Re:Tiểu thuyết 2 tập: CHIẾN TRANH VÀ TÌNH YÊU - Phạm Ngọc THái
-
21.09.2020 18:55:45
CHƯƠNG XIII.
TRẬN CHIẾN CUỐI CÙNG
CỦA CUỘC CHIẾN TRANH
45-
Mỹ ra sức xây dựng QLVNCH thành một đội quân mạnh nhất Đông Nam Á: với số quân trên 1 triệu 10 vạn tên, được tổ chức thành 4 quân đoàn gồm 13 sư đoàn và nhiều lữ đoàn, trung đoàn, tiểu đoàn; 1.850 máy bay các loại; 1.588 khẩu pháo; 2.074 xe tăng; 1.611 tầu chiến cùng hàng triệu tấn vật tư chiến tranh, được đưa vào miền Nam Việt nam trước và sau khi kí hiệp định Pa Ri. Đấy là chưa kể tới các lực lượng bảo an, dân vệ cũng được trang bị đầy đủ.
Sau khi kí hiệp định phải rút quân ra khỏi miền Nam, nước Mỹ lại chìm ngập vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng, không chỉ kinh tế mà còn nhiều mặt khác. Xã hội bị rối loạn. Nội các trong chính phủ Mỹ ở Nhà Trắng thì phân hóa, chia rẽ sâu sắc, nhất là vụ bê bối Oatơghết.
Ngày 1.8.1974, Tổng thống Ních Xơn buộc phải từ chức, càng đẩy nước Mỹ vào sự rối ren. Viện trợ quân sự của Mỹ cho chính quyền Sài Gòn bị cắt giảm nghiêm trọng: từ 1.614 triệu USD năm 1972-1973, giảm xuống 1.026 triệu USD năm 1973-1974 và 701 triệu USD năm 1974-1975.
Chính quyền Nguyễn Văn Thiệu vấp phải những khó khăn không thể khắc phục nổi: đạn thiếu, hỏa lực chi viện giảm gần 60%; máy bay, xe tăng, và nhiên liệu thiếu; sức cơ động giảm 50% - Buộc Thiệu phải kêu gọi QLVNCH chuyển sang tác chiến theo kiểu con nhà nghèo, cố bảo vệ những lãnh thổ đang còn chiếm giữ được. Những thế trận bố trí bị phân tán ở nhiều nơi, chúng không thể nào chống đỡ nổi sức tấn công như vũ bão, nổi dậy của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, trong cuộc tổng tiến công trên toàn chiến trường.
Ở miền Bắc – Ngay từ những ngày đầu tháng tư năm 1975, trên tất cả các nẻo đường đi vào miền Nam đều sôi động vì người và xe. Các loại máy bay vận tải, máy bay lên thẳng cũng được sử dụng để chở quân, chở đạn dược vào chiến trường. Hầu như toàn bộ lực lượng vận tải của nhà nước Bắc Việt, đều được huy động để phục vụ cho chiến dịch Hồ Chí Minh này, một chiến dịch lớn nhất trong cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam Việt nam.
Thắng lợi của chiến dịch Tây Nguyên, chiến dịch Huế - Đà Nẵng cùng sự thắng lợi của QGP trên khắp chiến trường, đã đẩy QLVNCH vào tình thế tuyệt vọng. Tinh thần sĩ quan và binh lính quân đội VNCH bị suy sụp. Bộ máy chính quyền của Tổng thống Thiệu tan rã. Chiến lược chiến tranh bế tắc, chính Mỹ cũng phải thừa nhận rằng: Tình thế của QLVNCH ở Sài Gòn là không thể chống đỡ nổi.
Hoảng sợ trước nguy cơ chính quyền Sài Gòn sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn – Ngay từ ngày 18.4.1975, Tổng thống Mỹ Giêrôn Pho đã ra lệnh di tản gấp người Mỹ còn lại ra khỏi Sài Gòn, bằng lực lượng không quân và hải quân Mỹ.
Ngày 21.4/1975, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu buộc phải từ chức, trao quyền lại cho Phó tổng thống Trần Văn Hương để có tính chất “hợp hiến”, rồi sẽ chuyển nhượng lại cho Dương Văn Minh – Người mà họ cho rằng: Cộng sản Bắc Việt có thể chấp nhận thương lượng.
Vào chiều 25.4.1975, Nguyễn Văn Thiệu cùng với gia đình và đoàn tùy tùng rời Việt Nam chạy sang Đài Loan = với sự hộ tống của trùm CIA tại Sài Gòn Thomas Polar, tướng Charles Times và đại sứ Martin. Người ta đồn rằng: trong khoảnh khắc cuối cùng tồn tại của nhà nước VNCH, khi chạy sang Đài Loan, Nguyễn Văn Thiệu đã mang theo 16 tấn vàng? Là ngân khoản dự trữ của Chính phủ VNCH cất trong ngân hàng quốc gia Việt Nam. Vào tỷ giá thời điểm tháng 4 -1975, số vàng này gồm 1.234 thỏi, trị giá 220 triệu đô la Mỹ.
Nhưng theo “Bách khoa toàn thư” mở qua Wikipedia đã ghi chép: Thực ra Nguyễn Văn Thiệu có kế hoạch chuyển số vàng này ra nước ngoài với sự giúp đỡ của Mỹ… là có thật, nhưng kế hoạch này đã bất thành – Do ông Thiệu phải từ chức tổng thống, trước khi kế hoạch được thực hiện.
Trở lại với diễn biến trên chính trường miền Nam vào tháng 4-1975, giai đoạn cuối cùng của cuộc chiến tranh. Mặc dù thế, Chính phủ Mỹ vẫn cố tìm cách cứu chính quyền VNCH, dưới sự đôn đốc sốt sắng của Tướng Mỹ Phrêđêrích Uâyen, là viên tướng bốn sao đã phải cuốn cờ rút khỏi miền Nam Việt Nam tháng 3-1973. Không thể lảm gì hơn trước sự thất vọng về chính quyền Thiệu, ông ta chỉ có thể “xem xét những khả năng mà Mỹ có thể làm, để ủng hộ cho Chính phủ VNCH”: Một khối lượng vũ khí Mỹ viện trợ cấp tốc bằng đường hàng không, từ Băng Cốc – Thái Lan sang.
Quân VNCH gấp rút xây dựng phòng tuyến từ Phan Rang trở vào, hòng cố giữ đến mùa mưa… để có thời gian khẩn trương lập ra một kế hoạch, củng cố và tăng cường lực lượng, chuẩn bị cho trận đọ sức mới với QGP và chủ lực Bắc Việt đang ào ạt tiến vào chiến trường miền Nam.
Ở khu vực Sài Gòn, sào huyệt cuối cùng của VNCH – Họ bố trí những lực lượng lớn, khống chế những đường dẫn vào thành phố. Trên mọi hướng dầy đặc các sư đoàn, lữ đoàn bộ binh, lính dù, thiết giáp và huy động ba sư đoàn không quân trực tiếp chi viện. Họ còn đặt những chướng ngại vật, ngăn cản đường tiến công của xe tăng, bộ binh QGP.
Nhưng với thế tiến công mãnh liệt đang tràn khắp chiến trường miền Nam, những trận bão lửa dữ dội của các binh đoàn chủ lực QGP ào ạt tiến về Sài Gòn. Họ tiếp tục giải phóng hàng loạt các tỉnh Phan Rang, Bình Thuận, Xuân Lộc, Bà Rịa… Những trận chiến quyết tử - Trước hết là hướng đông, hướng QLVNCH tập trung nhiều lực lượng và kháng cự điên cuồng.
Lần lượt những cứ điểm quan trọng của VNCH phòng thủ vòng ngoài Sài Gòn, nhanh chóng bị tiêu diệt.
17 giờ ngày 26.4.1975, cuộc tiến công lớn vào Sài Gòn, tiếng súng mở màn cho Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu. Tất cả 5 cánh quân lớn của các binh đoàn chủ lực QGP tiến vào, xiết chặt vòng vây xung quanh Sài Gòn.
*
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh – Bộ tư lệnh chiến dịch đã giao cho Quân đoàn ba, Binh đoàn Tây Nguyên đảm nhiệm hướng tiến công phía tây bắc Sài Gòn. Thực hiện mệnh lệnh, Binh đoàn Tây Nguyên chỉ thị cho Sư đoàn 316 vây chặt và tiêu diệt quân VNCH ở khu Trảng Bàng, nằm ở phía đông nam tỉnh Tây Ninh. Sư đoàn 320 có nhiệm vụ tiêu diệt địch ở căn cứ Đồng Dù, thuộc huyện Củ Chi – được mệnh danh là “cánh cửa thép” án ngữ phía tây bắc Sài Gòn. Sư 10 phối thuộc thêm 1 tiểu đoàn xe tăng, pháo trên không và pháo mặt đất “+” với Trung đoàn 64 của Sư 320, cùng 1 trung đoàn đặc công… sẽ thọc sâu tiến đánh vào trung tâm nội đô Sài Gòn. Trên đường đi trung đoàn đặc công có nhiệm vụ đánh địch giải phóng Cầu Bông và Cầu Sáng, thông đường cho đại quân tiến vào Sài Gòn. Sư 320 và 316 sau khi đã tiêu diệt quân địch ở Đồng Dù và Trảng Bàng xong, cũng lập tức tiến quân đánh vào Sài Gòn.
Đồng Dù là một căn cứ trọng yếu bảo vệ Sài Gòn, nằm trên trục đường số 1: Sài Gòn đi Tây Ninh, cách Sài Gòn 30km về phía tây bắc. Đây là một căn cứ hỗn hợp với qui mô lớn. Diện tích rộng gần 7 km2. Chu vi gần 8.500m có hình bầu dục, xung quanh là vùng trắng bằng phẳng, trống trải và hoang tàn. Căn cứ Đồng Dù được Mỹ xây dựng từ năm 1966 khá kiên cố, làm hang ổ cho Sư đoàn 25 Mỹ - được mệnh danh là “tia chớp nhiệt đới”. Nơi xuất phát các cuộc hành quân “tìm diệt” QGP và các lực lượng vũ trang cách mạng ở vùng miền Đông Nam Bộ. Sau khi Hoa Kỳ buộc phải rút quân, sư đoàn “tia chớp nhiệt đới” Mỹ bàn giao lại cho Sư đoàn 25 QLVNCH – một sư đoàn chủ lực mạnh của chúng. Nếu QGP không tiêu diệt được căn cứ Đồng Dù, thì nó sẽ là bàn đạp để quân VNCH phản kích vào sau lưng, bên sườn các binh đoàn QGP khi thọc sâu đánh vào Sài Gòn.
Không xa Đồng Dù – Quốc lộ 1 chạy từ Trảng Bàng về Sài Gòn, phải vượt qua cánh đồng lúa rộng mênh mông. Giữa có một cái cầu không dài lắm, gọi là Cầu Bông. Phía bắc nó, trên đường 15 lại có một cái cầu nhỏ khác: Cầu Sáng. Cả hai đều ngắn nhưng rất ác hiểm. Ở các đầu cầu, hai bên đường là ruộng lầy, địch đã đặt sẵn những khối thuốc nổ lớn. Vận động giữa đồng trống trên con đường độc đạo này, xe tăng và các loại xe cơ giới khác của bộ đội sẽ là những tấm bia di động rất tốt, cho các khẩu pháo bắn tằng của QLVNCH bố trí sẵn trên các mỏm đồi, hay trong rìa làng gần đấy.
Trung đoàn đặc công của binh đoàn Tây Nguyên có nhiệm vụ phải đánh chiếm bằng được Cầu Bông và Cầu Sáng. Liên quan rất mật thiết với kế hoạch tấn công Đồng Dù của Sư 320 và tiến thọc sâu vào Sài Gòn của Sư đoàn 10 – chỉ cần phối hợp không chặt chẽ, nổ súng không đúng thời cơ là đối phương sẽ quật lại ngay.
Nếu đánh chiếm hai cầu sớm, quân địch ở Đồng Dù sẽ tung xe tăng ra phản kích vào đặc công. Ngược lại, nếu đánh Đồng Dù sớm và khi cứ điểm này có nguy cơ bị tiêu diệt – địch sẽ phá sập cầu, làm ngăn trở đường tiến công vào Sài Gòn của các sư đoàn chủ lực QGP. Bởi vậy, sau khi các trinh sát viên đi điều tra ban ngày, đến tận nơi xem xét kỹ lưỡng về báo cáo lại – Bộ tư lệnh Quân đoàn 3 quyết định thời cơ đánh chiếm Cầu Bông và Cầu Sáng, là lúc Sư đoàn 320 đã siết chặt vòng vây Đồng Dù, nhốt chặt Sư đoàn 25 QLVNCH trong căn cứ.
Trung tá Nguyễn Hoàng, trung đoàn trưởng một trung đoàn pháo hỗn hợp (cả pháo cao xạ đánh trên không và pháo mặt đất), trực thuộc Binh đoàn Tây Nguyên – Anh đã được phong vượt cấp sau trận đánh đèo Khánh Dương. Trung đoàn pháo hỗn hợp của anh được Bộ tư lệnh binh đoàn điều động, cùng một tiểu đoàn pháo mặt đất 155mm và tiểu đoàn xe tăng, phối hợp với Sư 320 đánh và bằng mọi giá phải tiêu diệt căn cứ Đồng Dù.
Nhiệm vụ của họ thật nặng nề, vì một căn cứ QLVNCH lớn , kiên cố như Đồng Dù - mà theo chỉ thị của Bộ tư lệnh chiến dịch, phải tấn công và dứt điểm trong vòng sáu tiếng đồng hồ.
Vào trung tuần tháng 4-1975, Sư 320 và các đơn vị phối thuộc đều đã đến vị trí tập kết bên bờ Tây Sài Gòn thuộc huyện Củ Chi, cách Đồng Dù từ 10 đến 15km.
Trước ngày bước vào trận đánh khoảng một tuần lễ, trung đoàn trưởng pháo Nguyễn Hoàng và những sĩ quan các đơn vị phối thuộc đã cùng trung đoàn trưởng pháo E48 – trung đoàn chủ công Sư 320, đảm nhiệm hướng đánh chủ chốt ở phía tây bắc căn cứ, đi trinh sát cứ điểm Đồng Dù. Khoảng 8-9 giờ tối thì họ xuất phát, có du kích Củ Chi và anh em trinh sát dẫn đường.
Đêm không trăng, nhưng không gian vẫn sáng lên nhờ những vầng sáng đô thị và khu dân cư phía xa. Khi đoàn trinh sát ra khỏi nơi tập kết một đoạn, thì bắt đầu chỉ toàn là trảng trống. Đường bằng, người sau bám người trước đi rất dễ. Cuối cùng họ đến một cánh rừng cao su, lại bám nhau đi qua rừng. Ra khỏi rừng cao su, chợt bừng lên một vùng không gian rộng mênh mông. Căn cứ Đồng Dù hiện ra choáng ngợp ngay trước mặt họ, cách chỉ chừng bảy-tám trăm mét. Một cảm giác rất lạ trào dâng trong lòng những người sĩ quan QGP ấy, nhất là đối với trung đoàn trưởng Nguyễn Hoàng.
Nhìn những ánh điện sáng dọc rào căn cứ, anh có cảm giác như những cột đèn đường trong sân bay Bạch Mai ở Hà Nội, ngày anh còn ở nhà. Ngay thẳng hướng chỗ họ đứng, có một cái chòi gác cao đến 15m, mắc đèn pha rọi sáng cả một vùng không gian. Nhìn rõ cả những lớp rào bao quanh căn cứ. Có một cảm giác cứ như đánh trận giả vậy: Tưởng như thằng địch đang ngồi trên chòi gác cũng nhìn thấy mình? Hóa ra không phải. Từ vùng sáng nhìn ra rừng cao su cũng chỉ thấy mờ mờ… chính vì thế mà cả đoàn trinh sát lọt vào sát lớp hàng rào, địch vẫn không biết.
Hàng đèn cao áp bảo vệ xung quanh căn cứ sáng rực, trông Đồng Dù như một thành phố quân sự. Thỉnh thoảng địch lại bắn ra một chùm pháo sáng, soi rõ từng con kiến. Bộ đội khi tiến vào chiếm lĩnh trận địa dù ở ngoài các hàng rào, cũng phải rất cẩn thận. Chỉ sơ suất để chúng phát hiện hoặc gây ra tiếng động, là bị lộ ngay.
Theo như thông báo của Binh đoàn Tây Nguyên: Lực lượng QLVNCH trong căn cứ lúc này có Bộ tư lệnh sư đoàn 25, Ban chỉ huy trung đoàn 50 – với tiểu đoàn 2/50, một chi đoàn xe tăng thiết giáp, một tiểu đoàn pháo hỗn hợp, mấy tiểu đoàn bộ binh trực thuộc và các tiểu đoàn khác như công binh, thông tin, vận tải, quân y cùng Ban chỉ huy của căn cứ Củ Chi cũng ở đây. Tổng cộng quân số khoảng 3.000 tên – trang bị 34 xe tăng và xe bọc thép, gần 5.000 khẩu súng các loại (trong đó có 18 khẩu pháo lớn: 4 khẩu loại 175mm được mệnh danh là “vua chiến trường”).
Bên ngoài có nhiều lớp rào kẽm gai, cùng với hệ thống lô cốt và các bãi mìn được bố trí dầy đặc. Chuẩn tướng Lý Tòng Bá, sư trưởng sư 25 QLVNCH đóng ở trong căn cứ Đồng Dù. Y thường hô hào quân lính phải tự thủ đến cùng.
Sư đoàn 320 QGP được Bộ tư lệnh chỉ thị, phải tiến công và chiếm Đồng Dù trước 11 giờ ngày 29.4.1975 – để mở đường cơ động cho mũi đột kích của Quân đoàn 3 Tây Nguyên, tiến vào nội đô và đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ tổng tham mưu VNCH…
Trời sang nửa dêm về sáng, cái ánh sáng của ngọn đèn pha đã trở nên vàng nhạt, nhòa dần vào trong không gian. Trong cảnh còn tranh tối tranh sáng, đoàn trinh sát Sư 320 nhìn rõ tên lính gác đứng trong cái chòi trên cao, nhưng chắc nó chưa phát hiện được gì ở bãi đất trước mặt? Một lát lại có một tên lính khác lên thay gác, thằng kia tụt xuống đi vào phía trong căn cứ. Đoàn trinh sát cũng từ từ rút ra ngoài trở về nơi tập kết, chuẩn bị cho trận đánh sinh tử vào đôi ngày tới.
Suốt ngày 28/4, anh em chiến sĩ Sư đoàn 320 và những đơn vị đi phối thuộc, bước vào chuẩn bị lần cuối cùng trước khi ra trận. Họ đều biết rằng: Trận chiến ở căn cứ Đồng Dù lần này là trận đánh ác liệt nhất trong tuyến phòng thủ phía tây bắc Sài Gòn của QLVNCH. Những người du kích Củ Chi nói cho họ nghe: Năm xưa bộ đội giải phóng cũng từng đánh vào Đồng Dù, căn cứ của Sư đoàn 25 “tia chớp nhiệt đới” Mỹ, đều bị thất bại.
Nhưng với thế tấn công như bão táp của QGP hiện nay, đang tiến vào hang ổ cuối cùng, đầu não của Chính phủ VNCH tại trung tâm Sài Gòn – những người chiến sĩ đều rất tin vào thắng lợi đã ở trong tầm tay của cách mạng. Hạnh phúc chung và riêng đang chờ đón mỗi người lính trận khao khát hòa bình, mong sớm được trở về với quê hương, gia đình. Có thể trong cuộc chiến ác liệt tới, không ít người trong số họ sẽ phải ngã xuống và không bao giờ được hưởng niềm hạnh phúc lớn lao ấy? nhưng họ vẫn bình thản để bước vào trận đánh.
Giây phút thiêng liêng này, họ nhớ đến hình ảnh của những chiến sĩ cảm tử quân ở thành Hà Nội năm xưa: khi bước vào trận đánh cảm tử để bảo vệ thành phố, mỗi người đều mang trên cánh tay phải của mình tấm băng đỏ “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”.
Những người lính giải phóng đều nói với nhau: “Trận này sẽ ác liệt lắm đấy!” – Tuy thế, hầu như không có anh em nào sợ hãi, hoảng hốt. Người thì nói cười để bầy tỏ thái độ của mình, nhưng cũng có anh em thì lặng lẽ… Song nhìn trong mắt họ đều thấy biểu thị một thái độ quyết liệt, trước khi bước vào trận chiến sinh tử này.
Trận đánh mà Bộ tư lệnh đã chỉ thị cho họ, chỉ trong sáu tiếng phải tiêu diệt hoàn toàn một căn cứ lớn, kiên cố. Trận đánh mà họ sẽ phải đánh theo chiến thuật tiến công thật nhanh, phải đập tan sự kháng cự của địch từ vòng ngoài, không cho chúng co cụm với các căn cứ khác để ứng cứu cho nhau.
Sáng nay, cả Sư đoàn 320 và các đơn vị đi phối thuộc đều làm lễ xuất quân. Một cái lễ thiêng liêng của người lính trước khi vào một trận đánh lớn, một trận đánh quyết tử - chỉ được thắng không được bại, dù phải hy sinh bao nhiêu. Tất cả từ sĩ quan cho tới mỗi chiến sĩ, họ đều thay một bộ quân phục mới, được phát bổ xung trước đó khoảng mươi ngày.
Trong chiến tranh, sự sống và cái chết với người lính là chuyện thường nhật, chẳng ai dám nói mạnh. Huống chi lần này? Họ không bi quan, song… nếu có phải chết, cũng được chết trong bộ quần áo mới. Mỗi người đều viết tên, đơn vị và quê quán của mình lên một tờ giấy, rồi cho vào túi ni lông cất nơi túi áo ngực. Ai hy sinh hay bị thương thì nằm lại, sẽ có du kích địa phương giải quyết, còn đơn vị cứ chiến đấu đến bằng chiến thắng.
Ở trung đoàn pháo hỗn hợp – sau khi làm lễ xuất quân, chiến sĩ của các đơn vị đều trở về vị trí tập kết, để tiếp tục làm công tác chuẩn bị thật kỹ càng. Các sĩ quan trong ban chỉ huy tiểu đoàn và đại đội nán lại ít phút ở Chỉ huy sở trung đoàn, để nghe Trung đoàn trưởng Nguyễn Hoàng huấn thị về trận đánh một lần cuối.
Người trung đoàn trưởng trải tấm bản đồ Đồng Dù lên mặt đất- tấm bản đồ do ban trinh sát của sư đoàn gửi đến. Nó chi tiết về từng lô cốt, ụ pháo, chỉ huy sở sư đoàn 25 QLVNCH trong căn cứ, từng khu gia binh và hệ thống phòng thủ của địch. Chưa lần nào với pháo lớn, kể cả cao xạ phòng không mà lại đánh như lần này? Các tiểu đoàn pháo đều phải đánh cơ động theo bộ binh, không công sự - Họ biết dánh như thế rất ác hiểm, sự thương vong và hy sinh nhiều hơn là điều không tránh khỏi? song do yêu cầu của trận chiến, phải tấn công cùng sư bộ binh 320 theo hai hướng chính.
Trung đoàn trưởng Nguyễn Hoàng trực tiếp phụ trách một cánh quân lớn của trung đoàn pháo - cùng E48, trung đoàn chủ công Sư 320 đánh vào hướng tây bắc… còn một tiểu đoàn pháo do người tiểu đoàn trưởng chỉ huy, phối hợp với E9 đánh hướng tây nam, thứ yếu. Thực ra trung đoàn pháo của anh cũng đã phải phân tán mấy đại đội, đi phục vụ bộ binh đánh ở vòng ngoài và đánh khu Tràng Bảng phía Tây Ninh, do đồng chí trung đoàn phó chỉ huy, để không cho địch kéo về ứng cứu.
Đêm nay họ sẽ xuất quân đi vào trận đánh. Khi ban chỉ huy tiểu đoàn cùng các đại đội của trung đoàn đã trở về đơn vị - Lúc này, Trung đoàn trưởng Nguyễn Hoàng mới giở ba lô lấy bộ quần áo mới ra. Anh lại mở túi ngực chiếc áo quân nhân màu xanh đã cũ đang mặc, lấy ra phong thư của người bạn gái đã cất kỹ trong một cái túi ni lông mà anh luôn luôn mang theo bên người: khi đi ngủ, lúc vào trận đánh… Mỗi lần giở thư của Thu ra đọc, lòng người chiến binh vẫn có một cảm giác xúc động khôn nguôi. Lần này, anh đặt thêm vào trong chiếc túi ni lông một mảnh giấy ghi tên tuổi, địa chỉ trung đoàn, quê quán… như mọi anh em chiến sĩ đã làm. Mảnh giấy đó, anh kẹp cùng với lá thư của Thu và cả của Lan, rồi lại cất cẩn thận vào trong túi ngực của chiếc áo mới. Như thế - Hoàng nghĩ: Dẫu trong trận đánh tới này, chính anh có phải ngã xuống trên chiến trường? thì trong chiếc túi áo bên trái tim anh, vẫn ấp ủ tình yêu của người bạn gái để ra đi! Nếu ai đó khi thu lượm tử sĩ, mở túi áo ra… không phải họ chỉ biết anh là ai? mà còn thấy cả lá thư của Thu đã theo anh. Người ta sẽ gửi tất cả về nhà. Linh hồn của anh sẽ cùng với người yêu ở nơi quê hương xứ sở, mãi mãi bên nhau yên giấc ngàn thu.
Ý nghĩ ấy, làm cho Hoàng cảm thấy thanh thản lạ thường – như không phải anh đang bước đến một trận chiến sinh tử và đầy máu lửa, mà chính anh đang cùng đồng đội bước giữa một mùa xuân đầy hoa lá xanh tươi. Anh lặng lẽ với niềm tâm tư bùng nổ trong lòng, đón chờ giờ xuất phát tiến vào trận đánh.
Cơm chiều xong, mỗi người trong trung đoàn pháo của trung đoàn trưởng Nguyễn Hoàng đều được nhận một túi cơm, kèm một ít thịt rang thay ruốc, chuẩn bị tiền nhập trận. Trận này, cũng như anh em chiến sĩ bộ binh Sư 320, họ không cần mang theo những phương tiện làm công sự như hồi đánh địch trên Tây Nguyên. Ba lô, súng đạn cá nhân đều phải mang theo hết – mà hành trang khi ra trận của người lính cũng chỉ có thế! Nếu họ có về thế giới bên kia, thì cũng mang tất cả theo. Không biết có bao nhiêu chiến sĩ như anh, còn mang theo cả lá thư đẫm tình yêu thương của người bạn gái quê hương, người vợ chưa kịp làm lễ cưới: một lá thư dài năm trang giấy pơ luya màu hồng, đầy máu và nước mắt mà em đã thức trắng đêm nô-en để viết cho người yêu.
Vào quãng 10 giờ tối, sau khi bộ binh đã xuất phát được khoảng một tiếng – như hợp đồng với Bộ tư lệnh sư đoàn, Trung đoàn trưởng Nguyễn Hoàng lệnh cho toàn trung đoàn xuất phát. Các tiểu đoàn đều có du kích Củ Chi và trinh sát dẫn đường. Bóng những người lính với các cỗ xe pháo chạy rì rầm… rì rầm… trong đêm.
Bộ binh thì triển khai phía hàng rào ngoài cùng, cách lô cốt địch cũng khoảng gần 300 mét – còn những đơn vị pháo có ngụy trang cẩn thận, vị trí tiền nhập của họ cách xa khu căn cứ tới một cây số theo đường chim bay.
Không gian đêm vào trận lần này, có một cảm giác lạ kỳ? Trời không trăng nhưng các vì sao vẫn lấp lánh soi rõ khu căn cứ Đồng Dù, sừng sững choáng ngợp hiện ra trước mắt.
6 giờ 30 phút ngày 29.4.1975, lệnh nổ súng bắt đầu. Pháo binh của Binh đoàn Tây Nguyên và sư đoàn dồn dập trút bão lửa xuống Đồng Dù trong hơn một tiếng đồng hồ, rồi xe tăng và cả những cỗ cao xạ phòng không của trung đoàn pháo ào ạt lao hết tốc lực tiến về tuyến xung phong. Các loại pháo của địch trong căn cứ cũng xối xả bắn ra. Những tiếng nổ gầm trời, đinh tai, chát chúa. Không gian Đồng Dù chìm trong một cơn bão lửa.
Các hướng được lệnh tiến công. Bộ binh xung phong, dùng bộc phá mở cửa. Hướng tây bắc, mũi tiến công chủ yếu của Trung đoàn 48 – phải mở được hai cửa mở, để cho bộ đội tràn vào trung tâm căn cứ.
Ở cửa mở số 1 – sau khi Tiểu đoàn 1 dùng bộc phá phá được hai lớp hàng rào bên ngoài, địch phát hiện được hướng cửa mở nên phản ứng mạnh. Chúng điều xe tăng, bộ binh ra bịt cửa mở… đồng thời các máy bay phản lực A37 và trực thăng vũ trang, từ các nơi khác đến ứng cứu, bu kín bầu trời Đồng Dù. Chúng ném bom, bắn pháo cối và cả đạn pháo hóa học vào đội hình Sư đoàn 320, nhất là đội hình tiến công của Trung đoàn 48. Hỏa lực từ các lô cốt địch trong căn cứ cũng bắn ra dữ dội.
Ở hướng chủ yếu phía tây bắc, mới phá được hai lớp hàng rào ngoài cùng. Tiểu đoàn 1 đã ba lần tổ chức cho bộ đội tiến lên phá tiếp hàng rào, nhưng đều bị hỏa lực địch cản lại. Bộ binh hết lớp này ngã xuống, lớp khác lại xông lên… mà vẫn không sao mở tiếp được hàng rào. Mặc dù bộ đội rất quả cảm nhưng hy sinh quá nhiều.
Các đại đội được lệnh tập trung bắn yểm trợ cho bộ phận mở hàng rào, để họ mang bộc phá tiến lên. Các chiến sĩ B40 – B41 thì tấn công tuyến lô cốt ngoài cùng. Khẩu đội súng cối nã đạn vào các ụ pháo bên trong. Địch điều một chiếc xe tăng M48 ra bịt hướng cửa mở.
Nếu quan sát kĩ thì thấy, Đồng Dù địch xây rất ác chiến. Bao toàn bộ căn cứ ở phía trong hàng rào là một con đê đất cao, chừng mét rưỡi. Bên trong bờ đất có một con đường quai chạy sát cạnh, sau đó chúng mới xây lô cốt và các công sự. Ngoài các loại như DK và cối từ công sự, lô cốt bắn ra. Trên đầu thì máy bay ném bom, bắn pháo, súng máy đại liên của địch lia sát mặt đất – còn chiếc xe M-48 như cái lô cốt di động, dùng pháo tăng bắn thẳng vào đội hình QGP rất mạnh.
Chưa có trận đánh nào lâm vào cảnh bi đát thế? Đánh trên cao nguyên, có nhiều vật che khuất nên tầm quan sát của địch hẹp, bộ đội lại có nhiều thứ che đỡ để tiến công, không có cái kiểu bị địch khống chế thế này.
Được sự chi viện quyết liết của các hỏa lực, những chiến sĩ ôm bộc phá tiếp tục dâng lên tiến công. Thêm một lớp hàng rào nữa bị tiện đứt, nhưng những người chiến sĩ đó cũng đã phải ngã xuống. Tình hình càng trở nên căng thẳng. Địch vẫn tới tấp cho máy bay phản lực A37 đánh bom vào phía sau đội hình QGP.
Trung đoàn 48 phải lệnh cho đại đội xe tăng đi cùng vào tham gia đột phá. Nhưng chiếc tăng đầu vừa chớm tới cửa mở, đã bị súng chống tăng của địch bắn cháy. Chiếc thứ hai thì bị bắn tung xích ngay từ hàng rào ngoài. Đại đội trưởng xe tăng trực tiếp chỉ huy chiếc thứ ba lao lên, dùng pháo trên xe tiêu diệt được một số hỏa điểm của địch – khi đó Tiểu đoàn 1 mới mở được thêm mấy hàng rào, tiến sâu hơn vào phía trong.
Các đơn vị cao xạ phòng không 37 – 57mm của trung đoàn pháo vẫn nổ súng rất mãnh liệt. Những đường đạn lửa trên bầu trời săn đàn chim sắt QLVNCH, như giăng một lưới võng lửa. Người ta đã nhìn thấy các đống lửa từ thân những chiếc máy bay bùng lên. Những chiếc A37 và trực thăng vũ trang trúng đạn tạo thành các đám cháy lớn, kéo theo các cột khói đen xì vội bay đi… rồi đâm đầu xuống ở phía xa. Tuy thế, những con chim sắt vẫn điên cuồng lao xuống như một lũ thiêu thân. Dường như những tên giặc lái của chính quyền VNCH cũng hiểu rằng: đây là những ngày cùng của chúng. Không đánh cũng chết, cho nên chúng lao vào như thí mạng vậy. Bầu trời căn cứ Đồng Dù lửa đạn trên không, lửa đạn mặt đất, bom và pháo nổ cùng đất đá… ầm ầm…
QGP lúc này chưa mở được hết hàng rào mà thương binh, tử sĩ đã nằm la liệt trên mặt đồi. Trung đoàn trưởng Nguyễn Hoàng lập tức ra lệnh cho đại đội pháo tiểu cao 14l5 vọt tiến lên qua bộ binh, cùng chiếc xe tăng thứ ba (hai chiếc đầu đã bị địch đánh hỏng), bắn áp đảo vào các ụ pháo, các ổ hỏa lực và lô cốt địch. Bấy giờ, các chiến sĩ bộ binh dùng hỏa lực B40 – B41 và hỏa tiễn cá nhân DKB dập mạnh… tập trung bắn cháy được chiếc M-48 của địch. Nhờ thế anh em trong đội phá hàng rào, tiếp tục lao lên dùng bộc phá và mìn định hướng phá thêm được mấy lớp hàng rào nữa.
Trận chiến vẫn rất ác liệt. Ngay trung đoàn pháo của Trung đoàn trưởng Nguyễn hoàng, vì đánh trên không-mặt đất không có công sự, nên cũng đã bị thương và hy sinh một số. Mới đánh cửa mở chưa vào được bên trong mà hàng trăm chiến sĩ đã phải bỏ mạng.
Cùng lúc đó ở phía cửa mở số 2 – là mũi của Tiểu đoàn 3 tiến công cũng rất cam go. Ngay khi có lệnh, bộ phận phá cửa mở đã mưu trí dùng mìn liên kết phá tung được 5 lớp hàng rào ngoài cùng. Lập tức hỏa lực từ các lô cốt địch bắn ra dữ dội. Xe tăng loại M-41 của chúng lợi dụng sự che chắn của tường đất, nã pháo ngăn chặn khiến nhiều chiến sĩ đánh bộc phá bị thương. Tình hình chiến đấu vô cùng căng thẳng. Địch vãi đạn như trấu vào đột phá khẩu. Mặc dù hy sinh như vậy, nhưng không ai do dự. Lớp này ngã xuống, lớp khác lại xông tới.
Một chiếc xe tăng của địch từ trong tung thâm chạy ra, bắn chặn các chiến sĩ đang ôm bộc phá lao lên. Đội hình bộ phận mở cửa của tiểu đoàn bị ùn lại, nguy hiểm vô cùng. Nhiệm vụ cấp bách lúc này là phải tiêu diệt xe tăng địch. Một chiến sĩ liền nẩy ra sáng kiến: anh dùng súng tiểu liên nổ một loạt vào tháp pháo của chiếc tăng. Khi chiếc tháp pháo vừa quay về phía anh để nã đạn, thì người chiến sĩ đó lách sang một bên để tránh. Cùng lúc chớp thời cơ, một chiến sĩ khác sử dụng khẩu B41, nhằm vào chiếc xe tăng địch bóp cò. Chiếc tăng bốc cháy, sáng rực một góc trời. Người chiến sĩ đặt bộc phá xông lên, đặt bộc phá vào lớp hàng rào thứ sáu. Một tiếng nổ long trời, chuyển đất. Cửa mở toang… Lúc này cũng gần 7 giờ 30 phút sáng.
Ở phía cửa mở số 1 – Hai hàng rào cuối cùng vẫn chưa phá được, bộ đội thì thương vong và hy sinh quá nhiều. Đồng chí Trung đoàn phó của E48 đi theo với Tiểu đoàn 1 chủ công ở hướng tây bắc, liền điện về Sở chỉ huy sư đoàn báo cáo và xin chỉ thị. Lập tức ở đầu máy bên kia, Sư đoàn trưởng 320 ra mệnh lệnh:
- Đồng chí Trung đoàn phó nghe đây! Thời gian còn rất ít, không được do dự nữa. Bằng giá nào cũng phải mở thông cửa mở, nhanh chóng tiêu diệt căn cứ Đồng Dù – để các binh đoàn chủ lực tiến vào đánh trung tâm Sài Gòn. Tôi sẽ cho pháo binh chi viện, kiềm chế bớt hỏa lực của địch.
Và ông ra mệnh lệnh, giọng kiên quyết:
- Còn anh đã có kinh nghiệm mở cửa qua nhiều trận đánh, nhất là kinh nghiệm mở cửa đánh vào căn cứ Chư Nghé năm 1973. Anh phải trực tiếp đưa bộ đội vào giải quyết nốt hai hàng rào cuối cùng. Còn tiểu đoàn trưởng và cán bộ đại đội phải nắm chắc bộ đội, giữ liên lạc với xe tăng… khi cửa mở thông là xông lên đánh chiếm đầu cầu ngay.
Khi đó, người tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 rất băn khoăn: Việc đưa bộ đội lên đánh hàng rào thuộc lính cảm tử. Trong trường hợp đánh vào cứ điểm như đánh Đồng Dù này, thì chết nhiều sống ít. Bởi vậy anh đề nghị với người trung đoàn phó, để anh thay. Nhưng đồng chí trung đoàn phó nhất định không nghe, lắc đầu nói:
- Không! Sư đoàn trưởng đã giao nhiệm vụ đích danh cho tôi. Điều đó chứng tỏ quyết tâm của Bộ tư lệnh rất quyết liệt. Anh là tiểu đoàn trưởng nắm bộ đội chắc hơn tôi. Khi tôi đã mở thông cửa mở, anh phải chỉ huy bộ đội xung phong chiếm đầu cầu, tiến công vào trung tâm căn cứ ngay.
Nói rồi, người trung đoàn phó vẫy tổ bộc phá trườn theo mình. Họ trườn lên phía trước từng mét một. Súng đại liên, 12ly7 và súng máy đủ loại cào xé trên lưng họ. Bò được dăm mét thì một chiến sĩ trong tổ bộc phá trúng đạn, hy sinh ngay tại chỗ. Đồng chí trung đoàn phó quay lại chỉ kịp vuốt mắt người chiến sĩ ấy… rồi ra lệnh cho một chiến sĩ khác ôm lấy quả mìn tăng đẫm máu, gỡ lấy ra từ trong tay người lính đã chết, tiếp tục bò lên. Khi quả mìn đã được đặt đúng ở vị trí hàng rào cuối cùng - Trung đoàn phó lệnh cho điểm hỏa, rồi cả tổ chạy về phía sau.
Mìn nổ. Tiếng reo hò của những người chiến sĩ ở phía dưới vang lên! Tiểu đoàn trưởng D1 lập tức lệnh cho bộ phận xung kích ào ạt xông lên đánh chiếm đầu cầu. Sau đó là đại đội thọc sâu của tiểu đoàn cùng tăng và pháo tràn qua như một cơn lốc, tiến vào trung tâm căn cứ.
Nhưng lúc này, các xạ thủ B40 – B41 bị thương vong gần hết, lực lượng tiểu đoàn cũng còn lại rất mỏng. Trung đoàn 48 phải báo cáo sư đoàn, đưa thê đội dự bị là Tiểu đoàn 2 cùng với 8 chiếc tăng, vượt qua hướng cửa mở số 1 vào tham gia tiến công.
Ở hướng tây nam, hướng thứ yếu – E9 của sư đảm nhiệm, gồm ba tiểu đoàn: D4 – D5 và D6 (lúc này D6 là thê đội dự bị), cùng 1 tiểu đoàn của trung đoàn pháo đi phối thuộc.
Theo như hợp đồng trận đánh: Hai lớp hàng rào ngoài cùng ở hướng tây nam này, đã được anh em công binh cắt phá trước. Sau đó, họ đặt mìn định hướng sẵn cho 4 lớp hàng rào tiếp theo, có liên kết bằng dây nổ để nổ đồng thời khi có lệnh điểm hỏa.
Lúc này, đội đánh bộc phá của D5 xông lên phá nốt hai hàng rào cuối để mở cửa, thì bị hỏa lực địch từ trong các bờ công sự bắn ra rất dữ dội. Trên không, phản lực A37 bắn cối, súng 12ly8 và trực thăng vũ trang dùng đại liên quét vào đội hình. Ngay phút đầu đã có một số thương vong.
Vào khoảng 6 giờ sáng, địch cho một trung đội từ cổng chính ra tập kích, bị bộ đội của D4 tiêu diệt một số, số còn lại vội chạy tụt vào căn cứ. Ngay sau đó, địch cho một đại đội lính bảo an tiến ra đánh vào sau lưng D4, lại bị một đại đội khác của D4 phản công. Chúng bỏ chạy tán loạn…
Lúc 7 giở sáng, đài kĩ thuật sư đoàn cho biết: Tiểu đoàn 3 của Trung đoàn 50 QLVNCH ở khu Xóm Mới, một làng gần Đồng Dù, chuẩn bị đến phản kích.
Đội bộc phá vẫn chưa thể phá nốt hai hàng rào cuối để thông cửa mở, mà thương vong gần hết. Hai lớp hàng rào cuối cùng này, địch lại dùng loại hàng rào vướng chân cao đến 40 phân, độ rộng chừng 5 mét, có lên chi viện cũng không thể vượt qua được. Tình hình trở nên căng thẳng.
Trung đoàn đã phải đưa đội bộc phá mở cửa thứ hai lên, cũng là lúc Tiểu đoàn 3/50 QLVNCH bất ngờ từ trong vườn cao su thuộc Xóm Mới, tiến đến phản kích vào sau lưng E9 QGP. Ban chỉ huy E9 cho đại đội súng máy 12ly7 cùng các chiến sĩ trong D5 dùng AK, phóng lựu và cả lựu đạn phản công lại.
Tự nhiên trời đổ mưa to. Trong mưa bóng quân địch lù lù tiến đến. Chúng kèn sát vào nhau, vừa tiến vừa bắn như đổ đạn về phía cộng quân. Đội súng máy cao xạ 12ly7 của E9 bóp cò, lính VNCH chết như ngả rạ, tên nọ chồng lên tên kia. Lính bộ binh của D5 QGP từ hai bên đánh thọc vào, tiêu diệt cả tiểu đoàn 3/50 QLVNCH. Tuy thế, bộ đội của E9 cũng thương vong không ít, tới ngót trăm người tử trận.
Địch lại cho máy bay phản lực đến ném cả bom hóa học, trực thăng vũ trang thì dùng pháo cối, súng đại liên bắn quét vào đội hình – Lúc này, pháo cao xạ 37ly của trung đoàn pháo cùng súng máy cao xạ 12ly7 của E9 đồng loạt vươn nòng nhả đạn săn máy bay VNCH, làm thành cả một bầu trời lửa. Mấy chiếc A37 và trực thăng trúng đạn nổ tan tành. Có chiếc thì lê xác bay đi… kéo theo cả dải khói đen ngòm, ngùn ngụt cháy. Địch vẫn điên cuồng, pháo từ nơi khác bắn đến như mưa vào đội hình E9. Sư đoàn 320 đã phải tung cả D6 là thê đội dự bị của E9, cùng một đại đội xe tăng T-54 vào tham chiến. Họ vòng sang hướng tây bắc – khi đó, hai cửa mở (cửa mở 1 và 2) của Trung đoàn 48 đã thông, nhập cùng với D4 của E9 cũng đã vòng sang đây, tập trung đánh vào tung thâm cứ điểm.
D5 của E9 cũng đã phá được hai lớp hàng rào cuối cùng ở hướng tây nam – các mũi đồng loạt tiến công tất cả các mục tiêu của căn cứ Đồng Dù.
Lúc đó, nhìn ra ngoài ở hướng cửa mở phía tây bắc – người ta đã thấy đoàn quân của Sư đoàn 10, Tiểu đoàn 64 - F320, xe tăng và các tiểu đoàn xe pháo khác ầm ầm kéo qua ngay cổng chính của Đồng Dù. Đoàn quân theo đường Quốc lộ 1 vượt qua Cầu Bông để tiến thẳng về nội đô Sài Gòn.
Ở đây, đã diễn ra trận chiến rất quyết liệt – Một thiết đoàn xe thiết giáp QLVNCH bị Sư 316 QGP đánh tan tác ở khu Trảng Bàng, tháo chạy rút qua Cầu Bông. Chúng bị ngay tổ chốt của tiểu đoàn đặc công chặn lại. Từ phía sau, Trung đoàn 64 – F320 và 9 chiếc xe tăng T-54 dồn đánh thốc tới. Địch tán loạn lao bừa xuống sông. Trên mặt đường, tiểu đoàn xe tăng của binh đoàn thọc sâu ung dung diệt từng cái một. “ngụp lặn” dưới vũng bùn sâu 28 chiếc tăng và xe bọc thép cùng hàng chục chiếc GMC của tiểu đoàn thiết giáp QLVNCH bị tan xác, không một chiếc nào chạy thoát.
Nói về trận chiến ở khu Trảng Bàng, cách Đồng Dù mười cây số về phía bắc - Sau những ngày chốt chặn, bao vây, áp sát… Sư đoàn 316 đã chuyển sang tấn công như vũ bão. Trước đó địch đã bị pháo binh QGP dần cho bốn ngày liền, nên chúng nhanh chóng tan rã từng mảng. 2 trung đoàn QLVNCH đóng tại đây, 1 liên đoàn bảo an, 1 chiến đoàn thiết giáp… tan tác. Có bộ phận thì chạy về Đồng Dù tụ hội với Sư đoàn 25 VNCH. Thiết đoàn xe tăng kéo qua Cầu Bông thì bị đánh diệt như đã nói.
Con đường qua Cầu Sáng trên Quốc lộ 15 vào Sài Gòn, tuy được trung đoàn đặc công giải phóng nhưng cũng đã bị địch đánh sập. Bởi vậy, tất cả lực lượng của Binh đoàn Tây Nguyên vào Sài Gòn đều phải tiến theo Quốc lộ 1 đi qua Cầu Bông.
Quay trở lại với trận chiến đang tiếp diễn ở Đồng Dù – Phía tây bắc khi cửa mở đã được thông, đồng chí Trung đoàn phó cùng với Tiểu đoàn trưởng D1 dẫn đầu bộ đội xông lên, tràn qua cửa mở tiến vào đánh chiếm các mục tiêu.
Tiểu đoàn 2 là thê đội dự bị, sau khi được trung đoàn tung vào căn cứ cùng đội xe tăng, đã nhanh chóng hợp với D1 đánh chiếm khu Truyền tin, chiếm Sở chỉ huy của Sư 25 QLVNCH.
Ở cửa mở 2 – Tiểu đoàn 3 cũng xung phong lên đánh chiếm tuyến công sự thứ nhất. Địch đưa xe tăng chặn, bị hỏa lực đánh lui. QGP ào ạt xông lên đánh chiếm tuyến công sự thứ hai, diệt liền một lúc mấy xe tăng địch, rồi tụ hội cùng Tiểu đoàn 1 đánh chiếm trận địa pháo, Sở chỉ huy của Trung đoàn 50 VNCH, phát triển sang đánh chiếm khu thiết giáp và sân bay.
Đúng lúc này, Trung đoàn 46 cũng thuộc Sư 25 QLVNCH - nhưng đóng ở Trảng Bàng, bị Sư 316 QGP đánh, chạy về tụ lại cứu nguy cho Đồng Dù. Địch lại cho phản lực A37 và trực thăng vũ trang đến đánh pháo, quét 12ly8 vào đội hình QGP.
Đạn cao xạ 37 – 57ly của trung đoàn pháo từ khắp các hướng Đồng Dù bắn lên như đổ lửa. Tiếng máy bay trúng đạn nổ như bom trên bầu trời, bốc cháy. Trận chiến cả trên không và mặt đất rất quyết liệt. Ta và địch cùng thương vong, chết ngả rạ không đếm xuể.
Khi bộ đội đang phải căng lực lượng quân VNCH ra đánh, thì từ mấy hướng bỗng thấy cả một thê đội QGP – không biết từ đâu tràn tới? có cả đoàn xe tăng T-54 đi kèm. Họ vừa lao đến vừa nã đạn, nã pháo vào đội hình Trung đoàn 46 Sư 25 VNCH. Đội quân của địch nhanh chóng bị tan tác. Một số thì chết, số tháo chạy… lại bị bộ binh của Trung đoàn 48, F320 dùng AK tiêu diệt – Thì ra, đó chính là D6, thê đội dự bị của E9 mà sư đoàn tung tiếp vào để chi viện. Lúc này, D4 và D5 của Trung đoàn 9 cũng đồng thời tiến đến cùng hợp đồng đánh vào trung tâm căn cứ Đồng Dù.
Lực lượng tham chiến của Sư 320 bây giờ quá hùng hậu, nhanh chóng áp đảo Sư 25 và toàn bộ quân VNCH trong căn cứ. Cả đoàn xe tăng T-54 của binh đoàn QGP gầm thét xé trời, xé đất… bắn pháo diệt các ổ đề kháng của địch.
Toàn bộ khu căn cứ Đồng Dù nhốn nháo. Sư đoàn 25 QLVNCH hoàn toàn mất chủ động. Các tiểu đoàn, trung đoàn Sư 320 lệnh cho bộ đội tổng xung phong. Tiếng bộ đội hò hét như một dàn pháo nổ. Từ các hướng vọt xông lên! Phía trong cứ điểm địch, lúc này chỉ còn vài loạt đạn lẻ tẻ bắn ra yếu ớt, rồi im bặt.
Trời bỗng lại đổ mưa. Mưa rất to. Nước chảy mạnh lênh láng tràn vào các hầm hố của Sư 25 QLVNCH. Các chiến sĩ QGP cũng ướt lẹp nhẹp, nhưng bây giờ hình như mưa chẳng còn làm ảnh hưởng tới họ. Họ vẫn hò hét và xông lên, chiếm hết mục tiêu này đến mục tiêu khác.
Mưa lại đột ngột dừng. Trời quang, trong veo. Ở Đồng Dù, đất thịt pha cát nên thấm rất nhanh. Bộ đội và xe tăng vẫn ầm ầm tiến sâu vào bên trong căn cứ, dài đến hơn 100 mét. Một cảnh tượng gây xúc động mạnh và cũng thật xót xa lòng – Không phải chỉ xác chết của lính VNCH mà cả xác bộ đội, đều nằm la liệt dọc theo hai bên cửa mở vào bên trong. Nhiều chiến sĩ nằm thân vắt ngay trên miệng hố công sự, nửa người dưới chìm trong đất cát vì cơn mưa, chỉ còn nửa phần trên nhô lên… súng văng bên cạnh.
Thảo nào, ở hướng cửa mở phía tây bắc của Trung đoàn 48… có lúc bị tắc, xe tăng cũng ùn lại không lên được – thì ra, họ không dám tiến vì sợ chẹt lên đám xác của bộ đội nằm chết chồng lên nhau.
Đã thấy địch phất cờ trắng xin hàng. Bọn địch trong công sự cũng không bắn ra phát nào nữa. Khi vào sâu, thì dù trắng phất nhiều hơn. Song chỉ thấy toàn lính, chắc các sĩ quan của Sư 25 QLVNCH đã chạy hết.
Bỏ qua các đám lính xin hàng ấy, những mũi tiến công của các trung đoàn vẫn theo hướng trung tâm tiến thẳng vào trong. Có chỗ đến hàng trăm tên ngồi trật tự trên bãi trống, khua dù trắng. Chỗ khác thì gặp rất nhiều tên bị thương xếp thành hàng, hai tay giơ cao qua đầu. Một đôi chỗ thấy cửa hầm sâu, gọi hàng vài tiếng không thấy gì? Bộ đội quăng thủ pháo, ném lựu đạn vào. Tiếng nổ long óc trong lòng đất, rồi họ tiến đến chỗ khác.
Tên chuẩn tướng Lý Tòng Bá, sư trưởng sư 25 “tia chớp nhiệt đới” của VNCH cùng các sĩ quan trong Bộ tham mưu, tháo chạy vào rừng cao su bên ngoài căn cứ Đồng Dù. Chúng vứt bỏ quân hàm, ra đường định bắt xe khách chạy về Sài Gòn, nhưng không đi thoát. Sau đó, nghe loa gọi hàng của đội nữ du kích Củ Chi, lục tục kéo nhau ra trụ sở đóng tạm của Ủy ban chính quyền cách mạng, để đầu thú. Phải đến mấy chục tên, cả sĩ quan và binh lính.
Đúng 11 giờ ngày 29.4.1975, lá cờ quyết chiến quyết thắng của Sư đoàn 320 tung bay trên nóc Sở chỉ huy của Sư đoàn 25 QLVNCH. Mở tung cánh cửa hướng tây bắc, để Binh đoàn Tây Nguyên tiến thẳng về Sài Gòn.
Sau khi toàn bộ quân VNCH trong căn cứ Đồng Dù bị diệt, bị bắt và tan rã – Sư đoàn 320 và các trung đoàn, tiểu đoàn đi phối thuộc hoàn toàn làm chủ căn cứ. Họ tiến về tụ hội ở một khu gia binh. Nơi ở của lính Sư 25 QLVNCH. Nhà nào cũng thấy vứt bừa bãi đồ đạc. Quang cảnh của một sự tháo chạy vội vã. Các chiến sĩ kéo vào một khu nhà của quân tiếp vụ rất lớn, giống như một cửa hàng bách hóa ở ngoài Bắc vậy. Hàng hóa nhiều vô kể, đủ loại, nhìn hoa cả mắt. Có rất nhiều thứ mà những người lính không biết là cái gì? Lính trận thời chiến lại vừa thắng lớn mà…Họ xả AK bắn tan tành. Những món quen thuộc, thiết thân như thuốc ru bi queen thơm và hút say rất nhiều, đường sữa và đồ hộp… lính thi nhau khuân ra cửa. Khuân ra rồi vứt lại vô số, vì mỗi anh lính có tham cũng chỉ mang theo được một ít. Nhiều anh còn khui cả những chai bia 33 cổ rụt ra uống. May không thấy anh nào say cả.
Các chiến sĩ trong trung đoàn pháo của Trung đoàn trưởng Nguyễn hoàng, được dịp tự do thả phanh, kéo nhau đi tảo thanh. Sau một trận thắng lớn ròn rã, những người lính còn sống qua cuộc chiến, mặt anh nào cũng rạng rỡ. Chủ yếu họ chỉ lấy đồ ăn như thịt hộp, gạo sấy và thuốc lá… cho vào túi sài dần.
Trung đoàn trưởng Nguyễn Hoàng lững thững đi bách bộ trong căn cứ Đồng Dù rộng mênh mông. Anh nhìn các chiến sĩ, khẽ nở một nụ cười trên môi. Là một người lính trận từng trải, nên anh rất hiểu các chiến sĩ của mình: Hãy để cho họ tự do nhởn nhơ trong giây lát…
Chiều nay, anh vừa nhận được chỉ thị của Bộ tư lệnh Quân đoàn: Trung đoàn pháo của anh cùng với một bộ phận bộ binh của Sư đoàn 320, sẽ ở lại đóng quân bảo vệ căn cứ Đồng Dù – còn đại quân của sư đoàn cùng trung đoàn xe tăng, đặc công và các đơn vị trực thuộc khác… và Sư đoàn 316 vừa mới giải phóng khu Trảng bàng – Tất cả gấp rút tiến về nội đô… hợp cùng các quân đoàn của toàn miền, để kết thúc Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử này.
Ai muốn nghĩ gì thì nghĩ, ngày mai họ lại vào trận dánh - Làm sao mà biết được: trong trận đánh tới, ai vẫn còn sống… ai sẽ lại phải ngã xuống?
Trung đoàn trưởng Nguyễn Hoàng thong thả rút một điếu ru bi queen, quẹt lửa châm hút. Đó cũng là một chiếc bật lửa ga bằng i-nốc của Mỹ. Anh thả một vòng khói thơm lên trời, khoan khoái.
Tối đó, các chiến sĩ của trung đoàn pháo ngủ lại trong căn cứ. Anh nuôi lấy gạo của quân VNCH đã thu được ra nấu cơm. Gạo Thái, hạt dài, ngon tới mức nấu lên chỉ cần rưới tí nước mắm, chén bốn-năm bát không biết no. Thức ăn không cần nấu, vì đã có đồ hộp: thịt gà, thịt lợn, cá – loại hộp 200 gam lấy của địch. Ai muốn ăn bao nhiêu tùy thích. Ăn xong, ngồi uống cà phê, hút thuốc lá thơm của quân tiếp vụ VNCH.
Trung đoàn trưởng Hoàng chỉ triệu tập cấp chỉ huy tiểu đoàn và các đại đội để hội ý… còn toàn bộ chiến sĩ cho họ nghỉ xả hơi. Không hội họp, không rút kinh nghiệm gì hết. Đêm đó, những người chiến sĩ trải ni lông ngủ bên ngoài. Họ không ngủ trong nhà để đề phòng bất trắc…
Chỉ trong vòng 5 tiếng đồng hồ chiến đấu, Sư 320 QGP đã đập tan toàn bộ Sư 25 QLVNCH – diệt 500 tên, bắt làm tù binh 2.269 tên: Trong đó có chuẩn tướng Lý Tòng Bá – sư đoàn trưởng, đại tá - sư đoàn phó và một số sĩ quan trong ban tham mưu sư đoàn. Thu 4.909 khẩu súng các loại: 9 đại bác 175, 155, 105mm; 100 máy thông tin; thu và phá hủy 423 xe quân sự, kể cả xe tăng và xe bọc thép.
Người ta không biết thật chính xác số máy bay của không lực VNCH bị bắn rơi trong trận chiến Đồng Dù ? vì khi đó, chiến trường toàn miền đồng loạt nổ súng, nên những máy bay địch bị trúng đạn rơi rất nhiều, tứ tung khắp nơi. Nhưng theo quan sát của các xạ thủ pháo cao xạ trong trung đoàn pháo: Họ đã bắn trúng và làm bốc cháy hàng chục máy bay, cùng với 2 máy bay đã thu được tại sân bay của căn cứ.
Như thế, chỉ trong một ngày tiến công, Quân đoàn Tây Nguyên đã đập tan tuyến phòng thủ, quét sạch một hệ thống đồn bốt trên hướng tây bắc Sài Gòn – ngoài việc tiêu diệt toàn bộ Sư 25 chủ lực của QLVNCH, một chiến đoàn thiết giáp: trong đó có một thiết đoàn xe tăng, cùng các liên đoàn biệt động, liên đoàn công binh và toàn bộ lực lượng bảo an, biệt kích dù, cảnh sát… mở toang cánh cửa vào Sài Gòn – Gia Định.
Mặc dù, họ cũng đã phải trả một giá rất đắt. Máu đổ ngập trời, ngập đất. Không kể số thương vong lớn, đã phải có hàng trăm, hàng trăm chiến sĩ của sư đoàn, trung đoàn và các tiểu đoàn đã bị hy sinh ngay bên cửa ngõ Sài Gòn.
Đêm Đồng Dù. Lúc này những thương binh, tử sĩ trong trận chiến vừa qua – kể cả của QGP và xác binh lính VNCH đã được đơn vị tải thương của sư đoàn, cùng với sự hỗ trợ của du kích huyện Củ Chi… đã chuyển hết đi nơi khác.
Trời đã về khuya. Trong một khu nhà gác ở căn cứ, trước đây là trụ sở ban chỉ huy một trung đoàn thuộc Sư 25 QLVNCH, nay dùng tạm làm nơi ở cho ban chỉ huy trung đoàn pháo của Trung đoàn trưởng Nguyễn Hoàng. Xung quanh khu nhà, các chiến sĩ đều đã đi ngủ cả. Chỉ còn thấp thoáng bóng những người lính gác của các đơn vị, đang bồng súng đi đi… lại lại… làm nhiệm vụ cảnh giới. Thỉnh thoảng vài con chó chạy rông kêu ăng ẳng trong đêm. Chúng đi tìm những cái xác chết của người lính VNCH còn bỏ sót lại, rồi gọi nhau đến nhậu. Giống chó bẹc-giê cũng thường thích ăn thịt sống. Chiến tranh mà… “được làm vua, thua làm giặc” – nhưng dù là người bên nào thì cũng là máu thịt của dân tộc mình cả thôi? Ý nghĩ ấy chợt đến làm xót xa trong lòng người Trung đoàn trưởng Nguyễn hoàng.
Đêm nay, anh không sao ngủ được. Lúc này, anh vẫn chưa thể biết rằng: cái đêm 29.4.1975 này, lại chính là đêm cuối cùng của cuộc chiến tranh. Hồi chiều hôm, khi trận chiến vừa kết thúc. Nguyễn Hoàng đi xuống một đại đội pháo cao xạ 37ly làm công tác thương binh, tử sĩ – là đại đội pháo bị thương vong nặng nề nhất trong trung đoàn của anh. Do trận địa bị trúng bom của máy bay phản lực A37, khi đang tiến vào phía cửa mở hướng tây bắc của căn cứ. Không kể bị thương, hàng chục xạ thủ pháo đã phải hi sinh.
Trung đoàn trưởng Nguyễn Hoàng vẫn còn nhớ, trong túi áo của một người chiến sĩ đã tử trận, có một lá thư mới viết cho người yêu chưa kịp gửi – Hẹn ngày chiến thắng sẽ trở về? Người lính trẻ ấy quê ở Thanh Hóa. Máu trên thân thể anh tràn ra thấm đỏ cả lá thư – Người chiến sĩ ấy mãi mãi đã ra đi, không bao giờ còn có thể trở về… để thực hiện lời hứa của mình với người yêu được nữa. Chắc người vợ chưa kịp cưới của anh, vẫn đang mòn mỏi chờ đợi ở quê nhà?
Bất giác trung đoàn trưởng Nguyễn Hoàng cũng sờ lên túi áo mình, lá thư của Thu viết cho anh vẫn còn nguyên trong đó. Anh lại nhớ tới một câu thơ:
Máu tim anh nhuộm đỏ đất anh nằm…
Câu thơ ấy của tác giả nào không biết? Phải, người chiến sĩ ấy đã nằm xuống, tuy không phải là nơi “chôn rau, cắt rốn”, nhưng cũng là mảnh đất quê hương Việt nam của anh. Máu tim những người chiến sĩ cũng như máu tim dân tộc, hết đời này qua đời khác đã chảy ra… nhuộm đỏ cả mảnh đất quê hương.
Giờ ngồi một mình trong gian phòng của chỉ huy sở, người trung đoàn trưởng khẽ thở dài. Anh lại giở lá thư của người yêu ra đọc. Anh đã đọc không biết đến bao nhiêu lần, gần như thuộc làu cả lá thư mà Thu viết cho anh. Những trang giấy pơ luya màu hồng cũng đã bị hơi nhàu đi. Lá thư mà người bạn gái viết cho anh trước ngày vĩnh viễn ra đi, vào cái đêm nô-en… trong chuỗi 12 ngày đêm khủng khiếp nhất của loài người – 26 tháng 12, đêm đi cứu hộ khu phố Khâm Thiên tang tóc và kinh hoàng ấy!
Bàn tay anh vẫn run run cầm lá thư của người yêu. Khi thì anh xem đoạn này, lúc đọc đoạn khác. Mở đầu trang thư với dòng chữ quen thuộc của người con gái, lòng anh đã trào lên một nỗi xúc động: “Hoàng thân yêu của em!” – Anh cố ghìm lòng mình bình tĩnh. Lần này anh mở ra đọc lại một trong những trang… vừa làm cho lòng anh tê tái và cũng thân thương khô tả. Thu đã viết:
“… Hoàng thân yêu,
Thu yêu anh nhiều lắm, yêu hơn cả bản thân em đấy! Hoàng chính là mối tình đầu và cũng là mối tình vĩnh viễn của em. Anh và em, ta đã trao nhau những gì đẹp nhất của cuộc đời, phải không anh? Em cũng đã dành cho anh trọn vẹn những gì quí giá nhất của người con gái. Em thấy hạnh phúc vì đã làm với anh điều ấy!
Nghĩ đến anh là em lại thấy lòng mình bình yên và ấm áp, dù đêm mùa đông giá lạnh, phải sống xa anh cả nghìn cây số. Em ngồi viết thư cho anh đây, một mình em một bóng cô đơn. Tình yêu anh đã nâng đỡ em rất nhiều trong những vấp váp đầu đời, đấy anh!
Đêm nô-en này cũng là đêm nô-en thứ sáu, anh không có mặt ở nhà, để cùng em đi lễ nhà thờ. Năm nay, em đi chơi đêm lễ với Lan, anh ạ! Hai đứa cũng tâm sự với nhau bao nhiêu điều về cuộc sống. Ôn lại những kỉ niệm xưa khi cùng nhau cắp sách, có cả anh.
Ôi, Cứ nghĩ đến những ngày tới anh về phép, lòng em lại bồn chồn khôn tả? Em mong đợi ngày đó biết chừng nào. Khi đó đôi ta sẽ chính thức trở thành chồng, thành vợ - phải không anh? …”.
Cứ mỗi lần đọc đến đây, Hoàng lại thấy run bắn người. Anh như muốn òa khóc nấc lên, tựa một đứa trẻ con. Anh trấn tĩnh lại và để nguyên lá thư trên bàn, lặng lẽ bước ra ngoài căn phòng.
Đêm khuya ở Đồng Dù, sương rơi lạnh nhiều. Phải, anh đã hứa với người yêu ở chốn quê hương về một chuyến đi phép, nhưng do tình hình chiến sự ngoài chiến trường… nên đã không thực hiện được lời hứa đó. Cũng như người chiến sĩ trẻ với lá thư thấm đầy máu kia, không bao giờ có thể thực hiện được lời hứa của mình – rằng: “Ngày chiến thắng, anh sẽ về với em…”.
Ngày chiến thắng thì có, nhưng không bao giờ anh có thể trở về cùng em được nữa? Ôi, đó là nỗi đau tang thương của cả dân tộc này.
“Tình yêu và chiến tranh” – Đó là hai phạm trù hoàn toàn trái ngược nhau. Đi trong đêm Đồng Dù trước ngày chiến thắng, mà trong sâu thẳm của lòng người trung đoàn trưởng bao nhiêu tâm trạng.
Anh lại nghĩ đến người con gái bản đã yêu anh và chết trên tay anh – Tình yêu của cô cũng thật là cao thượng và bao la. Chiến tranh đã cướp đi của anh cả hai người con gái đó, mỗi người một vẻ nhưng đều đẹp như hoa của đất trời.
Khi Hoàng trở về phòng đi ngủ thì trời cũng đã gần sáng. Sớm mai, tuy trung đoàn pháo của anh đóng lại ở Đồng Dù, nhưng trận chiến trong Sài Gòn chắc chắn sẽ rất ác liệt. Hàng trăm, hàng nghìn người lính vẫn còn tiếp tục phải ngã xuống… để giành lấy sự chiến thắng cuối cùng của cuộc chiến tranh này.