GIÓ ĐÔNG - Truyện dài Lâm Du-Yên
Lâm Du Yên 28.09.2019 13:01:03 (permalink)
GIÓ ĐÔNG
Tryện dài Lâm Du-Yên
 
 
CHƯƠNG MỘT

Tiếng gió nghiến răng khi ép sát rạt để lách qua khe cửa, cùng lúc với tiếng điện thoại reo một cách hối hả khiến Lam giựt mình. Cô lật đật tốc mền ngồi dậy chui ra khỏi mùng. Gió lập tức thoa lên hai cánh tay trần, mặt và cổ Lam một luồng khí lạnh buốt. Cô định lấy cái áo khoác máng sau cánh cửa để mặc vào. Tiếng điện thoại reo không ngừng ngăn Lam lại, cô có linh cảm, người ở đầu dây bên kia đang rất sốt ruột.
Khuya lắm rồi! Lam ngại tiếng reo lồng lộng kia sẽ đánh thức cái chòm nhà nhỏ, vốn hết sức yên tịnh ngay cả ban ngày nầy nên chạy vội ra phòng khách, chụp cái ống nghe thật nhanh rồi nói nhỏ:
-A lô!
Giọng rất lạ của một người đàn ông:
-Xin lỗi! Số điện thoại này có phải của cô giáo Lam?
Lam đáp:
-Dạ đúng! Tôi là Lam đây!
Lam nghe một hơi thở nhẹ nhỏm hắt ra cùng lời cảm thán:
-Cám ơn trời phật!
Lam hỏi:
-Xin lỗi…
Chưa kịp thêm mấy chữ “ông là ai?” thì một câu hỏi nữa cắt ngang:
-Cô vẫn còn đi dạy hả cô? Cô có mạnh giỏi không cô?
Rồi như muốn chọc cho Lam bực, y hỏi tiếp:
-Cô đã lập gia đình chưa?
Lam tự nhủ thầm trong bụng:”Cái thằng cha gì đâu mà bất lịch sự hết chỗ nói! Không chịu xưng tên mà cắm đầu, cắm cổ hỏi một lèo”.
Cô không thèm đáp, hỏi lại bằng hai chữ cộc lốc:
-Ai vậy?
Y ta như chợt nhớ ra, rối rít:
-Em là Đông nè!
Lam ngạc nhiên, xóc tung bộ nhớ lên cũng không thấy cái mặt của tên Đông nầy nằm ở chỗ nào!
-Chắc cô không nhớ ra em phải không?
Câu hỏi như trách đó khiến Lam phải nói dóc:
-Xin lỗi nghe! Tôi đang bị bịnh quên, tên ba má mình có khi còn không nhớ.
-Trời ơi! Vậy sao? Cái bịnh đó nguy hiểm lắm! Chắc em phải về thăm lẹ lẹ để nhắc cô nhớ lại mới được.
Câu nói mang đầy vẻ lo lắng ấy khiến Lam hối hận, cô hỏi:
-Ở đâu mà “về”?
-Em ở Úc .
-Vậy là Việt kiều hả? Đi hồi nào vậy?
-Dạ! Cái lần em rủ mà cô không chịu đi đó, em đi lọt lót luôn!
“Xạo thấy bà cố! Có thằng cha nào rủ mình vượt biên đâu nè! Đã vậy còn xưng em, làm như y ta là học trò của mình vậy. Học trò thì làm sao dám rủ cô giáo làm cái việc phạm pháp đó chớ? Chắc mình đang là nạn nhân của mấy cái chuyện khuấy rối rồi!” Lam nghĩ thầm trong bụng.
Cô không muốn tiếp chuyện nữa, sẵn buồn ngáp, Lam không thèm đưa điện thoại ra thật xa mà kê sát miệng vô cái ống nghe, ngáp một cái muốn trẹo quai hàm rồi nói:
-Xin lỗi! Lộn số, lộn người rồi! Thôi…
Như hiểu được sự nghi ngờ của Lam, người tên Đông kia hấp tấp:
-Khoan khoan đừng cúp máy! Cô đúng là cô Lam “ tím” của em chớ không ai khác.
Chữ “tím” mà y ta vừa thốt lên, khiến ống điện thoại dừng lại giữa chừng khi cách cái giá treo chừng một gang tay. Nó khẳng định rằng y ta nếu không phải là học trò ruột của Lam, thì cũng chẳng phải là cái tên bá vơ, bá láp nào. Bởi chữ “tím” đó, là biệt danh do nhóm học trò hết sức thân thuộc dành riêng cho cô.
Năm ấy vừa đậu tú tài hai xong, Lam xin đi dạy ngay. Thời chiến tranh nên hầu hết nhân lực đều tập trung cho quân đội. Tụi học trò thỉnh thoảng lại được nghĩ học giữa buổi bởi khi thì do ông thầy trẻ bị điều ra mặt trận, khi thì cô giáo nghỉ bệnh hoặc hộ sản…
Do nhu cầu cấp thiết nên bộ giáo dục cho phép nhà trường ký hợp đồng với những người không học qua cao đẳng hoặc đại học sư phạm. Họ chỉ cần có tú tài đôi là được nhận vào dạy. Những giáo viên nầy thường phụ trách các môn hệ số thấp như giáo dục công dân, sử địa...
Lúc còn là học sinh, năm nào Lam cũng được lãnh thưởng. Cô lại liên tục giữ “chức” trưởng ban báo chí từ đệ thất đến đệ nhứt. Cô được nhà trường gửi đi thi, khi có những cuộc thi văn trên toàn quốc. Vậy nên ngoài mấy môn gạo bài, Lam còn được phân công dạy văn, mà dạy mấy cái lớp đệ nhị cấp mới ác!
Ngay khi được ký hợp đồng với một ngôi trường trong tỉnh, Lam đã đi chợ mua mấy xấp vải cùng một tông màu tím với sắc độ đậm, nhạt khác nhau, để may áo dài. Cái tên “tím” ấy, do mấy đứa học trò lớp lớn tung ra, đã đeo dính cô ngay từ tuần lễ đầu tiên đi dạy.
Không biết nhờ gương mặt dễ coi, giọng nói truyền cảm, hay do vì tận tụy với nghề mà Lam được tụi học trò quý mến. Lam hay đem thơ văn trộn vào các bài giảng để học trò dễ tiếp thu. Cô cố khai thác các vẻ đẹp trong câu chữ, sắp xếp chúng một cách hài hòa nên dù những đề tài khô không khốc cũng được cô diễn tả một cách sinh động mượt mà, giúp cho mấy cặp mắt lim dim mở to và ngăn chặn các linh hồn đang chực chờ chấp cánh khỏi bay ra cửa sổ.
Lam nghe lòng nao nao, cảm động đến rưng rưng khi nghe y ta kể vanh vách:
-Em còn nhớ cô có tới ba cái áo dài mang màu tím: Tím than, tím Huế và tím hoa cà. Chiếc áo mà cô mặc đẹp nhất là cái áo màu tím than, cổ thuyền. Cây dù cô che cũng màu tím. Đôi hài cườm cô mang cũng màu tím… Còn nữa, cây kẹp tóc của cô cũng là màu tím. Cây viết Hê Rô của cô cũng có màu tím và mực trong ruột của nó cũng mang màu tím nữa.
Để tác động vào ký ức của Lam một cách sâu xa hơn, y nhắc tiếp:
-Cô có nhớ khoảng thời gian mấy thầy trò mình tham gia chiến dịch xóa mù chữ ở núi Cấm không? Nhớ cái lần cô bị trợt té đứt quai dép, rồi em lột đôi dép đang mang cho cô mượn không?
Lam giật mình một cái đụi. Thông tin đó giống như một làn hơi thật mạnh, bật tung cái nấp của nồi súp de. Cô chưa kịp lên tiếng xác nhận thì y lại nói tiếp:
-Rồi sau đó em còn…
Cô bàng hoàng thốt :
-Ôi! Vậy ra em là Đông “ngông “ đó hả?
Tiếng cười khoái trá thay cho lời khẳng định. Y ta hỏi với vẻ hài lòng, nhuốm chút bùi ngùi:
-Cô vẫn còn nhớ cái biệt danh của em sao?
Lam cười:
-Nhớ chớ!
Rồi cô bổ sung thêm, để khẳng định với Đông rằng cậu ta là một trường hợp “độc nhứt, vô nhị”:
-Cả xứ nầy có ai mà khùng như em đâu! Học trò mà dám… Bây giờ chắc hết rồi phải không?
Đông cười khanh khách rồi nói:
-Còn khùng nặng hơn nữa cô ơi! Cô biết vợ em tên gì không?
Lam hỏi:
-Tên gì?
Đông đáp :
-Vợ em tên Lâm, nhưng ở bên đây không xài dấu nên coi như trùng tên với cô đó!
Khi không mà Lam nghe xao xuyến rồi tự nhiếc mình liền: ”Mầy cũng khùng lắm đó Lam ơi!”.
Như đọc được ý nghĩ của Lam, Đông “tố” thêm:
-Cô có biết em tìm số điện thoại của cô khó nhứt, lâu nhứt, cực nhứt không? Vừa biết là em gọi liền, quên phức bây giờ bên mình đã hơn nửa đêm. Chắc cô đang ngủ ngon lắm hả?
Lam nói dối:
-Mới ngủ thôi!
Đông chắt lưỡi:
-Sao cô ngủ trễ quá vậy?
Lam nói đùa:
-Tại biết có người sắp gọi nên thức chờ .
Biết Lam đùa nhưng Đông vẫn cười một cách thích thú rồi hỏi:
-Cô còn dạy trường mình không? Còn ở trọ nhà của bà ba bán bánh canh không?
Lam lắc đầu, rồi đáp:
-Cô về hưu rồi! Bà ba cũng chết lâu rồi!
Đông hụt hẩng:
-Vậy sao? Thế là cái dự định rủ cô ăn bánh canh không thành rồi.
Lam hỏi:
-Bộ Đông thích ăn bánh canh lắm sao?
Đông nói như tâm sự:
-Hồi đó ngày nào em cũng đi học thật sớm để ghé ăn bánh canh. Vừa ăn vừa nơm nớp, sợ gặp mấy thằng bạn rồi bị ghẹo. Em gần như là người mở hàng cho bả mỗi ngày.
Lam cãi:
-Không phải Đông đâu, cô mới là người mở hàng nè! Ngày nào cũng vậy, nấu xong là bả múc cho cô một chén, hối ăn liền cho nóng rồi nói là nhờ cô mở hàng nên cái nồi bánh canh bán đắc như tôm tươi.
Rồi Lam thở dài áo não:
-Bả làm cô sợ cái món bánh canh cá lóc nước cốt dừa cho tới bây giờ.
Đông phân bì:
-Còn em thì thèm muốn chết lại không có mà ăn. Có một lần tự nấu mà dở òm, ăn không vô!
Đông than tiếp:
-Bả chết rồi thì cái ước mơ của em cũng tan tành thành mây khói! Cô không biết chớ mỗi sáng nuốt cái món sữa trộn ngũ cốc lạnh ngắt, là em lại nhớ tới tô bánh canh bốc khói đến nao lòng. Tưởng tượng một ngày nào đó được cầm cái muỗng nhôm đầy vung, với mấy cọng bánh nằm trong vũng nước dừa béo ngậy, với miếng cá lóc trắng phau, thổi phù phù rồi cho vào miệng là em...
Lam an ủi:
-Con gái út của bả cũng còn ở cái nhà đó. Cổ nối nghiệp, nhưng không bán bánh canh mà bán bánh xèo, bánh khọt với chuối kèn dừa.
Đông xuýt xoa:
-Nghe cô nhắc tên mấy món đó sao mà thèm quá! Kỳ nầy về cô phải dắt em đi ăn đó nghe!
Lam gật đầu. Lát sau Đông hỏi:
-Được không cô?
Lan chợt nhớ ra mình đang nói chuyện với Đông qua điện thoại, làm sao y thấy cái dấu hiệu của sự đồng ý đó, liền bật cười đáp:
-Được rồi! Cô sẽ mời hai vợ chồng em…
Đông ngắt lời :
-Vợ em mất rồi. Ba năm nay em trở lại làm trai độc thân rồi cô ơi!
Lam nghe tim nhồn nhột. Cô lại nhiếc mình:
-“Mầy khùng quá Lam ơi!”

Gió nãy giờ bị bỏ quên nên tức tối, bèn lòn tay vuốt từ ót xuống sống lưng rồi chui vô mũi. Lam “ách xì” một tiếng thật to, lần nầy cố đưa cái ống điện thoại ra thật xa mà không kịp.
Đông hỏi:
-Bộ cô đang bị cảm hả?
Lam lắc đầu, rồi chợt nhớ ra nên nói:
-Đâu có, tại gió chui vô mũi nên nhột đó thôi!
Đông hỏi liền:
-Bên mình mùa nầy có lạnh không cô?
Lam gật và nói cùng một lúc:
-Năm nay mùa đông về trễ, gần tết rồi mà trời còn lạnh.
Lam định bảo Đông chờ một chút để mình đi lấy áo khoác mặc thêm vào. Thế nhưng Đông bỗng nói tiếp, giọng đầy ấp cảm xúc:
-Cô có nhớ cái đống un trong trường mình ngày lửa trại cuối năm không? Cái năm mà nhà trường tổ chức cho học sinh cắm trại, căng lều ngủ tại sân trường, thi văn nghệ, nấu ăn luôn đó! Hình như năm đó trời lạnh lắm, gió nhiều lắm phải không cô?
Rồi Đông nhắc tiếp:
-Mấy cô trò mình gom mấy cái lá phượng, lá me, lá điệp lại để đốt. Sao trường mình trồng toàn những cây có lá bé xíu vậy cô? Đống lá nhỏ quá nên tụi em phải trèo lên bẻ mấy cành cây khô thảy xuống mới đủ cho một đống lửa. Cô sợ tụi em té nên rầy quá trời!
Lam hào hứng đến quên cả cái lạnh:
-Nhớ chớ sao không? Đó là năm đầu tiên cô đi dạy mà! Cô còn nhớ lớp em thi văn nghệ, được giải nhì, giải ba gì đó phải không?
Đông cãi:
-Đâu mà có! Lớp em được giải nhứt lận!
Lam cãi lại:
-Giải nhứt thuộc về lớp đệ nhị “A”! Cô có trong ban giám khảo nên nhớ rõ lắm. Mấy em nữ sinh lớp đó hợp ca bài “Chiến sĩ vô danh” hay quá trời, khiến ai cũng nổi da gà hết trơn!
Đông bất mãn:
-Tại giám khảo là nữ nên thiên vị, chớ không thôi…
Lam chợt nhớ ra Đông đại diện lớp đệ nhị “B “lên thi. Đông độc tấu ghi ta bài “Bao giờ biết tương tư”, được học trò vỗ tay rần rần. Đông đàn rất hay nhưng nội dung bài hát không phù hợp với cái chủ đề “Xuân Tri Ân”, nhầm khơi gợi lòng yêu nước và nhớ ơn chiến sĩ. Thế nên dù ngón đàn hết sức điêu luyện, hết sức truyền cảm, được tán thưởng nhiều hơn hết nhưng vẫn hụt cái giải nhứt.
Dáng cao gầy cùng mái tóc phủ trán và mấy ngón tay thư sinh chạy thoăn thoát trên phím đàn của Đông vào cái ngày xa xưa ấy bỗng hiện lên, chói lọi trong miền nhớ khiến Lam nghe lòng bùi ngùi quá đỗi.
Cô hỏi:
-Đông còn chơi ghi ta không?
Đông đáp, giọng buồn buồn:
-Làm tối tăm mặt mũi, thì giờ đâu mà chơi hả cô?
Lam chắt lưỡi:
-Uổng ghê! Bây giờ sao cô thèm nghe lại bản nhạc đó quá chừng!
Lam khép mắt, tiếng đàn ngày xưa theo dòng hoài niệm, tuôn chảy từ ký ức vào tim rồi lan ra các mạch máu. Lam chợt rùng mình khi nhớ đến cái khoảng lặng rất lâu và tiếng vỗ tay như nước vỡ bờ sau đó.
Những giây phút xuất thần ấy tuy ngắn ngủi nhưng phát ra một năng lượng rất mạnh. Nó nâng bổng Lam lên cách mặt đất cả trăm, cả ngàn mét, để rồi nhìn xuống thấy trái đất sao mà xanh, mà mát đến thế! Thấy con người sao mà nhỏ bé và hiền lành đến thế!
Lam bỗng nói:
-Cám ơn Đông nghe!
Đông hỏi:
-Cám ơn về chuyện gì?
Lam đáp :
-Về bản nhạc “Bao giờ biết tương tư” mà Đông đàn hôm đó!
Đông nín thở mấy giây rồi hỏi lại:
-Bộ cô biết em đàn bản nhạc ấy để dành tặng cho cô sao?
Nước mắt làm giọng nói của Lam đục ngầu:
-Cô đâu có biết! Nếu vậy, cô xin cám ơn Đông thêm một lần nữa.

Đông hỏi, giọng xúc động:
-Cô đang khóc đó hả?
Biết không thể chối, Lam nói:
-Cô cảm động vì không ngờ Đông quý mến cô nhiều như vậy, nên không cầm được nước mắt.
Đông nói:
-Còn hơn quý mến nữa cô ơi! Em rất…
Lam lật đật hỏi liền:
-Năm đó lớp em có thi nấu chè không?
Đông đáp:
-Có chớ sao không!
Rồi Đông làm thinh. Lam nghĩ bụng chắc nồi chè dở tệ, không được xếp hạng nên Đông mới im ru.
Bèn “châm” thêm:
-Năm đó lớp đệ nhị “A” nổi như cồn. Hai tay ôm hai giải nhất: Một của văn nghệ, một của nấu ăn.
Đông nói:
-Lớp em cũng ôm hai giải nhì vậy, có điều giải nhì nấu ăn thì từ dưới đếm lên.
Lam hỏi:
-Lớp Đông nấu chè gì?
Đông đáp:
-Chè đậu xanh để nguyên vỏ. Cô có chấm điểm mà!
Lam ngạc nhiên:
-Vậy hả? Sao cô không nhớ chút nào hết vậy?
Cô hỏi tiếp:
-Món chè đó dễ nấu lắm! Ai nấu vậy? Có phải Đông không?
Đông đùa:
-Em mà nấu thì chiếm giải nhứt rồi! Tại cái thằng Hưng nôn ăn quá! Đậu xanh vừa nở là nó cho đường vào liền, hột đậu bị sượng, cứng ngắc như còn sống. Cũng may cái nồi chè của tụi lớp đệ tam “B” còn tệ hơn, đã sống còn khét nữa chớ không thôi bị nằm lót đường, quê một cục.
Rồi Đông cười:
-Cũng nhờ vậy mà em biết tánh của mấy hột đậu, biết cách “xử” tụi nó. Kể từ đó, nấu bất cứ thứ chè đậu nào: đen, đỏ, vàng, trắng gì em cũng để cho nó nở tanh bành rồi mới bỏ đường vô.
Rồi Đông hỏi:
-Tụi đệ nhị “A” nấu món chè gì mà được hạng nhứt vậy cô?
Lam đáp:
-Chè bà ba.
Đông hỏi:
-Chè bà ba có cái gì ở trỏng?
Lam kể:
-Nó có hầu hết các thứ khoai như khoai lang, khoai mì, khoai cao…
Đông nói:
-Khoai không ăn ngán thấy mồ! Làm sao mà ngon được.
Lam cười:
-Có thêm bột khoai, đậu phọng, đậu xanh cà bỏ vỏ, phổ tai, hột sen… hầm bà lằng thứ nữa. Nhưng cái lực lượng nồng cốt giúp nó đánh bại mấy loại chè khác chính nhờ vị béo của nước cốt dừa và mùi thơm lá dứa.
Đông nghĩ ngợi một lát rồi nói:
-Em thấy cái vị nước cốt dừa với mùi lá dứa rất hợp với nhau. Hai món nầy y như vợ với chồng, đeo nhau dính khắn. Hầu hết mấy món bánh, món chè hể có nước cốt dừa là có lá dứa hà!
Lam nghi ngờ:
-Vậy sao?
Đông khẳng định:
-Chớ còn gì nữa? Cô coi nè: Bánh đúc có lớp lá dứa xanh ăn với đường thắng và nước cốt dừa; Bánh lọt ; Chè thưng; Bánh da lợn… Món nào cũng hòa chung hai thứ đó vào. Thức ăn thì có: Cháo trắng lá dứa chan nước cốt dừa ăn với cá kho tiêu; Cháo đậu đỏ lá dứa nước dừa ăn với dưa mắm cá linh; Cơm lá dứa nước cốt dừa ăn với tép rang vân vân và vân vân!
Rồi Đông nói tiếp:
-Còn nữa! Em thấy cái gì mang tên “Bà Ba” đều được bà con mình hâm mộ. Chắc ngày xưa có một “Bà Ba” nào đó tài sắc vẹn toàn cho nên hể cái gì đẹp, tốt, ngon là người ta lấy tên bả.
Lam hỏi:
-Như cái gì? Đâu Đông kể thử coi!
Đông cười:
-Áo bà ba nè, chè bà ba nè, xà bông Bà Ba nè, bánh Bà ba nè…
Lam chận ngang:
-Ê, ê…đừng có ăn gian. Làm gì có xà bông Bà Ba, chỉ có xà bông thơm hiệu “Cô Ba” thôi. Còn bánh thì bánh bà lai chớ không phải bánh bà ba.
Đông cãi:
-“Cô Ba” ngày xưa nếu còn thì bây giờ cũng trở thành “Bà Ba“ rồi chớ “Cô” sao nổi. Mà cô có biết cái “Cô Ba” mặc áo dài, bới tóc, đeo dây chuyền in nổi trên cục xà bông là ai không?
Lam đáp:
-Là Hoa hậu đầu tiên của Sài Gòn chớ ai. Nghe đâu cổ là người tài sắc vẹn toàn lại đoan trang nữa. Đến bây giờ vẫn còn nhiều người thích cái nét đẹp của cổ.
Đông bỗng hỏi:
-Cô thứ mấy vậy cô?
Lam ngập ngừng rồi nói dóc:
-Thứ tư.
Đông cười:
-Em biết trên cô có một người anh và dưới cô là một người em gái, cho nên bắt buộc cô phải thứ ba.
Rồi Đông chắc lưỡi:
-Hèn chi.
Lam cười:
-Đừng có so sánh với cô Ba, bà ba nào đó à nghe! Cô không có bằng ai đâu!
Đông nói:
-Trong mắt em, cô không hề thua ai, kể cả cái cô Ba hoa hậu xà bông đó!
Lam cười một cách thích thú rồi nói lãng:
-Bộ qua bển Đông làm bếp trưởng hay sao mà để tâm nghiên cứu mấy món ăn dữ vậy?
Đông cười:
-Ai là người Việt mà không tự hào về nền ẩm thực của mình hả cô? Việt kiều nào về thăm quê hương cũng có mục đích đi tìm và thưởng thức lại mấy món ngày xưa. Nỗi nhớ quê mang mùi khói bếp nặng lắm cô ơi! Tại cô không ở xa nên không biết đó thôi!
Lam cãi:
-Sao không biết? Lên đệ tam là cô phải đi học xa rồi. Lần nào sắp về thăm nhà là lập sẵn một danh sách trong đầu, món mặn, món ngọt đủ thứ, đến độ má cô phải nói “con nhỏ nầy nó mà nhớ ai! Nhớ cái bếp thì có”.
Rồi Lam ngậm ngùi:
-Bây giờ ăn canh chua là cô lại nhớ má! Má cô nấu canh chua ngon lắm!
Đông hỏi:
-Cô thích ăn canh chua lắm hả?
-Ừa! Hồi nhỏ cô thích nhứt là canh chua, thích nhì là canh bù ngót nấu với thịt nạt bầm. Còn Đông?
Đông đáp liền không chút do dự:
-Mắm! Cô có thích ăn mắm không?
Lam trả lời một cách hấp tấp:
-Có, cô thích lắm! Ăn hoài không chán.
Rồi nói tiếp:
-Cô bái phục tổ tiên mình quá đổi. Đã nghĩ ra mắm còn lọc ra thêm mấy thứ rau, trái ăn kèm cho phù hợp nữa. Em biết không mỗi món mắm đều có một loại đặc biệt đi kèm.
Đông ngạc nhiên:
-Vậy hả cô?
Lam nói một cách tự hào:
-Để cô kể cho mà nghe: Mắm kho ăn với rau ghém. Mắm chưng thịt bầm hột vịt ăn với rau tần dày lá. Mắm chưng gừng với tóp mỡ có xoài chín, chuối chín chấm vô là ngon nhức nhối! Canh mắm phải bầm xoài sống, nêm ngò gai xát nhuyễn, bỏ tiêu cho nhiều vô ăn mới ngon.
Rồi ca tụng thêm:
-Chẳng những vậy ông bà mình còn nghĩ ra món dưa mắm, đu đủ mắm nữa, khiến cái món mắm càng thêm phong phú.
Đông làm bộ nuốt nước miếng thật to:
-Nghe cô nói mà em muốn bay cái vèo về nước mình liền! Kỳ nầy em về cô phải đãi em món mắm kho ăn với mười thứ rau đó nghe!
Lam giẩy nẩy:
-Làm gì có tới mười thứ rau?
Đông đáp :
-Tới chớ sao không? Còn hơn nữa đó! Để em kể cho cô nghe nè: Chuối cây, bông súng, điên điển, rau dừa, rau nhút, giá, rau húng cây, lá gừng non, ngò gai, hẹ, khóm, dưa leo… Đó là rau ghém. Chưa tính cà tím, đậu bắp, đậu đũa, khổ qua, xả, ớt, thịt heo, cá lóc nấu chung với mắm nữa.
Lam tiếp nối cái chủ đề mắm:
-Bên nầy đang thịnh hành cái món "lẩu mắm". Đông có ăn chưa?
Đông vừa đáp, vừa hỏi:
-Chưa! Nó có cái gì ở trỏng?
Lam vừa hỏi, vừa đáp:
-Bộ chỗ Đông ở không có món đó sao? Nó cũng giống như mắm kho nhưng loảng hơn, lạt hơn. Không có nấu chín hết ráo rồi cho vô tô. Người ta chỉ nấu cho mắm rả ra rồi lượt bỏ xác, rót vô cái cù lao. Khi ăn thì nhúng tôm, mực, cá, thịt bò còn sống nhăn với rau vô ăn.
Đông hỏi:
-Ngon không cô?
-Cũng ngon nhưng cô không thích! Ăn kiểu đó thấy điệu đà quá! Ăn mắm kiểu truyền thống mới ngon. Lua lua, gấp gấp, chan chan mới đã…


Đông cười hì hì trong ống nghe. Lam hỏi:
-Đông cười cái gì vậy?
Đông giải thích:
-Hồi trước em có làm một bài luận nộp cho cô. Chừng cô chấm xong trả bài lại, em thấy cô khoanh tròn chữ “rất đã” đặt trước cái dấu chấm than, rồi trừ em một điểm. Em có hỏi thì cô bảo là chữ đó rất thô, làm cho bài văn xấu đi. Từ đó em không dám xài nó nữa mà dùng chữ “sướng” thế vào.
Lam nghe quê quê, cô chống chế:
-Tại bây giờ thiên hạ hay dùng chữ “tự sướng” nhiều quá nên cô dùng chữ khác cho nó cân bằng. Đông bắt lỗi thì mai mốt cô dùng chữ “thích” vậy!
Đông lật đật thanh minh:
-Em đâu có dám bắt lỗi cô. Chỉ nói để cô biết là cô mà dạy điều gì là em tuân theo răm rắp thôi!
Lam cười:
-Thiệt hông?
Đông đáp:
-Thiệt mà! Em không hút thuốc nè! Không uống rượu nè! Không đánh bài nè! Cũng không đánh vợ luôn!
Lam cười rủ rượi:
-Bộ cô có dạy mấy cái chuyện đó nữa sao?
Đông nhắc:
-Cô có nhớ sau lưng trường mình là một xóm lao động? Có nhà của cái ông gì mà hay nhậu say rồi đánh vợ không? Có một lần ổng đập bả tưng bừng. Lúc đó cô đang dạy trong lớp em. Cô bỏ ngang bài giảng về chinh phu, chinh phụ, mà chửi cái thứ đàn ông vũ phu một trận tơi bời. Em còn nhớ khi ấy cô giận thật sự, mặt cô đỏ lên trông rất đẹp.
Lam bắt lỗi:
-Xạo, giận thì làm sao mà đẹp?
Đông cãi:
-Giận chuyện mình mới xấu. Giận chuyện bất công trong thiên hạ là cái giận đẹp nên mình cũng đẹp. Cô còn nói…
Đông cười hì hì không nói tiếp.
Lam hỏi:
-Cô nói sao?
-Cô nói là cô hy vọng là tất cả học trò của cô sau nầy không có ai giống ông đó! Lúc đó thằng Sĩ nó hỏi rủi mai mốt cô bị chồng đánh thì sao? Cô nói cô sẽ rình khi ổng ngủ, cột cứng vô giường đánh lại một trận cho thừa sống thiếu chết rồi bỏ về nhà ba má. Bây giờ cô có thực hành đúng y như vậy không cô?
Lam cười:
-Chắc tại cô nói một cách hùng hồn quá, rồi học trò cô phóng đại lên nữa nên không ai thèm rớ tới cô hết!
Đông buộc miệng:
-May quá …
Đông bỏ lửng nhưng Lam đâu dám hỏi. Cô lật đật tìm chủ đề khác:
-Em được mấy cháu rồi?
Đông đáp :
-Em lập gia đình rất trễ nên chưa có đứa nào hết!
-Sao em lập gia đình trễ quá vậy?
Đông ngần ngại, giây lâu rồi đáp:
-Em bị ở tù tới mấy năm mới ra!
Lam hết hồn:
-Sao vậy?
Đông thở dài:
-Em lái xe gây tai nạn, cho nên…
Lam an ủi:
-Thôi bỏ qua đi, đừng buồn nữa kẽo cô áy náy.
Đông trấn an:
-Thật ra em cũng không buồn nhiều lắm khi nhớ lại. Trong cái rủi có cái may, không phải lo kiếm tiền nên thời gian đó em tập trung vào việc học. Em may mắn gặp được những người bạn tù rất tốt. Chính ở nơi đó mà em nhận ra gần hết cạm bẩy của cuộc sống nên không bao giờ bị rơi vào nữa.
Rồi Đông bỗng hỏi:
-Em hỏi câu nầy cô đừng giận nghe?
Lam đáp một cách bất đắc dĩ:
-Chắc cũng là cái câu mà cô nghe đều đều chớ gì? Câu “sao không lấy chồng?” Phải hông?
Đông cười xòa:
-Sao cô đoán hay quá vậy! Em nhớ ông thầy Thỏa đeo cô dữ lắm mà?
Lam rầy :
-Đừng có nói bậy tới tai vợ thẩy không hay! Nghe đâu cổ cùng họ với cái bà Hoạn thư đó!
Rồi Đông hỏi:
-Cô có từng yêu ai chưa cô?
Lam đáp:
-Sao mà không! Tới bây giờ cũng còn.
Đông hỏi tới:
-Ai vậy, tên gì, em có biết không?
Lam cười:
-Chắc chắn là em biết rồi. Ông sách đó!
Đông lặng thinh giây lâu rồi hỏi lại:
-Ông Sách nào? Cái tên lạ quá, hình như em mới nghe lần đầu thì làm sao mà biết?
Lam cười:
-Lần đầu sao được? Ổng đang ở trong nhà em đó, không phải một mà hổng chừng có rất nhiều ông nữa kìa!
Đông cười sung sướng:
-Ông đó thì nói gì! Ai mà không yêu ổng?
Lam cũng cười rồi nói:
-Tới bây giờ cô cũng chưa gặp ai như ổng nên chưa sửa túi, nâng khăn cho ai hết.
Đông trách:
-Em hỏi thật mà cô cứ nói giỡn hoài!
Lam đáp, giọng ngậm ngùi:
-Thật ra cô cũng có thương một người. Người đó muốn làm dân Sài gòn nên bỏ cô đi cưới người khác. Từ đó trái tim cô bị thủng một lỗ lớn nên bỏ ai vô cũng lọt ra ngoài.
Đông tiếc hùi hụi:
-Biết vậy em không đi vượt biên. Em…
Lam chặn họng:
-Đừng có nói em ở lại đặng ráng học, đậu cao, làm lớn rồi cưới cô đó nghe!
Đông nói một cách nghiêm túc:
-Cô có biết lúc ở đảo em nhớ cô tới phát bệnh hay không? Gía mà biển chỉ lớn gấp ba, gấp năm con sông Tiền của mình, chắc em dám kết bè chống về lắm!
Lam hỏi:
-Nếu vậy sao em dám liều mạng mà đi?
Đông thở dài:
-Có cái gì níu em lại quê hương đâu cô? Em là cô nhi sĩ tử của chế độ cũ nên bị xã hội quay lưng cái rột. Má em tái giá, ông cha dượng với em đều muốn giành má cho riêng mình nên đâu ưa nổi nhau và làm bà khổ. Em lại theo đuổi một mối tình đơn phương... Ở lại thì làm sao mà sống?


“Làm sao mà sống?” Bốn tiếng ấy như những nốt cuối trong một bản nhạc buồn nào đó! Lam bỗng nghe ăn năn. Cảm giác nầy giống như ngày xưa, khi cô vì hấp tấp nên lỡ hái trái ớt non đầu tiên, khiến cây ớt tổn thương rồi không bao giờ ra trái nữa.
Lam hỏi, áy náy:
-Bây giờ Đông đã vượt qua tất cả những nỗi đau đó chưa? Những vết thương ấy đã liền da, liền thịt chưa?
Đông cười:
-Nó không còn làm mủ nữa, nhưng vẫn còn để thẹo.
Rồi Đông hỏi:
-Em bây giờ thân thể đầy kín thẹo, xấu lắm! Cô có ghê sợ em không?
Lam trách:
-Đông đừng có hỏi cô như vậy, làm cô còn buồn thêm! Ở những người bị đời làm tổn thương hay làm tổn thương đời, cô đều thấy bắt nguồn từ nỗi bất hạnh. Cô đã vô tình tạo ra một trong những vết thương đó thì làm sao có tư cách để phê phán Đông được?
Đông nói :
-Cô đừng có nói là thấy thương hại em nghe, em không…
Lam nói như gắt :
-Cô là ai mà dám thương hại Đông? Đông vượt qua những nghịch cảnh ấy, rồi sống một cách kiên cường, khiến cô khâm phục quá trời! Còn cô nè! Mới ra gió một lần là bị cảm rồi chết ngắc luôn, không ngóc cái đầu dậy nỗi. Còn kéo thêm gia đình vô gánh chung với mình nữa.
Đông hỏi dồn:
-Cụ thể là sao? Cô kể cho em nghe đi!
Lam thở dài:
-Đông biết số điện thoại của cô, chắc cũng đã nghe kể sơ về cô rồi. Cái người cô thương là bạn của anh cô. Khi biết hắn thay lòng đổi dạ, cô hết muốn sống nữa. Cô tự vận, thế là rộ lên cái tin đồn là cô muốn phá thai, uống ký ninh nên bị lặm thuốc. Có người nghi ngờ bèn hỏi hắn. Cô với hắn chưa từng quan hệ, thế mà hắn nói úp úp, mở mở làm ai cũng tin như vậy. Cô sống không được, chết cũng không xong. Anh cô tức quá đập cho hắn một trận. Anh cô bị giáng chức còn cô bị hạ tầng công tác.
Đông kêu:
-Trời đất! Không ngờ người hiền như cô mà bị đối xử tệ đến vậy? Chắc cái tên đó phải bị ông trời thay mặt công lý, trừng phạt hắn một cách thê thảm lắm hả cô?
Lam đùa nhưng giọng nghe buồn nghiến:
-Ừ! Quả báo khủng khiếp nên hắn giàu lắm! Bây giờ ra nước ngoài sống rồi. Cô mà biết hắn đi định cư ở Ca na đa thì đâu có mua đất ở cù lao Châu Ma ở để mà tránh.
Đông hỏi:
-Mà tại sao cô phải tránh? Hắn sống sao thì mặc kệ hắn!
Lam thở dài:
-Nói dễ chớ làm không dễ đâu Đông ơi! Vườn nhà cô với vườn nhà hắn có chung một cái hàng rào. Lâu lâu hắn đi xe hơi, chở vợ con về là lối xóm ì xèo. Cái vết thương của cô vừa ráo mủ, chưa kịp lên da non là bị bóc mài, nhiễm trùng hoài nên xém thành ung thư. Ghét một người, cho dù họ hết sức đáng ghét cũng khiến mình rất mệt mỏi, rất khổ sỡ! Bởi vậy cô ít dám về thăm nhà, không được báo hiếu cho ba má, đó là điều mà cô ân hận nhứt.
Đông an ủi:
-Mấy người Việt ở Ca na đa cực lắm! Bên đó lạnh tới gãy tai, gãy mũi luôn. Cứ tưởng tượng cô nằm ở trong thùng nước đá coi có sướng không? Em có một thằng bạn ở đó, nó than nghe mà bắt sợ. Nó nói thời gian mặc đồ cho mỗi lần ra đường là phải mất tới hơn ba mươi phút. Đứng đón xe buýt là phải vừa nhảy tưng tưng, vừa tát vô hai gò má, vừa véo mũi liên tục.
Lam ngạc nhiên:
-Chi vậy?
-Không làm như vậy là có nguy cơ trở thành cây nước đá. Nó nói có lần nó xém chết vì hụt xe buýt.
Lam rên:
-Trời đất ơi! Như vậy thì làm sao chịu nổi?
Đông cười:
-Cô thấy chưa, cô là người may mắn lắm đó! Hắn ta mà tốt với cô thì giờ nầy chắc cô hổng chừng đã mất một cái lỗ tai. Cái thú nằm tòn teng trên chiếc võng treo trong vườn đâu còn nữa! Cái thú che dù đi tà tà trong mưa lâm râm của cô cũng triệt tiêu luôn!
Lam hỏi:
-Làm sao Đông biết cô thích mấy thứ đó? Cô giấu kín lắm mà!
Đông ưởm ờ:
-Bí mật!
Lam gặng:
-Đông đoán phải hông?
Đông cười:
-Có bằng chứng hẳn hoi mới dám nói chớ bộ!
Rồi nhảy sang chủ đề khác liền:
-Hiện giờ cô không sống với gia đình sao? Cô ở với ai vậy?
Lam lắc đầu, nói:
-Cô ở một mình, một cù lao. Lâu lâu ra bến đò nằm phía tay phải để về thăm nhà. Lâu lâu ra bến đò phía tay trái để đi thăm trường.
Đông ghẹo:
-Cô nói một mình, một cù lao! Bộ cô mua hết cái cù lao đó hả?
Lam cười:
-Câu đó có ngụ ý là cô sống một mình ở một nơi hẻo lánh, chớ không phải là cô mua hết cái cù lao. Cô thì tiền đâu mà làm được việc đó?
Đông hỏi, giọng nghiêm túc:
-Mai mốt em về cô có cho em tá túc không?
Lam nói:
-Chỗ của cô rất buồn, rất kém tiện nghi.
Đông bác lại:
-Nhà cô có điện thoại, chắc đâu đến nổi nào?
-Đường dây điện thoại mới có thôi! Cô vừa gắn chưa đầy một năm, để nói chuyện với anh cô mỗi ngày.
Đông cười:
-Nhà có điện thoại là quá tiện nghi rồi! Tại cô...
Lam ngắt ngang:
-Đừng có hiểu sai cái ý của cô! Để cô giới thiệu căn nhà của mình cho Đông nghe. Nhà cô nền đất, mái lá, chõng tre, lu nước, gáo dừa…
Đông xuýt xoa:
-Trời ơi! Đúng như lòng em mong mỏi. Em thường mơ ước được sống trong một căn nhà y chang như vậy!
Lam cười, kêu lên thích thú:
-Đông ngộ quá Đông ơi!
Đông cũng cười, lập lại y khuôn:
-Cô ngộ quá cô ơi!
 
 
(Xem tiếp CHƯƠNG HAI)
 
 
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 3 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9