“Tôi lại gặp anh… ”
“Tôi lại gặp anh… ” Phạm Lê Huy (tản mạn)
“Tôi lại gặp anh Người trai nơi chiến tuyến
Súng trên vai bước lê qua đường phố… ” Vâng, hôm nay “Tôi lại gặp anh… ”, gặp anh không chỉ một lần mà tới hai lần trong kỳ Đại Hội Liên Trường Qui Nhơn năm nay. Lần đầu gặp anh với bộ thường phục trong ngày Tiền Đại Hội. Lần sau gặp anh với bộ quân phục thuở xưa trong ngày Đại Hội. Mà lần nào tôi cũng lặng yên lắng nghe anh hát cũng chỉ với nhạc phẩm ấy. Và, với chiếc máy ảnh mini trong tay tôi đã vụng về ghi lại hình ảnh anh đang say sưa thả hồn trong lời ca tiếng nhạc quen thuộc đến nằm lòng. Anh - người hát bài ca Trăng Tàn Trên Hè Phố - một nhạc phẩm nổi tiếng của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ người gốc Qui Nhơn mình. Nhạc phẩm gợi nhớ lại tình bạn từ thuở cắp sách đến trường cho tới thời chinh chiến. Cùng với các bạn học nam nữ thời đó, tôi cũng rất yêu thích nhạc phẩm này. Anh - người bạn tôi biết từ lâu khi còn ở quê nhà khoảng gần bốn mươi năm trước (khi ấy anh là người thủ thành vững chắc - với nickname Lân Móm rất thân mật - của đội bóng tròn tỉnh nhà), mà nay tôi mới được gặp mặt làm quen. Cám ơn anh đã khéo chọn nhạc phẩm này để hát trong hai ngày Đại Hội không ngoài ý nghĩa là Tìm Về Bạn Cũ Trường Xưa. Cám ơn anh, với giọng ca “tài tử” truyền cảm và trầm ấm, anh đã đưa chúng tôi về với khung trời ngày cũ. Khung trời có ve sầu, phượng thắm dưới nắng hè chói chang trên đường Cường Đễ… Khung trời có hàng dương vi vu trong gió biển sóng xanh trước trường Nữ Trung Học… Khung trời có sóng bạc đầu vỗ tung bọt sóng trắng xóa nơi bãi tắm Hoàng Hậu với những hòn đá trứng xinh xắn làm sao… Khung trời có Gành Ráng, Tháp Đôi… có Núi Một, Đầm Thị Nại… Khung trời có… và có… Trời... Tôi có tham lam lắm không khi cố nhớ lại những hình ảnh thân thương của thời xa lắc xa lơ - một thời mà chúng ta đã ít nhiều lần đặt chân đến - dễ gì quên được ấy… Cho dẫu Qui Nhơn tôi nay qua mấy mươi năm dâu bể có nhiều đổi thay, nhưng những hình ảnh xưa cũ thân thương ấy vẫn còn đầy ắp trọn vẹn trong tâm khảm tôi, tuy những hình ảnh kỷ niệm ấy hôm nay xa rồi. Thật lòng, Đại Hội năm nay tôi vui lắm. Vui vì “Tôi lại gặp anh… ” - gặp lại những bạn cũ “mày tao” cùng lớp cùng lứa năm xưa. Các bạn tôi : Hồng Quốc Anh, Bùi Văn Luông, Trần Minh Triền… - mỗi người mỗi vẻ - và chính cái mỗi người mỗi vẻ đó mà tình bạn chúng tôi càng phong phú càng đậm đà. Hồng Quốc Anh thì cứ đôi ba tuần chúng tôi gặp nhau một lần ở Sài Gòn Nhỏ này, nhưng mà sao lần nào cũng như… “mới gặp”. Anh bạn “Lớp Trưởng Muôn Năm” này của tôi rất nhiệt tình trong việc “vác ngà voi” cho Liên Trường mình; ngày xưa ảnh cũng là một “ca sĩ học trò” xuất sắc. Bùi Văn Luông và Trần Minh Triền thì rất lâu, lâu lắm mới gặp. Luông hiện giờ là “cây văn nghệ” của Cường Đễ - Nữ Trung Học bên Houston / Texas. Triền (ở Oklahoma) là “cây ca hát” năm xưa nổi tiếng của thị xã mình. Ngày Đại Hội này, với chiếc guitar thùng trên tay chàng ta hát “rất tới” nhạc phẩm Mảnh Bằng của Lữ Liên, tạo nên tiếng cười thoải mái nơi mọi người : Cái bằng đâu lạ gì ai ơi…
Cái bằng nó chỉ một gang thôi…
Mà sao con gái (mà sao con gái) họ ham quá trời… ?! Năm nay cũng lại vắng mặt Trần Viết Sơn, anh chàng này năm nào cũng bay qua trời Âu; chắc có… “nợ nần” gì bên đó. Anh Phạm Văn Nộ là lớp đàn anh học trên tôi vài lớp ở Cường Đễ. Anh có bài hồi ký Đi Tìm Thầy Cũ đăng trong Đặc San CĐ – NTH 2011 và tôi đã post bài này lên vài trang web, làm chúng ta mủi lòng rơi nước mắt mỗi khi đọc đến. Ban tam ca Texas với Phạm Văn Nộ, Bùi Văn Luông và Hứa Võ Anh đã cho chúng ta thưởng thức nhạc phẩm Về Dưới Mái Nhà của Xuân Tiên, nghe thật hay và ấm lòng làm sao : “Người ơi, mau về đây, về bên bếp hồng tay cầm tay
Cười lên chan chứa tươi làn môi, nhớ phút vui đêm nay… ” Tôi cũng được gặp và Thân Ái Bắt Tay Trái quý anh chị Hướng Đạo Sinh Bình Định như Nguyễn Đăng Khoa, Huỳnh Thị Kim Oanh, Nguyễn Duy Ân, Văn Công Định, Văn Công Mỹ, Hồng Quốc Anh, Trần Minh Triền… là những người luôn hăng hái đi đầu trong các sinh hoạt xã hội - “Giúp ích mọi người bất cứ lúc nào”. Tôi cố ý không dùng danh xưng Cựu Hướng Đạo Sinh ở đây vì vẫn nhớ nằm lòng “Một ngày Hướng Đạo là Hướng Đạo suốt đời” - Lời nhắn nhủ của Cụ Bi-Pi (Baden Powell), người sáng lập Phong Trào Hướng Đạo trên toàn thế giới. Và, còn nhiều, nhiều nữa các anh các chị bạn học, bạn hàng xóm cũ / mới, bạn quân ngũ… của mình mà tôi đã gặp và không thể kể hết ra đây được. “Tôi lại gặp anh
Giờ đây nơi quán nhỏ
Tuổi ba mươi mà ngỡ như trẻ thơ… ”
Vâng, hôm nay “Tôi lại gặp anh… ”, gặp nhau lần này chúng mình không còn ở tuổi ba mươi nữa mà là đã ở tuổi bảy mươi (hoặc trên nữa) rồi. Ấy thế mà sao lòng mình vẫn rộn rã, vẫn ngỡ như trẻ thơ… Chúng mình đã nhìn thấy trong mắt nhau cái vui mừng khôn tả, cái rộn ràng xôn xao của tuổi thanh xuân đầy nhựa sống. Đó là những đôi mắt mừng vui long lanh thấp thoáng bên “dấu chân chim thất thập cổ lai hy”. Phải vậy không các bạn thân mến của tôi. * * *
Đôi lần bàn chuyện với anh Tạ Chí Thân trong ban văn nghệ, tôi đã nghẹn lời lạc giọng khi đề cập đến hoạt cảnh Chiến Sĩ Vô Danh… Và, nào ai thấy được trên sân khấu Đại Hội hôm ấy, mắt tôi đã rướm lệ khi bắt súng chào tiễn đưa “đồng đội trúng đạn ngã gục trên vai người bạn chiến đấu của mình” trong tiếng saxophone tiễn biệt ai oán của anh Mạc (phu quân chị Nancy Nghĩa). Xin có đôi lời chân thành cám ơn anh Mạc : "Anh nằm xuống cho hận thù vào lãng quên Tiễn đưa nhau trong một ngày buồn
Đất ôm anh đưa vào cội nguồn
Rồi từ đó, trong trời rộng, đã vắng anh…
(Hát Cho Một Người Nằm Xuống – Trịnh Công Sơn) Đó là giây phút tôi “về thăm lại chiến trường xưa”, nơi chúng ta đã chia nhau từng điếu thuốc lẻ, từng hớp nước hiếm hoi, từng nhúm gạo sấy nhai khô nuốt vội nơi rừng sâu dốc núi, nơi đèo heo hút gió… vậy mà vẫn chắc tay súng, vẫn luôn mong một ngày đất nước sớm thanh bình. Và, cũng không ít lần chúng ta phải đau xé lòng bàng hoàng, tức tưởi nghẹn ngào trước anh linh của tử sĩ “Xin cám ơn… Xin cám ơn người nằm xuống… ”. Nghĩ cho cùng thì, cho dù ở một bên nào của chiến tuyến, người lính khi thì cười to, vỗ tay reo hò... khi thì đớn đau héo hắt… Hôm nay, chúng ta là những người thật may mắn như hột gạo trên sàng - được sống sót sau những năm tháng dài quê hương ngập tràn lửa khói - quây quần gặp nhau ở đây mà ôn lại chuyện cũ, kể chuyện mới. Đồng thời cũng nhớ rất nhiều bạn bè của chúng ta không được may mắn như mình, hoặc đang kéo lê đoạn đời bất hạnh còn lại của họ nơi quê nhà hay trên đất khách quê người, hoặc đã vĩnh viễn ra đi, lìa xa cõi tạm này. Tôi xin mượn đoạn dưới đây trong bài phát biểu của bạn Bùi Văn Luông - Đại Diện CHS Qui Nhơn - để kết thúc tản mạn này : “… Chúng ta đã mất hết, chỉ còn lại cái tình. Còn đi được, hãy đến với nhau. Còn nói được, hãy nói với nhau những lời chân tình, trang trải và chia sẻ những kỷ niệm buồn vui của tuổi học trò và trong cuộc sống. Hãy bỏ qua những tự ái và quên đi những bất đồng, đến với nhau nhóm lên đóm lửa còn lại cùng sưởi ấm cho nhau trong những năm tháng lưu lạc trên đất khách quê người”. – (Bùi Văn Luông) Thân mến chào quý anh chị, Phạm Lê Huy
(Los Angeles, sau ngày Đại Hội 2015)
Tháng Tư mang những nổi buồn cho kiếp người lưu vong như chúng ta
Và cho những người nằm xuống vì quê hương Việt Nam chúng ta
CtLy đã mang vào thư viện
Cảm ơn và chúc tác giả luôn an lành trong mùa dịch này
Thân ái
Nhờ Ct.Ly sửa giùm ở phần Sách Tuyện.
Phạm Lê Huy (không dấu nặng) là tác giả của bài “Ngày Xửa Ngày Xưa Của Tôi” và bài “Tôi Lại Gặp Anh” chứ không phải là Phạm Lệ (có dấu nặng) Huy.
Cảm ơn Ct.Ly nhiều.
Thống kê hiện tại
Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
Kiểu: