NHƯ ĐI TRÊN CÁT Truyện dài Lâm Du-Yên CHƯƠNG BA/10 -Di ơi! Ra mà xem cái nầy ngộ lắm nè!
Thư vừa nói vừa chạy ào vào lớp, kéo tay Di lôi xềnh xệch. Di đang viết bài chưa kịp bỏ cây viết xuống là bị áp tải luôn. Thư một tay dắt, một tay đẩy lưng Di ra cây Phượng trước cửa lớp. Ở đó gần một chục đứa con gái lớp của Di và lớp A2 kế bên, đang chen nhau nhìn chăm chăm vào thân cây Phượng trước mặt. Thư vẹt đám bạn sang hai kên kéo Di ra hàng đầu. Bây giờ Di mới vỡ lẽ. Ngay dưới tấm bảng nền đen với hàng chữ màu trắng: "Cấm không được bẻ nhánh và khắc chữ vào thân cây", một chữ D hoa khắc như hình nốt nhạc. Nó được lồng trong cái khuôn hình vuông với bốn đường thẳng và bốn hoa thị, giống cái chuồng giăng dây kẽm gai. Không cần nhìn sang Di cũng cảm nhận được mắt Thư đang nhìn Di chăm chú, cố chụp hình phản ứng của Di. Da mặt Di hơi căng ra một chút rồi cố tạo vẻ tự nhiên nói:
-Cái tên nào dám gải mũi thầy Hoàng vậy ta!
Thầy Hoàng là tổng giám thị của trường, thầy rất khó, áp dụng kỹ luật không nương tay. Di rùng mình khi nghĩ hình phạt mà thầy dành cho thủ phạm, nhẹ lắm là cấm túc, còn nặng nhất là mời phụ huynh vào thông báo và tạm thời bị đuổi học. Cái phiền hà nhất là nỗi lòng thầm kín của đương sự sẽ bị lộ, bị đem ra chế giễu. Cái người con gái có phúc kia sẽ trở thành vô phúc hết chỗ nói. Bị phê phán, chê bai vì ở vào thời của Di chuyện bồ bịch được coi là hành vi thiếu đứng đắn.
-Cái thằng cha Lương Sơn Bá nầy vậy mà gan cùng mình đó nghe! Thư không chịu nổi đánh thẳng vào trọng tâm luôn. Di giãy nảy :
-Sao bồ biết là y ta? Bộ trường nầy chỉ có một người tên bằng chữ D đầu? Mà cho dù có như vậy đi nữa cũng chẳng mắc mớ gì để mà phô bày cả.
Chẳng là Di và cái anh chàng ấy cùng học thêm toán lý với thầy Khương. Cả hai đều ngồi đầu bàn của hai cái bàn kê gần sát, đã vậy còn xài hai cây viết giống hệt nữa. Bởi vậy mà bạn bè chọc miết. Cái anh chàng nầy ốm nhom, cao nhồng, mặt mũi xanh xao. Y bị cho là có cái tướng chết yễu nên được gán biệt danh là Lương Sơn Bá. Di thì bị gọi là Chúc Anh Đài. Kể từ đó hai bên tránh nhau muốn chết, mỗi người nhìn mỗi hướng thế mà cứ bị trêu đủ trò. Có lần Di ngồi bỏ bép thu chân lên ghế, chừng ra về chiếc dép mất tiêu. Không hiểu làm cách nào mà chui vô cặp của anh chàng ấy. Thế mà y ta vẫn không hay biết, tới chừng cất tập mới thấy và mang ra trả lại cho Di. Tụi bạn theo dõi bắt được tại chỗ, liền hát ghẹo " thương nhau cởi dép cho nhau..." làm Di tức và quê muốn độn thổ luôn.
Thư nghe Di trả lời như vậy liền làm ra vẻ đồng tình đáp:
- Ừ hén ! chắc hổng phải ba cái chuyện tỏ tình, tỏ tiếc gì đâu! Chắc cái thằng cha nào bán ba cái thuốc di tinh, mộng tinh... gì gì đó, thấy trường nầy gái đẹp, trai đông nên tính kẽ bảng quảng cáo thuốc. Chắc bị phát hiện nên mới viết có chữ D là chạy mất mạng.
Mấy đứa bạn đứng xung quanh cười rần rần. Di tức cành hông mà nghe Thư nói cũng phải bật cười.
Ra về Di tìm cách né Thu đi một mình để gặp An. Di nhìn An bằng tia mắt soi mói, bộ dạng của An làm Di càng thêm quả quyết. Di tằng hắng rồi nói:
- Hổng biết cái tên ba trợn nào khắc chữ D lên cây, làm tụi bạn đoán mò rồi chọc Di quá trời!
- Đoán đúng tên người đó hông?
-Có gì đâu mà đúng với không?
-Vậy Di có vui hông?
-Bực mình gần chết chớ vui cái gì?
Nhưng rồi khuya hôm ấy, Di trằn trọc mãi mà không sao ngủ được. Hình ảnh một người con trai cặm cụi, lén lút đưa mũi dao nhọn gọt từng mãng vỏ cây để tỏ tình một cách thầm lặng ấy làm Di xao xuyến quá! Di thầm nghĩ đêm nay, tất cả những nữ sinh có cái tên bằng chữ D đứng đầu, chắc sẽ rêm hết cả trái tim và cũng thao thức như Di vậy.
Sáng sớm hôm sau, Di vừa đặt chân đến cửa lớp chưa thấy mặt đã nghe tiếng Hà léo nhéo:
-Cô mình trúng số Di ơi!
Di mừng húm hỏi :
-Trúng bao nhiêu?
-Mười ngàn
Cô Ấn ở trọ nhà dì của Hà, bởi vậy nhất cử nhất động nhất động của cô tụi Di đều biết. Tụi Di biết cô thích ăn canh chua và cá lóc kho tộ. Biết cô rất sợ chuột. Biết cô có một người yêu đã tử trận cho nên dù chưa có chồng, cô vẫn đeo chiếc nhẫn vàng mười tám nhỏ xíu ở ngón tay áp út.
Tụi Di thương cô nhất. khác những ông thầy dạy toán rất đường bệ, hay la lối học trò. Cô của Di nhỏ bé, hiền khô, nói năng nhỏ nhẹ. Mái tóc cắt tém vẫn không làm giảm bớt vẻ mềm mại, duyên dáng đầy nữ tính trên gương mặt cô. Cô ít khi cười. Có lần tụi Di hè nhau gắng sức ghẹo cô, lần đó cô cười nhiều lắm ! Tiếng cười cô rất trong, rất giòn bộc lộ một chút tinh nghịch mà cô vẫn còn giữ lại. Gia đình cô ở Sài Gòn, cô ra trường rồi về đây dạy và ở lại luôn từ đó đến giờ.
-Bộ cô mình mua vé số dữ lắm hả? Di hỏi
-Đâu mà có! Tuần rồi cô về thăm nhà, đi qua bắc Vàm Cống có bà già bán vé số mời cô mua giùm. Cô thấy tội nghiệp bả quá nên mua giúp thôi!
-Vậy là chút nữa phải xin cô bao lớp mình một chầu mới được. Nhưng mà mấy bồ đừng có phổ biến nghe. Mấy lớp khác mà biết tụi nó đều đòi cô khao, chắc cô thâm thêm tiền túi quá!
Cô vừa vào lớp là tụi Di đứng nghiêm chào rồi không chịu ngồi xuống, cô hỏi:
-Muốn cái gì nữa đây?
-Tụi em chúc mừng cô. Nghe tin cô trúng số tụi em reo hò đến khô cả cổ, cô cho tụi em ăn cà rem đi cô! Hà trả lời.
-Chà tin tức bay nhanh thiệt, được thôi, nhưng mấy em phải học cho đàng hoàng thì cô mới đãi đó!
-Hoan hô cô! cô là số một trong lòng tụi em đó cô ơi!
Cả lớp lao nhao, rồi cái không khí rộn ràng ấy kéo dài suốt giờ học của cô.
Chuông ra chơi vừa reng một cái là Hí Xuân lật đật bế cửa liền. Thư, Hà, Tâm cột áo dài leo qua cửa sổ. Lớp của Di nằm ở dãy sát đường nên ăn quà vặt rất dễ. Cạnh hàng rào có mấy xe cà rem , kẹo kéo... Đậu bên lề đến giờ chơi là cứ rung chuông miết. Cả lớp kết thân với thằng bé bán cà rem mà tụi Di đặt tên là Còi. Thằng bé nầy đèo đọt hết mức. Mười bốn tuổi mà nó chỉ mang tầm vóc của đứa lên mười. Nó đẩy chiếc xe cà rem cao đến ngực, mặc một cái áo cũ không thể cũ hơn được nữa. Giờ học nó đứng bám hàng rào ghé mắt nhìn vào lớp một cách thèm thuồng trông rất tội. Bởi vậy tụi Di hể có dịp được thầy cô bao là hay ăn cà rem giúp nó.
- Cho bốn mươi lăm cây đi cưng ! Hà gọi một cách hâm hở. Thằng bé mừng muốn phát khùng, vừa rút mấy que kem dài sọc vừa gật đầu lia lịa. Cả bọn chuyền tay nhau. Hà đưa cho Thư, Thư chuyền cho Tâm, Di nhoài người ra cửa sổ tiếp nhận rồi đưa cho mấy đứa bạn chen đầy phía sau. Que đầu tiên thơm ngạt ngào mùi mít. Ni mang liền đến cho cô rồi mời:
-Cô ăn liền đi cô! để lâu nó chảy dính áo đó!
Tụi bạn bắt đầu lao xao:
-Ê đổi cho tao đi tao thích ăn đậu đỏ.
-Dẹp! Tao cũng vậy .
-Con nhỏ nầy hên ghê ta ơi trúng được cây cà rem mít.
-Tại nó mít ướt quá mà, bởi vậy người nào của nấy!
Cả bọn vừa ăn vừa chọc nhau, mười lăm phút ra chơi bay vèo như tên bắn.
Chuông reo ra về, đợi cô ra khỏi lớp là Di thông báo liền:
-Mấy bạn ơi! ở lại một chút để tụi mình bàn chuyện tổ chức liên hoan.
Thu kề tai Di nói nhỏ:
-Bồ cho tui về trước nghe, bữa nay má tui nấu bún nước lèo.
Di nghiêm mặt:
-"Quân pháp bất vị thân", bồ mà hó hé là tui trảm trước làm gương liền, nói thiệt đó!
Thu xìu xuống, mặt y như cái bánh bao chiều. Lớp trở nên náo động với bao nhiêu lời phản đối và góp ý xen lẫn:
-Đói bụng gần chết mà bàn cái gì!
-Thiệt bất nhơn hết chỗ nói giờ nầy mà còn bắt họp. Tui mà về trễ là bị đòn oan uổng biết bao nhiêu!
-Di ơi! Ráng làm màn chót nầy thiệt đẹp để nhớ đời nghe!
Di xách theo cây thước đập mạnh lên bảng cho các bạn im lặng rồi nói như hét:
-Như mọi năm tụi mình chia ra ba nhóm, một lo ẩm thực, hai lo trang trí, ba lo mua quà và viết thiệp mời thầy cô. Các bạn năm ngoái ở nhóm nào thì năm nay giữ nguyên vị trí, các trưởng nhóm cũng y như năm cũ, chịu hông?
-Chịu.
Thư đưa tay:
-Tui có ý kiến, năm nay danh sách thầy cô nên bổ sung thêm. Tui dề nghị mình mời tất cả các thầy cô đã dạy tụi mình từ trước đến giờ vì đây là dịp mình chia tay và nói lời tri ân với thầy cô. Các bạn có đồng ý hông?.
-Đồng ý! Cả lớp hưởng ứng nhiệt liệt .
-Không ngờ nhỏ Thư hôm nay ăn nói đàng hoàng ra phết nhỉ? Hà trêu
-Trời ơi! nó thức cả đêm để soạn rồi đứng soi gương tập cả buổi mà, chỉ còn có dịp nầy thôi bỏ qua rất uổng! Phượng thêm vô.
-Năm nay mình đải món gì Di? Ngân hỏi
-Tui đề nghị mình nhờ má Thu nấu món gà nấu cam như năm ngoái đi, món đó ngon, năm rồi ai cũng khen. Kim Hồng góp ý.
-Thôi mình làm món khác đi, thật là đặc biệt mà không ai có thể nghĩ và bắt chước được. Ni nói một cách hào hứng.
-Xứ mình nổi tiếng về mắm hay là ta đải mắm bảy món?
-Thôi mình làm thịt chó đi bảo đảm hổng ai dám bắt chước đâu.
-Sao mình hổng xài thực đơn của Từ Hi Thái Hậu. Có món óc khỉ và chuột lắc ngâm thuốc bắc bổ hết biết, thầy cô xơi là giảng bài khỏe re.
Mỗi người chêm một câu trào lộng, lớp của Di toàn là hậu duệ của" Cù Thị" nên mỗi lần họp là Di rầu lắm! Có cảm giác như mình là thằng bé chăn dê cứ lùa con nầy vô chuồng xong là con kia tốc chạy ra ngoài.
Di nói to để át mấy cái mồm đang cười hí hí:
-Đừng giỡn nữa mấy bạn ơi! Tui có bàn với mấy nhóm trưởng rồi. Thực đơn như sau: vịt nấu chao- món nầy nhờ má Thu đảm nhiệm- chả giò săn quít tôm, gỏi bò bóp thấu. Hai món sau tụi mình làm ở nhà Ánh như mọi năm, tráng miệng ăn quít cho gọn.
-Tui có ý kiến, món tráng miệng mình nấu chè đậu khoai cao đi để tụi mình đứa nào cũng đậu cao hết trọi. Thư nói
-Bồ mà có ăn hết cái rẩy khoai cao thì cũng leo lên cái hạng bình thứ là hết mức! Hà ghẹo
-Sao bồ biết? Thư cự có mòi phật ý.
-Thôi đừng giỡn nữa mà! Làm ơn cho ý kiến đàng hoàng giùm để không kịp giờ đó! Di lật đật ngắt ngang ngòi nổ.
-Quà của thầy cô cũng sổ tay như mọi năm hả? Hí Xuân hỏi
Di lắc đầu:
-Năm nay tui định tụi mình hùn tiền nhiều hơn một chút. Tặng quí thầy cô mỗi người một cây viết Hê rô có khắc chữ "12 A1 Kính tặng". Mấy bồ thấy có được hông vậy?
-Tui đề nghị tụi mình tặng cho mỗi thầy một đồng hồ OMEGA, còn mỗi cô một chiếc nhẩn hột xoàn. Thư lại nổi máu "Cù thị" lên.
-Ừ, trước đó mấy ngày mình lại nhà nó đánh cướp tiệm vàng của ba nó là dễ thôi! Hà nói thế vì nhà Thư là tiệm kim hoàng.
-Đánh cướp chi cho phiền phức. Tụi mình bắt cóc nó rồi bắt ba nó ôm một bao tiền lại chuộc có phải gọn hơn không? Tâm nói một cách rất nghiêm túc.
Hà lắc đầu nguầy nguậy:
-Coi chừng gậy ông đập lưng ông đó nghen! Hôm bữa tao đi ngang nhà nó, nghe ba nó la :"Trời ơi! tao cầu cho có ai rinh mầy đi giùm cho tao rãnh nợ". Đã vậy nó còn ăn hàng dữ lắm mầy ơi. Ba nó mà không thèm chuộc, tụi mình vét hết túi cũng không nuôi nổi nó một tuần đâu!
Ngày chủ nhật, Di dậy trễ và gom đồ đi giặt. Lịch trình của Di, An nắm rất rõ cho nên sáng chủ nhật nào An cũng ở nhà canh sẵn.
Khoảng tám giờ Di mang thau đồ ra sàn nước. Ngồi lên cái ghế thấp bằng gỗ được đặt lên tấm đan đậy trên miệng hồ chứa nước, vừa cầm cái ca múc nước đổ vào thau vừa bắt đầu ca. Trước khi ca còn tằng hắng máy cái cho trơn họng nữa chứ! Lúc nào Di cũng bắt đầu bằng bài "Ru em từng ngón xuân nồng", ca đi ca lại hoài cho đến chán rồi mới chuyển qua mấy bài khác. Những bản nhạc mà Di hay hát An đều thuộc và đàn được hết như: "Hương xưa", "Làng tôi", "Quê nghèo", "Chiến sĩ vô danh", "Con thuyền không bến"... và hầu hết các ca khúc phản chiến cùng trữ tình của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
An hay ngồi trong góc khuất của cái bàn dài kê cạnh cửa trước rồi nghiêng đầu nhìn Di. Ở chỗ ngồi nầy An tha hồ quan sát mà chẳng lo bị Di phát hiện. An nhìn miết cái gương mặt cúi nghiêng trên thau đồ ấy! Tóc Di được kẹp gọn nhưng vẫn còn vài sợi ương bướng đong đưa bên ngoài, thỉnh thoảng lại quẹt vào gò má làm Di nhột nên cứ đưa cánh tay lên kéo xuống.
Di giặt đồ thật chăm chú và hát cũng thật say sưa. Nhiều khi An tự hỏi không biết Di giặt đồ để hát hay hát để giặt đồ. Di không có hơi nhưng bù lại hát bằng cảm xúc nên có nhiều bài nghe rất thấm. Có lần Di hát bài "Chiến sĩ vô danh". An bắt gặp một giọt nước mắt của Di rơi xuống. Rồi đêm ấy An nằm mơ. An mơ thấy mình ôm đàn ngồi cạnh Di, đàn cho Di hát bài "Ru em từng ngón xuân nồng" ở trên mái nhà. Khi nghe An kể lại. Di cười thôi là cười, nói bằng một giọng thật nghiêm túc rằng Di rất thích điều đó, hẹn An khi có dịp hai đứa sẽ thực hiện. An biết Di đùa, bởi chỉ cái việc An chở Di đi học thôi mà Di còn nơm nớp sợ phát hiện, thì nói làm chi tới cái chuyện kinh thiên động địa ấy.
Hôm nay hình như Di có tâm sự gì hay sao mà bị phân tâm nên ca rời rạc bài nầy vài câu rồi nhảy sang bài khác. Chủ đề cũng thay đổi toàn những bản nói về mùa hè mà trước giờ chưa hát. An nhẩm đếm trong đầu có gần đến hai mươi bài rồi ngứa miệng, nói vọng ra:
- Sao mà bữa nay hát lộn xộn quá vậy. Hát hổng đầu hổng đuôi, mười tám bài rồi đó!
Di giật mình nín bặt rồi nguýt An một cái dài thòn:
- Nghe lén còn bày đặt có ý kiến hả?
-Tóc rơi ra ngoài kìa có cần vén giùm hông?
-Thôi khỏi cần!
Khi Di múc nước rửa tay chuẩn bị bưng thau đồ xuống bến sông để xã, An lật đật chạy bay vào nhà thay quần sọt và áo thun đi tắm. An đi sau lưng Di rất êm ra đến bến sông mà Di vẫn chưa phát hiện. Di đặt thau đồ xuống nhìn mặt nước một cách ngán ngẩm, có chiếc tàu nào mới xả dầu hay sao mà màng màng nổi đầy.
-Di đưa áo dài đây An bơi ra chỗ nước trong giặt giùm cho!
Di giật mình quay lại, cau mày hỏi An:
-An đi đâu vậy?
-Thì đi tắm chớ đi đâu?
-Mới sáng sớm mà tắm cái gì?
-Tắm giờ nào mà hổng được, bộ có lịnh cấm hả?
Di không trả lời cúi xuống xăn ống quần lên. Thường khi Di xăn quá gối nhưng hôm nay có An Di ngại quá nên hổng dám xăn cao, trong lòng rủa thầm: "Cái tên mắc dịch nầy tự nhiên nổi hứng tắm sớm chi hổng biết, kiểu nầy sóng đánh là quần ướt nhẹp đây."
Nãy giờ An vẫn đứng cạnh Di, thấy Di vừa cầm cái áo dài lên là giựt lấy, ôm khư khư trước ngực rồi đi ra chỗ nước trong. Di đứng sượng trân da gà bỗng nổi khắp cả người. Ra đến chỗ nước ngập đến ngực, An trải áo dài thẳng ra, rồi đứng quay lưng lại với Di. An nhắm mắt đưa tay lướt dài theo thân áo. Một cảm xúc vừa như đau đớn vừa như hoan lạc chạy dọc theo sống lưng. Vậy là An đã thực hiện được điều hằng mong mỏi. An chỉ mong được một lần ôm Di. Một lần được xoa nhẹ lên cánh tay Di. Một lần được úp mặt vào tóc Di mà hít thật no thật đầy cái mái tóc còn thơm mùi chanh ấy! Rồi An cứ đứng như thế mãi cho đến khi Di gọi mới quay vào trả áo.
Nhìn An hai tay nâng áo đưa cao quá đầu để không chạm vào nước mà lòng Di nghe đau nhói. Cảnh tượng nầy giống như người ta đang dâng con vật hiến tế lên bàn thờ, gương mặt An cũng mang vẻ sùng kính như vậy! Di biết rằng hình ảnh nầy sẽ bám theo Di suốt quãng đời còn lại. Sau lưng An, giòng sông với những tia nắng sớm mai lấp lánh trên mặt nước, Vậy mà không hiểu sao màu sắc hoàng hôn như đang thấm đẫm, nhuộm tím cả bầu trời rất xanh và mây rất trắng trên kia. Một câu hát trổi dậy trong lòng Di rồi ngân hoài: "Anh biết không ? Em vẫn mơ, về nơi chân trời tím. Em với anh, in bóng trên, lưng trời cao. Nhưng em biết, muôn đời, muôn kiếp sau. Ta sẽ không bao giờ đến gần nhau..."
oOo
Cơn mưa đầu mùa đến đột ngột như một cái hắt xì, làm mát dịu lại cái không khí nóng và khô của giờ toán. Ông trời năm nay thay đổi chiến thuật, ra tay như nén giận từ hồi nào bây giờ mới trút ra cho hả. Phô bày một lực lượng hùng hậu, vừa tập trung mây vào một chỗ, vừa cho gió và sấm sét phối âm y như một dàn hợp xướng vô cùng hoành tráng
Mấy thầy trò không ai bảo ai đều đưa mắt nhìn ra ngoài. Qua màn mưa dãy hành lang bên kia trông càng vắng lạnh, thấp thoáng bóng một tà áo màu đứng bên cửa lớp. Gió đột ngột thổi mạnh, những giọt nước chạy song song từ mái ngói bất chợt giao nhau rồi quay liền về quỷ đạo cũ.
Tiếng huýt sáo rất nhẹ bài "Em đến thăm anh một chiều mưa " vang lên làm không khí càng ngập tràn thi vị.
-Không ngờ ông thầy mình cũng lãng mạn dữ hén!
Thu kề tai Di nói nhỏ, từ bữa họp liên hoan đến nay Thu có vẻ giận Di, ít nói hẳn đi, cơn mưa nầy chắc đã làm lòng Thu mềm lại. Di không trả lời chỉ ngồi xích lại gần dựa vào vai Thu một tí.
-Vợ chồng tụi nó lại" cơm lành canh ngọt" rồi kìa!
Thuận vừa nói với Lệ vừa lấy ngón tay chọc vào lưng Di.
Chờ thầy huýt sáo xong bản nhạc là cả lớp vổ tay rần rần, Thư van nài:
-Thầy cho tụi em nghe thêm bài "Vết thù trên lưng ngựa hoang" đi thầy!
Thế là cả lớp cùng xúm nhau ỉ ôi, thầy đành phải chìu.
-Ước gì ngày nào cũng mưa. Thu nói.
-Bồ có đem áo mưa hông? Chắc mưa đến ra về quá! Di kéo Thu trở về thực tế.
-Hổng có đem, ai mà biết hôm nay mưa đâu! Sẵn dịp cuối tuần hay tụi mình dầm mưa một bữa đi.
-Mặc áo dài mà dầm mưa sao được ?
-Phải chi tụi mình nhỏ lại như hồi tiểu học hén! Mưa lớn như vầy vọc nước là khoái nhất!
Di tưởng tượng nguyên đám bạn cùng rủ nhau bỏ học chạy ào ra tắm mưa chắc là vui đáo để, bèn buột miệng:
-Ước gì cả trường cùng chạy ra tắm mưa thì thích biết mấy!
-Thôi các em tập trung vào bài học đi! Giọng thầy Tùng vang lên.
-Còn có mười lăm phút hà thầy. Thầy cho tụi em hát ít bản đi thầy, mưa như vầy học hổng nổi đâu thầy ơi!
Thư rên rỉ, trong lớp nầy thầy Tùng chìu Thư nhất. Nó là đứa nghịch ngợm hàng đầu còn thầy thì nghiêm nghị số một, vậy mà thầy rất thương và chưa bao giờ phạt nó cả.
- Không có ca hát gì hết, giải lao như vậy đủ rồi, thầy nghiêm giọng.
Đúng như lời tiên đoán của Di, chuông reng ra về trời vẫn chưa ngớt hột. Thầy Cảnh, anh của Thu cho xe đến sát hàng hiên để chở Thu về, Thu rủ:
- Bồ về với tui luôn đi, để tui nhờ ảnh chở cho.
Di lắc đầu ngoầy ngoậy xua tay ra dấu cho Thu về trước. Số còn lại, vài đứa đứng ngoài hành lang, vài đứa ngồi trong lớp chống tay nhìn mưa chờ người nhà mang áo đến rước, từng đứa lục đục ra về chỉ còn lại vài người. Một chiếc xe đạp dừng lại. Di nhìn ra thấy An liền lật đật quay mặt đi, An thấy thế tiếp tục chạy thẳng.
-Chắc hổng ai rước tụi mình đâu, về đại cho rồi. Lệ nói giọng buồn buồn
-Ừ, tui cũng về luôn, đói bụng quá!
Ni hưởng ứng, thế là cái nhóm còn lại kéo nhau về hết. Hình như trời thương nên mưa bắt đầu nhỏ lại. Thấy Di vẫn ngồi yên một chỗ, Hà hỏi:
-Sao hổng về luôn?
-Mấy bồ về trước đi, tui làm cái nầy một chút.
-Làm thơ hả?
-Thơ thẩn cái quái gì?
-Vậy là có hẹn, chờ chàng nào đến rước phải hông?
-Ừ ! Vậy nên về hết đi đừng có phá tui.
Cả bọn vừa kéo nhau đi vừa cười khúc khích. Di nghe Hà nói:
-Con nhỏ đó nó hơi "mát", bộ tụi bây hổng biết sao?
Còn lại một mình Di ngồi thừ một lúc rồi mở tập toán ra, chưa đọc được chữ nào đã nghe tiếng gọi:
-Di, Di.
Nhìn ra thấy An đã trùm sẵn áo mưa, dừng xe đúng chỗ hồi nãy. Di cất tập, đảo mắt tua một vòng xem có còn ai. Hai dãy hành lang hoàn toàn vắng lặng. Di cảm thấy an tâm, ngồi lên xe. An mở hết núc của cái áo mưa cho nó trải rộng rồi nói:
-Di trùm áo vô đi hông thôi ướt đó!
Di hơi ngần ngại rồi cũng chui vào, hơi ấm từ cái áo bao trùm cả người bỗng làm Di run nhẹ...
Rồi ngày quan trọng nhất cũng đến!
Liên hoan năm nay nhuốm một vẻ trang trọng và phảng phất vị buồn. Để tạo một kỷ niệm thật đẹp cho buổi tiệc sau cùng, các nhóm cùng nổ lực. Đặc biệt nhóm trang trí và văn nghệ có phần vượt trội hơn. Bàn học được khiêng bớt ra ngoài chỉ chừa lại một dãy kê sát ba bức tường thành hình chữ U. Bàn tiệc của thầy cô kê đối diện và sát bục giảng, được trang hoàng công phu nhất. Khăn trải bàn, khăn ăn trắng toát cùng nguyên bộ đồ ăn bằng sứ rất đẹp mượn từ nhà Ánh. Một bình hoa do Thu mang đến với ba màu vàng, tím, trắng được đặt ở giữa bàn.
Khoảng trống giữa lớp được dùng làm sân khấu, rất nổi bật nhờ cành phượng to, đỏ rực do Lâm bạn của Đây mang tặng cắm vào chậu. Mấy gói quà do các bạn mang đến có ghi số của từng người theo sổ điểm để trao đổi cho nhau theo lối bắt thăm, được treo lủng lẳng khắp cành. Quà của thầy cô được để riêng trong hộp. Công việc được sắp đặt đâu vào đấy mà sao trong lòng Di vẫn thấy lo lo.
Đến mười giờ các thầy cô đã đến đông đủ. Có lẻ nhờ tấm thiệp rất đẹp, cùng lời mời tha thiết làm thầy cô cảm động nên không có ai vắng mặt. Thầy Lam dạy văn và là thầy hướng dẫn của lớp 12 A2, dù không được mời vẫn đến dự làm tụi Di vô cùng cảm động. Nhưng lại nảy sinh vấn đề là thiếu một phần quà dành cho thầy. Di đề nghị lấy quà các bạn tặng cho nhau để tặng thầy. Tâm can:
-Coi chừng đó Di ơi! Lớp tụi mình toàn con gái lại khoái đùa nữa, bồ có nhớ năm ngoái hông? Mở quà ra toàn là bình sữa, núm vú cao su và kẹp tóc không hà. Sợ tặng thầy trúng ba cái thứ đó là kỳ dữ lắm!
-Vậy thôi lấy gói quà của mình đi, có điều... Di hơi ngập ngừng
-Có điều gì? Bộ bồ tặng đồ" tế nhị" hả? Thư hỏi một cách ưởm ờ .
-Mình tặng cây viết nhưng lỡ khắc tên và hàng chữ "Forget me not" lên đó nên thấy kỳ kỳ.
-Có sao đâu! Bất quá thầy nghĩ là bồ thương thầm nhớ trộm thầy là cùng chớ gì. Mà có khi đây là do ý trời... Không để cho Thư nói hết câu. Di lật đật thúc cùi chỏ thật mạnh vào hông Thư, làm Thư bị đau kêu chói lói!
Buổi tiệc bắt đầu với bài cám ơn thầy cô mà Di viết bằng cả tấm lòng của mình, vừa đọc vừa rưng rưng làm mấy bạn cứ sục sà, sục sịt. Cô Ấn còn lấy khăn ra chậm mắt nữa. Rồi đến phần tặng quà cho thầy cô. Di lo ngay ngáy, không biết thầy Lam có nhận ra giấy gói quà của thầy khác với mọi người, rồi ngại và từ chối hay không ? Rất may điều đó không xãy ra. Tiếp theo là phần vừa ẩm, thực vừa xen văn nghệ. Thầy Lam xung phong trổ tài trước tiên, thầy mượn cây đàn Guitar từ tay Nguyệt rồi vừa đàn vừa hát bài " Hương Xưa" và" Hoài Cảm". Giọng Huế sâu lắng, cùng ngón đàn điêu luyện của thầy làm cả phòng lặng đi rồi vỗ tay vang dội. Từ đó thầy đàn cho mọi người hát cho đến cuối buổi tiệc.
Lớp Di có Nhan nổi tiếng hát hay nhất trường, còn được gọi là "Nhan Ngày xưa hoàng thị". Đã vậy lại còn rất đẹp cho nên biết bao nhiêu người theo đuổi. Khi thầy Lam đàn cho Nhan hát Ni kề tai Di nói nhỏ:
-Có khi nào Nhan là lý do để thầy chiếu cố lớp mình không hả Di?
Kế đến là hợp ca, cả lớp đứng chen chúc vòng trong vòng ngoài để hát bài " Nếu hỏi rằng..."tặng các thầy cô. Cả lớp cùng hát:" Nếu hỏi rằng em yêu ai, thì em rằng yêu quê hương nè! Thì em rằng yêu mái trường nè! Yêu thầy yêu cô, yêu hết bạn bè", Hà cất giọng hỏi:" nhưng nhất là em yêu ai?". Các bạn đồng thanh trả lời tên của từng thầy cô theo thứ tự chỗ ngồi, nhưng bắt đầu bằng tên cô trước. Cái bài hát vui và được hát theo giọng của con nít ấy làm buổi tiệc rộn ràng hẳn lên. Đến màn cuối Di nhờ Tâm ngâm giùm bài thơ của mình để tặng thầy, cô cùng các bạn vì Tâm là người Trung nên ngâm thơ rất hay :
Ơi! cô trò nhỏ thật thà
Đem lòng yêu gốc Phượng già cuối sân
Mỗi năm phượng nở một lần
Mùa chia tay cũng sắp gần đến nơi
"Thôi đừng buồn nữa bé ơi!
Tựu trường gặp lại là vui thôi mà!"
Năm nay sắc Phượng đậm đà
Và cô gái ấy lệ nhòa ướt mi
"Phượng ơi! ở lại tôi đi
Lần này từ tạ mong gì gặp nhau"
Phượng buồn hoa đỏ rơi mau
Ai đưa tay nhặt ép vào tập thơ
Ép luôn cả mối tình khờ
Cả thời hoa mộng, hay mơ, hay cười
Thầy, cô, bè bạn từng người
Tiếng chân ai bước theo đuôi mỗi ngày...
Ngậm ngùi thốt tiếng chia tay
Chia tay hoa phượng, chia tay tình đầu!
oOo
Có một sinh vật mà Di ghét nhất, phải tìm cách đối phó và ngày nào cũng đánh xáp lá cà với chúng: Đó chính là con muỗi!
Trước khi ngồi vào bàn học, Di phải nai nịch y như sắp lâm trận. Hai bàn chân trùm kín bởi đôi vớ nhà binh kéo cao đến nửa ống cẳng, với hai cái ống quần được nhét gọn bên trong cho muỗi khỏi chui vào. Bên cạnh để một cây quạt rất to để đập và xua muỗi. Vậy mà có được yên đâu, thỉnh thoảng cứ tát vào má, vào tay của mình thật mạnh y như tự trừng phạt vì một tội lỗi tày đình nào vậy.
Chỉ còn hơn tuần nữa là đã đến ngày thi rồi. Năm nay hội đồng thi được tổ chức tại tỉnh nhà nên tụi Di không phải "lai kinh ứng thí". Thi theo kiểu trắc nghiệm do cái máy gọi là IBM chấm. Ngoài học bài thật thuộc còn phải tập tô viết chì, y như mấy bé mẫu giáo tập tô màu. Kiểu thi nầy được áp dụng lần đầu và tụi Di được làm thí nghiệm. Cái mẫu đơn dùng cho thí sinh năm nay cũng khác. Di cảm thấy một áp lực đè nặng lên người. Nỗi lo sợ thi rớt cầm tù cả mọi niềm vui, học ngày học đêm mà vẫn thấy như chưa đủ. Mọi năm giờ nầy là tụi Di rủ nhau đi núi. Xuống nhà Thu đổ bánh khọt. Sang nhà Triều ở Cồn Tiên ăn bắp nướng tại rẩy. Qua Châu Giang mua táo... còn bây giờ chỉ nghĩ đến thôi cũng không có thì giờ chứ nói gì.
Tối nào Di cũng để đồng hồ reng lúc một giờ rồi ngồi dậy học luôn tới sáng. Mấy bữa nay ngoại qua thăm. Di thức giờ nào là ngoại thức giờ nấy. Di học được gần hai tiếng là đã thấy đói. Ngoại như biết trước, lui cui đi nấu gói mì, bưng ra tận bàn học cho Di rồi bảo:
-Ăn đi con, cho có sức mà học.
Trong khi Di ăn, ngoại lấy trầu ra têm. Trước đây Di hay quết trầu cho ngoại nhưng từ hôm tựu trường đến giờ, Di hầu như chưa làm việc đó. Di nuốt vội tô mì rồi giành lấy cái ống ngoái từ tay ngoại nói:
-Để con quết thật nhuyễn cho ngoại nha!
Ngoại cười rất hiền rồi cầm lấy cây quạt, vừa quạt cho Di ngoại vừa hỏi :
-Con ăn hết mấy cái bánh chuối chưa, ngon hông?
-Con ăn hết từ hôm qua rồi. Ngon lắm ngoại!
Di rất thích ăn bánh tét nhưn chuối do ngoại gói, nên mỗi lần qua thăm ngoại hay làm đem theo. Mấy đòn bánh nho nhỏ được ép dẹp và cột nhập lại, hai cái thành một nên còn được gọi là bánh cặp. Ngoại Di có tiếng là gói bánh tét khéo nhất xóm. Ngoại xào nếp với nước cốt dừa rồi trộn đậu đen vào nên bánh thơm và béo lắm ! Chuối thì ngoại lựa nải chuối lá xiêm ngon nhất. Khi nấu chín, nhưn có màu đỏ au, rất ngọt.
Vừa làm Di vừa suy nghĩ miên man. Nếu thi đậu chắc sau nầy ít có dịp quết trầu cho ngoại. Trước giờ Di chỉ mơ được đi dạy học, nhưng bây giờ Di chợt muốn làm nha sĩ để làm tặng ngoại một hàm răng giả. Không biết ngoại có ráng chờ đến ngày đó không? Nghĩ đến đây tự nhiên Di thấy bùi ngùi quá! Ngoại Di năm nay đã gần tám chục, lưng ngoại còng nhiều và mắt mờ lắm. Vậy mà lần nào đến cũng soạn tủ đồ của Di kiếm từng cái áo đứt núc, cái quần rách lai mà đơm mà vá lại. Ngoại thấy Di cứ cắm đầu giả miết nên nhắc:
-Được rồi đó con, đưa đây cho ngoại rồi lo học đi!
Từ hôm bải trường đến nay, Di tập trung ôn thi và có bà ngoại qua thăm, cánh cửa sổ trước bàn học mỗi tối đều đóng chặt. Hằng đêm An đi qua đi lại, miếng ván gỗ gõ nhịp theo từng bước chân. Chẳng biết Di có nghe không mà vẫn đọc bài bằng cái giọng đều đều. An viết sẵn một lá thư chỉ có mấy câu, cất hoài trong túi chờ gặp dịp để trao. An sợ Di thi xong rồi ra đi mà chưa kịp cho An một lời hứa. Cái lá thư có chưa tới mười dòng mà An cứ viết rồi xé, gần hết cuốn tập kẻ hàng đôi dày 32 trang:
Di ơi!
Có phải sợ An quấy rầy hay không mà cứ đóng cửa sổ hoài vậy? Có biết An và mây, gió, trăng, sao đứng ngoài nầy buồn lắm hông? Thôi Di cứ mở cửa ra để ngồi học cho mát. An hứa không làm phiền đâu.
Chừng nào Di đi nhớ để lại cho An xin đôi dép. An mang rồi trùm mền lại ngủ không để cho ai thấy nên Di đừng ngại. Di nhét nó ở dưới mấy cái phuy chứa nước nhe, chỗ đó không ai mò tới được. An không có món gì quí giá, chỉ vét hết tấm lòng nầy đem tặng Di thôi! Di ơi xin cho An một lời hứa, một niềm hy vọng để vửng bước mà hướng tới tương lai. Xin đừng để niềm tin trong An phá sản.
Mong thư hồi âm của Di nhiều lắm!
An
Tối nay An quyết tâm đưa Di cho bằng được, nên nép mình bên hàng rào rình chờ mãi. Rồi Di cũng bước ra sân. An vẫy tay ra hiệu cho Di bước đến rồi móc lá thư đầy hơi ấm trong túi ra. Di đưa tay vói lấy, vừa cầm là nghe tiếng mợ gọi nên rút lại liền. Cái tay rơi xuống chạm vào cọng gai trên dây kẽm kéo dài một đường rướm máu làm An điếng hồn. Thoáng thấy nét mặt Di nhăn lại cùng cái liếc mắt vội vàng, nửa như đau đớn, nửa như trách móc.
Di cho vội lá thư vào túi rồi chạy vào nhà. Không dám bước vô phòng mợ mà chỉ đứng bên ngoài hỏi vọng vào:
-Mợ kêu con hả mợ?
-Ừ! làm cho em bình sữa giùm mợ.
Di lật đật lấy cái áo tay dài tròng vô rồi chạy vào bếp lấy bình sữa. Trụn nước sôi, rót nước, cho bốn muỗng guigoz vào bình rồi múc thêm 1/4 muỗng cho vô miệng mình. Di ghiền cái loại bột sữa nầy nên mỗi lần pha cho mấy em hay ké một miếng. Có lẽ mợ cũng biết nên có lần nói:
-Sao hộp sữa kỳ nầy mau hết quá!
Mang vào cho mợ xong. Di chạy vô toa lét liền để đọc xem An viết cái gì ở trỏng. Một vị ngọt ngọt vẫn còn vương ở đầu lưỡi. Di nuốt chút sữa còn sót lại, nuốt luôn cái cục gì nghèn nghẹn đang bị mắc kẹt nơi cổ họng của mình.
Sáng mai là đến ngày thi, tối hôm nay Di cho phép mình nghĩ xả hơi một bữa. Bài vở đã xào đi xào lại đến chín rục. Di có cảm giác bộ óc của mình như cái bong bóng đang căng hết cỡ, chỉ cần thổi thêm một hơi nữa thôi là nó" banh ta lông" liền. Cố chui vào mùng ngủ sớm mà cứ lăn qua lăn lại, gần mấy tiếng đồng hồ không sao chợp mắt.
Di mở cửa lén bước ra sân. Đêm nay trăng non, cái lưỡi liềm rất mỏng giống chân mày của con gái nhiều hơn, thì ra người ta hay ví chân mày vòng nguyệt là mượn cái hình ảnh nầy đây! Một gói gì trăng trắng treo trên hàng rào. Di bước đến xem. Hai bịt chè đựng trong túi nilon, một bịt là chè đậu đỏ đang tươm mồ hôi lạnh, còn cái kia là chè nếp khoai cao sờ vào còn ấm. Di đảo mắt nhìn không thấy An đâu chỉ nghe miếng ván gỗ vọng lại tiếng lọc cọc rất nhẹ. Di lấy bịt chè đậu đỏ ăn trước, làm biếng trút ra ly nên cắn một góc để hút rồi vừa ngắm trăng vừa nhai từng hột đậu. Một áng mây bay chậm từ từ hướng về phía mặt trăng. Di nhủ thầm:" Nếu mình ăn hết bịt chè nầy mà trăng chưa bị che lấp thì sẽ thi đậu". Rồi ra sức nhai nghiến ngấu. Cái bịt rổng không, mây còn chưa tới kịp làm Di mừng quá!
Tối hôm ấy Di nằm mơ, một giấc mơ đẹp. Di mơ thấy An chở Di chạy như bay lên núi, mây từng cuộn bay ngược chiều và cứ quét vào mặt Di rất lạnh. Khi tỉnh dậy, Di sờ mặt thấy tay mình bị ướt. Tại sao Di khóc trong mơ? Di cứ tự hỏi hoài mà không sao trả lời được.
Trước buổi thi Di làm theo lời ngoại dặn, chấp tay thành khẩn xin ông ngoại và ba phù hộ. Môn Anh văn thi trước trúng ngay bài "Big city" là bài tủ nên Di làm xuôi rót. Tinh thần lên như diều nên mấy môn sau Di đều chui qua trót lọt.
Thi vừa xong là Di đau một trận dữ dội, đầu nhức như búa bổ chịu không nổi mợ phải dẫn đi bác sĩ. Ông bác sĩ mở phòng mạch ở nhà bà Ba má của mợ có cái tên thật bình dị:" bác sĩ Út ". Ổng có gương mặt rất hiền. Mới vô khám là Di đã nói trước:" Cháu không có chịu tiêm thuốc đâu! ". Ổng cười, vừa khám vừa nói chuyện rất vui và thân mật. Xúi Di nếu có đậu thì ráng mà thi vô ngành y, nhát vi trùng cho nó tránh xa để khỏi bệnh, khỏi bị chích thuốc.
Thế là bao kế hoạch định làm khi thi xong đều bị phá sản. Di phải nằm nhà uống thuốc. Mỗi buổi chiều Thu đều đến thăm, kể cho Di nghe đã cùng các bạn đi những đâu, ăn món gì, rồi còn mang về cho Di nào là bắp, là táo, là bánh xèo, bánh khọt... Làm cho Di vừa cảm động, vừa tức, vừa tủi thân...Chỉ tội cho An mỗi đêm cứ đi tới, đi lui trên cây cầu gỗ như muốn cho Di biết đang rất lo lắng cho Di. Có một đêm Di tỉnh dậy nửa chừng nghe tiếng guitar đang dạo bài "Đố ai", tiếng đàn quá ư da diết làm lòng Di tràn ngập một niềm thương cảm. Di hát trong lòng từng câu: "...đố ai nằm ngủ không mơ, biết em nằm ngủ hay mơ, nửa đêm trăng sáng, đứng chờ ngoài hiên...".
Chứng nhức đầu của Di vẫn không thuyên giảm. Má đi chùa bà xin cho Di hết bịnh, đi coi bói, coi thầy rồi đem mấy lá bùa về đốt thành tro, hòa vô nước cho Di uống mà cũng chẳng thấy bớt. Cho đến một buổi trưa Di đang nằm trong nhà bỗng nghe tiếng la to từ ngoài cổng. Giọng của Mỹ Hạnh vang vang :" Tụi mình đậu rồi Di ơi, năm đứa mình đều đậu ưu hết cả ". Di tốc chạy ra sân như bị ma rượt, Thu, Mai Anh, Mỹ Hạnh đang đứng giữa sân, đầu trần dưới nắng chan chan. Cả bọn ôm nhau nhảy tưng tưng và kỳ diệu thay cơn bịnh rút lui luôn từ lúc đó!
Còn chưa kịp đi chơi núi, coi bói, xin xăm...với các bạn thì má đã nhắn Di về nhà liền để theo cô Ba đi Sài Gòn. Di lật đật gói ghém đồ đạc vừa làm vừa lắng tai để ý, cứ mỗi lần nghe tiếng cây cầu khua là nhìn ra cửa sổ. Mọi hôm An cứ đi tới đi lui có trên chục bận vậy mà bữa nay càng chờ càng mất biệt. Gói đồ xong Di xin mợ đi chợ mua quà cho mọi người rồi ghé Thu cho hay tin. Thu giậm chân:
-Trời đất ơi! Sao đi gấp quá vậy? Tụi mình còn chưa kịp làm gì hết, còn chưa đi thăm thầy cô nữa.
Di buột miệng nói theo thói quen:
-Thôi để dành lần sau vậy.
-Biết có còn lần sau hông mà hứa?
Câu hỏi của Thu cất lên cùng lúc với tiếng vọng trong lòng Di, ừ! Còn có lần sau nữa không hay là...Thấy mặt Di buồn quá Thu gợi ý:
-Hay là xin má ở lại thêm mấy ngày rồi đi một lượt với tụi mình.
-Không được đâu! Mấy bồ đâu có biết chỗ của chị mình ở.
-Nhớ viết thơ cho mình biết địa chỉ, để mình kiếm bạn khi lên trển.
-Chắc chắn rồi, bồ chào thầy cô và các bạn giùm mình nghe, tết mình về sẽ đi thăm sau.
Chia tay Thu xong Di chạy ra chợ mua tặng An một món quà. Di suy tính mãi rồi mua một cây viết máy màu tím hoa cà, mang đi khắc hai chữ "Hè xa". Điều làm Di bận tâm nhất là viết thư trả lời cho An. An biểu Di hứa, Di còn chưa xác định được tình cảm của mình dành cho An thì hứa làm sao đây! Hổm rày Di tập trung cho việc thi cữ, xong rồi là lo trị bệnh đâu có ngó ngàng gì tới An, chắc An buồn tủi lắm. Cứ mỗi lần nghĩ đến An là Di cảm thấy buồn hết sức, vậy đó có phải là "yêu" như trong sách nói không? Hay Di chỉ thương An như thương ngoại, má, chị...Vì mỗi lần nghĩ đến những người thân của mình Di cũng buồn lắm!
Rồi Di chạy vào trường. Giữa mùa hè cổng chỉ mở hé và sân trường rất vắng. Di đến gốc phượng to có khắc chữ D tên ai không biết, đưa tay rờ nhẹ lên từng nét. Chạm tay vào lớp vỏ xù xì của cây, một cảm giác xốn xang dâng lên như có lần Di chạm vào tay An. Mấy lần Di định hỏi An, có phải đây là tác phẩm của An không nhưng cứ sợ. Di sợ An lắc đầu và cũng sợ An gật đầu. Di sợ mình lại nợ An thêm một món nữa.
Buổi cơm chiều hôm đó Di ăn không nỗi, vừa buông đũa là nghe tiếng gọi. Di chạy ra cổng, Thu, Hà, Tâm đang đứng chờ vừa thấy Di ra là hối liền:
-Vô xin mợ đi ăn mì với tụi mình đi!
Mợ cho liền. Di thay đồ nhanh như chớp rồi lấy xe đạp vù ra với đám bạn. Cả bọn chạy đến quán mì "vách tường" quen thuộc, đây là cái tên mà tụi Di đặt cho nó vì bán ngoài trời và kê sát vách tường. Mai Anh, Mỹ Hạnh, Kim Hồng, Hí Xuân, Phượng A, Ánh, Thư đang ngồi chờ sẵn, vừa ngồi xuống là Thư nói liền:
-Con nhỏ nầy khôn ghê ta ơi! Đậu xong là vọt liền trốn nợ tụi mình.
-Thì chầu nầy mình đải các bạn nè! Di đáp
Cả chục cái miệng kêu lên cùng lúc:
-Để tui!
Thu nói thật to để át tiếng mọi người:
-Chầu nầy của tui vì tui là người khởi xướng, còn các bạn xin để lần khác đi.
-Biết có lần khác hông?
Thư hỏi, rồi chưa ai kịp trả lời là nói luôn:
-Hay tụi mình hẹn nhau cứ mỗi năm họp mặt cả lớp một lần đi!
-Nói ra là biết cái tánh tham lam liền, cả nhóm nầy còn chưa chắc đủ chớ nói chi cả lớp! Hà kê liền.
-Chưa tập trung lại sao biết là không đi đủ? Thư cãi.
-Bộ bồ tưỡng như còn học chung vậy hả? Bây giờ muốn gặp nhau còn khó nói gì đến năm sau. Lúc đó là tứ tán hết rồi. Biết đâu còn có đứa "theo chồng bỏ cuộc chơi" nữa.
Hà nói như gắt vậy mà không đứa nào giận mà lặng đi vì buồn. Di vội pha trò:
-Ai chớ tui dám cam đoan là nhỏ Thư nầy lấy chồng liền tay thôi. Cái anh chàng "bốn mắt" chắc là nóng máy lắm rồi...
Di mới vừa nói tới đó là Thư đã đưa tay bụm miêng Di thật chặt, nói thầm như nghiến từng tiếng:
-Bồ mà nói nữa là tui vặn họng liền. Cái chuyện nầy tui chỉ có tâm sự với bồ thôi, ba tui mà biết là ổng cạo đầu tui đó!
Cả bọn nhao nhao:
-Ê! thằng cha "bốn mắt" nào vậy, kể nghe coi Thư!
Thư lắc đầu:
-Trời ơi! hết ai để tin rồi sao mà đi tin con nhỏ nầy. Nó bịnh tương tư đến đi không nổi. Bây giờ hồn phách xiêu lạc, nói ba xí ba tú mà nghe làm chi cho mệt.
-Bồ mà không sớm khai ra để tụi tui điều tra ra được. Cái tên ác tặc đó bị tụi tui tùng xẻo thì đừng có trách sao hạ thủ chẳng lưu tình. Tâm ghẹo.
-Đó còn chưa nói đến cái nguy cơ là cả bọn hùn lại thương có một tên, lúc đó phiền hà dữ lắm nghe! Thu phụ họa.
-Tới lúc đó chắc tụi mình phải đổ xí ngầu giống như trong chuyện "Lộc đỉnh ký " quá!
Hà vừa nói vừa cười hinh hích, cả bọn cũng cười theo vô cùng rôm rả. Thư liếc Di một cái bén ngót như dao, rồi kẹp hai ngón tay lại mà nhéo như rức thịt, làm Di đau đến nhảy dựng lên!
Sáng hôm nay má nhờ An chở về nhà ngoại đi đám giỗ. An không dám cãi nhưng đi mà sao bụng cứ nóng hơ, cứ mong xong sớm rồi về liền mà má cứ ngồi nói chuyện mãi. Chịu hết nổi An đành giục:
-Mình về đi má!
Má nạt:
-Bộ không thấy má đang nói chuyện sao mà hối!
-Con còn có việc cần làm nữa.
-Nghĩ hè rồi có cái gì mà làm. Má còn ở lại ghé thăm cậu Bảy nữa, chiều mới về.
An nói, giọng quạu đeo:
-Vậy con về trước à nghe, lát nữa má nhờ cậu Bảy chở má đi.
-Không có nhờ ai hết, ở lại chờ má về một lượt.
Thế là An kẹt cứng. Giận dổi bỏ ra cái võng ngoài vườn nằm. Gió mơn man thoảng một mùi ổi chín như muốn xua bớt nỗi bực bội trong lòng An. An nằm lót tay sau ót nhìn lên đám lá xanh lấp lánh trong ánh nắng. Một vạt mây trắng bay rất chậm trên nền trời xanh ngắt. Trên ngọn cây hai con chim đang cắm cúi mổ một quả ổi chín. An nghĩ thầm chắc đây là một cặp vợ chồng vì chúng có vẻ nhường nhịn chớ không đánh nhau chí chóe. Chợt nhớ Di khoái ăn ổi. An vội ngồi bật dậy bỏ dép rồi trèo thoăn thoắt. Cây ổi trái sai oằn. An lựa những trái thật ngon hái nhét đầy hai cái túi quần tây. Bỗng thấy một chùm có mấy trái rất đẹp đu đưa tận chót vót của cái nhánh rất mong manh. An mạo hiểm cố rướn người hết mức, xém trợt mấy lần. Cuối cùng cũng hái được cả chùm còn dính luôn cành lá, cầm trên tay rồi leo xuống. Con bé Mai đứng dưới gốc chờ sẵn, vừa thấy An chạm chân tới đất là xin liền:
-Cho em chùm ổi nầy đi anh An.
An nói dối:
-Không được, chùm ổi nầy anh hái để cúng.
Rồi móc trong túi quần ra mấy trái cho nó. Con bé trề môi không thèm rồi vùng vằng bỏ đi có vẻ giận. Cái gương mặt phụng phịu của nó có cái nét hao hao giống Di khi hờn mát. An nghe một nỗi nhớ tràn ngập khắp lòng .
Vừa về đến nhà là An ghé mắt qua cửa sổ để tìm Di, thấy thằng Thống đang ngồi vừa xem ti vi vừa xước mía. An ngoắc. Thống bước đến, An hỏi:
-Chị Di đâu rồi?
-Chỉ đi ăn mì với bạn, nó nói thêm:
-Ngày mai là chỉ về Phú Lâm luôn rồi! Giọng nó buồn hiu. An có cảm giác như vừa chạm tay vào mạch điện hở, đứng im như trời trồng một lúc rồi bỏ về nhà vào phòng nằm. Má kêu:
-An, ra ăn cơm!
-Con không ăn!
-Sao hông ăn, tối rồi, ăn cho người ta dọn rửa!
-Dọn hết đi đừng có chừa con. An nói như gắt. Má nạt:
-Không có được nói cái kiểu dùi đục chấm nước mắm với má à nghe! Hổng ăn thì thôi, cho đói rả họng luôn!
An kéo cái mền trùm đầu rồi không chịu nổi lại ngồi bật dậy, ra xách xe đạp một mạch. Chạy ngang qua quán mì nổi tiếng thấy Di và nhóm bạn đang nói cười vui vẻ. Một nỗi buồn đến uất nghẹn chặn lên tới cổ. An cong lưng đạp thẳng, chạy một đổi thấy tối dần mới hay mình đang đi ngược về hướng núi. An cứ đạp miết. Con đường vắng tanh. Những tia sáng hiếm hoi, từ mấy cái đèn trứng vịt, chong trên bàn thông thiên của những căn nhà sát mé đường, không đủ soi sáng mấy cái ổ gà. Chiếc xe cứ mấp mô dằn xóc. Gần đến núi con đường dốc dần. Cơn giận, nỗi buồn, con đường dốc như rút hết sinh lực của An. An vất xe rồi ngồi bệt xuống lề đường...
Về đến nhà đã vào khoảng nửa đêm. Một chiếc áo bà ba trắng thấp thoáng bên hàng rào dây kẽm gai làm An xốn xang. Tội quá! Chắc Di chờ An lâu lắm! Chắc là giận lắm đây. An chuẩn bị sẵn lời biện hộ vậy mà chỉ nghe Di nói thật nhẹ:
-Di tặng An cái nầy nè! Mai Di đi rồi.
Di vừa nói vừa vói tay qua hàng rào, trao cho An cái hộp nhỏ hình chữ nhật gói giấy hoa.
An đưa tay cầm, bàn tay đè lên tay Di. Di không rút lại liền như mọi lần mà cứ để yên rồi cả hai cứ đứng im hoài không nhúc nhích.
An ơi!
Di xin lỗi nếu bức thư nầy không đúng với lòng An mong đợi. Nếu nói Di không xúc động trước tình cảm của An thì thật là giả dối. Có điều Di không biết nó có khác với tình cảm mà Di dành cho những người thân của mình? Cho đến nay Di chỉ tiếp xúc với một người con trai là An mà thôi! Di nghĩ rất nhiều về An, hết lòng cầu mong cho An có được một tương lai tốt đẹp, hơn cả mong ước cho chính mình.
Di còn nhớ cái lần má giao tiền cho Di đi chợ. Má cứ dặn tới, dặn lui là đừng có bộp chộp mua liền cái món mới thấy đầu tiên, mà hãy chịu khó đi khắp chợ, nhìn ngắm kỹ càng lựa cái nào ưng ý nhất rồi hãy mua. Bây giờ Di cũng đem lời khuyên của má ra mà khuyên An. An còn chưa đi đến chợ nữa mà. An có đủ điều kiện để chọn cho mình cái tốt nhất, đẹp nhất.
Còn về phần Di, mục đích mà Di vươn tới không phải là một mái ấm gia đình. Di chỉ mong học xong rồi có một công việc vững vàng. Sống theo ý mà không cần lệ thuộc người khác. Muốn tạo cho mình một căn nhà nho nhỏ. Muốn có đủ tiền để mỗi ngày mua một quyển truyện hay, cuối tuần đi xem phim, ăn hàng thỏa thích và may cho mình thật nhiều áo đẹp.
An ơi! xin đừng dành hết tình cảm cho Di, hãy giữ lại vì có ngày rất cần đến nó. Biết đâu sau nầy An sẽ gặp được người con gái khác. Biết đâu đó mới chính là đáp án thật sự cho bài toán đời của An. Còn nếu chúng ta vẫn không thay đổi, vẫn còn mơ thấy nhau và nghĩ về nhau mỗi ngày, vẫn dành một góc trong lòng để cất giữ hình ảnh của nhau thì đâu còn gì điều gì đẹp hơn, quí hơn, đáng mong đợi hơn!
An hãy giữ gìn sức khỏe và học thật tốt. Còn về câu hỏi của An là Di thích An chọn ngành nào. Di cũng không biết phải trả lời sao nữa. Xưa nay Di rất ngưỡng mộ những người cống hiến cho đời những tư tưởng, công việc hữu ích mà không cần được nhiều người biết đến. Nói nghe lớn lối quá! Tóm gọn một điều là An cứ chọn theo ý thích, theo khuynh hướng của An thôi, miễn sống có ích và yên vui là tốt rồi.
An ơi! Dù tương lai của An có Di hay không, Di vẫn mong nó vô cùng tươi sáng. Khi Di đi rồi An hãy lấp đầy những khoảng trống mà Di bỏ lại bằng cách học thật nhiều, thật chăm An nhé! An hãy nhớ những lần Di giận. An hay mang thành tích tốt ra khoe và thế là Di nguôi liền.
Di muốn viết cho An nhiều hơn nữa mà sao lòng thấy nặng nề quá. Sợ càng viết càng làm An buồn theo. Tựu trường năm tới có thể An học lớp của Di rồi đó! Ráng mà vào thật sớm chọn ngồi ngay cái chỗ của Di nghe. Cái chỗ đó hên lắm ! Trong học bàn có lẻ còn một đống vỏ me và giấy nháp của Di bỏ lại. An hãy dọn giùm Di nhé ! .
Còn bây giờ là đến cái điệp khúc mà An ghét nghe nhất đây: An ơi hãy hứa với Di là bỏ hẳn thuốc lá, uống rượu để tỏ ra mình đã lớn. Thực ra nó làm mọi người không nghĩ tốt về An. Đừng có bực bội với những lời la rầy của má và chị của An, rồi phản ứng thái quá. Nói thiệt nghe, có lúc Di thấy An hơi hổn đó!
Sáng mai Di sẽ lên đường rất sớm. Di không muốn An xuất hiện vì sợ mợ biết. Hổm rày qua lời nói và cử chỉ của mợ, Di đoán là mợ đã nghi ngờ và rất không vui.
Cám ơn tập thơ Đường, mấy bản nhạc và bức ảnh mà An tặng. Bức ảnh An chụp đứng dựa lưng vào núi đá trông buồn và cô đơn quá làm Di bùi ngùi khi nhìn đến. Di gửi lại mấy sợi tóc cho An để dành mà ráy lỗ tai. Hy vọng An xài đến sợi sau cùng thì tai cũng không còn ngứa nữa.
Rồi An sẽ quên Di, như quên những sợi tóc rơi quá âm thầm.
Di.
An cứ đọc đi đọc lại bức thư của Di, càng đọc càng buồn. Di hầu như phủ nhận hết những gì đã có giữa hai người. Giống như Di gom góp hết mọi hoa cỏ trong vườn và bỏ lại lòng An một bãi đất trống. An nghĩ đến câu trả lời của Di cho câu hỏi mà có lần An nêu:
-Di thích mẫu người đàn ông như thế nào?
-Di thích một người cho Di cảm giác an toàn. Có óc khôi hài và hay tạo cho Di những bất ngờ thú vị!
Ngay cái tiêu chuẩn cốt lỏi, đầu tiên là An biết mình đã không kham nổi rồi. Hai cái sau thì may ra. Thà là Di có những yêu cầu cụ thể để làm cái mốc cho An cố gắng, còn nói lan man như vậy An thấy chơi vơi quá!
Bên nhà Di, đèn trong bếp bật sáng. An xem đồng hồ mới hai giờ sáng không lẻ Di đi sớm vậy sao? An nhón bước, ghé mắt nhìn vào khe vách. Di đang trụn bình pha sữa, múc sữa cho vào bình lắc đều, đậy hộp sữa lại, suy nghĩ hồi lâu rồi lại mở ra liếc nhìn qua lại rồi múc một muỗng sữa cho vào miệng. Gương mặt vừa có vẻ ray rức của một người phạm tội, vừa có vẻ thích thú của một người ăn vụng. Không hiểu sao cái hành động ấy của Di, lại gieo vào lòng An một niềm vui, một niềm tin, hơn bất cứ lời hứa hẹn nào!
Chuông báo thức vừa reo là Di vói tay tắt liền sợ mấy em giật mình, rồi không mở đèn mà âm thầm thay đồ trong bóng tối.
Mợ hỏi, giọng còn dính nhựa:
-Sao đi sớm dữ vậy, ở lại đến trưa mợ nấu bún nước lèo cho ăn rồi hãy đi!
-Dạ hổng được đâu mợ, hổm rày cô Ba con phải nán lại chờ, trễ nải công việc của cổ quá chừng. Con về sớm đi thăm bà con cho kịp để sáng mai là xuống Sài Gòn với cổ liền.
-Lát nữa tụi nó dậy không thấy con chắc khóc om sòm quá!
Di nghe lòng chớm lên nỗi nhớ, muốn vén mùng hun mỗi đứa một cái mà hổng dám. Tần ngần mấy phút rồi cũng xách va li đi ra mở cửa trước. Một luồng gió mát lạnh ùa vào nhà, cái võng trước hiên rung nhẹ như nén khóc. Thôi chào võng nhé! Hết rồi những buổi trưa ôm tập ra nằm vừa học bài vừa ngủ gục. Hết rồi những buổi tối trời mưa, vừa gậm bánh mì vừa ráng làm thơ. Giã từ cái hàng hiên vắng, nơi chứng kiến những cuộc gặp gỡ lén lút đầy hồi hộp lo âu. Giãtừ tấm bạt bao cát cũ mèm rất bao dung bấy lâu luôn che chở. Giã từ cây vú sữa đang vẫy tay chào từ biệt, từng nhánh vẫn còn dấu vết Di bỏ lại của những lần trèo cây, hái trái làm gãy và một lần té cây bị chộ cả năm liền. Giã từ tiếng lọc cọc của cây cầu ván cùng bước chân mà Di ngóng đợi từng đêm. Giã từ hàng rào dây kẽm gai, vết máu trầy tay của Di chắc vẫn còn nằm trên gai nhọn. Giã từ tiếng chuông nhà thờ lễ đầu mỗi sáng, mà mỗi lần nghe, Di cứ ray rức về một tội lỗi mơ hồ nào đó!
Di nghiêng đầu nhìn vào con hẻm nhỏ, con hẻm hôm nay sao sâu và tối quá! Không thấy đóm lửa nhỏ lập lòe chắc An còn say ngủ. An có giận Di không khi đọc bức thư tạ tình ấy? An ơi! An có biết những lời Di viết cho An cũng giống những chiếc lá vú sữa úa vàng ít ỏi nằm lay lắt trên sân. Còn những lời Di giữ lại trong lòng là vô số chiếc lá mướt xanh đang rung rẩy trên cành. An buồn, giận, hay nghe theo lời Di mà không ra gặp Di lần cuối. Giá mà có An lúc nầy chắc Di sẽ cho An hôn lên đôi má, để hai làn da nhạy cảm nhất một lần được chạm vào nhau, để những cảm xúc bị dồn nén bấy lâu có dịp phun trào...
Di đứng lặng hồi lâu cho đến khi một chiếc xe lôi dừng lại cùng tiếng hỏi của một bác trung niên:
-Có đi xe hông cháu gái?
-Dạ có, đi bến đò,bao nhiêu vậy bác?
-Năm đồng.
Bác trả lời rồi không chờ nghe tiếng dạ đồng ý của Di, xuống xe nhấc chiếc vali trên tay Di để lên cái băng ghế trước. Di dặn bác:
-Bác chạy từ từ thôi nghe bác!
-Đừng có lo bác chạy cẩn thận lắm.
Chắc bác tưởng Di sợ té, thật ra Di chỉ muốn nhìn lần cuối những khung cảnh quen thuộc xung quanh, nhìn thật chậm để khắc sâu tất cả vào lòng:
Đây là quán tạp hóa của bà Mèo. Có lần nửa đêm thức học đói bụng quá phải gọi cửa, bị bả cằn nhằn quá trời. Phải nói dóc là bị đau bụng, rồi mua mấy viên thuốc tiêu chảy kèm theo một gói mì tôm.
Đây là bến bắc, nơi sáng chủ nhật nào Di cũng mang đồ xuống giặt. Vào mỗi buổi chiều những nam tu sinh trong chủng viện ào ạt kéo nhau ra sông tắm giặt, trên tay ai cũng cầm một cái thau nhỏ cùng màu .
Rồi đến trại mộc nhà của Thu, người bạn thảo hiền ít có. Cây khế lá mỏng xanh, trái ngọt. Cây cầu sắt và sát một bên là cái quán cháo lòng nổi tiếng khắp thị xả, nằm nửa trên bờ nửa dưới sông như người bị phạt phải quì một gối suốt đời.
Và đây, khúc đường mà Di yêu thích nhất. Dọc theo hai bên lề là hai hàng me cao to hơn trăm năm tuổi. Gió được gửi tới thường xuyên từ cánh đồng bên kia sông, nên những chiếc lá nhỏ li ti cứ rơi rơi đều đặn, giúp cho cái công viên sát bờ sông thêm phần thi vị. Vậy mà nó chỉ đông người vào những chiều chủ nhật, còn ngày thường thì dành cho những đôi hò hẹn. Phải nhìn kỹ mới thấy vì họ ngồi thụp trên những băng ghế khuất sau mấy lùm cây.
Xe chạy đến tòa hành chánh, dáng ai đơn độc đi lầm lủi trên lề đường trông quen thuộc quá làm Di nhói tim. Trời ơi! An đó! Với hai tay thọc sâu vào túi quần và cái đầu hơi chúi xuống, hai vai rủ và cái lưng cong cong như bị khuất phục bởi một gánh nặng vô hình. Với cái quần học trò màu xanh ngắn trên mắt cá. Với cái áo sơ mi tay ngắn mỏng te cùng những nếp gấp trên lưng...Nước mắt như đã rình chờ từ lâu lắm, đến lúc nầy ồ ạt tuôn ra không sao kềm giữ được. Di muốn kêu mà không thể nào mở miệng. Ngọn đèn đường xô bóng An té nằm vắt ngang con lộ. Chiếc xe lôi chở Di, chạy chầm chậm rồi cán ngang qua nó...
Xe tới bến đò, bác xe lôi rất tử tế, nhận tiền xong còn xách giùm Di cái vali xuống tận nhà đò. Di mua vé, cảm thấy buồn vì con đò đầy người đang chờ sẵn. Di do dự không biết có nên ở lại chờ chuyến sau để gặp An, còn đang phân vân thì chú lái đò nói như nạt:
-Cái cô nhỏ kia đi lẹ lên, tui bỏ lại là ráng chịu nghe!
Thế là dũng khí tiêu tan, xách vali riu ríu bước xuống đò liền.
Ngồi trên xe Di cứ miên man nghĩ ngợi quên cả cái khổ hình ngồi xe trên đoạn đường dằn xóc. Tới Tân Châu Di ghé vào thăm dì Bảy. Dì mừng lắm cứ kềm Di ở lại ăn cơm. Di từ chối vì biết má đang trông. Dì chạy đi mua liền cho Di một gói xôi bắp còn nóng hổi. Dượng Bảy hỏi:
-Con tính học nghành nào vậy?
-Con tính thi vào sư phạm, môn văn.
Dượng hỏi tuổi Di, bấm tay rồi nói:
-Con có tay phục dược, đi nghành thuốc là hợp hơn đó!
-Vậy thi vô nghành y đi con.
Dì Bảy nói một cách nồng nhiệt, Di đành phải dạ một tiếng cho dì vui.
Về đến nhà, má đang bận nấu ăn túi bụi, hôm nay má có mời bà con lối xóm cùng cô bác nội ngoại. Má làm mấy mâm cơm cúng tạ ơn cửu huyền thất tổ và đãi bà con đến chung vui. Chưa bao giờ Di thấy má rạng rở như lúc nầy, lòng Di như ấm lại. Tội cho má biết bao, dành giụm từng đồng nuôi Di ăn học, cực nhọc rất nhiều để đổi lại những khoảnh khắc như thế nầy đây. Di bước đến vòng tay ôm lấy má từ phía sau, má né ra rồi nói:
-Người má mồ hôi không hà, con lên nhà ngoại thắp nhang cho ông bà với thăm bà ngoại đi .
Không đợi má giục lần nữa Di vọt lẹ lên nhà ngoại liền. Ngoại đang ngồi xát bắp. Di đi rất nhẹ vòng ra phía sau lưng rồi đưa tay bịt mắt ngoại. Ngoại vừa cười vừa hỏi:
- Con Di phải hông?
Di buông tay tiu nghĩu:
- Sao ngoại biết là con liền hay quá vậy?
- Thì chỉ có mình ên con là giỡn với ngoại kiểu nầy thôi.
Ngoại bỏ cái dao xuống vỗ nhẹ mấy cái lên đầu Di rồi hỏi:
- Dứt bịnh chưa con?
- Dạ hết hẳn rồi ngoại.
Rồi Di vén áo ngoại lên để măn vú. Hai đầu vú của ngoại nhỏ như hai đầu ngón tay út hồng hồng rất đẹp nên tụi cháu rất khoái. Ngoại kể là đứa cháu nào lúc nhỏ cũng được bú vú da của ngoại khi vắng má. Ngoại mở khai trầu lấy cho Di một cục sô cô la gói trong giấy bạc trắng. Di mừng húm hỏi:
- Ở đâu mà ngoại có cái nầy vậy ngoại?
- Của dì Bảy con. Bà con bên chồng của nó ở bên tây gửi tặng, nó đem về cho ngoại. Con ăn liền đi để mấy đứa kia thấy, nó phân bì.
Di bóc kẹo ăn, kẹo quá ngọt ngào làm Di muốn ứa nước mắt!
Buổi tiệc thật vui, bà con ai cũng kéo Di lại gần vuốt tóc rồi khen:
-Cháu tui giỏi quá đậu tới tú tài rồi!
Má Di nói thêm vô bằng một giọng vô cùng hảnh diện:
- Nó đậu hạng "u" đó chị!
-Hạng "u" là hạng gì?
-Là giỏi nhứt đó, hạng cao số một luôn. Điểm nó là cao đứng thứ nhì trong tỉnh, chỉ thua có một thằng đi ban B có nửa điểm thôi! Ông cậu của Di nói thêm, ra vẻ vô cùng am hiểu.
- Thiệt vậy hả cháu ? Mợ năm Hơn hỏi.
Di nghe hai má nóng bừng gật đầu "dạ" rất nhẹ rồi lủi xuống nhà sau luôn.
Rửa chén xong Di xin má cho đi thăm thầy và bạn. Má cho rồi nói vói theo:
-Nhớ về sớm nghỉ ngơi, mai còn ngồi xe cả ngày nữa đó!
Thầy Di cũng là ba của Thiện, nhỏ bạn thân học chung từ năm lớp sáu cho đến khi Di đổi qua trường khác. Thầy mừng lắm! Thiện cũng đậu, thầy nói:
-Cái gương mặt con có hậu lắm! Cái tướng của con là tướng "ích phu vượn tử ", tốt lắm đó!
Rồi thầy nhắc những kỷ niệm về Di khi còn học với thầy, trong đó có một vụ mà thầy vui nhất. Đó là cái lần mà cả lớp đang chăm chú học thì thằng Quí đứng lên khoanh tay lại mét:
-Thưa thầy thằng Na nó nói con muốn con Di!
Thầy kể lại rồi cười thật lớn giống như lần đầu khi nghe thấy. Di cũng còn nhớ cái sự việc ấy và cũng nhớ là từ cái lần ấy, Di không dám dòm mặt cái tên Na đó nữa.
Thiện rủ Di ra vườn tâm sự. Thiện đang vui vì vừa có người yêu và kể về người ấy rất hào hứng. Gương mặt tươi roi rói với nụ cười kéo dài hết cỡ. Di quan sát Thiện chăm chú, rồi tự hỏi lòng là tình cảm mình dành cho An là cái thứ tình gì vậy? chỉ có nỗi buồn, nước mắt và che đậy hết cỡ mà thôi! Trời chạng vạng Thiện mới chịu để cho Di ra về. Vừa về đến nhà là bị má rầy liền:
-Biểu về sớm mà đi tới đỏ đèn mới về!
Di chống chế:
-Con thấy thầy đang vui nên không dám ngắt ngang.
-Rửa mặt đi rồi ra ăn cơm.
Thường thì nhà Di ăn cơm rất sớm, chắc mọi người đói bụng lắm đây. Di thấy mình có lỗi quá!
Tối hôm đó má cho em bé ngủ xong thì vô nằm nói chuyện với Di. Má hỏi:
- Con với thằng An có gì hông?
Di nghe má hỏi mà giật mình chới với, lắp bắp hỏi lại:
-Sao má hỏi kỳ vậy?
-Hồi trưa con vừa đi là nó ghé nhà mình. Nghe nói con không có ở nhà cái mặt nó buồn hiu. Má có hỏi nó có chuyện gì mà qua tới đây kiếm con. Nó trả lời lí nhí má nghe chưa kịp là vọt mất, rồi ra bến đò ngồi cả buổi chắc để đợi con. Má thấy coi kỳ quá nên kêu nó vô nhà ngồi đợi. Chắc nó sợ má vặn hỏi nên từ chối rồi đi về liền.
Di nghe má nói mà thương An đứt ruột. Má nói thêm:
-Má nói trước à nghe, cái nhà đó má không có chịu đâu. Má nó nhìn thấy khó lắm, con không kham nổi đâu! Nó lại còn nhỏ tuổi hơn con nữa, con gái phải lấy chồng hơn mình năm bảy tuổi để trừ hao, chớ hông thôi có con rồi người ta tưởng mình là chị hai của chồng, bị chê rồi bỏ bê là khổ dữ lắm!
-Không có gì đâu má đừng sợ !
-Con có thương nó hông?
-Dạ hông!
-Vậy thì nói hẳn hoi ra cho nó biết, đừng có để nó đeo đuổi rồi sau nầy lỡ cỡ là thất đức lắm đó con! Mà má cấm tiệt, lo mà học chớ không có thơ từ qua lại gì hết, nghe hông?
-Con biết rồi, má đừng có lo nữa mà.
-Con tính học món gì vậy!
- Con tính đi dạy như ba vậy, má thấy có được hông?
Má thở dài chép miệng:
- Sao đứa nào cũng đòi giống ba hết vậy? Ba con hồi xưa lương đâu có đủ sống, má phải bương chải quá trời. Đâu có bằng cậu tư Khá, làm y tá thôi mà năm nào cũng mua thêm đất. Má thấy con dì út Hên, hai đứa đều học làm bác sĩ má ham quá! Phải chi có một đứa biết thương má, học cái nghề thuốc để má nhờ cậy khi già yếu thì má mừng lắm, không còn cầu xin thứ gì hết!
Giọng má nghèn nghẹn làm Di đau lòng quá nên hứa liều cho má yên tâm:
-Thôi để con ráng học rồi thi vô nghành đó, không biết có chui lọt không đây vì họ lấy ít lắm má ơi!
- Năm nầy hổng đậu thì năm sau, miễn ráng là được mà con!
Gà vừa gáy tiếng đầu tiên, Di đã thức giấc và lồm cồm ngồi dậy. Một mùi thơm của cơm nếp với lá dứa quyện lấy nhau lan tỏa khắp nhà. Di bước nhanh vào bếp, má đang nhấc nồi xôi xuống rồi bắc cái chảo gang lên bếp lửa. Tia lửa hắt lên làm gương mặt má sáng rực, mái tóc ánh lên như tỏa hào quang. Trong một thoáng Di bỗng ngẩn ngơ phát hiện má mình sao đẹp quá! Nghe nói ngày xưa má nổi tiếng khắp vùng, má cũng có một thời mơ mộng. Một mối tình rất nồng nàn mà má vẫn còn ấp ủ và thỉnh thoảng hiện lên trong tia nhìn xa xăm của má. Di nghe thương má đến nao lòng, vòng tay ôm rồi áp mặt sát vào lưng má. Di hít thật sâu mùi dầu cù là má xức sau ót, lần nầy má không né mà đứng yên rồi cằn nhằn:
-Thức làm chi sớm vậy, vô ngủ thêm chút nữa đi!
-Giờ nầy khó ngủ lại lắm, để con phụ má một tay.
Má cho mỡ vào chảo, chờ mỡ sôi rồi cho mấy miếng đùi và ức gà vào chiên. Một mùi thơm ngào ngạt bốc lên làm Di ứa nước miếng:
-Má làm xôi gà hả má? Món nầy con khoái nhứt đó!
-Má biết mà nên nấu nhiều lắm, con ăn trước ở nhà đi, còn dư đem theo cho mấy chị .
Chắc hồi tối má ngủ ít, nên giờ nầy đã nấu nướng và chuẩn bị đồ đạc sẵn sàng cho Di mang theo. Di nhìn vào cái túi đệm đầy nhóc. Má chất vào đó hai chai nước mắm, hai gáo mắm, một gáo mắm cá linh và một gáo mắm cá lóc. Một bịt đu đủ mắm đã xắt nhỏ ướp sẵn đường, tỏi , ớt. Một hủ tép rang với thịt ba rọi. Nghĩ đến cảnh má ngồi cong lưng lặt từng con tép nhỏ xíu Di nghe xót ruột quá, nước mắt tràn xuống má, nhấc tay lên quẹt cho má không thấy rồi hỏi:
-Má bắt gà hồi nào mà con không nghe tiếng nó kêu?
-Hồi khuya, má bóp cái mỏ nó trước rồi mới tóm cái mình của nó.
-Bộ má không ngủ hay sao mà con thấy má làm nhiều thứ quá!
-Có chớ, má có ngủ một chút. Nghĩ tới tụi con ở xa má ăn uống hẩm hiu má buồn quá! Con phải nghe lời mấy chị nghe. Đừng có sanh nạnh với nhau. Đừng có ăn hàng bên ngoài. Đi học nhớ nấu nước xách theo, nghe nói người ta lấy nước không có sạch để làm nước đá cho nên đừng có uống, đau bụng chết!
Má còn định dặn dò thêm thì nghe tiếng gậy lọc cọc và giọng nói của ngoại:
-Con Di nó dậy chưa má con Cẩm?
-Con dậy rồi nè ngoại, ủa mà ngoại xài gậy hồi nào vậy?
-Mới mấy bữa nay thôi! Cái chưn khi không nó hành ngoại nhức chịu không thấu!
-Ngoại có uống thuốc gì hông vậy ngoại?
-Tư Khá có ghé chích mấy mũi mà sao hổng thấy bớt.
Ngoại ngồi xuống bộ ngựa rồi vén cái áo bà ba bên ngoài, mở cây kim tây ghim miệng cái túi to đùng của cái áo mặc bên trong, lôi ra cái gói tiền bọc trong khăn mù xoa. Lớp tiền giấy được ngoại xếp thật thẳng theo thứ tự lớn nhất nằm tuốt phía dưới. Ngoại rút năm tờ giấy xăng dưới cùng dúi vào tay Di:
-Ngoại cho con để dành mua sách học.
Má can:
-Con có cho nó rồi, má cất đi.
-Con có nhiều rồi ngoại, con còn tính đưa bớt cho ngoại uống thuốc .
-Lấy đi con, cho ngoại vui. Ngoại ở đây có má con lo đầy đủ hết rồi, chỉ sợ tụi con đau ốm bất tử hổng biết phải cậy nhờ ai!
Nói tới đó mắt ngoại chớp chớp mấy cái, hai giọt nước hiếm hoi tràn lên khóe rồi dừng lại. Ngoại nhét thật sâu vào túi áo Di rồi nói:
-Ráng mà học làm bác sĩ để trị cho tiệt nọc cái bịnh nhức mình của ngoại nhe con!
-Dạ! ngoại ráng giữ sức khỏe, ráng ăn khá khá một chút. Cái chưn của ngoại đau ngoại đừng có đi nhiều, chờ con học ra trường, con làm một cái chân thiệt mạnh để ngoại chạy vù vù luôn .
Di nói đùa để xua đi cái không khí u buồn đang chực chờ. Có tiếng xe lôi dừng ngoài cổng và tiếng anh hai Thám ba con Thẹn kêu :
-Đi chưa cô tư?
-Chờ một chút anh Hai ơi! Di trả lời rồi quay qua hỏi má:
-Bộ má kêu anh hai chở con ra nhà cô Ba hả má?
-Ừ! Vậy cho chắc ăn, thôi con ăn lẹ đi rồi thay đồ để cô Ba trông .
Má lấy cái dĩa kiểu nhỏ bới xôi, xé miếng ức gà thật mềm mời ngoại trước, tống cho Di một dĩa bự chảng đầy nhóc với nguyên cái đùi gà chặt sẵn từng miếng. Di kêu lên:
-Sao mà nhiều dữ vậy, con ăn sao hết?
-Ráng ăn đi, chừng nào hết nổi thì bỏ lại cho má.
Ngồi trên xe lôi, Di ngoái lại thấy má và ngoại còn đứng nhìn theo cho tới mất hút. Bây giờ Di mới khóc thành tiếng. Chờ Di hết khóc, anh hai hỏi:
-Kỳ nầy đi chắc lâu lắm mới về hả cô tư?
-Dạ!
-Cô mà hổng gấp ở lại ăn đám cưới con Thẹn là vui dữ hén!
-Ủa! con Thẹn đi lấy chồng sao? Chừng nào? Gả chi sớm quá vậy anh Hai?
-Còn gần một tháng, sớm gì đâu cô! Nó cũng mười bảy, mười tám tuổi rồi. Có con gái như hủ mắm treo đầu giàn, lo thấy ông bà, ông vải. Gả nó được là tui nhẹ mình.
-Con Thẹn nó học cũng giỏi, sao anh hổng cho nó đi học nữa vậy?
-Con gái mà học làm chi cho nhiều? Nó đi học rồi ai lo giữ em, nấu cơm, nấu nước.
Tới nhà cô Ba anh mang đồ vào tới cửa cho Di rồi nhứt định không lấy tiền, lên xe chạy đi luôn. Di nhìn theo, nghe lòng trĩu nặng.
(Xem tiếp CHƯƠNG BỐN/10)
<bài viết được chỉnh sửa lúc 05.10.2019 08:47:55 bởi Lâm Du Yên >