LDY Đoản văn - MÙI ỔI
Thay đổi trang: < 123 | Trang 3 của 3 trang, bài viết từ 31 đến 33 trên tổng số 33 bài trong đề mục
Lâm Du Yên 14.10.2019 10:03:02 (permalink)
CON CHÓ NHỎ
 
Nó là con chó cưng của ông Ba Lớn. Ổng và nó là hai hình ảnh tương phản được ghép chung lại với nhau. Ổng hành nghề ăn xin nên ở cái tầng thấp nhất trong xã hội loài người. Nó là một con chó Phốc nhỏ, có xuất xứ từ bên tây nên có địa vị tương đối cao trong xã hội loài chó. Thiên hạ mặc định rằng người nghèo thì không có quyền sở hữu bất cứ thứ gì có giá nên sự kết hợp đó làm cho nhiều người gai con mắt. Có người nói như tát nước vào mặt ông:
-Nghèo rớt mồng tơi mà còn bày đặt nuôi chó tây.
Và dù ông có phân trần rằng nó là con chó hoang ông lượm được cũng chẳng ai thèm tin. Vì vậy nên việc làm ăn của ông ngày càng eo hẹp, những đồng tiền lẻ ngày càng lẻ loi hơn trong cái nón của ông.
Một hôm có người đòi mua lại con chó với một số tiền tương đối lớn, y nói:
-Ông bán cho tui đi! Lấy số tiền nầy ăn cho sướng cái miệng rồi chết, chớ đi xin đâu có được bao nhiêu mà còn phải bớt tiền ra mua thức ăn cho nó.
Ông nhất quyết không chịu. Y ta cứ đeo theo năn nỉ rồi lại nói những lời khó nghe, tức mình ông quát:
-Tui coi nó như con, như cháu. Chừng nào tui chết nó muốn đi đâu thì đi, tui còn sống thì thà nhịn ăn chớ không để cho nó đói đâu, ông đừng có lo.
Ông nói sao là làm y như vậy, ai cho đồ ăn ông đều xớt cho nó trước rồi mới tới phần mình. Những đồng tiền kiếm được hầu hết ông đều dùng để mua thức ăn cho nó. Gặp mấy hôm may mắn ông còn mua hẳn một hộp cơm sườn, rồi nhường cho nó miếng sường nướng thơm phức chỉ chừa lại phân nửa gói cơm có chan mở hành với nước mắm cho mình mà thôi.
Ông trú trong cái chòi nhỏ cất cạnh cái miễu sát bờ sông. Trước đây ông đi lang thang bạ đâu ngủ đó, bà con trong xóm thương tình hùn lại dựng cho ông caí chòi lá nhỏ xíu đủ chể che mưa, tránh nắng. Cái miễu bên cạnh thỉnh thoảng còn có người đến viếng, còn cái chòi của ông chẳng ai ghé qua nên con chó ngoài gầm gừ nho nhỏ với ông, ít khi nào người ta nghe nó sủa.
Sáng nào cũng vậy, ông khoác lên vai cái bị vải có hai cái túi, một tay cầm gậy, một tay dắt chó đi về phía chợ. Đây là cái chợ “chồm hổm” nên cũng ít có người qua lại, có khi ông ngồi suốt buổi sáng, ráng lắng tai mà chẳng hề nghe đến một tiếng xu rơi. Bà bán xôi ngồi cách ông một khoảng ngắn, vốn tính tò mò nên hay để ý chuyện làm ăn của ông, vào những ngày như thế thường nói:
-Sao ông không ráng đi xa một chút, tới chợ Kinh đào mà xin, ở đó đông, người lạ nhiều.
Ông luôn trả lời :
-Tui già quá rồi, đi không nỗi, rủi gặp mưa chắc về hổng tới nhà.
Bà chép miệng thở dài:
-Không có vợ con về già mới khổ như vậy đó!
Trước khi về bà thường ghé lại đưa tận tay ông một gói xôi đã nguội.
Hai hôm nay trong người ông không khỏe nên chẳng bước ra khỏi nhà, cũng chẳng nấu nổi nồi cơm mà ăn. Ông và con chó nhỏ phải uống nước cầm hơi miết. Nó cứ kêu ăng ẳng, kéo ống quần ông đòi ăn, ông ráng dỗ:
-Ráng ít bữa đi nhỏ, chờ ông đỡ đỡ trong mình cái đã.
Rồi tháo cái dây ra cho nó chạy đi kiếm ăn. Con chó chạy trên con đường quen thuộc, tới đúng cái chỗ ông ngồi mỗi ngày, nó đến bên bà bán xôi, ngước nhìn bà bằng tia mắt van nài rất tội.
Nghe tiếng chó sủa vồn vả ông Ba cố trở mình, hỏi:
-Mầy về rồi hả nhỏ, có kiếmđược cái gì mà ăn hông?
Tiếng bà bán xôi cất lên:
-Sao cái giọng ông ỉu xìu vậy, chắc trong mình bết lắm phải hông? Thôi nằm yên đó đi, tui có mua gạo nè để đi nấu giùm ông nồi cháo.
#31
    Lâm Du Yên 14.10.2019 10:28:01 (permalink)
    MẪU ĐƠN


    Cái xóm Bàu Sen hẻo lánh ấy bỗng sôi động hẳn lên khi Đơn về nhà với đứa con đỏ hỏn trên tay.
    Gương mặt xanh xao, cách đi chậm chạp với những bước ngắn ấy đã nói lên tất cả. Đơn không thể nói dối má và ngoại rằng mình đang bồng một đứa bé bỏ rơi vừa lượm được như trong dự tính.
    Dì Út, má cô, vừa đỡ đứa bé trên tay cô vừa bật khóc và hỏi bằng một giọng thê thảm:
    -Như vầy là sao hả Đơn?
    Bà Tư, ngoại của Đơn, thương cháu, muốn tránh cho cô một câu trả lời quá khó nên nói:
    -Chuyện đâu còn có đó, để cho nó nằm nghỉ cái đã, chớ mới sanh mà đi đứng nhiều quá hổng tốt.
    Rồi bà dắt Đơn vô cái buồng phía trong, nơi có cái chỏng tre làm chỗ ngủ cho ba người phụ nữ duy nhất trong nhà. Ấn vai cho Đơn ngồi xuống bà nói:
    -Con ình một chút đi, để ngoại ra nấu miếng cơm nóng cho mà ăn.
    Đã bước ra khỏi cửa bà còn ngoái lại nói:
    -Đừng có nằm gối cao nghe, hổng có tốt.
    Ở ngoài có tiếng cô Chín Ơn và dì Sáu Son, hai người hàng xóm gần nhất, hỏi má cô:
    -Tui nghe bầy trẻ nói con Đơn mới về nhà hả chị Út?
    Không nghe tiếng dì Út trả lời, chắc bà chỉ gật đầu. Cô Chín lại hỏi tiếp:
    -Đứa nhỏ nầy là sao vậy chị?
    Dì Út bỗng hực lên khóc:
    -Tui cũng hổng biết nữa cô ơi! Nó đi làm cái xí nghiệp gì đó ở Sài Gòn, rồi bây giờ bồng con về đây mà hổng thấy thằng chồng đâu hết.
    Dì Sáu Son hỏi tiếp:
    -Nó có chồng hồi nào? Sao tui hổng thấy nó dắt ai về?
    -Thì tui cũng như cô vậy thôi, có nghe nó nói cái gì đâu, bây giờ đùng một cái.
    Dì Út lại khóc to lên, bà Tư nạ :
    -Thôi, chuyện đã dỉ lở như vậy rồi, cằn nhằn hoài coi chừng nó buồn rồi máu sản hậu chặn ngang họng mà chết liền đó!
    Dì Út nín mất liền, cô Chín cũng ngồi im ru, lát sao cổ hỏi:
    -Trong nhà có sẵn đồ ăn cho nó chưa? Phải kho cho nó một nồi cá kho tiêu ăn cho có sữa mới được.
    -Tui có biết trước đâu mà tính. Giờ nầy chợ búa cũng vãn rồi, biết làm sao bây giờ?
    -Để tui về nhà bưng cái nồi cá kho qua, cũng may hôm nay ông nhà tui ổng đòi ăn cá trê kho gừng.
    Dì Sáu cũng đứng lên nói:
    -Để tui hái một mớ đọt lang đặng chị luộc cho nó chấm.
    Rồi không chờ nghe dì Út cám ơn hai người quày quả đi ra. Một lát dì Sáu cặp bên hông một rổ rau xanh mướt còn cô Chín hai tay bưng cái nồi đất bám khói đen thui, có cái rế tre lót sẵn phía dưới, đưa cho bà Tư. Dì út hỏi:
    -Cô bưng hết nồi cá qua đây rồi dượng nó ăn cơm với cái gì?
    -Cứ lo cho nó trước cái đã, ổng ăn món gì mà hổng được. Bất quá tui nướng cho ổng con khô là xong, chị cứ cho nó ăn hết đi.
    Bà Tư lật đật bỏ ra nhà sau để luộc rau và dọn cơm. Đứa nhỏ bắt đầu oe oe, dì Út bồng nó vô đưa cho Đơn rồi nói:
    -Cho bú liền đi để hông thôi nó khóc om sòm, cả xóm nghe được là kéo tới rần rần đó.
    Đơn mở nút áo ra định cho con bú, dì cản lại:
    -Khoan, phải lấy khăn lau cho sạch cái núm vú, vắt mấy giọt sữa đầu ra bỏ trước, cho nút liền là nó bị đau bụng rồi đi cầu re re đó.
    Rồi bước ra để lấy khăn mà lau cho Đơn. Đứa bé chắc đã đói bụng nên ngoạm chặt và nút chùn chụt. Dì Út lại không dằn được hỏi tiếp:
    -Ba nó đâu,sao hổng đưa hai mẹ con về rồi ra mắt luôn thể?
    Đơn cúi thấp đầu hơn một chút, vừa chăm chú nhìn con vừa nói:
    -Ảnh bị xe đụng chết rồi.
    -Trời đất ơi! Hồi nào?
    -Mấy tháng trước.
    Dì hỏi tiếp giọng vẫn còn ấm ức:
    -Mà sao mầy hổng nói với tao một tiếng nào hết vậy? Gần nửa năm nay hổng thèm về thăm nhà, tao tưởng mầy chết queo rồi chớ!
    Đơn làm thinh, lát sau đáp bằng một giọng nghẹn ngào:
    -Mang cái bụng chè bè thì làm sao dám về, để cho má thấy má còn rầu thêm.
    -Vậy làm thinh rồi bồng con về chắc hay lắm hả?
    Bà Tư vẫn lắng tai nghe từ nãy, lại nạt má lần nữa:
    -Mầy có để cho nó yên một chút hông? Thấy nó khổ như vậy mà hổng biết thương, ở đó mà nói hành, nói tỏi hoài.
    Rồi bà nói tiếp:
    -Nó bú no rồi thì để xuống ra ăn cơm nghe con. Có cá kho, rau luộc rồi nè!
    Kể từ hôm đó căn nhà ấy có cái tên mới, ” một mẹ một con”, dù có đến bốn người, tính luôn đứa nhỏ cùng chung sống.
    Bà ngoại của Đơn sanh ba lần nhưng chỉ nuôi được một cô con gái là dì Út mà thôi. Ba của Đơn mất khi cô vừa hai tháng tuổi cho nên cũng bị bắt buộc làm con một. Và khi cô ôm đứa bé còn đỏ hỏn trong tay trở về, thì bà con trong xóm đều cho rằng cái nhà ấy có cái huông “mẹ góa con côi”.
    Dì Út hay cằn nhằn khi không có cô:
    -Nhưng mà nó lấy chồng hồi nào? Không thấy một miếng cau khô, trầu héo nào hết. Khi không cái nhứt định đi Sài gòn nói để xin làm công nhân rồi bặt vô âm tính luôn. Bây giờ ôm đứa con về hỏi có ai mà chịu nỗi không?
    Bà Tư lại can:
    -Thôi mà con! Chuyện dĩ lỡ ra rồi, cằn nhằn làm chi cho nó khổ.
    -Mà tại sao mỗi lần tui hỏi về ba đứa nhỏ là nó lại hổng muốn trả lời vậy? Tới bây giờ tui cũng hổng biết cái thằng ấy là người ở miệt nào? Tên gì? Họ gì ? Mình cũng phải biết gốc gác của đứa nhỏ chớ!
    -Ba cái chuyện đó đâu có vui gì mà bắt nó nói, mà biểu nó nhớ. Tao có hỏi nó một lần, thấy nó khóc nên không hỏi nữa.
    -Rồi bà con lối xóm họ hỏi thì nói làm sao?
    -Thì mình cứ nói là chồng nó chết rồi, còn mấy chuyện nào hổng biết thì cứ trả lời là hổng biết!
    Dì Út giận không thèm nói tới nữa. Linh tính cho dì biết là Đơn nói dóc. Dì cho rằng cô bị gạt rồi bỏ rơi. Dì không chịu nổi cái chuyện cô không chia sẻ cái đau, cái nhục ấy với mình.
    Một hôm dì hỏi:
    -Con có tính đi làm nữa hông?
    Không cần suy nghĩ Đơn trả lời liền :
    -Con không đi nữa đâu, con ở nhà với má với ngoại luôn.
    -Rồi bây tính làm cái gì để nuôi đứa nhỏ đây?
    -Hồi lên Sài Gòn con có giúp việc cho một tiệm may. Con được chủ dạy nên cũng biết may chút đỉnh. Chờ nó đầy tháng con sẽ đi mua cái máy may rồi nhận may đồ cho bà con trong xóm.
    -Con có tiền đủ mua máy hông?
    -Đủ, má đừng lo.
    Ngày đầy tháng con bé cô nhờ má nấu giùm nồi chè xôi nước, một xửng xôi đậu xanh để cúng mười hai bà mụ cho con. Má cô “móc miếng” cho nó rồi hỏi:
    -Đặt tên gì cho nó đây bây? Đặng tao biết mà vái chớ?
    -Con tính đặt nó tên Lành có được hông má?
    -Sao hổng đặt tên Hiền nghe phải ngộ hơn hông?
    -Con sợ mai mốt nó đi học rủi gây lộn với bạn bè bị chê là người hổng giống tên. Với lại con thấy chữ lành còn có ý là lành mạnh, lành lặn nữa. Con ước ao cho nó sau nầy khỏe mạnh, đầy đủ hơn mình.
    -Ừ! Vậy cũng được, còn họ? Chồng con họ gì?
    -Cũng họ Nguyễn như mình.
    Dì Út nhúng cái bông trang vào ly nước trong rồi rải lên mặt của đứa bé, mấy giọt nước bắn vào mặt làm nó nheo mắt lại rồi mở miệng tóp tép trông dễ thương hết sức. Dì lầm bầm:
    -Vái mười hai mụ bà, mười ba đức thầy phò hộ cho cháu tui là Nguyễn thị Lành, sau nầy khôn lớn, giỏi giang. Mở miệng ra là được lợi được lộc, mở miệng ra là được thương được mến, mở miệng ra là có ngọc có vàng.
    Ngay hôm sau, Đơn đi chợ tỉnh mua cái máy may và các thứ đồ nghề khác cùng mấy xấp vải để may đồ cho ngoại và má của mình trước. Đơn ráng gò từng đường kim mũi chỉ, cố may cho thật khéo. Xem ra cô cũng có hoa tay nên hai người mặc vừa khít. Bà con tin tưởng nên cũng mang vải tới may lai rai.
    Công việc không nhiều nhưng nhờ cần kiệm nên họ cũng đủ sống qua ngày. Đứa bé ngày càng lớn thì trong nhà càng có thêm nhiều tiếng cười. Dì Út đã đổi mối hờn giận trong lòng thành tình thương dành cho nó. Khi nó bắt đầu tập nói cả nhà xáp lại dạy cho nó những tiếng đơn giản như “bà, ngoại, má”. Nó lớn hơn một chút mọi người hay xúm xít quanh nó và hỏi:
    -Con có thương[bà, ngoại, má] hông?
    Chờ nó nói chữ “có” xong, mọi người lại hỏi tiếp:
    -Nhiều hông? Để ở đâu?
    Nó vừa nói “nhiều, để trên đầu” xong là được ba người phụ nữ tranh nhau mà hun túi bụi. Nhờ có nó mà bà Tư, dì Út cũng như Đơn hầu như đều trẻ lại. Bây giờ bé Lành là tâm điểm của gia đình. Món ăn được dọn lên mâm là món ăn nó thích và khi nó lớn hơn một chút thì cả nhà đều thuộc hết mấy bài đồng dao.
    Những tưởng cuộc đời sẽ êm đềm như dòng sông trước mặt. Nhưng con sông cũng đâu trong trẻo và giữ hoài một điệu chảy. Những ngày mưa lũ nước sông cũng đục ngầu và cuồng nộ. Thế cho nên một hôm, bắt chước con nước đang cuồn cuộn lên cơn, con bé Lành, lúc nầy đã lên bảy, bỗng đột ngột tím tái cả người và ngất xỉu.
    Nhà thương tỉnh chuyển gấp nó lên Sài gòn, họ cho hay là nó bị bệnh tim gì đó và phải mổ mới sống được làm cả nhà xính dính. Chi phí cho ca phẫu thuật vượt quá xa tầm tay của họ. Bà ngoại và má Đơn hết khóc rồi lại than dài thở vắn. Chỉ có Đơn là im lặng và gương mặt lúc nào cũng nhuốm vẻ đăm chiêu như sắp sửa quyết định một điều hệ trọng lắm! Mấy hôm sau Đơn đành thú thật với dì Út câu chuyện mà cô định giấu đến suốt đời:
    -Má ơi! Con xin lỗi là từ trước tới giờ đã giấu má và ngoại chuyện nầy. Sự thật là khi lên Sài gòn con chỉ đi làm được có hai tháng là thất nghiệp. Con muốn quay liền về nhà, nhưng khi đi ngang qua một tiệm may con thấy tấm bảng đề là cần người phụ việc. Trước giờ con rất thích nghề may nên bậm gan vô xin. Cô chủ đang cần người gấp nên chấp nhận.
    Dì Út ngắt lời:
    -Chuyện đó có gì là không hay đâu, sao con hổng cho má và ngoại biết?
    -Con cũng đang định như vậy, thì bỗng một hôm cô chủ năn nỉ con làm giùm cổ một việc.
    -Việc gì?
    -Cổ nhờ con mang thai với chồng của cổ rồi đẻ giùm cho cổ một đứa con.
    -Trời đất, sao cổ hổng làm mà nhờ kỳ cục vậy?
    -Cổ hổng thể có con được. Cổ hứa khi con có bầu cổ sẽ chăm sóc tận tình và cho tiền để con gởi về cho má mỗi tháng. Khi sanh xong được đầy tháng và giao cho cổ, cổ sẽ cho con ba lượng vàng. Ban đầu con từ chối, cổ cứ theo năn nỉ, hứa truyền hết nghề cho con và cho thêm hai lượng nữa. Lúc đó má có nhắn lên là ngoại bị bịnh, con nghe tin thì xót ruột hết sức chỉ muốn về thăm ngoại liền. Con kể cho cổ nghe, cổ liền cho con mượn tiền về lo cho ngoại. Về nhà thấy má và ngoại sống hẩm hiu quá con hổng đành lòng. Con nghĩ thôi thì nhận lời trước thì trả ơn cổ, sau là có thể về nhà lo cho ngoại, má bằng cái nghề và số vàng mà mình có được.
    -Bộ con hổng tính chuyện có chồng sao?
    -Con thấy mình nghèo lại hổng có nhan sắc nên không nghĩ tới cái chuyện đó.
    Dì út ngắt lời:
    -Rồi bộ cổ đổi ý hay thấy nó là con gái nên không chịu?
    -Hổng phải vậy. Tại con không hà! Hổng biết tại làm sao, mà vừa sanh ra thấy cái mặt nó là con thương đứt ruột. Mỗi lần cho nó bú con lại nghĩ không biết mình đi rồi nó đói phải làm sao đây? Nghĩ tới đó là con chịu không nỗi. Bởi vậy tới ngày xuất viện về nhà, con bồng nó trốn thẳng về đây luôn.
    -Hèn chi má thấy mầy cứ ru rú trong nhà, không dám bước chưn ra khỏi cửa. Má tưởng mầy mắc cỡ với bà con, ngờ đâu con sợ họ tìm tới bắt con nhỏ đi phải hông?
    -Dạ, thiệt như vậy đó má!
    -Mấy năm rồi, hổng biết họ còn giận mà không thèm giúp hông? Mà con tới rủi họ bắt nhốt con lại thì làm sao?
    -Con còn giữ cái cạc tên tiệm may có cái số điện thoại ở trổng, để con gọi thử coi. Vái trời thương cho họ còn ở y chỗ cũ.
    Ngay hôm sau hai vợ chồng người chủ tiệm may tới. Họ trông hiền hậu, nói năng ôn tồn, có vẻ thông cảm với hoàn cành của Đơn lắm. Con bé Lành được mổ, rồi được chăm sóc tận tình nên bình phục nhanh chóng. Ngày con bé ra viện nó không về ở với Đơn mà sống với ba, mẹ mới. Nó gọi má mới bằng “mẹ” để phân biệt với má Đơn của nó.
    Cô chủ tiệm giữ đúng lời đã hứa đưa cho Đơn một cái túi nhung đỏ, bên trong có mấy miếng vàng SJC còn bao ni lông hẳn hoi. Cổ nói:
    -Em lấy số vàng nầy đi. Chị có cho em thêm hai lượng, công em nuôi cháu giùm chị đến bảy năm trời.
    Đơn đẩy cái túi vàng về phía chị rồi nói:
    -Thôi chị cứ giữ lại để lo cho nó đi. Chị cho em cái nghề may là đủ rồi. Nếu chị thương em thì trong dịp nghỉ hè, chị cho nó về thăm là em mang ơn lắm!
    Rồi Đơn và dì Út âm thầm ra về để con bé Lành không biết mà đòi đi theo. Bà Tư chỉ thấy có hai người thì hoảng hốt hỏi:
    -Con nhỏ đâu rồi, bộ nó chết rồi sao?
    Hai mẹ con vừa khóc vừa kể thật cho bà nghe. Bà Tư cũng khóc, trong giọt nước mắt ấy có cả niềm vui và nỗi buồn pha lẫn.
    Kể từ hôm đó căn nhà như thiếu hẳn sinh khí. Vắng hẳn tiếng cười và mâm cơm cũng không tươm tất như xưa. Tới bữa, ba người ăn qua quít cho xong, họ tránh nhìn nhau sợ bắt gặp nét buồn in sâu trên ấy.
    Một hôm Đơn nấu canh khoai ngọt và rang tép, đây là những món mà con bé Lành ưa nhất, đang ăn bỗng bà Tư bị mắc nghẹn, nuốt không trôi. Dì Út và Đơn kẻ đấm lưng người vuốt ngực hồi lâu mới hết. Dì Út rầy Đơn:
    -Con nấu chi cái món đó, má thấy mà còn nhớ nó nuốt hổng nổi huống hồ là ngoại.
    Đơn bật khóc hu hu rồi nói để an ủi cả má và mình:
    -Thà nó ở xa rồi lâu lâu về thăm mình một lần, còn hơn là để nó chết luôn phaỉ hông má?
    #32
      Lâm Du Yên 14.10.2019 10:56:37 (permalink)
      SÁO SANG SÔNG

      Mấy năm trước khi cả nhà mợ Ba Se đi đám giỗ của má mợ ở bên kia sông về thì xuồng bị lật. Vì vào mùa lũ, đó lại là cái năm có lũ lớn nhất trong vòng mấy chục năm trở lại, nên việc cứu người gặp nhiều khó khăn. Chồng mợ, cậu Ba Se và người con trai, anh Hai Sẻ, đều qua đời vì bị chìm trong lúc đang say quấc cần câu sau bữa nhậu trong đám giỗ. Chỉ có mợ và người con gái, chị Út Sáo, là được cứu kịp mà thôi.
      Kể từ đó, chẳng những không bước chân xuống đò, mợ và chị Út Sáo còn chẳng dám xuống sông để tắm giặt. Mợ mua cả chục cái mái vú cỡ lớn nhất để trữ nước mưa xài quanh năm. Năm nào hạn hán hoặc mưa đến trễ, mợ cũng chẳng phải lo, đã có anh Hai Xởi con cậu Út Lởi sát bên nhà lo giùm, chăm nước đầy nhóc mấy cái mái cho mợ xài. Anh Hai Xởi âm thầm làm cái chuyện nầy lâu lắm mà mợ không có biết, cho đến một đêm mợ nghe tiếng nước đổ vô lu, tưởng ma làm lật đật chạy thì thấy ảnh đang rón rén, mợ rầy:
      -Khuya lơ khuya lắc mà gánh nước chi vậy con, rủi bị ma da kéo giò, bây đi êm ru đâu có ai mà biết!
      Anh Hai cười hềnh hệch nói:
      -Thời buổi nầy ma cỏ thấy người ta là bỏ chạy tét, có gì mà sợ hả thím? Khuya như vầy hổng còn ai tắm giặt nước mới sạch đó thím!
      Mợ lại chép miệng:
      -Thím vô ý hết sức, thấy mấy cái lu đầy nhóc nước hoài trong bụng cứ ngờ ngợ, tưởng chú Ba bây ổng về phù hộ, ngờ đâu...Con gánh bây nhiêu đó là đủ cho thím xài tới mùa mưa rồi, đừng có làm nữa, mắc công.
      Anh Hai lại cười xởi lởi:
      -Ba chuyện nầy mà nhằm nhò gì, thím với cô Út cứ xài líp ba ga đừng có nhín nhín làm chi cho mệt.
      Mợ Ba cảm động lắm! Chẳng riêng gì anh Hai, bà con trong xóm đều ngậm ngùi cho cái cảnh không may của gia đình mợ. Chẳng những họ giúp về những việc nặng ngoài đồng mà còn hay rủ mợ theo họ xuống bến, để quên dần cái nỗi ám ảnh mà sống trở lại bình thường. Mợ đã không tháp tùng với họ thì thôi, mà còn cấm tiệt luôn con gái nữa.
      Cho nên chị Út Sáo như bị giam lỏng trong căn nhà với vườn cây ăn trái bao quanh và mấy công đất ruộng sau hè, ở cái cù lao nhỏ xíu nằm giữa sông ấy. Thỉnh thoảng có chiếu bóng thí hay gánh hát về bên kia sông, [ họ chỉ về bên ấy vì ở đó giao thông thuận lợi, dân cư hơn đông gấp chục lần] con trai con gái trong xóm bơi xuồng đi coi nườm nượp thì chị phải ngồi nhà, ráng banh cái lỗ tai mà mót từng âm thanh từ bên đó vọng sang.
      Một hôm trời đang mưa to, gió lớn, bỗng một chiếc xuồng ba lá tấp vô bến sông trước nhà mợ Ba. Một người con trai lảo đảo bước lên bờ. Anh ta bị cảm mưa, ráng lết tới cái hàng ba là đi hết nổi. Mợ lật đật đè y nằm sấp lên cái chỏng tre kê gần đó rồi vừa cạo gió vừa hối chị Út đâm gừng xát vô hai lòng bàn tay, bàn chân của ảnh. Không biết nhờ kinh nghiệm, sự chăm sóc tận tình của mợ, hay những tô cháo cảm của chị Út mà anh ta hết bịnh một cái vù. Khi đủ sức nói chuyện ảnh khai mình tên Đường, thứ Tư nhà ở bên kia sông, đi thăm ruộng rồi bị cảm, đuối sức bơi không nổi nên tấp xuồng, ráng lết lên bờ nhờ cứu.
      Hôm sau dù chưa hoàn toàn bình phục, anh Tư Đường cũng xin ra về viện lý do sợ gia đình trông và cũng để tránh tai tiếng vì nhà mợ chỉ có hai người phụ nữ.
      Một tuần lể sau anh bơi xuồng chở cả tía má theo để qua cám ơn mợ. Họ còn mang theo một cặp vịt xiêm ú nù tặng mợ ăn lấy thảo. Họ ngồi nói chuyện cà kê dê ngỗng gần hết cả buổi sáng, uống hết ba bình trà. Chị Út phải đem cái bình thủy đựng nước sôi ra châm thêm mấy lần, cái tay chỉ run như thằn lằn đứt đuôi, y như khớp khi bị người ta xem mắt vậy.
      Kể từ hôm ấy tính tình chị Út bỗng có chút thay đổi, chị hay suy nghĩ vẫn vơ, có khi mợ hỏi một đường chỉ lại trả lời một nẻo. Mợ bắt đầu lo và nói xa, nói gần với chỉ là mợ không muốn gả con gái qua bên kia sông vì đi lại quá khó khăn, nguy hiểm. Chị Út chẳng nói chẳng rằng. Chỉ vốn hiền, từ trước tới giờ đều nghe lời mợ răm rắp, lại chẳng thấy Tư Đường léo hánh nên mợ cũng yên lòng.
      Một tháng sau, cô Năm Níu nhà ở xóm dưới lên nhà chơi, ngồi cà rà, nói đon, nói ren miết. Cô khen gia đình anh Tư ăn ở hiền lành, biết tu nhân tích đức. Khen anh Tư hiếu thảo, lo chí thú làm ăn không có dính vô tứ đổ tường. Mợ Ba ngồi im ru hổng nói tiếng nào. Cuối cùng cô mới nói huỵch tẹt cái ý của mình là xin mợ cho tía má anh Tư qua bỏ trầu cau. Mợ Ba lắc đầu nguầy nguậy, cái lý do mợ đưa ra không nói thì ai cũng biết, hơn nữa mợ ưng bụng anh Xởi lắm, chị Út mà chịu ảnh là mợ mừng hết lớn, sát một bên nách khỏi lo qua sông qua đò, gặp gió, gặp mưa.
      Tối đó chị Út đi ngủ sớm, chỉ trùm mền kín mít cái đầu nhưng mợ vẫn nghe tiếng thút thít nghẹn ngào của chỉ, mợ xót ruột lắm nhưng đành làm lơ. Hôm sau để chuộc lỗi, mợ kho một nồi thịt kho tàu, món mà chỉ thích nhất và mỗi năm được ăn có một lần vào dịp tết, vậy mà chỉ hổng thèm đụng đũa.
      Mợ lật đật bàn với anh Xởi, biểu ảnh đốc thúc gia đình, đem trầu cau qua bỏ hàng rào thưa. Còn gần nửa tháng là đám giỗ của chồng và con trai, mợ định lúc đó sẽ gom hai đám làm một cho gọn.
      Gần tới ngày giỗ, một buổi sáng kia, mợ ra đồng hái mớ bông bí, vô chưa tới nhà đã nghe tiếng con heo nái đòi ăn kêu inh ỏi.
      Mợ nghĩ thầm:
      -“ Cái con nhỏ nầy, trưa trờ trưa trật rồi còn không chịu dậy cho heo ăn, để nó kêu ỏm tỏi, nghe mà bắt sốt ruột”.
      Mợ bỗng giựt mình một cái đụi, linh cảm có chuyện không hay, bèn đi như chạy vô nhà, xông vô buồng ngủ của hai mẹ con. Hồi nãy khi mợ đi chị Út còn nằm ngủ ngon lành vậy mà bây giờ chỉ thấy cái đống mền gối xếp gọn gàng. Mợ Ba lật đật mở cái rương ra coi, đôi bông tiền điếu, sợi dây chuyền chữ cong và hai chiếc cà rá vàng của mợ vẫn còn nguyên, chỉ thiếu mấy bộ đồ bà ba của chỉ mà thôi!
      Cái buồn, cái tủi, cái nhục, thay nhau dày vò mợ, ba ngày liền mợ chẳng dám gặp ai trong xóm. Mấy ngày sau, cô Năm Níu thay mặt gia đình anh Tư đến xin mợ cho làm cái đám thú phạt, mợ khăng khăng:
      -Khỏi, tui coi như nó chết rồi, biểu nó đừng có vác cái mặt về đây nữa!
      Ai mà biết trong cái lý do của mợ đưa ra, bao nhiêu phần do hờn giận và bao nhiêu phần muốn tránh cho con sự nguy hiểm khi qua, lại trên sông?
      Ngày giỗ cậu và con trai, mợ không dám mời ai, nấu nồi canh chua bông súng cá rô, kho một ơ cá cơm kho tiêu, nướng con cá trê giầm nước mắm gừng…Toàn những món ngày trước cậu ưa. Mợ không dám ra quán mua rượu nên châm một bình trà rót cúng. Đốt ba cây nhang cấm lên bàn thờ, mợ đứng chấp tay ngang ngực khấn:
      -Con xin mời cữu huyền thất tổ, nội ngoại hai bên, ông Ba Se, thằng Hai Sẻ cùng về ăn chung bữa cơm nầy. Phù hộ cho con Sáo được bên chồng thương, làm dâu trót lọt, không bị bắt chặc, bắt lỏng gì hết.
      Vái tới đây mợ bỗng khóc rấm rức rồi nói thêm mấy câu để mắng vốn cậu cho hả dạ:
      -Cơ sự nầy có vừa bụng ông chưa? Tui đã dặn dò ông trước ở nhà, cái xóm bên đó họ nhậu nhẹt dữ lắm, ai có mời thì nhấp môi thôi. Vậy mà ông đâu có chịu nghe. Ông nói mình là rễ con trong nhà làm như vậy coi không được, hể ai đưa là ông uống ráo. Bây giờ con gái nó trốn theo trai, tui mắc cỡ thiếu điều độn thổ. Mà con ông nó cũng cứng đầu cứng cổ y chang như ông. Sát bên nách có người hiền lành, giỏi giang đeo đuổi,tui ưng bụng quá trời mà nó đâu có chịu. Để bây giờ tui không dám nhìn mặt người ta…
      Mợ nói tới đó thì nghẹn ngang. Sau lưng có tiếng anh Xởi tằng hắng một cái rồi nói:
      -Thím Ba! Con xách mấy chai rượu qua trước cúng chú sau hai thím cháu mình chia nhau mà uống.
      Mợ lật đật kéo khăn lau nước mắt, rầy ảnh:
      -Con bày vẻ làm chi cho tốn kém. Thím nấu cơm canh cúng ổng thôi! Rượu chưa có khui con đem về trả cho người ta lấy tiền lại, thím không có nhận đâu.
      Cái mặt anh Hai buồn thiu, ảnh nói:
      -Thím nói vậy con buồn lắm! Tại con với cô Út không có duyên có nợ với nhau. Con không làm con rễ thì làm con trai thím cũng được. Bây giờ cô Út đi rồi, có việc gì thím cứ cậy vô con đừng có ngại gì hết.
      Nói xong, ảnh lần lượt kê hai chai la de vô miệng, dùng răng cắn chặt cái nút lỏng bẻng kéo bật lên, rồi rót rượu ra ly để lên bàn thờ cúng. Mợ Ba can không kịp.
      Nhang tàn mợ bưng mâm cơm xuống bàn, hai thím cháu cùng ngồi ăn. Anh Hai trao ly rượu tận tay mợ rồi nói:
      -Thím uống với con cho vui đi thím, chớ một mình con làm hổng nổi.
      Mợ Ba vị bụng hớp một miếng, nghe cái lưỡi se lại bởi cái vị cay cay và nhân nhẩn của nó, mợ nói:
      -Chắc họ bỏ bùa mê, thuốc lú vô trong nầy chớ đâu có ngon lành gì mà nìn ông mê dữ vậy
      Anh hai cười:
      -Tại thím mới uống lần đầu, chớ uống quen là ghiền lắm!
      Tối đó anh Hai ôm cây đờn cò ra kéo, anh không hát theo nhưng cái bài nầy mợ đã thuộc nằm lòng từ hồi còn con gái :
      Ai xui con Sáo qua sông
      Để cho con sáo xổ lồng bay xa
      Sáo quên mất lối về nhà
      Mẹ cha, em út, ông bà cậy ai?
      Kể từ hôm ấy mợ hay chui ra khỏi mùng, ngồi trên cái chỏng trước hàng ba mà nhìn đăm đăm vào mấy ngọn đèn leo lét tít bên kia sông.
      Một đêm, mợ đang ngồi thu lu bỗng nghe tiếng gọi rất to. Tiếng gọi ấy đã phải băng qua suốt chiều ngang con sông mới đến được đôi tai của mợ :
      -Má ơi! Con là Út Sáo nè, má có khỏe hông má?
      Mợ mừng đến thảng thốt. Chạy một cái vèo tới sát bờ sông luôn. Chợt ngạc nhiên trước cái giọng lanh lảnh của mình:
      -Má khỏe! Con sao rồi, làm dâu nổi hông? Chồng con có thương con nhiều hông?
      -Con khỏe. Nổi. Nhiều.
      -Thiệt hông? Đừng có giấu má, khổ thì dìa đây!
      -Con dìa thăm má được hông?
      -Thôi, mắc công lắm!
      -Vậy hổng lẻ con hết gặp má sao?
      -Gặp làm chi, lâu lâu nói qua, nói lại như vầy cũng được.
      Thế là từ đó, mỗi tháng một lần hoặc hai, mẹ con mợ lại gọi nhau í ới. Bà con trong xóm ở cả hai bên bờ cùng nghe, có người cười, có người rơm rớm nước mắt.
      Mợ Ba không còn giận con gái và con rễ nữa. Cô Năm Níu lâu lâu lại ghé qua nhà mợ, khi thì mang bánh trái, khi thì khăn, áo của chị Út sắm cho mợ. Mợ cũng nghe bà con khen là Út Sáo có phước, được tía má chồng thương.Tư Đường thì lo chăm chỉ làm ăn, cưng vợ lắm không cho ra đồng và mỗi ngày đều gánh nước lên nhà cho vợ tắm. Mợ Ba nghe mà nở từng khúc ruột, có điều mợ vẫn ngấm ngầm trách chàng rễ quí, vì y vẫn chưa chịu nói chuyện với mợ.
      Gần hai tháng nay, Út Sáo vắng tiếng, cô Năm Níu cũng hổng thấy ghé. Mợ lo ghê lắm đang định dẹp cả tự ái lẫn nỗi lo sợ qua một bên để đi thăm con gái, thì rộ lên cái tin xóm trên có nhà bị lật xuồng, một đứa nhỏ năm tuổi trôi mất, ba ngày sau mới vớt được xác. Thế là cái quyết tâm vừa nhen vội tắt ngấm. Mợ đang rầu thúi ruột, bỗng tối đó giọng Tư Đường văng vẳng:
      -Má ơi! Con là Tư Đường, má còn giận con hông má?
      Mợ mừng quýnh:
      -Hông, con Út đâu?
      -Vợ con có bụng rồi hổng dám nói lớn.
      -Trời đất, con ráng săn sóc nó nghe, đừng cho nó mang vác nặng.
      -Dạ. Má đừng có lo, con hổng để út làm cái gì cực nhọc hết. Để con bơi xuồng rước má qua ở chơi vài hôm nghe má?
      -Thôi! Mắc công lắm, chừng nào nó sanh thì chở về đây cho má lo.
      Mợ thấp thỏm tính từ ngày, nhờ cô Năm mua giùm mấy thước vải ú để may tả và mấy cái quần lủng đít cho cháu ngoại. Mấy hôm sau cả cái bến sông như dậy sóng bởi tiếng của Tư Đường vang dội. Y không chờ đến đêm mà gọi ngay cho mợ lúc trời còn đứng bóng, giọng vui mừng hối hả:
      -Má ơi, người ta sắp làm cây cầu bắt ngang qua sông mình rồi đó má!
      Mợ Ba mừng quýnh, mừng quáng, hỏi dồn hỏi dập:
      -Thiệt hông, chừng nào làm, chừng nào xong?
      -Con hổng biết, vái trời cho họ làm rút rút cho nó mau rồi, đặng qua lại cho dễ dàng.
      -Chừng nào làm rồi là má qua thăm tụi bây liền.
      Bắt đầu từ hôm ấy, trong những thời cúng, ngoài những lời cầu xin cho cữu huyền siêu thăng tịnh độ, cho con gái mẹ tròn con vuông, cho con rễ khỏe mạnh, cho anh Xởi cưới được một cô vợ giỏi giang xinh đẹp, mợ còn xin cho cây cầu được làm xong trước khi chị Út nằm ổ.
      Nhờ tấm lòng chân thành của mợ, ngày đầy tháng của thằng cháu trai, anh Tư Đường lấy xe đạp chở mợ sang. Đang đi trên cầu, mợ hỏi:
      -Tụi bây tính đặt tên gì cho thằng nhỏ vậy?
      Anh Tư vừa cười vừa trả lời:
      -Tụi con tính đặt nó tên Cầu, má thấy có được hông má?
      -Thiếu gì tên, sao lựa cái tên đó? Tao thấy mấy đứa nhỏ bây giờ toàn là tên đẹp không hà, giống như tên đào kép cải lương vậy đó!
      -Tụi con thích cái tên nầy là bởi vì nhờ có cây cầu má với vợ con mới đi qua, đi lại thăm nhau hổng cần phải ngồi đò mà phập phồng cái bụng.
      Ngừng một lát anh nói tiếp:
      - Để con Sáo sang sông không có bay mất tiêu, mất biệt.
      Nghe con rễ nói vậy mợ Ba thấm ý cười :
      -Ừ hén! Má cũng chịu cái tên đó nữa!
       
      (đã mang đoản vân tới đây )
      <bài viết được chỉnh sửa lúc 22.10.2019 03:04:48 bởi Ct.Ly >
      #33
        Thay đổi trang: < 123 | Trang 3 của 3 trang, bài viết từ 31 đến 33 trên tổng số 33 bài trong đề mục
        Chuyển nhanh đến:

        Thống kê hiện tại

        Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
        Kiểu:
        2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9