KÝ SỰ THANH HÓA
-
03.05.2018 20:44:54
KÝ SỰ THANH HÓA
Anh em CQ hẹn nhau 4h sáng ngày Mùng 5 tết Mậu Tuất ( 20/ 2/ 2018) là lên đường xuất hành phương Bắc, Tôi cũng đã chuẩn bị, song vì là mùng 4 Tết nên nhậu lai rai, tối về thức viết mấy dòng, dù sao khi viết văn cung bậc cảm xúc trào dâng thế là viết, đến khi thấy quá khuya bà xã tôi nói vọng từ phòng " nghe nói mai ông đi mà", Tôi nhìn đồng hồ thì ra gần 01 h sáng rạng mùng 5 tết tôi mới đi ngủ, Mới chợp mắt Phan Dũng gọi tôi, mặc dù tôi đã cài báo thức 4 giờ, chuông điện thoại reo tôi biết chắc là Dũng, phải nói tính Dũng là vậy: sớm hơn là muộn.
Đúng 4 giờ ngày mùng 5 Tết, trước tòa soạn tất cả đầy đủ, 2 chiếc xe sẳn sàng.
Chúng tôi lên kịp chào hỏi các đồng nghiệp qua loa: CHÚC MỪNG NĂM MỚI, SỨC KHỎE VÀ HẠNH PHÚC thế là dụng cụ và tư trang được chuyển vào xe cẩn thận, Chưa đầy 15 phút là lên đường.
Đường Sài Gòn khuya rất vắng lặng, nếu như ban ngày xe cộ ùn ứ, chật chội huyên náo thì đêm khuya quá đổi yên ắng, chỉ thỉnh thoảng một vài xe Honda của những người làm việc cho sáng sớm mới rong ruổi trên đường khuya, Sài Gòn không bao giờ ngủ, Đúng là như vậy. Tôi định cư nơi quê Ngoại Sài Gòn nầy khá lâu nên hiểu sự làm việc của cả ngày lẫn đêm,
Xe chúng tôi bon bon chạy, mỗi xe có chừng vài ba tài xế, nếu mệt là thay ngay nên cứ thế mà hành trình, 16 giờ là chúng tôi đã đến Ninh Hòa, ăn cơm chiều tại đây, sau đó lại tiếp tục lên đường, xuyên qua các tỉnh dọc quốc lộ 1, về đến quê tôi Quảng Ngãi gần 23 giờ đêm, may thay quán phở còn thế nên anh em dừng lại ăn khuya ở đó. lòng cũng lâng lâng khi băng ngang qua cố hương nhưng không ghé lại thăm ai quê nhà và rồi qua Đà Nẳng, Huế, ... Bố Trạch, Quảng Bình chui qua hầm đèo Ngang là đến địa phận Hà Tĩnh chẳng mấy chốc là chúng tôi có mặt ở Thanh Hóa, nơi chúng tôi cần đến, ấy là quê ngoại của anh Nguyễn Văn Cương, nhân chuyến về thăm tết và kết hợp công tác Thanh Hóa, Thanh Hóa có những đặc điểm riêng, núi đá ở Thanh Hóa vách thẳng đứng, nếu các anh chị em có sức tưởng tượng cao thì hình như thuở khai thiên lập địa trời đã đúc khuôn cho các ngọn núi vậy, Dòng sông Mã và sông Chu lưu lượng dòng chảy mùa mưa rất dữ dội vì vậy Quang Dũng mới viết " Sông Mã gầm lên khúc độc hành "Về quê ngoại anh ở thành phố Thanh Hóa, Toản người anh em của anh Cương đón chúng tôi tại một quán cafe khá lịch sự và ngon, nơi chúng tôi dừng đúng điểm hẹn để đợi Toản, đặc biệt dù là quán sang nhưng hầu như quán nào cũng có cái điếu cày hút thuốc Lào Khi chúng tôi về nhà Toản thì bàn cổ đã chuẩn bị đâu đó, người Thanh Hóa đãi khách trên chiếu nối dài thành hàng chứ không phải như người Trung hay Nam ngồi trên bàn, có thể ấy là thói quen tập tục chăng? Sau khi ăn uống xong, anh 3 Cương và gia đình nghĩ ở đây còn anh em chúng tôi về nghĩ ở khách sạn. Chúng tôi ở chơi và thăm hỏi cùng gia đình bên ngoại anh 2 ngày, được đải đằng khá chu đáo. Thật vui vì các anh chị em của anh tận tình vui vẻ, thú vị vì được chứng nghiệm những giếng làng, giếng làng ở phía bắc to lắm đường kính cở 5-6 mét cơ, không như giếng miền Trung nhỏ hơn. Bây giờ mức sống đã khá lên dân trong làng trùng tu giếng khang trang, đẹp đẽ thế mới hiểu câu tục ngữ " Đất có lề, quê có thói"
1. THĂM AM TIÊN VÀ ĐỀN THỜ BÀ TRIỆU
Ngày mùng 9 Tết Mậu Tuất ( 2018), Thanh Hóa có lễ hội đền Nưa là ngày tất cả dân làng xứ Thanh kéo về Am Tiên và đền thờ Bà Triệu, chúng tôi cùng gia đình anh Cương cũng đi hội nầy. Năm nay kỷ niệm 1770 năm ngày bà Triệu Thị Trinh cùng anh là Triệu Quốc Đạt một huyện lệnh dựng cờ khởi nghĩa chống ách nô lệ giặc Ngô bên Tàu năm 248, ban đầu giặc Ngộ bị đánh tan tác, tuy nhiên về sau quân Ngô được tiếp viện rất đông, bà Triệu quân ít, cuộc khởi nghĩa bị thất bại, giặc Ngô dụ hàng song bà chạy về núi Tùng tự vẫn để giữ được tiết tháo của nữ anh hùng xứ Thanh, bà để lại câu nói bất hủ được ghi vào sử xanh " Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở Biển Đông, đánh đuổi giặc Ngô giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tỳ thiếp người ta" vì vậy, dân làng lập đền thờ để tỏ lòng yêu kính một vị anh hùng dân tộc và duy trì đến tận bây giờ.
Am Tiên và đền thờ Bà Triệu thuộc xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa được nằm trong quần thể khu du lịch núi Nưa rộng khoảng 100 hecta, có độ cao 538 mét so với mực nước biển. có thể nói ấy là ngọn núi cao nhất xứ Thanh Hóa nầy còn khá hùng vĩ và hoang sơ. Xe chúng tôi đến khoảng 7h30, sương mù dày đặc, đến nổi chừng 5 mét là không thấy nhau cơ mà, trời khá lạnh, tuy vậy khá nô nức, tôi được một anh chạy xe chở từ bãi giữ xe lên đền với giá 10 ngàn đồng, Mục đích là đến trước để chụp một số hình vì sương mù dữ dội quá. Sau đó đoàn người cùng gia đình anh Cương mới lên tới, chúng tôi vào lễ đền sau đó chụp vài tấm hình lưu niệm.Vinh giám đốc Cty truyền thông sự kiện VN Crew cũng là phóng viên cùng cơ quan quay phim và cả chụp ảnh nữa, ngoài ra còn tay máy Kim Siêu Quần, Phan Dũng và Phú không cầm máy. Chef Cương cũng vào lễ đền tôi kịp chụp cho anh vài tấm ảnh trước chính điện.Tôi lễ bà lòng lại lâng lâng trào dâng nổi niềm kính ngưỡng của kẻ hậu bối với ý nghĩ tự do, độc lập của bà cách đây đã 1770 năm.
Sau khi về tôi có làm bài thơ với cảm xúc của mình:
VIẾNG ĐỀN BÀ TRIỆU, AM TIÊN
Sương mù vây phủ núi Nưa
Khách du tấp nập tôi vừa kịp chân
Viếng đền trong cảnh đầu xuân
Ô hay trời đất muôn phần xinh tươi
Dựng cờ khởi nghĩa một thời
Cùng anh Quốc Đạt tơi bời giặc Ngô
Sử vàng non nước điểm tô
Triệu Trinh oanh liệt dưới cờ non sông
Rạng danh giòng giống Lạc Hồng
Nghìn năm còn thắm nét son tuyệt cùng
Nữ lưu cũng bậc anh hùng
Đời đời thế hệ vui mừng ca vang
Tôi về Nông Cống cùng xuân
Đến đây lòng bỗng ngập tràn hoan ca
Lễ người hồn bật ngân nga
Mùa xuân trước mặt có ta với đời
Lời nguyền tổ quốc tôi ơi
Sắt son cùng với giống nòi Việt Nam
Hồn thiêng Bà ngự núi Tùng (1)
Xua tan giặc Bắc cố cùng xâm lăng
NGÃ DU TỬ
2. THĂM LĂNG LÊ LỢI
Cũng trong ngày mùng 9 tết Mậu Tuất, chúng tôi rời đền Am Tiên và đền Bà Triệu vội vàng sang lăng Lê Lợi ở Lam Kinh, vốn là đất Lam sơn xưa, Kim siêu Quần gốc người Thanh Hóa nên thuộc làu đoạn đoạn đường nầy, chỉ hơn tiếng đồng hồ di chuyển là đến khu di tích Lam Kinh tức là kinh đô thứ 2 ( sau Đông Kinh hay Thăng Long) Núi rừng Chí Linh. Lam Sơn nơi bắt đầu cuộc 10 năm kháng chiến chống quân Minh ( 1418- 1428), cách tp Thanh Hóa chừng 50 km về hướng tây.
Lam Kinh vốn là đất Lam Sơn - quê hương của vị anh hùng dân tộc Lê Lợi, nơi phát xuất cuộc khởi nghĩa Lam Sơn vào mùa xuân 1418, nơi hội tụ những anh hùng hào kiệt, chiêu tập quân sĩ khắp bốn phương dựng cờ khởi nghĩa. Sau 10 năm kháng chiến trường kỳ gian khổ, với bao nhiêu xương máu đồng bào cùng với chiến công hiển hách lẫy lừng. Ngày 15 tháng Giêng năm Mậu Thân (1428), Lê lợi đã bình định xong giặc Minh, ông lên ngôi Hoàng đế ở Đông Kinh (Thăng Long) đặt tên nước là Đại Việt, lấy niên hiệu là Thuận Thiên và ông có chủ trương xây dựng ở Lam Sơn là kinh đô thứ 2 gọi là Lam Kinh của nước Đại Việt sau Đông Kinh. Từ đó Lam Kinh trở thành vùng đất căn bản có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Nhà Hậu Lê, tồn tại như một thánh địa tôn nghiêm, nơi thờ cúng tổ tiên và các Hoàng đế, Hoàng Thái hậu cũng như các quan nhà Hậu Lê.
Chúng tôi đến nơi đã gần 10 giờ sáng, Phía trước khu lăng là hàng quán, chúng tôi chụp vài kiểu ảnh bên ngoài và rồi mạnh ai đi xem tùy thích. Tôi cùng đi với Kim Siêu Quần để có thể chụp ảnh cho nhau,Khu lăng mộ khá rộng băng qua cây cầu đá cong cong ; nghĩa là lát đá khá dày và rộng, nhín phía phải là giếng Chi Lăng, phải nói to khiếp, đường kính khoảng 12 m, vậy mới có nước cho cả quân kháng chiến dùng để nấu nướng và sinh hoạt. Phía trái là lăng mộ cụ rùa hoàn kiếm có lẽ, khá rộng .
Bước vào khu lăng bên trái là cây đa to tuổi đời mấy trăm năm bộ rễ và thân rất hùng tráng, qua khoảng sân rộng lát gạch Tàu là khu chánh điện và dãy nhà ngói hình chữ I khá dài và rộng, cột to và nhiều ( các bạn có thể xem video playcam Khu di tích Lê Lợi để biết thêm) đến các đền thờ Hoàng đế và các vị trong hoàng tộc cùng các quan cống hiến cho nhà Hậu Lê. Phía trước mỗi đền thờ đặt lư nhang to lắm có đế cao để cho dân thập phương đến chiêm bái và thắp nhang khói.
Có tổng cọng 7 điện thờ, chính giữa là bài vị vua Lê, hai bên tả hữu thờ hoàng hậu và dòng tộc cùng các quan. Và đi hết khuôn viên đến cuối cùng có lăng Lê Lợi, Lăng - thực ra là mộ ngài rất đơn sơ xung quanh xây bằng đá cao chừng 1met, trên có cỏ xanh khá đơn giản, khu đất cũng tương đối khiêm tốn, không lớn lắm, Trong đầu tôi trên đường đi cứ nghĩ to lớn lắm như lăng các vua Triều Nguyễn, phía trước đặt hương án để nhang khói cho ngài, tôi đứng trước mộ người chắp tay dâng lên lòng kính phục vô hạn, " Công với đất nước và dân tộc to lớn như vậy - đưa tổ quốc và dân tộc Việt qua ách đô hộ của giặc Minh lật trang sử tự chủ tuyệt với, chứ mộ đâu cần to lớn làm gì" ? Thế mà các con cháu bây giớ có chút ít địa vị sao tiền bạc nhiều quá xây mồ mả cho cha mẹ thấy khiếp quá, không biết tiền đâu mà nhiều vậy!
Phía ngoài lăng mộ bên tay mặt có cặp voi phục, voi làm bằng xi măng cũng khá đẹp, có lẽ để nhớ ơn đoàn voi xung trận rất dũng mãnh của ngài chăng?
Thăm lăng mộ Đức vua Lê Lợi tôi lại bùi ngùi nhớ Ức Trai, không biết ông có được thờ ở trong nầy không, một quân sư đại tài của thời Hậu Lê nhưng quá oan nghiệt bởi Lệ Chi viên, ta nghe lại đoạn Bình Ngô đại cáo của ông để suy gẫm:
"Ta đây:Núi Lam Sơn dấy nghĩa
Chốn hoang dã nương mình
Ngẫm thù lớn há đội trời chung
Căm giặc nước thề không cùng sống
Đau lòng nhức óc, chốc đà mười mấy năm trời
Nếm mật nằm gai, há phải một hai sớm tối.
Quên ăn vì giận, sách lược thao suy xét đã tinh,
Ngẫm trước đến nay, lẽ hưng phế đắn đo càng kỹ..."
Khi ra khỏi khuôn viên lăng ngồi uống nước cô chủ hàng quán mời mua bắp, ăn trái bắp phía bắc để biết vị, ngon có lẽ hơi đói, chúng tôi lòng vòng hết khuôn viên khu di tích vua Lê Lợi cả giờ đồng hồ còn gì.
Lên xe để còn về suối cá thần một trong những địa chỉ đã lập trình trước, nghe nói rắng nơi ấy " vạch cá mới thấy nước" nên cũng háo hức thực nghiệm để biết thực hư thế nào
3.THĂM SUỐI CÁ THẦN
Rời lăng mộ vua Lê Lợi, người đã cùng quân sư Nguyễn Trải làm nên chiến tích oai hùng 10 năm kháng chiến và bình định giặc Minh ( 1418- 1428) dựng lên triều đại nhà Hậu Lê, khá rực rỡ, chúng tôi liền về suối cá thần Cẩm Lương, Thanh Hóa cho kịp thời gian, thời giờ chúng tôi rất ít nên quý tùng giờ một, Kim Siêu quần người tài xế giỏi nhiều kinh nghiệm tăng tốc chiếc xe Toyota như con tuấn mã không biết mệt mõi là gì, hết chặng nầy qua chặng khác, chẳng mấy chốc chúng tôi tới khu du lịch Cẩm Lương, Cẩm Thủy, Thanh Hóa, nơi người ta nói rằng " vạch cá mới thấy nước" nghĩa là mật độ cá dày đặc trong khoảng vài ba trăm mét suối. Tôi bán tín bán nghi nên háo hức mục sở thị.
Cuối cùng chúng tôi đến nơi cũng hơn 12 giờ trưa, Tuy vậy cứ vào thăm chuyện ăn uống tính sau, Mỗi người một vé vào cổng mạnh ai cứ đi, tôi tính hay quan sát nên tà tà xách máy ảnh xem xét, thích là bấm máy ghi hình, con đường ngắn và hẹp nhưng lượng người khá đông vui, hình như ai cũng hớn hở vì đến đây, phía tay trái là một con suối nhỏ nước trong, tôi cúi xuống vúc nước rửa tay vài chú cá có lẽ hiếu kỳ nên đi xa chúng bạn, nước mát và không tanh, đây là hiện tượng lạ, cứ nghĩ cá dày thế nầy có lẽ tanh lắm, nhưng không, nước mát lắm, băng qua cây cầu nhỏ là gặp đền thờ có người cai đền, thần rắn phía phải và thần cá phía trái đền chính.
Tôi và Dũng mua bịch bắp rang nở tính cho cá ăn để xem như những nơi khác nhưng bảo vệ không cho chúng tôi thả bắp rang nở bèn phải bỏ bịch bắp vào thùng rác để rãnh tay chụp ảnh, qui ước ở đó là vậy nên cũng chấp nhận.
Vào sâu bên trong mới thấy đúng như lời nói của dân địa phương "vạch cá thấy nước" và mực nước suối chừng 4, 5 tấc thôi, ô, thì ra cá nhiều lắm mật độ dày đặc, con nhỏ rất ít thấy, thỉnh thoảng vài con cá nhỏ lượn lờ trông xinh quá, còn lại là cá lớn, cá trưởng thành con lớn nhất có thể năm bảy ký, cá thần rất ngộ, vãy như cá chép, đầu như cá dồ, và vi màu đỏ hồng tròn cánh, đẹp. Đặc biệt cá rất hiền hậu và thân thiện, tôi đến gần hang nơi cá ra vào, hang nhỏ thôi chừng hơn một thước tây, thả tay vẫy nước nhưng cá vẫn trừng nhìn thậm chí là còn bơi tới, hầu như ai cũng thích thú, tôi cũng vậy thậm chí thật ngỡ ngàng. Máy chụp ảnh của tôi liên tục chụp các chú, bởi nước trong nên cũng khá rõ ràng.
"Suối cá thần Cẩm Lương (hang cá thần Cẩm Lương) là nơi có những đàn cá tập trung sinh sống với mật độ dày đặc, được đồng bào dân tộc địa phương gìn giữ và tôn kính như cá thần. Đây là điểm đến tham quan độc đáo và khá nổi tiếng trong các tuyến du lịch Thanh Hóa. Suối cá thần Cẩm Lương còn được người dân địa phương -người Mường gọi là Mó Ngọc tức suối Ngọc, nằm bên chân núi Trường Sinh, thuộc bản Ngọc, xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa. Dòng suối trải dài khoảng 2km, chảy từ một hang đá ở chân núi, đổ ra cánh đồng thung lũng nằm thoai thoải bên bờ nam sông Mã" ( 1), về truyền thuyết mời các bạn vào google tìm đọc sẽ hiểu.
Thì ra "đi cho biết đó biết đây" thật thú vị nghĩa là thực nghiệm mới thấy đã đời, hơn tiếng đồng hồ chúng tôi chơi với cá bèn lên trên dãy quán uống cafe và ăn vội vài trái bắp cùng cây cơm Lam - loại cơm được nấu trong ống trúc, khá thơm hình như phía bắc các nơi đều có.
Trời đã quá xế, nhưng không khí mát vì nhiệt độ nơi ấy lý tưởng nên không mệt như ở đền Am Tiên và Bà Triệu.
Cảm ơn đời cho ta có thêm chuyến đi cùng đồng nghiệp để thực nghiệm, để hiểu thêm về kiến thức và biết rằng cuộc đời là chuyến hành trình dài khi có cơ hội hãy tận dụng và tận lực, làm phong phú thêm cho chính mình.
Mai mốt chúng tôi quay về Sài Gòn để trở lại với trách nhiệm cuộc sống thường hằng vẫn nhớ một kỷ niệm đẹp đi ngang đời nhân mùa xuân Mậu Tuất.
NGÃ DU TỬ/ SG
Mùa xuân năm Mậu Tuất - 2018