin, thuốc đỏ, thuốc tím...Thế mà chúng tôi là cái phao cho tù nhân nương tựa khi đau yếu.

    Một hôm BS. Cán, trưởng bệnh xá, gọi tôi lên để nhận thêm thuốc từ trong miền Nam gởi ra. Tôi mừng khấp khởi vì hy vọng có thêm thuốc cho bạn tù. Đến nơi tôi mới h
    i ôi, cả một đống thuốc vứt bừa bải trên sàn nhà, không có sắp xếp phân loại gì cả. Tôi kiểm lại hạn xử dụng thì đã quá đến hai năm là ít. Thì ra đống thuốc này họ hốt từ miền Nam ra, cái gì xài được họ lấy hết cả rồi, cái gì họ không xài được là ném cho chúng tôi như đổ rác. Các chỉ dẫn kèm theo thuốc họ không đọc được vì viết bằng tiếng Anh hay tiếng Pháp nên không thể sắp xếp, phân loại thuốc men cho đâu ra đó, trong khi BS miền Nam chúng tôi thì đọc sách báo y khoa bằng Anh hay Pháp ngữ dễ dàng như đọc tiếng Việt. Nhưng không lẽ bỏ, bỏ thì tiếc quá, tôi nhủ thầm " Có còn hơn không. Thuốc " tư bản " biết đâu vẫn còn tốt ". Nghĩ thế tôi cặm cụi tìm trong đống thuốc bừa bãi thứ gì có thể dùng được thì nhặt ra. Tôi tìm được mấy thứ thuốc viên trị đau khớp, dạ dày, thuốc giảm đau, trụ sinh...Tôi dứt khoát loại ngay mấy thứ thuốc chích vì sợ thuốc quá hạn có thể gây ra choc thuốc (anaphylactic shock ) làm chết người thì mình hối hận suốt đời.


    Tù nhân chuyển ra Bắc tháng sáu/76 có cả cấp tướng và đại tá. Trong số đó có chuẩn tướng Phạm Hà Thanh nguyên là chỉ huy trưởng ngành Quân y của tôi. Nhưng tôi không được gặp ông vì sĩ quan cấp tướng nếu đau yếu phải chính tay BS. Cán điều trị. Cấp đại tá trở xuống khi bệnh mới được đưa qua bệnh xá do tôi trông coi. Nhờ thế tôi mới có dịp được gặp một người mà tôi rất ngưỡng mộ từ lâu đó là sử gia Phạm Văn Sơn. Từ thời còn học trung học ở Tăng Bạt Hổ, Bồng Sơn tôi đã đọc cuốn " Việt nam tranh đấu sử " của ông mà xúc động không cùng. Tôi kính trọng, thương cảm, ngả nón kính phục tiền nhân của tôi đã hy sinh cả cuộc đời và cả yên ấm của gia đình chỉ vì lòng yêu nước vô bờ bến. Ông viết sử mà lời văn trong sáng, đanh thép, hừng hực lửa như tấm lòng của tiền nhân. Có đoạn tôi không cầm được nước mắt.


    Ông là một học giả uyên bác, một sử gia nổi tiếng ở miền Nam, tác giả của những công trình nghiên cứu Việt sử được mọi người khâm phục. Chức vụ cuối cùng của ông là Đại tá, trưởng Ban quân sử Bộ Tổng tham mưu. Ông bị bệnh vảy nến ( Psoriasis ) khá nặng, da sần sùi nên nhiều người tưởng lầm ông bị bịnh cùi. Bệnh xá đâu có thuốc gì để điều trị cho ông, ngay cả thuốc giúp ông khỏi đau nhức khớp xương, biến chứng hay đi chung với bệnh vảy nến. Nhưng dù sao ở đây ông không phải đi lao động, được ăn cơm không độn và được nghỉ ngơi.

    Yên Bái thường lạnh, nhất là dịp gần cuối năm khi bắt đầu có mưa phùn. Có những buổi sáng giá đóng trắng trên ngọn cỏ trước sân. Buổi tối anh em trong tổ điều trị chúng tôi thường đốt một đống lửa nhỏ, ngồi quây quần chuyện vãn với nhau cho đlạnh và đỡ nhớ nhà. Nghe những cơn gió rít lê thê bên ngoài mà buồn não ruột. Những buổi tối như thế chúng tôi đều mời ông tham dự. Chúng tôi mời ông chỉ vì ai cũng biết và kính trọng ông, nhưng cũng vì một lý do khác : ông nói chuyện rất hay, lưu loát và mạch lạc. Ở ông là cả một kho kiến thức về sử. Ông kể cho chúng tôi đủ thứ chuyện, chuyện Gia Long đào mộ Quang Trung rồi đem sọ Quang Trung giam vào ngục thất, Gia Long bó con nữ tướng Bùi Thị Xuân rồi đốt như ngọn đuốc trước mắt bà, riêng bà thì bị voi dày, cảnh Quang Trung lên ngôi hoàng đế ở Phú Xuân rồi kéo quân ra Bắc đánh quân Thanh...Có lúc ông đem chuyện Kiều ra bàn, ông còn làm cả thơ vịnh Kiều đọc cho chúng tôi nghe. Chúng tôi ngồi nghe ông nói quên cả thời gian và lạnh. 

    Trại cấm chúng tôi gọi nhau bằng cấp bậc, nhưng chúng tôi đã có cách, đại úy gọi là anh Ba, đại tá như ông chúng tôi gọi là anh Sáu. Nhưng cách gọi như thế chỉ trước mặt cán bộ, khi ngồi chung với ông bên bếp lửa chúng tôi gọi ông là Bố và xưng Con. Hôm nào chúng tôi cải thiện được được ít lá chè tươi và nấu được bát nước chè xanh chia nhau thì không khí càng đậm đà. Có khi chúng tôi xoay được thứ quý hiếm nhất trong tù là khoai mì, nướng vào lửa và mời ông. Ông bóc từng miếng mì cháy bỏ vào miệng nhai ngon lành. Tro và những vết lọ cháy dính cả lên má và môi ông, ông cũng chẳng buồn lau. Nhìn ông ăn từng mẫu mì cháy mà tôi chạnh lòng. Đời ông đã từng ăn bao nhiêu là yến tiệc sang trọng.


    Lúc tôi chuyển trại ông vẫn còn ở lại bệnh xá. Sau này khi đã sang đến Úc tôi mới gặp được một người bạn tù với tôi ở Yên Bái cho biết sau đó ông được chuyển lên Vĩnh Phú và chết rất thê thảm trong tù. Tôi có bài viết của một người đàn em của ông kể rất tỷ mỷ về những giây phút đau đớn cuối cùng của đời ông. Lần tới tôi sẽ tìm và gởi tới các bạn.

    ( Còn tiếp )
     
    Phạm Hữu Phước
    <bài viết được chỉnh sửa lúc 26.04.2018 23:42:09 bởi frank >
    #2
      frank 26.04.2018 23:41:26 (permalink)
      Chương 3


      Cộng sản nuôi tù chẳng mấy tốn kém, khác xa với chính quyền miền Nam. Ở miền Nam nhà nước phải phải cung cấp chỗ ăn chỗ ngủ và cơm nước đầy đủ cho tù mỗi ngày. Người tù chỉ mất có tự do. Với CS tù phải làm láng lấy mà ở, phải làm ruộng, làm rẩy, tăng gia lấy mà ăn.
       
      Tháng 06/76, CS ồ ạt đưa tù từ miền Nam ra Bắc. Nhưng từ tháng năm anh em tù cũ ở Yên Bái đã bị trại huy động toàn lực đi chặt nứa để làm tạm những cái láng đón tù mới. Đây là khoảng thời gian cực nhọc nhất cho anh em chúng tôi, ăn uống vẫn như cũ, bắp trộn ít hạt cơm và bo bo, nhưng phải vắt sức ra vào rừng sâu chặt nứa.

      Tù mới ra sống chen chúc trong những cái láng dài rất thiếu vệ sinh. Trại cho đào những hố xí lộ thiên, đi cầu bên trên, bên dưới có thùng để lấy phân bón rau. Mọi thứ đều được "tận thu" kể cả phân tù, dù phân tù chỉ có bo bo với bắp đâu còn chất gì bổ để bón rau. Ruồi nhặng có hố xí làm "hậu cứ", được mùa sanh sôi nẩy nở, bay thành đàn đen nghịt, đậu vào mặt, vào chén đủa, vào thức ăn của tù. Trong hoàn cảnh sống chen chúc và dơ bẩn như vậy chuyện phải đến đã đến: bệnh kiết lỵ bộc phát dữ dội.
       
      Bệnh xá chúng tôi là nơi tiếp đón tù từ các trại chuyển đến. Họ mệt và yếu lắm, người gầy rạc và xanh xao, phải do bạn tù cáng lên bệnh xá từ những trại cách đó 10, 15 cây số. Hầu như ngày nào bệnh xá cũng nhận bệnh nhân, có ngày cao điểm đến hơn 10 người. Bệnh xá không còn đủ chỗ, hai người phải nằm chung một giường. Bệnh nhân đông chúng tôi làm việc vất vả hơn, nhưng mọi việc vẫn chạy đều vì tôi đã chia công việc ra từng phần và giao cho mỗi người trong tổ điều trị trách nhiệm thật rỏ ràng. Tôi lảnh nhiệm vụ khám tất cả mọi bệnh nhân nhập trại, cho thuốc, và cho xuất trại khi bệnh nhân đã khỏe. Giúp tôi có một anh nha sỹ và một anh thiếu úy trợ y, để làm bệnh án, theo dõi tiến triển của từng bệnh nhân, ghi vào hồ sơ và báo cáo cho tôi hằng ngày để tôi kịp thời xử trí những tiến triển bất ngờ của bệnh. Y tá là một anh thiếu tá hành chánh quân y, giữ nhiệm vụ chích thuốc. Chúng tôi còn có tổ hộ lý nấu nước sôi, chia cơm, nấu cơm canh cho bệnh nhân. Tổ này gồm hai ông tá : một ông là thiếu tá ở khu quân nhu Long Bình, một ông là trung tá chỉ huy trưởng pháo binh Kontum. Mỗi sáng tôi đi khám lại tất cả bệnh nhân một lần. Thường thì số bệnh nhân đông quá tôi chỉ đủ thì giờ đi thăm một nửa, sáng hôm sau thăm nửa còn lại. 

      Thời đó tôi đã biết dùng Metronidazole ( Flagyl ) để trị kiết lỵ, nhưng trong tù làm gì có thuốc quý hiếm ấy. Chúng tôi chỉ có Emetine quốc doanh. Bình thường, thuốc này ít được dùng vì tác dụng độc với cơ tim ( myocarditis ) và cả cơ bắp (myositis). Tuy nhiên trong hoàn cảnh thiếu thốn của tù, phải tuỳ cơ ứng biến, có gì dùng nấy, không thể chờ được...

      Trận dịch kiết lỵ ấy chỉ có một người bỏ đồng đội vĩnh viễn ra đi. Anh đã lớn tuổi, dinh dưỡng trong tù quá kém, bệnh lại nặng nên dù chúng tôi cố gắng hết mình trong khả năng và phương tiện eo hẹp của bệnh xá cũng không giúp được anh. Anh đi cầu liên tục, lúc đầu còn lê khỏi giường để đi cầu vào cái bô đặt dưới chân giường, nhưng sau yếu quá chúng tôi phải làm một cái chỏng đục lỗ để anh cứ nằm trên chỏng mà đi cầu. Anh chỉ uống nước và húp chút nước cháo, bệnh xá làm gì có dịch để chuyền cho anh. Cuối cùng anh đã ra đi, âu đó cũng là số phận riêng của mỗi người.

      Vậy đó, chỉ với Emetine và những viên thuốc Multi-vitamin bao nhiêu người khỏi bệnh để có ngày được trở về với gia đình. Dầu sao khoa học cũng đã giúp sản xuất ra Emetine, thần dược cho những người tù khốn khổ trong khoảng thời gian ấy. Multi-vitamin là thứ thuốc "cơm nguội", nhưng tôi đã lợi dụng hiệu ứng placebo của nó. Thường tôi chỉ cho chích Emetine trong 5 ngày và uống một viên Multi-vitamin mỗi ngày, khi bệnh đã đở, tôi chỉ cho uống toàn Multi-vitamin. Trước khi ra về, khi bệnh nhân đến bắt tay từ biệt, tôi lại dúi vào tay mỗi người 5 viên thuốc Multi-vitamin và dặn dò rất trịnh trọng: " Anh phải uống đủ 5 ngày, mỗi ngày một viên, không bỏ một ngày nào hết. Có như vậy bệnh mới hết hẳn. Nhớ nhé, quan trọng lắm, đừng quên! ". Trong nổi sợ hải có thể mất mạng dễ dàng ở chốn lao tù, đôi khi niềm tin mong manh vào bác sĩ, vào thuốc men, cũng giúp họ đở lo âu một phần. Do đó tôi nghĩ mình phải " củng cố " niềm hy vọng nhỏ nhoi ấy bằng tác động placebo của mấy viên Multi-vitamin " cơm nguội " này.

      Trung bình chửa trị khoảng một tuần là triệu chứng kiết lỵ chấm dứt, nhưng tôi luôn giử người bệnh ở lại thêm một tuần nữa để dưỡng sức và được ăn cơm trắng theo tiêu chuẩn bệnh xá. Tôi biết trả về trại là họ phải đi lao động, ăn bo bo và bắp. Trừ trường hợp quá tải, tôi mới gởi các anh về trại sớm hơn...
      Cho đến một buổi tối. tôi thấy bụng đầy đầy khó chịu. Khuya ấy bụng tôi đau quặn và muốn đi cầu. Đi xong một lát lại thấy quặn bụng trở lại. Cứ thế cho đến sáng, tôi không ngủ được. Sáng sau phân đã thấy lầy nhầy đàm và ít máu. Tôi biết ngay mình đã "dính chấu ". Xui cho tôi Emetine trong bệnh xá vừa hết ống cuối cùng từ chiều qua. Tôi nói anh y tá lên BS.Cán báo cáo tôi đã bị bệnh và luôn tiện xin ông cung cấp thêm Emetine cho bệnh xá.

      Một lúc sau ông BS. Cán xuống. Mặt ông hầm hầm, ông nói như quát vào mặt tôi: " Sao anh điên dữ vậy - chắc ông còn lịch sự tránh chữ "ngu" - phải để dành ít ống cho khung chứ. Trên tôi không có thuốc này, làm sao bây giờ đây". Nói xong ông bực bội bỏ đi. 
      Tôi có bao giờ biết phải để dành ít thuốc cho riêng mình bao giờ đâu. Trước mặt tôi là người bệnh đang cần thuốc, có thuốc trong tay là tôi dùng. Đơn giản chỉ có vậy. Dù sao tôi vẫn chưa bệnh mà, sao lại lấy thuốc để dành cho mình. Lở tôi không bệnh có phải đã mất một cơ hội điều trị của người khác hay không. Giờ đây nghĩ lại, tôi thấy " ngụy " hình như đã được dạy dỗ caí lối suy nghĩ " quân tử tàu " như vậy, thật không "hiện thực" chút nào !

      Tôi đoán chừng ông BS. Cán đối với riêng tôi vẫn có chút cảm tình, vì cả hai đều xuất thân từ đại học. Người trí thức thường chọn lối cư xử tình nghĩa hơn. Vả lại dầu gì ông và tôi vẫn còn vướng chút tình đồng nghiệp với nhau. Có lần ông hãnh diện nói với tôi : " Tôi hả, tôi được đào tạo chánh quy từ Đại học Y khoa Hải Phòng. Tôi không phải là BS trong rừng ra, y sĩ học tại chức rồi lên BS. ". Lần khác, ông tâm sự: " Chỗ anh với tôi, anh gọi tôi bằng anh cũng được. Nhưng trước mặt người khác, anh nên gọi tôi là cán bộ, kẻo người ta phê bình tôi mất lập trường ".

      Tôi rất cảm kich tấm lòng của ông khi biết rằng hai ngày sau đó, ông đã chạy đôn chạy đáo khắp các hợp tác xã quanh vùng, lùng kiếm cho ra Emetine. Hẳn nhiên là cho cả bệnh xá, vùng trách nhiệm của ông, nhưng cũng là để có thuốc điều trị cho tôi. Tôi phải " chịu trận " hai ngày không thuốc, mặt mày xanh xao, hốc hác cả ra. Nhưng rồi mọi chuyện cũng êm đẹp.

      Sau trận bùng phát kiết lỵ ấy, bệnh xá được bầu là đơn vị tiên tiến. Bệnh nhân được khiêng ào ạt đến bệnh xá và sau hai tuần điều trị, họ có thể đi bộ về trại. Khi tôi chuyển trại, BS Cán đưa cho tôi một cuốn tập bìa cứng khổ lớn và bảo : " Đây là phần thưởng tiên tiến của bệnh xá. Thật ra là do công khó nhọc của anh. Anh cầm lấy đi ". Đúng ra phải nói đó là công của tất cả tổ điều trị .
      Tôi ước gì có dịp gặp ông trở lại, tôi sẽ mời ông đi ăn tối và nhắc chuyện ngày xưa .

      (còn tiếp)

      Phạm Hữu Phước
       
      #3
        frank 08.05.2018 01:53:11 (permalink)
        Chương 4


        Hơn 45 năm trôi qua, những ngày tù đày cực khổ, đói khát của tôi ở Yên Bái đã thuộc hẳn về dĩ vãng. Lòng tôi thanh thản, không thù hằn ai. Thù hằn chỉ làm lòng mình quay quắt mà quên đi hiện tại tôi đã có đủ mọi thứ cần thiết cho một cuộc sống bình thường, an nhàn trong một đất nước mà tự do là tiêu chuẩn hàng đầu như ở Úc. Chỉ riêng về tự do thôi, đã có biết bao nhiêu người trên thế giới mơ ước, trong đó có cả gia đình tôi, bạn bè tôi đang sinh sống ở Việt Nam .

        Tuy không thù hằn, nhưng những kỷ niệm cũ thật khó phai. Chúng cho tôi những hồi tưởng, những bài học thật quý giá cho đời sống của mình. Tôi sống đơn giản hơn ,ít cầu kỳ hơn, hòa đồng với mọi người hơn. Vì dẫu có gì đi nửa, cuộc sống bây giờ vẫn ngàn lần khá hơn thời ăn bo bo, ngủ sạp nứa 4 tấc bề ngang, xa yên ấm gia đình... Thế mà tôi đã sống qua năm tháng ở đấy cho đến khi được về. Cũng chính trong hoàn cảnh như thế tôi hiểu rõ lý " Khổ đế " của nhà Phật và đã đến với Phật giáo dễ dàng, một điều mà tôi cho là một trong những may mắn nhất đời tôi.


        Tôi nghiệm ra ở nơi thiếu thốn cùng cực, nhân cách của mỗi người sẽ bộc lộ rõ ràng nhất, vì nó không còn phương tiện gì để che dấu. Nhân cách không phải lúc nào cũng đi đôi với tuổi tác hay cấp bậc. Có vài người đã đứng tuổi, mang cấp tá, nhưng tư cách chưa chắc đã hơn anh chuẩn úy.


        Ở bệnh xá mỗi sáng tổ hộ lý đều nấu nước sôi phân phát cho mọi người, không thiếu một ai, chỉ cần đem lon sắp theo thứ tự để nhận nước. Thế mà có ông cấp tá ra sau, thừa lúc mọi người không để ý, bèn sắp lon của mình trước những người khác. Chuyện tuy nhỏ nhưng nó tố cáo một nhân cách chẳng ra gì.

        Trong tù chúng tôi ghét nhất là mấy tên " ăn-teng ", thập thò ton hót, báo cáo với cán bộ để lấy điểm hòng mong về sớm. 
        Trong láng chúng tôi có anh đại úy phi công trực thăng làm " ăn-teng ". Anh dấu k
        ỹ lắm, nhưng chúng tôi cũng biết. Chúng tôi khinh và xa lánh anh ra mặt. Một hôm chủ nhật chúng tôi được nghỉ lao động, chờ đến lúc hầu như mọi người có mặt đông đủ cả trong láng, tự dưng thằng bạn rất thân của tôi ngồi bật dậy nói lớn: " Tôi biết trong này có tên chó săn, tư cách hèn mọn, mọi người phải cẩn thận đừng để nó cắn càn. ". Chúng tôi yên lặng, nhưng mọi cặp mắt đều đổ dồn về phía anh. Anh ngượng chín người, mặt mày xanh mét, bn ln, chỉ còn nước độn thổ.

        Cho đến khi chúng tôi lục tục được về Nam, anh vẫn còn ở lại.


        Bài học là, CS dùng " ăn-teng ", nhưng chúng chỉ hứa hẹn ngoài mặt, không bao giờ tin tưởng loại người này. Bẵng đi một thời gian khá lâu, khi tôi đã sang Úc và hành nghề lại ở Melbourne, tôi rất đòi ngạc nhiên khi bổng dưng một hôm thấy anh ta ở đâu lù lù đến khám bệnh. Nói chuyện tôi mới biết anh được về sau chúng tôi tới 2 năm, sau đó vượt biên và đến Úc. Anh chỉ gặp tôi một lần duy nhất rồi biến mất .

        Trong tù chẳng có gì vui, nhưng thỉnh thoảng chúng tôi cũng tìm ra được những nụ cười ý nhị. Trại thường khuyến khích và cho chúng tôi mượn những loại "sách chính trị thổ tả " về đọc. Một hôm trong một tập san văn nghệ quân đội tôi đọc đươc một bài thơ có mấy câu mà tôi vẫn còn nhớ đến bây giờ :

        " Đào sâu, suy nghĩ , cảm thông
        Mới hay Đảng ở trong lòng mà ra "
        .

        Sáng hôm sau gặp thằng bạn thân ở hố xí lộ thiên của trại, tôi chỉ vào bụng và đọc hai câu thơ trên. Ngụy với nhau nên hiểu nhau còn hơn điện chớp, nó phá ra cười sặc sụa. Tôi cũng ôm bụng cười. Hai đứa được một trận cười nghiêng trời lở đất. Ở tù mà uống được " thang thuốc bổ " ấy là lên được mấy thần công lực. Khoảng thời gian ấy chúng tôi ăn toàn bo bo, ăn sao ra vậy, nên hai câu thơ càng hợp thời, hợp cảnh hơn. Trong tù có được người bạn thân có thể nói được hết những gì thầm kín trong lòng để xả " xú-bắp " mà không sợ bị báo cáo là cái may mắn tuyệt vời của đời tù.


        ( Còn tiếp)

        Phạm Hữu Phước

        #4
          frank 31.05.2018 02:04:00 (permalink)
          Chương 5
           
          Bên trời lận đận

          Phạm Hữu Phước


          Sau ba hồi kiểng dài, bọn tù ồn ào lo thu xếp chổ ngủ của mình lần cuối, khoác vội chiếc áo mưa lên người rồi tất bật chạy ra sân xếp hàng cho kịp giờ điểm danh và phân chia công tác trong ngày. Chuyện cứ lập đi lập lại hàng ngày như thế nhưng sáng nào cũng ồn ào nhốn nháo cả lên.
          Mưa nhẹ lất phất .Trời lạnh lắm. Giá đóng trắng trên lớp cỏ trước sân và mái láng lợp bằng nứa. Bọn tù gầy gò, run rẩy trong chiếc áo mưa dày cộm rộng thùng thình, nhìn giống như một đàn quạ, nhẩn nại , im lìm sắp hàng.
          Sau khi điểm danh là phần phân chia công tác. Phần tôi phải chặt đủ hai mươi cây nứa mang về trại.
          Nứa chặt về cả đống, bỏ ngổn ngang, đôi khi không biết làm gì. Nhưng ngày nào chúng tôi cũng phải đi chặt nứa. Có lẻ cán bộ trại muốn bắt chúng tôi phải làm một cái gì đó nặng nhọc trong ngày để thân thể chúng tôi ngày một yếu đi, tinh thần ngày càng bạc nhược để dễ cai quản bọn sĩ quan ngụy này. Họ biết rất rỏ chúng tôi đã được đào tạo trong các quân trường, đã dày dạn trên chiến trận thì phải cẩn trọng, chớ khinh xuất coi thường.

          Tôi dớn dác chạy đi tìm Dũng ngay. Hằng ngày tôi vẫn đi chặt nứa chung với hắn. Đi chặt nứa phải có bạn, lở tai nạn hay chuyện gì bất trắc xảy ra thì biết xoay xở ra sao.
          Việc chặt nứa ngày càng nhiêu khê. Nứa ở các nơi gần trại đã bị tù chặt sạch, muốn có nứa phải đi xa hơn. Đi xa hơn nghĩa là chúng tôi phải vượt qua một con dốc khá cao, để tìm nứa bên kia sườn núi.
          Chúng tôi đâu còn sức lực như xưa. Thiếu ăn, thiếu dinh dưởng làm chúng tôi gầy gò va yếu hẳn đi. Suốt ngày chỉ mơ được một mu khoai mì hay một miếng cơm cháy để cái bụng xẹp lép khỏi kêu gào. Hai mươi cây nứa tươi trên vai được kéo đi bằng một cổ người máy ốm yếu xanh xao là cả một sự gắng sức phi thường. Trời đã sinh ra tù sao lại còn sinh ra cái dốc quái ác kia để tù thêm khổ, cái dốc mà tù đặt tên là “ Dốc trời ơi “.
          Kéo nứa lên được đến đỉnh dốc là tù liệng ngay bó nứa , nằm sải dài xuống đất và thở phào “ Trời ơi là trời “.

          Ra khỏi trại một quảng Dũng hóm hỉnh nheo mắt nhìn tôi :
          - “ Tao có cái này hay lắm. Tao đã để ý mấy lần rồi. Tao đã tìm ra bãi đáp để bọn mình làm một chuyến “ cải thiện “. Mầy cứ tin vào tay tao".
          “ Cải thiện” là tiếng tù thường dùng để chỉ việc kiếm thêm cái gì để nhét vào cái bụng lép xẹp ngoài bửa ăn do trại cung cấp. Đối tượng của cải thiện có thể là một củ khoai mì, một trái bắp, một dúm rau mùng tơi…hay bất cứ cái gì “ nhúc nhích “ như con ếch, con nhái, con rắn…Châm ngôn của tù là cái gì nhúc nhích là có thể bỏ vào miệng để tìm “ chất tanh “.
          Hắn nhìn tôi lần nữa mỉm cười như để khuyến khích :
          - Nhưng mầy phải theo chiến thuật của tao mới được. Tao không nói trước vì sợ lộ bí mật. Đến đâu tao sẽ nói với mầy đến đó.
          Tôi nhát, nhưng cũng thích cải thiện như hắn vì cái bụng của tôi cũng đang cồn cào. 
          Tao theo mày.
          - Có thế chứ. 
          Nhớ là tên này đã từng là sĩ quan Biệt cách dù nhé. 
          Hắn là Biệt cách dù thứ thật. Tiểu đoàn hắn nhảy dù vào giải cứu Phước Long vào phút chót, nhưng bị tan hàng và hắn bị bắt đưa ra Yên Báy với bọn này.
          - Bọn mình cứ chặt nứa như mọi ngày, nhưng đừng làm nhanh quá. Làm thế nào khi kéo nứa lên giốc “ trời ơi “phải vào khoảng quá nửa buổi chiều. Mình phải là những người kéo nứa vào trại sau cùng.
          Tôi theo đúng “ lệnh hành quân “ của hắn.
          Quá nửa buổi chiều chúng tôi ì ạch mệt nhọc kéo nứa bò lên “ giốc trời ơi “. Nghỉ ngơi một lát ở đỉnh giốc để lấy sức, chúng tôi xuống dốc. Đến chân dốc trời đã bắt đầu nhá nhem. Đoạn đường từ đây về trại khoảng hơn cây rưởi số, nhưng đường tương đối bằng phẳng dễ đi.

          Khi kéo nứa gần đến chiếc cầu tre bắt ngang qua một con lạch nhỏ, hắn nhìn trước nhìn sau, không thấy ai, hắn bảo :- “ Bỏ nứa xuống đi “
          Rồi hẳn đưa tay chỉ ao rau muống bên kia con lạch :
          “ Mầy với tao qua bên kia cải thiện đi “
          Tôi phải chịu là hắn tinh mắt. Tôi đã đi ngang qua đây với hắn bao nhiêu lần, mà có để ý đến ao rau muống đó đâu.
          Tôi bảo hắn:
          “ Thôi tao chịu thôi. Đói thì ráng chịu, l
           bị bắt bọn quản giáo xỉ vả, bọp tai rồi nhốt nhà đá tao chịu không được "
          Tôi nhớ hôm trước có một anh trong trại đói quá ăn cắp mấy củ khoai mì, bị dân bắt được , rượt tới trại, cán bộ chửi mắng thậm tệ và nhốt vào nhà đá.
          - Mầy nhát như thỏ. Bụng đói mà chân không mun bò. Vẫn còn thoái quen của quan tu bíp ngồi phòng khám. Thôi được mầy ngồi đây làm trinh sát cho tao.
          Nói rồi hắn nhanh nhẩu lội nhanh về phía ao rau muống.
          Được một lát t dưng tôi nghe có tiếng nôn ọe dử dội, và tiếng hắn kêu lên :
          - Chết tao rồi Phước ơi !
          - Chuyện gì thế Dũng ? 
          Vừa nói tôi vừa bỏ chổ ngồi lao thẳng về phía hắn.

          Hắn đã lên khỏi bờ ao. Một tay vẫn còn nắm một mớ rau muống, tay kia bỏ vào miệng móc cho nôn ọe hết mọi thứ còn dính trong miệng.
          Chuyện gì vậy Dũng ? Tại sao mầy móc họng cho ói ?
          - Trời ơi là trời, sao tôi đến nông nỗi này. Tao ăn cứt.
          Lúc ấy tôi mới nhìn kỷ, vẫn còn những vệt phân màu vàng dính trên môi và hai bên má hắn.
          Tôi hiểu ra rồi. Dân ở vùng này vẫn có thoái quen dùng phân người để bón rau. Trong lúc đói và vội vã hắn đã nhai ngấu nghiến những cọng rau muống còn lẫn phân người.
          Tôi lấy tay lau vội hai bên má hắn, rồi choàng tay ôm chặt vai hắn. Hắn dịu lai. Và tôi thấy những giọt nước mắt lăn trên má hắn. Những giọt nước mắt tức tưởi của những “ người hùng ngã ngựa “.
          Tôi muốn nói vài lời an ủi hắn. Nhưng có nói cũng bằng thừa. Chúng tôi hiểu tận đáy lòng của nhau mà chẳng cần thứ ngôn ngữ hời hợt .
          Chỉ vì chúng tôi “ Cùng một lứa bên trời lận đận “


          Phạm Hữu Phước

          #5
            frank 02.06.2018 00:41:01 (permalink)
            Chương 6
             
            Niềm vui trong tù 


            Phạm Hữu Phước


            Tháng sáu 76 tù được chuyển ra Bắc ồ ạt. Từ hai tháng trước bọn tù cũ ở Yên Báy chúng tôi đã được huy động toàn lực đi chặt nứa để làm những cái láng tạm.
            Một bệnh xá được thiết lập và bọn chúng tôi gồm nha sĩ Hạnh, dược sĩ Luân và tôi, bác sĩ, được điều về bệnh xá. Chúng tôi là những y nha dược sĩ ở bệnh viện tỉnh Phước Long, bị bắt làm tù binh ngay trên mặt trận khi Phước Long thất thủ và lọt vào tay Cộng Sản hồi đầu tháng giêng năm 75.
            [font="arial, helvetica, sans-serif; font-size: small; line-height: 2"]Bệnh xá gồm 80 giường cho tù và 20 giường cho khung cán bộ. Chỉ huy trực tiếp là một ông thượng úy bác sĩ quân đội. Phải công nhận ở tù mà được điều về làm ở bệnh xá là có “qưới nhân phù hộ”. Chúng tôi không phải đi lao động nặng như vào rừng chặt cây, chặt nứa, hay đào hố , làm ruộng... Ăn uống thiếu thốn, người gầy rạc, suốt ngày chỉ mơ tưởng đến một mẫu khoai mì mà phải vắt sức làm lao động nặng thì thật không còn cái khổ nào bằng, nhất là ở Yên Báy mùa đông khí hậu miền ngược lạnh buốt thấu xương, chân chúng tôi nứt nẻ đau nhói trên từng bước đi. 

            Còn một chuyện lạ nửa, khó tin nhưng có thật, là chúng tôi được ăn cơm không độn. Về bệnh xá chúng tôi ăn theo tiêu chuẩn bệnh nhân, có cơm ăn với nước canh rau nấu với muối. So với tù trong trại thì quả thật chúng tôi đang sống trong cảnh thiên đường hạ giới. Bửa ăn của tù gọi là “ cơm “ cho sang chớ thật ra chỉ toàn bắp vàng rực lẫn với vài hạt cơm làm dáng, có khi mấy tháng liền ăn toàn bo bo hay gạo mục chở từ trong Nam ra.

            Theo quy định của trại chúng tôi không được tiếp xúc với ai ngoài bệnh nhân, và suốt ngày chỉ được quanh quẩn đi lại trong vòng rào tre bệnh xá. Một hôm, nổi máu giang hồ tôi xung phong theo cán bộ ra thị xả Yên Báy mua thực phẩm tươi cho bệnh xá. Mấy hôm trước có thằng bạn từ trong trại lén ghé vào bệnh xá và cho tôi 2 đồng. Thằng này lém lắm, không biết nó “cải thiện “ ở đâu ra tiền, tôi cũng chẳng có thì giờ hỏi nó cho ra lẽ vì lở bị bắt gặp chuyện trò là lôi thôi to với quy định của trại. Có lần nó xúi dại : 
            “ Mầy ăn cắp một viên tetracycline thôi. Tao chạy cho mầy một nải chuối “.


            Tôi vốn bản tính thích chuối, thích đến độ ở nhà vẫn gọi đùa tôi là “ông đạo chuối “. Hơn năm rưởi tôi chưa từng được cắn miếng chuối ngọt lịm nào vào miệng. Thèm lắm. Nhưng tôi cũng biết một viên tetracycline trong tù qúy biết chừng nào. Nói có Trời làm chứng, dù thèm chuối nhỏ dải, tôi chưa bao giờ ăn cắp một viên tetracycline để đổi một nải chuối. Có lần khi còn ở chung với anh em trong trại, thấy tôi đói quá, có anh bạn dúi vào tay tôi một mẩu khoai mì nướng : 
            “ Tui biết anh đói lắm. Nhưng anh đừng đi cải thiện linh tinh. Bọn quản giáo bắt được chi rủa và giam nhà đá thì mất mặt lắm. Nhục lắm. Dù gì đi nửa anh cũng là trí thức, là bác sĩ. Bọn này kiếm được cái gì chút chút sẽ dúi cho anh“
            Tôi cầm lấy miếng khoai mì mà nước mắt chảy ròng ròng, không kịp nói lời cảm ơn. Trong hoàn cảnh tận cùng mới thấm thía được tình người với nhau. Làm sao tôi có thể ăn cắp một viên tetracycline của những người bạn tù khốn khó để đổi một nải chuối cho riêng mình.

            Có 2 đồng rủng rỉnh trong túi tôi cũng muốn ra chợ mua vài trái chuối nhâm nhi cho đả cơn thèm. Tôi rủ thêm thằng dược sĩ Luân đi cho có bạn. Chúng tôi được giao cho một chiếc “ xe cải tiến “. Nói là xe cải tiến cho xôm tụ, thực ra đó chỉ là một chiếc xe bằng gổ xộc xệch với hai bánh xe cũng bằng gổ bao lớp vỏ cao su. Xe khá nặng, tôi kéo cái càng nặng trịch ở phía trước, thằng bạn đẩy phía sau. Trước khi “xuất quân “, anh cán bộ ra lệnh cho chúng tôi vào kho xuất 3 lon gạo, một nhúm muối, 2 cây cải bẹ xanh và một cái nồi mang theo, chuẩn bị cho buổi ăn trưa. Anh còn cẩn thận dặn dò :
            “ Ra chợ các anh đừng quan hệ linh tinh nhé! Nhớ nhé ! “ 

            Sắp vào tháng chạp, đã có lất phất những cơn mưa phùn nhè nhẹ. Trời khá lạnh. Đường trơn vì mưa, lại gập ghềnh vì những ổ gà. Hai đưá ì ạch vất vả, thở phỉ phò với tiếng bánh xe lăn ken két trên đường. Cực nhất là phải gắng sức kéo chiếc xe cải tiến chết tiệt, nặng chình chịch, qua những vũng bùn. Bùn đất tung toé đầy người dính lên cả mặt. Anh bộ đội tương đối còn trẻ, có vẻ ít sắt máu, lầm lủi cỡỉ xe đạp theo sau. Thỉnh thoảng anh lại nhắc 
            “ Các anh khẩn trương lên. Ra chợ ta còn mua rau rồi mới về “.

            Gần đến trưa chúng tôi mới đến gần thị xả Yên Báy. Tính ra chúng tôi cực nhọc lắm mới xê dịch được khoảng 8 cây số trong vòng 4 giờ. Anh cán bộ ra dấu cho chúng tôi ngừng lại nghỉ dưởng sức và vào liên hệ với nhà một người dân trong xóm cho chúng tôi mượn tạm cái bếp cho bửa ăn trưa. Ăn xong chúng tôi được nghỉ độ 15 phút rồi mới đẩy xe vào chợ.

            Chợ Yên Báy là chợ tỉnh lỵ Nhưng trông cũng lơ thơ và sơ sài lắm. Phần lớn người ta bày bán rau cải, khoai lang, khoai mì, củi khô...Không có những cửa hàng bán đồ điện gia dụng, quần áo dày dép, nước ngọt ... vừa nhiều thứ vừa đa dạng như ở miền Nam. Chỉ có vài cửa hàng bách hoá, thấy người ta bu vào, nhưng tôi không biết họ bán gì bên trong. Bao lâu sống quanh quẩn trong tù với bạn bè, giờ được mở mắt nhìn người qua kẻ lại mình cũng thấy là lạ vui vui. Giá mà có thêm một bóng hồng nào thấp thoáng nhỉ. “ Ngụy “ dù có bị trù dập trong tù, tâm hồn có lúc cũng vẫn lãng đãng khói sương ! 

            Anh cán bộ đi đây đó lựa rau, ngã giá như một bà nội trợ chính cống. Chúng tôi chỉ việc mang rau ra chất lên xe cải tiến. Đi ngang qua quầy bán chuối anh dừng lại, mua hai nải chuối chín cho mình. Anh bóc chuối ăn ngon lành tại chỗ. Thấy chúng tôi lớ ngớ sau lưng, không hiểu sao anh động lòng bẻ cho chúng tôi mỗi đứa 3 trái . Như bắt được vàng, chúng tôi ra tay ngay tại chỗ. Nhưng trực nhớ đến thằng nha sĩ Hạnh ở nhà, tôi nói với Luân :
            “ Tao với mầy chơi 2 quả thôi. Còn giành một quả cho thằng Hạnh. Chắc nó cũng thèm chuối lắm “. 

            Thằng Luân bằng lòng ngay.
            Chúng tôi mua “ chất tươi “ cho bệnh xá thế là xong. Tôi được dịp nhìn ông đi qua bà đi lại cho đỡ quẩn mắt trong giây lát , và nhất là được xơi tái 2 quả chuối mong ước. Trên đường về, tôi thấy một tiệm sách đang mở cửa. Tôi nói với anh bộ đội : 
            “ Xin phép cán bộ cho tôi ghé vào tiệm sách một chút. Tôi coi thử có cuốn sách gì mua được không ?” .

            Anh bộ đội nhìn tôi giây lát, nhưng thấy vẻ mặt tôi rất thành thật, vả lại anh cũng biết tôi là bác sĩ chăm sóc cho tù ở bệnh xá nên anh gật đầu ưng thuận, nhưng cũng không quên nhắn thêm : 
            “ Khẩn trương nhé ! “. 

            Nói là “ Hiệu sách nhân dân “ nhưng thật ra chỉ là một quầy hàng nhỏ, bên trong có một tủ kính thấp bày bán mấy cuốn tập học trò, mấy cây viết chì, mấy cái tẩy, vài thứ lặt vặt. Trên tường có hai dãy kệ bày những quyển sách ố vàng, bám đầy bụi bặm. Nhưng đặc biệt tường treo la liệt nhiều cờ đỏ sao vàng và hình Hồ Chí Minh. Tôi lúc nào cũng đam mê sách. Hiệu sách gợi lại trong tôi ký ức của những nhà sách, những sạp sách hàng hàng lớp lớp ở đường Lê Lợi ngày xưa. Tôi tính nhẩm trong đầu, mình có 2 đồng bạc, mua nải chuối chỉ ăn được trong chốc lát, nhưng nếu mua được quyển sách thì đọc lâu hơn. Tù thì cái gì cũng thiếu thốn, trừ thời giờ.

            Tôi đảo mắt nhìn hai kệ sách. Toàn những sách chính trị chán ngấy mà trại cho tù mượn đọc như Đời bác Hồ, Lenin toàn tập, chiến thắng Điện Biên Phủ...Có vài quyển tiểu thuyết nhưng tôi chưa hề nghe tên tác giả bao giờ. Nhưng mắt tôi bỗng sáng lên, tôi thấy có cuốn Văn phạm tiếng Pháp của Phạm tất Đắc. Tôi biết ông này vì ngày xưa anh tôi mua nguyên một bộ học tiếng Pháp bìa cứng do ông soạn trước kia ở Hà Nội, rồi được tái bản ở Sài Gòn. Tôi chỉ lên kệ nói :
            Chị cho tôi xem quyển kia kìa.
            Phải quyển này không ?
            Không quyển kế đó.

            Tôi thấy chị kinh ngạc ra mặt. Một thằng mặt mày phờ phạc, ốm đói, bùn đất đầy người lại chỉ vào quyển Văn phạm tiếng Pháp đòi xem.
            Úi giời. Quyển này để đấy dễ chừng hơn cả năm có ai nhìn tới đâu.

            Tôi coi lại giá quyển sách, may quá chỉ có 1 đồng rưởi.
            Tôi đưa tiền cho chị. Chị còn nói thêm :
            Anh này rõ dở hơi. Để tiền ăn có phải sướng không. Mua gì cái của nợ.

            Chị không biết chứ chộp được quyển sách này tôi như mở cờ trong bụng. Ít nhất trong những ngày tù của tôi cũng có những giây phút giải trí đích thực , hơn là đọc mấy cuốn sách chính trị thổ tả.
            Chiều hôm ấy khi về đến bệnh xá, chúng tôi liệng mấy trái chuối cho thằng Hạnh. Nó mừng ra rít.

            Quả nhiên quyển sách Văn Phạm Tiếng Pháp đã là nguồn vui cho tôi và cho cả một vài người bạn. Chúng tôi chuyền tay nhau đọc, cho đến một ngày chúng tôi được lệnh chuyển trại và nó bị tịch thu. Không hiểu sao họ lại đụng vào “ của tư hữu “ của tôi làm gì. Sách không phải thuộc loại tuyên truyền phản động, được in và bán ở "Hiệu sách nhân dân" đàng hoàng kia mà. 

            PS :
            1. - Sau khi được thả ra vào năm 1977, mấy tháng sau Dược sĩ Vũ Văn Luân bị viêm tai giữa vớí biến chứng nhiễm trùng não rồi mất tại Sài Gòn. Để lại vợ vừa mới cưới.


            Phạm Hữu Phước

            #6
              Ct.Ly 02.06.2022 04:24:58 (permalink)
              #7
                Chuyển nhanh đến:

                Thống kê hiện tại

                Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
                Kiểu:
                2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9