COVID-19 không đơn giản là một virus về đường hô hấp như người ta hằng tưởng khi đem so sánh với virus cúm mùa.
Có hàng tỉ chủng loại virus corona khác nhau, nhưng trước nay chỉ có sáu loại có thể lây lan đến con người. Trong số đó, có bốn loại thường xuyên gây ra cảm cúm xoàng và ít ai để ý đến. Một loại gây ra cúm SARS vào năm 2003 giết chết 774 người. Một loại khác gây ra cúm Trung Đông hay còn có tên là MERS vào năm 2012, chỉ gây thiệt mạng cho 34 người.
COVID-19, hay có tên khác là SARS-CoV-2, loại virus corona thứ bảy, kết hợp tất cả những sự tàn độc nhất của họ hàng nhà SARS và MERS.
Sau hơn bốn tháng lây lan nhanh và rộng, các bác sĩ vừa chữa trị vừa nghiên cứu cũng như học hỏi thêm về COVID-19. Qua vài chục ngàn nghiên cứu khác nhau, một số hiểu biết được trao đổi nhưng lại đẻ ra thêm nhiều điều không biết.
Hiện nay, giới y khoa đều đồng ý loại virus mới này tấn công cơ thể một cách quỷ quyệt khó lường. Đa số bắt đầu từ hệ thống hô hấp, nhưng COVID-19 cũng đồng thời phá hoại mọi cơ quan trong cơ thể từ đỉnh đầu cho đến tận gót chân. Ví dụ, một mặt, bác sĩ phải lo chữa trị những triệu chứng viêm trên toàn cơ thể, cho đến sự suy thoái về hệ thống hô hấp. Mặt khác, bác sĩ sẽ lo cho hệ thống mạch máu bị đông nghẽn và chặn đứng nguồn oxygen đến các cơ phận.
Virus corona tấn công đến tim, làm suy yếu bắp thịt tim và đảo lộn nhịp đập của mạch điện tim. Nó cũng phá hoại hai trái thận khiến cho nhiều bệnh viện không có đủ máy lọc thận. Khi nó lây lan ảnh hưởng đến hệ thống dây thần kinh, làm hư hại giác quan ngửi và nếm, sau đó lại có khi phá hoại luôn cả trung tâm não bộ. Đồng thời virus cũng làm cho hệ thống mạch máu bị viêm sưng, vách mạch máu bị hư hại và tế bào máu bị đông nghẽn lại khắp nơi trên toàn thân thể.
Cúm do COVID-19 có thể bắt đầu bằng một vài triệu chứng nhẹ hoặc có khi không có triệu chứng gì cả. Tuy nhiên, sau đó vài ngày, nó sẽ làm cơ thể khó thở. Phần lớn nạn nhân là người cao tuổi, nhất là người trên cân béo phì và đàn ông nhiều hơn là đàn bà.
Trong cơ thể chúng ta có một chất men xúc tác enzyme gọi là angiotensin converting enzyme 2, hay còn viết tắt là ACE2. Chất này có mặt ở nhiều nơi như ở thận để kiểm soát sự giãn nở của mạch máu thận và kiểm soát huyết áp; ở tim để điều hoà sự co bóp của tim; ở phổi để phối hợp hoạt động trao đổi dưỡng khí và cả ở hệ thống tiêu hoá cũng như lá gan. Virus corona tấn công tất cả các tế bào ngũ tạng bằng cách khống chế hệ thống ACE2 và ùa vào cổng ACE2 (ACE2 receptors) để vào bên trong tế bào.
Lợi dụng hệ thống ACE2 là phương cách tấn công của các loại cúm SARS và MERS trước đây, nhưng COVID-19 lại rất hữu hiệu hơn nhiều vì số lượng virus cần để tấn công tế bào ít hơn các loại virus trước đây. Cổng ACE2 receptors lại có nhiều và hay rất nhạy cảm ở những người có bệnh cao huyết áp kinh niên. Vì thế, bệnh nhân có bệnh cao huyết áp dễ là nạn nhân của COVID-19.
Cụ thể, ở não bộ, nạn nhân có thể bị tai biến não vì bị nghẽn mạch máu não. Ở đường tiêu hoá, virus làm buồn ôn, ói mữa, tiêu chảy và sưng gan. Ở phổi, khí quản bị sưng lên, không trao đổi dưỡng khi được, đồng thời mạch máu phổi cũng bị tắt nghẽn. Ở trái tim, bắp thịt cơ tim suy yếu, nhịp tim rối loạn và đột quỵ tim do bị nghẽn động mạch vành tim. Ở trái thận, chất dơ không thể giải độc được và cần đến máy lọc thận. Cuối cùng, hệ thống đề kháng bị rối loạn, không chống lại virus mà lại đi phá hoại chính tế bào lành mạnh của cơ thể.
Cho đến thời gian gần đây, COVID-19 “phớt lờ” trẻ em, nhưng mới tuần rồi, một số trường hợp trẻ em bị rối loạn hệ thống miễn nhiễm và thoái hoá tim tương tự như người lớn. Trong số năm trẻ em được điều trị tại bệnh viện Mount Sinai ở New York, tình trạng viêm xoang toàn cơ thể làm cho huyết áp bị tụt giảm, dẫn đến truỵ tim và gây thiệt mạng cho một em.
Hiện nay, phương cách chữa trị vẫn giới hạn trong phạm vi“hỗ trợ mà thôi vì vẫn chưa có một loại thuốc nào có khả năng tiêu diệt COVID-19 ngoại từ sức đề kháng tự nhiên của cơ thể.
Rất có thể phải tốn nhiều năm nữa sau khi cơn bão đi qua, người ta mới hiểu thêm nhiều về COVID-19 cũng như về thuốc men, yếu tố di truyền, nếp sống, chế độ ẩm thực, biện pháp cách ly xã hội có thể ngăn chận bước tiến của virus.
Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh