Ký Sự Miền Tây Lục Tỉnh
THƠ NGÃ DU TỬ 25.03.2020 19:58:43 (permalink)
KÝ SỰ MIỀN TÂY LỤC TỈNH
 
Đầu năm Kỷ Hợi ( 2019) nhóm bạn cũ của chúng tôi tại Sài Gòn và vùng lân cận tổ chức chuyến đi VỀ MIỀN TÂY Nam bộ. Riêng tôi rất thích người dân chơn chất xứ sở sông nước nầy
Bắt đầu chuyến hành trình dài ngày của chúng tôi tại chung cư Tân Ký Tân Quý, Tân Bình sau khi hẹn hò nhau là chúng tôi có mặt tại điểm xuất phát ấy – nhà của anh Lê Văn Công & Bích Thu đúng 4 giờ sáng ngày 01/3/2019 là khởi hành.
Điểm đầu tiên chúng tôi hướng đến là Lấp Vò, Đồng Tháp với khu du lịch Văn hóa Phương Nam, ấy là một quần thể khá rộng của địa danh Lấp Vò, Đồng Tháp với kiến trúc Huế do ông Đặng Phước Thành một thành viên doanh nghiệp của Vinasun rất có lòng với quê nhà thực hiện công trình nầy.
Trước khi vào cổng có cả hàng sen ven đường vì được chăm bón nên hoa rất to và màu sắc khá sặc sỡ làm vui lòng cho người đến thưởng ngoạn, Sư cô Huệ Ý trụ trì Bảo Châu Ni tự ở khu Đại Tòng Lâm cũng đi với chúng tôi rất thích thú nhờ tôi chụp khá nhiều hình với sen, còn tôi thì tranh thủ chụp vài tấm cho chính mình.
Đường dẫn vào khu du lịch Văn Hóa Phương Nam phía phải là nơi bán vé, bên trái là khu trưng bày điêu khắc gỗ phải thừa nhận thợ điêu khắc tuyệt lắm các hoa văn đường nét rất tinh tế, nhất là hình Quan Thế Âm khuôn mặt thanh thoát toát lên nét từ bi của người. Đặc biệt có cối xay đá khá nhiều từ nhỏ đến lớn khi tôi vào với ánh sáng ngược khá đẹp tôi đã có vài tấm ảnh mà tôi ưng ý.
Lần vào trong, đối diện với cổng Tam quan là một kiến trúc cầu ngói giống như cầu ngói Huế hay Hội An bắt ngang qua dòng kinh chỉ khác là mặt cầu dạng tam cấp để du khách ngồi nghĩ.
Tôi còn chụp lại một văn bia nói rất rõ về thời gian đào và kết thúc của kênh Xáng một con kênh mà người Lấp Vò khá tự hào với tiền nhân, theo tài liệu còn lưu trữ thì Kênh Xáng được lên kế hoạch từ năm 1903, khởi công đào từ năm ngày 06/10/ 1912 bằng Cạp Xáng và hoàn thành ngày 16/01/ 1913 với tổng chi phí là 60.300 France và 16,200$ đông dương, chỉ hơn 3 tháng một kênh đào dẫn nước tưới tiệu và đi lại bằng ghe xuồng rất tiện lợi cho người dân. Tuyệt vời phải không các bạn.
Bên trong gọi là Linh từ là nơi thờ tự từ Ngọc Hoàng Thượng đế cùng Phật ,Tiên, Thánh, Thần có 2 tượng lộ thiên là Bổn Sư Thích Ca và Quan Âm lộ thiên bằng đá non nước khá đẹp.
Phía phải từ cổng vào có các chân dung những người có công với miền Tây Nam bộ như : Bùi Hữu Nghĩa, Trương Công Đinh, Nguyễn Đình Chiểu và cả Cao Văn Lầu… cũng được tạc tượng đặt nơi đây, phải nói Ban tổ chức khéo chọn các điêu khắc gia nên các chân dung rất đẹp và giống các ảnh chân dung của người đó.
Công trình còn tiếp tục mở rộng xây dựng, hy vọng lần sau sẽ có nhiều điều thú vị hơn.
Rời Văn Hóa phương Nam chúng tôi hướng về Sa Đéc qua phà Vàm Cống về Thốt Nốt, mai mốt đây khi thông cầu Vàm Cống thì coi như phà chỉ là cổ tích của phương tiện chở xe và người qua sông, vì vậy chúng tôi tranh thủ chụp vài tấm ảnh coi như tư liệu một thời, ghé Cần Thơ ăn trưa tại nhà hàng khá sang trọng và tranh thủ để đến khách sạn Hoàng Hải Đăng số 66 Nguyễn An Ninh rất gần với bến Ninh Kiều và chợ đêm Cần Thơ cũng như cầu Tình Yêu mà chúng tôi đã đặt trước tại thủ phủ Tây đô để buổi tối có thể thưởng ngoạn hoặc chuyến du lịch trên sông Hậu hay café hoặc dạo mát trên cầu Tình yêu, vì sao có tên gọi thơ mộng như thế, vài người cho tôi biết là khi cây cầu hoàn thành một số tình nhân hẹn nhau đem ổ khóa đến nơi ấy khi thề nguyền kết tóc xe tơ hay mãi yêu nhau xong khóa chiếc khóa vào cầu rồi ném chìa xuống dòng coi như sẽ nên duyên chông vợ như lời đính ước thiêng liêng của đôi trai gái yêu nhau, có lẽ đây là copy mô hình giống như cây cầu Tình yêu của châu Âu vậy.
Buổi tối nơi đây, tại bến Ninh Kiều nầy khá thú vị nhà hàng cùng các quán xá đèn màu led rực rỡ cộng với ánh đèn của cầu Tình yêu rất nên thơ làm du khách rất thích thú vì vậy ai cũng muốn có vài bức ảnh để up lên Facebook của mình, hay làm kỷ niệm, phía dưới cầu có tàu Du lịch trên sông đàn ca tài tử hát ca cổ làn điệu đặc chất Nam bộ của miền Tây, ai thích hát tân nhạc vẫn thoải mái hát ca, mục đích của ban tổ chức là làm vui cho du khách, ticket cũng rẽ, người Nam bộ thích loại du lịch trên sông kiểu nầy, hầu như ai tới lần đầu cũng hiếu kỳ đến một lần cho biết nét văn hóa sông nước, tuy mới mẻ song cũng được vài mươi năm.
Nhóm chúng tôi cũng không ngoài ý nghĩ ấy, tôi như con quay chụp hình hết người nầy đến người khác, ai cũng gọi ới ời tôi liên tù tì mặc dù mỗi người đều có điện thoại thông minh chụp hình khá tốt, vui lắm, riêng bản thân tôi cũng chỉ muốn các thân hữu vui trong chuyến đi mà thôi.
Khi quay về ghé nhà hàng, khách sạn café ngồi thư giản sát khu Ninh Kiều để xem dòng người tấp nập ở bến Ninh Kiều cũng vui mắt ngắm giữa cơn mộng thường, nào trai thanh gái lịch cùng với những khách ngoại quốc qua lại có lẽ họ thích thú, vui vẻ cười nói lạ thường.
Chợ đêm Cần Thơ cũng thường như những chợ đêm khác: bán áo quần, giày dép, và có cả hàng lưu niệm Cần Thơ nhưng ngăn nắp hơn, gọn gàng hơn, dù vậy chúng tôi không ghé chỉ băng ngang xem sơ qua để thỏa lòng các anh chị.
Quay về khách sạn cũng hơn 10 giờ tối, chuẩn bị cho ngày mai dậy sớm tham quan chợ nổi Cái Răng, Cái Răng tuy không bằng chợ nổi Phụng Hiệp Hậu Giang bởi ở Phụng Hiệp gồm 7 dòng sông tụ về nên còn có tên chợ Ngã 7 rất sầm uất nơi các nghệ sĩ nhiếp ảnh rất thích đến để sáng tác, đặc biệt họp chợ rất sớm từ 5 giờ sáng tiếng gầm gào của các ghe, xuồng máy và tiếng trao đổi bán mua hàng hóa với nhau, mọi thứ từ hàng quán ăn uống, café cho đến tất cả nông sản đều được bày bán, người ta quảng cáo hàng bằng cách treo cao trên cây lèo để ghe khác nhận biết mặt hàng mà đến mua, rất thú vị và cũng chừng 9 giờ là thưa dần và chợ tan khoảng 10 giờ.
Tới miền Tây Nam bộ mà không được chứng kiến cảnh chợ nổi trên sông cũng là một thiếu sót, vì vậy các anh chị em nếu đi Cần Thơ cũng nên một lần đến để thấy cảnh nhộn nhịp mua bán trên sông buổi bình minh. Thú vị vô cùng
Và đúng 5 giờ sáng hôm sau xe chúng tôi khởi hành để anh chị em đến địa điểm đúng giờ, muốn vào chợ nổi Cái Răng chúng ta phải ngang chợ An Bình mua vé, tùy theo nhiều hay ít người mà ban tổ chức sẽ sắp xếp ghe lớn nhỏ, xuống ghe bắt buộc mặc áo phao sau đó là tài công chở dọc sông tham quan và đi chợ nổi, Phải nói trái cây miền Tây ngon, đủ loại tươi tắn lắm, nhà vườn hái từ chiều hôm trước chất sẳn sàng trên ghe để đúng giờ là ra chợ vì vậy rất tươi ngon.
Người tài công dừng lại một quày hàng chuyên bán đồ lưu niệm trên sông của Cần Thơ nói riêng và Tây Nam bộ nói chung, chúng tôi vào ôi chao, đủ cả các mặt hàng mỹ nghệ từ cái gáo múc cho đến đụt, lờ, nón lá, nơm… đến các mặt hàng dừa như bình, ấm, chén, ủ… tất cả khá tinh xảo hay khăn rằn quấn cổ đủ các loại vải v.v…
Ai cũng mua một món lưu niệm để kỷ niệm với Cần Thơ.
Chúng tôi tiếp tục dạo trên sông đúng một tiếng rưỡi đồng hồ là người tài công trở về, giá một chuyến tham quan chỉ chừng ấy thời gian, nếu muốn chơi thêm phải trả tiền thêm cho tài công, nhưng xét thấy bấy nhiêu cũng đủ cho một hành trình nhỏ trên sông nên đoàn chúng tôi quay về và tiếp tục đến Cà Mau.
Tranh thủ ăn sáng trên xe bằng bánh mì kẹp chả, bởi đoạn đường còn quá dài khoảng gần 300 cây số ước tính khoảng 7 giờ đi đường chưa kể thời gian ăn trưa, Cà Mau không nhiều điểm để vui chơi, chỉ một số điểm như đảo Hòn Khoai, Hòn Đất, Đảo Cò và vùng ngập mặn Tràm Đước, đặc biệt là cột mốc cuối cùng của tổ quốc, ai trong chúng ta là người Việt cũng muốn một lần ghé thăm nơi đây, nó thiêng liêng khi nghe cột mốc cuối cùng của đất nước và đặc biệt khi tới đây các bạn sẽ chứng kiến bình minh và hoàng hôn – mặt trời mọc lặn đều trên biển cả. Thú vị quá phải không quý vị dễ gì được thấy điều ấy nếu không đến Đất Mũi, Cà Mau.
Chúng tôi trực chỉ Cà Mau chỉ ghé ăn trưa tại thị trấn Năm Căn, ái chà thị trấn Năm Căn có mấy năm mà tiến bộ quá sá, Chúng tôi ghé Quán Nhân Đức, người chủ quán niềm nở như Nam bộ giới thiệu ngay với chúng tôi đặc sản “lẫu mắm”, chúng tôi đồng ý ngay, ai tới Cà Mau phải thưởng thức lẫu mắm, ngon lắm. Tại thành phố Cà Mau chúng tôi đi tìm nhưng không có, đến Năm Căn lại có ngay là quá tuyệt.
Đúng là lẫu mắm ngon nhưng có lẽ hơi mặn nên anh chị em không vừa miệng, riêng tài xế Long nói “ Lẫu mắm không mặn làm sao gọi là lẫu mắn” nghe cũng có lý.
Đoạn đường cuối cùng của đất nước nên lưu lượng xe cộ quá ít, chỉ thỉnh thoảng có chiếc xe chở du khách váo thăm cột mốc cuối cùng của đất nước. Từ Năm Căn vào Cột mốc cuối cùng phải nói quá nhiều cây cầu, có thể nói đoạn đường nầy nhiều cầu nhất Việt Nam, bây giờ tất cả các cây cầu đều làm đàng hoàng bằng bê tông cốt sắt nên chuyến đi không có chi trắc trở, phải nói đây là nổ lực lớn của Cà Mau
Tại nơi cột mốc ấy chỉ có trên 20 hộ dân mua bán với khách du lịch và làm nghề biển nên có vẻ khá khá còn bên ngoài chút cho đến gần thị trấn Nam Căn trông vắng vẻ, eo xèo làm sao.
Dự trù của chúng tôi đến Đất Mũi khoảng 15 giờ là thuê ghe ngay ra đảo hòn Khoai, một hòn đảo rất hoang sơ nước trong xanh khá đẹp nhưng hỡi ơi, khi đến nơi tôi liên hệ thì bây giờ nơi ấy là căn cứ quân sự, không cho phép du lịch nữa, chả hiểu lý do gì lại vậy, có lẽ do điều kiện quân sự, thôi thì có khá nhiều thời gian cho chúng tôi ngắm biển.
Nắng khá gay gắt tôi và Triêm nhanh chân đi tới cột mốc cuối cùng chụp mấy tấm ảnh và chụp cả nhà hàng Thủy tạ trên biển nhưng giờ nầy chỉ là phế tích, người ta đã đập phá cả cầu đi bộ ra nhà hàng, mọi cái thay đổi bởi thần thời gian, ngược lại cột mốc GPS 0001 đã làm thêm khá khang trang, bên trong nữa là cột cờ với phía dưới là mô hình chiếc tàu thủy khá ấn tượng còn đang thi công dỡ, chưa hoàn thành có lẽ trong năm nay là xong.
Và tôi tưởng các bạn thuê xe điện chở vào vì đa số là phụ nữ không dè chẳng ai đi, tất cả lội bộ vào khoảng cách cũng chẳng xa chừng 1km, tuy vậy có lẽ các bạn không quen đi bộ nên chậm trễ.
Tranh thủ chụp hình kỷ niệm cho các bạn ở cột mốc cuối cùng của Tổ quốc và trở ra cũng đã hơn 4 giờ chiều, xe quay đầu và chúng tôi trở lại khu du lịch cực nam tổ quốc Khai Long chuẩn bị thi công, đây là công trình của Cà Mau đầu tư, có lẽ lần sau đến sẽ đẹp hơn, trên đường vào khu du lịch có cặp rồng làm bằng chất liệu xi măng khá lớn và đẹp có lẽ các nghệ nhân điêu khắc rất lành nghề, dài chừng vài mười mét dường như Ban tổ chức khu du lịch muốn nói lên sự bề thế của khu du lịch nầy, tôi chụp vài tấm hình để các bạn lưu giữ cho mai sau, ngoài ra các “nữ người mẫu” trong đoàn chúng tôi cũng tạo dáng chụp từng bừng làm ồn ào khoảng đường vắng lặng.
Chúng tôi về khách sạn OZON mà Bích Thu đã đặt trước tại thị trấn Năm Căn, ồ thì ra đây là khách sạn ba sao khá đẹp phía sau có cả nhà hàng và hồ bơi cùng cảnh quang khá phong phú. Tôi thật sự ngạc nhiên với kiến trúc khách sạn nầy bởi cách bày biện, trang trí bên trong lẫn ngoài khá lịch thiệp và chu đáo.
Chúng tôi ăn cơm tối trên đại lộ tại thị trấn nầy
Buổi sáng hôm sau, tại khách sạn chúng tôi điểm tâm và café ở tầng trệt và rồi không quên chụp mấy tấm hình kỷ niệm, đúng 7 giờ là lên đường bởi chặng đường Đất Mũi- Cà Mau đến Sài Gòn quá dài và chúng tôi còn những 4 điểm đến.
Điểm đầu tiên là nhà thờ Tắc Sậy hay còn gọi là nhà thờ Cha Diệp tên đầy đủ của cha là Trương Bửu Diệp, Nhà thờ Tắc Sậy cách thành phố Bạc Liêu khoảng 37km về hướng Cà Mau, Nhà thờ có kiến trúc mới lạ và độc đáo gồm có 3 tầng, tầng trệt là nơi để cho khách nghỉ ngơi, tầng 2 và 3 là nơi dâng thánh lễ với tiền sảnh rất rộng có thể để mấy chục xe đò cho khách hành hương .
Khu nhà bên trái là mộ phần Cha Trương Bửu Diệp được nằm trong kiến trúc một tòa nhà rộng lớn có ba nóc, trong đó nóc chính giữa cao hơn hai nóc phụ
Phòng bên dưới là nơi thờ phụng đức cha Trương Bửu Diệp có tượng toàn thân bằng gỗ quý điêu khắc cha Diệp khá điềm nhiên, thanh thoát.
Khu nhà bên phải là nơi nghỉ lại cho khách hành hương về viếng nhà thờ, chúng tôi đi đúng ngày chủ nhật nên khách hành hương khá đông, đến nổi xe chúng tôi tài xế đậu rất xa.
Dãy nhà sau cùng là nơi để cho khách hành hương nghĩ chân và ăn uống nếu tự túc mang theo.
Điều đặc biệt là khách hành hương đến nhà thờ Cha Diệp là người không có đạo Công giáo lại nhiều lần hơn con chiên Chúa, vì vậy mà người ta gọi thân mến là “nơi hành hương tâm linh”.
Viết lại ký sự nầy có lẽ cả đoàn sẽ nhớ một sự việc là tôi đi tìm Thu Nguyệt, người bạn ở Texas về vì quá đông, hơn nữa tôi sợ cô ấy không quen với thời tiết nắng nóng có thể ngất xỉu ở đâu đó hay Nguyệt lên tận lầu hai, ba để xem dâng Thánh lễ, chính vì điều nầy mà tôi lên tìm tận lầu ba khá lâu, khi quay lại chỗ đậu xe tưởng xe đã di chuyển tôi bèn quay lại đứng trước cổng chính nhà thờ để tiện mọi người quan sát thấy tôi (ai dè tôi chưa đến đúng nơi đậu xe, vì tôi để quên điện thoại trên xe nên ko thể liên lạc), báo hại Triêm phải tìm ngược lại tôi thành ra trể nải.
Cũng từ nhân duyên nên vậy chăng?
Khi tôi lên xe mồ hôi còn ướt đẫm cả áo, tôi thấy Nguyệt buồn có lẽ thương tôi nhiệt tình quá nên vậy. chính vì điều nầy nên trong bữa ăn trưa Nguyệt đem đến bàn ăn của 4 chúng tôi “tạ ơn” một dĩa cơm đầy thịt luộc ngon,
Chúng tôi ra xe tiếp tục cuộc hành trình điểm đến thứ 2 là Quan Âm Phật Đài hay còn gọi Quan Âm Nam Hải tọa lạc tại Khóm Bờ Tây, Phường Nhà Mát, TP Bạc Liêu, một trong những điểm đến của khách hành hương khá rộn rịp mỗi độ tết đến xuân về hay ngày vía Quán Thế Âm 19 (Al) hằng tháng.
Chùa Quán Âm Phật Đài còn trong quá trình xây dựng
Quán Âm Phật Đài là tên một ngôi chùa thuộc hệ phái Phật giáo Bắc tông, hiện tọa lạc ở phường Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu, Việt Nam. Đây là một công trình văn hóa tâm linh nổi bật của tỉnh, với pho tượng Bồ Tát Quán Thế Âm cao 11 mét, đứng uy nghi giữa một không gian thoáng đãng hướng nhìn ra Biển Đông (theo Wikipedia)
Khi chúng tôi đến nơi nắng rất gay gắt nhưng ai cũng vào tham quan
Chính giữa là tượng Quan Âm đứng hai bên tả hữu là 2 điện thờ: Thiên thủ thiên nhãn và Địa Tạng vương bồ tát ngoài ra còn có khu ăn uống miễn phí cho khách hành hương, phía sau có các công trình nhưng ít người chú ý.
Có điều đã nhiều năm nhưng mọi người cứ đem lễ vật đặt cúng dưới đất trước tượng lộ thiên quá nhiều chỉ có nắng bụi nhận lãnh thiếu đi tính trang nghiêm lẽ ra phải có mái che và có bàn đặt phẩm vật và nên có người quản lý để tính trang nghiêm sẽ cao hơn và khách ngoại quốc sẽ nhìn với ánh mắt khác. Chúng ta buồn vì những nơi như thế nầy quá xô bồ, đề nghị địa phương nhất là ban tổ chức sắp xếp lại trật tự để gọi là nơi hành hương đáng đến cho Bạc Liêu nói riêng và Tây Nam bộ nói chung.
 
Hành trình đoàn chúng tôi tiếp tục tiến về Sài Gòn, chúng tôi ghé nơi trưng bày sản phẩm bánh Pía, Sóc Trăng có đặc sản bánh Pía rất nổi tiếng, nơi đây Cty TNHH Tân Huê Viên tọa lạc tại 153 Ấp Phụng Hiệp, QL 1A An Hiệp, Châu Thành, Sóc Trăng đã đầu tư công nghệ sản xuất bài bản sản phẩm cũng khá nhiều mặt hàng ngoài bánh Pía và Lạp Xưởng được xuất đi nhiều ở các nước Bắc Mỹ và Châu Âu, mấy năm gần đây ngày tết Trung Thu người ta có xu hướng làm quà bằng bánh Pía có lẽ bánh Trung Thu có nhiều thương hiệu giả chăng? Người tiêu dùng bây giờ có quá nhiều lựa chọn nhờ có công nghệ internet hổ trợ.
Nơi nầy khá đẹp như một nơi cần dừng chân nếu ai có dịp về Sóc Trăng. Khuôn viên bãi giữ xe rộng đủ dung chứa cho hơn 50 xe đò và kiến trúc khá đẹp, từ bên ngoài lẫn trong phòng bán hàng, nghe nói Cty còn mở rộng thêm sang bên kia nữa.
Vào phòng trưng bày và bán sản phẩm tôi chú ý đến bộ bàn cua nghe nói đây là khối gỗ tốt nghệ nhân đục đẻo để có bộ bàn nầy, các bạn tưởng tượng khối gỗ lớn vậy mà đục đẻo thì công phu biết chừng nào và tấm phản dày trên 30 phân khá rộng và dài cùng với các khối thạch anh tím, đỏ, vàng… trưng bày trong tủ kính rất lộng lẫy. Rất tiếc ít thời gian quan sát nên không thể nói hết cho các bạn. Đoàn chúng tôi ai nấy cũng đùm túm khá nhiều quà về cho gia đình dù gì cũng một chuyến du lịch miền Tây, ít nhiều cũng có tí quà cho gia đình để làm vui.
Chúng tôi tranh thủ về Sài Gòn đến bồn binh Vĩnh Long theo quốc lộ 1A có quán khá đàng hoàng khách ở đây là những khách du lịch, xe dừng lại ghé vào quán Trưng Vương 2 nổi tiếng rất lịch với khách hơn nữa suốt chặng đường cũng mãi tranh thủ, thôi từ tốn ăn bửa cơm thịnh soạn cho đã đời đi nào, đàng nào cũng sẽ đến nhà.
Với kinh nghiệm của chúng tôi nên ăn tối sớm kẻo muộn xe từ miền Tây đỗ về rất đông sẽ kẹt xe trên cây cầu Mỹ Thuận vì quá hẹp bởi chỉ có một lằn xe 4 bánh và một lằn xe 2 bánh mỗi bên nhưng vì mãi mê trò chuyện nên cuối cùng về gần cầu đến cầu Mỹ Thuận là kẹt cứng, biết nhưng không tránh khỏi. Ấy cũng là duyên vậy.
Cuối cùng chúng tôi trở về điểm xuất phát cũng gần 12 giờ đêm. Xuống xe còn quyến luyến chia tay, chia chân.
Du lịch để mở rộng kiến thức và biết sinh hoạt cũng văn hóa vùng miền mình được đến vì vậy thời đại bây giờ hình như người ta ý thức được điều ấy nên ai cũng nghĩ rằng ấy cũng là nhu cầu của đời sống
Một chuyến đi thú vị cái được của nhóm chúng tôi là ai cũng vui vẻ trong tình thân ái bè bạn rất chân tình trong suốt thời gian hành trình.
Sẽ còn lưu dấu kỷ niệm đẹp cho những ngày sau của mỗi chúng ta, phải không các bạn?
...
Ngã Du Tử
8/3/ 2019
 
 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 28.03.2022 17:57:46 bởi THƠ NGÃ DU TỬ >
#1
    Ct.Ly 22.04.2020 21:01:15 (permalink)
    #2
      THƠ NGÃ DU TỬ 28.03.2022 17:54:57 (permalink)
      Tks Ct.Ly đã đem KÝ SỰ LỤC TỈNH vào thư viện văn. 
      Chúc vui nhé. Thân mến, NDT
      #3
        Chuyển nhanh đến:

        Thống kê hiện tại

        Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
        Kiểu:
        2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9