Chùm Truyện Ngắn của Đức Trí Quế Anh.
SBC 09.11.2005 11:24:14 (permalink)
Kẻ Tu Hành Trong Hang Đá

Tu tập trong hang đá trên ngọn núi cao tận cánh rừng sâu đã nhiều năm mà hang đá và người tu hành vẫn chưa một lần trò chuyện. Một hôm, sau khi đã hoàn tất việc tu luyện, tu sĩ thốt lên:
- Cám ơn hang đá, người bạn đồng hành đã cùng ta vượt qua gian khổ trong chặng đường vừa xong.
Hang đá trả lời:
- Tại sao phải cám ơn ta? Chính mi tu tập và gặt hái thành công cho chính bản thân.
Kẻ tu khiêm tốn:
- Lẽ là vậy, nhưng nếu không có người thì tôi đã không có một chỗ trú thân.
Hang đá cười, vang vọng bốn phía:
- Mi lầm rồi, mi chưa từng trú trong ta.
Tu sĩ ngạc nhiên:
- Tại sao?
- Bởi ta không phải là chỗ để tạm trú.
- Tôi chưa hiểu – Người tu hành nhẹ giọng.
- Hình hài hang đá của ta đã tạo nên chỗ ở của mi. Mi vào ở là lẽ tự nhiên, và mi vào ở hay không, ta cũng không thêm bớt hay mất mát gì. Hãy nhớ kỹ, ta chưa hề ban ơn cho ai.
Kẻ tu hành tiếp tục ẩn dật trong hang đá thêm một thời gian nữa. Ít lâu sau, ông thoát khỏi kiếp phù du. Hang đá cũng theo lẽ tự nhiên mà biến mất.
#1
    SBC 09.11.2005 11:25:35 (permalink)
    Thác Nước và Núi Đá

    Dòng nước xiết thu mình uốn éo qua các trũng, vực méo mó để buông mình vào không khí tạo thành âm thanh xì xầm. Có lần núi đá hỏi thác:
    - Ngươi chảy qua thân ta đã nhiều niên kỷ, nhưng chưa lần nào ngươi lên tiếng?
    Thác nhẹ nhàng;
    - Ta với ngươi đều là con của tạo hóa, tại sao cần phải lên tiếng? Và ta đã chảy qua thân ngươi từ lâu lắm rồi, ta cần nói gì với ngươi?
    Núi buồn bã:
    - Ta sừng sững giữa trời mấy ngàn năm vẫn chưa gặp kẻ tương đồng.
    Thác hỏi:
    - Thế người nào mới đáng là tri kỷ của ngươi?
    Núi cười lớn vang vọng không trung:
    - Cao, mạnh, lì lợm như ta.
    Thác phân vân:
    - Thế chỉ có ngươi là cao và mạnh thôi sao?
    Núi đáp:
    - Hãy nhìn xem, trên trần gian này loài người chiêm ngưỡng ta, xem sự hùng vĩ của ta như ý chí để vượt qua khắc nghiệt cuộc đời. Biết bao thi sĩ, họa sĩ, nhạc sĩ dùng ta làm đề tài nghệ thuật. Ngay cả thiền sư, triết gia cũng mượn ta trú ẩn. Ta là biểu tượng của sức mạnh, và cả ngươi cũng chảy qua thân ta mà hình thành.
    Thác tung cao lên chót đỉnh núi, đáp:
    - Ta đâu khác ngươi. Ta cũng là đề tài của văn học và thi ca, của hội họa và nhiếp ảnh. Thiền sư, triết gia cũng từng mượn hình ảnh ta để giảng dạy. Ta là biểu tượng của đạo. Nếu có khác là ta di động, còn ngươi đứng một chỗ. Ta phiêu lưu nhiều hơn ngươi. Ta đã đi qua rất nhiều nơi, chẳng ai theo kịp ta cả, nhưng ta vẫn hiện diện ở đây hàng giây để leo qua thân ngươi.
    Đối với núi dường như “kỷ nguyên mấy lượt trơ không vẫn mình” đã có câu giải đáp. Và rồi cả thác và núi đều không lên tiếng đàm luận nữa.



    * lấy ý từ bài "Núi":

    Lừng lững giữa trời trêu mưa, gió
    Ngạo nghễ chọc thiên đọ bão, giông
    Tâm nguyện gặp kẻ tương đồng
    Kỷ nguyên mấy lượt, trơ không, vẫn mình

    (trích Thiên Nhiên Thi Cảm - Đức Trí Quế Anh)

    #2
      SBC 09.11.2005 11:26:05 (permalink)
      Họa Sĩ và Cây Thông

      Dựng giá vẽ giữa rừng để nguệch ngoạc đủ màu sắc thiên nhiên. Thông hỏi họa sĩ:
      - Sao ngươi lại đem sự sống động vào một khung giấy?
      Họa sĩ trả lời:
      - Ngươi lầm rồi, ta chỉ thu nhỏ sự sinh động của thiên nhiên thôi.
      Thông hỏi tiếp:
      - Cảnh vật, tự nó đã là hơi thở và hình ảnh thu nhỏ của vũ trụ, vậy sao ngươi lại tiếp tục thu nhỏ vào trang giấy, trong khi ở đó sẽ thiếu dưỡng khí?
      Họa sĩ mỉm cười:
      - Ngươi chẳng phải là họa sĩ, không có cái đam mê, xúc cảm của con người trước cảnh vật thì làm sao ngươi khẳng định bức tranh ta sắp vẽ xong thiếu dưỡng khí?
      Thông không đồng ý:
      - Ngươi không phải là thông cũng đâu phải là cảnh vật, ngươi biết được cảnh vật thở ra sao?
      Họa sĩ trầm giọng:
      - Này nhé, ta chính là cảnh vật, không phải ta đang đứng trong cảnh vật hay sao?
      Thông tiếp:
      - Ngươi là cảnh vật, thế ngươi không biết thiên nhiên tính sao? Thiên nhiên chỉ cảm chứ không thể ghi lại bằng hình ảnh.
      Họa sĩ cười đáp:
      - Ngươi là thiên nhiên, vậy ta là gì, không phải thiên nhiên như ngươi sao?
      Thông suy nghĩ rồi đáp:
      - Nếu ngươi cũng giống ta, vậy ngươi suy nghĩ lại khác ta?
      Họa sĩ hỏi:
      - Thế ngươi và tảng đá, thác, suối, cọng cỏ có suy nghĩ giống nhau không? Các ngươi đều là thiên nhiên. – Rồi họa sĩ tiếp – Ta vừa là thiên nhiên, vừa là người chiêm ngưỡng thiên nhiên, đồng cảm với thiên nhiên.
      Thông tỏ thân thiện:
      - Ngươi cũng khá triết lý nhỉ.
      Họa sĩ chỉ đáp:
      - Ta không phải là triết gia, không có triết gì cả. Ta chỉ làm những gì theo bản tính tự nhiên của ta mà thôi.
      Mây kéo đến. Một hồi sau, mưa trút xuống làm ướt nhạt nhòa bức tranh dang dở. Chỉ có họa sĩ và thông hiểu được chuyện gì đã xảy ra.
      #3
        SBC 09.11.2005 11:28:14 (permalink)
        XÓM ĐẠO VÀ TỔ UYÊN ƯƠNG

        Khu chung cư nhỏ khoảng 20 hộ nằm cạnh một nhà thờ về phía tay trái, gồm toàn người Việt Nam theo đạo Công Giáo. Mỗi sáng sớm Chủ Nhật, bà Tư sẽ đến gõ cửa từng nhà giục đi lễ. Họ sẽ theo từng tốp đi bộ sang nhà thờ, lặng lẽ trong sương buổi mai.

        Bà Tư đột ngột qua đời một sáng mùa đông. Cả chung cư xôn xao, tiếng đọc kinh cầu hồn râm ran suốt mấy ngày đêm. Không lâu sau đó, ông Tư được con cái rước về ở chung. Căn hộ một phòng bỏ trống.
        Sang xuân, có cặp vợ chồng trẻ, rất trẻ, dọn vào. Hàng xóm không nhờ vẫn tự động sang giúp. Hành lý của họ chẳng có gì nặng và nhiều ngoài sách vở. Căn hộ một phòng bày biện sơ sài đến trống trải, sách chất thành từng đống từ phòng khách vào đến phòng ngủ, lẫn trong ấy có cả kinh thánh và các sách tôn giáo triết học đủ loại.

        Đôi vợ chồng trẻ mở tiệc "tân gia" mời cả xóm đến dự, có cả cha xứ người Việt Nam. Cô vợ ít nói, loanh quanh trong bếp suốt buổi với những món ăn tự nấu. Anh chồng bặt thiệp, hòa hợp với tất cả mọi giới. Vài người tò mò, để ý thấy ngón áp út của cả hai vị chủ nhà đều không đeo nhẫn.

        Tin cặp "vợ chồng" trẻ chưa làm đám cưới lan nhanh như bệnh cúm. Các bà mẹ hoang mang, lén nhìn con gái độc thân của mình ái ngại. Các ông bố lắc đầu. Các em nhỏ ngơ ngác. Còn các thanh niên thì nhìn nhau với nụ cười khó hiểu. Cặp trai gái trẻ nghiễm nhiên trở thành đề tài bàn tán của 19 hộ còn lại, ở bãi đậu xe, ngoài sân chơi, trên lan can, trong bếp, vào tận phòng ngủ và leo cả lên bàn ăn.

        - Đấy, các ông các bà xem, dăm bữa nửa tháng cái bụng lại phình ra. Tôi đã bảo ngay từ đầu là chúng bỏ nhà rúc vào đây hú hí cơ mà.

        - Không khéo lại là băng đảng thì khổ mình đấy, từ rày cửa rả phải cẩn thận thì tốt hơn.

        - Cầu Chúa cho chúng đừng túm năm tụm ba đàn đúm ồn cả lên.

        - Tui có con trai còn đỡ à, mấy bà có con gái phải dòm chừng đó nghen.

        - Cấm con không được nói chuyện với nó, cái thứ con gái hư hỏng.

        - Má, hôm trước con có nói chuyện rồi, chị ấy đang học ở đại học con vừa được nhận vào đó má, học giỏi lắm đó.

        - Ngữ ấy mà giỏi à? Dẹp ngay, xin vào trường khác.

        - Má, khó lắm con mới được nhận vô, con hỗng có qua trường khác đâu.

        - Còn cãi à? Bố nó đâu! Con nó cãi tay đôi với tôi đây này!

        - Chẳng cưới hỏi gì, vô trách nhiệm.

        - Ba nói sao chứ con thấy nó lo cho bồ nó còn hơn khối người có vợ.

        - Im mồm ngay! Mày nói xéo tao đấy à?

        - ...

        Ông chủ tịch cộng đoàn ngao ngán:

        - Thế này thì không được! tôi phải lên trình cha.

        ***

        Cha xứ đến thăm đôi tình nhân trẻ. Cả xóm đạo ghé mắt qua rèm cửa sổ theo dõi. Vài tiếng đồng hồ sau linh mục ra về, anh thanh niên tiễn ra tận đường, họ trao đổi cái bắt tay của bằng hữu thay cho vẻ khúm núm "linh mục-con chiên" cố hữu. Từ đó cha xứ đến thăm đôi tình nhân thường xuyên hơn, vẻ như tâm đầu ý hợp lắm với anh thanh niên.

        Xóm đạo chờ đợi, còn đôi nam nữ thì vẫn chung sống. Họ lặng lẽ trong sự dò xét của mọi người. Đằng sau cánh cửa căn chung cư một phòng mà chưa một ai trong 19 hộ còn lại bước vào lần thứ hai kia, không ai biết được họ hạnh phúc hay khốn khó. Chỉ thấy đôi trẻ vẫn như hình với bóng, lễ phép với sự hững hờ của người lớn tuổi và hòa nhã với sự dè dặt của đám thanh niên đồng lứa. Cả tháng trôi qua chẳng thấy động tịnh gì, ông chủ tịch cộng đoàn lại phải lên gặp cha.

        Mọi người gần như đổ ra đường ngóng ông chủ tịch cộng đoàn vừa rời khỏi nhà thờ trở về. Ông lắc đầu:

        - Thật chả sao hiểu nổi các linh mục trẻ ngày nay, sống thế mà bảo... OK.

        Và thời gian lại trôi. Sự trông ngóng những điều không mong đợi của xóm đạo vẫn lảng vảng ở đâu đó như kẻ trộm. Cho đến khi chúng bùng nổ thành những xung đột, hoặc là trong gia đình, hoặc là giữa gia đình này với gia đình nọ, xoay quanh một chủ đề duy nhất là định nghĩa về "tổ ấm gia đình" với dẫn chứng cũng duy nhất là cặp nam nữ "già nhân ngãi non vợ chồng" kia.

        Người ta đi gặp cha xứ nhiều hơn, trở về với cái lắc đầu và chìm vào những suy ngẫm xa lạ về tổ ấm của chính mình.

        Đôi uyên ương vẫn lặng lẽ, quấn quít ra vào tổ ấm của chính họ.

        Đức Trí Quế Anh
        #4
          SBC 09.11.2005 11:28:54 (permalink)
          Nỗi Đam Mê Gục Ngã

          Luồng nóng phát xuất từ tế bào chạy lên tim óc làm ta rạo rực muốn thoát ra. Viết chữ để lộ khoảng bức xúc cảm nhận với đời. Ta, đời và chữ viết. Thứ tình tam giác lẩn quẩn không đường thoát chôn đời, ta, và chữ viết vào chung một hố huyệt thời gian. Ngôn ngữ phải chăng tồn tại trong khoảnh khắc rồi sẽ mất. Chân ngã sẽ trở về cát bụi. Suy nghĩ liên tục, chui xuống hố sâu của tư tưởng, bị mê hoặc bởi cạm bẫy tri thức, tự lừa dối tâm khảm để vượt lên.
          Ngôn ngữ cạn kiệt một cách chán nản, bần cùng. Ta, tự nhận hiện sinh nhưng bị dằn vặt bởi tham, sân, si. Cuồng loạn. Đứng lại, niệm. Sao lại yên tịnh? Giả tạo chăng? Không phải thiền sư lại thuyết giảng. Không phải nhà thơ lại tuôn trào những lời lẽ mơ màng đắm đuối. Ta lại là ai? Đến từ đâu? Cần gì? Thiếu gì? Đam mê gì? Hay chỉ là nỗi đam mê gục ngã?




          #5
            SBC 09.11.2005 11:29:10 (permalink)

            Phút Giây Hiện Hữu

            Tiếng giấy lật… tiếng ngòi bút di chuyển… tiếng thở dài… dài… chán hẳn. Không một chữ nào có nghĩa cả. Tại sao phải thốt lên những điều phi lý? Vũ trụ cũng biết cồn cào, tím lạnh con người, xanh xao con mắt, vàng da, trắng tóc, đen đúa bầu trời văn học.
            Hiện hữu đi vào thế giới của tâm hồn lãng đãng lông bông, của những bí mật chôn sâu lòng biển, của rừng câm nín hiểm nguy vồ vập, của không gian thăm thẳm khôn lường, của cả cái chết, phút cuối dằn vặt níu kéo những điều có thật vô nghĩa. Ngậm ngùi.
            Chân đi, lôi theo nỗi đau đớn thân thể. Tinh thần vẫn hiện hữu. Thân muốn chấm dứt sự sinh tồn để hồn bay bổng ở cõi tịnh yên tuyệt cùng. Chợt thấy chân tháo chạy trong nỗi cuống cuồng quỷ quái nổ tung. Tiếp viết những điều trong đầu túa ra. Đừng dừng lại… viết nữa… nữa… nữa… Xong. Chấm dứt. Hồn trụy ngã.
            #6
              SBC 09.11.2005 11:29:30 (permalink)
              Hồn - Đêm - Ác Mộng

              Đêm đen đúa, tâm hồn thoi thóp, hay trong đêm thoi thóp tâm hồn đúa đen
              Đêm ngợp ngạp in lên hồn những hình thù quái đản của quá khứ đã rữa mục
              Đêm tán loạn nổi cuồng xâu xé hồn nhàu cũ trong giây khắc bám ghì hoàng hôn tạm bợ cõi người.
              Đêm cưỡng ép hồn giẫy giụa bức thoát khỏi vòng kìm kẹp luân hồi.
              Đêm đau đớn mệt mỏi.
              Hồn kiệt quệ khánh tận.
              Vật lộn giằng giựt triền miên, đêm không thành đêm, hồn không hoàn hồn, hỗn độn, nhá nhem một thứ hợp chất không công thức.
              Khi hồn nuốt chửng đêm, khi đêm đoạt chiếm hồn, bừng tỉnh.
              #7
                SBC 09.11.2005 11:31:26 (permalink)
                Cộng Sinh

                Ai quên đậy nắp hộp đường? Ai làm đổ nước lên sofa? Ai quên đóng cửa ra sân trước lúc đi làm?

                Những cãi vã thường ngày của cặp tình nhân đang chung sống bắt đầu từ những chuyện vặt vãnh. Người này đổ sang cho người kia trong khi chính họ cũng không nhớ mình có chểnh mảng hay không. Nhưng cuộc sống bận rộn làm họ nhanh chóng quên bẵng đi những cãi vã nhỏ nhặt. Cả hai đều làm việc toàn thời gian, rời nhà từ tinh mơ, về nhà lúc đã mệt nhoài, ăn uống qua loa, đọc sơ vài trang báo, lơ đãng lướt qua vài kênh truyền hình, làm tình cũng qua loa, rồi ngủ, rồi lại bắt đầu một ngày khác. Cuộc sống của họ đơn điệu như câu chuyện cổ tích cũ mèm không dị bản.

                Ai quên tắt máy sưởi để nó chạy cả ngày? Ai làm rớt bàn ủi để cháy thảm? Ai mở đèn phòng khách suốt đêm?

                Họ cãi vã thường xuyên hơn vì những chuyện vẻ như to tát hơn. Họ lại đổ bừa cho nhau nhưng vẫn chóng quên. Căn nhà hai tầng rộng thênh, diện tích sống của họ chỉ quanh quẩn ở tầng trên, chính xác là phòng ngủ, tốt hơn là đừng vẽ chuyện.

                Ngày kỷ niệm quen nhau anh tặng chị chiếc váy màu đỏ tươi, màu chị không ưa, nhưng chị vẫn mặc ra phố cho anh vui. Chị thích sự đồng nhất nhưng trong số vài chục cây son của chị không có màu nào hợp với chiếc váy kia. Loay hoay mãi không tìm được màu son vừa ý, chị chợt nhớ ra một thỏi son còn mới nguyên màu đỏ tươi chị tìm được trong ngăn tủ phòng tắm tầng dưới ngày chị quyết định dọn vào sống chung với anh. Chị vẫn để yên thỏi son không thuộc về mình ở chỗ của nó.

                Thoáng đắn đo. Chị chạy xuống nhà tìm thỏi son nọ. Nó vẫn ở yên trong hộc tủ. Chị mở nắp thỏi son, toan thoa lên môi, chợt thét lên một tiếng rồi ngất xỉu, vừa kịp nhớ ra từ ngày chị dọn vào nhà anh đến nay, chưa thay ổ khóa mới.

                Anh hốt hoảng chạy từ trên lầu xuống, luống cuống chẳng hiểu chuyện gì, không để ý thấy một thỏi son màu đỏ tươi đã vẹt hẳn đầu, nằm lăn lóc trên sàn...

                #8
                  SBC 09.11.2005 11:33:25 (permalink)
                  ĐÀN ÔNG, ĐÀN BÀ, và HỐC ĐÁ

                  Nó ngồi cuộn mình ở mép nước không biết đã tự bao giờ. Nó lờ đờ nhìn ra xa, biển bấp bênh, trời chênh vênh, con người thì ở xa tít trên cao. Từ ngày dốc đá bị đóng, nó buồn thỉu buôn thiu. Mỗi đêm, nó nghe ngóng, chờ bước chân rón rén của những cặp đàn ông đàn bà. Những chuyện xảy ra giữa đàn ông và đàn bà với nó còn lạ lẫm lắm. Nó đã thấy nhiều mà sao vẫn mông lung như ánh trăng trong giông bão.

                  Nó nhớ có cặp đàn ông đàn bà sóng đôi bên nhau đến ngồi ở đằng xa kia. Họ nói chuyện gì lâu lắm, người đàn ông mới nhẹ nhàng nắm tay người đàn bà, và họ rụt rè hôn nhau. Có khi là hai cặp cùng đi chung, ngồi cách một khoảng, nhưng họ rụt rè như nhau.

                  Nó nhớ có cặp đàn ông đàn bà mà từ xa nó tưởng là một con người có hai đầu và bốn chân. Họ chẳng nói gì nhiều, hôn hít suốt rồi ngã khuất vào trong hốc đá. Có khi là hai cặp cùng đi chung, ngồi cách một khoảng, và ngã vào hai hốc đá khác nhau.

                  Nó lại nhớ có cặp gương mà gương mặt có nhiều vết hằn như những khấc đá, họ cũng đến ngồi ở mỏm đá đàng xa kia. Người đàn ông nói còn người đàn bà thì râm ri khóc, nhưng cuối cùng thì họ cũng dìu nhau vào hốc đá.

                  Lại cũng có cặp khác xuống dốc đá này nhưng họ không ngồi. Người đàn bà nói chuyện nhỏ nhẹ. Người đàn ông càng nói càng hăng. Người đàn bà cũng bắt đầu lớn tiếng. Giọng họ át cả sóng biển. Thế rồi họ không vào hốc đá mà bỏ đi.

                  Cặp khác cũng đã từng đứng ở đằng kia. Lần này người đàn bà có vẻ giận dữ lắm. Chợt người đàn ông ôm lấy người đàn bà, có lẽ ông ôm rất chặt, người đàn bà bật khóc. Và họ lại vào hốc đá.

                  Cũng có lúc người đàn bà ôm lấy người đàn ông mà khóc. Người đàn ông đẩy người bà ra, bỏ đi, để mặc người đàn bà nằm khóc trên cát. Có khi người đàn ông quay lại, đỡ người đàn bà ngồi dậy, dỗ dành, và họ lại hôn nhau, lại vào hốc đá.

                  Nó thường gặp những cặp trẻ. Nhưng nó đã từng thấy cặp đàn ông đàn bà nọ già lắm, già đến độ họ phải mất hồi lâu mới leo xuống hết con dốc. Họ ngồi bên nhau, im lặng nhìn ra biển. Một giờ sau họ lại nặng nhọc từng bước leo trở ngược con dốc. Hốc đá có lẽ nằm quá xa đối với họ.

                  Có khi nó thấy hai người đàn ông hoặc hai người đàn bà cũng xuống đây. Những diễn tiến còn lại chẳng khác những cặp đàn ông đàn bà kia là bao nhiêu. Nó đã từng gặp những người đàn ông thật già đi bên cạnh những người đàn bà thật trẻ hoặc ngược lại. Nhưng diễn tiến còn lại thì vẫn chẳng có gì khác biệt.

                  Cũng có đàn ông hoặc đàn bà đến đây một mình, ý vẻ như chờ người còn lại. Có người ngồi trầm ngâm, có người kéo khói, có người la hét như điên, có người nốc cạn từng lon kim loại đựng thứ chất gì sủi bọt như sóng biển, có người khóc từng chập. Người còn lại thì có khi tới, có khi không.

                  Có cặp nó gặp chỉ một lần, có cặp lui tới luôn. Có người đàn ông lần sau trở lại với người đàn khác hoặc ngược lại. Còn những gì diễn ra giữa họ thì chẳng thay đổi.

                  Cặp đàn ông đàn bà cuối cùng nó gặp bình thường như bao cặp khác. Ban đầu họ có vẻ rụt rè, rồi họ bắt đầu vui vẻ hơn, nói chuyện nhiền hơn. Họ nắm tay nhau, ôm nhau, hôn nhau. Rồi họ im lặng ngồi nhìn biển. Rồi người đàn bà nói, rồi người đàn ông nói. Tới lúc họ khóc. Tới lúc họ nổi giận. Tới lúc có người bỏ đi, rồi quay lại. Thế rồi họ giằng co, họ vật lộn. Nó nghe tiếng người đàn bà la hét, kêu gào, van xin thảm thiết. Người đàn ông kéo tuột người đàn bà đang vùng vẫy vào hốc đá. Tiếng người đàn bà khục khặc rồi bốn bề chợt chìm trở lại vào sự im lặng như khi không có sự hiện diện của những đàn ông và đàn bà. Nó thấy người đàn ông leo lên dốc một mình.

                  Ít ngày sau vào buổi sáng, nó thấy có đông người, cả đàn ông lẫn đàn bà leo xuống dốc. Người ta đem người đàn bà ra khỏi hốc đá và lên dốc trong một cái túi dài màu vàng. Dốc đá từ đó bị đóng, và nó không có dịp gặp những cặp đàn ông đàn bà nữa.

                  Nhưng nó vẫn chưa hiểu hết những gì nó chứng kiến xảy ra giữa đàn ông và đàn bà. Dù sao thì, nó vẫn chỉ là tảng đá, cả đời nằm ở mé nước, lờ đờ nhìn ra xa, biển bấp bênh trời chênh vênh, còn con người thì ở xa tít trên cao.

                  #9
                    Ct.Ly 10.11.2005 09:03:37 (permalink)
                    #10
                      Chuyển nhanh đến:

                      Thống kê hiện tại

                      Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                      Kiểu:
                      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9