Quyển sách X30 Phá Lưới !
ldlvinhquang 11.11.2005 20:17:11 (permalink)
Các bạn thân mên!
Hải nghe nói có quyển sách tình báo trinh thám hình sự và lịch sử mang tên X.30 Phá lưới. Không biết các bạn có biết và chỉ cho mình trang nào đọc online được không ạ?
Xin cảm ơn nhiều, chúc tất cả trong VN thư quán chúng ta nhiều sức khỏe?
#1
    conbo2 11.11.2005 23:04:09 (permalink)
    Quyển sách này mình tìm nhưng chưa thấy trên mạng, nội dung truyện cùng chủ để với những quyển đã có trên thư quán như "Ông cố vấn", "Ván bài lật ngửa" hay "Điệp viên trên sa mạc lửa", nhưng theo mình thì không hay bằng. Bạn có thể đọc hết 3 quyển trên cũng được rùi, đã có một cái nhìn khái quát về thể loại này
    #2
      conbo2 11.11.2005 23:26:11 (permalink)
      Khi chưa có truyện, mời bạn đọc tạm vài bài báo vậy

      Giá trị giải trí hay văn chương đích thực?

      Bài đăng trên báo Công an nhân dân 08/2004


      Sau Thế Chiến II, tiểu thuyết tình báo (TTTB) mới hình thành. Loạt truyện về Điệp viên 007 của Fleming nhanh chóng thu hút sự chú ý của độc giả, đặc biệt ở Pháp với mức tiêu thụ hơn 1 triệu bản/tháng.

      Tuy nhiên, do cấu trúc đơn giản, thủ pháp cường điệu với mục đích chính là giải trí và phổ cập, nên cũng như tiểu thuyết trinh thám (TTTT) nói chung, TTTB nói riêng không được coi là thể loại văn học mà chỉ là “cận văn học”, dù loại sách này có lượng độc giả rất lớn. Cho đến khi TTTB chinh phục cả những danh sĩ thì việc nhìn nhận có sự thay đổi.

      Năm 1989, “Hiệp hội Quốc tế những nhà văn viết trinh thám” được ra đời. Nữ văn sĩ người Anh Agtha Christie đã tạo dựng tên tuổi qua hàng loạt cuốn TTTB đặc sắc và được Nữ hoàng Anh phong tước “Lady”. Ở Nga, truyện tình báo được đặc biệt yêu thích như tác phẩm Nam tước Fôngônring.

      Sức hấp dẫn mãnh liệt của TTTB chính là mối liên hệ chặt chẽ với những sự kiện chính trị - xã hội thời sự, đem lại khát vọng chính nghĩa, đồng thời là đôi cánh cho trí tưởng tượng của độc giả bay bổng trong sự phiêu lưu kỳ thú cùng nhân vật. Tuy vậy, ngay ở phương Tây, việc nghiên cứu TTTB cũng chưa được chú ý. Còn ở châu Á, TTTB lại không có chỗ đứng, thậm chí, hầu như không tồn tại ở Trung Quốc và Nhật Bản.

      Thăng trầm TTTB “made in Việt Nam” Tại Việt Nam, TTTB sinh sau đẻ muộn nên việc tranh luận về vị trí của nó không có, dù trên thực tế, thể loại này cũng là một mảnh đất thuận lợi cho những phát hiện về nghệ thuật, sáng tạo ngôn từ và triết lý sâu xa. Đó là lợi thế của các cây bút viết TTTB ở ta.

      Song, do hoàn cảnh đất nước chiến tranh nên phải sau 1975, loại truyện này mới nở rộ do mong muốn tìm hiểu sự thật của công chúng, đồng thời, cũng đến thời điểm các cá nhân có công lao đáng được ngợi ca trong khúc khải hoàn của dân tộc. Những bí mật trong chiến tranh lần đầu được công bố dưới dạng những câu chuyện tình báo đã cực kỳ hấp dẫn bạn đọc.

      Hơn 10 năm liền, TTTB đã lấn át các thể loại khác trong số các đầu sách xuất bản. Nhiều cuốn như Ông cố vấn (Hữu Mai) đã được in tới 400 nghìn bản/lần, Sao đen (Triệu Huấn) hơn 200 nghìn bản/lần. Thậm chí, cuốn X.30 phá lưới (Đặng Thanh) in số lượng rất lớn mà ở nhiều nơi phải có giấy giới thiệu mới mua nổi!

      Nói một cách công bằng thì sự đóng góp của TTTB là đáng kể. Trước hết, nó lưu giữ nguyên vẹn sự thật lịch sử trong sự tái tạo của nhà văn, soi sáng lịch sử đầy thuyết phục. Bí ẩn của những số phận được giải mã, khám phá, đem đến người đọc cái nhìn toàn diện hơn về cuộc chiến và con người từ hai phía. Sự nhập cuộc và lao động sáng tạo của các nhà văn cũng khắc họa sắc nét khúc bi tráng trong cuộc đời và sự nghiệp của nhiều huyền thoại tình báo như Điệp viên giữa sa mạc lửa (Nhị Hồ), Tiếng nổ trên chiến hạm Amyot D'Inville (Văn Phan)...

      Nhưng, trước nhu cầu rất lớn của công chúng, giai đoạn này, nhiều tác phẩm đã ra đời khá dễ dãi: thiếu đầu tư về bút pháp nghệ thuật, chủ yếu khai thác yếu tố ly kỳ, hấp dẫn, phản ánh cuộc sống và con người thiếu khách quan... Khoảng năm 1990 trở lại đây, khi cả người đọc và người sáng tác ở nước ta đều bình tâm lại, thì sự chú ý đến TTTB không còn như cũ.

      Thời gian cũng sàng lọc để khẳng định giá trị đích thực. Có cuốn từng gây hiệu ứng lớn trong công luận ở lần xuất bản đầu tiên đã không thể tái bản. Trong quy luật phát triển tất yếu, TTTB đã trải qua một cuộc cải cách mạnh mẽ, để từ đó, có những khám phá và biểu hiện sâu sắc về con người trong cái nhìn nhân bản, đa diện và khách quan, nhiều phát hiện và cảm nhận mới. Một số cuốn được đánh giá cao như Yêu tinh (Hồ Phương), Cái tẩu (Triệu Huấn), Ông tướng tình báo và hai bà vợ (Nguyễn Trần Thiết)...

      Với khối lượng tư liệu đồ sộ qua những cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, mảng đề tài hoạt động tình báo của ta quả là một tiềm năng với bao điều lý thú và quyến rũ. Thế nhưng, thực tế ở ta TTTB phát triển chưa xứng tầm cả về số lượng và chất lượng. Cho đến nay, số tác giả được coi là có dấu ấn về TTTB chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chúng ta chưa có nhà văn viết TTTB chuyên nghiệp và vẫn chưa có những đại diện xứng đáng cho TTTB để được nhìn nhận là nhân vật điển hình.

      Đây quả thực là đề tài cực kỳ hấp dẫn nhưng lại khó viết hay! Số người viết TTTB ngày một ít đi. Nhiều nhà văn không muốn đi vào mảng đề tài này vì không cho đó là văn chương đích thực. Một số các nhà văn cho biết, họ rất ít, thậm chí không đọc TTTB. Điều đó đã lý giải tại sao cho đến nay việc nghiên cứu về vấn đề này vẫn chưa được coi trọng! TTTB - giá trị giải trí hay văn chương đích thực? Câu trả lời hoàn toàn phụ thuộc vào tài năng của nhà văn và sự cảm nhận của độc giả
      #3
        conbo2 11.11.2005 23:31:34 (permalink)
        "Văn chương pháp đình"

        Bài đăng trên báo Công an nhân dân tháng 03/2005

        Ngay từ những năm ba mươi của thế kỷ trước, người ta đã nói đến “văn chương pháp đình” song hành với “tân văn pháp đình” bên báo chí. Từ cái mảng văn và báo khá hấp dẫn này, ít nhiều đã hình thành đội ngũ nhà văn, nhà báo rất nhạy cảm với hoạt động của ngành Công an; thám tử tư và công; tòa án và các vụ án.

        Nói đến dòng văn này, người ta nghĩ ngay đến truyện trinh thám, truyện hình sự, tình báo, gián điệp... với những cốt truyện và tình tiết ly kỳ, các pha đuổi bắt dao găm, súng lục thót tim; những vụ giết người, cướp của, ám sát, tống tiền kinh hoàng. Ấn tượng này ăn rất sâu vào người đọc và cả nhà văn, nhất là khi loại văn lãng mạn “chàng và nàng” mùi mẫn còn thịnh hành.

        Cách đây bảy tám chục năm, thời tiểu thuyết Tự Lực Văn Đoàn đang khuynh đảo văn đàn và có thể còn trước đó nữa, một số nhà văn như Thế Lữ, Lê Văn Trương... cũng từng thử bút loại văn này nhưng xem ra, người đọc và ngay chính họ cũng vẫn coi đây là thứ văn đọc để giải trí, là “văn chương loại hai”.

        Gần 30 năm chiến tranh sau đó, thân phận văn trinh thám, hình sự, công an cũng không khá gì hơn. Có thể do việc “thực thi nhiệm vụ” hoặc “trinh thám” hồi đó còn thuộc loại tuyệt mật, không ai biết và cũng không dại gì mà biết. Có thể định kiến về nó còn nặng nề, chẳng ai muốn mang cả đời viết của mình gắn với thứ “văn chương loại hai” trong con mắt đồng nghiệp.

        Nhưng công chúng thì không vậy. Không ít những cơn sốt “Quan Năm tình báo”, “Chiếc khuy đồng”, “Mùa xuân trên sông En-bơ” và nhất là “Nam tước Phôn Gônrinh”... trong người đọc vào những năm sáu mươi thế kỷ trước. Truyện tình báo cách mạng, truyện về cuộc chiến đấu âm thầm và vô cùng anh dũng của các chiến sĩ công an, bộ đội chúng ta cũng được đón nhận nồng nhiệt không kém. Người ta nhớ đến “X.30 phá lưới”, “Ông cố vấn”, “Bên kia cổng trời”, “Câu lạc bộ chính khách”, “Nhóm rắn lục”, “Điệp viên giữa sa mạc lửa”... và hàng chục tiểu thuyết, tập truyện ngắn của các nhà văn, trong đó không ít là các nhà văn công an.

        Có một bộ phận nhà văn không phải vậy, giống như các nhân vật của mình, họ vẫn lặng lẽ viết, thủy chung phục vụ nhiều thế hệ độc giả đông đảo của mình, cho dù vẫn còn đâu đó cách quan niệm cũ về dòng văn chương này; cho dù chưa một tác giả hoặc tác phẩm nào thuộc loại này được đưa vào sách giáo khoa; chưa một công trình nghiên cứu, một cuộc hội thảo bề thế nào bàn về sự đóng góp nghiêm túc của nó đối với văn học Việt Nam đương đại.

        Nhưng bây giờ, mọi chuyện có vẻ đang thay đổi. Không phải là thay đổi trong đánh giá về dòng văn chương này, hay thay đổi về lượng độc giả, mà lại chính từ các nhà văn. Những chuyện hình sự, những bản án, thân phận của những người mất quyền công dân đang trở thành mảnh đất màu mỡ của văn chương. Hầu như những cuốn tiểu thuyết gần đây mà tôi được đọc đều ít nhiều dính dáng đến những nhân vật sống mấp mé giữa thiên lương và bất lương, đến nghiệp vụ của lực lượng Công an, đến tội phạm đủ loại và dính đến tòa án.

        Không khí “hình sự” lan tràn trong những dằn vặt lương tâm, trong tình yêu trai gái, trong ứng xử xã hội, kết quả thường là dẫn đến các phiên tòa, phiên tòa có chánh án hoặc phiên tòa tự xét xử lấy. Có điều khác nữa là nhân vật trong các tác phẩm trước đây luôn mang hình ảnh của những con người xả thân vì lý tưởng, quên mình vì nghĩa lớn thì ngày nay, nhiều nhân vật có mặt trong tiểu thuyết lại là những con người nhỏ tí teo, hậm hực và vô đạo. Không khí trong các tiểu thuyết lù mù, chật chội và ngột ngạt. Những vấn đề được mang mổ xẻ phơi bày trước chúng ta hình ảnh những bầy thú - người ích kỷ, đểu giả hoặc ngoi ngóp, tuyệt vọng. Nghĩa là đọc xong thì chán không muốn sống nữa.

        Nói như thế không có nghĩa là trên cái sạp văn “tự vấn” và “thảo phạt” ghê người ấy, không còn những cuốn sách khiến chúng ta nhìn cuộc đời sâu sắc hơn, đỡ một chiều hơn, căm thù cái ác hơn, tin hơn vào cái chân lý còn một người hướng thiện thì cuộc sống không thể bị tiêu diệt nhưng âm hưởng ngợi ca con người, ngợi ca cuộc sống dù khốn khó đến đâu thì sống vẫn là điều tuyệt vời nhất hình như chỉ còn văng vẳng đâu đó.

        Hóa ra, không phải chuyện công an hay không công an, thám tử hay không thám tử, hình sự hay không hình sự. Vấn đề là tấm lòng và cái tài của người viết thôi. Hàng trăm năm nay, nhân loại vẫn say sưa đọc và đúc tượng nhiều nhà văn trinh thám như ông Đoi; không những thế, còn đúc tượng cả nhân vật Sêlốc Hôm của ông nữa. Người ta vẫn đọc “Tội ác và trừng phạt”, “Anh em nhà Karamazốp” của ông Đốt, “Chuông nguyện hồn ai” của ông Hê… và rất nhiều tác phẩm nổi tiếng khác lấy đề tài từ hình sự, tình báo.

        Chính trong những hoàn cảnh gay cấn, khốc liệt giữa thiện và ác, sống và chết tính cách con người được bộc lộ đầy đủ nhất, khát vọng thẩm mỹ của nhà văn có đất tung hoành nhất. Cái chính là các tác phẩm ấy thật hay giả, tác giả nhân danh cái gì và viết vì cái gì, chứ không phải trong văn có hay không có các cuộc điều tra của cảnh sát, nhân viên an ninh hay các phiên tòa xét xử.

        Chỉ có điều là vẫn còn không ít nhà văn nương tựa vào sự gay cấn, ly kỳ của hình sự, pháp đình để cho ra đời những tác phẩm hời hợt, dễ dãi, đâm, chém, cướp, giết hoặc ly kỳ rẻ tiền, ngoài truy đuổi, vật lộn ra không còn gì khác. Có lẽ, chúng ta chưa có được một dòng văn học “pháp đình” đáng nể, là bởi nguyên nhân từ cả hai phía này chăng?
        #4
          Chuyển nhanh đến:

          Thống kê hiện tại

          Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
          Kiểu:
          2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9