Re:Trại tù Yên Báy - Phạm Hữu Phước
-
26.04.2018 23:41:26
Chương 3
Cộng sản nuôi tù chẳng mấy tốn kém, khác xa với chính quyền miền Nam. Ở miền Nam nhà nước phải phải cung cấp chỗ ăn chỗ ngủ và cơm nước đầy đủ cho tù mỗi ngày. Người tù chỉ mất có tự do. Với CS tù phải làm láng lấy mà ở, phải làm ruộng, làm rẩy, tăng gia lấy mà ăn.
Tháng 06/76, CS ồ ạt đưa tù từ miền Nam ra Bắc. Nhưng từ tháng năm anh em tù cũ ở Yên Bái đã bị trại huy động toàn lực đi chặt nứa để làm tạm những cái láng đón tù mới. Đây là khoảng thời gian cực nhọc nhất cho anh em chúng tôi, ăn uống vẫn như cũ, bắp trộn ít hạt cơm và bo bo, nhưng phải vắt sức ra vào rừng sâu chặt nứa.
Tù mới ra sống chen chúc trong những cái láng dài rất thiếu vệ sinh. Trại cho đào những hố xí lộ thiên, đi cầu bên trên, bên dưới có thùng để lấy phân bón rau. Mọi thứ đều được "tận thu" kể cả phân tù, dù phân tù chỉ có bo bo với bắp đâu còn chất gì bổ để bón rau. Ruồi nhặng có hố xí làm "hậu cứ", được mùa sanh sôi nẩy nở, bay thành đàn đen nghịt, đậu vào mặt, vào chén đủa, vào thức ăn của tù. Trong hoàn cảnh sống chen chúc và dơ bẩn như vậy chuyện phải đến đã đến: bệnh kiết lỵ bộc phát dữ dội.
Bệnh xá chúng tôi là nơi tiếp đón tù từ các trại chuyển đến. Họ mệt và yếu lắm, người gầy rạc và xanh xao, phải do bạn tù cáng lên bệnh xá từ những trại cách đó 10, 15 cây số. Hầu như ngày nào bệnh xá cũng nhận bệnh nhân, có ngày cao điểm đến hơn 10 người. Bệnh xá không còn đủ chỗ, hai người phải nằm chung một giường. Bệnh nhân đông chúng tôi làm việc vất vả hơn, nhưng mọi việc vẫn chạy đều vì tôi đã chia công việc ra từng phần và giao cho mỗi người trong tổ điều trị trách nhiệm thật rỏ ràng. Tôi lảnh nhiệm vụ khám tất cả mọi bệnh nhân nhập trại, cho thuốc, và cho xuất trại khi bệnh nhân đã khỏe. Giúp tôi có một anh nha sỹ và một anh thiếu úy trợ y, để làm bệnh án, theo dõi tiến triển của từng bệnh nhân, ghi vào hồ sơ và báo cáo cho tôi hằng ngày để tôi kịp thời xử trí những tiến triển bất ngờ của bệnh. Y tá là một anh thiếu tá hành chánh quân y, giữ nhiệm vụ chích thuốc. Chúng tôi còn có tổ hộ lý nấu nước sôi, chia cơm, nấu cơm canh cho bệnh nhân. Tổ này gồm hai ông tá : một ông là thiếu tá ở khu quân nhu Long Bình, một ông là trung tá chỉ huy trưởng pháo binh Kontum. Mỗi sáng tôi đi khám lại tất cả bệnh nhân một lần. Thường thì số bệnh nhân đông quá tôi chỉ đủ thì giờ đi thăm một nửa, sáng hôm sau thăm nửa còn lại.
Thời đó tôi đã biết dùng Metronidazole ( Flagyl ) để trị kiết lỵ, nhưng trong tù làm gì có thuốc quý hiếm ấy. Chúng tôi chỉ có Emetine quốc doanh. Bình thường, thuốc này ít được dùng vì tác dụng độc với cơ tim ( myocarditis ) và cả cơ bắp (myositis). Tuy nhiên trong hoàn cảnh thiếu thốn của tù, phải tuỳ cơ ứng biến, có gì dùng nấy, không thể chờ được...
Trận dịch kiết lỵ ấy chỉ có một người bỏ đồng đội vĩnh viễn ra đi. Anh đã lớn tuổi, dinh dưỡng trong tù quá kém, bệnh lại nặng nên dù chúng tôi cố gắng hết mình trong khả năng và phương tiện eo hẹp của bệnh xá cũng không giúp được anh. Anh đi cầu liên tục, lúc đầu còn lê khỏi giường để đi cầu vào cái bô đặt dưới chân giường, nhưng sau yếu quá chúng tôi phải làm một cái chỏng đục lỗ để anh cứ nằm trên chỏng mà đi cầu. Anh chỉ uống nước và húp chút nước cháo, bệnh xá làm gì có dịch để chuyền cho anh. Cuối cùng anh đã ra đi, âu đó cũng là số phận riêng của mỗi người.
Vậy đó, chỉ với Emetine và những viên thuốc Multi-vitamin bao nhiêu người khỏi bệnh để có ngày được trở về với gia đình. Dầu sao khoa học cũng đã giúp sản xuất ra Emetine, thần dược cho những người tù khốn khổ trong khoảng thời gian ấy. Multi-vitamin là thứ thuốc "cơm nguội", nhưng tôi đã lợi dụng hiệu ứng placebo của nó. Thường tôi chỉ cho chích Emetine trong 5 ngày và uống một viên Multi-vitamin mỗi ngày, khi bệnh đã đở, tôi chỉ cho uống toàn Multi-vitamin. Trước khi ra về, khi bệnh nhân đến bắt tay từ biệt, tôi lại dúi vào tay mỗi người 5 viên thuốc Multi-vitamin và dặn dò rất trịnh trọng: " Anh phải uống đủ 5 ngày, mỗi ngày một viên, không bỏ một ngày nào hết. Có như vậy bệnh mới hết hẳn. Nhớ nhé, quan trọng lắm, đừng quên! ". Trong nổi sợ hải có thể mất mạng dễ dàng ở chốn lao tù, đôi khi niềm tin mong manh vào bác sĩ, vào thuốc men, cũng giúp họ đở lo âu một phần. Do đó tôi nghĩ mình phải " củng cố " niềm hy vọng nhỏ nhoi ấy bằng tác động placebo của mấy viên Multi-vitamin " cơm nguội " này.
Trung bình chửa trị khoảng một tuần là triệu chứng kiết lỵ chấm dứt, nhưng tôi luôn giử người bệnh ở lại thêm một tuần nữa để dưỡng sức và được ăn cơm trắng theo tiêu chuẩn bệnh xá. Tôi biết trả về trại là họ phải đi lao động, ăn bo bo và bắp. Trừ trường hợp quá tải, tôi mới gởi các anh về trại sớm hơn...
Cho đến một buổi tối. tôi thấy bụng đầy đầy khó chịu. Khuya ấy bụng tôi đau quặn và muốn đi cầu. Đi xong một lát lại thấy quặn bụng trở lại. Cứ thế cho đến sáng, tôi không ngủ được. Sáng sau phân đã thấy lầy nhầy đàm và ít máu. Tôi biết ngay mình đã "dính chấu ". Xui cho tôi Emetine trong bệnh xá vừa hết ống cuối cùng từ chiều qua. Tôi nói anh y tá lên BS.Cán báo cáo tôi đã bị bệnh và luôn tiện xin ông cung cấp thêm Emetine cho bệnh xá.
Một lúc sau ông BS. Cán xuống. Mặt ông hầm hầm, ông nói như quát vào mặt tôi: " Sao anh điên dữ vậy - chắc ông còn lịch sự tránh chữ "ngu" - phải để dành ít ống cho khung chứ. Trên tôi không có thuốc này, làm sao bây giờ đây". Nói xong ông bực bội bỏ đi.
Tôi có bao giờ biết phải để dành ít thuốc cho riêng mình bao giờ đâu. Trước mặt tôi là người bệnh đang cần thuốc, có thuốc trong tay là tôi dùng. Đơn giản chỉ có vậy. Dù sao tôi vẫn chưa bệnh mà, sao lại lấy thuốc để dành cho mình. Lở tôi không bệnh có phải đã mất một cơ hội điều trị của người khác hay không. Giờ đây nghĩ lại, tôi thấy " ngụy " hình như đã được dạy dỗ caí lối suy nghĩ " quân tử tàu " như vậy, thật không "hiện thực" chút nào !
Tôi đoán chừng ông BS. Cán đối với riêng tôi vẫn có chút cảm tình, vì cả hai đều xuất thân từ đại học. Người trí thức thường chọn lối cư xử tình nghĩa hơn. Vả lại dầu gì ông và tôi vẫn còn vướng chút tình đồng nghiệp với nhau. Có lần ông hãnh diện nói với tôi : " Tôi hả, tôi được đào tạo chánh quy từ Đại học Y khoa Hải Phòng. Tôi không phải là BS trong rừng ra, y sĩ học tại chức rồi lên BS. ". Lần khác, ông tâm sự: " Chỗ anh với tôi, anh gọi tôi bằng anh cũng được. Nhưng trước mặt người khác, anh nên gọi tôi là cán bộ, kẻo người ta phê bình tôi mất lập trường ".
Tôi rất cảm kich tấm lòng của ông khi biết rằng hai ngày sau đó, ông đã chạy đôn chạy đáo khắp các hợp tác xã quanh vùng, lùng kiếm cho ra Emetine. Hẳn nhiên là cho cả bệnh xá, vùng trách nhiệm của ông, nhưng cũng là để có thuốc điều trị cho tôi. Tôi phải " chịu trận " hai ngày không thuốc, mặt mày xanh xao, hốc hác cả ra. Nhưng rồi mọi chuyện cũng êm đẹp.
Sau trận bùng phát kiết lỵ ấy, bệnh xá được bầu là đơn vị tiên tiến. Bệnh nhân được khiêng ào ạt đến bệnh xá và sau hai tuần điều trị, họ có thể đi bộ về trại. Khi tôi chuyển trại, BS Cán đưa cho tôi một cuốn tập bìa cứng khổ lớn và bảo : " Đây là phần thưởng tiên tiến của bệnh xá. Thật ra là do công khó nhọc của anh. Anh cầm lấy đi ". Đúng ra phải nói đó là công của tất cả tổ điều trị .
Tôi ước gì có dịp gặp ông trở lại, tôi sẽ mời ông đi ăn tối và nhắc chuyện ngày xưa .
(còn tiếp)
Phạm Hữu Phước