BÁC HỚT TÓC
Nguyễn Lương Tuấn 10.06.2019 11:18:46 (permalink)
BÁC HỚT TÓC
Về Huế, đi trên đường Chi Lăng, ngang chặng ngã ba Hồ Xuân Hương, đến Chùa Bà, tôi lại chợt nhớ người hớt tóc ở trong sân, gốc chùa, sát đường. Có thể nói, những năm tháng tuổi thơ, kéo dài cho đến thời thanh xuân, mười mấy năm, đi học, lớn lên, trưởng thành, tôi đều đi hớt tóc tại các quán hớt tóc, kiểu thế này, nơi góc cây đa, góc sân chùa hoặc có khi ra Phú Hậu sau đường Võ Tánh để hớt tóc trong vườn, …
Đi hớt tóc có được cái thú vị là vừa được bác thợ cạo mân mê cái đầu tóc vừa được nghe tha hồ những câu chuyện thời sự hoặc chuyện “xe cán chó, chó cán xe “. Sau này khi lên đại học, tôi nhớ mình thường đi hớt tóc tại quán ở góc sân Chùa Bà . Giai đoạn này, tình hình đất nước nhiêu khê, đối nội phong trào Sinh viên, học sinh tranh đấu liên miên. Ngoài tiến tuyến, chiến cuộc ngày càng ác liệt.
Và những lần đến hớt tóc tại đây, câu chuyện mà bác thợ hớt tóc mở đầu bao giờ cũng là xoay quanh chủ đề này. 
Bác hớt tóc bình luận chuyện thời sự : Chuyện Mỹ đem quân sang tham chiến tại Việt Nam càng ngày càng nhiều, chuyện chính phủ Thiệu Kỳ đàn áp Sinh viên, học sinh, …Chuyện Việt Cộng thắng lớn các trận Bình Giả, Khe Sanh, …
Bao giờ cũng vậy tôi nghe mà chẳng biết nói gì chỉ mỉm cười tủm tỉm. Thỉnh thoảng một đôi chỗ tôi nói vuốt đuôi theo bác hay bình luận thêm một vài mẫu chuyện tranh đấu. Bối cảnh lịch sử của các đô thị miền Nam thời bấy giờ, giới trí thức, sinh viên, các nhà khoa học, các vị lãnh đạo tôn giáo đều khuynh tả. Tôi nói với bác hớt tóc: “ thế giới ủng hộ CS một phần do họ tuyên truyền rất hay” . Và tôi kể tên các người ủng hộ CS trên thế giới như Bertrand Roussel, Jean Paul Sartre, Bob Dylan, Jan Fonda, … chuyện phong trào phản chiến của SV Mỹ cũng như SV Morrison tự thiêu, … 
Bác hớt tóc sướng lắm.
Thế nhưng khoảng năm 1978, 1979, …Về Huế thăm nhà, ở lại lâu, tôi lại lên hớt tóc tại quán Chùa Bà. Và lại gặp bác. 
Bác già thấy rõ. Nhìn bác hớt tóc tôi đọc trên khuôn mặt bác một cái gì đó không được vui. Tôi chào bác và để bác thấy rằng mình cũng cách mạng ba mươi như ai, tôi nói: 
- Răng bác, bác “phấn khởi hồ hởi” chứ ?
Bác không trả lời và khi chiếc khăn quàng vải trắng đưa qua người tôi, khi chiếc tong đơ bắt đầu lướt trên đầu tóc bù xù của tôi, bác hạ giọng thì thầm:
- Cậu đừng nói mấy cấy nớ nữa. Chừ mình lo kiếm được đồng mô hay đồng nấy, hơi sức mô mà nói chuyện nớ cho nó mệt.
Tôi ngẫn người: 
- Thì tui phải nói như rứa cho hợp thời trang ! Chứ không phải bác là nằm vùng à ?
- Cậu chọc tui đó há. U chao ơi thì lúc nớ ai cũng như rứa hết mà …
Tôi nói nhỏ:
- Bác bưa rồi há ?
Bác thì thầm:
- Thôi cậu ơi ! đừng nói nữa …nguy hiểm, nguy hiểm. Cách mạng cho tui một bài học hay ghê tề.
- Bài chi rứa bác ?
- Im lặng là vàng.
- Ha ! như rứa là khóa cái mồm hả bác
- Ừ ! Ừ ! đúng rứa. Cậu không nghe người ta nói “vạ miệng” hay răng.
Những lần sau này về Huế, bao giờ đi ngang qua Chùa Bà tôi cũng nhìn vào gốc sân với lòng hoài vọng nhớ về một kỷ niệm, tìm nơi không gian chốn cũ hình bóng bác hớt tóc.
Tôi vẫn tự hỏi:
- Bác còn chăng ?
Nhưng còn mô nữa, nếu còn chắc bác phải trên 100 tuổi rồi !








 
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9