Re:TIỂU THUYẾT KÝ SỰ: BÀ GIÁO VÂN
-
25.09.2021 22:11:05
CHƯƠNG 14
BƯƠNG CHẢI XỨ NGƯỜI
Huỳnh Kim học trò cũ của bà Giáo Vân, từ Sài Gòn về thăm cha mẹ, nghe cô Vân đi học tập đã về, chị dự định lên nhà thăm hỏi, lần lửa mãi vẫn chưa đến thăm bà, tình cờ gặp bà Giáo đi trình diện quản chế ở xã về, bước ra khỏi cổng UBND, chị chào thật to:
- Chào cô, cô đi đâu đây?
Bà Giáo Vân chững lại vài phút nhận diện Huỳnh Kim:
- À, cô đi trình diện về
- Cô làm gì mà trình diện, cả đời đi dạy cũng trình diện ư?
- Ừ thì mình làm việc cho chế độ cũ mà em, nghĩa là có tội
- Vô lý quá cô, em về có nghe cô bị đi học tập đã ra trại, tính ghé thăm cô và gia đình, nhưng chưa tới được, may quá gặp cô ở đây. Mời cô qua bên kia nói chuyện chút, lâu quá cô.
Hai cô trò bước sang quán bên cách không xa cổng UBND, chị Kim kéo ghế mời cô :
- Mời cô ngồi, cô à em mới từ Sài Gòn về thăm cha mẹ, vài hôm nữa em vào
- Vậy à, cô trình diện đợt này là đủ thời hạn quản chế, nhà nước cho tự do, khi học tập về chế độ quản chế cũng nghiêm ngặt lắm, đúng ngày giờ hẹn là phải trình diện, ai vắng là công an xã lên nhắc nhở mời ngay. Họ sợ chuồng đi nơi khác
Cho 2 chai nước ngọt. Chị Kim gọi nước, cô chủ đem ra 2 chai nước và 2 ly nước đá, chị rót vào ly : Mời cô, vừa uống vừa nói chuyện cô nhé, Bà Giáo Vân gật đầu rồi tiếp :
- Em về bao lâu rồi, làm ăn trong đó được không em
- Cô à, Trong đó khác lắm không như ngoài mình, em nghe lời chị bạn, xuống Sài Gòn bán đồ cũ, buổi sáng xuống Tân Định vốn liếng chỉ mấy đồng vậy mà em cầm cự mấy năm, vừa đi thăm ông xã, vừa nuôi em ngon lành,
- Cô đã hết quản chế, hay là cô làm đơn xin đi làm ăn trong đó, em giúp cô với.
- Được thôi cô à, không khó gì cả, chịu cực tí may mắn cũng đỡ khổ, cô gửi về các em nuôi thầy và các em cũng đủ, càng sớm càng hay cô à, Sài Gòn bây giờ các gia đình khá giả ngày trước chỉ bán đồ mà ăn cầm cự thôi, có gì cô vào nói với Dũng, em và Dũng cũng thỉnh thoảng gặp nhau. Em thương nó lắm chân ướt chân ráo vào Sài Gòn nên buổi đầu cũng khó xoay xở.
- Nó cũng quyết chí vào đó lập nghiệp, có gì em giúp nhé.
- Dạ, cô khỏi lo, vài tuần là nó lên, có gì hay là em trao đổi với nó.
- Vài hôm nữa cô xin giấy vào Sài Gòn thăm và làm ăn.
- Có gì cô bảo nó chở lên em.
- Ông xã em về chưa ?
- Dạ, chưa cô. Trong Nam cũng dễ chịu so với phía Bắc, con bạn em có ông xã học tập ngoài Nghệ An, mỗi lần ra tốn kém, người dân ngoài ấy họ nhìn người Nam chẳng thân thiện, mỗi lần đi về nó kể nghe mà muốn khóc. Khắc nghiệt lắm.
Thôi vậy cô nhé, em về nhà đã cũng trưa rồi, ba em bảo đi về sớm còn ăn trưa cùng gia đình.
- Ừ, thôi em về, tạm biệt em. Hẹn găp nhau ở Sài Gòn.
Ông Giáo ngóng từ sáng đến giờ, không biết sao trình diện lâu đến thế, ông suy nghĩ vẩn vơ…Hay là có chuyện gì nữa đây? Ông hơi sốt ruột đi ra đi vào, ngồi bàn uống nước nhìn thẳng ra ngõ đã trưa lắm rồi.
Bà về, ông cười, hỏi thật nhẹ:
- Có chuyện gì không, mà lâu vậy, mình?
- Hôm nay, anh em tôi trình diện đông lắm mình à, tập trung lại ông cán bộ xã ‘diễn thuyết’ mong các bà con anh em về chăm chỉ làm ăn, chính quyền cách mạng bao giờ cũng mong sự hòa hợp của anh em chế độ cũ, cố gắng làm ăn tái thiết để nước giàu dân mạnh, đừng nghe lời xúi giục của phản động.
Khi ra về, gặp cô học trò cũ bày vẻ tôi vào Sài Gòn làm ăn, nghe khá lắm mình à, một mình em làm vậy mà nuôi chồng học tập và 2 đứa con đàng hoàng, hay là tôi xin đi vào Sài Gòn vài ba tháng. Nếu được, xin gia hạn tiếp. Mình thấy sao?
Và cô ấy còn gặp thằng Dũng nhà mình hoài, có gì khó nó cũng lên trên ấy nhờ giúp đỡ, chị em nó cũng thân thiện, Dũng nhà mình ngoại giao giỏi ghê, nó đã sắm được xe đạp rồi, ở Sài Gòn không có phương tiện đi lại là thua.
- Tùy mình, đi cũng được, biết đâu có cơ hội hơn, hơn nữa xem thằng Dũng nó thế nào? Ở quê sao tôi thấy ảm đạm quá, mịt mờ quá.
Tối ấy, bà Giáo Vân không ngủ được, thao thức việc đi Sài Gòn tìm kế sống, thâm tâm bà chưa muốn, nhưng càng ngày kinh tế càng kiệt quệ, nỗi khốn cùng trong nhà là thật nên một liều ba bảy cũng liều. Bà quyết định ngay trong đêm.
Buổi sáng quây quần bên nồi khoai lang vừa thu hoạch hôm qua, khói nghi ngút tỏa, cả nhà ăn uống vui vẻ với nhau, bà nói với các con :
- Mẹ đã bàn với cha rồi, giờ nói thêm với các con, chắc mẹ vào Sài Gòn có cô học trò cũ giúp mẹ làm ăn, nếu may cũng kiếm tiền gửi về thêm chi tiêu. Ở nhà càng ngày càng lún sâu vào khốn cùng, cái đói đã lăm le, các con nghĩ sao?
Chị Thanh mau miệng :
- Mẹ đi cũng hay cha à, biết đâu sẽ cải thiện được, con giờ cũng thay mẹ quán xuyến được gia đình, biết đâu vận may của nhà ta
Út cũng đồng ý như chị Thanh :
- Đây là cơ hội cha à, mẹ vào đã có người dẫn dắt, buôn bán đâu khó khăn gì, con tỷ mình con biết, chỉ có bán buôn mới phù hợp với nhà mình trong thời này, ai cũng chân yếu tay mềm, làm sao có thể sống nổi, hơn nữa có anh Dũng trong đó 2 mẹ con đùm bọc, con nghĩ sẽ ổn
Ông Giáo nãy giờ nghe các con sôi nổi bàn tán, rất có lý. Hay là ngày mai Thanh xuống xã gửi đơn xin tạm vắng, độ này Thanh đã quen biết nhiều người trong cái xã này rồi, con có thể giúp mẹ.
Cha bây giờ thừa thải, kiến thức không thể đổi gạo, mắm không làm gì được cho nhà mình, cái quan trọng là tồn tại, các con thương cha mẹ như vậy cha cũng vui rồi.
Mình viết thư cho Dũng trước khi đi để còn đón bà nữa, thư tín bây giờ cũng chậm trễ, chắc nó vui lắm khi có mẹ vào cùng nhau hiệp sức.
Chị Thanh gửi đơn xuống xã, anh phó chủ tịch nhận đơn, bảo :
- Cô mới hết quản chế một tuần lại lo vào Nam, có việc gì vậy, em?
Chị biết anh thăm dò, nên cũng than thở :
- Anh à, gia đình bây giờ anh biết mà, khó khăn lắm, mẹ em vào trước là thăm các con, sau là bương chải xứ người có thể kiếm sống, chứ làm ruộng thì thua trắng.
- Mình nổ lực lên chứ làm ruộng đâu như công chức được. Thôi để đơn đó, anh xét cho. Ba hôm nữa xuống lấy nhé.
- Cảm ơn anh.
* *
- Trên vé tàu mấy giờ xuống ga, con? Ông Giáo hỏi chị Thanh
- 11 giờ cha à,
- Vậy ăn cơm sớm, con chở mẹ xuống trước chừng một tiếng cho chắc, thà xuống sớm ngồi chờ còn hơn, rủi trên đường trở ngại, ông giáo lo xa.
- Dạ, Sáng nay con và Út đưa mẹ ra ga, cha ở nhà
Bà giáo cẩn trọng đưa ông ít tiền để dành mua trà thuốc phòng các con chưa có kịp, bà biết tính ông cái gì chứ thuốc với trà không có ông ngóng như trẻ ngóng mẹ về chợ, trước khi đi bà dặn dò ông :
- Mình à, tôi đi mình cẩn thận ở nhà giúp các con, làm gì trong vườn nhà thôi, đừng đi đâu xa, đi nhứ chim cũng cần có nhiều người nghe mình.
Chỉ có bà là hiểu ông nhất, phải thôi, ông bà giáo đã sống chung mấy mươi năm sao không hiểu được. Tính ông mê kiểng và nhứ chim, mỗi lần đi nhứ về ông kể lại cho bà nghe nhiều lần bà hiểu được sự đam mê. Bà Giáo chưa bao giờ cản ngăn thú chơi ấy, thậm chí khuyến khích ông cho khuây khỏa nỗi buồn.
Thừa nhận ông giáo làm cái gì cũng đẹp, gene khéo léo được ông nội truyền lại, ông đan đác cái gì cũng tuyệt, từ trái lờ cá, cho đến cái nơm, cái mủng, rổ…Cây kiểng nào ông uốn nắn cũng tuyệt, nhất là làm lồng chim nhứ, tùy theo loài chim mà mỗi lồng đều khác nhau, từ cái đấu chim ăn đến cầu chim không ai chê vào đâu được.
Chuyện cái cầu chim đã thấy ông công phu thế nào. Khi ông nhìn thấy cây xanh quít có cầu đẹp, ông chặt, uốn bằng lửa rồi tỉ mỷ gọt lại, đâu đó mới bắt vào lồng, Dũng thấy ông làm cầu chim đã phục sát đất.
Dũng có một thời theo ông đi nhứ chim cu đất, sau khi chọn thế chim nhảy ông cẩn thận dùng câu lim cắt hết các nhánh chung quanh, chỉ để nhánh đối diện với chim lồng, chim bên ngoài chỉ duy nhất phải đậu nhánh ấy, khi chim lồng gù thúc, con chim ngoài cũng không kém, nó cũng hùm hổ thúc, gù nghe đã tai lắm. Con chim ghét nhau tiếng gáy là vậy. Nó vờn với nhau khá lâu, hình như tiếng gáy đã làm con chim ngoài tức tối, nó nhảy bổ vào để đá con bên trong, chiếc bẫy lưới oan nghiệt sập xuống đã tóm gọn chú chim trước vài phút còn gương oai diễu võ ta đây. Nghề chơi cũng lắm công phu.
Ông giáo ồn tồn :
- Mình khỏi lo tôi biết phải thế nào. Mình an tâm và cẩn thận tiền bạc trên tàu xe.
- Tôi chỉ nhắc mình thôi. Thôi tôi đi mình nhé.
Lần này bà giáo đi ông không lo lắng, bởi ông biết chắc vào trong gặp con cháu.
Chuyến tàu hỏa Bắc Nam, đến trễ so với giờ của điều độ chạy tàu gần tiếng rưỡi. Cô Út và chị Thanh đưa mẹ lên tàu, bà Giáo còn dặn dò:
- Cha các con vô tư lắm, các con thường hỏi han nhé, tính ổng không hỏi là không nói, mẹ biết tính cha, nhớ chăm sóc bửa cơm cho ông.
- Mẹ an tâm cứ đi, đừng lo nghĩ các con đứa nào giờ cũng sỏi cả rồi, vào đến nơi nhớ gửi thư về cho biết tin, mẹ nhé.
Đoàn tàu kéo hồi còi dài rồi lăn bánh, bà ngoái nhìn các con, những bàn tay vẫy những bàn tay làm bà xúc động rơi nước mắt, lòng người mẹ nào chẳng thế, cực chẳng đành mới xa nhà chứ với từng tuổi nầy, nếu như không túng quẩn dễ gì bà rời quê quán bương chải kiếm ăn nơi quê người xa lắc, xa lơ, không được ở gần ông để chia sớt buồn vui.
Thời thế vậy cũng phải chấp nhận, cuộc đời có những bước ngoặc tình cờ nhưng phải nương theo cho phù hợp từng hoàn cảnh mình.
Một đời bà Giáo phụng sự từ tuổi trẻ đến xế chiều, nếu không thay đổi có lẽ bà cũng được an nhàn trong tuổi già bóng xế, chứ nào phải bôn ba đi cầu thực phương xa, rồi đây sẽ ra sao nữa khi cả một đàn cháu con chưa được bình yên, còn lận đận, thương bà thì ít thương con thì nhiều.
Thời gian còn những một ngày một đêm trên tàu, bà lục lạo tiềm thức coi như thước phim đời mình mở lại để tự kiểm, để cảm nhận một đời đã qua.
Thời bấy giờ, cuối thập niên 49 - 50 của thế kỷ trước bà học Quốc học Huế là vinh hạnh, dễ gì con gái được học Tây học, bà chợt thương ông ngoại - người rất cầu tiến trong cách dạy dỗ con cái, hoàn toàn không theo khuynh hướng Nho gia, cho con gái đi học, thời bấy giờ nhiều người khá giả, giàu có còn dè biểu ông rằng không thức thời, con gái làm gì cho đi học nhiều, biết viết biết đọc đã hơn khối người ở cái huyện, cái tỉnh này, ông chỉ trả lời qua loa với họ: ‘Kệ anh à, học tập bao giờ cũng tốt hơn’. Ngày bà vào trường Quốc Học chình ông ngoại dẫn bà đến tận nơi, sau khi tìm chỗ trọ học ổn định, vào trường bắt đầu học tập ông mới về. Từ đây bà đã một mình lo liệu, xong 4 năm trung học bà mới quay về. Ông ngoại nghĩ rằng bấy nhiêu cũng đủ với xã hội thời ấy, hơn nữa tiền bạc cũng vơi đi nhiều. Còn lại cho các cậu em nữa.
Ngày ấy, chính ông ngoại cũng ra tận nơi đón bà về sau khi dự lễ bế giảng. Hèn chi bà Giáo yêu kính ông ngoại cũng phải. Rồi lấy chồng, rồi vào sư phạm cấp tốc, rồi dạy học, rồi nuôi chồng đi học, nếu không phải là bà Giáo, ông Giáo không thể đậu tú tài. Công đức ấy thật đáng nể vì. Ngoài ra bà còn dìu dắt, bổ trợ các em bên chồng học tập, cô chú nào cũng được chính bà khuyến khích. Các chú cô kính trọng bà cũng phải đạo.
Rồi thời thế thay đổi, rồi học tập cải tạo, rồi bây giờ tha phương cầu thực. Ôi chao, đời người cũng lắm vui buồn, biến đổi không ngừng.
Giá như sau 1975 ông bà nghe lời người nói phải vào thẳng Sài Gòn có lẽ mọi sự đã hoàn toàn khác, vì khi đó tiền bạc hãy còn. Một quyết định đúng có thể nhiều thế hệ không đến nổi phải hy sinh tốn sức lực quá nhiều, đó là cái giá phải trả cho sự sai lầm, thiếu quyết đoán. Nhưng mọi sự đã rồi, làm sao. Thực tại là còn phải làm việc để tồn tại, ôi, cái nợ đời còn dài, không biết khi nào hết lận đận, bôn ba.
Đôi lúc bà cũng tự an ủi rằng mọi sự trên đời được sắp đặt bởi ông Trời, vì thế mà bà chẳng oán than gì, bằng lòng với phần số mình. Cũng may là như vậy không bị ức chế bởi tâm lý.
Và rồi, đúng trưa hôm sau bà Giáo cũng đã đến Sài Gòn, xuống ga cuối cùng Bình Triệu. Ga Bình Triệu là nơi dân anh chị tứ xứ, cũng như các người thất thế tụ về để kiếm sống bằng đủ các loại nghề từ bốc vác, cò vé, cò xe ôm, vận chuyển… tất cả đều có luật lệ bất thành văn, ai trong cõi ấy mới hiểu một trật tự bài bản, ông ‘trùm’ có đầy đủ quyền lực với những thành viên. Thế giới nào cũng có quy luật riêng chẳng qua không thực chứng nên không thể hiểu được.
Dũng và bà Giáo Vân bước ra, các anh xe ôm chèo kéo, mời mọc ghê lắm, Dũng khoác tay tất cả, chỉ trả lời vỏn vẹn: Cảm ơn, có người đón rồi. Tất cả họ không theo nữa. Thấy lạ, khi ra ngoài cổng bà giáo hỏi:
- Sao con tỉnh bơ vậy.
- Những người chạy xe ở đây họ rất tâm lý, ai ngập ngừng họ sẽ theo đuổi tới cùng, họ nghĩ chắc chắn sẽ đi được, có thể ngại giá cả đắc đỏ quá chăng, để đi cho được chuyến xe ấy, còn nếu thấy không phải là họ quay lại để kiếm khách khác.
Bao giờ cuốc xe bên trong cũng đắc đỏ hơn xe bên ngoài, bởi họ phải đóng thuế. Đâu phải ai cũng vào được bên trong đâu mẹ.
- Vậy à
Dũng đón mẹ về khi bà còn lóng ngóng bước ra ga. Lần này là lần đầu tiên bà được đi xe đạp trên thành phố hoa lệ đông đúc này, chính con bà chở về nhà cô Tám vui vầy với vài đứa cháu ngoại, mà bà thường nhắc nhưng mãi hoài chíp miệng vì xa xôi quá khó có dịp thăm hỏi. Cơ ngơi gia đình nhỏ của cô cũng làm bà vui.
Nhà riêng khá dài và rộng nằm trong con hẻm trung tâm của thành phố, có gác suốt từ đầu đến cuối, đủ rộng để bà có thể ngủ nghỉ nơi đây. Hơn nữa không xa so với chỗ của chị Huỳnh Kim là bao nhiêu. Một điều thuận lợi vô cùng.
Gia đình cô Tám mừng lắm, chiều hôm ấy nhà cô dượng Tám vui như tết, đầy đủ cả các con ở Sài Gòn quy tụ, gia đình cô dượng Tám nhất là các cháu ngoại quấn quít bà, một điều lạ là cháu nhỏ chưa hề biết mặt bà ngoại, nhưng khi cô dượng giới thiệu đây là bà ngoại từ Quảng Ngãi vào thăm ba mẹ và các con, chúng nó thân thiện như người nhà đã từng. Sợi dây thiêng liêng tuy vô hình nhưng bắt được tầng số máu mủ ngay. Đất trời kỳ diệu là vậy.
Bửa tiệc tương đối thịnh soạn, nào vịt quay, gà luộc, bánh mì… Cảm nhận bà rất vui, hạnh phúc, nếu như các con bà ở ngoài ấy làm gì có được trong thời buổi gạo châu củi quế này, tuy cô dượng Tám còn khó khăn nhưng cung cách Sài Gòn là vậy, hình như cũng đã ít nhiều ảnh hưởng. Ngày mai có ngày mai lo, rất thoải mái.
GẶP GỠ NGƯỜI NỔI TIẾNG
Trời quang mây tạnh, vào đông nhưng nắng ấm, hình như Sài Gòn không có mùa đông thì phải, cơn mưa đã tạnh hẳn. Bà Giáo giục Dũng:
- Tạnh mưa, nắng lên rồi con à, đi đến vài chỗ để mẹ thăm, ngày mai mẹ còn đến chỗ chị Huỳnh Kim.
- Dạ, con cũng đã xong, Xuống ngay thôi
Dũng chở mẹ qua chú Tám, bà không quên đem theo tí quà quê với mạch nha và đường cục – Đường cục được nấu bằng lò mía 4 chảo, khi đường tới người ta đỗ vào muổng, có hình chóp nhọn, phía đáy có lỗ tròn khi đem về phải rút mật, mẹ biết chú thích món quà quê nầy lắm. Trước khi đi mẹ chỉ đem quà 2 món ấy, bà rất rõ cả nhà ai cũng thích.
Đến nhà chú Tám khá sớm. Con trai chú reo lên :
- Ồ, bác Hai gái và anh Dũng đến cha à.
Chú bước vội ra cửa, đón vào, trên chiếc giường thấp tự tay chú đóng một ông khách cùng ngồi với chú, bà giáo và Dũng cúi đầu chào vị khách, xong. Chú giới thiệu ngay:
- Đây là nhà thơ Phạm Thiên Thư và đây là bà chị dâu cả tôi, thời trước dạy học, vào thăm, đi với con chị.
- Chào thi sĩ, tôi nghe anh qua nhà tôi, nhà tôi mê anh lắm, ông ấy cũng thích văn chương. Tháng lương nào cũng mua 4,5 đầu sách. Bà Giáo nói
- Hồi trước, anh quân đội hay làm việc hành chánh? chị
- Nhà tôi làm công chức, dạy thêm tư thục anh à
- Anh có bị gì không ? chị
- Dạ, cũng có anh à
Chú Tám chen vào cho rõ ràng, tính chú ngang tàng lắm, không úp mở
- Anh chị tôi, ai cũng mới cải tạo về, ảnh sắp chết mới được về, còn chị về năm ngoái, hết quản chế mới được đi xa.
Ông Phạm Thiên Thư, có vẻ ngạc nhiên lắm, him hip mắt, tay vẫn còn điếu thuốc Đà lạt đen hút dỡ
- Ồ, chị cũng bị chính quyền bắt đi à?
- Dạ
- Mấy năm chị?
- 22 tháng anh à
- Trời ơi, chị đi dạy thôi mà. Ở ngoài liên khu 5 tôi nghe nói dữ lắm. Sài Gòn coi vậy cũng đỡ hơn miền trung nhiều họa sĩ hả
- Sài Gòn cái gì cũng sướng anh Thư à, ngoài quê tôi nghe các cháu nói mà thương, có khách đến thăm làm con gà đãi người ta cũng sợ, giống thời Việt Minh quá anh à
- Sợ gì họa sĩ
- Sợ mấy anh du kích biết được báo cáo lên trên, nói rằng còn khả năng nên làm khó. Anh về viết đề tài này nhé, chắc đăng báo được. Chú cười sảng khoái lắm.
- Ông thi sĩ thun mũi cùng cười, dễ sợ anh hả, chắc mười năm nữa viết được! Quay sang Dũng ông hỏi:- Còn cháu học ở đâu?
- Dạ, cháu xếp bút nghiên rồi, nhưng không tòng quân ra trận, đang lang thang Sài Gòn kiếm việc, chưa biết sao đây chú à, chú nhà thơ lớn, quen biết nhiều, giới thiệu cháu với.
- Anh biết viết văn làm thơ không à?
Có lẽ ông nói vừa đùa, vừa giỡn, nhưng Dũng thì khác :
- Dạ, cũng viết lách chập chững, nhưng chi vậy chú?
- Có bài thơ nào đọc tôi nghe với, dân miền Trung, nhất là Quảng Nam, Quảng Ngãi làm thơ dữ lắm họa sĩ à.
Dũng lần đầu biết được nhà thơ lớn, vốn đã mê Động Hoa Vàng, Ngày xưa Hoàng Thị… của ông thời trung học, hôm nay được kỳ ngộ với ông trong nhà chú, nên cũng bình tĩnh, ngày trước nghe mấy cái tên ấy, Dũng tưởng tượng dữ dội lắm, trông được thấy, được nghe, được hầu chuyện, hạnh phúc lắm. Bây giờ người bằng xương bằng thịt ngồi trước mặt, Dũng sung sướng vô cùng, nên cũng thích đọc cho nhà thơ lớn nghe, bạo dạng nói :
- Dạ, có chứ. Chú và chú Tám cho phép thì cháu đọc, có gì nhờ chú giúp cháu để tiến bộ.
- Đọc đi mới biết, chú Thư chỉnh lại cho, chú Tám nói :
- Cháu đọc nhé, bài thơ cháu viết trước khi vào Sài Gòn, định lập nghiệp luôn ở đây, Dũng hơi run, cố gằn giọng, từ tốn vừa đọc, vừa quan sát chú Thư :
‘Nát gan quyết một lần đi,
Mai sau còn được điều gì hương hoa
Bóp tim bái biệt sông Trà
Lời nguyền xin tạc lời cha nạm vàng
Ngữa nghiêng thời cũng bật ngang
Ai ngang tôi để cung đàn lạt giây
Mùa khô rát nát nắng dân cày
Ta còn mải miết so giây tơ lòng’
- Hay, hay lắm. Tâm sự quá. Còn trẻ mà làm bài thơ đọc nghe sướng ghê. anh có năng khiếu, hồi ấy chắc học văn chương giỏi?
- Dạ không, Cháu học chuyên toán, tú tài ban toán.
- Ngộ hả, tôi tưởng anh dân ban văn chương, có thời gian cứ viết để trang trải nỗi lòng mình, biết đâu anh sẽ cũng như tôi, như các người khác, sóng sau cao hơn sóng trước là thường tình. Có điều ai mê văn chương không giàu đâu nhé, nó là nghiệp chứ chẳng phải nghề. Rồi ông cười nhẹ nhàng, hiền lành, đôn hậu.
- Dạ, không dám, với chú Phạm Thiên Thư, cháu cho là thiên tài thi ca, nhất là lục bát. Lời trong Động Hoa Vàng cháu đọc nhiều lần, cha cháu ổng cũng giảng giải thêm điều gì ổng cảm nhận, còn cháu chưa hiểu hết hàm súc ý của chú. Nhưng rất mượt mà, ngôn ngữ tuyệt đẹp. chưa thấy ai bằng.
- Tôi hồi ấy là tu sĩ, nhiều thời giờ cho kinh sách, nhưng bây giờ chẳng làm gì cả, thỉnh thoảng cũng trang trải nỗi lòng trên giấy.
Chú Tám xen vào
- Cháu à, chú Thư là nhà thơ tài hoa cả miền Nam ai cũng biết, có điều để nói chuyện hỏi thăm với mẹ cháu tí.
- Dạ, Dũng xuống nhà sau nói chuyện với các em, mẹ nói chuyện với chú và chú Thư, tranh thủ còn về nữa mẹ à.
Chú Thư có lẽ muốn biết thêm về buổi đầu giao thời của miền trung nên chú hỏi bà Giáo :
- Chị à, vậy chị có biết tại sao người ta cho đi cải tạo.
- Dạ, cũng có lý do chứ anh, chẳng là lúc lộn xộn thời cuộc, người ta bắt đầu chuẩn bị cuộc di tản lịch sử có lẽ nhà thơ cũng đã biết, các thầy đến trường thưa dần, và những ngày sau không đến trường nữa. Trước vài tháng, thầy Hiệu trưởng họp hội đồng trường giao tôi quyền Hiệu trưởng, biên bản thiết lập xong là tôi điều hành nhà trường. Hơn nữa, tôi là bí thư Dân chủ ngành giáo dục huyện thời ấy. Có lẽ chính quyền nghĩ khác nên mới bị học tập, phụ nữ như tôi sáng từ phố về quê tới lớp dạy, về nhà gần đó, chiều có khi ra văn phòng cùng các giáo viên, rồi chiều xong tôi về phố. Lo gia đình, con cái đông anh à. Cha các cháu làm trên ty, có khi tối mịt mới về.
- Thì ra, chắc họ nghi ngờ thôi
- Dạ, đúng vậy anh, sau lên trại tôi mới biết chính xác là vậy. Chứ khi triệu tập tôi cũng không biết mình có tội gì. Tôi hoang mang vô cùng. Nội cái chức bí thư ‘hữu danh vô thực’ ấy mà cả năm trời tôi khổ sở biết bao nhiêu.
- Miền trung gay go quá họa sĩ hả. Chú Tám nói tiếp :
- Nếu như anh chị tôi vào Sài Gòn chắc không đến nổi như ngoài quê đâu, miền Trung nhất là liên khu 5, anh Thư biết chứ: gay go nhất nước.
- Biết, thời Việt Minh đã nổi đình nổi đám rồi, sau 1975 cũng vậy. Đây là lần đầu tiên tôi biết một cô giáo dạy học bị học tập cải tạo gần 2 năm. Không tưởng tượng ra nổi.
Chú Tám tiếp :
- Chị vào thăm các cháu rồi về hay có tính gì nữa không chị?
- Ngoài đó, từ khi hồi hương về đến giờ chỉ tốn tiền, còn bao nhiêu tôi túc mục thuê mướn cải tạo lại mảnh vườn hoang hóa mấy mươi năm, sau khi vợ chồng tôi cải tạo về nhà không còn gì cả chú à, tôi định theo đứa học trò trong nầy bán quần áo chợ trời, để kiếm sống, bế tắc quá chú.
Cả 2 ông ngồi tặc lưỡi, có vẻ cảm thông, chú Tám lên tiếng :
- Tất cả những người làm việc cho chế độ cũ tại Sài Gòn nầy bây giờ người nào cũng trở thành bá nghệ, người chợ trời đa số, bán đồ nhà hầu hết, xích lô, xe đạp ôm…
Nghe đến đây bà Giáo biết ngồi thêm cũng mất thời giờ, còn phải về, nên đứng dậy:
- Chú Tám à, ở đây cũng đã vài tiếng đồng hồ rồi, tôi còn đi qua cô Một thăm tí, xin lỗi chú và nhà thơ tôi phải đi, không có thời gian nhiều, mong thi sĩ và chú thông cảm. Có tí quà quê gửi chú và các cháu cho vui. Tôi đi đây
- Dạ, chị có việc, chị đi. Tôi và anh Thư còn ngồi chơi lâu.
Bà Giáo cúi chào rồi cùng Dũng ra về. Dũng không quên :
- Thưa chú Tám và chú Thư, cháu về. Hôm nào một mình cháu qua nói chuyện một bửa với nhà thơ lớn mà cháu kính phục.
Chú Thư cười ung dung :
- Được, tôi cũng thích anh. Chị và cháu đi nhé.
Dũng chở bà Giáo sang nhà cô Một. Nhà cô kín cổng cao tường, Dũng nhấn chuông. Không có tiếng thưa. Lại nhấn chuông lần hai. Có tiếng thưa bên trong. - Ai đó? Cô mở cửa bước ra:
- Ồ, chị Hai, mời chị và cháu vào. Hai chị em đi song song nói với nhau. Dũng đi sau.
Cô rót hai cốc nước lọc đặt trên bàn. Cô ngồi sát bà Giáo. Dũng ngồi đối diện.
- Mời chị và cháu uống nước.
- Cảm ơn cô. Bà giáo nói
- Chị vào bao lâu rồi, chị ở đâu ?
- Tôi mới vào hôm qua, hiện ở bên nhà vợ chồng con Tám.
- Vậy hả?
- Nghe nói ở Nguyễn Huỳnh Đức, Phú Nhuận. Em cũng chưa qua.
- Ừ,
- Chị vào thăm hay tính làm ăn gì trong này
- Trước là thăm các cháu, sau chị tính ở trong này kiếm sống.
- Nghe nói ngoài mình cực quá hả chị
- Làm ruộng phải cực thôi cô, mà các con tôi yếu đuối chưa quen, khó sống quá.
- Chị à, Bây giờ ai cũng vậy.
- Sài Gòn còn dễ chịu chứ ngoài ấy chẳng những cực mà cách sống cũng gay go. Chính quyền coi mình như công dân hạng hai. Từ ngày hồi hương đến giờ người không ra người, ngợm không ra ngợm, lây lất, tội mấy nhỏ nhà tôi lắm cô, chúng nó không được vào cấp III, Tôi sợ thằng Út cũng sẽ không vào được nên gửi đi Đà Nẳng để học và được vào trường cấp III.
- Anh Hai ra sao chị, từ ngày anh về đến giờ sức khỏe thế nào?
- Tưởng anh chết trong trại chứ! Anh về ốm nhách, mình đầy ghẻ chốc, cô không bao giờ tưởng tượng nổi đâu? Tội lắm cô. Bây giờ thì cũng ở nhà làm lặt vặt.
- Hồi trước anh chỉ là Đội trưởng đội công tác, mỗi lần anh công tác Sài Gòn về nhà em chơi, Anh hai và ông xã nhà em hợp tính, say sưa nói chuyện em mới biết, mãi sau này, hình như năm 1973 anh mới lên ty phó mà ngoài ấy họ làm gì đưa anh đi tuốt núi cao. Chắc ảnh thực thà khai báo quá. Có sao khai vậy, bọn họ căn cứ ấy mà phân loại cho đi.
- Tôi cũng hổng biết cô à. Ảnh thì thật thà quá đổi.
- Anh Bảy, chị Chín, anh Mười nữa ra sao chị?
- Chú Mười trụ dưới phố cũng đỡ, còn chú Bảy, chị Chín hồi hương cũng như gia đình tôi thôi, nhưng đỡ hơn vì chính quyền không chiếu tướng.
- Sau 75 gia đình mình lao đao quá, phải chi hồi ấy anh chị vào đâu đến nỗi.
- Chuyện đi qua rồi cô à, có nói cũng chẳng được gì nào, bây giờ có giúp được gì không chứ nhắc làm chi, cô. Chẳng qua tai nạn thôi, mình cũng phải chịu.
- Chị ở lại ăn trưa, có thể ông xã em về, nói chuyện với chị cho vui. Ảnh hay hỏi thăm anh chị.
- Thôi cô à, để tôi và Dũng về chiều nó còn đi kiếm việc. Các cháu chờ cơm, tôi nói trưa về.
- Vậy thôi, chị về hôm nào chủ nhật chị ghé có nhà em nói chuyện bữa. Ông xã nhà em chủ nhật mới nghỉ.
- Tôi vào thăm có tí quà quê gửi gia đình cô cho có tình. Bà Giáo cùng Dũng ra về,
- Dạ, cảm ơn chị. Cô khéo miệng, từ nãy cô say sưa nói chuyện với mẹ, xin lỗi cháu.
Dũng nói:
- Dạ, không sao cô à, Dũng và mẹ chào cô ra về.
Buổi trưa Sài Gòn vẫn nhộn nhịp, hai bên đường hàng me với bóng mát tuyệt vời, đúng như Nguyên Sa viết: Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát. Nhưng không còn em mặc áo lụa Hà Đông thôi. Ngoài đường lũ lượt các học sinh ra về, có điều Sài Gòn cũng chẳng còn chiếc áo dài nữ sinh thướt tha trong nắng như thời Hoàng Kim .
Xe đạp trên đường dày cuội, từng tốp hai ba thong thả đùa giỡn trên đường phố. Đúng là: tuổi học trò hồn nhiên như áo mới/ thuở vô tư trong trắng trước hiên đời. Có lẽ các em chưa bao giờ nghĩ cuộc sống vào đời gay go thế nào như Dũng bây giờ.
Thong thả Dũng đạp xe chở mẹ, đi qua những những con đường nhựa bon bon, những dãy cao ốc tráng lệ, trào dâng cảm xúc rồi đây ta cũng đồng hành cùng người Sài Gòn.
GẶP CHỊ HUỲNH KIM
Đạp xe tà tà trên đường Hai Bà Trưng chở mẹ đi trong buổi sáng sau khi café với người bạn, lòng anh sảng khoái. Cầu Kiệu và chợ Tân Định nhiều kỷ niệm với Dũng.
Nhớ khi mới vào Sài Gòn chân ướt chân ráo, buổi tối có vài người bạn cùng quê học đại học trong này, tình cờ hôm ấy gặp nhau, ngồi với nhau ở quán cóc Trương Tấn Bửu, làm vài xị rượu với tí khô cá Nam bộ, nói chuyện huyên thuyên thời đi học, ngày trước Dũng cũng đã từng được đặt cho cái tên rất tự hào “con ngựa chiến của lớp” khi anh nhận giải toán concours nhất toàn trường” mà đại tá tỉnh trưởng Ngô Văn Lợi trao tặng. Cha Dũng là thầy dạy ở trường ngồi dự bên dưới dự lễ trao giải, ông rất tự hào về con trai mình. Phần thưởng chở cả chiếc xích lô. Ngồi nhớ lại cũng cũng đủ làm vui trên bước đường tiếp tục hành trình gian nan. Tụi nó còn phải về ký túc xá, cuộc hội ngộ ngắn ngủi sau bao nhiêu năm không gặp. Mỗi đứa có một cuộc đời riêng chẳng ai giống ai, khi rời tổ ấm học đường, đàn chim tung cánh bay đi, mỗi con chim tự tìm cho mình một hướng bay, nhưng tình bạn thời trung học tuyệt làm sao mỗi khi có dịp ngồi lại.
Dũng về nhà chú Tám, trò chuyện sôi nổi cùng chú về chuyện nhà, chuyện đời, ôi chao đủ thứ cả, say sưa tranh luận với chú quên cả thời gian. Đến 22 giờ tối. Chợt chú bảo: “Tối nay, công an khu vực xét nhà, cháu chịu khó đi ngủ chỗ khác nếu không, phiền lắm”. Dũng hoảng, còn chỗ nào nữa mà về ngủ, đồng hồ trên tay đã 22 giờ 30. Định thần lấy chút bình yên. Chẳng sao, ghé về chợ Tân Định café, xem quang cảnh chợ đêm, nghĩ vậy nhưng cũng buồn. Giá như sớm hơn đã đạp xe về Quận 8.
Cuốc bộ xuống chợ, quán cóc café đêm Dì Tư của chợ Tân Định chưa có ai, Dũng ghé vào kêu ly đen, ngồi suy nghĩ chuyện trên đời. Nếu mình cũng vào được học như tụi nó giờ này cũng đã cùng bè bạn có lẽ vui lắm.
Riêng chuyện đi cắt hộ khẩu nhập vào trường đại học, có thể viết được truyện ngắn hay tiểu thuyết, nhiêu khê vô cùng. Khi họ cố tình không cho đi học hình như có 1001 lý do, tuổi trẻ tức giận và nông nổi cự cải với chủ tịch xã, sém tí nữa bị nhốt. Thời ấy chẳng có luật lệ gì, ông chủ tịch xã là vua một cõi, chớ dại mà làm ông nổi giận. Cũng may là Dũng biết dừng lại. Một bài học chua xót nhớ đời và khi biết chắc cổng đại học đóng sầm và khóa chặt (không phải do nhà trường), từ ấy Dũng mới không bận tâm, không suy nghĩ về nó. Tìm hướng khác, tự an ủi mình: nhiều đường đến La Mã chứ đâu chỉ duy nhất một con đường. Mông lung suy nghĩ, dì Tư đem ly café đến làm cắt mạch suy nghĩ. Có thuốc gì không em?
- Dạ, dì cho thêm 3 điếu Hoa mai.
Dì mang ra tính tiền luôn, ở đây ai cũng vậy, dân chợ mà biết bao nhiêu người đem hàng rau củ quả tới uống rồi đi. Không lấy trước không thể nhớ.
Đêm ấy, Dũng ngồi từ 11giờ khuya đến sáng, đúng là chợ đầu mối, sinh hoạt ban ngày lẫn ban đêm, không lúc nào ngủ. Lần đầu trong đời không có chỗ tá túc qua đêm được chứng kiến.
Quan sát mới thấy thú vị, xe hàng đến, người tài xế ghé quán dì Tư thoải mái café, thuốc lá. Tất cả hàng hóa nhịp nhàng tuần tự đến ai, bao nhiêu chỉ có một người ghi ghi chép chép và phân phối, được kéo đi bằng xe đẩy cùa đội quân cửu vạn chuyên nghiệp. Mọi thứ đâu vào đó. Lần sau mọi người trả tiền đợt trước, lấy hàng đợt sau. Cứ tiếp diễn như thế, nhưng chặt chẽ.
Xong xuôi tài xế đánh xe đi, nhường chỗ cho người khác, tuần tự, trật tự từ một người có trách nhiệm ở chợ.
Tản sáng, những chiếc xe cá nhân lần lượt tải hàng về các chợ lẽ cũng nhịp nhàng, mỗi người bao nhiêu thanh toán và rời đi. Rác ư? Một đống ứ hự công nhân vệ sinh chợ tập trung dọn dẹp. Tất cả rất bài bản, nhịp nhàng.
Đúng 6 giờ sáng là trả mặt bằng sạch sẽ cho buổi chợ mới bắt đầu.
Những khuân vác, những giao dịch ban đêm rút về, ngủ nghỉ vì cả đêm làm việc cũng đủ thu nhập để sinh hoạt.
Dũng chợt nhớ bài học trong English for today III: Living in the big city, khi quan sát anh mới hiểu được văn sĩ ấy có lý. Sống ở thành phố lớn, thành phố không bao giờ ngủ. Văn là lý, thật đúng y như rằng.
Một trải nghiệm tuyệt vời nếu như không có buổi tối khó hôm ấy làm gì anh hiểu được sự nhộn nhịp về đêm của một chợ lớn Tân Định, Sài Gòn.
Dũng chở mẹ xuống chị Huỳnh Kim, lúc chị đang loay hoay trải miếng ny long sắp xếp, bày biện mấy chiếc áo quần cũ.
Dũng đợi cho xong, khi người bán café đem cho chị ly café sữa nóng, Dũng mới lên tiếng:
- Chị Huỳnh Kim, nghe gọi chị ngước mắt lên
- Ui, chào cô và chào em. Em đậu xe vào uống café sáng đã rồi hãy đi em à.
- Dạ.
- Cô uống gì à, hay là bạc xỉu cô nhé,
- Đúng rồi chị, mẹ em thiếu sữa mà. Em ghé chị café kho trong hẻm gọi luôn cho chị Kim, nhớ xin 2 cái ghế xếp.
Bà Giáo và chị đã an tọa trên chiếc ghế.
Trên vỉa hè Hai bà Trưng tiếp tục các phụ nữ bán chợ trời dần dần choáng cả cái vỉa hè. Mỗi diện tích 1.2 X 1.6 met bằng cả thửa ruộng mật, ở miền quê. Những gia đình ở chế độ trước cũng nhờ vậy mà mà nuôi con ăn học, khỏi cảnh “chà đồ nhôm” hằng ngày một đi không trở lại. Có điều cảnh giác đội cờ đỏ Phường đi chiến dịch dọn dẹp trật tự, các bà sợ đội này lắm, mỗi khi có lập tức trong vòng 2 phút mọi người túm lấy 4 chéo ny long vào hẻm, im thin thít. Chiến dịch đi xa còn ngoái đầu nhìn lại, mong anh đừng quay về mà khổ cánh chị em. Đoàn cờ đỏ đi qua, yên ắng, người ta lại dọn ra, các phụ nữ gọi là “Du kích miếng ăn” vừa bán kiếm sống vừa phải trông chừng, cảnh giác đội trật tự cờ đỏ này.
Café trò chuyện với chị Kim chừng 30 phút, Dũng nói:
- Chị à, cho mẹ em tập sự, giúp mẹ em nghe, ngày trước chị là học trò, bây giờ chị làm “cô giáo” bày vẻ mẹ em, ít nhất vài ba ngày cho thông thạo rồi mới ra chiến trường chị nhé.
- Ừ, em khỏi lo, để chị lo cho, thằng này lanh bà cố, cô à. Bây giờ để Dũng đi làm, cô ở đây với em, chung quanh ở đây đều là chiến hữu, phía phải em là chị vợ Đại úy Vinh sư đoàn 18 bộ binh, người huấn luyện em, bây giờ anh nằm dưỡng lão ở Bố Lá. Nhà chị bên trong hẻm, nếu hữu sự là mấy chị em lủi vào hậu cứ trong đó, nước có sẵn cứ ngồi nhìn ra, chiến trường yên thì trở lại chinh chiến. Phía trái em là bà đầm Trung úy Thành sư đoàn 9 bộ binh, hiện tại ở Cà Tum, Bổ Túc, Tây Ninh không biết chừng nào thoát cổng. Chung quanh đều là đồng nghiệp phe ta hầm bà lần xí cấu. Còn đây là cô giáo cũ tiểu học của Kim, người vừa ra “cổng” ở tận miền trung quê mình. Cả dãy này đều như vậy cả cô à. Tuy không đồng nghề thời trước nhưng đồng nghiệp thời nay. Chị Kim giới thiệu khá hài hướt.
- Bà Giáo gục đầu chào các đồng nghiệp tương lai. Cả bốn người cũng nhoẽn miệng cười tươi, nụ cười đầy cảm thông nhau.
Dũng chào mẹ, chào các chị và chị Kim:
- Mẹ ở đây với chị Kim, chiều con về đón mẹ, rồi Dũng nhổ neo lên đường.
Nắng Sài Gòn lại ấm, chợ Tân Định nhộn nhịp hẳn lên, người tấp nập trên đường. Thành phố này là vậy từ hồi nào đến giờ.
Lại nói về bà Giáo Vân như đoạn mở đầu, sau khi tập sự ba ngày cùng với các chị ở vỉa hè Tân Định bà đã chứng kiến được sự mua bán, cung cách bán mua, trao đổi hàng hóa, những đợt truy quyét đường phố của công an phường cùng với đội cờ đỏ ít nhiều cũng hiểu qua sự vụ việc. Thật ra cũng không khó như bà tưởng tượng khi ở quê nhà.
Ba ngày dãi nắng dầm mưa, thực chứng trên vỉa hè Tân Định, Sài Gòn bà Giáo cũng rút ra kinh nghiệm và cách đối phó cho chính mình. Nhất là lúc có đội cờ đỏ truy quét đi qua.
Sau ba ngày tập sự nhờ chị Huỳnh Kim hướng dẫn, bà đã tự kiếm ăn, thỉnh thoảng vẫn dành dụm gửi về nhà phụ nuôi ông Giáo. Thời gian vèo qua, qua tuần thứ ba, bà bị đội cờ đỏ bắt về phường.
Kể từ chiếc áo jacket, Bà Giáo gặp lại được người học trò cũ của bà đương là trưởng Công an phường Tân Định mà hôm sau đó bà kể lại cho các chị em bán đồ cũ, từ đó ai bán trên dãy vỉa hè Hai Bà Trưng cũng nể nang bà.
Một hôm bà đang lom khom trải tấm ny long bày hàng bán, rồi ngồi đợi khách, một phụ nữ mặc áo dài ngồi trên xích lô, người xích lô chạy rà rà theo qua hàng bán đồ cũ. Thời bấy giờ áo dài dường như là xa xỉ, không phù hợp với sinh hoạt xã hội. Bởi ai cũng mặc đồ bộ.
Sau 1975, cán bộ nữ giới phía bắc vào Sài Gòn, cũng như toàn miền Nam công tác hầu như chẳng ai có áo dài, các công sở chỉ toàn là quần đen áo cụt bà ba, hoặc quần tây kaki màu xám giống kiểu bộ đội, áo sơ - mi, dép nhựa, thậm chí các giáo viên cấp III, giảng viên đại học hay cán bộ thành phố cũng vậy, không thấy bóng dáng chiếc áo dài thanh lịch thướt tha. Chỉ cách ăn mặc của phụ nữ như thế đủ hiểu ngoài ấy thế nào, dù người ta có nói gì đi nữa, cũng không qua mắt được người Nam. Tuyệt nhiên mất tích chiếc áo dài thanh lịch không biết lý do! Tại sao có người mặc áo dài ngồi trên xích lô chễm chệ, một điều rất lạ. Ai cũng dòm ngó vào. Có lẽ chị đi dự đại lễ đám cưới của gia đình?
Xích lô dừng trước hàng bà Giáo. Người phụ nữ bước xuống gật đầu chào bà, bà Giáo vồn vả bước ra.
- Chị bán gì vậy? Người phụ nữ chưa trả lời bước tới trước bà Giáo, thầm thì:
- Cô mua chiếc áo dài này không? Vừa nói chị vừa mở ra, hộp đựng áo bằng cạc tông màu trắng rất sang trọng chứng tỏ có giá trị.
- Mua chứ cô.
- Đây là chiếc áo dài của bà Thiệu, sau 75 người giúp việc của ông bà Tổng thống đã đem đến nhà em nhiều thứ lắm, em mua khá nhiều, nhưng bán lần hồi sắp hết. Áo dài này em rất thích vì bà Thiệu thường mặc khi tiếp xúc các chính khách hay cùng Tổng thống đi dự đại lễ quan trọng. Em tiếc lắm, nhưng kẹt quá, hôm nay đám cưới con đứa em ruột, chẳng lẽ làm anh chị không có quà, nên em quyết định bán. Nếu cô mua em để lại. Có thể mai mốt em có tiền ghé chuộc cũng được coi như cô giữ tạm thời. Giọng chị có vẻ tha thiết.
Bà giáo ngập ngừng, không biết thế nào, thực giả ra sao? Bèn ngoắc chị Huỳnh Kim, chị vợ Đ/úy Vinh và chị Tr/úy Thành. Ba người bàn bạc bạc ngay tại chiến trường, cuối cùng ai cũng xúi bà Giáo lấy. Bà Giáo ủy quyền cho chị Kim giải quyết ngay tại mặt trận.
- Khi nãy chị nói với cô 5 phân, (bấy giờ vàng chui với giá 49đ/ chỉ), thời nầy chẳng ai mua áo dài làm gì, hàng nằm lâu lắm may ra mới có người mua chị à. 20 đ đi chị, nếu được cô mua cho, giá vậy là cao, chúng tôi cũng là vợ anh em sĩ quan quân đội cũ, biết giá trị nó nên mua liều, chứ chị đi sang hàng khác mấy em không biết giá trị mua chị chừng 5, 7 đồng.
Chị ấy có vẻ ngần ngại, phân vân, cò kè với chị Huỳnh Kim:
- Hồi ấy em mua cả lượng vàng đó chị à.
- Hồi ấy khác, bây giờ khác chị à, chị không tin mang đi nơi khác mà hỏi. Em chắc chắn luôn bán buôn ở đây em hiểu mà
- Chị gửi thêm 2 đ trả anh xích lô. Từ sáng anh chở tôi từ Q1 sang Phú Nhuận, được không?
- Được không cô? quay sang bà Giáo chị hỏi
- Tùy em định liệu.
- Thôi được, chị ngày trước làm gì? Chị Huỳnh Kim hỏi
- Tôi dạy văn, ở Văn khoa.
- Ô, chị giảng sư đại học à
- Vâng
Chút ái ngại đồng hoàn cảnh, chị Kim đồng ý.
Khi cầm lấy chiếc áo có vỏ ngoài rất sang trọng với dòng chữ: Kính tặng bà Tổng Thống, chị Kim cũng mừng cho cô.
Trước khi đi, chị ấy còn nói:
- Cảm ơn chị, tôi sẽ gặp lại các chị.
CÂU CHUYỆN CHIẾC ÁO DÀI
Buổi trưa hôm ấy, vào nhà chị vợ Đại úy Vinh cùng ăn trưa, chị trực nhớ lại hình như lúc đặc cách tại mặt trận bà Thiệu mặc chiếc áo này chăng? Chị mở tủ lấy mấy tấm hình màu polaroid của ông xã trong đó có vợ chồng Tổng Thống. Nói với bà Giáo:
- Cô à, em thấy áo này hoa văn giống áo bà Thiệu mặc kỳ đặc cách nhà em lên đại úy, cô xem nè, rồi cả ba xúm xít xem kỹ lưỡng mấy tấm hình có chiếc áo.
- Có thể lắm cô à. Mấy vệt phía trước ngực áo giống quá, chẳng qua là màu sắc không giống thôi vì nước ảnh xuống màu. Chị Thành cũng xen vào
- Có thể đúng lắm cô à, em cũng đồng ý với chị Vinh, chị Thành. Chị Huỳnh Kim có vẻ đắc ý.
Đến khi bà Giáo Vân cầm tấm hình, bà săm soi, ông Tổng thống đang gắn cái gì trên ngực, anh Vinh đặt tay lên trán chào, oai vệ quá. Lật phía sau có dòng chữ “Kỷ niệm, Ngày Tổng thống gắn galon Đại úy, 1973”. Bà quay sang chị Vinh:
- Anh Vinh xinh trai và oai vệ quá, chắc hồi ấy chị Vinh sung sướng lắm. Nét chữ cũng lã lướt, bay bướm quá.
- Dạ, anh ấy hồi trẻ đẹp trai cao lớn, khi đó em đang học trường Luật, mỗi lần về phép anh ghé trường Luật, đón em dạo phố mấy đứa bạn em thấy ảnh phong độ đứa nào cũng nói em có phước có bồ điển trai và biết ga lăng lại hào hoa nữa. Bọn em cưới nhau năm 73.
Sau ngày anh thăng chức được nghỉ phép anh về mang theo mấy tấm ảnh đó cô à, Năm 1975 anh rủ em đi, chỉ cần lên sân bay là đi thôi, em thương cha mẹ em nên cản, cuối cùng anh cũng nghe em ở lại, bây giờ cực quá mỗi khi đi thăm anh, về cứ nói với bạn bè ngày trước đứa nào cũng nói tao có phước, bây giờ cực trần thân. Nhiều khi thương anh ghê. Em thường xuyên đi thăm, cứ một tháng đi một lần.
- Ở đây ai cũng vậy mà, sông có khúc người có lúc. Bà Giáo an ủi.
Chị Thành chen vào:
- Cô à, chị Vinh làm như chị cực lắm, ông xã em tuốt Cà Tum, Bổ Túc, Tây Ninh nhưng tận biên giới Việt Miên mỗi lần đi về vài ngày đường, nhất là lội rừng vào đến chỗ anh thăm thẳm chiều trôi, em còn chưa nói gì.
- Em Thành à, cô cũng có đứa con sư đoàn 9, đang ở Cà Tum, Bổ Túc. Khi nó về quê thăm đầu năm 74 nó chỉ thiếu úy thôi, mấy lần Dũng con cô đi thăm, cô ước được đi thăm nó một lần nhưng chưa được, khi nào em đi cho cô đi theo với. Nhớ nhé. Bà Giáo nói
- Dạ được cô à.
- Hôm ấy, nếu được cô và em Dũng đi cùng.
- Em, cứ vài tháng là tiếp tế, em mới đi hôm trước, sau lúc cô bị bắt mời về phường vụ chiếc áo jacket. Cũng mới đây thôi mà
- Cô nói để cho lần sau, em báo trước cô chuẩn bị. Từ ngày nó đi biền biệt đến giờ chỉ có thằng Dũng xông xáo biết đường thăm nuôi, cô cũng đã nói với nó, nhưng cứ lần lửa hoài, chỉ biết gửi thư tay cho nó đỡ tủi thân.
Chị Kim nãy giờ nghe đến Năm cô con cô Vân, chợt nói:
- Cô à, em nghe Dũng nói, là có thăm anh Năm em, nhưng bao lâu nay em quên hỏi thăm cô. Năm ở Cà Tum, Bổ Túc cũng gần mà cô, đây lên đó khoảng 150 cây số à. Không khó đi, cô cũng nên đi một chuyến.
- Dũng nó biết, cô chưa bao giờ đi cả. Kỳ này có Thành đi tháp tùng một lần thăm con, chắc nó mừng lắm.
- Dĩ nhiên rồi cô, ai trong trại cũng vậy thôi. Thân nhân lên mừng lắm.
- Khi nào em Thành đi cô sẽ cùng đi cho bằng được.
Tóm lại là cô Giáo Vân hôm nay có chiếc áo dài bà Tổng thống là cả bọn vui. Sau này đấu giá chắc nhiều tiền cô à. Biết đâu điều ấy sẽ xảy ra. Làm sao mà biết được.
Phải chi cô dư dã, em nào muốn lấy cô nhường lại, biết đâu. Nhiều người nổi tiếng khi mất đi, người đời sau đấu giá, có khi cả gia tài đời người.
- Huỳnh Kim, hay là em lấy đi gửi cho cô uống café thôi, ý đó cũng hay, có em mau miệng mới có chiếc áo này, chưa biết đúng sai thế nào nhưng chị thấy gần giống với tấm hình trong bức ảnh của anh Vinh, chị nghĩ xác suất trên 60% đúng. Chị Vinh nói với Kim
Đến lượt chị Thanh:
- Kim không lấy tao lấy đừng ân hận nhé, Kim với Thanh cũng thân nhau, 2 ông xã cùng học một khóa Quang Trung, cả hai đều 2 mai. Thỉnh thoảng cũng đi ăn uống chung nghe nhạc hay xem phim.
- Để suy nghĩ nhé, đây là số của cô, nên để cho cô, chứ lấy thì ok có gì đâu. Ý chị Vinh sao?
- Cô đã nói rồi, cô còn khó làm sao cô bỏ ra gần 5 phân, chắc gì bán được liền, em lấy đi gửi cô 5 phân coi như kỷ niệm một thời chợ trời với bọn mình lúc thay đổi.
Huỳnh Kim nói:
- Hay là chị Vinh lấy đi, chị có tấm hình em nghĩ ai thích mua cũng có bằng chứng. Với con mắt tinh của em là đúng áo bà Thiệu mặc lúc trong ngày trao huy chương cho anh, hay đó chị à. Với tụi em bỏ ra 5 phân để đầu tư bây giờ là lớn, nhưng với chị bình yên mà. Mai mốt anh về, chị khoe với anh. Bà Thiệu tặng chị, anh hết hồn cho coi.
- Bây giờ chị hỏi thật tình nhé nghĩa là không ai lấy phải không? Thành, ý em thế nào?
- Em với Huỳnh Kim nhà cửa đâu có, tha phương chạy cơm gạo. Chị lấy hợp lý nhất.
Quay sang bà Giáo, cô à vậy em lấy cô nhé, coi như một kỷ niệm.
- Ừ, các em nói phải, dù gì em cũng khá nhất ở đây, lại có nhà cửa và cả bức hình, mai mốt nếu có người mua lại họ cũng vững tin hơn, bằng chứng rõ ràng, còn không ai mua em nói sau chuyến đi ấy bà Thiệu tặng cho phu nhân đại úy Vinh cũng vinh dự vậy. Hơn nữa, cô giảng sư Văn khoa nói là sẽ một ngày trở lại để chuộc, cô nghĩ cũng có thể xảy ra.
Chị Vinh đưa lại 5 phân cho cô Giáo Vân, hôm ấy coi như lời lãi được khá nhiều. Bà Giáo mừng rơn trong bụng lần đầu được như thế. Cả ba cùng dời đô ra tiếp tục bán mua buổi chợ chiều.
Buổi chiều Dũng chở mẹ về, bà Giáo kể lại, Dũng cũng mừng lắm:
- Mẹ à, bán chợ trời cũng như đi câu vậy, có khi ngồi cả ngày chẳng có mẻ lưới nào, song được một mối cũng sống được cả tuần, vì vậy người ta mới sống nổi với thời đại này. Con biết mẹ vất vả, nhưng làm sao bằng quê mình, làm trần thân cật lực cả ngày như con có 800 gram lúa, quy ra tiền có bằng ly café trong này. Sài Gòn dù sao cũng sống dễ là vậy.
- Con à, ghé chợ Phú Nhuận mẹ mua thứ gì cho các cháu, từ ngày vào đến nay chưa mua gì làm quà cho nhà anh chị Tám, để các cháu mừng bà ngoại.
- Phải đấy mẹ, hôm nay mẹ trúng mánh mà.
- Tổ cha mầy.
Dũng dừng trước quày trái cây, từ khi nào đến giờ bây giờ bà Giáo mới có dịp vào trong chợ Phú Nhuận, trời ơi mùa đông mà trái cây phong phú quá, đủ cả các loại trái cây, nếu như ngoài quê cùng lắm là chuối và mừng quân. Thì ra miền Nam quá ư sung sướng, chỉ làm ra tiền là khó còn mọi sinh hoạt đời sống quá tuyệt vời.
Bà mua 2 kg xoài cát Hòa Lộc, về tráng miệng buổi tối. Hôm ấy, cô dượng Tám cũng vui nghe bà kể lại mua chiếc áo dài “bà Thiệu”, câu chuyện làm rôm rả không khí trong nhà. Khi cả nhà vừa ăn xoài khen đáo để, vừa trở lại đề tài áo dài.
- Cũng có thể lắm chứ mẹ, phải chi có tiền cũng nên để lại kỷ niệm mẹ hả. Cô Tám nói
- Ừ, mẹ cũng nghĩ vậy, nhưng bây giờ tiền để đối phó với đời sống là quan trong nhất.
Khi chị Vinh gửi tiền mẹ mừng nhưng không dám ra mặt, sợ các chị coi thường, nói vậy chứ mình cũng phải giữ kẻ con à, mình nghèo mình biết. May là chị Huỳnh Kim cũng giúp mẹ và các chị cũng yêu thương.
Bà Giáo thấy cuộc đời bôn ba bương chải Sài Gòn xứ người cũng có những thú vị.
NDT
(Còn tiếp)
Chương 15:
BỨC THƯ CỦA MẸ