NƠI CHỐN ẤY - CHIỀU 30 TẾT. Tác giả: Nguyễn Lương Tuấn

Tác giả Bài
Nguyễn Lương Tuấn
  • Số bài : 223
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 15.03.2011
NƠI CHỐN ẤY - CHIỀU 30 TẾT. Tác giả: Nguyễn Lương Tuấn - 16.01.2019 10:22:41
NƠI CHỐN ẤY – CHIỀU 30 TẾT !
Nơi chốn ấy không đâu xa lạ, là những con đường, những góc phố, những ngôi nhà tôi đã đi qua hàng ngày, hàng bữa, đã quá quen thân. Con đường Chi Lăng nơi nhà tôi tọa lạc. Bến đò Chợ Dinh, những ngôi nhà quen thuộc hai bên đường.
Đi hết đường, qua cầu Gia Hội, là bến xe Đông Ba, đường Trần Hưng Đạo, cầu Trường Tiền và con đường Duy Tân có KS Thuận Hóa ngày xưa, về đoạn nữa, ngang ngã tư Nguyễn Tri Phương, ở nơi góc bên trái là garage ông anh con dì, hàng ngày tôi đi học trường Nguyễn Tri Phương, vẫn qua đây và thỉnh thoảng ông anh kêu vào, dúi cho ít tiền để tiêu vặt.
Rồi những ngày lên đại học, con đường dài, sáng, chiều đưa đón anh Hiệp tôi qua garage, góc An Cựu Nguyễn Huệ nơi anh làm việc.
Cũng chưa hết, những con đường qua một ngã rẽ khác, ngược về một dòng ký ức xa xăm hơn. Đó là những năm tôi đi bộ để đến trường Bồ Đề Thành Nội năm lớp nhất và 4 năm trung học đệ nhất cấp tại trường Nguyễn Du. Đó là con đường Võ Tánh tôi đi hàng ngày. Chiếc cầu Đông Ba quen thuộc, cửa Đông Ba, con đường Mai Thúc Loan, và những con đường rẽ trái mà tôi hay đi để đến trường Bồ Đề.
Nơi chốn ấy đi qua hết thời thanh xuân của tôi. Tôi nhớ từng con đường, từng ngõ ngách, từng ngôi nhà, từng con người mà tôi quen biết tiếp xúc hàng ngày: giọng nói, tiếng cười, nếp sinh hoạt, thói quen, … Những người ấy thuộc thế hệ của cha tôi, anh chị tôi đã mất gần hết. Những ngôi nhà, chốn cũ mà tôi đã đi qua không biết bao nhiêu lần cũng đã thay đổi … Bây giờ chỉ còn là ký ức. Thế nhưng tất cả với tôi là một ký ức sống động, một nơi chốn quen thân, như thấm đẫm vào da thịt tôi, theo từng tế bào.
Có những tình cảm tiềm ẩn mà ta không nhận biết. Nó lắng vào tiềm thức, vào vô thức. Thế rồi một thời điểm nào đó, một biến cố nào đó, ta chợt bắt gặp, ta quay quắt khi ta vắng nó hay mất nó …
Chiều ba mươi tết với tôi có thể nói là thời điểm mà tôi chợt nhận ra nơi chốn ấy là quê hương là ngôi nhà đã cho tôi đời sống với những mối liên hệ ràng buộc vô hình, khi mà sự sinh động, nếp sinh hoạt của thành phố ngừng nghỉ như cảnh tượng chiều 30 tết thì ta cảm nhận một tình cảm kỳ lạ, một nỗi buồn man mác.
Kỷ niệm của tôi về chiều ba mươi tết là ấn tượng về cha tôi.
Ngay từ chiều ba mươi, cha tôi đã nhắc anh em tôi mang đồ cúng vào nhà ngoại cũng là nơi mẹ tôi đã lớn lên cho đến khi đi lấy chồng. Ngôi nhà ngoại ở đường Yết Kiêu, bên hông tử hoàng thành với tôi là một hình ảnh rất ấn tượng. Hình ảnh ngoại lưng còng, tóc bạc vẫn thường hay quét lá vàng trong sân, nhặt đào rơi rụng cất kỷ để dành cho cháu làm tôi nhớ mãi. Những năm sau này khi ngoại không còn, mỗi chiều ba mươi tôi vẫn mang đồ vào cúng ngoại.
Con đường vào nhà ngoại trở nên quá thân quen. Ngôi nhà cổ bên phải trên đường Võ Tánh, ngang khúc vượt qua ngã ba Nguyễn Bỉnh Khiêm (Đò Cồn) luôn đóng cửa, nằm phía sau hàng rào già tàu có một cái gì đó như ẩn chứa một nỗi buồn làm tôi bị cuốn hút. Và rồi, cầu Đông Ba, cửa Đông Ba, đường Mai Thúc Loan,…lần lượt đi qua trong tầm mắt. Trong không khí ẩm, lạnh, mù sương, ngôi nhà tranh, mái thấp của ngoại hiện ra vẫn là một cái gì rất ấm lòng.
Còn nhớ, một năm khác, chiều 30 tết cha sai tôi qua nhà O Dung dượng Điểu lấy chiếc khăn đóng mà ông để quên, mang về cho ông cúng, năm đó tôi đã lên đại học. Đường qua nhà O xa tít, tới ngoẹo Giàn Xay rẻ phải, bỏ bốn năm nhà là tới. Trên đường đi và về đường phố Chi Lăng, Trần Hưng Đạo, qua cầu Trường Tiền, đến Duy Tân (Hùng Vương) qua cầu An Cựu, …vắng bóng người. Mọi nhà đều đã đóng cửa để chuẩn bị cúng đón ông bà. Lúc ấy tôi cảm nhận có một cái gì đó vừa bồn chồn pha lẫn xúc động khi nhìn thành phố Huế chiều 30 tết vắng lặng. Lúc ngang qua chè Hẻm, theo thói quen, tôi nhìn vào xem có hai chị em sinh đôi ngồi bán đó không nhưng tôi thất vọng, hai người đẹp ngày thường tôi vẫn thich ngắm mỗi khi tôi lái xe Honda qua chở anh tôi, bây giờ cũng không thấy nữa!
Chiều 30 tết, những con đường, những ngôi nhà đóng cửa. Thành phố tĩnh lặng. Nếp sinh hoạt thành phố như ngưng hẳn lại. Và tôi đi trong thành phố với một mối cảm hoài sâu lắng, như đang nhớ về một người thân đã vừa tạm biệt tôi !
Chiều 30 tết sau khi cha tôi đã cúng cộ lên nêu, khi tiếng pháo đã nổ vang từ xa đến gần, khi cả nhà quây quần bên bên mâm tiệc cúng chiều, nồi bánh tét vẫn còn đang nấu, ngọn lửa hồng vẫn tỏa sáng. Tôi vẫn còn nhớ những cây pháo xì tôi nhặt từ phong pháo cha tôi cho đốt bị rơi trên đất,.
Tôi thích nghe tiếng pháo nổ từ xa vẳng vẳng rồi bỗng nhiền ầm ầm sát bên tai, rồi lại chạy đi xa dần nhỏ dần, …
Tiếng pháo nổ vang xa từ nhà nầy qua các nhà khác luôn là một dư âm sống mãi trong ký ức tôi. Đó là tiếng vọng của chiều cuối năm. Tiếng động của thời gian không quay lại.
Tôi thích tiếng pháo chiều cuối năm và tôi thương nhớ hình ảnh cha tôi mặc chiếc áo dài đen, chít khăn đóng, quần lãnh trắng, phủ phục cúng lạy chiều 30 tết.
Kỷ niệm tính ra đã gần nửa thế kỷ rồi!
Tôi nhớ về nơi chốn ấy chiều ba mươi tết !
Mãi mãi …
 
 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 30.03.2019 07:57:47 bởi Nguyễn Lương Tuấn >

Ct.Ly