Chú thỏ và chiếc xe cút kít
Khù Khờ 30.05.2021 01:54:49 (permalink)
Chú thỏ và chiếc xe cút kít
 
Tôi đến bắt tay và chúc mừng những người đồng nghiệp vừa quyết định về hưu. Tôi không rõ họ về hưu non vì món tiền béo bở hay họ không còn lựa chọn nào khác. Các hãng công nghệ cao âm thầm lọc bớt những nhân viên lớn tuổi và bắt đầu giảm năng suất làm việc. Không hiểu sao, hầu hết những người làm chung với tôi lâu năm đều đi về thế giới bên kia chỉ trong vòng 2 năm hưu trí. Bộ ghế sô pha êm ái, cái ti vi không nghỉ , xâu bia lạnh và những món microwave ăn liền đã biến dạng họ thật nhanh, chóng đưa họ đến cửa thiên đàng. Tôi bước dọc hành lang mà cứ suy nghĩ vẩn vơ về cái ngày rồi cũng sẽ đến. “Ta làm gì cho hết nửa đời sau “ (thơ Cao Tần)
 
Vừa trở lại văn phòng, tôi thẳng  tay xoá sạch mấy chục cái email vớ vẩn. Tôi không hiểu tại sao vài người cứ níu theo chùm email, thêm vào những câu vô thưởng, vô phạt để cho thiên hạ thấy mình quan trọng và cần thiết. Họ đâu biết đó là những nhát cuốc đào huyệt sâu cho tương lai của họ. Rõ chán! Bỗng nhiên màn hình bật lên thông tin quan trọng. Hãng thông báo cho mọi nhân viên mang laptop và những vật dụng cần thiết về nhà. Mọi người sẽ làm ở nhà cho đến khi có thông báo mới. Mọi người đổ xô ra hành lang như ong vỡ tổ. Lời bàn tán ồn ào. Vài người rủ nhau qua quán bên kia đường để tán gẫu lúc happy hour. Khi tôi ôm mớ đồ trên tay, đi xuống chỗ đậu xe, vài lời xì xầm, bỏ nhỏ
-        Nhớ đi mua thuốc cảm cúm, thuốc ho, khẩu trang, thuốc tẩy tay, thực phẩm, nước uống và giấy vệ sinh.
Ghé ngang Costco trên đường về nhà, tôi thấy bãi đậu xe đã chật ních và thiên hạ đã xếp hàng ra đến cổng. Tôi tạt ngang các khu chợ Mỹ, cũng thế. Các ngăn hàng trống gần hết. Có cái gì mua được, thiên hạ đều vơ hết. Một cảnh hỗn loạn như ngày 30/04 năm nào. Giữa tháng ba, tôi có cảm tưởng như một “tháng ba gẫy súng”. (truyện Cao Xuân Huy). Tôi gọi bà xã xem có cần gì nữa không. Ghi xuống điện thoại chừng mấy chục thứ “tối cần”, tôi hy vọng mang về nhà vài thứ làm vui. Vừa bước vào cửa tiệm giò chả Đức Hương, tôi đã nghe tiếng mời chào quen thuộc
-        Anh mua nhanh kẻo hết. Em chỉ còn vài cây giò lụa này thôi. Độ dăm phút nữa chắc chẳng còn.
Nghe lời mời hàng hối hả của bà chủ, tôi không dám suy nghĩ lâu
-        Vâng, có bao nhiêu, chị để hết cho tôi.
Tôi không nghĩ đến cái nhăn mặt của bà xã tôi vì bảo một đàng, mà cứ làm điều ngược lại. Tôi đâu còn lựa chọn nào khác. Tôi ghé Lee Sandwiches mua mấy chục ổ bánh mì còn lại. Biết đâu sẽ có lúc gặm bánh mì trừ cơm để sống ... Cả cuối tuần đó, tôi chạy ngược, chạy xuôi, vớt được cái gì thì vớt. Cái tủ đông lạnh cũ bỏ trước nhà, mà sở vệ sinh chưa đến lấy, tôi khệ nệ mang vào lại garage. Tôi chất đầy vào đó thực phẩm đông lạnh đủ loại. Nhìn hai tủ đông lạnh chật ních và cả đống nhu yếu phẩm ngập góc phòng khách, tôi nghĩ hai vợ chồng tôi sẽ sống đến ngày tận thế! Những thứ tôi không nghĩ đến lúc đó là những thứ làm lòng tôi nặng dần từ tháng Ba năm 2020.
 
Vài ngày sau cả Hoa Kỳ bị đóng cửa. Chỉ một số ít người được phép đi lại trong thành phố. Không lẽ cả nước Mỹ sẽ giống như tỉnh Hồ Bắc vào cuối tháng Giêng? Chẳng mấy ai thắc mắc vì những đoạn YouTube về những người ở thành phố Vũ Hán đang đi, té chết đành đạch trên đường và bao bệnh nhân thoi thóp thở trên các giường bệnh ở Pháp, ở Ý đã ghi một ấn tượng thật sâu về căn bệnh dịch rất nguy hiểm này. Cẩn tắc vô ưu. Điện thoại, text, email là phương tiện duy nhất để mọi người đến với nhau, chia sẻ và trấn an lẫn nhau. Hàng ngày tôi nhìn mẹ qua security camera. Thật đau lòng khi thấy bà lủi thủi dọ từng bước trong căn nhà trống trải.
 
Mỗi ngày tôi dán mắt vào YouTube để theo dõi tin tức khắp nơi. Thật kinh hoàng khi thấy những chiếc xe ướp xác lạnh đậu chật bãi đậu xe của các bệnh viện tại New York. Những cái túi chất đầy trong đó làm người ta nổi da gà. Đường phố New York trống hẳn. Không một bóng người. Vài vũng nước bên hè đường phản chiếu một bầu trời u tối. Khó tưởng tượng được một thành phố chưa hề ngủ một giây, kể cả quanh biến cố 9/11, giờ đang đắm chìm trong giấc ngàn thu. Buổi chiều tàn, những chiếc lá lăn tăn trên con đường thênh thang, gợi lại những tiếng chân rộn rã và đoàn xe lũ lượt ... lấp ánh nắng khỏi mặt đường. Có lẽ ... Đâu có ống kính nào thâu lại hình ảnh và âm thanh đó. Các cao ốc không khói đen nghi ngút như đang sụp dần. Cây cỏ dại đang bò lần vào thành phố.
 
Số người bị nhiễm bệnh và số tử vong về Covid tại các tiểu bang miền Nam tương đối còn thấp. Hai tuần sau chính quyền cho phép đi lại và mua bán giới hạn. Ra đường ai cũng mang khẩu trang, găng tay và thủ sẵn trong túi lọ nước tẩy trùng. Thấy ai bước đến gần mình thì né như né hủi. Tôi bước vào nhà băng, chợt nhớ tôi bỏ mũ xuống và tháo chiếc khẩu trang. Bao nhiêu tiếng thét từ mọi phía làm tôi giật bắn người. Không lẽ nhà băng có cướp? Chừng vài giây tôi mới biết rằng họ bảo tôi phải mang lại khẩu trang ngay lập tức. Tôi làm theo lời họ yêu cầu, đội lại cái mũ và tròng lại cặp kính đen. Tôi thọc hai tay trong túi, hướng về quầy rút tiền. Khi đi ngang qua tấm kính, tôi đứng lại nhìn mình. Nếu tháng trước vào đây như thế này, có lẽ tôi đã lãnh cả băng đạn. Tôi ghé lại tiệm Đức Hương để mua vài cây chả, vài cây giò lụa về làm quà cho mẹ. Trong khi tôi đang lúi húi text cho bà xã tôi thì nghe câu hỏi
-        Em cần gì vậy?
Tôi còn bận text thì lại nghe câu kế tiếp
-        Cần gì vậy cưng?
Tôi nhìn quanh. Quái chẳng có ai trong tiệm. Tôi vội tắt máy vì sợ bà xã tôi “nghe thấy” người phụ nữ gọi tôi như vậy. Chưa trả lời, tôi quan sát cô chủ tiệm. Mặt của cô phờ phạc và tóc đã có những cọng trắng vì quên nhuộm. Cô ta không nhận ra ông khách quen dưới cái mũ trùm đầu, sau đôi kính đen và cái khẩu trang kín mặt. Hèn gì!
 
Bà xã tôi cũng làm ở nhà nên tôi nhường phòng làm việc tiện nghi. Tôi mang laptop ra phòng khách, rồi phòng ăn, rồi nhà bếp. Tiếng của hai người cùng nói khi hội họp dội vang khắp nhà. Cuối cùng tôi dọn đồ làm việc ra hiên vườn sau. Tháng Tư trời Texas chưa nóng lắm. Ngồi ở đây thật yên tĩnh. Sáng sớm nghe chim hót líu lo khắp vườn. Chú Hummingbird đỏ, chừng hai ngón tay, vỗ cánh như chong chóng, say sưa hôn những cánh hoa vàng rực chỉ cách tôi chừng vài bước. Tôi nhâm nhi ly cà phê đen mà cảm thấy mật ngọt thật dịu nơi cuống cổ. Đến gần trưa , nắng tràn từ bãi cỏ đến rịn ướt lòng bàn chân tôi. Đóng laptop lại, tôi tưới mấy chậu hoa và sẵn dịp tắm cho nàng mỹ nhân ngư sắp héo khô vì nắng. Trong khi tôi gội đầu cho nàng, thì bà xã tôi lại ló đầu ra thắc mắc
-        Tại sao ngày nào anh cũng làm chuyện này vậy?
Bị bắt tại trận, thì biết nói làm sao cho xong chuyện
-        Nước trong bồn không thay thường xuyên thì sẽ thành tổ muỗi. Chim chóc đến làm dơ tượng thì anh rửa cho sạch. Một công, hai việc.
May là tôi chưa bao giờ cầm bàn chải để kỳ cọ ở những chỗ thấp hơn. Dù tình có ngay, vẫn bị đổ tội là ý gian. Sẵn có cái vòi trên tay, tôi câu nước ra hai góc vườn tắm gội cho cây đào vừa hé nụ và bụi hoa Diên Vỹ. Trước kia vào tháng Hai tôi thường dọn sạch mớ cỏ dại ở góc vườn để những đóa hoa tím khoe sắc. Không hiểu sao hai năm nay chẳng thấy hoa mọc lại. Mấy tháng nay tôi bỏ mặc cỏ dại leo đầy ba góc vườn. Trông những đóa hoa Diên Vỹ hé diện sau bụi cỏ rậm ... một chút man dại và bướng bỉnh. Tôi hướng những tia nước mát để làm ngã nghiêng hoa cỏ. Đột nhiên một chú thỏ con vụt ra, chạy thục mạng về góc vườn đối diện. Ở đó đầy các chậu sứt mẻ chồng chất trên cái xe cút kít úp. Thỏ thường vào vườn tôi từ góc đó. Những năm trước chúng còn sinh và để lại những con thỏ con dưới cái bàn này. Vườn tôi nhiều cỏ dại vì thỏ mang từ công viên bán khai bên cạnh.
 
Mọi việc những tuần sau cũng diễn đều như vậy. Tôi ít bước chân ra đường. Chỉ quanh quẩn từ trong nhà, ra vườn sau, vườn trước. Chú thỏ lớn dần, đủ thấy cái đuôi bông gòn. Trưa nào chú cũng lấp ló sau bụi hoa, chờ tôi tưới nước, chạy thục mạng, rồi quay lại chỉ độ vài tiếng sau. Tôi và chú thỏ thường nghịch với nhau như thế. Đến đầu tháng Năm thì chú thỏ mặc nhiên nằm lăn trên cỏ từ sáng đến chiều. Khi cắt cỏ, tôi thường chừa ra vài vạt để chú thỏ có thảm êm mà lăn lộn. Có vài nơi đất lõm, có lẽ là tổ kiến cũ, tôi lấy đất lấp đầy. Vài ngày sau đất lại lõm. Tôi đổ vào đó bã cà phê. Nghe nói sâu bọ và kiến tránh mùi cà phê. Đâu lại hoàn đó. Việc trong sở dồn dập. Tôi mang đèn ra hiên vườn làm việc buổi tối, đôi khi đến 2 hay 3 giờ sáng. Tôi mới phát hiện chú thỏ là thủ phạm của mấy chỗ đất lõm. Khi trời chạng vạng tối, chú thường đặt lưng vào đó để ngắm trời mây. Có lẽ là một thi sĩ bất cần đời. Tôi đặt tên cho chú, Thong Dong. Đêm nào tôi cũng nghe Thong Dong lục đục bên góc mấy cái chậu mẻ. Đó là gia cư mới của chú. Sáng nhâm nhi ly cà phê đen, tôi chợt nghĩ ra một điều. Tôi bỏ mấy trái banh bóng bàn vào các chỗ Thong Dong đặt lưng. Gần trưa tôi thấy chú khổ sở móc những trái banh lì lợm đó ra. Tôi cứ làm việc và để nửa con mắt quan sát. Thong Dong cứ chạy tới gần chân tôi như phân bua, rồi chạy lại những trái banh bất trị. Cuối cùng Thong Dong cũng lôi hết banh ra, rồi chập tối đặt lưng, tâm sự với mây trời. Những trái banh dần trở thành món đồ chơi mà Thong Dong đẩy đi khắp vườn.
 
Khi nắng chiều nhạt dần, chúng tôi thường đi bộ chung quanh khu ở. Nếu gặp vài cặp hàng xóm thì chúng tôi xáp lại đi xa hơn. Bao nhiêu tin tức mang ra bàn tán, bao nhiêu câu pha trò cho ngày tháng đỡ túng quẫn, chúng tôi vượt qua bao con suối, khám phá mọi ngõ ngách của công viên bán khai bên cạnh. Vài chú  nai đã quen với người cứ thản nhiên ăn cỏ. Cô hạc làm dáng, khoe vóc mỏng.  Nắng chiều tà chụp những phông hình rất đẹp trên mặt hồ. Cô hạc hồng giờ đã có đôi, với bóng mình, dúi đầu vào nhau tâm sự. Dăm chú sóc nghịch ngợm ném thức ăn với nhau, rớt lộp độp trên đầu của khách bộ hành. Bầy chim non chíu chích trên cành vì chim mẹ chậm mớm mồi. Tiếng sẹt nhanh trong bụi làm chúng tôi giơ gậy đề phòng. Có lẽ đó là chị mèo rừng hay anh cáo đói đang lùng mồi. Tiếng nói chuyện ngừng hẳn. Tôi ném vào đó vài viên đá hay khúc gỗ mục thì bị mọi người nhao nhao phản đối. Tôi nhanh bước về phía trước. Họ bám theo để về nhà trước khi trời tối hẳn.
 
Đêm lấm tấm sương, vỉa đường không tiếng chân người, cáo rủ nhau từng đàn thản nhiên đi trên lộ. Vừa đi chúng vườn tru tréo thị oai. Vài con mèo rừng nép mình lùng sục dọc theo bụi cây trước nhà hay các ngõ hẹp sau nhà. Tôi  ra vườn sau với ly trà nóng hay chai bia lạnh để nghe trăng sao chuyện trò, hay mấy chú dế nỉ non bản tình ca mới tập. Có tiếng lục đục từ phía những cái chậu mẻ. Không lẽ mèo rừng lại vào đây? Chợt nhớ đến Thong Dong, tôi cầm gậy trên tay và bật sáng cái điện thoại cầm tay hướng về góc đó. Gõ gậy trên hàng rào, chẳng thấy con mèo nào. Tôi an tâm. Tôi soi đèn vào đống chậu, chẳng thấy gì cả. Một tiếng động nhỏ, tôi nhìn thấy đôi mắt nâu quen thuộc dưới chiếc xe cút kít xẹp bánh.
 
(còn tiếp)
 
Khù Khờ
 
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9