Vĩnh biệt thi sĩ Tô Thùy Yên,tác giả của “Chiều Trên Phá Tam Giang” . Tana Thai Ha
Thanh Vân 24.05.2019 16:56:46 (permalink)
Vĩnh biệt thi sĩ Tô Thùy Yên,tác giả của “Chiều Trên Phá Tam Giang” .
 
Chân dung Tô Thùy Yên.
(Tranh của họa sĩ Đinh Cường)
 
Phá Tam Giang với cửa Thuận An và sông Hương là thủy lộ chính lên kinh thành Huế nên ngày xưa ai thượng kinh đều phải vượt phá. Tuy là đầm nhưng vì có sóng nên ca dao có câu:
Đường vô xứ Huế quanh quanh
Non xanh nước biết như tranh họa đồ
Thương em anh cũng muốn vô
Sợ truông Nhà Hồ, sợ phá Tam Giang…


Phá Tam giang ngày xưa hai bên bờ là những đầm lầy đầy lau lách, ở đó có sào huyệt của một nhóm cướp khét tiếng vào thời kỳ bấy giờ. Cho nên thương em mà không dám vô, là vậy.
Về hoàn cảnh ra đời của nhạc phẩm bất hủ “Chiều Trên Phá Tam Giang” đã được nhạc sĩ Trần Thiện Thanh viết theo ý thơ Tô Thùy Yên. Theo lời kể của chính tác giả trong một lần hát chung với ca sĩ Khánh Ly, đó là vào khoảng giữa 1972, khi cuộc chiến Việt Nam đang ở trong thời kỳ khốc liệt nhất mà đỉnh cao là “mùa hè đỏ lửa” 1972, nhạc sỹ Trần Thiện Thanh cùng với nhạc sỹ Phạm Duy, nhà thơ Tô Thùy Yên và vài người nữa từ Sài Gòn đi thăm những vùng tiền đồn.
Chiều hôm đó, trên chiếc trực thăng bay là là trên mặt phá Tam Giang rộng mênh mông, nhà thơ Tô Thùy Yên cùng với Trần Thiện Thanh đã nảy ra ý định sẽ làm một bài thơ hay nhạc về phá Tam Giang này. Thế là không lâu sau đó, bài thơ “Chiều trên phá Tam Giang” ra đời.
Cũng chính vì cảm tác từ chuyến đi kỷ niệm của lần đó mà nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã cho ra đời một nhạc phẩm phổ thơ bất tử.
Nhưng, câu thơ nổi tiếng nhất và được trích dẫn nhiều nhất của Tô Thùy Yên có lẽ là những câu sau đây trong bài thơ Ta Về:
Ta về cúi mái đầu sương điểm
Nghe nặng từ tâm lượng đất trời
Cảm ơn hoa đã vì ta nở
Thế giới vui từ nỗi lẻ loi


Và Nhà phê bình Thụy Khuê cũng đã bình ” Ta về “ của Tô Thuỳ Yên như sau :
“ Bài thơ Ta Về được phổ biến ngay khi Tô Thùy Yên còn ở trong nước như một bài ca ngất ngưởng của người tù cải tạo, cao ngạo trở về, với cái ta khinh mạn và ngạo nghễ của người (anh hùng) bại trận, bất khuất. Coi nhẹ tù đầy. Xem thường gian khổ. Kể chuyện mười năm lao cải nhẹ như lông.
Bài Ta Về, như có ý tái tạo mộtchính nghĩa, một chí khí cho người bại trận, xướng lên cái căn cước của miền Nam, tấm lòng "rộng lượng" của người tù lao cải, sẵn sàng tha thứ cho những kẻ đã hành hạ, đầy đọa mình.
Dường như nỗi đau đã đến với Tô Thùy Yên từ rất sớm, từ những ngày đầu chiến tranh, nỗi đau đời. Không hề có những chữ lớn mà mối sầu rất lớn .”
Ta tiếc đời ta sao hữu hạn,
Đành không trải hết được lòng ta.


Kính tiễn biệt Ông VỀ với đất trời rộng lượng từ tâm .
 
***
 
Tiểu sử

Tô Thùy Yên tên thật là Đinh Thành Tiên, sinh ngày 20 tháng 10 năm 1938 tại Gò Vấp. Cha là chuyên viên phòng thí nghiệm Viện Pasteur, Sài Gòn, sau về công tác ở Bệnh viện Chợ Rẫy.

Thuở nhỏ học trung học Trường Petrus Trương Vĩnh Ký, có ghi danh theo học ở Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn, ban văn chương Pháp, một thời gian rồi bỏ dở.

Ông bắt đầu có thơ đăng trên báo Đời Mới (thập niên 1950) trước khi xuất hiện và nổi tiếng trên tạp chí Sáng Tạo. Tô Thùy Yên, Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, cùng với các họa sĩ Duy Thanh, Ngọc Dũng là những người nòng cốt của nhóm Sáng tạo, một nhóm sáng tác đã từng được biết đến với phong trào khai sinh "Thơ Tự Do" trên văn đàn Miền Nam vào thập niên 1960. Ông là người miền Nam duy nhất trong nhóm Sáng tạo.

Cuối năm 1963 ông nhập ngũ, phục vụ ngành chiến tranh chính trị. Chức vụ cuối cùng là thiếu tá, trưởng phòng Tâm lý chiến.

Tô Thùy Yên lập gia đình với vợ chánh là bà Huỳnh Diệu Bích, nhưng ông còn có thời gian chung sống và có mấy con với nhà văn nữ Nguyễn Thị Thụy Vũ.

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, ông bị nhà cầm quyền cầm tù ba lần, tổng cộng gần 13 năm. Cuối năm 1993 cùng gia đình sang Hoa Kỳ định cư theo dạng tù nhân chính trị ở Saint Paul, Minnesota rồi sau chuyển về sống ở Houston, tiểu bang Texas.[4]

Ông mất ngày 21 tháng 5 năm 2019 tại Texas.

Attached Image(s)
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9