TUYỂN THƠ CHỌN LỌC Phạm Ngọc Thái
DI ẢNH CON - PHẠM NGỌC BẢO ( 7.3.192 - 22.7.2019 ) Viết mấy trang thơ mặc máu trào Con nghe tiếng mẹ võng ru theo Cha dắt con đi như hồi nhỏ Sang đền Quán Thánh thắp hương kêu... THƠ KHÓC CON PHẠM NGỌC BẢO (7.3.1992 – 22.7.2019) Con mất vì bị đột quị lúc 14h… ngày 22.7.2019 ( tức 20/6 năm Kỷ Hợi )
<bài viết được chỉnh sửa lúc 02.02.2020 12:26:14 bởi Nhân văn >
VĨNH BIỆT CON YÊU . Tưởng niệm con Phạm Ngọc Bảo ( 7.3.1992 - 22.7.2019 ) Bố nhỏ lệ, nhìn con đi biệt tích Dòng đau buồn cắt tự máu tim cha Con ơi con ! Khi con vĩnh biệt bố, mẹ ra đi Thế là hết đời người cha già đau khổ Già chưa chết mà đầu xanh đã bỏ Ở thiên đàng, con hãy đợi cha lên ! Bố con mình sẽ ôm ấp nhau tới nghìn năm Cha không bao giờ rời con ra nữa Thôi con ạ ! Kiếp người là bể khổ Con đi rồi, trút gánh nặng vào cha Đứa con yêu, cha thương nhất cõi sơn hà Vài dòng thơ. Cha cầu nguyện vong hồn con siêu thoát Cha vẫn nói: Con là linh hồn của người cha bất diệt ! Nay linh hồn bỏ đi rồi, cha sẽ sống sao đây ? Trăm lậy con yêu ! Bố quì xuống trước vong linh con, muốn nói rất nhiều Nhưng nghẹn đắng, không thể cất lời khôn được nữa Viết mấy dòng thơ. Bố, mẹ tiễn con về nơi yên nghỉ 27 năm trời con sống với mẹ cha, bỗng chốc hóa tiêu tan Cha có ở lại chốn trần gian, cũng chỉ là nắm thân tàn Hãy đợi cha, nhanh thôi con yêu ! Sẽ đến ngày cha con ta đoàn tụ Thơ bố viết, lệ tuôn dòng máu đổ Cái cõi trần khốn kiếp này, tiếc làm chi ! Thôi thì con đi trước. Bố trả nốt tí nợ đời, rồi cũng ra đi Bố sẽ bế ẵm con như thuở còn rất nhỏ 27 năm sống trên cõi đời. Bố nhìn vận con xấu số Lòng người cha trăm nhát dao đâm Khi con sống, không phút giây nào... Cha mẹ ngừng chăm sóc, thương con Nay con mất, chỉ còn biết sụp lậy trước vong linh... oán than số kiếp... Mấy dòng thơ vĩnh biệt con ! Bố viết ra từ máu và nước mắt Một lần cuối trong đời, run rẩy nhìn khuôn mặt đứa con yêu Hãy đợi bố nghe con ! Rồi bố sẽ đến bên con một sớm, một chiều... Đọc tại tang lễ con 15h... ngày 25.7.2019 THƯƠNG CON VÀ LỜI CẦU NGUYỆN THẾ NHÂN Với con Phạm Ngọc Bảo Mất ngày 22.7.2019 ( tức 20/6 năm Kỷ Hợi ) " Bố để lại một gia đình tan tác... " Con ơi con ! Có phải tại bố đâu ? Bố cũng cố hết mình... chỉ bởi nỗi bể dâu... Lời con trách, đau xé lòng người cha khốn khổ Thì vẫn biết vận đời con xấu số... Bố mẹ lo cho con, hết mực thương yêu Mà không thể nào yên được giấc đêm thâu Con chết đi ! Mang cả linh hồn cha già xuống mộ Hình bóng con trong đầu cha, thương quá ! Ngày ngày cha con mình, quấn quít bên nhau Con chăm cha khi khỏe, lúc ốm đau... Lo sửa chữa chiếc máy tính, để cha làm văn học Bố đã dìu con, cho tới khi con trở thành thạc sĩ Công ăn việc làm tử tế giữa nhân gian Bước sang 28 tuồi đầu, con vẫn rất ngoan Sao ông trời nỡ bắt đi, đứa con trai tôi hiền lành như thế ? Thơ bố viết ngàn năm còn đó Con vừa bằng tuổi cố nhân Hàn Mặc Tử, nghe con ! Bố sẽ làm lễ tạ ơn Người, nâng giấc cho con Khi bố về cùng thi nhân, vẫn có con bên cạnh Nỗi dầy vò cha, suốt năm canh canh cánh Tưởng bao năm chăm con... để sống sướng hơn cha... Thân trẻ nay hoang phế trước người già Kẻ làm cha sinh ra con, trở thành độc ác !? Bố chẳng hiểu làm cách nào, lấy lại con trong trời đất... Một nhà thơ phận mỏng, thân ôi Đẻ con làm gì ? Cho nó khổ, người ơi ! Hỡi oan nghiệt ! Tôi phải trả nợ từ kiếp nào, không biết ? Chỉ còn biết lấy "thơ", chuộc lại đứa con tội nghiệp Không sống được ở kiếp này... Bố hẹn kiếp sau... Thế giới của hư vô, thế giới không mầu Nhưng trong sạch. Bố con mình đoàn tụ Hỡi nhân thế ! Giây phút này, xin nghe lời của một nhà thơ nhắn nhủ Mai sau... Ngôi miếu nào dành tưởng niệm cho tôi... Hãy mang ảnh con tôi vào, và đặt thêm một bát hương đời Dù rất nhỏ thôi, để tôi sống có con bên cạnh Không có nó ? Vong hồn tôi nghìn năm không tiêu tán... Xin chấp nhận lời nguyện cầu, nho nhỏ của thi nhân Nó sống cả đời sạch trong, không chút bụi vẩn tâm hồn Rất giàu tình thương yêu !... Cho nó cùng tôi về nơi Thánh Phật Thơ bố viết trăm dòng, không kể xiết Thương lấy tấm cha già. Hãy yên nghỉ nhé, con yêu ! Dòng nước mắt trần gian, dù có tuôn chảy bao nhiêu Cũng không vợi được lòng người cha, thương con vô hạn... 27.7.2019 BÊN NẤM MỒ CON Ngủ đi con ngoan ! Ngủ đi con ! Chuyện đời coi đã trả nợ xong Hãy yên giấc mộng ngàn năm nhé Cha còn bận bịu chút trần gian Cha ôm nắm đất rắc lên mồ Đất này đất mẹ. Đất ông cha. Ấp ủ cho con vào sông núi Hồn con mai mốt nở đầy hoa Con sẽ cùng cha tới Tây Thiên Không về trần nữa, hết ưu phiền Con đi trả nợ cho cha đó ? Đã trút lên đầu đứa trẻ ngoan Kiếp trước đời cha chắc tội nhiều Kiếp này bố lại phải mang theo Hỡi ôi, nợ trả còn bao cách ? Sao nỡ bắt của tôi đứa con yêu ! Con sống cùng cha 27 năm Nâng như nâng trứng. Ngọc long lanh Ngày tháng cha con mình quấn quít Giây phút ngờ đâu bỗng tan hoang Món nợ cuối cùng của tôi đây ? 70 xuân sống cõi đời này Nay dẫu trở thành Thi Nhân Lớn Nợ trả xong rồi, hỡi Như Lai !? Con đem đời con gánh cho cha Tâm cao như núi, dạ bao la Cha xin Quan Thế Âm Bồ Tát Đưa con về cõi cực lạc cùng cha. Nắm đất cha đang rắc lên mồ Ru con yên ngủ giấc tuổi thơ Đừng buồn con nhé ! Dù chết sớm Để về Đất Thánh sống thiên thu Thánh Phật rồi đây sẽ đón cha Có con theo cạnh chốn Ba Tòa Cha sẽ bồng con trong trời đất Nhân gian hương khói... khắp sơn hà... 28.7.2019 Ngày đắp mộ cho con RU CON Muốn nhắn nhủ gì với cha không ? Giữa trời đất rộng, gió mênh mông Không sao ngăn được dòng nước mắt Xót đứa con trai sụp đáy lòng Đã chín ngày rồi, con đi xa Hỡi ôi ! Vũ trụ vẫn bao la Ngẩn ngơ bố tưởng không chỗ đứng Còn bao nhiêu việc phải cần cha ? Nên đành gắng sống đó, thôi con ! Lo cho đầy nghĩa chốn trần gian Thêm việc dìu con vào Đất Thánh Sống mãi cùng cha với nước non Coi con đã trọn bổn phận rồi Hãy đi thanh thản nhé, con ơi ! Quan Âm rước con về ở tạm Đợi lúc cha lên... xếp chỗ ngồi... Từ nhỏ con có đôi tai Phật Họ hàng thường hay nói đùa chơi Ai ngờ Thánh đón con đi thật Nay con cũng đã hết kiếp người Sống đây mà bố ngỡ chiêm bao Lòng cha xâu xé… chửa hết đau… Chỉ tiếc cõi người con ngắn quá Đang tuổi xuân xanh, hồn bay cao Viết mấy dòng thơ mặc máu trào Con nghe tiếng mẹ võng ru theo Cha dắt con đi như hồi nhỏ Sang đền Quán Thánh thắp hương kêu... 31.7.2019 TIẾNG MỘT NGƯỜI CHA Sáng nay cha đứng với trời xanh Nước mắt khôn nguôi giữa thu lành Lại nhớ đến con, lòng đau thắt Buông dòng thơ khóc... võng Tây Thiên... Hỡi ơi, Đức Phật tổ Như Lai ! Có nghe tiếng gọi giữa trần ai Của một người cha trong đau khổ Mất đứa con yêu. Oán hận trời... Từ nay con đã đi rồi Nhân gian còn xót những lời cha kêu Huống hồ Đức Phật cao siêu Niết-bàn hãy đợi sớm chiều cha lên ! Con mang Hồn Phật anh linh Cứ vui ngắm cảnh, cùng tiên dạo đàn Chiếc đàn con ở trần gian Mẹ cha vẫn giữ bảo toàn cho con Còn người, còn nước, còn non Cha con mình mãi vẫn còn bên nhau Cha thề trước cả trời cao Hình con sẽ mãi ngàn sau sáng ngời Lòng cha trời đất thấu rồi Ru con yên ngủ, những lời yêu thương Con ơi ! Vẫn đất quê hương Con nằm trong giấc mộng vàng thiên thu Bỗng nhiên trời đổ cơn mưa Thơ cha động cả thiên thừa... đó con ! 1.8.2019
<bài viết được chỉnh sửa lúc 02.02.2020 12:31:32 bởi Nhân văn >
CHA GƯỢNG SỐNG VÌ CON Cha gượng sống vì muốn mang con vào bất tử ! Bằng những dòng thơ nhuộm máu tim cha Sống ngàn năm trong văn hiến nước nhà Cùng sông núi bao la, trời đất Việt. Hãy vui nhé ! Cha con mình không thể chết Ông Hàn Mặc Tử cũng mất năm 28 tuổi, đó thôi Mà thiêng liêng, ý nghĩa sống tuyệt vời ! Vi vu gió mây... Tiếng thơm vang trời đất... Thơ cha viết: Một tượng đài cao ngất ! Sẽ trường tồn trong nhân thế tháng năm Có bóng con vằng vặc ánh trăng rằm Soi tỏa khắp nhân gian, xứ sở Tiếc làm gì con ? Cõi trần ta ở đợ Kiếp của con là kiếp thánh, kiếp tiên Con đi trước rũ bỏ hết ưu phiền Cha ở lại giải quyết xong nốt nợ Trời Hà Nội mưa bão ngập phố phường, con ạ ! Người đi, về vẫn hối hả như xưa Nhìn ra Hồ Tây, cha viết mấy dòng thơ Để cuộc sống con càng thêm ý vị Và cái chết của con không uổng phí Trước ban thờ cha lau lệ, cười lên ! Rằng, con có người cha chẳng những rất thương con Còn mang cả linh hồn thượng đế... Thì ta cứ vui tràn, con nhé ! Mẹ con sớm chiều vẫn cầu nguyện cho con Hà Nội mùa thu về, thường mưa gió liên miên Nhưng có hề chi ? Cha sẽ về bên con ấp ủ. 3.8.2019 NỬA THƯƠNG CON TRẺ, NỬA CƯỜI GIÓ ĐÔNG (*) Con ngã xuống trước định mệnh mình: Số phận ! Trút lên cha thêm gánh nặng cuộc đời... Thân già quá nặng nề rồi Nửa thương con trẻ, nửa cười gió đông (*) Từ nay bể sống mịt mùng Mình cha chống chọi cả trong lẫn ngoài Tháng năm hết điểm tựa rồi Con đi để lại một trời khổ đau Chưa thể gục ngã được đâu ? Mệnh cha thiên mệnh, còn bao việc làm Cha cười số phận bẽ bàng Gió đông đến vẫn bàng hoàng… mất con... * Thân thể cha đã héo mòn Giờ lại phải gánh nỗi đau con, thành hai cuộc đời ? Buộc trời qui phục con người ! Linh hồn cha sẽ muôn đời bão giông... Cha cười trước ngọn gió đông Mà sao nước mắt ròng ròng chảy ra Quan san muôn dặm sơn hà Nguyễn Du ơi ! Xin Người tạt qua nhà... giúp tôi... 4.8.2019 (*) Chợt nhớ tới câu thơ của Nguyễn Du, cũng có ý này. THẾ LÀ HÀ NỘI VẮNG CON Bố nhìn phố. Một sáng mùa đông chớm Sương đêm còn vương vấn những cành cây Người và xe rộn rã bước sang ngày Không có con. Bố ngồi trong quạnh quẽ... Biết đau thương, làm khổ lòng con trẻ Bố gượng vui, nhưng cười được đâu con ? Bố cũng chết rồi ! con ạ, giữa thế gian Linh hồn đang ở thiên đàng, bên con đó ! Hồ Tây sớm nay, màn sương bay trắng xóa Mặt nước chưa xanh, chỉ tăm cá sủi lên Bố chẳng nhìn thấy khoảng trời trong Mây lãng du bay vào miền vô cực Bóng trẻ còn đâu đây quấn quít Bố con mình hạnh phúc dạo bên nhau Vẩn vơ mơ mộng giữa trời cao Viết những dòng thơ ngợi ca cuộc sống Chỉ thiếu mình con thôi ? Đứng giữa Hà Thành… hoang vu như mộ vắng… Bố gượng sống đây. Biết trụ nổi hay chăng ? Sợ không qua... còn bao chuyện dở dang Thân già héo đau con, đất trời cùng tan hết ! Bố biết, chả cách nào có thể còn gỡ được ? Con đi... đem cả hồn sống bố theo rồi Giờ đến cuối cuộc đời Bố dành viết thơ khóc... mang con vào vĩnh cửu... Ôi, Hà Nội ! Có Hồ Gươm, Tháp Rùa với hàng sấu buông bốn mùa dan díu Người có buồn khi vắng bóng con tôi ? Xin gửi lời chia tay ! Cùng con, tôi cũng đi rồi Chỉ còn dấu quê hương... trong miền xanh ký ức... 5.8.2019 CON SỐNG MÃI TRONG THƠ CHA Cõi dương trần chỉ là cõi tạm Con người sinh ra trong hữu hạn không gian Con là con của Đấng Thiên Cha mẹ nuôi lúc nhỏ, lớn lên con về trời Nay con hết kiếp người rồi ! Tiếc thương cha mới ngậm ngùi làm thơ Vần thơ đẫm máu tim cha Hòa trong biển lệ Cõi Ta Bà, đó con ! Hình con còn mãi nước non Nước non còn đó, con còn hiển linh Theo thơ cha tỏa rung rinh Như vầng nhật nguyệt, tâm linh cõi người Xót con cha khóc mấy hồi Tiễn đưa tới tận cổng trời mới thôi Thân tàn ở lại, con ơi ! Nhớ cha tối tối giữa trời hiện lên Giờ con ở chốn thánh thần Miếu thiêng chờ lúc cha qui tiên cùng ngồi Khói hương sẽ phủ muôn đời Nhân gian vạn kiếp, vọng lời thơ cha * Ngẫm rằng trong cõi người ta Chỉ như giấc mộng la đà thế gian Dù sung sướng hoặc cơ hàn Ai rồi cũng lúc thịt tan, xương rời Hơn nhau ở chỗ làm người Đứa ma âm phủ, kẻ về trời hóa tiên Tượng con cha đã lập lên Ngẫm trong sử sách, vạn niên mấy người ? Là con kiếp hạnh hơn đời Cha xin sụp lậy giữa trời vọng ơn Cả Thượng Đế, Đức Phật hiền Cho con thơ được phỉ nguyền: Nam-mô... 6.8.2019 CHA SỐNG KHÔNG CON Lau giọt lệ. Cha nhắc nhủ mình phải sống ! Dẫu không con, còn bao việc cần làm Một đời trời đất dọc ngang Mà nay chẳng lẽ đầu hàng... vì con ? Phù hộ cha sống mươi năm Lo cho mỹ mãn việc trần gian. Cha về... Danh thơm để lại thiên thu Cha con ta mới vi vu khắp trời * Không về trần nữa, con ơi ! Cũng không trở lại kiếp người nữa đâu ? Sẽ vào cửa thánh ngàn sau Miếu thiêng hậu thế bảo nhau cúng thờ Đời người thua, được… cuộc cờ Con sẽ bất tử trong bến bờ thơ cha Gió đưa cành trúc la đà Nam mô… Cha lậy cả Ba Tòa Quan Âm… 7.8.2019
<bài viết được chỉnh sửa lúc 02.02.2020 21:12:06 bởi Nhân văn >
CHA VẪN ĐÂY MÀ NHƯ NGƯỜI TRONG MỘ Không còn hồn ? Chỉ giống một bóng ma Cha vẫn đây mà như người trong mộ Con mất đi. Cuộc đời cha coi bỏ Chút xác già, gượng sống qua đêm Chết bây giờ thì phí quá con !? Cha không tiếc tấm thân còn hay mất Nhưng khát vọng DANH muôn đời bất diệt ! Cha đã làm... đeo đẳng cả kiếp người... Đứa con, tôi yêu quí nhất trên đời ! Trời đất ơi ! Sao đánh tôi đau thế ? Cha vẫn nhắc: không được quá mềm lòng... đổ lệ... Nhưng nước mắt cứ chảy tràn Chẳng có nỗi đau nào có thể lớn hơn ? Hà Nội ! Người không còn tôi nữa... Cùng những người thân, tôi hằng thương nhớ... Hết cả rồi ! Giờ tôi sống trong đêm Gượng chút sức tàn... gọi lý trí bên trong... Thực hiện nốt chân trời khát vọng Những công việc, phải làm trong cuộc sống Rồi ra đi... cho thoát cảnh nặng nề Tôi sẽ về với đứa con thơ ! Ở thế giới bên kia, dù viễn vọng Nhưng trong tâm linh tôi, đó là sự sống Nghe thế giới bên này, ca mình mãi nghìn năm Thực lòng tôi, chẳng muốn sống thêm Chết cũng khó ! Việc chưa xong... nên đành gắng Ôi, Hà Nội ! Đang vào mùa sấu chín Mặt sóng nước Hồ Tây... Còn ý nghĩa gì đâu... Cả "thế giới thi ca" tôi gửi lại mai sau Hỡi hậu thế ! Sử xanh... hãy nhớ... Có một người cha theo đứa con xấu số Đã ra đi... quên cuộc sống trên đời... Và cũng muốn quên cả cõi người Chua chát quá ! Có gì đâu luyến tiếc ? Tôi sống đây mà như người đã chết Con mất đi ! Không hồi lại nổi nữa rồi Nam mô a di đà Phật... Thánh thần ơi ! 8.8.2019 MỘT BUỔI SÁNG CUỐI THU Sáng nay trời tạnh mưa, ánh dương hửng đỏ Nhìn ra mặt sóng hồ, cha bỗng thấy con cười Ở một thế giới nào xa lắm, người ơi Đứa con yêu, nó đang chào tôi đó ! Cha sống dưới trần gian... thêm chút cuối đời, con nhé ! Làm nốt số việc cần, sẽ đến với con ngay Nhìn thấy con khỏe mạnh, tươi cười Cha mừng lắm ! Đứa con trai chỉ về trời... không mất... Một buổi sáng cuối thu. Bóng Hồ Tây, nước biếc Tôi ung dung nhìn cảnh sống bình yên Cha có một cuộc đời hùng vĩ, lắm con ! Đừng đem máu yêu thương, làm đau lòng cha quá ? Cõi vô thường: ở, đi... Con người, ai chẳng thế ! Dẫu trẻ, già... có khác mấy đâu con ? Cũng chỉ nhiều hơn nhau một chút, miếng cơm ăn Đời hạnh phúc: Là chết, còn lưu danh trong nhân thế ! Cha con ta, dẫu mang nỗi đau tột độ Nhưng muôn đời tên tuổi lưu danh Mai... trong ngôi miếu thờ cha, sẽ có bóng con ngoan Ngẫm sống thế, còn gì hơn con nhỉ !? Nam mô... Đức Quan Âm vạn tuế Sáng nay cảnh đẹp quá, thế nhân ơi ! Thảo đôi vần thơ, tôi thả gió lên trời Hồn xin gửi cho mây bay... vào xa lắc... 9.8.2019 THÂN GIÀ HÉO ĐÀNH NGẬM CƯỜI, SỐNG TIẾP Thơ khóc mãi ? Cha không muốn viết Nỗi thương con cứ da diết trong tim Chẳng thể nào nguôi dạ, sống yên ? Định cất bút ! Lại phải lấy ra, thảo vài trang chữ… Ôi, cuộc sống ! ta hằng yêu quí Kiếp người ai oán quá, Hàn Mặc Tử ơi ! Danh thi nhân cũng chỉ được mình tôi Sao có thể, sống dưới trời không con chứ ? Thế là hết cuộc đời thi sỹ ? Mơ màng, vơ vẩn... để làm chi Bao mối tình tan vỡ, chia ly Chẳng đau bằng một phần, con mất ! Ta từng qua... cả cuộc chiến tranh tổ quốc !? Chứng kiến bao lần chết chóc, hy sinh Có nỗi đau nào như thế này không ? Xưa tăng căm thù, bây giờ rơi xuống vực Tôi đã có, một người cha chết vùi trong bom giặc (*) Đau xé lòng, nhưng trí vẫn vùng lên Không yếu mềm như cảnh mất con Chỉ muốn qui tiên, theo con đi nốt Đời cha trót mang khát vọng của người cầm bút Muốn tuổi tên vang vọng mãi ngàn thu Trở thành một Hàn Mặc Tử, Nguyễn Du... Thân già héo đành ngậm cười, sống tiếp Chưa thể theo con, giải thoát mình khỏi kiếp... Cha cố vùng lên, sống quyết liệt phút tàn hơi Làm bậc thi nhân lớn ở trên đời Không chỉ thỏa mãn riêng cha ? Còn trả " cả hận trời "... cho con đó ! Rồi cha con mình sống mãi bên nhau... như mây, như gió... 11.8.2019 PHẠM NGỌC THÁI (*) Cha tôi chết trong trận bom do máy bay B52 ném xuống, trong 12 ngày đêm (tháng 12.1972), giặc Mỹ đánh vào Hà Nội. NAM MÔ DI PHẬT TRỜI CAO Từ ngày con bỏ nhà đi Cha chăm lễ Phật, ít khi lỡ làng Nhớ con lòng dạ ngổn ngang Rưng rưng mắt lệ, bàng quan phố phường Ừ… thì là cõi vô thường Con người đi, ở... lẽ đương đất, trời Con vào tiên giới đó thôi ! Cha mong sẽ sớm đến hồi cha đi Cầu xin Đức Phật từ bi Con tôi tâm đức, đưa cháu về Tây Thiên Mà theo các bậc thánh hiền Giúp trên cầu độ chúng sinh dưới trần Cúi mình lậy Thánh Quan Âm Luôn luôn giữ cháu ở bên cạnh Bà Tôi còn trong Cõi Ta Bà Ngày đêm hương khói, thơ ca tạ Người... Nếu thiêng có Phật, có giời Thì đây tiếng của một người cha đau Nam mô di Phật trời cao Lòng tôi bốn phía trăng sao tỏ tường ! 12.8.2019 DÒNG MÁU CỦA CHA Cha không biết cách nào, cứu được con trong trời đất ? Dòng máu cha đã loang khắp nhân gian Cha vẫn sống đây giữa đô thành Tưởng trí não chẳng còn bên trong nữa Phố sầm uất mà bước đi quạnh quẽ Chỉ tiếc mình chưa thể biến theo con Mối hận trời này... nếu không trả xong Khi cha chết, chắc khó lòng nhắm mắt ? " Tâm. Đức. Thiện. Mỹ " con, hương thơm trời đất Xin Đức Phật Như Lai, dành cho một chỗ ngồi Cha, mẹ thắp hương cầu nguyện tối... ngày... Ngọc Bảo ơi ! Con mang dòng máu của người cha: Thi nhân nước Việt! Cha đã sống một đời, không hổ cùng trang sách Vì xót con quá, khóc đấy thôi ! Con bỏ đi... linh hồn cha mất theo rồi Không bao giờ hoàn lại nữa Mối hận quỉ ma này, hết đời không tan rữa ? Cha kêu các thánh thần, thượng đế rủ lòng... cứu con đây ! Không thể chết được đâu ? Cha còn sống một ngày Quyết mang con vào cõi vĩnh hằng... với quê hương, xứ sở Ôi, Hà Nội ! Muôn đời bất hủ Có dòng máu cha con tôi trong đó, tắm trời mây Nghe thấy không ? Hồn nhà thơ đang vang vọng đất này Cùng một đứa con trai yêu thương, tha thiết 13.8.2019
<bài viết được chỉnh sửa lúc 02.02.2020 21:18:09 bởi Nhân văn >
TIỄN CON Con đi ! Nhớ giữ gìn. Ta sang trang đời khác Thế giới ấy đẹp hơn, cha còn chút việc vẫn dở dang Hãy mang theo Hà Nội vào tim ! Cha gửi lời thăm Bà Quan Âm và các thánh… Năm tháng sống với mẹ, cha... trở thành kỷ niệm Ai rồi cũng đi ! Kẻ xuống âm phủ, người lên tiên Cha, mẹ dưới trần sẽ cầu nguyện cho con Nói với Đức Như Lai, cha nhớ ông nhiều lắm ! Hồn thi nhân cha lãng đãng trôi, với bầu trời xanh vắng Không có bóng con... day dứt ngày, đêm... Cha không viết thơ tình nữa, đâu con ! Thơ con xong rồi, cha viết sang tiểu thuyết Nhớ những lúc, con lo cho cha chiếc máy tính làm văn học Giờ ? Cha đành nhờ người khác sửa thay con Công việc bộn bề... lòng già vẫn héo hon... Nỗi nhớ thương có phút nào nguôi được ? Thỉnh thoảng cưỡi gió mây... về thăm mẹ, cha một lúc Rồi con đi ! Cha chẳng giữ con lâu Khi nhớ nhà... lấy đàn ra gẩy giữa đêm thâu... Ở hạ giới cha nghe, biết tiếng đàn con vọng đến Nam mô a di đà Phật ! Con trai yêu mến Theo áng thơ cha... mà bay khắp trần ai... Không chỉ đất Nam, sang cả trời Tây Hỡi nhân thế ! Con tôi, cháu thiêng lắm đó ! Gặp Chúa Jê Su ? Xin cho cha cây thánh giá Nhớ đừng quên tới Tòa thánh Va Ti Căng Chúa trời sẽ phù hộ cho con Người cũng phúc, hiền... như Đức Như Lai, con ạ ! Cha viết những dòng thơ từ quê hương, nơi mẹ con sinh nở Chốn chôn rau, cắt rốn... của con Hà Nội mùa này sắp bước vào đông Thôi con nhé ! Chẳng qua con chỉ ngủ quên, không thức... 14.8.2019 CHA CHỈ BIẾT VIẾT TỪ LÒNG CHA THÔI Con sang thế giới bên kia Trời trong, mây thắm sẽ vừa lòng con Quây quần hội tụ thần tiên Ngày đêm hương khói tỏa trên đất trần Mong con yên giấc phù vân Lời thơ cha đã vợi dần nhớ thương Đành rằng nói, kiếp vô thường Nhưng ai chả muốn ở dương thế nhiều ? Xưa Nguyễn Du đón đưa Kiều Ngàn năm còn đó những điều thơ Ông Mênh mông bể sở mênh mông Cha chỉ biết viết từ lòng cha thôi ! Còn người, còn đất, còn trời Cũng mong còn mãi những lời của cha… Thảo thơm một dải sơn hà Người dùng Đường cổ, tôi là Tân thơ * Con đi. Hồn hóa bơ vơ... Vì cha khát vọng, nhà như thế này Trời cao cho tới đất dầy Thì đây cái kiếp đọa đầy "thi nhân" Đành rằng chẳng xá tấm thân Con tôi bất hạnh, có phần... bởi tôi ? Tất cả tan nát hết rồi ! Lòng cha chứa cả... một trời bể đau... 15.8.2019 CHA CŨNG CỨU ĐƯỢC GIỌT MÁU HỒNG CỦA CHA Sớm nay trời sáng, mây thanh Gió heo hút, đất Hà Thành còn sương Vẩn vơ lòng những vấn vương Nửa không muốn viết, nửa thương nhớ hoài Phân vân đứng giữa ban mai Bỗng nhiên thấy bóng con trai về trời... Cha mừng không nói nên lời Thế là con đã thoát rồi, kiếp đau Đừng lo cha nhé, Con yêu ! Giờ có ý nghĩa gì đâu ? thân tàn... Chỉ mong con sớm phát quang Nam mô di Phật ! Lên hàng thánh tiên Một ngày nào đó cha lên ! Dân gian lập miếu... sẽ xin con vào... Cha con mình lại bên nhau Khói hương nghi ngút, đời sau cúng thờ... Thơ cha bay khắp nước nhà Ra ngoài bốn bể, vẫn ca vang lừng Trời mênh mông, núi trập trùng Hình cha còn mãi ở trong nhân quần... Con được yêu quí vô ngần Anh linh khắp chốn xa gần còn thiêng Cùng cha và các thi nhân Tâm trong như ngọc, danh thơm muôn đời Con ơi, thì dẫu kiếp người Ta đau ? nhưng sẽ rạng ngời muôn sau Suy trong trời đất, ngàn dâu Thánh nhân mấy bậc sướng đâu ? lúc còn... Chỉ đời sau mới được tôn Con chết trẻ, nhưng mãi còn tiếng danh Là cha cố hết sức mình Để con được sống hiển vinh vĩnh hằng Thì cho số kiếp vô thường Cha cũng cứu được (giọt) máu hồng... của cha... 16.8.2019 HỒN CHA CÒN VỌNG NGÀN NĂM Cha vẫn tự nói mình: Phải sống ! Nỗi đau con đè nặng trái tim già Cứ nghĩ tới, nước mắt chan hòa Cha quá yếu rồi, con ạ ! Ta đã sống một đời không thẹn bỏ Phút cuối cùng lại xấu số như ma Giá người chết đó là cha ? Thì cũng sự thường tình tạo hóa Nỗi mất này mênh mang non bể Chẳng lấy gì lấp nổi đau thương Có thầy tướng số nào giải được căn nguyên ? Sao trời, đất trớ trêu như vậy ! 70 xuân đời cha, quá nửa là khổ đấy ! Đau cũng nhiều ? tính mấy cho thông... Nhưng cộng lại chỉ bằng tí con con So với nỗi đau mất đứa con ngọc ngà, cha yêu hơn tất cả ! Tôi đã nghe rất nhiều chuyện lạ Lạ như việc có thể mất con, đến giờ vẫn chưa tin ? Là một nhà thơ thường tưởng tượng, viển vông Không bao giờ dám tưởng tượng, con mình chết được ? Nỗi đau này dầy vò cha hết kiếp Thỉnh thoảng có nguôi ngoai... rồi lại đau tiếp, triền miên... Cha có hứa sau 49 ngày, khi con rời nhà để lên tiên Thì sẽ thôi, không khóc nữa. Tại lệ... nó cứ tràn ra. Cha đâu muốn thế ? Người ta có thể đo được độ sâu lòng bể Sao đo nổi sự đau của lòng một người cha ? Cả một đời, từng chiến trận xông pha Giờ mất con… yếu mềm như cành liễu… Thế mới biết: Có những thứ thiêng liêng, không thể hiểu ? Lớn hơn cả trí não, đó là "con" ! Rồi một ngày, cha cũng nằm xuống đất quê hương Nỗi nhớ thương theo hồn thơ cha, sẽ còn vọng muôn năm trong trời đất 17.8.2019 DẮT CON ĐI
Tặng con Phạm Ngọc Bảo (viết năm con hơn hai tuổi) Cha dắt con đi dưới hàng cây khuya Phố của con thầm yên giấc ngủ Ngôi chùa cổ và bóng đa cổ thụ Phía Hồ Tây se gió chớm đông về Tiếng lá bay xao xác vọng tàn thu Buổi chiến tranh âm hao còn vẳng lại Những bề bộn đời thường chiều mệt mỏi Con là hạt ngọc của lòng cha ! Quê hương là mái nhà con ở Có thiên nhiên với con người nữa Ngày mai rồi con sẽ lớn khôn Cha dắt con nghe những hàng cây râm ran Ru khe khẽ tiếng gọi thầm trong cỏ Đất cựa mình hay hạt đang nứt vỏ ? Trên nhành cao động nhỏ một loài chim Cuộc sống nào cũng từ mầm sống gieo lên ! Cha đã cấy cánh đồng chung xã hội Gần trọn cuộc, mai lại nhường con cấy Nói làm gì ? Con sẽ thấy, con ơi ! Lẫn trong đá sỏi cuộc đời, hãy tự tìm lấy sắc hoa tươi… Cuối thu 1994
<bài viết được chỉnh sửa lúc 02.02.2020 21:22:10 bởi Nhân văn >
Tác phẩm dầy 372 trang - xuất bản 2014
THƠ VIẾT Ở NƯỚC NGOÀI 1988 – 1990 * In lần đầu tiên, tập “Có một khoảng trời” Nxb Hà Nội 1990 * In lại, tập “Hồ Xuân Hương tái lai “ Nxb Văn hóa Thông tin 2012 Một người làm thơ chuyên về một vấn đề lao động hợp tác như tập thơ có trên tay tôi đây, mới thật là hiếm. Phạm Ngọc Thái đã đem đến cho tôi một tình cảm sôi động, với nhiều mâu thuẫn chứa chất trong tâm hồn thơ anh. Xa nước là một nỗi luôn ám ảnh, khiến người thơ nghĩ về số phận của nhiều con người rời bỏ quê hương, gia đình và rời bỏ nhiều thứ khác trong những năm tháng của đời mình để đi kiếm sống. Bao nhiêu vật vã tưởng chừng như chính họ - Con người trong cuộc đi này khó có thể vượt qua nổi ! Tôi quen Phạm Ngọc Thái cũng đã đến mươi năm – Thái làm thơ lâu rồi. Những bài thơ từ những năm còn là chiến sĩ binh nhì, xông pha lửa đạn ở Trường Sơn thời chống Mỹ. Thái làm thơ về chiến tranh, thơ về đời sống thường nhật. Đọc những bài từ bẩy, tám năm trước đây: Tôi đã bắt gặp một tâm hồn có nhiều rung động, đau đáu không yên về nỗi bất công mà anh không chịu được – Thơ ấy, ngày ấy Thái làm ra còn hơi sớm. Bây giờ có dịp, nhiều bài thơ trong tập “Có một khoảng trời” đã bộc lộ rõ cái khả năng không yên ấy. “Người đi tìm vàng” để rồi chính họ đã đánh mất bao điều thường tình nhất. Những hình ảnh, cảnh tượng hiện đang từng giây phút diễn ra kinh khủng, ở những nơi của Người đi kiếm sống đó. Không cần phải nói ai cũng rõ cả: Nhưng vấn đề mà thơ Thái đặt ra lại thuộc phạm trù khác cần phải bàn “về một cuộc ra đi”… Qua hình ảnh những người thân thuộc – Nỗi khắc khoải nhớ nhà, nơi dẫu có đi đến phương trời nào – Nếu anh còn là anh thì không dứt lòng được với quê hương. Hơn hai mươi bài thơ – Phần lớn Thái dành tình cảm cho đứa con trai và người vợ hiền của mình. Đọc bài nào tôi cũng thấy Thái hiện lên khá điển hình ở những xúc động nhiều suy tưởng – Vấn đề thơ Thái đặt ra mang được cái tầm có ý khái quát cao, và nhiều câu hỏi về số phận mỗi con người hiện nay - bằng tinh thần trách nhiệm của người cầm bút. ( Trích giới thiệu tập “Có một khoảng trời”, Nxb Hà Nội 1990 ) VŨ XUÂN HOÁT . Nhà thơ HNVVN
<bài viết được chỉnh sửa lúc 04.02.2020 20:11:54 bởi Nhân văn >
TRĂNG QUÊ
Trời đó trời quê, trăng cũng quê Mà nước thì xa xa đến xa Nhìn ra cửa sổ trông trăng mọc Lòng những nôn nao nhớ bóng nhà Trời đó trời trăng, trăng vẫn trăng Biệt nhà, biệt nước, biệt dòng sông... (*) Bơ vơ bóng lẻ hồn hiu quạnh Cô lái đò ơi: có giống không ? Nước Đức 11.4.1989 (*) Phỏng theo thơ Nguyễn Bính: Bỏ thuyền, bỏ lái, bỏ dòng trong (cô lái đò) CÓ MỘT KHOẢNG TRỜI Có một khoảng trời để thương, để nhớ Là khoảng trời ở đó có em Những bóng cây trên đường phố thân quen Đêm đêm chiếc lá nhớ lại bay về, xào xạc Có một khoảng trời không ai thấy được Dẫu đêm nào chớp cũng loè lên Có ánh chớp không kéo theo tiếng sét Mà rung ngân, rung ngân… trong tim ! Khoảng trời gió thổi xót đêm Hoá sắc cầu vồng nối hai miền thương nhớ Cây tình yêu lớn theo cấp số Ngược trời về cho ta gần ta Cái khoảng trời khi anh và em đã cách xa (xa thật đấy mà cũng gần thật đấy) Trong đau đớn anh hoá bờ cát cháy Thổi về phương em giữa chiều gió nổi Hạt vô tư còn lại… những tàn tro… MÙA TUYẾT QUÊ NGƯỜI (*) Người đi, đi giữa mùa đông Cơn mưa mưa tuyết như bông khắp trời Mưa rây gió giật từng hồi Tuyết rơi đầy tóc, đầy người trắng phau Thân cò lặn lội đồng sâu Kiếm ăn từ sáng nhọ đầu chửa thôi Nước non non nước, người ơi ! Đêm nằm khắc khoải rối bời vợ con… Đêm noel 1988 (*) Mùa đông băng giá, đi như chôn chân giữa bầu trời đầy tuyết trắng. Đám người xuất khẩu lao động ở nước ngoài, cứ hết ca làm việc trong nhà máy… vội vã lang thang qua các cửa hiệu ngoài thành phố. Họ mua từng bánh xà phòng, tập giấy ảnh… và một số đồ hàng khác. Ngày tháng tích lại rồi đóng gói, gửi về cho gia đình ở quê bán lấy tiền sinh sống. Cứ thế cho tới lúc trời tối hẳn. Khi các cửa hiệu trên phố đóng cửa, họ mới trở về khu nhà ở của những người lao động để nghỉ. Cái cảnh vật vã kiếm sống của những người đi tha phương ấy, đã tạo cảm xúc cho tôi viết bài thơ trên ! TIẾNG HÁT ĐỜI THƯỜNG . Bài thơ viết trên thư gửi về cho vợ Trong một phố nghèo có người vợ trẻ Vẫn đón con đi, về... như thường lệ Vóc em thanh cũng thể mùa xuân Đôi mắt em: đôi mắt ấy màu đen Ngôi nhà nhỏ bên đền Gốc đa, quán báo Nơi ngày xưa ai bán chiếu gon (*) Đêm hồ nước trăng soi Chiều lá me, lá sấu Cung thành xưa dấu đại bác còn (**) Ôi quê hương ! Cái phố nhỏ cứ mưa là lầy lội Cháu gái nhà bên tuổi không đoán nổi Chưa tối đã khêu đèn, bê mẹt thuốc rao đêm Ngày hai bữa, bữa nào cũng vội Miền đã theo tôi vào suốt Trường Sơn Hành quân rừng già, võng treo sườn gió... Ai biết chiều nay người vợ trẻ Đứng mong chồng bên đứa con thơ Giọt lệ cháy xót lòng, mang sắc xanh thu ! Tuyết bạc quê người... Xứ sở mưa cau... Đi đâu, đến đâu: nhớ về phố ấy ! Đôi mắt em buồn cho bài hát anh ca Con sẻ hót mênh mông đồng nước Người hát rong hát vui sân ga Tiếng Hát Đời Thường thường lẫn vào bụi cát Anh hát cho đời... Anh hát em nghe... 2.1989 (*) Gợi lại câu chuyện bà Thị Lộ thời con gái đi bán chiếu gon ở Hồ Tây, gặp ông Nguyễn Trãi. Những vần thơ đối đáp của hai người còn truyền tụng đến ngày nay. (**) Là hình ảnh mặt thành Thăng Long Cửa Bắc, còn in dấu đạn đại bác từ thời giặc Pháp bắn vào. Thành Thăng Long thất thủ, quan Tổng đốc Hoàng Diệu phải thắt cổ để tuẫn tiết. BÀI CA XỨ SỞ
Con tầu vô tư cứ chạy Qua cánh đồng nước Đức, những hàng cây Có một con tầu cũng đang chạy trong tôi Tiếng nghiến rít trên đường ray máu rỏ ! Tôi muốn viết bài ca xứ sở Không kêu than mà hát giữa lòng đau Quê hương tôi yêu ! Tổ quốc tôi yêu ! Đất có nghèo đâu, sông núi có nghèo đâu ? Nền văn hiến cũng ngàn năm phong nhụy Đến hoa lá bốn mùa mưa gió Biển xanh trời... cá đầy khơi... Tính mẹ cần cù từ buổi mới xa nôi Khi chống gậy còn lựa từng bông thóc lép Cha đánh giặc về lại bền tay cầy cuốc Nắng xém ruộng chime, lúa xanh đồng Em gái mười năm chung thuỷ chờ chồng Bông hoa tặng ai hương xa vậy ? Cái cửa sổ ngỏ cô nhà hàng phố "Mà hương thầm thơm mãi bước người đi"… (*) Con tầu tôi vẫn chạy lắc lư Dẫy phố tôi lớn lên, còn nhỏ nghèo lắm bụi Ngôi chùa cổ mái cong, vườn đầy cỏ dại Bức tường ngăn nay đã xanh rêu Bóng mẹ còng một đời còng mãi Thân cò khuya tần tảo những đêm đêm Mẹ trở về, mẹ trở về trong nỗi cô đơn Thắp nén nhang chồng Lấy nước mắt xoa lòng già héo Em ở lại với con ở lại Anh ra đi tấm áo bát cơm Đau xé ruột vẫn đành rời đất ! Tôi đi giữa quê người Những thành phố đèn nê-ông chói mắt Nhớ quê nhà dãi nắng, dầm sương Giàu đất, giàu người, giàu bể, giàu non Người ơi người tình thương đừng vợi cạn ! Viết trên chuyến tầu lên Berlin 29.12.1988 (*) Thơ của Phan Thị Thanh Nhàn EM , CÁT VÀ DÒNG SÔNG Buồn chi em mà hát Bên dòng sông Lô (*) Vui chi em mà khóc Ướt bờ vai anh Ôi con nước tháng năm Cứ phăm phăm chảy xiết Cuốn cả em và cát Trôi tận về xa xăm Em rời bỏ dòng sông Tha phương tìm hạnh phúc Đường bơ vơ thân chiếc Chút tình riêng em mong ? Ta, cánh chim lìa đàn Gặp nhau cùng cô lẻ Hai tâm hồn đáng thương Vá lành chăng ? Không thể ! Em cần cả cuộc đời... Anh chia đôi xẻ nửa: Chốn quê hương xa vời Còn một người vợ trẻ ! Có gì vui cho em Thương cũng thành tạm bợ Nhìn nhau cười... rỏ lệ ! Hạnh phúc sao phũ phàng ? Em đi đâu... về đâu... Con thuyền đời trôi dạt Lòng anh dẫu bao dung Nhưng mặn mòi đắng chát Em khóc và em hát Nước chảy xanh dòng sông Xuôi tới mãi vô cùng Giữa mênh mông toàn cát... 20.4.1989 (*) Quê em bên dòng Sông Lô: Tôi đã mượn hình ảnh con sông để làm hình tượng về đường đời. Trong những tháng năm em lênh đênh đất khách quê người.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 03.02.2020 17:23:11 bởi Nhân văn >
NHỮNG KỈ NIỆM BÊN CON Tặng con Phạm Bảo Long (viết năm con lên 4 tuổi) Vằng vặc sân đền... Vầng trăng trong, mái chùa cong, bóng đa Nhớ sớm sớm bố đèo con đường thênh thang gió hát Chiều đón con qua đường lá vàng rơi (cái tên phố mà con chưa thuộc) Gió Hồ Tây thổi, gió Hồ Tây Bóng nhỏ lon ton Bố dắt con ra hồ cá nổi Bờ cỏ đẫm sương mai Con đứng đợi, bố mò Một nhúm tép cũng vui nhà, vui cửa Bố đã cùng con qua bao đường phố Hiệu kem Bốn Mùa, quán phở Hoè Nhai Cố Đô xưa - Hà Nội hôm nay Trong ánh mắt con thơ thành Thăng Long rêu phủ Cái quán báo thường ngày bố đưa con vào đó Cổng chùa cũ giã nhàu mưa gió Tường nhà cũng bạc mầu vôi Có cần chi nhiều lắm con ơi: - Thế cũng đủ hai điều Thiện Mỹ ! Đời bình dị - Mái tường sạt đổ Lẽ sống giản đơn, mâu thuẫn chất chồng Vằng vặc sân đền... Vầng trăng trong, mái chùa cong, bóng đa Bạc trắng nửa phương trời xa lạ Mẹ đã nuôi con những tháng năm nghèo khổ Đi làm về chạy chợ kiếm thêm Đêm cảm hàn không đủ sức ôm con Ngày gượng dậy lo từng bữa gạo Sáng vội đưa con đến trường mẫu giáo... Nước mắt nhoà trên hồn trẻ ngây thơ ! Trăng vẫn đấy ! Bố nửa vòng xa xứ sở Quán, Cổng, Thành xưa... đứng quạnh thầm… Con chưa hiểu nhiều mai sẽ lớn khôn Không chỉ có trăng trong còn nước mắt Không chỉ có ngày vui còn cay cực Cũng theo con lớn từng ngày Ôi, vầng trăng vằng vặc đêm nay Những kỉ niệm êm đềm khao khát lạ! Rồi mai mốt… Bố sẽ lại đưa con đường thênh thang thuở đó Chiều đón con qua đường lá vàng rơi (cái tên phố mà con chưa thuộc) Gió Hồ Tây thổi, gió Hồ Tây... Karl-Marx-Stadt * 1988 TIỄN ANH TRÊN ĐẤT KHÁCH Đêm đất khách quê người, rơi tuyết trắng Em tiễn anh về lại quê hương Thôi rồi, gió lạnh con tim Tình theo lá rụng, khói sương chân trời Đời con gái cũng hoa rơi ! Loài phù du giữa biển trời mênh mang Tình như một bóng mây hoang Đời em chiếc bách dập dềnh, gió mưa Đường nhân thế mênh mông, cỏ rối Tình của ta như gió thổi sương bay Cuộc đời mưa nắng, em ơi ! Phận bèo thôi cũng nổi trôi kiếp người Berlin 1990 HOA EM Anh gọi em là bông hoa thầm Mà hương thơm mát vô cùng hồn anh Anh gọi em là vùng nắng ấm Mỗi giọt em reo xôn xao miền cát trắng Anh gọi em là sóng Trôi êm đềm vỗ mãi dải bờ xa... Giữa vườn hoa trong trăm sắc hoa Riêng anh chỉ gọi tên là: "hoa em" ! 1988 VẮNG TIN CON
Thư không đến, nghe chiều im tiếng lá Nhói giữa lòng tựa khúc chim than Mỗi buổi làm về, vội nhòm khe cửa Gió lạnh phòng mà vắng tin con Cái rét mùa đông rền rĩ từng cơn Ơi, ngọn lửa đã bao chiều vắng Bố không thể sống thiếu con Như cuộc đời thiếu nắng ! Sân đền cổ gạch mòn, con vẫn thẩn tha chơi Chiều nay thấp thoáng Bút tháp nghiêng nghiêng bạc tường vôi Ngọn lửa cháy màu xanh sự sống Con đi, về… lối phố đã quen hơi… Con là gió, là hoa Những hạt mưa tan miền cát bỏng Bóng đa xanh ru giấc mộng chim muông Cái phố nghèo với ít mái nhà dân Giữa năm cửa ô Tiếng vó ngựa xưa còn dập dồn quan ải Bờ hè nhỏ vẫn nhiều rác rưởi Dấu cổ sơ - thời đại chen nhau Trên thành phố châu Âu Chiều vắng tin con trông về quê ấy ! KHÁT Ai đã khát ? Thôi đừng ví với người khát nước Xoa êm êm dù chỉ ít tình con Con đứng trên vai các bậc thánh hiền Trong hơn sắc trời trong của đất Con là lá cho đời xanh ngất ngất Sắc tân thanh nuôi giọng hót các loài chim Con là hoa cho ong bướm đi tìm Là gió thổi suốt hồn vũ trụ Ai đã khát, xin cũng đừng ví nữa ! Ánh mắt trẻ còn nghiêng một góc trời quê Mùa này mưa con nhỉ ? vẫn còn mưa Ở nơi bố tuyết đã vợi Nắng cũng bắt đầu tra mật ngọt Ai đã khát, dù chỉ một lần trong đời đã khát. KHOẢNG TRỜI PHÍA SAU Tặng anh Ngô Tất Hữu (nhớ ngày anh ra tiễn ở sân bay) Bóng anh lẫn trong hàng người như sóng Biển ở sau lưng, cuộc sống rất gần Bàn tay anh vẫy gọi lúc đưa chân Tạc vào trời xanh - kỷ niệm ! Đêm thu giấc quê người, vắng tiếng cuốc kêu Bóng anh tựa nghìn năm hiển hiện Anh đứng trên cao áo bạc màu Hai mươi năm: hai cuộc tiễn đưa nhau Xưa ra chiến trường, nay quê người kiếm sống Mẹ tiễn chiều mưa, anh đưa chân sớm nắng Với hai mầu mắt quê hương ! Vợ vội dắt con đến gần chỗ chồng hơn Cửa sân bay mở... Con trèo qua lan can sắt ríu rít ôm hôn: - Bố về ngay hả bố ? Không thể nói dối con Chỉ biết ôm con vào lòng thêm chút nữa Nước còn nhưng bố phải đi ! Con hãy quay về với mẹ con kia Bố sẽ gửi hàng, gửi đồ Cho mẹ con con qua những ngày nghèo khổ Em cũng về em nhé, với con ! Cứ bàng hoàng như thuở nước phân tranh Thời trai trẻ dấn mình vào khói lửa... Nếu lịch sử còn quay nhìn lịch sử: Tấn-trò-đời-Ban-Dắc: chắc hồi sinh !? Bóng anh trên sân bay, lặng lẽ đứng nhìn "Khoảng trời phía sau" như một bi kịch cổ...
<bài viết được chỉnh sửa lúc 03.02.2020 17:27:27 bởi Nhân văn >
CỎ HOANG Thuở ấy quê người đất khách
Trong buổi tha phương mưu tính cuộc đời
Tôi đã gặp những người con gái
Dẫu yêu kiều, nhưng cũng bèo thôi...
* Cô gái bay đi ngỡ làn mây dại Trôi lang thang đầu bãi, cuối giời Em tự do như thể là cát bụi Có đôi lần giời cũng khóc, mưa rơi ! Loài lạc thú phồn vinh hơn gió "Cơn hồng hoang" thả cỏ xuân xanh Em phá bỏ những đức qui kiềm chế Yêu phanh phui, yêu đến tan tành... Tôi nghĩ: Thôi thế đã thoả lòng ham hố Khoả thân mây đùa rỡn cả linh thiêng Huống hồ buổi thường bán buôn đạo lý Có dễ gì thân gái, trách chi em ! Hỡi Thiên đường - Địa phủ: Trần gian Loài người mãi sao tràn lan tội ác ? Ta từng ngợi ca chủ nghĩa nhân văn chân thiện nhất ! Em gái bay đi vẫn thích cởi truồng... Ôi, cuộc bèo hoang trời đất trầm luân Và bản chất muôn đời còn muông thú Nhà chính trị cùng đứa du côn, tranh thủ chơi thánh nữ Em vũ ba lê trong thế giới hỗn mang... gieo hoa, cấy linh hồn... LỜI THIẾU PHỤ CHỜ CHỒNG
. Chồng nàng đi kiếm sống ở nước ngoài Canh khuya trở giấc giật mình ai Có tiếng rơi nghe tận thiên thai Ngoài kia hoa lá nằm dại bóng Trong em nép lại một nhành mai Nỗi nhớ ngày ngày vàng tin đợi Bến vắng, thuyền em ngóng trăng trời Người xa dẫu bể đời trôi nổi Sông vẫn phù sa sóng vẫn bồi... Anh ra xứ khách kiếm vàng thanh Để cả nghìn lo lại cho em Tiền bạc vốn sinh lòng trắc ẩn Có vàng rồi, người có còn không ? Mong manh hơi gió động bên rèm Có nghĩa gì chăng, cái thân em ? Người như trăng bể mò không đáy Đò gái đã rồi khó thay sông Trai nào chẳng hám loài trái lạ Lỡ dăm ba quả, chứ đừng theo ? Giống độc cũng thường hay giả ngọt Chẳng trái nào bằng trái em đâu ! NGẮM ẢNH CON Ở NƯỚC NGOÀI Con như nhành non mới hé Nước hồ Gươm xanh thế Trời trong trong - không, mắt con trong hơn ! Bóng con ngồi bên mặt sóng hồ êm Có tán lá trùm lên mát rợi Chẳng cần phải nói Cũng đủ muôn lời cho trời đất cùng nghe... Dẫu ở xa con, nửa vòng trái đất Giấc ngủ bố mong con, lúc thức nhớ về con ! Con ngồi yên không thể nói gì hơn Mắt thơ dại chăm chăm nhìn phía trước Con nhìn bố - Bố nhìn con qua lần nước mắt Hạnh phúc lắm con ơi, nên đau đớn chất đầy Bố xa con chỉ vì bát cơm thôi Nhỏ mọn thế !.. Cao cao cũng thế !... Con không nói, bố chẳng cần phải kể Trời đất này xanh, không hẳn đã là xanh ? Đôi mắt con nhìn, trong hơn những mầu trong Con ngồi đó cao hơn toà tháp Chỉ có con: con ơi hơn hết Bởi không đủ nuôi con nên bố đến quê người Bưng bát cơm đầy lại nghĩ bát con vơi Bố cần cho con, đâu phải cần cho bố Sinh được ra con mà nuôi con không đủ Trời xanh kia và hỡi đất xanh kia ? Bóng con ngồi nhỏ dại ngây thơ Quanh con vẫn mầu ru êm ả Riêng lòng con, lòng bố không êm ! Bố lặng nhìn con, trên chiếc ảnh quê hương Nước Hồ Gươm, nước Hồ Gươm xanh lẻo Êm dại quá ! Con ơi, êm dại quá ! - Khoảng trời kia ? Không, không - khoảng trời con ! Và không có khoảng trời nào cao xanh hơn Bố đã đi quá nửa đời Tóc cũng sắp chuyển sang mầu khác Những đêm thầm thì… Bố gọi về tổ quốc: Con tôi ! KHÚC HÁT NGƯỜI THA PHƯƠNG Đi về đâu cuối chiều Khi xung quanh vắng lặng Con thú nào lạc bạn Hoảng hốt giữa đồi nương Suối róc rách bìa rừng Cứ kêu hoài chân vực Một thành phố quê hương Hiện lên trong đáy mắt. Ôi, cuộc đời nghèo xác Nằm chết giữa tình thương Có người vợ hiền lành Với con tôi ở đó... Chiều nay trong nắng đỏ Bước lang thang mình tôi Khúc buồn như chim bay Hỡi người tha phương ơi ? Đi về đâu cuối chiều Đời xa nước, cô liêu ! NỖI TRĂN TRỞ NGƯỜI ĐI TÌM VÀNG Tôi sống âm thầm trong một đoàn người hỗn hợp Rời quê qua bên kia biển sóng Kẻ tìm vàng - Người vì cảnh nghèo đi Đạo lý có hoá thừa đành giả dại làm ngơ Đứa mách qué lại vân vi dễ sống. Hạt muối xót tháng năm và lòng ai đắng ? Tôi nhận chìm tôi vào những lãng quên. Ai mang bán vàng mười giữa phiên chợ đông (1) Tôi tìm chắt những bụi vàng như anh lính lê-dương, lọc sàng từng đống rác... (2) Dầu kẻ bán - Người tìm vàng có khác Nhưng giá vàng tính cũng như nhau Nhìn cánh dơi đen xao xác trời chiều Cứ để cho tất cả lãng quên !? Cây lý chiều xưa gió còn đưa lại Bông đại ở quảng trường hương vẫn giăng tơ… Chút thơm thảo đoá phù du ngắn ngủi Giả dại ở đời thường mà khôn lại trong mơ Rồi một ngày, sẽ có một ngày qua Những năm tháng không bẩn đấy, cũng rộm vàng khói cột Nhưng tôi đã có một thỏi vàng, thứ vàng rất thật ! Đánh một đoá hồng vàng, tôi trao đứa con thơ Người vợ quê hương mỏi mắt đợi chờ Một chút nữa với bạn bè thân hữu Và khi đó tóc có ngả mầu chút xíu Dù cho tất cả đã quên tôi !? Đêm 11.9.1989 (1) Mượn ý trong câu thơ của Nguyễn Duy: " Còn chút vàng mười mang ra bán nốt" (2) Phỏng theo tích truyện Bông Hồng Vàng của nhà văn Nga Pau-Tốp-xki. NỖI NIỀM QUA MỘT DÁNG THƠ Cái dáng thơ, không mang sắc hồng một sớm ban mai Cũng không dịu như vầng trăng đầu núi Cái dáng thơ từ máu tim tôi Chảy xuống dòng đời, gập ghềnh đau lối xe qua Cái dáng thơ, ánh hồn non nước xa xa Có máu thịt của anh, của chị Bóng gầy guộc bên hè bà mẹ già nua Cái dáng thơ, như quầng mắt ưu tư của người vợ trẻ Phảng phất nét buồn sớm đến trong con Cánh bướm xưa tha thẩn bên vườn Cũng thỉnh thoảng bay về trong hoài vọng. Xin đừng nghĩ rằng buồn là tự vẫn Sống vô tư e lại quá nhẫn tâm ? Những câu thơ còn đau suốt trăm năm Xanh sông núi và sáng ngời mặt ngọc Ơi tổ quốc ! Vẫn biết buồn không thôi thì chết Hồn thi ca chỉ biết có yêu thương Mang những câu thơ rỏ tự trong lòng Quyện đường đời góp gió Ai nỡ bạc khi mẹ còn nghèo khó Tuổi già nua không đủ sức nuôi con Dẫu đôi lần mẹ có lỡ lầm Non nước đảo chao, cửa nhà xô xát ? Hãy nhìn ! Hãy nhìn đi ! Kia vẫn cả non sông gấm vóc Đừng vô tâm cho hết thảy thành tro (Tôi viết bài thơ này từ nước Đức) Đất quê ta giàu thật, không phải chỉ trong mơ... Xin đừng hiểu: Cứ đến đất văn minh là văn minh tất cả ? Cảnh bèo xô làm méo mó con người Tiền của dễ nhìn hơn, dẫu đã tụt mấy lần lương tri phẩm giá Cứu nước non hay lại tội nước non rồi !? Xin bắt chước cha ông cất cao nhân nghĩa Chính phủ đi đầu cho non nước noi theo... (Tôi viết bài thơ này từ nước Đức) Khi tệ nạn đang tràn lan, trong vạn vạn chàng trai, cô gái quê nghèo. Tiền của dễ làm hơn Nhân cách trăm năm khôn lấy lại ? Đạo lý đã giàu đâu mà vương vãi lương tâm ? Hãy giữ lấy con: những chàng trai, cô gái Và hãy yêu như một thưở non hồng… Cái dáng thơ như gió quặn trong lòng Nhìn sông nước vẫn mênh mông bể sở Đi bán sức nuôi người đâu phải hội nước non ? Nước Đức * 1988 TRỞ VỀ Đôi cánh chim trời quạt gió mây Ta về non nước nước non đây Nghe thu xào xạc rung mùa lá Đông cũng hương đông, lạ chưa này ? Ở chốn quê nhà bụi cát bay Hoà bình mà tan mộng trăng say Ta về bầu bạn cùng mưa nắng Lưu lạc người ơi ! Gió cuốn thôi… Ta về trọn cuộc đất cố hương Với mộng ngàn thu gửi nhân gian Đông Âu bão giật xiêu Thành Mác (*) Bốn bể chân trời lạc khói sương. Berlin * Mùa đông 1990 (*) Thời kỳ đó Đông Đức tan rã, tiếp đến là nước Nga Xô viết cùng hàng loạt các nước XHCN ở Đông Âu bị sụp đổ.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 03.02.2020 17:32:23 bởi Nhân văn >
Gió đưa cành trúc la đà Nam mô… Tôi lậy cả Ba Tòa Quan Âm… THƠ ĐỜI * Trích trong các tập thơ: - In lần đầu, tập “Người đàn bà trắng”. Nxb Thanh niên 1994 - Hồ Xuân Hương tái lai, Nxb Văn hóa Thông tin 2012 - Phạm Ngọc Thái Chân dung nhà thơ lớn thời đại 2014 Và một số bài thơ mới CỬA QUÁN Bà chủ quán bước lên xe mô-đéc Đeo kính gọng vàng Những cô gái ngồi ở lan can Mặc toàn váy ngắn Mùa thu rơi… sau kính... Anh thi sĩ hoá thằng gù Nhà thờ Đức Bà Pa Ri ! LÀM MA EM VỢ Kính viếng hương hồn cụ Nguyễn Du Em kết liễu ! Tự giải thoát mình khỏi " kiếp" Chết thật hèn, nhưng sống thế càng ôi... Anh thắp cho em một nén nhang đời Và lễ tạ: Nam-mô-di-phật ! Người sống đưa chân người chết đây Đầu bạc làm ma mái xanh này Mẹ, cha... queo quắt còn ham thọ Em nhởn thanh xuân lại vội quay. Em ơi: chữ “kiếp” trước chữ “người” ! Sống cần cố gắng. Chết rồi thôi Hãy đi, yên nhé ! Coi hết nợ... (*) Anh ở vì chưng trả nợ đời. (*) Nàng Kiều trẫm mình trên dòng sông Tiền Đường muốn quyên sinh, nhưng lại được Giác Duyên vớt cứu. Theo thuyết bản mệnh của Phật giáo trong Kiều của Nguyễn Du: - Kiều chưa thể chết vì chưa trả hết nợ đời ! BÀ CHỦ QUÁN
Bà chủ quán giữa chiều sương nhạt tái Bước đến bên những người khách và tôi Trời ảo não bỗng nhiên bùng cháy Nàng hoá trung tâm của cả chiều này Món chả cá quán nàng nổi tiếng Nàng còn nổi tiếng hơn món chả cá kia Có bao khách sững sờ khi đến quán Cứ tiếc thầm, lúc họ phải chia ly ! Cổ ba ngấn trắng hơn làn tuyết Vòm ngực nàng gờn gợn sóng thu ba Ai bảo xế tà ?- Nàng đẹp hơn độ trước Thêm chuỗi dây chuyền vàng và chiếc váy thêu hoa Nghề kinh doanh là một công việc thiện Vẻ kiêu sa viên mãn đến với nàng Nâng trị giá bản thân: Hàm phẩm tước… Một nửa công tạo của trời, còn nửa bởi giàu sang Bà chủ quán bước ra ngoài đón khách Bóng nàng đi dẫm bẹp cả hoàng hôn NGỬA MẶT NGẮM MÂY TRÔI
Nhớ bài "Mộng uống rượu với Tàn Đà" của Huyền Trân Ngửa mặt ngắm những vì sao xa lắc Trời mênh mang tôi gọi: thế gian ơi ! Mây trôi, mây trôi, mây trôi, mây trôi Xin mời cụ Tản Đà chén rượu, uống cho vui ! Này cụ ạ: Kiếp sau, đừng làm thi sĩ nữa ! Tôi sẽ ra bờ sông kiếm chiếc cần câu cá Hay cái vó bè, thả lưới dưới trăng sao… Ừ nhỉ, nhưng không thơ hồn biết trú vào đâu ? Ngày xưa cụ nửa đời những muốn quên trần thế (1) Sống chán chường lên núi định tu tiên Chẳng thoát được đâu cụ ơi ? Cõi hồng trần đày đọa kiếp chúng sinh Thân thi sĩ mảng bèo trôi dâu bể Tôi thay bác Huyền Trân mời cụ thêm ly nữa (2) Ừ thì theo, làm thi sĩ cũng chẳng sao Hôm nay đời ca ngợi cụ bao nhiêu Khi xưa sống thì lận đà, lận đận Giờ tôi cũng bập bềnh như bọt biển Mai người có ca... đã chết còn đâu ? Ta uống đi ! Mời cụ, hãy cạn cả ly sầu Cho quên hết chuyện nhân tình thế thái Dẫu say rồi vẫn xin cụ uống thêm Uống chẳng vì ta, cũng chẳng phải vì chung Vì cái chi chi của…kiếp ? Nào, uống đi cụ ! Bởi càng tỉnh thì lòng càng xa xót Sống trên đời chẳng ai thoát được, cụ ơi ! Đêm 6.12.2010 (1) “Trần thế em nay chán nửa rồi!”: Câu thơ của Tản Đà. Thi sĩ Tản Đà có thời chán đời đã bỏ lên núi định tu tiên, nhưng rồi ông vẫn phải quay về cuộc sống ở cõi hồng trần, tiếp tục chịu cảnh đọa đầy. (2) Nhà thơ Trần Huyền Trân đã viết bài thơ “Mộng uống rượu với Tản Đà” nổi tiếng: Cụ hâm rượu nữa đi thôi Be này đã cạn hết rồi còn đâu ! Rồi lên ta uống với nhau Rót đau lòng ấy vào đau lòng này NGHĨ VỀ HÀ NỘI Hà Nội cứ suốt đời nghe lá rụng Những ngọn đèn ô cửa mùa đông Trái sấu nhỏ bàng hoàng như kỉ niệm Nước hồ xanh rêu bám kín Tháp Rùa Hà Nội cứ rầm rì trang tình tự Của những đôi trai gái bên bờ Tà áo trắng em bay một thời thiếu nữ Theo anh hoài tới tận lúc già nua Hà Nội mới mà như là cổ tích Phía nhà ga đoàn tầu đến rồi đi Những giọng nói lẫn vào lời gió thổi Ai trở về, và ai sắp chia ly ? Đêm tóc trắng lại nghĩ về Hà Nội Nằm thở dài, nhớ quá ! Bóng em xưa CẢM TÁC THU HÀ NỘI Có con thỏ trong vườn đang nhởn nhơ ăn cỏ Em bước qua vô tình cho phố ngẩn ngơ Cành sấu ngả bên đường lá lá bay lả tả Nửa xanh màu hạ nửa vàng thu Thu đến gợi chi lòng Mà mắt em ươm nụ Trái tim xin cứ ngủ bình yên Trong chiếc giỏ đa tình của chàng thi nhân đi lượm quả Con chim nhỏ ríu ran quanh tổ nhỏ Tôi níu chân nàng đi hay nhặt thu rơi Thu ơi, thu ! Hà Nội ơi, Hà Nội ! Cho tôi hôn theo môi em, người thiếu nữ xa vời
<bài viết được chỉnh sửa lúc 04.02.2020 20:20:15 bởi Nhân văn >
NHỚ VỀ CÔ GIÁO CŨ Kính tặng cô giáo chủ nhiệm Đinh Thị Kim Thanh Xóm chiến tranh... thời thơ sơ tán học Lớp cũng là một mái nhà gianh Sân trăng sáng như lòng cô đằm thắm Soi vào em bao nỗi ân tình Nhớ thuở ấy em còn trẻ quá ! Tuổi hồn nhiên qua trang vở học trò Như người mẹ hiền từ cô dìu dắt Ở cái làng Cầu Ấu (*) đã xa xưa Sông bến đưa đò, cô chèo giữa nắng mưa Lớp lớp quá giang, chúng em đi biền biệt Có những phút quay lặng nhìn, lòng thổn thức Kỷ niệm về như bày sáo lang thang Gió vẫn đang reo trên đồi thông Mỏ Thổ (*) Sông Máng (*) trong xanh, nước chảy qua cầu Năm mươi năm trôi… tóc cô đã bạc Tóc em giờ bóng hạc cũng vờn nhau Biết tin cô, thôi không còn lên lớp nữa Đánh tan giặc về, em làm một nhà thơ Sương trên mái tóc cô, rơi xuống đầu em hoá lệ Và đời người, cô ạ ! Ngỡ cơn mơ... 2016 (*) Những địa danh ở Bắc Giang - Thời còn chiến tranh phá hoại bởi không quân Mỹ, chúng tôi đã đến sơ tán để học. TRƯỚC NÚI MỸ NHÂN (1)
Núi Mỹ Nhân nằm giữa biển Nha Trang, gần Hòn Chồng. Truyền kể: Nàng Mỹ Nhân nằm ở đó nhiều năm tháng, chung thuỷ chờ chồng. Chồng nàng là một tướng cướp trẻ , dẫn theo một đạo quân cướp bể. Thuyền bè của họ bị bão biển đánh đắm, đi đã không về. Nay vẫn còn bãi đá ven bờ sát Hòn Chồng làm di tích. Bờ Hòn Chồng, quán gió, một trưa chiều Anh đứng dưới bóng dừa xứ sở Nghe cả biển, tình yêu và đời vỗ... Nhúm cỏ lòng xé rách bụi thơ bay Em nằm đây, em hỡi ! Em nằm đây Làm núi đợi ngàn năm cùng với bể Tình yêu vỗ muôn đời trong sóng vỗ Không vấn vương bụi bặm cõi trần đời Cho anh hôn lên đôi vú đá tơi bời Dầm dãi nắng mưa, ru em trong giấc ngủ Xin lỗi những mảng đời ta đang có Đôi lúc thèm được bám rêu xanh Gió hút Hòn Chồng, bể sóng mênh mông Ta, con chim đã trúng bao vết đạn Dừng chân nghỉ bên bờ xanh hữu hạn Chốn vô cùng, ta muốn hỏi Mỹ Nhân ? Bóng nàng nằm trơ mãi cái nước non Lòng nguyệt tỏ tháng năm mòn đá sỏi Niềm vĩ đại lại vô cùng man dại Cây-thánh-giá-cuộc-đời anh đặt dưới chân em ! Nếu có thể sống chung đầu bạc răng long Anh nguyện với nàng cả đời vui thú Hồ yêu tinh và đàn bà nơi trần thế Vừa là tiên vừa là quỉ, nàng ơi ! Cô gái bán hàng trong quán gió chơi vơi Cứ nhìn khách đôi mắt tròn đen láy Đã kể tôi nghe chuyện về nàng Mỹ Nhân thuở ấy ! Nghe trong chiều gió cuốn, bụi đường bay... TRƯỚC NÚI MỸ NHÂN (2) Em nằm trong tiếng sóng vỗ bao la Làm núi đợi ! Lặng im cùng năm tháng Tình yêu ấy hoá tượng thần trong trắng Khi thế giới ta thay đổi đủ sắc màu Bóng em nằm vời vợi cao siêu Chối bỏ hư danh và không tính toán ! Thiên thai ấy - Cuộc sống xô bồ này Đâu là lẽ sống ? Máu trong người với đá, thứ nào hơn ? Em là cái đích cuối cùng, ta hướng đến triệu năm Triệu năm nữa chắc chỉ là ảo ảnh Tình yêu văn minh: gia tốc hợp, gia tốc tan... Đỉnh núi Mỹ Nhân ơi Ta quấn lên đầu nàng thêm một vành khăn trắng ! Ta từng yêu em ta cả tâm hồn bão loạn Để cuối cùng thân số vẫn cô đơn ! Ta từng say bằng thứ rượu whisky choáng váng Tỉnh lại rồi xin quì gối trước sơ nguyên Ta đã yêu em cả trong phản bội Với tình yêu không thể gì đánh đổi Vì trần đời là thế, nàng ơi ! Chỉ có mỗi trái tim Vừa hoá đá cho thơ, ta vừa phải làm Người ! EM BÁN XOÀI - Anh trai mua xoài cho em đi ? Nha Trang ! Ta nhớ Nha Trang ! Em bán xoài đi đêm trên cát trắng Bãi biển chập chờn kiếp đời... các cô gái lang thang Dưới hàng dừa se sẽ gió ru êm Dãy cột đèn đứng đêm côi lạnh Xoài em chín. Đêm tàn canh em đón khách… Giọt thơ buồn như ngọc sương rơi Em bán xoài thơm ! Em bán xoài thơm ! Biển to lớn. Bóng em nhỏ thẫm. Linh hồn treo ngoài thế giới em đi Trên những cành dừa hay trong đám mây qua ? Thế giới em đi “vòng thiên la địa võng“ Tóc còn xanh em bán kiếp đời trôi Xoài em thơm, hương toả mát thân người Ai mua xoài ? Còn ai có mua em ? Các cô gái đi đêm như các cột đèn Bóng nuốt lẫn vào bờ cát ấy... Biển ru ta và ta ru em Dưới hàng dừa xứ sở gió ngàn năm CÔ ĐƠN Vứt ta lên chiếc giường phủ những nệm, chăn, màn... làm bằng những tế bào đói khát Ta không đói khát tình em Mà đói khát con người ? Cuộc sống trên đời: Phá huỷ đi bao nhiêu linh hồn ngọc ngà, nguyên thuỷ Hoá ta khi ngư ông, lúc lại như đứa mồ côi Một thứ ma người, quen hút khí đêm thay cho sữa mẹ Chơi với hoa, với cá, với chim Ta không muốn mượn rượu men, để quên đi tất cả Bởi trong lồng ngực kia, vẫn còn nguyên một trái tim hồng ! Ta yêu những chiều lá rụng quê hương Đắm đuối hoàng hôn đỏ Ở đó, ta nhận ra sự tồn tại mỗi ngày Hồn ta còn đương say Trái tim ta mềm lắm Đêm nhìn trời ta khao khát bóng trăng soi Hãy vứt ta lên chiếc giường phủ những nệm, chăn, màn... làm bằng những tế bào đói khát Ta không đói khát tình em Mà đói khát con người ? ĐÊM KHÔNG NGỦ
Đêm không ngủ, không buồn Thành phố mùa đông quét lá Thành phố của những ổ chim Âm ỉ hót phù du... Những con chim đã phải đeo kính trắng, lớn hơn "số không" Tối tối ra đường Nhặt những hạt sấu, cánh hoa lơ đãng Bước đi như không có chuyện gì ? Đêm không ngủ... Thành phố không mưa, cũng không nghe ai khóc Nhưng tiếng quét rất bé của lá Con chim nghe rõ nhất ! Loài chim đó bay trên thành quách Giữa tầng cao hát khúc đời thường Dẫu trầm luân trong bụi cát, vẫn coi thường Không tơ luỵ vua quan, không lệ làng thời cuộc Đêm không ngủ ! Phải, đêm nay mình không ngủ ! Đúng vào đêm sụp đổ giữa cộng đồng Chủ nghĩa Marx hết thời. CNXH cũng suy vong. (*) Đông xuân 1990-1991 (*) Cuối năm 1990, vào đúng cái đêm mà bức tường Berlin bị đạp đổ. MÙA THU VỚI NÀNG THƠ Anh nằm xuống dưới chân em thiếp ngủ Ngọn cỏ thầm hứng gió mùa thu Vái ma quỉ, nàng thơ thần diệu quá ! Ta đã yêu em suốt cuộc đời mơ... Kia, lá vàng rơi xuống đầu ta đã thẫm Và mặt trăng và bão tố tơi bời Ta là bóng cả bình minh cùng bóng tối Sống giữa đời hồn vẫn chơi vơi Em tai quái mà dị phàm quá đỗi Giết chồng như giết đười ươi Chôn xác tình nhân như rận rệp bấu trên người Các nhà thơ đừng mạo muội Biết riêng ai, sẽ đến lượt mỗi người ? Anh là chàng thi sĩ ru em Khi ôm ấp, khi vui cùng trăng gió Mùa thu ơi, lòng ta da diết quá ! Văng vẳng bên chùa tiếng chuông ngân... NGUYỆT CỦA CHỊ HẰNG
VÀ NGUYỆT CỦA EM Nguyệt của chị Hằng giống nguyệt em không nhỉ ? Kỷ niệm dưới hàng cây lá đổ Nhớ không em bao đêm Ta đã cùng nhau trong trăng… Đêm động tình... nguyệt em hoá mênh mang Khi vơ vẩn giống vầng trăng khuyết Lúc buồn đau lại khép nguyệt vào trong Và thế giới sẽ chỉ là cái bóng Với những hồn ma vất vưởng chơi vơi Nếu như em không có nguyệt Thì loài người cần gì tổng thống nữa, em ơi ! Nguyệt em mở ra một hang động tuyệt vời ! Ta bất chấp hiểm nguy lao vào đó Dù buổi mát trời hay đầy mưa gió Nguyệt em là ánh sáng để ta soi...
<bài viết được chỉnh sửa lúc 04.02.2020 20:25:35 bởi Nhân văn >
ĐI TRONG PHỐ ĐÊM Đã trôi vào dĩ vãng rồi em Còn đâu những tối yêu hẹn hò tình tứ Những đêm không chiếu, không màn thời thiếu nữ Phố vẫn đây mà anh mất em. Sống giữa phố phường cứ ngỡ hư không Đêm trăng trống trênh, hàng cây xao xác Trái tim anh vết thương tình tan nát Tháng năm trôi, cuộc sống phai tàn Thế thái đổi thay: Tuyên ngôn và chủ nghĩa Em là bản tuyên ngôn cao nhất của nhân sinh ! Phố anh đi lấp lóa ánh đèn Nhìn thế sự cả chính tà đang diễn… Tình yêu em ! Điểm tựa để linh hồn anh vịn Không em rồi, anh biết níu đâu đây ? Marx hoang tưởng ư ? Xô-viết Nga sụp lâu rồi ! Em có thấy, Việt Nam ta cũng đang rắc rối Tiếng chuông điện Kremlin giờ nghe như mõ ấy Tình bơ vơ nên anh cũng bơ vơ… ĐÊM TRĂNG HÈ
Đêm trăng sáng nhớ bạn làng Ở mái nhà buông lẩn khói sương Lá tre rụng đầy theo lối ngõ Cảnh khuya đang xào xạc quanh thôn Người đứng trong trăng, nơi thành phố Bóng đa chùa... nghe gió khẽ reo reo Không còn nhớ cả hoàng hôn tím, đỏ Hứng từng dòng nguyệt rỏ, uống cô liêu ! Trăng, trăng sáng và bạn làng nơi thôn dã Vỡ xác hè, tuế tuế trăng ! NHÌN XUÂN THƯƠNG VỢ Xuân ngẩn ngơ rơi xuống mái nhà Chim bay bay mãi cõi bao la Vợ ơi ! Ngày tháng lo kiếm chợ Anh cười ra lệ, chép vào thơ EM BÉ CẦU BƠ
Tối ba mươi… Lò than phở đã nguội rồi Em bé cầu bơ không nơi ngồi sưởi ấm Đêm giao thừa… Người chúc nhau nhiều may mắn Dưới gốc cây già, một bóng nhỏ nhuộm màu đen THÊM YÊU THÀNH PHỐ QUÊ MÌNH
KHI ĐÃ VÀO ĐÊM Những chiều tắt sương đầm trên phố Hàng cây ru ngủ đám chim muông Anh không còn cùng em như dạo đó Tiếng hồ xưa buồn than thở trong đêm Khắp nẻo đường vương vào bóng tối Hương khuya lan toả cõi trời xa Nhớ dáng em vẫn khỏa mình, nằm lộng lẫy Như làn mây nõn nà, cởi xiêm áo bên ta Ôi, cuộc tình ! Cuộc tình, sao nhớ thế ! Ta không còn trẻ như thuở vẫn ru em Thân thiết cả tiếng chuông chùa trong chiều gió Tiếng nam-mô lại êm dịu tâm hồn Vẫn thấy em thường về trong bóng lá Tấm thân mềm thiếu nữ hoá vô biên Anh vuốt ve cả mái tóc nàng và trái cấm Thêm yêu thành phố quê mình, khi đã vào đêm... ĐÊM THU TRẮNG
Đêm thu trắng… người đi trong sương trắng Quán bên hồ em gái đến loạn trăng Ánh mắt em ươm chùm hoa cúc thơm Đôi môi ướp các nụ hôn, còn thắm đỏ Những cám dỗ vỡ oà ra thân thể Để cả gió xô làn mây ngổn ngang Dưới làn da mịn mát tơ giăng Những nơ-ron tình yêu, dòng điện cháy Và như thể chúng rùng rùng chuyển động Mang cả đàn bướm cái bay ra… Lậy trời đất ! Cám ơn tạo hoá ! Giọt ái tình không đặt chỗ nghiêm trang Người đã sinh ra những lòng tham Giữa thiên nhiên trinh bạch. Đêm thu không lá vàng Quán bên hồ anh muốn cấu trái cấm em... ĐÊM THU SƯƠNG
Trăng đi chếch về phía dòng sông vắng Tiếng con chim bay ngang, cắn vào khoảng xanh trong Đêm thu sương... trăng không vàng mà bạc Gió khuya khoắt men hàng phố thức Với mấy người quét rác, quét trong đêm Những ngôi nhà chẳng biết có bình yên ? Đêm thì hoang - Sông cách sông Lá liễu em đong khắp thân em Mắt em như liễu ngang cành liễu Máu chảy đầy trăng, em biết không ? VIẾT DƯỚI CHÂN ĐÀI HOÀN VŨ
Đời cũng nhẹ như là mây dạt Lo miếng cơm làm việc trần gian Tôi tiễn ông lên giàn hoả táng Ngọn khói kia để nói gì chăng? Làn lửa đỏ liếm ông vào cõi thế... Thời gian chưa tắt một tàn nhang Mặt ông trắng, chòm râu ông cước trắng Còn đó đây một nắm tro tàn Đời chỉ thế có gì quan trọng Đừng cao siêu cũng đừng quá coi xoàng Mai ta chết, các bạn bè thân hữu Bọc thiên nhiên mà đọc điếu văn Đại bàng vỗ… cánh rợp trời mưa gió Trong không gian vào mãi xứ vô biên VIẾT SAU ĐÁM XE TANG Đừng ai khóc khi đưa ta tới đó ! Ta muốn nghe tiếng người cười, theo tiễn một vong linh Nhớ vứt cho ta thêm nắm cỏ xanh Những đêm mát, ta còn ngắm trăng thanh, nghe gió thoảng Đời thi sĩ có nằm trong đất lạnh Hương hồn ta vẫn hoà ngát hồn hoa A ha ! Này trời cao với đất bao la Ta đã xây cho ta một tượng đài ngút ngát Ngồi suy ngẫm đôi ba thế sự Cuộc cờ người bên thắng bên thua Ván bài kia tuy kết hôm qua Hôm sau đã thấy bàn cờ mới Cuộc cờ ấy theo thời như hội Vàng, đỏ, trắng, đen... thay sắc luân hồi Từ anh nhà thơ tới đứa ăn mày Mấy ai tránh nổi trò sấp ngửa ? Hồn thanh tịnh ta vào trong trăng gió (dẫu chút lòng trắc ẩn chửa hết tan) Nhớ vứt cho ta thêm nắm cỏ xanh Những đêm mát, ta còn ngắm trăng thanh, nghe gió thổi Và nghe tiếng của lá vàng rơi trên mộ... CHẾT CŨNG CHỈ NHƯ GIẤC NGỦ
Không than vãn, lòng chẳng hề hối tiếc Nắm tro tàn. Thôi thế, đã là xong ! Cũng chỉ như giấc ngủ mơ màng Đời sống vậy, đủ rồi ! Em yêu mến Nghiệp đã làm xong, chẳng còn chi vương vấn Tình cũng tàn, năm tháng kiếp phôi pha Thì em ơi ! Ta nằm xuống dưới mồ Thanh thản chết, có gì đâu phải nghĩ ? Hồn thi sĩ… xin mang thơ gửi đời làm tri kỷ Chốn trần gian sẽ ngợp áng thơ ta Chỉ chia tay, có thân xác thôi mà Tình yêu ta còn muôn đời bất tử ! Cõi thế gian: Âu cũng kiếp đoạ đầy phận số Tiếc làm chi ? Sống mãi chỉ mệt thân Mãn nguyện rồi, cần chi nữa phân vân Ta nằm xuống hoá mình vào “kinh thánh” ! Ta đã yêu em suốt đời trong hư ảnh Dù có thời cũng sung sướng, đê mê Nhưng tình em khác gì những chiếc lá bay kia Để năm tháng dài, ta hoang ru nơi bến lạnh "Tình và tiền" ! Tiếng nói đó làm trái tim đàn bà hưng phấn Phụ nữ cả thế giới này, họ quí như nhau… Nhưng nếu ít tiền, tình cũng hóa cô liêu ! Giọt lệ thi nhân, Anh rỏ lên những trang thơ đời, làm liều thuốc ngủ.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 04.02.2020 20:31:05 bởi Nhân văn >
CHÁU NHỎ TRÊN VỈA HÈ HÀ NỘI
Trời mùa hè xanh ve, gió thổi Quán xá đầy cả bên đường rộn kẻ bán, người mua Không khí thị trường, tàu xe inh ỏi Mấy bà, cô phấn khởi đi - về... Nhếch nhác bờ hè, cháu bé ăn xin Cháu ngửa chiếc bát nhựa xanh in màu da trời Xin cô hàng bún Bị người ta đuổi ! Da cháu xanh vòi vọi Sợ hãi cháu lùi, mắt xanh leo... Tuổi xanh ơi ! Cháu mới bao nhiêu Sao nhiều màu xanh thế ? Người thành phố vẫn chào nhau vui vẻ Hà Nội vẫn xanh, gió thổi rì rào Trong cát bụi bờ hè, bóng hình con trẻ Bước xa dần đôi ống chân gầy lao... TỈNH - SAY
Ta đi ngất ngưởng giữa đất này Chẳng ra kẻ tỉnh lẫn người say Tỉnh nhiều, điên mất !? Thôi thì nửa Vì muốn yêu người mới phải say… Nhà ở ngay bên đền Quán Thánh Gốc đa kề sát đồn công an Trộm cắp, du côn… lo giữ phận ! Cốc ! Cốc ! Ngày đêm mõ chùa vang Say mà hơn tỉnh nhìn thế sự Tỉnh hoá thằng say, cõi thế gian. VỀ NƠI CU CUỘI
Về nơi cu cuội vẫn ngồi Để xem Hằng ở trên trời hở mông Thỉnh thoảng tiếng chuông chùa ngân Nam mô di phật… nửa trần, nửa tiên ? Trần vì tớ cũng thịt xương Vẫn còn ham hố, tí ti tiền vẫn ham Tiên vì coi chuyện cõi trần Nửa tuồng cổ, nửa tuồng tân, nửa chèo Lo xong cơm áo đều đều Lại về dưới bóng xanh rêu tớ ngồi Nửa mắt tớ để nhìn đời Nửa tai tớ để nghe lời... sáo ru Chẳng kinh kệ, cũng thân tu Nửa hồn lãng tử lu bù làm thơ Nửa trái tim kính gốc đa Còn nửa ngã bẩy, ngã ba giống loài... Thương người nửa khóc, nửa cười Không yêu, phải tội ! Yêu rồi, hoá điên… TIẾNG ẾCH (*) Đêm nghe tiếng ếch vọng đền sang Mấy đám mây đàn bay lang thang Nguyệt cũng cười tình đi tứ xứ Sân nhà có kẻ đứng trông trăng Đêm nghe ếch trầm trầm hồ nước Buồn như con trống cô đơn ! Tóc ai vương trong gió êm đềm Tình năm ấy, em về quyến luyến Em đến để làm sông làm sóng Để cuộc đời đang vắng bỗng phi lao Với đôi hồn ong bướm xôn xao Hoá mây trắng trôi mãi vào vô định Em đã đi ! Rất xa, không thể nào cứu vãn Anh nhặt lên đôi mảnh vỡ hoang tàn Cái tiếng ếch lẫn vùi vào bụi cát Giọt thơ lòng... Anh xoã tóc... Áp môi hôn... (*) Đêm mưa gió... cái tiếng ếch vọng sang từ đền Quán Thánh, bên kia hồ Tây... nghe thật não nùng. Trên đầu bóng nguyệt trôi nhàn nhạt. Đêm hoang xơ. Em lại về với tôi: Mái tóc em bay, tình em quyến luyến... giữa một đống tro tàn, đổ nát cuộc đời. Hồn mây trắng tôi trôi mãi vào nơi vô định. KIẾP THI NHÂN
Ngồi trong phố mà như giữa đồng hoang Những trò đời gõ xung quanh loạn nhịp Gió đìu hiu, cõi lòng u tịch Hội nhà văn cũng chỉ ga-la cười Nhà thơ, nhà văn Giờ nhiều tác phẩm thường, nhưng khá giỏi buôn đời Ta lại thả hồn vào trong cõi mộng Để ru lòng, những phút giây xao động Mơ bóng tình nhân trên thảm biếc, sao rơi Đêm nay nhớ và bao đêm nữa Mặt trời mọc hay vầng trăng sáng tỏ Tháng ngày trôi... cứ thế, đời trôi… Hồn hoá mây bay, du ngoạn khắp bầu trời Trái tim hoá sóng reo bên hồ gió Người vừa có lại vừa như không có Nén nhang chùa, ta cúng kiếp thi nhân ! TA VÀ LỊCH SỬ Lịch sử mở ra… ta vào lịch sử… Lịch sử và ta. Ta, lịch sử tên đồng Hồn ta đó, khắp không trung lồng lộng Giữa loài người sẽ có tiếng ta chung Ta ! Thi nhân mọi thời đại muôn năm Vụt bay lên thu gom vũ trụ Dòng thơ ta huyền bí lòng bể cả Dạt giông mưa qua các ngọn núi đồi Còn thi ca, ta còn sống muôn đời Vừa tựa cỏ, thơm loài hoa nở Kẻ nào cười ? sẽ im thôi Những ai muốn chặn đường ta, hãy rõ: Thi nhân vào đền thắp hương đây… Tôi ngủ đây… ơi dân gian… Trong gian phòng nhỏ yên, khói phủ mây bay Dẫu chẳng thể nào quên cho hết, chuyện đời này. THÔN NỮ TẮM DƯỚI TRĂNG Em để truồng “luân lý” tắm trong ao Thế giới vỗ bạch bì, giang háng hạc Nguyệt ở trên, soi nguyệt nằm dưới nước Thiên tạo rành rành, Nhân sướng sao... Một đêm trăng ven Đô ĐÊM NGHE TIẾNG CHUỘT RÚC Đêm yên ắng, chỉ vài con chuột rúc Bóng đa xanh như trúc, ngủ sân chùa Trăng lăn lóc trên thềm, côi cút Sư trầm mình lẻ chiếc niệm nam-mô ! Con nợ tối nay, vừa đòi tiền tháng Mình muốn trốn lên chùa, vợ kéo áo đung đưa Đời đã khốn nạn chưa ? ĐÊM TRUNG THU VÀ ĐỨA ĂN MÀY
Trước đứa ăn mày, tất cả chúng ta Hoá Thánh !? Nó đói lòng, cúi lậy rất từ bi Đêm trung thu, đèn hoa giăng sáng Không che nổi cái bóng gầy đi… của đứa ăn mày Nó còn địu một bé em còm cõi Ăn mày từ thuở khai sinh ! Hai đứa ăn mày, mặt lạnh như trăng Hoà phối cảnh vào bức tranh xứ sở… Tôi đang đắm hồn say, tìm thi tứ Gặp cảnh tình, lòng bỗng rối ren Biết trên đời còn lắm nỗi thương tâm Cố trốn quên, cũng không trốn nổi ! Dưới gầm trời này, có phải đã muôn năm như vậy: - Kẻ cần cơm bên những đứa cần vàng... - Lũ cần tình thương, sống lẫn giống bạo tàn... Và gộp lại, gọi chung là Nhân Thế ! Con chim thơ ngửa cổ lên trời cao, để Hót chơi hay là vứt bút đi ? CÂY LIỄU TRONG SƯƠNG MAI Dáng gầy và tóc xoã Cây liễu trong sương mai Ồ, mùa xuân đấy nhỉ ? Ta viết bài thơ chơi Sáng nay sương bồng bềnh Tựa một con thuyền trắng Thiếu nữ cười say đắm Ngực tròn căng, mông mênh Cô em ca sĩ trẻ xinh ghê ! (dù chỉ nhìn em trên ti vi) Ước chi thượng đế cho không nhỉ Để được cùng ai đó cặp kè Cuộc sống người ơi có vui, buồn Cứ yêu hết thảy sẽ như tiên Lại đây một chút cùng xuân ấm Để ướp lòng ta với nhài, sen Anh lại nhìn sang phía Tháp Rùa Soi vào sử sách, bóng ngàn xưa Nếu như không có em và liễu Chắc hẳn hồn anh cũng cứng đơ Anh tưới thơ anh xuống thảm đời Hồn anh dong duổi áng mây trôi Tình anh xem tựa hoa trên núi Bảng lảng vờn quanh các em thôi Hôm nay anh sống chẳng thiếu thơ Nhìn xem thiên hạ, quá ơ hờ ! Than ôi, cái kiếp đời thi sĩ Có khác gì đâu nắm bọt chua ? Liễu kia đưa đẩy trong sương trắng Gọi tạt qua đường một tí thơ
<bài viết được chỉnh sửa lúc 04.02.2020 20:36:06 bởi Nhân văn >
THIÊN TÀI KHÔNG BẰNG
THẰNG THẦY CÚNG
Ta không bằng thằng thầy cúng, kiếm bạc tiền như nước Người vo ve quanh hắn, chẳng ít ruồi bâu Đến vợ con ta, cũng lụy đôi điều Tiền bạc chi phối phẩm giá nhân tình, xoay cuộc sống Ta ngửa mặt lên trời than… - Hỡi thượng đế, Người trên đỉnh cao mây thắm Giấc mộng thiên tài chua chát lắm, người ơi ! Giá ta phải trả cuộc đời, với bao nỗi đầy vơi Xa xót linh hồn… trái tim rỏ máu… Nếu như kiếp này đời không thấu Mai sau… người thắp nén hương thơm Xin nhớ ! Thi nhân đã nếm không ít phần khốn nạn Đôi lúc tinh thần danh giá ta, thằng thày cúng cũng có thể dẫm đạp lên ? ĐÊM XUÂN
RU ĐỜI VỚI CÁC BẬC XƯA Cuộc sống trôi qua, người đời vận động Xã hội thăng trầm… khi chừng mực, lúc đảo điên Cái sân khấu cuộc đời khép, mở Đã về già mà đâu có được yên ? Có thể thế, nên lẽ sống lại trở thành có lý ! Buồn cũng nhiều, nhưng vẫn hữu tình thay Như cái sân khấu ngoài trời, ở phường Quán Thánh ta đây ! Đêm xuân nay có ca nhạc, dân tình túa đến xem, vui đáo để… (1) Ta ngồi trong bóng lặng, ngắm mảnh trăng trời cô lẻ Về với tình Nguyễn Khuyến giữa đêm câu (2) Ru hồn vào cõi thơ mộng ảo Nhưng đêm xuân này, mình chẳng muốn viết thơ yêu ! Lòng càng hiểu tâm trạng bà Xuân Hương, bác Tản Đà thuở trước Nỗi buồn Nguyễn Du, đeo đẳng cả kiếp người Thôi cụ ạ ! Thời thế nào cũng đều thế cả Chỉ khi chết đi… ta mới hết nợ đời ! (3) Đêm xuân Tân Mão, 2011 (1) Ngày tết ở phường Quán Thánh dựng rạp ngay ngã tư phố, tổ chức ca nhạc vui xuân. Khách bốn phương đi ngang qua, cùng bà con khối phố… túa đến xem đông nghịt cả đường. (2) Bài thơ “Điếu thu “ của Nguyễn Khuyến: Ao thu lạnh lẽo nước nước trong veo Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo… (3) Theo thuyết bản mệnh của kinh Phật trong thơ Nguyễn Du: Người ta chỉ chết đi mới hết nợ đời ! Nên nàng Kiều đã nhảy xuống sông Tiền Đường muốn quyên sinh mà không chết, đã được Giác Duyên vớt cứu: Nàng chưa thể chết, vì chưa trả hết nợ kiếp người ! KHÚC XUÂN TUỔI BẢY MƯƠI Ta đi trong xuân đời ta và xuân ngoài vũ trụ Nơi cát bụi cuộc đời, hoa những nở đầy hương Bảy mươi tuổi, già chưa nhỉ ? Qua bể khổ trầm luân, đã hé cửa thiên đường Ta vừa sống giữa đất trời, vừa nhập thân trong màn kịch Thông minh không kém đời mà lại vào vai kẻ điếc, câm Cứ giả bộ hề tuồng cho dễ sống Nuốt nước mắt mình đi, như uống nước chè đường Bảy mươi xuân trôi... Cũng nhanh như bóng câu qua vậy Già với con nhưng trẻ chốn dân gian Ta hoá chớp, hoá mây mưa thế kỉ Cả trời thi ca đã toả giữa dương trần Ôi, bài thơ ta khai bút đầu năm Nhìn ngợp cánh hoa bay, sao tim mình còn rớm máu ? Chỉ lặng lẽ cười Hàn lại những vết đau, trong vai diễn hề tuồng trên sân khấu Bảy mươi tuổi rồi, vẫn chửa già đâu… Đi giữa mùa xuân, đã thấy vĩnh cửu ở trên đầu Cõi Phật rước ta về đất thánh Để lại nhân gian hồn thơ ngợp ánh Ta bay... ta bay trong xa xanh... Khép lại được chưa ? Cái màn kịch cuộc đời, ta từng sống tháng năm Hỡi thế gian ! Sao nặng nề số kiếp Cũng đi sắp hết đường mình cần bước Trước khi vùi xác xuống mồ, ta muốn khóc để mừng xuân… Xuân Mậu Tuất, 2018 TRÊN NẤM MỒ TRUYỀN THUYẾT Rồi một ngày mai ta sẽ chết Trầm thơm loài hoa thảo lạ Cỏ lên xanh và gió sẽ reo Trong nấm mồ hương khói, có gì đâu Ta đã sống phần đời sau chót Trong ngôi nhà ẩn khuất bóng nhân gian Một cuộc sống bình thường bầu bạn Nửa trăng hồ, nửa gã hiền nhân Rồi một ngày mai ta sẽ chết Như là chiếc lá vậy thôi Gió sẽ hót trên nấm mồ truyền thuyết: Rằng, có một thi nhân Thánh Phật rước đi rồi ! NHỮNG CÂU THƠ VƯƠNG RƠI Ta giết thời gian bằng thơ Hồn bay vào mây gió Tháng năm trôi… nối tiếp tháng năm trôi… Ừ, cứ viết ! Ta nhặt ngọc ra từ trong đổ nát Trải tình lên trang giấy trắng cuộc đời Yêu rất nhiều… kiếp sống vẫn đơn côi… Ta gieo em khắp trời, khắp đất Với trái tim người thi sĩ lang thang Rồi một ngày, thân đã vùi xuống đất Những tình thơ ta viết, sẽ ca vang Bác xích lô trên đường phố kia ơi ! Và cô bán hoa tươi đang mời trong chợ… Cánh cửa tâm hồn tôi hoang gió Người sống ở hôm nay, tôi sống cõi hư vô Ta hạnh phúc hay là người hạnh phúc ? Chủ nghĩa kia cũng chỉ một bàn cờ… Dẫu thơ ta gieo, không đổi thành cơm áo Nhưng linh hồn còn có chỗ để mà mơ. Ta nhìn lá cây bay, giữa trời cao nghe gió Ngắm cát bụi trôi trong cuộc sống xô bồ Trái tim lại lang thang như một người hành khất Nhặt mấy câu vương rơi, thấm máu của hồn thơ... NGÔI MIẾU TRÊN VỆ ĐƯỜNG Con chim tình đã bay đi Không còn kêu xé trời, xé đất Khắp không gian bỗng trở nên tươi mát Tâm hồn ta thanh thoát lại. Điềm nhiên … Không cần ái tình nữa, hỡi thế nhân ! Hãy chôn hình hài em, nơi nấm mồ dĩ vãng Cho lòng say với non xanh, biển nắng Cùng mây mưa, giông bão ngập tim ta Một ngày mai giữa thế giới bao la Ta về bên các thi nhân của quê hương, xứ sở Làm ngôi miếu trên vệ đường vắng vẻ Người qua còn tưởng nhớ, ghé vào thăm Kẻ yêu thương… thắp cho mấy nén nhang Thế cũng đủ sưởi ấm lòng côi lạnh Cõi trần ai suốt đời trong hiu quạnh Không tình, không cả bóng tri âm Viết vài lời để lại thế gian Rồi sau đây, khuất kiếp người cát bụi Ta không tiếc, không cần sám hối Sống một đời cũng đã thỏa chữ NHÂN ! XEM TRANH BÁN LOÃ THỂ Tưởng nhớ bài thơ "Tranh loã thể" nổi tiếng của thi nhân Bích Khê Nàng để hở một vòm trời tuyệt mỹ Thế giới là đây ! Cuộc sống là đây ! Nàng gieo hoa và ý nghĩa loài người Nhưng cũng đẻ cả chiến tranh và hoà bình, ra từ trong bụng Lui xuống dưới nàng một rừng sâu um tùm, che hang động Lên trên nàng, đôi mỏm núi trắng vô biên Thân thể nàng tràn đầy hương nhụy phấn Thiếu nữ mặc hở quần: Hơn bao lời hoa mĩ phát ngôn ! Em như gió trăng mà rung động cả vua chúa, thánh thần Cuộc sống cần em ! Đâu có cần chiến tranh và bom nguyên tử ? Khi em cởi ra nhiều: điểm báo thế giới, càng hiện đại văn minh (*) Nhưng điều đáng đớn đau: Là tính nhân loại… Con người ngày càng nhiều dã tâm, gây tội ác !? (**) (*) Thế giới càng hiện đại văn minh, thì khuynh hướng triển lãm thân thể của các thiếu nữ càng phát triển, tới mức gần như cởi truồng. (**) Nhà văn Nga Ai-Ma-Tốp đã cảnh báo, trong tác phẩm "Đoạn đầu đài" nổi tiếng của ông rằng: Thế giới, cái ác vẫn lấn át cái thiện… và con người hiện đại, còn ác hơn con sói ! KHÓC HÀN MẶC TỬ
Tôi khóc Tử, khóc hào quang, khóc huyết Khóc gió mưa, cây cỏ đến chân trời Khóc tạo hoá: từ thiên và địa Rồi khóc người ! Đời - con tạo quay chơi... Hàn Mặc Tử ơi ! Ớí, Tử ơi ! Sống chơi vơi cũng giống người Khác chi là con chim cánh lá Giọt thơ này hoà lệ máu tôi rơi ! Nơi Tử nằm trong mồ hoa thơm nở Đầu Tử gối lên sườn sóng gió Với sao sương… vằng vặc trăng ngàn năm Nỗi đau đè nặng cõi dân gian Hỡi biển Đông, núi cao Gành Ráng ! Thơ của Tử mai sau còn sáng láng Sóng nước non non nước vỗ ngày đêm Quạnh hiu buồn rờn rợn bóng thi nhân ! Ngồi đọc Tử tim vỡ toang máu đỏ Tôi khóc biển, khóc trời xanh, khóc gió Chúa ở đâu ? Thượng đế có trên đời ? Người Thơ Xưa hoá chốn nao rồi ? Thì tham vọng vinh quang… ai chẳng muốn Ngu cũng buồn ! Tài lại lắm tai ương ? Giữa đời nhiều khi phải cười nhăn răng mà sống Thương nhau để mặc lệ rơi tuôn ! Tử dù đau nỗi đau ngang bể Nhưng đã có bao người khóc Tử Suy cho cùng: tuyệt đến thế thì thôi, Trên này nhiều chuyện lắm, Tử ơi ! Rót mắt thành thơ… khóc Tử lại khóc đời Chúng tôi đang quần cuộc sống... Có khi phải tập nén mình như bánh nén Thỉnh thoảng cũng thương nhau, phần lớn chỉ đấu tranh Niềm sướng đau… khôn dại, dại khôn… Em gái - Nhà thơ - Nhà chính khách Tuốt tuồn tuột mấy ai không bất trắc Buồn làm chi ! Đời, sắc sắc không không Đời vậy mà. Người thế, chuyện thế gian ! Suy cùng lý chẳng gì phải chán Lại thương Tử không được dự phần bon chen, xô lấn Giây phút khóc cho nhau, hoá hạnh phúc lớn trên đời ! Hàn Mặc Tử ơi ! Ới, Tử ơi ! Bao đêm nghiền ngẫm chữ thơ Người Châu rỏ đầm đìa trang giấy trắng Bay về Gành Ráng đẫm hồn tôi Thắp nén nhang chùa, tôi khấn anh Tài hoa xuất sắc, vóc giai nhân Vung tay búng bút xô báu ngọc Chữ thơ như tuyết, máu lênh đênh Qui Nhơn biển sóng vỗ mây lừng Tài này - phận ấy ! Những bi thương Nay đã yên mình khe nước ngọc (*) Hẹn nhau mai mốt... bữa tương phùng… Tôi khóc Tử, khóc hào quang, khóc huyết Khóc gió mưa, hoa cỏ lẫn sao sương Tử có nghe ! Thơ Người, tôi viết tiếp Cúi lậy không gian cả tám phương... (*) Ý thơ của Hàn Mặc Tử. TA KHÓC CHO TA Bất tri tam bách dư niên hậu Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như (*) (Nguyễn Du) Một đời ngang dọc trên thơ Thiên tài đẫm lệ, tình bơ vơ tình Yêu toàn là những em xinh Cuối cùng vẫn chỉ một mình, đơn côi ! Thế sự coi như đĩ thôi Quê hương trong máu, suốt đời thủy chung Mặc cho mưa gió bão bùng Chân trời khát vọng không nao nung lòng Theo thơ cho đến tận cùng Cũng may thượng đế không phụ công đã làm Trở thành bậc thánh thi nhân Niết-bàn chắc sẽ có phần cho ta Quan san muôn dặm sơn hà Nguyễn Du người trước, tôi là người sau Hôm nay rỏ chút lệ sầu Thương Người rồi lại chạnh đau phận mình Đời tàn. Thân nát. Áo manh Nghêu ngao vài chữ gửi tình bốn phương... * Nguyễn Du ơi ! Đón tôi cùng Một mai tôi sẽ lập hương khói thờ Người Đường Cổ - Tôi Tân Thơ Ngàn năm văn hiến xin thưa cùng Người Hà Nội 29.6.2019 (*) Ba trăm năm sau nhân thế, liệu có người khóc Tố Như ? THU ĐẾN Thu đến, mấy hàng mưa rí rách Giọt gianh rơi tình buồn quá đi thôi Thu vắng em, gió hiu hắt khắp trời Vài sợi tóc đầu anh khe khẽ rụng Em đang ngủ bên chồng, hay vẫn thức ? Có nghe thu ôm ấp các hàng cây Chúng cứ bay, cứ bay, cứ bay Anh đốt thuốc cháy hoài trong canh vắng Thu đến gợi lòng bao dĩ vãng Buổi khai thu đã máu chia ly Ừ, cứ nhớ ! Nhưng em đừng tiếc nhé Tình có tan, tình ấy mới lâm ly ! Anh không biết mình sống hơn hay đã chết Cả thu xưa lẫn với thu nay Thu, thu đến... đau mà tha thiết Tình phải tan, có lẽ mới đủ đầy !? Và hỡi tất cả đạn bom quyền lực Thật hoài công định bắn phá em ta Vì cao nhất, ta cho là tuyệt mỹ Khi chiếc váy xẻ tà em đã tụt phăng ra…
<bài viết được chỉnh sửa lúc 04.02.2020 20:42:09 bởi Nhân văn >
CHIỀU HOÀNG HÔN Chưa đi đến tuổi già Mà yêu hoàng hôn đỏ Chợt nhìn, chợt nhận, chợt xôn xao Soi mặt nước xanh veo Trầm tư và lặng lẽ Đàn muỗi phố đã kêu Quanh bàn nơi quán nhỏ Chiều đang buông dần chiều Sợi tóc mình ngơ ngác Có nên bạc hay không ? Tuổi trẻ sợ già nhanh Giờ điềm nhiên đến lạ Cái màu hoàng hôn đỏ Cháy như là khai sinh ! Ôi, hoàng hôn hoàng hôn Trái tim là bất diệt ! Ngày mai anh có chết Cũng nhẹ như lá vàng Hồn mây gió lang thang Mà đầm đìa mưa bão Đời - tư lợi không tham Chán trò danh bốc hão Mang suối tóc của em Đi rồi yêu vĩnh viễn Anh sẽ hoá rừng thông Ngàn năm reo cát, sóng CÔ QUÉT LÁ ĐÊM HỒ Một đêm hồ nước đầy sương gió Người đi không rõ mặt người Liễu ru nhè nhẹ quanh bờ vắng Em thầm thì quét lá, bên tôi ! Em quét lá lẫn đời lẫn kiếp Tiếng chổi mòn kêu xiết vào tim ! Em hóa thành thơ rơi lặng lẽ Trong cõi lòng tôi buồn triền miên Trăng như đứa không nhà... trôi lạc lõng Con nai vàng chết bóng thu xưa… Tôi đứng trông em mịt mờ ảnh vọng Cô quét lá đêm hồ... khe khẽ vào khuya... NGẪM NGỢI ĐỜI NGƯỜI Chiều mệt mỏi. Ta ngồi ngẫm ngợi... Đời người bao nắng, gió, mưa sa Dẫu trong hồn vẫn chưa dứt phong ba Nhưng "cuộc sống - tình yêu" thì đã mãn Em đã hết. Thân tàn. Vui, buồn đều cạn Óc chai lỳ như một kẻ vô tri Nghe bốn phương tình… toàn thấy tiếng chia ly… Ừ thì thôi, đi đi ! Không tiếc nữa Yêu đã đủ. Khát vọng giờ cũng thỏa Sống làm người chỉ đến thế mà thôi ! Vượt hơn lên chán vạn kẻ trên đời So các bậc thiên tài, đâu có kém Để lại nước non, một tấm hình thương mến Quê hương sẽ ôm ấp tấm lòng ta Nay hòa chút lệ đời, viết chương cuối khúc tình ca Rồi dứt bỏ ra đi, không còn lưu luyến nữa Ta đã sống cuộc đời đầy ý nghĩa Đạp trên tiền, danh vị để mà đi... ( thì chuyện áo cơm ai chẳng phải lo vì ) Có vào chốn ngàn thu, ung dung bay cánh hạc Chiều mệt mỏi. Đôi vần thơ tan tác Ngẩng nhìn trời. Ta gọi: Thế nhân ơi ! XIn rũ sạch bụi trần. Trọn một kiếp người Bay lên chín tầng cao... kẻ lữ hành cô độc... ĐỘNG BƯỚM Phút say đắm tột cùng, em mở toang động bướm Giữa khu rừng rậm rạp, nguyên sơ Nàng thơ thẫn thờ si mê, hưng phấn Bướm của em chứa cả thánh thần lẫn yêu ma Có ai chưa em, đã vào khai phá ? Để bướm vẫy vùng, bướm thoả ước ao Và khi ấy em không còn là trinh nữ Bờ-bãi-đời-người bướm vẫn lượn như sao Thân nhi nữ một thế giới mênh mông, hoang dại Cấu thành bên trong bao yếu tố mĩ miều Tự thiên thai chẳng phải vẽ vời nắn gọt Lạc vào vườn em, trái cấm ngọt hương tươi Tình yêu từ đâu, anh không biết ? Mà rung cảm tâm hồn, lay động trái tim ! Nhưng yêu nhất là bướm em, có sức chinh phục diệu huyền Đêm đêm bướm thường bay ra trong phòng ngủ... Bướm của em trên đời mãi còn quí giá Đến lúc cần bướm lại sinh con Không lời thơ nào tả hết được vẻ đẹp bướm em Nam-mô-a-di-đà ! NGƯỜI CON GÁI SÔNG XƯA Nhớ lại thời chinh chiến qua làng Sông Hồng chảy muôn năm vẫn đỏ Bãi ngô non xanh gió chân mây Người con gái anh gặp thời chinh chiến Cái buổi qua làng lâu bấy đến nay Một làng bé quanh con nước lớn Với quê hương thầm dịu... thuở chiến tranh Lòng thôn nữ như vầng trăng tỏa sáng Lại trở về man mác trái tim anh Làng em lũy tre xanh bất tử ! Mới gặp một đêm mà đã thấy thương thương... Bóng nhìn anh, mắt theo giờ còn biếc Như phù sa cứ bồi mãi khôn cùng Lá tre rụng bao mùa trôi dĩ vãng Và quê em, đời sống có nâng cao ? Người năm ấy, em ơi ! Giờ tóc trắng Đang bồi hồi thao thiết giữa trăng sao Người con gái sông xưa, ơi có biết ! Một thời trai bão táp cuộc hành quân Đêm thành phố nhớ em buồn da diết Em bây giờ... có hạnh phúc không em ? ĐÊM TÓC ĐÁ Nửa đời tóc hoá thành đá cả Rụng vãi thềm, đầy phủ quanh trăng Nhớ một thuở cùng bao thiếu nữ Mà nay gò mả, ma rừng Tai nghe tóc ve bên bà gái goá Nhặt câu thơ rơi, lệ lã chã mùa thu Có của nhà… vẫn còn ham tơ nhú Ngồi chẳng yên, hồn dạ cứ vi vu Trên kia nguyệt không quần như đã... Đêm thơm chùa, trắng dã tấm thân nga Trinh tiết thời nay em mở cửa Ngai vàng còn “dưới” cái em ta ! MỘT GÓC HỒ TÂY Anh đến mình anh trong chiều muộn Nhặt thơ tình ở một góc Hồ Tây Ngắm mặt gương hồ vào chập tối Mặt trời lại ngỡ bóng trăng soi Lơ đễnh đọt mây qua phớt trắng Vừa đơn côi mà không đơn côi... Thiếu vắng em nên anh lẻ bóng Lá vàng rơi thay vào chỗ em ngồi Chiều lễnh loãng bóng đa gù bên phố Mõ chùa buông thay tiếng nói của tình yêu ! Trong sân gạch sư già quét lá Bước người đi thầm lặng cõi hư hao Chiều Hồ Tây - Chiều Tây Hồ lộng gió Ta và người: cõi mộng khác chi nhau ? Người quên hết ! Còn ta yêu tất cả Trong tiếng lá bay… chầm chậm bóng ta theo... THIẾU NỮ ĐÊM TRĂNG (*) Nhìn trăng anh thấy thèm thơ Bâng khuâng em đứng ngẩn ngơ bên đèo ( Viết trên đường hành quân ra trận ) Có thiếu nữ tựa cổng chờ ai đó ? Dưới trăng soi cái lán nhỏ ven rừng Bước lặng lẽ đoàn quân không kịp ngó Nhưng trong đêm tim bỗng cũng ngập ngừng... Ta muốn hỏi: Cô ơi, đây là nơi nào nhỉ ? Đã xa rồi... có kịp trả lời đâu ! Vẫn vội vã đường dài không nghỉ Bên ven rừng im đứng... một giây lâu... Chắc em có người thân nơi tiền tuyến ? Mới đứng làm chiếc bóng tạc trong đêm ! Không giọt lệ… chỉ lặng cười đưa tiễn Đoàn quân đi ! Em ở lại cùng trăng Giờ anh đã thôi đi ! Nửa đời về với xóm Các cuộc chiến tranh thế kỉ vẫn chập chờn... Vầng trăng sáng năm xưa, vọng Trường Thành bóng nguyệt (* *) Và bao người con gái đã cô đơn !? Hoà Bình - 1968 Hà Nội - Cuối thế kỉ XX (* *) Phỏng theo ý thơ trong Chinh Phụ Ngâm: Trống Trường Thành lung lay bóng nguyệt Khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây (*) Vào một tối trong những năm tháng còn chiến tranh, trên đường ra trận. Chúng tôi đã hành quân qua một triền đồi núi. Dưới trăng đêm vằng vặc... Bóng một thiếu nữ đang đứng cô đơn, tựa mình vào chiếc cổng tre của một nông trường nào đó ? Lặng lẽ nhìn đoàn quân chúng tôi đi qua. Giai đoạn ấy, hầu hết những nam thanh niên, nhất là ở các vùng thôn quê đều ra tiền tuyến cả. Hậu phương chỉ còn lại các bà mẹ và những chị em gái. Khi đó, tôi mới chỉ là một anh chiến sĩ giải phóng ở tuổi đôi mươi. Cảnh tình thơ mộng… quay lại nhìn bóng người con gái côi cút… hình như em đang bơ vơ ? Lòng lại thấy thương thương đến nao người... Bao cảm xúc dâng lên trong long… và tôi đã lẩm nhẩm làm bài thơ ngay trên dọc đường hành quân ấy ! Nhưng phải mấy mươi năm sau, khi trở về sống yên bình ở quê hương. Dẫu là đất nước đã hoà bình… mà các cuộc chiến tranh thế kỉ, vẫn cứ chập chờn xẩy ra trên trái đất này ? Để tôi viết tiếp đoạn thơ cuối, kết lại bài thơ như trên. Phải chăng ? Tấm hình người chinh phụ khi xưa, vẫn còn đang in lại trong bóng hình em… “ Người thiếu nữ đêm trăng “ ! MẸ QUÊ HƯƠNG Gió đưa cánh võng lưng đèo Thoảng như tiếng mẹ buông vào canh sâu... "Trải qua một cuộc bể dâu Những điều trông thấy mà đau đớn lòng" Mẹ ru Kiều giữa đêm dông Cho con say giấc mơ nồng tuổi xanh Mẹ ru Kiều giữa năm canh Nuôi con trong mái nhà gianh phố nghèo Con qua trăm núi trăm đèo Còn nghe tiếng mẹ chiều chiều vẫn ru Đường dài theo nhịp võng đưa Trăng mơ bóng núi con mơ bóng chiều Con ăn một búp măng vầu Đã quen như lá rau bầu quê hương Những ngày lạt muối, đói cơm Con lùi thêm khúc sắn thơm lửa hồng Mẹ ơi ! Trời rộng vô cùng Thương con mẹ nhớ đừng buồn, mẹ nghe ! Sương rơi ướt vạt cỏ khuya Chỉ lo mẹ ở miền quê thức hoài Mẹ giờ tóc đã hoa mai Sáu mươi đời mẹ hai vai nước, nhà... Một thân mẹ sống trọn già Tiễn chồng rồi (lại) tiễn con ra chiến trường Mẹ hiền muôn nỗi nhớ thương Đêm nay con trẻ tìm đường thăm quê Mẹ đừng khóc nhé, mẹ nghe ! Chín năm xa một lần về trọn vui… Ngẩn ngơ nên gió bồi hồi Nhìn trăng bóng đã ngả dài núi xa Sài Gòn, xuân 1975 NGƯỜI CHIẾN SỸ VÀ HOA PHONG LAN Tặng người bạn gái thuở thiếu thời Sao em không tắm nắng trên đồi Không gội đầu dưới suối Quấn làm duyên quanh cành cụt chơ vơ… Hoa phong lan, em ơi ! Có nghe Ta quen nhau từ độ nào đấy nhỉ ? Nhớ buổi Trường Sơn… quí đôi dép cao su Biết nắng lửa, yêu vành tai bèo nhỏ Gặp em trên đèo mây hóng gió Tóc mượt xanh theo hai mùa… nắng, mưa… Khi miệng ta quen, đếm nhịp chày giã gạo dưới Ta Ka Tai ta quen nghe, tiếng đàn t.rưng trên bản Tà Kơi xa réo rắt Má quen nóng bừng, nâng cần rượu Măng Tôn, Đắc Sút Mắt quen nhìn nghìn độ lửa đêm sâu Vẫn hành quân… B52 gầm rít trên đầu Ta thuộc từng đường xuyên rừng ra trận Quen từng đường Đắc Tô, Tân Cảnh Như quen đường Khâm Thiên - Hồ Gươm ! (*) Con sông Pô Kô… máu nhuộm đỏ dòng, lòng vẫn trong xanh Em gái Vân Kiều… chiếc yếm đơn sơ, thuỷ chung gùi đạn Ôi, đỉnh Chư Mom Ray bom cày, lửa xém Lá vẫn rì rào theo ta trọn tuần trăng Có phải chính nơi này ? Hoa phong lan... Em ơi, quen anh ! Ta lại gọi tên em ! Cái tên quen thân như một người bạn gái Rất yêu đấy... đứng nhìn không dám hái Nẻo đường qua ngan ngát hương xa Ta yêu hoa như yêu bóng trăng ngà Không thảng thốt chỉ ngỡ ngàng nhè nhẹ Em là niềm thương đời chinh chiến ta đi ! Xin em một nhành hoa cài lên nắp ba lô Đường chiến trường cuốn bay bụi đỏ Đường ra trận trải đầy nắng gió Hãy gắng theo ta vào đồn lửa, đêm nay ! Ta cầm hoa nâng niu trên tay Em có phải nàng Ngà của chàng trai Kặm Phạ Sao mịn màng hương trắng mát đêm sương ? Em có phải nàng tiên thứ bảy trên nương Sao duyên dáng dễ thương, dễ nhớ ? Em có phải con hươu, con nai dưới buôn ta đó Mắt huyền trong một bóng sao đêm… Tên em ta gọi mãi trong tim ! Em đứng đó bốn bề lửa nóng Em đứng đó dầm mình trong nắng bỏng Xoã đầu gội lũ Tây Nguyên Hoa vẫn trắng ngần, nhụy vẫn ngát hương thơm Bỗng một sớm mai Khi con chim rừng mới lên tiếng gọi Ông mặt trời mới vươn vai đứng dậy Lũ làng đánh cồng, đánh chiêng Ta bàng hoàng khẽ gọi tên em Hoa đã rụng rồi… còn đâu hương cánh trắng Mắt khép lại rồi… còn đâu sao ngọc sao kim Hố bom đào sâu nhói tận trong tim ! Ta lượm nhánh lan rơi trồng lên miệng hố bom Mỗi sớm mỗi chiều, cùng nắng mưa chăm bón Sự sống trở lại rồi. Hoa phong lan, em ơi ! Đẹp lắm Tất cả hồi sinh trả lại cho ta Ta yêu hoa trong tình yêu đất nước bao la Không rên rỉ nhưng thiết tha say đắm Mới hiểu tình yêu vẫn gối đầu lửa bỏng Diệt quân thù, giục bước xông pha ! Ngày mai về Dẫu không còn trở lại bên hoa ? Hoa phong lan, em ơi ! Hãy nhớ Ta đã mang tình em, từ những tháng năm còn khờ dại Ngoài chiến trường theo trọn cuộc hành quân Trong suốt nẻo đường dài, ta vẫn gọi tên em ! (**) Tây Nguyên 1972 (*) Thời gian đó gia đình tôi sống ở phố Khâm Thiên Hà Nội (**) Trên đây là ba bài thơ viết từ hồi chiến tranh, tôi còn nhớ lại được.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 04.02.2020 20:47:36 bởi Nhân văn >
Thống kê hiện tại
Hiện đang có 0 thành viên và 8 bạn đọc.
Kiểu: