Từ giữa tháng Năm, trời ấm hẳn lên. Căn dịch bệnh đang trên đường đi xuống. Nhiều tiểu bang cho phép dân ra ngoài đường, nhưng vẫn phải mang khẩu trang và cách xa nhau ít nhất 2 mét. Không khí bắt đầu dễ thở hơn. Bọn trẻ bắt đầu tủa ra các công viên phơi nắng. Hy vọng đang le lói tỏa khắp nơi. Đùng một cái, bạo loạn bắt đầu từ Minneapolis tràn ra nhiều thành phố lớn Chicago, New York, Seattle, Portland, Washington DC và cả Dallas nơi tôi sinh sống. Phong trào Black Lives Matter lan nhanh hơn ngọn lửa lan rộng khắp nước Mỹ. Các ống kính đều đổ dồn vào đó với thông điệp chung, kỳ thị chủng tộc và cảnh sát bạo hành. Bao nhiêu tượng lịch sử bị giật sập, bao nhiêu con phố bị đốt rụi, bao nhiêu cửa hàng thuốc tây và quần áo, giày dép bị phá toang. Những chiếc mặt nạ không để ngăn con vi trùng Covid, mà để không bị nhận diện bởi máy hình đặt ở khắp nơi. Tôi thắc mắc là đám trẻ đó điên loạn vì bị bó gối trong nhà mấy tháng hay chúng chỉ là những ngọn lửa được mồi do tính toán trước đó. Tôi hiểu lý do: những đôi giày và áo thun bộn tiền, những viên thuốc làm say ngất ngư. Tôi không hiểu các đập phá ở các tiệm nhỏ mà chủ nhân hầu hết là những người da đen hay dân di cư. Tôi xem đoạn video những tên vai u, thịt bắp xáng tấm gỗ to vào đầu hai vợ chồng người Việt trước tiệm chạp phô của họ mà tôi đau lòng. Tôi chợt nhớ đến cái lạnh của nòng súng ép sát vào mang tai khi đứng bán hàng ở tiệm năm nào. Lúc đó chuyện ngư phủ người Việt bị người Mỹ trắng ở Louisiana ức hiếp được mang lên tin tức. Những người Việt mới đặt chân đến nước này bị bắn trong tiệm chạp phô chẳng có tờ báo nào, đài truyền hình nào nhắc đến. Khi con số tử vong gia tăng đáng kể, thì vài đài truyền hình thông tin qua loa. Tôi nghe một số lãnh tụ của người da đen tuyên bố rằng người Việt tị nạn bị bắn vì họ đã cướp đi bao công việc của người da đen. Thời đó nhiều người Việt bắt đầu cuộc đời mới bằng công việc chùi cầu tiêu, rửa chén, cắt cỏ hay khá lắm là bán tiệm chạp phô hay đứng bỏ bao ở các siêu thị. Những công việc mà dân địa phương chẳng thèm làm, kể cả người da đen. Tôi mới vỡ lẽ một số chính trị gia người da đen còn kỳ thị hơn những tên da trắng red neck ở miền Nam. Thôi, mực bao nhiêu giọt về đề tài này đã đủ. Tôi ngạc nhiên vì bao nhiêu y sĩ da trắng tại nhiều trường y khoa đã quỳ gối, như một số dân biểu tại quốc hội, lên án sự bạo hành của cảnh sát và sự kỳ thị chủng tộc truyền thống từ nhiều năm ở Mỹ. Phải chi các nhà thương không lấy tiền chữa trị cho bệnh nhân vì Covid, thì số người nghèo bị tử vong vì dịch bệnh này sẽ thấp hơn nhiều. Trong YouTube, tôi thấy vài cô Mỹ trắng trẻ đẹp cuối sát đầu xin lỗi các cậu da đen để quần trễ khỏi mông. Tất cả những lời nói, những đoạn video rập khuôn, như sắp sẵn. Tôi ngờ vực vì đó có phải là hậu quả của vài tháng mà mọi người bị ép dí trong nhà. Hay tất cả như những màn kịch sắp sẵn. Ai là kẻ giật dây?
Đến tháng Bẩy thì Covid lại bùng phát ở vòng đai miền Nam. Rất lạ là những nơi tràn ngập bạo loạn, mà nhiều người không khẩu trang, không giữ khoảng cách ngăn, không có gì thay đổi về Covid. Rất lạ là những nơi mọi người tuân thủ luật lệ của CDC thì số người bị nhiễm bệnh leo thang thấy rõ. Có cái gì thật lạ trong những con số được công bố. Tôi vào nhiều trang web của CDC từ nhiều năm, số người tử vong về những căn bệnh ngặt nghèo tuột dốc thấy rõ và con số tử vong vì Covid tăng lên vùn vụt. Số tử vong vì tai nạn giao thông giảm, dễ hiểu. Số tử vong vì tự tử và dùng thuốc phiện không thấy được liệt kê. Có cái gì đó còn mờ ám, chưa giải thích rõ tại sao số tử vong vì Covid ở Mỹ lên cao hơn hầu hết các nước tân tiến, với tiện nghi và y khoa vượt xa nhiều nước khác. Mỹ không thiếu khẩu trang, máy trợ thở và thuốc thử nghiệm Covid dương tính để cách ly. Đến tháng 12 thì căn dịch bệnh lên cao độ. Hơn nửa gia đình trong nhóm làm chung với tôi bị nhiễm bệnh. Gia đình chú em tôi cũng thế. May là chẳng ai phải vào nhà thương. Chỉ vài viên thuốc chống sốt, vài viên thuốc ho, mọi người sinh hoạt lại bình thường sau 2 tuần. May cho họ.
Bắt đầu từ cuộc bầu cử, con số bị nhiễm và tử vong vì Covid tại Mỹ tăng thấy rõ. Con số đó giảm dần khi thuốc chủng ngừa ngày càng tăng dần. Tiểu bang Texas mở cửa hoàn toàn và bỏ luật cách ly, mang khẩu trang từ mấy tháng nay. Bao nhiêu người lên án thống đốc tiểu bang vì quyết định điên rồ này. “Đồ mọi rợ”, họ gọi vậy. Số dân Texas bị nhiễm bệnh và tử vong giảm sút thấy rõ, hơn hẳn mọi nơi khác. Tới nay vẫn chưa có câu trả lời hợp lý. Lần đầu ngồi ở một quán phở đông người, nghe tiếng nói cười rộn rã, tôi nghe niềm vui nở rộ trong lòng.
Ba mươi tết gõ cửa, nhưng chùa chiền vắng lặng như tờ. Cái lạnh của thế kỷ đổ ập vào Texas. Sau 2 ngày nhiệt độ xuống dưới -15 độ C, hệ thống cung cấp điện của toàn tiểu bang bị hư hại. Nhiều nơi bị cúp điện gần một tuần. Ống nước bị vỡ ở khắp nơi. Nhà tôi may mắn không hề gì và trở thành trại tỵ nạn tạm thời. Vài gia đình của bạn bè đến đây tá túc. Lạ thực, gặp nạn chẳng thấy ai buồn. Nhà tôi như một cái thuyền du lịch mà mỗi phòng có tiết mục riêng. Hết bóng bàn trong nhà đậu xe, đến mua sắm và thử áo quần trong phòng ngủ của hai vợ chồng tôi, phòng chơi game của tụi trẻ, phòng karaoke, phòng poker, phòng tán gẫu ... Nhà bếp là nơi nhiều người ghé nhất vì đó là nơi có nhiều món ngon, vật lạ. Tôi tình nguyện ra hiên nhà sau để nướng thịt. Vườn sau tuyết ngập quá mắt cá. Mấy chậu hoa được giấu dưới bàn và những tấm bạt kín mít. Nàng mỹ nhân ngư khoác lên tấm áo choàng băng dầy cộm, che hết những đường cong tuyệt mỹ. Tôi cầm bàn chải phủi bớt mớ tuyết làm bạc đi mái tóc. Cây đào, bụi Diên Vỹ và chiếc xe cút kít đều bất động. Tôi ném vào mấy cái chậu mẻ đôi ba nắm tuyết. Không thấy động tĩnh gì, tôi bước đến đó xem. Tôi gõ nhẹ vài lần trên chiếc xe cút kít. Một đôi mắt nâu nhỏ hé ra bên dưới. Tôi không nghĩ là Thong Dong vì đôi mắt của chú thỏ đã lớn theo tháng ngày và không còn ngây thơ như thế. Tôi trở lại cái lò nướng thịt thì nghe thấy tiếng sột soạt sau những tấm bạt. Tôi hé nhìn thì thấy cái mũi đang nhấp nhô thở làn không khí mới. Thì ra. Tôi vào nhà lấy bịch cà rốt non và bát nước, tôi để giữa những cái chậu hoa và phủ những tấm cạc tông lớn để che hơi lạnh thấm qua lớp vải, nhựa mỏng manh. Sau khi gân cổ hát theo vài bài của Quốc Khanh, tôi rút xuống phòng làm việc để coi lại việc trong sở. Cái nhóm cây nhà lá vườn trên lầu sẽ say mê thử giọng hát vàng của mình tới sáng. Gần hai giờ sáng, tôi lại nghe những tiếng tru tréo bên ngoài. Khẽ hé màn cửa, tôi thấy vài con sói bên đường sồng sộc hướng về nhà tôi. Đôi mắt chúng loé lên tia hiềm tị, căm hờn. Nhìn kỹ lại, sân trước nhà đầy những dấu chân trên lớp tuyết mới. Đôi chân khẳng khiu cố bám vào thân cây sồi nhám nhịt. Con sói cái tru từng hồi theo từng cú húc mạnh từ đằng sau. Tôi sững sờ lần đầu chứng kiến cuộc làm tình của loài hoang dã. Một nửa tôi muốn gõ mạnh vào cửa kính và bật sáng đèn xua đuổi bọn sói đã đánh thức đêm khuya. Một nửa tôi muốn để đôi tình nhân hưởng hết mùi đời ngắn ngủi. Chắc sau đó sẽ có những cuộc cắn xé nhau chí tử dưới lòng đường. Sống, chết, tình yêu và thù hận... như những cánh quạt xoay vòng ... đuổi theo nhau. Tôi thả màn cửa, đóng laptop, với lấy một tập thơ trên kệ sách, trở lại phòng mình.
Tuyết dần tan, bạn bè trở về nhà của họ. Cầm ly cà phê trên tay, tôi bước quanh từ vườn trước đến vườn sau. Không khí mát rượi, thơm tho của một ngày mới. Cỏ sân trước còn ướt sũng. Dấu chân của đàn sói tụ tập hàng đêm còn hằn in trên cỏ. Mấy cái vết xước trên thân cây sồi vẫn còn tươi trên đó. Đi ra sân sau, tôi thấy những dấu chân nhảy dài. Có lẽ là mèo rừng. Tôi nhìn lên hàng rào cao 3 mét, hình như có dấu chân trượt trên mé. Tôi vội mở cửa, bước vào vườn sau. Một vật xám xịt, ướt mèm bệt ra trên cỏ. Đôi mắt nâu của Thong Dong còn ngắm đất trời. Chú thỏ chỉ còn vài bước đến lõm đất. Cổ chú còn một vệt máu đỏ tươi. Tôi đào một cái hố cạnh bụi hoa Diên Vỹ và để Thong Dong yên giấc nơi đó. Mong linh hồn của Thong Dong ẩn nấp tia nắng nóng và đôi mắt nâu sẽ ẩn hiện giữa hai màu xanh, tím. Tôi khơi một lõm đất kề bên để đêm về những đốm sao sẽ nhẹ rơi vào đó, tạo cảm hứng bất tận cho một thi nhân bất cần đời. Tôi vỗ nhẹ trên chiếc xe cút kít. Đôi mắt nâu thập thò. Tôi chặn quanh đó cái chậu mẻ để cánh tay mèo rừng không với được vào sâu.
Mới tháng Ba mà nhiều nhà trong khu tôi ở đã bỏ bảng bán. Chưa đầy một tuần đã có người mới dọn vào. Dân Cali dọn về đây nhiều nên nhà cửa bán chạy như tôm tươi. Giá nhà lên vùn vụt. Tôi nghĩ nhiều người thấy lời nhiều nên bán nhà. Nhưng họ phải mua nhà khác. Nghe nói bây giờ muốn mua được nhà, người mua phải trả trên giá bán vài chục ngàn vì một căn nhà rao bán đã có hơn chục người muốn mua. Đi bộ gặp nhiều hàng xóm, tôi mới biết là hầu hết những người bán nhà vì ly dị. Họ tuổi từ 40 đến quá 70. Hết sức ngạc nhiên. Nghe chuyện thêm tôi mới biết gia đình của họ bị đổ vỡ phần lớn vì căn bệnh mắc dịch này. Một số người bị mất việc, nợ chất đầy đầu, con cái sao lãng việc học, hai vợ chồng gấu ó nhau mỗi ngày, nghiện ngập rượu chè, say mê thuốc sách... thì việc bỏ nhau là chuyện sẽ và phải xảy ra. Chuyện xảy ra giữa những người trẻ tôi hiểu. Đổ vỡ giữa những người trên 60 làm tôi ngạc nhiên. Tình trạng Covid kéo dài hơn một năm đã đảo lộn bao cuộc sống. Những chuyện hết sức nhỏ giữa hai người, không có một môi trường thoáng để quên bỏ qua, để quên đi, cứ tích tụ và lớn dần cho đến khi không hàn gắn được nữa. Đám trẻ không còn đi chơi với nhau, chỉ dúi đầu chơi games từ trưa đến sáng sớm. Mấy cô gái trẻ nhốt kín mình trong phòng, không thiết hẹn hò. Đám cưới thì ít, đám ma thì nhiều. Đó là những chuyện dễ thấy.
Covid ở Mỹ đã cướp đi hơn sáu trăm ngàn sinh mạng, hàng triệu công việc, phá vỡ bao nhiêu gia đình và đẩy lùi một thế hệ trẻ nếu không sớm thay đổi việc mở lại trường học. Covid là căn dịch bệnh của cả thế giới. Riêng ở Mỹ nó đã trở thành một bước cờ khởi đầu. Hơn năm nay nước Mỹ đã bị xoay chuyển theo từng tháng từ Covid, sang kỳ thị chủng tộc, cảnh sát bạo hành, di dân lậu qua biên giới, giới tính... Nước Mỹ từng là thành trì của tự do, dân chủ, công bằng, sáng tạo ... dần lui vào vùng sáng, tối chập chờn. Một số tiểu bang và chính quyền địa phương đã dùng mối đe doạ Covid để bóp nghẹt tự do tín ngưỡng. Facebook, Tweeter, YouTube mặc nhiên xoá quyền tự do ăn nói. Các cuộc bạo hành là bước đầu, các áp lực từ phía sau đã đưa đến những chữ mơ hồ Black Lives Matter, systematic racism, equity ... được lập lại từ truyền thông chính, trường học và công sở. Ai nói khác, nghĩ khác đều bị coi là racist. Chắc Google sẽ “racist” là “phản động”. Khi việc tranh luận không được chấp nhận, mọi lời nói và việc làm đều rập khuôn, thì sáng tạo sẽ bị bóp chết từ trong trứng nước.
Chú thỏ và chiếc xe cút kít ... lời tựa gây sự chú ý cho người đọc. Câu chuyện vòng vo từ Covid, chú thỏ, chuyện vu vơ và kết thúc chẳng ăn nhập gì nhau. Hơn một năm nhiều người bị bó gối vì Covid, bao thay đổi trong cuộc sống. Suy nghĩ đâm nhầm ... Thong Dong cao cả nhường sự an toàn của mình cho con thỏ non yếu ớt ... hay ao ước nói lên nguyện vọng ... sống lại một cuộc sống không bó buộc.
Khù Khờ
<bài viết được chỉnh sửa lúc 31.05.2021 09:46:07 bởi Khù Khờ >