KÝ ỨC RỜI MÙA NOEL, Tác giả: NGUYỄN LƯƠNG TUẤN
KÝ ỨC RỜI MÙA NOEL Tác giả: NGUYỄN LƯƠNG TUẤN Đêm mùa đông, mưa nhẹ, trời se lạnh. Tôi nghe tiếng gió lùa bên ngoài. Gần hết năm rồi.Thời gian đi nhanh quá. Trong mịt mù ký ức, tôi nhớ những mùa Giáng sinh an bình. Năm học lớp đệ ngũ, tôi được chọn là HS đại diện khối lớp, vinh dự tham dự đêm Nô En tổ chức tại trường trung học tư thục Bình Minh Huế, trường đối diện sông Hương, đường Lê Lợi, từ KS Morin đi tới khoảng vài trăm mét. GS Nguyễn Văn Hai, hiệu trưởng đứng tên mời nhưng thực chất được tòa Giám mục tài trợ cho tiệc họp mặt này. Đó là lần đầu tiên tôi biết đêm Nô En. Không khí đêm Noel ấm áp, linh thiêng, văng vẳng tôi nghe giai điệu bài hát “Đêm thánh vô cùng” qua tiếng đàn Dương cầm thánh thót. Đêm đó có một cô bé ngồi cùng bàn, bên cạnh, khuôn mặt cô bé cái gì đó làm tôi phải chú ý, cặp mắt to, sáng, hai gò má trắng hồng, tóc cắt ngắn, ôm lấy hai vành tai. Trời lạnh, cô bé mặc chiếc đầm ca rô đỏ trắng, chemise trắng, khoác áo lông trắng, quàng một chiếc khăn voan mỏng nhưng vẫn bày ra chiếc cổ cao thanh tú. Cô bé toát ra vẻ thánh thiện, lôi cuốn mình hướng tới một cái gì tốt đẹp. Lúc bấy giờ có một thanh niên người Mỹ lên hát bài “Tôi đi giữa hoàng hôn” của Văn Phụng. Giọng hát lơ lớ của người thanh niên làm cô bé cười khúc khích. Tôi nhìn cô bé cười mỉm đồng lõa. Cô bé chợt cúi gầm xuống sát mặt bàn hỏi nhỏ: - Ê! Đắng ấy học trường mô rứa? - Trường Nguyễn Du, lớp đệ ngủ. - Mình, Jeanne D ’ Arc, lớp đệ lục Bỗng cô bé cầm lấy cái bánh đưa tôi nói: - Đắng ấy ăn bánh đi! Tôi đỡ lấy cái cái bánh từ tay cô bé và cô bé cũng ăn bánh, chúng tôi vừa ăn vừa nhìn lên bục diễn văn nghệ, … Chỉ thế thôi, tôi chẳng dám nói một lời làm quen nào với cô bé. Cũng chẳng hỏi cô bé tên gì. Tôi nhát như thỏ đế. Ra về, đã khuya lắm rồi, tôi vẫn nhớ mãi khuôn mặt cô bé ấy. Hai năm sau, năm tôi học lớp đệ tam, cũng gần lễ Nô En, tôi đi xem ciné tại rạp Châu Tinh, cuốn phim nhan đề là “Les dimanches de ville d ’ Avray”. Khuôn mặt cô bé Cibele, vai chính trong phim làm tôi kinh ngạc vì quá giống với cô bé mà tôi nhớ mãi trong tiệc họp mặt đêm Nô En tại trường Bình Minh. Hình ảnh cô bé Cibele 12 tuổi, anh chàng phi công Pierre mất trí và con gà trống bằng kim loại trên tháp cao một giáo đường bỗng chập chùng trở về. Kết thúc của phim là cái chết của Pierre bị cảnh sát bao vây bắn khi anh chàng mang món quà tặng là con gà trống đến cho cô bé đang ngồi chờ ở công viên giữa trời đông giá lạnh Phim quá buồn. Nhưng điều quan trọng với tôi là sự nối kết giữa hai khuôn mặt ngây thơ thánh thiện: Khuôn mặt Cibele u buồn và khuôn mặt cô bé đêm Nô En 1962 tại trường Bình Minh Huế. Gần 6 năm sau (1971), năm tôi học chứng chỉ sau cùng, vào dịp Nô En tôi nhận được một lá thư hồi âm từ thành phố cao nguyên. Khỏi phải nói tôi vui biết cở nào. Vì trước đó cả hai tháng ròng tôi chờ đợi lá thư này. Chuyện tình cờ, dịp cuối hè, tôi ngồi xem lại tài liệu mấy bài cours triết ở trước lan can nhà, khi tôi ngẩng đầu lên chợt bắt gặp một cô bé ở bên kia vườn dưới gốc cây khế đang nhìn tôi. Cô bé luống cuống, mỉm cười. Tôi chẳng quan tâm, để ý vì nhận thấy cô bé còn quá nhỏ. Thế nhưng chừng tháng sau, đứa cháu ruột trong nhà kể, cô bé Th.M cháu bà Thị bên kia vườn đã làm quen với nó và viết thư cho nó. Trong thư bao giờ cũng hỏi thăm chú T. Nó nói rằng chú nên viết thư làm quen đi. Cháu tôi còn nói rằng cho dù Th.M chỉ là cô bé còn nhỏ nhưng chú là đàn ông thì phải viết thư trước. Tôi hỏi cặn kẽ thì được biết Th.M đang học Lycée Yersin tại Đà Lạt, lớp cinquième classe. Bố mẹ Th.M có tiệm chụp ảnh ở đường Trần Hưng Đạo, cách ty Thông tin TT Huế mấy tiệm. Bà Thị là bà ngoại của cô bé. Tôi suy nghĩ mãi với sự dằn vặt viết thư hay không viết thư choTh.M? Tôi gặp Trọng (bọn tôi vẫn gọi là Trọng Thượng đế) là bạn, học cử nhân Pháp, cũng C. Chỉ sau cùng, hỏi ý kiến Tr. Tr đang hút điếu thuốc, nó dí tàn thuốc vào cái gạt, chửi thề: - Đm! Răng mi khờ rứa, viết thư cho nó mau lên! Tôi chợt có ý nghĩ mới: - Ê! Con nhỏ học trường Pháp, là dân Lycée Yersin, hay mi viết cho tau một cái thư nội dung làm quen bằng tiếng Pháp. Viết tiếng Việt tau thấy khó nói quá, dễ bị “sến”. - Đm! Thằng ni muốn ăn mà không chịu lăn vô bếp. Thôi mi cứ viết tiếng Việt rồi tau dịch qua tiếng Pháp cho! Tôi OK, vậy là thư viết xong, Tr dịch qua tiếng Pháp nhanh như gió. Tôi gửi thư đi. Lòng phập phòng chờ đợi, không biết con bé có chịu trả lời không. Tôi nhớ câu tôi viết sau cùng: En recevant ma lettre, que pensez – vous? Trở lại chuyện cái thư, nhận được thư tôi vui quá chạy lên nhà Tr ở KS An Vinh (đường Huỳnh Thúc Kháng). Tôi đưa thư cho Tr xem, nó nói: - Đm! Con nhỏ nó kết mi rồi. Mi coai, nó viết: “Je pense à toi” cho câu hỏi của mi ở cuối thư. Trong tiếng Pháp, động từ “penser à” vẫn giữ nguyên giới từ “à” cho complément indirect đứng sau nó, khi nó muốn diễn tả những trường hợp tình cảm quá sâu đậm. Ở đây lại dùng chữ “toi” thay cho chữ “vous” nữa mới chết chứ! Ôi! thôi mi phải khao tau chầu cà phê cho rồi, chờ đợi chi nữa! - Hi! Hi! Đi thì đi. Thế là hai đứa kéo nhau đến quán cà phê Dạ Thảo. 3 khuôn mặt - 3 chân dung tuổi còn thơ. Năm tôi nhận được lá thư đầu, Th.M cũng tuổi 13, lúc ấy cô bé học cinquième classe và có một điều mà tôi ghi nhớ mãi là 3 khuôn mặt đều có nét hao hao giống nhau – Chỉ có điều là Th.M bị cận thị. Và lẽ cố nhiên Th.M chỉ còn là ký ức – Đã lâu lắm, 46 năm rồi, còn gì!. Và Noel với tôi là chân dung của cô bé tuổi còn thơ - thánh thiện, trong sáng, hồn nhiên!
Thống kê hiện tại
Hiện đang có 0 thành viên và 3 bạn đọc.
Kiểu: