Câu Chuyện Nhánh Lan Rừng
-
23.08.2019 09:34:13
Câu Chuyện Nhánh Lan Rừng
Cuộc chiến tương tàn của mấy mươi năm qua tuy tàn phá quê hương, chia xé tình người nhưng bù lại nó cũng mang lại cho tôi một tình bạn rất cao quí. Ngày đầu tôi về trình diện đơn vị, Đời, tên của nó, được bổ sung để lo lắng những cần thiết linh tinh cho tôi. Tuy Đời là người lính phục vụ tôi nhưng lúc nào tôi cũng coi nó như bạn bè ngang hàng, ngược lại thì nó luôn gọi tôi là “ông thầy”, đó là danh từ của những người lính gọi cấp chỉ huy. Đời có cuộc sống rất giản dị của người dân quê, không đòi hỏi và không có những ước vọng ngoài tầm tay. Nó hay nói: “Phải chi quê mình không chiến tranh”. Đã hơn bốn mươi năm qua, tôi không biết giờ nầy Đời ra sao, đang làm gì, sống hay chết, tôi chỉ biết ngày nó bị thương phải đưa về quân y viện, nó bảo tôi: “ông thầy yên tâm, em không sao đâu”. Và đó cũng là lần cuối cùng hai đứa chia tay.
Qua nhiều đêm hai đứa tâm sự tôi mới biết quê nó ở Lái Thiêu, Bình Dương. Mồ côi cha, sinh ra và lớn lên bên mẹ trong vùng trù phú đầy cây ăn trái và cũng là con nhà nông nên tính tình nó rất chất phác. Mỗi tháng lãnh lương nó gói ghém phần lớn gởi về cho vợ mới cưới của nó. Nó cưới vợ được năm tháng thì bị động viên, nhờ may mắn nó được về đơn vị đóng quân tại Lai Khê, rất gần Lái Thiêu, quê nhà của nó. Nó tâm sự với tôi: “ em là con một, lớn lên thiếu tình thương của cha và không có anh em, bây giờ có ông thầy làm em cũng thấy vui vui”. Thình thoảng khi về hậu cứ, tôi cho nó vài ngày về thăm vợ, và mỗi lần trở lại đơn vị đều có quà cáp cho tôi và bạn bè, đa số là trái cây, đặc sản của Lái Thiêu. Bù lại đó, tất cả những chi phí ăn uống, thuốc lá, hay những linh tinh, lặt vặt tôi đều bỏ tiền ra lo cho nó, ngay cả những đêm hai đứa đi nhậu tôi đều chi cho cả hai. Mà phải nói, Đời không đòi hỏi gì cả, nhiều lần ra chợ Bến Cát, tôi hỏi nó muốn mua gì thì câu trả lời lúc nào cũng như nhau: "em không cần gì đâu ông thầy”. Nhưng tôi vẫn mua cho nó vài món cần thiết như kem và bàn chải đánh răng, khăn tắm, đồ lót, hay thuốc lá cho hai đứa.
Mỗi buỗi chiều dừng quân, Đời hay chuẩn bị nấu buổi cơm chiều cho hai đứa. Tuy nói cơm chứ thật ra chỉ lấy nước nóng bỏ vào bọc gạo xấy cho nở ra thành cơm ăn với thịt hộp được hâm nóng trên đám cây khô đốt cháy thành than. Nó rất giỏi về cách tìm tòi thêm lá cây rừng để thêm rau cải cho buổi cơm. Nó hay nói với tôi: “Ông thầy đừng lo, em sinh sống vùng nầy quen rồi nên biết rành cây lá vùng nầy, ông muốn ăn món gì thì em nấu cho ông ăn”.
Một buổi chiều, bất chợt nó hỏi tôi:
- Ông thầy có thích lan rừng không?
Tôi hỏi lại:
- Lan rừng có đẹp và thơm không?
- Lan rừng có nét đẹp rất khiêm nhường và mùi thơm rất dịu, không kiêu sa như bông hồng hay cúc. Nếu ông thầy thích thì tui trèo lên đó lấy cho.
Đời chỉ cho tôi trên đọt cây chết khô vì thuốc khai hoang, một chùm lá xanh dài chừng hai ba tất, lủng lẳng một vài đóa hoa đang nở màu trắng xóa:
- Lan rừng đó ông thầy!
- Mầy coi chừng té bỏ mẹ đó!
- Nhằm nhè gì mà ông sợ, chỉ cần vài phút là tôi sẽ lấy xuống cho ông.
Đúng thật, chỉ không đầy năm phút nó đã tuột xuống với nhánh lan rừng trên tay. Nó cẩn thận lấy một cành cây mục nhưng còn chắc, thấm nước cho ướt xong gói chùm rể lan vào:
- Ông thầy phải tưới nước nó thường xuyên nhưng đừng quá ướt nó không thích ướt, chỉ một vài giọt sương buổi sáng cũng đủ cho nó sống qua ngày rồi.
Tôi nhìn nhánh lan rừng, rất đơn sơ, rất giản dị, rồi thầm nghĩ:
- Thật đúng như bản tính của Đời, rất giản dị, đơn sơ, không đòi hỏi, chỉ cần một tình thương nhỏ nhoi như vài giọt sương cũng đủ sống vui vẻ với đời cho dù bám víu trên cành cây khô trụi lá.
New York
Mùa Xuân 2015