Tiểu thuyết 2 tập: CHIẾN TRANH VÀ TÌNH YÊU - Phạm Ngọc THái
Thay đổi trang: 123 > >> | Trang 1 của 4 trang, bài viết từ 1 đến 15 trên tổng số 53 bài trong đề mục
Nhân văn 01.09.2020 17:28:11 (permalink)
 
 
                                                                 PHẠM NGỌC THÁI
 
 
 
             CHIẾN TRANH
              và TÌNH YÊU 
 
                                                            Tiểu thuyết
                                                                                    Tập I
 
 
 
                                         NHÀ XUẤT BẢN HỒNG ĐỨC 2020
 
 
 

 
 
 
 
 

 
 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 02.09.2020 18:48:09 bởi Nhân văn >
#1
    Nhân văn 01.09.2020 17:41:14 (permalink)
     
     
     
                                      Truyện được viết dựa theo cuộc đời trận mạc
                               của tác giả - đã từng trải qua cuộc chiến tranh, trên
                               chiến trường Tây Nguyên - Nam Bộ.  


     

         Nhà văn Phạm Ngọc Thái thời còn chiến tranh
     
     
     
     
                                                                             Chương I.   
     
                                        VÀO ĐỜI
     
                                                                       1-
     
     
         Buổi sáng mùa thu 1966.
         Một cô gái có khuôn mặt đẹp, đuôi mắt kéo dài ra như vẽ hơi ngước nhìn lên người thanh niên đi cạnh cô. Người con gái khẽ mỉm cười để lộ ra hàm răng trắng đều như những cánh lan, ẩn trong cặp môi chin mịn. Cô gái níu tay bạn trai của mình bước đi nhún nhảy như con chim chích đang chuyền cành. Miệng nói những gì nghe không rõ, rồi kéo người con trai chạy theo.
         Họ dừng lại dưới chân một ngọn núi nhỏ, gọi là Núi Nùng ở công viên Bách Thảo. Cô gái rời tay khỏi người con trai, chạy ngược lên núi. Đến lưng chừng dường như đã mệt, cô phải cúi gập người xuống dùng hai tay mà đi như một con thú. Người con trai đuổi theo rồi nắm lấy tay bạn gái, cả hai cùng tiến lên đỉnh.
         Cỏ xanh rờn trên mặt núi phẳng. Đến một gốc cây, cô kéo người bạn trai ngồi soài lên bãi  cỏ. Miệng vẫn còn thở hổn hển nhưng đôi mắt sáng long lanh, trong nụ cười tinh nghịch.
    -  Cũng nhanh thật Hoàng nhỉ? Thế là chúng ta đã chấm dứt quãng đời học trò.
         Mắt mơ màng nhìn xuống phía hồ nước dưới chân núi, cô nói tiếp: “Khi còn đang đi học thì cứ mong cho chóng xong. Giờ ngoảnh lại, Thu thấy nó qua nhanh như một giấc mơ vậy.”.
    -  Nhưng Thu và các bạn thì vẫn tiếp tục học đại học, còn cả quãng đời sinh viên cơ mà?
         Người con trai có tên gọi là Hoàng nói vậy.
    -  Cũng biết vẫn còn tiếp tục học đại học. Bắt đầu bước vào cuộc đời một sinh viên, nhưng Thu lại thấy như mình sắp bước sang một trang đời khác, không giống thưở là học trò nữa.
         Cô dừng lại, đưa mắt nhìn Hoàng vẻ căn vặn: “Nhưng việc từ bỏ đại học để lên đường nhập ngũ đi chiến đấu, là quyết định của Hoàng cơ mà? Có ai ép Hoàng đâu?”.
    -  Ừ, đó là quyết định của Hoàng!
          Anh nói vậy rồi im lặng, trầm ngâm như đang nghĩ đến một điều gì mông lung lắm. Lát sau anh nói tiếp:
    -  Hôm qua Hoàng gặp Thanh, nó báo tin là đã nhận được giấy gọi đi học ở Nga.
    -  Thật ra thì danh sách đi học nước ngoài, lớp cũng đã có tin báo từ trong năm. Chỉ có bộ phận học sinh đi du học ở Trung Quốc, vì có cuộc “cách mạng văn hóa” nên đình lại. Thu và số bạn có tên trong danh sách đó, chưa biết trên Bộ giáo dục sẽ phân bổ vào trường đại học nào?
         Hoàng nhìn người bạn gái rồi nói:
    -  Hoàng thấy tiếc cho Thu.
    -  Không! Thế là may đấy. Không những Thu không tiếc mà còn vui nữa, Hoàng ạ!
    -  Sao thế?
    -  Thu vẫn muốn theo học trường đại học sư phạm. Hơn nữa, sang học ở Trung Quốc, Thu cũng chẳng thích.
    -  Gia đình Thu có gien sư phạm mà... 
         Hoàng tiếp tục nói: "Cả gia đình là nhà giáo. Hồi đang đi học, Hoàng cứ nghĩ là Thu sẽ theo một ngành khác cơ đấy?".                       
    -  Thế, Hoàng muốn Thu theo ngành gì?
    -  “Y” chẳng hạn, nếu Thu thích. Thu khéo léo, mềm mại, hợp với ngành ấy!
         Anh dừng lại giây lát: "Gia đình mà có một người làm bác sĩ cũng tốt!".
    Hoàng cầm lấy tay bạn gái, vuốt nhẹ. Cô để nguyên tay mình trong tay anh. Đôi mắt Thu, khi ánh sáng chiếu qua làn nước mỏng như tơ, càng thêm trong. Họ xích lại gần nhau thêm, Thu nói nhỏ:
    -  Hoàng tưởng thế, Thu không khéo lắm đâu. Cứ nhìn thấy máu là Thu sợ chết khiếp, chân tay bủn rủn. Thế mà Hoàng bảo "y" hợp với Thu?
         Rồi cô kết luận: "Thu sẽ làm cô giáo!".
         Tiếng nói của một đứa trẻ làm đứt quãng câu chuyện của họ. Cậu bé trạc sáu, bảy tuổi. Đầu đội chiếc mũ ca-lô màu xanh, đang theo cha mẹ leo lên núi. Cha của cậu là một người đàn ông trẻ, hơi xương mặt. Anh đeo cặp kính trắng, dáng trí thức của một nhà giáo hay cán bộ nghiên cứu gì đó? Khi gần đến đỉnh núi, cậu bé lao lên chạy trước, níu lấy tay của người cha chạy theo. Như thể ngọn núi này cũng giống một cái thang trượt, mà một buổi nào đó cậu đã gặp trong cung thiếu niên.
         Mẹ của cậu bé, một phụ nữ khoảng ba mươi tuổi, người mảnh khảnh, tóc phi-dê. Chị xách chiếc làn nhựa, bên trong chắc là đựng đồ ăn, kẹo bánh và vài thứ lặt vặt.
    -   Từ từ kẻo mệt, con!
         Người cha nói. Cậu nhảy thêm một bậc, rồi quay lại nói với cha:
    -  Bố mẹ đi chầm chậm là... Con nhảy phốc ba bước là lên đến đỉnh!
         Như để chứng minh cho câu nói, nó cúi xuống lấy thế khuỳnh tay ngai, người vặn sang phải nhảy phắt lên bậc cuối cùng. Rồi nó cúi người chạy vào giữa đỉnh núi, vừa chạy vừa kêu vù... vù... vù... như chiếc máy bay chuồn chuồn. Cậu ta lượn vòng tròn quanh chòm núi nhỏ, vút qua chỗ Hoàng và Thu đang ngồi. Người cha chạy lại giữ con. Bà mẹ thì mắng:
    -  Ông tướng ạ! Ngã bây giờ đấy!
         Cậu bé hơi xịu mặt xuống, rồi lại líu ríu chạy theo cha. Đến chỗ có bóng cây mát phía bên kia đỉnh núi, họ trải ni lông ngồi xuống. Cậu bé cũng chỉ ngồi yên được một tí. Chân tay nó cứ liên tục động đậy, như thể có kiến cắn. Nó kéo chiếc mũ ca-lô lệch hẳn về một bên, nhảy tới ngắt một đám cỏ gà. Có con chuòn chuồn đỏ đang bay chấp chới, hạ cánh đậu lên một bông cỏ đã vươn cao. Bông cỏ không chịu nổi sức nặng nhỏ bé của con chuồn chuồn, cong xuống. Con chuồn chuồn bay lên rồi lại từ từ đậu xuống. Cứ như thế dăm, bảy lượt. Cậu ta tiến đến chộp con chuồn chuồn. Con chuồn chuồn trong tay cậu, nó cố quẫy nhưng bất lực.
    -  Trông thằng bé đáng yêu quá!
       Thu buột miệng nói. Tâm lý "làm mẹ" vốn sẵn hình thành trong bản chất người phụ nữ, dù người phụ nữ đó mới chỉ là một cô gái mười tám tuổi. Tâm lý ấy lúc này như chất men được kích thích, rạo rực. Tình yêu giống như một bông hoa đang nở, nó xòe những cánh hoa thơm sắc tỏa ngào ngạt dưới những tia nắng của niềm hy vọng. Chất men say của bông hoa như những giọt rượu mới cất, rưới lên tâm hồn cô. Trong mơ hồ cái cảm giác làm mẹ... chưa trở thành nỗi khao khát như một trái cây đã đủ chín, nhưng từ đó nó làm cho trái tim cô xốn xang. Nó là chất hương mà cô đang đón nhận trong bước đi ban đầu, mời chào của tuổi thanh xuân.
         Hoàng nghĩ về chiến tranh! Anh nhìn cậu bé lò dò đến chộp lấy con chuồn chuồn đỏ. Cái màu đỏ của con vật bé nhỏ, thân hình yếu ớt đang quẫy đạp, cố thoát khỏi tay kẻ đang nắm giữ nó? Hòa trong cái màu đỏ của nắng đã lên cao, chan chứa trên mặt Núi Nùng. Cái mầu đỏ... đỏ rựng lên trong mắt Hoàng, như máu.
         Màu đỏ ấy giống như cái đuôi một ngôi sao chổi khổng lồ quét lên thành phố, lên những mái nhà, chùm lên màu xanh của những cây cổ thụ. Những lá vàng trong cơn gió mùa thu bứt nó ra khỏi cành, tơi tả bay trong màu đỏ tràn ngập khắp nơi. Cả cơn gió kia cũng nhuốm màu đỏ ấy...Thiên nhiên vẫn  vô tư tràn ngập trong đôi mắt trẻ thơ của cậu bé. Những thân thể trắng ngần đang thỏa thê tắm ở hồ nước trong dưới kia, như thể chúng muốn khẳng định cái thanh bình của thành phố quê hương anh... đáng lý phải thuộc về vĩnh cửu !? Thế mà lại có chiến tranh. 
         Thành phố: "Con người vẫn thanh thản tiếp nhận sự ngọt ngào của cả thiên nhiên và cuộc sống, vào trong tâm hồn mình" - Thoáng ý nghĩ ở trong Hoàng như vậy! Dù rằng, thành phố ấy chiến tranh đang đến. Đứa bé cứ hồn nhiên tồn tại, thật giản đơn. Nhưng sự sống vô tư đó của nó thì lại nói thật nhiều, mà những thế hệ cha anh nó phải suy ngẫm? Ngọn gió ào qua đang thôi thúc trong anh, hãy mang những ý nghĩ lớn lao hơn vượt lên trên cái riêng tư. Anh đang ngồi bên người bạn gái trong một buổi sáng đẹp trời, thấy như mình đã ra đi.
          Tình yêu sẽ nói gì nhỉ? Thu nhìn anh yên lặng. Cô muốn biết người bạn trai của cô đang nghĩ gì?
         Có tiếng máy bay ở xa vọng tới.
    -  Chiến tranh đấy!
         Hoàng nói, giọng anh bình thản: "Chiến tranh đang đến gần Thủ đô. Không chỉ những trường phổ thông mà cả trường đại học cũng đang chuyển đến các vùng nông thôn và rừng núi".
         Thu nói có vẻ hơi lo lắng:
    -  Chúng mình sẽ xa nhau lâu!
          Thế là hết quãng đời niên thiếu. Cô thì đi học xa, anh sẽ bước vào cuộc đời người lính chiến. Khi biết được quyết định của Hoàng: Anh sẽ từ giã trường đại học Bách khoa, nơi anh đã nhận được giấy gọi vào học để nhập ngũ. Vui, buồn lẫn lộn ở trong cô. Không một lời can ngăn, nhưng cô vẫn cảm thấy tiêng tiếc thế nào ấy? Cô vẫn giữ thản nhiên, giộng nói nhè nhẹ:
    -  Nhớ viết thư về luôn cho Thu, Hoàng nhé!
         Hoàng nhìn người bạn gái trìu mến. Tình yêu của Thu đã dành cho anh, anh biết. Tuy nhiên họ chưa nói với nhau điều đó. Từ mấy tháng nay, ngay khi bước vào kỳ thi cuối cấp, họ đã xích lại gần nhau hơn. Cả hai đều hiểu rằng: Một tình cảm lớn hơn, tốt đẹp hơn đã đến với họ.
         Nghĩ về sự phải xa cách người yêu? Có lúc lòng Hoàng nhói lên, se lại. Nhưng rồi lý trí tuổi trẻ và những nóng bỏng của cuộc sống, giúp anh vượt qua nỗi trăn trở riêng tư. 
         Thực ra, khi nghĩ về chiến tranh: Sự háo hức ở trong Hoàng là được ra mặt trận - Vẫn còn là thứ tình cảm rất bồng bột tuổi xuân xanh. Chiến tranh là gian khổ, là đổ máu: ai mà chẳng nói như thế? Với một cậu thanh niên đang chập chững bước vào tuổi đôi mươi, trái tim như một bình nước đang sôi. Nếu có nghĩ về sự ác liệt, sự hy sinh... thì cũng giống như một kẻ đang giàu ước mơ, ham vọng bay cao!... Hoặc giả vẫn chỉ hiểu nghĩa về "cái chết" như một thứ lập luận. Bởi lẽ, nói đến chiến tranh không thể không lập luận về... "chết", và cũng chỉ mới dừng lại ở trong thứ lập luận có tính chất công thức mơ màng đó.
         Dẫu chẳng phải giống chàng Anđrây Bôncônxki một thưở “ôm giấc mộng Tu Lông” như trong tiểu thuyết “chiến tranh và hòa bình” của Đại văn hào L.Tônxtôi, nhưng khát vọng tuổi trẻ sớm gieo trong anh những hình tượng anh hùng nhuốm màu sắc hiệp sĩ, thường có trong nhiều thanh niên Hà Nội vào những năm thập kỉ sáu mươi này. Anh không hiểu rằng: ở một người con gái khi đã yêu anh, cái “chết” không thể chỉ hiểu theo ý nghĩa về cái “đẹp”? Đó là một mô hình cuộc sống lý tưởng đang lấp lánh trong tâm hồn đầy mơ mộng của anh. Phải chăng trong niềm hạnh phúc của tình yêu kia, cũng đã chất đầy nỗi đau của sự chia ly mà người con gái vẫn im lặng chịu đựng.
         Thu nhìn Hoàng không nói. Cô cúi xuống bứt một lá cỏ đưa lên mồm nhấm nháp. Vị chát và ngọt của cỏ tan ra trong lưỡi cô. Giọng Thu điềm đạm:
    -  Hoàng đã nghĩ kĩ chưa?
    -  Thu muốn nói…
         Không chờ anh nói hết, cô tiếp:
    -  Không phải là Thu không tin Hoàng, nhưng Hoàng còn nghĩ về chiến tranh đơn giản quá!
    -  Chẳng lẽ Thu không muốn thế ư?
    -  Thu không nghĩ như thế!
         Cái nhìn của Thu chiếu thẳng vào mắt Hoàng, và Hoàng hiểu ý của bạn gái mình: “Tôi không yếu đuối và ích kỷ như anh tưởng đâu? Anh bạn thân mến ạ! Chẳng cần bạn phải khuyên tôi điều đó.”.
         Giọng Thu trầm xuống:
    -  Thu chỉ muốn Hoàng suy nghĩ cho chin.
         Cô lại cúi xuống bứt những lá cỏ đưa lên miệng. Ở đầu kia đứa bé đã chán cảnh đuối bắt chuồn chuồn. Nó chạy lại kéo tay cha đòi đi. Núi Nùng ngập nắng. Thu đứng dậy kéo tay anh:
    -  Ta đi thôi!
         Họ cùng nhau bước xuống dưới núi.
     
                                                               *
     
     


     
    #2
      Nhân văn 01.09.2020 17:43:28 (permalink)
       
       
            Mái tóc phớt nhạt màu hạt dẻ của Thu vẫn được cuốn bồng lên, để lộ ra chiếc gáy trắng nõn, vương lại ít sợi tóc ngắn như tơ. Họ dừng lại dưới một bóng cây bên hồ nước. Tán lá xòe xuống che lấy họ. Có một đôi trai gái cũng đang đi dạo ở mé hồ gần đó – Cô gái cầm một miếng gạch nhỏ và mỏng, ném thia lia trên mặt sóng. Miếng gạch nhảy lướt lên mặt nước kẻ một vạch dài, rồi mất hút ở giữa hồ.
           Thu nghĩ tới việc ra đi của Hoàng, cũng giống như đường thia lia của miếng gạch kia: Cái bắt đầu là bước nhảy trong tầm mắt, rồi đến bước nhảy ngoài cuộc sống. Từ trong cuộc sống Hoàng sẽ ra đi! Cuộc sống là thật, còn ước mơ mới chỉ là ước muốn? Chiến tranh gần quá, nó không còn khoảng cách để dắn đo. Đôi khi thoáng sợ hãi nghĩ về cái không may có thể xẩy ra? Cô vội gạt đi. Đó là điều duy nhất, cô không thể đặt ra và cắt nghĩa nó.         
          Như một điệp khúc xáo trộn trong tâm trí Thu, khi thì nó chầm chậm tan ra như vị ngọt chát của lá cỏ, khi lại cồn cào nhảy lên như hòn thia lia. -  Tuổi trẻ thường có những bước nhảy trong ý nghĩ, lướt trên bề mặt cuộc sống, nhưng cuộc sống đâu có phẳng lặng như mặt hồ? Thu nghĩ vậy.
           Cô quay người lại kéo anh sát gần vào mình. Núi Nùng đứng dựng lên như thành quách, ngăn cách họ với những bề bộn của cuộc sống bên ngoài. Những cây cối cũng rùng rùng đứng dậy. Gió thổi vút qua những cành lá, sóng vỗ vào mạn bờ lép bép... Thu ôm lấy Hoàng. Đôi bàn tay nhỏ nhắn mềm mại của cô, ghì xuống đầu anh. Đôi trẻ tha thiết hôn nhau, những nụ hôn đầu tiên của cuộc đời. Như những đợt sóng táp lên mặt, lên trán rồi ướt đẫm đôi môi cô.
      -  Không bao giờ chúng ta quên nhau!
           Thu bồi hồi nói trong hơi thở.
      -  Không bao giờ ta quên!
           Hoàng đắm đuối nhìn vào mắt người yêu, khẽ nhắc lại.
       
       
       
       
      #3
        Nhân văn 01.09.2020 17:47:55 (permalink)
         
         
                                                                  2-
         
             Thu rời khỏi bần học, đi về phía cửa sổ của gian phòng trên gác nhìn xuống phố. Con đường Hàng Bông nhỏ, xe đạp đan nhau thưa thớt, kẻ đi người lại. Bà hàng nước bên kia đường bận rộn dọn hàng để về nghỉ. Bà quay lại giục mấy cậu thanh niên vẫn ngồi tán dóc:
        -  Muộn rồi, bà cũng phải dọn hàng đây.
             Một bác xích lô có chiếc xe đang dựa bên cạnh vỉa hè, tay vẫn cầm ống điếu cầy nói:
        -  Còn sớm chán, sao hôm nay bà dọn hàng vội thế?
        -  Xương cốt đau ê ẩm, dọn hàng về nghỉ ông ạ!          
             Bác xích lô lấy chiếc đóm châm lửa trong một ngọn đèn dầu, khà khà rít một hơi thuốc lào cuối cùng. Lão ngửa cổ tuôn từng tràng khói. Khói thuốc tan hòa vào ánh sáng điện nhàn nhạt của một phố vắng.
             Gió ùa vào phòng. Cơn gió buổi tối cuối thu se lạnh. Bầu trời trong, những vì sao thì chạy mãi ra xa vô tận. Nhìn qua một khoảng không gian cũng trầm xuống như đang tư duy, Thu cố hình dung tới phương trời mà người bạn trai của cô sẽ đến? Mọi thứ với cô dường như thay đổi. Những đồ vật trong nhà, những người thân, cả trong ý nghĩ... Thu thấy nó mới mẻ, có phần hơi lạ lẫm. Như thể ở trong cô mới chớp lên thứ ánh sáng huyền ảo và rạo rực.
             "Mình chỉ là con ích kỷ!" – Thu tự trách mình. Cô rời khỏi cửa sổ ngồi vào bàn học, ghi tiếp những dòng nhật kí. Nghe tiếng ba gọi ở nhà dưới, cô vội chạy xuống.
             Ông Giáo đang cắm cúi dịch một cuốn sách nước ngoài, thấy con gái đến, mới tháo cặp kính trắng đặt lên cuốn sách dịch dở, chỉ vào chiếc ghế ở mé bàn, bảo con:
        -  Con ngồi xuống đây, ba muốn nói chuyện.     
              Thu đưa tay với lấy cuốn tiểu thuyết ở trên bàn lật qua vài trang, có ý chờ đợi.
        -  Việc chọn cho mình một ngành nghề thì tùy con quyết định...         
             Vẫn cái giọng trầm trầm, Ông Giáo nói:
        -  Tình hình đất nước thì con cũng đã biết, chiến tranh ngày càng ác liệt hơn. Máy bay Mỹ đã ném bom gần vào Hà Nội. Không mấy ngày là không có báo động. Ngồi ở thành phố mà làm việc cũng không yên.                           
             Dừng giây lát, ông thong thả nói tiếp: "Ngay trên Bộ Giáo dục của ba cũng đã có lệnh sơ tán. Anh con đi vào chiến trường, thì hai năm nay không có tin tức gì?". Thu vẫn ngồi im lặng để nghe ba giảng giải.
        -  Ban tuyển sinh của thành phố đang tuyển thêm một số sinh viên sang châu Âu học. Ba nghĩ, hay là con đi học ít năm ở nước ngoài? Nếu con muốn...
             Ông Giáo im lặng nhìn con, xem ý của con gái thế nào?
        -  Thôi ba ạ! Con học ở trong nước cũng được. Hơn nữa, con thích theo học ngành sư phạm mà.
             Thu ngồi nhìn ba, cô phân tích: "Ba thì già rồi. Mẹ con hồi này cũng yếu nhiều. Chị dâu con lại bận cháu, chả lẽ con lại đi nốt?'.
        -  Nhưng con cũng có được học ở Hà Nội đâu? Với lại, ba và mẹ con rồi cũng phải đi sơ tán.
        -  Thì con vẫn đi đi lại lại để thăm ba mẹ. Nếu con đi học ở nước ngoài, thì phải sáu bảy năm biền biệt.
             Giơ tay với lấy chiếc hộp đựng thuốc lá bằng gỗ trạm nổi đặt trên bàn, lấy ra một điếu, Ông Giáo bật diêm châm lửa hút.
        -  Ba muốn con đi là nghĩ đến tương lai của con. Chứ, phải xa con... ba cũng nhớ!
        -  Thế, con học ở trong nước không có tương lai hay sao?
             Nghe con nói thế, Ông Giáo cười dàn hòa:
        -  Con nhiều lý sự lắm! Là ba sợ học sơ tán thì con vất vả. Vả lại, ở nước ngoài điều kiện học hành cũng tốt hơn!
             Thu đứng dậy quàng lấy cổ ba, giọng nũng nịu:
        -  Ba đừng lo. Có khi học ở miền núi khí hậu tốt, con lại lên cân cho mà xem.
        -  Tùy con.    
             Ông Giáo nói vậy rồi giục con đi ngủ. Từ nẫy, Bà Giáo vẫn ngồi trên chiếc giường cá nhân của Ông Giáo, có trải tấm đệm trắng. Bà đang thườ nốt cái cúc áo cho chồng. Thu chạy lại phía mẹ. Bà Giáo mắng yêu con:
        -  Cô còn nông nổi lắm! Bao nhiêu người muốn không được. Cô định bám mãi vào gấu mẹ chắc?
        -  Con cứ thế.
             Thu nói rồi, đến buông màn sẵn cho ba. Cô vừa giắt cẩn thận bốn góc màn, vừa nói với mẹ:
        -  Mẹ chỉ lo xa.
            Cô quay sang giục Ông Giáo:
        -  Ba cũng nên đi nghỉ sớm đi, ba ạ! Hồi này con thấy ba không khỏe lắm đâu.
        -  Ba chỉ dịch thêm một đoạn nữa thôi.
             Ông Giáo nói và nhìn về phía Bà Giáo:
        -  Bà xem mà chuẩn bị đầy đủ các thứ cho con nó đi học. Cũng chỉ mươi hôm nữa là tựu trường.
        -  Chuyện ấy thì ông không phải lo.
             Bà Giáo gấp lại chiếc áo đã khâu xong, đặt lên đầu giường cho chồng  rồi cùng với con gái lên gác.
         
         
        #4
          Nhân văn 01.09.2020 17:50:55 (permalink)
           
           
                                                            3-
           
               Hồi này ông Tiến Thịnh hay bực bội, động một tý là ông gắt. Có lúc vì một chuyện không đâu mà ông mắng té tát người vợ bé, tức là bà dì ghẻ của ba anh em Hoàng. Chả là, mẹ của anh em Hoàng đã chết cũng phải đến sáu năm nay. Được ba năm thì ông Tiến Thịnh lấy thêm người vợ kế này.
               Gia đình ông Tiến Thịnh ở một ngôi nhà hai tầng, cũng không rộng lắm trong ngõ Cống Trắng, phố Khâm Thiên. Cống Trắng là một con ngõ khá rộng. Có lẽ từ lâu rồi, một số nhà ở đầu ngõ gần phố, mỗi người đã chiếm một khoảnh đất bên rìa ngõ, làm chỗ bán hàng. Kẻ thì bán hàng ăn, người mở quán nước... Ông Tiến Thịnh cũng dựng được một cửa hiệu cắt tóc nhỏ, chỉ cách nhà vài chục bước.
               Từ phố đi thẳng sâu vào phía trong ngõ thông ra một cái hồ khá to. Cũng không rõ khi ấy cái hồ thuộc quyền sở hữu của tư nhân hay xã hội? Chỉ biết là: nó đã có người thuê để thả rau muống, nuôi cá kinh doanh.  Đến kỳ thu hoạch, họ chèo những chiếc thuyền nan ra giăng lưới bắt cá hoặc hái rau muống mang đến các chợ của thành phố bán.
               Hồ Cống Trắng này - Trước cách mạng tháng 8 năm 1945, đã có một bài thơ "mưa đêm lều vó" nổi tiếng của thi nhân Huyền Trân:
                            Tôi ở lều tranh, Cống Trắng này,
                            Chạnh lòng cá nhảy với chim bay
                            Đêm sầu kẽo kẹt ngư bà thức
                            Giăng phải hồn tôi một lưới đầy...
             Trở lại câu chuyện về gia đình ông Tiến Thịnh – Cứ nghĩ đến Hoàng, thằng con thứ là ông lại thấy điên tiết. Mới ráo máu đầu, nó đã dám bỏ ngoài tai lời nói của ông. Nó lại còn dám lý luận, phê phán ông là lạc hậu nữa. "Đồ ngu ngốc" – Ông tự gằn hắt với mình như vậy. Cũng chẳng phải vì Hoàng đã bỏ cái trường đại học bách khoa, bách khuẩn... gì đó mà ông tức? Theo ông nghĩ, thời buổi này chữ nghĩa nhiều cũng chẳng làm giàu được. Giá thử nó biết nghe lời ông, kiếm một "cái chân" gì đó ở cơ quan nhà nước, để lấy tiêu chuẩn tem phiếu. Ngoài giờ chính quyền, thì theo thằng anh chạy chợ... Ông đã mở mắt cho nó, mà nó không biết đường? Bởi thế ông bực.
               Nói về thằng Tiến Thành, con cả của ông: đang học dở lớp sáu thì bỏ, theo chúng bạn ra chợ giời “mua đi, bán lại”. Hồi ấy ông đã sợ… nhỡ nó cờ bạc, trai gái rồi đầu trộm đuôi cướp? thì cơ nghiệp của ông đến phá tán vì con cái. Ấy, thế mà nó lại “nên người”! Con mụ xem tử vi nói thế mà đúng: Thằng con cả nhà ông rồi sẽ ăn nên, làm ra. Nào là nó được thánh nhân phù trợ, được cả sao thủy, sao mộc chiếu vận nên số rất “hên”! Mụ ta nói vậy. Nhờ giời… mấy năm “vào cầu”, nó lấy vợ rồi ra ở riêng. Thuê ngay được cái nhà làm cửa hiệu cắt tóc ở phố Huế. Vợ nó là con bé bán hàng đồ cũ ngoài chợ giời. Tuy xấu người, tính nết có đỏng đảnh, nhưng được cái… chuyện làm ăn thì hoạt bát, nhanh mồm, nhanh miệng.
               Thật, chúng nó kiếm dăm ba trăm bạc dễ như ăn ớt! Ấy là ông ví thế, cũng vì ông nhai ớt cứ ngon lành như người ta nhai kẹo vậy. Sẵn cái nghề cắt tóc của bố truyền cho – Nó vừa mở cửa hiệu cắt tóc lại kết hợp với việc “chạy chợ”. Phải nói là… cửa hiệu cắt tóc của thằng Tiến Thành con ông “ăn khách”. Vừa mới đây, nó lại tậu được cái máy hát se-te-re-ô đập sình sình cả tối. Nghe nhức cả tai, nhưng của ấy bọn thanh niên thì ham, đua nhau đến cắt tóc để nghe nhạc.
               Nghĩ vậy rồi ông chép miệng? Chẳng bù cho cái thằng Hoàng - con thứ của ông, suốt ngày chỉ cắm đầu vào sách vở. Ừ, ông lại chép miệng: “Nhưng dù sao thì… trong ba anh em, nó cũng là đứa học hành tử tế nhất!”.
             Không biết sao ông khẽ thở dài? Ông nghĩ đến thằng Lâm, đứa con út, từ khi mẹ mất, nó ngày càng lêu lổng, đàn đúm với đám bạn hư hỏng. Ông răn đe, nó vẫn bỏ ngoài tai. Học hành thì dốt nát, chẳng ra đâu vào đâu. Mới theo tới cái lớp năm… đúp lên, đúp xuống. Ngữ ấy rồi cũng thất học sớm.
               Kể ra thằng Hoàng, anh nó, chẳng những chỉ học hành tử tế, sống cũng đĩnh đạc nhất. Ấy thế mà, đã được quốc gia gọi vào đại học, giờ lại tớn lên đi nhập ngũ. Ông can ngăn, nhưng nó đâu có chịu nghe?
               Nhân lúc cửa hàng vắng khách, ông Tiến Thịnh vào nhà. Ông ngồi khoanh chân trên chiếc sập lim, mải đuổi theo một mớ ý nghĩ lộn xộn trong đầu. Kéo cái điếu bát về phía mình, tay ông với lấy chiếc xe điếu được làm bằng ống trúc nhỏ vàng óng có nhiều mấu vằn vện rất cầu kỳ, rồi châm lửa rít một hơi thuốc lào. Vừa lúc đó, Hoàng từ ngoài phố bước vào nhà. Ông chỉ tay ra hiệu cho anh ngồi xuống bộ bàn ghế tiếp khách kê ở giữa nhà. Ông nói có vẻ hơi dằn giọng:
          -  Anh giỏi! Bây giờ các anh, các chị giỏi! Có nói mấy thì các anh, các chị cũng chỉ bỏ ngoài tai.       
               Hoàng vẫn ngồi thừ ra, lơ đãng nhìn bố. Như một bản nhạc chuyển gam, ông Tiến Thịnh nói nửa khuyên bảo, nửa lại như đe nẹt:
          -  Con ạ! Khôn thì ăn cơm, dại thì cháo cũng không có mà húp đâu?     
          -  Con đã lớn rồi! Con cũng đủ suy nghĩ để quyết định cuộc đời mình.
               Hoàng cãi lại bố. Ông Tiến Thịnh đay nghiên:
          -  Đủ suy nghĩ? Các anh bây giờ thì nhiều lý luận thật đấy! Nhưng cuộc sống nó không giống như trên sách vở của các anh đâu? Còn phải tốn cơm, tốn của thì mới mở mắt ra được, con ạ!
          -  Nhưng con có làm điều gì sai trái thì bố mới ngăn cản chứ? Cứ nghĩ như bố thì chẳng ai dại gì mà đi chiến đấu. Con hỏi bố: Thanh niên như chúng con, lúc này không đi...  để ai đi thay mới được chứ?    
          -  Hừ...    
               Ông Tiến Thịnh kéo dài giọng:
          -  Thế... tôi hỏi anh: Người ta đã cần đến anh phải đi ra mặt trận chiến đấu chưa? Bỗng dưng anh toe toe đâm đơn xin đi, xung phong với chả tình nguyện? Cái thời buổi này mà gia đình nuôi cho anh được ăn học đến thế, là khó lắm rồi đấy? Phải biết thức thời, con ạ!           
               Ông dừng lại. Nhét một điếu thuốc nữa vào cái lõ điếu, rồi châm lửa hút tiếp. Cái điếu của ông sắm chuẩn lắm, rít thuốc mà tiếng kêu cứ long lên sòng sọc. Thong thả nhả một làn khói ra bay mù mịt khắp nhà, ông Tiến Thịnh vẫn tiếp tục dậy con:    
          -  Hãy mở mắt mà trông ngay cái gương thằng Tiến Thành, anh trai của mày! Có học hành gì đâu? Thế mà chả mấy chốc nó còn tậu được cả nhà, ấy chứ!        
          -  Mỗi người suy nghĩ một khác. Con có đường của con. Con thấy việc con làm là đúng đắn!       
               Hoàng vùng vằng quặc lại bố.
          -  Đúng... đắn...       
               Ông Tiến Thịnh còn nói gì nữa, anh không biết. Hoàng bực bội với lấy chiếc mũ lưỡi trai ngoắc trên mắc áo, đội sụp xuống mặt, bước ra khỏi nhà.
           
           
          #5
            Nhân văn 01.09.2020 17:54:30 (permalink)
             
             
             
                                                                 4-
             
                 Mới hơn ba giờ chiều mà trời đã xám lạnh, mây kéo ùn lên. Hoàng lặng lẽ bước đi trên đường phố, lòng anh không vui. Anh rẽ vào cửa hàng mậu dịch giải khát ở ga Hàng Cỏ mua một cốc nước chanh, đến ngồi xuống bên chiếc bàn cạnh cửa sổ, trông ra đường. Hoàng muốn hút một điếu thuốc lá, dù chưa bao giờ anh hút thuốc. Anh cảm thấy khói thuốc sẽ làm cho lòng mình khuây khỏa hơn. Nghĩ thế, Hoàng bước đến bên quầy phục vụ mua bao thuốc lá Tam Đảo, rồi trở về chỗ của mình. Đây là điếu thuốc lá đầu tiên cho cuộc đời nghiện thuốc của anh.
                 Anh nhìn đến dẫy người đang đứng xếp hàng mua bánh kẹo trung thu. Có hai anh chiến sỹ trẻ, trên hai ve áo có gắn miếng quân hàm binh nhất. Họ là những người lính mới nhập ngũ, Hoàng nghĩ vậy – Chắc là được tranh thủ về thăm gia đình? Bộ quân phục của hai chiến sỹ vẫn còn rất mới.
                 Một bà già đứng xếp hàng phía trên hai người chiến sỹ ấy, quay lại nói:
            -  Hai chú bộ đội tới mua trước đi!          
                 Bà lão chép miệng vẻ thông cảm:
            -  Thời gian của các chú ít ỏi, bà con chúng tôi mua sau một tý cũng được. Thằng cháu tôi cũng thế đấy! Chỉ xin cấp trên đi phép được một ngày, tranh thủ về thăm nhà. Cứ sấp sấp ngửa ngửa... 
            -  Dạ, cũng vắng. Chúng cháu xếp hàng cũng được.
                   Một anh chiến sỹ từ tốn đáp lại.
            -  Các anh cứ mua trước đi! Sớm tý nào hay tý ấy, mua mau mà về kẻo "bu" lại đợi.
                 Một cô gái tinh nghịch, nói xen vào.
            -  Có mà "bu trẻ" ở nhà ở đang đợi nóng cả ruột, ấy chứ?
                 Mấy đứa con gái cười ồ. Bà lão quay sang mắng:
            -  Mấy con bé này! Chỉ được cái bộ...
                  Một anh chiến sỹ có vẻ cũng láu lỉnh, mau mồm đáp lại các cô gái:
            -  Lòng vả cũng như lòng sung thôi, mấy em ạ! Chỉ sợ rồi các em lại bám theo chân người ta mà khóc thút thít ấy.
            -  Này...
                 Cô gái đối lại ngoa ngoắt:
            -  Đừng có mà khinh thường chị em nhé! Đã biết mèo nào cắn mửu nào? Hay là mấy anh rồi lại bịn rịn không đi được. Có anh lại bỏ trốn cả đơn vị về thăm "em", bị cấp trên sạc trước cả hàng quân đấy! 
                 Cô phục vụ viên trẻ tuổi giơ cả một đĩa cân đầy kẹo, hỏi một anh chiến sỹ:
            -  Túi của anh đâu, đưa em đổ vào?
                 Hồi đó các nhà hàng chưa sẵn túi ni lông như bây giờ. Thấy anh chiến sỹ đứng lúng túng vì không có túi đựng, cô bèn nghĩ ra một sáng kiến:
            -  Hay là anh ngửa mũ ra, để em đổ kẹo vào đấy vậy?   
                 Nghe chừng hợp lý, anh bộ đội định giơ tay lên đầu lấy chiếc mũ xuống đựng kẹo. Bỗng tiếng chị phục vụ viên lớn tuổi hơn, mắng cô gái trẻ:
            -  Cái con này, ăn nói chẳng ra làm sao? Tổ quốc trên đầu, ai người ta lấy để đựng kẹo. Thế mà cũng đòi ăn nói, mất cả lập trường.
                 Anh bộ đội chột dạ. Đã đặt tay lên vành mũ, vội làm động tác sửa lại mũ cho ngay ngắn. Sau đó, anh ta phanh ngay miệng cái túi quần quân nhân rộng thùng thình, bảo với cô phục vụ viên trẻ tuổi:
            -  Các chị cứ đổ cả vào đây cho tôi.
                 Nghe câu chuyện xẩy ra ở cửa hàng giải khát, Hoàng thấy vui vui. Anh bước ra đường, đi thẳng về phía Cửa Nam rồi ngoặt lên phố Tràng Thi... để rẽ vào một cái phố ngắn ngang đấy. Mưa đã rơi xuống những hạt nhỏ, đều đều. Anh ngẩng mặt hít lấy một hơi gió lạnh.
                 Hoàng dừng lại trước cửa nhà một người bạn trai cùng lớp. Nghe tiếng bạn gọi, Đức ở trên tầng hai ló đầu ra ngoài cửa sổ, vẫy tay bảo Hoàng lên. Hoàng đẩy cửa bước vào nhà, đến bên một chiếc cầu thang gỗ, nhảy hai bậc một cho đến hết cầu thang. Đức vui vẻ đón bạn, rồi khoe:
            -  Tớ vừa nhận được giấy gọi đi học ở nước ngoài rồi, tuyệt quá!
                 Đức giơ cho Hoàng xem tờ giấy triệu tập sinh viên đi học tại Cộng hòa dân chủ Đức. Anh bảo:
            -  Bổ xung thêm vào nhóm các bạn của lớp mình đi học ở Đức, mà chúng nó đã được gọi từ tháng trước.
            -  Cậu được gọi đi học ở Đức cũng đúng thôi, vì tên cậu cũng là Đức mà.
                 Hoàng nói vui với bạn. Đức tiếp:
            -  Mấy hôm trước, tớ lại nhận được giấy gọi nhập ngũ. Lo quá! Phải lên phân trần với mấy ông trên Ban tuyển quân - Mấy ông đòi phải trình giấy gọi đại học thì mới miễn nghĩa vụ quân sự.
            -  Sao cậu không mang tờ giấy triệu tập học ở Đức này lên, cho mấy ông trên Ban tuyển quân xem?
                 Hoàng nói với bạn.
            -  Rồi. Hôm qua nhận được tờ giấy gọi đi học ở nước ngoài này, tớ tức tốc cầm lên trình với mấy ông – xong ngay!
                 Hoàng vui lây với bạn. Cùng với những ước mơ tuổi trẻ, anh cũng khao khát được thả sức mình bay vào những hành tinh xa xôi, đầy sức cám dỗ của bầu trời khoa học. Nhưng rồi ý thức về một cuộc chiến tranh, cuộc chiến đấu đánh Mỹ để bảo vệ tổ quốc... đã thôi thúc mạnh mẽ trong anh. Anh không muốn lẩn tránh, dù đó là một lý do hoàn toàn chính đáng.
                 "Ở đấy không có bình yên! Ở đấy đòi hỏi phải hiến máu!" – Chỉ cần những yêu cầu không hề đơn giản đó, cũng đủ để anh gạt sang bên những ân huệ đang mời đón anh. Nếp nghĩ ấy của Hoàng cũng là tâm tư chung với không ít thanh niên, trong những năm thập kỷ sáu mươi này.
            -  Cái Thu nó tính quẩn?    
                 Đức nhìn Hoàng và nói: "Cứ đi học ở nước ngoài bảy năm là tốt rồi! Thời buổi chiến tranh này...". Hoàng hỏi bạn:
            -  Cậu sang Đức sẽ học ngành gì?
            -  Máy tính điện tử.
                 Đức nói: "Chắc là đến khi bọn này về, đất nước đã hòa bình.". Hoàng đỡ lời của bạn:
            -  Có thể khi các cậu về thì đất nước đã hòa bình. Tiếp đến sẽ là thời đại của khoa học, kỹ thuật. Các cậu tha hồ mà trổ tài năng của mình. Lúc đó,  xã hội lại rất cần những con người có nhiều kiến thức khoa học như các cậu.
                 Đức đồng tình.
            -  Dĩ nhiên. Ở các nước châu Âu, trình độ khoa học tiên tiến lắm! Ngay hệ trung cấp của họ đào tạo, tương đương với trình độ kỹ sư của ta đây!  
                 Hoàng hỏi:
            -  Hôm nào Đức và các bạn tập trung?
            -  Sáu giở tối ngày mồng một tháng tới. Như thế là bọn mình còn ở lại trong nước đúng một tuần nữa. Hôm đó, nếu Hoàng và những bạn chưa tựu trường, ra ga với bọn mình nhé!          
                 Đức vẫn yên trí là Hoàng sẽ vào học ở đại học Bách Khoa.                 
            -  Thế nào mình cũng ra tiễn cậu và các bạn.
                 Hoàng nói rồi đứng dậy chào bạn ra về. Khi đưa chân Hoàng ra cửa, Đức còn dặn:
            -  Ngày mai, mấy đứa bọn mình cũng phải dẫn nhau đi đánh chén một bữa để chia tay?    
                 Hoàng gật đầu tán thành rồi bước ra phố trong thứ ánh sáng đèn nhè nhẹ, phả xuống mặt đường nhựa bóng nước. Anh rùng mình khi cơn gió thổi tới, bỏ ống tay áo đang xắn dài xuống cho đỡ lạnh. Cứ thế anh rảo bước trên hè phố, mà cũng chẳng biết nên đi đâu, về đâu? 
             
                                                                      *
             
                Bước lang thang trên phố. Những kỉ niệm về năm học cuối cấp lại hiện lên trong óc Hoàng. Cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ lan rộng ra các thành phố ở miền Bắc. Thủ đô cũng liên tục trong tình huống báo động. Máy bay Mỹ ngày đêm đe dọa sẽ ném bom vào Hà Nội. Trường cấp III của anh phải sơ tán tới một miền quê trên Hà Bắc. Lớp 10D của anh học cùng với Thu, Đức và hơn ba mươi bạn đã đi theo trường, đến một làng… ở thôn Hồng Phương, xã Cầu Hấu thuộc vùng Sen Hồ, tỉnh Bắc Giang.
                 Hình ảnh con sông Máng chảy qua làng, dòng nước trong xanh. Vào buổi chiều những ngày nắng ấm, anh cùng các bạn cả trai lẫn gái thường rủ nhau ra tắm và bơi lội thỏa thích. Rồi những lũy tre làng xanh mát, tỏa bóng xuống con đường thôn màu đất đỏ. Những mái nhà quê lợp mái rạ thân thương. Đồng lúa xanh trải xa hút tầm mắt, dạt dào tiếng gió… Tất cả hiện về theo kí ức của anh. Mới hôm nào chia tay nhau mà Hoàng có cảm giác như đã từ lâu lắm ! Sẽ không bao giờ anh còn được trở lại những ngày tháng cùng các bạn thời niên thiếu đó nữa.
                 Hồi còn đang học, các bạn lớp phải chia nhau ra từng tốp. Mỗi nhóm vài ba người để ở nhờ nhà bà con thôn xóm. Hoàng với Đức và Xuân Hùng cùng sống trong một nhà: Đó là nhà mẹ Bửu. Cứ thế cả lớp học ở rải rác từ đầu thôn tới tận cuối làng. Cứ sáng sáng đến giờ vào học, tất cả lại lục tục kéo nhau tới một ngôi nhà ngói khang trang nhất nhì trong xóm – Đó chính là ngôi nhà mà Ủy ban xã đã dành cho học sinh mượn làm lớp học. Ngày ngày các thầy cô tới đó giảng bài…
                 Bà con dân quê, nhất là vào thời chiến tranh đánh Mỹ… giàu tình thương yêu lắm ! Nhà cửa và các đồ dùng phục vụ cho lớp học của bọn anh, đều được bà con giúp đỡ. Tình cảm của họ không khác gì những người thân yêu, ruột thịt. Hồi đó các anh đi học tốn phí rất ít. Hàng tháng chỉ phải đóng một chút kinh phí nhỏ, theo qui định chung của Bộ giáo dục. Ngoài ra, chỉ tự lo cho cuộc sống của cá nhân mình. Học sinh bấy giờ ăn uống, tiêu pha cũng rất cần kiệm. Sống thật giản đơn. Cứ thế mà Hoàng và các bạn theo học cho tới tận khi kết thúc đời học sinh, bước vào cuộc sống sinh viên đại học trong thời chiến.
                 Hình ảnh những đêm trăng cùng ngồi học bên người bạn gái da diết, thương yêu lại hiện về - Thu là người bạn gái đã rất thân thiết với anh trong nhiều năm của đời học sinh. Họ học với nhau từ khi còn ở cấp II: Hồi lớp năm, lớp sáu học tại trường Long Biên, gần ngay bờ hồ Ha Le… Sang lớp bẩy, nhập vào trường Quang Trung và tốt nghiệp cấp II – Cả hai người cùng chuyển về học ở trường cấp III trên phố Lý Thường Kiệt… lại cùng theo trường sơ tán lên học tiếp năm cuối cùng ở miền quê này.
                Những ngày tháng ôn luyện để bước vào kỳ thi cuối cấp: Tối tối Hoàng thường mang cặp sách sang nhà mà Thu ở nhờ, cùng ôn thi với người bạn gái. Hai cô bạn nữ sống với Thu trong ngôi nhà đó, mang sách sang nhà các bạn trai thân thiết với họ để học. Bao đêm trăng vằng vặc học cùng nhau… Những tình cảm bình dị, dễ thương của Thu đã choán ngợp trong trái tim anh. Tình yêu của hai người cũng đã nẩy nở trong những năm học ấy !
                 Sắp phải chia tay 1 Cả hai mới thấy bịn rịn, quyến luyến bên nhau đến chừng nào ? Những ngày ấy, khi cảm xúc về cuộc sống và tình yêu trào lên trong lòng anh – Hoàng đã làm thơ để ghi vào nhật ký ! Đó cũng là thói quen của anh. Hoàng vẫn được các bạn lớp tặng cho cái danh hiệu: Thi sĩ đi sơ tán mà.
                 Hình ảnh Thu – Người bạn gái thân thiết nhất thời niên thiếu, cũng là mối tình đầu của đời anh… để anh viết lên bài thơ “Thời áo trắng”:
                              Trả lại cho anh một thời áo trắng
                              Em đi rồi, mai thành phố cô đơn !
                              Những bông hoa mùa xuân thôi không nở
                              Đi dưới bóng điện đêm lòng sẽ rất buồn.
             
                              Ôi, yêu dấu cái thời còn cắp sách
                              Mắt em cười mùa thu xanh lên !
                              Những buổi chúng mình tìm ánh trăng để học
                              Tà áo trắng động vào...khe khẽ nát tim anh !
             
                              Trả lại cho anh một thời áo trắng
                              Đã đi qua và... đã đi qua...
                              Với cả dòng sông trôi mơ mộng
                              Lá lá rụng vàng, tóc tóc hóa sương pha.
             
                              Nghe gió thổi hàng cây vi vút
                              Em biển xanh xa mãi vô cùng…
                              Anh đứng lặng một mình bên bờ biếc
                              Những âm thanh kêu bổi hổi trong lòng.
             
                             Trả lại cho anh một thời áo trắng
                             Em đi rồi, mai thành phố cô đơn !
                       Mải miên man suy nghĩ, bước chân đưa anh về đến cửa nhà. Đêm đã khuya, người nhà đều đi ngủ cả. Hoàng khẽ mở cửa bước vào phòng mình. Anh rửa ráy qua loa rồi quăng mình xuống giường, ngủ thiếp đi. 
             
             
             
            #6
              Nhân văn 01.09.2020 17:57:09 (permalink)
               
               
                                                                   5-
               
                   Cô gái có khuôn mặt to bạnh, đen thui như cột nhà bếp bóng nhẫy. Cô ta nói tiếng trọ trẹ người Khu Năm, đó là Phi! Các bạn lớp vẫn thường gọi trêu cô bằng cái tên “Hắc Phi”, để chỉ sự đen như bồ hóng ấy.
                  Hắc Phi đứng cạnh một cây cột điện gần con đường sắt, bên một đoàn tàu dài với nhiều toa đang đỗ ở đó. Chính là con tàu sẽ chở đoàn sinh viên miền Bắc Việt Nam, sang học tại Cộng hòa dân chủ Đức.
                   Hắc Phi – như người ta nói, thực ra số cô chẳng đen tí nào, còn đào hoa nữa. Đứng cạnh cô là một anh chàng da trắng, người dong dỏng cao, chắc là người yêu của cô đi tiễn?
              -  Em đi rồi, ở nhà là anh không được “linh tinh” đâu đấy?     
                   Cô gái da đen lấy tay véo mũi anh chàng da trắng như để cảnh cáo? Rồi toét miệng ra cười, để lộ hàm răng trắng xóa nổi bật trên khuôn mặt đen nhẻm. Bù cho những thiếu hụt về khoa thẩm mỹ của nước da, cô có đôi mắt tươi rói với nụ cười rất duyên.
              -  Yên tâm, sang nước ngoài học giỏi nghe!
                   Anh chàng da trắng nói vậy. Nhóm bạn của lớp cũng nhiều người ra tiễn, một số đứng gần đấy thì thào với nhau:
              -  Anh ta là một kỹ sư địa chất mới ra trường đấy!
                   Đức đang đứng bên cạnh bà mẹ và gia đình đi tiễn, quay lại nói nhỏ với các bạn:
              -  Cũng chẳng hiểu sao chàng trông có vẻ tuấn tú thế, lại đi yêu cô nàng da đen như dế trũi. Hà Nội này hết con gái chắc?     
              -  Cẩn thận có “ăn guốc” bây giờ?
                   Một cô bạn gái lớp xinh xắn ra tiễn các bạn, vặc lại Đức! Nói rồi cô nở một nụ cười dịu dàng, như muốn biểu hiện sự đồng tình với câu tán dóc của Đức vừa rồi.
                   Một người bạn trai có tên là Minh, nói chêm vào:   
              -  Thực ra thì, trong năm đứa cả con trai lẫn con gái đi sang Đức học chuyến này, chỉ có mỗi cái Phi có người yêu theo tiễn.                                        
                   Cả khu Hàng Cỏ xôn xao tiếng cười nói của người đi, kẻ ở. Trên ô cửa sổ tàu, những cái đầu còn cúi xuống nói chuyện với người thân đứng dưới sân ga. Tiếng dặn dò, nhắn gửi hòa vào trong tiếng rao bán bánh kẹo, bán thuốc lá... thành một thứ âm thanh hỗn độn, vui vẻ. Một số bạn đã có giấy triệu tập lên tựu trường ở nơi sơ tán không về được, những bạn lớp còn ở lại Hà Nội, đều ra tiễn. Đức nhìn ra hướng phía ngoài cửa ga, vè sốt ruột:
              -  Vẫn không thấy Hoàng đâu. Nó đã nói với mình thế nào cũng ra tiễn?       
              -  Chắc nó có việc gì đột xuất.                        
                   Minh nói. Tiếng một người bạn gái:
              -  Cả cái Thu cũng không thấy đến?                        
              -  Đôi duy nhất của lớp đấy! Hồi này, anh chị quyện với nhau khiếp lắm.       
                   Tiếng của Thanh Hà, cô bạn gái người miền Nam theo gia đình ra Bắc tập kết, chuyến này cũng đi sang Đức học. Thanh Hà là một thiếu nữ đẹp,  mái tóc dài chấm lưng với nước da trắng như bông, nên còn có biệt hiệu gọi là "Bông".
                   Đoàn tàu đã kéo còi, sắp đến giờ chuyển bánh. Người nhân viên nhà ga giục những sinh viên đi sang Đức học lên tàu. Tiếng chào, câu dặn với... ồn lên. Có bà mẹ theo tiễn con, đã giở chiếc khăn tay ra chấm nước mắt. Chẳng hiểu bà khóc vì sắp phải xa đứa con yêu quí của mình hay vì sung sướng? Đức đã bước lên toa, nhảy xuống tàu reo lên:
              -  Kia rồi, Hoàng nó kia rồi!               
                   Đám bạn nghe thấy, quay nhìn về phía cửa ga. Hoàng đang nắm tay Thu chạy cuống quít. Anh chìa chiếc vé "ke" cho người kiểm soát vé ở cửa, rồi vội vã cùng Thu lao tới.
              -  May quá, còn kịp.                 
                   Hoàng và Thu mừng rỡ chào các bạn.
              -  Gớm, anh chị làm gì mà bây giờ mới đến? Chúng tôi chờ mỏi mắt.     
                   Lúc này Hắc Phi mới rời khỏi anh chàng da trắng, nhảy xuống đón bạn. Thu chạy lật đật trong đôi guốc cao gót, thở hổn hển. Đức nắm chặt tay Hoàng:
              -  Tạm biệt nhé, chúng tớ đi đây!    
              -  Nhớ viết thư ngay về cho bọn mình biết tin. Kể cho bọn mình nghe về nước Đức nhé!                 
                   Thu với lên cửa sổ toa tàu, bắt tay mấy bạn đi học, vừa thở vừa nói.
              -  Yên tâm, tới Đức bọn mình sẽ viết thư về cho các cậu ngay. Cũng chúc cho anh chị sớm nên duyên nhé!      
                   Thanh Hà trên toa tàu cúi xuống bắt tay Thu, nói trêu bạn.
              -  Chỉ ăn nói quàng bậy nào?        
                   Thu vui vẻ vẫy chào các bạn và mỉm cười thân thiết. Lúc này, Lan - cô bạn gái thân chạy lại ôm ngang lưng Thu:
              -  Anh chị mải chuyện gì mà bây giờ mới đến?
                   Thu không nói gì, chỉ toét miệng ra cười. Họ nắm lấy tay nhau cùng vẫy tiễn các bạn lên đường. Như những đôi tình nhân chia tay, họ từ biệt nhau vội vã. Tiếng còi tàu đã rú lên lần thứ hai. Hoàng lặng người, đứng nhìn con tàu chuyển bánh. Lần đầu tiên anh chia tay với những người thân, vui buồn cuộn lên trong dòng đời tha thiết.
                   Thế là các bạn anh đã ra đi! Họ đang vẫy chào anh và những người ở lại. Phía trước họ, một chân trời mới đang mời đón. Cuộc sống mới vô vàn thân yêu.
              -  Tạm biệt, đi mạnh nhé!        
                   Có một số bạn đuổi theo con tàu một đoạn, vừa chạy vừa vẫy. Họ nói với theo, như gào lên. Tiếng gọi bị nuốt đi trong tiếng bánh xe tàu lăn rầm rầm trên đường ray.
                   Hoàng đứng yên một chỗ. Bàn tay anh đã thôi không vẫy nữa. Mắt anh vẫn nhìn theo những cái bóng thân thuộc đang thò đầu ra hẳn cửa toa, còn giơ tay vẫy người ở lại.
                   Thu đi lại phía Hoàng, níu tay anh kéo đi.
              -  Chúng mình về đi, Hoàng!
                   Giọng cô nói nhẹ như dỗ dành. Lan tinh tế khẽ mỉm cười nhìn Thu, rồi nhập vào nhóm các bạn ở lại của lớp, kéo nhau ra khỏi ga. Hoàng cũng quay ra theo người bạn gái. Những bâng khuâng của buổi tiễn đưa, vẫn như dòng suối chảy bồn chồn trong anh.
               
                                                                 *
               
              -  Cô, cậu này cứ phân trần nhiều quá!            
                   Gã nhân viên soát vé ở cửa ga Hàng Cỏ nói: "Cứ vào mua vé đi Đồng Đăng – Hà Nội ra đây, chúng tôi sẽ giải quyết. Không phải phạt gấp đôi vì đã đi tàu lậu vé là nhân đức rồi!".
              -  Nhưng tôi có phải là người đi lậu vé đâu? chỉ trót xé mất chiếc "ke" ra vào cửa, giá có 5 xu, các anh thật nguyên tắc.
                   Hoàng bực bội vì thái độ hoạnh họe của tay nhân viên. Đứng ở phía ngoài cửa, Thu vẫn cố nài nỉ:
              -  Chúng em vào ga tiễn bạn đi sang Đức học. Bạn trai em đãng trí xé mất chiếc "ke", chứ bọn em có đi tàu ở Đồng Đăng về Hà Nội đâu... mà anh bảo phải ra mua vé tàu?
              -  Nếu tôi thông cảm với cô cậu, thế có những kẻ đi lậu vé thì sao? Cô cậu cũng phải thông cảm với chúng tôi chứ!
              -  Chúng em chưa có kinh nghiệm. Lần sau thì...
                   Gã nhân viên gắt lên:
              -  Không sau trước gì cả. Mời anh chị vào phòng bảo vệ giải quyết!
                   Cát – một người bạn của lớp cùng trong tốp ra tiễn, nhanh trí... nhặt một chiếc "ke" chưa kịp xé ở dưới đất, rồi dúi cho Hoàng. Nhân lúc tay nhân viên nhà ga bận rộn kiểm soát, đám hành khách Đồng Đăng – Hà Nội đang ùn ùn ra cửa. Hoàng vội đút vào túi quần, giả vờ lục túi... như đã tìm thấy. Anh giơ chiếc "ke" lên ngang mặt gã nhân viên soát vé, ung dung bước ra ngoài. Ra đến cửa ga, các bạn chia tay nhau mỗi người một ngả. 
                   Cái tuổi mười tám đôi mươi, dễ hứng khởi nhưng cũng dễ buồn bực. Tâm trạng ấy xâm chiếm Hoàng. Tự nhiên anh cảm thấy trong lòng chơi vơi...
                    "Cuộc đời mình rồi sẽ ra sao?" – Câu hỏi ấy bỗng đến trong anh. Mới bước ra đời mà cuộc sống đã đầy mâu thuẫn. Chỉ còn đêm nay... chỉ còn mấy tiếng đồng hồ nữa... Thu và anh được ở bên nhau? Ngày mai Thu cũng đã đi tựu trường, tận một vùng rừng núi. Các bạn khác lần lượt đi cả. Các bạn anh hầu hết là đi lên hướng bắc, còn anh... thì sẽ về phương nam.
                   Đôi bạn siết chặt tay nhau đi trong đêm vắng. Ánh điện phố lòa nhòa sáng soi vào bóng họ. Hoàng lại nghĩ đến câu chuyện bị gã nhân viên hạch sách ở ga, vừa đi vừa lẩm bẩm:
              -  Thật là xúi quẩy. 
              -  Đừng bận lòng nữa, Hoàng!
                  Thu nắm chặt tay bạn thông cảm:
              -  Cuộc sống nhiều khi cũng vớ vẩn như vậy, nhưng Thu không muốn buồn đêm nay.     
                   Họ dừng lại bên bờ Hồ Tây. Dưới chân họ, sóng vỗ vào bờ ì oạp... Gió lướt thổi qua màn sương lạnh, táp vào những nhánh lá dừa vút lên thành điệu nhạc nhẹ. Âm rung như tiếng của chiếc sáo diều trong đêm thanh vắng ở miền quê. Bản hòa tấu thiên nhiên cũng tinh khiết như tình yêu của đôi trai gái, không một chút vẩn muội.
                   Ở bên kia hồ, nơi tiếp giáp giữa mặt nước và chân trời. Trong ánh sáng lung linh của màn sao, một dải mây buông thõng xuống như mái tóc của người thiếu nữ. Đuôi tóc xõa lên mặt nước. Mỗi khi con sóng trườn lên, búp tóc đưa đi đưa lại, mặt nước rẽ ra một màu sáng lóng lánh.
                   Phía bờ bên này ở cuối hồ, là chùa Trấn Quốc. Trong khuôn viên của chùa, một chiếc tháp cao mọc sừng sững, nghiêm trang như người lính gác... canh cho giấc ngủ của người thiếu nữ, mà mái tóc nàng đã xổ tung xõa trên mặt nước.
                   Họ nghe thấy tiếng đập trong trái tim mình và trái tim của người yêu, rõ hơn con sóng vỗ vào bờ. Thế giới tưởng chừng như đang im lặng ngủ, chỉ riêng họ còn thức với nhau.
              -  Cứ như thế, Hoàng nhé! Ngày mai chúng mình sẽ phải chia tay...
                   Tiếng cô gái làm vỡ vài mảnh không gian, mỏng như trang giấy lụa. Cô đưa những ngón tay thon nhỏ, vân về chiếc cúc áo của bạn trai. Sóng bỗng xô lên như muốn kéo cả mảng bờ vỡ tung ra, để nhận chìm vào bể nước mênh mang dưới chân họ.
                   Tiếng người con trai thì thào như hơi gió. Nó bặt đi... trong khoảng không gian vô tận màu xanh thẫm, nơi hàng vạn ngôi sao đang sáng ở đấy. Họ tha thiết hôn nhau, trước những giờ phút sắp phải chia tay.
               
              #7
                Nhân văn 02.09.2020 12:42:08 (permalink)
                 
                                               Chương II.   
                 
                    CHIẾN TRANH
                    PHÁ HOẠI VÀ CHIA LY
                 
                 
                 
                                    6-
                 
                     Giai đoạn này, cuộc chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ vào miền Bắc Việt Nam ngày càng khốc liệt. Máy bay hoa kỳ đã ném bom oanh tạc đến các vùng ngoại thành của Thủ đô Hà Nội.
                     Ra đến cửa, Ông Giáo vẫn còn tần ngần dừng lại dặn con gái. Không biết ông đã dặn dò con đến bao nhiêu lần?
                -  Nhớ đi đứng cho cẩn thận, con nhé! Nếu đi đường nghe thấy tiếng báo động, là phải tìm ngay một chiếc công sự gần đấy mà nấp. Thanh niên các con là hay chủ quan lắm đấy!                    
                     Ông còn cặn kẽ nhắc: “Con nhớ luôn luôn phải chuẩn bị một chiếc khăn mặt bông thấm nước, phòng bom hơi độc. Chớ có đi đâu xa, nhỡ ngộ…” -  Thu nhìn ba tủm tỉm cười. Suốt tối qua, ông bận bịu lo cho cô mọi thứ: nào  là dây buộc đồ, ít thuốc đau đầu, thuốc cảm… Mỗi gói, ông lại đề tên thuốc ra ngoài, ghi liều lượng uống. Sợ cô dùng nhầm. Ông cứ dặn đi, dặn lại:
                -  Con phải đề phòng muỗi đốt. Ở vùng rừng núi là hay mắc bệnh sốt rét.
                     Thực ra, Thu đã được mẹ lo cho chu tất từ mấy hôm trước nhưng Ông Giáo vẫn không yên tâm. Ông bảo: “Giá con trai lại là chuyện khác. Nó chưa bao giờ xa nhà…”.
                -  Con nhớ rồi, ba ạ! Ba cứ lẩn quẩn với con mãi thì đến trễ giờ đi làm mất!               
                     Ông Giáo ngước nhìn chiếc đồng hồ báo thức đặt trên bàn, rồi nói:
                -  Hôm nay, ba có đến cơ quan chậm một chút cũng chẳng sao.  
                     Sực nhớ chuyện gì đó, ông lại lật đật chạy vào nhà trong mang ra một chiếc mũ rơm. Chiếc mũ có vành rộng gần bằng cái nón. Cầm đưa cho con, ông nói:
                -  Ba nhờ một chị ở cơ quan bện hộ chiếc mũ rơm này, cho con mang đi học ở nơi sơ tán. Mãi chiều tối qua chị ấy mới bện xong.
                     Ngừng một lát, ông tiếp: “ Nó chống bom bi tốt lắm, con ạ!”.
                     Thu cầm chiếc mũ đội thử lên đầu.
                -  Chiếc mũ bện khéo quá, ba nhỉ? Chỉ tội hơi nặng.
                -  Lúc báo động mà có nó để đội thì mới yên tâm. Cồng kềnh một tí, con chịu khó đem đi!
                -  Nhưng con không biết sẽ nhét vào đâu?
                     Thu ái ngại nói. Người chị dâu của Thu từ khi chồng đi nhập ngũ, đưa con về bên ngoại cho mẹ đẻ trông nom. Nay Thu sắp đi học xa, lại mang con trở về ở với ông bà Giáo. Chị từ nhà trong chạy ra, đỡ chiếc mũ rơm trên tay em.
                -  Để chị buộc vào sau ba lô cho nào.
                     Hoàng cũng vừa tới. Anh chào Ông Giáo rồi quay lại nhìn chiếc mũ rơm to cồ cộ, trêu Thu:
                -  Chuyến này thì bom Mỹ phải tránh thật xa.
                     Thu nhìn anh nguýt dài. Bà Giáo ở bếp lên, bê ra hai gói to tướng được bọc cẩn thận bằng lá chuối đã hơ lửa. Một gói là cơm nếp, bà chuẩn bị cho cô ăn lúc đi đường – Bà bảo vậy. Còn gói kia là nửa con gà, bà đã chặt ra từng miếng cẩn thận, với một dúm muối tiêu để chấm và tí mì chính.
                -  Mẹ chuẩn bị nhiều như thế này thì con ăn làm sao hết?
                     Thu đỡ hai gói đồ ăn trên tay mẹ, nói: "Chỉ mang mấy gói cơm với thịt của mẹ thế này, cũng đủ gẫy xương sống".
                -  Rồi chẳng có lúc, cô đói rã xác ra đấy?
                     Bà Giáo mắng yêu con gái: "Cố mà mang đi, dọc đường xe cộ nhỡ ngại.".
                     Lúc này, chắc là Ông Giáo đã thấy yên tâm. Ông thong thả dắt chiếc xe đạp Thống Nhất đã được cơ quan cho mua phân phối vài tháng trước, ra cửa đi làm.
                     Lan và Thúy, hai người bạn học cùng lớp với Thu và Hoàng, cũng đến để đưa bạn ra bến xe. Họ phân công nhau: Lan sẽ đèo ba lô, Thúy đèo chiếc va ly, Hoàng có nhiệm vụ... đèo Thu.
                     Thu tới bên chiếc gương lớn ở cánh tủ, soi lại mình lần nữa. Cô đến chào chị, rồi ôm chầm lấy mẹ. Hai giọt nước mắt nóng hổi, lăn trên đôi gò má đã nhăn lại của Bà Giáo.
                -  Con đi học mà mẹ. Con về hậu phương chứ có phải ra chiến trường đâu?
                     Nói thế chứ, chính cô cũng thấy bùi ngùi.
                -  Nhớ giữ gìn sức khỏe, con nhé! Ở đồng rừng nước độc lắm đấy! Nhớ đừng thức khuya quá.
                -  Con lớn rồi mà mẹ cứ lo cho con như là con nít?
                -  Ấy là mẹ cứ dặn thế!
                     Niềm vui ánh lên trong đôi mắt còn ướt nhoèn của Bà Giáo. Bà nói: "Nhớ viết thư ngay về, kẻo mẹ mong.".
                     Bà Giáo đưa chân con ra tận đầu phố. Thu và các bạn của cô phải giục mãi, bà mới chịu quay trở lại. Họ lên xe, đi về phía bến Kim Mã.
                 
                 
                 
                 
                 
                <bài viết được chỉnh sửa lúc 02.09.2020 12:43:45 bởi Nhân văn >
                #8
                  Nhân văn 02.09.2020 12:46:20 (permalink)
                   
                   
                                                                          7-
                   
                       Vào bến xe như thể người ta bước đến một khu rừng nhỏ di động. Mỗi chiếc ô tô đỗ ở bến đều được phủ ngụy trang bằng những cành lá xanh, tốt um như một búi cây biết chạy. Khi một chiếc xe đã lấy đầy khách ra khỏi bến, một chiếc khác cũng đã được ngụy trang sẽ vào thay thế, hàn kín lại cái khoảng xanh vừa bị trống.
                       Sát mé bến là khu nhà lợp ngói. Đó là phòng đợi của khách đi xe. Trong các phòng đợi có các ngăn bán vé, cho từng tuyến đường từ Hà Nội đi về các tỉnh ở miền Bắc.
                       Cạnh bến có những quầy nhỏ bán thuốc, nước, bánh kẹo... bầy la liệt mời chào khách.
                       Thu đi chuyến xe của tuyến đường về tỉnh Tuyên Quang – Việt Bắc. Hoàng chuyển ba lô, va li của Thu cho người phụ lái đứng trên nóc xe. Thúy và Lan giúp bạn lên xe. Chiếc xe đã đầy khách, và việc giằng buộc của người phụ lái cũng đã hoàn tất. Nó chuẩn bị khởi hành.
                       Hoàng đứng lặng nhìn về phía ô cửa sổ xe, nơi có người bạn gái anh ngồi trong đó. Lan và Thúy đang tíu tít dặn dò cô nhiều thứ lắm! Thu vửa trả lời bạn vừa nhìn về phía Hoàng - Cả hai đều biết rằng: đối với họ,  chuyến chia tay này sẽ dài lắm...
                       Hai người bạn gái đang nói chuyện với cô những gì nhỉ? Thu vẫn cười nói với các bạn đấy, nhưng hình như cô không hiểu mình đã nói cái gì?... và cuộc đối thoại tay ba giữa cô với hai người bạn gái, chẳng khác nào là những nốt nhạc đệm trong bản tình đời giữa cô và anh.
                  -  Tạm biệt nhé! Nhớ viết thư về cho bọn mình.          
                       Thu cúi xuống nắm lấy tay hai bạn, môi nở một nụ cười. Lan và Thúy chào Thu rồi đi ra – Hãy dành chút thời gian ngắn ngủi cho anh chàng đang đứng im lặng đằng sau họ! Hai cô bạn gái đều có ý nghĩ ấy.
                  -  Chúng mình sẽ đợi Hoàng ở ngoài kia.                                          
                       Họ nói với Hoàng. Trong cái nhìn thiện ý của hai cô, như muốn nói: " Bọn này cũng tâm lý lắm đấy!".
                       Thu cười, đón anh lại gần. Hoàng nhận thấy, nước mắt như đang chạy vòng quanh khóe mắt của Thu, nhưng cô không khóc.
                  -  Hôm nào Hoàng nhận được giấy triệu tập nhập ngũ, nhớ báo cho Thu biết! Thu sẽ xin phép trường về Hà Nội để tiễn Hoàng.               
                       Thu nói, khi anh đang đứng sát thành xe.
                  -  Chẳng cần thế đâu, Thu ạ! Nơi sơ tán của Thu ở xa quá, xe cộ lại khó khăn.             
                        Cái tiếng nói sâu kín từ trong trái tim nổi lên choán toàn bộ trong tâm trí Thu, tiếng nói sâu thẳm tận trong lòng cô – Lúc này chỉ có thể gói lại trong câu từ biệt: "Chào Hoàng thân yêu, Thu đi!Thế là chúng mình phải xa nhau rồi đấy! Chỉ còn vài phút nữa thôi, đừng buồn bạn nhé!".
                  -  Rồi chúng ta sẽ còn phải đón nhiều thử thách nữa, Thu ạ!
                       Hoàng bàng hoàng nắm lấy tay người bạn gái và nối: "Hoàng mãi mãi yêu Thu!". Giọng anh nhỏ chỉ vừa đủ để Thu nghe.
                  -  Thu cũng yêu Hoàng!
                       Cái giọt lệ không kìm nén được trào ra trong khóe mắt cô. Xe từ từ chuyển bánh. Họ cố níu lấy tay nhau lần nữa.
                  -  Tạm biệt!
                       Hoàng giơ tay vẫy và đuổi theo vài bước. Anh có cảm giác, một cái gì như vừa rơi mất, tuột khỏi tay anh... Ngoài kia, Lan và Thúy cũng giơ tay vẫy theo tiễn Thu lần cuối. Đợi Hoàng đến gần, cả ba im lặng cùng nhau bước ra ngoài phố. Mỗi người lại đuổi theo ý nghĩ của riêng mình.
                   
                   
                  #9
                    Nhân văn 02.09.2020 12:49:46 (permalink)
                     
                     
                                                                           8- 
                     
                         Trong đêm Hoàng một mình đứng trên gác thượng, mắt đăm đăm nhìn về phía trời xa. Sáng nay anh vừa đi tiễn người bạn gái thân nhất của đời anh. Lúc này, bao ý nghĩ về tình yêu và cuộc sống cứ ùn lên trong đầu...
                         Phải chăng ý nghĩa sâu sắc nhất về một đời sống: Người ta đi tìm nó như tìm một kho quí ở nơi sâu nhất, sẽ được trả lời đằng sau những mất mát? Cũng ở đấy, giá trị chân xác mà con người muốn tiếp cận đến chứa đầy mâu thuẫn. Cái điểm xác định mà ta muốn vươn tới nằm ở chân bờ biển bên kia, cách ta một khoảng cách: gồm có muối và sóng bão – Bởi chân bên này của biển mới chỉ là bờ cạn, dù ở đó có những bóng hàng dương xanh rờn và quanh năm gió mát.
                         Trong Hoàng trăm ngàn những suy lí hỗn độn. Bản thân anh thì chưa hề hiểu rằng: Bao trăn trở của anh trong những ngày tháng này, vẫn chỉ là màn giáo đầu giới thiệu sơ sài.
                         Cái gì sẽ chờ đợi ta? Ý nghĩ hay hành động của ta trong những ngày qua, đã xuất phát từ điểm mốc của tư tưởng nào: Lương tri ư? Chưa hẳn. Còn một cái gì đấy khác nữa – Đó là ý thức về xã hội, hay chỉ là sự tự phát cá nhân? Cái "riêng" và cái "chung", cái nào mạnh mẽ hơn?
                         Bóng Hoàng in trong đêm thành một vệt đen dài trên sân gác thượng. Vầng trăng còn khuyết đã vượt lên cao, bỏ lại cả hàng cây xanh bên bờ hồ sau những dẫy nhà của khu ngõ Cống Trắng. Trăng mang màu vàng ráng mỡ gà, nhuộm thẫm đám mây... sóng sánh trong vòm trời như một cái vung lớn. Điếu thuốc trên môi anh lập lòe, khi tàn khi đỏ.
                         Cái gì mới xẩy ra ngày hôm nay, có khi chỉ mới hồi sáng thôi... mà như đã trở thành quá khứ? Cũng giống vì sao đổi ngôi vừa vụt sáng lên kia, để rồi mất hút vào nơi có hàng vạn các ngôi sao khác đang cháy. Anh cảm thấy, tất cả như đã và đang lùi vào dĩ vãng – Chẳng lẽ cả tình yêu nữa: của anh và Thu, rồi cũng sẽ trở thành quá khứ hay sao? Không, nó mới chỉ là bắt đầu! Thế mà đã phải chia ly, để không biết đến khi nào gặp lại. Liệu nó có thể biến mất đi như ngôi sao, vừa vụt tắt kia không?
                    -  Không, không thể là thế được! 
                         Một tiếng nói như quát vang lên trong đầu Hoàng, vang lên ở trong hồn và trái tim anh. Ngọn lửa đầu tiên: "Tình yêu và khát vọng"của cuộc đời anh, sẽ không dễ dàng có thể tắt đi!
                     
                     
                    #10
                      Nhân văn 02.09.2020 12:52:27 (permalink)
                       
                       
                                                                             9-
                       
                           Thu ngồi bên một bộ bàn ghế đóng mộc mạc, cắm cúi viết thư. Trên chiếc giường gần đó, người bạn gái mới mẻ sẽ học cùng lớp với Thu, dưới xuôi vừa lên đây, đã mắc màn đi ngủ sớm. Hai đứa được sắp xếp tạm ở trọ học tại một gia đình người địa phương. Trong khi trường chưa dựng xong lán cho các sinh viên nữ.
                           Gian bên, bà chủ nhà cũng đã ngủ. Tiếng ngáy của bà nghe đều đều. Cụ ông mất từ ba năm nay. Bà sinh được ba người con - Anh con cả vào bộ đội, đã đi B. Người con gái thứ hai thì lấy chồng ở làng bên. Bà ở với cô con dâu cả và thằng út, nó chưa đầy mười lăm tuổi.
                           Trong buồng, người con dâu của bà đang ru đứa con nhỏ, tiếng võng nghe kẽo kẹt. Lúc này, thằng con út di chơi với lũ trẻ trong xóm chưa về.
                           Họ sống thật đơn giản và tốt bụng! Đấy là ấn tượng trong Thu, của những ngày đầu tiên cô đến đây. Mái tóc cô sinh viên xinh đẹp mới gội lúc chiều tối, được gió rừng, gió núi lùa qua ô cửa sổ làm cho khô, bay lất phất trên những trang giấy trắng. Thu đang viết thư về cho gia đình. Cô tả những dòng tâm tư mới mẻ, sự việc và quang cảnh của vùng rừng núi... cho ba, mẹ và chị dâu nghe.
                           "Có thể kết luận được rồi" - Thu nghĩ vậy. Cuối bức thư, Thu còn đề thêm câu: "Cô hôn cháu Kỳ Anh yêu quí của cô!". Kỳ Anh là đứa con gái yêu của người anh trai Thu đã ra tiền tuyến.
                           Ngoài trời, trăng cũng lên cao. Bãi mía trước cửa nhà gặp gió, những chiếc lá mía cọ vào nhau kêu lào... xào... Tiếng một con tắc kè ở mé rừng trái nhà, thủng thẳng kêu năm tiếng.      
                           Thằng út đã về. Nó gọi Thu bằng chị, hỏi vài ba câu rồi đi ngủ. Trong giấc ngủ, chắc nó nằm mơ về buổi sáng mai: Khi đi học về, nó sẽ lùa trâu ra tận mé rừng phía sườn dốc bên kia - Ở đấy , nó mới tìm thấy một bãi cỏ non mướt. Hồi chiều, Thu thấy nó khoe với mẹ và chị dâu như thế!
                           Đây là những dòng thư cô viết tiếp cho anh:
                           “Hoàng có biết không, trước đây Thu mới chỉ nhìn thấy rừng trên phim ảnh. Đọc về rừng trong tiểu thuyết. Bây giờ, rừng đã ở trước mặt Thu. Thu đang sống trong nó…”.
                           Những dòng thư cứ chảy đều đều lên trang giấy trắng, như máu trong cơ thể cô. Những ý nghĩ lộn xộn, không bóng bẩy. Thu có cảm giác, cuộc sống xung quanh cùng hòa nhập với niềm vui của tâm hồn cô. Nó cũng thân thiết, hào hùng tựa một bản hành khúc tình yêu! Như thể ở đâu đó đang nổi lên từng hồi trống trận và giục giã…
                           Cô viết:
                           “Nếu tình yêu của Thu có thể giúp cho Hoàng thêm phần nào lý trí, để Hoàng vững tin trên con đường đời rộng lớn. Thì đấy, chính là niềm hạnh phúc đã đến với Thu! Thu sung sướng thấy được, khi chúng ta có những tình cảm sâu sắc gắn bó với nhau – mà ở đó, mỗi đứa biết vượt lên cái riêng mình…”.
                           Ngày mai, có người ở trường về Hà Nội, Thu sẽ nhờ mang bỏ vào hòm thư của thành phố, cho nhanh. Dán tem phong bì thư cẩn thận, Thu lên giường quàng tay ôm lấy người bạn gái, ngủ thiếp đi.
                       
                       
                      #11
                        Nhân văn 02.09.2020 18:13:49 (permalink)
                         
                         
                         
                                                               10-
                         
                             Tiến Thành lia một đường dao cạo quanh cằm người khách cắt tóc, đang nằm ngả đầu lên thành ghế. Vừa lúc một người khách khác bước vào cửa hàng, anh chủ hiệu xua tay nói:
                        -  Nghỉ rồi, anh bạn nhé! Có chút việc nên nghỉ sớm.
                              Nói thế nhưng Tiến Thành vẫn mải làm, không để ý. Theo đường dao cạo, vệt xà phòng đã xoa trắng trên mặt khách được lột đi, để lộ lớp da trắng mịn như da con gái của một tay thanh niên. Anh chủ hiệu ngẩng lên, quệt đám bọt xà phòng lẫn với đám lông tơ bám lên bàn dao cạo.. vào một cái đế cao su đặt trên giá. Lúc này Tiến Thành mới nhận ra, người khách bước vào lại chính là cậu em trai.
                        -  Ồ, chú Hoàng! Anh chị cũng nghe tin là chú đã có giấy gọi nhập ngũ. Chú vào nhà trong đi! Chị vừa nhắc, sao chưa thấy chú đến?
                             Anh ta vừa tiếp tục cạo nốt mặt cho người khách, vừa phân trần:
                        -  Đã định nghỉ rồi đấy, nhưng anh bạn này nằn nì mãi. Nể quá, cái nghề này nó thế! Cắt tóc thì lấy tiền thật đấy, nhưng cơ bản là nhiều khi phải chiều lòng khách.
                             Tiến Thành lại giục:
                        -  Chú cứ vào đi, anh cũng sắp xong rồi đây!
                             Hoàng đi vào nhà trong. Tiến Thành phân trần với tay khách trẻ:
                        -  Cậu em tớ sắp nhập ngũ. Gọi chú ấy đến, anh em nhậu nhoẹt với nhau để tiễn chú ấy lên đường.
                        -  Đợt này họ tuyển nghĩa vụ gắt lắm!
                             Tay thanh niên vẫn đang nằm ngả đầu trên thành ghế, nói:
                        -  Cứ dăm, bảy ngày lại có một đợt khám tuyển nghĩa vụ quân sự. Gọi là khám cho nó đúng thể lệ, chứ... loại A tuốt! Sức khỏe khá, thế là mời anh đi!
                        -  Vậy thì còn có nhẽ?... đằng này chú em tớ, nó lại xung phong. Mà nó đã nhận được giấy gọi vào đại học Bách Khoa, nữa cơ!
                        -  Đại học năm nay ưu tiên số một, mà anh? Cứ mang giấy gọi đại học lên Ban tuyển quân, là được miễn.
                             Tay khách nói có vẻ ngạc nhiên.
                        -  Thế thì còn có nhẽ!
                             Tiến Thành gập con dao cạo lại đặt lên giá, buông một câu thở dài: "Đã bảo... cậu em trai tớ, nó xung phong!".
                        -  Bỏ đại học à?
                        -  Thế mới có chuyện chứ!     
                        -  Hoài của.
                             Gã thanh niên xuýt xoa tiếc rẻ. Anh chủ hiệu lấy chiếc bàn chải, phẩy phẩy những sợi tóc bám trên gáy khách. Người khách ngắm nghía mái tóc vừa được cắt gọn ghẽ qua chiếc gương lớn, vẻ ưng ý. Lấy tiền trả rồi cầm cái mũ lưỡi trai ngoắc trên chiếc mắc, đội lên đầu. Bước ra cửa, anh ta còn hất hàm về phía nhà trong, có ý chỉ Hoàng... ghé vào tai nói nhỏ với anh chủ hiệu:
                        -  Con người của thời đại đấy! Như anh em mình là lỗi thời rồi?
                             Tiến Thành cất dọn đồ nghề, quét những mớ tóc vương trên sàn đá trắng, bỏ vào chiếc thùng gỗ đựng rác đặt ở góc nhà. Sau khi đã treo tấm biển có đề chữ "nghỉ" ra trước cửa hiệu, anh ta mới thong thả bước vào nhà trong.
                         
                                                                                 *
                         
                        -  Chú đã quyết định dứt khoát rồi đấy hả?
                             Tiến Thành cởi áo treo lên mắc, hất hàm hỏi em. Cả tấm thân đồ sộ của anh ta phơi ra trắng hếu. Bộ ngực mỗi ngày một nở to, vú đã chảy xệ xuống. Anh ta mặc trần một chiếc quần soóc, bộ đùi hộ pháp hằn lên, lớp da dầy dưới bụng trễ xuống cạp. Mái tóc đen vuốt mượt ra phía trước. Hai bên mai thì xén ngang hình lưỡi tràng, quặp xiên thẳng chính khoáy tai. Khuôn mặt đầy mỡ của anh chủ hiệu trắng hồng lên, đôi má béo múp míp... Nói vô phép, chẳng khác mấy là má giống lợn ỉ.
                        -  Chú chờ một chút, anh ra rửa cái mặt.
                             Tiến Thành nói rồi bước đi từng bước chắc nịch trên nền nhà đá hoa, dáng ngất ngưởng như một con gấu.
                             Vợ Tiến Thành thì gầy quắt, đen nhẻm. Mái tóc phi dê của chị ta cuốn lên cong tớn, trông như những vòng dây thép gai cuộn ngang ngửa, phủ lên một khuôn mặt có cái cằm nhọn hoắt, cắm lêu nghêu vào một tấm thân khô khốc. Tưởng như ở trong con người phụ nữ này, tỏa ra hơi ẩm mốc và ám khí. Duy chỉ có đôi mắt là sắc lẹm tựa một lưỡi dao, nhìn như soi vào ruột người ta vậy.
                        -  Chú nó đi là phải. 
                             Người chị dâu của Hoàng vừa ở bếp lên, nói thế. Chị ta bê một mâm cỗ đặt lên ban thờ, nói dóng xuống:
                        -  Ít nhất thì nhà mình cũng phải có một người đóng góp nghĩa vụ quân sự.
                             Ý chị ta tránh không muốn nói: "Nếu chú nó không đi, biết đâu anh chú... lại chẳng phải đi?".
                        -  Thì tôi có nói là chú nó không nên đi đâu?
                             Đã vào sân trong. Tiến Thành đưa hai tay vục vào chậu nước, phả lên mặt, rồi với lấy chiếc khăn bông trắng vắt trên dây phơi, lau qua quít. Tiến Thành vừa đi ra vừa nói:
                        -  Chú cũng nên đi, nhưng giá để học xong... lấy được cái bằng đại học đã. Tôi vẫn tiếc cái tài học của chú.
                        -  Hết chiến tranh về... em sẽ học tiếp.
                             Hoàng thản nhiên trả lời anh như vậy.
                        -  Chú nói đơn giản? Mai sau có tuổi, lại vợ con... Cứ quần thảo với cuộc sống mà kiếm miếng ăn, cũng đủ mệt. Khi ấy còn nói tới việc "học", e là không phải nhẽ.
                             Tiến Thành giơ tay đón đứa con gái nhỏ, đang chơi đồ hàng ở trên giường: "Cái Nguyệt ra đây, bố bế tí nào?".  Con bé xoa nháo nhào các thứ đồ chơi của nó, rồi sà vào lòng bố. Bàn tay bé teo của cái Nguyệt cứ vân vê đầu vú bố, như nó vẫn sờ "ti" mẹ.
                             Vợ Tiến Thành thắp mấy nén hương, giục chồng:
                        -  Anh cúng tổ tiên đi!
                             Đèn ngoài phố đã bật sáng. Cúng vái xong, Tiến Thành hỏi em:
                        -  Sao thầy và dì vẫn chưa đến nhỉ? Lúc chú đi...
                        -  Em ở nhà bạn về thẳng đây, nên không rõ.
                             Vừa lúc, ông Tiến Thịnh bước vào nhà. Tiếng ông sang sảng;
                        -  cháu Nguyệt của ông đâu nào?
                             Ông dựa chiếc xe đạp Phượng Hoàng mác Trung Quốc còn mới cứng vào góc nhà, đi lại đón cháu. Mẹ nó nhắc con:
                        -  Con chào ông nội đi!
                             Cái Nguyệt nói lí nhí trong mồm rồi chạy đến chỗ ông. Vợ Tiến Thành quay lại phia bố chồng nói:
                        -  Con định đạp xe đến tìm thầy?
                        -  Tao khắc đến, việc gì phải tìm? Cố cắt nốt mấy cái tóc. Khách nó chờ, bỏ đi không được.
                        -  Con cũng thế đấy! Người ta đợi, chẳng lẽ mình lại từ chối? Lắm lúc mệt bã.
                        -  Cái nghề này nó thế!
                             Ông nói tiếp: "Cũng cầu mong cho ngày nào cũng vậy".
                             Ông Tiến Thịnh đặt cháu xuống giường, bước đến gần ban thờ, chắp hai tay lên vái. Cúng xong ông quay ra, mồm vẫn lẩm bẩm: "Mong sao thánh nhân cứ phù hộ cho con cháu, ăn nên làm ra".
                             Cái Nguyệt lại rối rít ngồi vào lòng ông.
                        -  Dì con không đến hả thầy?
                             Vợ Tiến Thành hỏi.
                        -  Dì mày bận chút việc. Mới lại, cũng phải có người ở nhà, đi hết cả sao được.
                        -  Thế thì chẳng còn ai nữa đâu ạ! Con cũng đã bảo cả chú Lâm, nhưng có lẽ...
                        -  Thằng ấy nó lêu têu suốt ngày, biết đâu mà chờ.
                             ... Hoàng có cảm giác như mình đang lạc lõng. Trong suốt bữa ăn hầu như anh không nói. Khi thầy và anh trai hỏi, anh chỉ trả lời nhát gừng, quấy quá cho xong. Ăn miếng thịt gà mà anh trai gắp bỏ vào bát, anh thấy nó bã ra. Như thể anh đang bơ vơ giữa một bãi hoang...  Cái gianh giới phân cách tình cảm và cả trong tư tưởng, giữa anh với gia đình, kéo dài thành một vệt tối sẫm. Sống trong nhà mình mà lúc nào anh cũng muốn thoát ra khỏi đó. cả buổi, anh chỉ nói dăm ba câu. Mọi khi, ông Tiến Thịnh hay chì chiết con, nhưng giờ... thì dù gì nó cũng chuẩn bị đi rồi? Ông chỉ lẳng lặng đùa vui với đứa cháu. Xong bữa, uống hết chén nước trà nóng do vợ Tiến Thành đưa, ông dắt xe ra về.
                              Khi Hoàng bước ra đường thì trời thấm lạnh, đã bắt đầu sương muối. Bức thư của Thu, Hoàng mới nhận được vẫn cồm cộm trong túi áo. Tình yêu của Thu là nguồn an ủi và sức mạnh đối với anh. Anh muốn chạy nhanh về nhà để viết thư cho Thu.
                             "Anh sẽ thức cả đêm nay để viết cho em" – Đó là tiếng nói ở trong anh.
                             Tiếng bom ở ngoài kia là chuyện của ngày mai, mà cho dù nó đang là thực tại ở ngay đây chăng nữa, thì ánh sáng của tình yêu em trong trái tim tôi, tiếng bom kia cũng chỉ là nhỏ bé.
                             Trong ít ngày còn ở lại thủ đô, Hoàng sẽ dành để lên thăm Thu. Ý định ấy thôi thúc trong đầu anh. Trời cũng đã khuya, Hoàng rảo bước về nhà. 
                         
                         
                        #12
                          Nhân văn 02.09.2020 18:16:58 (permalink)
                           
                           
                                                                              11-  
                           
                               Theo chỉ dẫn của Thu trong thư, Hoàng xuống xe ở bến thị xã Tuyên Quang. Anh đi thẳng tới ngã ba, bước vào một cái quán nước hỏi đường. Bà chủ quán lấy tay chỉ lối cho anh.
                          -  Cậu cứ theo con đường đất này, đi tuốt ra tít xa kia kìa! Đấy, khu rừng xanh trước mặt mà cậu nhìn thấy, chính là khu sơ tán của trường Đại học Sư phạm. 
                               Bà ta còn cẩn thận nói thêm: "Ở đây, không phải chỉ có riêng mỗi trường Sư phạm về sơ tán đâu? Có cả khu quân sự nữa đấy!" Bà ghé sát vào tai anh, thì thào một điều bí mật:
                          -  Khu cấm mà cậu. Hình như họ đang dấu loại vũ khí hiện đại gì đó?  Canh phòng cẩn thận lắm! Khéo... kẻo lạc vào đấy, người ta hỏi giấy tờ là rầy rà.
                               Bà chủ quán giục anh đi ngay kẻo trời sắp tối. Một ông khách mới bước vào quán, bà quay ra gọi đứa cháu nhỏ mang phích nước sôi, rót vào ấm trà. Anh chào bà lão rồi đi.
                               Hoàng mặc chiếc áo khoác ngoài màu hạt dẻ, để đi đường cho đỡ bẩn. Vóc dáng anh cân đối, toát lên một sự hài hòa bình dị. Đôi mắt sáng, nhìn hơi mơ mộng và thông minh. Trông anh có cái cứng cỏi thật "đàn ông", lại vừa gợi vẻ trữ tình.
                               Bóng nắng đã rơi thõng xuống lưng chừng nền trời xanh lam, thấp thoáng vài dải mây trắng nhạt. Hoàng tần ngần dừng lại ở đầu đường, nhấc chiếc túi xách ra khỏi vai rồi rảo bước đi đến một ngôi nhà nhỏ, đơn sơ ở ngay mé rừng... cách đó vài ba trăm mét.
                               Một cô gái có thân hình to béo, khuôn mặt trắng hồng vì mới ở bếp ra. Cô lấy tay phủi phủi những tàn tro bám trên tấm áo cánh màu lá mạ. Tóc để dài nhưng đã được cuộn lên cho gọn ghẽ. Khuôn mặt sởi lởi với nụ cười mời đón. Cô đi lại phía anh chàng thanh niên đang đứng ngơ ngác ở ngoài sân, cất tiếng hỏi:
                          -  Anh hỏi ai ạ?
                          -  Hoa!
                               Hoàng reo lên. Cô gái đứng sững người, đôi mắt tròn xoe vì ngạc nhiên:
                          -  Cơn gió nào đưa chàng hoàng tử đến đây?
                               Cô gái có tên gọi là Hoa ấy… vẫn chưa hết vẻ sững sờ, bắt tay người con trai. Hoàng nháy mắt, cười mỉm một cách ý tứ.
                          -  Nhớ Hoa quá, lên thăm!
                               Hoa cười rộ lên… láy lại câu nói của Hoàng, rồi lại cười.
                          -  Không khéo xúc động quá! Hoa đứt mạch máu, chết bây giờ?
                               Cô nói tiếp: “Hoa làm gì có được cái vinh hạnh ấy?” – Giọng cô không có gì ác ý. Hoàng cự lại:
                          -  Chẳng lẽ lên thăm bạn không được hay sao?
                          -  Sao lại không được?
                               Họ vẫn đối đáp với nhau bằng cái giọng vui vẻ: “Nhưng nhà tài tử lừng danh ơi!” – Cô gái gọi lại cái biệt danh mà hồi còn đi học cùng nhau, các bạn lớp thường hay gọi đùa Hoàng.
                          -  Nhà tài tử thân mến của em, nếu người có nhã ý lên thăm em, thì thật là tốt phúc cho em quá! Nhưng họa khi nào loài người đã giải được thuốc độc cho chàng hoàng tử Hăm Lét sống lại, để chàng lại đến đón nàng Ôphêlia yêu quí của chàng? 
                          -  Khiếp! Hoa ví von mà nghe "sợ người".
                              Hoa nói vậy, chứ... gặp lại người bạn trai, lòng cô vui sướng. Cô mời bạn vào nhà, vừa đi vừa cười nói.
                          - Hoàng ngạc nhiên đấy! Không ngờ Hoa cũng về học ở trường Đại học Sư phạm này?
                               Hoàng bảo vậy.
                          -  Thì Hoàng cũng biết: Hoa đã có danh sách cùng một số bạn lớp sang học ở Trung Quốc, nhưng vì "cách mạng văn hóa"  nên tất cả bị đình lại. Bộ Giáo dục mới bổ xung Hoa về học ở đây.
                          -  Ra thế!
                               Bước vào nhà, anh thấy một bà lão ngồi trên chiếc giường gỗ. Bàn tay gầy guộc của bà cầm cái chầy giã trầu nhỏ xíu bằng đồng. Đầu chầy được tán dẹt và khía ra như răng khế. Bà lão thục thục cái chầy xuống một cái cối nhỏ cũng bằng đồng. Bà giã trầu để ăn.
                               Anh chào bà lão. Hoa nhanh nhảu giới thiệu:
                          -  Đây là mẹ của Hoa! Hoa đưa mẹ cùng lên đây sơ tán, vừa học và cũng tiện bề chăm sóc mẹ.
                               Hoa giải thích vì có mẹ đi cùng, nên cô thuê riêng một gian nhà nhỏ của người dân địa phương. Căn nhà cũng gần với khu lán ở của các sinh viên nữ, gọi là kí túc xá của trường.
                               Ngước nhìn anh thanh niên lạ, bà lão vui lây với niềm vui của con gái. Chắc bà nghĩ: Chàng trai này lên đây là để thăm con gái bà? Bà tíu tít hỏi anh đủ mọi chuyện... cứ như là bà đã xa Hà Nội từ lâu lắm.
                               Nào là, theo cháu: Hà Nội mình liệu bao giờ được yên? Gớm, ở trên này cứ u u.. minh minh... Sáng ra gặp rừng, tối lại gặp núi, chẳng biết tình hình nó ra sao?
                               Nào là, cháu có nghe gì về Hội nghị Pa Ri không? Ông nhà mình giỏi thật, thằng Kít-sinh-giơ tài như thế... mà vẫn bị ông Thọ, bà Bình nhà mình "vặn" cho hết chỗ nói. 
                               Hoa phải ngắt lời mẹ:
                          -  Mẹ để cho anh ấy nghỉ tí đã nào? Mẹ cứ làm như là...  
                               Bà lão vẫn còn giải thích với Hoàng:
                          -  Chẳng là, bác cũng được nghe các anh, các chị nói chuyện như thế. Vui vui là...
                               Rồi bà giục con gái dọn cơm cho anh Hoàng cùng ăn. Khi Hoàng nói, anh đã ăn ở ngoài quán rồi, bà chép miệng:
                          -  Cái người Hà Nội mình, chúa là hay khách khí.
                               Hoàng sốt ruột. Anh chỉ muốn hỏi Hoa về tin tức của Thu? Nhưng lại thấy ngài ngại... Hoa thì vui quá, cô cứ tíu tít kể lể với Hoàng đủ thứ chuyện, không thể dứt ra được. Cuối cùng Hoàng cũng lựa cách ướm hỏi...
                          -  Mình biết ngay mà! Nhà tài tử lên đây là phải có lý do riêng?
                               Thoáng chút ghen tuông trong nụ cười cởi mở của Hoa. Cô nhìn như sói vào anh:
                          -  Khéo chọn thế? Thu nó cũng là hoa khôi của trường sư phạm này đấy! Nghe nói, mới lên đây mà đã có khối chàng muốn ngấp nghé...
                          -  Chắc Hoa không biết? Thu là... em gái họ xa của mình. 
                               Hoàng nói chống chế với bạn.
                          -  Em gái con ông bác chứ gì?
                               Hoa cười toáng lên, chăm chăm nhìn vào Hoàng. Cái nhìn của Hoa như muốn nói: "Đây biết tỏng đi rồi. Bạn dấu ai, chứ đừng dấu gái này?".
                              Ở phia kí túc xá của trường, từng tốp sinh viên tay cầm bát đũa, đi từ phía nhà ăn về khu lán ở của nữ sinh. Hoa chỉ tay về phía đó, ghé vào tai Hoàng nói nhỏ:
                          -  Chắc Thu nó đi ăn cơm cũng sắp về đấy?  
                               Rồi Hoa reo lên:
                          -  Cô nàng về kia kìa!   
                               Hoa chạy ra cửa gọi to:
                          -  Thu! Thu ơi! Có khách... khách...
                               Tiếng "khách" cuối cùng vang vào hốc núi, dội lại thành một âm hưởng đanh đanh, như khi ta gõ một thanh sắt lên mảnh vại sành đã vỡ.
                               Hoa đưa tay đẩy khẽ vai Hoàng, ra hiệu bảo anh tới đó. Hoàng đứng dậy chào bà cụ và Hoa rồi tiến về phía Thu. Trống ngực anh đập dồn dập. Bước chân đi cũng nhẹ bẫng, chênh vênh, như người bay trên mây.
                           
                                                                            *
                           
                               Thu đưa bát đũa của mình cho cô bạn đi bên cạnh cầm hộ, vuốt lại mấy sợi tóc xõa trước trán rồi đi về phía anh. Cô còn nghe thấy tiếng người bạn gái hỏi phía sau lưng: "Cái anh chàng sắp đi bộ đội mà cậu kể đấy, hả Thu?". Thu quay lại nhìn bạn, gật đầu.
                               Nhìn hai người đang im lặng tiến lại phía nhau, Hoa đã hiểu tất cả: "Thế mà anh chàng dám bảo với mình, là cô em gái họ xa" - Trông kìa, họ có cần biết đến ai nữa đâu? Mà còn thấy gì nữa cơ chứ! Bây giờ thì anh chỉ nhìn thấy chị, chị chỉ nhìn thấy anh thôi.
                               Tiếng bà cụ giục Hoa dọn cơm ăn, cô quay vào nhà.
                               Khi đến gần, Thu cất tiếng hỏi trước:
                          -  Anh Hoàng chờ em đã lâu chưa?
                          -  Cũng được một lúc rồi, Thu ạ!
                          -  Về qua phòng em để anh biết, rồi chúng mình ra suối ngồi chơi.
                               Hoàng gật đầu, theo Thu đi vào khu lán của nữ sinh. Anh chào hỏi, chuyện trò với các bạn gái cùng lán với Thu một lát... rồi rủ nhau ra suối. Trước mắt họ hiện lên một chiếc cầu treo nhỏ, Thu bảo:
                          -  Bây giờ em sang cầu trước! Thi xem ai sẽ đi cầu giỏi hơn? 
                          -  Thi thì thi, nhưng đừng bắt anh lội xuống suối vớt lên đấy!
                          -  Khỏi lo.
                               Thu kéo dài giọng: "Em chỉ sợ anh qua cầu không quen, lại ngã?".
                               Cầu là thân cây gỗ tròn nhỏ, bắc ngang qua suối. Vòng thân cây chỉ rộng bằng miệng cái rá vẫn dùng vo gạo. Hoàng đưa tay định đỡ Thu lên cầu, nhưng cô hất tay anh ra. Thu nắm lấy sợi dây treo làm chỗ vịn bước lên cầu, cô nói:
                          -  Cầu nhỏ, chỉ đi một người thôi. Em phải sang tới bên kia, anh mới được bước lên cầu đấy!
                               Buông hai tay như người biểu diễn xiếc trên dây thép, hai chân Thu đưa thoăn thoắt trên thân cây gỗ nhỏ. Cứ thế, Thu đánh đà đi trên chiếc cầu độc mộc một cách khá thuần thục. Sang tới bên kia suối, Thu cười khanh khách:
                          -  Nào, bây giờ thì đến lượt anh!
                               Hai tay Hoàng níu chặt lấy sợi dây treo, dò dẫm đi từng bước một trên cây gỗ. Lúc anh chành sang bên trái, lúc lại nghiêng sang phải. Ngoắt một cái... Thu chỉ kịp kêu "ối"! Hoàng đã trượt chân ngồi tệt lên cầu. May mà không ngã. Thu níu vào dây treo, tiến ra giữa suối đỡ Hoàng cùng sang.
                          -  Thu đi cầu tài quá!
                               Hoàng khen. Thu cười nói:
                          -  Em sắp trở thành người dân tộc rồi đấy! Hôm mới lên đây, cứ mỗi lần qua suối, em lại phải vòng lên tít trên kia, chỗ nước cạn... xắn quần bước sang, thế mà vẫn bị ướt. Dần dần, tập đi ít hôm nó quen.
                               Họ rủ nhau đến ngồi trên một phiến đá rộng. Nước suối chảy qua các kẽ đá dưới chân họ, kêu lóc róc. Mấy con chim vẫn còn tận dụng ánh sáng đã nhạt của một buổi chiều, rỡn nhau trên những cành cây. Một con ta tả màu xanh biếc lao như cắm xuống mặt nước, lấy chiếc mỏ nhọn hoắt cắp lên một chú cá con.
                               Thu khỏa hai chân xuống khe nước, nhặt những hòn sỏi nhỏ ở lòng suối, ném ra chỗ có dòng nước lớn. Hoàng mở túi xách lấy ra chiếc máy ảnh, nói với bạn gái:
                          -  Anh chụp cho em vài kiểu nhé!
                          -  Nhưng em không thích đăng báo đâu.
                               Thu bảo vậy.
                          -  Thì anh có nói đăng ảnh của em lên báo đâu? để kỷ niệm thôi! Anh sẽ mang những bức ảnh này của em ra đi.
                               Cô nhìn anh tình tứ, xoay người làm dáng để cho anh chụp. Chụp ảnh xong, cô lại ngồi lặng yên… tiếp tục ném những hòn sỏi xuống nước.
                          -  Giờ phút này em chẳng biết nói gì nữa. Thế là anh sắp đi rồi!
                          -  Anh chỉ ở đây với Thu được một ngày, rồi phải về để chuẩn bị lên đường.
                               Hoàng đặt chiếc máy ảnh xuống mặt phiến đá, kéo Thu lại gần rồi giang tay ôm người yêu vào lòng. Anh nói giọng xúc động:
                          -  Anh yêu em! Những ngày em lên đây, cứ tối tối anh lại lang thang trên phố, tìm đến ngôi nhà em ở. Anh đứng dưới đường, nhìn lên cửa sổ chỗ phòng em. Anh biết, kề bên cửa sổ là chiếc giường cá nhân em vẫn nằm. Đọc thư em, anh nuốt từng chữ mà em đã viết.
                               Thu nằm yên trong lòng Hoàng, để đón nhận những nụ hôn nồng nàn của anh trút lên môi, lên mắt và cả tấm thân của người con gái. Họ biết đây sẽ là những giờ phút ly biệt, chẳng rõ bao giờ mới có thể còn gặp lại nhau? Khi đã yên tĩnh, mắt Thu ngước nhìn lên cả khoảng trời xanh mênh mông. Một lần, một lần nữa… cô muốn nhìn thật sâu vào đôi mắt anh, để giữ mãi hình ảnh người bạn trai trong trái tim mình.
                               Hoàng cũng lặng đi. Trên thế gian này, biết bao nhiêu bài ca trữ tình làm say đắm lòng người? Cuộc sống thật sâu sắc và nhiều ý nghĩa kia: với anh, đó chính là Thu! Bàn tay anh xoa lên khắp người con gái. Một sự ham muốn rạo rực dâng lên trong anh. Cô không chống cự. Tâm hồn dường như đang bay tới một chân trời mênh mông, xa xăm. Đã xế chiều mà Thu cảm giác có cả một bầu trời hồng đang che rợp khu rừng, tỏa lên như một ngọn núi lửa khổng lồ, hừng hực cháy trong cô.
                               Ôi! Có khi một sự khuất phục trái tim, sẽ đem đến cho ta cả một thiên đường tràn ngập ánh sáng. Thu mặc cho bàn tay man dại của anh xoa lên khắp thân thể cô.  Hoàng đặt Thu nằm trên mặt hòn đá lớn. Tiếng nước suối vẫn róc rách chảy xung quanh, cùng hòa tấu trong bản tình tuyệt vời của thiên nhiên và con người.
                          -  Anh muốn... anh muốn... em thân yêu!
                               Tiếng Hoàng bổi hổi đan trong những phút giây điên dại. Đôi bàn tay anh đã cởi bỏ quần áo Thu, ném sang bên cạnh. Cả tầm thân của người con trai choàng lên người con gái mềm mại, mịn màng như tơ lụa.
                               Mới đầu Hoàng còn có cảm giác dụt dè, nhưng rồi sự cuốn hút làm cho anh trở nên mạnh bạo. Anh với tay xuống, cầm lấy chân cô kéo lên... Như một con mang hiền lành, Thu mặc cho Hoàng muốn làm gì thì làm. Cô dang hai chân, đón nhận của anh. Đây, tấm thân tuyệt vời của người trinh nữ đang chiều anh tất cả! Anh cúi xuống dán những chiếc hôn nóng bỏng lên ngực, lên bụng nàng. Đôi bàn tay xoa lên cả "tòa thiên thai" lộng lẫy và linh thiêng nhất thế gian. Nàng ôm ghì lấy anh. Hơi thở nàng gấp gáp trong cơn mê đắm đến cuồng nhiệt, của cuộc giao hoan trai gái này.
                               Nàng đã tiễn anh lên đường bằng kỉ vật thiêng liêng nhất của người thiếu nữ. "Sẽ không có kỉ vật nào quí giá hơn mà em đã hiến dâng... phải không anh ?" –
                               Tấm thân trắng ngần của Thu vẫn ghì xiết lấy Hoàng, cô thì thào nói với anh như vậy.    
                          -  Sẽ không có gì quí giá hơn tấm chân dung thiên thần của em đâu, Thu ạ!
                               Anh vẫn nằm trên thân thể của người yêu, hơi thở còn dồn dập. Tưởng rằng anh có thể cứ nằm như thế mãi để ngủ suốt đêm. Dưới chân họ, tiếng con suối vẫn róc rách chảy. Chỉ có rừng núi là biết được bí mật ấy của họ hôm nay.
                               Thu đăm đắm nhìn lên anh, mỉm cười:
                          -  Thôi, ta dậy đi anh!
                          -  Anh cứ muốn nằm với em như thế này mãi.
                               Hoàng bảo vậy. Cô đưa tay thoa lên mặt anh, đầy cảm mến. Anh lại cúi xuống hôn da diết lên môi, lên mắt và khắp người cô.
                          -  Anh đã được biết tất cả của em rồi đấy!
                               Thu nói: "Anh thân yêu, giây phút này sẽ không bao giờ em quên!".
                          -  Anh sẽ mang kỉ niệm của chúng mình ra đi, và giữ mãi mãi trong cuộc đời.
                                    Hoàng lấy hai tay bế xốc người yêu lên, định làm lần nữa. Thu khẽ ngăn anh lại.
                          -  Thôi anh, để lần sau.
                          -  Anh chỉ ở với em được một ngày, biết khi nào chúng mình mới lại có lần sau?
                               Thu dịu dàng, đưa tay vuốt lại những sợi tóc xòa trên trán anh:
                          -  Anh làm dữ dội như một con gấu thế, mà chưa thấy thỏa thích à? Anh không thấy chán à?
                           -  Với Thu, chẳng bao giờ anh chán cả.
                          -  Ghét anh.
                               Cô mắng yêu: "Muốn nữa thì anh làm. Chỉ sợ rồi anh lại nằm thỉu trên bụng em, không dậy được.".
                          -  Không đâu, em thân yêu!
                               Hoàng ngắm nhìn người yêu. Tấm thân trắng của nàng lồng lộng phơi dưới những ánh sáng nhạt của những đốm sao mới lên.
                               Hoàng xoay người yêu ngược lại, nằm phủ kín lên cả khuôn mặt cô. Thu chiều anh. Đôi bàn tay nhỏ nhắn như búp măng người con gái nắm lấy cái của anh. Nó nần nẫn trong tay. Nàng hôn và vuốt ve.  
                          -  Của em đấy!
                              Anh nói. Thu chỉ mỉm cười. Cô bảo:
                          -  Anh nhớ là không được cho người con gái khác đấy!
                          -  Anh nhớ!
                          -  Biết đâu đấy? Các anh bộ đội bây giờ, hành quân qua làng, qua bản, được các cô gái săn đón nhiều lắm! Rồi lại con rơi, con vãi dọc đường.
                               Nói rồi, cô kéo anh nằm xuống. Toàn thân anh xúc cảm, rung lên vì sự nghịch ngợm của người yêu. Anh kéo chân cô dang rộng thêm ra, nhìn sâu vào đó… Dưới ánh sáng cuối của một ngày, anh thấy cả một thế giới đo đỏ ẩn sâu trong cái của nàng. Cái thế giới mà bao triết lý loài người vẫn không tả hết.
                               Trong cơn hưng phấn tột cùng, Hoàng lại ôm ghì người yêu xuống, với sức trai tráng của chàng thanh niên tuổi đôi mươi. Một lần nữa Thu thấy mình tê dại đi, cảm nhận đã vào tận sâu bên trong. Cô rên khe khẽ, nhưng rồi cô vẫn nằm yên, đôi mắt nhắm nghiền để mặc anh. Một lát, Thu thì thào nói nhỏ:
                          -  Giờ về dược chưa anh?
                          - Ừ, ta về.
                               Thu nũng nịu:
                          -  Mặc quần áo vào đền cho em đi!
                               Hoàng đỡ Thu dậy, mặc lại quần áo cho cô. Thu quàng tay ôm lấy Hoàng, cả hai bước trở về khu lán của sinh viên. Cô vẫn còn nhìn thấy con chim ta tả màu xanh biếc, tận dụng cái ánh sáng của màn sao… lại lao xuống mặt nước, lấy chiếc mỏ nhọn hoắt cắp lên một chú cá con. Kiếm ăn cả chiều mà có lẽ con chim vẫn chưa thấy đã cơn đói?
                               Tối đó, Thu dẫn Hoàng sang khu lán các sinh viên nam để nghỉ đêm. Thu mang tất cả chăn, màn của cô cho anh. Thu sợ anh dùng đồ của người khác, lạ… khó ngủ. “Đắp chiếc chăn có hơi ấm của cô, Hoàng sẽ dễ ngủ hơn!” – Thu nghĩ vậy.
                               Mấy bạn sinh viên nam buông lời trêu trọc, Thu chỉ tủm tỉm cười. Trở về khu lán nữ sinh, Thu vẫn chưa hết bàng hoàng. Nghĩ lại những gì đã diễn ra giữa anh và cô hồi chiều tối, lòng cô lại lâng lâng…
                               Ôi, cuộc đời mới quí giá biết bao! Cô cảm thấy thỏa mãn với tất cả những gì đã làm cho anh. Anh chỉ có thể ở với cô ngày mai nữa thôi, rồi anh phải trở lại Hà Nội để lên đường.
                               Về tới lán của mình, Thu chui vào trong chiếc màn mà người bạn gái đã buông sẵn, ngủ lúc nào không hay biết.
                           
                          <bài viết được chỉnh sửa lúc 28.09.2021 18:30:40 bởi Nhân văn >
                          #13
                            Nhân văn 02.09.2020 18:20:05 (permalink)
                             
                             
                                                                            Chương III.   
                             
                                                 CHUẨN BỊ VÀO CUỘC CHIẾN
                             
                            1/. Viết theo phiên hiệu:
                                   Những đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam thường được viết bằng các phiên hiệu:
                            -  Tiểu đội               gọi là           “A”
                            -  Trung đội             gọi là            B
                            -  Đại đội                    -                 C
                            -  Tiểu đoàn                -                 D
                            -  Trung đoàn              -                 E
                            -  Sư đoàn                   -                 F
                            2/.  Một số nhóm chữ dùng nhiều trong tiểu thuyết sẽ được viết tắt:
                            -  Quân giải phóng                                viết tắt là                 QGP
                                 ( Không phải chỉ Quân giải phóng địa phương, mà khi bộ đội tiến vào chiến trường miền Nam cũng gọi là QGP, hay có lúc gọi “Quân cộng sản Bắc Việt” – cũng chỉ là một )
                            -  Chính phủ Việt Nam Cộng hòa         viết tắt là         Chính phủ VNCH  
                            -  Quân lực Việt Nam Cộng hòa                  -                    QLVNCH 
                             
                             
                                                                                 12-
                             
                                 Đài phương Tây đưa tin: “Con hổ xám đã mất hút trong khu rừng rậm Hòa Bình”.
                                 “con hổ xám” là biệt danh mà họ gọi Sư đoàn 312 của Quân đội nhân dân Việt Nam. Lúc này, sư đoàn đã nhận được lệnh trực tiếp của Bộ quốc phòng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chuẩn bị sẵn sàng ra chiến trường.
                                 Vào một đêm mùa đông năm 1967, diễn ra cuộc Tổng diễn tập cuối cùng trên qui mô lớn cả sư đoàn, với phương thức tác chiến hiện đại mà khi ấy có được.  Trên một bình diện rộng, tương đối bằng phẳng chừng vài chục ki lô mét vuông. Nổi lên khoảng năm, sáu quả đồi nhỏ. Chính giữa là một cao điểm lớn, đỉnh nhọn hoắt. Các đống lửa đã được đốt lên trên mỗi quả đồi, vây quanh là những hàng rào dây thép gai, nhiều lớp. Đó chính là cứ điểm địch – Đúng hơn, đó là hệ thống trận địa “quân xanh” phục vụ cho cuộc tổng diễn tập.
                                 Đứng trên một độ cao, người quan sát sẽ thấy: Năm quả đồi hình thành một thế phòng ngự kiên cố. Những trận địa pháo, những ổ xe tăng, chi chit lô cốt địch… nổi lên như những chiếc nấm lớn. Trực thăng bay vè vè suốt đêm, thả những chùm pháo sáng chói mắt, soi mói từng bụi cây nhỏ. Thủng thẳng tiếng súng cầm canh, rồi im bặt. Đôi lúc rộ lên tiếng súng máy trên các cứ điểm, chúng thi nhau bắn. Xe tăng đồng loạt nổ động cơ… 
                                 "con hổ xám" mà kẻ địch luôn dò xét từng bước chân ấy, đang tập dượt những nước bước cuối cùng để vọt lên vồ mồi.
                                 Về phía "quân đỏ" – 1 giờ sáng, lệnh khai trận được ban ra toàn sư đoàn. Ba phát pháo hiệu đuổi nhau bay lên bầu trời. Trên con đường Quốc lộ 12c, xe tăng bất ngờ xuất hiện. Nó gầm lên, mở hết tốc lực lao thẳng đến phòng tuyến "quân xanh". Pháo mặt đất từ các phía dồn dập bắn vào cứ điểm địch. Các trận địa cao xạ 37ly bật tung những lớp ngụy trang, khạc từng chùm đạn lửa lên trời, đuổi tốp máy bay trực thăng của quân xanh ra ngoài. Kèn tiến quân tò te, tí te vang lên!
                                 Một khu rừng thứ hai, từ trong mé rừng thiên nhiên rùng rùng chuyển động... rồi đứng bật dậy, di chuyển về phía trước - Đó là những tiểu đoàn bộ binh, trên lưng mỗi chiến sĩ đeo một vòng ngụy trang. Nếu khi cả đội hình nằm xuống, tưởng như đấy là một rừng cây lúp xúp.
                                 Ở Đại đội 5, đại đội hỏa lực của Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 209 thuộc Sư 312 – Hạ sĩ Hoàng, một chiến sĩ súng máy đại liên cũng có mặt trong trận đánh diễn tập này.
                                 Đây là những trang nhật kí của anh, ghi lại một chặng đường hành quân mới nhất.
                             
                                                                                   *
                                 Mồng 5 tháng 11 năm 1967,
                                 Đêm trăng. Trời trở gió lạnh mà mồ hôi vẫn vã ra như tắm. Quần áo ướt sũng. Chúng tôi hành quân qua vùng đồi miền trung du. Một đồi sả ngút ngàn của nông trường nào đó.
                                 Vào quãng nửa đêm, cả đại đội đi theo một lối mòn nhỏ giữa đồi. Trên bầu trời, mây lởn vởn bay. Khi đám mây này vừa bay qua để lộ ra ánh trăng tỏa sáng, đám mây khác liền kéo tiếp đến che lấp bóng trăng đi, làm cho cảnh đồi đã trống trải lại mang màu hư ảo. Sương muối rơi nhiều. Mồ hôi vẫn cứ chảy thành dòng nhòe lên cả mắt, thấm xuống môi mằn mặn. Mấy đầu ngón chân tuy đã được bọc trong đôi giầy vải, vẫn bị tê cóng.
                                 Tiếng hát theo nhịp hành quân của các chiến sĩ đã yếu dần đi, anh nào cũng mệt rã. Quai ba lô xiết vào vai tê dại. Lưng muốn sụn xuống, phải mắm môi lại mà bước. Cả đoàn quân mờ mờ tiến trong đêm, lưng còng còng cõng những chiếc ba lô con cóc. Anh thì vác chiếc càng hay thân súng máy đại liên, người thì è vai mang khẩu hỏa tiễn DKB hoặc súng cối nặng trĩu. Đại đội 5 chúng tôi vẫn đi bám sát nhau, vượt sang đồi bên kia.
                                 Đồng chí chính trị viên đại đội và anh thượng sĩ - Quản lý hậu cần, đi cuối cùng đội hình làm nhiệm vụ thu dung. Cũng có vài ba chiến sĩ đã bắt đầu bị tụt lại sau hàng quân.
                                 Gần tới đỉnh đồi, bất giác tôi nhìn thấy cách con đường mòn khoảng vài ba chục mét, có một cô gái đang tựa người vào chiếc cổng tre đơn sơ. Tóc cô dài chấm ngang lưng. Bên trong cổng là một chiếc lán nhỏ, có hàng rào cũng đan bằng tre vây quanh. Cô gái đứng im lặng nhìn đoàn quân đi qua.
                                 Cả cô gái và chiếc lán hiện lên như hai cái bóng mờ đơn độc, hiu hắt trong màn sương giá lạnh. Tôi có cảm nhận lòng thiếu nữ đang se lại, vì nhớ tới một người thương nào đó? Có thể là hình ảnh người yêu của cô, một chiến sĩ mà chúng tôi chưa biết mặt. Ở một nơi nào đấy, anh cũng đang hành quân như chúng tôi đêm nay? Nhưng cũng có thể, anh đã ra chiến trường...
                                 Vẫn là hành quân trên mảnh đất quê hương, mà chúng tôi lại nhớ về quê hương và những người thân! Lòng tôi cồn cào nghĩ về em...
                                 “Thu thân yêu! Không biết giờ này em có thao thức để nhớ về anh, như người con gái kia không?”.
                                 Một cái gì thầm kín nhen lên, trong sự cảm đồng giữa cô và những người chiến sĩ. Cô cũng đang đi cùng chúng tôi trên một con đường, hướng về một hướng: khao khát, chờ đợi và hy vọng!
                                 Tôi nghĩ: Không phải chỉ có tiếng bom, pháo gầm nổ? Không phải chỉ có những lá cờ bay phần phật trên nóc cao điểm? Không phải chỉ có các làng mạc bị bom đạn tàn phá, những người đã ngã xuống và cả đoàn quân vẫn xông lên? – Bức họa về chiến tranh, không thể thiếu bức tranh này!
                                 Sang ngày mồng 6,
                                 Khoảng 3 giờ sáng, lệnh từ trên đầu hàng quân truyền xuống: "Đã đến chỗ trú quân"! Không có gì vui bằng tin này. 
                                 Xương cốt hình như muốn vỡ ra. Những xúc thịt trong cơ thể đang tan rã. Mí mắt kéo sụp xuống, nặng chịch, không thể nào còn mở ra được nữa. Chân muốn khụy. Vừa đi vừa ngủ đã thành thói quen của lính. Chân cứ đi, mắt cứ nhắm nghiền, thỉnh thoảng choàng dậy đã thấy cách xa người đi trước gần chục bước. Vội chạy lạch bạch để bám sát đội hình. Thế lầ cả đoàn quân sau đó phải chạy theo.
                                 Nhìn ra xa, cách đường quốc lộ hơn trăm mét là một xóm nhỏ. Những chòm tre quây kín xóm như một hòn đảo xanh giữa cánh đồng. Gần chục dân quân, nam nữ thanh niên ra đón chúng tôi. Tiếng líu ríu của các cô nữ dân quân làm cho những tay chiến sĩ tỉnh ngủ. Chẳng liều thuốc nào bằng liều thuốc ấy? Dễ thường nó còn mạnh gấp mấy lần, so với những  liều thuốc tư tưởng của các nhà chính trị. Đã thấy mấy cậu đi đầu đang ba hoa, tán tỉnh các em. Những tay chiến sĩ đi cuối hàng thì lại làu bàu, mắng mỏ... Chắc các anh chàng bực bội vì ở xa mấy em quá, không được xơ múi gì?
                                 Vào đến xóm. Mỗi "tổ ba ba" được dẫn vào một gia đình để trú quân. Chỉ kịp ra ao khỏa vội cái chân, trèo lên chiếc giường tre của gia đình nhường cho, lăn ra ngủ. Tỉnh dậy đã 11 giờ trưa. Nếu không có cậu trực ban đến thúc giục đi ăn cơm, có lẽ chúng tôi phải ngủ một mạch đến chiều.
                                 Ăn cơm về. Lúc này, chúng tôi mới để ý quan sát gia đình. Nhà chỉ có hai người, một bà già và cô con gái. Sau được biết, cô gái lại là con dâu của bà. Con trai bà cưới vợ được mươi ngày thì nhập ngũ, để lại người vợ hiền và ngoan ở nhà. Cô chủ thật niềm nở, dễ thương, ra hè ngồi đan nón nói chuyện với chúng tôi.
                                 Có "hơi nóng" của phụ nữ, nghe chừng cuộc sống thêm vẻ mặn mà. Cảm giác như mỗi tế bào trong thân thể chúng tôi đang teo thắt lại, nay có dịp nở bung ra. Câu chuyện đang sa đà, có phần hơi nhả nhớt… mà cô chủ cũng thấy thích thú. Phụ nữ ai chả thế? Thiếu “trống” thì dẫu đẹp mấy cũng xác xơ. Gặp các anh chiến sĩ mau mồm, mau miệng… lại có duyên tán tỉnh, em nào chẳng sướng. Khác nào đất hạn gặp mưa rào. Nụ hoa đang thì… lại gặp mấy con ong dại, mang đầy bầu phấn.
                                 Tiểu đội trưởng Tân từ nhà bên sang, bắt bọn tôi đi ngủ. Tuy còn tiếc rẻ cuộc nói chuyện với cô chủ, nhưng chúng tôi vẫn phải chấp hành mệnh lệnh,   về giường nằm. Giấc ngủ rồi cũng nhanh chóng kéo những anh lính vào cõi mộng mơ. Không biết khi đó ông tiểu đội trưởng Tân, người thế chỗ chúng tôi… còn ngồi nói chuyện với cô chủ đến lúc nào?
                                 Xế chiều. Cô con dâu bà chủ nhà cùng rất nhiều anh chị em thanh niên và bà con thôn xóm, đưa chân chúng tôi ra tận sân hợp tác – Nơi toàn đại đội tập trung để chuẩn bị hành quân tiếp.
                                 Ngày mồng 10,
                                 Không biết con đèo chúng tôi hành quân qua hồi đêm, có giống Đèo Khế mà ông Tố Hữu đã viết trong thơ không nhỉ? Tôi nhớ mấy câu:
                                            Rét Thái Nguyên rét về Yên Thế
                                            Gió qua rừng Đèo Khế gió sang
                                 Đi qua đèo như đi trong một cái thung lũng, hai bên có hai vỉa núi kẹp lại. Gió theo lũng thổi về quần quật, sương xuống lạnh cóng. Tôi lại nhớ tới hình ảnh người phụ nữ trong thơ ông:
                                            Nhà em con bế con bồng
                                            Em cũng theo chồng đi phá đường quan
                                 Đã bao đời nay, người phụ nữ thủy chung với chồng lại đảm việc nước non.
                                     Ngày 12,
                                 Hành quân qua một miền cỏ rộng, bằng phẳng như thảo nguyên. Trên vòm trời xanh, hàng ngàn những vì sao li ti mọc. Nhìn xa trong lưng chừng một dãy núi cao, có những ánh đèn lấp lóe hắt ra. Cách chúng tôi khoảng vài cây số. Nghe nói, đấy là những ngọn đèn của một xí nghiệp, hay công binh xưởng... di tản vào trong núi đá.
                                 Ồ, đất nước ngẫm bao nhiêu chuyện lạ! Ngay giữa lòng đất, ẩn mình trong trái núi... là những cỗ máy đồ sộ đang ầm ầm chuyển động. Bên trên rừng vẫn tỏ ra êm ái như giấc ngủ say của nàng thiếu nữ. Tôi nhớ tới bài thơ "lửa đèn" của nhà thơ Phạm Tiến Duật:
                                             ... Đêm tắt lửa trên đường
                                             Nghe gần xa tiếng bước chân rậm rịch
                                             Là tiếng những đoàn quân xung kích
                                             Đi qua
                                             Từ trong hốc mắt quầng đen bóng tối tràn ra
                                             Từ dưới đáy hố bom sâu hun hút
                                             Bóng tối dâng đầy tỏa ngợp bao la
                                             Thành những màn đen che những bào thai
                                                                                                chiến dịch
                                             Bóng đêm ở Việt Nam
                                             Là khoảng tối giữa hai màn kịch
                                             Chứa bao điều thay đổi lớn lao
                                             Bóng đêm che rồi không thấy gì đâu
                                             Cứ đi, cứ đi nghe lắm âm thanh mới lạ.
                                 Đất nước tôi đã đánh Mỹ như thế!
                                 Đoàn quân tiến sâu mãi vào trong đồng cỏ vắng. Đến một vùng đất bị cầy lên, cỏ bị xới tung, ngang dọc chi chít hằn những vết bánh xe xích. Trông cảnh tượng, người ta có cảm tưởng như ở đây vừa diễn ra một trận hồng thủy thời trung cổ? Hoặc có bầy mãnh thú náo đó đến đây quần lộn, đã đi xa, để lại những dấu vết quằn quại của những con thú bị thương... xé nát cả mảnh đất.
                                 Sau được biết, đó là dấu tích của một đoàn xe tăng, đã đến đây tập kết từ vài hôm trước. Chúng tôi hiểu rằng trong cuộc hành quân này, chúng tôi không đơn độc.
                                 Vẫn đi tiếp trong đêm. Phía xa, lại trông thấy một dãy đèn sáng. Chắc đấy là ánh đèn của một thị xã nào đó? Lòng tôi bồn chồn nhớ tới phố phường, nhớ những người thân.
                                 Nhìn cảnh hoang vắng tựa một vùng thảo nguyên: Tôi bỗng liên tưởng tới hình ảnh nàng Radđa kiêu kỳ và chàng Lôi-kô Rô-ba kiêu hãnh, trong câu chuyện của nhà văn Gorky: Khi nàng Radđa xinh đẹp nằm xuống thảo nguyên hoang dại, để nhận lấy lưỡi dao găm của chàng Lôi-kô Rô-ba đã cắm ngập trái tim mình – Nàng nói: "Em biết anh sẽ làm như thế!".
                                 Thảo nguyên mênh mông, mối tình cao thượng! Cái mơ và cái thực, hòa trộn trong tôi một cảm giác mạnh mẽ.
                                 Thu ơi!  Em có phải là nàng Radđa xinh đẹp đó không? Nhưng không phải là để đón nhận lưỡi dao tình yêu, mà để đón nhận những nụ hôn cháy bỏng của anh, từ vùng đất hoang vắng này... theo gió gửi về cho em.
                                 Ngày 15,
                                 Cả trung đội súng máy đại liên nằm nghỉ trên sàn một chiếc nhà rông giữa bản. Cạnh nhà, có dòng suối nước chảy rí rách.
                                 Trời sập tối. Ở góc nhà, mấy cậu đang nằm chéo khoeo cất cái giọng vịt bầu, khò khè như ông lão mắc bệnh hen phát ra từ trong cổ họng nghe ư... ử...
                                 Ngồi dựa vào cây cột gỗ phía trái nhà, binh nhất Văn rút chiếc kèn ác-mô-ni-ca trong túi quần ra thổi. Chiếc kèn được bọc cẩn thận bằng một cái khăn tay. Đông nhất là tốp chiến sĩ đang vây quanh cô gái Mường. Cô gái có nước da trắng nõn nà, khuôn mặt tròn xinh xắn. Cảm giác như trong con người cô toát lên sự tươi mát và khêu gợi. Họ ngồi bên cạnh cái bếp lửa nhà rông đang cháy, sưởi ấm cho cả gian nhà. Trên bếp lửa, nồi bánh làm bằng bột mì đang sôi. Tôi nằm cạnh Văn, lắng nghe câu chuyện của tốp chiến sĩ và cô gái Mường.
                                 Nồi bánh sôi sùng sục, nước trào ra cả bếp. Cậu Thuyết vội vàng cầm chiếc vung vứt ngửa lên mặt sàn, rồi vẩy vẩy bàn tay bị bỏng. Cô gái với lấy đôi đũa, lật úp những chiếc bánh trên cùng sấp lại cho chín đều.  
                            -  Tay mấy anh chưa quen bằng tay em đâu!
                                 Cô gái nhìn Thuyết đang ôm bàn tay xuýt xoa vì nóng, cười nói vui vẻ.
                            -  Anh ấy chỉ chưa quen cầm vung thôi, còn cầm cái khác thì...
                                 Một anh lính nói trêu cô gái. Một cậu khác mắng:
                            -  Lại sắp tán nhảm.
                            -  Ấy lầ mình muốn nói: Thuyết nó chưa quen cầm vung, nhưng bóp cò súng thì không chê vào đâu được.
                                 Cả bọn cười ồ.
                            -  Lính xạ thủ loại ưu của bọn anh đấy!
                            -  Em đùa tí thôi.
                                 Cô gái Mường lấy chiếc que sắt vẫn để cời than, khêu bếp lửa cho cháy to lên. Giọng của cô nhẹ nhàng rất dễ thương.
                            -  Mấy anh đi xa như thế này, chắc là nhớ người yêu lắm?
                            -  Bọn anh toàn lính "phòng không" cả.
                                 Họ tán.
                            -  Các anh cũng muốn tìm người để thương, để nhớ! Không biết mấy em gái Mường có ưng không?
                            -  Gái Mường xấu lắm, đần lắm, các anh chẳng ưng đâu? Mấy anh chỉ ưng gái Kinh thôi!
                                 Cô gái bản nghe chừng cũng thích những câu tán của lính.
                            -  Riêng anh, anh vẫn thích gái Mường!
                            -  Gái Mường xinh này! Trắng này! Gái Mường ngoan này! Ăn nói dễ thương này! Em giới thiệu cho mấy anh vài cô?
                                 Một anh khác nói chêm vào. Cô gái lắc đầu nguây nguẩy:
                            -  Em chịu thôi. Các anh bộ đội đòi hỏi cao lắm!
                            -  Cứ như em là được.
                                 Cô gái xấu hổ, má đỏ rựng. Tay vẫn cời than trong bếp, cô nói có vẻ hơi hờn dỗi:
                            -  Mấy anh nói chơi chơi… chứ yêu gì gái Mường chúng em?
                                 Mình miên man nằm nghĩ về Thu. Tiếng con suối bên cạnh nhà rông vẫn rí rách chảy, lại nhớ lúc đã cùng em trên phiến đá của con suối ven rừng…
                                 Lần đầu tiên tôi được nhìn thấy toàn bộ tấm thân em. Tấm thân người con gái, vẻ đẹp của nó không bút nào có thể tả hết được. Ôi! Cái tòa thành kì vĩ và bất tử, mà Đại thi hào Nguyễn Du đã mô tả:
                                                  Dầy dầy sẵn đúc một tòa thiên nhiên
                                 “Tòa thành” của em huyền diệu và lộng lẫy quá! Em có biết lúc đó, anh đã thấy hạnh phúc thế nào không? Đến bây giờ anh còn bàng hoàng, tưởng như mình vẫn đang ôm người yêu ngủ trong mơ…
                                      Ngày 17,
                                 Chúng tôi đi sâu vào rừng núi Hòa Bình. Một đêm mưa tầm tã, đơn vị hành quân qua bản khác. Các bà mế một tay cầm cành lá cọ, bản to như một chiếc ô che lên đầu, tay kia bưng những rổ bánh sắn và các dóng mía đã được tiện sẵn, phân phát cho từng chiến sĩ đi qua. Chúng tôi nhận bánh và mía, lặng lẽ cám ơn các mế rồi lại vội đi.
                                 Những cô gái Mường tuổi xuân mơn mởn, xinh tươi dứng chật bên đường đưa tiễn các anh lính trẻ. Qua miền đất lạ mà cảm thấy như mình đang đi giữa làng quê gần gúi, thân thương. Trong chiến tranh, đồng bào Kinh và đồng bào dân tộc thiểu số đã xích lại gần nhau hơn.
                                 Đấy là quê hương tôi!
                                 Ngày 25,
                                 Theo Tết cổ truyền, chỉ còn hơn tháng nữa là bước sang năm mới. Chúng tôi nhận được lệnh tạm dừng cuộc hành quân dưới một chân núi đá. Anh em vào rừng lấy tre nứa, dựng lán trại…chuẩn bị đón cái tết đầu tiên của đời lính.
                             
                             
                             
                            #14
                              Nhân văn 02.09.2020 18:22:37 (permalink)
                               
                               
                                                                                  13-
                               
                                    Các đơn vị đều đã dựng lán trại xong. Vào một buổi sáng, các chiến sĩ lũ lượt rủ nhau tới bản xin cành đào về chơi tết. Mặt trời như hòn máu đỏ nhô lên cao, phủ một màu hồng loãng bay mơn trớn, là là từ mái nhà gianh này sang mái nhà gianh khác. Bản Mường nằm trên một thung lũng rộng, bằng phẳng. Những dẫy núi chạy quanh , thành đường viền như yên ngựa. Những vườn cây cọ, lá to vươn dài ra. Những vườn táo trái chín mọng nước, các cành sai quả vít cong xuống ngang mặt người. Những vườn hoa đào màu hồng, thơm ngát.
                                   Gió sớm thổi cuốn tung những cánh hoa mận trắng rắc lên các mái nhà, trông như những khuông vải hoa. Trong các vườn trái, đã thấy thấp thoáng bóng những chiến sĩ cùng nam nữ thanh niên trong bản. Một thiếu niên bản vận chiếc áo cánh nhuộm chàm, xoa tay lên nước thép của khẩu AK, nói với anh chiến sĩ đang khoác súng trên vai:
                              -  Đồng chí bộ đội, dậy mình bắn súng đi! 
                              -  Khi nào em lớn, vào bộ đội, người ta sẽ dậy em bắn súng.
                                   Anh chiến sĩ nói với cậu bé như vậy. Ở chỗ khác.
                              -  Anh bộ đội! Em tặng hoa đồng chí, để đồng chí ăn tết cho ngon, đánh giặc cho giỏi.
                                   Đó là tiếng của cô gái bản trạc tuổi mười tám, đôi mươi, đang tỉa cành đào đưa cho các chiến sĩ.
                              -  Có đi xa cũng đừng quên thôn bản chúng em đấy!
                              -  Quên làm sao được mấy em! Mấy em cho tụi anh nhiều hoa, tụi anh nhớ càng nhiều.
                              -  Bộ đội khôn lắm chớ? Hết đào bản em thôi!
                              -  Giải phóng miền Nam rồi, bộ đội về miền xuôi sẽ mang nhiều đào lên cho các em.
                              -  Thật nhiều chứ?
                              -  Thật nhiều. 
                              -  Khi nào miền Nam được giải phóng, chúng em sẽ về miền xuôi thăm bộ đội, bộ đội đón chúng em chớ?
                              -  Có chớ!
                                   Mùi sắn lùi, mùi thịt nướng, mùi cơm lam... từ trong các bếp lửa nhà sàn, tỏa ra thơm phức.
                                   Hoàng cùng với Hùng và Dong đi ngang qua một vườn táo chín. Những trái táo nũng nịu trên cành, va cả vào đầu các anh.
                              -  Chà, trông mới thật ngon!
                                   Dong xuýt xoa vẻ thèm khát. Anh chỉ những quả táo trên cành, nói với Hoàng:
                              -  Ta nếm thử chứ?
                                 -  Đừng, của dân không xâm phạm.
                                   Hoàng nói. Hùng nháy mắt nhìn Dong, trêu:
                              -  Có thèm cũng chỉ được hít, được nhìn thôi!
                              -  Thèm đến rỏ nước miếng.
                                   Dong đến một cây táo, rung thật mạnh. Những cành táo xô vào nhau, chuyển động lan ra cả khu vườn. Những trái táo chín rơi xuống tứ phía. Hùng và Dong lao tới nhặt, phủi qua quả táo rồi cho lên miệng cắn ngon lành. Vừa ăn vừa xuýt xoa:
                              -  Không ăn cũng hoài của.
                                   Hoàng cũng thèm lắm, nước bọt kêu ừng ực trong cổ nhưng vẫn làm ra vẻ… Dong nhặt một trái táo to, vo tròn trong bàn tay cho sạch phấn bám ở vỏ, đưa Hoàng:
                              -  Ta nếm vài ba quả táo rụng thôi, chứ đâu có phải là lấy của dân. Ăn đi, không can gì.
                                   Hoàng cười, nói:
                              -  Tí nữa vào nhà, dân bản trẩy cho ăn thoải mái. Trong vườn không có người, sợ mang tiếng. 
                                   Anh vẫn cầm trái táo Dong đưa, cắn ròn tan. Vị của trái táo hơi giôn giốt chua và ngọt, ăn vào tỉnh táo hẳn. Hùng thì nhấm từng tí như chuột chí. Dong lại nhai ngấu nghiến giống con cáo đói mồi, tấm tắc khen:
                              -  Người sắp chết mà vớ được trái táo này để ăn, có khi sống lại. 
                                   Lúc này, họ mới nhìn ra cạnh vườn táo có một trái lều lợp gianh. Trong lều, dân bản đặt một chiếc cần cối giã gạo bằng nước. Dòng nước chảy theo đường máng dẫn từ trên núi cao về. Một cô gái Mường đứng bên cạnh chiếc cần giã gạo. Chắc cô đã trông thấy các anh từ lúc qua vườn?
                                   Cô gái Mường đang nhìn mấy anh chúm chím cười. Như bị mắc cỡ, cô cúi xuống chiếc cối vục một nắm gạo lên tay, thổi cho bay hết bụi cám. Họ ngẩn người đứng sững ngắm nhìn cô gái: Mái tóc đen mướt của cô búi gọn, trên bím cắm một bông hoa mận trắng, nhỏ xíu. Cô gái Mường mặc chiếc áo trắng ngắn, bằng loại vải mịn và mỏng, bó sát lấy thân hình thon thả. Gấu áo hơi thắt chẽn lại, tựa như liền với cạp của chiếc váy hoa may cầu kỳ.
                                   Họ tiến về phía người con gái bản. Hoàng lên tiếng trước:
                              -  Chào em gái bản.
                              -  Em chào các anh.
                                   Cô gái tươi cười để dộ hàm trắng đều, giọng vẫn đượm tuổi thơ. Dong nhìn cô gái ướm hỏi:
                              -  Bọn anh qua đây vào thăm bản, nhân thể xin bà con mấy cành đào cắm tết?
                              -  Các anh đóng quân ở lại đây có lâu không?
                              -  Lính các anh ở ngày nào, biết ngày ấy thôi!
                                   Hoàng đăm đắm nhìn người con gái, làm cho cô hơi ngượng ngùng.
                              -  Tết này mời mấy anh vào nhà em ăn tết? Các anh lên nhà em đi! Mấy anh đến chơi, chắc mế vui lắm.
                                   Họ theo cô gái đi qua một vườn đào, đến ngôi nhà sàn nhỏ, bước lên chiếc cầu thang gỗ bắc vào nhà. Một mế già đang ngồi bên cạnh bếp lửa, đặt giữa sàn. Tóc mế búi tó củ hành, đã bạc quá nửa. Bà mế cưới đón các anh, cái đuôi mắt của người già nheo lại.
                              -  Vào đây mấy con!
                                   Mế chỉ tay lên sàn chỗ gần bếp lửa, bảo các anh ngồi xuống. Tay mế cầm ống điếu cầy to bằng cổ chân, vê một điếu thuốc cho vào lõ rồi lấy mẩu than hồng trong bếp châm để hút. Ở đây, dân bản không hút thuốc bằng lửa. Họ nói, hút bằng than đượm hơn.
                                   Cô gái lấy chiếc gùi mây đang làm dở, ra ngồi cạnh khung cửa sổ đan tiếp. Từ chỗ cô ngồi trông thẳng sang vườn đào, qua một cái sân. Hút xong điếu thuốc, bà mế quay lên hỏi:
                              -  Mấy con quê ở đâu? 
                              -  Chúng con ở Hà Nội.       
                                   Hoàng trả lời mế. Anh ngước nhìn đến bên cửa sổ, nơi người con gái Mường xinh đẹp đang ngồi đan gùi. Bà mế kể cho các anh nghe về đứa con đầu của bà: "Nó là anh trai của cái Mỵ!" - Mế bảo vậy. Đến bây giờ các anh mới biết tên cô.
                              -  Thằng anh trai của nó cũng đi bộ đội như mấy con, tết này vừa tròn một năm. Nó cũng mới viết thư về báo tin cho mế và em gái biết, đơn vị nhận được lệnh lên đường khẩn cấp ra chiến trường.
                                   Tay vẫn cời bếp lửa cháy hồng lên, bà mế nghẹn ngào:
                              -  Nhiều lúc nghĩ đến nó, mế thấy thương thương, nhưng lòng mế vui, mế thấy tự hào.               
                                   Đưa tay chỉ lên chiếc bàn thờ nhỏ, có một bát nhang đặt dưới bức chân dung một ông già đang ngậm tẩu, giọng mế rưng rưng:
                              -  Cha chúng nó không còn để trông thấy các con khôn lớn. Nếu biết, hẳn ông ấy phải vui sướng lắm!            
                                   Theo như mế kể - Mỵ vừa mới học xong lớp y tá ngắn hạn ở trên tỉnh. Cô trở về làm việc tại nhà y tế địa phương, phục vụ bà con trong bản.Thỉnh thoảng cô lại tình cờ nhìn về phía Hoàng: cái anh chiến sĩ có mái tóc đen mềm, chải hơi thành sóng, trông dễ có cảm tình ấy! Sáng nay, như có dòng nước mát nào đó đã tưới vào tâm hồn trắng trong của người con gái bản. Bắt gặp Hoàng nhìn lại, Mỵ vội cúi xuống đan tiếp, má chín hồng như người vừa ra từ bếp lửa. Một cái gì rạo rực trong cô...
                                   Nghe lời mế, Mỵ dẫn các anh ra vườn, cắt cho mỗi anh một cành đào. Không hiểu sao, lần này cầm chiếc liềm để cắt cành, tay Mỵ cứ run run... Hoàng vội chạy đến giúp. Mỵ đưa liềm cho anh, miệng chỉ tủm tỉm cười.
                                   Khi tiễn chân các anh ra về, cô còn đứng nhìn theo mãi. Tới khi cái anh chiến sĩ trông đẹp trai mà cô vẫn chưa biết tên, quay đầu nhìn lại. Như người ăn vụng bị bắt quả tang, Mỵ e thẹn ù chạy lên nhà. Cô vẫn nhớ,  mấy anh đã hứa sẽ vào thăm bản luôn.
                               
                               
                              #15
                                Thay đổi trang: 123 > >> | Trang 1 của 4 trang, bài viết từ 1 đến 15 trên tổng số 53 bài trong đề mục
                                Chuyển nhanh đến:

                                Thống kê hiện tại

                                Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                                Kiểu:
                                2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9