Năm Giọt Nước Trên Thơ
_____________
Văn học vốn nhiều nghệ thuật tu từ nhằm nâng cao cảm xúc người thưởng thức như chất xúc tác dẫn dắt vào thế giới trừu tượng. Người ta hay nói: Khóc như mưa, như nghệ thuật tu từ thậm xưng, khái quát hóa về nỗi buồn và cơn mưa lệ. Nhưng thật ra mưa: Như trút nước, lại dễ dàng hòa nhập vào trí tưởng hơn là Khóc Như Mưa…
Giọt lệ có khi nào lạ, trong tương tác đời sống giữa người với người hoặc giả giữa người và thiên nhiên, cùng ngoại vật xung quanh. Đau khổ quá đà, sinh rơi nước mắt. Đối diện ngoài vật khiến con người liên tưởng về việc gì đó rồi… cũng khóc. Vậy khóc như trạng thái tâm lý giải tỏa áp lực khi mọi cái vượt ngưỡng, không thể nào kiềm chế được, thế là lệ trào ra. Khóc đâu thể nào là mưa khi đổ giòng và rơi lộp độp vài hạt, mi đã nặng, mắt đã cay, và hầu như quán tính thói quen khiến người ta dùng tay để quệt khô… Khóc Như Mưa là thậm xưng để diễn tả quá đà về nỗi buồn sâu sắc khó bày tỏ bằng lời… Thế là… rơi, rơi… Từng hạt nhỏ tinh khiết mang vị mặn của muối, nếm thì mặn môi, nhưng dạ lại xót cồn cào…
Tôi có duyên tương tác với thi phẩm Rơi của tác giả Titi Dang và cảm xúc dâng trào dẫn đến thói quen viết, mặc dù tôi chưa bao giờ là nhà bình thơ. Khi cảm xúc vượt ngưỡng như nói trên: Một là tôi viết, hai là tôi sẽ… khóc…
Nguyên tác
“RƠI
Lệ rơi đêm đơn lạnh
Tình rơi lạc gối chăn
Sầu rơi tim cô quạnh
Ta rơi giữa cõi trần...”
15.04.2018 – TT
Năm từ Rơi mở đầu và đan xen trong bài thơ như một vết cắt xoáy vào tâm trạng người đọc làm bào bọt, xót lòng và nhấn chìm mọi cái xuống tầng thấp trong trạng thái Rơi không điểm dừng. Sức hút đơn từ Rơi, nặng là bao nhiêu? Nhưng theo trí tưởng thì trình trịch lòng, buồn thảm về thực trạng người trong cuộc lẫn kẻ tham gia câu từ. Rơi có thể là mưa! Rơi có thể là lệ. Và Rơi có khi là thực trạng người trong cuộc khi mất điểm tựa, chông chênh, nghiêng triền rồi đổ… Rơi buông thỏng không điểm dừng, khiến người đọc liên tưởng đến tác động Rơi trong không gian đa chiều. Lực tác động vào vật dù nhẹ nhàng, nhưng Rơi là vô định…
“Lệ rơi đêm đơn lạnh”. Đơn, nghĩa là một, dù trong nghĩa “cô đơn” cũng vẫn là một. Trong bóng tối lạnh lùng sự cô độc, ngủ thì thôi, thức thì ai cũng suy nghĩ. Chúng ta sẽ nghĩ gì khi xung quanh toàn bóng tối và đối diện cùng nó với đơn độc? Lạnh, là tính từ, đứng trước lại là số từ thuộc Hán – Việt. Hai từ song đôi, bổ sung nghĩa, để thể hiện sự cô đơn lạnh lẽo đến tận cùng và thế là… Rơi…
Nếu như Tâm ta như một tờ giấy trắng không nhuộm bất cứ sắc màu nào thì khi đối diện với “đơn lạnh” sẽ nghĩ gì? Tức nhiên không có gì để bận tâm cả. Thế nhưng, nếu đã trải qua hơn nửa kiếp con người với bao lận đận, truân chuyên, lại là việc khác. Trong bóng tối, một mình với quá khứ không may, ùa về, vây quanh, nỗi buồn này thật khó diễn đạt. Cách tốt nhất chính là thả thả nổi, buông xuôi, từ đó… Rơi… lệ…
Câu thứ hai trong bài thơ cũng vẫn là Rơi: “Tình rơi lạc gối chăn”. Lạc, ở đây gồm hai nghĩa: Thứ nhất Lạc Mất. Thứ hai Lạc của Vui Hưởng (Hán – Việt). Cho dù bất cứ ở nghĩa nào thì với văn cảnh Rơi, đều bi thảm, gợi buồn vời vợi. Nỗi sầu khi tình đã lạc nẻo bên ngoài căn phòng ấm, để mình ta đối diện với đêm dài khắc khoải, đau thương như tiếng quốc gọi trăng… Rơi sẽ đến như điều tất yếu…!!!
Nếu từ Lạc được xem như Vui Hưởng thì từ Rơi trước nó hoàn thành tốt vai trò kẻ ác khi nhấn chìm hoàn toàn hy vọng. Thế là tuyệt vận may mắn, rồi… lệ sa…
“Sầu rơi tim cô quạnh”. Nếu Rơi ở đây được xem như nói đến vật thể Sầu thì khi xét nghĩa toàn câu lại đưa đến một tình huống “trái tim đã chết”, khô hoảnh, muốn khóc lệ cũng đã cạn kiệt. Buồn, muốn khóc, nhưng mọi cái đều vượt ngưỡng, thoát mọi quy luật là nỗi đau sự chết, cảm giác mất hết, tư duy không buồn nghĩ…
Câu kết bài thơ: “Ta rơi giữa cõi trần”, như chấm hết cho may mắn và chỉ ra sự ngự trị nỗi buồn là Không Thay Đổi. Nó như định luật bất biến của kiếp số từ khi đã chọn Rơi vào cõi đời, buồn nhiều hơn vui… Từ đó khái quát toàn bộ vận mệnh bài Rơi như tiếng than thở của đêm định mệnh mà mọi nỗi buồn đều tập trung vào… Rơi, rơi, rơi, và chỉ… Rơi…
Vô tình hay hữu ý toàn bài Rơi được tác giả thể hiện sinh động ngay cả ngữ nghĩa mà trật tự kết cấu câu cũng có thể biến thiên theo tâm trạng. Cùng một bài, nhưng bằng biện pháp nhân đôi, hoán vị đều hàm chứa nghệ thuật biến hóa của con chữ. Chúng ta thử nhân Rơi thành hai như điệp từ, toàn bài vẫn đủ ý, nghĩa và vẫn ngọt buồn như phiên bản sau:
“Lệ rơi rơi đêm đơn lạnh
Tình rơi rơi lạc gối chăn
Sầu rơi rơi tim cô quạnh
Ta rơi rơi giữa cõi trần”
Biến thể lục ngôn vẫn tuyệt hay! Thế nhưng mọi cái còn độc đáo hơn về vị trí từ Rơi khi hoán đổi và xen vào bất cứ chỗ nào trong câu vẫn cho ra nghĩa đầy đủ…
“Rơi lệ đêm đơn lạnh
Rơi tình lạc gối chăn
Rơi sầu tim cô quạnh
Rơi ta giữa cõi trần”
Hay:
“Lệ đêm rơi đơn lạnh
Tình lạc rơi gối chăn
Sầu tim rơi cô quạnh
Ta giữa rơi cõi trần”
Hoặc:
“Lệ đêm đơn rơi lạnh
Tình lạc gối rơi chăn
Sầu tim cô rơi quạnh
Ta giữa cõi rơi trần”
Cuối cùng:
“Lệ đêm đơn lạnh rơi
Tình lạc gối chăn rơi
Sầu tim cô quạnh rơi
Ta giữa cõi trần rơi”
Rơi, đúng hoàn hảo, giàu tính nhạc, từ lúc khai sinh và ra mắt. Từ đó thi phẩm đã lọt vào đôi mắt nhạc sĩ đa tài Minh Vũ, và anh tận dụng đầy đủ cái hay của bài thơ chỉ vẻn vẹn có bốn câu để phổ nên một nhạc phẩm độc đáo giới thiệu đến mọi người. Nhạc sĩ Minh Vũ đã phát hiện ra tính hoán đổi của Rơi, để rồi Đọc Ngược tạo ra một phiên bản nữa cho đủ lời, thế là nhạc phẩm hoàn tất thật tuyệt vời…
Rơi, thật sự như Năm Giọt Nước biểu cảm được tác giả Titi Dang đưa vào thi phẩm một cách xuất sắc và từ đó chinh phục người đọc một cách thuyết phục.
Hy vọng với những gì thể hiện, nữ tác giả sẽ còn tiến xa hơn nữa trong quá trình sáng tạo và thể hiện chính mình.
Kết thúc bài viết là lời trân trọng của tôi gửi đến tác giả Titi Dang và cả đối với nhạc sĩ Minh Vũ. Cả hai đã góp phần cho Rơi… rớt vào lòng độc giả lẫn thính giả, với tuyệt phẩm có một không hai….
_________
Saigon – 7.8.2018
MacDung
<bài viết được chỉnh sửa lúc 31.08.2020 01:56:39 bởi Ct.Ly >