Cạn Đêm - MacDung
macdung 27.05.2020 12:10:49 (permalink)
                                                                 
 
 
 
 
                                                                  CẠN ĐÊM
 
                                _________________________________________
 
Di chứng về tình yêu có lẽ là một trong các căn bệnh đau khổ của loài người, bởi nó bắt đầu luôn luôn vào buổi tối và có khi kéo dài đến Cạn Đêm. Tôi nhớ thuở còn đi học, một ông thầy dạy môn vật lý cho rằng: Có hai căn bệnh đau khổ nhất hành hạ con người, thứ nhất nhức răng, thứ hai thất tình. Sở dĩ nhức răng được xếp lên hàng đầu bởi khi cơn đau hành hạ người ta thường la lên: Nhức quá trời ơi!
Chung quy hai căn bệnh khó chịu này luôn bắt đầu bằng buổi tối…
Tôi chưa hề nghĩ nhà thơ Nguyễn Hồng Linh đang thất tình, bởi xét ngoại hình nếu cô ta không đẹp cũng chẳng thể nói xấu xí. Nhưng… biết đâu! “Khối sầu” nhà ai nấy biết… Và bài Cạn Đêm ra đời!
Tận cùng với rượu ngon là Cạn chén. Hết ngôn từ để diễn đạt người ta nói: Cạn lời. Còn đối với Nguyễn Hồng Linh miêu tả từ đầy hình tượng là Cạn Đêm. Tức nhiên đêm đã cạn, mọi cái sẽ không còn. Nói về tính chất, đêm chuyển dạng sang hình thái khác, không còn là màu tối, nhưng… rõ ràng một đêm thao thức chưa hề chợp mắt tí nào… Cạn hết. Đêm trống không…
Điều gì đang xảy ra sau một đêm trăn trở? Một lý do? Một căn bệnh? Một khối tình? Hay một tâm sự khoắc khoải trong chốn nhân sinh mịt mùng!...
 
CẠN ĐÊM
***
Cạn đêm!
Vắt kiệt phiến mê
Cong
vành đón gió
hương về ngả nghiêng
Ngửa
buông sấp bóng bên triền
Đong đưa sóng cuốn
lạc miền bão giông...
 
05/05/2020
Nguyễn Hồng Linh
“Vắt kiệt” sức bởi một đêm mất ngủ tinh thần và thể trạng tất phải suy nhược, nhưng ai có rơi vào hoàn cảnh như nhà thơ mới thấy được điều này. Đêm không ngủ luôn gắn liền với trăn trở. Những động tác trở mình cố ru giấc sẽ diễn ra muôn hình vạn trạng, không ai giống ai, bởi đơn giản tâm sự con người vốn chứa đựng sự khác biệt. Phân mảnh tâm sự tạo nên vụn vỡ nên từ Phiến thuộc Hán – Việt tạo nên cao trào về ngữ lẫn nghĩa. Phiến là mảnh. Vật gì mỏng và phẳng được gọi là Phiến (片). Thế nhưng xét ngữ cảnh còn từ Phiến Lá, cũng là vật mỏng, mảnh, khá sắc nhọn, đâm vào da chắc không đau nhưng ở những nơi nhạy cảm như Tim chắc chắn rằng sẽ nhói!... Niềm đau này nếu diễn đạt không đến nỗi la lên: Đau quá trời ơi!... Nhưng lại âm ỉ, không rỉ máu, lại vừa đủ Cạn Đêm thâu trong mê muội…
“Cạn đêm!
Vắt kiệt phiến mê…”
Mê gì? Tác giả không nói! Nó như sự bỏ ngõ tâm tư cho ai từng Cạn Đêm cứ nghĩ và đồng cảm. Từ Mê thuộc tính từ biểu đạt trạng thái cảm xúc không duy lý và nghiêng về bản năng cảm tính nhiều hơn. Nếu như người đọc đứng góc độ duy lý để cảm nhận một bài thơ như thế này là hỏng! Bởi cảm tính vốn thuộc bản năng và chút gì đó thuộc thần kinh số 6 (Thần giao cách cảm.) Nếu ai hỏi bạn: Vì sao yêu người ấy? Sẽ có trăm ngàn cách trả lời… Nhưng… Phút giây đầu tiên chấp nhận sáp nhập ngôn từ thì thượng đế cũng không hiểu nổi!!! Có rất nhiều người đi qua đời bạn nhưng một sự đáp trả vẫn “đóng kín”! Nhưng riêng “người ấy” tự nhiên được chấp nhận hẹn hò. Thế ngay lần đầu tiên sao bạn bỏ ngõ cho người này lại đóng cửa với kẻ kia!? Đấy có phải là “tiếng sét” cảm tính nhiều hơn hay là Sự Hợp Nhau Giữa Hai Tâm Hồn được giải thích sau này!? Mê như Tiếng Sét. Mê không có lời giải. Và Phiến Mê của Nguyễn Hồng Linh đừng ai tò mò… bởi Mê là Mê…
Đêm Mê muội với nhiều thứ đột biến. Mới là sự việc này lại nảy sinh ra cái khác. Từ hiện tại quay về ký ức. Đau thương lẫn hạnh phúc cứ hiện về. Những kịch bản lộn xộn đan vào nhau khiến đêm trăn trở cho đến lúc Cạn....
Phiến Mê như lát cắt nhói tim nhưng chưa hề rỉ máu. Vết thương không hở miệng này thật đáng sợ hơn nhiều!...
Tư thế trong cơn trăn trở lúc khó ngủ thật phiền hà! Một khi nó xảy ra không ai hài lòng với cách nào cả! Bạn vừa chọn cách nằm này cảm thấy thoải mái, chỉ vài phút sau nó trở thành cực hình trong cơn ngủ! Thế là trở mình, sang trang tư thế khác. Nếu không được, lại tiếp nữa… Cứ thế đến lúc Cạn Đêm…!
“Cong
vành đón gió
hương về ngả nghiêng.”
“Cong” ở đây không phải gập người lại như lúc đau đớn quá thể. “Cong” như cuốn nhẹ nhàng, chọn một tư thế thoải mái dỗ dành giấc ngủ… Thể như “Cong” để đón một luồng gió man mát hương từ quá khứ, đem bóng yêu ngày nào phủ vào giấc điệp. Nó gợi nhớ chút hương yêu mùa mặn thắm, cài vào tư thế ngủ như chọc chành, hóa thành kẻ phá bĩnh khiến chủ thể trăn trở, rên siết với nỗi đau…
Lại Cạn Đêm!!!
“Ngả nghiêng” trở thành hình dung từ như tâm tư gặp gió, lắt lay qua lại. Điều này khiến người đọc tưởng tới cảnh sóng gió trùng khơi, chao đảo, vô phương dỗ giấc!...
Một giấc ngủ cứ bị chọc chành, nghiêng ngả, thử hỏi có ai tài ba ngủ cho được!? Thế là Cạn Đêm…
“Ngửa
buông sấp bóng bên triền”
Hết “Cong” rồi tới “Ngửa”. Một tư thế đối diện với trần nhà. Đơn điệu. Nhợt nhạt. Gợi buồn. Chán nản. Bỏ nó đi, không thích hợp trong việc dỗ giấc tí nào. Thế là tư thế quay sang “Sấp”. Nhưng “Sấp” lại thấy thấy “Triền”! Cạnh giường chăng? Thấy cạnh giường hóa ra thấy luôn nền nhà về đêm cộng sự lạnh lẽo đến vô cùng… Thật bi thảm cho một đêm tối tràn ngập tâm tư. Sự xáo động này đố ai ngủ được…
Những từ được Nguyễn Hồng Linh sử dụng xem ra độ ác ngấm ngầm hiện thân. Nó không buông tha ai cả khi đối diện cùng đêm tối với ngập đầy tâm sự. Mọi tư thế dỗ giấc phản tác dụng. Càng dỗ giấc càng gợi mở cho ký ức có đất sống. Nó như mảnh đất màu mỡ xúi giục những gì trải qua quay về sinh sôi, nảy mầm hành hạ bản thể. Sự ác ở đây khách quan chứ chủ thể chẳng hề mong muốn, nhưng không phương ngăn được và cũng vô cách chối từ…
“Đong đưa sóng cuốn
lạc miền bão giông...”
Động khi khó ngủ. Bất động khi dỗ giấc. Thế nhưng ngủ trong trạng thái “Đong đưa” có vẻ lý thú như được nằm võng. Điều này chắc dễ ngủ lắm! Khổ cái, nếu bạn đang muốn bất động để tìm an lạc, nhưng ký ức hiện về như sóng “đong đưa” lại phản tác dụng. Đối với người “ghiền võng” gặp trạng thái này thật thích ý. Nhưng người đang muốn Yên, Bất Động, lại không được! Lúc muốn được “động” như ai đó đưa võng ru ngủ cho mình chưa chắc gì đã có… Muốn Yên lại không! Đúng là nghịch cảnh trêu ngươi!
Cạn Đêm thể hiện diễn biến tâm lý bị xáo trộn, mất cân bằng, thảng thốt trong bất chợt bởi những mảnh ký ức mới cũ đan xen, từ đó tạo ra ức chế trong não bộ. Những dây thần kinh thay vì dịu lại tạo ra giấc ngủ, nó lại quá đà trong hưng phấn với những hình ảnh nhảy múa thay đổi dạng thái, kéo bản thể muốn được ngủ quay về với kết nối mới đang diễn ra… Tâm trạng này ai đã từng Cạn Đêm mới thấu hiểu…
“Bão giông” cuộc đời là điều mấy ai tránh khỏi! Nhưng bão giông trong giấc ngủ lại bi thảm hơn nhiều… Thay vì bị hành hạ thể xác thì ngay trong giấc ngủ cũng bị hủy hoại tinh thần… Cạn Đêm…
“Cạn đêm! Vắt kiệt phiến mê
Cong vành đón gió hương về ngả nghiêng
Ngửa buông sấp bóng bên triền
Đong đưa sóng cuốn lạc miền bão giông...”
Nhà thơ Nguyễn Hồng Linh chia sẻ cảm giác bởi một đêm khó ngủ, đồng thời thể hiện khả năng nắm bắt tình tiết tâm lý sắc sảo, giới thiệu đến thi đàn kiệt tác “Cạn Đêm”, nhằm khai mở những mảng tâm sự cô đơn, đối diện cùng trăn trở… Tiền là bạc, nhưng giấc ngủ vốn là vàng! Có thể con người đến một giai đoạn nào đó, chỉ sờ thấy vàng trong vô vọng…
Đồng cảm cùng tác giả, bài bình luận này mong được giới thiệu đến bạn đọc một góc khuất trong nỗi sầu mất ngủ! Hy vọng rằng qua bài viết bạn đọc bốn phương sẽ trải nghiệm và rút ra cho mình một liệu pháp khả dĩ chống Cạn Đêm. Và hy vọng lớn nhất đối với người viết: Qua những gì bình luận, tâm trạng Cạn Đêm không rơi vào chính mình…
 
VL – 14.5.2020
MacDung
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Attached Image(s)
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 3 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9