Cảm thơ
Khù Khờ 02.06.2021 11:57:53 (permalink)
Cảm thơ
 
Tối nay tôi vô tình đọc bài “ Kỹ Thuật Thơ Việt Nam Hiện Đại” do chị Việt Dương Nhân trích dẫn để làm nguồn cảm hứng cho các thành viên Việt Nam Thư Quán. Hàng dưới chữ nhỏ hơn và khác màu nên tôi bỏ sót “và tiêu chuẩn đánh giá một bài thơ”.  Hàng chữ đó và vài lời bình luận sau đó là ngòi pháo cho bao tranh luận về thơ! May quá, thời gian đã “hao đi” 15 năm, nên không có lời góp ý của tôi. Lúc ấy, thơ là một khung trời quá xa lạ với tôi. Tôi tập làm thơ 3 năm sau đó, rồi bì bõm lội trong những giòng thơ lạc hướng từ đó đến nay. Tôi đã từng nghe bố tôi, chú, bác tôi bàn về thơ văn, cầm bút nhưng chẳng sống được về nghề đó. Tôi cũng đã đọc nhiều quyển sách phân tích thơ. Chữ nghĩa, bước ra khỏi lớp, tôi đã trả lại thầy. Câu trong phần mở đầu của tác giả của bài viết trên cứ làm tôi ho hen từ nãy đến giờ. Xin mượn đôi dòng này để nói lên cảm nhận của riêng tôi ... về thơ.
 
Tôi gặp bác Nguyễn Ngọc Huy khi bác đến thuyết giảng tại đại học của tôi. Vài năm sau đó, tôi lại gặp bác khi tôi làm việc ở New York. Lúc đó bác đã gặp khó khăn trong cách ăn nói. Nhưng mọi người trong phòng, nghe bác giảng đều hiểu được điều bác muốn truyền đạt, chỉ qua ánh mắt. Trong khi tôi lúi húi dọn lại băng ghế trước để mời bác lên xe, vài tờ giấy soạn bài cho lớp Việt Ngữ rớt ra ngoài. Bác Huy nhìn mấy dòng chữ gà bới của tôi, rồi nhìn tôi. Gãi đầu vài cái, tôi giải thích
-        Đây là bài thơ cháu học hồi nhỏ. Nay cháu cố nhớ lại để dạy mấy em nhỏ về thơ và lòng yêu nước.
“Họ là những anh hùng không tên tuổi
Sống âm thầm trong bóng tối mênh mông
Không bao giờ được hưởng ánh quang vinh
Nhưng can đảm và tận tình giúp nước
   ... “
Tôi chỉ nhớ được 4 câu đầu trong bài hùng thơ “Anh Hùng Vô Danh”, học từ lớp bốn hay lớp năm. Bác Huy ra dấu mượn tôi cái bút, rồi trầm ngâm, viết tiếp trọn bài thơ. Tôi trầm trồ ngạc nhiên
-        Bài thơ này dài như vậy sao? Mấy chục năm mà bác còn nhớ từng câu, từng chữ thì cháu phục bác sát đất. Đọc bài thơ mà như thấy người hùng đó trỗi dậy.
Bác nhìn tôi với ánh mắt vui, rồi khó khăn nói
-        Thơ và hồn thơ khó tách ra lắm cháu.
Vài tuần sau gặp lại bác Đăng, tôi kể lại chuyện cũ trên xe. Bác Đăng bảo tôi
-        Bác Huy là thi sĩ Đằng Phương đó cháu.
Tôi vẫn ngây thơ nói tiếp
-        Bài thơ dài. Thi sĩ nhớ được bài thơ của mình đã khó, nhớ được bài thơ của người khác lại càng khó gấp bội
(Thật vậy, từ lúc tập tành đến giờ, tôi chưa hề nhớ nỗi trọn bài thơ của mình. Có lẽ vì thơ đến với tôi bất thường... và bỏ đi ... cũng như thế!)
Cho tôi thở vài hơi, bác Đăng ngó lơ ra ven đường, rồi bảo
-        Thi sĩ Đằng Phương là tác giả của bài thơ “Anh Hùng Vô Danh”
Đến lúc đó tôi mới chợt hiểu ánh mắt của bác Huy khi bác ấy trao lại cái bút cho tôi. Không biết bác có biết ... những điều tôi chưa hề biết! Cái đó, đối với bác, có lẽ không quan trọng. Lời chia sẻ về thơ và hồn thơ nằm mãi trong lòng tôi từ đó đến nay.
 
Gặp chú Võ Văn Ái vài lần khi chú và chị Ỷ Lan đến New York vận động cho nhân quyền ở Việt Nam. Tôi thận trọng hơn với ông chú tuy nhỏ con nhưng dày bản lĩnh. Tôi biết ông cầm bút với bút hiệu Thi Vũ. Trong lúc chuẩn bị băng rôn để mang ra Liên Hiệp Quốc biểu tình, vài người trong nhóm nhắc về tờ báo ráng làm cho xong trước khi trại hè. Tôi le lưỡi, văn chương tôi dốt đặc, để tôi phụ trách phần đi mua thức ăn khuya, chuyên chở và ấn loát. Tôi bảo đùa
-        Hồi còn cắp sách, tôi hay tập tạ. Nếu mấy cô ở đây cần đối tượng để làm thơ ... thì chờ tôi hất lại mái tóc và gồng mình, ngồi làm người mẫu nghe.
Những tiếng xí kéo dài. Chú Ái nháy con mắt trái như muốn hỏi tôi cô nào là đối tượng riêng của tôi. Lúc đó, tôi chưa bị sét đánh, nên còn hồn nhiên như con nít. Khi dọn dẹp cờ xí lên xe xong, tôi ngồi trên bãi cỏ để thở. Có chú ngồi bên, tôi hỏi nhỏ
-        Làm thơ có khó không chú? Cháu đọc nhiều bài thơ mà không hiểu họ muốn bày tỏ điều gì. Thơ khó hiểu quá.
Chú bảo tôi là nhà sách Quê Mẹ (của chú) vừa xuất bản quyển “Nghệ Thuật Thơ Việt Nam” của Nguyễn Hưng Quốc. Nếu tôi có thời giờ, tìm đọc để gần với thơ hơn. Chú tiếc là không có trong túi để tặng tôi. Quyển phân tích thơ đó nằm trong tay tôi vài tháng sau. Tôi đọc thấy hay. Cách phân tích về thơ rất khác với cách phân tích của Hoài Thanh hay Thụy Khuê. Nhưng, thơ và tôi vẫn là ... hai phương trời khác biệt. Năm sau tôi được tặng quyển “Nghĩ Về Thơ” của Nguyễn Hưng Quốc. Lúc đó tôi mới thấy hình ảnh trong thơ. Tôi thích cách ngắt câu của nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn khi anh trích vài câu thơ trong lúc giới thiệu chương trình Paris By Night. Tôi lờ mờ có chút nhận thức về thơ, bắt đầu thích thơ và yêu người mở ngỏ cho tôi đến với thơ ... lúc nào mà tôi không hề biết.
 
Khi ở trại tỵ nạn, tôi làm quản thủ thư viện nên đọc sách báo hàng ngày. Lúc đó nhiều tờ báo ở Mỹ thuyền xuyên đăng thơ của Cao Tần. Mỗi chiều thứ Năm tôi cứ nóng lòng chờ giờ phát thư. Tôi không có người quen nào ở hải ngoại. Hôm đó là ngày họ chuyển sách báo mới đến trại. Nhiệm vụ của tôi là phân loại sách báo và bỏ lên đúng chỗ trên kệ sách. Có vài người xớ rớ đứng chờ ngoài cổng. Tôi bảo họ trưa mai mới có báo mới. Tôi bỏ chúng dưới gối để tối mang ra đọc. Bài đọc đầu tiên bao giờ cũng là thơ Cao Tần. Tôi nghĩ những người khác đứng chờ ngoài thư viện cũng vậy. Nhà thơ Cao Tần chỉ dùng từ ngữ rất bình thường, hơi chút ngông. Điệu thơ của ông nghe giống như nhạc của Trần Thiện Thanh, không cầu kỳ. Thơ ông mang lại cho người đọc nhiều xúc cảm vì nó nói lên đúng tâm trạng của họ, suy nghĩ của họ. Khi qua Mỹ tôi mới biết ông đã ngừng làm thơ. Ông chỉ làm thơ trong vòng một năm, rồi thôi. Thỉnh thoảng tôi tìm đọc lại thơ ông và trở về cảm xúc cũ. Vừa sang Mỹ, tôi thích đọc tờ báo Văn Nghệ Tiền Phong vì mỗi tuần báo đăng một bài thơ của nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, trích từ tập thơ Tiếng Vọng Từ Đáy Vực. Những bài thơ làm theo thể tự do của ông dễ hiểu và giàu âm điệu như vài bài thơ theo thể lục bát hay thể thơ Đường. Tôi nghĩ thơ theo thể tự do của ông tuy không vần nhưng cũng giàu nhạc điệu, diễn đạt được cảm xúc của ông rõ hơn. Tôi cảm thấy nỗi đớn đau và sự bất khuất ở từng câu thơ. Ông diễn tả cơn ho và nỗi thương mẹ già. Tôi cảm thấy vị máu tươi nơi cuống cổ và nhói đau nơi tim. Lâu lâu tôi đọc lại tập Thơ Tù của thượng toạ Thích Quảng Độ để tìm về cảm xúc của những năm xưa. Thơ, hình như không có tuổi. Nhiều người thích thể thơ này, thi sĩ này. Không ai có thể được mọi người yêu thích và thông cảm được. Có lẽ vì một số độc giả chưa trải qua hoàn cảnh như nhà thơ hay chưa đủ kiên nhẫn để cảm nhận được cảm xúc của tác giả. Thơ ... nối những con tim. Thơ ... hoà nhịp những con tim. Tôi thích thơ của Nguyễn Tất Nhiên từ thời trung học, nhờ những bài nhạc của nhạc sĩ Phạm Duy. Tôi thích nhạc Anh Bằng và những bài nhạc ông phổ từ thơ. Phải nói là tuyệt tác. Duy có bài Trúc Đào từ thơ của Nguyễn Tất Nhiên ... Tôi cảm thấy bài thơ và bài nhạc là hai sáng tác hoàn toàn khác biệt nhau. Mỗi lần đọc lại bài thơ, rồi nghe bài nhạc hay làm ngược lại, tôi đều cảm thấy như thế. Tôi đọc nhiều bài viết về hai tác phẩm Trúc Đào. Họ khen bản nhạc và bảo nhờ đó mà bài thơ hay. Tôi không phải là nhà phê bình. Một người đôi khi bất bình thường, tôi giữ riêng ý tôi. Từ thích cái tính lừng khừng của Nguyễn Tất Nhiên, tôi đâm ra thích lây thơ Bùi Giáng. Ông thi sĩ này hình như tôi đã gặp thoáng qua vài lần tại nhà bác của tôi. Hai người cùng dạy tại đại học Vạn Hạnh trước 1975. Tôi đọc một bài viết của Bùi Giáng là ông không thèm để ý đến người phê bình thơ ông vì họ có hiểu ý của ông đâu. Tôi nghĩ ông đau, và buồn ... khi có nhà phê bình cho rằng thơ của ông quay quẩn một số từ, một số hình ảnh. Thơ ông hay chỉ vài câu, sáng suốt ở vài câu. Tuy không biết nhiều về thơ, lúc ấy tôi thấy vài bài thơ Bùi Giáng có cái gì mà nhiều người chưa hiểu được. Vài người chỉ lờ mờ cảm nhận được. Thí dụ vài câu trong bài thơ của ông
"Bây giờ, em ở nơi đâu
Cỏ trong mình mẩy em sầu ra sao"
Mười mấy năm trước hai câu này bao giờ cũng mang theo những tràng cười hô hố của mấy ông anh, ông chú lính tráng khi chúng tôi ngồi uống cà phê với nhau. "Cỏ trong mình mẩy của em ra sao?", họ thích lập lại như thế. Buổi trưa đó, tiệm cà phê mở radio và nhà thơ Ngu Yên bàn về thơ của Bùi Giáng. Anh này tóc tai cũng búa xua và thơ cũng cà tửng như Bùi Giáng. Ngu Yên nói rằng anh mướn trở lại thời điểm đó, đứng trước ngôi vợ của thi sĩ Bùi Giáng để hiểu cảm xúc của ông hơn. Theo cách ngắt câu của anh khi đọc bài thơ này, thính giả cảm nhận được bài thơ nói lên nỗi thương tiếc vợ mới cưới của Bùi Giáng. Ông hỏi những cọng cỏ mọc qua quan tài, từ thân xác của vợ ông. Những cọng cỏ đó có buồn như ông. Nằm dưới ba tấc đất, linh hồn của vợ ông vươn lên từ cọng cỏ ... có cảm được nỗi buồn của ông! Tôi sững sờ. Những nguời để ý nghe lời phân tích đó ... chắc cũng sững sờ. Một tuyệt tác bị từng coi là món vật dung tục tầm thường.
 
Có ai hỏi về thơ, tôi không phân tích. Có ai hỏi về thơ của tôi, chẳng có gì đáng nói. Thơ không cần phải phân tích, phải định giá trị của từ, âm điệu, hình ảnh và ẩn dụ. Thơ không phải là món đồ vật. So sánh thơ là một điều không nên làm. Thơ ... xuất phát từ tim .. tuy không hiểu được ... nhưng vẫn cảm nhận đuợc từ những con tim biết rung cảm. Thơ chỉ là như thế ...
 
Khù Khờ
 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 02.06.2021 18:01:02 bởi Khù Khờ >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 3 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9