BẤT CHỢT MÙA THU
Nguyễn Lương Tuấn 20.09.2019 12:36:17 (permalink)
BẤT CHỢT MÙA THU …
 
Tháng 8 rồi,  vậy mà nơi đây vẫn còn hơi nóng. Nhiệt độ chỉ giảm chút đỉnh. May mà còn có biển. Biển đi quanh thành phố làm dịu bớt sự oi nồng: Nam Ô, Xuân Thiều, Phú Lộc, Thanh Khê, Thanh Bình, Mỹ Khê, Non nước , …Biển gợi tôi nhớ về những dòng sông, nơi tôi sinh ra, lớn lên được giáo dục bởi gia đình, nhà trường, xã hội của miền nam Việt Nam trước 75. Tôi yêu Huế, yêu con sông Hương hiền hòa trầm mặc. Con sông đổ ra nhiều nhánh đi vào các nơi với những cái tên thân quen Chợ Dinh, Bãi Dâu, Bao Vinh, Địa Linh, Đò Doi, Đò Bến cạn, Đông Ba, Kim Long, An Cựu, Đập Đá, Vỹ Dạ, Đồ Cồn, An Hòa, An Lỗ, …Những dòng sông tạo nên những con bến để lại những nơi chốn thơ mộng. Tuổi thơ, thời niên thiếu của tôi gắn kết với những con sông, bến đò. Làm sao tôi quên được kỷ niệm về những lần đi cùng chị qua bến đò Doi thăm dì Quế hay qua Nam Phổ bằng đò Chợ Dinh để đi chợ Gia Lạc một chiều xuân nào. Ôi nhớ nhớ lắm … !
Gần nửa thế kỷ rồi, tôi xa Huế, xa giòng sông, xa những con bến chất ngất kỷ niệm. Xa những con đường thân thương. Huế chỉ còn là nơi tôi ghé tạm rồi lại ra đi, mỗi năm 3, 4 bận. Đà Nẵng trở thành quê hương thứ hai của tôi. Ở đây có sông Hàn, có biền bao quanh và ban đêm tôi vẫn nhìn ngắm dòng sông xanh biếc, có khi thủy triều xuống, con nước rút cạn, ra xa để trơ lại bến sông đen sì bốc mùi hôi hám, …
Một hôm ra Phú Lộc, bất chợt con đò đánh cá đâu ở biển gần bờ, thuyền lách rẻ vào con kênh ở đây, có chút gì thân quen, tôi nhớ Huế, nhớ con sông, con bến, những bến đò, nhớ mùa nước lụt. Vẫn nhớ con bến nhà chú Hượt đối diện, tôi vẫn thường qua ngồi nơi bậc cấp, có khi có anh Cự cùng tôi câu cá, bắt rạm hay cùng chị ngồi quan sát nói chuyện với chị trong khi chị giặt áo quần, cũng có khi tôi ngồi một mình, mơ tưởng đến mẹ.
Tháng 8 giao mùa, mưa bắt đầu, bến đò nơi tôi ở có khi nước dâng lên từ từ và rồi ngập đường Chi Lăng, vào tận sân nhà. Cha tôi thích lắm, ông ra quan sát và khi con đò cặp đổ trước cổng nhà, ông tìm mua cá lúi để mệ nội nấu canh với khế chua ở ngoài vườn.
Kỷ niệm ngày nào, cha tôi còn tươi trẻ, nụ cười còn reo vui khi nước nhảy lên đường vậy mà đã 60 năm rồi, giờ đây tất cả đã không còn ai, Cha tôi, mệ nội, hai anh và chị tôi. Sao cuộc đời phù du vậy, có đó rồi mất đó !
Mùa thu với những cơn mưa bất chợt về đêm, ban ngày, Đà Nẵng nắng lên nhẹ mỏng, vẫn còn nóng.  Mấy chiếc quạt lại chạy vù vù. Tối nay tôi nghe văng vẳng tiếng trống múa lân. Bao giờ cũng vậy tiếng trống thúc giục rộn ráng vào dịp trung thu lại đánh thức ký ức, sự hoài niệm về những kỷ niệm ngày còn bé thơ ở Huế. Những chiếc lồng đèn giấy, tôi tự làm lấy, đèn ngôi sao, dèn ú, cặm cụi ngồi vót tre, mua giấy dầu trong đủ màu về dán. Vẫn nhớ, đi học nhà xa, từ Chợ Dinh vô tới trường Bồ Đề Thành Nội, vậy mà mang cây đèn ngôi sao tự làm lấy cho cô chấm điểm. Rồi giữa giờ HS được sắp hàng ra ngoài sân trường, thầy Hiệu trưởng Lê Mộng Đào chúc tết trung thu sau đó cô giáo phát mỗi đứa một gói quà, là bánh kẹo. U chao thích quá mắt sáng ngời nhìn cái bánh con cá vàng rộm có nhân bên trong và rồi niềm vui lan tỏa theo từng tiếng trống thúc giục của từng tốp múa lân. Nhớ mãi bài hát của ban Việt Nhi vang mãi trên đài phát thanh Sài Gòn: “Tết Trung Thu rước đèn đi chơi. Em rước đèn đi khắp phố phường. Lòng vui sướng với đèn trong tay. Em múa ca trong ánh trăng rằm. Đèn ông sao với đèn cá chép. Đèn thiên nga với đèn bướm bướm. Em rước đèn này đến cung trăng. Đèn xanh lơ với đèn tím tím. Đèn xanh lam với đèn trắng trắng. Trong ánh đèn rực rỡ muôn màu”
Rồi thì ban đêm chạy theo đoàn múa lân mệt nghỉ lui tới cũng là những màn giống hệt nhau với ông lân, ông địa.
Lớn dần, mùa thu được nhìn qua lăng kính khác, giáo dục, sách truyện nhào nặn tâm hồn trở nên đa cảm. Những bài giảng quốc văn về mùa thu – mùa tựu trường, Thanh Tịnh, Anatole France làm cho lòng lâng lâng nghĩ về người khác, nhớ thầy, nhớ bạn, nhớ cha trong ngày tựu trường. Nhớ hình ảnh cha chở đi học đầu tiên đên trường. Tình cảm trở nên lãng mạn do mấy bài giảng của thầy Nguyễn Phúc. Đặc biệt bài “Nhớ thu” của Đinh Hùng.
Mùa thu trở nên buồn với khung cảnh bầu trời xám đục, lá vàng rơi, những cơn mưa bất chợt. Đó cũng là lúc bỗng nhiên nhớ mong vẫn vơ một hình bóng nào đó, mơ mộng nhưng không dám - để rồi sống trong ảo tưởng, tình cảm trở nên bi đát.
Thơ bát đầu từ đó, mơ mộng và làm thơ, những bài thơ lập dị, thích dùng chữ, và nhất là vận dụng hình ảnh. Những bài thơ làm như để khuây khỏa, để nói với người khác, mong có người đọc, vẫn là bạn, bạn hợp với mình. Còn nhớ ngày đó mấy đứa gặp nhau và thế rồi quyết định làm một tờ báo viết tay. Có họa sĩ (học trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế) trình bày như Nguyễn Thi, Lê Văn Tài, mấy đứa ở xóm Võ Tánh, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hồ Xuân Hương như Võ Văn Đôn, Nguyễn Văn Đảng, , …Tờ báo thực hiện đâu được vài số sau đó ngủm khi nào chẳng biết !
Cách đây 4, 5 năm , bạn (vẫn thường gặp tại Huế) bỗng nhiên điện thoại bảo, tau đang ở Đà Nẵng đây mi ! chốc nữa tau đến mi chơi nghe !
OK ! thích quá, mấy đời mà tên này vào Đà Nẵng tìm vô thăm mình. Đến nơi tay bắt mặt mừng hỏi chuyện, té ra cậu này có con gái cùng chồng vào mua nhà tại Đà Nẵng đã lâu, chừ ba nó vào chơi, vậy là đến tìm mình. Rủ nhau kéo ra quán, ngồi uống cà phê nơi góc đường Trần Phú (Độc Lập cũ), Trần Quý Cáp, tự nhiên nó đọc vanh vách một bài thơ:
Ngày đã mõi cánh xin điệu buồn đừng lên tiếng
Trời hôm nay vàng, lá đổ trong ảo tưởng tầm tay
Và con mắt – Hết rồi ! một thời lên suối tắm
Nhìn dung nhan, thơm tuổi dại, cười long lanh
Con chim chết, trên mái lạnh vườn xưa
Không để lại gi, không trối được lời nào.
Vì chẳng còn ai.
Ôi! mặt trời và mùa xuân tình tự ở một miền xa.
Tên tử tội cô đơn ôm trên tay lời ngậm ngùi tháng 8.
Cuộc tình đã chết trong khu vườn kỷ niệm.
Trống trơn, trống trơn như lưng người đàn bà sau ô cửa vuông
Xin ai, xin ai đừng nói một lời nào nữa.
Tình yêu hôm nay vỗ cánh bay rồi!
 
Tôi hỏi:
- Bài thơ của ai mà nghe “sến” vậy mi?
Bạn cười ha hả:
- Là của mi chứ còn ai!
Tôi chưng hững:
- Thơ tau làm tau không nhớ mà mi lại thuộc vanh vách?
Bạn nhắc lại giai đoạn ngày ấy, những lúc buồn, thường viết thư tâm sự với tôi. Tôi tặng bài thơ để chia sẻ với bạn :
- Bài thơ làm tau thích quá, thuộc lòng từ ngày đó đến nay.
Đến đây thì tôi nhớ ra được, tôi nói:
- Tên bài thơ là “Lời ngậm ngùi tháng 8”
- Đúng rồi, là thời điểm mà ngày ấy tau vào Quy Nhơn học Sư phạm. Còn mi tiếp tục học lên
Tôi nói :’
- Mi thích thiệt hay xạo đó ?
- Là thiệt cha răng mi, xạo làm răng tao thuộc lòng được, mà lại đã 47 năm rồi !
Tôi cười buồn:
- Ngày ấy bọn mình lãng mạn ghê mi hí. Nhìn lại ngôn ngữ và kết cấu bài thơ tau thấy vừa sến vừa cải lương. Mi thấy đó, tau không nhìn ra được là bài thơ của mình. Bài thơ thể hiện một cái tôi rất lạ, nó vừa ngu ngơ, vừa thơ ngây, vừa thích làm dáng. Nhưng có một điều tau nhớ lại, ngày ấy, những bài thơ tau làm gửi mi là bắt nguồn từ một sự cảm xúc. Nhưng có một hình ảnh rất trung thực nữa. Đó là buổi sáng khi ấy tau chỉ 9, 10 tuổi,  tau đi học, ngang qua kiệt Cây gòn tình cờ tau thấy một người khỏa thân, quay lưng ra ngoài mà tau nhìn thấy qua ô cửa sổ. Người ấy đứng soi gương ngắm dung nhan của mình chắc. Tau bị ám ảnh và đưa vào thơ.
Bạn cười văng nước bọt và nói:
- Mi thấy chưa, dục tính rất quan trọng. Nhưng điều mi nói cũng chưa ổn,  không thể nói như mi rứa được. Chẳng qua cái tôi của mình bây giờ khác cái tôi ngày ấy. Dòng đời làm con người thay đổi. Đó là thời điểm, chúng ta sống trong một đất nước mà quyền tự do cá nhân được bảo vệ và đề cao. Do đó sách ảnh, các sáng tác hiện đại, những trào lưu tư tưởng, triết học được truyền bá rộng rãi. Mi, tau và thế hệ trẻ thời ấy được may mắn tiếp thu và chọn lọc lấy.
Trong hoàn cảnh ấy,  mỗi cá nhân trở thành một chủ thể độc đáo. Con người phát triển toàn diện về mọi mặt, nhiều khi vượt quá thực tế dẫn đến lãng mạn, viễn mơ!
Tôi nói, bọn mình chừ đây lạc lối mất rồi, chỉ còn biết hoài niệm, tiếc nhớ một thời vàng son, khó lòng có lại được. Và khi quay về hiện thực,thì lại quá kinh khiếp, cơ chế chung quanh đầy dối trá, tất cả đều có thể mua chuộc, kể cả những giá trị tinh thần cũng đều bị đánh tráo !
Bạn nói, thôi kệ ! chấp nhận lỗi thời thôi, chừ bọn mình già cả rồi. Sống nốt quãng thời gian còn lại, được ngày nào hay ngày nấy:
“Trong thiên hạ có anh giả điếc. Khéo ngơ ngơ ngác ngác ngỡ là ngây …”
 
 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 20.09.2019 13:17:56 bởi Nguyễn Lương Tuấn >
#1
    Ct.Ly 20.09.2019 17:00:37 (permalink)
    #2
      Nguyễn Lương Tuấn 21.09.2019 18:35:13 (permalink)
      Cảm ơn Ct. Ly nhiều, đã được tặng ảnh đẹp lại còn đưa tác phẩm vào Thư viện. Rất vui !
       
      #3
        Chuyển nhanh đến:

        Thống kê hiện tại

        Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
        Kiểu:
        2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9