ANH THỨ BA CỦA TÔI
Nguyễn Lương Tuấn 27.08.2020 10:38:35 (permalink)

ANH THỨ BA CỦA TÔI
Vào trang của “Làng rèn Hiền Lương” bắt gặp những hình ảnh, những đồ nghề quen thuộc, ngỡ như xa lắm rồi. Nhớ quá kỷ niệm những ngày còn thơ – Nơi chốn ấy, ngôi nhà ngói 3 căn, cái xưởng rèn, cái sân có mái tôn che, bên tay phải là căn trống, tại đây hai đầu có hai cây sắt chữ Y dài bắc ngang dùng để gác sắt chữ U, đưa các cánh quạt, tán li vê cho việc hoàn thiện bộ cửa đẩy. Bên trái là cái bàn sắt, nhìn ra đường Chi Lăng, trên đó là cái khoan để khoan lổ, quay bằng tay, rồi cái e tô, cái bàn đột có cần kéo rồi bếp rèn, lò bệ, đe, con heo sắt, búa tạ hai ba cái, búa con, mấy cây sắt chữ Y to dùng làm đồ nghề cho việc đập, gò hay uốn sắt. Nói chung đủ loại đồ nghề, rất nhiều. và một sân chạy dọc theo chiều ngang sát hàng rào cùng ngó ra Chi Lăng là nơi ngày ấy tôi nhớ cha hay trồng các loại cây cho ra củ để tăng cường cho bửa ăn. Khi thì cha trồng choux, khi thì trồng bầu, khi thì bí ngô. Tôi còn nhớ có lúc trồng bí ngô ra trái nhiều, lớn, cha cho hái vô, bôi vôi trên cuống rồi để trên trần tủ, dành cho mùa đông, khan hiếm thực phẩm. Và dưới giàn cây đó có khi cha để cái ghế fauteil nằm nghỉ, đón gió dưới bến đò Chợ Dinh cho những ngày hè nóng nực, có khi để mấy cái ghế và cha tiếp chuyện với mấy ông bạn hàng xóm như cụ Chằng, bác Tri, hay bác Mai, … và đầu góc sát bức vách với cái quán là mấy viên đá mài để mài dao, rựa, mủi ve, …Nhà có cái quán nhìn xuống bến đò, nền thấp hơn nền nhà, có bộ cửa kéo để kéo, đóng vì cha trù để quầy bán những dụng cụ như dao, rựa, cuốc, …khi bán mở ra, khi nghỉ bán thì đóng lại. Quán vẫn có một cửa thông để ra vào. Cái quán đó cha làm xong, có tủ quầy đàng hoàng nhưng khi tôi lớn lên thì không thấy cha bày bán nữa. Có thể cha thấy không cần thiết vì công việc người ta đến đặt hàng chủ yếu là cửa sắt. Sau này tôi thấy thím Chằng thỉnh thoảng gánh cháo bò ra ngồi ở đây, dưới mái hiên quán để bán.
Có một kỷ niệm mà tôi vẫn nhớ hoài. Đó là anh tôi, người anh thứ ba vẫn là cánh tay mặt đắc lực nhất của cha trong công việc ở nhà rèn. Ngoài ra còn có ông anh đầu và anh thứ hai nhưng sau này không còn làm nghề phụ cha nữa. Ông đầu tập kết ra Bắc năm 54. Ông anh thứ hai không làm nữa mà được cha cho đi học, trở thành GS sau này.
Người anh làm nghề, phụ cho cha trở thành cánh tay mặt đem lại uy tín cho thương hiệu “ôn Chợ Dinh”. Thật vậy sau này cửa sắt các loại, hay những công việc gì khó khăn đều được anh tôi làm rất tuyệt hảo, thành công. Dần dần cha trở thành chỉ huy công việc và lo việc đối ngoại: tiếp khách hàng, nhận lãnh công việc, đi lên phố mua đồ để làm, …
Cũng chính vì vậy mà cha tôi thường xuyên đi ra ngoài, công việc giao cho anh tôi, vừa trực tiếp làm vừa điều hành thợ, học trò làm các việc.
Tuy nhiên cũng như ông anh thứ hai, anh tôi hiếu học, hễ cha tôi đi ra ngoài là ông thường lên phòng ngồi mở sách ra học sau khi giao cho học trò các việc phải làm. Anh tôi ban ngày làm việc nhưng ban đêm lại đi học. Ông hay trao đổi chuyện học với tôi. Tôi nhớ có lần tôi đang cầm cuốn Conjugaison trong đó chứa những nhóm động từ bất quy tắc, phải học thuộc lòng chứ không thể chia như các loại động từ thuộc nhóm “er “ hay “ir” theo quy tắc. Khi đó anh tôi đang tán cửa đẩy, ông lắng nghe và chợt dừng lại, rồi ông bắt đầu đố tôi. Thế là hai anh em đố nhau và đặt cược. Kết quả tôi bị thua ông nhưng sau đó tôi cải lại ông bảo rằng tại anh ăn gian. Thế là anh ví tôi, tôi chạy nhảy qua bụi già tàu nhà bác Tri. Kết quả tôi bị té lăn cù, chân bị sướt chảy máu do đụng phải giây thép gai. Đó, anh tôi là như rứa. Nhờ ham học, sau này ông thi Dipplomme và đậu.
Những năm tôi đi học Nguyễn Du, tôi có tiền tiêu vặt, ăn hàng là nhờ anh cho. Nhắc tới đây tôi nhớ chuyện cắt chấu liềm. Giai đoạn ni nghề rèn đã vơi đi nhiều. Mặt khác ai cần dao rựa hay kéo thì cha thường qua Bao Vinh nhờ ông Dượng rèn giúp. Thỉnh thoảng tôi vẫn thấy người ta mang chấu liềm đến để cho ông anh cắt. Cắt chấu liềm nghĩa là thế nào ?
Chấu liềm là một dụng cụ hình như lưởi dao mỏng nhưng có hình cong và mép cong đó không bén như mép dao nhưng lại có răng cưa nhỏ, sắc. Mục đích là để dùng cho người nông dân cắt lúa vào các vụ mùa thu hoạch. Ở Chợ Dinh khách mang chấu liềm đến làm thường là ở phía sau đường Ôn Như Hầu thuộc phường Phú Hậu. ở đó có những cánh đồng lúa bát ngát. Một số khác từ bên Nam Phổ đi đò qua Chợ Dinh để nhờ làm. Mỗi lần cắt chấu liềm, tôi để ý thấy ông anh cho luộc chấu, xong ông bỏ lên trên một cái thớt dài bằng gỗ ngày ấy tôi nghe tên gọi là cái đòn gọt. Đòn gọt có đồ kẹp cái chấu giữ thật chặt, sau đó ông dùng một cái cần giữa kẹp một cái lưởi bào mép bằng thép sắt. Anh dùng hai tay đưa mép bào vô mép chấu liềm và gọt như người thợ mộc bào gỗ. Sau khi mép đã mỏng việc tiếp theo là vằm mép chấu liềm cho có khứa như lưởi cưa vậy. Cuối cùng là tui trở lại mép chấu liềm cho độ cứng trở lại như cũ.
Mỗi lần cắt chấu liềm như rứa được khoảng 5, 6 đồng. Và thế nào anh cũng dúi cho tôi một đồng. Thích lắm, vậy là vù một cái chạy lên Chợ Dinh gần nhà mua kẹo gừng, 14 cái /đồng, sướng quá trời !
Sau này khi anh lập gia đình, sau năm 1964, có người rủ ông vô Sài Gòn làm cho Dòng Chúa Cứu Thế. Ông xin phép cha tôi cho đi xa làm ăn. Cha chấp nhận. Công trình cửa ngõ, phần sắt, … thuộc dòng CCT Nha Trang và Thủ Đức đều là do ông anh làm, với tài khéo léo, kỷ thuật giỏi, anh rất được thầy Henry quý mến. Còn nhớ khi đang còn ở Nha Trang, anh làm loạt cửa sắt cho nhà thờ, lúc đó có một ông thợ trước đó từng làm, chứng kiến thấy cửa anh tôi làm như vậy, ông thở dài nói:
- Làm như anh thế này thì tôi hết làm rồi !
Sau đó anh vào Sài Gòn tiếp tục làm công trình cho nhà thờ ở Thủ Đức. Được 3 năm, nhớ nhà, nhớ cha, ông lại xin phép nhà dòng trở về lại Huế. Các thầy nhà Dòng như thầy Henry, thầy Tadet, thầy Gioa Kim, … rất quyến luyến anh. Còn nhớ thầy Henry đã chở anh đi xem nhà ở đường Trần Quốc Toản gần Việt Nam Quốc Tự và nói anh ưa mua chỗ nào chỉ cho thầy là thầy sẽ giao dịch cho. Nhưng cuối cùng anh vẫn không ở lại và thích về lại Huế. Sau này thầy Henry đã mua giúp cho một cái máy tiện dài 3m5 tối tân nhất hồi đó. Chở thẳng về Huế cho anh và thầy đã cho ông anh ký sổ, nghĩa là khi nào có tiền trả cũng được. Cái máy tiện đó sau này chịu chung số phận của đợt cải tạo công thương nghĩa là “của tui họ dành” !
Khi trở về lại Huế . Ông anh thuê một căn ở An Cựu (đường Hùng Vương – Nguyễn Huệ) mở garage và làm chung với ông anh bên ngoại cho đến ngày kết thúc chính quyền miền Nam.
Như thế cha tôi có một cái nhìn thật bao dung, thông cảm. Công việc nghề nghiệp anh tôi gánh vác cho cha, là vai trò chính cho việc làm ăn ở xưởng nhưng khi anh có gia đình, ông nghĩ đến con, đến cuộc sống của tiểu gia đình, ông đành chấp nhận cho anh đi làm ăn riêng.
Ngày nay anh đã trên 80 tuổi, khỏe và yêu đời, vẫn vui tính và nhất là thích “bình phẩm về người đẹp”. Mỗi lần về Huế gặp anh, hai anh em vẫn vui vẻ, hồn nhiên như ngày xưa. Còn nhớ khi anh làm ở góc An Cựu, anh giao chiếc xe Honda cho tôi đi học, chỉ mỗi chiều lên đón anh về. Anh vẫn nhắc tôi chở anh đi ăn thịt gà bóp ở góc Chi Lăng – Nguyễn Du hay đi ăn kem ở Đào Nguyên hoặc Sơn Ca ở đường Hàng Bè, Huỳnh Thúc Kháng. Giờ đây trở về thăm anh, tôi lại chở anh đi uống nước mía Phu Văn Lâu hay cà phê giải khát, ...Hai anh em ngẫm nghĩ chuyện đời thấy thời gian quả thực trôi qua như một giấc mộng …
Anh tôi đó, trong tâm hồn tôi luôn có nụ cười của anh và kỷ niệm về những ngày tháng anh em bên nhau.

<bài viết được chỉnh sửa lúc 27.08.2020 10:42:27 bởi Nguyễn Lương Tuấn >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9