Truyện ngắn

Tác giả Bài
Kim Uyên
  • Số bài : 15
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 26.11.2018
Truyện ngắn - 26.11.2018 16:09:51
Dubai du ký
Truyện ngắn Kim Uyên
 
Hành khách bắt đầu ra khỏi máy bay, lão Tị xách cặp xăm xăm đi trước bỏ mặc thằng Cò đang mải lôi hành lí trên khoang đồ xuống. Thấy sếp mình hăng hái đi, thằng Cò gọi với theo:
-         Sếp, đợi em không lạc đấy!.
-         Nạc nà nạc thế nào!. - Lão Tị không thèm quay lại, vừa đi vừa càu nhàu bằng cái giọng ngọng chữ l thường ngày.
Lần đầu đến Dubai thôi thúc tính tò mò của lão Tị. Lão muốn ngay tắp lự khám phá các vương quốc Ả Rập, cho dù chuyến đi chỉ một thầy, một trò. Thằng Cò có nhiệm vụ phiên dịch cho lão. Có bằng ngoại ngữ hẳn hoi, lão vẫn chẳng thể tự giao tiếp. Cứ nhìn thấy người nước ngoài, định uốn lưỡi nói câu gì đó, lão lại run. Lão sợ nói vừa ngọng, vừa sai, họ không hiểu đã đành, thằng Cò bịt mũi cười thì mất mặt quá!.
Lão Tị bỏ xa thằng Cò đi nhanh ra hành lang hướng về phía cửa kiểm soát. Thằng Cò bảo, qua đó sẽ có người đón. Danh nghĩa đi công tác, nhưng sự thực sang năm về hưu nên lão Tị tranh thủ đi chơi bằng tiền cơ quan. Đi cùng thằng Cò không phải “gu” nhưng vì nó là thằng biết cả tiếng Ả Rập nên lão đồng ý chứ ở chức vụ như lão thiếu gì đệ xin theo.
Mải nghĩ, lão Tị hăm hở bước vào một hành lang rộng nhưng vắng ngắt. Khi nhận ra điều đó lão bất ngờ khựng lại dáo dác tìm kiếm những người cùng ra máy bay lúc trước, nhưng chẳng hiểu họ biến mất lối nào?. Hành lang vắng vẻ!. Đang lơ ngơ vì bị lạc, lão chưa biết nên đi tiếp hay quay lại thì bất ngờ có hai viên cảnh sát to như hộ pháp, đứng chặn trước mặt. Họ xì xồ gì đó, lão nghe không hiểu. Lại thấy thái độ vừa lạnh lùng vừa có vẻ xấc xược của họ, lão Tị quay đi. Cuối cùng, một người hất hàm ra hiệu bằng tay, lão Tị làm thinh. Hai viên cảnh sát nói mấy câu nữa, nhưng lão vẫn kiên quyết im lặng. Ngay lập tức, chúng sấn lại, mỗi đứa sốc một bên kéo lão đi.
Bị đối xử như tội phạm, lão Tị điên tiết chửi nhặng xị. Hai thằng mắt xanh, râu quai nón không mảy may bận tâm vẫn kéo lê cái xác to béo của lão. Đi hết dãy hành lang dài hun hút, chúng đẩy lão vào căn phòng hẹp có cái bàn trống trơn. Lão Tị gườm gườm nhìn đầy căm giận. Lão lẩm bẩn: Chúng mày có biết bố mày là ai không?. Chúng mày dám kéo ông như vậy à.., rồi sẽ phải hối hận!. Chúng mày sẽ chết…
Lão Tị đang giận sôi người, hận hực nghĩ đến các hình thức trả thù hai viên cảnh sát đối xử tệ thì thằng Cò tất tả chạy vào. Trong lúc thằng Cò mừng rỡ tìm được sếp thì lão Tị gầm lên rủa: Thằng vô trách nhiệm, đồ thiếu lương tâm, mày để chúng lôi ông thế à?. Ông sẽ khai trừ mày ra khỏi đảng, ông sẽ cắt lương, cắt thưởng .., ông sẽ đuổi việc mày… Ông sẽ…!. Thằng khốn kiếp!... Thằng khốn kiếp…
Chờ lão bớt chửi, thằng Cò quay sang hai viên cảnh sát hỏi:  
-         Sao các ông giữ người?.
-         Ông ta đột nhập vào khu vực cấm - Một viên cảnh sát trả lời.
Thằng Cò há mồm, nó biết ngay lão Tị đi lạc. Sau một hồi trao đổi với hai viên cảnh sát, thằng Cò quay sang lão Tị:
-         Họ kết luận sếp mắc hai tội, một là đột nhập vào khu vực cấm, hai là cảnh sát kiểm tra giấy tờ nhưng không xuất trình cũng không trả lời, có nghĩa là bất hợp tác nên sẽ bị tạm giữ hai mươi tư giờ để điều tra xem sếp có ý đồ phá hoại hay liên quan đến tổ chức khủng bố nào không?.
Nghe vậy lão Tị nổi khùng:
-         Mấy thằng chó chết!. Mày gọi điện cho đại sứ quán đi. Thằng trưởng đại diện bên này là bạn tao…
-         Ùi.. ùi… sếp ơi!. Đây là sân bay Dubai chứ không phải Nội Bài hay Tân Sơn Nhất. Ở trong nước, sếp xuống máy bay có người đón đi lối cửa riêng. Khu vực cấm sếp được ưu tiên. Có gì không hài lòng là sếp gọi điện thoại.., nhưng ở đây không ổn.., rất là không ổn, đây là Dubai…
Lão Tị gằn giọng cắt ngang:
-         Mày gọi đi, bạn tao giải quyết.
-         Ngượng lắm sếp ơi!.
Nghe thằng Cò phản đối, lão Tị hạ giọng: Mày hỏi xem họ muốn tiền hay gì?.
Thằng Cò lo lắng phải đối mặt với rắc rối, lại sợ bị nhốt, bị phạt, nó đăm chiêu một lúc rồi quay sang hai viên cảnh sát:
-         Trên người ông Tị không có bất kì thứ vũ khí hay hóa chất gì, các ông không thể kết luận là khủng bố. Ông ta có bằng ngoại ngữ nhưng chưa sử dụng được nên đi vào khu vực cấm là đương nhiên. Hỏi không nói được vì các ông nói toàn tiếng Anh, tiếng Ả Rập, biết trả lời thế nào mà chả im lặng nên không thể kết tội bất hợp tác.
Một viên cảnh sát trợn mắt quát: - Mày nói láo… Lão ta là sếp của mày mà kêu không biết ngoại ngữ?. Thế mày là gì?.
-         Tôi là trợ lí cho ông ấy. Ở chỗ tôi nhiều sếp không biết ngoại ngữ, chỉ cần có “chống lưng”.
Viên cảnh sát há mồm:
-         “Chống lưng” là cái quái gì?
-         Một khái niệm quyền lực, chỉ cộng đồng ở đó mới hiểu ý nghĩa to lớn của nó.
-         Rối rắm vậy sao?.
Lời qua tiếng lại cãi nhau một lúc, cuối cùng thằng Cò phải nộp phạt ba trăm đô la. Viên cảnh sát còn khám xét hành lí của hai người mấy lượt nữa mới cho đi. Lúc thằng Cò xốc lại ba lô và xách cái cặp của lão Tị đứng lên, một viên cảnh sát ngăn lại:
-         Sếp mày dốt thế để hắn vác đồ.
Lão Tị thấy viên cảnh sát ngăn hành động của thằng Cò thì bực bội hỏi: - Chúng lại đòi gì?.
Thằng Cò dịch lại: Nó bảo ước gì có “chống lưng”.
Lão Tị không thèm nhìn hai viên cảnh sát, vừa đi vừa càu nhàu: Đồ ngu… chúng mày đừng có mơ!.
 
 
***
 
 
Sau một tuần đi chơi, thăm thú, lão Tị và thằng Cò ra sân bay về nước. Đã từng đi nhiều nơi, nhưng những ngày ngao du ở các vương quốc Ả Rập cho lão đi từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác. Mỗi tòa nhà là một công trình kiến trúc hiện đại đặc sắc tạo nên vẻ đẹp xa hoa giàu có trên cát. Nếu chưa đi, lão không thể hình dung ra những ngọn tháp vươn mình tận mây trắng. Cũng không biết đảo Dừa lộng lẫy neo giữa biển xanh. Đêm xa mạc lung linh huyền ảo đa sắc màu. Những bà vợ bịt mặt bằng vải đen đi bên ông chồng giàu có. Văn hóa và phong tục của người đạo Hồi cho lão những trải nghiệm thú vị đầy ám ảnh...
Tuy nhiên, ra đến sân bay lão Tị lại thất vọng. Nó không giống sự cố bị cảnh sát kéo đi lúc nhập cảnh vào Dubai tuần trước. Cũng không phải cảm giác nghe nhạc nước dưới chân tháp Burj Khalifa hay ngắm nhìn những cô gái có đôi mắt xanh thăm thẳm...    Lão Tị thất vọng vì két bia lão bảo thằng Cò mua về thết bạn bè sau chuyến đi bị giữ lại. Người ta cấm không cho mang bia lên máy bay. Ý định uống bia Dubai tại gia của lão đổ bể. Sau một hồi đắn đo và buông những tiếng thở dài, lão bảo thằng Cò:
 -  Mày mang két bia bán đi cho tao.
Thằng Cò boăn khoăn nhìn sếp, nhìn két bia định nói gì đó nhưng nó đã kịp rụt lưỡi lại. Tuần trước, khi thoát khỏi hai viên cảnh sát, về đến khách sạn lão Tị còn càu nhàu đến thối cả tai. Giờ lại đến két bia. Nó chậc chậc lưỡi, thấy số phận mình may mắn khi ở cơ quan chỉ làm việc ở phòng chuyên môn mà rất ít khi giáp mặt lão Tị. Nhưng không may cho lần này, nó là thằng giỏi tiếng Anh nhất, lại biết cả tiếng Ả Rập.  Vì thế thằng Cò phải tháp tùng lão Tị đi Dubai.
Thằng Cò lơ đãng nhìn quanh, chậc chậc lưỡi mấy cái, miễn cưỡng bê két bia đến một cửa hàng ăn gần đấy.
-         Tôi muốn bán két bia này, ông có thể  mua giúp không?.
Gã chủ cửa hàng mặc đồ trắng lắc đi lắc lại bộ râu quai nón đẹp như vẽ sau lời đề nghị của thằng Cò:
 - Không, nhà hàng không có khách uống bia.
Thằng Cò nghe vậy bê két bia đến một hàng ăn khác. Lần này, gã chủ có khuôn mặt mang nhiều nét Á Đông cũng thẳng thừng từ chối khiến thằng Cò chưng hửng. Nó đứng giữa sảnh rộng thênh thang đưa mắt tìm kiếm thùng rác. Nó tính vứt két bia đi rồi lấy tiền túi trả sếp cho nhẹ người. Tuy nhiên, nhìn quanh nhiều lượt thằng Cò chỉ thấy các cửa hiệu sáng rực mà không tìm thấy thùng rác ở đâu. Trong khi, lão Tị đứng ở đằng xa vẫn đang dõi mắt theo. Thằng Cò lại tặc lưỡi, nhẫn nại bê két bia đến một hàng ăn nằm khuất sau mấy cửa hiệu thời trang. Chờ cho gã chủ mặc đồ trắng từ đầu xuống chân đang thu tiền của mấy người khách xong, thằng Cò tiến lại:
-         Tôi muốn bán két bia này.
Gã chủ quán cao lớn, da trắng, mắt xanh tỏ thái độ không hiểu.
Thằng Cò nói chậm hơn: - Tôi mua gần hai đô la một chai, giờ tùy ông trả giá. Ông có thể mua két bia này không?.
Gã chủ lắc mạnh khiến phần đuôi của chiếc khăn trắng đội trên đầu quấn vào cổ gã nửa vòng: - Ở đây bán đồ ăn nhanh, không bán rượu, bia.
Lại bị từ chối, thằng Cò gãi đầu đề nghị:
-         Ngôn ngữ Ả Rập tôi không thạo, ông có thể hỏi mấy nhà hàng quanh đây mua giúp không?.
Gã chủ hàng ái ngại nhìn thằng Cò rồi cũng đồng ý đi hỏi các chủ hàng bên cạnh.
Lão Tị tiến gần chỗ thằng Cò. Hai thầy trò kiên nhẫn đứng đợi trong lúc hành khách hối hả tìm cửa ra máy bay. Thằng Cò nghe tiếng loa giục hành khách ra máy bay mà lo ngay ngáy. Nếu cứ loanh quanh với két bia có thể hai thầy trò nó sẽ bị nhỡ chuyến bay. Ở lại đây, không biết sẽ kéo theo bao nhiêu rắc rối mà sức nó không giải quyết được.
Cuối cùng, gã chủ cửa hàng cũng quay về trả lời dứt khoát: Không có ai muốn mua đâu.
Thằng Cò thất vọng quay sang hỏi lão Tị:
-         Làm gì bây giờ hả sếp?.
Lão Tị đắn đo một lát, trả lời: - Mày bảo với gã ta rằng tao muốn làm từ thiện két bia này!.
Thằng Cò nhăn mặt: - Ồ.., sếp ơi!. Ở đây không giống ở nhà sếp đi từ thiện mì tôm và quần áo cũ. Ở đây không thể!.
Thằng Cò còn muốn giải thích thêm với lão Tị, nhưng thấy mắt lão gườm gườm nhìn mình thì miễn cưỡng quay sang gã Ả Rập trình bày ý muốn của lão Tị.
-         Mày nói gì, tao chưa hiểu?. - Gã ta khăng khăng.
Thằng Cò nói to hơn: Ông Tị muốn chia bia cho những người nghèo uống.
Gã chủ cửa hàng nhìn hai thầy trò thằng Cò một lượt từ đầu xuống chân với đôi mắt xanh thăm thẳm rồi hất hàm: - Ở đây ai nghèo?.
Thằng Cò dịch lại cho lão Tị, chỉ thấy mặt lão đần ra còn thằng Cò ái ngại xin lỗi gã.
 Hai thầy trò thằng Cò lủi thủi quay đi.
 
 
 
 
 
 
 
 

NgụyXưa
  • Số bài : 880
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 31.01.2007
  • Nơi: Thái Bình Dương
Re:Truyện ngắn - 28.11.2018 04:35:10
"Dubai Du Ký" đã được mang vào thư viện.
 
Xin chào mừng và cám tác giả đã góp sức với phòng văn của diễn đàn vnthuquan.net

Kim Uyên
  • Số bài : 15
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 26.11.2018
Re:Truyện ngắn - 03.12.2018 14:03:28
Truyện ngắn Kim Uyên
 
Con bệnh cuối năm
 
Gã trằn trọc trên ghế đá từ tối vẫn không sao chợp được mắt. Nằm nghiêng bên phải thì ấp mặt vào gốc cây, quay bên trái lại phơi mặt ra lối đi, nằm sấp không thể, nằm ngửa hai đầu gối chọc lên trời. Ở tư thế nào thì chân cũng phải quắp lại nên gã quyết định ngồi tựa lưng vào thành ghế và gục mặt xuống hai cánh tay để trên đầu gối. Như vậy là dễ coi nhất, dưới ánh điện từ xa hắt lại người qua lại ít để ý, đám y tá, điều dưỡng hay bảo vệ có nhìn thấy cũng không chửi bới, quát tháo ầm ĩ, còn những kẻ cần mướn người sẽ nhận ra gã đang ngồi đợi việc.
Đã gần một tuần chưa có ai mượn gã, chính xác là từ sau chuỗi ngày phục ông già hơn bảy mươi tuổi ở phòng điều trị. Suốt thời gian ấy, gã nghe tiếng rên rỉ của ông đến nỗi bây giờ thỉnh thoảng vẫn lơ mơ văng vẳng bên tai sự đớn đau. Đứa con gái ngoài ba mươi tuổi, người gầy, má xạm thỉnh thoảng  vào thăm bố, hỏi gã vài câu rồi đi. Có lúc, ông già ngồi dậy câm lặng nhìn đăm chiêu vào khoảng không trước mặt như còn nhiều ẩn ức. Gã thấy buồn rờn rợn thấy như thần chết đang lởn vởn đâu đó. Ngày ông kiệt sức vì bệnh “ra đi”, gã phải ngồi đỡ và vuốt ngực để ông thở những hơi cuối cùng. Bất chợt, gã thấy có hai giọt nước rơi xuống, chảy trên cổ tay mình. Đó là lần đầu tiên gã chứng kiến một người khóc trước khi chết. Ông già chết, gã thất nghiệp. Chẳng biết có phải hồn vía ông ám hay do sắp tết mà gã không kiếm được ca nào nữa.
Hôm trước, thằng bạn quê Thanh Hóa khoe mua một con bệnh. Trông nom, chăm sóc được ba hôm thì bệnh nhân đỡ nên ra viện. Nó buồn bã bởi số tiền công mấy ngày chỉ đủ tiền bỏ ra mua con bệnh, chưa lãi đồng nào. Gã hỏi sao phải mua. Nó mắng bảo gã ngu, không mua ngồi ì đấy à? Hai tháng phục vụ người bệnh ung thư phổi nên gã không rõ sự tình đã đổi thay. Rồi thằng đó kể cho gã biết, lâu nay đám “ô sin” ở viện như gã và nó muốn có bệnh nhân phải mua qua mụ béo. Mụ có cửa hàng bán thuốc ngay cổng viện, mụ là chị chú bác với bác sĩ khoa hồi sức, vợ bác sĩ hồi sức là cháu họ phó giám đốc, phó giám đốc là em  của sếp bề trên, sếp trên là… rất loằng ngoằng nên gã không hiểu nổi!. Gã cắt ngang lời nó, nhưng vẫn ghi nhớ, đứa nào muốn có bệnh nhân mướn mà không qua cửa mụ béo thì coi như giải nghệ.
Trưa hôm qua, lúc gã ngồi gặm mẩu bánh mì khô khốc thì có người đàn ông chừng gần năm mươi tuổi đến mượn. Bố ông ta bị tai biến lần hai liệt nửa người, nằm điều trị khoảng một tháng. Gã đang mừng thầm, gia giá tiền công hằng ngày thì một ả son phấn đậm đặc kéo tay ông ta, nói mọi việc phải hỏi chị béo. Vậy là gã mất toi việc. Gã lại lủi thủi ra đứng gần cổng viện để hóng người mướn, đứng chán gã lại đi vào nép cạnh phòng cấp cứu ngó nghiêng một hồi. Gã định chạy đến con mẹ béo bán thuốc mua lại ông lão bị tai biến ấy cho dù phải ở qua tết tại viện nhưng cứ thấy cục tức ói lên cổ. Gã nghĩ phận mình phải đâm mặt đến đây, nơi lúc nào cũng sẵn tiếng kêu la bởi đớn đau và chết chóc, chỗ tập trung đủ thứ bệnh, chốn mầm dịch lây truyền nhanh nhất… Nơi không nhà, không cửa, chẳng có ngày, đêm… sống vạ vật!. Chỉ nghe hai tiếng ‘bệnh viện” thì bất kì kẻ nào cũng nổi gai ốc, sởn da gà, người già kinh hãi, trẻ con khiếp vía… Vậy mà gã phải bỏ tiền ra mua con bệnh!. Càng nghĩ gã càng thấy bất công.
Về khuya, tiếng ồn ào đã vãn, người đi lại thưa dần, mấy con mẹ bán cháo vẫn lượn lờ cùng tiếng rao ra rả. Muỗi bay o o khiến gã bực bội đập tay mấy cái lên mặt mình. Đau rát,cuối cùng cũng có con chết, máu bết vào tay gã.
Ở quê, trước kia gã cuốc đất trồng rau, đi buôn gà, buôn cám, rồi mổ lợn, mổ chó thuê, nhiều lúc đi làm một số việc không tên. Chẳng ngờ một ngày gã phải sa chân vào viện. Biết được cái nghề này gã phải cảm ơn thằng con trai tám tuổi của gã. Cũng không hẳn, nói đúng hơn là gã muốn nhanh trả hết nợ nằm viện của nó thôi. Nó là đứa lười học, mải chơi hay leo trèo và chạy nhảy. Vào buổi trưa chủ nhật dịp đầu năm, nó nhất định không chịu ngủ, cố chạy theo đám bạn trong lúc mẹ nó dài cổ gọi về. Cái thằng người còm nhon, xù xì như cục đất ấy ương bướng và ngang ngạnh. Nó chạy ra đường một lúc thì hàng xóm báo vợ chồng gã nó bị xe đâm phải. Gã xông ra trong tiếng tru chéo của vợ chạy đằng sau. Trên nền đường là thằng con nằm bất tỉnh, máu me đỏ lòm. Gã đạp cho thằng đi xe tông vào thằng bé một cái rồi ôm con trèo lên chiếc xe máy của tay hàng xóm chở đến viện.
Thằng bé vẫn cứu được, nó bị gãy một chân cùng ba dẻ sườn và khâu bảy mũi ở đầu. Trong mấy tháng thằng con nằm viện, gã ăn ngủ dưới gốc cây cạnh tường rào, có khi nằm trên ghế đá bên lối đi. Thỉnh thoảng một đứa mặt cũ rích đến hỏi xin được chăm sóc con trai gã. Gã lắc đầu, không thèm nhìn. Ở quê gã, ai ốm đều có người thân chăm sóc chứ điên rồ mới đi mượn người ngoài đến trông nom. Nếu làm thế thì không còn là giống người nữa. Kẻ đau ốm cần người nhà chăm sóc chứ đâu muốn thấy mặt người dưng, huống chi thằng bé là giọt máu bé bỏng của gã. Nhưng càng ở lâu nơi viện gã càng vỡ ra, nhiều gia đình cần thuê người, nhất là dân thành phố. Công việc phục vụ tuy vất vả nhưng tiền kiếm khá hơn gã cuốc đất ở nhà. Là người nhà quê chính hiệu gã đâu ngại khổ. Nếu may gặp gia chủ giàu có, tử tế thì công cán, quà cáp cũng hậu hĩnh.
Thế là chỉ chờ thằng con ra viện, gã quyết định từ biệt nghề mổ chó thuê khăn gói lên đường. Trước khi đi gã nói với vợ: Tao đi làm thợ, ở nhà có việc gì quan trọng hẵng gọi điện, để tao yên thân làm ăn, sẽ mang  tiền về cho mẹ con mày. Vợ gã mừng lắm! Không phải thị mừng vì sắp có tiền, mặc dù cuộc sống của thị quanh năm túng thiếu. Gã biết thị đâu phải kẻ hám tiền. Thị mừng vì gã đã quyết định sáng suốt. Chồng thị từ nay đi làm thợ xây, thợ sắt, thợ nề… chứ không làm thằng mổ chó thuê trong làng nữa. Vẫn biết không trộm cắp, cờ bạc, đĩ điếm, đâm thuê, chém mướn… lao động kiếm sống là sướng, nhưng làm vợ thằng mổ chó thuê ở làng cũng chẳng vẻ vang gì. Rồi mỗi lần gặp mấy đứa bạn lấy được chồng khá giả thị thấy phận mình tui tủi. Bây giờ thấy hắn đổi mới tư duy, đi khỏi làng làm ăn là thị mừng  - Thực ra, ngay lúc đó gã đâu biết bụng dạ vợ mình, chỉ sau này khi mang tiền về nó mới rủ rỉ nói ra…
 
*******
 
Ngồi mãi không ngủ được, gã xoay lại tư thế, bóc chiếc kẹo cao su bỏ vào miệng. Hồi chiều, gã mon men đến quầy thuốc hỏi mua bệnh nhân, nhưng mụ béo chẳng thèm nhìn gã mà tru lên: Gần tết rồi, chỉ ai sắp chết mới đến viện nằm. Gã tiu nghỉu quay ra chiếc ghế lúc nãy đưa tay sục lên mái tóc bù xù. Gã tính rồi, nếu ngồi đợi đến chiều mai vẫn không có người mướn gã sẽ về quê ăn tết. Số tiền trong túi ăn không một tuần vẫn còn đủ đi xe, thừa đồng nào gã mua cho thằng con đôi dép. Từ ngày bị tai nạn khỏi đến giờ thằng bé trở nên nhút nhát, chẳng bao giờ dám ra đường một mình. 
Trong lúc gã vừa nhai trèo trẹo cái kẹo vừa nghĩ vớ vẩn thì chợt thấy mụ béo ton ton chạy lại. Cả khối thịt béo ú của mụ di chuyển trên đôi guốc cao đầy khó khăn. Mụ vừa chạy vừa với tay vẫy về phía trước kêu: Này!…  Này!… Lúc đến gần gã, mụ hổn hển vừa thở vừa quát: Điếc sao, tôi gọi mà vẫn đực mặt ra đấy. Không cần hả?
Gã từ tốn: - Chị gọi em?
- Thế chả gọi chú thì gọi ma à. Có người cần đấy! Tai nạn trên đường … đang ở phòng cấp cứu… chưa thấy người thân nhưng cứ theo phục vụ, khi nào người nhà đến tôi nói đỡ.  
Gã vâng dạ, cảm ơn rồi xách túi quần áo lép kẹp đi sau. Mụ béo bất ngờ đứng sững, quay đầu lại khiến gã suýt vồ vào mặt mụ.
- Ngày tết giá hơi cao đấy.
Gã bần thần: Vậy sao?
- Chứ còn gì. Ngu thế bao giờ khôn lên được, giá cao thì đòi người bệnh tăng lên.
Gã gật gù nhưng trong lòng thấy áy náy vì chưa biết người bệnh thế nào? Gã thò tay vào túi, vét hết số tiền đưa cho mụ béo ngập ngừng:
-         Em còn có từng này…
Mụ béo giơ tay giật lấy nắm tiền trên tay gã, bĩu môi càu nhàu: Có từng này mà cũng đòi mua bệnh nhân ngày tết à?.
Gã nín lặng theo sau. Đến cửa, mụ béo hất hàm ra hiệu cho gã vào trong rồi uốn éo trên đôi guốc bỏ đi.
Thân chủ của gã đang nằm bất động trong phòng cấp cứu, không biết ai đã đưa ông lão vào đây. Ông nằm bẹp trên chiếc giường trong góc phòng với cái máy thở chụp trên mặt. Gã tìm tên ông ở mảnh giấy kẹp nơi đầu giường, nhưng không có. Gã nhìn quanh mấy lượt mà vẫn không tìn được thông tin gì. Chợt một y tá xuất hiện, cô thấy gã đứng bên cạnh ông già liền giục đi nộp tiền làm thủ tục nhập viện. Gã trả lời, mình không phải người nhà.
 - Thế thì đứng trông, lúc nào ông ta tỉnh gọi tôi.
Người y tá nói với giọng đầy bực bội rồi bỏ đi, cứ như gã là kẻ gây ra nỗi thất vọng cho ả. Gã mon men lại gần, toàn thân ông già không hề chảy máu ngoài vết sước nhẹ ở khuỷu tay trái. Mắt ông nhắm nghiền, hơi thở yếu ớt. Gã bóp nhẹ vào cánh tay ông và đi lại xung quanh, cuối cùng dừng lại ở đuôi giường. Phòng cấp cứu lặng im, chỉ ông già nằm bất động và gã đang đứng. Ngoài kia, bóng đêm lạnh lẽo, tiếng động cơ xe vọng vào thưa dần. Gã đứng bần thần nghĩ miên man.
 Ngày ra đi, gã vượt hơn trăm cây số tìm đến đúng bệnh viện hôm thằng con cấp cứu. Gặp bà hàng nước quen, hỏi thằng bé lại làm sao. Gã cười khì bảo: Chẳng thế nào… Số hắn cũng may, vừa xuống xe bước chân vào cổng viện đã có người phụ nữ dáng thanh tao, nền nã đến hỏi gã có nhận chăm sóc chồng bà không vì bà bận  nhiều việc. Gã nhận lời, lại còn thao thao có nhiều kinh nghiệm trong việc chăm người ốm để bà yên lòng. Thế là gã bắt đầu hành nghề từ đó. Ngày hai lần sáng, tối lau rửa cho bệnh nhân, ăn ba bữa, uống thuốc ba lần, truyền ba chai nước. Tối đến gã ngồi tựa lưng vào tường, dưới chân giường bệnh chợp mắt đôi chút. Những ngày đầu, người gã phờ phạc, tinh thần rệu rã mỏi mệt, bà chủ nhìn gã ái ngại dúi cho thêm tiền. Gã định bỏ về quê với vợ con, nhưng nghĩ đi nghĩ lại thấy về vẫn theo nghề cũ, bao giờ đời sáng lên được? Hơn thế, chẳng có tiền đưa vợ, e cũng… nhạt.
Bất chợt, có tiếng ho khan, gã bước xô lại. Ông già mắt nhắm nghiền nhưng nôn ra rất nhiều nhãi, trong nhãi lẫn cả máu. Gã phải xoay nghiêng người ông để nhãi chảy xuống nền gạch. Trong khi đỡ ông để lau chùi, gã hỏi: Con ông tên gì?... Nhà ông ở đâu… ở đâu? Số điện thoại … điện thoại?.. Ông lão không trả lời mắt vẫn nhắm nghiền. Gã chờ đợi trong im lặng rồi lại gào lên hỏi, nhưng ông lão không đáp lới. Gã thất vọng đi ra phía cửa. Đêm, có vài người qua lại trước cửa phòng cấp cứu nhưng hầu như họ rất vội và mệt. Người y tá lúc nãy quay trở lại mắt nhắm, mắt mở gắt gỏng hỏi: Ông già có tỉnh không?
Gã lắc đầu trong khi cô ta lại bỏ đi. Gã khẽ thở dài, không hiểu sao số bệnh nhân gã trông nom, chăm sóc  đều chết cả, chưa được ai ra viện về nhà. Điều này chỉ gã biết, con vợ ở quê không hay, khách hàng lại càng mù tịt. Nếu họ biết bệnh nhân vào tay gã là những ngày sống cuối cùng trên cõi đời này hẳn sẽ không mướn gã.  Cho dù nguyên nhân cái chết của họ chẳng do gã. Nghĩ đến đây, gã tiến đến lắc nhẹ vai ông già, nhưng mắt ông vẫn nhắm nghiền, thoi thóp thở. Chưa lần nào gã sợ bệnh nhân của mình chết như lần này. Những người trước chết đi gã mất việc, lần này ông lão ngừng thở, ai trả tiền cho gã về quê. Số tiền còn lại gã đưa cả cho mụ béo rồi.
Đêm muộn, ông già he hé mắt. Gã mừng rỡ bước lại, cúi xuống nhìn đôi mắt lờ đờ hỏi những câu lúc trước. Ông lão thều thào đòi gặp người thân. Gã lắc đầu. Ông già nhích bàn tay lạnh giá nắm chặt lấy tay gã rồi lại lịm đi.
Cái lạnh ngấm dần vào cơ thể, gã gỡ tay ông già cúi xuống kéo túi đồ lấy tấm áo khoác vào người. Ba giờ sáng, hai mí mắt muốn sụp xuống, không thể đợi ông già tỉnh, gã ngồi tựa vào chân giường thiếp đi. Trong giấc mơ, gã dắt tay ông già đi tìm người thân giữa phố phường nượp nượp người xe, nhưng không có ai nhận lão. Hai người dìu nhau đi mãi, đi mãi giữa những tòa nhà cao ngất cho đến khi có tiếng dép lê sàn sạt dưới sàn nhà và tiếng quát tháo ấm ĩ của người y tá tối qua, gã mới choàng tỉnh. Trời bắt đầu sáng. Gã bật đứng dậy choáng váng. Trên giường ông già đã lạnh cứng, ông tắt thở từ đêm.