Truyện ngắn
Kim Uyên 09.07.2019 10:49:01 (permalink)
Ngôi nhà bị bỏ hoang
 
Kim Uyên
 
Rời khỏi ngôi nhà thân yêu của mình là điều tôi không muốn. Tôi không muốn ra đi. Tôi muốn ở trong ngôi nhà nhỏ nằm lẩn khuất trong vườn cây bên dòng sông chảy suốt bốn mùa. Vậy mà mẹ nói rằng, không thể! Cuộc sống khác rồi, đã từ lâu mẹ không cấy cày trên cánh đồng nữa. Cả làng không có ruộng, nhiều người đã ra đi. Vài người hàng xóm thân quen giờ vắng bóng, họ đã đi rất xa, đi theo sông ra biển, đi về phương nam hay phương bắc gì đó, họ đi tìm đường sống. Nhiều cánh cổng đã đóng từ lâu, cỏ hoang mọc đầy vườn.
- Con thu dọn quần áo để mai đi sớm - Mẹ nói.
- Vậy là không ở nhà nữa ạ? - Tôi nghi ngờ hỏi lại.
- Cần phải đi.
- Thế con có mang sách theo không?
- Bây giờ thì chưa, đến lúc nào có thể con sẽ đi học tiếp.
Tôi nhìn ra khoảng sân đầy hoa nắng dưới tán cây xoài thấy lòng se lại. Con đường đến trường giờ xa lắc. Mẹ đứng dậy thắp mấy nén hương cắm lên bàn thờ lầm rầm khấn. Tôi muốn đi học nhưng sự sống là cần thiết. Tôi yêu  căn nhà, nhưng đi với mẹ còn quan trọng hơn. Tôi muốn ở bên mẹ!. Trong thẳm sâu tôi hiểu rằng đã đến lúc phải ra đi.
Vậy là từ bây giờ, giữa đêm đông giá lạnh hay mùa hè nóng bức, lúc bóng tối bủa vây hay khi bình minh ló rạng, tôi không phải một mình. Đã nhiều đêm tỉnh giấc, tôi quơ tay tìm trong bóng tối. Cạnh chỗ tôi nằm lạnh lẽo trống trơn. Tôi bàng hoàng vùng dậy và nhớ ra mẹ thỉnh thoảng mới về!. Tôi tìm bố, nhưng chẳng thấy đâu. Con ma men khiến ông nằm dúi dụi đâu đó, nơi góc bếp, bên đống rơm, dưới bụi chuối hay ở ngoài đường?.
Tôi gào lên. Tôi ước ao có người bên cạnh. Có thể là ai đó qua đường ghé lại. Nhưng giữa đêm khuya chẳng có một người!. Cũng không có ông phật hay bà tiên nào ẩn hiện hỏi rằng: Làm sao con khóc?. Còn những người hàng xóm đã ngủ say sau một ngày vất vả. Nhiều đêm tôi ngồi thu mình dưới chân giường như con mèo hoang nhìn vào bóng tối lặng câm. Tôi tưởng tượng ra những hồn ma bóng quỷ sẽ đến bên tôi. Chúng đẩy tôi xuống sông hay nhốt vào ngục tối. Cũng có thể xé nát tôi dưới hàm răng sắc nhọn, hoặc ném tôi vào thùng rắn vạc dầu.  Bố tỉnh rượu sẽ không thấy tôi, mẹ trở về cũng chẳng gặp được tôi. Họ sẽ đi tìm nhưng làm sao thấy nữa. Tôi đã chết từ lâu!…
Tôi cầu xin mẹ ở nhà. Mẹ xin tôi tha thứ. Mẹ bảo: Phải đi làm, nếu không cả nhà sẽ đói. Mẹ cầu xin bố đừng bỏ mặc tôi. Trong cơn say, ông gật gù đồng ý. Vậy mà khi mẹ đi rồi, ông vẫn tiếp tục say…
 Bây giờ mẹ về đón tôi đi.
Tôi chạy qua, chạy lại mấy lượt mới thu hết mớ quần áo cũ mèn vứt đâu đó. Tất cả đồ đạc được nhét vào chiếc ba lô cũ, lấm tấm vài vết thủng nhỏ.   Ngoài sân nắng đã dịu, vài ngọn gió từ bến sông thoảng qua xua bớt cái nóng giữa chiều hè. Ở góc thềm, chú chó con nằm gác mõm lên hai chân trước xem đám gà nhép bới đất ngoài vườn. Xa ngoài kia, dây thép gai đã vây lấy cánh đồng. Từ lâu rồi vắng bóng chú Gù giữa những đường cày ải. Trên bến sông trăng không vang vọng những tràng cười. Tụi trẻ con cũng vơi dần vì ra đi theo người lớn. Lão Đỡ giờ không còn mải mê cày cấy, chỉ quanh quẩn trong mấy gian nhà cấp bốn. Lão bảo mình già rồi, sợ phiêu lưu, lại không có ý định bỏ làng kiếm sống. Bên kia hàng dậu cúc tần nhà chú Gù có thằng Đốm học cùng tôi. Cả nhà chú đã ra đi từ mùa đông trước, khi gió thổi theo sông trườn lên đê qua cánh đồng vào xóm. Chiều đó, tôi nhớn nhác chạy theo thằng Đốm đưa cái hộp bút để quên trên bàn học, nhưng bác xe ôm không dừng lại. Tôi thất vọng quay về. Mẹ bảo, nhà thằng Đốm đi vội để kịp chuyến tàu vào Nam. Nó không đi học nữa, nó không cần tới hộp bút.
Vậy là đã nhiều tháng trôi qua thằng Đốm chưa trở về. Bây giờ tôi theo mẹ kiếm ăn, thấy hoang mang nghĩ khi thằng Đốm trở về chẳng gặp được tôi.

***

Sáng sớm hôn sau, khi chiếc xe ca ọc ạch bò từ miền sơn cước xa xôi dừng lại bên đường thì tôi theo mẹ bước lên. Qua lớp kính xe bám đầy bụi đất, tôi nhìn ngôi nhà của mình lần cuối. Bóng tối vẫn chưa tan hết, màn sương mỏng manh còn giăng giăng mờ ảo, mái nhà đỏ sẫm lặng chìm trong vườn cây đen thẫm. Mọi thứ chưa hề bừng tỉnh…
- Con có buồn ngủ lắm không? – Mẹ hỏi.
Tôi khẽ lắc đầu mà không mở mắt.
Tôi không muốn mở mắt cho dù đây là lần đầu tiên tôi đi trên một chuyến xe đường dài đến vậy. Người tôi lắc theo nhịp xe và mẹ chả đang giữ lấy tôi đấy thôi. Còn ngoài kia, toàn cảnh lạ hơ lạ hoắc mà tôi chẳng muốn nhìn. Tôi đang nghĩ về căn nhà của tôi, căn nhà hướng về phía mặt trời mọc, căn nhà thường ướt sũng sương đêm và đón gió sớm mai, căn nhà còn đượm mùi sơn mới.
Trước khi có căn nhà, những mơ ước đã được nung nấu từ lâu, nỗi khát khao quay cuồng trong nhiều đêm rông bão. Bao mong mỏi âm thầm lê qua những mùa đông giá lạnh, bố ngồi ở góc bàn châm thuốc hút, mẹ ôm tôi nhìn mông lung vào bóng tối nghe tiếng giun kêu, tôi cứ tưởng những đêm dài mòn mỏi ấy chẳng thể đi qua. Vậy mà nó dần là quá khứ mờ phai khi ý định làm nhà của bố mẹ bắt đầu từ những viên gạch vồ thô mộc. Những viên gạch không phải nặn ra từ đất, nó được làm từ sỉ than đã nung của những lò gạch trong làng. Bố lấy sỉ than đập nhỏ trộn với cát, xi măng và nước, sau đó lèn vào cái khuôn sắt hình chữ nhật nặng chịch. Những viên gạch lần lượt ra đời xếp thành hàng lối. Sỉ than bố đi xin, cát mẹ gánh về từ bến sông, cái khuôn sắt mượn nhà chú Gù. Ngôi nhà bắt đầu hình thành từ những viên gạch to tướng mà sức tôi không bê nổi. Vào những tháng mùa bận rộn, cả ngày làm việc cật lực trên cánh đồng bố mẹ vẫn cần mẫn đóng gạch đêm. Mồ hôi chảy ròng trên mặt, thấm ướt áo vải thô dày, nhưng nét mặt ông rạng ngời dưới ánh trăng. Ông mơ về ngôi nhà không có những hạt mưa xuyên qua mái lá, còn mẹ tin rằng  gió không còn lùa vào giấc ngủ.
Vào một ngày cuối thu, những người thợ trong làng kéo đến nhà tôi chật kín bàn trà. Họ phá đi ngôi nhà có nhiều cây cột ngả nghiêng, những hàng lá cọ đã nát thành thứ bột thâm sỉn rơi lả tả cùng đám mối mọt. Bố ngồi trầm ngâm nhả khói thuốc lào mù mịt, mẹ đứng tần ngần bên giếng nước như nuối tiếc điều gì đó rất mong manh. Khi những người thợ đặt viên gạch đầu tiên xuống móng thì tôi và thằng Đốm thi nhau lăn lộn trên con đường trải đầy rơm rạ. Gió mùa thu mát rượi, không gian bừng lên bởi những đám mây ngũ sắc phía chân trời. Tôi kể cho thằng Đốm nghe ngôi nhà trong trí tưởng tượng, nó ngồi nghe rồi đứng dậy khua hai tay về phía trước: Bố mẹ tớ sẽ làm một ngôi nhà đẹp hơn thế!. Nói rồi thằng Đốm chạy miết đi, nó chạy về phía ngôi nhà.
Khi ngôi nhà của tôi hoàn thiện nó đẹp hơn trong trí tưởng tượng. Ngôi nhà nhỏ nằm lẩn khuất trong vườn cây xanh thẫm, có mái ngói đỏ tươi, có tường sơn màu trắng và những viên gạch đỏ lát trong sân… Bố gầy đi nhiều còn má mẹ sạm đen vì mất ngủ, nhưng chưa bao giờ mắt họ ánh lên nhiều niềm vui đến vậy. Tôi yêu ngôi nhà nằm kề cánh đồng, nghiêng nghiêng bên dòng sông đặc sánh phù xa. Nhà của tôi bốn mùa mênh mang trong ánh sáng của trời, ngập tràn trong hơi thở của đất, làng bình yên như thủa hồng hoang.

-         Con có mệt không?.
Mẹ lại hỏi trong khi chiếc xe ca đang lắc vì những ổ gà còn tôi vẫn không có ý định trả lời. Hình ảnh ngôi nhà giờ bỗng quá xa xôi, tôi đâu còn ở trong ngôi nhà khi cánh đồng không còn nữa. Tôi theo mẹ ra phố. Bỗng dưng tôi thấy những người đang ở trên xe đều ra đi như mẹ con tôi. Họ không ở nhà nữa, họ đang hoài niệm về ngôi nhà và đăm chiêu với cuộc sống tương lai.

***

Chiếc xe già nua cũ kĩ bỏ chúng tôi lại khi vừa vào thành phố một đoạn đường. Chưa bao giờ tôi thấy người, xe đông đến thế. Ở quê, nếu ngồi trong sân, tôi có thể đếm trên đầu ngón tay những chiếc xe đi ngang ngoài đường. Còn bây giờ thì không thể, người xe đông nghìn nghịt đang hối hả chảy về hai phía trong cái nắng mùa hạ. Cát bụi vẩn mịt mù sau bánh xe. Những cơn gió lao qua đẩy chúng xa hơn, cao hơn rồi phủ dầy lên mọi thứ đang hiện hữu. Hàng cây hai bên đường cũng ngả màu bụi đất. Trên những cột điện dây bện chằng chịt như những mớ bòng bong có từ thời tiền sử. Cả thành phố chìm trong màn cát bụi giăng giăng.
Tôi đeo túi quần áo trên vai lốc thốc chạy theo mẹ. Bà gùi tải đồ nặng trĩu, khiến tấm lưng gù hẳn xuống. Một vài chiếc xe ôm tạt vào nhưng mẹ từ chối. Mẹ bảo tôi chịu khó đi bộ, hai mẹ con sẽ có bữa chiều tươm tất. Mẹ dẫn tôi đi trên con đường lớn, vỉa hè vỡ nham nhở. Bầu trời xanh thẳm không một gợn mây, nắng trút xuống như đổ lửa, mặt đường nhựa hình như đang tan chảy, hơi nóng hầm hập. Mồ hôi trên mặt mẹ nhỏ xuống từng giọt, từng giọt trên lối đi.
- Con có khát không? - Mẹ quay lại hỏi tôi, cái bao tải vẫn đè nặng trên vai.
- Không! Con không.
Tôi trả lời cho mẹ yên lòng chứ thực ra là tôi đã mệt lắm rồi. Tôi mỏi chân và muốn ngồi bệt xuống lề đường. Tôi sẽ ngồi ì ở đó đến chiều, đến tối và có thể đến mai. Quãng đường từ nhà tôi đến trường đâu có dài như vậy. Ở đó có hàng phi lao già trăm tuổi, gió bốn mùa ve vuốt những ngọn cây. Bọn trẻ đến trường thường nghe thấy tiếng vi vu và ngắm cánh đồng mênh mang trước mặt…
Rẽ trái rồi rẽ phải, càng đi con ngõ càng hẹp và tối. Trận mưa rào mấy hôm trước vẫn còn đọng đầy nước trên mặt đường nên nhiều đoạn hai mẹ con phải lội trong bùn đen sền sệt. Sau cùng, mẹ dẫn tôi đến một dãy nhà thấp tè, lợp prô-xi-măng cũ nát lọt thỏm giữa nhiều nhà cao tầng. Cuộc sống ở đây cách biệt với ngoài kia, không khí như ngưng đọng, mặt trời chỉ đi qua nóc nhà một lúc buổi trưa. Hai mẹ con lách qua mấy căn phòng khoá cửa im ỉm và dừng lại ở góc trong cùng, nơi có vòi nước rỉ từng giọt tí tách. Mẹ bỏ bao tải đồ xuống đứng thở một lúc rồi lấy chìa khoá mở cửa.
- Vào đi con. Mọi người bên cạnh đi làm chiều mới về.
Tôi bước vào, mặc dù điện đã được bật lên nhưng căn phòng chỉ sáng nhờ nhờ. Mẹ pha cốc nước chanh để tôi giải nắng rồi hai mẹ con ăn bữa trưa bằng đồ mang từ nhà. Ăn xong, tôi nằm xuống phần giường phía trong, nhưng tôi không ngủ được. Không gian lạ lẫm khiến tôi cảm thấy châng lâng, mùi ẩm mốc bốc lên khiến tôi thấy ngột ngạt. Căn phòng hẹp và tối, mẹ kê hai tấm rát bằng gỗ ọp ẹp và trải chiếu lên trên làm chỗ nằm. Phần trống còn lại là lối nhỏ để chiếc xe đạp cùng mấy cái nồi cũ. Phía trong kê chiếc bàn nhựa nhỏ trên để hai chiếc cốc dính cặn vôi vàng khè. Bốn bức tường dán giấy khổ lớn màu vàng nhạt còn mới. Sau cánh cửa là vài cái móc quần áo bằng nhựa và vô số túi ni lông treo lủng lẳng. Hình như mẹ đã sửa sang nơi ở trước khi về đón tôi. Vậy mà, cái không gian mới mẻ ấy vẫn khiến tôi buột miệng:
- Bao giờ trở về nhà hả mẹ?
Không có tiếng trả lời, mẹ đã chìm trong giấc ngủ.
Căn nhà của gia đình tôi làm xong cũng là lúc cánh đồng không còn nữa. Ông trưởng thôn thông báo trên loa. Cả làng ngỡ ngàng sửng sốt. Lão Đỡ chạy khắp xóm chép miệng than buồn.  Những thửa ruộng tốt tươi qua bao đời trồng cấy sẽ hóa sân gôn. Người ta chở dây thép gai về quây lấy cánh đồng.
- Anh cần phải đi làm.
- Đi mãi rồi.
- Không đi ở nhà làm sao sống được. Đi ra phố!
- Để chui rúc trong các nhà trọ bẩn thỉu và hôi hám.
- Phải vậy thôi.
- Vật vã và khổ sở.
- Còn có người thuê.
- Tôi không thể.
- Người ta sống được mình cũng tồn tại.
Dừng một lúc, tiếng bố phản đối gay gắt.
- Đây có nhà có cửa không đi đâu hết. Đi tha hương, sống chui, sống rúc để kiếm miếng ăn, đây không có tài đấy.
- Anh thật cùn.
- Đây không cùn. Đây chẳng muốn đi đâu hết. Đây thất học, ngắn chữ, đây chỉ thích gần con lợn, con gà, sống kiếp con trâu, con ngựa. Đây mà lâu không ngửi mùi phân chó thấy nhớ nên không có ý định đi đâu… Đây không đi đâu hết… Ai thích đi thì đi, đây ở nhà, không có ruộng thì đi uống rượu cho sướng.
Tôi vẫn còn nhớ như in những cuộc cãi nhau của hai bố mẹ. Rồi sau đó bố giận dữ đi ra, mẹ kéo tôi vào lòng xin tôi đừng khóc, khi nào kiếm đủ ăn mẹ sẽ ở nhà.
- Nhím… Nhím ơi! Con sắp lớn rồi... Mẹ mong con lớn từng ngày chứ không phải buồn bã thế này. Con có thương bố mẹ không?
Nước mắt tôi muốn trào ra nhưng tôi không khóc. Những lời mẹ vừa nói chạm vào sâu thẳm lòng tôi. Tôi không dám khóc, nếu khóc lúc này chắc hẳn mẹ sẽ khóc theo. Tôi sợ phải nhìn những giọt nước mắt của bà, điều đó sẽ khiến tôi đau đớn trong nhiều ngày sau đó.

***

Tôi hỏi mẹ:
- Tại sao bố lại say nhiều thế?
- Tại bố khó thay đổi.
- Có nhiều người như thế không?
- Mẹ không biết.
- Cánh đồng bây giờ là của ai?
- Mẹ không biết.
- Tại sao mẹ lại không biết?
- Mẹ không biết.
Nhiều lần mẹ xin tôi đừng hỏi về cánh đồng nữa, khoảng trời, cánh chim, cánh đồng và những đường cày ải nay đã xa vời. Những bước chân lội trong bùn đã khép lại từ lâu, bây giờ bà lo mưu sinh ở phố. Ngày nào cũng như ngày nào, bà đi từ ba giờ sáng đến trưa mới về. Ăn cơm cùng tôi, nghỉ ngơi một lúc, đầu giờ chiều bà lại dắt xe đi đến tối mịt mới về cùng vài mớ rau héo rũ.
Tôi xin mẹ cho đi học đánh giày. Mẹ lắc đầu bảo tôi là con gái. Tôi muốn theo mẹ ra chợ, bà bảo để xem đã. Lão Béo ở đầu phố có ý mượn tôi đi chăn bò. Mẹ có vẻ ưng, nhưng vẫn đắn đo lo sợ. Lão Béo kinh doanh một đàn bò khoảng chừng bốn mươi con. Đàn bò của lão con nào cũng béo bằng mông, lông vàng óng mượt. Mười năm trở lại đây cỏ ở phố tốt bời bời vì đất dự án bỏ hoang. Bò của lão Béo được đà sinh sôi đàn đàn lũ lũ. Lão Béo đã có người trông coi già, muốn mướn thêm người nữa. Lão nhắm vào tôi bởi là đứa nhà quê hẳn sẽ biết làm…
Mỗi ngày tôi ngồi chờ chị Thu ở phòng bên cạnh đi làm về. Chị thường về vào lúc sáu giờ chiều rồi lăn ra giường vươn dài sung sướng. Chị sẽ gọi tôi sang để dúi cho vài chiếc kẹo, cái bánh khoai hay nắm bỏng ngô. Rồi chị sẽ hỏi về cái hồi tôi còn đi học, về cô giáo và những đứa bạn. Tôi cảm thấy buồn mỗi khi nhắc đến trường nhưng lại thích kể chuyện ở quê.
Chiều đang xuống, chị Thu vẫn chưa về. Tôi mon men tiến ra con ngõ nhỏ. Một vài người đang đi vào nhưng không phải chị Thu. Ở mãi trong phòng thì chết mất thôi, tôi muốn đi tìm mẹ. Tôi muốn đến khu chợ xem mẹ bán rau.
Tôi vừa qua hai ngã tư thì sững lại. Nơi gần cổng chợ có tiếng chửi rất to. Không biết có chuyện gì mà một gã bụng to hơn người, mặt dầy sần đỏ đang hất đồ của mẹ. Những mớ rau rơi lả tả xuống đường, những củ khoai và cà chua đỏ ối lăn lốc tứ tung. Vài chiếc xe máy lao nhanh qua đè chúng nát be bét dưới đường. Mẹ với tay đỡ sọt đồ phía sau hòng giữ những thứ còn sót lại, nhưng bánh xe trước bị trượt đi, cả xe nghiêng sang một bên và đổ kềnh xuống. Vậy là bao nhiêu tài sản của mẹ tôi đổ ụp xuống đường. Liền đó, gã mặt dầy cùng một người đàn ông cũng to béo nữa cầm dùi cui xông lại giẫm bừa lên những mớ rau mà giằng lấy xe của mẹ .
- Con mẹ này, ai cho mày bán hàng ở đây? Mày làm bẩn phố rồi - Gã mặt dầy hét lên.
Gã béo gạt tay mẹ nhấc bổng chiếc xe của bà ném lên thùng chiếc ô tô tải đỗ cạnh đó. Tiếng loảng xoảng cùng với tiếng quát tháo chửi bới khiến cả khu phố chợ trở lên ầm ĩ. Tôi thấy mẹ cố giằng lại nhưng chẳng ăn thua gì so với sức lực hai gã đó.
Mọi việc diễn ra nhanh tới mức tôi không đi thêm được bước nào nữa. Tôi đứng há hốc mồm để nhìn mẹ và mấy người. Tôi không hiểu. Chẳng biết tại sao mấy người kia lại hất đồ của mẹ. Nếu bố tôi ở đây thì chẳng bao giờ để họ làm thế. Chẳng bao giờ, cho dù lúc đó ông tỉnh hay say. Có thể ông sẽ chửi bới và xúc phạm họ. Có thể ông sẽ đánh nhau với những kẻ đó để lấy lại xe cho mẹ. Có thể ông sẽ không cho mẹ rời nhà đi nữa. Vậy mà, lúc mẹ cần ông nhất, giữa lúc bà cần một chỗ dựa mong manh cho cuộc mưu sinh của mình thì ông đã không có mặt. Ông chẳng hề che chở hay giúp đỡ gì cho mẹ con tôi, ông không còn là chồng của mẹ. Ông đã chết rồi!
Bố tôi chết rồi! Cái chết của ông khiến tôi đau đớn không nguôi.
Lão Đỡ là người đầu tiên thấy bố. Sáng ấy tôi vừa tỉnh ngủ, chưa hiểu chuyện gì xảy ra đã thấy mấy người hàng xóm cõng bố về. Mọi người bảo đưa ông đến viện nhưng bố đã tắt thở từ lâu. Từ chiều qua, đêm qua hay mới sáng nay.., không rõ. Tôi bàng hoàng ngơ ngác. Tôi không tin và ào đến chỗ bố đang nằm, nhưng cánh tay rắn chắc của ai đó đã cản lại. Không ai cho tôi đến gần người chết. Tôi ra sức vùng vẫy để chạm tay vào người bố… Vậy mà không thể!
Phải chờ đến khi mọi người tản ra lo việc hậu sự cho người chết, tôi nói với chú Gù trong hai hàng nước mắt:
- Chú ơi, cháu lạy chú, cháu van chú, hãy cho cháu lại gần bố một lần. Lần cuối cùng, bố chỉ có mình cháu.
- Bố mày đã chết vì say - Chú Gù càu nhàu trong buồn bã.
- Từ giờ trở đi cháu sẽ gọi ai là bố?
Chú Gù đã mủi lòng. Chú dìu tôi đến nơi bố đang nằm. Tôi chạm vào bàn tay lạnh ngắt của ông thấy lòng tê dại. Đôi bàn tay thân thương của bố không còn cử động nữa. Tôi muốn tìm lại hơi ấm từ ông. Tôi muốn tìm lại tình cảm yêu thương, cái hồi bố đi làm về, chân lấm bùn, lưng áo ướt đẫm mồ hôi dang tay ôm tôi từ đầu ngõ. Cái hồi bố cõng tôi nhong nhong trên lưng ra tận cánh đồng xem lúa trổ bông. Cái hồi bố mẹ tôi cười vang trên ruộng vàng mùa gặt...  Chú Gù đậy lại tờ giấy trên mặt bố rồi đẩy tôi ra. Nhưng tôi đã nhào vào và gục lên người bố. Trong cái khoảnh khắc âm dương li biệt ấy, tôi trở thành con bé mồ côi…
Sau khi đứng bần thần giữa đường nhìn chiếc xe tải khuất dạng, mẹ lê vào vỉa hè ngồi bệt xuống. Đôi mắt vô hồn của mẹ nhìn về phía trước mặt nhưng bà không hề thấy những bóng đời đang ồn ào trước mặt. Bà gục đầu xuống hai cánh tay để trên đầu gối cùng cái nón đội sùm sụp. Mẹ ngồi rất lâu, rất lâu cho đến khi tôi chợt nhớ ra mình đang đứng chôn chân giữa đường. Tôi đưa tay lau hai dòng nước trên má, chạy lại gào lên:
- Mẹ ơi! Mẹ ơi!... Con đây này!.
Mẹ nhìn lên sửng sốt. Tôi thấy trong mắt bà đầy nước.
- Sao con lại ở đây?
- Con tự ra.
Mẹ cắp nón dẫn tôi đi bộ qua chợ, qua mấy dãy phố nhỏ. Về đến nơi ở, bà ngồi phịch xuống chỗ nằm câm lặng. Tôi lê đến gần mẹ lặng nhìn ra phía cửa, nơi màn đêm đang buông xuống nặng nề.
 
 
 
 
***
- Tại sao họ lại làm thế? - Tôi hỏi.
- Vì ở đây không có chỗ cho mẹ con mình - Mẹ trả lời bằng giọng buồn buồn và giơ tay vuốt vuốt mái tóc rối bù của tôi.
- Thế mẹ và con phải ở đâu?
- Mẹ không biết.
- Tại sao họ lại lấy cánh đồng?.
-         Mẹ không biết.
Hai ngày sau, mẹ lấy được chiếc xe đạp ở chỗ gã có gương mặt dầy dầy, sần đỏ. Mẹ về chiều đó không còn buồn như trước. Mẹ mua cho tôi hai que kem sữa gói trong túi ni lông. Mẹ kể đã mất nửa số tiền dành dụm được để chuộc xe từ nơi giam giữ. Tôi cũng vui lây, ăn hết hai que kem vẫn còn liếm mép. Chị Thu ngồi ở phòng bên cũng sang góp chuyện. Nhưng gần hết buổi tối, khi tôi đang ngồi đọc mấy trang cuối cuốn truyện chị Thu cho mượn thì có tiếng gõ cửa. Một người đàn ông xuất hiện. Tôi nhận ngay ra gã có khuôn mặt dầy dầy, sần đỏ. Dáng vóc to bè của gã choán kín lối ra vào của mẹ con tôi. Gã đưa ánh nhìn quét một lượt căn phòng nhỏ trong khi mẹ mời gã vào. Chị Thu đứng dậy về phòng, nhường chỗ cho gã mặt sần đỏ. Tôi bước theo chị, nhưng lòng thấy boăn khoăn không hiểu vì sao gã tìm đến chỗ ở của hai mẹ con. Cái mặt gã in hình những mớ rau rơi lả tả cùng những quả cà chua đỏ nát bét dưới lòng đường. Chẳng hiểu sao gã đến được đây, trong khu trọ tối tăm này!. Gã đến để bắt mẹ đi? Gã đến để nói với mẹ rằng ngày mai, ngày kia và nhiều ngày nữa mẹ không được bán hàng ở khu phố có cái chợ chật chội ấy!. Chỗ ấy không phải của mẹ, chỗ ấy không dành cho mẹ… hay hắn đến để tịch thu xe của mẹ?..
Tôi cứ boăn khoăn khi ngồi bên phòng chị Thu.
Chẳng biết gã mặt dầy sần đỏ nói gì với mẹ, khuya khi tôi từ phònng chị Thu về thì gã đã biến mất. Sáng hôm sau khi ngủ dậy tôi thấy mẹ đã thu dọn xong số tài sản cũ rích chất đầy hai cái sọt hàng ngày vẫn thồ rau bán. Mẹ bảo:
- Nhím à, mẹ con mình không ở đây nữa.
- Tại sao? Cái gã mặt dầy hôm qua đuổi mẹ phải không?
- Không! Nhưng mẹ con mình phải đi, nếu không gã lại đến.
- Hắn đến để làm gì?
- Để kể với mẹ là nhờ hắn mẹ lấy được xe ra.
- Nhưng mẹ đã trả tiền rồi.
- Gã sẽ vẫn đến đây để quấy rối!. Chúng ta phải đi tìm một nơi trọ khác.
Hai mẹ con tôi chào từ biệt những người hàng xóm trong dãy nhà trọ. Chị Thu dúi cho tôi mấy cái bánh cu đơ, quà hôm trước chị về quê. Tôi trèo lên ngồi sau xe, ở giữa hai cái sọt đồ của mẹ.  Chiếc xe đạp bò trên đường mưa giăng giăng, phố phường nườm nượp người xe. Ngôi nhà bị bỏ hoang của tôi lại hiện về trong kí ức.

 
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 3 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9