Trọn Đời Yêu Nhau Phần 1 CHƯƠNG 4
Kể từ cái hôm tôi vụng về nhưng tương đối thành công trong việc làm quen với Trân Châu, dần dần hai đứa chúng tôi đã trở nên thân hơn trước nhiều và nói chuyện với nhau rất tự nhiên thoải mái. Tuy vậy tôi chỉ xem nàng như một người bạn mới không hơn không kém, và tính khí sôi nổi bồng bột như hồi đầu năm cũng không còn nữa.
Xét cho kỹ thì cũng dễ hiểu. Tôi là một đứa con trai mới lớn, anh hùng tính rất cao cùng với cái háo thắng ngông nghênh của tuổi trẻ. Khi thấy một kẻ lạ xuất hiện gây ra nhiều dòm ngó cũng ham vui mà nhảy vào cuộc đua cho biết anh biết em, chứ thực tâm mục đích của tôi không giống như tụi bạn. Cho nên sau một thời gian, máu hăng hái nông nổi từ từ chìm xuống. Lúc này tôi xem nàng cũng như những người bạn thân khác trong lớp, chẳng có gì lạ nữa.
Tất nhiên tôi chơi thân với Trân Châu được thứ nhất là vì ngồi chung một bàn, và thứ hai quan trọng hơn nhờ nàng không có tính hay nhõng nhẽo lè nhè giận dai như những cô gái khác, mà lại kiên nhẫn chịu đựng và rất vị tha. Tánh tôi nói cho ngay thô kệch không được lịch thiệp, nói năng bạt mạng càn rỡ, thật khó để làm thân vô cùng. Gặp những cô bạn khác thì họ chạy mất dép từ lâu rồi chứ ở đó mà chơi thân. Tôi vẫn biết đó là một cái xấu, nhưng muốn sửa thật không dễ tí nào.
Chẳng biết nàng nghĩ gì về tôi, nhưng với chút chủ quan nho nhỏ của mình, tôi đoán rằng trong cánh con trai trong lớp tôi là người được nàng quan tâm nhất. Có lẽ nàng thấy được và cảm mến những cá tính gì đó nơi tôi mà người khác không thấy chăng? Tôi cũng chẳng rõ nữa.
Nhớ hồi lớp tôi đi chơi đá banh ở sân lớn với tụi lớp A2, mọi lần tôi vốn đá dở lại chạy chậm nên chỉ đứng ngoài làm cổ động viên cùng những đứa khác và đám con gái. Nhưng không hiểu sao hôm đó tôi cao hứng bước ra sân cỏ đá một lát cho vui, mà ai cũng đá chân trần chẳng có giày gì ráo mới chết.
Nào ngờ tôi bị thằng Sơn Cẩu bên A2 dập cho một đòn chơi xấu, bàn chân mài xuống chỗ đất rắn thế nào mà bay luôn một miếng da chân, lòi thịt đỏ hỏn thấy mà ghê.
Tôi còn nhớ rất rõ lúc đó đã lăn lộn trên mặt sân, tay ôm chân nhảy cò cò được vài cái rồi sụm xuống, phải nói nó đau gần ngất đi được. Mắt nảy đom đóm thấy mười mấy ông trời!
Trong lúc đang lờ mờ vì đau, tôi thoáng thấy bóng dáng thướt tha của một cô gái nào đó chạy đến bên cạnh. Một bàn tay mềm mại và mát dịu như dải lụa vịn vào cánh tay tôi, vừa lay lay vừa lo lắng hỏi, giọng như lạc đi:
-Khải, Duy Khải, bị sao rồi?… Có đau lắm không?
Tôi nhận ra giọng Trân Châu, nhướng mắt lên cố nhìn, miệng ráng cười như mếu, chỉ xuống bàn chân càm ràm:
-Bầm dập như vầy mà không đau sao?
Nàng loay hoay cuống cuồng tìm cách săn sóc. Nhưng than ôi! Trên mặt sân mênh mông bây giờ chỉ toàn cỏ với cát nóng thì làm gì có cồn hay bông băng y tế mà băng bó. Nhìn từng giọt máu đỏ từ bàn chân tôi nhểu ra rơi xuống hòa chung với cát, đôi mắt đẹp thu sầu của nàng hình như hơi đỏ đỏ. Thú thật lúc đó tấm lòng và sự ân cần săn sóc của nàng khiến tôi cảm động đến lặng người, bởi lẽ tôi đâu phải là một người hùng gì cho đội nhà mà được nàng tận tâm như vậy (trận đó lớp tôi thua rất đậm), trong khi tụi thằng Lâm, thằng Tuân đá hay như siêu sao mà nàng vẫn vô tư chẳng ngó ngàng.
Tôi bậm môi cố chịu đau tránh để lộ ra ngoài để nàng bớt lo lắng, gượng gạo nói cứng:
-Không sao đâu! Vết thương của tôi cũng nhẹ thôi. Tuân đàng kia hình như còn bị nặng hơn nữa. Có chơi có chịu mà!
Vừa nói tôi vừa đưa tay chỉ về phía thằng Tuân cũng đang ôm giò rên rỉ ở đàng xa.
Trân Châu vẫn ngồi bên tôi lặng yên không nói gì, nét mặt đầy lo âu đau xót. Tự dưng trong lúc bàn chân đang đau đớn thì tôi lại nghe trong lòng một cảm xúc bồi hồi thật êm dịu. Rồi bỗng nghe loáng thoáng những tiếng nói nhỏ to gần xa:
-Tụi nó tình quá tụi mày ơi!
-Chàng bị thương thì nàng săn sóc. Đúng là A1 đệ nhất tình nhân!
Tôi cảm thấy vừa thẹn thùng lẫn tức giận, muốn lại đá cho mỗi đứa vài cái cho bỏ cái tật nói linh tinh. Nhưng vì cái chân đau quá cà nhắc đi còn không nổi lấy đâu mà đá, đành ngồi yên nhăn nhó sau khi ném cho chúng một cái nhìn giận dữ.
Bao nhiêu đó cũng đủ chứng tỏ những hảo ý của nàng dành cho tôi rồi. Không những thế, nàng còn xem tôi là bạn tâm tình và hay kể cho tôi nghe nhiều chuyện, thậm chí những việc rất ngộ nghĩnh và buồn cười.
Như có lần nàng kể cho tôi nghe con mèo của nàng mới đẻ, hoặc chiều hôm qua đi ra đường mua cái nón bị mấy tên con trai chọc ghẹo tán tỉnh, hoặc nàng làm bánh hơi bị khét… Thật đủ thứ trên trời dưới đất.
Thấy nàng ngây thơ hồn nhiên quá (chắc suốt ngày chỉ biết cuốn sách giáo khoa và vở học), những lúc đó tôi chỉ gật đầu tỏ vẻ chăm chú, đôi khi chỉ cười mỉm chi. Nhưng riêng chuyện gia đình thì không bao giờ nàng nói cho tôi nghe, do đó tôi chẳng biết gì về thân thế nàng cả.
Mặc dù là bạn thân với nhau, phải nhìn nhận nhiều khi tôi đối xử với nàng chẳng được lịch thiệp mềm mỏng gì cho lắm. Nghĩ lại cũng có chút hối hận, nhưng chỉ một thoáng qua rồi quên ngay mất.
Bởi vậy có khi bọn bạn tôi phân bì:
-Ê Duy Khải, không ngờ cái mặt mốc của mày hên thật! Nhỏ Trân Châu dễ thương quá chừng lựa ai không lựa lại đi kết mày, một thằng dở hơi, thô lỗ, nói năng như khỉ gió!
Một đứa khác lại phàn nàn:
-Mày thấy tao không, xinh “giai” lắm chứ bộ. Những lời tao nói ra quá phê mày gia công gọt giũa mấy năm chưa có nổi. Vậy mới xứng đó, chứ sao lại mày?
Thêm một thằng cay đắng:
-Đúng là hoa lài cắm bãi kít trâu!
Đợi bọn nó nói đã một hồi, tôi cười hềnh hệch quất lại:
-Biết mấy ngài hào hoa bảnh bao rồi! Xin mời cứ nhào vô tán tỉnh bằng những tuyệt chiêu của các ngài!…
Nói tới đây tôi ngửa mặt phá lên cười hềnh hệch để xoa dịu tình hình như thể chỉ là nói vui đùa thôi.
Chỉ có thằng Chánh ngồi ở phía sau nhiều khi thấy tôi nói năng bặm trợn quá cứ nhón giò lên thọt thọt vào mông như để nhắc nhở, làm tôi rất bực mình muốn quay lại mắng cho nó một trận. Nhưng rồi nghĩ lại chẳng qua nó có ý tốt muốn giúp mình thôi đâu có lỗi gì, nên tôi lại im.
Được thể thấy tôi hiền, nó càng tinh ranh hay chòng ghẹo những câu rất kỳ cục làm tôi thẹn muốn chết. Thường nó chẳng cần nói với ai cả, chỉ ngửa mặt lên trời nói trổng một mình khiến tôi cứ đỏ mặt lên vì quê, còn Trân Châu thì bụm miệng cười khúc khích.
Chẳng hạn có lần tự dưng hắn ngân nga như vầy:
Người ta có mối thì chê
Còn tui chẳng có lại mê quá trời!
Nghĩ sao ấm ức cuộc đời
Có thì hời hợt mất rồi lại than.
(thơ Hồi Kha)
Cũng khá khen cho anh chàng khoái ba cái thơ thẩn. Ấy vậy mà không hiểu sao bài luận văn của nó chỉ toàn điểm ba và bốn, thật bất công! Tôi biết nó chỉ chọc chơi chứ chẳng phải “mê” gì nên chỉ lặng thinh làm như không nghe thấy gì.
Hoặc có lần, nó mang lên gói bánh quy hình chữ cái vào lớp, lấy hai cái từ phía sau chồm tới, đưa cho tôi một cái bánh chữ C thay cho Châu, rồi đưa nàng bánh chữ K thay cho Khải, vừa cười hô hố vừa ca:
Bánh này là bánh hay tên?
Tên anh em giữ, tên em anh cầm.
(thơ Hồi Kha)
Trời hết nói nổi thằng này! Chưa kịp hiểu và phản ứng gì thì cái bánh đã nằm gọn trong bàn tay rồi. Tôi cứng lưỡi, lấm lét nhìn sang Trân Châu thì nàng cũng đang nhìn sang tôi, mặt đỏ bừng. Chúng tôi liếc nhìn cái bánh, nhìn nhau rồi… cười. Thôi lỡ rồi, ăn luôn chứ biết làm sao!
Tánh nết Trân Châu vốn điềm đạm và ít nói nên không hợp với một số cô nàng trong lớp có cá tính lanh chanh thích ba hoa chích chòe. Hồi đầu năm lúc nàng còn ngồi cạnh thằng Thương, vài cô chắc có ghen ghét với sức học của nàng là một, và cái ngoại hình của nàng là hai (con gái mà lị), nhất là khi mấy cô đó nghĩ nàng dám tranh giành thằng Thương “yêu vấu” của họ. Nhưng khi thấy nàng bị Thương đổi qua chỗ gần tôi, các cô này mừng ra mặt vì biết thằng Thương rõ ràng chẳng có tình ý gì với nàng rồi, thậm chí có thể là không thích nữa nên mới xếp nàng ngồi cạnh một hung thần của phái đẹp như tôi. Đương nhiên đây chỉ là những suy đoán của bọn họ, chứ còn thật tình mọi chuyện đều do cái hợp đồng nghịch ngợm giữa tôi và thằng Thương mà đâu ai biết được.
Thấy Trân Châu gặp “bất hạnh” phải ngồi cạnh tôi, và chắc sau khi từ từ nói chuyện thấy nàng cũng hòa nhã dễ gần, các cô đó đã hết còn đố kỵ ganh ghét nàng nữa. Không khí trở nên thân mật ấm cúng hơn, và nàng đã chơi thân với nhiều nhỏ, không đến nỗi đơn độc như lúc mới vào lớp nữa. Thật ra lúc sau này tôi nghe tụi thằng Bảo và thằng Văn nói đa số đám con gái trong lớp khi đã chơi quen với Trân Châu đều rất thích nàng.
Đối với bọn con trai thì dạo này Trân Châu cũng nói chuyện lịch sự bình thường như những người bạn. Chỉ riêng những tên nào còn ôm mộng buông lời lả lơi đùa cợt đều bị nàng cự tuyệt rất nghiêm khắc. Riết rồi mấy lão thấy nản nên cũng hết còn ngó ngóe. Bây giờ tôi không còn là đứa con trai độc quyền được nàng trò chuyện nữa, mặc dù nàng vẫn xem tôi là người bạn nam thân nhất trong lớp. Vì lẽ đó đám bạn vẫn thường kháo nhau chúng tôi thiết lập “quan hệ đặc biệt” xét ra cũng có cái lý của chúng. Những ai nhìn bề ngoài thì thấy “có gì” thật đấy, nhưng đối với tôi thì chẳng có gì khác hơn là bạn bè.
Tuy chơi thân, chúng tôi có nhiều khác biệt trong cá tính. Trân Châu là một học trò ngoan rất có kỷ luật, vào lớp chăm chú học siêng năng. Còn tôi thì hay đùa giỡn nói tào lao và học hành kiểu tà tà đối phó.
Những lúc có bài kiểm thì sự khác biệt giữa tôi với Trân Châu rất rõ nét. Trong lúc tôi ngọ nguậy tìm cách giúp cho những đứa bạn xung quanh đang phát tín hiệu cầu cứu thì nàng vẫn tỉnh bơ như sáo ngồi làm bài một mình, phong cách rất là vô tư nghiêm chỉnh. Nàng không thích gian lận nên nhiều lần bảo tôi:
-Sao Duy Khải không khuyên các bạn học bài, mà cứ phải hé bài của mình cho họ nhìn vậy? Làm vậy chi có khổ sở hông?
Tôi ra sức thanh minh:
-Trời, Trân Châu làm như tôi có quyền lực gì to lớn lắm với họ vậy! Bộ tôi nói là họ nghe sao?
Nàng lắc đầu, cong đôi môi hồng lên cãi:
-Nhưng nếu Khải hổng cho họ quay cóp nữa thì họ phải tự học thôi!
Nàng nói nghe qua thì cũng có lý, nhưng thật ra vấn đề phức tạp hơn vậy nhiều. Không giúp cho họ ư? Cũng được, và tôi đã từng làm rồi hồi còn ở cấp hai. Khi đó tôi đã rút ra được một bài học từ kinh nghiệm bản thân vô cùng quý báu.
Dạo đó tôi đã xử sự y như Trân Châu nói bây giờ, tức là đèn nhà ai nấy sáng, trán nhà ai nấy xỉ. Tôi lên án và coi thường những ai quay cóp. Nhưng thực tế nó khác xa những bài học trong sách nội quy. Nào là “giúp bạn quay cóp thật ra chỉ hại bạn”, rồi lại “phải tự dùng sức mình để vượt qua khó khăn”…
Công nhận những điều đó nghe trên lý thuyết rất kêu, nhưng tiếc thay khi áp dụng vào thực tế nó không đơn giản chút nào. Chỉ biết rằng một thời gian sau nhiều đứa đã xem tôi như một kẻ xa lạ từ rừng mới xuống. Họ chỉ trích tôi bỏ rơi bạn bè, “ích kỷ” chỉ biết lo cho mình, rồi nói xấu nói móc, cô lập tôi. Không những vậy còn tìm đủ mọi cách để cà khịa hoặc gây sự với tôi nữa. Mỗi lần đến trường là thực sự một cực hình đau đớn, và nó buộc tôi phải thay đổi từ đầu.
Trân Châu có lẽ chưa hiểu được điều này. Nàng vẫn muốn trở thành thánh thiện như thế đó, và tôi thật lòng muốn nàng hãy mãi thánh thiện như chính khuôn mặt của nàng, nó hồn nhiên trong sáng quá.
Có thể ở trường cũ của nàng, ai ai cũng đều là học sinh ngoan giỏi thì vấn đề như ở lớp tôi chắc không bao giờ có rồi, và có lẽ vì thế nàng chưa từng bị “trù dập” giống như tôi để biết cách cư xử thích hợp mà tồn tại chăng. Nàng chắc đang ở vào giai đoạn “tiền sử” của tôi rồi, vì cứ nhìn sự việc hồi đầu năm cũng đủ biết. Khi phải gia nhập vào một môi trường khác, nếu người ta không chịu thức thời và thay đổi, đương nhiên sẽ bị đào thải.
Những điều này tôi thật khó mà nói cho nàng hiểu, bởi không khéo nàng lại cho tôi lên mặt dạy đời thì kẹt lắm.
Cho nên khi nghe nàng nói vậy tôi chỉ cười nói cho qua:
-Hơn nữa tôi cũng thấy trò chơi này thú vị!
Nàng nhướng mày ngạc nhiên:
-Có gì đâu mà thú vị? Đau tim thì có!
Tôi giải thích kiểu giỡn chơi:
-Sao không thú vị chứ? Trân Châu nghĩ coi! Một bên tìm một bên giấu rà qua rà lại rất vui, lại hồi hộp nữa. Phe ta được bạn bè ủng hộ hết mình. Tôi còn được họ nể nữa, có oai không chứ!
Nàng bĩu môi phản đối:
-Nhưng nếu bị bắt thì kể như tiêu tùng!
Tôi ngơ ngác hỏi lại:
-Sao lại tiêu tùng? Mấy người không học bài quay cóp gian lận thì mới sợ, còn tôi cho họ chép thì có gian lận gì đâu mà phải sợ!
Nàng tỏ vẻ bất ngờ, rồi điềm đạm giải thích:
-Hổng đúng đâu! Theo như Châu biết người quay và người cho quay đều bị phạt như nhau. Khải mà chủ quan như vậy cuối cùng sẽ ân hận đó!
Tôi thoáng suy nghĩ. Quả thật điều này làm tôi hơi bất ngờ. Tôi bán tin bán nghi. Sao lại có chuyện lạ lùng như vậy nhỉ? Tôi không gian lận thì sao lại bắt lỗi tôi được? Tôi chỉ có lòng tốt giúp bạn bè thôi mà!
Một phút im lặng trôi qua, nàng chợt hỏi:
-Khải đã cho người khác quay cóp như vậy bao nhiêu lần rồi?
Tôi xoa cằm nghĩ ngợi rồi câng mặt đáp:
-Bài tập về nhà hoặc làm theo nhóm trong lớp thì nhiều lắm, không nhớ nổi. Còn bài kiểm tra thì thỉnh thoảng, nếu điều kiện cho phép.
Nàng mỉm cười, giọng tinh nghịch:
-Vậy đã bao giờ bị bắt chưa?
Tôi ưỡn ngực hãnh diện:
-Chưa bao giờ!
Lúc đó nàng chỉ lặng thinh, nhưng một lúc sau quay sang nhí nhảnh:
-Thế nào có ngày Khải cũng bị bắt phạt cho mà xem. Tin hông?
Rồi nàng nhoẻn miệng cười thật tươi như hoa. Thấy nàng vui tôi cũng cười theo. Lúc đó tôi chỉ cho đó là một câu nói đùa vô thưởng vô phạt, không ngờ điều nàng nói lại trở thành sự thật mới chết. Chắc tại tôi ngốc nghếch muốn thách thức câu “Đi đêm có ngày gặp ma” tiền nhân đã dạy.
Hôm đó lớp có bài kiểm tra cuối chương khá dài. Tôi đã chuẩn bị học xong đầy đủ nên rất tự tin, chỉ chuẩn bị sẵn giấy bút ngồi đợi thầy cho đề.
Bắt đầu giờ làm, cả lớp im phăng phắc, chỉ nghe tiếng bút viết mài trên mặt giấy nghe sồn sột rất xôm tụ. Đang say sưa làm, tôi bỗng thấy ái đó đạp đạp nhè nhẹ vào mông. Thì ra là thằng Hào ngồi ngay sau lưng tôi đang ra tín hiệu cầu cứu. Chắc nó bị kẹt một câu hỏi nào đó.
Không nỡ bỏ rơi bạn bè trong nguy khốn, thừa lúc thầy đang không để ý, tôi hơi nhích người sang bên phải một chút, đẩy tờ bài làm của tôi sang bên trái nghiêng nghiêng lên cỡ một góc chừng ba mươi độ để Hào đàng sau có thể nhìn dễ hơn.
Chừng đâu được mười mấy giây, bỗng một tiếng nói rắn gọn phá vỡ không gian yên tĩnh, làm tôi giật nảy mình trong hãi hùng:
-Hai em kia, đem bài lên đây!
“Hai em kia” còn ai khác hơn là thằng Hào và tôi. Chúng tôi đã bị thộp rồi. Hai đứa thểu não cầm tờ bài làm lên bàn thầy giáo.
Nãy giờ Trân Châu vẫn tập trung im lặng làm bài đâu để ý gì đến hành động của tôi và Hào. Đến khi nghe thầy lên tiếng nàng mới biết chúng tôi đã bị bắt, nét mặt đầy vẻ lo lắng. Cả lớp đang hồi hộp xem thầy sẽ phán cho hai đứa chúng tôi hình thức kỷ luật nào. Phòng học im lặng đến rợn người.
Sau khi cầm hai tờ bài giải của tôi và Hào lật qua lật lại xem xét, thầy nhìn xuống nghiêm khắc trừng trị:
-Hai em đã gian lận khi làm bài kiểm, do đó bị 0 điểm. Lớp trưởng đâu, đề nghị cô giáo chủ nhiệm hạ điểm hạnh kiểm hai em này một bực tháng này cho tôi!
Tôi ngang bướng cãi lại:
-Thưa thầy, em không làm gì gọi là gian lận cả!
Thầy gằn giọng:
-Em tuy không gian lận, nhưng cho người khác chép bài giải của mình là đồng lõa với gian lận, nên cũng bị phạt như nhau.
Lý luận này nghe quái gở thật! Giúp đỡ người khác mà lại bị phạt? Lòng tốt mà lại bị đối xử một cách chà đạp bất công như vậy ư?
Tôi không phục lắm nhưng cũng chẳng làm gì được. Hóa ra hôm trước Trân Châu đã nói đúng! Thôi luật của họ thì mình phải theo thôi! Phải chi tôi nghe lời nàng thì…
Trong lúc đang cay đắng suy nghĩ mông lung thì giọng thầy lại vang lên kéo tôi về lại cái hiện thực tái tê rách mướp:
-Thôi hai em về chỗ đi! Các em khác tiếp tục làm bài! Còn bảy phút nữa hết giờ.
Tôi lầm lũi trở về chỗ cũ, nét mặt dàu dàu không vui. Trân Châu ngước lên nhìn tôi ái ngại rồi nhích tới để cho tôi đi vào, đoạn tiếp tục làm bài của nàng.
Còn lại thời gian rảnh rỗi chẳng làm gì, tôi đưa mắt nhìn quanh phòng học. Nhiều đứa đang cắm cúi viết viết chép chép. Có đứa đang rất gấp gáp như thể không làm kịp giờ. Một số đứa đang dừng viết ra vẻ suy nghĩ lung lắm. Có đứa lại ngồi khoanh tay nhắm mắt như đang ngồi thiền, chẳng biết có làm được không mà phong thái ung dung tự tại thấy bắt nể. Thật hiếm khi có một cơ hội quái đản như thế này để nhìn người khác làm bài mà mình thì rung đùi ngồi chơi.
“… Reng… Reng…”
Tiếng chuông hết giờ vang lên chói tai. Lần đầu tiên tôi thấy bảy phút trong giờ kiểm tra kéo dài đến như vậy.
Tiếng thầy vang lên:
-Các em nộp bài nhanh lên! Ai chậm bị trừ điểm à!
Thế là tiếng la hét í ới “Chưa!… chưa!…”, “Đợi tí thầy ơi!” vang lên khắp lớp cùng tiếng chân chạy thình thịch như vỡ chợ. Mọi lần chắc là cũng có tôi trong số đó rồi, nhưng hôm nay tôi là người ngoại cuộc, được “vinh dự” khoanh tay đứng nhìn mọi người lăng xăng cuống quít. Thật vui mắt!
Khi thầy ra khỏi lớp rồi, cả đám đổ xô lại chỗ thằng Hào và tôi đàm luận xối xả về hai “nạn nhân”.
Thằng Cường vừa cười vừa mỉa mai:
-Tội cho tiên sinh tui quá tụi bây ơi! - rồi nó chu mỏ huýt một cái nhão nhoẹt nghe rõ ghét.
Thằng Bảo cũng bô bô:
-Lâu lâu cũng bị một lần như mọi người để khỏi phân bì chớ!
-Lão Khải bị tổ trác… ha ha…
Nghe thằng Lâm triết lý rởm pha mỉa mai:
-Cái này gọi là chơi dao cũng có ngày đứt tay! Cần băng y tế dán vết thương lại không, tao có nè?
Tự nhiên tôi cảm thấy bực bội vì thái độ của đám bạn. Mình gặp nạn mà chẳng có thằng nào nói được một câu đàng hoàng an ủi, lại còn chế nhạo nữa chớ. Mọi lần tôi giúp ai đó trót lọt thì họ mặt mày tươi hơn hớn, khen nịnh đủ điều. Hôm nay cũng vì giúp người ta mà tôi bị họa lây mà tụi nó còn làm trò nữa.
Tôi bực mình lặng thinh quay bước bỏ đi, định bụng tìm thằng Chánh than phiền những điều vừa xảy ra, và cũng sẵn dịp nói cho nó biết trước chắc tôi phải ngừng không thể tiếp tục cho nó cũng như người khác quay cóp nữa. Bài học hôm nay làm tôi sợ rồi!
Tới sân thể thao nơi mà lớp tôi vẫn thường tụ tập chơi đùa nhưng không thấy thằng Chánh đâu, tôi bèn ủ dột quay trở lại, trong bụng rầu rầu vì vừa bị điểm kém vừa bị bạn bè châm chọc.
Khi ngang qua thư viện, chợt nghe tiếng gọi thật trong:
-Khải, Duy Khải, đi đâu vậy?
Quay lại thì thấy Trân Châu. Nàng đang ngồi trên một băng ghế gần cửa thư viện.
Tôi bèn bước lại gần hỏi vội:
-Trân Châu thấy Chánh đâu không?
Nàng nhíu mày nghĩ ngợi rồi đáp:
-Chánh hả? Hồi nãy Châu thấy Chánh cầm bài chạy theo thầy vào phòng giáo viên. Chắc là vào nộp đó!
Tôi gật đầu đáp nhanh:
-Cám ơn Trân Châu nhé!
Đang dợm bước định đi nhưng chợt nhớ ra một điều, tôi quay lại nhắn:
-Hôm nay Trân Châu ăn một mình đi, tôi đang vội lắm!
Rồi không đợi nàng trả lời, tôi cắm cúi đi thẳng một cách gấp rút. Mọi ngày tới giờ chơi tôi và nàng vẫn thường cùng nhau xuống căn-tin ăn chè hoặc uống nước. Chúng tôi hẹn gặp tại cổng thư viện nên nàng vẫn thường đợi tôi ở đó.
Hôm nay tại cái vụ khỉ gió này làm tôi bực bội quên khuấy đi mất. Chắc là nàng đã đợi khá lâu. Bây giờ tôi xuống trễ, không biết tìm cách xin lỗi người ta thì thôi lại còn nói năng một cách lạnh lùng với nàng nữa. Thật là tôi sai quá! Giờ nghĩ ra thì đã muộn.
Thôi đành vậy! Hy vọng nàng sẽ không giận đâu, bởi nàng là một cô gái rất vị tha và hơn nữa đã quen với tánh tôi như vậy rồi.
Vừa tới trước cửa phòng giáo viên thì thấy Chánh cũng từ trong đó đi ra. Thấy tôi nó ngạc nhiên hỏi:
-Mày đi đâu tới đây?
Tôi hơi xẵng giọng:
-Đi tìm mày chứ chi! Còn mày?
Chánh nhăn mặt giải thích:
-Tao làm bài bị trễ nên đuổi theo thầy để nộp bài. Thầy không chịu nhận, nên tao phải năn nỉ nãy giờ đó.
Tôi ngắt lời:
-Rồi sao, thầy nhận chưa?
-Tao xin mùi quá nên thầy nhận. Nhưng mà bị trừ hai điểm lận.
Tôi cay đắng khinh khỉnh đáp:
-Vậy là may cho mày rồi! Tao bị trừ hết luôn thì sao!
Im lặng một lúc Chánh băn khoăn:
-Còn mày tìm tao có chuyện gì gấp vậy?
Đúng là thật ra không có gì gấp thật. Nhưng hồi nãy bực mình quá tôi muốn nói ra cho đỡ tức. Bây giờ đã bình tĩnh lại, tôi xuống giọng:
-Cũng chẳng có gì! Hồi nãy tao bị vài đứa chọc quê cái vụ bị thầy phạt vì cho thằng Hào quay, lúc đó có tức chút nhưng giờ hết rồi!
Chánh khoa tay an ủi:
-Mày để bụng chi ba cái chuyện đó!
Tôi ôn tồn giải thích:
-Nhưng cũng vì chuyện đó tao cũng nói trước với mày, có lẽ mày phải tự lo học chứ không nên hy vọng vào tao như lúc trước nữa đâu. Có gì cả hai bị phạt tao không muốn! Hơn nữa về lâu dài cũng tốt hơn cho mày.
Chánh gật đầu tỏ ra hiểu biết:
-Tao hiểu rồi! Đừng bận tâm chuyện đó nữa!
Nó chợt nhìn quanh rồi trố mắt hỏi:
-Ủa, Châu đâu rồi?
Tôi nheo mắt:
-Hỏi chi vậy?
Chánh nhún vai:
-Mọi lần tao vẫn thấy hai đứa bây ở căn-tin. Sao hôm nay mày để nhỏ một mình mà đi tới đây?
Tôi ấm ứ đáp:
-Ờ… tại tao vội tìm mày nên thôi. Mai gặp chứ có gì đâu!
Chánh lắc đầu nhăn mặt không hài lòng:
-Đâu có được! Thật là bậy quá! Mày không sợ đứa khác bợ sao? Nãy giờ chắc nhỏ đợi mày mỏi cổ rồi. Thôi đi tìm mau đi cha!
Tôi tính nói với nó rằng tôi với Trân Châu chỉ là bạn. Thằng nào bợ cũng được chứ có chết ai đâu. Nhưng thấy nói năng dài dòng mà chưa chắc gì nó hiểu, hơn nữa hôm nay tôi cũng có hơi vô tình thật, nên chỉ gật đầu bỏ đi.
Khi ngang chỗ mà tụi con gái đang tụ họp, tôi thấy Trân Châu đang ngồi cạnh nhỏ Liên, bèn vẫy tay gọi lớn:
-Trân Châu ơi, đi lại căn-tin nhe!
Thấy nàng quay sang nói với Liên gì đó, rồi mỉm cười đi lại cùng tôi hướng phía căn-tin. Tôi nghe tiếng cười khúc khích và xầm xì to nhỏ của mấy cô nàng nhiều chuyện sau lưng nhưng cứ lầm lì lặng im đi thẳng.
Lúc chúng tôi ngồi vào bàn, nàng quan tâm hỏi han:
-Khải tìm Chánh chi mà gấp vậy?
Tôi thật tình kể lể:
-À, chỉ than phiền với nó là tôi bị vài người trêu chọc vì ăn điểm 0, và cũng thông báo với nó là tôi từ đây không cho ai quay nữa.
Rồi tôi nhìn nàng cười hóm hỉnh:
-Tôi làm theo ý Trân Châu rồi đó, chịu chưa?
Nàng chỉ cười không trả lời mà hỏi lại:
-Khải nói vậy rồi Chánh có buồn hông?
-Không, nó tỏ ra thông cảm.
Ngưng một chút, tôi gật gù:
-Công nhận Trân Châu đoán linh thiệt! Nói tôi sẽ có ngày bị bắt phạt thì quả nhiên xảy ra thật!
Nàng cười nhí nhảnh:
-Châu nói rồi mà ai biểu Khải hổng chịu tin? Nếu chịu thì bây giờ đâu có chuyện.
Tôi cũng phì cười nói đùa:
-Thôi bây giờ tôi tin rồi! Vậy mai mốt Trân Châu nói cái gì hên hên giùm tôi nhen!
Nàng bật cười thích thú, gương mặt ngời lên như tỏa sáng cả căn-tin, vui đùa:
-Nếu Châu nói gì cũng thành sự thật được thì chắc bị đủ loại người tìm cách bắt cóc rồi.
Cả hai cùng cười sảng khoái. Bỗng chợt nhớ ra điều gì, nàng bèn hỏi với nét mặt ái ngại:
-Khải bị 0 điểm rồi còn bị hạ điểm hạnh kiểm tháng này nữa. Về nhà chắc bị la rầy nhiều lắm ha? Có sao hông?
Tôi lừng khừng khoát tay:
-Đâu có gì đáng đâu! Gỡ lại mấy hồi.
Có cái việc cỏn con như vậy mà nàng xem rất quan trọng. Đúng là con gái! Nhưng đây là bài học để tôi không để nó xảy ra lần nữa.
Nghe tôi trả lời với thái độ ngang ngang bất cần, nàng chỉ lặng im. Còn tôi thì cười cười lì lợm. Đã quen với tính khí ấy của tôi rồi, chắc nàng không còn cảm thấy lạ lùng khó chịu nữa.
Từ ngày quen biết và thân với Trân Châu cho đến nay tôi với nàng đã hiểu nhau nhiều hơn. Làm bạn với nàng, tôi hình như không phải sợ bị nàng giận bao giờ. Tôi vẫn luôn xem nàng là một người bạn tốt và rất lấy làm ngưỡng mộ, bởi tôi hiểu nàng có nhiều đức tính hơn tôi. Và một người con gái phải thật hoàn hảo - tôi tin thế - mới có thể chịu nổi và làm bạn thân với một tên con trai xơ cứng kỳ cục như tôi. Cứ nhìn các cô nàng khác trong lớp cũng đủ biết rồi. Với một nhân cách như vậy lại xinh đẹp khả ái, nàng khiến cho người khác dễ cảm mến là lẽ đương nhiên.
Còn một điều rất lạ nữa là từ ngày chơi thân với Trân Châu, tôi nhận ra mình trở nên đứng đắn tốt ra hơn. Dần dần tôi không còn thói cáu gắt càn rỡ như xưa nữa. Rõ ràng cái tư cách và tình bạn của nàng đã có những tác động tích cực cho tôi, và trong lòng tôi rất biết ơn nàng vì chuyện đó.
Chẳng biết tâm tình có gì hòa hợp không mà đối với tôi nàng cũng tỏ ra rất là quyến luyến. Trong lớp chúng tôi đâu có thiếu những đứa con trai bảnh bao hào hoa. Họ hơn tôi về nhiều mặt - gia thế, sự ga lăng, cách ứng xử, tài ăn nói, ngoại hình. Tôi vẫn thường nghĩ đến điều này mà vẫn không đoán ra lý do.
Thôi, dù sao đó cũng là chọn lựa của nàng, thích hay ghét ai là quyền tự do của mỗi con người, và chẳng có lý do gì để suy nghĩ nát óc về một điều mà mình không thay đổi được.
Tôi còn có cái may mắn được nghe Trân Châu tâm sự những điều mà nàng không hề nói với ai khác trong lớp. Cũng có thể tôi là người kín miệng, nhưng điều này khiến tôi hãnh diện không ít vì nàng thật sự có một niềm tin tưởng đặt vào riêng mình.
Nhớ có một lần gần đây Trân Châu vào lớp học mà nét mặt bỗng dưng buồn buồn khác thường. Hôm đó nàng rất ít nói, kể cả với tôi, chỉ lặng lẽ chép bài, đôi khi chống cằm nhìn xa vắng ra ngoài cửa sổ rồi chốc chốc lại buông tiếng thở dài. Nhìn nàng rõ ràng là đang có điều gì không ổn, nhưng về mặt thể chất hay tinh thần đây? Nàng bệnh ư, hay đang trầm uất vì điều gì?
Tôi thấy hoang mang trong lòng và lo lắng vô cùng. Tự nhiên thấy nàng buồn tôi cũng hết còn hứng thú gì với những trò chơi thường ngày nữa, nhưng chỉ kín đáo theo dõi mà không tiện hỏi.
Tới gần giờ học cuối, tôi bứt rứt quá chịu không nổi bèn quay sang nhỏ nhẹ hỏi:
-Hôm nay tôi thấy Trân Châu buồn quá!… không được khỏe hả?
Nàng quay sang nhưng không nhìn thẳng tôi, chỉ cười nhẹ lắc đầu, vẻ mặt buồn hiu hắt:
-Châu vẫn khỏe mà!
Tôi không bỏ qua, gặng hỏi:
-Tôi biết Trân Châu đang rất buồn và chắc phải có tâm sự!… Có thể nói cho tôi biết được không?
Có lẽ lúc đó giọng nói của tôi nghe chân tình và tha thiết lắm hay sao đó, mà nàng tỏ ra xúc động, đôi mi đẹp chớp nhẹ. Nàng nhìn tôi trầm buồn:
-Duy Khải có biết cũng hổng giúp gì được Châu đâu. Vậy thì cũng đừng nên biết làm gì!
Tôi linh cảm đang có chuyện gì thật nghiêm trọng sâu sắc xảy ra với nàng, lòng xao xuyến mãnh liệt, ân cần dỗ dành:
-Trân Châu đừng nói vậy! Nhiều khi chỉ cần được nói ra và có người thông cảm chia sẻ với mình cũng tốt hơn nhiều rồi. Trân Châu nói nhé?
Nàng lặng im một lúc rồi thở dài, giọng chán chường:
-Vâng, nếu Khải thật sự muốn biết. Chẳng là… là…
Tôi nóng ruột quá hỏi dồn:
-Là gì vậy Trân Châu?
Nàng ngước mặt lên nhìn bâng quơ đáp một cách vô hồn:
-Có người muốn… xin hỏi cưới Châu cho con trai của họ!
Lấy chồng à? Tôi chỉ là bạn thôi nghe mà còn sững sờ, huống gì là nàng. Chuyện con gái lấy chồng sớm chỉ nghe trong sách truyện xa xưa, hoặc cũng có nghe xảy ra ở những vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh, nơi mà người phụ nữ không có điều kiện để học hành hoặc theo đuổi một sự nghiệp cho riêng mình. Nhưng bây giờ là thời buổi hiện đại, lại ở thành thị văn minh, tôi đâu ngờ cái hiện tượng chết tiệt này vẫn còn phổ biến hay sao!
Trân Châu chỉ mới mười bảy tuổi. Lấy chồng ở tuổi đi học như thế không biết tốt ở điểm nào, chỉ biết là cái trách nhiệm làm vợ, làm mẹ sẽ chôn vùi tuổi xuân hoa mộng của nàng với bao ước mơ ấp ủ, trường lớp bạn bè hồn nhiên, mối tình đầu trong sáng thơ ngây nàng sẽ có với người nàng yêu, và cả tương lai sự nghiệp. Trân Châu thông minh học giỏi như vậy, chắc chắn sau này sẽ thành tài, và bất cứ ngành nào nàng muốn học tôi tin chắc nàng sẽ thành công rực rỡ. Vậy mà…! Thật tội nghiệp cho nàng!
Nghĩ tới đây bất giác tôi thở dài áo não, cảm thông sâu sắc cho người bạn gái hiền lành giỏi giang nhưng thật bất hạnh phải vương vào sự trói buộc của hôn nhân quá sớm, và chợt thấy buồn da diết như một thảm họa cuộc đời của chính mình vậy.
Nàng thì sẽ an phận như vậy rồi. Còn tôi, tôi sẽ mất đi một người bạn, một cô bạn thân đầu tiên đúng nghĩa trong đời. Mai mốt theo chồng rồi, nàng sẽ để lại một khoảng trống cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Một khoảng trống hữu hình ở chỗ ngồi kế bên và một khoảng trống khác vô hình còn lớn hơn nhiều trong lòng tôi, một khoảng trống mà sẽ khó có ai bù đắp nổi. Dù cho cô giáo hay thằng Thương có dời bất cứ đứa nào đến thế vào chỗ ấy đi nữa, sẽ chẳng có ai giống như nàng đâu!
Sao nàng chưa về nhà chồng mà tôi đã thấy một sự hoang vắng lạnh lẽo đến buốt cả tim rồi!
Từ đây trở đi, mỗi ngày được gặp nàng sẽ đều là vô giá, vì nó còn quá ít ỏi, quá phù du.
Tôi bần thần ngước lên nhìn Trân Châu, không nhận ra mình đã gục đầu tê tái nãy giờ, chìm đắm trong luồng suy tưởng không biết bao lâu nữa.
Có lẽ ánh mắt và nét mặt tôi lúc đó nhìn bi thảm đau xót lắm, đến nỗi Trân Châu phải hốt hoảng ngược lại cho tôi. Nghe giọng nàng hớt hải:
-Duy Khải có sao hông vậy? Châu thật hổng ngờ lại làm Khải xúc động tới mức như thế này!
Tôi nghe nghẹn nơi cổ họng, buồn bã như sắp đánh mất một cái gì quý giá nhất, thẫn thờ đáp:
-Vậy là Trân Châu bị ép gả sao? Và chừng nào thì họ muốn cưới?
Trân Châu nghe vậy nhoẻn cười, xua tay nhỏ nhẹ:
-Hổng phải ép gả gì đâu Khải! Họ chỉ hỏi thăm nếu chịu thì mới tính tiếp.
Tôi kinh ngạc, trố mắt hỏi lại:
-Ủa, như vậy là Trân Châu hoàn toàn có quyền quyết định, không bị gia đình bắt buộc hả?
Nàng gật đầu mỉm cười thay cho câu trả lời.
Tôi càng kinh ngạc hơn, ngây ngô hỏi:
-Nếu vậy sao Trân Châu lại buồn dữ vậy?
Nàng bẽn lẽn bày tỏ:
-Vì… Châu thấy mình còn nhỏ quá, còn đi học. Tự nhiên đâu đâu người ta nói chuyện chồng con với mình, thấy như mình sắp mất đi tuổi thơ. Hổng buồn sao được!
Tôi chợt thấy vui mừng khôn xiết, mà cũng không hiểu tại sao nữa, thở phào ra nhẹ nhỏm:
-Trời! Vậy mà tôi nãy giờ tưởng Trân Châu sắp bị ép gả nay mai. Nếu Trân Châu không thích thì cứ từ chối, rồi quên chuyện đó đi chứ buồn làm gì!
Nàng mím môi, gật đầu kiên quyết:
-Chắc là Châu sẽ làm như vậy.
Tôi nhìn nàng cười hỏi giọng pha chút tinh nghịch:
-Sao nè, nói ra rồi Trân Châu thấy nhẹ hơn chút nào chưa?
Nàng gật đầu vui vẻ:
-Rất nhiều đó chứ! Bây giờ Châu sẽ hông buồn nữa.
Hai đứa cùng nhìn nhau cười. Chưa lần nào tôi thấy vui như vậy. Nghĩ cũng lạ! Chuyện cô bạn học của mình không muốn lấy chồng thôi mà tự nhiên tôi lại thấy mừng vui cùng cực, làm như là chuyện của chính mình không bằng. Tôi rõ là vô duyên không thể tưởng!
Trân Châu thân với tôi như vậy đó, có thể kể cho tôi những điều mà nàng không nói thậm chí với bạn gái thân của nàng. Riêng có một điều làm tôi luôn khó nghĩ là mỗi khi tôi hỏi tới gia đình thì nàng lại nói lảng qua chuyện khác, hoặc chỉ nói qua loa chiếu lệ chẳng đâu vào đâu cả.
Biết nàng có ý tránh, dần dần tôi cũng chẳng hỏi nữa. Tuy vậy từ sâu thẳm tôi vẫn rất phân vân về thái độ của nàng, bởi lẽ chơi thân với ai đó mà chẳng biết tí gì về gia đình của người ta thì cũng lạ.
Ngay những lúc ra về tuy hai đứa đi chung, song chỉ được một quãng tới ngã tư là nàng rẽ lối khác. Chưa bao giờ nàng ngỏ ý cho tôi biết nhà. Bạn bè thân thiết biết nhà nhau là việc quá thường đâu có gì húy kỵ, thật chẳng hiểu sao nàng làm vậy. Cho nên chúng tôi chỉ thật sự giao thiệp với nhau ở trường, còn khi về nhà là hoàn toàn cách biệt.
Muốn nhất định biết nhà cửa địa chỉ của nàng thì rất dễ, chỉ việc lật hồ sơ cái trên bàn giáo viên là có hết. Nó nằm chình ình trên bàn mỗi ngày mà đứa nào cũng có thể lên xem được. Nhưng tôi không muốn và cũng không thích làm như vậy. Tôi chỉ cần chính nàng nói ra những điều ấy. Còn nếu nàng thật sự ngại, vì bất cứ lý do gì, thì tôi sẽ tôn trọng quyết định của nàng và sẽ không hỏi tới.
Mọi chuyện có lẽ cũng sẽ chỉ có vậy, nếu như không có hôm ấy…
☘︎
<bài viết được chỉnh sửa lúc 12.10.2020 01:03:17 bởi Hồi Kha >