NGƯỜI MẸ và NGÔI TRƯỜNG VÕ TÁNH
Kính tặng từ mẫu các bạn VT1968,
Danh Vũ
(DaTrâu -2017))
Mười bốn năm thơ ấu và lớn lên ở Nhatrang chỉ là quãng thời gian ngắn trong cuộc đời, nhưng đã để lại những dấu ấn dễ thương, êm ái, đáng nhớ trong tâm hồn tôi, từ 1 cậu bé người Bắc di cư, đến khi trưởng thành xa xứ vẫn nghĩ không nguôi về quê hương vời vợi, về thành phố biển xanh, cát trắng đầy kỷ niệm tuổi thơ không nơi nào so sánh được.
Gia đình chúng tôi vào Nam năm 1954 trên chiếc tàu há mồm, ghé bến Sàigòn, ở trọ tạm nhà ông chú đã vào Nam trước đó. Rồi cha tôi xin được chân thư ký kế toán ở quận V.X. thuộc tỉnh Khánh Hòa, gần Nhatrang nên lại đem cả gia đình ra Trung. Căn nhà thuê đầu tiên của chúng tôi ở ngay Lò Heo, gần chợ Đầm, trong hẻm nhỏ khu lao động. Hầu như gần sáng mỗi ngày, thỉnh thoảng tôi choàng thức giấc có nghe tiếng heo kêu eng éc, to lớn và rền rĩ. Tôi chẳng hiểu tại sao heo lại kêu vang vào lúc sáng sớm như vậy. Đây là điều đầu tiên tôi thấy ở Nhatrang có cái gì ngồ ngộ, là lạ.
Do đi làm xa, cha tôi phải mua chiếc mobylette để đến quận hành chánh. Trong tuần, lúc bình minh lên, khi cha tôi nổ máy xe sình sịch ra khỏi nhà đến sở làm, mẹ tôi lo cho chúng tôi ăn sáng, xong bắt chúng tôi ngồi vào bàn tập viết, tập đọc ngay. Thời đó trước khi vào lớp Năm trường Tiểu học, học sinh phải biết viết, biết đọc rồi. Mẹ tôi làm gia sư hướng dẫn 2 đứa con trai học hành đầy đủ trước khi xin đến trường. Em trai thứ tư của tôi mới sinh được vài tháng chưa cần học viết, đọc gì. Mẹ tôi viết chữ đẹp lắm, dù bà mới có bằng Tiểu học tây, nhưng do thuở bé ở Hànội được đi học đầy đủ, đọc sách, báo, tiểu thuyết nhiều –như các thiếu nữ thời 1930 -1940 ngoài Bắc- nên kiến thức khá rộng. Bà thường mua những cuốn vở 32 trang, chịu khó kẻ từng hàng viết chì lợt lợt cho chúng tôi dựa vào đó mà nắn nót tập viết thẳng hàng từng mẫu tự, chữ đơn, chữ kép, các con số bằng bút có ngòi lá tre, chấm mực tím. Bà cũng bắt chúng tôi ngồi ngay ngắn, không ngả ngớn, khom lưng hoặc tì sát ngực vào bàn, khi viết.
Chị tôi đã xin được vào lớp Ba trường Nữ Tiểu học, mỗi khi đi học về buổi trưa, cất cặp cẩn thận, rồi mở vở ra ê a bài học. Chị đọc bài học thuộc lòng lên bổng xuống trầm rất hay :
TRUNG NAM HỎI BẮC
Ngoài Bắc độc lập tự do,
Cớ sao lại bỏ mà vô trong này ?
Thưa rằng : phải bỏ ruộng cầy,
Bỏ mồ, bỏ mả, gia tài vào đây,
Vì chưng sưu thuế đọa đầy,
Nhân dân cực khổ tháng ngày, anh ơi !
hoặc :
NHÀ NGƯỜI BÁN THAN
Rừng một dải, cây chen vạn gốc,
Gốc cây rừng một nếp nhà tranh,
Trong nhà một ngọn đèn xanh,
Dưới đèn mờ vẽ bức tranh ba người,
Con thời khóc, vợ thời miệng dỗ,
Chồng lui cui đan giỏ đựng than,
Đêm khuya con ngủ, đèn tàn,
Một mai thế sự muôn vàn tình thâm.
Tôi tập viết, tập đọc chậm rãi, còn em trai kế tôi thì mẹ tôi để tự do viết bằng viết chì vì em còn bé, mới 3 tuổi thôi, đèo bòng đòi tập viết. Em viết chán rồi vẽ nhăng những đường bút dài ngòng ngoèo như con rắn lượn.
Thường thì chúng tôi viết xong 1 trang vở là được nghỉ, nhâm nhi củ khoai luộc, hoặc viên kẹo bột hoặc uống cốc nước lọc lành lạnh rồi phải trở lại làm việc ngay. Mẹ tôi nhờ u già, sau khi đưa chị tôi đến trường, tạt nhanh ra khu chợ nhỏ đầu hẻm mua vài thức ăn cần thiết : miếng thịt nạc nhỏ, chút giò sống, hoặc miếng đậu hũ, miếng sườn non, thêm ít rau, củ, quả chuẩn bị nấu cơm trưa và chiều. Tuy làm bếp nhưng mẹ tôi vẫn ghé mắt khuyến khích chúng tôi viết thêm 1, 2 trang chữ nữa sau đó cho tập đọc những bài vỡ lòng trong cuốn sách mỏng. Chúng tôi tha hồ vừa ê a vài ba giòng, vừa lật xem những hình vẽ kèm bên cạnh bài đọc, những hình vẽ có in màu xanh đỏ đơn sơ, nhưng đối với chúng tôi là đẹp lắm. Sách được chúng tôi giữ gìn cẩn thận vì mẹ tôi dạy dỗ là phải yêu sách, không gập đôi lại, không bẻ góc bìa cong queo, nhất là không để bìa rách. Còn vở không được xé tờ nào, cũng không được bẻ quăn góc mỗi trang. Sách vở hồi đó quý lắm. Đó là điều mới lạ, ngồ ngộ vì sách vở mới luôn luôn có mùi thơm của giấy, của mực làm tôi ngây ngất mỗi khi trang trọng cầm đến.
Chúng tôi thường ngủ trưa, nếu trời có nồng nóng quá, mẹ tôi dùng quạt mo hoặc quạt giấy phe phẩy cho các con ngủ ngon, rồi bà cũng thiu thiu ngủ một tí sau khi ru nhè nhẹ bên võng em tôi. U già không ngủ trưa, lo giặt đồ gia đình, hoặc là ủi quần áo, may vá gì đó. Sau trưa chúng tôi thường có 1 má soài ngọt lịm, hoặc ly chè đậu đen, đậu xanh, hoặc bắp luộc, củ khoai lang rồi quay sang một vài bài tập đọc ê a, gọi là học vần :
-Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.
-Ngày nay học tập, ngày mai giúp đời.
-Uống nước phải nhớ đến nguồn.
-Công cha như núi Thái sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra,
Một lòng thờ mẹ, kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
-Bầu ơi thương lấy bí cùng,
Tuy rằng khác giống, nhưng chung 1 giàn.
-Quả cau nho nhỏ,
Cái vỏ xanh xanh,
Nay anh học gần, mai anh học xa,
Tiền gạo là của mẹ cha,
Cái nghiên, cái bút mới là của anh.
-Con gà cục tác lá chanh,
Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi,
Con chó khóc đứng, khóc ngồi,
Bà ơi đi chợ, mua tôi đồng giềng.
-Trong đầm gì đẹp bằng sen,
Lá xanh bông trắng, lại chen nhụy vàng,
Nhụy vàng, bông trắng lá xanh,
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.
-Ai ơi bưng bát cơm đầy,
Dẻo thơm mấy hạt, dạn dầy nắng mưa.
-Con cò bay lả bay la,
Bay từ cửa phủ, bay ra cánh đồng.
hoặc :
-Hỡi cô tát nước bên đàng,
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi ?
-Trên trời mây trắng như bông,
Ở giữa cánh đồng, bông trắng như mây,
Cô kia má đỏ hây hây,
Đội bông như thể đội mây về nhà.
hoặc bài dài hơn như :
-Sách quốc ngữ,
Chữ nước ta,
Con cái nhà,
Đều phải học.
Miệng thì đọc,
Tai thì nghe,
Đừng ngủ nhè,
Chớ láu táu.
Em lên sáu,
Đang vỡ lòng,
Học cho thông,
Thầy khỏi mắng.
Tôi học đọc, viết « tại gia » được khoảng vài tháng thì 1 hôm mẹ tôi cho biết tôi sẽ đến « trường mẫu giáo » lớp thày đồ ở đầu ngõ bên kia. Tôi nghe nói đi học cũng hay hay, nhưng sợ lắm. Sợ xa cha mẹ, xa chị, xa các em. Nghĩa là xa mái ấm gia đình, 1 thân 1 mình trong buổi học với thày giáo lạ người mà mẹ tôi đã dẫn tôi lại xin học từ mấy hôm trước. Lúc đó, thấy trong lớp lố nhố các trẻ cùng lứa tuổi, ngồi chen nhau trên bàn ghế thấp nhỏ, đọc ê a theo nhịp thước kẻ của thày đập lên bàn lớn, hoặc tập viết trông say sưa, thích thú, lòng tôi nao nao, nửa muốn vào học chung, nửa muốn tránh vì 1 chuyện gì đó. Dù thích hay không, ngày thứ hai đầu tuần kế tiếp tôi phải đến trường, làm nhiệm vụ « học sinh tập sự mẫu giáo ». Sáng sớm, tôi đã được mẹ tôi chuẩn bị mặc chiếc quần sọt xanh biển, và áo sơ mi ngắn tay màu trắng, dận thêm đôi săng đan da bé tí nhưng đi êm lắm, và chiếc cặp da nhỏ trong có quyển vở mới toanh và cây bút gỗ cũng ních ken. Ăn sáng cấp tốc, rồi u già lãnh nhiệm vụ đưa tôi lên đường đến trường. Tôi bắt đầu sợ teo. Tay nắm chặt như dán dính lấy tay u già, không dám rời xa lo bị lạc, lần theo bước chân của u từ con hẻm quen sang con hẻm lớn khác.
Con hẻm trước nhà mọi khi vắng người, hôm nay sao đông lạ. Con hẻm này ngày thường thấy dài, thấy sâu hun hút sao hôm ấy ngắn thế. Mới mấy bước chân đã sang con hẻm lớn khác. Tôi vừa đi trong bụng vừa run lập cập. Những trẻ em cùng tuổi tung tăng, vui vẻ bên tay mẹ cha, chúng vừa đi vừa nói chuyện với nhau trông rất tự nhiên. Còn tôi thì lặng câm, trống bụng đánh liên hồi, bước chân đôi lúc muốn chậm lại, mắt thỉnh thoảng liếc nhìn u già xem u có ý kiến hay ho gì cho … nghỉ học hôm nay hay không ? Hỡi ôi, mặt u vẫn lạnh như tiền, kéo tay tôi vô tư theo các em bé và cùng đi chung hướng, chẳng cần biết tôi đang vui hay lo trong ngày đầu tiên đến trường. Một tay tôi vẫn nắm chặt tay u, tay kia kẹp chiếc cặp sát vào người, sợ cặp bị rơi dù chiếc quai da trông bền chắc lắm đã được mẹ quàng chéo cẩn thận qua vai.
Ngôi trường, lớp học kia kìa. Đó chỉ là khoảng trống lớn của ngôi đình làng, bàn ghế be bé dành cho học sinh mẫu giáo « năm dự bị » xếp tương đối có trật tự. Thày đồ đang đứng trước lớp hướng dẫn đám học sinh « mini » từ tay cha mẹ cho vào trong. Không khí vui vẻ. Học sinh « dự bị » mới toanh như tôi được ưu đãi, chắc cũng do mẹ tôi dặn trước với thầy, ngồi ngay bàn đầu. U già không được đến bên chỗ ngồi như tôi. U đứng mấp mé ngoài cửa lớp, ở chỗ cho tôi thấy rõ. Bỗng có tiếng trống tùng tùng vang lên. Giờ học bắt đầu. Cả lớp im lặng đứng nghiêm chào thày giáo đang chậm rãi bước vào. Thày bắt đầu cho biết buổi học hôm nay tập viết, tập đọc cho các em mới đến, còn các em cũ lấy sách ra đọc lại bài hôm trước cho thông thạo, rồi chuẩn bị chép lại bài đọc ấy vào vở. Thày đồ có lẽ xưa kia học thông chữ nho, nay thời mới với chữ quốc ngữ nên thày cũng phải chuyển qua dạy thứ chữ này. Thày đã cắt bỏ cái búi tó to tướng trên đầu. Tóc thày gọn lại, nhưng thày vẫn đội chiếc khăn đống đen, mặc chiếc áo the đen, đeo đôi kính trắng, và mang đôi giày săng đan nhẹ nhàng trông có vẻ … nửa ta nửa tây. Thày viết 1 bài đọc vài ba câu ngắn bằng phấn trắng trên tấm bảng đen kê phía trước lớp, bên phải. Có lẽ dành cho các học sinh tương đối đọc thông, viết thạo. Thày dạy đọc ngay cho nửa lớp đó, cho vài trò dõng dạc đọc lại, xong bảo các trò đó vừa viết bài vào vở, vừa lẩm nhẩm đọc lại. Chữ nào quên hỏi thày ngay. Rồi thày quay sang những trò « mới toanh » như tôi. Thày dùng bút chì tô lên cuốn vở của tôi 1 mẫu tự ở mỗi đầu giòng, song bảo tôi đồ lại rồi viết cho hết giòng, hết trang. Tôi dùng cây bút gỗ và ngòi bút lá tre mới chấm vào hũ mực có sẵn để chìm sâu ở mép trước bàn, nắn nót, bậm môi viết. Đây là điều ngồ ngộ, là lạ vì không phải đem theo bình mực « không đổ » bằng nhựa màu như sau này.
Tôi viết nhanh lắm, dễ như … ăn khoai lang vậy vì đã viết rành ở nhà từ mấy tháng nay. Xong trang giấy, thở phào 1 cái, lúc đó tôi mới dám đưa mắt tìm u già. Hỡi ơi, u đã … biến mất tự bao giờ. Tôi định mếu máo khóc, nhưng thấy chung quanh chẳng có bạn nào muốn « làm xấu » như tôi nên đành thôi, nhịn khóc, cay đắng nuốt vội 2, 3 giọt nước mắt chưa kịp trào ra. Rồi nhìn quanh lớp học, và các bạn gần xa. Ai ai cũng lăng xăng, lúi húi học tập. Có nhiều bạn chạy qua sàng lại, lén thày dời chỗ qua hỏi đôi điều một bạn khác. Chẳng có … ma nào thèm nhìn tôi đang « khóc thầm » nữa. Chắc khoảng 10 giờ gì đó, lớp học buổi sáng chấm dứt sau khi thày đồ đi một vòng quanh lớp, chấm điểm nhanh bằng bút mực đỏ trên các bài tập viết. Tôi muốn rú lên khi được thày cho điểm 5 đỏ chói, to tướng bên lề trang vở. Công lao mẹ tôi rèn luyện, công tôi gò lưng nắn nót viết hàng tháng ròng nay có kết quả tốt đẹp. Cả lớp tan trường, ùa ra ngoài. U già đã thấy đứng lấp ló ở xa xa, đang đưa tay vẫy vẫy kêu lại. Tôi vui vui, nắm tay u về nhà, lòng như mở hội, bụng hết đánh … lô tô, sôi ruột như sáng nay. Các bạn cũng theo mẹ, chị lớn ra về. Tiếng cười nói vang đầy các hẻm. Mẹ tôi đón ngay trước cửa nhà. Mặt mẹ vui, môi nở nụ cười hỏi nhanh ‘Con đi học thấy vui không ? Mai đi nữa nhé ? » Tôi chỉ biết đáp nhanh « Vâng », rồi vừa vào nhanh trong nhà, vừa kêu toáng lên « Mợ ơi, con đói. ». Nhatrang ngày đầu tiên đến trường làm học sinh « dự bị mẫu giáo » có cái gì vui vui khiến tôi nhớ mãi.
Khi vào lớp Năm trường Nam Tiểu học, khi tôi đọc, viết vững và nhanh thì mẹ tôi mua những cuốn sách Hồng nho nhỏ, mong mỏng cho chị em chúng tôi đọc thêm tăng kiến thức. Những chuyện cổ tích, thần tiên Việt Nam và thế giới làm chúng tôi say mê và nhớ rành rọt, thường bắt đầu bằng câu : « Ngày xửa, ngày xưa … ». Những truyện Tấm cám, Ăn khế trả vàng, Ngọc Dã tràng, Sơn Tinh Thủy Tinh, Thạch Sanh Lý Thông, Lão trượng và nàng Tiên Bửu, Cây đèn thần, … từ từ thấm nhập vào tâm hồn chúng tôi, các trẻ thơ ham học hỏi, tìm hiểu những điều mới lạ quanh mình qua sự hướng dẫn của cha mẹ, thày cô và sống trong tưởng tượng với các bà tiên, ông bụt, các vị thần này nọ có phép tắc thần thông biến hóa giúp đỡ những người hiền lành đang mắc đọa hoặc gặp khó khăn.
Tôi còn nhớ 1 bài học thuộc lòng hay hay -tôi quên mất tựa bài rồi- nhiều khi hai mẹ con chúng tôi vẫn ngồi đọc chung :
Tan buổi học mẹ ngồi tựa cửa,
Mắt trông xa đứa đứa về gần,
Xa xa con đã tới dần,
Các con về đủ, quây quần bữa ăn,
Cơm dưa muối khó khăn mới có,
Của không ngon, nhà khó cũng ngon,
Khi vui câu chuyện thêm dòn,
Chồng chồng, vợ vợ, con con một nhà.
Mẹ tôi nói thích bài này lắm, và tôi vẫn còn nhớ mãi đến ngày nay giây phút đọc chung với mẹ 8 câu thơ vần điệu đơn giản, dễ thuộc lòng, những giây phút ấy nghe ấm áp, hạnh phúc, vui sướng biết bao. Mẹ còn nói lời bài thơ có lẽ được viết cùng thời với bài hát do cha tôi sáng tác khoảng năm 1929 –có nhờ người bạn là nhạc sĩ Hoàng Quý ở Hải Phòng sửa cho vài chữ- là bản « Chiều quê » :
-Quê nhà tôi, chiều khi nắng êm đềm, chạy dài trên khóm cây đàn chim ríu rít ca,
Bao người ra ngồi hay đứng bên thềm, đợi chồng con mắt trông về phía trời xa.
Sáo diều êm nào khác lời thơ, lúa vàng reo ngàn muôn sóng nhấp nhô.
Ôi chiều quê ! Chiều sao xiết êm đềm, nhìn theo tơ khói vương chờ giây phút mến thương,
Trông người ra ngồi hay đứng bên thềm, chuyện trò chung với nhau đời sống thần tiên.
( Năm 2005, cha tôi thêm lời 2 cho bài hát và đổi tựa bài thành « Chiều quê tôi » :
-Quê nhà tôi, đời dân sống êm đềm, chiều khi trăng mới lên và chim thôi hót ca,
Bao người ra ngồi hay đứng bên thềm, chuyện trò chung với nhau đời sống thần tiên.
Tiếng bờ tre đùa gió chiều lên, mấy hàng cau đằm trăng trắng êm đềm.
Ôi chiều quê ! Chiều sao xiết êm đềm, chiều khi trăng mới lên đàn vạc lên tiếng kêu,
Ôi hồn quê ! Hồn thức lúc ban chiều, nhìn chiều quê ước mơ càng thấy lòng yêu. )
Khi dọn nhà về ở gần Ga xe lửa, tôi bắt đầu biết dùng tiền giấy xé đôi. Tiền dưới thời tổng thống Diệm lúc đầu, có lẽ chưa đúc kịp các đồng xu nên tờ 1 đồng được xé đôi để trả món hàng 5 hào hoặc 50 xu. Một thời gian sau, việc xé tiền làm đôi bị cấm. Tôi thấy ngồ ngộ, cứ tưởng tượng làm thế nào có thể tìm lại 2 mảnh giấy tiền giống nhau để dán lại ? Rồi gia đình chúng tôi lại dọn về gần chợ Phương Sài. Tôi học trường Tiểu học cùng tên chợ. Ở năm lớp Nhì, trong 1 tuần lễ nọ có những nhóm thanh niên cao ráo, mặc áo trắng, quần tây dài, và đi giầy đàng hoàng, vào các lớp Nhì, lớp Nhất phát những tờ giấy in sẵn câu hỏi để học sinh làm bài … trắc nghiệm về Việt văn. Không khí làm bài rất trang nghiêm, im lặng. Ai đã điền đầy đủ các chỗ trống « bài thi » về các từ ngữ, các câu ca dao, tục ngữ hoặc 1 đoạn văn ngắn giơ tay xin nộp bài ngay. Có anh phụ trách nhanh nhẹn đến ghi số giờ làm xong bài, rồi học sinh đó được ra khỏi lớp, tụ tập trong sân trường kháo nhau những từ khó. Hình như đó là bài thi trắc nghiệm đầu tiên về Việt văn. Bọn « nhí » chúng tôi đã « thi trắc nghiệm » khoảng 10 năm trước các kỳ thi Tú tài 1, Tú tài 2 sau này. Để làm gì ? Kết quả ra sao ? Tôi vẫn thắc mắc tự hỏi, nhưng không bao giờ tìm ra câu trả lời.
Sau đó khoảng một tháng, có cô giáo người Mỹ, mắt xanh mũi lõ, dáng cao ráo, mặc váy đầm lùng tùng xòe, đến dạy chúng tôi chút ít tiếng Anh, và nhất là dạy một bài hát đơn giản, giai điệu vui tươi tôi tìm mãi 60 năm nay mới thấy trên Youtube. Đó là bài dân ca ngắn của thổ dân da đỏ ở biên giới Mỹ - Canada hát vang theo nhịp chèo thuyền kayak trên sông, « top » dân ca giữa thập niên 1950 :
CANOE SONG, ( MY PADDLE’S KEEN and BRIGHT ) ( DIP, DIP, and SWING ) -My paddle’s keen and bright Flashing with silver, Follow the wild goose flight, Dip, dip and swing. -Dip, dip and swing her back, Flashing with silver, Swift as the wild goose flight, Dip, dip and swing, -Dip, dip and swing. Kể cũng là lạ, ngồ ngộ trong khi chúng tôi hát bài dân ca Mỹ này thì các « kids » ở bên Mỹ, Canada, phía bên kia trái đất, cũng hát chung. Các bạn nhí « da trắng » sống cách xa chúng tôi lắm, đầu óc non nớt của chúng tôi không biết đếm ra số kilômét hay miles là bao nhiêu. Có xa hơn … Sàigòn không ? Hay xa hơn nữa ? Cô giáo « ngoại » mắt sáng ngời, vui thích khi thấy chúng tôi đồng thanh hát trọn vẹn, gần như thuộc lòng, bài đồng dao trên, cũng được dùng làm bài hát ru con trên quê hương cô ấy. Tiếng hát trẻ thơ chúng tôi hòa ca bằng tiếng Anh trong lớp Nhì năm ấy đến nay còn vang vọng mãi trong tâm tư.
Đến mùa Hè năm 1959, nhà tôi lại dọn về đường Nguyễn Hoàng, gần chợ Xóm Mới. Cha tôi xin cho tôi học trường Tân Phước, lớp Nhất. Cô giáo dạy thêm chúng tôi Pháp văn. Sinh ngữ được dạy « học mà chơi, chơi mà học » khiến tôi chẳng nhớ chi những bài học ngoại ngữ ấy. Thời đó, một số học sinh nam hay đội « nón cối trắng » ( kiểu Tây thuộc địa ) để che đầu, tránh những cơn nắng gay gắt. Chiếc nón được tôi trân trọng giữ gìn cẩn thận vì nó màu trắng, dễ bị vấy bẩn. Thỉnh thoảng tôi dùng bàn chải nhỏ quết « kem », 1 loại nước vôi, lên nón, xong đem ra phơi nắng. Chiếc nón màu trắng trông lịch sự lắm.
Cuối niên khóa lớp Nhất, tôi thi đậu bằng Tiểu học, rồi phải chuẩn bị thi vào lớp Đệ Thất trường Trung học công lập Võ Tánh. Học hè lớp Tiếp liên về Văn, Toán một tháng không đủ cho tôi ganh đua cuộc thi gay go với các học sinh tài giỏi hơn. Tôi rớt kỳ thi năm đó. Mẹ tôi mắt buồn vời vợi khi thấy tôi rớt kỳ thi tuyển. Mẹ bàn với cha cho tôi học trường tư, chờ đợi năm sau thi lại vào Võ Tánh. Tôi vào học Đệ Thất trường Bá Ninh, rất có kỷ luật. Có vị sư huynh già dạy chúng tôi tiếng Hán. Có những buổi lễ tôn giáo trang nghiêm cho toàn thể giáo sư, học sinh. Ngoài những giờ học thông thường, có những giờ học giáo lý. Lớp học đông học sinh, không khí học tập trang nghiêm nhưng náo nức. Có những tờ tuần báo tranh ảnh vẽ đẹp như Spirou, Tintin được kẹp chắc trên bàn cho học sinh đọc thêm tiếng Pháp vào giờ ra chơi ( vài năm sau này, tôi thường dùng tiền túi mua tuần báo Spirou có tranh ảnh đẹp, màu sắc tươi tắn, truyện lại hay, ở hiệu sách trước rạp xinê Tân Tân ). Thư viện có khá nhiều sách cho học sinh mượn đem về nhà đọc. Lần đầu tiên tôi mượn vài cuốn truyện dịch về đọc say mê như « Thằng người gỗ », « Cô bé Phan Điệp », « Vô gia đình », « Trong gia đình », « Về với gia đình », « Nghìn lẻ một đêm », « Đa vít Cốc kê », « Con người dũng mãnh », … Có sân đấu bóng chuyền, bóng tròn giữa các đội trong lớp, tranh tài để lấy điểm thể dục hàng tháng. Và trước mặt trường là bãi biển, chúng tôi tha hồ ghé xuống nước đùa dỡn, tắm mát mỗi khi về học sớm. Cuối năm học, trường Bá Ninh thường tổ chức lễ phát thưởng cho học sinh giỏi, thêm phần phụ diễn ca vũ nhạc ( học sinh trai giả gái để ca múa ). Tôi có chở mẹ tôi bằng xe đạp tới dự buổi lễ mãn khóa tối hôm ấy. Lần đầu tiên tôi và khán giả thưởng thức bản « Sầu Đông » được 1 nam ca sĩ trẻ vừa hát vừa lăn lộn trên sân khấu trong tiếng nhạc giật gân, ồn ào Rock ‘n Roll. Thật là … ấn tượng.
Gia đình tôi lúc đó lại di chuyển về ở căn nhà mới trong khu Phước Hải, đường Số Một. Cha tôi xin được 1 mảnh đất cát gần phi trường, và cho xây căn biệt thự nho nhỏ sau khi đi nghiên cứu các kiểu villa dọc đường biển Duy Tân. Do ở xa trường, cha tôi mua cho tôi chiếc xe đạp đầu đời –sau này tôi còn có nhiều chiếc xe đạp khác nữa, ngay khi « xuất ngoại » cũng vậy- Căn nhà rộng lớn không nói làm gì, nhưng chúng tôi thích nhất là khu vườn –sau khi cha tôi cho đổ hàng chục xe đất thịt, sau khi hai cha con chúng tôi chịu khó đóng cọc và chăng giây kẽm gai quanh khu đất- được trồng nhiều cây ăn trái như ổi tố nữ cây thấp lùn, ổi sẻ, na, mãng cầu xiêm, sa bô chê, tầm ruột, lựu đỏ, soài, đu đủ, chuối, … Các cây hoa thì có huệ, hồng, mai tứ quý, ngọc lan, lan đất, … ngay cả cây thầu dầu không biết để làm gì cũng tự mọc ngang nhiên vươn cao trong góc vườn hoa, lá màu tím, chỉ tổ cho bọn sâu róm trăng trắng bám đầy trên cành. Đương nhiên tôi không kể những khóm hoa giếng hồng hồng mọc hoang quanh bờ … giếng hoặc dọc theo hàng rào. Hoa huệ được tôi cắt vài nhánh mỗi khi mẹ tôi nhờ làm, đem chưng vào lọ trên bàn thờ. Màu hoa trắng thanh khiết, xinh xắn, búp hoa thon thon trông hay lắm cơ. Hương thơm lại dìu dịu. Nhưng do không có người chăm sóc bón tưới chu đáo nên hoa quả, cây trái thu hoạch không được bao nhiêu. Chúng tôi đang tuổi khám phá, phá phách, ngày nào cũng rảo qua các gốc cây xem hoa đã nở hoặc kết thành quả chưa. Quả nào hơi to một tí là đến sờ nắn cho đến lúc chúng … rụng non. Chẳng hưởng được gì ! Có lần một dây dưa hấu mọc dài trước hiên nhà, ra 5, 7 hoa vàng nho nhỏ và đậu được 1 trái. Cả nhà năm ấy ăn bánh Trung thu, thưởng trăng, bàn tán và ngắm … cây dưa hấu bò thanh mảnh trên nền đất. Chúng tôi « chăm sóc » sờ mó, nắn nót quả dưa duy nhất này một cách đặc biệt đến khi quả hơi nhỉnh nhỉnh lớn một chút … rụng cuống mới thôi. Phí của ơi là phí của !
Mẹ tôi chỉ lo giàn hoa thiên lý, giàn mướp bên cạnh cái giếng nước trong veo, và giao tôi trách nhiệm kéo gàu nước tưới những gốc cây leo ấy. Những chùm hoa thiên lý màu thiên thanh trên giàn cao tỏa hương dìu dịu chen lẫn với những đóa hoa màu vàng tươi be bé đậu những quả mướp nhỏ bằng đầu đũa rồi lớn dần và dài ra trông thấy. Mẹ tôi cho làm giàn cao để chúng tôi không thể với tới, phá phách hoa, quả. Rồi chúng tôi có những bữa cơm có bát canh hoa thiên lý hoặc canh mướp nấu với thịt thơm thơm. Cả nhà húp xì xà xì xụp chắt lưỡi khen ngon. Hàng trưa, tôi thường đứng dưới giàn cây rợp mát xem bọn ong mật bay chuyền qua các bông hoa xanh, vàng hút nhụy. Mẹ tôi bảo đừng đuổi bọn ong vì chúng giúp hoa kết trái, và chúng hút nhụy hoa đem về tổ để làm mật, với lại chúng chích đau lắm. Tôi chẳng hiểu bọn ong làm mật ra sao, có lần nghịch ngợm cùng em tôi bắt con ong nhỏ, dứt bụng nó ra xem có mật ngọt gì trong đó không. Chẳng thấy gì. Lại mang tiếng « dã man ». Tuy vậy, chúng tôi rất sợ những con bọ ngựa màu xanh, sẵn sàng dơ 2 con dao chém nếu đụng đến chúng, hoặc tránh xa con ong bò vẽ đang làm tổ đất trong góc tường, trên cao vì nghe nói nó chỉ chích một phát có thể khiến chúng tôi bất tỉnh lăn quay ra đất ngay, hoặc bọn bù xít trông lừ đừ, chậm chạp nhưng không nên đụng tới vì chúng tiết ra mùi hăng hắc, khó chịu. Khiếp thật, cái bọn sâu bọ bé con ấy !
Bên hông nhà có giàn hoa « tim vỡ » ti gôn, cành lá xum xuê, hoa màu hồng hồng nho nhỏ khiến bọn ong ngày nào cũng tấp nập đến hút nhụy. Đám lá xanh tươi mơn mởn được 3 chị tôi chúng tôi thỉnh thoảng hái cả xấp, cuộn tròn rồi xắt khoanh nhỏ để chơi trò bán … phở, ớt là hoa tim vỡ cắt nhỏ. Đồ chơi thời đó rất đơn giản, đa số chỉ là đồ nhựa bé tí, để kích thích trí tò mò, tưởng tượng của trẻ em. Con gái có các bộ dĩa dao đũa thìa chén nhựa, búp bê ( may quần áo, váy đầm cho )… để tập tành việc nữ công gia chánh. Con trai chơi máy bay, xe ô tô, xe ngựa, tàu thuyền, các con ngựa, hươu, sư tử, hổ, … tiến tới ra khỏi nhà, chơi với các trẻ hàng xóm đánh bi, thảy lỗ, thảy lon, thảy dép, bắn giây chun, bắt sâu bọ, con vật nhỏ để chơi : cào cào, chuồn chuồn ớt, chuồn chuồn châu, đặt bẫy bắt kỳ nhông, cắc kè ( mà không bắt được con nào ). Ôi thôi ! Đủ thứ trò chơi đơn giản nhưng vui thích.
Mẹ tôi thấy đất vườn có nhiều nên cho làm chuồng gà rộng lớn, cao ráo. Tôi được phân công lo chăm sóc ăn uống cho bọn gia cầm gồm gà trống, gà mái, vịt, ngỗng, gà con, vịt con : những cái bát nhôm to luôn luôn được đổ đầy bắp xay nhỏ, thóc. Nước uống được đựng những chai dựng ngược, úp vào 1 cái lon cho bọn chúng uống đến đâu nước lại đầy đến đó, nhưng không bao giờ tràn ra. Hàng ngày, mẹ tôi thích thú vào chuồng nhặt vài quả trứng gà hoặc trứng vịt đem ra. Chúng tôi bị cấm vào chuồng vì mẹ bảo sẽ bị mạt gà cắn ngứa lắm. Trứng của mỗi con gà mái được để riêng, cho đủ khoảng 20, 22 quả là cho bọn mái ấp. Tôi phải lo bồi dưỡng cho bọn này, bắp ngon cán nhỏ, thóc mới, và nhưng phải để ý tránh bị mổ vì bọn chúng « cục cục » dữ dằn, sợ bị cướp trứng trong khi ấp. Bầy gà con mới nở trong xinh xắn làm sao, như những núm tơ mềm nõn nà màu vàng, kêu chim chíp theo chân gà mẹ đi bươi đất, bươi giun, bươi sâu bọ trong đống rác kiếm ăn. Mẹ tôi đã cho đổ rác trong góc vườn, chất đống lên cho có giun, sâu sinh sản và làm thức ăn cho gà. Ngoài ra, hàng ngày tôi còn phải lo đổ đầy nước vào cái bồn tắm cũ, nho nhỏ cho bọn vịt vào bơi lội qua lại, rỉa lông rỉa cánh. Tôi sợ nhất cặp ngỗng cổ dài. Mỗi lần thấy tôi, chúng quang quác kêu vang, rồi rà đầu thấp xuống đất chuẩn bị phóng tới … sơi tái tôi. Mày mặt xanh mét « như bị cắt tiết », tôi chỉ biết cuống cuồng tìm đường chạy trốn vì đã có lần bị « tợp » mấy cái đau điếng.
Sau đó mẹ tôi cho xây chuồng lợn nuôi khoảng 5, 6 con gì đó. Tôi phụ lo với chị vú nấu đồ ăn cho lợn. Cám, bột bắp, cơm thừa, rau vặt vứt đi, vỏ trái cây, thân chuối xắt mỏng và tôi còn phải kiếm thêm loại rau … lợn mọc hoang ở bốn góc vườn phụ thêm vào nồi cám nấu. Lợn lớn trông thấy, nhưng phát bực với tánh xấu khi đói bụng hay kêu la ầm ĩ, và tánh tham ăn sùng sục, oàm oạp của chúng. Hàng ngày phải tắm lợn cho chúng được mát, và sạch. Con lợn đực hơi lớn là được … thiến để mau tăng trọng lượng, bán được giá. Anh chàng thiến làm việc rất nhanh, thoáng 1 cái con lợn chưa kịp kêu đã họng thì đã xong. Con lợn thiến được trét loại thuốc cao đen vào phía sau. Còn với các nàng lợn nái trẻ phải mướn anh chàng đem nọc tới « làm ăn gây giống». Con nọc to « khổ lòng » khổng lồ, đi lừ lữ vào với anh chủ nọc. Rồi chúng tôi bị cấm xem « chuyện đó » dù ở xa xa trong nhà, nghe con lợn nái tơ kêu la vang trời. Không bọn nhóc nào biết được chuyện gì đã xảy ra !
Ngày bán lợn làm chúng tôi thấy hoạt náo nhất : sáng sớm chủ mua và anh lái lợn đã đến, tay mang theo mấy rọ lớn, tìm cách chụp vào đầu các con vật rồi đẩy mạnh cho thân chúng vào chui sâu vào trong rọ. Tiếng lợn kêu eng éc inh tai. Lợn chui vào rọ rồi là hết cựa quậy, chỉ còn biết than thở rên la. Hai anh lái luồn chiếc đòn gánh dài, cứng dọc theo rọ và hì hục khiêng mấy con lợn nặng gần tạ thịt ra xe ba gác. Con nít, người lớn hàng xóm cũng bu lại đầy bên hàng rào kẽo gai coi cảnh bán lợn vang rân tiếng kêu. Mẹ tôi sau đó hay kể trước khi bàn tán bán lợn vài ba ngày, bọn chúng hiểu biết và buồn bã bỏ ăn mấy lần. Mẹ cũng buồn buồn khi bầy lợn đã bán đi. Mẹ chỉ giữ lại con nái đang có bụng to. Sau đó chúng tôi dọn chuồng cho sạch, lo cho lứa lợn con sắp ra đời.
Sau 1 năm học trường tư, tôi lại chuẩn bị thi tuyển vào Đệ Thất trường Võ Tánh. Lần này thành công. Tôi vẫn nhớ ánh mắt mẹ tôi vui mừng, ngời sáng lúc tôi báo tin thi đậu. Mẹ tôi nói ngay là « mẹ sẽ mua 2 bộ đồ mới cho con, mua cặp táp mới, đương nhiên sách vở, bút máy Pilot đầy đủ ». Hôm sau tôi được dẫn đi Chợ Đầm mua 2 áo sơ mi trắng và 2 quần xanh biển. Mẹ ướm vai áo, ướm chiều dài quần cho tôi, lại còn xem kỹ lưỡng đường may, kiểu cắt nữa. Niềm hãnh diện của mẹ tôi khi nói chuyện với các bà hàng xóm cho biết con mình đã đậu vào trường công Võ Tánh được bộc lộ kín đáo, nhưng rõ ràng vui tươi hẳn lên. « Khó lắm đấy. Dự thi gần ngàn người mà trường chỉ tuyển độ 200 học sinh cho các lớp Đệ Thất thôi ». Nghĩ xa nghĩ gần, có lẽ mẹ tôi thấy chi tiêu trong gia đình đỡ tốn hơn trong vòng 7 năm khi tôi không còn đóng học phí cho trường tư nữa.
Buổi khai trường năm ấy thật đặc biệt. Tôi được đánh thức dậy từ sớm, ăn sáng nhanh, mặc quần áo mới bảnh chọe, cặp, vở, bút máy đều mới, và chính mẹ tôi dắt tay đi bộ tới trường Võ Tánh. Bụng tôi không đánh lô tô như năm xưa. Nhưng vui vẻ, hớn hở. Cổng trường vẫn đóng trước 8 giờ, nhưng số học sinh mặc đồng phục đủ mọi hạng tuổi (có những bạn trên lớp tôi, đã vào học trước ) cùng một số phụ huynh ( lớp mới tuyển ) đã đứng đầy 2 bên lề đường. Thỉnh thoảng, một vài giáo sư đến và ông gác dan vội mở nhanh cổng cho các thày cô vào. Học sinh xếp hàng hai trước lớp, có thầy hoặc cô chủ nhiệm đến điểm danh từng em rồi cho vào lớp ngồi. Tường quét vôi trắng mới, còn thơm nồng, có 2 cửa sổ bên hông nhìn ra sân trồng đầy phi lao. Thầy chủ nhiệm phát cho chúng tôi mỗi người 5 miếng huy hiệu trường Võ Tánh và phải may vào ngực áo trái. Tên trường màu đỏ, cùng các chữ khác màu xanh biển nổi bật trên nền trắng. Là học sinh Võ Tánh thời đó là « oách » lắm.
Tôi ghi ban Anh văn. Và sau một tháng học thứ chữ khó đọc, khó viết, khó nhớ đó, cha tôi cho tôi tới học thêm tiếng ngoại ở trường tư Anh văn. Tôi học thêm được 2 tháng rồi nghỉ. Dồn vào học toán, lý hóa còn có lợi hơn. Lớp mới, thày cô mới, bạn bè mới, tôi mở rộng tầm mắt nhiều lắm khi « oai phong » vào học trường Trung học công lập. Mẹ tôi vẫn nói là mẹ vui và lo cho con biết bao khi được nhận vào Võ Tánh, con phải cố học chăm, học giỏi để xong Đệ I cấp, rồi lên Đệ II cấp cho bõ công cha mẹ nuôi nấng, cho ăn học. Tôi trịnh trọng hứa với mẹ là tôi sẽ cố gắng tối đa để đạt thành tích học tập tốt. Điều này tôi chỉ thực hiện được 6 năm sau khi lên lãnh thưởng ở các lớp Đệ Nhị và Đệ Nhất. Mẹ tôi có đi dự lễ phát thưởng -có ca nhạc phụ diễn- của liên trường Nữ Trung học và Võ Tánh, ánh mắt vẫn vui mừng, ngời sáng, và hãnh diện kín đáo như thuở nào. Trong những lần lãnh thưởng đó, tôi được bạn T., do xấu hổ, cho tôi luôn phần thưởng của bạn ấy ( phần thưởng thời đó chỉ là những cuốn sách, hoặc cuốn truyện giáo dục rất hay ). Mẹ tôi tăng thêm lòng hãnh diện khi thấy tôi ôm 2 phần thưởng bọc giấy bóng kính màu đỏ to tướng ra về. Trông thật … ấn tượng.
Chị tôi trước đó cũng thi đậu vào Đệ Thất trường Nữ Trung học Nhatrang mới thành lập. Nhưng do chưa có trường ốc, mấy lớp Đệ Thất con gái đầu tiên học nhờ bên Võ Tánh. Nhờ luôn năm sau khi chị tôi lên Đệ Lục. Qua năm Đệ Ngũ, trường Nữ Trung học có cơ sở mới, chị tôi qua học cùng các bạn. Chị nói nữ học sinh phải gài trên áo chiếc nơ mang màu tùy lớp : Đệ Thất nơ đỏ, Đệ Lục nơ xanh lá cây, Đệ Ngũ nơ hồng, Đệ Tứ nơ vàng, rồi Đệ Tam nơ tím. Những tà áo dài trắng ríu rít nói chuyện bên nhau khi đến trường hay rời trường, hoặc đạp thong thả chiếc xe đạp đi đi về về là hình ảnh đẹp đối với bọn con trai chúng tôi. Phải chăng ở những năm Đệ II cấp, trong ánh mắt tôi có vương vấn hình ảnh 1 cô bé học trò áo trắng tha thướt nào đó chăng ? Nào ai biết được vì chính tôi cũng chưa dám kể ra nữa mà ? ! Con tim tôi chưa chịu thổn thức, mơ mòng trước hình bóng một người khác phái nào đâu. Tôi nghĩ phải chờ đúng lúc nào đó tôi mới chịu phiêu lưu vào « cái thú tình ái đau thương, hơi vớ vẩn, hại tim ấy ». Nhưng « lúc ấy » còn lâu lắm mới xảy ra vì tôi còn phải lo học hành chăm chỉ, đậu đạt đầy đủ để cha mẹ được tươi vui, sung sướng.
Bốn năm Đệ I cấp trôi qua nhanh với thầy cô, bạn bè. Gần cuối năm Đệ Tứ, bọn con trai chúng tôi cũng bầy trò viết Lưu bút ngày xanh. Tên nào tên nấy cũng ráng kiếm 1 cuốn sổ tay không giòng kẻ, ép khô vài đóa hoa học trò trong đó rồi nhờ bạn thân ghi ít dòng tâm sự kỷ niệm với nhau. Đương nhiên Lưu bút có « lời tựa » đàng hoàng. Tôi nhận được 3, 4 cuốn Lưu bút, đành phải dán mỗi cuốn 1 tấm ảnh chụp năm đó, và cố nặn ra những giòng chữ tâm tình … thê thảm, nhung nhớ viết bằng mực tím để gây ấn tượng rồi cọp pi chút chút trong 3 cuốn khác cho thoát nạn « văn chương học trò ». Tư tưởng ngồ ngộ, là lạ khi viết Lưu bút không bao giờ trở lại trong cuộc đời nữa.
Sau khi đậu bằng Trung học Đệ I cấp, tôi được lên lớp Đệ Tam ban A học chung với những bạn mới từ các trường tư bên ngoài vào xin vào. Họ đã đậu bằng Trung học như tôi. Còn các bạn nối khố 4 năm qua đã rớt tấm bằng này phải ra trường tư mà học. Lại là điều ngộ, lạ xảy ra về nền giáo dục miền Nam. Trình độ học cao hơn, khó hơn, từ chương hơn, thầy cô thay đổi, bạn bè cũ qua ban B, ban C ít gặp lại, có bạn học nhảy thi Tú tài 1 trước tôi, có bạn sau lớp Đệ Nhị đã thấy mất dạng ( do đầu quân đi khóa Hạ sĩ quan ). Từ đó coi như « sảy đàn, tan nghé », tôi hiếm khi gặp lại các bạn trong bốn năm Đệ I cấp nữa. Phải đợi đến … hơn 50 năm sau mới có thể tay bắt mặt mừng, tâm tình vui vui, tủi tủi trong kỳ HN VT/NTH năm 2017 này. Nhưng lúc đó tôi vẫn hàng ngày đến lớp đều đặn trong ngôi trường thân yêu Võ Tánh thời Đệ II cấp. Số học sinh ít đi do chọn chia phân ban, trong lớp tôi chỉ có độ 15 bạn. Có bạn be bé sàn sàn vóc tôi, có bạn cao lớn hơn và … đã có vợ rồi. Thú thật hồi đó ý tưởng có … vợ là chuyện là lạ, ngồ ngộ, gợi lòng tò mò. Mươi năm sau tôi mới biết … thân !
Viết về Nhatrang không thể không quên kể đến bãi biển cát trắng kéo dài uốn lượn tuyệt đẹp, trời trong xanh, sóng vỗ rì rào nhè nhẹ suốt ngày đêm không ngơi nghỉ cho chúng tôi tha hồ đắm mình bơi lội trong làn nước man mát hoặc nằm trên cái phao, bơi ra xa bờ rồi mơ mộng trong khoảng nước biếc cùng trời mây bao la, quên cả thời gian tưởng như đang lạc vào « Thiên đàng đại dương hạ giới », hoặc những chuyến đạp xe ra Hòn Chồng phóng mình từ bờ đá cao xuống biển xanh thẳm, hoặc ghé Cầu Đá thăm thú Hải Học Viện miễn phí thời đó xem con rùa khổng lồ bơi nhẹ nhàng qua lại, tuy đã đứng xa nhưng vẫn cứ sợ nhỡ mặt kính vỡ ra thì khối nước trong bể nuôi rùa có lẽ sẽ cuốn người xem đi đến tận đâu đâu, hoặc 1 mình đạp xe đến gần sân bay, tạt qua bãi biển hoang đầy cây gai –sau bờ dương- liều thân đạp gai hái từng trái mai dương dại đo đỏ ăn dòn dòn, và thật ngọt. Hình như chỉ có bạn Th. và tôi là biết chỗ bí mật này thôi. Tôi vẫn còn nhớ những buổi chiều tập thể dục trên bãi biển, anh T., trưởng ban thể dục lớp, hướng dẫn tập tành đàng hoàng uốn éo tay chân, thân mình, cong lưng ưỡn ngực, chạy tại chỗ, … xong 2 giờ tập, các bạn trên Thành vội về nhà ngay, còn bọn tôi dân thành phố tha hồ ở lại tắm biển, nặn gọt những cục cát ươn ướt nhưng đã khéo léo bồi cát khô cho cứng rồi cho lăn chạy theo mương đào hướng xuống biển. Cục cát vừa lăn đến làn nước trong xanh đã vội tan rã nhanh chóng như những lâu đài cát, nhưng rồi chúng tôi vui thú làm lại những cục cát ướt mới, và cho nó lăn xuống dốc liên tục. Những buổi sáng chủ nhật, trên bãi biển đông người tắm, tôi mải mê bắt những con còng gió, hoặc những con cúm núm ( còng con ) đủ mầu xanh đỏ bỏ vào chai chứa đầy nước biển đem về nhà cho các em xem. Cúm núm bơi lên xuống rất nhanh, đã thấy rõ 4 cặp chân bé tí, ngắn củn.
Viết về Nhatrang không thể không quên kể đến những cơn bão rớt từ biển khơi tạt vào, mưa gió dầm dề suốt ngày có khi gây lụt lội ngay trong thành phố. Nhà chúng tôi bị nước ngập vào 2 lần. Một lần ở khu Phước Hải, nước ngập vào nửa sân trước cổng, cha tôi phải cắt 1 khoảng hàng rào kẽm gai để lấy lối ra khỏi nhà. Chúng tôi không lo âu khi thấy nước lụt dâng lên, chỉ biết thích thú xin mẹ đem cái bồn tắm nhỏ ra ngồi vào làm thuyền chèo chơi qua lại. Một năm khác ở giữa đường Kim Sơn, nước lụt ngập me mé nền nhà. Chúng tôi chỉ biết dắt xe đạp lội bì bõm ra đường lớn. Nhiều bạn ở khu gần thành phố, người lúc nào cũng « khô ran ». Họ ở nơi không có nước lụt. Những ngày mưa to gió lớn đó, mẹ tôi vẫn khuyến khích chúng tôi mặc áo mưa kín mít, cạc táp bọc ni lông kỹ tránh cho sách vở bị ướt, rồi phải đạp xe đến trường. Tùy hoàn cảnh, lúc chiếc cầu Dứa nối liền vùng trên Thành bị ngập nước lũ, ngay xe đò, xe ngựa không qua lại được, là khi tôi đến trường thấy vắng hoe các bạn. Có bảng thông báo ghi rõ ngay « Do thời tiết mưa bão ngập lụt, Trường tạm đóng cửa 1, 2 ngày ». Lòng tôi nửa vui ( vì được nghỉ học ), nửa buồn ( vì bài học đã làm đầy đủ, đợi được chấm điểm tốt mà lại không gặp thầy cô ! ). Về nhà mấy chị em cùng kể lại cho mẹ chuyện có trường cho nghỉ, có trường không. Chẳng biết làm gì, mẹ tôi sai chị tôi và tôi rang bắp cho cả nhà. Đảo đều những hột bắp khô trong nồi lớn đạy nắp cho nở bung xong giao cho mẹ tôi ngào đường. Ăn từng hột « popcorn » bùi bùi, ngòn ngọt, nong nóng mới thú vị làm sao. Hôm đi học lại, mẹ tôi không quên dúi vào tay mỗi đứa con gói bắp rang ngào đường tuyệt vời của mẹ.
Nhatrang hưởng thời tiết nắng nóng quanh năm nên mẹ tôi thường mua nhiều nải chuối sứ, nhờ chúng tôi khéo léo lột vỏ ngoài, giữ lại lớp vỏ trắng bên trong, xong ép nhẹ cho quả chuối dẹp đi rồi bầy đều đặn trên mẹt lớn đem phơi ngoài sân 5, 3 nắng cho se khô. Chuối sứ phơi khô ăn cũng thú vị lắm vì chuối dẻo hơn và thịt lại ngọt hơn. Hoặc mẹ tôi cho phơi cá nục đã ướp muối, thân dài lòng thòng, mình dẹp. Mỗi khi ăn loại cá khô chiên này thấy thật khoái miệng vì độ dòn tan của thịt, rất ít xương nên không lo bị hóc. Chưa kể thỉnh thoảng cha tôi được người ta biếu con cá thu to và dài cả thước. Thường là vào buổi chiều. Mẹ tôi huy động nhân lực trong nhà tối đa để « thanh toán » con cá. Thịt nạc được lọc ra và tôi lãnh nhiệm vụ giã tơi bời hoa lá trong cối đá. Thỉnh thoảng mẹ kêu đổ ít nước mắm và cho rau thìa là vào, cho đến khi thịt quết hẳn vào cối lẫn chầy. Lúc đó mẹ tôi lấy ra tán trên lá chuối thành khoanh tròn mỏng để chuẩn bị rán chả cá. Tôi lại giã mẻ khác. Trong khi tôi giã chả thì chị tôi lo chiên những khoanh cá nạc cho vàng đều, hoặc mẹ tôi lo món cá kho cùng món canh cá. Tối đó, cả nhà ăn cơm trễ nhưng ngon miệng vì 1 con cá to được mẹ tôi biến chế thành nhiều món ăn khoái khẩu. Sau này, vào mỗi cuối tuần, mẹ tôi thường cùng em tôi sang bên Xóm Bóng mua « hải sản » đem về biến chế thành món chả mực, mực kho, canh mực, cá cơm kho tiêu, tôm tép rang hành mỡ, … Còn cá sông, tôm cua sông, thịt heo trở nên quá đắt do người Mỹ vào Việt Nam nên mẹ tôi chỉ còn cách mua « sea food » ở nơi bến cảng xa xa cho được rẻ, cho đủ ăn cả gia đình.
Mẹ tôi mất đã lâu, nhưng vị ngon ngọt chua cay của những món ăn do mẹ chế biến hình như vẫn còn đọng lại trong khẩu vị chúng tôi từng lúc. Không ai có thể nấu lại những món ăn cầu kỳ, như bún thang, giả cầy, sôi vò, sôi gấc, giò thủ, bánh đa kê, những bữa giỗ, những bữa cơm cúng Tết đón ông bà, hoặc những bữa ăn đơn giản nhưng vẫn ngon miệng cho cả nhà như mẹ đã làm. Mẹ còn tổ chức « bữa tiệc ăn mừng » tôi đậu Tú tài 2 với các bạn tại nhà là điều mẹ muốn nhớ ơn đến ngôi trường Võ Tánh mà đại diện là các bạn và tôi đấy.
Mẹ và ngôi trường Võ Tánh là dấu ấn đặc biệt ghi sâu vào tâm tư tôi từ lâu, và vẫn còn mãi mãi.
Để kết, xin mượn lời bài học thuộc lòng lớp Nhất Tiểu học của Lâm Ngọc Sĩ, trong sách Quốc văn, nói về thời thơ ấu đi học :
Ôi ! êm ái là thời đang cắp sách, Ôi ! vui tươi là lúc hãy còn thơ, Đời đẹp đẽ như trong một giấc mơ, Và thắm đậm như một mùa xuân mới, … Những tình cảm nơi học đường xán lạn, Quên làm sao, tuy dĩ vãng xa xôi, Vì đó là những kỷ niệm của thời, Thời cắp sách, thời vô ngần trong sạch … Còn nói về người mẹ thì mẹ tôi đã ra đi vĩnh viễn gần 10 năm rồi. Ngôi trường Võ Tánh, dù đổi tên, vẫn còn đó. Mỗi lần về thăm Nhatrang đi ngang ngôi trường cũ, tôi thường tần ngần đứng lại trên lề đường, đăm đăm nhìn lại 2 chữ VT trên cánh cổng, hình như tôi còn nghe văng vẳng tiếng thầy cô giảng bài đâu đây, tiếng bạn bè kháo nhau về bài học, hoặc tiếng đùa giỡn ồn ào trong giờ ra chơi, hoặc vui vẻ rủ nhau ra tắm biển khi có giờ học trống, những đóa hoa phượng màu đỏ thắm nhẹ nhàng lìa cành rơi rơi trên sân, … Nhưng trên tất cả có lẽ tôi còn nhớ ánh mắt của mẹ tôi đưa tiễn mỗi sáng khi tôi đạp xe đến trường, ánh mắt thân thương, trìu mến, khuyến khích, nhắn nhủ tôi làm tròn bổn phận học sinh, làm tròn bổn phận người con trong gia đình để làm vui lòng cha mẹ. Ánh mắt ấy của mẹ luôn theo tôi cho đến bây giờ, mông lung trộn lẫn với hình ảnh ngôi trường cao lớn, các lớp học thơm mùi vôi trắng của thời thơ dại, có những bông hoa phượng ép trong trang Lưu bút, hoặc những vũng nước, những cành cây gẫy sau cơn mưa bão trên cái sân rộng, vang vang cùng với lời bài hát « Lòng mẹ », hoặc bài « Maman oh maman » do Roméo hát :
-Maman oh maman,
Toi qui m’as donné, tant de tendresse, depuis tant d’années,
Tu le sais bien, quand je serai grand, je penserai à toi, Maman.
Maman oh maman,
Le jour et la nuit, je veillerai, toujours sur ta vie,
Je serai là, à tous les instant, pour te protéger, Maman.
Je te promets, si jamais tu pleures, de te serrer fort sur mon cœur.
Il n’y aura pas d’Amour aussi grand que mon Amour pour toi, Maman.
Maman oh maman,
Quand tu me souris, c’est un soleil qui chasse la pluie.
J’essaierai de sourire au temps, chaque jour pour toi, Maman.
(
https://www.youtube.com/watch?v=2rz3wopuBEI )
Những lời hát gây xúc động mãnh liệt trong lòng tôi mỗi khi nghe đến.
Mẹ ơi, phải chi bây giờ mẹ còn sống nhỉ ? ! Con sẽ cố gắng mời bố mẹ sang thăm Paris, viếng tháp Eiffel, dạo chơi bên bờ sông Seine, qua khu nghệ sĩ bên cạnh cầu bắc ngang sông, thăm khu đại học Sorbonne, Quartier Latin, uống café ở khu Montmartre, ăn bánh mì baguette ròn tan, bánh sừng bò croissant béo ngậy mùi bơ tây, ăn bánh gateaux Pháp nho nhỏ vừa bỏ vào mồm đã thấy tan chảy ra ngay đầy vị ngọt và thơm, uống tí rượu vang bordeaux, và tí rượu sâm banh nữa, thăm các thánh đường Notre Dame de Paris, Sacré Cœur, thăm Opéra de Paris, xem ciné phim tây, viếng chùa Khánh Anh, shopping khu chợ Việt Nam ở quận 13, và nhất là để « Cậu có dịp nói chuyện với … đầm vì cậu là tây học mà, cậu cứ ao ước trao đổi tiếng Pháp với tây, với đầm ở Paris, và được … ngắm đầm nữa » như mẹ thường nói đùa với bố ( và bố chỉ trả lời bằng nụ cười nhẹ ). Con sẽ dẫn bố mẹ đến xem sinh hoạt 1 ngôi trường tiểu học, xem các « enfants » đeo cặp sau lưng, nắm tay cha hoặc mẹ vui thích theo các bạn qua cổng trường. Con sẽ giả vờ hỏi « Mợ ơi, hồi bé con đến trường cũng hăng hái như các em đây, phải không ? ». Chắc chắn mẹ tôi sẽ cười nhẹ, trả lời ngay « Ối dào, con đừng tưởng con có can đảm hồi đó đâu. Mợ nhớ con nắm chặt tay u già không muốn rời, mồm mếu máo, chân nửa muốn bước đi nửa không dù trong cặp đã nhét sẵn 1 củ khoai rồi đấy. Đến lớp, u còn phải đứng lấp ló ngoài cửa cho con thấy. Khi con đang say sưa học, u già trốn về ngay lo phụ mợ việc nhà, nấu cơm, mua bánh trái để trưa con về có gì ăn. Mợ còn nhớ con trông oai ra phết khi mặc đồng phục đến lớp Đệ Thất. Ngôi trường Võ Tánh cho con học hành 7 năm, chắc con không bao giờ quên ? ». Con sẽ đáp « Không bao giờ con quên công ơn bố mẹ, cũng như không bao giờ con quên ngôi trường nơi có thầy cô cho con kiến thức, và cùng các bạn học tập chăm chỉ, vui chơi với nhau, tràn đầy kỷ niệm. » Bây giờ đó chỉ là giấc mơ êm dịu, nhưng cô quạnh và bùi ngùi của con, phải không mẹ ? Nhatrang ngày về, tháng sáu 2017.