THƠ NGÃ DU TỬ
-
Số bài
:
1041
-
Điểm thưởng
:
0
- Từ: 26.01.2009
|
Re:TÙY BÚT; MÙA XUÂN
-
15.03.2021 10:22:12
SỰ TƯƠNG ĐỒNG HAI TÁC PHẨM Ngã Du Tử Mỗi tác phẩm sáng tác được hoàn thiện đều có một số phận riêng, tùy theo định mệnh mà nó đi vào cuộc đời như cách một con người đang hòa mình vào cuộc sống của họ. Có tác phẩm sinh ra bước vào đời thật bình yên và có tác phẩm thì ngược lại, tôi cho ấy là định mệnh, là số phận. Trong thế giới âm nhạc cũng vậy, bản nhạc: Bài không tên cuối cùng của nhạc sĩ Vũ Thành An là một ví dụ. Trước 1975 anh viết với một tâm trạng trách móc người yêu khá mạnh mẽ hình như có cả sự dối trá, lời lẽ như một gã thất tình đang thịnh nộ, tuy nhiên nó được đón nhận đến với tất cả học sinh, sinh viên thời bấy giờ như một hiện tượng ai cũng biết, cũng thích, cũng thuộc: “Nhớ em nhiều nhưng chẳng nói, nói ra nhiều cũng vậy thôi, ơi đớn đau đã nhiều rồi, một lời thương, càng buồn thêm…còn hứa gì? Biết bao lần em đã hứa, hứa cho nhiều cho nhiều rồi lạ quên, anh biết tin ai bây giờ?...Thế nhưng, mới đây cũng bản nhạc ấy, nhạc sĩ Vũ Thành An viết lại lời mới với tựa đề: “Bài không tên trở lại” mà các ca sĩ như Khánh Ly, Tuấn Ngọc hát… ai cũng cảm nhận có tình, có lý hơn. Khi ông có sự trải nghiệm, dường như khi trải qua sự chứng nghiệm quá đầy đủ về tính hữu hạn của đời người ông mới hiểu ra sự hẹp hòi của lòng mình ngày trước chăng? Vì vậy ông viết với thái độ khoan hòa hơn, bao đung hơn, độ lượng hơn mang tố chất của nhân tâm, ông không còn trách móc thái độ nông nổi của ngày xưa khi còn trẻ, và ai cũng đón nhận với tinh thần rộng mở hơn “Nhớ rất nhiều câu chuyện đó, ngỡ như là ngày hôm qua…mưa vẫn bay như hôm nào, người ở đâu, mình ở đây, bạc mái đầu…Này em hỡi con đường em đi đó, con đường em theo đó, đúng đấy em ơi” và “Nếu không còn được gặp nữa, giữ cho trọn ân tình xưa, xin gửi em một lời nguyền được bình yên, được bình yên về cuối đời”. Ngày nay, nhạc sĩ Sông Trà cũng với trải nghiệm của mình đã có cách thể hiện lại lời ca khúc gần giống với với cách mà nhạc sĩ Vũ Thành An đã thực hiện. Nhạc sĩ Hoài Thu (tức nhạc sĩ Sông Trà) đã viết bản nhạc “Về thăm quê hương”. Chắc có lẽ thời thanh niên ấy với lần xa quê, xa người em gái thơ mộng nào đó đã khiến nhạc sĩ sáng tác với cung bậc cảm xúc nhẹ nhàng, trong sáng dành cho cô em quê hương mà anh cảm mến, trân trọng. Hồi ấy thập niên 60 một số ca sĩ Quảng Ngãi như Hữu Nghĩa, Thanh Châu, Văn Quý… đã hát ở quê nhà, thế hệ sau như Ngô Đình Long cũng đôi lúc hát, nhưng đến khi phong trào ca sĩ trong nước và hải ngoại hát lại những ca khúc lãng mạn boléro của nhạc sĩ trong nước, anh mới viết lại lời bản nhạc với tựa đề: Người đã như mơ” và được các ca sĩ trong nước đón nhận và hát trên các phương tiện truyền thông, cùng cho ra đời Album riêng của chính các ca sĩ đó như: Đình Văn, Ngọc Sơn, Ngọc Hải…và bản nhạc cũng được các ca sĩ hải ngoại như: Giao Linh, Hương Lan, Như Quỳnh , Mạnh Đình, Tâm Đoan thể hiện khá thành công. Vì thế ca khúc: Người đã như mơ dù được viết lời sau nhưng khán thính giả biết rất nhiều nổi tiếng trước, ấy là định mệnh, là số phận như tôi đã nói trên. Ca sĩ hải ngoại Quang Lê là một trong những ca sĩ nổi tiếng của dòng nhạc boléro này, trong các album của mình và nhất là trong chương trình solo cùng bolero, Nốt nhạc ngân… các ca khúc của nhạc sĩ Sông Trà cũng được Quang Lê hát rất nhiều, ngoài ra còn thu âm các MV như: Người đã như mơ, Cõi nhớ, Chiều sân ga v.v… Mới đây nhất, Quang Lê đã đích thân đến thăm nhạc sĩ Sông Trà, trong cuộc trò chuyện thân mật giữa hai người, Ns Sông Trà nói cho Quang Lê hiểu thêm về lý do ra đời của hai ca khúc. Khi được nhạc sĩ giải thích và giới thiệu nhạc phẩm: Về thăm quê hương, ca sĩ Quang Lê đã bày tỏ: “Ca từ bài hát này hay quá chú ơi, cảm ơn chú, cháu sẽ thu âm cùng với bài Cõi Đêm trong album mới nhất sắp tới của cháu, chú đồng ý chứ?” Nhạc sĩ Sông Trà đã đồng ý với đề nghị trên. Với dòng nhạc boléro hiện tại đang chiếm được tình cảm công chúng ở các phòng trà Sài Gòn nói riêng và cả nước nói chung nhất là từ lúc nhạc sĩ Vũ Quốc Việt khởi xướng chương trình Solo cùng boléro ở đồng bằng miền Tây Nam bộ, cùng với các phương tiện như Youtube, các trang mạng xã hội có sức lan tỏa mạnh mẽ ra cả nước thậm chí ra ngoài biên giới xa xôi. Sở dĩ được như vậy, nó có lý do chính đáng của nó: ca từ hay, rất trữ tình. Công tâm mà nói, boléro là dòng nhạc được công chúng đón nhận một cách điềm đạm mà lâu bền, không ồn ào như nhạc trẻ phong trào chỉ tồn tại thời gian ngắn ngủi, bởi lẽ, thứ nhất, nó mang tố chất tình cảm lãng mạn, nhẹ nhàng, tất cả nhạc sĩ viết loại này xuất phát từ chữ tình của trái tim. Điếu nầy là kích thích tố chủ lực để khán thính giả dang tay đón nhận một cách êm đềm mà nồng nàn, nó không cầu kỳ về từ ngữ và triết lý, từ người bình dân cho đến các thức giả ai cũng biết, cũng hiểu. Đây là dòng nhạc một thời rực rỡ làm nên những tên tuổi sáng ngời của âm nhạc Việt Nam hơn 70 năm qua. Tôi hy vọng bản nhạc Về thăm quê hương sẽ có sức lan tỏa vì lời nhạc như thơ: “Về thăm quê hương bao ngày tháng xa vắng quê, bờ tre reo vui, vui mừng đón lúc anh về và nắng chiều nghiêng hôn lên mái tóc xanh thề, tình quê làng quê” Nếu ai đã từng xa quê lâu ngày với ước mong về thăm quê hương ít nhất một lần trong đời thì nhạc sĩ Sông Trà đã thay bạn nói giùm cảm xúc của mình với quê hương, lời lẽ tuy mộc mạc nhưng da diết chân thành, chẳng cầu kỳ mà đầy đặn chữ tình của trái tim. Ngã Du Tử 2016
<bài viết được chỉnh sửa lúc 15.03.2021 15:01:41 bởi THƠ NGÃ DU TỬ >
|