Lương Châu Từ - Khúc Hùng Ca Chiến Tướng - MacDung
macdung 24.12.2019 16:43:16 (permalink)
 
 
LƯƠNG CHÂU TỪ -  KHÚC HÙNG CA CHIẾN TƯỚNG
 
_________
 
 
                 凉州 
          (Lương Châu Từ)
            葡萄美酒夜光杯
Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi
            欲飲琵琶馬上催
Dục ẩm tì bà mã thượng thôi
            醉臥沙場君莫笑
Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu
            古來征戰幾人回
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi.
 
            王翰
      (Vương Hàn)
 
Lương Châu Từ là một bài thơ ghi dấu ấn cùng tôi với những năm tháng còn ngồi ghế nhà trường. Lúc ấy sách, báo, điều kiện thông tin thiếu thốn nên thỉnh thoảng chỉ nghe trong tuồng hát có nhắc đến. Trong lễ hội tại trường, học sinh dẫn chương trình đôi khi dùng hai câu cuối minh chứng cho diễn thuyết. Chỉ hai câu:
“Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi.”
Đã đem đến cảm xúc muốn rơi lệ lại không sao giải thích được. Nghe thấy  hay! Nhưng xuất xứ bài thơ và tác giả thì hoàn toàn mù tịt, muốn tìm hiểu chẳng biết hỏi ai…!
Lớn lên trong bôn ba miếng cơm manh áo, thói quen đọc vẫn theo tôi suốt mấy mươi năm. Rồi một ngày có trong tay tuyển tập thơ Đường, tôi mới biết đến danh thi Vương Hàn với Lương Châu Từ sống vượt thời gian…
Tôi viết bài này với góc nhìn hoàn toàn khác, không phải vì chứng minh cho bản thân, cũng chẳng muốn đi ngược nhiều nhận định lịch sử để làm nổi trội. Đơn giản bài viết chỉ mang tính văn học, không phải khảo luận và càng thiếu sự nghiên cứu học thuật vốn xa tầm tay.
Động lực thúc đẩy tôi hoàn thành bài viết với góc độ “bình luận”, hy vọng cung cấp một phần hiểu biết nhỏ nhoi cho văn học có cách nhìn đúng đắn hơn về danh tác Lương Châu Từ. Bất cứ ai đem lòng giao cho con chữ, thiết nghĩ khi qua đời vài trăm năm sau, cũng không muốn hậu thế nhìn đứa con tinh thần từng nâng niu một cách sai lệch…
 
  Bản dịch cá nhân:
“Rượu ngon Bồ Đào lóng lánh bát
  Uống yêu bên Tỳ Bà ngựa đã giục lên yên.
  Say nằm trên chiến trường quân sĩ (xem thường) cười chê
  Xưa lại đây, chiến tranh nguy hiểm mấy người trở về."
 
      Ngay câu thứ nhất Lương Châu Từ đã lắm cách luận bàn.
 
“葡萄美酒夜光杯
Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi”
 
Bồ Đào là tên một danh tửu của người Trung Hoa cổ, bách tính thường dân được nếm qua chẳng mấy người. Ở đây tác giả sử dụng từ “Mỹ Tửu” nhất định là rượu vua ban cho chiến tướng trước lúc lâm trận tiền. Thứ dân có được loại rượu này uống, cùng lắm chỉ gọi “danh tửu”, nói là “mỹ tửu” e rằng khó giữ được mạng.
Mỹ Tửu chỉ có trong cung đình nội viện, là cách gọi riêng cho giới quý tộc cấm cung.
“Dạ Quang” làm người đọc liên tưởng đến loại ngọc phát sáng trong đêm, được làm thành bát để uống rượu. Nhưng “dạ quang” còn một cách nghĩ là: hắt sáng. “Dạ” là buổi tối, nơi tối. “Quang” là ánh sáng. Nếu chúng ta cho Dạ Quang chính là loại ngọc có thể phát sáng khi rót rượu vào thì từ Mỹ Tửu hoàn toàn mất hết ý nghĩa. Đã có bát Dạ Quang thì rượu nào rót vào không lóng lánh sáng!? Như vậy Mỹ Tửu không còn giá trị gì!...
Điều này khiến chúng ta nghĩ đến khi vua ban thưởng cho chiến tướng lập công lớn “ba chung mỹ tửu”. Lúc đó có thể là chung “dạ quang”, “phỉ thúy”… Nhưng được vậy, tất các bậc khai quốc công thần ngày ngày họp triều kia! Còn những tướng lĩnh xông pha trận mạc cùng lắm chỉ gặp “đại tướng”, chứ sao đối diện được “mặt rồng” để thưởng thức loại chén rượu kỳ hiếm trong thiên hạ…
Lai lịch thi gia Vương Hàn bất minh, chưa có tài liệu nào nói rõ. Chỉ biết ông xuất hiện vào sơ Đường trước công nguyên. Vậy, với khoảng lịch sử còn lạc hậu, liệu các nhà luyện kim có thể cho ra một bát rượu bằng ngọc? Nếu có, chắc cũng chẳng đẹp đẽ gì so với kỹ nghệ ngày nay…
Từ Bôi (杯) thuộc bộ Mộc (木), nghĩa gốc của nó tức là “bát gỗ”. Vậy, nếu ta coi Bôi là “bát gỗ” thì Mỹ Tửu rót vào lóng lánh sáng, quả đúng là loại rượu trân quý. Còn như ai thích “bát ngọc Dạ Quang” thì loại rượu được uống không mấy đặc sắc rồi!? Thứ nữa, nếu giữa cung đình chỉ “ba chung mỹ tửu” lại không sao! Nhưng uống kiểu Lệnh Hồ Xung cao hứng trên Ngũ Bá Cương làm luôn mấy mươi bát với anh hùng hảo hán thì bát Dạ Quang chắc đi tong mấy đời rồi… Và Lệnh Hồ Xung sẽ bị bắt tội, còn đâu cái đầu để sử Độc Cô Cửu Kiếm…
 
          “欲飲琵琶馬上催
Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi”
 
Từ Dục () thuộc bộ Khiếm (欠). Nghĩa Hán – Việt trong một số từ điển xếp Khiếm (欠) là động từ, ý “vươn dậy”. Bên trái chữ là từ Cốc (谷), có nghĩa khu trũng, lõm vào giữa núi hoặc hai bên núi có suối chảy qua. Dĩ nhiên “cốc” có người ở, nhưng biệt lập với số đông. Từ Dục () bộ Khiếm chỉ tham muốn, yêu muốn, tình dục. Nó khác với Dục () bộ Tâm (心), chỉ chung sự “ham muốn”.
Cơ sở hình thành chữ Hán vốn lấy Tượng Hình, Chỉ Sự, Hội Ý làm nét đặc trưng, trước khi Lục Thư ra đời vào thời Hán với Thuyết Văn Giải Tự của Hứa Thận. Vậy khi Hội Ý từ Dục (), rõ ràng chỉ sự Ham Muốn Dục Tình trong khu biệt lập dành cho danh tướng hưởng thụ trước lúc xuất quân…
Đã có Mỹ Tửu tức có Giai Nhân. Trước khi đẩy người vào chỗ tử, các bậc tướng quốc khanh hầu trong lịch sử Trung Hoa tha hồ kỳ xảo (Ngày nay gọi là tâm lý học.) Thái tử Đan đối xử Kinh Kha không gì chê nổi. Công tử Quang biệt đãi Chuyên Chư! Tín Lăng Quân – Ngụy Vô Kỵ tiếp anh hàng thịt… Tất cả là những bậc tài danh về kỳ xảo đoạt nhân tâm…
Vậy chiến tướng sắp vào chỗ chết, nhà vua tiếc chi Mỹ Tửu và Giai Nhân có đầy trong cung cấm. Tỳ Bà (琵琶) ở đây phải hiểu theo nghĩa “tiếng đàn của giai nhân” mới hợp cảnh. Bởi theo một số ý kiến cho rằng: “Tiếng đàn thúc quân” là bất cập. Nhạc khí Tỳ Bà một số nghiên cứu cho rằng xuất xứ từ Ba Tư, có vào thời Tần. Vậy giai đoạn sơ Đường tất Tỳ Bà đã hiện diện. Nhưng loại nhạc cụ cung đình này thứ dân mấy người luyện tập để có cả đội nhạc hiệu, đốc thúc việc quân. Thứ nữa, cưỡi ngựa, cầm cương điều hướng, hai tay đã bận, lấy đâu ôm Tỳ Bà để khảy đàn. Thêm nữa, nói về cộng hưởng để vang xa phải có nhiều tay đàn cùng lúc. Như vậy liệu tiếng đàn còn vang động trong tiếng vó câu!?
Tín hiệu thúc quân ngày xưa thường là Tù Và hoặc Kèn Bầu. Âm thanh cộng hưởng vang xa, gây điếc tai. Nhưng những loại dụng cụ điều binh khiển tướng này nhất định là bí mật quân sự quốc gia. Cho nên vào thời Tấn, kèn bầu đã xuất hiện nhưng văn học Trung Hoa không hề nhắc cho đến cuối Minh, đầu Thanh.
Vậy nói về tín hiệu “thúc quân” không thể nào đàn Tỳ Bà mà đấy là tiếng đàn Giai Nhân theo cách Cao Tiệm Ly tiễn Kinh Kha qua sông Dịch.
Trước cuộc chiến chưa biết sống chết ra sao, Mỹ Tửu và Giai Nhân đã làm động dục tình người chiến tướng. Ham muốn, nhưng ngựa đã hí vang, thúc người ra trận.
Việc quân vốn từ cao tới thấp. Chiến tướng được biệt đãi Mỹ Tửu và Giai Nhân thử hỏi được mấy người? Vậy bên ngoài tất các vị tướng thấp hơn lo tập hợp quân vào đội ngũ. Loài ngựa mang tập quán đồng loại, thấy nhiều con khác bỏ đi tất hí vang muốn “xổ lồng”…
Chữ Thượng (上) thứ 6 trong câu 2, cùng mặt chữ, còn một âm đọc là Thướng (上). Nghĩa: leo lên. Như bài Thướng Sơn (上 山) trong Ngục Trung Nhật Ký. Tùy vào ngữ cảnh, âm điệu, tiết tấu, người phiên âm có thể chọn từ lẫn nghĩa khác nhau.
Từ Thôi () có nghĩa là: Thúc giục. Vậy “mã thượng thôi” hàm ý: Tiếng ngựa hí thúc giục (leo) lên yên.
 
        “醉臥沙場君莫笑
       Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu”
 
Câu này gần như sáng tỏ. Chỉ từ Mạc hàm ý Mạc Nhiên (漠 然) với nghĩa: chểnh mảng, coi thường. Như vậy hầu như có sự thống nhất về nghĩa: Say nằm trên chiến trường quân sĩ sẽ cười chê.
Lương Châu Từ giàu cảm xúc nhất ở câu kết. Đọc cứ bâng khuâng, ray rứt, như rướm lệ… Có thể câu này phản ánh đúng bản chất chiến tranh tang tóc, ly tán, sống chết chỉ cái chớp mắt nên nghẹn ngào…
 
          “古來征戰幾人回?
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi.”
 
Nhiều bản dịch thoáng cho dễ hiểu là: Xưa nay chiến tranh mấy người quay trở lại.
Tôi vì bám sát nguyên tác Hán tự nên khác hơn: Xưa lại đây, chiến tranh nguy hiểm mấy người trở về."
Sự khác biệt này bởi tác giả sử dụng từ Lai (來) với nghĩa: Lại. Nếu như thi gia Vương Hàn xài từ Kim (今) trong Cổ Kim (今) với nghĩa: Xưa nay, thì không phải bàn rồi!
Khi đứng trên chiến trường với câu đánh giá: Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi. Nó xác định vị trí hiện tại trên chiến trường sát thương nhau bằng gươm, giáo cũng giống như xưa… sống chết do lanh tay lẹ mắt và phán đoán tình huống.
Còn nếu dùng từ Cổ Kim thì thật mênh mông. Tôi đang viết bài này ở thì hiện tại, vẫn coi là: Nay. Nhưng… Nay của tôi chiến tranh đã khác biệt, không còn là gươm giáo… Thay vào đó là vũ khí hiện đại, một cái nhấp tay đã gây tử vong vô số, đâu cần phải đối mặt nhau trong cuộc chiến lạc hậu. Chiến tranh hiện đại không cần “đi mấy kẻ quay về”!? Ở nhà cũng chết do đạn lạc, bom rơi… Nhiều khi người không tham gia, chết chẳng thua kém gì kẻ thực chiến… Thật tàn khốc…
Tướng lĩnh trong chiến tranh hiện đại được bảo vệ an toàn hơn. Ngồi hầm nhiều tầng tránh phóng xạ. Điều khiển qua màn hình vệ tinh. Nếu cần bay qua nước khác, vẫn chỉ đạo cuộc chiến thông qua các phương tiện giao tiếp hiện đại. Chỉ dân đen là lãnh đủ mọi thứ…!
Từ Cổ Lai sử dụng trong Lương Châu Từ phải xem là đắc vị, sáng âm, lại giới hạn một chân lý tương đối khi nói đến thực tại chiến trường, sinh tử gang tấc.
Từ Lai khác tính chất với Hồi (回) với nghĩa: Trở lại nơi cũ.
Câu kết Lương Châu Từ có một từ sinh rắc rối. Đó là từ Kỷ (幾) với nghĩa: Nguy hiểm. Nhiều người lầm tưởng với Kỷ (己) trong Tri Kỷ (知己) nghĩa là "mình”.
Chính vì kết câu phản ánh quy luật chiến tranh thời đó quá bi đát, nên nhiều nhận định cho rằng: Lương Châu Từ là Khúc Bi Ca Chiến Tranh. Nhưng với góc độ bài viết này tôi nghĩ ngược lại. Lương Châu Từ là Khúc Hùng Ca Chiến Tướng. Hiểu rõ quy luật chiến tranh nên danh tướng phải tuân thủ quân kỷ, tránh sa đà vào tửu sắc trước lúc lâm trận. Chiến tranh sống chết trong đường tơ mà còn say nằm trên chiến trường là cầm chắc cái chết. Vì biết giữ quân kỷ làm gương, nhất định dưới trướng quân sĩ sẽ noi theo. Khi giao chiến tại trận tiền tất thắng nhiều hơn thua. Và dĩ nhiên, hạn chế tử vong như điều tất yếu… Có như vậy mới mong còn cảnh “nhân hồi”…
Đúng ra phải thêm vào cho đầy đủ: Lương Châu Từ - Khúc Quân Kỷ Hùng Ca Chiến Tướng.
Có thể vì điều này, cho đến nay danh tác Vương Hàn vẫn ngạo nghễ trước thời gian…
 
VL – 18.12.2019
 
Lời bạt: Tôi thực hiện bài viết này khi xa kệ sách cá nhân, nên có nhiều điểm không thể đối chiếu với tự điển Đào Duy Anh và một số tác phẩm nghiên cứu khác. Mọi cái viết qua trí nhớ và kiểm chứng bằng google. Phần mềm sử dụng là tự điển Hán – Việt của tác giả Thiều Chửu. Trong bài viết nếu có chi thiếu sót mong danh sĩ khắp nơi và bạn đọc bỏ quá cho.
 
Nay Kính
 
MacDung
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 24.12.2019 16:44:45 bởi macdung >
Attached Image(s)
#1
    Ct.Ly 27.01.2020 16:53:37 (permalink)
    #2
      Chuyển nhanh đến:

      Thống kê hiện tại

      Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
      Kiểu:
      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9