XÓM "..."
Lâm Du Yên 08.10.2019 16:12:19 (permalink)
XÓM "..."
 Truyện dài Lâm Du-Yên
 


CHƯƠNG MỘT/6

Là một trong những xóm nhỏ nhất, thế nhưng xóm “…” được nhiều người biết tên, biết tiếng (nhất là nam giới) hơn tất cả các xóm khác. Nó nổi danh như cồn chỉ nhờ vào cái tên. Cái tên ấy tiết lộ cho thiên hạ biết cái “nghề” nghiệt ngã của đa số cư dân ở đó.
Những nàng kiều ở đây đều còn rất trẻ, hiếm người đã vượt qua cái ngưỡng ba mươi. Họ đẹp, đẹp lắm! Sở hữu một cái “sắc” bén ngót nên rất dễ làm trái tim người khác bị thương và khiến chính họ tử thương.
Nam giới tuy thuộc “dân tộc thiểu số” nhưng lại chiếm vị trí thống trị. Họ đều có nét mặt dữ dằn thể hiện một tính nết hung hăng, tàn nhẫn. Điều đó còn được khẳng định bởi những hình xâm quái gỡ trên cánh tay và tấm lưng để trần của họ.
Vì vậy nên khi bốn chiếc xe đạp với năm chàng sinh viên mặt mày non choẹt, hiền khô, đeo mấy túi đồ trên vai và treo lỉnh kỉnh trên ghi đông vừa vào hẻm, đã lập tức thu hút hầu hết mọi ánh mắt tò mò của các mỹ nhân đang có mặt.
Cảm nhận được điều ấy, Dự, chàng trai dẩn đầu đoàn xe, vốn có dáng vóc lực sỹ, làn da đen nhẻm và mái tóc hớt cua ngắn ngủn, tự động gồng hai cánh tay khiến các bắp thịt nổi vồng lên như mấy con chuột cống đang cong người, cố xé rách làn da căng bóng để chui ra.
Ngay đầu hẻm, ba, bốn, năm… cô gái trẻ măng ăn mặc lỏng lẻo, tóc chưa được chải thẳng. Họ vừa thức dậy sau một giấc ngủ trễ muộn, đang ngồi trên những cái ghế thấp chủm quanh gánh bún riêu, vừa nhai vừa húp sì sụp, vừa ngước lên nhìn. Cô nàng xinh nhất, dạn dĩ nhất cười mĩm rồi đá lông nheo chung chung cho hết thảy mười con mắt còn trong veo, đang nhìn họ một cách tò mò, lén lút. Như bị tia nắng gắt chiếu vào, năm chàng trai đều chớp mắt một lượt, mặt đỏ lựng. Lòng họ muốn dừng nhưng không hiểu sao chân lại nhấn mạnh hơn, khiến hai cái bánh xe quay tít.
Bọn họ là năm người bạn cùng quê, cùng trường, cùng lớp, cùng đậu đại học một lượt, vừa chia tay chỗ trọ cũ, dời về đây ở.
Nơi nầy tuy hơi xa trường nhưng tiền thuê nhà cùng giá sinh hoạt rẻ, thích hợp với cái túi tiền vốn lép xẹp, nhẹ hều của họ hơn những nơi khác.
Đi ngay sau Dự là hai anh em sanh đôi Tâm và Tánh. Họ chở nhau trên chiếc xe đòn giông được thừa hưởng từ ông nội. Chiếc xe mang thương hiệu "PEUGEOT"nổi tiếng một thời ấy, giờ chỉ có cái sườn còn giữ bản gốc, các bộ phận khác đều thuộc loại “vô danh tiểu tốt”.
Đến giữa xóm, Dự cho xe dừng lại trước căn nhà nhỏ, có cái sân nhỏ xíu. Hai cánh cổng, cửa ra vào và cửa sổ đều sơn màu xanh.
Tâm đạp dấn lên rồi cho xe đậu ngang Dự. Tánh ngồi trên bọc ba ga phía sau liền bước xuống. Dự cho tay ngay vào túi áo lấy chiếc chìa khóa đưa cho Tánh để mở cửa.
Hy và Công đi sau cùng cũng trờ tới. Bốn chiếc xe xếp thành hàng ngang nên gánh chè của một cô gái vừa đến không thể nào chui qua lọt.
Cô ta đành đứng lại chờ và cằn nhằn nho nhỏ:
-Cái lộ nhỏ xíu mà đậu xe như vầy thì ai mà đi cho được!
Tánh mở cửa xong liền lật đật gọi to:
-Tâm, Dự, Hy, Công đem xe vô luôn đi…
Cả ba, Tâm, Dự, Hy dắt xe vào một lượt rồi dựng sát vào nhau trong sân.
Công vẫn ngồi trên yên, chống cả hai cái cẳng dài thòng xuống đất. Một mùi thơm ngọt ngào đang quấn chật tay chân, chui vào đường miệng, hối hả xâm lăng dạ dày, khiến chàng phải xoay người tìm kiếm. Công nghiêng đầu, nhìn chăm chú vào khe hở trên nắp của cái nồi nhôm sáng trưng, nó bị chiếc cán nhựa của cái vá nhỏ thò ra ngoài nên không đậy khít được. Cái khe chỉ rộng bằng hai ngón tay ấy, giúp chàng nom thấy một mảnh trăng non hình lưỡi liềm mang màu sữa vô cùng gợi cảm. Hai cánh mũi của Công bất giác trương phồng hết cỡ rồi từ từ xẹp xuống. Chàng ăn ngấu nghiến bằng mắt, bằng mũi cái nồi chè đậu xanh, nước cốt dừa, đường cát trắng ấy.
Cô chủ của nồi chè hấp dẩn đó chờ lâu nên lấy làm bất mãn, bèn liếc ngang. Tia mắt sắc ngọt ấy khiến Công lập tức bị chém đứt làm đôi, liền nhảy xuống xe ấp úng:
-Xin lỗi chị!
Cô gái ấy trẻ măng ấy, tuổi chắc chỉ trăng tròn lẻ một, nhiều lắm là ba, được một người con trai có gương mặt hiền khô, lớn hơn mình ít gì cũng phải đến ba tuổi, gọi bằng chị thì khoái chí, nhoẻn miệng cười. Nụ cười làm bừng sáng thêm cái gương mặt vốn đã rất ư xinh xắn. Công như bị điểm huyệt, đứng chôn chân không nhúc nhích.
Tánh từ trong nhà gọi vọng ra:
-Sao không đem xe vô, tránh chỗ cho người ta, Công!
Chàng bèn tỉnh hồn lại rồi riu ríu dắt xe vào nhà.


Căn nhà trống lổng, ngoài bốn bức tường, nó chẳng hề bị một tấm vách nào chia ngang, chẻ dọc. Đứng trước cổng có thể nhìn thấu kệ bếp nhỏ xíu kê sát cái vách cuối nhà.
Nó tuy nhỏ, bề ngang chỉ hơn bốn bước chân, bề dài đúng bon chín bước nhưng nhờ có cái gác làm chỗ ngủ, chẳng có đồ đạc nên không đến nổi tù túng.
Chủ nhà vừa dọn đi, vì vậy hơi người, điển hình là mùi thuốc lá, vẫn còn lẩn quẩn.
Cái kệ bếp nhỏ xíu nằm sát góc trái. Có một cái chảo tay cầm đặt trên chiếc bếp điện loại cũ, cạnh đó là cái ấm nhôm đã bị móp một vết nhỏ bên hông. Ba thứ nầy không biết do chủ nhà bỏ quên hay cố để lại cho họ xài.
Nhà tắm, nhà cầu nhập làm một, chiếm một vị trí rất khiêm nhường ở cái góc đối diện bếp, diện tích chỉ gần một mét vuông. Nó y như một chiếc hộp to với cái đáy hình vuông có đúng bon chín miếng gạch cạnh ba tấc. Gạch lót nền, bồn cầu, cửa kéo vừa thay và lớp sơn trên tường còn mới tinh.
Hy thở phào một cách khoan khoái:
-Hên quá! Tao thích nhứt là cái nhà có toa lét đàng hoàng, sạch sẽ như vầy.
Dự phổng mũi vì chính mình tìm ra căn nhà nầy. Chàng nói:
-Nó vừa được sơn sửa xong là ông chủ trúng hai tờ độc đắc. Ổng mua một căn nhà ngon lành hơn ở xóm khác nên chuyển về đó ở.
Công hỏi, giọng nghi ngờ:
-Căn nhà nầy khang trang hơn cái chỗ tụi mình vừa trả lại nhiều. Tại sao tiền thuê rẻ hơn, chỉ hơn phân nửa vậy Dự?
Hy lo ngại:
-Có khi nào nó bị ma ám không mậy? Nên ổng mới …
Dự lắc đầu, buột miệng:
-Tao thì cho là tại cái tên của xóm nầy.
Hy ngạc nhiên:
-Mầy nói đây là xóm “Bông Hồng” mà? Cái tên đó tao nhả quá trời, có mắc mớ gì đâu?
Dự tặc lưỡi, ém giọng nhỏ xíu:
-Đó là cái tên trong thơ ca, còn tục danh của nó là xóm “…”!
Công chới với:
-Trời phật ơi! Cái tên gì mà nghe rùng rợn dữ vậy mậy? Liệu tụi mình có giữ vẹn tấm băng trinh cho tới khi ra trường không, hay rách tan hoang hết ráo?
Tánh gắt:
-Chớ không phải mầy đang mong nó mất liền lập tức hả? Tao thấy mới vừa tới là mầy bị con nhỏ gánh cái gánh gì đó, làm cho đứng hình rồi!
Công đáp:
-Tại tao thèm chè chớ bộ...
Hy đoán:
-Chắc ổng có con nên sợ ở đây mang vạ. Con gái khó lấy chồng, con trai có nguy cơ mắc si đa, bởi vậy có điều kiện là dọn đi liền.
Dự lắc đầu:
-Tao thấy ổng ở có một mình.
Công hỏi:
-Chắc ổng già cúp bình thiếc rồi hả mậy? Hết làm ăn gì được mà thấy mấy cái món ngon lành bày sờ sờ trước mắt nên đâu chịu nổi. Thà tránh đi cho khỏi bức rức.
Dự lắc đầu thêm lần nữa:
-Không hề! Ổng còn phong độ lắm!
Công bán tín, bán nghi:
-Ổng ở một mình, còn sung sức thì mắc gì phải bỏ cái nơi…
Dự cắt nghĩa:
-Mầy có nghe cái câu “chết đuối trong dòng sông mật ngọt “ không? Thà không tiền thì thôi, chớ có tiền thì khó nhịn. Tại mầy hổng biết chớ ba cái vụ đó lao lực dữ lắm! Cho nên ổng phải dọn đi liền để bảo toàn tánh mạng.
Hy trề môi:
-Mầy chưa thử lần nào mà nói nghe như sành sõi lắm vậy.
Dự sực lại:
-Sao mầy biết tao chưa thử qua lần nào?
Hy gằn giọng:
-Biết chớ sao không. Dù gì tao cũng…
Dự trề môi:
-Sinh viên chưa ra trường mà làm như mấy ông bác sỹ già có kinh nghiệm đầy mình.
Tánh can:
-Thôi lo tổng vệ sinh đi mấy cha! Trưa trờ trưa trật rồi, còn lo nấu cơm nữa đó.
Hy định lấy mấy túi đồ ra khỏi xe thì Tánh ngăn lại:
-Đồ đạc cứ để nguyên, chờ quét lau sạch sẽ xong hãy lấy xuống.
Hy hỏi:
-Lấy cái gì mà quét, mà lau bây giờ?
Công chỉ vào cây chổi bông cỏ dựng trong góc nhà, nó đã mòn gần phân nửa nhưng còn xài được nói:
-May quá, ổng có để lại cho mình cây chổi nè! Chỉ còn thiếu mấy miếng giẻ lau thôi!
 
(Xem tiếp 2/6)
Tâm vỗ vai Công, gợi ý:
-Tao thấy cái khăn tắm của mầy te tua lắm. Hóa kiếp cho nó được rồi đó.
Công “đập” lại:
-Hai anh em bây bỏ mấy cái áo thun để dành nấu nước lèo ra trước đi rồi mới tới tao.
Hy dàn hòa:
-Thôi được rồi! Tụi mình mỗi đứa hùn vô một món, ai xài dụng cụ của người nấy!
Dự năn nỉ:
-Tao vừa thanh lý đồ xong, không còn món gì phế phẩm hết! Thôi để tao quét hết cái nhà nầy cho.
Liền chụp cây chổi quét lia, quét lịa.
Hy ngăn lại:
-Mầy phải quét từ trên gác xuống trước rồi mới tới dưới nầy chớ!
Dự khen:
-Chí lý! Chí lý!
Liền xách cây chổi chạy sầm sập lên cầu thang. Một tiếng “bốp” vang lên, ngay sau đó là tiếng xuýt xoa của Dự:
-Trời đất ơi! Cái gác gì mà thấp chủm vầy nè! Mấy thằng bây, nhứt là cái thằng Công “cổ cò” coi chừng bị móp sọ đó!
Rồi bỗng lập tức kêu váng lên:
-Tụi bây ơi, lên đây mà coi nè!


Cái giọng hân hoan đó khiến bốn chàng trai lập tức chạy ào lên gác:
Dự la :
-Cái cầu thang nhỏ xíu, yếu lắm, tụi bây leo lên từng đứa thôi. Coi chừng cái đầu đó.
Mặc kệ lời cảnh báo, họ cứ đẩy lưng nhau mà đi. Trông thấy mấy chồng mùng mền cùng quần áo cũ, được xếp ngay ngắn nằm sát vách thì cả bọn cùng cười hỉ hả, bu lại lựa như đi mua đồ si đa vậy!
Dự cầm cái áo thun cá sấu màu xanh còn mới nhứt lên xem rồi nói:
-Tao xí cái áo nầy!
Bốn tên còn lại, trừ Hy, mỗi người đều chọn một vài món, những thứ cũ hơn được dùng làm giẻ lau. Cái khăn và hai cái áo thun bị kết án ban nãy được an toàn tánh mạng. Hú hồn!
Niềm vui ấy khiến họ bừng bừng khí thế, bèn dốc sức lau dọn căn nhà sạch bong. Đến ba giờ chiều cả bọn cùng đói meo.
Công mở vòi nước, vừa rửa tay rửa mặt vừa nói:
-Nước ở đây hơi yếu.
Chàng hứng một bụm uống thử rồi chê:
-Mùi thuốc sát trùng nặng quá!
Dự nói:
-Nước ở đâu mà hổng vậy! Mướn được căn nhà có gắn đồng hồ nước, đồng hồ điện là mừng lắm rồi, khỏi phải xài ké, bị tính giá trên trời.
Công đưa tay vò bụng, nói:
-Giờ nầy mà có cái gánh chè hồi sáng là một mình tao dám ăn hết nửa nồi.
Dự hỏi lại:
-Rồi tiền đâu mà trả?
Tâm nói:
-Tao chỉ thèm cơm thôi! Ước gì bây giờ có một nồi cơm, một nồi canh mướp, một chảo tép rang mà ăn, thì sung sướng không để đâu cho hết!
Dự phản đối:
-Tép rang phải ăn với canh khoai ngọt mới ngon. Canh mướp với cá kho mới đúng điệu.
Tánh mơ màng:
-Mệt như vầy mà được ăn một tô canh chua cá ba sa thì lại sức cấp kỳ. Tao sẽ cầm đũa gấp cái bụng cá chấm nước mắm ớt ăn trước tiên, rồi mới tới...
Công trách:
-Tao ứa nước miếng đầy miệng rồi nè, thôi đừng nói nữa!
Hy đề nghị:
-Tụi mình khỏi nấu gì hết, đi ăn cơm bụi!
Tâm và Tánh lắc đầu một lượt:
-Tốn tiền lắm!
Công nói:
-Để tao đi mua năm gói mì ăn liền với năm cái trứng gà. Món nầy làm lẹ nhứt mà mỗi đứa tốn chừng năm ngàn. Cơm bụi rẻ gì cũng mười lăm ngàn một dĩa, còn đạp xe đi xa lắc nữa!
Cả bọn đồng thanh:
-OK!
Bốn tên lật đật móc tiền ra đưa cho Công.
Dự dặn:
-Mầy đi ra đầu hẻm, quẹo tay trái, cuối con đường nầy có cái chợ nhỏ. Cái chợ nầy không nằm ngoài mặt tiền mà ở tuốt bên trong, phải để ý mới thấy!
Hy hỏi:
-Sao mầy biết hay quá vậy?
Dự cười:
-Ông chủ nhà nầy tử tế lắm. Hôm tao với ổng ký hợp đồng xong, ổng rủ tao ở lại ăn cơm. Tao thấy vậy bèn xung phong chở ổng đi chợ nên biết.
Công hỏi, giọng tiếc rẻ:
-Phải hôm đó tao đi theo mầy. Ổng cho mầy ăn món gì vậy ?
Dự nuốt nước bọt rồi nói:
-Tao với ổng ra tới chợ là chạng vạng rồi, chợ nhỏ nên giờ đó chẳng còn thứ gì ngon. Ổng bắt tao quay về, đi ngược lại một đổi có cái chỗ bán vịt quay. Ổng hỏi tao thích ăn vịt quay không. Tao nói đó là món trong mơ của mình. Thế là ổng mua nửa con với hai ổ bánh mì.
Công trách:
-Vậy mà không nghe mầy nói gì hết?
Dự cười:
-Tại tao mang mặc cảm tội lỗi.
Tâm hối Công:
-Mầy đi lẹ lẹ giùm một cái. Tụi tao đói meo râu rồi nè. Hành hạ người ta vừa vừa thôi. Hai thằng bây bộ không sợ bị đập chết hay sao mà ngồi tả tình, tả cảnh hoài.
Công lật đật bỏ giò đứng lên:
-Tao đi liền đây!
Dự không yên tâm nên vặn lại:
-Nhớ chưa? Cái chợ đó khó kiếm lắm! Mấy cái hẻm quanh nó ngoằn ngoèo, rối rắm y như bát quái trận đồ. Nhắm tìm được không đó mậy?
Công phật ý:
-Mầy hỏi vậy là xem thường giới sinh viên tụi mình lắm đó!
Rồi dắt xe ra đạp một cái vù, vọt mất.
Tâm và Tánh căng sợi dây kẽm được treo sẵn trên gác ra thật thẳng để máng quần áo lên.
Hy có lẽ bị kiến cắn bụng dữ dội liền vớ cái ấm đang đặt trên bếp, cho nước vào sẵn, định hể Công vừa về là bật điện nấu liền.
Vừa mở vòi hứng nước vào ấm Hy vừa ngóc cái đầu nhìn lên gác hỏi vói:
-Có khi nào ông chủ nhà nầy để lại một đống hóa đơn tiền điện, tiền nước chưa thanh toán cho mình không Dự?
Dự đang đứng lom khom trên gác, lôi từng cái áo sơ mi nằm trong túi ra, giũ cho thẳng rồi máng vào móc để treo lên, liền đáp vọng xuống:
-Tao ghi mấy cái chỉ số điện, nước với ổng rồi. Nếu có chênh lệch thì mình trừ vô tiền nhà, lo gì?
Hy khen:
-Đúng là dân kinh tế, không ai qua mặt được .
Đồ đạc sắp xếp đâu vào đấy rồi vẫn chưa thầy tăm hơi cái anh chàng Công.
Dự than:
-Cái thằng quỷ nầy làm cái gì mà đi lâu dữ ôn vậy trời!
Hy cằn nhằn:
-Mầy biết chỗ sao không chịu đi cho lẹ, giao cho nó làm chi?
Dự thở dài:
-Ai mà biết nó đi lâu như vậy! Hổng biết tại kiếm không ra hay lủi vô chỗ nào ăn no bụng rồi cho tụi mình teo bao tử chơi.
Vừa nói tới đó là nghe tiếng xe thắng cái “éc”. Cả bọn lật đật chạy ra, họ reo mừng y như ngày xưa đón má đi chợ về. Hy lật đật quay vào bếp để nấu nước.
Thấy Công cầm trên tay một bọc to đùng cả bọn đều trố mắt.
Không chờ họ hỏi, Công nói liền:
-Tao mua cơm, mỗi đứa một hộp.
Tâm cự:
-Tao không…
Công ngắt ngang:
-Đừng có lo, tao không bắt tụi bây bỏ thêm đồng nào đâu.
Hy nghe vậy liền hỏi vọng ra:
-Bộ mầy trúng số hay sao mà chơi đẹp quá vậy?
Công đáp:
-Tiền ăn còn không đủ thì lấy gì mà mua vé số.
Dự hỏi:
-Chớ ở đâu ra vậy mậy?
Công cười:
-Tao lượm được một tờ xanh đàng hoàng đó mầy?
Hy hét lên:
-Một trăm đô?
Công lắc đầu.
-Năm trăm ngàn?
Tâm và Tánh cùng hỏi.
Công lại lắc đầu.
Dự đưa ngón tay trỏ lên:
-Một trăm ngàn?
Công gật đầu. Cả bọn cười hinh híc. Họ đói meo nên không thèm khách sáo, mỗi người vớ ngay một hộp rồi mở ra ăn liền lập tức.

Tâm liếc nhanh một vòng rồi hỏi:
-Sao mầy mua có mỗi một món thịt kho hột vịt không vậy?
Công cười hì hì:
-Tao cho ăn “đồng phục” để tụi bây khỏi giành giựt.
Dự trách:
-Vậy sao không mua sườn nướng?
Công trề môi, lắc đầu:
-Món đó mắc nhứt!
Hy cằn nhằn:
-Nghe nói ba cái hột vịt mà kho đi nấu lại hoài nầy, không tốt cho đàn ông con trai tụi mình đâu.
Công bực:
-Vậy mầy đưa đây tao ăn giùm cho! Cơm từ thiện mà còn bày đặt…
Hy cười, rồi khen để xoa dịu Công:
-Làm sao mà mầy lượm được, tài vậy?
Dự sửa lưng:
-Lượm tiền là do may mắn chớ tài cán cái quái gì?
Công nuốt vội miếng cơm trong miệng rồi nói:
-Chưa chắc à nghen! Riêng trường hợp này bao gồm cả tài lẫn trí nữa đó!
Tâm hỏi bằng giọng dè bỉu:
-Đâu mầy kể ra coi! Cho bọn tao thọ giáo cái chiến thuật “lượm tiền” thâm diệu của mầy.
Công phớt lờ thái độ của y, đáp:
-Chuyện nầy ly kỳ lắm! Tao dám chắc ngàn năm trước và trăm năm sau sẽ không thể có một trường hợp tương tợ.
Rồi không chờ hỏi tiếp, Công kể luôn:
-Tao đang đứng sau lưng một cô gái trước cái sạp tạp hóa ở đầu chợ. Cô ta đi chiếc cúp màu nho, đẹp như “con bà bảy” vậy đó!
Nói tới đó đột nhiên Công dừng ngang mà cười sặc sụa.
Hy quở:
-Đồ vô duyên, khi không đang ăn mà cười. Coi chừng phun hết cơm trong miệng ra ngoài bây giờ.
Dự giục:
- Kể tiếp đi mầy!
Công ráng dằn cái cơn cười lại, nói:
-Tao vốn hâm mộ mấy chiếc Dream nên chú ý, ngó chăm chú từng bộ phận một…
Dự ngắt ngang:
-Xe hay người?
Công đáp phắt:
-Xe! Tao rà từ trên xuống dưới. Dòm tới cái chỗ...
Nói tới đây chàng bèn dừng lại để múc cơm. Bốn bàn tay của bốn tên kia, đang cầm cái muỗng không nãy giờ cũng nhớ ra rồi xúc vội, xúc vàng.
Hy vừa múc vừa hỏi như hối:
-Chỗ nào?
Công không gấp chút nào, nhai chầm chậm, nuốt cẩn thận. Chàng chờ ngụm cơm nằm gọn trong dạ dày xong mới nói:
-Tao ngó tới cái bánh xe trước thì thấy nó cán lên tờ giấy một trăm. Tim tao đập túi bụi, lỗ tai lùng bùng. Bà bán hàng phải hỏi mấy lần mua cái gì tao mới nghe ra mà đáp.
Tâm hỏi:
-Cổ có nhìn lại mầy không? Bật đèn xanh hay đèn đỏ?
Công lắc đầu:
-Con gái đi xe xịn “chảnh “ lắm! Biết tao nhìn nên hất cái mặt lên trời.
Dự nói:
-Nhờ cô ta ngó lên trời nên hổng thấy, không thôi là chộp rồi chớ đâu còn tới mầy.
Hy phản đối:
-Con gái đẹp, nhà giàu, đi xe Dream, ai mà thèm lượm tiền.
Dự trề môi:
-Mốc xì! Có lần đi chợ tao thấy một bà tướng tá như đại gia. Bả đeo vàng thiếu điều gãy tay, gãy cổ, vậy mà mua đồ trả giá thấy bắt sợ. Mua có một bó rau mồng tơi mà kèo nài người bán phải cho hành. Cho một tép bả chưa chịu đòi cho bằng được một tép nữa đó mầy.
Tánh bực bội:
-Để cho thằng Công nói cho hết đi! Tụi bây cứ xía miệng bể vô hoài.
Rồi hất càm về phía Công:
-Kể tiếp đi mầy!
Công nói tiếp:
-Tao chờ cô ta chạy đi để lấy tờ tiền, bụng đánh lô tô vì sợ cổ thấy rồi lượm trước. Nào ngờ tờ giấy xăng ấy cứ bám dính khắng cái bánh xe. Tao cắm đầu đạp theo, không kịp lấy bịt đồ, cũng may chưa trả tiền. Bà bán hàng gọi om sòm rồi chửi đuổi theo “cái đồ mê gái “…
Nói đến đây Công lại dừng, xắn một miếng trứng, múc một muỗng cơm đầy nhóc kèm theo rồi cho vào miệng nhai thong thả. Chàng cố tình nhắm mắt lim dim, tảng lờ bốn gương mặt đang nhìn mình một cách háo hức.
Hy hấp tấp hỏi:
-Bao lâu nó mới chịu rớt ra vậy mậy?
Công lại cười, lần này không ồn ào:
-Cái bánh xe “dâm đảng” đó cứ đè miết tờ tiền. Cổ thấy tao bám theo nên quay lại nhìn. Cũng may tao đẹp trai, tướng tá ngon lành, nên cô ta chạy chậm lại, cuộc rượt đuổi cũng đỡ vất vả.
Rồi lại dừng, lập lại cái động tác tay và mồm y như cũ, lần nầy còn từ tốn, chậm rãi hơn.
Hy lại giục, giọng bực bội:
-Kể cho hết đi rồi ăn!
Công không đáp cứ nhai thong thả, cho đến khi phát hiện tám tia nhìn nhọn hoắc sắp soi thủng da mặt mình, mới chịu kết thúc bằng một câu ngắn gọn:
-Nếu không có miếng xác sing gum nằm giữa đường lôi nó ra thì trời cứu.
Nói dứt lời liền múc một muỗng cơm, kèm thêm miếng thịt kho duy nhứt đưa lên miệng. Đang há to bỗng khép lại, để cái muỗng xuống rồi gục mặt xuống mà cười sằng sặc một tràng.
Bốn tên còn lại trố mắt nhìn.
Tâm lắc đầu, nói bằng cái giọng ngậm ngùi:
-Cái thằng nầy thiệt... là... Mới lượm có một trăm ngàn mà mừng tới phát khùng. Làm mất mặt cái đám đại trượng phu nhà nầy biết bao!
Dự cho là mình phải có cái nghĩa vụ đền đáp, nên lên tiếng bênh vực:
-Chắc nó yếu bóng vía nên bị con ma cười nhập.
Công ngẩng mặt lên nhìn đám bạn, rồi lắc đầu. Chàng ráng cắt cơn cười rồi giải thích:
-Tại tao tưởng tượng đến cái nét mặt sửng sốt của cổ khi thấy tao đang đuổi theo ráo riết, bỗng dừng phắt rồi quay đầu chạy bán sống, bán chết! Nghĩ tới đó là tao không thể nhịn cười.
Dự hỏi:
-Mầy chạy theo cổ, ý lộn, theo tiền bao xa?
Công nói:
-Chừng vài chục mét.
Dự gặng:
-Vậy sao mất gần hai tiếng đồng hồ?
Công giải thích:
-Tao đâu dám quay lại sợ bà bán hàng còn nhìn theo, thấy hết rồi nói là tiền của bả, nên chạy đi kiếm cái chợ khác. Kiếm muốn lòi con mắt cũng chưa ra. Đi ngang cái chỗ bán cơm, chợt nhớ tới tụi bây, tao biết chắc đứa nào cũng đang đói meo nên động lòng trắc ẩn, tấp vô mua luôn năm hộp cơm. Nhờ vậy mới biết ở đây bán đồ ăn rẻ nhứt Sài Gòn. Cơm nhiều gấp rưởi chỗ khác mà giá thấp hơn.
Tâm hỏi:
-Bao nhiêu?
Công đáp:
-Mười ba.
Tâm trề môi, xí một hơi dài rồi nói:
-Tưởng nhiều, ai dè rẻ hơn có một, hai ngàn. Tao nghe nói có chỗ bán chỉ mười ngàn một dĩa thôi! Có đầy đủ canh rau, cá, thịt hẳn hoi.
Dự lắc đầu:
-Mấy chỗ đó nghe đâu họ mua thịt thiu, cá ương, rau úng… Ba cái thứ rẻ thúi về bán mới có lời. Mầy biết đã có bao nhiêu trường hợp bị ngộ độc phải vô nhà thương, tốn tiền gấp mấy trăm lần không?
Tâm cười:
-Đừng có lo, tụi mình là sinh viên nghèo, tự nấu lấy mà ăn, làm gì có cơ hội đó!


Tánh nãy giờ không nói tiếng nào, chăm chỉ ăn nên thanh toán hộp cơm nhanh nhứt. Ăn xong liền vào bếp rửa miệng, nghe tiếng nước réo om sòm, thấy cái nấp ấm nhảy tưng tưng thì lật đật tắt bếp rồi hét ỏm tỏi:
-Thằng mắc dịch nào nấu nước mà không chịu canh vậy? Nước sôi nãy giờ tốn điện quá trời!
Hy đáp giọng tràn trề hối hận:
-Tao đó! Tính nấu nước để chế vô mì, nào ngờ…
Công tiếc hùi hụi:
-Phải hồi nảy tao mua thêm một gói trà, sẵn nước sôi mình châm một bình nhâm nhi cho phong lưu trọn bộ.
Dự chỉnh:
- Ở đây “sắc” ê hề, chỉ thiếu “tửu” thôi. Muốn phong lưu trọn bộ, mầy phải mua thêm rượu nữa.
Rồi bỗng nổi hứng, ngâm thơ bằng cái giọng khề khà, bắt chước mấy vị nho gia:

-Một trà, một rượu một đàn bà
Ba cái lăng nhăng nó quấy ta
Chừa được thứ nào hay thứ nấy
Họa chăng chừa rượu với chừa trà.

Ngâm xong liền gật ngù ra vẻ đắc ý, nói một mình:
-Đọc bài thơ nầy mới biết tại làm sao ông Tú Xương thi hoài không đậu.
Công răn đe:
-Tụi mình phải ráng giữ mình nghe tụi bây. Phải nhớ nằm lòng cái câu “Sắc bất ba đào dị nịch nhân”. Phải ráng bịt mắt bưng tai lại mà học đó!
Tánh trề môi:
-Mầy lo cho cái thân mầy trước đi rồi hãy khuyên tụi tao. Dòm cái mặt ngon lành như ổi sắp chín của mầy là ai cũng muốn cắn rồi. Dám chắc mầy sẽ là mục tiêu tấn công của chị em họ.
Hy dặn chung cả bọn:
-Tụi bây về quê đừng kể về cái xóm nầy nghe! Tuyệt đối không được tiết lộ cái tục danh của nó.
Công hỏi:
-Sao vậy?
Hy trợn mắt:
-Các bậc phụ huynh mà biết mình ở chỗ nầy chắc chắn sẽ thấp thỏm không yên. Má tao bả mà nghe tao ở cái xóm “…” là té xỉu liền. Thế nào cũng bắt ông già xuống đây áp tải tao lại nhà ông chú ngay lập tức.
Dự hỏi:
-Mầy có ông chú giàu sụ, sao hổng lại đó ở cho sướng thân?
Hy ngắt ngang:
-Thôi đi mầy ơi! Nhắc tới cái chuyện đó là tao nổi óc khắp mình đây nè. Ở đậu nhà càng giàu mình càng khổ, mầy không biết điều đó sao? Cái câu “phú quý sanh lể nghĩa” ông bà nói không sai. Họ dư thì giờ quá, không biết xài vào việc gì nên bày đặt kiêng chuyện nầy, cử chuyện kia cho khác người. Tao ở đó chỉ có nửa tháng để chờ thi thôi mà chịu hết nổi.
Tâm nói:
-Chắc mầy được cưng quá nên đâm bực phải không?
Hy lắc đầu, nhún vai:
-Hổng dám đâu! Ai cũng tưởng đâu tao con một nên được tưng tiu ghê lắm! Đâu có biết mấy thằng như tao khổ nhứt trên cõi đời nầy. Tụi tao có nhiệm vụ bổ khuyết những "sự nghiệp" vĩ đại mà hai đấng sinh thành chưa hoàn tất, bị coi như cái máy chớ không phải là người. Ở nhà thì ông già, bà già áp dụng kỷ luật nhà binh, gò muốn bung luôn. Giờ nào làm cái gì, giờ nào học món gì phải tuân theo răm rắp. Tưởng đâu ở nhà ông chú dễ thở một chút. Ai mà dè!
Dự hỏi:
-Đâu kể nghe thử coi!
Hy thở dài:
-Tụi bây hổng biết chớ, gia đình bên thím tao giàu ghê lắm! Bả đẹp mà còn học giỏi hơn chú tao nữa. Bả khinh người và kỹ tính không ai bằng. Bước vô nhà, bỏ giày ra là phải chùi chưn vô tấm thảm. Trong toa lét bước ra cũng phải chùi chưn. Trước khi lên cầu thang, chùi chưn. Vô phòng, chùi chưn. Lên giường, chùi chưn. Hể tao quên cái thao tác đó là bả nhíu mày, nhăn trán, ngó lom lom theo mấy cái dấu chưn tao vừa để lại, rồi bắt quay lại cầm giẻ lau liền. Đó chỉ là cái ở thôi! Cái ăn còn cực gấp bội nữa. Có lần đang ăn tao nhảy mũi, thế là bả bắt chị người làm thay hết thức ăn trên bàn, làm tao xấu hổ muốn chui xuống đất luôn.
Hy thở một hơi dài rồi nói:
-Còn nữa, hể nghe tiếng chuông cửa reng là im thinh thít, không có chạy ào ra đón khách như dân nhà quê của tụi mình đâu. Bả đọc báo Công An với An Ninh và Pháp Luật nhiều quá nên bị ám ảnh, nghi ngờ hết thảy mọi người kể cả chú tao, chồng của bả. Ai đến nhà mà không gọi điện trước là không thèm tiếp. Chín, mười giờ khuya là bế quan, tỏa cảng liền. Một lần tao lỡ về trễ, thế là bị nhốt ở ngoài cả tiếng đồng hồ, cho tới khi chị người làm thương tình ra mở cửa.
Công thở dài:
-Cũng may mầy là bà con ruột, có ba má giàu mà còn bị đối đãi như vậy. Nghèo mạt rệp như tao chắc bị cho ở ngoài đường tới sáng luôn.
Tâm hỏi:
-Sao ông chú mầy không rầy vợ?
Hy lắc đầu:
-Chú tao là tín đồ của đạo thờ bà! Tài sản do một tay bả gầy dựng nên không coi ổng ra cái thá gì hết. Chú tao làm dưới quyền vợ nên tiền lương, tiền thưởng bị bả nắm hết, chỉ được giữ chút đỉnh dằn túi.
Dự triết lý:
-Theo tao thấy mấy ông mà có vợ quá đẹp, quá giỏi hay quá giàu… đều bị vợ đè xếp ve hết! Tội nhứt là ông nào có bà vợ hội đủ ba yếu tố trên. Chú mầy như vậy là khổ nhứt trên đời. Chắc ổng bị ức chế lắm hả? Chắc ổng luôn rầu rỉ, quạo quọ hả mậy?
Hy lại lắc đầu:
-Không hề! Tao không biết ổng là “siêu nhân” hay “xỉu nhân” nữa. Lúc nào ổng cũng tươi rói. Bả có cằn nhằn cách mấy đi nữa ổng chỉ cười. Ngày thường đi làm, chủ nhựt là xách cần câu đi câu cá. Ổng phó mặc tiền bạc cho bả nắm, ít khi rờ tới cái bóp nên có lần dắt xe lội bộ về nhà cả cây số vì hết tiền đổ xăng.
Dự hỏi:
-Chắc lúc đó ổng tức giận và bả hối hận lắm hả mậy?
Hy lắc đầu lần thứ ba:
-Còn lâu! Ổng giấu đâu dám nói. Tới chừng bả biết được còn chửi ổng một chập vì cái tánh hậu đậu.
Tâm hỏi:
-Chắc mầy thấy ổng như vậy thì hết dám lấy vợ giàu hả?
Hy chưa kịp đáp thì Dự đọc liền một câu ca dao cải biên:
-“Củi tre dễ nấu, vợ nghèo, xấu dễ xài.
Ham chi giàu đẹp mà cày hoài tróc da”!
Hy nãy giờ lên án bà thím, bỗng chợt nhớ ra má mình cũng con nhà giàu nhưng bị ba mình lấn lướt. Còn cậu mình dù lấy vợ “củi tre” nhưng khổ đủ kiểu nên phủ nhận:
-Chuyện đó còn tùy thuộc vào cá tính, bản chất của người vợ. Nhiều ông lấy vợ xấu, nghèo, dở vẫn bị đè sát ván như thường. Bởi vậy tao quyết định thà lấy vợ đẹp, vợ giỏi, có bị bóc lột cũng đáng.
Tâm bình luận:
-Chú mầy là một trong các bậc vĩ nhân, hiếm có lắm. Những đại trượng phu như vậy họ có một tấm lòng vô cùng bao dung, quảng đại. Họ không thèm so đo cao thấp với bất cứ sinh linh nào nên sống thoải mái, không hề thấy khổ tâm hay bị áp lực.
Suy nghĩ giây lát Tâm lại nói tiếp:
-Những người bình thường ai cũng ganh đua, nên căng mạch máu suốt. Tâm, trí không được thảnh thơi. Họ thường bị mấy bịnh về tâm, thể, thần kinh như tim, huyết áp, tiểu đường, bao tử, trĩ… vân vân và vân vân. Kể cả bệnh ghẻ ngứa nữa.
Dư nghe Tâm "triết lý" thì cười đến sặc rồi nói:
-Tao sẽ hy sinh tấm thân bồ tượng nầy. Cố nâng khăn sửa túi cho một tiểu thư vừa đẹp, vừa giàu vừa thông minh...Để cho tụi bây kiểm chứng coi cái lý thuyết mắc dịch của thằng Tâm có đúng hay không. Từ giờ, bốn thằng bây phải đem hết khả năng ra mà tìm đối tượng hội đủ các điều kiện nói trên cho tao.
Tâm trề môi:
-Kiếm được là tụi tao chớp liền chớ ngu sao mà hiến cho mầy.
Dự cười:
-Sao tụi bây ham làm thiêu thân quá vậy? Có biết đèn càng sáng là càng mau chết hay không? Có vợ giàu là ở mướn không công. Ráng làm cho có tiền hay lên chức nhanh hơn, nhiều hơn. Phải ganh đua trong mọi lãnh vực. Đã vậy còn có nguy cơ mang tiếng bất hiếu nữa. Tao biết có những trường hợp bà già chồng nghèo tới thăm, con dâu còn không thèm chào nữa đó! Đừng có tưởng bở. Nghe lời tao đi. Phụ nữ lạ lắm! Thà thua chồng, bị chồng đánh đập rẻ rúng mà hết lòng tôn thờ, chung thủy tuyệt đối. Mấy bà nhà giàu, đẹp, học giỏi, làm ra tiền nhiều hơn hoặc bằng là ngó chồng có nửa con mắt. Coi chừng tụi bây còn không đội nón được nữa đó!


 
Tâm ngây thơ hỏi:
-Sao vậy?
Dự cắt nghĩa:
-Thì mọc hai cái sừng dài ngoằn trên đầu rồi, đội sao vô!
Hy tỏ vẻ bất mãn :
-Tụi bây căn cứ vào đâu mà đưa ra cái kết luận lệch lạc đó? Má tao đó, gia thế, mặt mũi, tài năng đâu có thua thím tao, mà bị ba tao ăn hiếp quá trời, quá đất. Ổng khiến sao là bả nghe vậy. Tao chắc ngoài ổng ra bả không hề để ý đến người đàn ông nào khác!
Dự đáp:
-Má mầy là một trong những người phụ nữ Việt Nam truyền thống. Họ có tên trong sách đỏ, sắp bị tuyệt chủng rồi đó. Mục đích của phụ nữ bây giờ là chứng tỏ cho nam giới biết, họ không hề thua kém giới mày râu trong bất cứ lãnh vực nào! Để rồi tụi bây coi, chế độ mẫu hệ sẽ dần dần chiếm lĩnh trái đất. Không chừng tụi mình sắp bị bầm giập dưới những gót giày nhọn hoắc, cao tới mười lăm, hai chục xăng ti mét của họ đến nơi!
Nghe tới đó Công liền trầm trồ, thán phục:
-Tao khâm phục mấy cô người mẫu quá xá! Họ mang mấy đôi giày cao nghệu mà vẫn bước một cách thoải mái như đi chưn không. Mấy tên đực rựa cỡ tụi mình chắc chắn là té lọi họng.
Hy trề môi:
-Ba cái giày gót cao, nhọn đó có hại cho sức khỏe lắm! Mang lâu là xương bàn chân bị biến dạng, cột sống bị lệch, dây thần kinh bị chèn… đau nhức dữ lắm! Không hiểu sao các chị em ta cứ càng ngày càng hâm mộ chúng?
Tâm hỏi:
-Bộ mầy không biết tuyên ngôn của họ bây giờ là: “Đẹp! Hoặc chết! “ hay sao?
Công thở dài:
-Tao thấy tiêu chuẩn cho cái đẹp thay đổi liền xoành xoạch. Từ “anh thấy em nhỏ xíu anh thương” cho tới cô nào mà dưới một mét sáu là hận đời ghê gớm.
Dự cười:
-Cũng may xu hướng hiện nay là càng cao càng đẹp. Nếu đảo ngược lại chắc thiên hạ dám ráp nhau đi cưa bỏ bớt một khúc cẵng lắm!
Hy chêm vào:
-Tao thấy ngoài cái mục tiêu đẹp hơn, họ còn muốn giỏi hơn, thông tuệ hơn các bậc anh thư tiền bối nữa. Mấy bà Võ tắc Thiên, Từ Hy thái hậu... thời nay, được trang bị đầy đủ, sẽ tàn độc hơn xưa gấp trăm ngàn lần. Họ sẽ khiến nam giới chúng ta không còn con đường sống.
Công vốn thương kính má của mình hết lòng nên bênh vực phái nữ:
-Tao thấy hầu hết phụ nữ đều thương yêu, phục tùng, hy sinh cho chồng, cho con. Mục đích của mấy bả là hạnh phúc chớ không phải quyền lực. Việc phụ nữ chuyên quyền, tàn độc chỉ có vài trường hợp hiếm hoi thôi! Xét ra trong lãnh vực ấy họ cũng thua xa đàn ông kể cả chất lẫn lượng. Phụ nữ ghét chiến tranh, bởi những nạn nhân đều là chồng, là con của mình. Họ mà cầm quyền thì xã hội ngày càng hòa bình, ổn định, nhờ cái đức tính hy sinh, nhẫn nhịn, được trời ban hết sức dồi dào.
Tâm gật gù:
-Thằng Công nói đúng đó! Chẳng nói đâu xa, trong nhà tao thôi . Má với hai chị tao lúc nào cũng ăn cơm sau chót để nhường thức ăn cho cha con tao. Nhà tao bây giờ chỉ còn cái vỏ. Ba tao lại sĩ diện, ở nhà thì sao cũng được mà ra đường là ai tới đâu, ổng tới đó. Bởi vậy má tao phải hết sức cần và kiệm. Hôm tết về thăm nhà, tao thấy má vẫn mặc những cái áo của mấy năm về trước. Tới bữa cơm thì nhường mấy cái món ngon lại cho cha con tao, má với hai chị chỉ vét mấy thứ còn lại. Thấy vậy ba cha con tao cũng nhịn, thế là bị má tao cằn nhằn, rồi cũng đâu chịu đụng đũa đến, cất lại để chừa cho bữa tới.
Công thở dài:
-Nhà tao chỉ có hai mẹ con thôi mà má tao cũng vậy! Nhận sự hy sinh lớn lao như vậy tao cảm thấy mình mắc nợ má, nói riêng và phụ nữ, nói chung.
Dự cũng hùn vô:
-Má tao cũng y chang. Ngẫm ra thế giới nầy nợ nữ giới hơn nam.
Tánh nãy giờ im ru, bỗng nói:
-Tao khác với thằng Hy, tao thích có vợ thua tao một chút, miễn là đừng cách biệt quá. Tưởng tượng có bà vợ như thím của nó chắc tao chết sớm. Đi làm đã mệt vì phải cạnh tranh với đồng nghiệp rồi, về nhà còn ganh đua với vợ nữa thì sống làm sao cho nổi.
Thấy chẳng ai hưởng ứng, liền đưa ra một ví dụ:
-Tụi mầy cứ so sánh hai con ngựa thì biết. Một con thì ngày nào cũng gồng mình trên đường đua, một con nhởn nhơ trên đồng cỏ, hỏi con nào sướng hơn?
Hy đáp:
-Chắc chắn là con ngựa đua rồi ! Nó khỏi lo kiếm cỏ, mà khắp xứ bây giờ làm gì còn cỏ non cho nó kiếm. Mấy con ngựa đua được ăn lúa, yến mạch với mấy cái thứ cao lương mỹ vị khác. Được tắm rửa, kỳ cọ, đấm bóp mỗi ngày. Có nhân viên săn sóc từ sợi lông nheo cho tới cái móng chưn. Mấy ông bác sĩ chạy vắt giò lên cổ mỗi khi nó nhỏng nhẽo không thèm đụng tới thức ăn. Nói thiệt, tụi nó còn sướng hơn tụi mình.
Tâm phản đối:
-Tao thấy sướng nhứt là được thích gì làm nấy, thích đâu đi đó! Chẳng bị nhốt vào chuồng cho dù là cái chuồng bằng vàng đi nữa!

Thế là cái chủ đề sướng, khổ; Vợ đẹp, vợ xấu; Vợ giỏi, vợ dở; Vợ giàu, vợ nghèo… được họ đem ra mổ xẻ tơi bời.
Bốn tên luân phiên tranh luận ồn ào, chỉ mình Tánh là chăm chú lắng nghe. Cuối cùng để chấm dứt cuộc đấu võ mồm đang ngày càng ác liệt, chàng nói:
-Muốn biết tương lai tụi bây gặp vợ gì thì xòe tay ra, để tao bói cho mỗi thằng một quẻ!
Cả bọn tuy không tin nhưng cùng hỏi nhao nhao:
-Bộ mầy biết bói thiệt sao.
Tánh gật đầu:
-Ông nội tao khi còn sống có nghiên cứu lãnh vực nầy. Ông để lại mấy pho sách dạy coi tay hết sức hay. Tao vốn ham thích nên mò mẫm từ lúc mới biết đọc cho tới bây giờ.
Chàng nói một cách trịnh trọng khiến cả bọn tin sái cổ. Tâm nhìn chầm chầm vào mắt Tánh để coi thằng em mình đòi làm thầy bói chơi hay thiệt.
Tánh đã sửa bộ, ngồi thẳng lưng lên, nét mặt hết sức nghiêm trang, trông dáng vẻ rất uy nghi. Tâm phục lăn, nói thầm trong bụng:
-Ông nội có để cuốn sách bói nào lại đâu trời! Cái thằng nầy nói dóc không chớp mắt, nói dóc hết sức "đẳng cấp", đáng được “bái sư phụ”!
Tuy không tin, nhưng chàng lại là người xòe tay ra trước nhứt. Ba tên còn lại cũng làm theo răm rắp.
Tánh cầm tay Công lên đầu tiên, ngó chăm chú rồi không nói gì hết mà để xuống. Kế đến nhìn chầm chập rất lâu vào tay Hy rồi phán:
-Mầy lấy vợ sớm, chưa được ba mươi là tình nguyện ký giấy hôn thú. Có hai đời vợ. Vợ đầu giàu, không đẹp, vợ sau nghèo, cũng không đẹp luôn. Mầy chỉ có ba đứa con gái với vợ sau thôi! Cuộc hôn nhân lần thứ nhứt không hạnh phúc…
Hy bắt bẻ:
-Nếu hạnh phúc thì đâu có lần thứ nhì!
Tánh phán thêm, giọng nói trầm hẳn lại:
-Mầy sẽ là một bác sỹ giỏi, nhưng vì giết vi trùng nhiều quá nên tụi nó xúm nhau báo oán. Năm bốn mươi mốt tuổi, sẽ gặp đại nạn hoặc bị một căn bịnh rất nặng, nếu qua khỏi sẽ sống thêm từ hai đến ba chục năm nữa. Tánh mầy rất gia trưởng, thích áp đặt người khác, ngoại tình như cơm bữa. Vợ mầy bị ức chế triền miên nên sống không thọ, bỏ mầy mà chầu diêm vương trước. Tuổi già của mầy rất cô độc, nếu rủi sống tới già.
Tánh nói hết sức cụ thể, bằng cái giọng chắc lọi như đinh đóng cột khiến cả bọn bắt đầu tin sái cổ. Hy vẫn cười tỉnh rụi, chẳng biết vì không tin, hoặc muốn tỏ ra ta đây bản lỉnh, bình tỉnh chấp nhận mọi cam go của cuộc sống.
Dự nhích tới gần hơn một chút cho Tánh chú ý rồi hỏi:
-Tao thì sao hả mậy?
Tánh đưa ngón trỏ rà trên mấy đường chỉ tay của Dự đã đời rồi mới nói:
-Mầy có vợ rất trễ, trên bốn mươi. Vợ mầy nghèo nhưng đẹp, nhỏ tuổi hơn mầy nhiều. Mầy đặng hào của nhưng mất hào con, đường con cái “hẻo “ lắm. Nếu tích cực làm việc thiện thì may ra có được một, hai đứa…
Dự ỉu xìu, Công an ủi:
-Tao nghĩ cái chuyện có con hay không, chẳng ảnh hưởng tới hạnh phúc của mình. Có khi nhờ vậy mà mầy ít bị ràng buộc hơn. Tha hồ sống theo ý, ăn chơi đã đời, báo hiếu cho cha mẹ, lo cho anh Do chu đáo, giúp đỡ bà con họ hàng tới nơi, tới chốn.
Tánh nói tiếp:
-Mầy bị bộ râu phá tướng. Suốt đời nằm dưới quyền xài xể của vợ, bị cưỡi cổ không ngóc đầu lên nổi. Mầy làm ra tiền nhưng bị vợ tóm hết, thuộc loại nô lệ tình nguyện, cũng giống ông chú của thằng Hy.
Tâm vỗ vai Dự, nói:
-Vậy là cái số mầy bị vợ đè. Chết khổ rồi con ơi!
Công lại bênh :
-Chết cái gì? Khổ cái gì? Vợ nó có thương mình thì mới quan tâm, cằn nhằn. Tình thương vượt giới hạn thường biến tướng thành hành hạ. Còn đỡ hơn bị nó làm lơ, mầy muốn sa đà tới đâu cũng mặc kệ.
Dự trề môi:
-Chưa chắc! Có người cằn nhằn chồng vì xót ruột, lo lắng cho chồng, chăm chút như mẹ lo cho con. Muốn chồng nên người nên “thương cho roi cho vọt“. Có người làm khổ chồng vì cái tánh ích kỹ, tham lam của mình.
Tâm nói:
-Tao ngán nhứt là mấy bà coi hiền rụi mà cắm hai cái sừng trên đầu mình hồi nào hổng hay!
Tánh nói tiếp:
-Mầy thọ trên tám mươi, chết bất đắc kỳ tử, rất tốt!
Tâm cãi:
-Cái câu "bất đắc kỳ tử" nầy, ngày xưa là dùng để trù ẻo, chửi rủa, thóa mạ nhau thì làm sao mà tốt cho được ! Mầy có nói lộn hông đó?
Tánh lắc đầu:
-Thời buổi nầy ai cũng sợ nhứt là cái cảnh về già nằm ì một chỗ. Báo hại con cháu. Rủi kéo dài quá lâu thì lòng thương yêu sẽ trở thành oán thán. Cho nên cái câu đó từ lời nguyền rủa thậm tệ, đã trở thành lời chúc đẹp nhứt. Thử hỏi còn gì sung sướng hơn, khi đang sống phơi phới, đang ngủ say sưa, đùng một cái, tỉnh dậy bỗng thấy mình đang ở trên trời.
Tâm gật gù:
-Chí lý!
Công đưa bàn tay sát vô mắt Tánh mà hỏi:
-Còn tao thì sao? Hồi nãy mầy ngó cho đã cái làm thinh luôn. Bộ xấu tệ nên không muốn nói, sợ tao lo rầu hả?
Tánh đáp:
-Tao ngại nói ra rồi bị tụi nó xuyên tạc là vừa được mầy thí cho một hộp cơm là nịnh liền.
Công lắc đầu:
-Ai nói gì thì nói. Cây ngay không sợ chết đứng. Không cần tụi nó tin, tao tin là đủ rồi.
Tánh gật gù:
-Vậy thì được!
Rồi tằng hắng mội cái cho tăng khí thế:
-Mầy có thuộc tính của đất, hể gieo giống là trổ cây liền, nên vợ mầy sanh một lèo hai trai, hai gái. Từ đó mầy luôn thấp thỏm, vừa làm vừa rung, suốt đời lo chăm chỉ tiết dục.
Cả bọn xúm nhau vỗ lưng, vỗ vai, vò đầu Công mà cười khanh khách.
Tánh lập nghiêm, nói tiếp:
-Mạng đạo trơn tru, ít bệnh tật, sống thọ. Số mầy không giàu, đủ ăn, đủ xài, nhưng hạnh phúc. Vợ mầy con nhà giàu, rất đẹp, rất thông minh, rất hiếu thảo. Mầy có ái lực với phái nữ. Hai người đàn bà quan trọng nhất trong cuộc đời của mầy, đều thương yêu mầy hết lòng, hết dạ. Cái mạng mầy có người khuất mặt phù hộ với quới nhơn giúp đỡ.
Hy cười:
-Dòm mặt là biết nó có “cô hồn” theo yểm trợ.
Công chau mày:
-Đừng có nói hổn kẻo bị tổ tiên tao quở phạt đó mầy!
Tâm hỏi:
-Còn tao thì sao?
Tánh lắc đầu:
-Tay anh đặc biệt lắm! Thiên cơ bất khả lậu.
Tâm năn nỉ:
-“Lậu” đại đi! Nếu mạng yểu thì tao phải gấp gấp hưởng cho đủ món không thôi chết đói, chết khát tức tửi lắm!
Tánh lắc đầu đáp:
-Ngu sao mà bói cho anh? Trúng không ai khen còn sai thì bị chê thậm tệ.
Nói xong liền đi phăng phăng lên gác. Cả bọn lục đục theo sau, cùng kéo nhau ra ban công ngồi hóng gió.


Những ngọn gió đang từ giả các con sóng, cùng lần lượt theo nhau lên bờ dạo phố. Chúng bò qua mái thấp của những căn nhà ven kinh rồi tràn vào lòng hẻm.
Gió ở nơi đây điệu đà như phụ nữ, mang trên mình đủ các chất tạo hương: Nước hoa, son, phấn, dầu gội… Chúng tinh nghịch như các cô gái nhỏ, phất phơ trước mũi các chàng trai rồi trốn mất. Khiến họ phải quay đầu, quay cổ, liếc qua, liếc lại khắp phía để tìm.
Con hẻm lúc nãy vắng ngắt giờ đang bắt đầu nhộn nhịp.
Từ trong căn nhà có trưng tấm bảng “tiệm uốn tóc Ngọc Nga“, lác đác vài cô gái bước ra. Họ đội trên đầu cả bộ, gốc lẫn rễ của cái đẹp, với đủ loại hình thù và màu sắc khác nhau. Những mái tóc được duỗi thẳng băng hoặc uốn cong, được cắt sát như con trai hay xù như bờm ngựa ấy đều chối bỏ cái màu đen huyền tự nhiên của dân châu Á. Có lẽ họ đều thích cầu vồng nên biến chúng thành những màu: đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm , tím…
Để đập cái bộp vào mắt thiên hạ chơi. Một cô gái mặt mũi còn non choẹt đã đem toàn bộ mái tóc của mình nhuộm thành màu bạc thếch, trông y như lão bà bà của mấy bộ phim kiếm hiệp.
Họ làm cho năm chàng trai tỉnh lẻ hoang mang, không hiểu tiêu chuẩn của cái đẹp hiện giờ đang nằm ở cái khung “khủng” hay là “khùng”.
Cuộc đột phá về màu móng cũng đã xảy ra song song với màu tóc nên các màu sắc kinh điển như, hồng, san hô, đỏ… bị những màu đen, tím, xanh lá cây, vàng… bức tử. Chưa chịu dừng lại ở cái chiến tích oanh liệt đó, chúng còn được tô vẽ đủ thứ: Cỏ cây, hoa lá; Côn trùng, cầm thú; Gươm giáo, sọ người …
Năm, sáu, bảy, tám… cô gái từ các căn nhà gần đó cũng bắt đầu túa ra. Tất cả đều trang điểm rất kỹ, đi đến đâu là để lại làn hương đặc trưng của mình đến đó. Họ ăn vận đủ kiểu: Áo đầm, áo thun, váy xòe, váy bó, quần sọt, quần jean rách te tua...
Quần sọt đang là mốt. Bắt chước cái nước xuyên tâm đối với nước mình, những đôi chân thon dài được vô cùng ưa chuộng. Bởi thế, những cô gái nào mà đôi chân càng đẹp, thì mang những chiếc quần càng ngắn.
Bị vóc dáng của các cô người mẫu tây phương ám ảnh, cho nên dù cao nhồng hay thấp chủm, họ đều bước đi trên những đôi giày cao ít nhất là một tấc.
Họ giống nhau ở những cặp chân mày cùng được xăm đen thui, cong và dài đậm đuột. Chiếc mũi nào cũng dọc dừa nhờ được tô một đường phấn trắng trên sống.
Những cặp lông nheo giả cong vút, những giọt lệ nhân tạo giúp đôi mắt họ thêm đep, thêm long lanh, ướt át. Những vết than chì tô đen bờ mi, khiến chúng sâu thăm thẳm như lòng giếng, sẵn sàng nuốt chửng và nhận chìm sát đáy các linh hồn tội lỗi lỡ trợt chân rơi tỏm.
Đôi môi họ được thoa một màu son đỏ thắm, bóng mượt trông vô cùng gợi cảm. Họ khai thác chúng một cách triệt để, khép, mở, đẩy đưa như hai cánh cổng thiên đường mời gọi. Nó cũng chính là chiếc bẩy tinh vi của địa ngục, rủi sụp chân vào là mất mạng như chơi.
Đôi tai họ cũng được chăm chút không kém. Chúng bị xuyên thủng không phải một mà những đến hai, ba, bốn lỗ dọc theo vành tai, rồi đeo những chiếc bông nhỏ xíu nằm sát rạt như những con ốc nhỏ li ti bám cọc.
Đối lập với những kiều nữ đương “thời hoàng kim” ấy, là “những cái chết đã được báo trước”:
-Đó là các cô gái vừa qua tuổi dậy thì, đã nhảy vọt vào ngưởng cửa đàn bà. Cái thân thể còn chưa phát triển đầy đủ mang gương mặt như trái ổi non đầy vết móng tay ấy, dự báo một mùa thất thu toàn tập với những hoa đau, trái héo, bởi chẳng thể khơi gợi lên lòng ham muốn mà chỉ khiến cho những người khách tìm hoa thương hại, e dè. Họ không dám chạm vào vì sợ luật pháp và vì lương tâm cắn rức.
Mấy con thiêu thân đó đã khiến năm chàng sinh viên không khỏi động lòng trắc ẩn, xót xa tự hỏi do đâu, vì ai, nguyên nhân nào đã xui khiến những đóa hoa mong manh ấy sớm bị gió mưa vùi dập? Bởi lẽ gì mà họ phải lìa bỏ gia đình, trường lớp, dấn thân trên con đường trầm luân, khổ nhục nầy gấp gáp đến vậy ?
Nhưng bi đát nhất chính là những nàng kiều đã rời bỏ đỉnh cao, bắt đầu lăn xuống lưng chừng dốc.
Cho dù lợi dụng các phương thức làm đẹp tối đa, để trùng tu, tôn tạo...cái tác phẩm nghệ thuật đã bị thời gian tàn phá. Họ vẫn không thể che lấp dấu vết suy tàn trên thân thể của mình.
Cho dù có bôi lớp lớp phấn trắng, phấn hồng lên đều khắp gương mặt. Cho dù có tô son môi dày cộm, đỏ rực, bóng nhẩy như các cô gái trẻ đi nữa, thì cái mà họ có vẫn chỉ là nét đẹp giả tạo, vô cảm mà thôi!
Họ rất ít cười và nếu có thì những nụ cười sống sượng, gượng gạo đó cũng hết sức đối cảm với niềm vui. Ngôn từ mà họ hay dùng thì mặn và cay như muối ớt. Như thể họ quyết hủy hoại người khác và cả bản thân bằng những lời lẽ thô tục, đắng cay, tàn nhẫn nhất.
Họ hầu như đã mất trắng lòng tự tin, tự trọng. Khoảng trống bị bỏ lại trong tâm hồn được lấp đầy bởi nỗi chán chường, cay đắng. Điều nầy được thể hiện qua hình ảnh của điếu thuốc lá bám lỏng lẻo, giữa hai ngón tay buông thõng như không còn sức sống của họ.
Điếu thuốc có đầu lọc ấy được họ lát lát đưa lên miệng, hóp cả mũi lẫn má hít thật sâu, rồi thở ra một cách từ từ. Đôi khi họ ém hơi giữ khói lại trong miệng, dắt chúng đi quanh vòm họng rồi mới chu mỏ, phun ra một dãy chữ o nối đuôi nhau trông vô cùng điệu nghệ. Họ rít liên tục cho đến khi đốm lửa đỏ rực sắp chạm vào môi mới chịu vất nó xuống đất. Rồi không thèm lấy gót giày dập tắt mà mở liền cái xắc kẹp bên hông, lấy thỏi son ra tô lại đôi môi. Chỉ giây lát sau họ lại moi gói thuốc lá ra, rút một điếu rồi bật quẹt đốt tiếp, hút tiếp.
Đặc biệt nhất là những người tuổi chưa về chiều đã tối, sớm phải giải nghệ, sống dựa vào sự đùm bọc của những đồng nghiệp vong niên.
Một số mang gương mặt thản nhiên như tu sĩ đã đắc đạo, lòng rổng rang không còn gì để mất nên sống rất nhẹ nhàng, không cưỡng cầu, không ham muốn. Những người nầy được lớp hậu sinh, thương yêu, gần gũi, tâm sự. Họ đáp lại bằng cách truyền lại các kinh nghiệm xương máu của mình, hầu giúp các cô gái sớm thoát khỏi nghiệp chướng, ổn định cuộc đời.
Số khác vẫn còn bị lục dục truy sát đến cùng, biến họ thành một loại trái cực đắng, cực độc. Bởi căm hờn mọi người kể cả bản thân nên họ đã trở nên độc ác. Họ không từ một thủ đoạn nào để kiếm tiền hoặc trả thù. Họ khiêu chiến với thượng đế bằng cách hủy hoại các tác phẩm của ngài càng nhiều, càng tốt. Cuối cùng họ đành chấp nhận thua cuộc, kết thúc cuộc đời trong cô đơn, nghèo túng và bịnh tật. Chỉ đến lúc đó linh hồn của họ mới được rửa sạch, bằng những giọt nước mắt cảm thương của nhân loại.
Những người đàn ông xuất hiện ở xóm "..." vào thời điểm nầy gồm hai nhóm: Một bị hút máu và một kia chuyên hút máu những cô gái tội nghiệp ấy.
Nhóm thứ nhất là những người mua hoa. Họ đi lẻ tẻ với tư thế đề phòng. Người thì ăn mặc hết sức bảnh bao, kênh kiệu ra vẻ là dân sành điệu, lắm bạc, thừa tiền nên không thèm mặc cả. Người thì chẳng thèm giấu giếm cái gốc gác bình dân vốn ăn chắc mặc bền của mình, săm soi món hàng một cách cẩn thận rồi trả giá thẳng thừng, riết róng.
Nhóm thứ hai gồm ba, bốn tên giang hồ tứ chiếng, mặt mũi bậm trợn. Tên nào cũng trang sức bằng một số hình xâm và đeo sợi dây chuyền vàng rất to trên cổ. Họ đều cởi xe gắn máy phân khối lớn, liên tục chạy ra chạy vào để đón từng cô một đem đi, lát sau lại quay về chở cô khác. Họ luôn luôn mở đầu các câu chuyện, câu nói bằng những tiếng chửi thề, cho dù không cần thiết. Thói quen đó đôi khi làm hỏng cái chủ đề có nội dung rất trữ tình mà họ dùng để làm các cô gái xiêu lòng.
Năm chàng sinh viên ngồi miết ngoài ban công và cùng đăm đăm nhìn xuống. Những cánh bướm đêm với hương sắc nồng nàn, rực rở ấy khiến họ vừa xao xuyến, vừa xót xa.
Một cô gái mang chiếc áo cánh tiên rộng thùng thình bằng mút sơ lin màu đen, mỏng dính đang đi tới. Chiếc áo trong suốt ấy phô bày lồ lộ, màu sắc, hoa văn trang trí trên nội y mà cô ta đang mặc. Có lẽ cái tin năm chàng sinh viên mới toanh vừa dọn vào căn nhà nầy đã được phát tán khắp xóm khiến cô ta tò mò nên nheo mắt liếc vào. Nhờ vào cung cách ấy mà họ nhận ra đó chính là cái cô nàng quần áo bèo nhèo, ngồi ăn bún rêu ban sáng ở đầu hẻm: Cái cô gái đã đá lông nheo với họ, cho dù bây giờ cô ta đã mang cánh thành tiên, đã hóa trang đẹp đến không ngờ.
Công chắt lưỡi:
-Cô nào cũng gầy nhom, bụng xẹp lép, mặc đồ hà tiện vải quá chừng! Họ ăn đâu được bao nhiêu, mặc cũng ít tốn. Họ làm một đêm bằng lương công nhân một tháng. Chắc ai cũng giàu hết.
Hy bác lại:
-Mầy coi khắp xóm có cái nhà nào được xây kiên cố, lên ba, bốn tầng lầu không? Toàn nhà cấp bốn không hà, mà chưa chắc họ là chủ nữa.
Tâm tiếc hùi hụi:
-Cô nào cũng đẹp hết, dư sức lấy chồng mà làm cái nghề nầy làm chi cho khổ vậy trời!
Hy cự:
-Sướng gần chết chớ khổ cái gì ? Tứ khoái gom đủ chẳng rớt món nào. Tao mà làm con gái là…
Dự hỏi:
-Tao nghe thằng Tánh bói mai mốt mầy có tới ba đứa con gái. Để coi tới chừng đó mầy có dám lập lại câu nói nầy hay không?
Hy cứng họng làm thinh.
Đột nhiên, từ căn nhà đối diện bỗng xuất hiện một giai nhân tuyệt sắc. Cô gái nầy chắc hẳn là hoa khôi của xóm.
Cô ta mặc chiếc áo màu đỏ tươi với hai cái quai dài thòng treo trên vai. Chiếc áo thun ngắn ngủn dài độ chừng hơn gang tay đó, dính sát vào người cổ y như một lớp da. Nó phô hết những đường cong, nét lượn của một cơ thể rất đẹp, rất trẻ trung, vô cùng mềm mại ấy.
Cái quần sọt màu đen, lưng xệ thấp tới nổi, bày trơ trơ cái chấm phạt đền. Ngắn đến độ nếu cắt bỏ bớt chừng một xen ti mét thôi, sẽ phải đổi cái tên “sọt” thành “xì” mất…
Cô ta ngồi bệt xuống nền nhà, một chân duỗi thẳng, một chân co sát vào người để tròng đôi giày cao nghệu, gót nhọn hoắc mà quai trước lẫn quai sau là cả một hệ thống dây chằng chịt y như chiếc cầu treo. Cô ta hết sức chăm chú, đeo từng chiếc một cách cẩn thận vào từng bàn chân một.
Con hẻm chật đến độ hai người đứng ở ban công của hai căn nhà đối diện có thể cầm tay nhau, nên cô ta hầu như ở ngay dưới mắt họ.
Từ trên nhìn xuống, làn da trắng ngần, mịn màng, trơn láng trên vai, trên cổ của cô gái trông quá đỗi hút hồn. Cả bọn chưa bao giờ được chiêm ngưỡng một người đẹp đến vậy, ở một khoản cách gần gũi đến vậy ! Gần đến độ mà họ e sợ cô ta có thể cảm nhận cái làn hơi nóng hổi, thoát ra từ hai lá phổi đang co bóp tối đa của mình, nên ngưng thở liền mấy nhịp.
Mười tia mắt say chếch choáng đó, té nhào trên người cô gái rồi trượt dần xuống. Nó bị chặn lại ở cái hẻm núi nằm giữa hai quả đồi trọc trắng tinh, tròn lẳng bằng chang nhau. Cái hẻm ấy như có nam châm, phát ra một lực hút vô cùng mãnh liệt, khiến các tia nhìn cho dù lạnh lẽo như kim loại cũng bị chôn vùi nơi đó.
Dự bất giác buông một tiếng huýt sáo lảnh lót. Cô gái ngước mắt lên nhìn, bắt gặp những tia mắt đắm đuối có phần sổ sàng ấy, chẳng những không hề mắc cỡ tí nào còn đưa tay lên vẫy.
Cả bọn hoảng hốt, liền hụp đầu xuống để nhờ mấy thanh lan can che chở. Phản ứng ấy khơi dậy cái tính tinh nghịch của cô gái.
Cong hai bàn tay lại làm loa, cô ta hỏi to:
-Có anh nào chịu mở hàng cho em lấy hên không?
Năm tên con trai im thinh thít.
Cô ta cười khanh khách rồi nói:
-Đàn ông, con trai gì mà…
Câu nói đó làm Công nóng mặt, liền ló đầu lên đáp:
-Tụi tui không đủ tài, đủ sức để…
Cô ta ngước ngược cái đầu, ngữa mặt lên nhìn đăm đăm Công, rồi không chờ nghe hết câu đã ngắt ngang, còn nói to hơn lần trước:
-Em cho trả góp.
Công lại lật đật hụp đầu xuống, lần nầy cúi thật sâu cốt giấu đi gương mặt đang phừng phừng, đỏ lựng của mình.
 
(Xem tiếp 2/6)
 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 08.10.2019 16:37:21 bởi Lâm Du Yên >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9