GIỌT NƯỚC MẮT MẠNH BÀ
Khi nhận ra hai người đứng trước mặt chính là Hắc Bạch Vô Thường, Giả Ngọc chợt hiểu, nhân thế luân hồi, duyên sinh rồi duyên diệt, thoáng chốc nàng đã đi qua một kiếp người.
Giả Ngọc không định được phương hướng, chỉ biết đi theo hai bóng dáng lúc mờ lúc hiện phía trước mặt. Mây trắng bao phủ, nhìn không thấy đường, thi thoảng có bóng dáng mờ ảo bay lướt qua vội vã. Rất lâu sau đó, ba người dừng lại trước một cánh cửa đen sẫm, hơi lạnh phả ra buốt giá dù hai bên lửa cháy rừng rực.
Hắc Vô Thường gõ nhẹ vào cánh cửa, tức thì cánh cửa được mở rộng. Vừa bước vào trong, Giả Ngọc hoảng hốt dừng lại, trước mắt cô là mười sáu hình thù quỷ dữ, mười sáu quỷ lớn đó kẻ nằm, kẻ ngồi, kẻ nhe nanh, trợn mắt. Lúc này Bạch Vô Thường chợt vung tay, từ trong tay áo bay lên một tờ giấy vàng, mặt trên viết “Lộ dẫn”, trên mặt “Lộ dẫn” có đóng ba dấu ấn của “Thành Hoàng âm Ty, phủ huyện Phong Đô”. Đám quỷ nhìn thấy dấu ấn thì gầm gừ rồi thối lui.
Họ lại tiếp tục đi. Lần này là đi trên con đường Hoàng Tuyền. Con đường xa thăm thẳm, dài tám trăm dặm, suốt tám trăm dặm chỉ có hai hàng hoa Bỉ Ngạn đỏ thắm, mênh mông, nhưng tuyệt nhiên không có nổi một chiếc lá.
Giả Ngọc lầm lũi bước đi, mỗi bước chân trên đường Hoàng Tuyền là một vùng ký ức của kiếp sống vừa qua, có bước chân ngập tràn hạnh phúc, có bước chân trùng trùng đau khổ, bước thì nặng nề, bước lại nhẹ tựa mây bay, có những lúc tưởng chừng như không bước nổi. Trên con đường Hoàng Tuyền, Giả Ngọc nhìn thấy có rất nhiều bóng người đi qua, nhưng hình dung đều như ảo mộng, không thể thấy ai một cách rõ ràng.
Cuối cùng cũng đi hết con đường, Giả Ngọc lén thở phào nhẹ nhõm, một con đường trải dài, ký ức sống động như đi qua một kiếp người chân thực.
Lúc này ba người dừng chân trước một tảng đá lớn màu xanh, trên mặt đá có khắc dòng chữ đỏ như máu: “Tảo Đăng Bỉ Ngạn” (sớm đến bờ bên kia). Lúc này Bạch Vô Thường khẽ nói:
Mau đứng lên Tam Sinh Thạch.
Giả Ngọc bước lên Tam Sinh Thạch, nhân sinh ba kiếp của cô lần lượt hiện lên trên phiến đá.
Kiếp trước, Giả Ngọc và Lương Bình từng có một đoạn nhân duyên dang dở. Kiếp này họ không gặp được nhau, còn kiếp sau, Giả Ngọc vui mừng rơi nước mắt, kiếp sau nàng cùng Lương Bình rốt cục vẫn kết thành phu phụ. Hồng trần thì ra không phải chỉ có đau thương.
Rời khỏi Tam Sinh Thạch, nàng được đưa đến Mạnh Bà trang. Mạnh Bà là một người phụ nữ lớn tuổi, sắc sảo và nhanh nhẹn. Bà đang dùng một chiếc muôi lớn, khuấy mạnh nồi canh. Trước mặt bà là một hàng dài những chiếc bát sứ màu đen, lớn nhỏ xếp gọn gàng. Chọn một chiếc, bà múc một bát canh đưa cho Giả Ngọc:
- Nước mắt một đời, lọc đắng lấy ngọt, cô uống đi rồi đi đầu thai kiếp khác. Nhân sinh ngắn ngủi, yêu thương chính mình nhiều hơn.
Không kịp hiểu hết lời nói của Mạnh Bà, Giả Ngọc chỉ nghĩ tới việc uống bát canh này rồi sẽ không còn nhớ Lương Bình là ai nữa. Nàng nào muốn như vậy. Kiếp sống này đã không gặp được nhau, vậy thà đừng uống, ít nhất nàng vẫn được gặp Lương Bình một nghìn năm trong ký ức của mình.
Nhìn thấy phân vân trong lòng của Giả Ngọc, Mạnh Bà tỏ ra nghiêm khắc:
- Uống đi cô gái, những người không uống canh Mạnh Bà, cô biết sẽ như thế nào không? Sẽ phải nhảy xuống Vong Xuyên Hà. Nếu kiếp này tu nhân tích đức thì làm Ngạ quỷ một nghìn năm rồi đi đầu thai, nếu kiếp này làm nhiều việc xấu thì mãi mãi làm Ngạ quỷ, không có cơ hội siêu sinh. Thế nào, cô gái, có uống hay không?
Không trả lời Mạnh Bà, Giả Ngọc mang bát canh đổ xuống Vong Xuyên Hà, sát na sau đó mang theo một nhánh Bỉ Ngạn, nàng gieo mình xuống. Vong Xuyên Hà nước đỏ như máu, mùi tanh hôi nồng nặc, dưới dòng nước đỏ là vô số Ngạ quỷ đang đau đớn thét gào.
Nhìn nụ cười phảng phất trên đôi môi nhợt nhạt của Giả Ngọc, tương phản với sắc hoa Bỉ Ngạn trên tay, Mạnh Bà bỗng thở dài:
“Bỉ ngạn hoa, khai nhất thiên niên, lạc nhất thiên niên, hoa diệp vĩnh bất tương kiến, tình bất vi nhân quả, duyên chú định sanh tử”.
Bỉ ngạn hoa, một ngàn năm hoa nở, một ngàn năm hoa tàn, hoa lá vĩnh viễn không gặp nhau, tình bởi vì nhân quả, sinh tử do duyên định sẵn. (st)
Trong suốt một nghìn năm làm Ngạ quỷ, ngày nào GiảNgọc cũng tâm niệm phải lưu giữ hình bóng chàng, mỗi một sát na sống trong đau đớn, đói khát là một sát na nàng vẽ hình bóng Lương Bình trong tâm trí mình. Một nghìn năm giằng xé trong hình thù của loài ngạ quỷ, cổ họng nhỏ như chiếc kim, dạ dày thì lớn, vẻ xinh đẹp năm nào giờ xấu xí, dữ tợn, chiếc bụng lớn phình ra nhưng trống rỗng.
Một nghìn năm, Giả Ngọc bao lần thấy chàng đi qua Nại Hà kiều, bao lần thấy chàng hết kiếp này đến kiếp khác chỉ vì người con gái ấy mà hạnh phúc, chỉ vì người con gái ấy mà bi thương.
Giả Ngọc vẫn cố chấp niệm, nhất định còn một kiếp sau của nàng có một đoạn nhân duyên với chàng, vì thế nàng cắn răng chịu đớn đau lần hồi đi qua một nghìn năm.
Ngày cuối cùng làm Ngạ quỷ, Giả Ngọc vẫy vùng bước lên Nại Hà Kiều. Mạnh Bà đã đứng đợi nàng trước cổng Mạnh Bà trang. Giả Ngọc muốn lại gần, nói với bà lời từ giã, nhưng câu nói chưa kịp thốt thành lời bỗng nghẹn lại khi nàng nhìn thấy bóng hình thấp thoáng phía sau.
Vẫn dáng hình như lần đầu được thấy chàng bên cội mai trắng, tuyết cứ bay, hoa cứ rơi, hoa tuyết phủ lên chàng đẹp như một pho tượng. Trên tay chàng là bát canh Mạnh Bà. Mạnh Bà dắt tay Giả Ngọc lại gần Lương Bình, bà hỏi:
- Thế nào? Có uống không?
Lương Bình quay lại, Giả Ngọc chưa bao giờ thấy chàng như thế này. Bi thương ngập trong ánh mắt, phủ đầy dáng vẻ đẹp đẽ của chàng. Trái tim Giả Ngọc thắt lại.
- Nếu uống, con sẽ không còn nhớ được nàng ấy nữa. Bát canh này, xin trả lại Mạnh Bà.
Lương Bình đặt bát canh xuống, chàng vòng tay giã biệt Mạnh Bà, phút chốc, bỏ lại sau lưng cả ngàn năm đau thương, ngàn năm vặn mình làm Ngạ quỷ của Giả Ngọc, lướt qua nhau dửng dung, chàng gieo mình xuống Vong Xuyên Hà.
Mạnh Bà nắm tay Giả Ngọc, đưa nàng đến trước Tam Sinh Thạch, bà vung tay, Tam Sinh Thạch hiện lên hình ảnh của Lương Bình và người con gái đó. Lần đầu Giả Ngọc nhìn thấy nước mắt của Lương Bình.
Kiếp trước, sau khi bị phụ mẫu ép lấy Giả Ngọc, đêm động phòng hoa chúc, trong cơn say, Lương Bình ngỡ Giả Ngọc là người thương của mình. Và Mạnh Bà đã lựa chọn giây phút chàng hối lỗi trước người con gái mà chàng yêu thương để Giả Ngọc nhìn thấy trên Tam Sinh Thạch.
Thì ra ước hẹn năm nào cũng chỉ là hoa rơi hữu ý, nước chảy vô tình. Cảm giác trong lòng là yêu hay là hận, nàng không còn phân biệt được nữa. Hai kiếp làm người, một ngàn năm làm Ngạ quỷ cuối cùng cũng chỉ là lầm tưởng.
Nàng hỏi Mạnh Bà:
- Đã vậy sao kiếp sau của con lại vẫn kết phu phụ với chàng?
Mạnh Bà khẽ lau giọt nước mắt trên má nàng:
Vấn thế gian tình thị hà vật, trực giao sinh tử tương hứa?
(Hỏi thế gian tình là vật gì mà đôi lứa nguyện thề sinh tử).
Giả Ngọc bước đi, bước chân đầu tiên bước lên Nại Hà Kiều ngỡ là bước chân hạnh phúc nhất, trong sát na cuối cùng lại trở thành bước chân đau đớn nhất. Một bước đi mang theo cả nghìn năm thê lương.
Đến đây, có lẽ ai đó sẽ cho rằng Giả Ngọc sẽ đi qua cầu Nại Hà, đầu thai một kiếp, không có Lương Bình cùng những mảnh nhân duyên vụn vỡ, cũng có thể ai đó lại cho rằng Giả Ngọc sẽ nhảy xuống Vong Xuyên Hà, trải qua một ngàn năm làm Ngạ Quỷ bên Lương Bình?
Nhưng không. Vào sát na đó, Giả Ngọc cất tiếng cười thê lương, nàng quay lại Mạnh Bà trang, với dòng nước mắt cuối cùng, cầu xin bát canh Mạnh Bà một lần nữa. Đau đớn đi qua cả nghìn năm, đói khát, bi thương cả nghìn năm dường như chỉ để cho sát na này Phượng hoàng Niết Bàn, ngờ đâu canh Mạnh Bà lần đầu tiên vô dụng.
Giả Ngọc quay người lại, nhìn dòng Vong Xuyên Hà cuồn cuộn khói lửa, đám ngạ quỷ đói khát kêu gào, Lương Bình, chàng là ai trong những người kia? Nhưmg chàng là ai, là ai có còn quan trọng nữa sao?
Mạnh Bà trong phút chốc bỗng trở thành kẻ thất bại. Người con gái này đã đau đớn đến nhường nào khiến canh của bà cũng trở nên vô dụng? Tam sinh tam thế cuối cùng cũng chỉ là sợi chỉ, kéo dài một nỗi đau lụi tàn ba kiếp.
Ngay khi Mạnh bà còn chưa kịp nhận ra chính bà cũng đang rơi nước mắt thì trong ánh sáng nhạt nhòa của Tam Sinh Thạch, Giả Ngọc lần nữa gieo mình xuống Vong Xuyên Hà, trong thoáng chốc chỉ còn văng vẳng bên tai Mạnh Bà câu nói cuối cùng:
"Nguyện kiếp kiếp làm ngạ quỷ, nguyện hồn xiêu phách tán, nguyện đời đời không siêu sinh".
Thì ra trong những kiếp nhân sinh, điều khiến người ta hạnh phúc nhất là tình yêu, đau khổ nhất cũng là tình yêu. Giả Ngọc thà làm ngạ quỷ, xấu xí, đói khát và đau đớn cũng còn hơn làm người mà chịu sự giày vò của nhân duyên lầm lỡ.
Là xót thương hay là đáng trách? Giả Ngọc cũng đã hồn xiêu phách tán, nào còn nghe thấy nữa.
Sống trong cuộc đời hãy cố gắng nhìn thật xa, chỉ nhìn xa mới có thế thấu hiểu, thấu hiểu để buông xả cho nhẹ lòng. Duyên khởi, duyên sinh rồi duyên diệt, hà cớ gì chúng sinh phải làm khó mình? Chi bằng niệm một niệm A Di Đà Phật?
Giả Ngọc
<bài viết được chỉnh sửa lúc 26.12.2020 13:54:25 bởi Giả Ngọc >