NHẠC SĨ SÔNG TRÀ NGƯỜI ĐẦU TIÊN THÀNH LẬP CLB VĂN NGHỆ SĨ SÀI GÒN GIA ĐỊNH
NHẠC SĨ SÔNG TRÀ NGƯỜI ĐẦU TIÊN THÀNH LẬP CLB VĂN NGHỆ SĨ SÀI GÒN GIA ĐỊNH Sau năm 1975 Sài Gòn cũng như cả nước – tất cả anh em văn nghệ Miền Nam đang lơ ngơ chưa tỉnh giấc vì khẩu hiệu thời ấy là “ tất cả cho lao động sản xuất, để tái thiết đất nước” sau 21 năm bị chiến tranh tàn phá tan hoang. Một số anh em văn nghệ Miền Nam có ảnh hưởng khá rộng trong chính quyền Sài Gòn cũ đã được các cán bộ “chăm sóc kỹ lưỡng” nên đã vào các trại học tập cải tạo vì có quá trình phục vụ cho chế độ Sài Gòn, số ít ảnh hưởng hơn thì dáo dát, lo âu không biết khi nào tới phiên mình lên đường. Ai có ở Sài Gòn thời ấy mới hiểu hoang mang trong từng mỗi con người làm văn nghệ là đương nhiên Sau vụ án Hồ con rùa thì thực sự âu lo, có người vội vàng đi Kinh tế mới mặc dù mấy mươi năm làm công việc cọ giấy hoặc ngồi bàn làm việc vì có lẽ nơi ấy an toàn hơn coi như mình được đánh đồng với nông dân hay giới bình dân miễn sao mình thoát hiểm là chính, bởi dù muốn hay không thì coi như đã ít nhiều có tội vì phụng sự cho chế độ Miền Nam Việt Nam mà phục vụ cho Miền Nam Việt Nam là có tội với chính quyền cách mạng thế thôi. Mấy năm sau kể ra cũng hơi yên ắng khoảng cuối thập niên 70 đầu thập niên 80, nhạc sĩ Sông Trà cũng hiểu nổi lo âu của những anh em văn nghệ miền Nam thời bấy giờ vì cũng đã từng chơi với nhau nên anh biết những anh em cần gì, Lúc bây giờ anh là cán bộ chức danh chủ nhiệm Nhà văn hóa Gia Đinh anh thăm dò thành phần cốt cán của cấp ủy Gia Định, ban đầu còn nhiều nghi ngại, nhưng sau thấy cũng cần lực lượng văn nghệ để tuyên truyền thế là cấp ủy Gia Định chấp nhận nhưng với điều kiện là phải có công an làm cán bộ khung kiểm soát cho tập thể văn nghệ sĩ ấy, miễn sao có chỗ để anh em tạm an trú ngày mai ra sao rồi hãy hay. Xét cho cùng thì những anh em văn nghệ sĩ ấy chẳng ai thích làm chính trị cả thế mà chế độ Cách Mạng một mực suy diễn như chính quyền Miền Bắc một thời mấy ông ấy đi làm văn nghệ là tuyên truyền nên thà bắt lầm còn hơn bỏ sót, cho nên có số đã trở thành phu xích lô, thành người bán chợ trời, thành thợ đụng vẫn nem nép lo sợ đủ điều. Đúng thời điểm ấy anh Sông Trà thuyết phục được cấp ủy Gia Định và quyết định thành lập CLB Văn nghệ sĩ Gia Định, anh Ba Sơn lúc bấy giờ là trưởng công an Gia Định đỡ đầu, hồi ấy CLB Văn Nghệ Sĩ đủ các thể loại Thơ, văn, nhạc, kịch họa một mặt anh mời các anh em đã quen biết trước, một mặt hỏi thăm các thân hữu còn trong địa bàn, cuối cùng cũng có bộ khung ngon lành tiền thân cho mấy ngàn CLB sau nầy. Ngày thành lập cũng bề thế có chính quyền cấp ủy quận đến tham dự và bỏ phiếu kín bầu chọn thành phần Ban Chủ nhiệm gồm: – Nhạc sĩ Sông Trà chủ nhiệm – Nhà thơ Tường Linh phó chủ nhiệm – Nhà thơ, họa sĩ Hoàng Hương Trang phó chủ nhiệm – Nhà thơ Nam Giang thư ký Hội viên đủ các ngành thơ văn nhạc kịch, Về phía ca sĩ gồm có Túy Phượng, Thùy Hương, Mai Khanh, Mai Trâm ( 2 chị em ruột), Kim Chung, Kim Chi… Kịch sĩ gồm Túy Hoa, Ngọc Huệ, Phương Hồng Yến… Nhạc sĩ là lực lương khá đông những tác giả nổi danh của thời ấy hầu như có mặt từ nhạc sĩ Châu Kỳ, Trầm Tử Thiêng , Thanh Sơn, Từ Công Phụng, Vũ Thành An, Mặc Thế Nhân, Trúc Phương, Hàn Châu…, cánh thơ ca gồm những nhà thơ cũng đã trước bạ tên tuổi mình một thời như; Hoàng Hương Trang, Tường Linh, Hoàng Anh Đỗ, Tô Kiều Ngân, Song Nguyên, Hoàng Duyên…Ngoài ra còn có các giọng ngâm khá quen thuộc của thính giả Sài Gòn như Hoàng Hương Trang, Mai Hiên, Huyền Trân, Hồ Bảo Thanh, Đoàn Yên Linh…Cánh nghệ sĩ sử dụng nhạc cụ gồm Tô Kiều Ngân, Thạch Cầm, Song Nguyên, Mỹ Dung, đặc biệt tay trống cừ khôi Trọng Thành sau nầy không gặp anh…Cánh họa sĩ gồm các anh Phương Linh, Hoàng Hương Trang, Vũ Hối…để công diễn không những tại Sài Gòn Gia Định mà còn đi các tỉnh lân cận, vì vậy cũng gây tiếng vang khá đáng kể. Tiếng lành đồn xa càng ngày anh em càng đông cùng nhau quay quần dưới mái nhà CLB Văn Nghệ Sĩ Gia Định tuy còn nhiều vất vả khó khăn về đời sống vì cùng cả nước phải chịu cảnh đói gạo, thiếu áo song tiếng cười bắt đầu khơi mở và không khí bắt đầu vui tươi hơn đầy đặn chữ tình hơn . Ôi chao, tiếng cười ngập tràn sau những lần hội họp những tâng 2, 3 bắt đầu từ ấy, sau đó ai cũng cảm thấy nhẹ nhàng hơn, mạnh dạn sáng tác phải thừa nhận rằng sau nầy các anh chị thời ấy ai cũng thành danh cả. Mãi lâu sau ở thập niên 90 khi có các chương trình HO. Đoàn tụ, Con lai… lần lần các anh có điều kiện ra nước ngoài để định cư thỉnh thoảng vẫn thư từ về thăm hỏi, có người còn duy trì mối quan hệ văn nghệ đến tận bây giờ. Thỉnh thoảng các anh chị từ phương xa trở về có dịp quây quần bên tách café hay bửa tiệc thân mật vẫn nhắc lại cái thời văn nghệ phôi thai của đất nước, nhất là Sài Gòn sau 75 ai cũng có chút xuýt xoa, bùi ngùi.. dù sao cái thuở ban đầu lưu luyến ấy cũng gắn bó như một phần máu thịt của định mệnh đời sống ở trần gian vui buồn lẫn lộn . Tôi cũng bắt đầu nhập cuộc văn chương cũng từ nơi nầy CLB tiếng thơ Gia Định ở thời điểm sau nầy hơn nửa thập niên 80 nghe nhiều anh em nói lại cái ngày đầu “ vạn sự khởi đầu nan” ấy khi mà cái thú chơi văn chương tao nhã được cho là phù phím nên rất khó nhọc, gian nan và tôi cũng hân hạnh được giới thiệu đêm thơ NGỌC DŨ với chủ đề MẸ VÀ QUÊ HƯƠNG tại trung tâm văn hóa Bình Thạnh ( trước là Gia Định) ngày 20.7. 1993. Tôi viết những dòng nầy như một sự trân trọng của bậc văn nghệ đàn anh ở Sài Gòn nói riêng vì cái chung cho văn học nước nhà coi như lớp tiên phong của văn học kể từ sau biến cố lịch sử 1975.. Với nổ lực của toàn thể Ban chủ nhiệm cùng tất cả các anh em hội viên thời kỳ ấy cho nên cũng đóng góp được 2 tác phẩm có giá trị đó là TIẾNG HÁT VƯƠN CAO tập 1 và 2 xuất bản hẳn hoi, (Không biết giờ nầy có ai còn không?. Bây giờ các anh chị thời ấy đã già yếu, có người đã ra đi vĩnh viễn, nhạc sĩ Sông Trà, thi sĩ Tường Linh, nữ sĩ Hoàng Hương Trang, Nhà thơ, nhà thư pháp Song Nguyên… vẫn còn ở Sài Gòn thỉnh thoảng tôi vẫn gặp ôn lại thời kỳ ấy hình như ai cũng cảm thấy bằng lòng vì nói gì thì nói họ là lớp văn nghệ tiền phong của một thời khó nhất miền Nam sau năm 1975 của đất nước .Rõ ràng ai trong số họ cũng có một chỗ đứng vững vàng trong chiếu văn của dân tộc Việt Đời sống văn nghệ cũng như đời sống xã hội đều phải tuân thủ sự tuần hoàn dịch biến của đất trời và xã hội nên hết lớp sóng nầy là tới lớp sóng khác, hết trào lưu nầy đến trào lưu khác và danh xưng cũng dần dần đổi thay, sau nầy mỗi thể loại như nhạc có CLB sáng tác âm nhạc, thơ ca có CLB thơ..v.v….và mỗi quân huyện đều có từng CLB riêng cho từng thể loại nên CLB Văn Nghệ Sĩ Sài Gòn Gia Định cũng chuyển đổi là chuyện thường tình. Hiện tại chưa có con số thống kê chính xác nhưng trên cả nước hiện có hàng ngàn CLB từ phường ấp đến các đô thị lớn có khi tìm xuất xứ không biết bắt đầu từ khi nào Tôi viết về anh như nhớ kỷ niệm một thời mà lịch sử đã đi ngang từ mỗi tâm hồn văn trong các anh em . Sài Gòn, mùa hạ 2014 NGÃ DU TỬ Hình Nhạc sĩ Sông Trà và Ngã Du Tử trong chuyến đi miền Tây nam bộ
Thống kê hiện tại
Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
Kiểu: