NHỚ BẠN
-
07.07.2019 11:22:34
NHỚ BẠN
Thỉnh thoảng, những lúc ngồi một mình, tôi nhớ thời gian học đại học Huế, nhớ những người thầy, những người bạn.
Bạn ở Văn khoa thì nhiều vì vẫn gặp nhau trên hành lang, giảng đường hay quán cà phê Tổng Hội, 22 Trương Định. Đặc biệt vẫn nhớ mãi mấy người bạn thân, thường chở nhau đi chơi ngắm phố phường hay về quân trường học quân sự hè. Vui nhất là Hồ Văn Trọng học khoa Pháp văn và Đỗ Bá Đạt học khoa Anh văn. Bạn Đỗ Bá Đạt không còn nữa. Bạn Hồ Văn Trọng từ lâu tôi bặt tin.
Bài viết này xin được nhắc nhiều Đỗ Bá Đạt như là một tấm lòng hoài niệm về bạn, kính mong bạn an vui trong vòng tay của Chúa.
Nếu Hồ Văn Trọng có biệt danh là Trọng – Thượng đế thì Đỗ Bá Đạt có biệt danh là Đạt Karaté. Vẫn nhớ ngày ấy tại Giảng đường C đại học Sư Phạm, có phòng tập Karaté. và một số Sinh viên Văn khoa đã qua học tại đây. Nổi bật nhất là Đỗ Bá Đạt, Vĩnh Hưng. Khi tôi vào học Dự bị Văn khoa thì Đạt đã học các chứng chỉ trên ban Anh Văn. Có người nói ngày ấy Đạt đã dạy giờ tại trường Quốc học Huế. Lúc bấy giờ tôi không chơi thân với Đạt. Thỉnh thoảng chúng tôi gặp nhau tại hành lang Văn khoa, bên cà phê Tổng hội hay tại căn phòng Nguyễn Cường thuê ở Bến Ngự, sát Viện Hán học. Bản tính Đạt nói nhiều nhưng ít lôi cuốn tuy nhiên ngoại hình của Đạt làm tôi chú ý. Đạt cao nhưng bề ngang nhỏ, không cân xứng và đặc biệt khuôn mặt Đạt nhỏ thó và có phần hơi bị lép. Đạt có bà chị ruột cũng học ở Đại học Văn khoa Huế cùng ban Triết với tôi - Đỗ Thị La Vang. Chị La Vang cao nhìn chị đi giữa hành lang nổi bật thấy biết ngay. La Vang đến dự học giờ triết nhưng ít chuyên cần. Hình như La Vang học tại Đại học Đà Lạt là chính. Thỉnh thoảng tôi thấy chị đứng nói chuyện với thầy Nguyễn Đình Hoan tại hành lang.
Thời gian .. như tên bắn, tôi xa trường, xa bạn bè. Thế rồi bất ngờ sau năm 1975, tôi nhớ là khoảng năm 1986, 1987 một hôm - là buổi chiều tối, Đạt xuất hiện trước mặt tôi. Thử hỏi tôi vui và ngạc nhiên biết bao vì trước đó tôi nghe phong phanh Đạt vượt biên bị bắt và công an giao cho Đạt giữ bò! Tôi cũng nghe nói là cuộc sống của Đạt rất ư khó khăn và bị gia đình bỏ rơi, không màng đến, …Nhưng lạ một điều Đạt vẫn hồn nhiên, không oán giận, không buồn phiền. Sống lây lất.
Đạt xuất hiện là tôi vui. Tôi rối rít mời Đạt vào nhà hỏi chuyện. Vừa đúng lúc gia đình sửa soạn ăn cơm, tôi mời Đạt cùng ăn và Đạt rất tự nhiên. Tôi hỏi tình hình cuộc sống của Đạt. Đạt rất kín tiếng, chỉ nói là vào Đà Nẵng tìm chỗ dạy kèm Anh văn và tốt nhất là cho mấy gia đình chuẩn bị đi Mỹ. Hôm ấy gia đình chúng tôi vui vì có bạn học ngày xưa đến thăm và cùng ăn cơm với chúng tôi. Đạt chỉ ăn một chén và cho dù chúng tôi năn nĩ mấy Đạt cũng không thay đổi.
Khi tiễn Đạt tôi dặn Đạt là cứ đến đây chơi đều và tự nhiên chẳng có gì phải ngại.Và sau này Đạt thỉnh thoảng đến tôi vào mỗi chiều tối và cùng ăn cơm với gia đình tôi và cũng chỉ ăn một chén. Khi Đạt ra về, bà xã tôi nói, anh không thấy là anh Đạt ngại ăn thêm sẽ khó khăn cho mình hay sao. Nghe bà xã nói tôi càng cảm động và thấy thương bạn. Chúng ta lưu ý là xã hội ngày ấy đang trong thời ký chuyển tiếp từ bao cấp. Thế rồi có lần Trần Duy Anh đến tôi chơi (Duy Anh lúc đó đi xe đạp thồ) và khi chúng tôi kể chuyện Đỗ Bá Đạt, Duy Anh cho biết Đạt vẫn thường đến ăn cơm với v/c Duy Anh vào bửa trưa và cũng chỉ ăn … một chén!
Sau này chúng tôi lại phát hiện thêm một điều này nữa, Đạt thỉnh thoảng đến gửi xe đạp tại nhà tôi rồi đi ngủ hoang. Đạt ngủ tại Kiosque sách báo ở đường Bạch Đằng, phía ngoài hàng rào của thư viện sách (nguyên trước kia là trung tâm văn hóa Pháp), Kios này của một ông bạn lớn tuổi hơn chúng tôi nhiều cũng mến mộ Đạt và cho Đạt ngủ tại đây, xem như giữ quầy sách báo cho ông luôn.
Dòng đời trôi nổi, phong trào học Anh văn nhiều và đã có người làm hướng dẫn du lịch cho người nước ngoài. Tôi mừng cho Đỗ Bá Đạt đã thoát khỏi cơn khó khăn. Đạt bắt đầu khá lên.
Một hôm Đạt đến nhà tôi và qua câu chuyện Đạt nói Đạt sắp cưới vợ. Người đó là con gái của nhạc sĩ Ngô Ganh, nguyên chủ bút tờ báo ngôn luận thời Tổng thống Ngô Đình Diệm và là Giám đốc Đài phát thanh Huế.. Trong câu chuyện Đạt nói Ngô Nhu Hiên ở với mẹ. Hiên là giáo viên dạy trường Phù Đổng, nhà rất đơn chiếc và Đạt ngỏ ý bửa nào lễ hỏi+ cưới Đạt muốn tôi và một số bạn ngày trước học Văn khoa hiện đang ở quanh đây tại Đà Nẵng đại diện nhà trai đi hỏi giúp. Tôi sững sờ: Rứa cha bên nhà Đạt ở Huế không ai vô à? Đạt nói không có ai!
Tôi ngạc nhiên quá đổi, chẳng hiểu ra làm sao rồi tò mò hỏi Đạt:
- Rứa bửa mô nhà trai gồm ai?
- Mi, thằng Hoàng Trọng Châu, Tống Văn Thụy, Trần Duy Anh, Phan Văn Tốt (triết niên chế)
Tôi tức cười:
- Ha! Vậy rứa nhà trai là dân Văn khoa.
Đến ngày cưới y như đã hẹn, cả bọn tập trung tại nhà bác chủ sạp báo ở bên Quận 3 gần biển Mỹ Khê. Khi tôi đến đã có đủ mấy đứa như đã dẫn. Lộng, mâm cau trầu rượu có phủ khăn điều, hai cây đèn lồng, nói chung là đủ lễ. Bác chủ sạp báo làm chủ hôn. Buồn cười tôi bưng mâm cau trầu rượu, còn Tống Văn Thụy, Hoàng Trọng Châu hai đứa cầm lộng, bác chủ sạp báo mặc áo thụng xanh. Chúng tôi đi bộ một đoạn ngắn là đến nhà gái.
Thật là vui. Cảm động nữa. Ôi! Tình bạn
Nhà Hiên ở sát mép biển Mỹ Khệ Nhà lúc đó ọp ẹp nhưng bề sâu và bề ngang rất thoải mái. Tôi nghĩ hai vợ chồng Đạt Hiên sống hạnh phúc. Đạt làm hướng dẫn du lịch rất thành công. Các công ty du lịch đặt tua nhiều, do bản tính nói nhiều và nói dông dài, Đạt làm khách hàng vui và cảm mến.
Đời sống dân Đà Nẵng cải thiện, mức sống cao theo chiều hướng đổi mới. Đất nước mở cửa, khách du lịch qua nhiều và hai vợ chồng Đỗ Bá Đạt khấm khá. Đạt làm nhà 2 mê dài sâu, người thi công cho nhà Đạt không ai xa lạ là Phạm Cảnh Đán, cũng dân Văn khoa theo ban Triết thì phải, Đán ở bên Thanh Bồ.
Đời sống Đạt khá, không còn khó khăn nữa. Đạt vẫn nhớ tôi. Thỉnh thoảng Đạt ghé chơi, ngồi kể chuyện, kể chuyện vào Sài Gòn gặp thầy Hoan, gặp Trần Quang Chu, …
Sau này khi tôi lên làm NXB Giáo dục ở đường Nguyễn Chí Thanh Đạt thỉnh thoảng vào tám chuyện. Có cuốn sách nào cũ ngày xưa bây giờ in lại Đạt mưa tặng tôi. Cảm động nhất là có lần Đạt đến chơi, gặp tôi sụt sùi, không khỏe. Đạt nói:
- Mi đau há?
- Ừ tau bị cảm rồi.
Đạt và tôi chuyện trò một chốc rồi ra về. Khoảng một tiếng sau bất ngờ Đạt kêu cửa, tôi chạy vội ra. Đạt đang cầm cả một bao trái cây, là vải Hà Nội. Đạt trao cho tôi, nói:
- Mi ăn cái này đi cho có C!
Tôi thật bất ngờ:
- Tau chỉ cảm sơ thôi mà, mi làm chi rầy rà thế ni!
Nhiều lần Đạt đi tua về, Đạt ghé tôi chơi và thế là rủ hai vợ chồng tôi đi ăn. Rất tình cảm, dễ thương.
Thời gian làm NXB Giáo dục tôi vẫn thường mời bạn bè như v/c Hoàng Trọng Châu (Văn khoa, Đại Học Sư phạm Pháp văn), v/c Hảo (Phan Văn Tốt), v/c Đỗ Bá Đạt chúng tôi làm các món ăn giản dị, nhâm nhi bia, ngồi nhớ lại kỷ niệm một thời.
Nếu cuộc sống cứ thế êm đềm ....
Nhưng, một ngày, Hiên qua chơi than phiền, anh Đạt dạo ni hay đau. Anh bị chứng đau nhức ở háng. Có khi anh phải dùng thuốc giảm đau liên tục. Tôi hỏi:
- Có thể ông bị chứng đau khớp?
- Hiên cũng không biết nữa. Có khi vậy cũng nên anh Tuấn hí!
Tôi nói:
- Phải đưa ông đi chụp phim, xem thử đừng có coi thường nghe!
Gần cuối năm tôi qua thăm hai vợ chồng. Đạt kể: tau vừa đi khám xong, thằng Mỹ (tên riêng), con rễ GS Dương Đình Khôi (nguyên khoa trưởng Đại học Văn khoa sau cùng) nói tết xong, qua để mỗ. Nó nói có một vết nám nằm ở bắp vế bên trái.
Tôi nói:
- Mi cẩn thận! mấy cha BS bây giờ tau sợ lắm. Bệnh nghề nghiệp. Tau nghe ai tới khám tên BS ni cũng bị hắn cho mỗ hết.
- Tau năm ni cũng gần 60 rồi. Có chết cũng vừa. Đau quá tau chịu không nổi.
Qua tết, tôi nghe Hiên nhắn Đạt bị cancer xương. Kể từ khi Đạt mỗ cho đến khi Đạt qua đời chỉ trong vòng 4 tháng. Bốn tháng đau đớn trên giường bệnh. Bạn bè đến thăm thấy Đạt đều ngậm ngùi. Vẫn nhớ Nguyễn Văn Cư (cũng dân đi tua) đã mang cái TV đến đặt trong phòng cho Đạt xem giải khuây. Nhớ Hảo luôn trực bên giường Đạt để cầu kinh.
Có một điều lạ lùng, trong thời gian Đạt đau, tuyệt không có một người thân nào của gia đình Đạt từ Huế vào thăm.
Mãi cho đến hôm đưa đám tang Đạt, người ta mới thấy một vài thành viên gia đình Đạt trong đó có chị La Vang!
Đám tang Đạt có đầy đủ các bạn bè ở trong thành phố: Tống Văn Thụy, Hoàng Trọng Châu, Phan Văn Tốt (Hảo), và rất nhiều bạn bè trong khối hướng dẫn viên
Đạt ra đi để lại vợ và một con trai. Năm nay cũng trên 20 tuổi rồi.
Từ những ngày tháng thời bao cấp cuộc sống của Đạt long đong, khó khăn mãi cho đến khi khá lên làm nhà lầu, chưa được sống thoải mái bao nhiêu thì Đạt buông tay. Thế là hết. Với tôi, Đỗ Bá Đạt là một người có nhân cách đáng quý. Suốt thời gian lận đận vì cuộc sống tôi chưa bao giờ nghe Đạt có một lời oán than hay nói xấu một người nào. Đạt tự tin, hồn nhiên chấp nhận cuộc sống và rất tốt với bạn bè.
Đạt! chiều hôm nay Đà Nẵng trở rét . Rét đậm. Tau ngồi nhớ mi, gõ những dòng chữ như mổ cò để ôn lại một thời. Mi biết không, thời bọn mình học Quân sự hè ở quân trường Đống Đa, tau có viết một hồi ký và nhắc tới mi đó. Tau trích ra đây nghe. Mi có thể đọc và cười: Cái thằng Tuấn ni!
"...Đại đội sinh viên ra khỏi cổng trung tâm, đi khoảng vài trăm mét, rẽ trái, trực chỉ, Tôi nhìn từng đứa một, thằng nào cũng quân phục nghiêm chỉnh, đồ lính, mủ sắt, gôn quần, mang súng AR15, ba lô sau lưng, …đố ai biết đây là đoàn quân sinh viên quen thói ăn chơi, quậy phá. Quan sát kĩ từng sinh viên một, Tôi thấy có thằng rất hài hước như Trọng-Thượng đế hay Đỗ Bá, biệt danh Đạt-Karaté.
Buồn cười nhất là Trọng, cậu ta đang lội trong bộ đồ nhà binh, áo bỏ vào quần không chuẩn, chỗ cao, chỗ thấp, có chỗ, vạt áo rơi ra ngoài. Mủ sắt Trọng đội không thẳng, nghiêng về một bên. Nhìn Trọng, Tôi nghĩ đến anh hề Charlot. Còn Đạt thì ngược lại áo quần chuẩn mực, bước đi hùng dũng, nhưng khuôn mặt Đạt nhỏ thó, cái mủ sắt lại quá to trùm lên đầu Đạt làm ta cứ lo sợ mủ sẽ rơi. Mặt khác khuôn mặt Đạt lại toát ra phong thái uy nghi, kiểu làm dáng nhà binh, trông thật vui…"