CHƯƠNG BẢY.
Buổi tối, bà thấy con gái đứng trước gương chải đầu, thoa một chút son lên môi và chọn áo đến ba lần, bà hiểu : Có một cái gì đó rất hệ trọng đang đến với con gái mình.
Chiều nay nó bảo bà.
- Má ơi! Chiều nay đi chợ, má mua cho con mấy cây sả và một ít bồ kếp nghe má.
Bà đã hỏi nó
- Mua làm chi?
- Để con gội đầu.
- Gội đầu?
Bà ngạc nhiên hỏi lại. Nhìn vẻ mặt ngạc nhiên của mẹ, cô cười tinh quái bảo bà giọng nửa đùa nửa thật
- Má chẳng bảo con gần ba mươi rồi sao. Phải thả thính chứ má.
- Từ xưa đến nay, tao chả thấy ai gội đầu bằng sả với bồ kếp bao giờ. Sao mày không ra tiệm gội đầu?
Nó lại cười, vẫn nói với bà theo cái giọng nửa đùa nửa thật ấy.
- Đây là con cá to mà má. Cái loại thính ở các tiệm gội đầu sao mà nó cắn câu. Loại thính này là của gái Bắc đấy má. Nghiệm lắm.
Sả thì sẵn. Nhưng bồ kếp, bà phải đi đến tận chợ Hà nội mới mua được. Và nó đã gội đầu bằng nước sả thật. Bà đã phải đun nước và giúp nó gội đầu. Khi rót những ca nước đen đen, thơm lựng lên mái tóc suôn mượt của con gái, cái mùi thơm quyến rũ của sả và bồ kếp khiến cho bà tin rằng con gái bà không nói đùa. Bà đã khấp khởi mừng thầm. “Chao ôi! Bây giờ mà được bế đứa cháu thì có chết bà cũng không còn gì phải ân hận nữa”
Đang mải ngắm mình trước gương, bỗng cô cảm thấy gáy mình nong nóng. Quay lại, bắt gặp ánh mắt vui mừng của mẹ đang nhìn mình. Cô hiểu bà đang nghĩ gì. Cô thoáng buồn. Chính cô cũng không thể hiểu rõ cảm giác của mình. Một đêm đi khách? Đúng! Mà cũng không đúng. Nó đúng vì trong cô có một chút toan tính lo lắng. Một đêm hò hẹn? Không đúng! Mà hình như cũng đúng. Nó đúng vì trong cô có một chút xao xuyến, bâng khuâng. Hai thứ tình cảm này trộn lẫn trong cô.
Chiều nay, cô nhắn cho ông một tin nhắn.
- Anh à! Em thèm cà phê mà hổng có tiền.
Ông ta trả lời ngay.
- Tối nay anh mời em cà phê nhé.
- Có phiền không anh?
- Phiền gì! Tám giờ tối nay tại điểm hẹn cũ nhé.
Đầu tiên ông viết “Ở quán cà phê cũ nhé” nhưng rồi nghĩ một lúc, ông lại đổi thành “ Điểm hẹn cũ”
Nhìn cái câu “Chỗ hẹn cũ” cô biết con mồi đã sa vào lưới tình của mình. Cô cảm thấy vui vui. Nhìn đồng hồ đã bảy rưỡi, cô định xách xe đi nhưng chợt nhớ đến lời anh dặn “Hãy đến muộn một chút nhưng đừng muốn quá” thế là cô lại nán lại. Còn cách giờ hẹn năm phút, cô đi ra xin phép mẹ.
- Má! Tối nay cho con đi chơi một chút nghe má.
Bà hồ hởi.
- Ừ đi đi! – Bà dừng lại một chút, định không nói gì nữa nhưng rồi không hiểu sao, cái câu bà nghĩ là không nên nói lại cứ buột ra khỏi mồm. – Về muộn một chút cũng được.
Cô đỏ mặt dúi vào ngực mẹ dậm chân.
- Má!
Cô không vào tiệm cà phê bằng cửa chính như mọi lần mà đi vào từ cửa bên. Thấy ông đang hướng mặt về phía cửa chính ngóng đợi, Trên bàn, đặt một bông hồng. Cô đi đến và kéo ghế ngồi xuống bên cạnh. Ông quay lại.
- Em đẹp quá!
Ông thốt lên với ánh mắt ngỡ ngàng. Một chút son môi, rất nhẹ, một làn phấn mỏng, nhưng hơn tất cả là một mùi hương sả thoát ra từ mái tóc bồng bềnh ôm gọn lấy bờ vai thon thả. Một mùi hương mộc mạc chân quê nhưng lại có sức mê hoặc đến kinh người. Một mùi hương có vị mà không một loại nước hoa nào có được. Một vị ngọt thanh, nhẹ lắm lẫn trong cái thoang thoảng của làn hương mà đã từ rất lâu rồi ông không còn được thưởng thức. Chao ôi hương sả! Phải cố gắng lắm, ông mới chống lại được cái bàn tay vô hình của nó như đang kéo ông vục sâu mặt vào mái tóc ấy để hít một hơi dài đến căng lồng ngực. Chiếc áo bà ba đen ôm sát lấy cơ thể, vải không quá mỏng để lộ ra da thịt cho tất cả mọi người nhìn thấy như những cô gái trẻ đang ngồi trong tiệm cà phê này, nhưng cũng không quá dày để cho người ngồi sát cạnh cô, là ông, có thể chiêm ngưỡng, những đường cong trong cái mờ mờ của da thịt. Chiếc áo như một lời muốn nói “Chỉ dành cho riêng cho anh thôi đấy”. Cô, bình dị, đoan trang như một bông sen vùng Đồng tháp bỗng mọc lên giữa tiệm cà phê này.
Ông cầm bông hồng lên trong bộ dạng rất lúng túng. Rõ ràng, cái thói quen tặng hoa trong ông đã mất từ rất lâu rồi. Ông im lặng trao bông hồng cho cô và thay vào điều cần nói là một nụ cười có vẻ ngượng ngập.
- Em cám ơn anh.
Cô cầm bông hồng trong tay ông, tay chạm vào tay. Trong cô dậy lên một nỗi xao xuyến. Đã đi với bao nhiêu đàn ông, chưa bao giờ cô nhận được một đóa hồng. Đây là một đêm đi khách hay đây là một đêm hò hẹn? Một chiếc gai của cành hồng trích vào ngón tay cô đau buốt.
Nhìn ánh mắt ngây ra và cái dáng điệu lúng túng đến tội nghiệp của ông, cô biết: Mình đã thành công. Cô thầm biết ơn những lời khuyên của anh. Cái hiểu biết tâm lí sâu sắc của anh về những người lớn tuổi khi đi với một cô gái trẻ và đẹp đã giúp cho cô lựa chọn được cách ăn mặc này. Phá tan đi cái e ngại mà vẫn đầy quyến rũ. Bây giờ chỉ còn phải thực hiện nốt phần khó khăn nhất của nhiệm vụ anh trao “Buộc ông ngỏ lời và hôn mình”. Muốn vậy phải nhanh chóng rời khỏi quán cà phê này. Đây không phải là chỗ để người đàn ông có thể ôm hôn. Cô thầm nghĩ.
Cà phê được bưng ra. Cô quay sang ông.
- Anh dùng mấy viên đường?
- Cho anh ba viên đi.
Cô nhặt ba viên đường cho vào tách cà phê, nhìn ông với một tia sáng tinh quái lấp lánh bên trong
- Sao đàn ông các anh ai cũng háo ngọt vậy?
“Những viên đường như em làm sao anh có thể không háo” Ông nhìn cô và cái ý nghĩ ấy suýt nữa thì bật ra khỏi mồm. “Những viên đường”, thực ra ông nếm cũng không ít, nhưng toàn là những loại đường ngọt sắc đến khé cổ, nhưng viên đường cát, trong cái ngọt có vị chua chua. Chưa bao giờ ông được nếm một viên đường tinh khiết, trắng tinh, ngọt thanh làm cho người uống cảm thấy sảng khoái thích thú sau khi thưởng thức như viên đường đêm nay. Hơi rụt rè, ông khẽ đặt bàn tay mình lên bàn tay cô đang để trên bàn. Con tim ông nhói lên một nhịp đập bất thường đầy lo lắng. “Nếu cô ta rụt tay lại?…”. Ông kín đáo quan sát cô gái với một tâm trạng hơi căng thẳng, ông thấy cô nhìn xuống bàn tay ông và bàn tay ấy vẫn để im, bất động.
- Cũng còn tùy người. Anh chỉ thích những viên đường tinh khiết thôi.
Ông trả lời cô một cách ý nhị. Cô cúi mặt nhìn xuống, tay mân mê tà áo. Cái hành động e thẹn, kín đáo đầy nữ tính của cô gái làm trong ông dậy lên một ham muốn. Không! Không thể gọi là ham muốn, nó thô bỉ quá. Gọi là gì nhỉ? Ông hơi ngẩn ra, cố gắng tìm một từ thích hợp để lí giải cái tâm trạng của mình. Phải gọi nó là mong muốn, không! Cũng chưa đúng, Trong cái từ “Mong muốn” đó vẫn có cái sắc đen của nhục dục nằm trong. Phải gọi nó là mơ ước. Đúng rồi! Chỉ trong những giấc mơ, mọi thứ mới đều thanh khiết. Phải rời khỏi chỗ này ngay! Ông nâng chén cà phê lên tợp một ngụm hết sạch. Cô gái hơi ngạc nhiên vì cái hành
động hơi kì lạ của ông.
- Em uống đi. Anh muốn rời khỏi chỗ này. Ở đây không khí ngột ngạt quá.
Ông mạnh dạn nói với cô.
- Dạ!
Cô tợp một ngụm cà phê nhỏ rồi đứng dậy.
*
* *
Cô ngồi tựa lưng vào một gốc cây cổ thụ, duỗi thẳng chân lên đám cỏ mượt như nhung kêu lên giọng đầy phấn khích.
- Ôi! Đẹp quá.
Dưới trăng, dòng sông như một dải lụa mềm mại uốn lượn ngay trước mặt. Xa xa, ánh đèn thành phố hắt xuống dòng sông một một vầng sáng rực rỡ, còn tại đây, nơi cách xa thành phố này, chỉ còn ánh trăng dịu dàng tan vào màn đêm để trở thành một màu bàng bạc ôm lấy hai người.
Ra khỏi quán, ông đã thuyết phục được cô để xe lại, lên ô tô của ông. Ông muốn rời xa khỏi thành phố, rời xa khỏi những ồn ào náo nhiệt. Ông muốn một sự tinh lặng, trong một không gian thoáng đãng cho cái mơ ước của ông có chỗ để bay lên.
Ông ngồi xuống bên cạnh cô, cố tình để vai mình chạm nhẹ vào vai cô gái. “Bắt đầu rồi đây”. Cô thầm nghĩ. Cô không nhìn dòng sông nữa mà quay sang hẳn phía ông, ngước nhìn lên. Ánh trăng lách qua tán lá, thoa một lớp phấn vàng rực rỡ lên khuôn mặt kiều diễm của cô gái làm ông cảm thấy ngạt thở. Ông nắm lấy tay cô. Cô im lặng để nguyên bàn tay nhỏ nhắn của mình trong bàn tay thô ráp đàn ông. Cái im lặng của cô gái khiến cho ông dũng cảm.
- Anh muốn được chăm sóc hai má con em.
Nghe ông nói giọng ngàn ngạt, ngần ngại và chen trong đó có một chút sợ hãi. Cô sực nhớ đến lời anh dặn.
- Khi ông ta tỏ tình , em phải vạch ra được cái giới hạn của tình cảm giữa hai người. Cái giới hạn này càng hẹp càng tốt và trong cái giới hạn ấy tuyệt đối không có tiền.
Cô đã ngạc nhiên.
- Sao lại thế? Anh chẳng bảo: Ông ta chỉ là một hình thức “Làm thêm” Khác thôi sao?
- Đúng! Anh đã nói vậy nhưng bây giờ anh đã nghĩ khác rồi. Em phải biến ông ta thành bậc thang đầu tiên để bước ra khỏi vũng bùn. Còn nếu nhận tiền của
ông ta thì hết kiếp này em sẽ vẫn nằm trong vũng bùn đó.
Ngỏ được lời muốn nói, ông nhìn cô chăm chăm, chờ đợi một câu trả lời. Cô cúi mặt, dùng tay dứt những búi cỏ dưới chân suy nghĩ có vẻ lung lắm. Một lúc, cô ngẩng lên nhìn thẳng vào ông.
- Thế còn vợ anh?
- Cái đó… cái đó… . – Ông lúng túng mất vài phút rồi thẳng thắn. – Vợ anh đột quị đã hai năm, chắc rằng bả sẽ không qua khỏi. Nhưng anh không thể và không bao giờ phụ bạc người vợ đã cùng anh chung hoạn nạn suốt mấy chục năm trời. – Ông nhìn cô thể hiện rõ điều đó qua ánh mắt đanh lại – Nhưng em đừng lo lắng về điều đó. Anh đủ sức lo cả cho má con em và cho bả. Hàng tháng, anh sẽ chuyển tiền cho em.
Đột nhiên, ông thấy con mắt cô tóe lên một tia lửa giận dữ.
- Anh muốn biến em thành gái bao của anh sao?
Nói xong câu đó, cô gái giận dữ vùng đứng dậy bỏ đi. Hoảng hốt, ông chạy vội theo, kéo tay cô lại phân trần.
- Đừng nghĩ oan cho anh. Anh yêu em thật lòng. Chúng ta hãy cứ yêu nhau đi đã, khi nào vợ anh mất. – Ông không dùng từ bả để gọi vợ nữa mà dùng từ “Vợ anh”. – Anh sẽ cưới em để trao cho em một danh phận.
Nhìn ánh mắt đau khổ và tuyệt vọng của ông, cô biết đây là những lời chân thật. Trong cô gái bỗng nhiên dấy lên một ý nghĩ đau sót. “Minh đang lừa dối một người đang thực sự yêu mình”. Cô dừng lại, quay về phía ông thú nhận
- Thực ra em cũng có tình cảm với anh, nhưng là vì anh đã quá tốt với má con em chứ không phải vì tiền của anh. Còn nếu muốn làm gái bao thì em lại không chọn anh vì anh chưa đủ giàu.
Mặt hồ đã lặng sóng. Ánh trăng tràn vào đôi mắt hồ thu. Một ngấn nước mắt mỏng làm cho đôi mắt hồ thu trở nên sâu thẳm. Chơi vơi một làn sương khói nhấc ông bồng bềnh trôi. Ông đặt nhẹ một nụ hôn lên đôi mắt ấy và cảm nhận cái vị mặn của nước mắt đàn bà. Đột nhiên, cô gái vít đầu ông xuống và mùi hương đàn bà tràn ngập cả không gian.
*
* *
Khá muộn cô mới trở về nhà. Bà vẫn thức đợi con gái. Nhìn ánh mắt như muốn hỏi của bà, lòng cô thắt lại. Cô đi đến bên giường, ngồi xuống ôm lấy mẹ. Cô biết: Với bà, một người gần đất xa trời, nỗi khát khao được bế đứa cháu của mình cháy bỏng hơn bao giờ hết. “Con thật bất hiếu mẹ ơi”. Ý nghĩ ấy làm cô muốn khóc, nhưng cô cũng không còn cái quyền được khóc nữa. Cô phải cười để làm yên lòng
bà. Dụi dụi khuôn mặt thanh tú của mình vào cổ bà, cô nói thầm.
- Có kẹo con lấy phần về cho má nè.
Cô mở túi xách móc ra một thanh socola và cố tình làm rơi ra bông hồng trắng mà ông tặng. Nhìn hai thứ ấy, mắt bà sáng lên. Socola và hoa hồng! Bà hiểu ý nghĩa của hai thứ đó. Thời bà còn trẻ bà đã rất nhiều lần được tặng.
- Nó là người thế nào?
- Dạ! Ảnh là người đàng hoàng má ạ. Ảnh đi du học vừa về thăm nhà được tuần nay.
Nghe con nói, bà vừa vui vừa buồn. Một người như thế liệu có lấy con mình?
- Hôm nào rảnh con dẫn nó về má coi.
Cô thót tim lại lo lắng. “Nếu má cứ đòi coi mặt…?”
- Sao được má! Mới gặp nhau hai lần đã dẫn về cho má coi mặt nghe bộ kì kì.
Hai mẹ con đi ngủ. Bà nằm ôm lấy con, khẽ vuốt ve mái tóc óng mượt vẫn còn đẫm mùi hương sả của nó mà trong lòng ngổn ngang bao nhiêu ý nghĩ. Bà biết: Bà chẳng còn bao nhiêu thời gian nữa nên cái ước vọng cuối cùng của bà là được dắt tay con gái mình đến giáo đường trong chiếc váy cô dâu và trao nó vào một bàn tay đàn ông có thể thay bà chăm sóc đứa con gái bé bỏng của mình. Bao giờ? Bà cố kìm một tiếng thở dài. Liệu có cái ngày đó không khi mà…. Bà khẽ lắc đầu cố gắng xua đuổi nhưng suy nghĩ hắc ám trong đầu. Đêm nay chắc bà sẽ mất ngủ
*
* *
Bà không thể nào quên được cái khoảng thời gian sau khi chồng chết ấy, một thân trơ trọi, không nhà, không công việc và điểm kinh khủng nhất là không có một tương lai để bà có thể bấu víu vào mà sống. Bà muốn chết nhưng cái nghĩa vụ với gia tộc của chồng , cái nghĩa vụ với đứa con trong bụng đã tước bỏ đi cái quyền được chết của bà.
Bà quay lại thành phố thuê một phòng trọ rẻ tiền Và tối tối, bà xách bộ bàn ghế nhựa ra bán trà đá và cà phê ngoài vỉa hè. Dạo ấy, sài gòn tuy nghèo đói nhưng vẫn còn thanh bình lắm không xô bồ và nhộm nhoạm như bây giờ. Một buổi tối, đã muộn lắm rồi, bà định dọn hàng về ngủ thì một chiếc xe tải đỗ lại bên bàn nước. Cửa xe mở, người lái xe bước xuống đến ngồi xuống ghế.
- Em cho anh cho anh tách cà phê và một bao zet .
Bà hơi ngạc nhiên, giờ này, cánh lái xe Bắc Nam đã tìm được chỗ đỗ qua đêm từ lâu rồi.
- Sao giờ này mà anh hai vẫn còn lái xe đi vậy?
Tò mò bà hỏi. Người lái xe cười hiền lành.
- Chả dấu gì em, anh đi tìm nơi đổ hàng. Em có biết khu này ai chuyên ăn hàng không?
- Anh vào đây lần đầu hả? – Bà hỏi, anh ta gật đầu công nhận. – Em biết vài mối đổ hàng, nhưng anh đổ hàng vào giờ này thì sẽ bị họ bóp chết đấy. Sao không để đến ngày mai thư thả hãy đi đổ hàng?
Người lái xe có vẻ bứt dứt, anh ta thở dài đến sượt một cái.
- Thế thì chết anh rồi. Sáng mai bẩy giờ xe anh đã phải bốc hàng để quay ra Bắc . Mà chỗ bốc hàng cách đây gần bốn chục cây. – Anh ta dừng lại ngần ngừ một thoáng. – Hay là…
Nói đến đây, anh ta bỗng đột ngột dừng lại
- Hay sao?
- Em có thể cho anh gửi nhờ số hàng ở nhà em. Ngày mai, xếp hàng xong anh sẽ quay lại cùng em đi đổ hàng? Nói thật với em, đợt này anh đen quá. Hàng đã dấu kĩ thế rồi mà vẫn bị bọn chốt trên đường săm mất gần hai trăm lít xăng. Bây giờ mà bị bọn ăn hàng bóp nữa thì anh chết chắc.
Nhìn cái vẻ mặt dàu dàu đầy lo lắng của người lái xe bà cầm lòng không đậu nên đã đồng ý. Chiều hôm sau người lái xe quay lại nhà bà và bà dẫn anh ta đến chỗ đổ hàng.
- Bác Sáu! Đây là người quen của con, chỗ thân thiết, bác nới tay cho ảnh một chút nghe bác.
Bà bảo với người ăn hàng. Người đàn bà có tên là Sáu đó nhìn người lái xe từ đầu đến chân rồi lại nhìn anh ta từ chân lên đến đầu rồi mới gật đầu bảo.
- Được thôi! Nhưng chú phải hứa không bao giờ được phụ bạc con cháu tao nghen. Cuộc đời nó đã quá khổ rồi.
Bà dậm chân, đỏ mặt kêu lên.
- Bác Sáu! Chúng con chỉ bình thường thôi mà không có gì đâu.
Bà Sáu bĩu môi đai giọng
- Bình thường! Tao biết cái “Bình thường” của những thằng Bắc kì rồi.
Hai người quay trở về chỗ bà trọ, người lái xe lấy từ số tiền bán hàng ra đưa một ít cho bà.
- Anh gửi em một chút tiền hoa hồng.
Bà từ chối.
- Anh khỏi phải đưa. En chỉ giúp anh thôi mà, lấy tiền hoa hồng của anh làm chi.
Người lái xe nhìn bà với ánh mắt ngạc nhiên. Đây là lần đầu tiên anh vào miền
nam, nhưng khi ở ngoài bắc, anh đã nghe nói nhiều đến đặc điểm của dân miền nam mà những người lái xe bạn anh vẫn kể: “Dân Nam thực dụng nhưng sòng phẳng. Nhờ vả bất cứ điều gì họ cũng phải có tí công”. Lời từ chối của bà khiến cho anh bối rối. Anh đứng thừ người ra một thoáng. Chợt nhìn lên, anh thấy chiếc bàn thờ nhỏ có đặt hình của hai người một già một trẻ. Anh nhớ đến lời của bà Sáu
: “Nó đã quá khổ rồi”, chợt hiểu ra tất cả, anh đi lại chiếc bàn thờ, đặt tiền lên và châm một nén hương. Rồi bảo bà.
- Thế thì thôi vậy! Nhưng anh gửi em một chút tiền để em hương hoa cho anh nhà.
Cái cách đưa tiền kiểu này khiến cho bà không thể từ chối. Tự nhiên trong lòng bà dâng lên một chút gì đó của sự cảm mến. Bà không lạ gì cánh lái xe miền Bắc. Thời còn làm điếm, khách hàng của bà hầu hết là cánh lái xe đường dài Bắc – Nam. Và trong tâm trí của bà, lái xe là những người đệ nhất lăng nhăng, đi đâu vợ đấy. Cờ bạc và đĩ điếm là hai thứ gắn chặt với cuộc đời người lái xe đường dài như bóng với hình. Cái bàn nước của bà không ít những tay lái xe lượn lờ hàng đêm nhưng thấy lái xe là bà đã vội vàng tránh cho xa. Hình như hôm nay cái suy nghĩ ấy không xuất hiện trong đầu bà.
- Anh đã nói vậy thì cho em xin. – Bà nói giọng cảm động. – Hay là hôm nay anh ở lại đây ăn với em một bữa cơm.
Anh chàng lái xe nhận lời ngay. Bà xách rổ đi chợ. Ra ngoài chợ, bà lại gặp bà Sáu. Thấy bà, bà Sáu rối rít vẫy bà lại.
- Sao? Mày câu được con cá ấy từ bao giờ vậy?
- Đâu có bà Sáu! Con với ảnh chỉ là bình thường thôi mà. Thấy ảnh gặp nạn con thương mà giúp thôi.
Lông mày bà Sáu hơi nhíu lại.
- Nó gặp nạn chi?
- Dạ ảnh bị bọn chốt xăm mất hai trăm lít xăng.
- Vậy hả? Thế mà tao cứ tưởng… – Bà sáu chép miệng một cái ra cái điều tiếc rẻ. – Coi bộ thằng ấy cũng hiền lành, mày phải tìm cách tóm lấy nó đừng để cho nó sổng mất không đến khi đẻ một thân một mình thì khổ lắm con ạ.
Lời bà Sáu đánh trúng vào gan ruột của bà. Chồng con vừa mất, trong thâm tâm bà cũng chưa hề nghĩ đến một người đàn ông khác. Khổ nỗi, cái bàn nước đêm của bà kiếm cũng chỉ đủ sống một cách tằn tiện vậy đến khi đẻ thì làm sao đây? Bà bừng tỉnh.
- Dì ơi! Bây giờ con phải làm sao? Mà con cứ thấy sao sao ấy dì ạ. Nhà con vừa mới mất được ít ngày mà.
Bà sáu thở dài một tiếng.
- Biết vậy! Nhưng người mất thì cũng đã mất rồi. Giờ cái mày phải nghĩ là nghĩ cho đứa con trong bụng mày kia kìa. Không nhanh lên, chỉ vài tháng nữa cái bụng nó lùm lùm lên rồi thì còn ma nào nó thèm ngó đến nữa. Mày vẫn còn ngọt nước lắm. Phải tranh thủ vài tháng ngắn ngủi còn lại đào được của nó tí nào hay tí ấy để mà phòng lúc sinh nở.
Lời khuyên bảo của người đàn bà từng trải tuy là có cái gì đấy vừa trắng trợn, vừa có một chút gì đó khốn nạn nhưng rất thực tế. Bà biết, bây giờ bà không còn con đường nào khác để lựa chọn. Bà quyết đinh rắc thính.
*
* *
Đi chợ về đến nhà, việc đầu tiên bà làm là đến trước ban thờ chồng, cắm một nén hương. Bà nhắm mắt thầm khấn trong đầu: “Anh à! Đừng trách mà tội nghiệp em nghe anh. Em phải làm điều này vì đứa con của chúng ta” Khấn xong, bà mở mắt đăm đăm nhìn lên tấm ảnh của chồng. Mùi hương trầm ngan ngát thoảng theo một tiếng thì thầm. “Hãy dũng cảm lên em!”.
Người lái xe đứng im lặng nhìn bà, đợi đến khi bà chắp tay vái lần cuối rồi đi ra bếp làm cơm, anh mới tiến lại đến chỗ ban thờ.
- Cho phép anh thắp một nén nhang cho anh ấy.
Anh ta thắp một nén nhang, cắm lên bàn thờ. Bà thấy mồm anh ấy mấp máy nhưng không biết anh ta khấn gì. Bà đi ra chỗ bếp chuẩn bị làm cơm, người lái xe xăng xái và thân mật.
- Em cần làm gì để anh giúp.
Bà nhỏ nhẹ.
- Không có việc gì đâu! Anh cứ ra bàn ngồi uống nước, em làm một thoáng là xong ngay.
Đột ngột hai người ngửi thấy mùi khét, quay lại, họ thấy bát hương đang bốc cháy đùng đùng. Nhà thuê nên mái nhà rất thấp, ban thờ lại đặt cao. Ngọn lửa nhanh chóng bén lên mái lợp bằng giấy dầu và bốc cháy dữ dội không sao cứu được.
- Chạy đi!
Anh ta kêu lên và nắm tay bà lôi ra cửa nhưng bà vùng mạnh tay thoát ra khỏi người lái xe, lao đến chỗ ban thờ vươn người nhấc khung ảnh ra, rồi mới chịu chạy ra ngoài.
Mọi người đổ xô lại giúp hai người dập tắt được ngọn lửa nhưng gần một nửa
cái mái nhà đã bị cháy trụi. Số đồ đạc ít ỏi trong nhà bị hỏng gần hết. Bà bần thần đứng ngây người nhìn cảnh tan hoang của ngôi nhà. Người lái xe đi lại đằng sau bà, nhẹ ôm lấy vai bà nói với bà giọng ân cần.
- Lỗi là tại anh. Em đừng lo, ngày mai, anh sẽ sửa lại ngôi nhà cho em.
Bà đứng im, ôm chiếc ảnh chồng bị cháy mất một góc trước ngực hơi ngả người ra phía sau tựa cả người vào lồng ngực vạm vỡ của người đàn ông xa lạ.
Tự nhiên bà bỗng có một cảm giác bình yên đến kì lạ. Bà từ từ quay người lại , mặt họ giáp vào nhau, hơi thở bà bỗng trở nên dồn dập. Hơi ngước nhìn lên với cái nhìn gợn sóng của một mặt nước hồ thu đã bình lặng lâu ngày, bà bắt gặp hai ngọn lửa đang rừng rực cháy. Hơi nóng của hai ngọn lửa khiến cho bà cảm thấy mặt mình bỏng rát. Bà cũng không hiểu do hoảng sợ hay vì một điều gì đó mà bà nhắm mắt lại. Đôi cánh tay đàn ông lực lưỡng bỗng ghì riết lấy bà . Bà hơi rùng mình. Cái rùng mình đánh thức một nỗi khao khát đã chết từ lâu trong bà thức dậy, nó khiến cho làn môi mọng chín của bà hé mở để cho một cảm giác để mê lùa sâu vào trong khoang miệng . Họ cứ thế ôm hôn nhau giữa cái hoang tàn đổ nát của ngôi nhà bị cháy.