Nhân văn
-
Số bài
:
996
-
Điểm thưởng
:
0
- Từ: 08.12.2007
|
Re:PHẠM NGỌC THÁI * CÁNH ĐẠI BÀNG của THI CA ĐƯƠNG ĐẠI VN * Tác phẩm
-
20.04.2019 18:26:46
III. ĐÔI TÌNH THƠ LẠ Nói về thơ trong thi đàn, có những tình thơ rất lạ - Nó không giống như nhiều bài thơ thường tình cảm xúc từ cuộc sống, mà lại nẩy sinh bất ngờ ở một miền hư ảo, mông lung nào đó? rồi thi sĩ xuất thần sáng tác ra. Sáng tác những tinh thơ này cho hay không dễ, nhiều khi bị hỏng thơ. Tôi lấy vài ví dụ vài áng thi ca như vậy, trong văn đàn xưa nay: “Tiếng thu” của Lưu Trong Lư, “Tống biệt” Tản Đà, “Bẽn lẽn” Hàn Mặc Tử... Xin quay trở về bình đôi bài thơ tình lạ của thi sĩ Phạm Ngọc Thái. 1/. HÀNG CÂY LÁ ĐỔ - Một buổi chiều lặng ngắt, chỉ nghe thấy tiếng gió heo hút: Thế là hết! Em đi, chôn chiều vào gió Ta lang thang qua lá đổ hàng cây Thơ khắc hoạ cả khoảng không gian, thời gian - nhưng đó chỉ là không gian, thời gian trừu tượng: nó vô tận. Đây là cái chiều của sự cô đơn trong cuộc đời, thi nhân lang thang cõi vắng, dưới hàng cây lá đổ. Sự "đi" kia cũng chỉ mang theo ý ẩn dụ? Đó là cảnh tan tác của một mối tình. Thi sĩ chạnh lòng mà nuối cảm. Ở trong hai câu 7- 8, nói rõ hơn: Giờ ta sống trong hoang tàn sụp lở Bên những chiếc bóng của đàn thiên nga. Bóng “những con thiên nga”, là hình ảnh tượng trưng của tình yêu! Ngay trong khổ thơ đầu, nhà thơ cũng đã mô tả về nó: Bản tình xưa em hát ở đây! Nơi ngày nay, xác các con thiên nga đã chết... "những con thiên nga đã chết" ấy - Nghĩa là, tình yêu của nàng đối với anh không còn. Nhưng tình yêu dành cho nàng trong trái tim thi nhân, thì vẫn nguyên vẹn như xưa. Nàng để lại một thế giới hoang tàn... và đi dưới hàng cây lá đổ đó, nhà thơ nhớ lại những kỉ niệm đã qua: Ôi, hàng cây! Cùng ta bao đêm từng tha thiết Những nụ hôn và tấm thân bất hủ của em! Cũng ở dưới hàng cây ấy: nụ hôn thì nồng nàn, tha thiết, tấm thân em trinh trắng vô vàn. Đó là khoảnh khắc bài thơ đã ra khỏi biên giới những ảo ảnh, mặc dù vẫn chỉ là những cảm xúc trong mộng. Thời gian cứ trôi, ký ức rồi sẽ phai nhoà: Thời gian phôi pha - Tóc ta hoá đá Gió cũng làm lau ngàn năm ru rất khẽ! Xin rụng một bông buồn lắt lay... Đời người - mái tóc nhà thơ đã bạc trắng (hóa đá), cùng với sự phôi phai trong cái vũ trụ mênh mang của tình yêu và cuộc sống kia! Ta nghe thấy cả ngàn năm sau, con gió còn ru mãi quanh những hàng lau vô vi... lay lắt buồn. Hồn thi nhân lại trở về với hình ảnh của chiều gió heo hút ở câu thơ đầu. Thơ trừ tượng nhưng vẫn chứa đầy cảm xúc và rất lạ. 2/. “XEM TRANH BÁN LÕA THỂ” - Anh Trần, một nghệ sĩ “sân khấu và điện ảnh” Hà Nội, khi bình bài này đã đánh giá: “Bài thơ viết rất "nghệ", sâu sắc và hay! ”. Thí dụ như những hình ảnh: Nàng gieo hoa và ý nghĩa loài người Nhưng cũng đẻ cả chiến tranh và hoà bình ra từ trong bụng... Theo ý của người nghệ sĩ: câu thơ không phải chỉ muốn khoanh vào để nói em có khả năng mang thai trong bụng rồi sinh đẻ, tất nhiên là ra con người. Ý nghĩa bao trùm của nó rộng lớn hơn - Tình yêu và đàn bà sinh ra cả hạnh phúc lẫn khổ đau, chiến tranh và hoà bình. Ta hãy nghe tác giả miêu tả về "cái" của người đàn bà: Lui xuống dưới nàng, một rừng sâu um tùm che hang động Lên trên nàng, đôi mỏm núi trắng vô biên Ta lại nhớ đến những câu thơ miêu tả người thiếu nữ, của thi nhân Bích Khê: Hai vú nàng! Hai vú nàng! Chao ôi Cho tôi nút một dòng sâm ngọt lộng Ôi lồ lộ một tòa hoa nghiêm động! (Tranh loã thể) Trở lại với bài "Xem tranh bán loã thể" của Phạm Ngọc Thái, cũng như người nghệ sĩ phân tích: Tác giả không chỉ dừng lại ở sự miêu tả, thơ đã được phát triển một cách sâu sắc: Em như gió trăng mà rung động cả vua chúa, thánh thần Cuộc sống cần em, đâu có cần chiến tranh và bom nguyên tử Hàm ý lên án chiến tranh sâu sắc. Nhất là trong đoạn thơ kết: Khi em cởi ra nhiều Điểm báo thế giới càng hiện đại văn minh (1) Nhưng điều đáng đớn đau: Là tính nhân loại Con người cũng ngày càng nhiều dã tâm, gây tội ác! (2) Ý câu (1) nói: Thế giới càng hiện đại văn minh - thì khuynh hướng triển lãm thân thể của các thiếu nữ càng phát triển, tới mức gần như cởi truồng. Còn câu (2) để diễn tả ý nghĩa, mà nhà văn Nga Ai Ma Tốp đã cảnh báo trong tác phẩm "Đoạn đầu đài" nổi tiếng của ông rằng: Thế giới, cái ác vẫn lấn át cái thiện và con người hiện đại còn ác hơn con sói! Tính thời đại cùng giá trị nhân bản của thi phẩm đã được phát triển tới tột cùng. Bài thơ được coi là một kỳ tác thi ca! IV. THƠ TÌNH THỜI ÁO TRẮNG Phạm Ngọc Thái sáng tác rất nhiều thơ tình viết về thời áo trắng. Ở đây, tôi chỉ xin chọn ra đôi bài, mà ngay trong tít đề đã có cái tên "áo trắng". 1/. Bài “THỜI ÁO TRẮNG” - Vào đầu bài thơ, ta đã thấy tiếng gọi của thi sĩ, như muốn níu kéo về một thời xa: Trả lại cho anh một thời áo trắng Em đi rồi, mai thành phố cô đơn! Những bông hoa mùa xuân thôi không nở Đi dưới bóng điện đêm, lòng sẽ rất buồn Cái thời ấy như những buổi ban mai trinh khiết và thơm mát. Tình yêu với các nàng thiếu nữ cũng thật quyến rũ, say mê. Nhà thơ bàng hoàng, nuối tiếc: Trả lại cho anh.../- Bởi, thời đó đã quá xa với anh rồi. Song nghe thơ, ta lại cảm thấy như vừa mới mất thôi! Cả đất trời cùng luyến tiếc: Hoa mùa xuân thì thôi không nở, nhà thơ chỉ còn biết lang thang trong những ánh điện đêm thành phố, để hoài vọng nhớ thương. Tình yêu thời áo trắng với bao nhiêu sự ngọt ngào, nhưng mỏng manh tựa sương mai, rất dễ bị tan vỡ trên đường đời đầy cát bụi. Dẫu thế, nó vẫn lắng đọng trong tâm hồn anh. Đời người, thường ai cũng cất dấu trong trái tim một khoảng trời xa xăm nào đó với những kỷ niệm êm đềm. Tác giả đã thốt lên: Ôi, yêu dấu cái thời còn cắp sách Mắt em cười, mùa thu xanh lên! Những buổi chúng mình tìm ánh trăng để học Tà áo trắng động vào... khe khẽ nát tim anh! Đôi mắt của người con gái là cả mùa thu xanh thẳm, mộng mơ. Nó hiển hiện trong anh vào những đêm trống vắng. Hình ảnh câu thơ: ...khe khẽ nát tim anh!/ - gợi ta về mối tình của một thời chớm nở. Dưới ánh trăng kia... đôi trai gái đang học bên nhau. Cái bỡ ngỡ, rụt rè, ham muốn của buổi ban đầu. Đó chính là thời mà anh cùng em ngồi dưới mái trường đại học. Ôi! Tà áo trắng của người thiếu nữ khẽ động vào, cũng làm cho trái tim nhà thơ xốn xang. Có thể nói - "Thời áo trắng" là bài thơ gối đầu của những lớp sinh viên, nhất là các nữ sinh. Họ tìm thấy trong đó hơi thở, tình yêu tuổi trẻ! Không chỉ thế, ngay các bậc hoa niên cũng tìm về kí ức một thời xa của mình, từng dan díu với bao em. Sau đó tác giả khắc hoạ dĩ vãng: Trả lại cho anh một thời áo trắng Đã đi qua và... đã đi qua... Với cả dòng sông trôi mơ mộng Lá lá rụng vàng, tóc tóc hoá sương pha Con sông của tuổi thơ xanh biếc khát vọng, ước mơ. Năm tháng theo lá rụng và mái tóc nhà thơ bạc dần. Điệp khúc: Trả lại cho anh một thời áo trắng/ - đã được đay đi, đay lại đến ba lần. Bởi vì, đó chính là ý tưởng của bài thơ! Đại từ "em" cũng chỉ là hình ảnh tượng trưng, chứ không để nói về một em nào cụ thể. Tất cả đã trôi qua, chỉ còn đây tiếng vọng: Nghe gió thổi hàng cây vi vút Em biển xanh xa mãi vô cùng Anh đứng lặng một mình bên bờ biếc Những âm thanh kêu bổi hổi trong lòng. Chính là tiếng của trái tim thi nhân đang đập dồn dập, bên bờ bến tình xưa. 2/. “PHỐ THU VÀ ÁO TRẮNG” - Nếu như "Thời áo trắng" chỉ là sự hồi tưởng của kí ức về tình yêu một thời, thì "Phố thu và áo trắng" lại là một tình thơ, cảm xúc của tác giả vọt trào ra bất chợt trên đường đời. Có một buổi nhà thơ đang đi trên phố, bỗng nhiên anh bắt gặp những tà áo trắng của các nữ sinh vào buổi khai trường mùa thu, phấp phới bay lướt qua. Nhà thơ bồi hồi nuối lại những kỷ niệm xưa: Tà áo trắng em đi qua phố Mùa thu rơi phủ mắt anh Tà áo trắng của người sinh nữ Anh nhìn xác phượng khóc rưng rưng. Ôi mùa thu! Mùa thu sâu lắng, có cả màu áo trắng em trong đó. Vậy, tà áo trắng này là tà áo trắng thực, Phố thu này cũng là phố thực - Nó khác với "Thời áo trắng", chỉ là thành phố và tà áo trắng tượng trưng trong tưởng tượng. Gặp lại những tà áo trắng ấy, nhà thơ xúc động đến mức máu tim anh rỏ xuống: Chỉ còn lại con tim rớm đỏ Áo quệt vào, máu rỏ hai tay Chàng bật kêu lên! Không, chàng nấc lên: Ôi mùa thu! Mùa thu êm ả... Sao lòng anh tơi tả thế này? Nếu như ở "Thời áo trắng": Tà áo trắng động vào... khe khẽ nát tim anh !/- Sự xao động, ham muốn còn ở mức độ bỡ ngỡ, rụt rè của tình yêu ban mai - Thì trong “Phố thu và áo trắng”, nỗi xa xót siết lên trái tim nhà thơ dữ dội hơn nhiều. Anh bàng hoàng nhớ về một thuở từng say đắm, ngọt ngào bên người thiếu nữ. Tâm trạng tiếc nuối ấy, như con dao cào nát trái tim anh. Máu chảy ngập tràn cả mùa thu. Thế là, tất cả đất trời: Áo trắng in ngang trời - sét đánh! Lưỡi dao nào cào nát tim thu? Đến đây, hình tượng thơ lại trở thành tượng trưng: Tà áo trắng hiện lên mà tưởng như thành sét đánh xuống cuộc đời. Tấm ảnh lưỡi dao cào nát cả trái tim mùa thu - là một hình tượng đã được thăng hoa, để đẩy nỗi thơ đến tột cùng. Rồi một bức họa in trên nền trời: Tà áo trắng trôi dưới dòng mây bạc Lang thang vài cánh bướm bơ vơ... Lại là hình ảnh ảo. Không phải những con bướm ấy bơ vơ, mà chính là hồn của nhà thơ bơ vơ... Anh bồi hồi tưởng lại những tháng năm xa: Anh cũng có một thời bên áo trắng Cũng bế bồng và cũng đã ru em! Cái thời ấy chìm vào xa vắng Phút gặp lòng đâu hết ngổn ngang Nó trở thành kỉ niệm thiêng liêng. Đây lầ những giây phút mà nỗi khao khát yêu đương, trong trái tim nhà thơ bùng nổ. Ngôn ngữ, hình ảnh thơ chứa đầy hồn và khốc liệt. Đau đến mức, mùa thu phải đổ máu. Trong tao đàn hiếm có những hình ảnh thi ca nào về áo trắng và mùa thu, dữ dội đến thế! Tôi xin nhấn mạnh lại cả đoạn thơ thứ ba này: Tà áo trắng trôi dưới dòng mây bạc Lang thang vài cánh bướm bơ vơ Áo trắng in ngang trời - sét đánh! Lưỡi dao nào cào nát tim thu? Đó là những hình tượng thơ hay! Mỗi một mùa thu đến - dù trời đất vẫn trong xanh, mùa thu vẫn êm ả, nhưng tà áo trắng kia thêm một lần lại rời xa anh hơn, thêm một lần trái tim nhà thơ càng tan nát. Đoạn thơ kết: Thêm một mùa thu, một mùa thu vỡ Câu thơ nẩy những bông hoa buồn Thôi, đừng hát để ướt lòng trinh nữ Em đi rồi! Anh chết cả mùa đông... “Tàn úa” là qui luật của thời gian trong cuộc đời, ai mà cưởng nổi. Ý tưởng bài thơ, để nói về khát vọng tình yêu trong cuộc sống con người! 3/. “MÁI TÓC CON GÁI” - không biết vì lý do gì, người yêu của anh đã bỏ anh đi... lấy chồng? Đọc thơ, ta thấy nhà thơ đầy tiếc nuối. Đây là một thiếu nữ phố, mái tóc của nàng xoã như mây bay: Mái tóc phố màu mây Xoã ngang đời con gái, Em đi lấy chồng rồi! Lòng anh buồn biết mấy Nếu như hình ảnh người con gái trong thơ Nguyễn bính, là những cô gái quê một thuở đã xưa: Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng Áo cài khuy bấm em làm khổ tôi! Thì hầu như thơ tình Phạm Ngọc Thái, đều là các thiếu nữ phố ngày nay. Ngay trong bài thơ anh viết về người vơ trẻ của mình cũng thế: Trong một phố nghèo có người vợ trẻ Vẫn đón con đi, về... như thường lệ Vóc em thanh cũng thể mùa xuân Đôi mắt em: đôi mắt ấy màu đen. (Tiếng hát đời thường) Trở lại với bài “Mái tóc con gái” - Cái hình tượng mái tóc phố màu mây này, gợi cho ta hình dung về mái tóc xõa ngang vai của các thiếu nữ Hà Thành. Nhưng đây tác giả viết: Xoã ngang đời con gái /- Nghĩa của nó rộng hơn: không phải chỉ tả đơn điệu về mỗi mái tóc, mà ý nói đến xuân sắc cả một thời con gái. Thế là... em đi lấy chồng rồi! Giọng thơ nghe có vẻ bình thường, thực ra nhà thơ chẳng bình thường chút nào? Đến mức những hàng cây cũng phải “đứng thầm”, còn hoàng hồn thì: Gió như là để tang Con gió phật phờ như lá cờ tang rũ xuống. Ôi chao! Ông nhà thơ này tiễn người yêu đi lấy chồng, thật sầu hết chỗ nói. Sau đó vẫn là khúc tâm tình, anh giãi bầy: Đây, bông hoa yêu thương Ta ủ vào nỗi nhớ... Em đã không còn nữa Chỉ có sao trên trời Bóng nhà thơ lẻ loi dưới một bầu trời cô quạnh, mênh mang. Người yêu không còn ở lại, chỉ có những ánh sao đêm khuya khoắt cùng thức với nỗi lòng trống vắng của chàng. Tấm hình người con gái như một đoá hoa ngát hương, anh ép vào trong tận trái tim. Đến đoạn sau, thơ được xoáy sâu hơn: Vầng trăng khuyết, em ơi! Giống đời anh cô độc Sáng ngày treo tưởng chết Hắt hiu và nhỏ nhoi. Ta thường thấy cái bóng trăng cuối tháng mọc vào lúc nửa đêm về sáng, đó là mảnh trăng khuyết. Nó nhỏ nhoi, hiu hắt, nhợt nhạt như một kẻ chết trôi - Nhà thơ lấy hình tượng đó, để ví với mình. Một sự cô độc làm ta gai lạnh. Đây là đoạn thơ, thiên nhiên đã được nhân cách hoá... để làm biểu tượng cho tình yêu và con người. Nói về đoạn thơ kết: Em đi lấy chồng rồi! Màu hoa xưa trinh trắng Tháng năm cùng mưa nắng Tóc hoá thành mây bay... Tác giả quay trở về với hình tượng “mái tóc phố” lúc ban đầu. Hình ảnh: Tóc hoá thành mây bay /- chỉ ra sự mênh mang, vô định. Nghĩa là, em đi... anh trở thành hư vô. Thơ viết tri âm, tâm tình trong trẻo - từ cảnh vật, trăng, sao đều có hồn, rất đáng yêu! V. THƠ TÌNH HAY VÀO HÀNG TUYỆT BÚT Nhà văn Nguyễn Khôi đã có nhận xét: “Thơ tình Phạm Ngọc Thái viết với một dung lượng lớn nhưng đọc không nhàm chán, vì anh luôn tạo được tứ mới, ý lạ, ngôn ngữ thơ tinh luyện, hình tượng thơ ĐẸP và sống động. Cái “thơ” đan trong cái “mộng” - cái “ảo” diệu huyền để hiện lên cái thực, thấm vào tâm can người đọc. Từ trữ tình kiểu Xuân Diệu, Thế Lữ, thơ Phạm Ngọc Thái đã vượt lên trên cái tượng trưng, siêu thực của Bích Khê, Hàn Mặc Tử…”. Chỉ với thơ tình, rồi mai sau Phạm Ngọc Thái cũng phải có cả trăm bài đứng trường cửu được với đời, trong đó có tới vài chục tình thi của anh đạt vào những cung bậc của các tầm thơ hay vô giá. Phạm Ngọc Thái thực sự là một hiện tượng thơ ca hiếm có ở đương đại này. Trong đề mục này, tôi xin chọn ra ít bài thơ tình đặc sắc của anh để phân tích. 1/. “NGƯỜI ĐÀN BÀ TRẮNG” - Nói đến Phạm Ngọc Thái là phải nói về “Người đàn bà trắng”, một bài thơ tình hay vào hàng đẳng cấp của văn đàn. Bài ca tình yêu của nhà thơ với một người đàn bà trẻ, dù đó chỉ là mối tình lỡ dở. Phải chăng như Xuân Diệu đã viết: Tình chỉ đẹp khi còn dang dở... Anh gọi nàng là “người đàn bà”, thực ra khi ấy nàng vẫn còn một thiếu nữ. Nàng rất đẹp, từ ánh mắt mộng mơ: Đôi mắt em đong những áng mây Đến đôi môi mềm thơm quyến rũ và thân thể nõn nà, nhuốm màu hoang dại. Trái tim của nhà thơ đối với “người đàn bà trắng” như ngọn lửa rừng rực cháy, con sóng rào rạt dâng lên trong lòng. Bài thơ được bắt đầu với hai câu làm tựa đề: Người đàn bà đi trong mưa rơi Chứa một trời thầm như hoa vậy Nghĩa là, nàng đang đi trong “cơn mưa cuộc đời”. Ý thơ muốn nói về sự chìm nổi, trôi dạt trong cuộc sống. Mặc dù vậy, người đàn bà ấy vẫn như cả trời hoa, toả hương thơm ngát. Với hai câu mở đầu ấy, ta hiểu: đó không phải là người đàn bà sống trong nhung lụa, hay căn phòng hạnh phúc ấm êm... mà là, của nỗi truân chuyên đời người. Dù thế, nàng vẫn nở hoa, kết trái ngay trên bờ bến nhân gian. Người Đàn Bà Trắng là bản tình ca đắm đuối. Chất nữ tính được đẩy lên đến tột cùng, hoang dã mà vô biên: Em không biến thành đá để hoá Vọng Phu Anh cũng không làm chàng Trương Chi suốt đời chèo sông vắng Ta không đi theo con-đường-lông-ngỗng-trắng Dẫu hình hài khắc mãi tim nhau Bón câu thơ khắc hoạ về thần tượng tình yêu, qua những câu chuyện tình lâm ly trong truyền thuyết: - Chuyện về nàng Mỵ Châu đã rắc lông ngỗng trắng dọc đường, để chàng Trọng Thuỷ lần theo. Khi không lấy được nhau, họ đều quyên sinh để tỏ lòng son sắt. Kết cục tình ấy bi thương quá! - Chuyện về nàng Vọng Phu đã hoá đá chờ chồng... - Chuyện chàng Trương Chi, cứ đêm đêm cô đơn chèo thuyền trên con sông vắng, tương tư nàng Mỵ Nương mà chết. Những hình ảnh này được tác giả đưa vào thơ làm thành biểu tượng, nhưng đều đảo ngược lại : Em không biến thành đá.... Anh cũng không làm chàng Trương Chi.... Ta không đi theo con-đường-lông ngỗng-trắng.... Lập thành tứ liên kết với nhau, mang tính triết học và có ý nghĩa nhân sinh. Nó rất đời, như đời - Nghĩa là trong “Người đàn bà trắng”, đôi trai gái không chọn cách kết thúc cuộc đời mình như những câu chuyện tình bi thảm đó! Đọc thơ ta thấy tình yêu vẫn đẹp, đầy chất mộng mơ. Nó còn mang ý nghĩa phổ quát xã hội, sống động và có tính thuyết phục. Thiên tình ca đã trở thành một bức tượng đài về đàn bà! Ta hãy nghe tác giả tả về chân dung nàng: Chiếc mũ trắng mềm em đội bầu trời Khóm mây trắng bay nghiêng trôi trên tóc Đôi mắt em đong những áng mây... Cả bầu trời tụ vào trong người đàn bà tạo thành một bức tranh hoàn bích. Nàng đội một chiếc mũ vải trắng mềm, như một đám mây đang vờn bay trên mái tóc. Ta có thể tưởng tượng trên đầu nàng là cả một vòm trời mênh mông, với đôi mắt huyền. Hình ảnh thơ mang tính tượng trưng, ngôn từ mỹ học... hiện lên chân dung một người đàn bà đep! Nàng đi trong đất trời: Em đi, về... chao những hàng cây Hồ gió thổi lệch vành mũ đội Thấm đẫm mình em cả thềm nắng gội Xõa ngang vai mái hất tơi bời Toát lên dáng vẻ của một thiếu nữ Hà Thành. Không chỉ thân thể, đôi mắt, mái tóc, làn da... đến dáng đi, chiếc mũ vải trắng mềm em thường đội lệch trong chiều gió, cả thềm nắng gội trên mình em v.v. Những câu thơ khắc họa như những nét trạm rất tinh tế, hào hoa. Qua đó, ánh lên một tâm hồn lãng mạn chứa chất bên trong. Thơ viết công phu mà vẫn nhiên nhi nhiên, nhẹ nhàng. Để tả sự kiều diễm của người đàn bà. Ta có thể liên hệ với bài thơ tình “Tranh lõa thể” nổi tiếng của Bích Khê. Thi nhân đã mô tả về tấm thân người mỹ nữ: Nàng là tuyết hay da nàng tuyết điểm? Nàng là hương hay nhan sắc lên hương? Về đôi mắt: Mắt ngời châu rung ánh sáng nghê thường Lệ tích lại sắp tuôn hàng đũa ngọc Mái tóc: Đêm u huyền ngủ mơ trên mái tóc Và đôi môi mỹ miều đầy hưng phấn: Vài chút trăng say đọng ở làn môi... Đến ánh trăng còn phải say mê, đậu lại trên đôi môi người đàn bà. Đó là cách tả thuộc tính mỹ học! Đối chiếu trong cách tả “Người đàn bà trắng” của Phạm Ngọc Thái - Thí dụ về đôi mắt: Đôi mắt em đong những áng mây... Mái tóc: Khóm mây trắng bay nghiêng trôi trên tóc... Thi pháp thơ hiện đại kết hợp với sự khúc triết của thơ cổ phương Đông, mà vẫn gần gũi đời sống. Nói về “cái ấy” của đàn bà, nơi bắt nguồn của sự sống, đam mê và khát vọng - Phạm Ngọc Thái viết: Chùm trinh em hát: đấy chỗ thiên thai! Người đàn bà ai mà đinh nghĩa? Tạo hóa đã sinh ra thiên thai đó, hoang xơ mà trinh khiết biết bao. Hai chữ “chùm trinh” còn gợi cho ta một cảm giác đầy hương sắc. Trái cấm của nàng đang trĩu trịt... ăn vào là nhớ mãi. Ca dao có câu: Dao đâm vào thịt thì đau Thịt đâm vào thịt nhớ nhau suốt đời Trở về với bài “Người đàn bà trắng”: Hình ảnh gợi cảm nhưng không thô tục. Chùm trinh của nàng đang reo ca với nhà thơ chăng? Chất đàn bà đã được tụ vào đó để tác giả buông ra một câu triết lý: Người đàn bà ai mà định nghĩa? Sự huyền bí về đàn bà mà ta không thể nào đinh nghĩa được? Câu thơ tạo ra tựa hồ như một học thuyết: chẳng bao giờ lý giải hết được về “cái ấy” của đàn bầ! Trong thi đàn hiếm có bài thơ nào nói về đàn bà lại súc tích, sâu thẳm đến thế! Nó tôn tạo cả về ý nghĩa cuộc sống: Nếu không có đàn bà – cuộc đời, xã hội và thế giới... tất cả đều trở thành vô nghĩa! Phải chăng đàn bà chính là nguyên căn của mọi nguyên căn? Nền móng trong cả lịch sử, triết học và chính trị... Tôi xin phân tích đoạn thơ cuối: Vết thương lòng không dễ đã lành đâu Những đêm sao buồn, những đêm gió khát Khúc thơ tình anh lại viết về em! Người đàn bà “ngậm” cả vầng trăng... Bài thơ kết lại trong hoài vọng. Dưới bầu trời đêm đêm, chỉ có những ánh sao khuya và làn gió hắt hiu, buồn bã, thao thức cùng với nhà thơ tưởng nhớ về nàng. Riêng câu thơ cuối: Hình ảnh “ngậm cả vầng trăng”, là biểu tượng cho cả người đàn bà hay chỉ nói về “cái ấy” của nàng? Có thể là cả hai. Một câu thơ trìu tượng mà đầy chất phàm trần. Chữ “ngậm” thuộc ngôn ngữ thơ siêu thực, biến hóa giữa thực và ảo... trong duy lý của nhà thơ. “người đàn bà ngậm cả vầng trăng” là một câu thơ hay! Nó đã đưa Người Đàn Bà Trắng lên đến chót đỉnh, thành một tượng đài của thi ca! 2/. “EM VỀ BIỂN” - Nói về mối tình của nhà thơ với một cô nữ sinh, đã bị tan vỡ. Hẳn mối tình ấy phải đẹp và tha thiết lắm, mới để lại trong lòng tác giả một nỗi đau đầy lệ như thế: Em về biển để vùi vào trong cát Nỗi buồn nước mắt Những nát tan, vòm ngực đã thương đau Theo như chú thích của nhà thơ, thành phố biển chính là quê hương của người nữ sinh. Trong suốt bài, hình tượng “biển” được tác giả sử dụng vừa là không gian biển, vừa là “bãi biển đời người” và... người con gái đã hóa thân trong đó. Chữ “cát” trong câu thơ đầu mang nghĩa về nơi “cát bụi trần ai”. Ý thơ muốn nói: mối tình tan, em trở lại thành phố biển quê hương... hay đã trôi dạt chân trời góc biển? Cảnh biển cứ xoắn xít lấy nhau, hiện lên cả một khoảng trời đầy bão tố: Biển cứ vỗ tan... nát tình biển cả... Xô mãi bờ với lá thông reo Cảnh biển nát tan hòa đồng với trái tim tan vỡ của người con gái ở đoạn thơ trên: Những nát tan, vòm ngực đã thương đau /- Vậy biển ấy, chính là “biển đời người”. Ngày đêm hàng thông vẫn reo, sóng bão xô mãi lên bở cát... như tình em năm tháng chẳng bao giờ nguôi: Người thiếu nữ ấy dần thành cát trắng Mang nỗi niềm không biết đã đi đâu? Tình yêu không còn, cuộc đời em thành cát bụi. Sau đó anh cũng không biết người con gái đã đi đâu? trôi dạt đến phương trời nào? Những xúc động trái tim đã đẩy tình thơ đi xa, vượt qua biên giới hạn hẹp của đời thường, vào cõi mênh mang. Nói về đoạn thơ ba: Bờ bãi đời người – Cuộc sống tình yêu Trái tim nhỏ, em dựng cả tòa sen chân Phật Tổ! Ta cũng thể loài cua còng trong bể cả Yêu thương nhiều, hưởng đã bao nhiêu Đoạn thơ đã mang ý tưởng cốt lõi của toàn bài, tính nhân văn sâu sắc. Nó nói rằng: Tình yêu của em là thánh đường đối với cuộc đời anh! Thiêng liêng và cao cả. Tinh yêu của người thiếu nữ đưa ta đến cõi nát-bàn, thánh thiện nhất trong cuộc sống con người. Những câu thơ thấm đẫm tính triết học, đưa tình thi đi đến điểm đỉnh trong giá trị nhân sinh, xứng đáng đứng vào hàng bậc những câu thơ hay của văn đàn xưa nay. Sang đoạn thứ tư, nhà thơ bộc bạch: Tháng năm trôi, tình cũ cháy như khêu Dòng suối thần tiên nuôi đời ta mục ải Đôi gót đỏ, ánh mắt nhìn thơ dại Đã thổi thành bão tố ở trong anh Hình bóng người con gái đươc hiện lên với ánh mắt thơ ngây và “đôi gót đỏ”, thật đáng yêu sao! Ta không lý giải nổi, vì lý do gì mà mối tình tan vỡ? Dòng suối tinh yêu ấy thanh khiết, mát trong vậy – như nhà thơ đã ví: Dòng suối thần tiên nuôi đời ta mục ải /- Phải chăng khi mất em rồi, anh cũng chỉ giống như cây thông theo thời gian già cỗi và mục ải, lặng lẽ reo bên bờ biển vắng... để hát mãi bản tình xô-nát, trong sóng bão của tình em. Chả thế mà nhà thơ Thổ Nhĩ Kỳ E.K.DDAGLARRGIA trong bài thơ “Tình yêu”, đã viết: Yêu – có nghĩa Là cùng người yêu Chia đều Trái đất thành hai nửa. Trở lại với bài Em Về Biển: Ở nơi bờ-bãi-con-người trong chốn nhân gian ấy, tình yêu đã sinh tồn! Dù ở đấy vẫn trầm luân bể khổ. Nơi mà Kiều đã phải bán mình để chuộc cha, mười lăm năm lưu lạc: Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần Xin bình tiếp vào bài: Hàng bạch đàn năm xưa còn đó Anh còn đây, em hỡi! Anh còn đây, Nhớ những buổi đón em bên cổng trường sinh ngữ Hình ảnh ngôi trường đại học, nơi em sống đời nữ sinh còn in đậm dấu trong anh. Hàng bạch đàn soi bóng, những buổi đón người yêu bên cổng trường: Tất cả vẫn còn đấy! Thế mà em đã xa vời... Năm tháng qua đi, tóc nhà thơ cũng bạc. Chỉ còn nghe thấy tiếng gió mưa phủ táp lên cuộc đời trống vắng: Tóc nửa bạc rồi, chỉ thấy gió mưa bay... Tóc nửa bạc rồi. Tình vẫn đó, em ơi! “Em về biển” vừa mang cho ta hương vị ngọt ngào của hạnh phúc, lại xa xót vì tan vỡ! Giọng thơ trầm lắng, ngôn ngữ bình dị mà sâu xa. Nó tôn vinh ý nghĩa thánh linh, của tình yêu gái trai trong cuộc sống con người. 3/. “KHÓC BÊN HỒ NÚI CỐC” - Tác giả đã sáng tác bài thơ trong dịp đến thăm, chiêm ngưỡng cảnh thiên nhiên kì vĩ của Hồ Núi Cốc. Vào một đêm mưa gió phủ đầy trời, hoang dã và cô đơn! Lòng nhà thơ lại thổn thức nhớ đến người yêu, mối tình của anh với một người đàn bà trẻ: Anh đã đến bên Hồ Núi Cốc Gửi hồn theo dòng nước trôi thây... Gió gào thét trong lặng chìm tim óc Em khỏa thân nằm trên bóng bến xưa bay Nhà thơ kể lại: mối tình của anh với nàng tan nát và đẫm lệ. Cái đêm mưa gió dữ dằn đến mức “gió gào thét…”, hòa với nỗi khát vọng yêu đương đang đau quặn trong lòng chàng, tưởng chừng có thể làm cho trái tim tan vỡ! Chàng chỉ còn như một cái xác trôi, linh hồn đi tới tận phía trời xa, để đến bên nàng. Câu thơ: Gửi hồn theo dòng nước trôi thây /- là như vậy. Hình ảnh người đàn bà bay lên trên thảm trời kia, đằm đìa trong trái tim anh. Truyền thuyết kể rằng: Nàng Công là cô con gái Quan lang dân tộc, yêu chàng Cốc chỉ là một tiều phu đốn củi. Mối tình của họ bị lễ giáo phong kiến ngăn cấm. Cốc bị truy đuổi phải chạy vào rừng, đến ở dưới một gốc cây Sồi. Nàng Công vì thương nhớ chàng Cốc, ngày đêm khóc lóc thảm thiết rồi chết. Nước mắt nàng chảy thành suối nay biến ra hồ. Chàng Cốc xót thương người yêu rồi cũng chết, hóa thành non vây bọc lấy hồ - Nên mới có tên gọi “Hồ Núi Cốc”: Nước mắt nàng Công khóc tan ra suối Cốc chết bên Sồi lại hóa thành non... Nhưng vấn đề đặt ra trong hai câu thơ tiếp theo: Nhưng để làm gì khi tình vô vọng? Chút hương nàng vẫn ấm “khoảng đời con” Ý hai câu thơ đó nói lên điều gì? Trước đây, nhà thơ Chế Lan Viên đã từng viết những câu thơ ca ngợi: Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp Giấc mơ con đè nát “cuộc đời con” Hạnh phúc đựng trong một tà áo đẹp Một mái nhà yên rủ bóng xuống tâm hồn. Theo quan niệm đó: muốn cao cả là chỉ được nghĩ đến cái chung, cái lớn lao chứ... không được nghĩ đến cái nhỏ bé, riêng tư? Sở dĩ có quan niệm như vậy, vì nó đã bị chi phối bởi tư tưởng bảo hoàng, mang tính áp đặt chính trị của một thời. Cho nên, tác giả của bài thơ Khóc Bên Hồ Núi Cốc này đã phản biện lại: Không có cái riêng tư, nhỏ bé... thì làm sao có cái vĩ đại, lớn lao!? Có thể coi đây là một tuyên ngôn của Phạm Ngọc Thái: Chút hương nàng vẫn ấm “khoảng đời con” /- Đó là xuất phát điểm trong nhân sinh quan xã hội của nhà thơ. Tôi bình sang đoạn thơ ba: Bóng ngàn than huyền thoại tang trắng phủ Mà miệng còn muốn cắn vú người yêu! Ôi, hồ núi cứ xanh rì muôn thuở Máu ta đổ đầy cho tạo hóa tạc phù điêu Câu chuyện tình bi thương của nàng Công, chàng Cốc đã nhập hòa vào nỗi lòng tác giả, tạo cho tình thi đẫm một màu bi tráng. Đến mức, cái băng tang trắng phủ lên mối tình huyền thoại kia, cũng là cái băng tang trắng của đời. Bài thơ “Khóc bên Hồ Núi Cốc” được cất lên trong cả khoảng không gian ấy! Khát vọng yêu đương mãnh liệt đến cồn cào: Mà miệng còn muốn cắn vú người yêu! /- Cảm xúc thơ được đẩy đến tột cùng, dường như tất thảy thiên nhiên kì vĩ kia, có máu của trái tim đôi trai gái tắm vào trong đó. Nó đã trở thành một bản tình ca lãng mạn, vừa quyện giữa câu chuyện tình son sắt trong truyền thuyết với mối tình đời tha thiết. Phụ họa với cảnh gió mưa gào thét, đồi núi mịt mùng mà cào xé lòng người. Về đoạn kết, xin đặc biệt chú ý đến câu thơ cuối: Mai chết rồi làm nước tắm cho em... Câu thơ cũng mang ý nghĩa phản biện - Liên hệ trong một số bài thơ khác anh đã viết: Nếu như không em, chỉ toàn tổng thống? Trái đất này sẽ nở đầy các thứ giống hoa tang... (Tiếng kim đồng hồ) Hoặc bài “Đêm tóc đá”: Ngai vàng còn “dưới” cái em ta! Khi các cường quyền với bao bất công vẫn đè nặng lên những con người lao khổ? Tác giả đặt tình yêu với đàn bà lên trên tất cả, để tôn vinh cho tình yêu và cuộc sống con người. Đó là phẩm giá cùng tính nhân ái của bài thơ! Về thơ hay của Phạm Ngọc Thái còn nhiều – Trong đó, có một số bài đã được các tác giả khác bình rất khúc triết. Bài viết này, tôi tránh không nói tới các thi phẩm ấy của anh, cho đỡ bị lặp lại. Xin xem tiếp những bài bình khác ở phần sau.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 20.04.2019 18:41:22 bởi Nhân văn >
|