DUYÊN MƯA Đoản văn Lâm Du-Yên Như vừa dắt chiếc xe đạp ra khỏi nhà là má cô gọi vói theo:
-Sao không đội nón, đội khăn gì hết vậy ?
Như nhìn trời, mây rất mỏng và nắng rất nhẹ, yên tâm đáp :
-Con vừa gội, để đầu trần cho nó mau khô.
Bà cằn nhằn :
-Rủi gặp mưa thì cảm cho coi!
Như nói bằng một giọng tự tin:
-Mùa nầy hết mưa rồi má !
Má Như chưa kịp bảo chờ đem cái nón lá ra, cô đã vọt đi liền.
Con đường từ nhà Như đến xóm Cây Gòn phải băng ngang ruộng. Nó là con đường đất không trải đá, ngày xưa nhỏ xíu, chừng hơn một sải tay, bây giờ đã được nới rộng gấp ba và đắp cao gấp rưởi. Người ta lấy đất từ hai bên lề để tu bổ, tạo thành hai con mương nhỏ chạy sát bên sườn của nó. Mặt đường đầy những dấu chân bò, chi chít vết trượt của những chiếc cộ để lại từ trận mưa gần nhứt.
Những thửa ruộng đã bắt đầu trổ đòng đòng, gió tạt qua khiến lúa cúi đầu xuống rồi ngóc lên đồng loạt, mang cho Như một cảm giác hân hoan như thể được cả làng chào đón vậy !
Niềm vui đó chuyển dần sang nỗi lo khi gió càng lúc càng gia tăng cường độ. Những đám mây thưa thớt bị dồn lại, chúng cụng đầu vào nhau, đau điếng nên bật khóc ào ào. Như nghe hối hận bởi không vâng lời má.
Con đường trống lỏng không một bóng cây, cũng may mà còn một cái chòi giữ dưa sót lại bên đường. Như gò lưng đạp thật nhanh, dựng xe vào cây cột khẳng khiu rồi ngồi lên tấm giạt tre rất thưa. Cô đưa lưng về hướng gió để thân trước không bị ướt. Mưa càng lúc càng tăng, gió gào nghe phát khiếp! Một lúc sau, nước không còn tạt vào lưng Như nữa ? Nàng quay lại nhìn rồi giật mình chới với, một người con trai ngồi sau lưng Như tự hồi não, hồi nào... Hèn gì !
Đây có lẽ là đám mưa cuối cùng nên ông trời sút lu, đổ cái ào xuống cho xong. Chưa đầy một giờ đã tạnh. Người con trai ngồi sau lưng cô bỏ đi khi mưa chưa ngưng hẳn. Bộ đồ bà ba đen của anh ta ướt sũng. Chờ mưa dứt hột Như mới móc cái khăn mù xoa trong túi ra, lau yên xe thật khô rồi leo lên đạp tiếp.
Như đi qua mặt chàng trai ban nãy, không dám liếc nhìn cứ cắm mặt xuống đường. Những lớp bụi mịn đã biến thành bùn nhão nhoẹt, bám chặt bánh xe, giữ rịt chúng lại không cho đi dù chỉ một tấc. Như nhảy xuống, ngán ngẩm nhìn. Cô chưa biết phải làm sao thì nghe một giọng nói sau lưng :
-Cô để tui giúp cho.
Cái giọng nghiêm trang ấy khiến Như vững bụng. Cô quay lại nhìn anh, cười và nói :
-Anh làm ơn...
Không chờ Như nói hết câu. chàng trai đã xăn tay áo, vác ngay cái xe xuống mương. Anh cầm sườn xe bằng một tay, nhấc bổng nó lên chỉ để nửa cái bánh xe ngập trong nước, tay kia quay cái pê đan để rửa bánh sau. Ở bánh trước anh vừa đẩy vừa kẹp bàn chân vào sát bánh xe cho bùn rớt ra. Khi trả xe lại cho Như, anh hỏi :
-Cô đi về nhà hả ?
Như lắc đầu :
-Em đến thăm thầy Trứ, nhà thầy trong xóm đó đó !
Như chỉ tay về phía hàng gòn cao ngất. Chàng trai cũng cười rồi nói :
-Tui là Trác, con trai của thầy.
Như mừng rú:
-Em nghe thầy nhắc tới anh hoài. Anh được nghĩ phép, về thăm nhà phải hông ?
Trác gật. Như hỏi tiếp :
-Có được ở lại ăn tết hông anh?
Trác trả lời:
-Ngày mốt tui đi rồi !
Như tự trách mình khi không mà buồn lảng xẹt. Trác bóp cái bánh xe bằng hai ngón tay cái và trỏ rồi nói:
- Bánh xe bơm căng quá, chạy đường trơn dễ trợt lắm ! Để tui xì cái vòi cho nó xẹp bớt .
Vừa nói chàng vừa vặn ngược cái vòi, không hiểu sao khóa chặt trở lại rồi nói với Như:
- Thôi! Cô lên ngồi để tui chở cho.
Như riu ríu vâng theo. Trứ chạy lên lề cỏ sát mép mương, chàng giải thích.
-Chạy trên cỏ bánh xe không bết bùn. Cô co chân cao lên để hông thôi cỏ cứa vào đau lắm !
May mà Như mặc cái quần dài, ống rất rộng phủ kín cả hai bàn chân. Cỏ may bám kín lai trông như kết cườm rất đẹp. Bờ cỏ rộng chừng năm tấc, lạc tay lái là rơi tỏm xuống mương liền. Như sợ đến thót tim, hỏi Trác bằng cái giọng phập phồng:
-Có khi nào mình bị rớt xuống mương hông anh ?
Trác cười:
-Cô yên tâm đi! Đối với lính tráng tụi tôi, ba cái chuyện nầy dễ như húp cháo !
Như hỏi :
-Chỗ anh đóng có hành quân nhiều hông ?
Trác gật :
-Cũng lai rai.
Như lại hỏi :
-Ban nãy anh đi đâu mà bị mắc mưa vậy ?
Trác đáp :
-Tui đi làm cỏ lúa.
-Ruộng nhà anh ở khúc nào?
-Gần cái chòi đụt mưa lúc nãy.
Rồi Trác hỏi Như học lên tới đâu. Như trả lời là thi rớt tú tài một nên đi học may, vừa ra nghề nhưng còn ở lại tiệm làm công cho chủ. Trác hỏi :
-Tui thấy mấy cô thợ may hay để móng tay dài, nhứt là hai ngón cái. Để cho đẹp hay có công dụng gì ?
Như cười :
-Hai móng tay đó dùng để cạo cho đường may nằm sát xuống, hoặc làm dấu trên vải cho lẹ, khỏi mắc công xài cây vạch.
Trác pha trò :
-Nó cũng là vũ khí phòng thân nữa ! Đàn ông họ sợ móng tay phụ nữ lắm !
Như ngây thơ hỏi :
-Thiệt vậy hả ? Anh có sợ hông vậy?
Trác cười xòa, không đáp.
Ra đến con lộ lớn, đường bớt bùn vì có trải đá ong, Trác xuống xe, trả tay lái cho Như rồi nói :
-Đoạn nầy dễ, cô đi một mình được rồi đó !
Như nghe buồn buồn, tiếc tiếc...Phải chi con đường nầy cũng ngập bùn. Nàng cám ơn Trác rồi lên xe đạp đi, Trác chạy theo gọi :
-Nhà tui ở hướng nầy mà !
Như mắc cỡ đỏ cả mặt, không dừng xe mà bẻ cái ghi đông để quay ngược lại, bánh trước trượt lên lớp đất sét, chiếc xe nghiêng hẳn sang một bên sắp ngã. Trác vội phóng tới, bám cái giàn chở phía sau ghì lại. Chàng hỏi :
-Cô nhắm chạy được hông đó ?
Như lí nhí :
-Dạ được !
Rồi quên cả cám ơn đạp vút đi liền.
Đến nhà thầy Trứ, con chó vàng trước sân đang thất nghiệp, nghe tiếng người quen liền sủa rân mừng rỡ. Như cất tiếng :
-Thầy ơi ! Con đến thăm thầy nè !
Thầy Trứ đang lui cui sau bếp, nghe tiếng gọi liền chay ra, nạt cho con chó ngưng sủa rồi mở cửa cổng cho Như dắt xe vào. Thầy chắc lưỡi :
-Tội nghiệp dữ hông ? Mưa mà đi làm chi, để hôm nào có nắng hãy tới thăm thầy cho đỡ cực !
Như cười :
-Con đi hơn nửa đường mới bị mắc mưa. Cũng may...
Nói tới đó Như vội ngừng ngang. Thầy không hỏi thêm mà đi lại cái bàn tròn ngoài hiên, lấy chiếc bình tích đang nằm trong cái vỏ dừa khô, rót cho Như đầy một ly trà nóng. Có mùi cá kho khét, thầy chưa nghe ra là Như đã chạy xộc vào bếp, không kịp tìm đồ nhắc nồi. Hai bàn tay không, cầm liền vào hai lỗ tai của cái trách đất nhắc xuống, rồi chụp lẹ vào trái tai cho khỏi phỏng . Thấy rổ bông bí trên giàn bếp, Như hỏi:
-Bông bí nấu canh hay xào vậy thầy ?
Thầy Trứ vừa đáp vừa hỏi:
-Luộc ! Cá có khét hông con ?
Như đáp :
-Mới xém ở vách nồi thôi ! Cá kho như vầy là ngon lắm đó thầy !
Căn bếp của thầy quá quen thuộc đối với Như. Ba Như vỡ chà, có cá ngon thường sai Như mang qua biếu thầy. Nếu là cá Lăng, Như sẽ hái me, rau tần nhà trồng sẵn đem theo. Trên đường đi cô thường săn quần lội xuống mương, nhổ thêm mấy cọng bông súng để nấu cho thầy món canh chua bông súng cá lăng mà ông hết sức ưa !
Luộc rau xong, Như hỏi :
-Con dọn chén được chưa thầy ?
Thầy nói:
-Con để đó ra đây ngồi uống nước đi ! Chờ thằng Trác về rồi ăn luôn.
Không hiểu sao Như lại giả tảng, hỏi:
-Bộ anh Trác về phép hả thầy ? Ảnh nghỉ được mấy ngày vậy thầy ?
Thầy Trứ chép miệng :
-Nó xin phép được có một tuần hà ! Tội nghiệp vừa về tới nhà là chui đầu vô ruộng làm cỏ lúa liền. Ngày mốt đi rồi !
Như lại nghe tiếng chó sủa, tiếng mở cổng và tiếng thầy Trứ :
-Đi tắm liền rồi lên ăn cơm nghe con ! Bữa nay nhà mình có khách.
Như thót cả ruột sợ Trác trả lời là đã biết và đã gặp Như rồi, không nghe anh nói tiếng nào. Như thở phào nhẹ nhõm !
Bữa cơm diễn ra trong bầu không khí vui tươi, ấm áp. Lâu lắm rồi thầy Trứ mới hưởng lại được cái cảnh đoàn viên như thế nầy. Như vẫn còn đôi chút ngượng ngập. Trác cởi bỏ cốt cách trang nghiêm ban nãy, chàng cố kể những câu chuyện vui trong quân ngũ, đa số là chuyện có thật. Và dù anh cố chọn lọc, nhưng những câu chuyện mang mùi khói súng ấy đều thấp thoáng bóng dáng của nỗi buồn.
Được sự khuyến khích của ông Trứ, Trác đã gọi Như bằng em, xưng anh một cách thân mật. Chàng được biết Như là cô học trò cuối của cha, được ông thương yêu rất mực. Có lẽ vì bằng tuổi với người em gái út của chàng. Cô em gái đã gặp tai nạn và qua đời, khi chiếc xe đò chở cô bị mìn giật tung.
Trong thư gửi cho con trai, ông Trứ thường kể về Như nên Trác biết ba má cô là Việt Kiều hồi hương, để tránh nạn người Việt bị thảm sát sau đợt đảo chánh ở Cam pu chia. Như học trường Pháp nên tiếng Việt rất yếu.
Thầy Trứ dạy môn Việt Văn, phụ đạo miễn phí tại nhà cho các em học sinh kém cỏi. Thầy được hết thảy học trò và gia đình họ kính mến, đặc biệt nhất là Như. Lúc mới về nước việc học của Như gặp nhiều trở ngại. Chương trình học hoàn toàn bằng tiếng Việt nên cô khó tiếp thu. Chỉ ở Sài Gòn mới có trường Tây, học phí rất đắt nên ba má Như không kham nổi. Chính nhờ sự tận tâm của thầy mà Như đã bắt kịp bạn bè chỉ trong một thời gian ngắn.
Như vốn có tính hiền lành đa cảm. Những bi kịch liên tiếp xảy ra cho thầy ( sau khi con gái qua đời vợ thầy cũng phát bệnh và mất mấy tháng sau) khiến Như càng thêm gắn bó với thầy hơn. Nhà Như cũng không xa nhà thầy lắm nên hể rảnh là cô đạp xe qua nấu cơm cho ông. Sau nầy khi Như đi học may thì một tuần, hoặc nửa tháng cô mới ghé một lần.
Cả Trác và Như đều nghe thầy kể hoài về nhau. Như biết Trác học rất giỏi, thế nhưng thi lại rớt nên phải dính vào quân dịch. Trác biết Như rất hiếu học. Cô biết đọc, viết văn, làm thơ bằng tiếng Pháp, rất hiền và hết sức sợ ma.
Qua những câu chuyện được nghe, họ đã phát sinh lòng cảm mến lẫn nhau, nên khi gặp mặt tình cảm nãy nở cũng là lẽ dĩ nhiên. Cho dù không bộc lộ qua cử chỉ nhưng cả hai vẫn cảm nhận rằng, giữa họ đã xảy ra một điều rất đặc biệt.
Như rửa chén xong, ra nhà trên chào thầy để ra về cô không gặp được Trác. Nỗi buồn từ đâu rót đầy tim, cô nghe lòng mình trĩu nặng. Chiếc xe cũng vậy. Nó hết sức ì ạch, hai cái bánh cứ ôm chặt lấy mặt đường như không muốn chia tay. Nỗi lo về con đường lầy lội phải vượt qua khiến Như thêm tủi.
Lòng nàng chợt như nước vỡ bờ khi thấy ngay ngã ba rẻ vào con đường đất, Trác đã đứng đợi sẵn từ lúc nào. Không chờ chàng lên tiếng, Như dừng ngay xe lại. Trác nói:
- Đường chưa kịp khô đâu, để anh chở cho!
Như ngần ngại hỏi :
-Vậy rồi một lát anh phải lội bộ về nhà sao ?
Trác nhún vai :
-Chừng ba, bốn cây số chớ mấy ? Còn hơn để em vừa đi vừa gở sình, hoặc té xuống mương, khổ gấp mấy lần hơn mà hổng chừng tới sáng mới đến nhà !
Như trao xe cho Trác, lòng vừa vui vừa nhẹ nhõm. Họ lại đi trên bờ cỏ ban nãy. Ngồi ngay sau lưng anh, Như hồi hộp gấp đôi, tự hỏi không biết Trác có nghe tiếng tim đập thình thình như đang chạy nước rút của mình hay không ?
Tia nắng cuối ngày đã chui tận tâm trái đất khi Trác đưa Như về đến nhà. Như xuống xe, ắp úng mấy tiếng cảm ơn và nói:
-Chờ em đốt một bó lá dừa để anh cầm soi đường.
Trác lắc đầu, chỉ tay lên trời:
-Thôi khỏi, có trăng kìa!
Trăng đầu tháng mỏng dính như lá lúa, như chân mày của một mỹ nhân. Như bỗng thấy ghen với cái con trăng mảnh mai ấy quá chừng. Cô sẵn lòng đánh đổi những thứ quý giá nhất để được như nó, để có thể dõi theo Trác đến cùng trời, cuối đất. Muốn cầm chân anh được chút nào hay chút nấy, nên cô buột miệng hỏi một câu đã biết trước lời đáp:
-Chừng nào anh đi về đơn vị ?
-Ngày mốt !
-Ngày mai anh làm gì ?
-Nhổ nốt cái mớ cỏ...
Như đột ngột cắt ngang, hỏi bằng một giọng van xin:
-Cho em ra làm phụ với nha ?
-Thôi khỏi, còn ít lắm, anh làm một loáng là xong. Em có rảnh thì qua nấu giùm anh một mâm cơm cúng má. Tội nghiệp má quá ! Từ hôm anh về tới giờ chưa nấu được một bữa cơm cho ngon mà cúng.
Rồi chàng móc túi đưa cho Như một tờ giấy xăng màu xanh có in hình của đức Trần Hưng Đạo. Như không cầm, cô vỗ vô túi áo, nói:
-Anh giữ để mua quà cho bạn đi, em có tiền đây nè !
Trác nói nghiêm:
-Em phải nhận tiền, nếu không anh nhờ người khác đó !
Như giữ tờ tiền còn ấm trong lòng bàn tay, không cho ngay vào túi. Trác nói :
-Thôi em vô nhà đi. Ngủ sớm để mai dậy sớm đi chợ giùm anh.
Như vừa tìm ra thêm một lý do, cô hỏi :
-Má anh ngày xưa thích ăn món gì ? Em hỏi để biết mà nấu .
Trác đáp bằng giọng ân hận:
-Anh nào có biết ! Má toàn nấu những món mà mấy cha con anh thích thôi !
-Là những món gì vậy anh?
-Canh chua, cá kho, canh khoai ngọt, cá muối chiên, mắm các loại, bánh xèo, bánh ít trần...Em lựa món nào đơn giản mà làm, đừng có ôm đồm quá mà sanh bịnh.
-Thầy có mời ai hông anh?
Trác lắc đầu :
-Đâu phải ngày giỗ, chỉ có cha và anh thôi !
-Vậy hiện giờ anh thèm món gì ?
Trác suy nghĩ rồi nói :
-Mấy năm rồi anh chưa được ăn món gỏi sầu đâu. Sẵn cây sầu đâu trong vườn đang trổ tược non, hay em trộn cho anh một dĩa gỏi, thêm nồi canh giò heo hầm măng với nước cốt dừa và cá rô mề kho nữa là được.
Như lại hỏi tiếp:
-Anh muốn trộn gỏi sầu đâu với khô hay cá lóc nướng.
-Trộn với khô cho gọn, mà em trộn với cá sặc bổi nghe, lựa mấy con thịt hơi bủn cho ngon !
Rồi không để Như hỏi thêm, Trác đưa tay ngang trán chào đùa nàng theo kiểu nhà binh rồi quay lưng đi một nước, không ngoái lại lần nào.
Như áp tờ giấy bạc lên má, đứng nhìn theo cho đến khi cái bóng cao gầy của Trác mất hút, mới chịu dắt xe lững thững vô nhà.
Trước ngày trở về đơn vị, Trác xin địa chỉ của Như và hứa khi đến nơi sẽ gửi thư liền để nàng yên tâm. Thế là cứ cách vài hôm Như lại ghé nhà việc để xem có thư chưa. Như cứ nơm nớp sợ thư bị lạc bởi ở thôn quê chẳng nhà nào có địa chỉ hẳn hoi. Con đường duy nhất không có tên, cả ngàn căn nhà đều không có số. Ở mỗi bìa thư người gửi chỉ ghi tên của người nhận, cây số mấy, kèm theo những địa danh của tỉnh, quận, làng, xã... mà thôi ! Xóm Như có nhiều người trùng tên nên việc thư của người nầy đến tay người khác là chuyện bình thường. Để khỏi xảy ra nhầm lẫn, phải ghi thêm biệt danh, nghề nghiệp vào cái tên chính thức của người nhận. Nếu ai không có mấy thứ đó thì người gửi sẽ kèm tên cha mẹ, vợ chồng, con cái của họ vào luôn cho dễ phân biệt .
Mấy ngày sau Như nhận được cả hai lá thư cùng một lúc. Trác gửi cho thầy Trứ và cả cho nàng.
Cầm hai lá thư trên đôi tay rung lẩy bẩy, Như nghe tội lỗi đầy mình, bởi thư của cô dày và nặng gấp ba. Để chuộc lỗi, Như phóng xe như bay đến giao cho thầy trước rồi quay về liền để đọc lá thư của mình. Đến cái chòi giữ dưa, Như dừng xe ngồi vào chỗ của Trác hôm ấy rồi mở thư ra đọc ngấu nghiến. Trác viết kín ba tờ giấy đôi vậy mà Như đọc vẫn chưa thấy thỏa.
Như ôm lá thư tình đầu tiên ấy bằng cả hai tay. Cô ghì sát nó vào ngực để trấn áp con tim đang rung, đang thổn thức, đang căng phồng vì một niềm vui quá lớn. Trác viết bằng giọng văn khá nhộn với những từ ngữ hết sức hóm hỉnh, chắc muốn Như vừa đọc vừa cười, vậy mà nước mắt của nàng cứ rơi hoài, rơi mãi. Nó bắt đầu chảy ra khỏi mắt ngay từ dòng đầu tiên và không chịu dừng dù đến chữ cuối cùng.
Trác cho biết suốt trên con đường chàng đi, mưa cứ đuổi theo sát ngót. Và vì lần đầu họ gặp nhau cũng do cơn mưa đưa đến, nên Trác có cảm giác rằng Như đang ngồi đâu lưng với mình, chỉ cần ngoái nhìn là thấy mà thôi !
Chàng nói ở nơi mình đóng quân, mưa rất buồn, rất lạnh, quần áo phơi lâu khô, nên ai cũng sợ nó. Ngày xưa chàng cũng thế, nhưng bây giờ lại cầu mong mưa đến mỗi ngày. Lạ là những tiếng rì rào quen thuộc đó, lại khiến chàng nghe lòng ấm áp. Nhờ có nỗi nhớ về Như, nên cái cảm giác cô đơn, chán chường lúc mưa không còn nữa.
Trác cũng khen cá lóc chà bông Như làm ngon lắm ! Và dù bị bạn bè trêu chọc nhưng Trác vẫn cố giấu để thưởng thức một mình. Rồi Trác dặn dò cô, mỗi khi qua thăm thầy nên đem thêm một bộ đồ nữa để phòng xa, rủi gặp mưa cũng có để thay ngay, khỏi sợ bị cảm lạnh. Chàng cẩn thận khuyên nàng đừng bơm bánh xe quá căng dễ bị trợt khi đi trên con đường băng ngang ruộng, vốn rất trơn.
Cuối thư Trác hẹn sẽ về thăm một ngày gần nhất khi xin được phép. Chàng cũng hy vọng tình hình sẽ sáng sủa hơn để sớm được ở hẳn lại nhà.
Tối đó Như chờ cả nhà ngủ hết mới dám đốt cái đèn trứng vịt, bưng vô mùng để viết thư cho Trác. Như viết nháp vào quyển tập trước rồi mới chép vào mấy tờ giấy pơ luya màu xanh mà nàng vừa mua cả một xấp dày. Lần đầu tiên viết thư cho một người con trai, ngay cái dòng đầu tiên là cô đã bị mắc nghẹn. Sửa đi, sửa lại, đọc tới, đọc lui đã đời mới viết vào tờ giấy mỏng. Như chùi cái ngòi viết cho thật sạch, cẩn thận gò từng nét. Viết chưa xong đã nghe tiếng gà gáy rộ.
Sáng hôm sau Như ghé nhà thầy, hỏi xem ông có viết thư trả lời chưa để nàng mang đi gửi giúp. Ông Trứ nhìn Như, cười thật hiền và nói :
-Thầy đã trả lời rồi đây, con dán tem và đi gửi giùm thầy. Mà con có tem chưa ?
Như nghĩ chắc thầy đã đoán ra họ có tình ý với nhau. Trác có gửi thư cho Như, nàng cũng viết trả lời ngay như ông, nên mới hỏi thế. Cô trả lời bằng cái giọng ngường ngượng :
-Con định đem lên bưu điện quận gửi cho nhanh, nên sẽ mua tem ở đó rồi dán tại chỗ luôn !
Thầy Trứ vẫn còn giữ nụ cười trên môi, ông nói :
-Con mua cho thầy với, tiền nè !
Như lật đật chào thầy, thót lên xe, đạp cái vù ra cổng để không phải cầm tờ giấy mười đồng mà thầy cố dúi vào tay.
Tội nghiệp con chó, nãy giờ nó cứ đứng chôn chân, nhìn Như đăm đăm, đuôi không ngớt ve vẫy, chờ được vuốt ve như những lần trước. Như bỏ đi mà không thèm ngó, tróc lưỡi cái nào, khiến nó cảm thấy hết sức tổn thương.
Con Phèn chạy theo Như ra tận cổng, hy vọng cuối cùng cô cũng cười với nó một cái. Thế nhưng mà...Chàng ta cụp đuôi xuống, sủa vói theo mấy tiếng bằng cái giọng trách móc, giận hờn rồi mới thủng thẳng quay vào nhà !
Ông Trứ cố đền bù cho sự hụt hẩng đó. Ông gãi nhẹ và lâu lên cái lưng đầy lông màu vàng cháy ấy, rồi kê sát tai nó nói nhỏ :
-Tụi mình bị ra rìa rồi Phèn ơi !
Chưa đầy một tuần sau, Như lại nhận thêm hai lá thư nữa, của cô vẫn dày và nặng hơn, thế nên lại mang đến cho thầy Trứ trước.
Thầy ngạc nhiên, nói với Như bằng giọng hóm hỉnh :
-Cái thằng làm biếng nhớt thây nầy, bây giờ sao mà siêng viết thư dữ quá !
Như mắc cỡ, không dám nhìn thầy. Cô đưa mắt ra sân, thấy cây mai đang chìa mấy cánh tay gầy nhom, trụi lủi không còn cái lá nào, liền hỏi :
-Sao năm nay thầy trẩy mai sớm quá vậy thầy ?
-Năm nay lạnh, trẩy sớm để nó nở đúng giao thừa.
Như hỏi:
-Năm ngoái anh Trác có về ăn tết với thầy hông vậy ?
Thầy Trứ lắc đầu, giọng buồn hiu:
-Đã ba năm rồi, thầy ăn tết có một mình !
Như nghe thương thầy đến xót xa. Cô nói:
-Thầy đừng gói bánh, kho thịt, muối dưa giá nha ! Để con làm sẵn bên nhà đem qua .
Thầy Trứ lắc đầu :
-Thầy không dám làm phiền đâu. Thợ may tết cực lắm !
Như năn nỉ :
-Con đâu có làm. Nhà con cũng phải gói bánh, kho thịt cúng. Con nhờ má làm thêm một ít phần thầy, đâu có khó khăn, nhọc nhằn gì !
-Vậy thì phải để cho thầy hùn vô, bằng không thì thôi!
Thầy nói bằng một giọng cương quyết. Như không dám từ chối khi thầy mở bóp, đưa cho cô hai tờ giấy xăng xếp thẳng băng.
Con Phèn nãy giờ ngóng mỏ chờ đến phiên mình, không còn kiên nhẫn nữa, cắn lai quần của Như giựt nhẹ để nhắc đến sự tồn tại của nó. Như sà xuống, vừa ôm vừa né cái lưỡi le dài sắp chạm vào gò má mình, bồng nó lên rồi thả xuống liền, quở :
-Mầy nặng dữ lắm rồi đó nghe Phèn !
Thầy Trứ giải thích :
-Anh Trác con cưng nó lắm ! Cho ăn liền xì nên nó ú nu, ú núc.
Như hỏi :
-Nó có nhớ ảnh hông thầy ?
-Nó buồn tới bây giờ đó con. Hễ thấy ai đi ngoài đường cũng đâm đầu chạy ra, ngó theo miết.
Còn Phèn làm như thể biết nghe tiếng người, đang ngồi chống chân, nghe nói vậy bỗng co giò chạy vù ra cổng. Chẳng thấy ai, nó quê quá nên tha trái me dốt rụng trên sân đem vào cho Như.
Thầy Trứ nhìn lên cây me rồi nói:
-Năm nay me sai trái hơn mấy năm trước. Trái chín không đều, có trái dốt teo, có trái dốt bột. Những trái già sắp dốt làm mứt me ngon nhứt. Cơm nó dày, vỏ cứng, sắp tróc, lột dễ ít bị đứt tay. Con Út mà còn sống, là hái liền để làm mứt gửi cho anh hai của nó. Thằng Trác khoái món mứt nầy thượng hạng.
Như đột ngột đứng lên xin phép thầy về liền. Tới ngã ba cô không rẽ vào con đường đất để về nhà mà chạy luôn lên chợ. Như ghé mua me để làm mứt cho Trứ. Cô đi khắp chợ chọn cái thúng me tươi nhất, lựa được hơn ba chục trái thật ngon, vỏ căng bóng, không bị trầy một tí nào.
Như ghé cái tiệm tạp hóa đầu chợ, mua thêm một ký đường, hai đồng bột thạch cao phi, một gói va ni và giấy kiếng trong để gói. Tỏ, con trai con người chủ tiệm, ngày trước học cùng trường và trên Như hai lớp. Y ta cũng thi rớt, trốn quân dịch nên ở nhà bán hàng phụ gia đình, vừa cân đường vừa hỏi :
-Cô mua đường làm mứt hả ?
Như "dạ". Tỏ hỏi tiếp:
-Cô làm mứt gì vậy ?
Như trả lời gọn lỏn :
-Me.
Tỏ cười, nói nịnh :
-Mứt cô làm chắc ngon số một.
Như lắc lầu :
-Đâu có!
Tỏ thảy gói đường lên một dĩa cân, đặt cục cân bằng sắt có ghi số một trên mặt, lên cái dĩa bên kia. Dĩa cân đựng gói đường nặng hơn nên chìm sát xuống. Y ta chẳng múc bớt ra thì thôi, còn cho vô thêm một muỗng đầy nhóc. Như nhắc :
-Anh cân giác quá rồi, còn cho thêm nữa coi chừng lỗ đó !
Tỏ cười :
-Tui cố tình hùn vô để tết tới nhà ăn ké mà !
Như đáp hấp tấp :
-Cái nầy tui làm giùm bạn, đâu có giữ lại nhà để ăn đâu mà đem ra mời khách.
Tỏ nhìn Như, cười rồi hỏi đùa:
-Bộ cô chừa cho tui một trái cũng không được nữa sao ?
Như lắc đầu, cầm gói đường, trả tiền rồi bỏ đi một nước, tự hứa không ghé cái tiệm đó nữa.
Má Như thấy cô lui cui đi rữa me, ngâm muối thì rầy :
-Cái thứ mứt nầy làm cực thấy mồ ! Nào là tách vỏ, khựi hột cho nhẹ tay để nó không bị gãy, bị nứt. Nào là sên đường cho thấm, cho trong rồi phơi năm bảy nắng. Nào là gói vô giấy kiếng cho thẳng, cho đẹp nữa. Cực chẳng đã mới làm để khoe giỏi, khoe khéo với má chồng. Con có thèm thì để má mua vài trái cho mà ăn, đừng có làm cho khổ cái thân!
Như vừa khuấy mạnh tay vào thau nước để mấy hột muối tan nhanh, vừa lắc đầu :
-Người ta làm để bán, họ bỏ đường tinh ăn độc lắm má ơi !
Những trái me dù được Như o bế hết sức, vẫn không thể trong veo như nàng mong muốn vì trời thiếu nắng. Thế nhưng nó vẫn được Trác nhiệt liệt ca ngợi trong bức thư sau đó. Lá thư ấy và cái tết đến cùng một lúc nên đối với Như, nàng xuân hầu như đã hoàn thành bổn phận.
Có lẽ Như là một trong những người may mắn, không bị khói lửa chiến tranh làm cháy mày, phỏng mặt. Cái tết Ất mẹo ấy cho dù màu sắc có phần ảm đạm, cho dù cây mai nhà thầy Trứ hể bông vừa trổ là rụng liền, nhưng lòng cô vẫn rộn ràng với những hình ảnh về tương lai đang nằm lộn xộn trong đó. Như tha hồ đắm chìm trong những giấc mơ và hết sức phung phí óc tưởng tượng của mình. Niềm vui hừng hực trên gương mặt cô, đã giúp tảng băng lo buồn trong lòng thầy Trứ tan chảy một phần.
Cô như đang sống trong một hành tinh khác. Nơi đó chỉ có Trác và một vài người mà họ thương yêu nhất. Những sự việc xảy ra trong ấy hết sức lung linh, huyền ảo, chỉ chứa đựng toàn những cái đẹp, điều thiện và không chịu ảnh hưởng bởi bất cứ một lực cản, một ác nhân nào. Nó như được tạo thành từ một chất rất trơn, rất cứng. Những vật thể thô, cứng chạm vào, đều không thể bám dính và làm nó sứt mẻ tí ti gì.
Cho nên dù tình hình chung đang ngày càng dầu sôi lửa bỏng, nhưng những bài bình luận thời sự với những câu kết hết sức lạc quan, cùng những bức thư mang đầy lời thương yêu, hứa hẹn của Trác, đã khiến cô hoàn toàn tin tưởng rằng, cái đám cưới của họ sẽ xảy ra trong một ngày không xa lắm!
Tết năm ấy thay vì đi chơi với bạn. Mỗi sáng Như đều đạp xe đến nhà thầy, nấu cơm cúng, ở lại ăn cùng ông rồi mới ra về. Trong mâm cơm hầu như có cả sự hiện diện của Trác. Anh như đang ngồi đối diện cô, mĩm cười ngượng nghịu khi nghe cha luôn miệng nhắc về những trò tinh nghịch của mình.
Má Như đã sinh nghi từ việc làm mứt me nên bắt đầu để ý. Cho dù rất lo âu, bà cũng chẳng nỡ phá hỏng giấc mơ vừa chớm của cô. Bà làm tất cả những điều Như yêu cầu, một phần vì thương con gái, một phần bà rất quý mến thầy Trứ. Nhưng trên hết là do bà cho rằng, việc an ủi, giúp đỡ những người có hoàn cảnh như thầy và Trác là bổn phận của hết thảy mọi người.
Sáng mùng ba, Như vừa từ nhà thầy về, đã thấy ngay một chàng trai đang ngồi ở bộ sa lông đặt chính giữa gian trước.
Bộ đồ dân sự và mái tóc cắt kiểu "ca rê" của anh ta làm Như hụt hẩng. Cô đã đoán ra là ai ! Y ngồi quay lưng về phía Như nên cô chạy vòng ra cửa sau để tránh. Vừa dựng xe vào cây ổi cạnh sàn nước là má Như sấn tới nói nhỏ bên tai:
-Thằng Tỏ nó đợi con từ sáng tới giờ. Má nói là con đi chơi nhà bạn. Ra nói chuyện với nó một chút đi con, tội nghiệp người ta !
Như cau mày, lắc đầu rồi không vào nhà mà đi thẳng ra vườn. Cường độ yêu của cô dành cho Trác càng cao thì tính ích kỷ càng tăng. Như không ngần ngại, gạt thẳng tay những người được xem là vật cản. Cô nói :
-Con không ưa y, con không ra đâu!
Gương mặt Như thể hiện sự cương quyết khiến bà không dám ép, đành chắt lưỡi mấy cái rồi nhìn theo một cách ngán ngẩm.
Như ngồi xuống chiếc võng máng trên hai cây lồng mức. Bóng cây, tựa như nỗi buồn, ngã sấp lên người Như làm cô nghe tức thở. Cảm giác y hệt lúc bị cái mùng đứt dây úp gọn lên người.
Ôi, phải chi người chờ cô là Trác. Phải chi Trác có mặt bên cô trong những ngày nầy. Phải chi cô được cùng anh đi dạo trong ngôi vườn, và cùng ngồi trên chiếc võng. Cô sẽ mặc chiếc áo đẹp nhất của mình, đi đôi guốc quai nhung màu đen có gắn cườm, đội cái nón bài thơ mới tinh được viền quanh vành bằng xoa tím với cái quai cùng màu.
Như thấy căm ghét cái cuộc chiến nầy quá thể ! Lần đầu tiên Như nhận ra khoảng cách giữa họ sao mà dài thâm thẫm. Như nghe nhớ Trác đến đau lòng. Cô quay vô nhà, lấy xe đạp ra cái chòi giữ dưa.
Ngày tết, cánh đồng vắng tanh chẳng một bóng người. Lúa rạp mình chào, nhận ra sự hờ hững của cô nên giận dỗi ngóc đầu lên liền rồi đứng im phăng phắt. Vết xe đè trên cỏ cũng không còn nữa. Những bụi cỏ may, hôm nào thêu đầy hai ống quần, làm cô phải nhặt cả mấy tiếng đồng hồ mới sạch, vẫn còn xanh ngăn ngắt, nhưng hoa đã rụng. Cánh đồng, bờ cỏ, con mương... những ngày tết hình như bị quên lãng, mang vẻ lạc lõng, tủi và buồn đến tội !
Tấm giạt trong chòi bị nắng trưa nung nên ấm như có ai mới ngồi. Hình như đã có một đôi nào đó vừa hò hẹn tại đây vì xác mía rải đầy trên cỏ còn chưa kịp khô. Không thể chỉ là một người bởi ai mà thích ngồi ngoài đồng một mình vào những ngày nầy. Nếu có một người nào đó cùng tâm trạng với cô, chắc chắn y chẳng còn hơi sức đâu mà nhớ tới cái ăn, đem mía theo để xước ? Chỉ khi có hai người họ mới chuẩn bị chu đáo để bày tỏ sự quan tâm, săn sóc lẫn nhau thôi!
Như lấy trong túi áo mấy lá thư mà lúc nào cô cũng mang theo bên mình ra đọc. Những lá sau ngày một dài hơn nên mấy chiếc áo bà ba của cô, hai cái túi luôn căng phồng bởi chứa đầy nhóc. Một hôm bà chủ tiệm may, vỗ vào đó rồi nói :
-Đem tiền kè kè trong mình, bộ không sợ bị rọc túi hay sao ?
Như mĩm cười biết bà nói đùa, bởi ở quê Như xe đạp bỏ suốt ngày ngoài hiên còn không mất thì làm gì có cái nạn móc túi. Thế nhưng Như vẫn may thêm túi vào quần, cô đặt nó nằm phía trong, sát cái lưng thun để không ai thấy.
Sau tết gần một tháng Như lại nhận được thư, lần nầy chẳng những Trác chỉ viết riêng cho cô thôi, mà còn dày gấp đôi những lá thư trước. Như mở ra xem, trên tờ giấy vẽ màu trắng ngà, là đôi mắt nhìn thẳng, cái miệng hơi hé của cô được Trác ghi lại bằng bút chì rất đẹp. Như hết sức cảm động ! Dù thời gian gặp nhau hết sức ngắn ngủi, Trác vẫn kịp nhớ những đường nét trên khuôn mặt cô đến từng chi tiết nhỏ. Ngay cả cái nốt ruồi núp trong vành tai chàng cũng nhận ra. Như bỗng nhắm mắt lại, tưởng tượng về Trác. Ngạc nhiên biết bao! Thay vì gương mặt, cái lưng áo ướt mưa lại hiện rõ mồn một trong đầu nàng.
Thế là trong lá thư hồi âm ngay sau đó, Như nài nỉ Trác tự họa chân dung để gửi cho cô. Như viết trong dòng tái bút :" Em chưa nhìn kỹ gương mặt anh, chỉ mới biết rất rõ cái lưng mà thôi !"
Rồi Như chợt nhớ ra, mỗi lần đối diện nhau, hể bắt gặp ánh mắt Trác là cô lại nhìn xuống đất, đâu dám nhìn đủ lâu để nhập tâm từng nét. Chỉ khi ngồi sau lưng anh trên chiếc xe đạp, Như mới tha hồ dán mắt vào cái lưng cong cong và chiếc cổ gầy nhom của anh. Như kêu thầm :
-Tròi ơi ! Tới gương mặt của người ta mà mình còn chưa nhận rõ. Tại sao lại thương đến trọc tóc, tróc đầu như vầy hả trời ?
Viết thư xong Như mang đi gửi liền. Trên đường đi cô ghé nhà thầy Trứ để xem ông có cần chi không.
Nhà thầy nằm giữa ngôi vườn rộng. Những cây gòn lớn gốc to hơn một vòng ôm, cao đến độ mây bay qua bị níu rách áo, được trồng quanh khu vườn để làm rào. Thầy nói chúng lớn hơn, hoặc ngang tuổi mình, vì do cha của thầy trồng. Trẻ hơn chúng là những cây cau, dừa, tre, trúc, tầm vông. Vú sữa, lồng mức, ổi, mít, mận, chuối... trẻ nhất nên vẫn cho trái nhiều và đẹp.
Con đường nhỏ bề ngang độ một thước, được cẩn vỏ sò chạy thẳng từ cổng vào nhà. Cánh cổng bằng cây đóng thưa rỉnh, lỏng lẻo y như một tên lính canh suốt ngày ngủ gục.
Con Phèn vẫn là người đầu tiên chạy ra đón, ngay khi Như vừa thắng xe lại. Nó dùng chân đẩy miếng gỗ gài ngang một cách thành thạo để mở cửa, đuôi vẫy tưng bừng, lon ton đi trước dẫn đường. Như dắt xe đi theo sát gót, thích thú nhìn những bóng nắng rơi đều đều lên lưng nó rồi rớt xuống đất mà không bị vỡ một chút nào.
Ông Trứ đang ngồi chăm chú viết, ông để hết tâm trí vào công việc nên chưa nhận ra sự có mặt của cô. Con Phèn đã được rèn cặp kỹ, không dám sủa một tiếng nào trong khi ông làm việc, chỉ chạy đến cọ nhẹ vào chân. Ông ngẩng lên nhìn, nhận ra Như liền nói:
-Con ngồi chơi, thầy viết sắp xong rồi.
Như dựng xe vào cây vú sữa, múc nước trong lu ra rửa mặt, ngồi lên chiếc võng bện bằng vải vụn còn mới tinh rồi lấy khăn ra lau mặt. Cô nhìn cái võng bằng đôi mắt thán phục, số vải vụn cô mang lại hôm trước đã biến thành một chiếc võng rất đẹp.
Thầy Trứ vừa buông cây viết, thấy Như nhìn cái võng một cách chăm chú nên hỏi :
-Con có thích nó hông ?
Như lập tức gật đầu :
-Dạ, con thích lắm đó thầy ! Không ngờ mấy miếng vải ngắn ngủn ấy lại làm được một cái võng chắc và đẹp như thế nầy !
Thầy nói một cách thích thú :
-Con mót thêm một mớ vải vụn đem lại, để thầy thắt cho một cái mà nằm.
-Dạ, chắc hơi lâu một chút. Qua tết ít ai may đồ lắm thầy. Hôm nay con đi chợ quận, thầy có cần mua món gì hông thầy?
-Thầy chỉ nhờ con gửi cái thơ thôi. Thầy hết bao thư rồi, con mua giùm, ghi địa chỉ và gửi cho thầy luôn nhé !
Ông hơi ngần ngại một chút rồi nói thêm:
-Con thấy ai bán quít si ma thì mua giùm thầy mấy trái nữa.
Như dạ rồi hỏi :
-Bộ thầy thích ăn cái trái nầy sao ?
Thầy Trứ cười:
-Thầy ghét nó nhứt hạng, nhưng vợ thầy ưa lắm ! Hồi đó bả có trồng một cây. Mùa nước năm kia nó chết rồi. Thầy đi kiếm cây con về trồng để có trái cúng bả mà tìm không ra. Mấy năm nay bả không được ăn nó nữa, chắc là thèm lắm ! Con có thích nó hông ?
Như thè lưỡi, rút vai, lắc đầu :
-Nhắc tới con còn sợ ! Có lần bà ngoại bẻ một trái bắt ăn. Con nhai hoài nuốt không có nổi! Ráng căng cổ, trợn mắt, đẩy xuống cho bằng hết để ngoại vui, nên ngán tới bây giờ. Bà ngoại con khoái nó dữ lắm ! Chẳng những ăn chơi chơi, ngoại còn pha vô bột gạo để làm bánh xèo nữa. Ngoại trồng tới hai cây, để ăn hà rầm khỏi phải mua.
Thầy Trứ bán tín, bán nghi, hỏi:
-Bánh xèo có quít si ma ? Thầy chưa nghe qua lần nào. Con ăn chưa ? Có ngon hông?
Như gật đầu :
-Dạ ngon lắm thầy, vỏ bánh xốp và giòn hơn thứ thường.
-Cái mùi có giống bánh xèo hông ?
-Dạ giống ! Nhờ bột nghệ áng mất tiêu cái mùi kia. Cái màu của nó vàng tươi, đẹp lắm thầy à ! Để mai mốt rảnh, con qua ngoại hái mấy trái đem về làm cho thầy ăn thử.
Thầy Trứ can:
-Chừng nào ngoài chợ có bán thì mua. Nghe nói nhà ngoại con ở tận Tân Quới, xa lắc mà còn phải qua đò mắc công lắm !
Như khăng khăng:
-Từ tết tới giờ con chưa ghé thăm ngoại. Lần nào con tới ngoại cũng đều nhờ hái quít si ma. Sẵn hái cho ngoại con hái cho thầy luôn, đâu có mắc công gì ! Huống hồ bây giờ ít người ăn, nên chắc kiếm đỏ con mắt cũng không ra chỗ bán ! Cái trái nầy hình như chỉ có ở xứ mình là có tên đó, còn những chỗ khác người ta gọi là Lê ki ma phải hông thầy?
-Đúng rồi đó con ! Người Bắc gọi là trái trứng gà, tại cái thịt nó ăn bùi bùi, bở bở, giống hệt tròng đỏ trứng gà.
-Sao trái cây Việt Nam mà mang tên tây vậy thầy ?
-Trái nầy tổ tiên của nó ở bên tây chớ đâu có phải ở nước mình. Người Pháp họ đem qua đây trồng, nên mới có cái tên lai căng như vậy.
- Hình như nó bổ ghê lắm ! Ngoại con nhờ ăn nó thường xuyên nên ít bị bịnh vặt. Bà năm nay đã tám mươi rồi mà mắt còn sáng trưng, tự mình xỏ kim không cần nhờ ai hết !
-Cũng hổng hẳn ! Vợ thầy cũng ăn đều đều mà mất lúc chưa đầy năm mươi tuổi. Chắc tại lúc đó bả lo buồn quá ! Cái phần tinh thần quan trọng lắm đó con ! Mấy ông vua ngày xưa ăn toàn cao lương mỹ vị, ngon, bổ nhứt trên đời mà ít ai sống thọ, tại trong bụng họ cứ lo đủ thứ.
Nói tới đó thầy dừng lại, gấp tờ giấy đôi lại làm bốn rồi nói :
-Con chưa dán thơ thì bỏ vô luôn cho khỏi tốn một con tem. Nắng lên cả sào rồi, con uống ly trà rồi đi liền để một lát trời nóng ra đường mệt lắm !
Như không dám nói với thầy là mình đã dán thơ rồi. Cũng may lần nầy cô dán bằng cơm nguội nên gở ra cũng dễ, nếu hái lá mít hay lá vú sữa để lấy mủ dán thì "trời cứu" !
Như thôi không gãi cái cổ, cái tai của con Phèn nữa, xô nó ra, phủi áo rồi đứng lên đón ly trà thầy Trứ trao cho. Cô uống cạn, hắt chút cặn ra sân, úp ly xuống khay, khoanh tay chào thầy rồi dắt xe ra cổng. Thầy Trứ và con Phèn cùng đi theo. Con Phèn lại lăng xăng chạy trước để giành mở cửa. Như tróc lưỡi một cái với nó, gật đầu chào thầy thêm lần nữa, rồi mới đội cái nón lá lên đầu. Trước khi lên xe, cô móc túi lấy hai cây kẹp phơi đồ, kẹp sát hai ống quần lại cho khỏi bị quấn vào dây sên, bỏ chân mặt qua sườn xe, nhấn mạnh cái bàn đạp thật mạnh lấy trớn rồi mới thót lên yên ngồi.
Đến Ty Bưu điện, Như móc túi lấy lá thư của mình ra trước, lấy móng tay lòn vào khoảng trống ở góc, lách từ từ cho nó bung ra, dễ còn hơn lòng mong đợi. Cô lấy từ túi áo bên kia lá thư của thầy Trứ ra để cho vào chung. Lá thư nhảy ra khỏi tay, gieo mình xuống đất, hai trang giấy mở bung như mời mọc. Như liếc nhìn vào thấy tên mình lềnh khênh ở trỏng thì hết sức tò mò.
Ngày trước Như học trường tây, cảm thụ lối giáo dục tây phương, coi trọng tự do cá nhân nên việc xem lén thư của người khác chẳng những hết sức bất lịch sự mà còn bị coi là phạm pháp nữa. Biết vậy nhưng cái tính tò mò cứ liên tục thúc đẩy. Như chợt nhớ hôm trước vừa đưa cho thầy một xấp bao thơ đúng hai chục chiếc. Như đếm số thư mình gửi, biết thầy xài chưa tới phân nửa chớ nói gì đến hết! Nghĩ vậy nên Như cho rằng, thầy chắc muốn cô đọc bức thư nầy nên mới để ngỏ như vậy. Không còn do dự nữa, cô ngồi lên cái băng ghế trước cái bàn dài có mấy chén hồ khuấy để sẵn, cầm lá thư lên tay ngấu nghiến đọc:
"Trác con !
Tết năm nay có lẽ là cái tết ấm áp nhất vì cha không phải một mình mà luôn có Như bên cạnh !
Bàn thờ của má con cũng tươm tất hơn mọi năm, bông trái chưng hực hở, bánh mức đủ loại, thức ăn ngon lành sạch sẽ.
Như nấu ăn rất khéo, mùi vị các món ăn y hệt như lúc má con còn sống. Lâu lắm rồi cha mới tìm lại cái hạnh phúc êm đềm, cái cảm giác khoan khoái khi bưng chén cơm nóng, ngồi trước một mâm cơm tươm tất. Cha bỗng thấy tiếc cho má con hết sức, nếu còn tới bây giờ chắc bà sẽ thương Như nhiều và mừng cho con lắm !
Cha bỗng nhận ra rằng, mình không còn coi Như là một đứa học trò nữa. Tình cảm cha dành cho Như cũng y hệt, bằng chan như cho em Trúc của con. Và vì coi Như là con gái nên cha nói với con, những yêu cầu của cha về một chàng rể quý !
Cha muốn con gái của cha có một người chồng tốt. Đủ bản lãnh để bao bọc, chở che, làm chỗ dựa cho nó, không chỉ về mặt vật chất mà còn cả tinh thần nữa.
Cha muốn con gái của mình có một người chồng luôn chung thủy, thương yêu và trân trọng hết mực.
Cha muốn con gái của mình có một người chồng không hà tiện những lời nói, những cử chỉ âu yếm để bày tỏ lòng thương yêu dịu dàng mà sâu sắc.
Đến bây giờ cha vẫn còn bị niềm ân hận dày vò. Ngày xưa cha ít săn sóc, khen tặng, bộc lộ lòng biết ơn về lòng tận tụy của má con. Cha biết chắc rằng có những lúc má con rất buồn, rất tủi và không chỉ một lần.
Cha biết Như đang yêu con, đang mơ mộng đến độ quên đi thực tại, một thực tại mà buồn thay, không mấy sáng sủa lắm !
Cha đoán rằng chiến tranh sẽ sớm chấm dứt trong một ngày gần đây và những người như con sắp đối mặt với một sự thử thách hết sức là nghiệt ngã !
Đọc thư con, cha nhận ra những tư tưởng bi quan, đắng cay trong đó. Con cho rằng những xương máu mà con đã đổ ra, bỗng chốc sắp trở thành vô nghĩa. Cha không đồng ý với con, bởi ta chẳng nên đem thành bại mà, luận anh hùng. Con đã cống hiến hết mình và cái mà cha vui không phải là con đã tạo dựng được những gì, mà là con đã sống như thế nào! Cũng không nghĩ rằng cuộc đời con đang thất bại bởi ngay cả cọng cỏ mục cũng trở thành phân bón để giúp đất thêm màu mỡ.
Hơn nữa bên cạnh con còn có Như. Không phải ai cũng gặp duyên may như con, cha cho rằng chỉ riêng điều nầy cũng đủ lấp đầy những khoảng trống trong lòng con.
Ngày xưa cha cũng như con vậy ! Nghĩ rằng sự nghiệp mới chính là cái xương sống của đời trai. Từ khi má con mất đi, cha mới biết rằng thương và được thương mới là điều quan trọng nhất !
Chắc con đã nghe câu "nếu chúa đóng cửa cái thì ngài sẽ mở cửa sổ". May mắn thay ! Ở con, ngài chỉ đóng cửa sổ và đang mở cho con một cánh cửa cao rộng gấp mấy mươi lần.
Chắc chắn cuộc sống của con rồi đây sẽ không dễ dàng, nhưng vì vậy mà niềm vui đưa đến khi vượt qua nó sẽ vô cùng to lớn.
Hãy vứt bỏ những hành lý cồng kềnh, những tư tưởng cổ lỗ, những giáo diều giả dối. Mục đích con bây giờ là phải cố làm sao hết sức tránh những ý nghĩ tiêu cực, những hành vi táo bạo. Con phải cố bảo vệ mình, tránh xa lằn tên, mũi đạn càng nhiều càng tốt.
Bổn phận đối với gia đình và xã hội coi như con đã trả xong, giờ con chỉ có một bổn phận duy nhất là phải mang đến cho con và Như một cuộc sống an lành, hạnh phúc. Hai con rất xứng đáng để được hưởng điều đó !
...
Đọc xong lá thư mắt Như đã nhòe nhoẹt. Như xếp ngay lại để không làm lem những dòng chữ trên đó. Không còn hối hận vì biết chắc rằng thầy muốn mình đọc bức thư nầy. Thầy muốn Như chuẩn bị trước tinh thần, bình tĩnh đón nhận sự thay đổi hết sức lớn lao sắp xảy ra.
Như cố tưởng tượng ra những tình huống xấu nhất có thể sắp đến, nhận ra rằng chỉ có một điều khiến mình gục ngã. Đó là Trác mãi mãi không về với cô.
Như không làm theo lời thầy mà mua một xấp bao thư mới, rồi ghi tên và số KBC của Trác vào. Cô gò từng nét, cố bắt chước sao cho thật giống tuồng chữ bên trong. Phải đến cái bao thư thứ bảy cô mới hài lòng, cho lá thư vào, dán tem rồi bỏ vô thùng thư.
Như ghé chợ khi trời đã đứng bóng. Chợ trưa vắng hẳn người mua. Cô dắt xe thong thả đi vào nhà lồng, nơi trái cây bày đầy trên mấy cái sạp dọc theo lối đi. Như tìm chăm chú, nhìn thật kỹ từng cái rỗ đựng trái cây trong từng gian hàng một. Đang thất vọng thì cô bắt gặp ở cuối lối đi, một bà cụ rất già ngồi xổm trên đất với cái thúng đựng hai thứ trái cây: Ổi xanh và quít si ma vàng óng. Bà cụ còn già hơn ngoại của như, cái miệng móm sọm, chắc những cái răng đã bỏ bà theo nhau đi hết. Bà chắc chắn không phải là người bán hàng chuyên nghiệp. Tưởng tượng cái cảnh bà bưng cái thúng, xách cây cù móc ra vườn, ngước đầu che mắt nhìn lên từng cây, tìm trái chín để bán lấy tiền mua một chai dầu Nhị thiên đường, hoặc hộp cù là Mát su để dành cạo gió, khiến Như mũi lòng.
Cụ thấy Như dừng xe thì nét mặt lộ vẻ vui mừng. Bà mời:
-Mua giùm đi cháu, bà bán rẻ cho !
Như mua hết mười một trái quít si ma của bà. Vườn nhà Như trồng ổi nhiều hơn các cây khác, trái ăn không hết, chín rụng khắp vườn, nên cô không dám "mão" luôn mớ ổi sợ bị má rầy.
Cô xin mấy miếng lá chuối khô mà bà đem sẵn theo để gói. Cả hai cùng bọc từng quả vàng tươi, láng mướt, sắp cẩn thận vào cái giỏ đệm của Như.
Như đưa cho bà tờ giấy năm chục đồng và nhứt định không cầm tiền thối. Bà lão nhìn theo cô với nụ cười trống toác...
Ngay thời điểm đó, trên trái đất, chắc chắn không có ai hạnh phúc bằng Như và bà lão ấy.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 28.09.2019 09:35:24 bởi Lâm Du Yên >