CHƯƠNG MƯỜI LĂM
Bà nhắc nhở con gái.
-Ngày mai là hai bảy tháng tháng ba đấy.
- Con nhớ mà má. Chiều nay con đi chợ sẽ mua đồ cúng dượng. Sáng mai hai má con mình vào chùa.
Bà cảm thấy hài lòng. Chưa bao giờ con gái bà quên ngày giỗ của dượng nó, một người mà nó không hề nhớ mặt.
Sáng hôm sau, hai mẹ con thuê taxi chở đồ lễ quay lại chùa Linh ứng. Cô lấy một chiếc ghế bảo bà.
- Má ngồi đây để con lau chùi chỗ để tro cốt dượng đã.
Bà ngồi xuống ghế đợi trong lúc con gái bà đi lấy chổi và khăn lau, quyết dọn và tỉ mẩn lau cái chỗ để tro cốt người đã khuất đến sạch bóng rồi mới bày đồ lễ, châm hương và quay sang bảo bà.
- Má ra lễ đi.
Bà đứng dậy, chậm chạp ra đứng trước mâm đồ lễ, quay sang bảo con gái.
- Lấy cái thuốn gạo ra đây cho má.
Cô gái mở cái túi vải của bà lấy ra một vật đưa cho mẹ. Bà đặt cái thuốn gạo lên trên mâm đồ cúng và cúi đầu. Bà nhớ.
Sao bà có thể quên những đêm hè nóng nực, ông cởi trần người ướt đẫm mồ hôi vần từng bao gạo cho bà dùng cái thuốn này moi ở mỗi bao gạo chỉ hơn một lưng bơ. Gần hai trăm bao, hai trăm cái lưng bơ. Suốt một đêm hai người quần quật vần hai trăm bao gạo để có thể ăn cắp được hơn mười cân gạo của nhà nước cho mỗi một chuyến xe ông chở gạo ra ngoài miền Bắc. Bây giờ, bà cũng không thể hiểu: Họ lấy đâu ra sức để làm điều đó. Bà may mắn đã gặp được ông, nhưng may mắn hơn, ông đã cho bà được thêm một nghề. Nghề “Ăn cắp” ngoài cái bàn bán nước đêm đêm. Nhiều người hàng xóm đã phải ghen tị với điều may mắn ấy của bà.
- Cô thật tốt số.
Họ đã bảo như vậy mỗi khí nhìn thấy bà xách những xô gạo ăn cắp ấy mang ra chợ bán. Trong những năm ấy, những kẻ thắng trận đã biến cả đất nước này thành những kẻ ăn cắp và có ai không thể ăn cắp được cái gì thì họ đều nghĩ rằng số mình thật là bất hạnh.
Cô đi kiếm một cái ghế nữa ngồi xuống bên cạnh mẹ. Lần nào cũng thế, mỗi lần giỗ, bà lại ngồi lại rất lâu và thường kể lại cho cô nghe về người chồng thứ hai của mình.
- Má này! – Cô hỏi. – Má với dượng chung sống không có hôn thú gì mà má không sợ à?
- Sợ chi? Nhà cửa không! Tiền bạc không! Gái già còn gì mất nữa mà phải sợ. Nếu có sợ thì chỉ sợ ổng bỏ má con mình mà đi theo cô gái khác thì không biết hai mẹ con sẽ sống bằng gì.
Cái ngày xưa xa xôi ấy bỗng quay lại sống động trong bà. “Em làm vợ nhỏ của anh nhé” Lời cầu hôn trần trụi! sù sì, góc cạnh vì nó không có tình yêu. Cái bàn tay lông lá của những người thắng cuộc đã bóp chết tình yêu bằng nghèo đói và khốn khổ. Con người đã trở thành những con vật không biết đến tình yêu mà chỉ biết cộng sinh vào nhau để tồn tại. “Nếu như ngày ấy không có ông” Bà rùng mình sợ hãi khi ý nghĩ ấy thoảng đến. Chắc mình và con bé vẫn sống thôi. Trời chẳng để cho ai chết. Nhưng mình và con bé sẽ giống như hàng ngàn người nhặt ve chai sống vô gia cư đang lang thang khắp mọi xó xỉnh trong thành phố này. Những ngày mới đẻ, chắc bà không thể đủ tiền để trả nổi tiền thuê nhà, bà sẽ bị tống ra ngoài đường và…. Trong bà dậy lên lòng biết ơn sâu sắc.
Bà với ông không hôn thú, không có một lễ cưới và thậm chí đến một mâm cơm để mời họ hàng hai bên cũng không có. Nhưng tất cả những cái đó không ngăn được một tiếng “Vợ” trong bà. Trong đói khổ đến cùng cực, cái tình bị chìm xuống cho cái “Nghĩa” vợ chồng nổi lên. Họ không có tình yêu nhưng có cái nghĩa vợ chồng. Một sợi dây mảnh lắm, không nhìn thấy nhưng nó có đủ sức mạnh để cả hai vượt qua hết mọi khó khăn.
Bà ngồi im, đăm đăm nhìn và bình tro tay không ngớt mân mê cái thuốn gạo.
- Hơn mười cân gạo hồi ấy to lắm à hả má?
Tiếng con gái hỏi dứt bà ra khỏi những hồi ức.
- Ừ!To lắm. Hồi ấy người dân ở thành phố một tháng chỉ được mua có mười hai cân gạo một người.
Bà chợt nhớ đến cái đêm làm đĩ đầu tiên của bà. Chỉ hai cái mũ cối gạo chưa bằng một đêm ăn trộm của hai vợ chồng.
- Thế một tháng ăn trộm được bao nhiêu xô hả má.
- Tháng ít được bốn xô, tháng nhiều được năm xô. Hồi đó miền Bắc còn đói kém hơn miền Nam nhiều, má bảo với ổng chỉ để lại số gạo đủ ăn còn lại mang ra Bắc cho bà cả nhưng ổng không chịu. Ổng bảo: “Em còn đang phải đi thuê nhà. Em cứ giữ lại toàn bộ số tiền bán gạo, khi nào mua được một ngôi nhà cho em rồi hãy tính. Dù sao chị cả ở ngoài ấy cũng có nhà cửa đàng hoàng rồi”.
Cô gái kinh ngạc.
- Vậy cái nhà mình ở là từ số gạo ăn cắp ấy?
Bà lắc đầu
- Chỉ ăn cắp gạo thôi thì bao giờ mới mua nổi nhà. – Bà nói hai từ “Ăn cắp” thản nhiên như đó không phải là điều gì tội lỗi. Mà sao là tội lỗi khi cả nước ai ai cũng phải trộm cắp để sinh tồn. – Ổng còn ăn cắp được nhiều thứ nữa trong những chuyến xe chở vật tư kĩ thuật từ ngoài bắc vào.
Nói đến đây bà sực nhớ lại cái đêm ngập tràn hạnh phúc của hơn hai chục năm về trước.
Đấy là một đêm mưa bão, nửa đêm khi đang say giấc, bà nghe thấy tiếng gõ cửa rất gấp gáp, bà biết ngay “Hàng về”. Vùng ngay dậy, khoác vội chiếc áo vào người, không bật đèn bà chạy ra mở cửa
Ông lao vào, ôm chầm lấy bà nhấc bổng bà lên quay bà một vòng rồi thì thào vào tai bà.
-Trúng quả đậm rồi em ơi!
- Quả chi?
- Xăng! Hai trăm lít.
- Hai trăm lít!
Bà buột mồm reo lên. Ông vội vàng lấy tay bịt mồm bà lại.
- Ra dỡ hàng thôi.
Hai người ra xe, ông leo lên xe dỡ bạt che hàng rồi mở cửa vào ca bin lấy cái kích và một ít phụ tùng để sửa xe mang ra phía sau xì hơi của một chiếc bánh và kê cái kích vào đấy. Ngạc nhiên bà hỏi
- Làm thế để làm gì?
- Đề phòng nhỡ có thằng cảnh sát nào đi ăn đêm bắt gặp.
Nhìn số hàng hóa mà ông chuyên chở bà thấy ớn. Hàng chất cao có ngọn trên thùng xe, họ phải dỡ gần như toàn bộ số hàng ấy xuống mới có thể moi được hai thùng phi xăng mỗi thùng một trăm lít được dấu dưới đống hàng cao chất ngất ấy.
Trong đêm, dưới trời mưa như trút hai người lặng lẽ như hai bóng ma câm lặng hì hục hạ từng kiện hàng trên xe xuống đường.
May quá! Vừa vần được hai thùng phuy xăng dấu vào trong nhà thì một toán công an đi tuần ngang qua.
- Ê! – Một tên cảnh sát dừng lại hỏi. – Sao lại dỡ hàng ở đây? Định ăn trộm hả?
Con tim bà bỗng thắt lại vì lo lắng. Ông bình tĩnh từ từ hạ kiện hàng trên vai xuống một cách rất nhẹ nhàng, lấy tay vuốt nước mưa trên mặt rồi mới từ tốn trả lời.
- Báo cáo đồng chí! Xe tôi bị sịt lốp để cả hàng thì nặng quá không thể kích lên được nên phải hạ bớt hàng xuống.
Vừa nói, ông vừa chỉ tay vào chiếc lốp đã bị sì hết hơi và cái kích đang nằm trong gầm. Tên cảnh sát quét đèn pin soi vào chiếc lốp đã bẹp dí rồi đưa mắt nhìn kĩ người tài xế.
- Vận đơn đâu?
Nó hỏi trống không. Ông lên ca bin lấy vận đơn đưa cho thằng cảnh sát. Nó không cầm mà xua tay.
- Thôi! Không cần. – Rồi quay sang bảo đồng bọn. – Đi thôi.
Cả bọn bỏ đi. Hú vía! “May mà ông ấy là Người nhà nước. Nếu là lái xe tư nhân thì bọn chúng không biết còn hành những gì”. Bà nghĩ.
Đợi bọn cảnh sát đi khuất, hai người lại hì hục khuân những kiện hàng chất lại lên xe. Cả hai mệt lả nhưng không dám nghỉ. Chỉ còn hơn một tiếng nữa là trời sáng, phải chất xong đống hàng này lên xe trước khi mọi người trở dậy.
Ăn cơm cáy thì ngáy o o.
Ăn cơm thịt bò thì lo ngay ngáy.
Đấy là hai câu ca mà cánh lái xe thường đọc cho nhau nghe thời bấy giờ. Có biết bao nhiêu thứ lo: Cảnh sát, các chốt kiểm tra trên dọc đường nhưng cái lo lắng nhất lại là những người hàng xóm. Hình như cái tính cách ghen ghét, đố kị, ghen ăn ghét ở của dân Bắc kì được những kẻ thắng cuộc mang theo trong cuộc di cư vĩ đại từ Bắc vào Nam đã trở thành một bệnh dịch lây nhiễm một cách nhanh chóng vào vùng đất miền Nam này của bà. Từ hàng nghìn năm, khí hậu ôn hòa, thiên nhiên ưu đãi đã tạo nên cái cách sống hào sảng không hề lo nghĩ của những anh hai Nam bộ. Thế mà chỉ có vài năm sau ngày chiến thắng, cái đói nghèo cộng với tính cách Bắc kì mà những kẻ thắng cuộc mang vào từng tí một đã giết dần giết mòn cái tính cách hào sảng ấy. Hàng xóm của bà bây giờ đã biết cách trữ gạo cho cả tháng thay cho đi chợ mua gạo thổi cơm từng bữa một. Đã biết thầm thì với nhau “Cái nhà con ấy…” Một nền văn hóa mới đã bắt đầu được nhen lên thay thế cho cái văn hóa sông nước của mảnh đất này. Nền văn hóa của những kẻ đô hộ.
Trời tảng sáng vừa lúc hàng đã chất xong, bà chạy vào trong nhà nằm vật xuống giường thở dốc. Nước mưa đêm qua làm ướt sũng bộ quần áo bây giờ được thay bằng thứ nước khác có vị mằn mặn.
Một lúc sau ổng mới đi vào, ổng còn phải căng bạt che cho số hàng hóa trên xe, ngồi xuống bên cạnh giường
- Mệt lắm phải không em?
Ổng hỏi với giọng ân cần. Bà nắm lấy tay ông nở một nụ cười rạng rỡ.
- Hai trăm lít xăng thì mệt nữa em cũng chịu được. Mà sao lần này anh liều vậy?
- Ừ ! – Ông gật đầu công nhận. – Kể ra cũng liều thật. Anh tưởng chở hàng như mọi lần nên anh đã chuẩn bị gom được ít que hàn rồi . Nhưng thấy hàng lần này đóng toàn kiện to một người không thể khuân hàng xuống được thế là anh liều. May mà thoát. Thôi! Em đi nấu chút gì ăn sáng đi. Anh đói quá.
Nghe ông nói, bà bỗng cũng thấy đói cồn cào. Suốt một đêm làm quần quật bây giờ mọi thớ thịt như nhão ra bụng réo lên ùng ục. Bà ngồi dậy, lấy một bộ quần áo sạch đưa cho ông.
- Anh tắm rửa một chút đi trong lúc em nấu ăn sáng.
Ăn sáng xong, bà đi rửa ấm chén pha cho ông một ấm trà Thái. Hai vợ chồng ngồi uống nước bên chiếc bàn nhựa mà đêm đêm bà vẫn mang ra bán nước ngoài vỉa hè.
Ông căng ngực rít một hơi thuốc lào rồi ngửa mặt nhả khói thành từng đụn nhỏ. Hình như khói thuốc làm cho con bé không chịu nổi, nó ọ ẹ khóc. Ông giật mình nhớ ra. Lấy tay khe khẽ vỗ vào con bé đang nằm trong tay bà, khẽ nựng.
- Gái yêu! Bố xin lỗi. Lần này buôn bán nhiều quá cạn sạch cả tiền nên không mua gì cho con cả.
Sự quan tâm của ông với đứa con riêng của mình khiến cho bà cảm động. Bà lo lắng hỏi.
- Anh cạn sạch cả vốn rồi à? Để em lấy tiền đưa cho anh.
Bà đứng dậy định đi lấy tiền thì ông gạt đi.
- Không được! Số tiền ấy là dành để mua nhà cho em. Chết cũng không được động vào. Tối nay mình đi đổ hàng cho bà Sáu là có tiền ngay, lo gì chứ.
Nghe ông nói, bà ngồi xuống, ngần ngừ một thoáng bà rụt rè nói.
- Em tính thế này anh xem có được không?
Vừa nói bà vừa nhìn ông thăm dò.
- Em nói đi.
Ông khuyến khích.
- Em đang tính lần này mình chỉ đổ hàng que hàn cho bà Sáu thôi, còn số xăng mình thì để lại, pha thêm chút dầu hỏa vào để đêm em vừa bán nước vừa bán lẻ xăng cho những người chạy xe máy. Thế có được không anh?
Bà thấy ông nhíu mày lại suy nghĩ. Hồi ấy, xăng hiếm vô cùng. Xăng bản lẻ đều bị pha thêm dầu hỏa, ai cũng biết mà ai cũng phải mua để chạy xe. Nguồn cung cấp xăng cho miền Nam hoàn toàn từ miền Bắc chở vô. Một lít xăng buôn lậu lọt vào được trong nam giá cao gấp bốn năm lần ngoài Bắc. Nếu bán lẻ được thì giá còn cao hơn nữa.
- Nếu không bị kẹt vốn thì ý này của em hay đấy.
- Thế thì anh lấy toàn bộ số tiền bán gạo và tiền anh đưa em mỗi lần đổ hàng làm vốn. Em chưa tiêu đồng nào.
Ông ngần ngừ.
- Nhỡ chuyến tới mà bị bắt thì sao? – Rồi ông kiên quyết gạt đi. – Không được! Anh đã nói rồi. Khoản tiền ấy dùng để mua nhà cho em. Chết cũng không được động vào.
Bà im lặng không nói gì nữa. Trong bà rưng rưng một nỗi xúc động. Tiền đã làm cho biết bao người mù quáng. Họ có thể bán hết, vứt bỏ hết để chạy theo đồng tiền. Nhưng người đàn ông của bà thì không! Ông luôn để lại một phần, nhỏ thôi trong suy tư của mình để lo lắng cho bà. Mà bà với ông là gì nhỉ? Vợ chồng chăng? Không phải? Chả có một tờ giấy hôn thú nào. Không có một cái lễ cưới nào. Và kể cả cái sợi dây bền chắc nhất để buộc chặt hai người lại với nhau: Đứa con! Cũng không có nốt. “Có lẽ đợi cho con bé lớn lên chút nữa mình cũng phải đẻ cho ổng một đứa ” Bà nghĩ.
Uống nước xong ông đứng dậy.
- Bây giờ anh phải đi trả hàng đã. Tối về tính tiếp.
Ông đi rồi, bà ngồi bứt dứt không yên. Bàn bán nước ban đêm chỉ đủ cho hai mẹ con tồn tại không thể để ra được đồng nào. Nếu xảy ra bất cứ một sự cố gì thì chắc chắn mẹ con bà sẽ chết. Buôn lậu đường dài Bắc Nam lại là một nghề hết sức nguy hiểm, may rủi còn hơn cả đánh bạc. Trong thời buổi đói kém này, những “Người nhà nước” ở các chốt kiểm soát dọc đường cũng hoạt động một cách cần mẫn khác thường. Phải moi ra cho bằng được số hàng lậu đang được dấu kín trong đống hàng hóa chất cao như núi mà họ biết chắc là xe nào cũng có, vì đấy chính là nguồn sống của họ. Nếu bị khui ra, toàn bộ hàng hóa sẽ bị mất trắng. Và thậm chí người còn bị đi tù. Bà biết, những đồng tiền ông kiếm được không chỉ được đánh đổi bằng mồ hôi của những đêm trắng dỡ hàng xuống để dấu hàng lậu rồi lại bốc hàng lên mà thậm chí còn mang cả sinh mạng của mình để đánh đổi lấy nó. Bà nhớ lại, đã có lần ông kể cho bà nghe một người trong đoàn xe của ông đã bị kết án tử hình vì ăn cắp bốn tấn gạo. Cần phải làm điều gì đó để cho ông bớt nguy hiểm hơn.
- Anh ạ! Em tính từ nay anh đừng mang hàng lậu nhiều như thế này nữa. nguy hiểm lắm. – Tối hôm đó, bà nằm ôm lấy ông thủ thỉ. – Anh tính coi, nếu lần này mà anh bị chúng nó khui ra hai trăm lít xăng thì sẽ ra sao?
Nghe bà hỏi, ông bỗng rùng mình. Ừ nhỉ! Nếu bị khui ra, chắc chắn không chỉ bị thu giữ hàng hóa với một tờ biên bản “ Chất lỏng có mùi xăng” như những can xăng năm lít mà ông đã từng bị bắt để rồi chúng lại bán can xăng ấy ra thị trường. Với một số lượng xăng lớn như thế chắc là ông sẽ bị bắt giữ và thế là hết. Bao nhiêu tiền của làm ăn tích cóp mấy năm trời sẽ lại đội nón ra đi để chui vào túi bọn cảnh sát điều tra.
- Thế bây giờ em tính sao?
- Em tính bây giờ hàng ra Bắc anh chỉ buôn gạo khoảng vài chục kí thôi còn hàng vào Nam anh chỉ mang khoảng hai chục lít xăng chia ra nhiều can nhỏ. Mất can này còn can khác và những hàng vật tư kĩ thuật nhỏ lẻ khác. Nhưng ít thôi. Nếu bị khui ra cũng chỉ mất hàng mà người không bị bắt
- Thế thì biết bao giờ mới mua được nhà cho em.
Ông kêu lên. Bà ôm riết lấy ông.
- Không vội được đâu anh. Bù lại mình sẽ không đổ xăng cho bà sáu nữa mà em sẽ vừa bán trà đá, cà phê vừa bán lẻ xăng như thế vừa an toàn, vừa vẫn kiếm ra tiền.
Cái thủ thỉ đàn bà ấy khiến cho ông không thể chống lại. Ông thở dài khuất phục.
- Thôi vậy! Nếu em đã quyết thế thì ta sẽ đổ một nửa số xăng cho bà sáu và cầm đi một nửa số tiền mua nhà. Số xăng còn lại sẽ để cho em bán lẻ. Nhưng để tối nay anh ra bán hàng cùng với em xem em bán chác thế nào đã.
Tối hôm sau, Ông ra ngồi bên bàn nước. Sài gòn sau giải phóng không ồn ào đông đúc như bây giờ. Đường phố vắng vẻ, cách một khoảng xa xa lại có một cái bàn bán nước như của bà. Một vài chiếc xe tải đường dài Bắc nam không tìm được chỗ nghỉ đành đỗ lên vỉa hè. Ba bốn người khách ngồi uống nước. chủ yếu là cánh lái xe từ Bắc vô không biết làm gì, không dám bỏ xe đành ngồi uống nước tán gẫu cho hết đêm và những cô gái điếm ngồi uống nước chờ khách.
Ông thấy bà vứt một cái vỏ chai không ở một gốc cây xê xế với cái bàn bán nước của mình. Thoạt nhìn, ai cũng nghĩ đó chỉ là một cái vỏ chai của ai đó vứt đi nhưng không phải. Đó là tín hiệu “Có đổ xăng lẻ”.
- Sao em không dựng cái chai ở vỉa hè trước bàn nước của mình cho mọi người dễ thấy?
Thắc mắc ông hỏi. Nghe cái giọng Bắc kì của ông, một người khách đang ngồi uống nước nhìn ông bằng con mắt không mấy thiện cảm.
- Chúng tôi không như ông. Chúng tôi là những kẻ bị đô hộ. Bất cứ cái gì không hợp pháp đều có thể bị thu giữ. – Rồi anh ta cười cay đắng. – Mà trên mảnh đất này bây giờ chỉ có nghèo đói là hợp pháp thôi.
- Cả chúng em nữa chứ. – Một cô gái điếm ngồi uống nước nói chen vào. – Từ chập tối đến giờ bao nhiêu thằng cảnh sát lợn lờ qua đây mà có thằng nào hỏi han gì em đâu.
Nói rồi cô gái phá lên cười thích thú. Ông thấy cổ họng đắng ngắt. Ông cũng là “Một người của bên thắng cuộc” Ông là người lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn hồi chiến tranh. Đâu rồi cái rừng cờ hoa chào đón ông theo đoàn quân chiến thắng vào thành phố? Đâu rồi những ánh mắt thân thương? Bây giờ khi nghe cái giọng Bắc kì của ông là ông lại gặp ngay những ánh mắt không một chút thiện cảm.
Một người lái xe máy đi đến, anh ta dựng xe vào ngồi uống nước. Nhìn chiếc vỏ chai ở gốc cây anh ta hỏi.
- Dạo này chị Tư làm thêm nghề đổ xăng à?
Vợ ông tươi tỉnh.
- Thì cũng phải bán thêm cái gì mà sống chứ. Chỉ bán trà đã với thuốc lá thôi thì sao mà sống nổi.
Anh ta ái ngại nhìn chiếc xe nôi, trong nôi con bé đang ngủ say hỏi nhỏ.
- Chắc anh nhà vượt biên?
Đang vui vẻ, gương mặt vợ ông bỗng trầm xuống. Bà im lặng gật đầu.
- Chết rồi! Bị tuần duyên bắn chìm thuyền.
Người khách khẽ thở dài một một tiếng, không hỏi thêm gì nữa im lặng ngồi uống nước. Uống nước xong, người khách hàng đứng dậy trả tiền và bảo bà.
- Chị đổ cho tôi chai xăng. Mà xăng có pha thêm dầu hỏa không đấy chị Tư?
Vợ ông cười.
- Anh hai lại hỏi khó em rồi. Cả thành phố này chỗ nào chẳng pha thêm. Bọn chúng em chỉ ăn lãi được ở chỗ xăng pha thêm ấy thôi.
Nói rồi bà đứng lên chạy ra hàng rào nhà phía sau lưng, moi ra một chai xăng dấu ở đấy đổ cho người khách hàng.
Thỉnh thoảng ông lại thấy một người tạt xe qua đỗ lại đổ một chai xăng. Chỉ hơn hai tiếng, năm lít xăng pha sẵn đã bán hết. Ông gật đầu bảo bà.
- Cách này của em có vẻ ổn đấy. Nhưng tối nào đi bán hàng em cũng phải mang theo con bé như thế này à?
Bà chỉ khẽ gật đầu. Đoàn xe của ông ở ngoài miền Bắc nên khi xe vào nam, sau khi lấy hàng xong, ông chỉ được ở lại có một đêm mà đêm ấy , hai vợ chồng còn
phải hì hục vần những bao gạo để cho bà ăn trộm. Còn lần nào xe không chở gạo thì đêm đó bà cũng nghỉ bán hàng nên ông không biết đêm đêm bà vẫn phải mang con theo. Ông bỗng thấy thương vợ mình quá.
……………
- Hóa ra hồi ấy lái xe là lớp người khá giả chứ không như lái xe bây giờ mẹ nhỉ.
Nghe con hỏi, bà gật đầu.
- Ừ! Hồi ấy ai cũng nghèo khổ chỉ có cánh lái xe là khá giả vì họ có ba nghề cùng một lúc: Nghề ăn cắp, nghề buôn lậu và nghề lái xe, lại là người nhà nước nữa.
“Người nhà nước”! Bà nhìn con gái mà môi bà nở một nụ cười chua chát. Những người như nó làm sao hiểu được ba từ ấy hồi đó quan trọng như thế nào. Nghèo đói sinh đạo tặc! Nhưng chỉ có là người nhà nước mới có thể làm đạo tặc. Cả nước đều nghèo đói, cả nước trộm cắp. Nhưng chỉ có “Người nhà nước” mới có thể trộm cắp được và có cái để mà trộm cắp. Tất cả mọi thứ , từ cái kim, sợi chỉ, các nhu yếu phẩm cho đến vật tư cần thiết cho sản xuất tất cả chỉ có nhà nước mới có và thế là “Người nhà nước” trở thành mơ ước của bao người.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 15.12.2020 09:13:10 bởi nguyễn thế duyên >