NHƯ ĐI TRÊN CÁT (re-posted)
Lâm Du Yên 30.09.2019 10:11:23 (permalink)
NHƯ ĐI TRÊN CÁT
Truyện dài Lâm Du-Yên
 
 
CHƯƠNG MỘT/10
 
Tối hôm ấy chờ An đứng lên ra về Di mới dám thông báo sẽ ra đi. Dù biết điều nầy phải xãy ra nhưng khi nghe, An vẫn có cảm giác đau nhói như Di cho tay vào lồng ngực An mà bóp nát trái tim An vậy.

Sáng hôm sau An vẫn chở Di đi học như thường lệ. Mắt An sưng húp còn mắt Di thâm quầng như thoa mực. Con đường ngày thường đã không dài, hôm nay càng ngắn lạ. An không nói Di cũng lặng thinh, đến cổng trường An dừng xe cho Di xuống rồi đạp xe đi luôn. Di muốn kêu lại mà cổ bỗng nghẹn ngang không cất nên lời. Cả buổi học Di không nhớ đến một chữ, lo lắng ngập lòng. Ra về Di cố đi thật chậm chờ An đến rước vậy mà về gần đến nhà mới thấy An trờ tới, vừa ngồi lên xe là An nói liền:
- Chắc An sẽ bỏ học.
- Thôi mà! Di nói như rên.
Giong nói của Di làm An phải quay lại nhìn, thấy mắt Di buồn quá An ráng cười. Nhìn nụ cười của An, nước mắt của Di nãy giờ đang thập thò bỗng ứa ra liền.
Bấy lâu nay Di cố kềm chặt lòng mình không dám thương An. Di vẫn tin rằng mình làm được vậy. Giờ sao lòng Di đau, sao tim Di nhói như bị gai đâm.
Buổi chiều Di đi học thêm đã thấy An đứng đợi sẵn bên đường. An không chở Di đến lớp mà đi vào một con đường đất mới mở. Con đường nầy xuyên qua mấy thửa ruộng hai bên không có nhà mà chỉ có mấy đám rẫy, ruộng mạ còn non và hoa cỏ dại lưa thưa. Đến một rẫy bắp đã trổ cờ An tắp vào, hai đứa vẫn ngồi trên xe. Nhìn những mảng mồ hôi lan rộng trên lưng áo An, Di thấy thương thương. Gió đột ngột thổi bạt mái tóc Di. Một vài sợi bám vào má, vào cổ An làm An nổi da gà. Di gỡ ra, vén gọn về phía sau, kẹp lại làm An nghe tiếc tiếc làm sao! An lấy thuốc ra hút, buồn gần chết vậy mà cũng ráng thổi mấy vòng khói tròn để làm le với Di. Từ ngày thương Di, An cố tỏ ra mình là người lớn: tập hút thuốc, uống rượu và còn đánh lộn nữa..
- Hồi sáng An bỏ học đi đâu vậy? Di hỏi
- Chạy vòng vòng thôi.
- Vậy sao rước Di trễ quá trời!
- Đâu có trễ tại muốn đi sau nhìn Di thôi.
- Ác ghê chưa làm Di chờ và lo muốn chết!
An chợt phát hiện Di hay chấm câu bằng chữ "chết".
- Bộ tính đi Sài gòn thật à? An hỏi.
- Thì Di phải học tiếp mà.
- Thôi đừng học nữa ở lại xin đi dạy đi.
- Rủi dạy trúng lớp An chắc mắc cỡ chêt. Di đùa.
- Đừng lo An sẽ đi lính mà.
- Ai mà nhận, An có đủ tuổi đâu.
An lặng thinh một hồi lâu rồi vừa thở dài vừa nói:
- Trời ơi giá mà An có thể cướp được của ai vài tuổi.
- Thôi đừng cướp để Di cho An, cho hết tuổi Di cũng được.
Di cố nói bằng giọng thật vui để hai đứa cùng cười vậy mà không ai cười nổi mà càng buồn rười rượi. Thật lâu An mới hỏi:
- Chừng nào Di thi?
- Còn hơn một tháng.
- Vái trời cho Di rớt đi.
- Ác ghê chưa, nếu Di rớt Di sẽ giận An, giận tới chết luôn!
Mặt trời nãy giờ cố nhón chân nhìn lén hai đứa, chừng như quá mỏi mệt nên nằm mẹp xuống chết lịm đi. Vậy mà còn cố thở hắt lên bầu trời mấy tia sáng tím tím trông rất đẹp, rất buồn... Di lấy ngón tay chọc vào lưng An rồi nói:
- Về thôi An ơi! Tối rồi.
- Ở lại chút nữa đi mà!
An móc túi lấy ra gói thuốc. Di nhăn mặt:
- Thôi đừng hút thuốc nữa An.
Nghe giọng nói có vẻ dỗi của Di, An vội cất gói thuốc vào túi áo. Giọng Di bỗng trở nên trang trọng:
- An hứa với Di một điều nha?
- Hứa cái gì?
- Bỏ hút thuốc.
- Để làm gì? Di có ở đây đâu mà...
- Di sẽ về... sẽ về mà... Di nói thật nhẹ, không hiểu là nói cho riêng mình hay nói với An.
Hai đứa cứ ngồi lặng hồi lâu. Tiếng con nhóc nhen kêu ra rả báo hiệu trời dần dần tối, không đợi Di giục thêm lần nữa An chầm chậm quay xe ra về. Con đường hầu như biến mất, chỉ còn hai hàng bắp mờ mờ lay động. Thu hết can đảm An gọi:
- Di ơi!
- Hả?
- Ôm An một cái đi!
Trời ơi! nghe cái giọng van xin một cách tuyệt vọng của An sao Di muốn khóc quá! Linh cảm về một cuộc chia tay vĩnh viễn giúp Di thắng nỗi e dè. Rồi thật chậm, thật nhẹ nhàng Di vòng tay qua eo An. Di nghe bụng An thót lại và chiếc xe chao đi. Trong lòng Di một cơn chấn động chợt manh nha rồi lan rộng và tăng dần cường độ. Cảm xúc nầy quá đẹp quá sâu lắng để kéo dài mãi mãi. Vậy ra đây là tình yêu đó sao? Sao bầu trời chung quanh không bừng sáng với pháo hoa muôn màu rực rỡ? Sao lòng Di không rộn ràng cất khúc hoan ca? Sao chỉ có bóng tối vây quanh và những giọt nước mắt cố kềm mà không được? Nước mắt của Di cứ rơi hoài rơi mãi, tràn xuống má rồi rớt lên lưng áo của An, ngấm vào da làm An cứ liên tục rùng mình...

Sáng hôm sau, Di dậy thật sớm đi bộ một mình để tránh mặt An. Di đi len lỏi theo lối chợ, cố tránh những vũng nước và những rổ hàng đang bày ngổn ngang chưa sắp đặt thẳng lối. Đi ngang qua hàng bán bông, những bông hoa mới hái còn ngậm sương, gieo vào lòng Di một cảm giác yên bình làm sao! Một bàn tay vỗ nhẹ lên vai, Di quay người lại, Y nhìn Di cười:
- Sao hôm nay đi đường nầy?
- Mình kiếm mua trái Trâm. Di nói dối.
- Mùa nầy chưa có trái Trâm đâu, ăn đỡ cóc ổi đi!
- Thôi, hổng có thèm mà mua chi cho uổng tiền. À! tuần rồi Y trả bài cho thầy Tùng chưa?
- Chưa, đang rầu thúi ruột nè. Hồi tối coi tivi khuya quá rồi ngủ luôn, tính sáng dậy sớm học mà rồi dậy trễ. Học ba chớp ba sáng chưa có thuộc gì hết. Lát nữa có gì nhắc giùm nhe!
- Không được đâu, tuần rồi mình nhắc cho nhỏ Nhàn bị thầy cảnh cáo rồi đó. Thầy nói mình mà tái phạm là thầy cho một cặp zero liền.
- Bồ đừng có lo, để tui lựa chỗ đứng áng tầm nhìn của thầy, chắc chắn thầy hổng có thấy bồ đâu.
Di thở dài, vái thầm ông thầy hôm nay nghỉ dạy, hay cho nghỉ trả bài một bữa.
Đến cổng trường, Di thấy An đứng chờ mắt nhìn Di đăm đăm. Di cúi đầu đi thẳng tránh tia mắt của An, choàng vai Y nói ríu rít cho An khỏi gọi.
Giờ thầy Tùng là nghẹt thở nhất. Vì là năm thi cho nên thầy bắt ôn bài ráo riết. Yêu cầu của thầy đối với học sinh rất cao, câu cửa miệng của thầy là:
- Các em phải hiểu, nhớ và trả lời nhanh như điện mới được.
Khổ nỗi ở cái tỉnh nhỏ sát biên giới nầy điện cứ cúp thường xuyên, cho nên đa số học trò, đầu óc như ngọn đèn dầu leo lét.
Vừa vào lớp là nghe tiếng ôn bài rì rào. Mấy đứa bạn của Di mặt mũi bơ phờ vì phải thức thâu đêm để học. Đứa thì dùng thuốc thức, đứa uống cà phê đặc để chế ngự cơn buồn ngủ. Di thủ sẵn một mớ bánh và trái cây. Thỉnh thoảng An mang đến cho Di một bịt chè đậu đỏ không có bánh lọt, mấy cái bánh gan, bánh bò nướng.
Thu nhìn Di, ngáp một cái thật dài rồi nói:
- Sao tui muốn đi lấy chồng quá!
- Chi vậy?
- Khỏi thi, khỏi học bài, khỏi trả bài .
- Nghe được đó, mai làm liền đi!
Thu cười hí hí, hai đứa còn định đùa tiếp thì nghe tiếng Hí Xuân hô to:
- Nghiêm!
Thầy Minh bước vô lớp. Cả bọn ngac nhiên. Thầy giải thích:
- Thầy Tùng nhờ tôi dạy giùm. Hôm nay chúng ta học bài mới, các em học tới đâu rồi? Di nghe một loạt tiếng thở ra nhẹ nhỏm của các bạn, trong đó có cả Di.
Thầy Minh mới ra trường nên thầy còn hiền lắm, đã vậy thầy còn hay đỏ mặt và cắn môi như con gái. Lớp 12A2 tụi nó cá nhau, hễ đứa nào chọc cho thầy khóc là được bao ăn chè suốt một năm liền.
Lớp của Di cũng đầy những tay chọc trời khuấy nước nhưng may cho thầy Minh, giờ sau phải làm bài kiểm của cô Ấn cho nên chẳng đứa nào còn lòng dạ mà chọc ghẹo thầy. Trước khi ra về thầy nói :
- Lớp tụi em ngoan hiền nhất trong các lớp thầy được dạy. Sao thầy Tùng cứ căn dặn thầy là phải dè chừng, phải cứng rắn, phải thẳng tay với các em vậy?
Nhỏ Vân giả giọng thật dịu dàng:
- Đó là vì tụi em sống trong sự bất công của ông trời. Thầy ơi, hay là thầy xin đổi qua lớp em dạy luôn đi thầy.
Nhỏ Ni nói nhỏ nhưng cũng đủ thầy nghe:
- Tới chừng đó đêm nào thầy cũng gặp ác mộng.
Thầy cười rất hiền, cả lớp đứng nghiêm rồi đưa tay chào thầy theo kiểu nhà binh làm thầy vừa đi vừa cười sặc sụa.
 
Di mang nụ cười của thầy về đến tận nhà, dù mới học thầy có một lần thôi mà sao Di cảm thấy hết sức là thân thiết. Đang nghĩ lan man bỗng thằng Thống, đứa em họ, chạy đến vừa giựt vạt áo Di, vừa nói:
-Chị! cho em xin một sợi tóc đi!
-Không.
-Cho đi mà!
-Chị đã nói không cho là không cho, đừng có năn nỉ.
-Chị cho em một sợi thôi rồi bắt em làm cái gì cũng được.
Nó vừa nói vừa nhìn Di bằng tia mắt van nài trông đến tội.
-Mà em xin tóc chị để làm cái giống gì?
Nó nhón chân nói rất nhỏ vào tai Di:
-Cậu An biểu em xin tóc của chị để ráy lỗ tai cho cẩu, rồi cẩu mới kể chuyện cho em.
À thì ra là vậy! Hèn chi thỉnh thoảng nó lại lén bứt tóc của Di. Di cứ tưởng là do cái tính nghịch ngợm. Di nghe vừa tức vừa mắc cười
-Được rồi chị cho em một lần nầy nữa thôi nhe ! Mà phải đưa cho cẩu cái nầy giùm chị.
Di xé vội một miếng giấy nháp viết mấy chữ: "Có ngứa tai thì để tóc dài mà ráy, đừng có bứt tóc người ta hoài, nhức đầu lắm!", rồi lấy lược chải cho đến khi có một sợi tóc bám vào. Di gở sợi tóc quấn quanh miếng giấy rồi đưa cho nó. Nó mừng húm chụp lẹ rồi chạy ào đi liền.
Buổi chiều ăn cơm xong, Di xin phép mợ đến nhà Thu cùng học. Ba của Thu có một trại mộc nổi tiếng nhất trong tỉnh chuyên đóng kệ cho các tiệm thuốc tây. Giờ đang thịnh hành cái kiểu gỗ ép formica, năm nào Thu cũng nhờ ba làm tặng Di một cây thước thật là đẹp đem vào lớp xài. Mấy đứa bạn cứ trầm trồ rồi theo năn nỉ xin Thu làm cho giống y như vậy .
Những buổi học chung với Thu được chia đều làm ba phần : Ăn, nói, học, nói chia đều vậy chớ có khi hai đứa cứ ăn và nói chuyện miết, tới chừng nhớ ra cái mục đích chính thì...Bởi vậy má Thu cứ thỉnh thoảng nhắc chừng:
-Năm thi đó nghe tụi bây!
Phòng của Thu rất đẹp, cửa sổ rộng nhìn ra con kinh và một góc cây cầu, gió từ kinh đưa lên rất mát. Những buổi chiều nước lớn mấy đứa con nít tụ lại trên cầu nhảy đùng đùng xuống kinh để tắm, làm Di nhớ quê quá đổi. Sát cửa sổ, mấy nhánh khế nhà bên với mấy chùm quả xanh xanh, vàng vàng cứ đong đưa như trêu ghẹo. Hai đứa làm sẵn một cái móc chờ đến tối chủ nhà ngủ rồi là lén thọc. Ôi! những trái khế hái trộm, mùi vị của nó sao mà ngon đến vậy!
Thu đón Di với gương mặt có nét buồn làm Di hơi chột dạ hỏi nhỏ:
-Bộ bồ bị rầy hả?
Thu lắc đầu mắt rơm rớm:
-Ba má mình mới gây lộn.
Ba Thu thích nhậu nhẹt, mỗi lần say hay đem chuyện nhà ra cằn nhằn, bởi vậy bầu không khí nhà Thu thỉnh thoảng lại nặng nề, đầy mùi thuốc súng. Thu rất thương gia đình, là mẫu con gái á đông truyền thống, vừa đẹp lại vừa hiền. Di hay nói đùa:
-Mình là con trai là bắt cóc bồ liền.
Hai đứa thân nhau từ ngày đầu tiên Di mới chuyển trường. Thu kể vừa trông thấy Di là Thu mến ngay, may làm sao hai đứa còn ở gần nhà nữa. Thế là từ đó cái gì cũng chung: đi học chung, đi chơi chung còn may đồ chung và giống nhau nữa chứ! Thu có tính hy sinh, nhường nhịn. Thu nhường cho Di ngồi đầu bàn, vào lớp cùng lúc nhưng lúc nào Thu cũng giành lau bàn chung cho cả hai đứa và lau rất sạch. Mấy đứa bạn ghẹo, cứ kêu hai đứa là " vợ chồng tụi nó ".
Hôm nay cả hai đều có tâm trạng không vui nên mở tập ra mà chẳng thấy chữ đâu hết. Trên trang giấy hiện lên đôi mắt của An lúc nãy nhìn theo Di thật buồn với một chút dổi hờn trong đó. Di lắc đầu thật mạnh làm Thu để ý. Thu hỏi:
- Nhớ cái gì mà lắc đầu dữ vậy?
Di cười cười:
-Tại thói quen thôi chứ có nhớ gì đâu!
Rồi đánh trống lãng:
- Thu thuộc hết bảng phân hạng tuần hoàn chưa?
-Chưa .
-Để mình chỉ cho Thu cách nầy. Mình vừa đặt nó thành một bài vọng cổ ca lên là dễ thuộc lắm.
Nói rồi Di ca liền cho Thu nghe. Thu cười thôi là cười, con ma buồn nghe tiếng cười là co giò chạy mất tiêu luôn.
Gần mười giờ Di mới đạp xe lủi thủi ra về. Thu đòi anh Lộc chở để đưa Di về. Ở tỉnh nhỏ của Di mọi người đi ngủ rất sớm nên đường vắng teo. Di từ chối, đòi giận Thu mới chịu cho Di đi về một mình. Đây là khoảnh khắc mà Di thích nhất. Một mình trong đêm Di có cảm giác mình thật giàu có. Ngay lúc nầy đây Di như đang sở hữu cả trái đất và bầu trời.
Về đến nhà một bóng người đứng chờ, nép sau xe tải, sát hàng rào làm Di xúc động. Di xuống xe rồi cho bánh xe cán lên chân An. Bánh xe nảy lên rất nhẹ ...tim Di cũng nảy lên rất nhẹ...
 
Cái cảm xúc êm đềm ấy đi theo Di vào tận trong giấc ngủ, mãi cho đến sáng hôm sau vẫn thấy lâng lâng. Di bỗng ngại gặp An nên đi lại con đường ngày hôm qua, vừa vào đến cửa lớp là bị một giọng ngổ ngáo gọi giật ngược:
-Trưởng lớp, trưởng lớp, trưởng lớp...
Mỗi lần nghe gọi bằng cái "chức vụ" của mình là Di rầu ghê lắm, vì biết sắp phải nghe những lời phàn nàn trêu chọc. Không thèm quay lại nhìn Hà, Di trầm giọng:
-Cái tên nào dám cả gan kêu réo bổn quan om sòm nơi công lộ vậy hả?
Hà vừa cười hì hì, vừa phát vào vai Di một cái đau điếng, vừa nói:
-Sao không nghe nói tới cái vụ liên hoan cuối niên học gì hết vậy? Còn có mấy tuần coi chừng làm không kịp đó!
Di nhăn mặt như ăn ớt:
-Có bàn sơ sơ với mấy trưởng nhóm rồi, tính có giờ trống là thông báo liền mà bồ thấy cả tháng nay có rảnh được một phút nào đâu? Thầy, cô nào cũng bắt chạy nước rút, thậm chí cả giờ ra chơi cũng bị bắt ngồi lại học thêm, thở còn không kịp nữa là...
-Năm nay phải làm cho thật hoành-tráng-lệ à nghe, năm cuối mà!
Năm cuối mà...màu sắc chia ly như nhuộm buồn cả bầu trời và cây cỏ. Mấy cánh phượng trên cành bỗng đẹp một cách não nùng. Cả đám mây cũng trĩu nặng, trôi là đà như muốn đậu lại trên mái trường rêu phủ. Di nhìn qua hành lang đối diện, đầu giờ học mọi người đang sắp hàng vào lớp, trai một bên, gái một bên. Cái hình ảnh quen thuộc nầy ngày thường trôi tuột qua mắt Di, vậy mà hôm nay sao Di thấy bùi ngùi quá đổi.
Hà thúc cùi chỏ vào eo Di:
-Sao tự nhiên buồn hiu vậy, năm nay Di ráng đặt một bản nhạc thật hay để lớp mình hát chung làm kỷ niệm để đời nhe!
-Chắc làm không nổi đâu bồ ơi , thôi xài lại bài năm ngoái đi
-Cái bài đó hát theo điệu "Lý chim Quyên" nghe buồn thủng ruột hà!
Rồi Hà hát liền:" A một đầy, con gái hay... giởn, giởn nhiều...giởn , giởn nhiều nhưng chăm học một cây ". Đơn sắc lắm! Bồ phải viết môt bài có cả hỉ, nộ, ái, ố trong đó mới được.
Di phì cười:
-Sức mình chỉ viết nổi tới " hỉ" với "ái" thôi còn " nộ "và "ố" xin nhường cho bồ vậy .
Phượng "A" đi xâm xâm tới dúi vào tay Di cuốn lưu bút:
-Bồ là người sau cùng rồi đó, viết đi!
Đầu năm Phượng đã lo làm lưu bút, đưa Di đầu tiên. Di giãy đành đạch:
-Mới đầu năm mà lưu bút, lưu biết cái gì! Có cảm hứng đâu mà viết. Bồ đưa mấy bạn trước đi tui viết sau cùng cho.
Phượng mở cuốn sổ rất đẹp, mỗi trang đều có in chìm hình hoa lá, chỉ cho Di mấy trang đầu còn để trống:
-Tui chừa cho bồ gần chục trang, phải viết kín hết cho tui.
Di rên rỉ:
-Thật là dã man, độc ác, không còn tính người... Thôi được rồi, tui sẽ trích thơ "Chinh phụ ngâm" vào.
-Sao không trích thơ bốn chữ của Phạm thiên Thư cho nó gọn -Hà gợi ý, rồi nói thêm- Hay là thơ Haiku đi!
-Tụi mình bộ không phải là chinh phụ trong tương lai sao? Di vừa hỏi vừa đáp.
Cả Di, Hà, Phượng đều lặng người mấy giây. Một nỗi buồn tiềm ẩn, triền miên lại lộ diện. Nỗi buồn chung của những người VIỆT NAM, của đất nước, của cả một thế hệ thiệt thòi. Thế hệ của Di, con trai chờ ra mặt trận, con gái chờ làm chinh phụ rồi góa phụ. Bởi vậy gánh nặng thi cử đè nặng trên vai con gái một thì ở con trai gấp nhiều lần hơn, trên đó có cả sinh mạng của họ nữa. Như anh của Thu, rớt tú tài đôi bị động viên, vừa ra trận lần đầu là bị bắn chết liền...
Nỗi buồn cứ nán lại trong lòng Di cho tới lúc ra về, An đón Di ở góc khuất như thường lệ, thấy dáng Di ủ rủ An lo lo bèn hỏi:
-Bộ bị phạt hả?
Di cười buồn:
-An có nghe Di bị phạt bao giờ chưa?
-Vậy sao buồn quá vậy?
-Đời buồn mà, bộ An vui lắm hả?
-Vui chớ, như lúc nầy đây, An muốn được chở Di chạy vòng vòng hoài tới hết đời luôn cũng được.
-An nói thì phải giữ lời đó nghe! Tới chừng đó đừng có than sao mỏi giò mà Di không cho dừng lại .
-Chỉ sợ Di chê ngồi xe đạp không êm, đòi xuống liền thôi.
 
Ngay hôm sau Di lại vào lớp với một tâm trạng nặng nề. Cuốn tập nháp, vật bất ly thân của Di không hiểu sao biến đi đâu mất.
Quyển tập nháp ấy giống như cái nhà kho, cất giữ bao nhiêu ý tưởng lộn xộn của Di: những câu thơ què cụt, dang dở. Những lời tâm sự với riêng mình. Những bức vẻ ngộ nghĩnh v...v...Hầu như chỉ để giải tỏa, để giúp Di cân bằng sau những phút tập trung vào bài vở. Nó có mặt âm thầm mà hữu ích biết bao. Vậy mà bấy lâu nay Di hờ hững không nhận ra tầm quan trọng của nó, để bây giờ khi mất đi Di mới thấy buồn nhớ quá và ...lo nữa. Bởi nếu lọt vào tay một người nào thì một góc trời riêng của Di sẽ bị xâm lấn. Những bí mật của Di sẽ bị "bật mí". Mọi người chắc sẽ ngỡ ngàng trước những tư tưởng nổi loạn của Di, rồi chế nhạo và răn đe đủ thứ, tới chừng đó thì làm sao mà Di sống nổi đây!
Trong đầu Di bận bịu với những lo âu đến độ đi qua nhà Thu mà không hay. Thu chờ sẵn bên đường nên gọi giật ngược:
-Di, Di... bộ tính bỏ tui đi một mình hả? Rồi Thu nói tiếp:
-Bộ hồi tối thức sáng đêm hay sao mà cái mặt bồ bơ phờ quá vậy? Giống như người đang mộng du...
-Hầu như là vậy! Bây giờ mà trong tay có cái ống chỉ thời gian là mình tháo một cái vèo cho tới ngày thi liền...
Thu lật đật cướp lời:
- Còn mình thì quay ngược trở lại. Quay tuốt về cái thời bốn năm tuổi chữ còn chưa biết tới mình, mình cũng chưa biết tới nó. Rồi Thu ca:" hoa xinh khi cây chưa mọc, đời vui khi chưa đi học..."
Hai đứa cười. Di tạm vứt cái mối lo vào đống rác bên đường.
Giờ tân toán học của thầy Duy vui đáo để. Thầy hơi bị cà lăm. Mỗi khi thầy tập trung hay căng thẳng là những tiếng trùng lấp cứ đẩy lưng nhau mà vọt ra làm thầy không thắng kịp. Học trò cười ồ ồ. Thầy quen rồi nên thôi không thèm giận nữa. Hôm nay kết thúc bài giảng thầy hỏi:
- Đã... hiểu...hiểu...hiểu chưa?
Nhỏ Thư, một cây" cù" trong lớp, đáp liền:
- Dạ thưa thầy, hiểu...hiểu...hiểu mà chưa có đã .
Cả lớp cười rần rần. Thầy cũng cười hùn vô, nụ cười rất nhẹ, rất hiền. Ôi, sao thấy thương thầy quá! Thầy vừa ra khỏi lớp là nhỏ Nga cự Thư liền:
- Sao bồ nở đem cái tật của thầy ra nhạo vậy? Ngay cả bạn bè mình cũng không nên hành xử như vậy huống chi là thầy. Bồ làm vậy thầy sẽ càng mất tự tin hơn, khó kềm chế tật nói lấp hơn khi đứng trước mặt học trò.
Tưởng được khen ai dè bị nhiếc Thư xụ mặt, trả lời bằng cái giọng chua như giấm:
-Tại tui là dân ngu, tầng lớp thấp nên ăn nói bừa bải, đường đột như vậy. Đâu có xuất thân từ gia đình quý tộc làm tiểu thư nhà lớn như ai kia!
Nga là con cháu nhà họ Lê dòng họ nổi tiếng nhất ở tỉnh nầy, sống trong cái phủ to lớn mà dân địa phương hay gọi là "nhà lớn". Làm con nhà giàu cũng khổ! Nga ít có bạn, đạp xe đi học một mình, ăn mặc chỉnh chu, nói năng từ tốn đâu ra đấy, làm cái gì cũng hay cũng đúng. Nga thường được thầy, cô nêu tên để làm gương cho cả lớp, có lẻ vì hoàn hảo quá nên ít ai dám gần. Di thấy áy náy cho Nga nhiều nhất, hình như trời cho Nga gần như là tất cả nên lấy bớt lại tiếng cười cho cân xứng.
Mặt Nga đỏ rần lên, Di chạy vội lại nói nhỏ:
- Thôi bỏ đi Nga! Bạn bè không hà, còn mấy ngày nữa là chia tay rồi. Giận bây giờ là không còn đủ thời gian để hòa giải đâu, phải mang theo suốt đời cực lắm đó!
Rồi lật đật cầm trái quít Thu mới lột đưa cho chạy đến bàn Thư. Cái mặt chù ụ của Thư trông dễ thương hết biết! Di tách một múi quít nhét vào miệng Thư rồi vừa cười vừa nói:
- Ăn một miếng cho hạ hỏa đi bồ, quít ngọt lắm đó! Nuốt cục giận xuống đi để nó nằm hoài ở cổ khó thở lắm!
 
Buổi trưa...Trời rất là nóng, những tia nắng chiếu thẳng đứng, y như mấy cọc sắt khổng lồ ghim xuyên qua trái đất, bắt nó chết dí một chỗ.
Trời không có gió, cái võng mà Di đang nằm đứng im phăng phắt. Mái tóc dài của Di được kéo qua một phía, chảy dài chấm đất. Từng sợi, từng sợi nằm im ru. An vói qua song cửa nhẹ tay đẩy võng cho đong đưa, mái tóc của Di cũng bay phơ phất. Ngọn tóc quét nhẹ trên mặt sàn gỗ để lại một vệt ẩm mờ. Di mới gội đầu nên An nghe mùi chanh và bồ kết thoang thoảng. Nét mặt Di hơi cau lại, chắc Di đã thức và phát hiện sự có mặt của An nên có vẽ không thoải mái. An đưa tay đẩy võng thêm một lần nữa rồi bước trở vô nhà. Đi ngang qua cửa sổ phòng Di. An móc từ lưng quần ra cuốn tập nháp của Di nhét vào cái khe nhỏ giữa bàn và bức vách, để Di không nghi ngờ là có người đã lấy và xem trộm.
Rồi khi không một nỗi buồn đổ bộ lên An. An nhớ lại bức tranh vẽ phác của Di. Di chỉ vẽ một đôi mắt mở rất hẹp, phía dưới Di ghi mấy câu thơ:
Tên ai, viết một chữ thôi!
Gọi ai, chỉ dám máy môi thì thầm
Niềm riêng, ghì chặt đáy lòng
Nghe như lệ nóng ngược dòng vào tim...
Di đã vẽ và viết về ai? An cứ hoang mang tự hỏi, có lẽ nào đó lại chính là An. Nếu thực sự là An thì An phải làm sao để Di chấp nhận tình cảm An một cách đường đường chính chính. Tại sao Di quá chú trọng về tuổi tác và những thứ râu ria khác mà bỏ qua tấm lòng chân thật của An? Có lần Di hỏi An một cách trống lổng:
-Hồi nào vậy?
-Lâu lắm rồi!
Di cười thoáng một chút chế nhạo. Chắc Di cho rằng một gả con trai non choẹt như An mà cũng bày đặt nhón chân, vói tay khều trái cấm.
Cũng có lần An tự hỏi : Tại sao? Lúc nào? Nhưng không thể trả lời chính xác được. Chỉ nhớ là có một lần Di ngồi giặt đồ, cây kẹp ba lá bị tuột làm tóc Di xổ ra tung tóe. An đi ngang bị Di kêu giật ngược:
-An, An kẹp tóc lại giùm Di đi!
An nghe trống ngực đập đùng đùng. Cái tay cầm cây kẹp run như thằn lằn đứt đuôi nên nó cứ rớt hoài không thể làm được. Di nổi nóng giựt cây kẹp lại, rũ cho bọt xà bông trên tay rớt bớt rồi vừa kẹp tóc lại vừa nhiếc An:
-Nhờ có một chút mà cũng không xong!
Từ đó mỗi đêm An thức thật khuya, rình chờ mọi người ngủ hết rồi ra chỗ Di phơi áo dài mà hôn trộm tay áo, tà áo của Di. Mấy lần An định bỏ nhà đi lính, nhưng An chưa thi, chưa có bằng cấp, làm lính trơn thì dễ gì má Di chịu gả. An thầm trách má của mình, phải má sanh mình ra đầu tiên thì hay biết mấy .
Bên nhà Di có tiếng lao xao, hình như mấy người bạn của Di lại đến. Bạn Di đông lắm cứ đến kiếm Di liên tục nên Di chẳng có thì giờ rảnh dành cho An. An ao ước mình thỉnh thoảng biến thành con gái, tha hồ ôm Di, nắm tay Di mà không sợ Di phản đối. Còn hai tháng nữa là Di thi. An có linh cảm Di sẽ thi đậu và rời xa An mãi mãi. Mỗi lần nghĩ đến điều nầy là An nghe lòng mình đau nhói. Một cái đau rất cụ thể, như có ai đó đang cầm hai tay kéo sấp An trên con đường gắn đầy những mảnh chai nhọn hoắt.
 
(Xem tiếp CHƯƠNG HAI/10)
 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 05.10.2019 08:45:58 bởi Lâm Du Yên >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 3 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9