MỘT CHÚT VỀ KIỀU
nguyễn thế duyên 11.12.2018 15:00:46 (permalink)
                                                    MỘT CHÚT VỀ KiỀU.
                                          Viết theo yêu cầu của một số bạn đọc
 
Hiện đang có một trận bão xung quanh truyện Kiều trong giới yêu văn học trên facebook. Chuyện đó cũng là bình thường.  Trong sự tồn tại của mình, truyện kiều đã không chỉ một lần bị đưa ra mổ xẻ bởi những nhà phê bình văn học nhưng rồi bất chấp tất cả, truyện kiều vẫn sống một cách mạnh mẽ trong lòng dân tộc. Điều đó đủ để minh chứng cho những giá trị tuyệt đỉnh của truyện kiều và thiên tài của Nguyễn Du.
Nếu như loại bỏ đi những nguyên nhân về chính trị khiến cho người ta mổ xẻ, xem xét lại giá trị của truyện kiều thì có một câu hỏi khiến cho chúng ta phải nghiêm túc trả lời đó là : Tại sao một áng văn thơ tuyệt bút như thế mà sao vẫn có người đòi xem xét lại ?
Những người đòi lật đổ truyện Kiều không phải họ không có cái lí của họ. Họ có một lí do rất chính đáng đó là họ coi truyện kiều là một truyện. Mà nếu như xem xét Kiều dưới góc độ là một cuốn tiểu thuyết viết bằng thơ thì quả thật truyện kiều không có gì đáng để bàn đến. Cốt truyện thì vay mượn, tình tiết câu truyện thì đơn giản, những xung đột kịch tính không có thì còn gì để nói về một cuốn tiểu thuyết nữa đây!
Theo chiều ngược lại, những người mê truyện kiều thì lại coi cái tinh hoa của truyện kiều nằm ở thơ chứ không nằm ở cốt truyện. Khi đọc Kiều, họ không hề nghĩ đến cốt truyện mà người ta chỉ thích thú với những câu thơ đầy cảm xúc diễn tả một cách tài hoa tâm trạng của con người.
Đến đây thì lại bật ra một câu hỏi nữa.
Tại sao lại lại có hai nhóm người khác hẳn nhau khi nhận định về truyện kiều? Sao nhóm người coi Kiều là  truyện lại không thể xem  Kiều là thơ ?
Và đây là câu trả lời.  Chúng ta phải thừa nhận với nhau một thực tế là : Không phải ai cũng có thể cảm thụ nổi cái hay của một câu thơ. Có rất nhiều người, đối với họ hai câu thơ “ Đêm qua tát nước bên đình” Và câu “ Sao em múc ánh trăng vàng đổ đi” là như nhau ! Đều “ Vần” cả . Thế thôi!  Với những người như thế thì tất nhiên họ sẽ không thích thơ và, cũng là  tất yếu, họ sẽ không đọc Kiều. Họ biết kiều qua lời kể truyện lại của một ai đó nên họ coi kiều là một truyện cũng không có gì đáng phải ngạc nhiên. Tất nhiên, như vậy thì với họ, truyện kiều không có gì để nói. Mà số lượng người không có khả năng cảm thụ thơ thì nhiều lắm  chứ không hề ít. Có rất nhiều người cả đời không hề đọc một câu thơ và cũng không ít người biết đến truyện kiều chỉ vì chương trình phổ thông bắt họ học.
Ở chiều ngược lại, những người có khả năng ( Tôi chỉ nói đến khả năng thôi chứ chưa nói đến năng khiếu, vì năng khiếu cảm thụ thơ cao hơn có lẽ chỉ dành cho nhưng nhà phê bình văn học) thì khác hẳn. Với họ, khi một câu thơ đọc lên, trong họ xuất hiện những rung động mà có khi họ cũng chẳng hiểu vì sao
May cho truyện kiều và may cho chúng ta là đất nước ta là một cường quốc thơ ( Nói một cách nghiêm túc chứ không phải nói theo cách giễu cợt) nên những người có khả năng cảm thụ thơ đông hơn rất nhiều so với nhóm người không có khả năng cảm thụ vì vậy nên truyện kiều mới vượt qua được thử thách của thời gian mà tồn tại đến bây giờ.
Với những người này, truyện kiều là thơ chứ không phải là truyện.
Có một câu như thế này “ Nếu nén tiểu thuyết lại ta sẽ có một truyện ngắn. Nếu nén truyện ngắn lại ta sẽ có thơ” ĐiỀU đó có nghĩa là : Thơ nhằm diễn tả sự dồn nén của cảm xúc của con người chứ không phải là để kể lại một quá trình. Đấy là nhiệm vụ của văn xuôi. Mà diễn tả những cung bậc cảm xúc của con người thì tôi nghĩ không thể có ai vượt qua được kiều. Trong truyện kiều, mọi cung bậc cảm xúc, mọi trạng thái tình cảm của con người đều được Nguyễn Du đề cập đến một cách tinh tế đầy biểu cảm.
Trước tiên ta hãy nói đến tình yêu, một tình cảm không thể thiếu, mạnh mẽ đầy xúc cảm của con người. Kiều yêu tất cả ba lần và cả ba lần là rất khác nhau .
Ai cũng nghĩ rằng: Mối tình đầu là đẹp đẽ , thơ mộng  và mạnh mẽ nhất nhưng tôi cho rằng họ đã nhầm. Có thể đẹp đẽ, có thể thơ mộng nhưng mạnh mẽ nhất thì không! Không tin xin mời họ đọc lại  kiều . Với kiều, mối tình cuối cùng với Từ hải mới là mối tình đằm thắm và mạnh mẽ nhất. Khi đọc câu thơ
                          Xăm xăm rẽ lối vườn khuya một mình
Chúng ta đã vội cho rằng kiều phải dũng cảm lắm , mối tình này phải mãnh liệt lắm thì kiều mới dám bước qua cái lễ giáo “ Nam nữ thụ thụ bất thân” như thế.  . Xin hãy đọc câu
Giữa vòng tên đá bời bời.
Thấy Từ còn đứng giữa trời trơ trơ.
Hãy để ý đến hai từ “ Bời bời”. Mấy ai có thể đứng khóc chồng giữa cảnh tên bay đạn lạc như vậy? Giữa một trận mưa tên,  hình ảnh người đànbà đứng khóc chồng gây cho chúng ta những cảm xúc gì? Nhưng hãy nghe đoạn kiều khóc chồng ta mới thấy được cái tình yêu vừa mặn nồng, vừa son sắt, vừa mãnh liệt của Kiều đối với từ Hải.
Khóc rằng trí dũng có thừa.
Vì nghe lời thiếp nên cơ hội này.
Ta phải hiểu sao về hai từ “ Cơ hội” mà nguyễn Du đã dùng ở đây?  Chúng ta chỉ có thể hiểu rằng “ Chàng ơi! Chàng thừa trí dũng nhưng chỉ vì nghe lời thiếp mà bọn khốn nạn này mới có “ Cơ hội” giết chàng. Một tiếng khóc? Đúng rồi ! Nhưng còn hơn thế nữa đây là một tiếng chửi thẳng vào mặt lũ người chiến thắng. Cái gì cho Kiều cái dũng khí ấy? Bởi vì lúc này Kiều không thiết sống nữa.
Mặt nào trông thấy nhau đây.
Thà liều sống chết một ngày với nhau
Dòng thu như dội cơn sầu.
Dứt lời nàng cũng gieo đầu một bên.
Kiều tự sát! Nàng không tự sát vì mới tình đầu  nhưng lại tự sát vì mối tình cuối cùng của cuộc đời mình.
Còn Từ hải? Từ Hải chết đứng vì hận,  mà người đầu tiên Từ hải hận chắc chắn phải chính là Kiều vì nàng chính là nguyên nhân của  sự thảm bại này và sau đó mới là hận chính mình. Một sai lầm như của Kiều thì ta luôn nghĩ rằng không một ai có thể tha thứ. Nhưng chúng ta lại một lần nữa nhầm. Từ Hải đã tha thứ cho kiều.
Nàng vừa phục xuống Từ liền ngã ra.
Nếu chỉ dịch lên phía trên một vài câu thôi ta sẽ thấy Nguyễn Du tả cái chết đứng của từ Hải.
Trơ như đá, vững như đồng.
Ai lay chẳng chuyển, ai rung chẳng rời.
Thế nhưng . “Nàng vừa phục xuống ” , thì lập tức cái bức tượng đá không ai lay chuyển được ấy cũng  đổ theo. Từ hải đã tha thứ cho người vợ của mình. Thế mới biết, họ  hiểu  nhau, yêu thương nhau với một tình yêu vừa say đắm, vừa mãnh liệt . Họ có thể chết vì nhau và hơn thế! Họ sẵn sàng tha thứ cho nhau. Giữa chết và tha thứ bạn nghĩ cái nào khó khăn hơn? Tôi nghĩ với những người sống trong tận cùng đau khổ lựa chọn cái chết là một sự lựa chọn dễ dàng.  Trên đời này liệu có tình yêu nào mãnh lệt hơn thế?
Giữa cái thời buổi mà “ Gái ngoan chỉ có một chồng” thế mà Nguyễn du dám để cho Kiều yêu những ba lần.  Ba lần Kiều đều yêu chứ không phải chỉ là “ Bị làm vợ”. Nhưng mỗi lần yêu, cái cung bậc cảm xúc trong kiều là khác hẳn. Cái tài của Nguyễn du là nằm ở chỗ đó. Mối tình đầu với kim trọng là một tình yêu chỉ thuộc về cảm xúc. Nó đẹp, thơ mộng và sét đánh. Ngay từ cái nhìn đầu tiên họ đã “ Phải lòng” nhau. Cái câu “ Tình trong như đã, mặt ngoài còn e”  kể cũng là hay rồi nhưng nó chưa phải là câu tuyệt đỉnh nhất để diễn tả một cảm xúc đột ngột dâng trào trong một mối tình sét đánh. Đấy phải là câu “ Chập chờn cơn tỉnh, cơn mê” Chỉ có sáu từ nhưng câu thơ được ngắt làm ba nhịp như những đợt sóng nối tiếp nhau  xô đẩy Kiều vào những trạng thái tình cảm trái ngược . Ai đã được sống trong tâm trạng này chưa? Chưa! Chỉ có Kiều mới được sống trong tâm trạng này vì nàng chính là con đẻ của cụ Nguyễn Du.
Khách đà lên ngựa, người còn nghé theo.
Tại sao lại là khách  đà lên ngựa mà không phải là “ Người đà lên ngựa” ? Họ tình cờ gặp nhau trên đường, chẳng ai là chủ mà cũng chẳng ai là khách. Từ khách, có cái gì đó xa lạ,có khoảng cách còn tiếng “ người”  lại có một cái gì gần gũi thân thiết vậy sao cụ Nguyễn du không dùng tiếng “ Người” mà lại đi dùng tiếng “ Khách” ? Và đây chính là sự tuyệt đỉnh về diễn tả tâm lí của một thiên tài . Người “ Ghé theo” Là kiều và nàng đang cố kéo mình ra khỏi “cơn mê”. Nàng đang tự lừa dối chính mình : “ Thôi đi! anh ta chỉ là một người xa lạ, một người khách qua đường” .  Lúc Kiều  tự dối lòng mình chính là cái lúc Kiều hiểu mình rõ nhất
Người mà đến thế thì thôi.
Đời phồn hoa cũng là đời bỏ đi
Người đâu gặp gỡ làm chi.
Trăm năm biết có duyên gì hay không?
Hình như có một chút gì như là linh cảm ở đây. Họ chưa nói với nhau một lời, kiều vẫn chỉ là trong cái “ Cơn mê” của mình nhưng trong cái cơn mê ấy đã thấp thoáng một chút sợ hãi bên trong.
Ngày trước, đọc vội vàng của Nguyễn bính.
Ai làm gió cả đắt cau.
Nửa đêm sương muối để trầu đổ non.
Tôi cứ tưởng rằng Nguyễn Bính là người đầu tiên phát hiện ra sự sợ hãi vô cớ là một sắc thái nữa của tình yêu. Nhưng hóa ra không phải. Nguyễn du đã phát hiện ra điều này trước Nguyễn Bính hơn hai trăm năm. Có lẽ chính sự sợ hãi vô cớ này mới chính là nguyên nhân dẫn đến giấc mơ của Kiều. . Trong vô thức, cái nỗi sợ hãi vô cớ của tình yêu đã kết nối với hình ảnh đạm tiên lúc chiều và đưa nàng đến giấc mơ .
Thoắt đâu thấy một tiểu kiều.
Có chiều thanh vận, có chiều thanh tân.
Sương in mặt, tuyết pha thân.
Sen vàng lãng đãng như gần như xa.
Ai bảo Hàn mặc tử là nhà thơ siêu thực đầu tiên của Việt nam? Sai rồi! Nguyễn Du mới là nhà thơ siêu thực đầu tiên của mảnh đất này. Bốn câu thơ này chính là dạng thơ siêu thực đấy. Thơ siêu thực là thể thơ diễn tả những cái không có thực trong cuộc đời,nó chỉ có trong tâm thức của nhà thơ  chính vì vậy chúng ta không thể hiểu nó bằng tư duy mà chúng ta chỉ có thể cảm nó. Chính vì vậy thơ siêu thực rất khó bình và khó thuộc. Nguyễn Du hơn họ Hàn chính là ở điểm này. Không có nhiều người nhận ra đây là bốn câu thơ siêu tực, người ta dễ dàng chấp nhận nó và thuộc nó cũng rất dễ dàng
 Nguyễn du là bậc thầy về thơ. Với thơ thì đừng nói toẹt ra tất cả hãy dấu những cảm xúc ấy vào những hình tượng được đặt cạnh nhau để chúng tự nói lên điều muốn nói . Còn chúng ta, người đọc,  lại phải rất tinh ý mới có thể khám phá ra những viên ngọc long lanh được dấu kín trong những thứ tưởng như rất bình thường. Mối tình Kim Kiều là một mối tình đẹp đầy cảm xúc nên dễ cảm , dễ viết và đã có rất nhiều người viết về mói tình này rồi nên tôi chỉ nói sơ qua và chỉ nói những điều chưa một ai viết đến
Mối tình thứ hai của Kiều ngược lại, lại hoàn toàn là lí trí , cuộc sống ở chốn lầu xanh, gặp biết bao kẻ như Mã giám sinh, Sở khanh , nàng đã mất hết lòng tin vào những  gã đàn ông đang lân là ở chốn này và Thúc sinh cũng không nằm ngoài cái cảm giác đó. Cho nên Kiều đã bảo với thúc sinh khi anh chàng ngỏ lời muốn lấy nàng làm vợ
Thiếp như hoa đã lìa cành.
Chàng như con bướm lượn vành mà chơi.

Rồi ra nhạt phấn phai hương.
Lòng kia giữ được thường thườngmãi chăng?
Kiều đã lường trước tất cả những điều sẽ đến với mình . Tuy không yêu thúc sinh nhưng với mong muốn thoát khỏi kiếp sống lầu xanh mà nàng đã nhận lời . Khi ấy, nàng hiểu rất rõ :  Thúc sinh chỉ là một cánh bèo để cho một cô gái sống dưới đáy của xã hội nhưng mong muốn thoát ra như kiều bấu vào. Một cánh bèo mong manh chở theo một hi vọng mong manh.
Nhưng rồi trong quá trình chung sống, tình yêu đã một lần nữa đâm chồi. Nhưng tình yêu nảy mầm từ những toan tính thì tất nhiên nó không thể thơ mộng và mãnh liệt. Mối tình của kiều với thúc sinh không có gì để nói. Nó nhạt nhẽo và vô vị . Nhưng nó là tình yêu,  chúng ta không thể nói khác khi đọc  câu thơ câu
Vầng trăng ai xẻ làm đôi.
Nửa in gối chiếc nửa soi dăm trường.
Dùng tình yêu sẻ đôi vầng trăng, để mỗi người mang theo một nửa của mính,người duy nhất làm được điều ấy là Nguyễn du . Chỉ riêng điều ấy thôi đã là tuyệt vời lắm rồi nhưng hãy liên tưởng rộng ra hơn một chút , “ Nửa in gối chiếc” Nửa ấy là của ai? Của Kều chăng? Nhầm rồi! Nửa ấy là của thúc sinh đấy. “ Nửa soi dăm trường” là của ai? Của Kiều đấy. Mỗi người không mang theo một nửa vầng trăng của mình mà lại mang theo một nửa vầng trăng của người kia. Có câu thơ nào diễn tả tình yêu đẹp hơn thế? Say đắm hơn thế? Về mặt thơ mà nói đây là những vần thơ nói về tình yêu đẹp và hay nhất việt nam. Nhưng về truyện mà nói thì đây là một điều đáng tiếc của Nguyễn Du. Lẽ ra, một câu thơ hay như vậy phải dành cho mối tình của Thúy kiều với Kim trọng hay của Thúy kiều với Từ hải thì hợp lí hơn.
Có lẽ mối tình đáng nói đến nhất lại là mối tình cuối cùng của Kiều. Mười năm lưu lạc trải qua bao tủi nhục, gặp bao nhiêu kẻ sở khanh, niềm tin vào đàn ông trong nàng đã chết hẳn. Ấy thế nhưng khi gặp từ Hải  thì.
Hai mắt cùng liếc , hai lòng cùng ưa.
Đọc câu này làm ta lại nhớ đến câu “ Tình trong như đã, mặt ngoài còn e” Khi thúy Kiều gặp Kim trọng. Rõ ràng nàng Kiều lúc này đã khác hẳn với nàng kiều của mười năm về trước. Một nàng kiều dày dạn hơn, kinh nghiệm hơn. Từ  “Liếc” đã bảo cho chúng ta điều đó. Ngày trước, Kiều quyến rũ đàn ông bởi cái nhan sắc chim sa cá lặn, bởi cái e ấp của người con gái trong trắng “ Hai kiều e lệ nép vào dưới hoa” Thì mười năm sau , còn hơn thế, Kiều quyến rũ đàn ông còn bởi sự tinh quái, lọc lõi về tâm lí đàn ông mà mười năm chốn lầu xanh đã dạy  cho nàng.
Thưa rằng lượng cả bao dong.
Tấn Dương được thấy mây rồng có phen
Đây không phải là kiểu tình yêu sét đánh như hồi Kiều gặp Kim trọng. Kiều bị chinh  cuốn hút
 bởi cái dung mạo  của một kẻ anh hùng, “ Vai năm tấc rộng , thân mười thước cao” Nhưng trên hết kiều bị sự tự tin một cách mạnh mẽ vào chính bản thân mình của Từ Hải chinh phục
Lại đây xem lại cho gần.
Phỏng tin có được vài phần hay không?.
Lại đây! Hãy nhìn mặt ta cho kĩ xem thử nàng có tin được ta chăng? Cách nói với một cô gái kiểu này chỉ có được ở một người đầy tài năng và người đó rất tự tin vào tài năng của mình. Một người biết mình nằm ở đâu trong cuộc đời này. Nhưng khi nghe kiều đáp.
Tấn dương được thấy mây rồng có phen.
Nên nhớ đây là ý kiều tán dương “ Có khi người làm vua cũng nên” Làm vua ! Một việc thiên nan, vạn nan trong hàng trăm triệu con người chỉ một người có thể làm đuộc việc đó.  Lời nói của Kiều lúc đó là không thật lòng mà nó chỉ phát ra theo một thói quen của những cô gái lầu xanh phải tán dương để đưa đẩy với khách hàng. Từ hải biết rõ điều đó. Với một người bình thường , anh ta sẽ phải gạt đi ngay “ Không thể có điều  đó”  hay “ Cám ơn nàng đã quá đề cao ta” Nhưng Từ hải không thế.
Khen cho con mắt tinh đời.
Anh hùng đoán giữa trần ai mới già.
Chỉ có những con người mang trong mình một hoài bão lớn, có một tài năng lớn nhưng trên hết người đó phải tự tin vào chính mình mới có thể nói như vậy với một cô gái mình yêu. Hãy quay lại đoạn sở khanh nói với thúy kiều để ta thấy rõ được cái khác nhau giữa một kẻ đê tiện và một người anh hùng.
Tức gan riêng giận trời già.
Lòng này ai tỏ cho ta hỡi lòng.
Thuyền quyên ví biết anh hùng.
Ra tay tháo cũi sổ lồng như chơi.
Rất lên gân, nhưng là cái lên gân của một  kẻ tầm thường mà chúng ta, những người đọc ai cũng có thể nhận ra nhưng còn Kiều thì không.
Háy so sánh câu của Sở khanh
 Nàng đà biết đến ta chăng.
Bể trầm luân lấp cho bằng mới thôi.
Và ngay sau đó, Sở khanh lấp bể trầm luân bằng cách rủ kiều đi trốn.
Và câu của Từ Hải
Một lời đã biết đến ta.
Muôn chung nghìn tứ cũng là có nhau.
Một người đàn ông  như thế cô gái nào mà chẳng bị chinh phục.
Mối tình của một cặp trai tài gái sắc tất nhiên là nó sẽ đẹp và đẹp nhất trong các mối tình của Kiều
Cùng nhau trông mặt cả cười.
Dan tay về chối đình mai tự tình.
Hãy để ý đến từ “ Dan tay” . Đây là sự vui mừng của cả hai người . Sự khao khát của cả hai người. Và tình yêu đã làm cho một cô gái cả cuộc đời sống trong đau khổ lần đầu tiên biết cười .
                                                                                               Hà nội 9/12/ 2018
                                                                                                 ( có thể còn nữa)
 
 
 
 
 
 
 
 
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9