GIÓ ĐÔNG Tryện dài Lâm Du-Yên
CHƯƠNG NĂM Vừa dắt xe xuống đò là Lam nghe tiếng gọi giựt ngược:
-Cô Ba, cô Ba!
Lam hất vành của chiếc nón lá lên khỏi trán, đưa mắt nhìn về phía có giọng nói quen thuộc đó.
Không chờ Lam chào, cô Sáu, láng giềng gần nhất, cả nghĩa đen lẫn bóng, hỏi liền:
-Cô đi đâu cả tuần lễ nay vậy?
Lam hỏi lại:
-Sao chị biết tui hổng có ở nhà?
Cô Sáu đáp:
-Cái điện thoại nhà cô ngày nào cũng reo từ sáng tới khuya cho nên tui mới biết đó chớ ! Tụi tui lo quá chừng chừng! Ba con An ổng nói hổng chừng cô bị trúng gió hay té xỉu trong nhà. Con An nó lật đật chui lỗ chó qua coi thử. Nó thấy nhà đóng cửa kín bưng, kêu om sòm mà không nghe cô lên tiếng. Nó nói chắc là cô đi vắng. Vậy chớ tui cũng phập phồng không yên. Đã vậy có một con chuột xạ bị con Mực nhà tui vật chết rồi chê hôi. Nó hổng thèm ăn mà nhét vô bụi, thúi rùm làm cả nhà tui hết hồn!
Giọng cô Sáu vừa mừng vừa trách móc:
-Ông nhà tui ổng tưởng tui với cô mích lòng, ổng theo hỏi tui hoài. Ổng nói mọi lần đi công chuyện chừng hai ba ngày là cô đưa chìa khóa nhờ con An qua tưới cây giùm, lần nầy sao im ru. Ổng còn rầy tui, nói lối xóm tối lửa tắt đèn có nhau, ai gặp chuyện gì mình phải biết để giúp cho kịp. Hồi nào tới giờ hai nhà đối với nhau như bát nước đầy. Cô ở có một mình, cần người lân cận dữ lắm! Chắc tui phải làm chuyện gì tày đình cô mới giận đến vậy! Ổng biểu tui phải qua xin lỗi cô một tiếng. Tui nói hoài mà ổng không chịu tin. May mà tui nhớ ra ngay trước đó cô có bưng cho tui một tô bí hầm dừa, tui nhắc cái rồi ổng mới chịu im, hông thôi cứ cằn nhằn cử nhử nghe mà nhức xương.
Lam cảm động quá, nói:
-Xin lỗi chị Sáu nghe! Tui đi đám giỗ bà cố ngoại, tính chiều về nên đâu có gởi nhà làm chi! Nào ngờ bà dì bả té lọi tay, trặc chưn. Dĩ cũng ở một mình nên tui phải ở lại nuôi.
Cô Sáu hớt hải:
-Mèn ơi! Phải dì Út hôm bữa qua đây thăm cô đó hông? Bây giờ dĩ sao rồi?
Lam đáp:
-Cái tay mạnh rồi nhưng cái chưn chưa lành, đi còn phải chống nạng. Tui tính lát nữa ghé qua thăm chị để gởi nhà rồi qua bển với dĩ nữa.
Rồi hỏi tiếp:
-Chắc cái giàn mồng tơi của tui nó héo queo rồi hả chị?
Cô Sáu phật ý:
-Ngày nào con An cũng chui qua đó tưới, héo sao được?
Lam bùi ngùi:
-Cám ơn chị quá!
Đò cặp bến, Lam dắt xe đi trước, cô Sáu lót tót theo sau. Thấy hai tay cổ xách hai cái túi ni lông bự bành ky, coi bộ nặng nề. Lam hỏi:
-Chị đi chợ sớm quá hén! Sao hôm nay chịu khó đi qua tới bên đây? Mua cái gì mà đùm đùm, đề đề vậy?
Cô Sáu đáp:
-Tui mua vải thay cái màn cửa buồng. Cái màn đang treo cũ quá nên phải thay cái mới. Với mua mấy bộ tự sự, mấy chùm bông giả bằng vải ni lông. Tết tới rồi phải lo dọn bàn thờ cho đẹp. Tui cũng mua một chục chén, bốn cái tô. Ba cái tô chén cũ mẻ tui bỏ bớt, phải mua chêm vô cho đủ xài.
Rồi cổ nói tiếp:
-Chừng nào cô gặp dì Út, cho tui gởi lời hỏi thăm dĩ nghe! Hai dì cháu cô ngộ quá! Ai cũng lịch sự hết sức mà hổng chịu lấy chồng…
Lam sợ cái chủ đề " lấy chồng" nầy lắm, nên lật đật ngắt lời:
-Chị máng hai cái túi lên ghi đông xe đi rồi lên đây tui chở cho.
Cô Sáu làm theo rồi giành:
-Để tui chạy cho, cô ngồi đàng sau đi.
Lam hỏi:
-Chị chở tui nổi hông đó?
Cô Sáu cười:
-Tui ốm chớ hổng có yếu đâu nghe. Hôm bữa ba con An đau trĩ đó, tui chở ổng chớ ai? Cô nặng chừng hơn phân nửa ổng chớ mấy. Nhầm nhò gì!
Lam ngồi bỏ chưn qua hai bên hai bên cho chỉ dễ chở, rồi hỏi:
-Ảnh sao rồi chị? Cắt chưa?
Cô Sáu nói:
-Rồi! Để tới bữa nay chắc ổng hui nhị tỳ mất tiêu rồi! Giỏi lắm cũng chỉ còn da bọc xương. Cái thứ bịnh gì đâu mà nó hành trời ơi, đất hởi! Bởi vậy hồi nhỏ cái mặt tui mà nhăn nhăn, nhó nhó là bị má tui chửi phủ đầu liền. Bả hỏi: “Bộ mầy bị bịnh trỉ hả?”
Lam hỏi tiếp:
-Tốn tiền nhiều hông chị?
Cô Sáu thở dài:
-Mười mấy triệu đó cô. Tui bậm gan đưa ổng lên Sài gòn làm cho chắc ăn.
Lam chắc lưỡi:
-Tệ quá! Vậy mà tui hổng biết để qua hỏi thăm một tiếng!
Cô Sáu cười:
-Ổng mắc cỡ dữ lắm! Giấu quá trời đâu có nói cho ai biết!
Tới nhà Lam chị Sáu thắng xe. Lam can:
-Chạy qua nhà chị luôn cho tiện.
Chị Sáu lại gò lưng lấy trớn. Lam bỏ hai cái chưn xuống đất đẩy phụ. Chỉ đạp chưa được mười cái là dừng. Nghe tiếng thắng xe An, cô con gái út của chị Sáu, đang quét sân bèn dừng chổi ngẩng mặt lên nhìn. An nhảy tưng lên một cái, nhưng không phải mừng má mình mà mừng Lam:
-Cô Ba về rồi! Hổm rày con trông cô quá trời! Trong bụng cứ nghi cô bị bắt cóc mà không dám nói! Tối nào đốt nhang con cũng cầu xin trời phật phù hộ cho cô.
Lam cười:
-Cô xin lỗi nghe! Cám ơn con hổm rày tưới rau giùm.
An cười:
-Có gì đâu cô!
Lam nhảy xuống đất. Cô cầm lại cái ghi đông từ tay chị Sáu rồi leo lên yên, nhấn bàn đạp đánh một đường cong để cho xe quay đầu lại.
Con An gọi vói theo:
-Có trái đu đủ hườm hườm rồi đó, cô nhớ hái đem dú nghe!
Lam quay lại cười và gật đầu, rồi đạp một cái vù.
Đúng như lời cô Sáu nói, tiếng điện thoại từ trong nhà đang réo sôi, réo sục. Lam không kịp đá cây chống xuống. Cô dựng thí mạng chiếc xe vô hàng rào, móc chìa khóa ra mở cửa cổng. Cũng không kịp đóng cổng lại, lật đật mở cửa nhà rồi chạy ào vô chụp liền cái điện thoại:
-A lô!
Tiếng reo thảng thốt của Đông từ đầu dây bên kia:
-Cô!
Lam vừa nói vừa thở gấp:
-Cô xin lỗi!
Đông hỏi, giọng hơi rung:
-Cô có sao không?
Lam đáp:
-Cô không sao! Cô về thăm bà dì với ăn đám giỗ bà cố mà quên cho Đông hay! Chắc ngày nào Đông cũng gọi cho cô hết hả?
Đông không muốn Lam ngại nên nói dối:
-Đâu có! Em mới vừa gọi cho cô thôi!
Lam hỏi lại:
-Vậy sao Đông hỏi cô có sao không?
Đông đáp:
-Tại em nghe cô thở hổn hển như đang bị ai đuổi chạy vắt giò lên cổ vậy.
Lam cười:
-Cô nghe tiếng chuông reo từ ngoài cổng, cho nên…
Đông hỏi tiếp:
-Dì cô bị gì mà cô về thăm vậy?
Lam nói:
-Thật ra cô về ăn giỗ, định đi trong ngày rồi về liền. Nào ngờ dì cô leo cây me bị té lọi tay nên phải ở lại săn sóc, tại dĩ cũng làm lính phòng không như cô vậy!
Đông ngạc nhiên:
-Dì của cô chắc cũng phải tròm trèm bảy mươi, vậy mà còn trèo cây nổi sao?
Lam cười:
-Đâu mà có! Dì Út cô còn nhỏ hơn cô tới năm ngày tuổi lận! Dĩ còn khỏe lắm! Đừng có nói leo cây me, mấy năm trước dĩ còn leo cây dừa nữa đó!
Đông hỏi:
-Cô có biết leo cây hông cô?
Lam đáp:
-Ở xóm cô con nít đứa nào cũng biết leo cây hết ráo!
Đông hỏi:
-Vậy sao? Bộ người lớn không rầy, không coi chừng hả?
Lam cười:
-Coi chừng sao xuể. Với lại cũng không nỡ cấm.
Đông ngạc nhiên:
-Sao vậy?
Lam giải thích:
-Đông hổng biết chớ, không có gì thú vị hơn là trèo cây, hái trái rồi ngồi ăn tại chỗ.
Đông cười ra tiếng, Lam hỏi:
-Cười cái gì?
Đông vẫn còn cười, đáp:
-Tưởng tượng cái cảnh cô trèo cây em thấy vui vui. Bộ cô thích trèo cây lắm hả?
Lam gật đầu, rồi nói:
-Con nít nhà quê đứa nào mà không thích? Những ngày nghĩ hè cô ở ngoài vườn nhiều hơn trong nhà. Cô với mấy đứa bạn hay rủ nhau leo cây. Tụi cô còn thi đua với nhau. Đứa nào cũng ráng trèo lên cao nhứt, ngồi chễm chệ ăn rồi liệng vỏ, phun hột xuống đầu mấy đứa kia.
Đông hỏi:
-Cô có bị té chưa?
-Té rồi!
-Té cây gì?
-Cây ổi!
-Có sao không?
-Lọi tay! Ba cô đốn cái cây đó luôn! Ông tuyên bố một câu xanh rờn, cô mà còn leo là ổng đốn hết vườn, không chừa lại một cái cây nào. Từ đó cô giải nghệ luôn!
Đông hỏi:
-Cô còn thích leo cây không?
Lam lại gật đầu theo thói quen. Đông lập lại câu hỏi. Lam lại nhớ ra, lại cười, lại đáp:
-Còn chớ sao không? Cô thích cái cảm giác ngồi trên cây ngó ông trời lắm! Hồi ba cô còn sống, lúc ổng vắng nhà cô có leo một vài lần. Từ khi ba cô mất cô hết dám leo nữa.
Đông ngạc nhiên:
-Sao vậy? Đáng lẽ ngược lại mới đúng!
Lam giải thích:
-Cô sợ ba thấy cô còn trèo cây nên cứ quanh quẩn coi chừng, không yên bụng đi đầu thai.
Đông ngậm ngùi:
-Có ba thích quá!
Lam chợt nhớ ra nên hỏi:
-Ba Đông mất lúc Đông mấy tuổi ?
Đông đáp:
-Mười một tuổi! Em còn nhớ lúc đó mình vừa đậu đệ thất. Em trông ba về để khoe, nào ngờ!
Đông nói tiếp:
-Ba chưa kịp đánh em một roi nào, chưa kịp rầy em một câu nào để em giận, em ghét. Cho nên…
Lam nói đùa để ngăn giọt nước mắt sắp trào:
-Mai mốt cô sẽ rầy Đông, sẽ đánh Đông để khi cô chết Đông không phải buồn nghe!
Đông cười gượng gạo, đáp:
-Ai cho cô chết đâu mà đòi!
Lam hỏi :
-Chắc mẹ Đông thương Đông nhiều nhứt hả?
Đông đáp, giọng buồn hiu:
-Không còn nhứt nữa rồi!
Rồi nói thêm:
-Bây giờ em với mẹ còn không liên lạc với nhau.
Lam ngạc nhiên:
-Sao vậy? Cô thấy thường thường khi xa nhau ta hay nghĩ tốt về nhau và thương nhau nhiều gấp đôi. Đông thương mẹ đến nổi không ưa ông cha dượng nữa mà!
Đông thở dài:
-Tại mẹ gom hết tình lẫn tiền của em gửi về cho ổng nên em mới...
Rồi Đông thở dài:
-Đồng tiền là loại thuốc tẩy cực mạnh làm phai mờ các thứ nhanh chóng, kể cả tình cảm cô ơi! Em thấy thương cho mấy người mang cái họ Việt kiều nhiều lắm! Một phần vì thương gia đình, một phần vì tính sĩ diện nên một số người, trong đó có em, tự biến mình thành bò sữa, bị vắt tơi bời…
Lam chép miệng :
-Nói thiệt với Đông, nhà cô không có ai là Việt kiều, nhưng cô vẫn mang ơn những người con xa xứ như Đông lắm! Nhờ có họ mà kinh tế nước nhà mới có điều kiện để phát triển, chớ hông thôi…
Rồi hỏi tiếp:
-Bây giờ mẹ Đông vẫn khỏe hả? Vẫn ở chỗ cũ hả Đông?
Đông đáp:
-Em đem mẹ, ông tía dượng và hai thằng em một mẹ khác cha qua đây rồi. Bởi vậy nên mới va chạm đến tóe lửa, nên mới ra nông nổi…
Rồi Đông tâm sự:
-Em đâu cần gì nhiều, chỉ mong mẹ vẫn là mẹ của em như ngày xưa. Thế nhưng mẹ đã hoàn toàn thay đổi. Mẹ làm cho em thất vọng quá!
Lam an ủi:
-Thôi! Đông đừng buồn nữa! Hãy tha thứ cho mẹ để sống một cách thoải mái! Đừng làm mất mẹ rồi mất luôn niềm vui trong cuộc sống.
Đông thở dài:
-Nói thì dễ nhưng làm thì khó lắm cô ơi!
Lam cười buồn:
-Hồi đó có nhiều lần cô giận má mình ghê lắm! Cô đã nói nhiều câu làm má đau lòng. Đến chừng má mất rồi chính những lời nói đó gậm nhấm trái tim cô mỗi ngày. Thậm chí cô nằm chiêm bao thấy má nói má đã tha thứ cho cô. Cô tin rằng má biết cô bị dằn vặt nên hiện về báo mộng.
Lam dừng lại thở dài rồi tiếp:
-Cho dù không mơ thấy, cô vẫn biết má đã tha thứ cho cô, bởi có cha mẹ nào mà không tha thứ cho con cái. Thế nhưng cô vẫn chẳng thể nào thôi ray rức. Cô rất muốn đánh đổi quảng thời gian còn lại nầy để được nói với má một câu: “Con thương má lắm! Xin má tha lỗi cho con!”
Đông thở dài:
-Em biết rằng khi mẹ qua đời em sẽ đau khổ vô cùng. Thế nhưng…
Lam nói:
-Ráng đi Đông! Hãy tha thứ cho mẹ khi còn kịp. Hãy khai thông dòng chảy tình cảm của Đông với mẹ, hãy nói với mẹ những lời thương yêu mà Đông còn giấu tận đáy lòng. Tất cả những gì Đông có hiện nay mẹ đều có đóng góp, kể cả lòng hờn giận mà Đông dành cho mẹ.
Lam nói với Đông mà như nói với chính mình.
Cô nuốt nỗi ngậm ngùi xuống rồi tiếp:
-Dù vô tình nhưng cô cũng là một trong những người đã làm cho Đông đau khổ. Đông chẳng những tha thứ mà còn dành cho cô rất nhiều thiện ý nữa! Mẹ của Đông xứng đáng được hưởng điều đó gấp ngàn lần cô mà! Đông hãy nghĩ đến cô để xí xóa và thương mẹ nhiều hơn!
Đông xúc động, nói:
-Em cám ơn cô rất nhiều! Em hứa ráng làm theo lời khuyên của cô! Em vô cùng hãnh diện vì được làm học trò của cô. Cô tốt lắm, cô có biết không?
Lời khen được thốt lên một cách hết sức chân thành của Đông làm Lam nghe chua xót. Mới mấy bữa trước dì Út cũng khuyên Lam những câu tương tự và Lam đã trả lời dì như thế nào?
Lam nhớ lại cái câu danh ngôn mà ngày xưa cô rất bực bội khi nghe “Hãy làm những gì tôi nói, đừng làm những gì tôi làm”. Thuở ấy Lam cho rằng người thốt lên câu đó, chẳng những là kẻ đạo đức giả mà còn trơ trẽn nữa. Bây giờ Lam đã hiểu, con đường từ “muốn” đến “thực hiện” xa xôi lắm! Có khi đi hết đời người cũng chưa đến được.
Lam tự hỏi tại sao tất cả các việc tốt cho dù hết sức đơn giản lại khiến người ta ngán ngược đến độ bó tay thúc thủ. Trong khi những điều xấu thì lại hấp dẫn cho tới nổi không thể cưỡng lại được.
Ngày xưa khi thấy mấy đứa bé chừng ba bốn tuổi, quỳ bên chân giường cầu nguyện:
-”Lạy chúa, xin giúp con tránh xa những cám dỗ”
Lam đã cười thầm, vì nghĩ:
-“Mới bây lớn thì có cái khỉ gì cám với dỗ mà tránh!”
Thế nhưng bây giờ Lam tin rằng con người ta được sinh ra cùng một lượt với nỗi cám dỗ. Cái thiện và cái ác đều được gieo mầm. Tại sao có những người mà cái đau đớn, nỗi thống khổ của người khác lại cho họ một cảm xúc gần giống như khoái lạc? Tại sao bầu vú của mẹ bị sưng tấy vì những chiếc răng sữa? Tại sao tận thẫm sâu trong tâm hồn, ta vui khi thấy người yêu ta đau khổ vì ta?
Một phút đã trôi qua, cả hai đều dùng khoảng thời gian ấy để tự vấn. Lam đang xót xa vì những điều bất thiện trong cuộc sống thì bị Đông kéo về thực tại:
-Cô còn đi nuôi bà dì của cô không?
Lam đáp vội:
-Còn chớ!
Đông nói:
-Vậy cho em xin số "xeo phôn" của cô đi!
Lam lắc đầu, cười:
-Cô đâu có xài di động!
Đông thất vọng:
-Như vậy thì làm sao em liên lạc với cô được?
Lam suy nghĩ mấy giây rồi nói:
-Để cô cho Đông cái số của bà dì. Đông có sẵn giấy, bút không để cô đọc cho ghi.
Đông lật đật:
-Cô chờ một chút… Rồi, đọc đi!
Lam căn dặn khi đọc xong một dãy chữ số cho Đông:
-Đông phải gọi về đây trước, nếu không nghe cô trả lời thì mới gọi vào cái số nầy nghe. Còn nữa, nếu nghe tiếng của người phụ nữ lạ thì phải cúp liền lập tức nghe chưa!
Rồi nhấn mạnh:
-Cúp liền đừng nói tiếng nào hết!
Đông do dự:
-Như vậy là bất lịch sự lắm đó cô!
Lam đáp, dứt khoát:
-Thây kệ! Đó là bà dì Út của cô chớ không ai khác! Đông mà trả lời là bị bả ví tới cùng liền, bị truy hỏi sát rạt hổng chừng còn bị bức tử nữa đó!
Đông cười phá lên:
-Kinh khủng tới mức đó sao?
Lam nhấn mạnh:
-Cô nói thiệt đó, không có giỡn đâu! Bà dì của cô, bả đang nôn gần chết! Bả chỉ muốn thấy cô…
Nói tới đó Lam bỗng nghẹn họng ngang xương, cô nín thinh luôn.
Đông đáp vội:
-Em biết rồi. Cô yên tâm đi!
Rồi hỏi tiếp:
-Chắc dì của cô thương cô nhiều lắm hả?
Lam gật đầu:
-Ừ!
Rồi hỏi lại, dù đã biết câu trả lời:
-Sao Đông biết?
Đông cười :
-Dễ quá mà! Cái cách dì ấy quan tâm tới cô; Cái cách dì ấy tra gạn bạn bè cô; Cái cách cô bực bội... Mấy thứ đó y hệt như em với mẹ ngày xưa.
Lam lại hỏi:
-Vậy sao?
Đông thở dài:
-Hồi đó mỗi lần thấy em đi học về mà cái mặt buồn hiu là mẹ lại hỏi: “Bộ hôm nay trả bài hổng thuộc hả? Bộ làm bài không được? Bộ bị ai ăn hiếp? Vân vân và vân vân. Mẹ đâu có biết là em ghét nghe mấy câu hỏi đó gần chết! Cho nên mấy lúc bị như vậy em phải đi lang thang không dám về nhà, để khỏi phải trả lời, khỏi phải nói dối.
Lam cười:
-Má cô cũng hỏi y chang! Thế nhưng cô lại cảm động, có khi khóc hu hu.
Đông tâm sự tiếp:
-Em ghét nhứt là mỗi lần có bạn đến nhà. Con trai con gái gì cũng vậy. Tụi nó đều bị mẹ vặn hỏi là trong lớp em học như thế nào? Được thầy, bạn nào thương? Bị ai ghét? Rồi đều gởi gắm: "Con ráng coi chừng nó giùm dì nghen! Coi lớn xác chớ nó còn khờ lắm! Làm em bị mất thớ với tụi nó quá trời!
Đông lại hỏi:
-Chắc dì cô hay làm cho cô bực mình lắm hả?
Lam gật đầu theo thói quen dù biết Đông không thấy.
Cô nói:
-Dì cô giống như cái áo len dày mo vậy đó! Giúp cô ấm áp khi trời lạnh, nhưng vẫn cảm thấy gò bó, khó thở, nhứt là khi gài kín hết mấy cái núc. Đôi khi chịu không nổi phải cởi ra.
Đông hỏi:
-Còn em thì sao hả cô? Em là cái gì? Là ai đối với cô?
Lam cười hì hì, làm thinh.
Đông nhắc:
-Em là gì của cô?
Lam nói bằng giọng cà rỡn để giảm bớt tầm quan trọng của câu hỏi:
-Em là Nguyễn Đông, là người cho cô mượn dép, là người cong lưng đạp xe chở cô trên con đường núi, là cậu học trò mà ngày xưa và cả bây giờ, làm cho cô đỏ mặt nhiều nhứt!
Hình ảnh cái lưng ốm ốm, dài dài, cùng tấm áo trắng đẫm mồ hôi của cậu học sinh trẻ măng ngày nào chợt hiện ra khiến Lam xúc động.
Lam khen Đông nhưng giọng lại bùi ngùi:
-Hồi đó Đông khỏe ghê, con đường đó dốc ơi là dốc! Cô đạp xe một mình còn mệt hộc xì dầu, vậy mà Đông chở cô chạy phom phom, không nghe than một tiếng!
Đông đáp:
-Giành giựt dữ lắm mới được chở cô, khoái muốn chết mà than cái gì? Lúc đó em ước ao chạy thẳng lên đỉnh núi, vái có cái gì làm cho em và cô bị mắc kẹt rồi ở trên đó luôn!
Rồi nói thêm :
-Phong cảnh ở đó đẹp ghê cô hén! Nhứt là vào những buổi chiều, lúc mà những đám mây rủ nhau tập trung lại trên đỉnh núi để ngủ.
Lam phụ họa:
-Không biết ai đem phượng vỉ trồng đầy trên núi, chúng trổ bông đỏ rực, đứng mút ngoài chợ, cách cả chục cây số vẫn còn thấy. Đẹp nhứt là cái cây phượng tuốt trên cao. Nhìn như thể có một người nào đang sống thêu lêu một mình trên đó, đốt lửa để sưởi ấm, để nướng khoai, để nhìn cho đỡ buồn.
Cô trầm giọng thật thấp như nói với chính mình:
-Thời gian đó sao mà vui! Mấy thầy, cô trò được ở chung, nấu cơm ăn chung, làm cái gì cũng chung. Tụi em giành hết không cho tụi cô đụng tay vô thứ gì. Cơm thì ngày nào cũng khét, mà rồi xúm nhau vét sạch trơn. Món ăn thì cứ rau sam, rau dền cơm luộc chấm nước mắm giầm hột vịt …
Đông phụ họa:
-Cái nhà tắm thì vừng bằng lá, cách nhà rất xa, hết sức bất tiện. Mỗi lần mấy cô tắm là đám đàn ông con trai tụi em kéo nhau đi lên núi.
Đông kể lể :
-Cực nhất là lúc đi lấy nước, phải leo thật cao mới có, xách được một thùng nước còn đầy về tới nhà là cả một kỳ công. Tụi em múc nước đầy thùng xong là nhảy xuống tắm! Nước lạnh đến đánh bù cạp. Hai hàm răng hết đá rồi đạp vào nhau nghe lanh canh, lập cập.
Lam rầy:
-Vậy là tụi em tắm luôn trong chỗ lấy nước nấu ăn hả?
Đông trấn an:
-Cô đừng có lo, tụi em hứng nước tuốt trên nguồn, sạch sẽ, trong lành không nhiễm chút xíu gì là ô uế! Toàn hy rô với ốc xy, không có chút cạc bon nào hết!
Lam chắc lưỡi:
-Tội nghiệp mấy em quá, phải đi lấy nước cực như vậy mà tụi cô đâu có biết. Tại tụi em cứ cản không cho phụ nữ đi theo sợ bất trắc nên mới cực như vậy. Nếu không tụi cô đã có cái kỷ niệm tắm suối để nhớ cả đời mà tụi em cũng không phải vất vả.
Đông tiếc rẻ:
-Nhóm mình ở có nửa tháng là về uổng quá! Không biết mấy cái chữ mình trao, còn ở lại hết trong đầu họ, như phong cảnh nơi ấy còn ở trong lòng mình không hả cô?
Lam nói:
-Việc đó xem ra người được hưởng lợi nhiều nhất là nhóm của mình. Vừa mở rộng tầm mắt, vừa sung sướng với cái ý nghĩ là đã làm điều tốt, vừa có thêm những kỹ niệm đẹp.
Đông tâm sự:
-Những kỹ niệm đó hết sức quý giá đối với em cô biết không? Mỗi lần cảm thấy quá cô đơn, cảm thấy nhớ quê hương là em lại đem nó ra gậm từng chút một.
Lam giải thích:
-Đó là nhờ nó phát sinh vào thời kỳ đẹp nhất, trong độ tuổi đẹp nhất. Chúng ta lại còn được làm một công việc đẹp nhất nên nó mới để lại một ấn tượng sâu, rộng đến vậy!
Đông nói:
-Vậy chớ ngày đầu ai cũng nản, có lớp, có người dạy mà không ai thèm tới học.
Lam nhắc:
-Nhờ Đông xách theo cây đàn nên đêm nào cũng ca, cũng hát, kéo mấy đứa con nít, người lớn đến đông đủ để nghe rồi dạy cho họ. Nhờ vậy mà sau đó mình khỏi phải đi năn nỉ từng người, từng nhà.
Đông nói như xót xa:
-Em thương nhứt là mấy đứa con nít ở đó. Em thấy hình như đứa nào càng nghèo thì càng giàu tình cảm. Cô có nhớ thằng Cà Thum không, cái thằng đen thui, ốm nhom mà còn sún răng nữa đó! Hôm mình đi, em thấy nó đứng núp sau cây me, nhìn theo mà nước mắt chảy ròng ròng!
Rồi rủ:
-Mai mốt em về, cô có dám ngồi sau xe đạp đi với em về thăm chỗ đó không?
Lam ghẹo:
-Có chở nổi hông mà nói!
Đông đáp một cách hài hước:
-Dư sức! Ở bên nầy hể rảnh là em đem xe ra đạp lòng vòng. Cái gì em thua xa thiên hạ chớ sức lực thì "chưa thằng nào ngán thằng nầy đâu nghe!"
Lam vừa cười khanh khách vừa nói:
-Sức khỏe là vàng bốn số chín đó! Vậy là em giàu to rồi!
Rồi ghẹo:
- Đông có thi lực sĩ đẹp không?
Đông cười hô hố:
-Nổ với cô cho vui chớ cỡ em thì ai mà cho thi!
Lam hỏi tới:
-Cái năm tỉnh mình mở cuộc thi điền kinh, Đông có tham gia không?
Đông lắc đầu:
-Em không có dự thi môn nào hết, chỉ đi cổ vũ cho thằng Tiến, thằng bạn trong xóm, ở sát bên nhà mà thôi!
-Bạn Đông thi môn gì?
Đông cười một tràng rồi đáp :
-Nó thi môn đi xe đạp chậm.
Lam hỏi:
-Có cái gì vui mà cô vừa hỏi là Đông cười một cách thích thú vậy?
Đông giải thích:
-Nhắc tới là mắc cười nôn ruột. Để em kể cho cô nghe. Lần đó mấy đứa trong xóm tụi em kéo rốc nhau đi xem để ủng hộ tinh thần cho nó. Nó thi vào đợt đầu tiên, khi người ta vừa thổi còi xuất phát, cả bọn hét vang: ”Tiến ơi! Tiến lên” Nó bèn đạp một cái ào về đích. Tới chừng đó mới nhớ ra là thi môn xe đạp chậm. Nó bị xếp hạng bét, rồi đổ thừa là tại tụi em hô “tiến lên” làm cho nó quên!
Đông hỏi:
-Lần đó cô có đi xem không?
Lam đáp:
-Cô không bao giờ đi xem những cuộc thi.
Đông ngạc nhiên:
-Sao vậy cô?
Lam giải thích:
-Cô ghét sự cạnh tranh, cô ghét mấy cuộc thi, cô ghét cái cảnh chỉ có một người vui còn cả đống người buồn.
Đông phản đối:
-Nhưng có cạnh tranh mới có tiến bộ chớ!
Lam nói:
-Đồng ý! Nhưng đó là cạnh tranh lành mạnh. Bây giờ ngày càng một tệ. Người ta dùng đủ thứ thủ đoạn để thắng cho bằng được. Mất đi tính thể thao. Có khi cổ động viên của hai đối thủ chửi lộn, đánh xáp lá cà với nhau luôn! Không ít những cuộc thi kéo theo một đống rắc rối sau đó!
Đông ngạc nhiên:
-Cô nói là cô không thích đi thi, vậy mà em nghe kể là năm nào cô cũng đại diện trường của cô đi thi văn hết!
Lam đính chính:
-Lâu lâu mới đi một lần, đâu phải năm nào cũng đi!
Đông nhấn mạnh:
-Nhưng cô có dự thi đúng không?
Lam gật đầu:
-Đúng! Nhưng lúc đó cô tuân theo sự sắp đặt của nhà trường mà thôi!
Đông nói:
-Em thì cho rằng tính cạnh tranh đã nằm trong bản năng của con người rồi. Bởi vậy mới có câu “sống là tranh đấu”, con người phải cạnh tranh để tồn tại và phát triển mà cô!
Lam hỏi lại:
-Tranh đấu với cái gì? Mấu chốt là ở đó! Đa số đều ngộ nhận, đều cho rằng con người phải tranh đấu với nhau để tồn tại. Thực ra trái đất có đủ chỗ cho mọi người, nếu không quá tham vọng, con người ta sẽ chung sống với nhau vô cùng thoải mái. Để sống ta chỉ cần không khí và nước, cùng một vài thứ rau trái có sẵn hoặc được trồng. Theo cô chữ tranh đấu ở đây có nghĩa là ta phải tranh đấu với chính bản thân mình mà thôi.
Rồi Lam nói như tâm sự:
-Đông có biết điều ấy làm cô vô cùng nhức nhối? Bao nhiêu năm đi dạy cô chưa được nhận một danh hiệu nào, bởi cô phản đối cái lối dạy chạy theo thành tích. Cô ghét nhứt cái khẩu hiệu “lập thành tích để chào mừng…”, “Thi đua chào mừng...”. Cái căn bệnh đó, đã đục ruỗng nền giáo dục của nước mình Đông có biết không?
Đông rất ngại phải phê phán những vấn đề tiêu cực, nên lật đật hỏi:
-Cô còn đạp xe trên con đường dốc đó một lần nào nữa không? Cô có về thăm lại những người ở đấy không? Cô đi một mình hay được ai chở?
Lam đáp một cách tiếc rẻ :
-Sau đợt xóa mù chữ với giúp đỡ bà con ở đó, cô đâu có dịp trở lại cái xã ấy nữa. Cũng có nhiều lần đi ngang qua, nhưng toàn là ngồi trên xe lam không hà!
Đông lại cười hì hì rồi hỏi:
-Cô còn nhớ thằng Quyến không cô?
Lam hỏi:
-Quyến nào?
Đông nhắc:
-Cái thằng có cái mục ruồi to bằng hột đậu đen ngay giữa hai đầu chưn mày, có biệt danh “Ấn Độ “ đó ! Nó có con nhỏ em tên Luyến, con nhỏ được ca tụng là hoa khôi của trường mình đấy!
Lam nói vội:
-A! Nhớ rồi, nhớ rồi! Nó bị cái gì sao?
Đông cười :
-Lần đó tụi em rủ nhau đi chơi, cả bọn chở nhau ngang qua bến xe của tỉnh mình, nó bỗng nói: ”Cô Lam của tụi mình coi vậy mà giàu dữ lắm nghe tụi bây!”. Tụi em ngạc nhiên quá hỏi lại: ”Sao mầy biết?”. Nó chỉ vô một dãy xe lam đang đậu rồi nói: “Mấy chiếc xe nầy toàn là của cổ không đó!”. Thằng Nhơn nói: “Mốc xì, cổ giàu mà chỉ sắm nổi có ba cái áo dài hay sao? Lương của cổ còn không mua nổi mấy cái bánh xe nữa chớ ở đó mà...” Thằng Quyến liền nói: “Mầy hổng thấy chiếc nào cũng có tên của cổ, chữ “Lam” bên hông đó sao?”
Lam phá ra cười. Cô hỏi:
-Bộ hồi đó tụi em hay nói lén cô lắm hả?
Đông đáp bằng giọng hãnh diện:
-Tụi em ngày nào cũng nhắc về cô. Không phải nói lén, nói xấu mà ca tụng cô hết lời. Đứa nào cũng xem cô như bảo bối của cả lớp.
Rồi hỏi:
-Chắc cô đâu có biết nhờ ai mà tụi em được cô dạy đến trọn năm phải không?”
Lam đáp:
-Cô cũng ngạc nhiên lắm! Cô là giáo viên công nhật, đâu đủ tiêu chuẩn để dạy lớp lớn! Lúc đầu họ kẹt người thì xài đỡ đã đành. Cô thấy sau đó có giáo viên dạy văn được trên bộ phái về mà cô vẫn còn dạy lớp em thì lấy làm ngạc nhiên. Có điều cô cũng mến tụi em nên đâu dám hỏi.
Đông giải thích:
-Đó là nhờ thằng Tú con ông thầy tổng giám thị đó cô. Tụi em xúi nó xin thầy cho cô ở lại. Nó năn nỉ ổng muốn gãy lưỡi, phải nhờ má nó nói vô thêm mới được đấy.
Lam cảm động quá nên giọng nói như bị nghẹt mũi:
-Vậy sao!
Rồi vừa mở miệng hỏi:
-Đông có…
Là dừng lại liền vì nghe tiếng con bé An gọi gióng giả:
-Cô Ba ơi! Cô Ba…
Lam nói nhỏ vào ống nghe:
-Chờ cô một chút nghe!
Rồi đáp lớn:
-Ơi! Cái gì đó An?
Bé An không vào nhà mà đứng ngoài đường hỏi vọng vô:
-Cô chưa đem xe đạp với cái túi đồ vô nhà. Bó bông bí của cô bị nắng táp héo queo hết rồi! Cô cũng chưa đóng cửa cổng lại nữa. Cái ổ khóa còn máng tòn teng trên cửa nè!
Thay vì chạy ra cổng, Lam lại đâm đầu vừa chạy vào toa lét vừa nói lớn:
-Con dắt xe vô giùm cô đi!
An “dạ” một tiếng thật to rồi dắt xe vào.
Ngồi trong toa lét Lam nói vọng ra:
-Khoan có về! Con vô đây cô nhờ một chút.
Lam giật nước xả cái bồn cầu, rửa tay, rửa mặt lẹ lẹ rồi chạy ra.
Bé An vừa bước vô bếp vừa hỏi:
-Chuyện gì vậy cô?
Lam cười trước rồi nhờ sau:
-Con phụ một tay, khiêng cái giá võng trong buồng ra phòng ngoài với cô.
Hai cô cháu khệ nệ, mỗi người một đầu, họ rinh cái giá võng khá nặng bằng inox ra đặt sát vách tường phía trước, nơi cái ống điện thoại đang treo tòn teng.
Bé An chỉ vô ống điện thoại, nói:
-Nó rớt kìa cô!
Lam lắc đầu, giải thích:
-Hổng phải, cô đang nói điện thoại.
An lật đật:
-Vậy con về nghen!
Rồi vừa đi vừa nói:
-Cô khỏi ra đóng cửa cổng, để con đóng rồi lòn tay vô gài cái móc, bóp ống khóa lại cho cô luôn.
Lam cuống quýt :
-Ờ! Làm giùm cô đi, cô cám ơn con.
Rồi chụp liền cái ống nghe áp lên tai, chưa kịp nói tiếng nào thì đã thấy An quay lại. Bé An thấy Lam cầm ống nghe áp sát vào tai, thì kê sát miệng vào cái tai còn bỏ không, nói nhỏ:
-Má em biểu cô đừng nấu cơm cho mắc công, một lát qua nhà em ăn, bữa nay ba em đi đồng rồi không có ở nhà đâu, cô đừng ngại .
Lam gật đầu rồi nheo một bên mắt với nó.
An vừa đi được năm bước là Lam nhớ ra nên gọi vói theo:
-Trở vô lấy bó bông bí đem về cho má con giùm cô. Nói với chỉ cho cô hùn.
An lại quày quả trở vô lấy bó bông bí rồi nhìn Lam. Lần nầy tới phiên nó cười và nheo mắt với cô.
Chờ An đi khuất, Lam nằm xuống võng rồi nói:
-A lô!
Đông hỏi liền:
-Cô đang nằm võng nghe điện thoại phải không?
Lam ngạc nhiên:
-Sao Đông biết? Cô chưa có đưa mà!
Rồi đoán:
-Nãy giờ Đông lắng tai nghe cô nói chuyện hả? Nghe lén là xấu lắm biết hông?
Đông chống chế:
-Tại em muốn biết xung quanh cô đang xảy ra chuyện gì. Cô không biết chớ mấy cái âm thanh bên lề đó luôn làm em thích thú, tưởng như đang có mặt ở Việt Nam mình, đang đứng đâu đó rất gần cô.
Lam ghẹo:
-Không ngờ Đông là đàn ông mà cũng khoái hóng chuyện như phụ nữ!
Đông cười:
-Đàn ông nhiều chuyện còn gấp mấy lần phụ nữ nữa đó! Cô thấy mấy cái quán nhậu luôn ồn ào không? Họ rủ nhau nhậu đâu phải vì ghiền rượu mà tại ghiền nói chuyện đó thôi!
Rồi Đông tâm sự:
-Cô biết không! Nhà em ở ngay mặt tiền, má em mở quán bán cà phê. Mỗi lần em và má điện đàm với nhau, tiếng rao, tiếng mấy người khách nói chuyện, tiếng muỗng khuấy lanh canh luôn xen vào và làm em vô cùng xúc động. Chúng cho em cái cảm giác như mình đang ở trong nhà. Mấy âm thanh rời rạc, mấy câu chuyện tầm phào ấy cho em hưởng cái mùi vị của quê hương còn nhiều hơn những câu chuyện của má nữa!
Lam hỏi:
-Chắc Đông tốn tiền điện thoại nhiều lắm hả?
Đông không trả lời mà hỏi:
-Hồi nãy cô định hỏi em cái gì đó? Em mới nghe được hai tiếng “Đông có...” thôi hà!
Mất mấy giây Lam mới nhớ ra, cô đáp:
-Cô định hỏi Đông có đi du lịch nhiều hông? Đi những nước nào rồi?
Đông đáp:
-Em làm sặc máu, thì giờ đâu mà đi chơi hả cô?
Lam ngạc nhiên:
-Vậy Đông xài mấy ngày phép thường niên vào việc gì?
Đông đáp:
-Em đi hái trái cây cho các nông trang, vừa kiếm tiền vừa có cơ hội nói tiếng Việt cho đỡ thèm.
Lam hỏi:
-Bộ mấy người chủ nông trại là người Việt mình hả?
-Họ là người Úc!
Rồi giải thích :
-Họ thuê sinh viên đến hái trái cây. Các du học sinh, nhứt là dân châu Á đến Úc du học nhiều lắm! Sinh viên Việt Nam mình cũng có nữa. Tụi nó nghĩ hè là đến mấy cái “pham” làm thêm để kiếm tiền.
Đông khoe:
-Nhờ vậy mà em có được một người bạn vong niên cũng là dân An giang mình. Trời ơi! Nhớ lại em còn vui đây nè! Cái lần đó em đi hái kiwi, gặp một cậu sinh viên mặt mày hiền khô, nói giọng miền Tây còn xưng là người Châu đốc. Em mừng còn hơn trúng số độc đắc nữa! Thế là mời cậu ta về nhà. Cậu ấy ở chung với em cho đến hết mùa kiwi mới đi. Em có kể chuyện của mình cho Hưng, tên cậu ấy, nghe. Hưng hứa khi về nước sẽ tìm cách liên lạc với cô, hoặc ít nhứt cũng hỏi thăm tin tức của cô rồi cho em biết. Em tưởng y nói chơi, ai dè đâu tuần trước Hưng gọi điện rồi cho em số của cô đó!
Lam khen:
-Cậu ta tốt quá, hứa là giữ lời. Người như vậy bây giờ hiếm lắm!
Rồi lại hỏi:
-Bộ Đông không thư từ qua lại với bạn bè trong nước hay sao?
Đông thở dài:
-Em đâu có biết địa chỉ của đứa nào. Khi má còn ở Việt Nam em có nhờ chuyển thư giùm, mà rồi im ru hổng thấy hồi âm gì hết.
Đông nín thinh độ ba mươi giây rồi hỏi:
-Lúc vừa tới đảo em có gởi cho cô một lá thư. Không dám gởi về trường sợ cô gặp rắc rối, nên kèm với cái thơ của má. Má có trả lời mà cô thì không. Em có hỏi thì má nói có đến trường mà không gặp cô, nên đưa cho người khác nhờ chuyển giùm. Khi tới Úc em cũng gởi liên tục cho cô năm, sáu lá, lần nầy lấy địa chỉ của nhà trường. Cô có nhận được không?
Lam đáp:
-Chắc lúc đó cô mắc đi học bổ túc nghiệp vụ rồi, nên không nhận được!
Đông chặc lưỡi:
-Hèn gì mà bặt vô âm tính!
Đông ca tụng Hưng thêm:
-Cũng may trời phật thương tình, xui khiến cho em gặp cậu bạn nhỏ nầy. Cái anh chàng Hưng nầy vừa có tài lại vừa có cái tâm nữa. Cậu ta học giỏi lắm, được ở lại Úc mà nhứt định về nước.
Lam hỏi:
-Bộ học giỏi là được ở lại làm dân Úc luôn hả?
Đông đáp:
-Chớ sao! Bởi vậy học sinh châu Á, nhứt là người Việt mình, đến Úc du học nhiều lắm!
Lam chắc lưỡi:
-Họ khôn ghê, mình trồng cây, chăm bón cho đã tới chừng có trái cái họ hái, mà lựa trái ngon nhứt mới ác!
Đông thở dài :
-Ai biểu nước mình không biết cách thu hút rồi giữ nhân tài ở lại làm chi!
Lam nói như tâm sự:
-Nghĩ đến tương lai nước mình sao cô rầu quá! Nhân tài xuất khẩu hết rồi, mai mốt lấy ai để…
Đông đùa:
-Lo gì? Còn cô ở lại mà! Cô ráng giúp em giữ giùm cái chữ S đó còn nguyên nghe!
Lam làm bộ giận:
-Đông nói móc cô đó hả? Cô giữ cái nhà mình còn hổng xong nữa đây. Ba cái trái cây cứ bị bẻ trộm hoài.
Đông hỏi :
-Bộ xóm cô dân bê bối nhiều lắm sao?
Lam giải thích:
-Xóm cô ai cũng hiền khô hà! Tại cái vị trí nhà cô bất tiện.
Đông hỏi tới :
-Vị trí ra sao mà bất tiện?
Lam đáp:
-Nhà cô, cái phía giáp ranh với nhà con bé An khi nãy thì rất an toàn. Phía bên kia giáp ranh với một con đường nhỏ. Con đường nầy vắng lắm, cả ngày chỉ có đôi ba người qua lại. Mấy cây xoài, vú sữa cứ thò tay, chui đầu ra ngoài hàng rào hoài hà! Tụi nó ghẹo con mắt của người ta, họ không hái cũng uổng!
Đông hỏi:
-Vườn nhà cô có lớn không? Cô trồng được bao nhiêu thứ trái cây?
Lam kể:
-Vườn nhà cô nhỏ xíu như cái túi áo hà! Cô trồng … coi đâu…: Một cây xoài; một cây vú sữa; một cây ổi; một cây mận; một cây cóc… hết!
Đông thích thú:
-Nghe cô kể mà em chảy nước miếng, nôn về muốn chết! Em thèm xoài quá! Bên mình hình như đang là mùa xoài phải không cô?
Lam đáp:
-Ba cái trái cây bây giờ trổ lộn xộn lắm! Xoài nhà cô thì chưa có bông mà nhà của dì cô thì trái to bằng cườm tay rồi. Bây giờ người ta áp dụng mấy cái phương pháp gì đó! Nên bắt chúng trổ trái mùa để bán cho có giá! Cho nên đi chợ lúc nào cũng thấy xoài.
Rồi hỏi:
-Bộ bên đó không có nhập trái cây của xứ mình sao?
Đông đáp:
-Em cũng không biết! Từ ngày qua đây em chưa dám mua xoài ăn. Trái cây của đông nam á được ưa chuộng nhứt nên họ bán mắc lắm! Nhà cô trồng xoài gì vậy?
Lam đáp:
-Cát Hòa Lộc. Cô lựa giống ngon nhứt rồi trồng mỗi thứ một cây?
Rồi khoe một cách rất vô tình:
-Cô chịu khó đi tìm cho được mấy thứ giống thuộc loại "siêu sao" không đó nghe! Vú sữa của cô là “Vú sữa lò rèn” đó! Vỏ mỏng, căng bóng hà, ngọt thôi là ngọt, trái nào cũng to, cũng…
Tiếng cười của Đông làm Lam giật mình nên tốp lại liền, rồi nạt:
-Đông nghĩ bậy phải hông?
Đông chối:
-Em có nói gì đâu mà cô…
Lam gắt:
-Cần gì nói, nghe cười là cô biết liền.
Đông cãi:
-Em cười vì thích thú khi nghĩ đến lúc được ăn mấy thứ trái cây thân thuộc ấy! Bộ như vậy cũng có tội nữa sao? Cũng bậy bạ sao?
Lam khăng khăng:
-Cái tiếng cười nầy nghe ma giáo lắm! Không có chính nghĩa chút nào?
Đông cười rộn rã hơn rồi nói:
-Vậy thì cô dạy em đi! Cười cách nào cho đúng “luật” của cô đây?
Lam nghẹn họng, không đáp được tới một tiếng.
Đông nói bằng giọng an ủi:
-Cô yên tâm đi! Em sẽ về sớm sớm để dựng cho cô một cái hàng rào, vừa cao vừa kín, để không ai có thể thò tay vào hái bất cứ cái thứ gì. Nhứt là mấy trái vú sữa quý báu của cô!
Chờ một lát không nghe Lam nói câu gì, Đông đoán chắc tại mình nhắc đến trái vú sữa nên Lam lại mắc cỡ, bèn lập tức đổi liền đề tài:
Chàng hỏi:
-Bữa nay cô được mời ăn cơm, khỏi nấu phải không?
Lam chặc lưỡi:
-Lại nghe lén nữa. Đã vậy còn không biết xấu hổ mà nói bô bô.
Đông cà rỡn:
-Im ru hoài, đặng mai mốt ngậm hờn nơi chín suối sao?
Lam hỏi:
-Đông còn nghe được cái gì nữa không? Còn đoán được cái gì nữa không? Nói hết ra đây cho cô nghe thử coi có trúng hay không?
Đông nói bằng giọng nghiêm túc:
-Cô nghe kể nè! Ban nãy đang trên đường về. Cô đạp xe rất nhanh bởi nóng ruột vì biết có người đang chờ ở nhà. Cô chạy ngang qua cái thúng bông bí để trên cái sạp tre, hoặc cái ghế đẩu lật ngửa đưa bốn cẳng lên trời đặt sát bên đường. Cạnh đó có hai đứa con gái ngồi chồm hổm dưới đất, chúng vừa chơi chuyền chuyền vừa chờ người mua. Cô chạy qua rồi ngoái lại nhìn, phân vân giữa nồi canh bông bí và tiếng reng reng. Những cái bông vàng tươi, sương bám long lanh đầy má đó cũng đang nhìn lại. Cô bèn quay đầu xe, trở lại để mua một bó. Hai đứa bé ấy liền dừng cuộc chơi. Một đứa mời: "Cô mua giùm em đi cô! Bông bí mới hái ngọt lắm!". Cô cười và gật đầu với nó. Cô chọn một bó nằm trên cùng vì không một cái bông nào bị giập. Cô móc tiền ra đưa cho con bé mời mình mà không thèm hỏi giá. Cô bé ấy lại năn nỉ cô lấy thêm một bó nữa vì nó không có tiền thối. Cô gấp nên không kèo nài, lấy luôn một bó nữa mà không thèm lựa. Con bé đó bỏ tiền vô túi rồi cười với bạn nó. Cô lật đật leo lên xe, đạp vù vù, nhanh gấp đôi lúc nãy để bù lại thời gian đã mất. Vừa đến nhà, ngay từ ngoài đường cô đã nghe tiếng chông điện thoại réo tưng bừng. Thế là cô lật đặt vừa bóp thắng tay, vừa rà cả hai chưn cho cái xe đứng sửng lại. Cô nhảy xuống đất, không thèm dựng chống đàng hoàng mà xô sắp chiếc xe vô hàng rào, móc túi lấy chùm chìa khóa, mở cổng, treo cái ổ khóa còn dính cả chùm chìa khóa tòn teng đó vô thanh ngang của cái cổng rồi ba chân bốn cẳng chạy vô nhà. Cửa khóa! Cô lại chạy ra rút chùm chìa khóa, quýnh quíu mở cửa…rồi chạy vắt giò đến chỗ đặt điện thoại, vừa thở hổn hển, vừa cầm cái điện thoại lên “a lô”.
Lam cười thiếu điều rớt xuống đất.
Cô ráng dằn lại rồi nói:
-Hai mươi trên hai mươi!
Đông hỏi:
-Là cái gì?
Lam đáp:
-Chấm điểm cái bài tường thuật của Đông đó! Quá hay! Quá xuất sắc, tiếc rằng không đúng. Không đúng một chút xíu nào hết!
Đông nói:
-Không tin.
Lam cười:
-Đó là cái bài văn nói về một cô gái chừng mười bảy, mười tám tuổi mà Đông biết chớ không phải nói về cô. Cái cô gái rất trẻ, rất bồng bột, rất sôi nổi đó, chắc đang ươm biết bao mơ mộng. Cho nên đối với cô ta tình yêu là cái hột vịt lộn nóng hổi, phải ăn liền vì cô ta đang đói. Còn đối với một cô giáo đã về hưu như cô…
Đông chặn ngang:
-Đối với loài người, tình yêu luôn hấp dẫn như cái hột vịt lộn nóng hổi. Cho dù họ là đàn ông hay đàn bà, ở độ tuổi nào, làm công việc gì!
Lam chặc lưỡi:
-Sự thật là sáng nay cô dậy rất sớm, bưng cái thúng đi hái bông bí. Ở góc vườn, bà dì cô có trồng một khoảnh bí rợ, diện tích độ bốn chiếc chiếu nối lại. Đang hái thì dì cô gọi vô ăn sáng. Cô ráng hái cho hết rồi mới vào. Dì Út vừa cằn nhằn vừa mở nắp vung nồi cơm nếp. Dì trao cho cô một dĩa và bạn của dì một dĩa. Mỗi người bưng một dĩa cơm nếp cháy có thoa nước mắm mỡ hành đều khắp, nhai rốp rốp. Phần cơm nạt còn lại trong nồi được dì Út rắc men vào để làm cơm rượu. Ăn xong cô giành rửa chén nhưng bạn của dì cô không chịu, biểu cô đi về liền kẽo nắng, để chén đó y rửa giùm cho. Cô gặp mẹ của bé An ở bến đò, cô cho chỉ quá giang, chở nặng nên mệt, thở hổn hển…vậy thôi!
Đông lại hỏi :
-Bạn của dì cô là ai? Trai hay gái?
Lam đáp:
-Bạn bà con, đàn ông!
Đông bắt bẻ:
-Bạn là bạn, bà con là bà con. Em chưa nghe ai nói cái từ “bạn bà con” bao giờ!
Lam bèn kể sơ sơ cho Đông nghe tình trạng của Thắm và Ngươn.
Đông hỏi:
-Cho có chút xíu ý kiến, được không?
Lam nói:
-Ý kiến, ý cò gì, nói nghe thử coi!
Đông đáp:
-Coi bộ cô rất có cảm tình với người bạn nầy, rất muốn hai người xáp lại với nhau đúng không?
Lam đáp:
-Đúng!
Đông lại hỏi tiếp :
-Hiện giờ dì Út đã sinh hoạt bình thường chưa? Đã tự chăm sóc được chưa? Cô có cho là sự có mặt của mình còn thật sự cần thiết nữa không?
Lam đáp:
-Cũng tàm tạm.
Đông nói thẳng thừng :
-Vậy muốn tạo cơ hội cho họ chung sống với nhau, cách tốt nhứt là cô đừng qua bên đó nữa. Cô không thấy mình đang làm con kỳ đà hay sao?
Lam đáp:
-Cô biết! Nhưng cô không qua là dì Út giận lắm! Rủi ai đến nhà thấy chỉ có hai người thì dĩ bị mang tiếng chết. Tại Đông không biết chớ lòng tự ái của dĩ cao như núi vậy!
Đông nói:
-Phải hy sinh mọi thứ để đến với nhau, kể cả tự ái thì hạnh phúc mới có giá trị. Họ đã hy sinh tuổi xuân để chờ nhau. Qua dịp nầy chắc họ thấy không thể sống thiếu nhau. Bây giờ điều ngăn cản duy nhứt chính là dư luận. Cô đang đại diện cho dư luận đó, cô biết không?
Rồi Đông trầm giọng:
-Ước gì khi về Việt Nam chỉ gặp một mình cô!
Lam nói bằng giọng nửa đùa nửa thật:
-Có khi nào Đông về đây, gặp hết mọi người trừ cô không?
Đông làm thinh rất lâu rồi mới nói, giọng nhẹ như hơi thở:
-Như vậy là ác lắm! Cô biết không?
Niềm vui, nỗi buồn cùng cái đau hết sức êm ái, xuất hiện cùng lúc khiến Lam nghẹn ngào. Lam chưa kịp nói câu gì đã nghe tiếng bé An gọi to ngoài cổng:
-Cô Ba ơi! Cơm.
Đông nói:
-Cô đi ăn cơm đi! Nhớ ăn thật nhiều bông bí giùm em luôn thể.
Lam đặt ống nghe lên giá treo, lòng ray rức, nặng nề vì vô tình làm Đông buồn.
Lam lấy cái áo khoác có cả nón, tay rất dài mặc vào. Để chui lỗ chó cho tiện, cô không đội nón lá mà kéo cái nón dính liền vào áo lên che cả đầu lẫn mặt.
Bé An vốn rất mến Lam, bởi thường được cô góp ý trong những bài văn nên không chịu về liền mà đứng ngoài cổng để đợi. Lòng nó vui vui khi liên kết những hồi chuông điện thoại, bó bông bí héo, bàn tay chụp ống nghe vội vả của Lam với một nhân dáng mờ nhạt mà nó nhất định phải là một người đàn ông.
Mười lăm phút sau nó nghe tiếng má nó gọi từ sau lưng:
-Cô Ba qua rồi! Mầy làm cái gì mà đứng như trời trồng vậy?
Nó ba chưn bốn cẳng chạy về, thấy Lam đang ngồi đàng hoàng trên chiếc chõng tre trước mâm cơm thì ngạc nhiên quá đỗi, thô lố mắt hỏi:
-Em chờ cô ngoài cổng để về một lượt cho vui. Bộ cô…
Lam gật đầu :
-Cô chun lỗ chó cho lẹ, đói bụng quá!
Cô Sáu tính chửi cho nó một chập vì cái tánh hể đi tới đâu là chà lết quết xảm tới đó, nhưng nhớ ra hôm nay ăn chay nên ráng dằn xuống.
Lam nhìn tô canh bông bí, chén tương xổi, mấy trái đậu rồng, dĩa tàu hủ muối xả chiên và hai trái ớt hiểm đỏ au nằm gọn trong mâm thì hỏi :
-Hôm nay ngày mấy vậy chị Sáu?
Cô Sáu chép miệng :
-Mười bốn! Lụi hụi mà tết tới sát sau lưng rồi đó!
Rồi hỏi Lam:
-Cô Ba ăn chay một tháng mấy ngày?
Lam trả lời với đôi chút ngượng ngập:
-Em chưa ăn ngày nào ráo trọi!
Cô Sáu ngạc nhiên:
-Sao vậy?
Lam cười, pha trò :
-Em tội lỗi đầy mình, cho dù ăn chay trường cũng khó mà thành phật được.
Cô Sáu quở:
-Cô đừng có nghĩ như vậy mà dội ngược. Mình ăn chay dể dằn bớt cái sân, si trong bụng xuống thôi. Hôm nào ăn chay, rủi gặp mấy cái người cà chớn, bị họ chọc giận, đáng lẽ phải chửi cho đã nư, thì mình dằn lại, lầm bầm trong miệng mà thôi! Nhờ vậy mà khỏi gây gỗ, khỏi thành lớn chuyện.
Lam chợt ngộ ra, thì ra bà con mình ăn chay vì mục tiêu thiết thực, đơn giản đến vậy sao?
Lam hỏi:
-Chị ăn chay một tháng mấy ngày?
Chị Sáu đáp :
-Tui thì ăn một tháng mười ngày. Ổng ăn bốn ngày.
Chỉ tay vào bé An, chị nói:
-Con nhỏ nầy thì hổng chừng, hổng đổi: Tháng nầy thì nó theo tui, tháng sau thì nó theo ổng, trồi sụt bất thường. Tui rầy hoài, nói ăn như vậy tội chết mà nó hổng chịu nghe!
Bé An phụng phịu:
-Ai biểu ngày chay mà má làm đồ ăn mặn quá sức ngon thì làm sao con nhịn cho được? Ăn chay mà cứ nhớ tới món mặn rồi tiếc hoài thì thà là ăn mặn cho rồi!
Cô Sáu giải thích:
-Ngày ăn chay người ta bán cá, thịt, nới hơn mọi bữa. Tui cũng không muốn ba con An ổng nghĩ là mình ăn chay nên hổng muốn cho ổng ăn ngon.
Lam bẻ đôi trái đậu rồng, chấm vô chén tương xổi nhai khơi khơi rồi khen:
-Ngon quá! Chị mua tương của ai vậy?
Cô Sáu đáp một cách hãnh diện:
-Tui mua tương của tiệm bà xẩm Xín không hà!
Con An cằn nhằn:
-Sao má hổng mua tiệm của chị Hiền? Con ghét người Tàu lắm! Họ ăn hiếp nước mình. Con hổng hề bước chưn vô tiệm đó, đối đế lắm bên chị Hiền hổng có con mới ghé mua đỡ.
Cô Sáu nạt:
-Ai quấy có người, mình không có làm như vậy được! Họ không sống nổi xứ họ mới qua đây ở đậu mình, mình phải đối đãi coi cho được. Tao đâu có phải con nít mà giận bắt quàng.
Lam hỏi:
-Bông bí héo queo, chị nấu cách nào mà ngọt vậy?
Cô Sáu đáp:
-Tại nắng chớ đâu phải để lâu mà hết chất ngọt. Tui bỏ có chút xíu bột ngọt với muối thôi. Phải nhầm ngày ăn mặn, nấu với cá lóc còn ngon dữ nữa!
Lam thở dài:
-Cá lóc thiên nhiên mới ngon, cá lóc nuôi ăn không bằng. Kẹt không có cá lóc đồng em mới mua. Đem về không dám nấu canh, chỉ làm món kho với muối xả chiên hoặc chiên tươi gầm nước mắm tỏi ớt không hà. Mấy con cá rô, cá sặc, cá trê... được nuôi cũng vậy.
Cô Sáu gật đầu:
-Tui cũng ghét mấy con cá nuôi như cô vậy! Cái thịt của nó bủn xì, tanh tanh, thà ăn tàu hủ còn ngon mà rẻ hơn! Khỏi mắc công làm.
Rồi nói:
-Ba con cá nuôi chỉ có con cá ba sa của mình là ngon nhứt, nhờ nuôi bằng bè ngâm dưới sông, lại là nước ở đầu nguồn cho nên sạch, thịt hổng tanh chút nào! Ngon như cá sông.
Lam thở dài:
-Mai mốt cá sông hết, chắc tụi mình phải xài toàn cá nuôi mà thôi! Có tanh cũng phải ráng mà ăn. Có khi ăn riết rồi hết nghe tanh, hay ghiền cái tanh của nó hổng chừng!
Cô Sáu mách nước:
-Tui có cách khử tanh hay lắm!
Lam hỏi tới:
-Cách gì chị chỉ cho em với!
Cô Sáu đáp:
-Nếu như cô xát chanh, chà muối rửa với nước gừng không xong, thì chịu khó lấy một nắm bột, xát cả bên trong, bên ngoài của nó, để một chút rồi đem rửa. Bảo đảm mùi tanh bị bột hút hết!
Bé An hỏi:
-Người ta nuôi, cho nó ăn đồ ngon, đồ bổ không hà. Con nào cũng mập ù mà tại sao tanh hơn, dở hơn mấy con cá thiên nhiên ốm đói vậy cô?
Cô Sáu giành trả lời:
-Cá ngon là nhờ nước chớ đâu phải đồ ăn. Mấy người nuôi cá, họ cho tụi nó ăn đầy đủ mà làm biếng thay nước, nên thịt nó tanh hơn mấy con cá lội tự do ngoài sông.
Thấy Lam chan canh ngập chén, cô Sáu bèn gắp miếng tàu hủ cho Lam rồi nói:
-Canh phải ăn kèm món mặn. Lua một đũa cơm, cắn một miếng tàu hủ, gắp một miếng bông bí lên nhai chung như vậy mới ngon.
Rồi quở:
-Sao cô ăn canh không vậy? Bộ mấy món kia không vừa miệng hay sao?
Lam đáp:
-Đâu có! Tàu hủ thơm xả, mặn vừa phải, còn đậu rồng chấm tương xổi ăn “bắt” lắm! Tại hổm rày nóng trong mình quá nên húp canh nhiều cho mát.
Bé An bắt lỗi :
-Mình ăn cơm chay chớ đâu có ăn mồi nhậu đâu mà cô xài chữ “bắt”.
Lam ngạc nhiên:
-Sao vậy?
Bé An chưa kịp đáp đã bị má nó rầy:
-Cô Ba lớn tuổi hơn lại học cao hơn mầy nhiều, còn làm cô giáo nữa. Cái mỏ ác còn đóng cức trâu mà bày đặt sửa lưng người lớn hả? Đồ cái con…
Lam lật đật can:
-Em không có mích lòng đâu, chị đừng lo. Em không giống như người ta! Có người sửa lưng em còn mừng muốn chết! Nhờ vậy mà mai mốt mình nói mới đúng, làm mới đúng!
Bé An phân bua:
-Tại hôm đầu tháng ăn chay, con cũng nói y như cô cái ba con ổng bắt lỗi. Ổng nói cái chữ đó là của mấy ông nhậu. Họ không khen “mồi ngon” mà nói chữ “bắt” thôi hà!
Cô Sáu thở dài đánh thượt một cái rồi nói:
-Tui bắt rầu với ba con An. Mắc cái giống gì mà ổng bắt chặt, bắt lỏng hai má con tui từng lời ăn, tiếng nói. Có cái tật tới bữa cơm là đem mấy cái chuyện không vừa mắt ra nói. Bởi vậy bữa nào trong nhà có chuyện, biết ổng bực mình là tui ráng nấu cho thiệt là ngon.
Lam ngạc nhiên:
-Chi vậy chị?
Cô Sáu cười:
-Thì tại bữa nào có món ruột, hạp khẩu là hai tía con họ, ổng với nó, cặm cụi ăn, đâu còn nhớ ba cái chuyện bao đồng để mà cằn nhằn, cử nhử nữa.
Lam lấy làm thú vị, cô nói:
-Em phải xin cái kinh nghiệm nầy của chị mới được!
Cô Sáu buông đũa, nhìn Lam trân trối:
-Bộ cô chịu lấy chồng rồi sao?
Lam cười, nói giỡn:
-Chị phải hỏi “bộ có người chịu lấy cô rồi sao?” mới đúng!
Cô Sáu chau mày:
-Cô đừng có bỏ giá thấp mình như vậy. Cô coi còn ngon cơm lắm! Chắc tại cô nghiêm quá cho nên người ta ngại, hổng ai dám mở lời. Đàn ông coi vậy mà hay lắm nghe! Họ để ý con mắt của mấy người phụ nữ, hể thấy ai có cặp mắt đẩy qua, đưa lại, liếc ngang, liếc dọc là xáp vô liền. Mấy người ngó thẳng băng với nhìn xuống đất như cô là họ ngán, biết đeo đuổi cũng hổng ăn thua nên theo làm chi cho mắc công.
Liếc nhanh Lam như để lường trước phản ứng, cô Sáu nói tiếp :
-Nói thiệt với cô, hổm rày nghe chuông điện thoại nhà cô reo tưng bừng là tui nghi lắm! Nó mà reo tới tấp như vậy thì một là cha mẹ lo cho con cái, hai là chủ nợ canh con nợ, ba là những người có tình ý với nhau . Cô thì hai bác đi theo ông bà hết rồi, cũng không mang công mắc nợ ai cho nên tui cũng hơi nghi nghi…
Con bé An hớn hở vuốt đuôi:
-Con cũng vậy đó má! Con cũng...
Cô Sáu lườm nó một cái, nó cụt hứng, nín khe. Cô Sáu giựt cái chén trong tay Lam để bới.
Lam dặn vói:
-Nửa chén thôi chị!
Bé An hỏi:
-Sao cô nói đói bụng mà ăn ít vậy?
Lam đáp:
-Cô để dành bụng đặng ăn canh.
Cô Sáu vừa đưa chén cơm đầy nhóc cho Lam, vừa hỏi:
-Thẩy ở đâu vậy cô? Còn trai hay góa vợ?
Lam xớt bớt cơm qua chén con An rồi đáp:
-Góa vợ được ba năm rồi đó chị.
Cô Sáu khen:
-Đàn ông mà để tang vợ tới ba năm, tốt quá!
Rồi hỏi tiếp:
-Hai người tự quen hay có người mai mối?
Lam đáp:
-Tự quen .
Cô Sáu chưa chịu thôi, hỏi tiếp:
-Chắc thẩy cũng đi dạy như cô hả?
Lam suy nghĩ hồi lâu, cô muốn gật đầu nhưng lại sợ sa vô cái vũng lầy nói dối. Lam thừa biết là đặt chân vào đó một lần thôi là khỏi có rút ra được nữa. Cô sẽ bị lún từ từ cho tới ngập đầu, thở hết nổi.
Cô mạnh dạn thú thật:
-Trước ba mươi y là học trò của em đó chị! Sau đó y vượt biên, sống ở Úc.
Cô Sáu hỏi:
-Chắc y tài lắm hả cô?
Lam ngạc nhiên:
-Sao chị hỏi vậy?
Cô Sáu đáp:
-Mấy người như cô mà ưng người nhỏ tuổi hơn mình thì người đó phải có cái gì thiệt là hay, thiệt là giỏi làm cho cô cảm phục. Chớ hông thôi dễ gì…
Lam cười:
-Em cũng không biết y có tài hay không nữa. Nhưng nghe y nói là y thương em từ ba chục năm về trước. Y lấy cô vợ trùng tên với em. Y nhớ từng cái áo em mặc, từng lời em nói cho nên…
Cô Sáu chắc lưỡi:
-Vậy là thương dữ lắm rồi đó cô! Y có nói chừng nào về cưới cô hông?
Lam đáp:
-Y có nói là về nhưng không nói chuyện cưới. Em cũng chưa biết mình có chịu lấy y không. Cũng chưa biết có làm đám cưới hay không nữa!
Cô Sáu rầy:
-Phải cưới chớ cô! Đừng có lo, tới chừng đó cô giao cái chuyện nấu nướng cho tui. Nhiều thì hổng dám hứa, chừng hai chục mâm trở xuống là tui dư sức qua cầu.
Lam lắc đầu :
-Em ghét phô trương, cũng ít có bạn bè. Chắc chỉ vài ba mâm thôi!
Cô Sáu gật đầu:
-Cũng được, mình đâu cần làm rình rang, chỉ cần có cái đám để lạy bàn thờ ra mắt ông bà với thông báo cho bà con biết là cô lấy chồng là được rồi.
Bé An nói:
-Cô mặc áo dài màu hồng nghe cô, đừng mặc mấy cái áo soa rê to đùng coi kỳ lắm!
Cô Sáu lại trừng mắt với An.
Cổ nhiếc nó:
-Thứ đồ con nít con nôi ăn hôi bò xít. Bộ đây là chuyện chơi hay sao mà mầy dám xen vô. Cỡ tao đây còn phải xin phép cô Ba mới dám nói nữa là...
Con bé An liền phụng phịu làm mặt giận.
Lam vội đỡ lời, nói giỡn:
-An làm dâu phụ cho cô nghe!
Bé An rút vai, le lưỡi:
-Em mới mười sáu tuổi, má còn chưa cho mặc áo dài màu mà làm dâu phụ cái gì?
Cô Sáu cười:
-Tui cũng có cái ý giống con An vậy đó! Người Việt mình có cái áo dài hết sức là đẹp, hết sức là văn minh, mặc trong ngày cưới với lạy bàn thờ coi phải thế hết sức. Mắc gì phải mặc cái bùng rền? Vừa tốn tiền mướn vừa xấu ơi là xấu! Dài quét đất mà ở nhà quê thì gà vịt chạy tùm lum, ị tùm lum…
Lam thở dài:
-Nói thiệt với chị, nghĩ tới mấy cái cảnh đó là em dội ngược. Em thích làm bạn thôi, lâu lâu y về thăm em rồi nhà ai nấy ở. Em sống một mình, làm theo ý mình quen rồi, bây giờ…Nghĩ đến chuyện phải thích nghi, điều chỉnh cho hợp ý người khác sao chưa gì em đã thấy mệt rồi.
Cô Sáu nói:
-Cô ở một mình thì khỏe rồi đó! Nhưng rủi bịnh bất tử thì khổ lắm! Một mình lập cập, ráng mò xuống bếp nấu cháo. Có khi làm hổng nổi, đâm ra tủi thân rồi bỏ lún hổng thèm ăn, hổng thèm uống thuốc, cái rồi bịnh nhẹ cũng thành nặng. Phải có người bên cạnh đặng để ý, ra vô hỏi han cho vui, cho còn khoái sống.
Thấy Lam có vẻ nao núng, cổ tấn công tiếp:
-Ông bà mình hay nói: “Chén để trong sống còn khua”. Sống chung là phải có đụng chạm. Cô đừng có lo, vợ chồng già như hai cây dao cùn vậy đó! Rủi mà cự nự thì cũng nhẹ nhàng như liếc qua liếc lại để bén đều, chớ đâu còn hơi sức mà chặt chém ào ào cho mẻ.
Rồi cô tâm sự:
-Nói thiệt với cô, ba con An đó, ổng khó vàng trời, tối ngày cứ rầy tui hoài. Nhiều khi bực bội muốn bỏ quách cho xong. Vậy mà ổng đi vắng chừng đôi ba hôm là tui thấy cái nhà nó lạnh lẽo làm sao! Được cái là ghét thì quên lẹ mà thương thì nhớ lâu, nhờ vậy mà sống với nhau cho tới bây giờ.
Rồi cổ hỏi:
-Hồi đó cô có thương y hông?
Lam lắc đầu:
-Lúc đó hồn vía em giao cho người khác giữ rồi, đâu có ngó ngàng gì đến y! Lần đầu tiên nói chuyện, y xưng tên em còn nhớ không ra. Tính gác điện thoại liền vì tưởng y quấy rối. May mà y gọi đúng cái tên “Tím” đi kèm mà mấy đứa học trò ruột gán cho. Y nhắc từng chút, từng chút…Còn nói em là một trong những lý do khiến y liều chết vượt biên.
Chị Sáu chặn hỏi:
-Chắc tại y nghĩ ở lại là suốt đời mang tiếng học trò của cô, cho nên phải ra đi đặng làm Việt kiều cho oai, cho hai người ngang cơ nhau chớ gì?
Lam thấy cô Sáu gán cho mọi sự việc toàn những ý nghĩa tích cực thì cảm động. Biết cổ quá nhiệt tình vì thương mình, sẽ quyết ví mình như ví gà vô chuồng. Nhìn gương mặt của cô Sáu, biết cổ đang mơ mộng, đang bay lơ lửng trên không trung, sợ cổ sẽ như diều đứt dây té lộn đầu, gảy cổ nên Lam đáp:
-Em không chắc là y nghĩ như vậy đâu! Thời điểm đó hể quyết định vượt biên là biết phải chấp nhận "một đi không trở lại", đâu ai dám hy vọng được về thăm lại gia đình, xứ sở. Chắc y chỉ muốn đi để quên, để gặp và thương một người khác, để tạo dựng một cuộc sống khác!
Cô sáu nằng nặc:
-Nếu như vậy thì kiếm cô làm chi?
Lam cười, lắc đầu:
-Em cũng không biết!
Rồi nói tiếp:
-Em có một cô bạn, cũng được người yêu cũ là Việt kiều hứa về cưới. Cổ mơ mộng đủ thứ vậy mà thằng cha đó về rồi âm thầm cưới vợ. Cổ bị một cú đá song phi, nằm chèm bẹp luôn. Phụ nữ cỡ tuổi em ai cũng bị loãng xương. Rủi bị đá một cái như vậy chắc em té như chuối đốn, chết không kịp ngáp.
Cô Sáu nói:
-Trăm ngàn người mới có một người tệ lậu như vậy! Thiếu gì người bụng dạ chắc cứng như cây căm xe, ngâm nước không mục. Tại cô hổng biết đó thôi!
Lam thở dài, chợt nhớ một câu nhạc: “Ứơc mơ nhiều đời đâu bấy nhiêu, vì mơ ước trắng như sương chiều…” mà nghe buồn da diết. Cô không nói gì thêm, chầm chậm nhai cho hết phần cơm trong chén rồi kẹp đôi đũa vào hai bàn tay đang chấp lại, đưa lên ngang ngực.
Bé An nãy giờ im ru, thấy Lam định xá, liền nhắc:
-Cô chưa ăn canh!
Lam lật đật để đũa xuống, múc đầy chén canh rồi tiếp tục ăn.
Cô Sáu tiu nghỉu nhìn chén tương, dĩa tàu hũ, đậu rồng còn gần phân nửa, rồi nói với con gái:
-Mầy ráng ăn tiếp má cho hết nghe An, cơm chay mà bỏ mứa là tội lắm con!
Con An xụ mặt nói:
-Ai biểu má nấu nhiều chi vậy? Cô Ba ốm nhom đâu chứa được bao nhiêu mà má múc ê hề. Ăn sạch bách chén tương với mấy miếng tàu hủ , mấy trái đậu rồng nầy, chắc con uống hết nước trong lu luôn! Chắc cái bụng con bự bành ky như cái trống rồi nổ một cái đùng luôn!
Lam nói:
-Con ăn bao nhiêu hay bấy nhiêu, đừng có ráng.
Rồi hỏi cô Sáu:
-Sao chị hổng để chiều ăn tiếp.
Cô Sáu thở dài, chán nản:
-Cái tật của tui là mời khách là làm cho nhiều sợ thiếu. Trong bếp còn hơn phân nửa lận!
Lam giải quyết cái rụp liền:
-Cái nào còn dư, chị cho em đem về. Chiều em khỏi mắc công làm đồ ăn.
Hai mẹ con cô Sáu mừng rơn.
Cô Sáu nói:
-Để tui vét cơm trong nồi cho cô luôn. Một mình cô ăn chắc nấu chưa tới nửa lon gạo. Nấu ít xịt cơm dính nồi hết! Cơm nguội ăn với tàu hủ muối xả chiên, với đậu rồng chấm tương xổi ngon lắm cô! Chiều tui lột mấy trái chuối lá xiêm chín nấu canh chua chay, rồi sai con An bưng qua cho cô một miếng.
Con An thoát nạn nên cười tủm tỉm, muốn đền ơn Lam nên nói:
-Một lát cô về con đi theo đặng thọc trái đu đủ giùm cô!
Cô Sáu nghe vậy thì hối:
-Con đi làm liền đi, lấy cái thang rồi leo lên bẻ cho nó không bị giập.
Chờ An đi xong, cô Sáu nhích lại sát bên Lam rồi nói:
-Tui coi vậy mà có cái tánh linh nghê lắm cô Ba! Từ hồi nào tới giờ tui nghi cái gì là có cái đó. Cái chuyện của cô đây, cho dù chưa biết mặt mũi, chưa nói chuyện với người đang để ý cô câu nào. Vậy mà tui tin chắc lọi là y ta thương cô thiệt sự. Không có đá cô đâu.
Lam thở dài:
-Có cái chuyện nầy còn kẹt dữ nữa. Gia đình y bây giờ cũng chẳng còn ai ở đây. Y mà về chắc chỉ ở nhà em thôi! Chưa gì hết mà nhập gia rồi, thấy trái chướng làm sao! Ban ngày hổng nói gì, tối thì…
Rồi phân bua:
-Chị thấy đó, nhà em cái gì cũng có một: Một cái giường, một cái võng, một cái tủ, một cái bàn, ghế thì được bốn cái. Hổng lẽ em nhường cái giường cho y rồi ra võng ngủ. Hổng lẽ…
Cô Sáu ngắt ngang:
-Thì cô qua đây ngủ với con An. Một mình nó mà nằm cái giường bự bành ky, bề ngang tới một thước sáu thì xài đâu có hết.
Rồi cổ xuống giọng nhỏ xíu:
-Cô cứ tính như mình đang chơi bài cào têm vậy đó. Bây giờ bài trên tay mình đang bù trớt, hổng có một núc nào. Cô têm đại biết đâu được chín núc, hoặc bét lắm cũng có cái để đếm với người ta cho đỡ ghiền!
(Xem tiếp CHƯƠNG SÁU)