Cánh Hoa Của Lòng CHƯƠNG 20
Dừng xe trước căn nhà nhỏ, Bảo Thiệp đưa tay chỉ vào bảo Diễm Phượng: -Căn nhà này đó Phượng. Mình cùng vào xem nhé! Lúc nãy khi anh lái xe đi vào con đường này, Diễm Phượng đưa mắt nhìn xung quanh, thấy rất thích với cái khung cảnh yên tĩnh nơi đây. Đó là một con đường nhỏ, ở giữa hai tuyến đường ngược nhau và dọc hai bên đường là những hàng cây rợp bóng mát, rất hiền hòa. Nàng chạnh lòng nhớ lại căn nhà lúc xưa khi cha mẹ còn sống cũng nằm trong một khu dân cư yên tịnh xinh xắn như thế này. Mới đó mà đã mấy năm trời, từ một cô con gái cưng trong một gia đình khá giả trở thành cô gái đơn chiếc với cuộc sống bấp bênh vất vưởng trong căn trọ chật hẹp cũ kỹ. Một sự thay đổi quá nhanh đến ngỡ ngàng, đầy đau xót. Căn nhà nho nhỏ xinh xắn, với một sân trước đầy cây kiểng và mấy cây ăn trái. Bảo Thiệp dẫn đường đưa Diễm Phượng vào nhà. Bên trong tất cả hết sức gọn gàng sạch sẽ. Chiếc bàn giữa phòng khách cùng bộ ghế nệm màu cà phê. Sát tường là một chiếc bàn đứng để chưng, trên có điện thoại. Những chậu cây, hoa kiểng và tranh ảnh nghệ thuật trên tường làm tăng vẻ mỹ thuật của căn nhà. Bảo Thiệp bạo dạn nắm tay Diễm Phượng, cười tươi hăm hở bảo: -Phượng vào đây, Thiệp đưa Phượng xem khắp nhà! Nàng líu ríu đi theo anh, đôi mắt mở to chăm chú quan sát. Nhà dưới ngoài phòng khách còn có một phòng nhỏ bên hông, để làm phòng đọc sách hay văn phòng riêng tại nhà cũng được. Có một phòng vệ sinh nhỏ, cũng rất sạch. Đàng sau là nhà bếp, tất cả mọi tiện nghi đều có sẵn, gồm một bếp lò lớn có thể nấu bốn thứ một lúc, một tủ lạnh hai cửa, máy rửa chén và lò vi sóng. Bảo Thiệp kéo các ngăn tủ bên dưới cho Diễm Phượng xem, thấy nồi niêu xoong chảo mới tinh chất đầy trong đó. Một chiếc cửa dẫn vào ga ra để xe, lúc này bỏ trống không có xe nên nó rộng thênh thang. Kế nhà bếp là một căn phòng khác chứa hai cái máy giặt và máy sấy khô quần áo nằm ngạo nghễ. Tiếp theo là một phòng nhỏ có nhiều ngăn chứa những thức ăn khô. Diễm Phượng để ý thấy có gạo, mắm muối và các thứ gia vị còn nguyên trong chai chất lỉnh kỉnh các ngăn. Bảo Thiệp cười chỉ vào chúng vui vẻ phân trần: -Thiệp mua đại một xe chất vô, không biết Phượng dùng loại nào nữa. Nếu cần gì thêm Thiệp sẽ đưa Phượng đi mua. Diễm Phượng ôm miệng kêu lên: -Trời ơi, nhiều thế này rồi Phượng xài nửa năm còn không hết chứ mua gì nữa! Bảo Thiệp không đáp, chỉ khoanh tay đứng cười cười để cho Diễm Phượng tha hồ xem xét ngắm nhìn này kia. Sau đó anh nhã nhặn đề nghị: -Nào, bây giờ mình lên lầu xem Phượng có thích không nhé! Trên lầu Diễm Phượng thấy có ba phòng. Hai phòng đầu tiên bên tay trái gần như để trống, một trong hai căn ấy chỉ kê mỗi chiếc giường trơ trọi, ngoài ra chẳng còn gì khác. Giữa hai phòng là một phòng tắm. Bảo Thiệp đưa nàng vào căn phòng rộng nhất bên tay phải, thấy trang trí toàn màu hồng nhạt trang nhã, rõ ràng là phòng cho con gái. Có chiếc giường nệm, một bàn phấn, một bàn văn phòng nhỏ, một ghế bành, và dàn Tivi. Trong phòng có luôn một nhà tắm và một tủ áo quần thật tiện dụng. Gọi là tủ nhưng nó là một căn phòng thì đúng hơn vì hai người có thể bước vào đi lại trong đó dễ dàng giữa các ngăn kệ. Cạnh chiếc giường là một chiếc bàn gỗ nhỏ xinh xắn. Diễm Phượng thấy có một khung hình đặt trên đó, nó xoay về hướng khác nên nàng không thấy rõ là hình gì. Bảo Thiệp thản nhiên thả người ngồi xuống nền thảm bên cạnh chiếc bàn ấy, đưa tay lên kéo khẽ tay Diễm Phượng âu yếm bảo: -Phượng ngồi xuống đây đi, Thiệp chỉ cho xem cái này! Nàng thoáng băn khoăn không biết dụng ý anh thế nào, nhưng cũng ngồi xuống bên cạnh. Bảo Thiệp từ tốn cầm khung hình lên, nhìn vào đó đăm đăm, miệng cười nhẹ nhưng ánh mắt u uẩn buồn xa vắng. Rồi anh xoay mặt hình cho nàng xem: -Phượng xem đi! Nhìn vào tấm hình nàng kinh ngạc kêu lên: -Thiệp vẽ… Phượng à? Khẽ gật đầu, giọng anh êm ái trầm buồn: -Phượng biết không, những ngày lạc mất Phượng Thiệp chỉ có thể tưởng tượng lại trong ký ức xa xôi để vẽ bức hình này. Mỗi khi nhớ đến Phượng Thiệp vẫn đem nó ra để nhìn. Không được đẹp lắm nhưng cũng đành! Diễm Phượng thảng thốt, giọng run run: -Không, rất đẹp đó chứ! Thiệp… thật sự nhớ về Phượng đến vậy sao? Bảo Thiệp mỉm cười, tiếp tục tư lự kể: -Cái tên Hoài Phượng mà Thiệp đặt cho công ty đã nói lên tất cả nỗi nhớ mênh mông của Thiệp về Phượng đó. Diễm Phượng sững sờ ngồi ngây ra, nỗi xúc động bao trùm toàn bộ thân thể nàng. Thì ra trong bao nhiêu năm ấy anh vẫn luôn nhớ về em đến như vậy, còn gì hạnh phúc cho bằng! Trong khi đó Bảo Thiệp chỉ lẳng lặng đặt tấm hình lại trên bàn chỗ cũ, tần ngần một lúc rồi lên tiếng: -Bây giờ Thiệp tặng lại cho Phượng để làm kỷ niệm khoảng thời gian xa cách ấy. Liếc anh một cái thật duyên dáng, nàng nói dỗi: -Vì bây giờ đâu còn thèm nhớ đến Phượng nên chẳng cần hình nữa phải không? -Vế sau đúng, còn vế đầu sai. Đúng là chẳng cần hình nữa, vì Thiệp từ nay nguyện sẽ giữ Phượng mãi bên cạnh như một nửa kia của mình rồi. Không gian chợt chìm trong im lặng. Bảo Thiệp tự tin cho rằng đó là lời tỏ tình mạnh nhất thể hiện tình yêu và lòng chân thành của mình với cô gái anh yêu, hơn cả câu nói “anh yêu em” kinh điển nữa. Với quan điểm của anh, suy cho cùng ba tiếng ấy chỉ đơn thuần xác nhận tình yêu của người đàn ông dành cho người phụ nữ, nhưng tự nó không hề kéo theo cái hệ quả quan trọng hơn nhiều là anh ta muốn gắn bó lâu dài với người nữ ấy. Một người đàn ông có thể yêu một cô gái như một người tình nhưng chưa hẳn muốn cưới cô ta làm vợ kia mà. Câu nói của Bảo Thiệp ngược lại xác nhận anh muốn gắn bó với Diễm Phượng trọn đời, và nguyên nhân của sự gắn bó ấy là tình yêu mà anh tin một cô gái như Diễm Phượng sẽ đủ nhạy cảm để nhận thấy. Diễm Phượng nghe xong tỏ ra xúc động khôn tả, cúi đầu cười e ấp. Tuy không nghi ngờ gì về tình yêu Bảo Thiệp đang dành cho mình, nàng vẫn khao khát được nghe anh nói tiếng thiêng liêng ấy vô cùng. Cho nên hiện tại dù đang dạt dào hạnh phúc nàng vẫn cảm thấy có cái gì đó chưa thật sự ngọt ngào trong tình yêu của anh, và định bụng sẽ tìm dịp để dò hỏi Bảo Thiệp xem ý anh thế nào mà lại “hà tiện” tiếng yêu với mình đến thế. Bảo Thiệp nhìn dáng vẻ nhu mì e lệ của Diễm Phượng như là một sự đồng thuận, lòng hân hoan vui sướng. Anh vui vẻ lên tiếng: -Sao nè, Phượng thấy căn nhà này có được không, chịu làm “quản gia” giúp Thiệp đi nhé? Vừa nói anh vừa nắm tay nàng đi xuống lại nhà dưới. Diễm Phượng vừa đi vừa ngẫm nghĩ. Nhìn chung, căn nhà sạch đẹp quá sự dự đoán của nàng. Bên ngoài trông nho nhỏ nhưng vào trong thì không nhỏ tí nào. Một gia đình ở vẫn còn quá rộng chứ đừng nói gì một người, lại có đủ tiện nghi tân kỳ. Nhà này nếu Bảo Thiệp dùng cho thuê cũng được khối tiền, vậy mà anh để nàng ở không lại còn làm như đang nhờ vả nữa chứ. Đôi mắt long lanh, nàng lườm anh tình tứ đáp: -Thiệp bây giờ ăn nói hay quá rồi, nói chuyện kiểu đó Phượng làm sao mà từ chối được! Bảo Thiệp cười hạnh phúc, ngồi xuống chiếc ghế da nơi phòng khách rồi ra dấu bảo Diễm Phượng: -Phượng ngồi đi, nghe nè!
Nói đoạn anh nhón tay lấy chiếc điều khiển từ xa màu đen nho nhỏ trên bàn, bấm nút. Diễm Phượng vừa ngồi xuống chiếc ghế da mát lạnh thật êm ái, nghe tiếng nhạc trầm bổng từ hệ thống loa bao phủ toàn phòng hay tuyệt vời. Nàng nhận ra ngay bản “Phượng Hồng” quen thuộc:
“… Mối tình đầu của tôi
Là cơn mưa giăng giăng ngoài cửa lớp
Tà áo ai bay trắng cả giấc mơ
Là bài thơ còn hoài trong vở
Giữa giờ chơi mang đến lại mang về…
Và mùa sau biết có còn gặp lại
Ngày khai trường áo lụa gió thu bay…”
Hai đứa ngồi bên nhau nghe bài hát mà tâm tư xúc động đến thẫn thờ, những kỷ niệm thời áo trắng lại ùa về ngập tràn tim óc. Mối tình đầu trong sáng thật học trò mà cả hai đều đã âm thầm mang trong trái tim thơ dại, để đến ngày hôm nay sau bao năm lại được ngồi bên nhau cùng nghe lời nhạc như làm sống lại cái cảm xúc ngây ngất bâng khuâng. Bài hát dứt một lúc rồi mà cả hai vẫn còn chìm đắm trong suy tưởng và một tình cảm êm ái dịu ngọt không sao tả được.
Mãi sau, Diễm Phượng lên tiếng:
-Nghe bài này nhớ lại thời đi học quá Thiệp ha?
Bảo Thiệp thở nhẹ ra, mắt nhìn mơ màng như vẫn còn lưu luyến một cái gì thuộc về dĩ vãng, gật đầu thừa nhận:
-Nhớ lắm Phượng à, nhất là đối với những đứa con trai đã từng đóng vai cái gã khờ như trong bài hát ấy, chắc chẳng bao giờ quên được cái cảm xúc đó đâu!
Chúm chím cười, Diễm Phượng trêu đùa:
-Thiệp có phải là một trong những gã khờ ấy không?
Nhìn vào mắt nàng, giọng anh tha thiết:
-Thiệp còn tệ hơn cả gã khờ ấy nữa đó chứ!
-Tệ ra sao nè? - nàng nghiêng đầu nhí nhảnh hỏi.
Anh chép miệng bộc bạch:
-Thì gã ấy còn ít ra dám làm bài thơ để đem đến định tặng, chỉ có cái là nhát không dám đưa cho cô bạn gã đã thầm yêu mà đành phải đem về. Còn Thiệp thì “nhát” đến độ trốn tránh người ta luôn.
Lời “tự thú” này khiến Diễm Phượng bàng hoàng, nàng mở to đôi mắt đen tròn nhìn anh. Trời ơi, thì ra Thiệp đã yêu mình từ dạo đó lận mà lại tránh né, làm cho mình khổ sở biết bao nhiêu mà không biết tỏ cùng ai. Thiệp ơi là Thiệp, anh thật đáng ghét quá đi!
Mặt xụ xuống, Diễm Phượng phụng phịu:
-Chỉ vì “nhát” mà Thiệp nỡ lánh mặt Phượng gần cả năm mười hai như vậy sao?
Bảo Thiệp thở ra một hơi, nhỏ nhẹ đáp:
-À, như vậy thì cũng không hẳn, nhưng chuyện này hơi phức tạp. Thiệp hứa sẽ có lúc kể cho Phượng nghe!
Nàng cong môi lên nũng nịu:
-Sao giờ hông nói luôn đi?
Bảo Thiệp cười, đứng lên đáp:
-Tại vì giờ hai đứa mình còn một số việc phải làm, rồi sau đó còn đi ăn trưa nữa.
Cách nói “hai đứa mình” của anh nghe nó ngọt gì đâu, khiến Diễm Phượng bồng bềnh hạnh phúc. Nàng hỏi:
-Chuyện gì quan trọng vậy hả, sao Phượng không biết kìa?
-Đi trở lại nhà Phượng chứ chi. Bộ Phượng muốn vất hết những đồ đang còn lại đàng ấy à?
Bảo Thiệp cười đáp một cách nghịch ngợm. Như sực nhớ ra, Diễm Phượng phì cười:
-Ờ há, “tài sản” của Phượng đâu có gì đáng, nhưng có một vài vật kỷ niệm thì đối với Phượng là vô giá!
Đồ đạc của nàng đơn giản chẳng bao nhiêu, chỉ một chuyến xe tải của Bảo Thiệp là xong. Anh chỉ vào máy điện thoại nhã nhặn bảo:
-Phượng có số điện thoại của người chủ căn trọ không? Mình nên báo cho họ biết là mình không ở đó nữa để họ muốn làm gì thì làm với căn trọ đó. Biết đâu lại có người đang cần.
-Chút nữa Phượng sẽ gọi, không sao đâu Thiệp đừng lo!
Sau đó, Bảo Thiệp đưa Diễm Phượng đến nhà hàng ăn trưa rồi đi chợ mua thức ăn về chất đầy tủ lạnh và tủ đựng thức ăn khô. Hai đứa tíu tít bên nhau như đôi chim thật dễ thương, trong lòng thì yêu nhau lắm rồi mà ngoài mặt vẫn giữ kẽ chưa dám nói những câu tình tứ ngọt ngào mà đúng ra những kẻ đang yêu vẫn nói với nhau. Trước khi chia tay, anh đưa nàng xâu chìa khóa, ân cần dặn:
-Đây là chìa khóa nhà, Phượng giữ đi nhé! Nếu có gì cần mình sẽ đi mua thêm.
Diễm Phượng âu yếm đáp:
-Chiều đi làm về Thiệp ghé ăn cơm với Phượng nha, Phượng sẽ chờ!
Ba tuần trôi qua trong yên bình. Chân trái của Diễm Phượng đã bình phục và không cần phải mang chiếc giày to cồng kềnh kia nữa. Trong thời gian đó sáng nào Bảo Thiệp cũng đến đón nàng đi làm, vì mang chiếc giày ấy nàng không tự đi xe đạp được. Ngày đầu tiên anh dùng chiếc xe hơi sang trọng năm chỗ đến đón Diễm Phượng, một bà hàng xóm đứng sau hàng rào gần đó đưa mắt nhìn lom lom, chắc đang sững sốt tự hỏi hai người này từ đâu mới dọn đến mà có vẻ giàu sụ thế này. Hôm đó ngồi vào xe Diễm Phượng buột miệng trầm trồ:
-Ôi xe của Thiệp sao mà sang và đẹp thế này!
Bảo Thiệp nghe nàng khen chợt nhớ lại một đoạn quá khứ và tự cười mỉa mai cho cái nông nỗi ngày ấy của mình. Lúc mới phất lên giàu anh như muốn “trả thù” cái dĩ vãng nghèo khó cơ hàn của mình bằng cách tậu nhà to xe xịn. Kết quả là một căn biệt thự tráng lệ và chiếc xe hơi đắt tiền này. Nhưng rồi thời gian trôi qua chín chắn hơn anh nhận ra chúng chẳng làm cho tâm hồn mình giàu có phong phú hơn chút nào. Căn biệt thự quá rộng khiến cảm giác lạc lỏng bơ vơ khi một mình thui thủi trong ấy càng khuếch đại, thế là chẳng bao lâu sau anh bán nó đi với một khoản lợi nhuận đáng kể.
Cười hiền lành anh thật tình đáp:
-Xe này Thiệp thật ra ít dùng lắm. Khi nào có dịp Thiệp sẽ chỉ cho Phượng lái rồi giao nó luôn cho Phượng dùng, không thôi nó nằm không một chỗ cũng mau hư chứ chẳng lợi lộc gì.
Diễm Phượng cười xoa tay từ chối đây đẩy:
-Thôi Phượng không muốn vậy đâu. Cám ơn Thiệp nhiều!
Về chuyện đưa đón Diễm Phượng lên công ty trong thời gian bị thương, thật lòng Bảo Thiệp không nề hà gì việc cho nàng ở nhà nghỉ ngơi luôn, nhưng anh hiểu nàng không thích ngồi không kiểu đó bao giờ. Đến buổi tối Bảo Thiệp lại đưa Diễm Phượng đến vũ trường đánh đàn. Ở nhà cũng ngồi không quanh quẩn trong căn phòng, nghe thời gian trôi qua trong cô quạnh buồn hiu hắt, thà đi như vậy ngồi xem thiên hạ nhảy nhót vui đùa và được gần bên nàng anh thấy vui thích hơn.
Thời gian tiếp đó chiều nào xong việc Bảo Thiệp đều ghé ăn chiều với Diễm Phượng. Nàng đã quen chờ anh như vậy, nên hôm nào anh bận công việc đến hơi muộn là nàng nôn nao bồn chồn ngóng ra ngóng vào. Khi anh đến nàng vui mừng khấp khởi như có nắng đẹp mùa xuân sưởi ấm lòng mình. Về phần Bảo Thiệp cũng vậy, bây giờ anh cảm giác mình như có một tổ ấm để trở về với những bữa ăn chiều thật ấm cúng bên người con gái anh yêu. Anh háo hức để đến gặp nàng, trò chuyện và được sự bầu bạn chia sẻ của nàng. Diễm Phượng dịu dàng, nhạy cảm lại rất hiểu anh, nên có những chuyện căng thẳng bực dọc gì trong công việc anh đều tâm sự cùng nàng, và luôn nhận được sự an ủi cảm thông chân tình nhất.
Hôm nay vào công ty, Diễm Phượng chợt nhớ đến lần nói chuyện với Bảo Thiệp hôm ở trong bệnh viện. Tính tò mò gợi lên, nàng tìm cách dò hỏi Sương - thư ký trong văn phòng nhân sự:
-Chị Sương, em muốn hỏi chị chuyện này. Thật ra hôm em vào xin việc, Đình là người nhận em phải không chị?
Sương nhìn quanh rồi nhỏ giọng:
-Trời, em nói gì lạ vậy? Ông Đình làm sao đủ thẩm quyền nhận hay không nhận em?
-Chị nói vậy là sao, em… không hiểu?
-Ông Đình chỉ là đầu mối giới thiệu em tới những nơi để huấn luyện thôi, chứ ổng đâu có quyền tới mức vậy. Ngay cả giám đốc cái khách sạn này cũng chưa có quyền đó nữa, nói gì chỉ là trưởng phòng nhân sự như ông Đình.
Diễm Phượng chau mày suy nghĩ, như vậy thì có lẽ đích thân Thiệp nhận mình vào rồi. Nhưng với cương vị gì, chẳng lẽ chỉ đi lòng vòng học nghề mà được lương cao như vậy sao? Hôm trước Thiệp đã xác nhận rõ ràng anh tôn trọng nàng và không “bố thí” suông kiểu đó. Anh còn nói mức lương của nàng là phù hợp với chức vụ. Vậy thật ra chức vụ của mình là gì đây? Lúc mới vào lần đầu gặp Đình, mình đã có hỏi nhưng anh ta tránh né không trả lời.
Buổi chiều hôm ấy khi tới phiên làm việc với cô nhân viên chuyên về lương bổng trong phòng tài vụ, Diễm Phượng dò hỏi:
-Chị ơi, lương em so với công việc của em như vậy có phù hợp không chị?
-Để chị xem, dễ mà!
Cô nhân viên đáp rồi xốc chiếc kính lên, để tên Diễm Phượng vào máy điện toán. Cô lẩm bẩm rồi gật gù đáp:
-Hợp lý hoàn toàn, đâu có gì lạ đâu!
Rồi cô ta bấm bấm này nọ trong máy vài giây, xong quay sang nhìn nàng cười cười trầm trồ:
-Em ngon lành quá hen!
Diễm Phượng ngạc nhiên lò dò hỏi:
-Sao lại ngon lành hả chị?
-Mới vào mà đã làm lớn tới vậy không ngon thì là gì nữa. Ờ mà cũng phải rồi…
Diễm Phượng hơi khó chịu với cách nói lấp lửng ấy, nàng gặng hỏi:
-Thật ra vai trò của em là gì vậy chị?
Cô nhân viên chép miệng giải thích:
-Em là trợ lý của tổng giám đốc. Chức này chỉ có ổng có quyền tuyển chọn thôi! Bây giờ đang tập sự thì lương còn thấp vậy, tới chừng em làm vai trò đó thật sự thì còn cao hơn nhiều.
-Thật hả chị?
Diễm Phượng ôm miệng kêu lên vì quá kinh ngạc, không phải vì chuyện lương bổng mà là vì tấm lòng của Bảo Thiệp đã tin cậy mà chọn nàng vào một vị trí quan trọng như vậy. Sao anh ấy lại liều thế nhỉ, mình có biết gì về công việc đó đâu?
Diễm Phượng ái ngại hỏi:
-Vậy trước khi tuyển em thì ai đang làm vai trò đó vậy chị?
Cô nhân viên lại bấm bấm tìm tìm một lúc, rồi lắc đầu:
-Chẳng có ai cả, xem ra ổng chưa từng cần một trợ lý.
-Cám ơn chị - Diễm Phượng bần thần đáp.
Hôm đó ra về mà nàng vẫn còn chếnh choáng trước cái tin vừa được tiết lộ, định bụng khi nào sẽ hỏi Bảo Thiệp cho ra lẽ.
Cuối tuần ấy buổi sáng Diễm Phượng đang chuẩn bị đi chợ thì có tiếng chuông cửa. Nghĩ đó là Bảo Thiệp nàng hớn hở vui cười chạy ra. Thì ra đó là Thoa. Diễm Phượng tròn mắt ngạc nhiên vì Thoa đến bất ngờ không hẹn trước, dù trong bụng rất vui gặp lại nhỏ bạn thân. Thoa toét miệng cười:
-Sao, ở nhà đẹp quá rồi không nhận ra tao luôn hả?
Hôm trước gặp nhau ở nhà ăn trong khách sạn Diễm Phượng có kể cho Thoa nghe nơi ở mới của mình và có rủ cô đến chơi, nhưng không ngờ hôm nay Thoa đến bất chợt như vậy. Diễm Phượng lườm bạn bảo:
-Nói năng kỳ cục! Vào chơi đi mày!
Thoa chạy ùa vào nhà gieo mình ngồi phịch xuống chiếc ghế da êm ái, vừa hí hửng xuýt xoa:
-Trời ơi, nhà đẹp quá trời quá đất luôn! Công nhận nhà giàu sướng thiệt đó!
Diễm Phượng khép cánh cửa xong bước lại ngồi xuống kế Thoa, nhìn bạn đáp:
-Tao chỉ coi nhà giùm cho người ta thôi chứ có phải nhà của tao đâu!
Thoa liếc nàng tinh nghịch:
-Ông Thiệp nhờ mày ở đây coi nhà cho ổng à?
-Bộ mày không tin sao?
-Tin chứ, nhưng như vậy cũng như nhà mày rồi, ngốc ạ!
Diễm Phượng trừng mắt nhìn Thoa:
-Không có chuyện đó đâu, ở đó mà ham!
Thoa dẩu môi lên cong cớn:
-Còn gì nữa. Được ở như vậy cũng là như của mày rồi.
Chợt nhớ lại một chuyện, Diễm Phượng nhăn mặt kể lể với bạn:
-Nè nhỏ, hôm ở trong bệnh viện tao nhờ mày đi lấy đồ giùm có chút xíu. Mày không chịu đi để Thiệp đi… Kỳ cục quá à!
Nói đến đây mặt nàng bắt đầu đỏ ửng lên. Thoa trợn mắt:
-Ổng là người yêu của mày thì làm những việc cỏn con đó cho mày có gì mà kỳ cục? Lãng xẹt!
Diễm Phượng chắc lưỡi khổ sở, ghé tai Thoa cằn nhằn khe khẽ:
-Nhưng mà Thiệp chu đáo quá nên còn… mua đồ lót cho tao nữa! Quê quá đi!
-Sướng mày nhé! - Thoa cười khanh khách.
Diễm Phượng mắc cỡ đỏ rần cả mặt, nhăn nhó:
-Sướng cái con khỉ! Lúc đó tao ngượng gần chết chỉ muốn trốn luôn chứ làm sao dám gặp mặt người ta đây!
Ôm bụng cười sằng sặc chảy cả nước mắt, Thoa trêu:
-Trước sau gì người ta cũng là chồng mày, có gì đâu mà còn bày đặt xấu hổ!
Diễm Phượng thẹn thùng đưa tay véo vào chân Thoa một cái, khiến cô la oai oái. Hai cô gái đùa giỡn vừa cười khúc khích thật vui nhộn. Thoa vùng dậy chạy về hướng bếp kêu Diễm Phượng:
-Dẫn tao đi xem hết nhà đi mày!
-Ờ thì đi!
Diễm Phượng nhiệt tình đưa Thoa đi khắp nhà. Cô ngắm nghía một cách vui thích, mở tủ này, kéo hộc nọ, tới đâu khen tới đó. Sau đó hai cô chạy lên lầu, thấy hai căn phòng ngủ còn bỏ trống, Thoa xuýt xoa tiếc rẻ:
-Ôi trời ơi, hai căn phòng ngủ ngon lành thế này mà bỏ không, chẳng bù với nhà tao có một căn tuồng luông cho cả gia đình. Uổng quá xá!
Nghe Thoa nói Diễm Phượng lại chạnh lòng nhớ lại căn nhà trọ nàng đã sống lây lất mấy năm trời. Nhà Thoa tuy rộng và tươm tất hơn nhưng tới ba người sống, thành ra quy lại cũng khá chật.
Phượng trầm nét mặt lại, nhẹ giọng:
-Hay… mày muốn sang đây ở với tao không? Để tao hỏi Thiệp xem!
Diễm Phượng biết Bảo Thiệp rộng lòng hào hiệp chắc sẽ không ngại chuyện này, huống gì Thoa cũng là bạn cũ của anh, và có cô Diễm Phượng cũng sẽ vui hơn có người bạn thân trò chuyện sớm tối. Thoa nghe nói cười lắc đầu:
-Thôi, tao còn ba má nữa đâu làm vậy được, nhưng cũng cám ơn mày. Hơn nữa tao ở đây ông Thiệp ghé qua sẽ làm kỳ đà cản mũi hai người không nên tí nào!
-Quỷ mày, đầu óc sình lầy đen tối!
Diễm Phượng mắng yêu bạn rồi dẫn Thoa đi tiếp vào phòng mình. Thoa tròn vo đôi mắt vì quá ấn tượng, cô chạy tới nằm lăn ra chiếc giường nệm rộng êm như bông của Diễm Phượng lim dim đôi mắt, miệng cười cười ra tuồng rất khoái chí. Diễm Phượng cũng ngồi xuống mép giường vui vẻ nhìn bạn. Thoa ngước lên trần nhà hỏi:
-Ông Thiệp sắm hết những thứ này cho mày hả Phượng?
Phượng khẽ nhăn trán, thành thật kể:
-Ờ… cái đó tao cũng không rõ… nhưng chắc là vậy. Khi Thiệp đưa tao đến đây xem căn nhà thì tao thấy tất cả đã có sẵn rồi và đều còn mới toanh.
Thoa gật gù khen vùi:
-Quả nhiên ông Thiệp cưng mày thật… - rồi cô lăn mình nằm sấp, chống tay lên cằm nhìn Phượng hỏi thẳng thừng - … vậy rồi Thiệp đã nói yêu mày chưa?
-Chưa có!
Thoa khẽ tư lự như đang suy nghĩ, rồi bất chợt để ý thấy tấm hình Bảo Thiệp vẽ Diễm Phượng đặt trên chiếc bàn cạnh giường, cô sáng đôi mắt lên hỏi:
-Ông Thiệp vẽ mày đấy à?
Diễm Phượng gật đầu:
-Ừ! Mày thấy có giống tao không?
-Giống lắm chứ! Ổng vẽ hồi nào vậy?
-Thiệp nói là lúc tao và Thiệp mất tin tức nhau.
Thoa chợt nhíu mày như đang lục lại trong trí nhớ điều gì đó, rồi reo lên:
-A tao nhớ rồi, lúc sinh nhật mày năm lớp mười hai, ổng cũng vẽ tặng mày một tấm hình cũng gần giống như vậy đúng không?
Diễm Phượng gật đầu, đưa tay chỉ lên chiếc bàn phấn đối diện, trên đó là tấm hình Bảo Thiệp vẽ làm quà tặng sinh nhật mà nàng đã giữ gìn như một báu vật từ đó đến nay, khẽ đáp:
-Tấm đó đó!
Hai người im lặng ít giây. Thoa cảm thấy mừng và hạnh phúc lây cho bạn. Chỉ cần nhìn những gì trong căn nhà này từ lúc bước vào, Thoa đã thấy biểu hiện tình yêu của Bảo Thiệp dành cho Diễm Phượng tràn ngập khắp nơi qua cách anh chăm lo săn sóc nàng. Vậy mà nhỏ bạn vừa bảo Thiệp chưa từng nói yêu nó. Công nhận cái ông này nhát thật, yêu người ta mà cũng không chịu thổ lộ! Nhưng phải nói ổng chăm lo và cưng con nhỏ thật!
Diễm Phượng lên tiếng cắt đứt dòng suy nghĩ của Thoa:
-Còn chuyện của mày với Đình ra sao rồi?
Thoa tủm tỉm cười, đôi mắt ánh lên tia hạnh phúc:
-Cũng bình thường, tối mai ảnh mời tao đi ăn rồi đi xem hát!
-Vậy là vui vẻ quá rồi!
Thoa cúi đầu cười không đáp, vì đúng là cô đang hạnh phúc. Đình tỏ ra quan tâm quyến luyến cô, và với cái trực quan của mình, Thoa không khó khăn gì nhận ra tình cảm của anh đối với cô.
Thoa chợt ngẩng lên hỏi:
-Sáng nay mày đang định làm gì không, tao qua bất chợt vậy có làm hỏng dự định gì của mày không đó?
Diễm Phượng nguýt một cái, bỉu môi đáp:
-Hỏng thì cũng đã hỏng rồi, quỷ à! Nói chứ tao chỉ định đi chợ mua đồ ăn, ngày đi làm nhiều khi về làm biếng khỏi phải đi chợ lắt nhắt.
-Ừ, có cái tủ lạnh sướng ở chỗ đó.
-Mày bận không, đi chợ chơi với tao luôn? - Diễm Phượng rủ.
-Rồi, đi nào! Đi xe tao luôn khỏi lấy xe mày ra!
Hai cô gái đèo nhau đi chợ, lòng ai cũng vui như Tết. Qua bao nhiêu năm cuộc đời thăng trầm nhiều thay đổi, họ vẫn giữ được một tình bạn gắn bó thật đẹp từ thời còn đi học vô cùng đáng quý!
☘︎
<bài viết được chỉnh sửa lúc 14.02.2021 23:16:53 bởi Hồi Kha >