CÁI GÚT
Le Yen 21.09.2019 09:11:54 (permalink)


CÁI GÚT
____________

Xoan gánh đôi thùng ra đầu giếng làng lấy nước. Giếng làng tồn tại đã mấy đời. Thành giếng được xây bằng những viên đá xanh chồng chéo lên nhau, thẫm màu cùng với rêu xanh từ kẻ đá. Nước trong veo, ngọt lịm. Tới mùa khô, trong làng chỉ có một đôi nhà giếng còn nước. Duy chỉ mạch giếng làng nước có quanh năm. Nhà Xoan cũng không ngoại lệ. Chiều, sau giờ dạy học trò, việc cô phải làm là gánh cho đầy ba cái lu đựng nước bên hông nhà, để sử dụng cho ngày mai tưới những luống cà sau nương. Cô phe phẩy chiếc nón lá quạt tìm chút gió mát. Trong lúc chờ đợi tới phiên, tầm mắt cô dõi theo con đường đất thoai thoải bên cánh đồng. Xa xa là những mái tranh xen lẫn mái ngói của làng bên. Chợt nhớ một người… Từ trong sâu thẳm trái tim cô luôn cầu cho nút thắt được mở… Giống câu chuyện truyền lại giữa hai làng. Nó như cái gút làm tắc nghẽn mọi thứ…!
Nắng chiều đã dịu bớt, hơi nóng bốc lên từ những luống đất khô, dưới cái nắng gay gắt ban ngày. Xoan xắn quần tưới luống cà, bụi ớt và những gốc cây trái trong vườn. Mặt trời dần khuất về tây, chỉ còn lại ráng chiều đỏ ửng với những sắc tím huyễn hoặc, lạc lỏng vài ba cánh chim lẻ đàn về muộn, gọi bầy trong thất thanh chập choạng tối.
Úp ngược đôi thùng cho ráo, cô qua giàn nước rửa chân, rồi bước lên nhà trên. Cha đã ngồi chờ sẵn. “Dạ, để con dọn cơm.” “Con có thơ của thằng Hữu cha để trong phòng.” Cô dạ nhỏ, đi xuống bếp dọn cơm mà trống ngực đập dồn… hồi hộp, mặt nóng ran.
Cha cô là một thầy giáo trường làng. Xoan là con một. Mẹ qua đời khi vừa sanh cô. Từ lúc có trí khôn cô biết mình chỉ có cha. Sợ cảnh mẹ ghẻ con chồng, cha không đi bước nữa. Tiếng tăm cha vang xa. Những làng lân cận họ cho con đến học với sự tin tưởng… Họ quen gọi cha là ông Giáo.
Bữa cơm dọn lên, Xoan không còn tâm trạng để ăn. Cô nôn nao đọc thơ Hữu. Sự bối rối của cô không qua được mắt cha. “Con ăn cơm đi!” Cô “dạ” rồi gắp thức ăn cho cha. Cô ăn từng miếng nhỏ để cha vui. Tình thương cô dành cho cha là tất cả. Cha thật sự rất quan trọng với cô.
Chờ cha yên vị trên chiếc phản gỗ với cái radio nghe tin tức, cô chạy về phòng. Phong thơ cha để trên bàn, cô cầm lên xé vội…
“Thăm Xoan!
Trước hết cho anh gởi lời kính thăm thầy. Thầy và em có khỏe không? Lên tỉnh mọi cái đều mới lạ… Anh nhớ nhà, nhớ em…”
Từng dòng chữ với lời lẽ ngọt ngào như nhảy múa, cười đùa với Xoan. Cô ép lá thư lên ngực thì thầm: “Hữu, cố lên nghe anh!”
Hữu là học trò giỏi của cha cô, người làng Đông. Cô làng Tây. Hữu lên tỉnh học nghề. Gia đình anh đơn chiếc chỉ còn mẹ, không có khả năng để tiếp tục học chữ. Hữu tính học nghề để kịp đi làm, phụng dưỡng mẹ và thực hiện nhiều hoài bảo trong tâm. Từ bao đời nay giữa hai làng có một con đường chung ra tỉnh. Từ ngày xảy ra chuyện, con đường đó ngăn đôi bởi ranh giới đất hai làng. Con đường lâu dần trở thành đường mòn vì thưa thớt người qua lại, cỏ mọc um tùm. Bên gốc cây sầu đâu khuất đường cái, có hai ngôi mộ nằm sát nhau cuối con đường… Những đêm trời trở mưa giông, tiếng rít của gió như tiếng thở than, ai oán từ cỏi âm ty vọng về. Đêm, trời mờ mờ trăng non… Tàu lá chuối cong ngược đong đưa như mái tóc dài thiếu nữ hỏng trên mặt đất… Rợn người.
Hồi đó… Làng Đông nhiều lúa gạo. Làng Tây mùa vụ chỉ đủ ăn nửa năm, còn nửa năm phải đi làm cho làng Đông. Tuy vậy làng Tây lại chuộng việc học. Cậu ba Tâm làng Đông phải qua làng Tây để học. Cậu là con nhà giàu có tiếng trong làng nhưng trọng chữ tín và lễ nghĩa, không hoang đàng như những công tử con nhà giàu khác. Thơ phú cậu đối đáp trôi chảy không thua gì trai làng Tây. Cậu Ba Tâm phải lòng cô út Mơ xinh đẹp, dịu dàng, bán quán nước đầu làng, sống cùng mẹ.
Tiếng đồn đến tai cha cậu ba, trưởng làng Đông, ông khét tiếng là khó khăn. Vì không môn đăng hộ đối, ông cấm cậu ba qua lại với út Mơ và cho cậu đi du học bên Tây với lời hứa hẹn “Học xong mới cưới vợ.”
Con trăng mồng mười như vừa đủ… đồng lõa với đôi tình nhân, họ không muốn rời nhau với quấn quýt yêu thương ngút ngàn. Tình yêu của họ được trời đất chứng giám, hẹn thề, bên gốc sầu đâu mùa trái chín… Quà cho người đi chỉ chiếc khăn tay, thêu một nhánh hoa bâng khuâng tím nỗi buồn và nỗi nhớ cách xa… Siết chặt người yêu trong tay, Tâm nói nghiêm túc: “Hãy tin. Anh sẽ trở về.” Cô có linh cảm không hay, chỉ dấu tiếng thở dài… Giữ lại những gì của Tâm với tháng ngày hạnh phúc bên nhau.
***
Cậu Ba Tâm trở về, Đứng bên ngôi mộ út Mơ. Nỗi đau ngoài sức chịu đựng, đất dưới chân như sụp xuống, há hốc nuốt chửng cậu. Không còn khái niêm thời gian, không gian. Mưa như nước mắt út Mơ trút xuống, ôm lấy cậu. Gió từng cơn hung hãn trút xuống lá sầu đâu còn xanh oan uổng… Vậy mà cậu giận, cậu oán hận con người chóng thay đổi. Đôi mắt cậu đỏ ngầu, đưa hai tay lên trời đầu hàng số phận. Miệng lẩm bẩm, rên rỉ “Trời ơi!”
Nghe được trở về, trong cậu ngổn ngang trăm mối… Không biết vui hay buồn! Nhưng dù sao cũng phải đối mặt. Bao năm cậu chờ đợi tới ngày này, nhưng khi đặt chân xuống sân bay, cảm giác sợ hải chạy dọc sống lưng, lòng nóng như lửa đốt…
Con đường qua làng Tây gió lạnh từng cơn, đâu đó mùa Thu đang tới… Cậu đi như chạy đến giếng nước đầu làng, đứng lại hít một hơi thật sâu cho đủ tự tin. Cậu gấp gáp những bước dài đến quán nước. Vẻ đìu hiu của mái tranh ngập lá vàng lắt lay từng cơn gió. “Sao vắng thế này?” Một vài người khách ngờ ngợ nhìn cậu như người xa lạ. Vừa lúc đó, một người đàn bà lớn tuổi, ốm yếu bước ra. Cậu sửng người! Mới có một vài năm sao bác ấy tiều tụy đến không ngờ. Bà đưa đôi mắt mệt mỏi nhìn cậu lên tiếng “ Cậu tìm ai?” “Bác không nhớ con sao? Con là Tâm đây!” Cái ly trên tay rơi xuống vỡ tan tành. Bà run rẩy khụy xuống như không thở được với tiếng lẩm bẩm “Con Mơ…!” Cậu dìu bà vào nhà, đặt nằm trên tấm phảng cạnh cửa sổ cho thoáng gió, định rót cho bà ly nước. Ngẫng đầu lên, trước mặt cậu, trên bàn thờ, hình ảnh Mơ sau làn khói nhang phảng phất như đang khóc với ánh mắt trách hờn nhìn cậu. Như rơi chạm phải đáy…Tim cậu tan nát. Cậu gục đầu khóc nức nở “Tại sao?” Cậu quay lại bấu chặt người đàn bà chỉ còn chút sức tàn. “ Nói cho con biết đi…” Bà kể cho cậu nghe… Mỗi câu, mỗi chuyện như ai đó xát muối tâm can...
Cậu Ba Tâm lên đường được một thời gian ngắn. Út Mơ sốt ruột trông ngóng, không thấy tin tức gì. Lòng cô xốn xang với nỗi nhớ và nhiều lo lắng. Sau lần chia tay đó… Cơ thể cô ngày một khác đi. Cô đã mang thai. Lo lắng và sợ hãi khiến người cô gầy rộc trông thấy. Không thể giấu mẹ, cô gục đầu trên gối, khóc kể… Xót con dại khờ người mẹ lòng đau như cắt. Đêm đó bà không ngủ được. Trời chưa sáng hẳn bà đã dậy, đến bên bàn thơ cha út Mơ, đốt nhang khấn vái “Ông thương tình tha thứ và phù hộ cho con, nó trót dại… Tôi đã không để mắt tới con bé, tôi sai rồi!” Đứa con trai lớn đi biền biệt không về, cũng may có cô con gái út bên cạnh. Đôi vai già nua như gấp lại với gian nan, đau khổ. Người đàn bà vội đứng thẳng người, lau vội đôi dòng nước mắt. Đi đến cuối căn phòng, những tấm hình, bộ tách trà, lúc sinh thời chồng bà thường đàm đạo với bạn bè và khen tay nghề pha trà của bà không ai qua được. Tất cả như là báu vật được bà cất kĩ... Chiếc rương như tài sản duy nhất của hai mẹ con… Bà săm soi bộ áo dài được xếp cẩn thận, chỉ dùng để mặc trong những dịp quan trọng…
Hôm đó bà dẫn út Mơ đi qua làng Đông. Bà biết việc bà làm như một sự sỉ nhục và tai tiếng khó gột rửa, nhưng vì sự sống chết của con buộc phải làm. Là một người mẹ bà không thể làm ngơ!
Con đường từ làng Tây qua làng Đông hôm nay như dài ra, khác hơn mọi ngày bà vẫn đi qua nó một cách nhẹ nhàng. Những bước chân trĩu nặng rồi cũng đến nơi…
Nhà cậu ba Tâm không khó tìm. Mái nhà ngói đỏ ba gian từ xa đã nhìn thấy. Nắm chặt tay con gái bà mạnh dạn tiến về cánh cổng.
Con ở, chặn lại hỏi: “Bà và cô cần gặp ai?” “Chúng tôi muốn gặp ông trưởng làng.” “Bà chờ ở đây.”
Trước mặt ông trưởng làng bà như biến thành người khác. Một con gà mái mẹ đang bảo vệ con mình khỏi loài diều hâu hung ác có thể xòe cánh, la làng mổ loạn xạ… Bà đang trong tâm trạng đó… Bà nói rành mạch tình trạng của út Mơ và yêu cầu ông trưởng làng cho bà biết tin tức cậu ba Tâm. Bà hụt hơi đứng thở hồng hộc. Út Mơ đứng khép nép sau lưng mẹ như tìm sự che chở…
Ông Trưởng làng ngồi trên chiếc ghế gỗ đen mun, bóng láng. Thằng hầu đứng sau lưng, trong dáng bộ lom khom. Bất thình lình ông vỗ mạnh xuống bàn. Tiếng vỗ làm cho mọi người giật bắn mình. Ông hét lên “Bà đến đây nói chuyện không căn cớ… Bà định bôi xấu gia đình tôi. Phải không?
Út Mơ lật đật quỳ xuống “Con xin ông. Con có tín vật của anh ba Tâm.” Nói rồi cô lần túi áo lấy ra một bông Mai được chạm trổ bằng đá rất đẹp. Ông trưởng làng bật dậy, giật lấy bông Mai bằng đá trên tay Mơ. “Đây là tín vật của dòng họ nhà ta, cô không tư cách giữ nó. Các người đến đây làm tiền đúng không?” Nói rồi ông quăng nắm bạc trước mặt mẹ con Mơ, hét lên “Thằng Tám đâu! Đuổi họ ra ngoài.” Không chịu nổi sự sỉ nhục người mẹ dìu con đứng lên và nhìn thẳng mặt người đàn ông hung dữ “Tôi đến đây vì giọt máu của con ông. Nhưng từ nay đứa bé này không còn một liện hệ nào tới dòng họ nhà ông.” Nói xong bà dìu con đi không ngoảnh lại, để cho ông trưởng làng đứng chết trân trong tức tối và dằn vặt rối bời…
Bà chăm sóc và an ủi Mơ trong kế hoạch rời làng đi xứ khác làm ăn, trước khi bụng Mơ to hơn. Chuẩn bị gói ghém đồ đạc xong, bà nhắc chừng Mơ ngủ sớm. Cô xin phép mẹ được đi dạo hóng chút gió… Trời hôm nay trăng sáng rất đẹp. Mơ bước chậm qua từng khúc quanh, ngã rẽ khuất bóng người… Những hình ảnh như mới hôm qua. Đâu đâu cũng thấy bóng dáng của Tâm. Con trăng dẫn Mơ đến cuối con đường. Một đám mây che mờ ánh sáng vàng của đêm… Trời chợt đổ mưa! Cô chạy vội vào núp dưới gốc cây sầu đâu. Ký ức với những ngọt ngào… Mơ như tan vào trong yêu thương đầu đời… Mưa không làm cô ướt, gió không làm cô lạnh, cho đến khi giật mình sụt chân dưới nền đất nhão nhoẹt. Cô thét lên trong khi thân thể lăn theo triền đất với con nước cuốn lấy, cho đến khi có một va chạm mạnh. Cô mơ hồ thấy hình bóng mẹ trong gào khóc “Mẹ ơi! Cứu con.”
Mơ ra đi oan uổng với đứa con trong bụng. Mộ phần cô chơi vơi trên mô đất cạnh cây sầu đâu già. Người mẹ như chiếc bóng với chút sức tàn, mong một ngày Tâm trở về theo nguyện ước con gái, bà mới yên lòng ra đi. Ngày nào từ sáng sớm bà đã mở cửa quán, mắt dõi về làng Đông với chút hy vọng…
Đã ba mùa thu từ ngày con mất, ánh mắt bà mệt mỏi sau mỗi ngày hướng về bên ấy trước khi sập cánh cửa xiêu vẹo...
Cậu ba Tâm vật vã đau đớn, không thiết ăn uống. Mỗi ngày cậu ở bên ngôi mộ Mơ cho đến tối mịt mới về. Có những đêm say khướt, đám trẻ trong làng còn nghe cậu ngâm thơ ai oán, rồi lăn ra ngủ cạnh ngôi mộ. Sức người có hạn, một thời gian sau cậu đổ bịnh rồi qua đời. Theo di nguyện, mộ phần của cậu nằm cạnh Mơ bên gốc sầu đâu. Cậu từ bỏ cuộc sống để được gần vợ con. Con người mất đi về mặt thể lý… Tâm linh vẫn tồn tại. Ở một thế giới khác, với yêu thương, cậu tin rằng sẽ đoàn tụ mãi mãi với gia đình...
Trưởng làng Đông cho rằng phong thủy làng Tây đã ám làng Đông nên xảy ra chuyện, ra lệnh cấm trai làng Đông không được quen và lấy gái làng Tây. Nếu ai chống lại thì đi xứ khác sinh sống... Nhưng ông luôn ngồi trong bóng chiều với ngập tràn hối hận, lẽ loi, cô độc…!
Trưởng làng Tây cũng không chấp nhận một sự độc đoán đến tàn nhẫn, hại chết người vô tội. Cái chết của Mơ cũng có phần liên đới. Thương người cô thế và bà mẹ già tội nghiệp. Ông giận thói đời cay nghiệt, giận lão già làng Đông, nên đồng ý tuyệt giao!
Con đường thông giữa hai làng từ đó cắt đôi bởi một hàng rào chia ranh giới đất. Người làng Tây nửa năm mất mùa, đổ đi khắp nơi mua bán, không làm cho làng Đông nữa…
Ít lâu sau người mẹ già cũng qua đời.
Những câu chuyện được thêu dệt từ đó… Không ít người đã kể, có những đêm nghe tiếng ngâm thơ, tiếng cười trong trẻo của con gái, lại tiếng khóc trẻ con… Thế là đủ rồi… Dù là ma hay người vẫn mong một hạnh phúc tròn đầy!
***
Hữu người làng Đông. Ngày được mẹ đưa qua xin thầy theo học. Bà đã không giấu giếm. Cha Xoan là một thầy giáo làng có chút ảnh hưởng Tây học. Ông đã nhận Hữu như bao học trò khác, không phân biệt. Để Hữu hòa mình với mọi người ông không đề cập đến thân thế của học trò. Với trí thông minh, thêm siêng năng, anh đã được thầy tín nhiệm, yêu thương. Tình cảm giữa Hữu và Xoan không bị cấm cản, chỉ nghĩ cách làm sao để tháo cái gút này. Đã mấy chục năm rồi còn gì? Những người già đã ra đi gần hết. Mâu thuẫn không ai nhắc tới, nhưng lệ làng khó cải… Chỉ cần một ai đó đủ mạnh mẽ… Xoan thở dài, pha cho cha ấm trà. Cô ngồi xuống cạnh cha khẽ khàng “Cha à, anh Hữu sắp mãn khóa rồi đó.” Ông Giáo buông cuốn sách trên tay, nhìn con gái mỉm cười “Con lo sao? Cha tin thằng Hữu thông minh sẽ có cách.”
Con đường mòn ít ai đi là nơi hẹn hò của Xoan và Hữu. Câu chuyện được nghe từ nhỏ, không khiến họ phải sợ hãi về những giai thoại ma quái. Họ ngưỡng mộ tình yêu của đôi tình nhân đã khuất và quyết sẽ làm thay đổi chuyện này…!
Dưới bóng trăng Xoan tựa đầu lên vai Hữu nghe anh nói về những dự định của mình. Anh sẽ mở một lò rèn ngay phần đất ông bà nội để lại sát ranh giới làng Tây. Giúp người nông dân giữa hai làng không phải lên tỉnh để mua dụng cụ nông nghiệp. Đêm anh mở lớp học, giúp trẻ em làng Đông thoát mù chữ. Điều quan trọng nhất, làm sao gỡ bỏ cái hàng rào tuyệt giao cỏ mọc um tùm, để người dân hai làng sống chan hòa như trước kia…
Đêm đã khuya, cảnh vật vắng lặng yên bình. Hữu đưa Xoan trở về phía làng Tây, trong lòng tràn ngập một niềm tin… Anh mơ, rồi đây con đường này sẽ thoáng đãng, đông người qua lại. Hãy nuôi dưỡng những điều tốt đẹp như gìn giữ một que diêm, sẽ đến ngày điều tốt đẹp đó bùng lên tạo ra ánh sáng. Xiết chặt tay Xoan, anh hôn lên mái tóc thơm mùi bồ kết nồng nàn. “Tới nhà em rồi.” Cô khẽ cười, kiễng chân hôn lên má người yêu rồi khuất sau cánh cửa...
Mùa khô sắp đến, làng Tây lại thiếu nước. Vì địa thế đất làng cao, các mạch nước cạn nên dễ bị khô hạn. Hữu đem phương án đào kênh thủy lợi dẫn nước vô ruộng bàn với thầy của mình. Phương án được đem ra thực hiện có hiệu quả bất ngờ… Con người cũng từ bụi đất, được hòa vào thiên nhiên để nghe mùi nắng, mùi gió đưa trong bạt ngàn… Người nông dân không muốn rời bỏ ruộng lúa, nương khoai. Họ thấm đẫm từ trong xương tủy mùi vị quê hương yêu thương sâu thẳm.
Năm nay thời thời tiết thất thường. Cha của Xoan cứ nhìn trời lo lắng. Mây giông chuyển mấy ngày vần vũ. Mưa bắt đầu trút nước, tới ngày thứ hai vẫn mù mịt. Trời ảnh hưởng bão. Nhà nào cũng leo lên mái dằn nhiều cây gỗ cho khỏi dỡ nóc. Làng Đông nước bắt đầu dâng. Đã bao năm rồi mới có bão lụt như thế này. Ông giáo cứ nhìn qua làng Đông lo lắng. Nước sẽ lên bao nhiêu…? Không thể thấy chết mà không cứu. Ông bàn với trưởng làng, kêu gọi trai tráng phá hàng rào cho người dân làng Đông qua tránh lụt. Kết hợp với Hữu đưa những nơi thấp nhất di tản. Người dân làng Đông vừa mừng, vừa khóc... Không phải chỉ có nước vỡ bờ, mà yêu thương trong họ cùng vỡ bờ… Họa hay phúc không lường được… Ông giáo rơm rớm nước mắt tạ ơn trời.
Trời quang mây tạnh…!
Hữu và Xoan cám ơn cha đã cho định ngày cưới. Họ cười rạng rỡ, nụ cười cứ nở mãi trên môi. Đám cưới của họ cũng là một bữa tiệc lớn giữa hai làng Đông, Tây. Từ đây họ không phải tránh mặt người làng hai bên. Trẻ em hát hò, người lớn giã gạo, ủ bột làm bánh để cùng chung vui…
Ông giáo cứ tủm tỉm gật gù “Hận thù nên mở…”
Chỉ một con trăng nữa họ đã chung nhà.
Nút thắt đã được mở…!


Sài Gòn. 15/9/19

LÊ YÊN.
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 3 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9