CÂY ĐÀN GUITARE - Hàng Bè
CÂY ĐÀN GUITARE Hàng Bè Trước ngày lên đường vượt biên, Hiền để lại cây đàn guitare, tặng Chú Được ; Đó là món nhạc cụ cuối cùng còn sót lại trong nhà sau ngày giải phóng ba mươi tháng tư, kèm theo vài giòng vắn tắt nhờ người nhà trao lại . Chú làm việc trong văn phòng phường khóm ở Quận Gò Vấp, chức vụ gì không biết, nhưng chắc cũng chẳng quan trọng gì. Chổ ngồi của chú là chiếc bàn nhỏ ngay cửa vào, thường, dân tình có việc cần, đến văn phòng, phải thông qua Chú trước. Được cái là chú hiền lành, mặt mày không nghênh nghênh ngáo ngáo như mấy tên bộ đội ngố kia, vừa ngu dốt vừa hách xì xằng, nhất là mấy tên “ cán bộ ba mươi “ hay đeo ba cái băng đỏ trên tay để đi hù làng xóm, thấy mà phát gai con mắt . Nên tuy lúc đầu, thấy chú là cán bộ, dân phố ai cũng gờm gờm, về sau thì có cởi mở, ít lạnh nhạt với chú hơn . Chú hay ghé ngang qua nhà Má nuôi Hiền sau giờ làm việc, ngồi chơi trong sân nhà rộng, đầy bóng mát, cứ than thở là nhớ quê nhà, nhớ mẹ, nhớ em. Hàng xóm thân tình cũng có nhắc chừng mẹ nuôi Hiền phải đề phòng, có thể là cán bộ đến dò la, dòm ngó của cải thì khổ thân … Nhưng mẹ nuôi Hiền, bà “ xăng phú “. Bà là dân Tây, có chồng là bác sĩ người Pháp giữ chức vụ cao trong nhà thương Grall, mới qua đời năm trước. Khi việt cộng vô, Bà buồn tình dọn về nhà vườn rộng rãi ở Gò Vấp, hưởng tuổi già với bầy cháu nội và tà tà ngồi chờ Toà Đại Sứ lo cho về Pháp theo diện hồi hương . Bà, người tốt, hiền lành, hay giúp đỡ bà con nên ai cũng thương . Chú Được này cũng hên, được Mẹ nuôi thương. Mỗi lần nhìn Chú ngồi dưới cây trứng cá với anh mắt xa vời vợi, buồn hiu, bà hay chép miệng : - Tội nghiệp, mới bây lớn mà đã phải bỏ mẹ già, em dại lại ngoài kia để vô đây. A, nói là vô đây giải phóng miền Nam, mà ở đây có ai cần giải phóng ai đâu. Sao lại đem cái bầy con nít này vô ?
Một hôm chú đến Má Nuôi, gặp lúc Hiền vừa từ Saigon xuống, Má Nuôi giới thiệu với chú, đây là cháu gái của Bà, sắp sửa dọn đi vùng kinh tế mới. Gật đầu chào Hiền, rồi chú yên lặng đứng nhìn Hiền mang mấy giỏ áo quần vào nhà, bổng nhiên, mắt chú sáng lên, chỉ tay vào chiếc đàn guitare Hiền mang theo trong mớ hành lý, - Ô, chị cũng chơi đàn hở chi? Hiền nhìn chú, cười cười, trả lời, - chú cũng biết đàn ? miệng hỏi, nhưng bụng thì rầu rĩ... chết rồi, bị chiếu tướng rồi đây ! - Em rất thích âm nhạc, nhưng chẳng có cây đàn nào trong tay, cứ ngồi mơ tưởng khi nào có tiền, em sẽ sắm một cây ghi ta một ý nghĩ lướt nhanh qua trí, Hiền vui vẻ nói, - thế lúc nào rảnh thì ghé đến, tôi cho chú mượn để đàn nhé - thế thì còn gì bằng, em cảm ơn chị trước Kể từ đó, hầu như mỗi cuối tuần, chú đều ghé thăm Má Nuôi, để được mượn cây guitare của Hiền, tỉ mỉ so giây đàn, gõ vu vơ, rồi hát nho nhỏ một mình. Hiền lắng nghe, nhận thấy tiếng đàn không đến đổi khô khan lắm... Sự thân tình cũng tăng dần, Hiền có thiện cảm với chú hơn những cán bộ khác trong xóm.
Một hôm, viện lý do sắp đi thăm vùng Kinh Tế Mới, Hiền nói sẽ nhờ chú giữ dùm cây đàn guitare vài tuần trong lúc Hiền vắng mặt. Chú lộ vẻ hân hoan, suýt soa hứa với Hiền, - Em sẽ cất giữ cẩn thận, chị yên tâm. Mẹ nuôi Hiền sai sắp nhỏ vô lục tủ lấy ra mấy bản nhạc Ngụy cho chú đàn thử, mấy bản nhạc Hiền cắc ca, cắc củm cất dấu bấy lâu nay. Vừa đem ra, Chú Được nhào tới làm Hiền sảng vía. Nhưng Chú thì mừng ra mặt, tay thoăn thoắt chọn mấy bài hát, nào là Tà Áo Xanh của Đoàn Chẩn-Từ Linh, Thung Lũng Hồng của Phạm Mạnh Cương, và mấy bài hát của Phạm Duy như Ngày trở về, Quê nghèo .… Chú nói : Chị cứ đưa đây, em đàn cho, không sao đâu . Nghe vậy, Hiền mới hơi lại vía. Chớ mà với ba cái tên bộ đội này, phải luôn đề cao cảnh giác ! Lưu trữ mấy thứ nhạc vàng này, là “phản động”, dám có ngày bị đi cải tạo như chơi !! Nhưng lát sau, nhìn chú ngồi hát nho nhỏ, hồn lắng sâu trong tiếng nhạc, như đi vào một thế giới khác, mơ hồ, huyền ảo. Không còn là chú Được cán bộ, làm trên phường khóm nữa, không còn là một chú bộ đội mà từ xa, nhìn thấy đôi dép râu là ai cũng … lo, né truớc ...xa xa . Chỉ còn, qua tiếng hát tâm tình theo nhịp đàn, là hình ảnh một cậu bé ngồi đây, nhớ cha, nhớ mẹ, nhớ em, nhớ về quê hương bên kia bờ vĩ tuyến . Mẹ nuôi Hiền nghe nhạc mà rơm rớm nước mắt, một phần thuơng cảm chú, một phần thương cảm cho những câu hát ngọt ngào trong quá khứ không xa... Mẹ nuôi chỉ có Anh Nhân là con trai độc nhất, nhà kêu là Anh Hai. Chị dâu Duyên, hiền khô. Hai anh chị sinh một lèo ba tên nhóc, sinh năm một, sau là tịt luôn. Thằng Vũ, mười hai tuổi, con Dung, rồi thằng Tiến. Cả bầy đều theo lời răm rắp một phép dưới sự chỉ đạo đầy quyền uy của Cô Ba, là Hiền, dù cho cô Ba lâu lâu mới xẹt về, chúng vẫn sợ cái oai như thường . Mỗi lần Hiền về thăm Mẹ nuôi, đem đồ ăn, quà cáp của Ba Mẹ Hiền gởi về là cả bầy tụi nó nhảy lơng tơng hò la om sòm : Cô Ba về , cô Ba về nè . Đứa thì dành cất chiếc xe đạp cũ xì, (không dám mua xe mới, sợ “chúng” để ý ). Đứa thì mang giỏ xuống khỏi xe, đứa nọ lấy nón lá quạt phành phạch sau lưng cho Hiền đỡ nóng. Sàigòn, mùa hè nóng lắm, còng lưng đạp xe từ nhà Ba Mẹ ở sau lưng Quốc Hội về tới quận Gò Vấp không phải chuyện giỡn chơi đâu . Hồi mới được giải phóng, Hiền lo sợ, đã đem bán đổ bán tháo chiếc xe hơi, mua Honda chạy đỡ. Về sau hết tiền ăn, bán luôn Honda, mua xe đạp. Cọc cà , cọc cạch chạy tà tà rồi cũng xong . Hồi đó, sau vụ đổi tiền, tuy chưa có lịnh chính thức nhưng đồn tai nhau là cách mạng sẽ cho lệnh tiêu hủy sách báo giấy tờ của tàn dư Mỹ Ngụy. Thôi thì nhà nào nhà đó bươi sách báo ra xé, đốt, phi tang không dám để lại thứ gì. Hiền vừa đốt sách vừa khóc. Có những cuốn sách thiệt hiếm, thiệt quý, ngày xưa phải nhờ bác Khai Trí tìm đặt mua cho cả tháng mới có. Giờ ngồi đây, lớp xé, lớp đốt, chẳng khác nào thiêu đốt cả tâm can . Thấy cái gì quanh đây như sụp đổ !! Hôm đi lang thang trước Nhà Thờ Đức Bà, gặp con nhỏ bạn thân hồi trung học. Hắn vừa thấy Hiền, vội liệng cái xe đạp nằm chèo queo bên lề vườn bông, dỡ cái nón lá “ không bài thơ “ ra vất nằm lỏng chỏng trên bờ cỏ, ôm chặt Hiền, la lên, mừng rỡ. Con nhỏ ni hắn là Luật Sư thời Mỹ Nguỵ, miệng mồm to lắm, Hắn bô bô kể chuyện : - Mi có biết không, tụi hắn vô kiểm kê văn phòng tau, lôi cả tủ sách xuống đất, đạp đạp, dẳm dẳm, nói đây là đồ tàn dư của Mỹ Nguỵ. Có tên còn mở ra đọc mà tau không biết là hắn có đọc ra chữ không nữa, cả một cái bầy ngu dốt .… Rồi có tên còn chỉ mặt tau nói tau là tay sai của Mỹ Ngụy. Tức quá, tau hỏi vậy chớ tui làm nghề tự do sao kêu tui là tay sai Mỹ Ngụy ? Hắn dậm chân với đôi dép râu dơ dáy lên đống sách quý giá của tau rồi nói là : - Nè, nè chị, vì chị làm nghề tự do nên mới là tay sai của Mỹ Ngụy, có đi học tập là để quán triệt đường lối cách mạng, chớ nếu chị làm cho Mỹ Ngụy, thì khi đó chị là ngụy quân, ngụy quyền rồi. Khi đó nhà nước sẽ cho chị vô trại tập trung cải tạo rồi! Hắn nói ào ào, tau không hiểu chị hết . Úi chao mi ơi, tau chỉ nghe hắn dằn tới dằn lui mấy chữ học tập cải tạo mà thấy trời đất quay cuồng. Chồng tau trình diện học tập cải tạo, nói là mười ngày cho về mà giờ ni đã được về mô. Biệt tăm luôn! Nếu chừ tau cũng đi học tập cải tạo nữa thì e đi mút mùa luôn mi ơi. Úi chao ơi, con tau nhỏ dại ai nuôi ? Cha mạ tau cũng già rồi ai nuôi đây ? Hiền nghe mà buồn hiu và ngán ngẩm cho sự đời. Gặp bạn trong thời buổi này, kể cho nhau nghe toàn những đắng cay, gian khổ cho vơi nhẹ trong tim chớ đứa nào cũng mang nặng mười sự buồn, mười hai sự khổ. Hôm kia đang đi thì bị con Bích Châu túm lại dọc đường. Hắn vừa đi dạy ở trường Bà Xơ ra, miệng cười hí hững. Hiền hỏi, sao mi vui ? Hắn chỉ cái đám bộ đội đang đi trên đường Tự Do, chắc vô đợt sau, khi phe mình đã chiến thắng, để tham quan Sàigòn !! Bích Châu kể : Hỏi tau đuờng về chợ Bến Thành, tau dắc ra đường Lê Lợi, chỉ quẹo lên đuờng Tự Do, đi thẳng một lèo tới hồ Con Rùa luôn!! Cho bây đi ngắm rùa nghe !! Hình như sau cái vụ giải phóng oan khiên, rất nhiều người chơi cái trò vặt này cho bỏ ghét, và cho bỏ cả cái oan ức chất nặng trong lòng. Thiệt ! thấy thương cho những người bị lường gạt mà phải thua trận như mình. Ấm ức cả một đời, một kiếp. Trong nhà Hiền thì Bà Cô buồn bã, thút thít cả ngày vì nhớ ba đứa cháu lớn, nhỏ. Mẹ Hiền phải dỗ dành bà cô ăn uống cho có sức, đặng mai mốt còn đủ sức khoẻ đi thăm cháu. Một hôm Bà Cô đi chợ về, kêu Hiền ra nhà sau, nói, uổng quá con ơi, hôm mình xé hết sách vỡ Mỹ Ngụy, chớ phải chi còn, nay ra chợ thấy họ đem bao giấy ra bán tùm lum, vì không có bao nylon như hồi xưa nữa, buôn bán chi, họ cũng gói trong mấy cái bao giấy cả !! Coi bộ Bà Cô ngồi không, nhớ cháu, buồn, rồi … ưng kiếm việc chi làm cho khuây khỏa, Hiền nói: thôi để con đi kiếm giấy Mỹ Ngụy về cho bà cô dán … chơi cho vui. Thế là Hiền lôi con ngựa sắt ra, đạp một vòng xuống tận Gò Vấp, kêu thằng Vũ, con Dung, thằng Tiến đi kiếm giấy nơi mấy nhà bạn bè tụi nó, mua về cho bà cô dán bao . Đi xong một buổi chiều, có một mớ giấy rồi, là thằng Vũ đạp xe đem về cho Bà Cô. Thấy thằng Vũ được việc, lanh lẹ, Hiền phong cho nó làm đệ tử của Bà Cô luôn. Nó có số sướng, từ đó bánh kẹo ngày nào cũng rủng rỉnh đầy túi. Ngày tháng qua đi, phôi pha như những buổi sớm mai vương buồn mây tím, những chiều heo may về, nắng nhạt đón hoàng hôn. Cho tới ngày Ba ra đi không trở lại …… Nhà lặng lẽ buồn hiu. Buồn cô quạnh. Rồi tới một ngày kia nữa, Mẹ với Bà Cô, lướt tầng mây trắng, băng qua hai đại dương để tìm về bên cạnh đám nhóc tỳ bên đó, phía trời Tây. Hiền đang tìm đường dây vượt biển… Gần tới ngày ra đi trốn, Hiền đem hết đồ đạc áo quần đi thân tặng, kín đáo cho mỗi người một ít. Chẳng ai nghi ngờ gì cả vì thấy sinh hoạt buôn bán chợ trời của Hiền vẫn đều đặn mỗi ngày... Những lúc kiếm được vài bản nhạc cũ thời Ngụy, Hiền mua đem về Gò Vấp cho Chú Được. Chú mừng hết lớn nhưng cũng không dám đem về nhà cất; nơi Chú ở là trong căn nhà Phường khóm. Chú xin Mẹ nuôi cho chú gởi nhờ mấy bản nhạc, vì theo lời chú nói, bà là dân Tây, không ai đụng tới nhà cửa và làm phiền gì bà! Mẹ nuôi Hiền, tận trong đáy lòng " vẫn ghét đui cái đám nớ " , cắc cớ hỏi : — Vậy chơ với dân tình, chắc phường khóm làm khó dễ dữ lắm ha ?? Vô khám xét nhà người ta ngày đêm bất kể lúc nào cũng được phải không ? Chú Được cán bộ ngồi im lặng, không nói gì. o0o Hiền ra đi được ba tháng thì Mẹ nuôi Hiền cũng leo lên máy bay của Toà Đại Sứ Pháp sắp xếp, theo diện hồi hương. Trong thời gian đó, Chú Được vẫn ghé qua nhà chơi với Mẹ nuôi, sau giờ làm việc. Chú chơi đàn, dạo vài khúc nhạc và hát hò với đám nhỏ trong nhà. Chú nhìn quanh, trông ngóng, sao chưa thấy Chị Ba về ? Mấy đứa nhỏ êm ru. Chú nghĩ chắc Chị Ba về vùng kinh tế mới, chắc đã ổn định, xây dựng tương lai . Ngày Mẹ nuôi ra đi, chú Được đến nhà đưa tiễn, mặt mày buồn hiu hắt. Chú đi vô đi ra, nhìn quanh nhìn quẩn, hỏi sao không thấy Chị Ba về tiễn chân Mẹ nuôi... Mẹ nuôi rút trong ví ra đưa cho Chú tờ giấy có mấy giòng chữ : " Chị Ba thân tặng Chú Được cây đàn Guitare, cất làm kỷ niệm, và chúc chú sớm hồi hương gặp Mẹ cùng em gái phía bên kia vùng giới tuyến ".
Lâu thật lâu về sau, nghe người nhà kể lại, ngày Mẹ nuôi ra đi, Chú Được không về nhà, Chú ngồi gục đầu trên cây đàn, khóc rưng rức như đứa trẻ, trong khoảng sân nhà rộng lớn mênh mông, phủ nhiều bóng mát của hàng cây trứng cá . Sao ai cũng ra đi ?? Giờ chỉ còn mình Chú. Chỉ còn lại một mình Chú Được, ngày nào đã theo đoàn quân vô giải phóng miền Nam. Chỉ còn Chú Được, giờ đây ngồi ôm cây đàn Guitare, cô quạnh, hát nhạc vàng, trên dải đất quê hương buồn, buồn da diết, mà người người đều ao uớc bỏ ra đi !!!!!
Hàng Bè
kỷ niệm 45 năm, 1975-2020 Tháng Tư buồn.
Thống kê hiện tại
Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
Kiểu: