Chuyện Ông Ngoại
Hàn Lệ Nhân 13.11.2005 07:57:06 (permalink)
Chuyện Ông Ngoại

Hàn Lệ Nhân


Chủ nhật vừa qua ông bà nội, bà ngoại và bố mẹ cùng toàn thể cô chú, cậu dì có tổ chức buổi sinh nhật cho mình. Trong buổi họp mặt, như thường lệ, cả nhà cùng xem lại VCD tang lễ của ông ngoại, sau đó là VCD ngày đám cưới của bố mẹ. Ông ngoại mất năm mình 19 tuổi. Tang lễ của ông ngoại cho đến nay mình vẫn thắc mắc chưa hiểu rõ, không phải bởi nó giản dị mà là nó thiếu phần nghi lễ tôn giáo, theo lẽ, không có không được của một tín đồ của bất cứ tôn giáo nào. Ông ngoại theo Phật giáo, từng sinh hoạt nhiều năm trong GĐPT. Hai năm trước, khi xem phim mình đã để ý, trong thời gian chờ đến ngày hoả táng ông ngoại, thân bằng quyến thuộc, bạn bè văn nghệ sĩ đến viếng khá đông nhưng tuyệt nhiên không sư, không ni ; không kinh, không kệ và lạ lẫm làm sao, khung cảnh tang gia xem ra vui vẻ, cười cười nói nói chẳng khác gì trong một buổi họp mặt mừng một hỷ sự nào đó. Xác ông ngoại để trong phòng lạnh tại nhà thương. Thiệt tình, nếu không có bức di ảnh của ông ngoại đặt trên bàn thờ và mấy bộ quần áo đen, giải khăn trắng trên các người thân trong gia quyến, ai mà ngờ đây là một đám tang.

Mình cũng đã nhiều lần nêu thắc mắc trên với mấy bậc trưởng thượng trong cả hai bên nội-ngoại, nhất là với Mẹ, nhưng mọi người chỉ im lặng, cười bằng mắt. Cho đến chủ nhật trước, Mẹ mới giải thích lý do tại sao tang lễ ông ngoại lại diễn ra như buổi hội: Ông ngoại biết quá nhiều bề trái thậm sân-si trong tầng lớp dẫn đạo tại P. nhưng công khai nói ra không được, vì nói ra sẽ bị các tín đồ " thuần thành " chụp cho cái nón cối " chống đạo, phản đồ ". Trong di chúc ông ngoại để lại cho bà ngoại có một khoản ghi rõ «không được mời bất kỳ ai tới tụng niệm. Thứ nhất, tôi (ông ngoại) chỉ quy y nhị bảo. Thứ nhì, đó là nghề của người ta, mình (bà ngoại) không thể không đưa phong bì cho họ như mình (bà ngoại) đã biết qua bao nhiêu vụ từ bao nhiêu năm nay. 49, 100 ngày và tròn năm giỗ đầu của tôi, nếu cần tổ chức, phải làm thật đơn giản tại nhà, chỉ trong vòng con cháu như mừng sinh nhật, mở nhạc của tôi cho con cháu cùng nghe. Tro cốt của tôi phải đưa ra trút hết xuống sông xuống biển, hoặc nếu có thể, đưa về trả lại nơi tôi đã được sinh ra. Tuyệt đối không được nghe mấy đứa cò mồi ngon ngọt bày trò bớt tro lại để gửi hậu : 11 Euros cũng không, chứ đừng nói 1.100 Euros theo giá chính thức hiện hành...» Tro cốt của ông ngoại đã được rải xuống biển Manche.

Nhân kể chuyện di chúc của ông ngoại, mẹ kể thêm chuyện khi ông bác (anh của ông ngoại) mình qua đời, vì ban hộ niệm là chỗ thân tình lâu năm, hơn nữa họ tổ chức lớp lang hay lắm, thông tin nhanh và chính xác, họ tự đến bất thình lình nhằm lúc ông ngoại về nhà riêng tắm rửa nên khi quay trở lại, thấy họ bày binh bố trận đâu đã vào đấy, ông ngoại tế nhị, không nỡ từ chối, chỉ lừ mắt nhìn vợ ông bác một cái, ý rằng " ả (chị, tiếng Quảng Bình/Quảng Trị) mời họ à ? ". Bà bác vội vàng ra dấu ngoắt ông ngoại vào trong phòng bên cạnh, thanh minh thanh nga hồi lâu là do họ tự nguyện đến, "nếu chị mời thì phải nói qua cho chú biết trước chứ". Ba đêm cầu siêu, có cả vị đại đức là chỗ quen biết với ông ngoại trước khi thí phát. Ba cái phong bì. Ba cái phong bì tùy tâm, tùy hỷ. Tùy tâm, tùy hỷ nhưng phải trên cái giá mà cò mồi đã mớm cho biết trước, dưới là có khiếu nại, là đứt ngang hợp đồng bất thành văn. Hoả táng ông bác xong, bà bác nghe lời " tiếp thị " của ban hộ niệm, nói với ông ngoại là muốn đem bình tro của chồng lên gửi hậu tận chùa X, cách nhà độ 50 cây số, giá cả như trên. Ông ngoại cười cười hỏi lại :

1/ Sau đám tang, nhà ta còn khả năng để làm liền việc đó không ?

2/ Nếu đưa ra gửi tận đó, mai mốt ả muốn đi thăm anh ấy, ả tự đi một mình (bà bác không biết lái xe).

3/ Em đã hỏi nghĩa trang gần nhà ả rồi : 1 ô (30x40 cm) = 10 năm / 410 Francs (70 Euros). Đi bộ mất chừng 10 phút, ả có thể qua đó bất cứ lúc nào. Nói là nói vậy, mọi việc là do ả tự quyết định.

Đương nhiên là bà bác đã "tự quyết định" cho ông bác được nằm gần nhà.

Sau đó ban hộ niệm muốn "phát tâm" đến tụng kinh cầu siêu thất thất lai tuần (7 x 7 = 49 ngày) cho ông bác. Bà bác hỏi ý kiến ông ngoại, ông ngoại nói để ông ngoại suy nghĩ, chiều sẽ trả lời. Chiều ông ngoại đến, đưa ra 2 cái CD, mỗi cái gồm trọn phần nghi thức cầu siêu, bià CD là hình của ông bác thu nhỏ lại, bià hộp nhựa phía trước là hình Đức Phật, phiá sau là hình ông bác với bốn câu thơ :

Hôm qua nói nói, cười cười,
Hôm nay lặng lẽ anh ngồi trên kia.
Hôm qua boule, thuốc, ngựa, bia ...
Từ nay hương khói sớm khuya hảo huyền !


có ghi rõ ngày sanh, ngày tử, chỉ cho bà bác cách cho máy đọc repeat, nhẹ nhàng nói : «Đó, ả chỉ cần lần lượt bấm vào nút nầy rồi nút nầy là anh ấy sẽ được nghe kinh 24 giờ / 24. Tiếng tụng sĩ là tiếng của chứng minh sư của ban hộ niệm và là bổn sư của chú thầy cúng. Khi nào cái CD trong máy bị trục trặc, ả thay bằng cái CD dự phòng, báo ngay cho em biết để em làm cái dự phòng khác. Đã bảo mọi sự tại tâm và chính họ đã thực hiện và tung ra thị trường loại băng thực dụng nầy thì nay đâu cần phải Live Show làm gì. Phiền đến họ làm chi.»

Kề 49 ngày của ông bác, đại diện của ban hộ niệm là bà cô H (BcH) đến đề nghị bà bác tổ chức trên chùa X, mỗi phần cơm chay chỉ trả có 125 quan (± 20 Euros), có thực đơn hẳn hoi, tất cả là đồ chay, duy tên các món có hơi hơi mặn : Tôm chiên lăn bột, Gà xé phay, Bò lụi, Heo quay, Mắm thái ...(1) Bà bác lại hỏi ý kiến ông ngoại, ông ngoại điềm nhiên trả lời «Việc nầy là do ả quyết định, gia đình và bà con thân thuộc hai nhà cũng chỉ khoảng trên dưới 100 người, vị chi chỉ tốn chừng 13.000 quan (± 2000 Euros). Được đó. Ả kham nổi thì cứ thế mà tiến hành. Có điều em xin nói trước, trưa hôm đó em bận, đi dự không được.»

Bà bác đã tiến hành kỹ càng buổi lễ 49 ngày cho ông bác tại ... nhà với cái CD không biết mệt là gì. Và từ đó, không thấy ban hộ niệm phát tâm đến lo việc 100 ngày hay giỗ đầu nữa.

"Chứng Quả Tiên Huyền " là bốn chữ ông ngoại đặt ra cho BcH. BcH là cò mồi kinh tài năng nổ, đắc lực số 1 của chùa X hơn 20 năm qua. Bất cứ trong tình huống nào BcH cũng không quên bài giảng : Cúng dàng cho chùa mới được phước. Cúng dàng càng cao, công đức càng dày.

Giỗ đầu ông bác, BcH đến từ sớm, không phải để phụ chuyện bếp núc mà là tranh thủ sự vắng mặt của ông ngoại, thuyết đám phụ nữ (có bà ngoại) cúng dàng 1 tháng 1 bao gạo 25 kí-lô. Gần trưa, ông ngoại đến. Bà ngoại rù rì với ông ngoại chuyện cúng dàng. Ông ngoại bảo để tính lại, chốc nữa trả lời. Ăn cỗ xong, lúc 15 giờ. Ông ngoại xuống đi mua thuốc lá. Độ nửa giờ sau, có ai bấm chuông. Bà bác ra mở cửa : Là ông ngoại về, dưới chân có 3 bao gạo loại 25 kí, ra hiệu bảo bà bác giữ im lặng. Vác 3 bao gạo đặt giữa nhà, ông ngoại nói với BcH: «Đó, lâu nay nghe cô thuyết rằng cúng dàng càng cao, công đức càng dày, vậy với 3 bao gạo nầy đặt chồng lên nhau đã đủ nặng, đủ cao để công đức đủ dày chưa ?» BcH tím mặt. Cả nhà im re, cắn răng nín cười. BcH là đỉa kinh tài. Ông ngoại là vôi. Tiếng là đề nghị cúng dàng 1 bao gạo nhưng phải tính ra giấy nặng độ 2 hay 3 gờ-ram thôi, chứ người BcH có tí tẹo, chưa quá 130 cen-ti-mét bề cao thì làm thế nào vác 75 kí lô gạo về bản doanh. Bữa đó, BcH không dám nhận lòng hồi hướng quá nặng của ông ngoại nên bà bác được không 3 bao gạo. Đặc biệt người phát tâm qua trung gian BcH không được đòi biên lai, biên nhận. Niềm tin ai lại kiểm chứng, tội chết.

Từ giai thoại đó, tiết mục công đức bằng gạo biến khỏi chương trình kinh tài của BcH nhưng bù lại ở vùng mình ở có thêm 6 chữ, không biết do ai đặt ra : Mua phước giả bằng tiền thật.

Mình có bà O, vì nhỏ con nên chuyện sanh nở rất khó khăn, nguy hiểm. Có đứa con trai đầu lòng rồi thôi cho đến nay. Một người bạn trong ban hộ niệm vào thăm bà O trong nhà bảo sanh. Nghe xong chuyện sanh nở của bà O, người kia nói « thôi mi ơi, đẻ nữa làm chi, con càng nhiều nghiệp càng nặng ». Chiều ông bà ngoại vào thăm. Bà O kể lại. Ông ngoại trầm ngâm một lúc, hỏi bà O :

- Con V. nó có mấy đứa con ?

- Ba đứa. Bộ anh không biết à ?

- Thì hỏi lại cho chắc. Ba đứa tức nhiều gấp ba O. Chưa đến nỗi nào. Có điều nhờ Mẹ nó nặng nghiệp nên mới tới phiên nó, nó đứng thứ 4 trong số 8 anh chị em mà. Cũng như nếu Mẹ mình (bà cố nội) nhẹ nghiệp thì làm gì có O vì O đứng thứ 8 trong 9 anh chị em.


*
* *


Ông ngoại có một tủ sách khá đồ sộ, đặc biệt sách việt ngữ hầu hết được xuất bản tại Sàigòn trước 1975. Mình đã có lần nghĩ bụng " bán cái tủ sách nầy cũng đủ mua thêm được căn nhà 2 phòng ". Ai dè, trong di chúc ông ngoại đã chận trước như một nghiêm lệnh : «bất kỳ trong hoàn cảnh nào, mình (bà ngoại) không được rao bán tủ sách gia đình. Qua thời cháu Vọng (tên mình do ông ngoại đặt, mẹ mình tên Nguyện), nếu con cái nó không còn nói, đọc được chữ Việt thì đích thân cháu Vọng phải mời một thư viện việt nam tại hải ngoại đến thu nhận làm của chung. Đừng tiếc giữ lại để cho mọt ăn mà tôi (ông ngoại) đắc tội với các tác giả ». Thay vì nói " con cái của con Vọng mà không biết tiếng Việt là nó có tội với tôi (ông ngoại)". Câu nói giản dị nầy ám ảnh mình khôn nguôi, chẳng khác gì lưỡi gươm Damoclès lủng lẳng trên đầu. Trong thâm tâm mình đã định kiến không lấy chồng người á châu. Mình tự nghiệm mai sau lập gia đình, có con cái, mình sẽ giữ tủ sách gia đình không nổi, nghĩa là sẽ đắc tội với ông ngoại.

Tựu trung bản di chúc của ông ngoại, theo mình, chẳng bình thường tí nào, nó sao sao đó. Phần kinh kệ lễ nghi mình không dám có ý kiến, đó là sở nguyện cuối cùng, là mối thương tâm sâu sắc của cá nhân ông ngoại. Mối thương tâm dưới tuyền đài chưa chắc đã tan, có thể tương tự trường hợp của anh chàng Trương Chi thuở trước với chút khác biệt : Nỗi hận tình của Trương Chi kết tinh lại thành khối ngọc, rồi thành cái chén ... song đó chỉ là huyền thoại, là giả tưởng ; còn mối hận của ông ngoại tuy thật nhưng ai biết sẽ kết thành cái gì ?

Riêng phần nói về sách, đành rằng ông ngoại đã tốn bao nhiêu công sức, tài chánh, thời gian để có một tủ sách như vậy, nhưng mình nghĩ sách việt ở xứ Tây thì báu gì. Bây giờ, mỗi lần nhìn tấm bảng ông ngoại treo chình ình trước tủ sách vẫn thấy tức cười: " Sách không ra khỏi nhà " ! Thật vậy, đối với sách ông ngoại có tôn chỉ " chọn mặt gửi vàng ", nghĩa là người được ông ngoại cho mượn sách phải thuộc diện " biết thưởng thức và trân quí sách ", chứ mửng đọc để có đọc thì đừng hòng. Người mượn sách không được, dầu có giận lẫy ông ngoại, ông ngoại cũng chỉ nhún vai cười trừ.

Mẹ kể : Trong gia đình có bà mợ người Tàu, nói được tiếng Việt trong xã giao hàng ngày, ngỏ ý mượn ông ngoại mấy cuốn sách học tiếng Việt để biết viết, biết đọc ngôn ngữ nhà chồng và để hát Karaoke VN. Ông ngoại sốt sắng đưa ra cho mượn toàn bộ sách giáo khoa cấp tiểu học thời VNCH mà ông ngoại sưu tầm được, dành để dạy mẹ khi mẹ còn nằm trong bụng bà ngoại. Ông ngoại nói : «Đây là sách tôi dùng dạy con Nguyện. Tôi cho mợ mượn không hạn kỳ, cho đến khi được tin con Nguyện có con là phải tự động mang trả lại, trễ lắm là ngày đầy tháng của đứa bé». Đứa bé đó là mình. Và đó là bộ sách mẹ đã dùng dạy mình. Hơi cũ nhưng không một trang nào có nếp xếp.

Hình ảnh trong phim đám cưới của bố mẹ rất đẹp, hai người thật xứng đôi. Trưa họ nhà trai đến đón dâu, ông ngoại đã làm nhiều người rơi lệ khi ông ngoại cầm tay mẹ đặt vào tay bố, rưng rưng nói : «Đây là con gái rượu của ba, từ nay ba giao Nguyện cho con, đừng làm ba thất vọng mà ba có tội với tổ tiên». Thay vì nói " con mà làm ba thất vọng thì con có tội với ba ". Bố mẹ yêu nhau hơn bốn năm, cưới nhau năm hai người đã gần 30 khi cả hai đã học thành tài. Thế mà mãi bốn năm sau mới có mình, trong khi ông bà nội chỉ mong sao có cháu nội để bồng trong thời gian ngắn nhất. Hỏi ra, mẹ bảo cũng lại do chịu ảnh hưởng của ông ngoại. Sau ngày mẹ chính thức đưa bố về giới thiệu với gia đình ông bà ngoại, việc đầu tiên là ông ngoại gián tiếp với mẹ nhắc khéo ông con rể tương lai là «thật không gì thích thú bằng khi nghe đám trẻ sinh ra và lớn lên ở Pháp nhưng vẫn nói được tiếng Việt». Chỉ một câu nói bâng quơ vậy thôi mà được việc. Bố lo học lại tiếng Việt. Và cho đến ngày ông ngoại qua đời, bố chưa bao giờ dùng tiếng Pháp với ông bà ngoại. Việc thứ hai sau đó, nhất là sau ngày đám hỏi của bố mẹ, khi có cơ hội ông ngoại hay nói – cũng cái lối bâng quơ – «học làm vợ cho xong rồi mới làm mẹ». Bấy giờ nghe mẹ kể vậy, mình nghĩ làm vợ có gì mà phải học ? Rồi bộp chộp tỏ thái độ " thế mẹ có hỏi ông ngoại có cần phải học làm chồng trước khi làm cha không ?". Mẹ trả lời : " Có chứ. Ông ngoại nói : «Ba chỉ có quyền dạy con ba, con người khác để người khác dạy. Vả lại, chị (2) không thấy trong câu nói "học làm vợ" đã ngụ luôn ý "học làm chồng" sao.»"

Đêm qua, mồng 1 tháng 11 (lễ chư thánh - Toussaint), bỗng dưng nhớ ông ngoại quay quắt, mình đưa cái VCD đám cưới bố mẹ ra xem lại để được nghe giọng nói của ông ngoại. Ông nội khai mạc buổi lễ bằng tiếng Việt, ngắn gọn đầy đủ lễ bộ xã giao. Ông ngoại đọc diễn từ bằng tiếng Pháp:

Mesdames, Mesdemoiselles et Messieurs,

Tout d'abord, au nom de nos deux familles, je vous remercie d'être parmi nous aussi nombreux ce soir en témoignage du mariage de nos deux enfants.

Nous sommes tous ici que des parents, des cousins, des amis de très près. Alors c'est pourquoi, à mon avis, est-il nécessaire de vous demander l'excuse par avance en ce qui concerne notre imparfaite organisation de cette soirée de noces, malgré nos efforts ?

Ce soir, il me semble difficile de faire correctement même une petite élocution. Ce n'est pas parce que les idées m'échappent mais tout simplement parce que l'évènement est plus fort que moi.

Je me permets de m'adresser à mon aînée chérie quelques vers :

Aime celui qui t'aime et sois heureuse en lui,
Va, sois son trésor, ô toi qui fus le nôtre.
Va, mon enfant bénie, d'une famille à l'autre,
Emporte le bonheur et laisse-nous l'ennui.

Ici l'on te retient, là-bas l'on te désire,
Fille, épouse, ange enfant, fais ton double devoir.
Donne-nous un regret, donne-leur un espoir,
Sors avec une larme, entre avec un sourire.

( A Une Mariée, Victor Hugo – 1802-1885)


Mesdames, Mesdemoiselles et Messieurs,

Depuis les fiançailles de ma fille il y a plus d'un an, je lui ai dit, répété et redit en maintes fois : "Apprends toi-même à être une bonne épouse avant de décider d'être mère." Ce n'est pas du moral mais c'est du vécu au quotidien. Et ce soir, aux deux mariés, je leur dit la même phrase pour la dernière fois :" Soyez de bons époux avant de décider d'être parents".

Je vous remercie encore une fois. Bon appétit et amusez-vous pleinement.

Tạm dịch :

Kính thưa quí vị,

Trước hết, nhân danh hai họ, tôi xin đa tạ sự hiện diện đông đủ của quí vị cùng hai gia đình chúng tôi trong hôn lễ của hai trẻ đêm nay.

Ở đây, chúng ta đều là thân bằng quyến thuộc cận kề, cho nên theo tôi, có cần phải rào đón xin lỗi quí vị trước hay không cho sự sơ suất trong việc tổ chức buổi tiệc cưới nầy, dù chúng tôi đã hết sức cố gắng.

Đêm nay, quả là khó khăn cho tôi thực hiện chu đáo dầu chỉ là một bài diễn từ nhỏ bé. Không phải tại tôi thiếu ý tưởng mà thật đơn giản thôi, chỉ vì biến cố đêm nay quá lớn lao đối với tôi.

Tôi mạn phép gửi đến cô trưởng nữ yêu quí dăm câu thơ :

Đáp lòng yêu tân lang,
Hạnh phúc cùng chia xẻ,
Con đến chốn người thương
Như ở đây ta quý.

Bước sang thềm nhà chồng
Con cho người hoan hỉ.
Ở nhà ta ra đi,
Ưu tư, con luống để.

Nhà ta giữ con lại,
Nhà người đứng trông chờ.
Đấy, làm con làm vợ,
Đây, thiên thần, trẻ thơ :
Con ơi, nhớ bổn phận,
Đôi vai chớ hững hờ ...

Cho ta chút luyến tiếc,
Cho người một ước mong.
Dời đây tuôn giọt lệ,
Sang đó nở môi hồng ...
(Gửi Cô Dâu Mới, bản dịch của Lãng Nhân Phùng Tất Đắc – 1907- )


Kính thưa quí vị,

Từ sau lễ đính hôn của con gái tôi cách nay hơn một năm, tôi đã nói với cháu và lập đi lập lại nhiều lần rằng " con phải tự học để trở thành một người vợ tốt trước khi quyết định làm mẹ ". Đây không hề là lời luân lý dạy đời mà thuần là kinh nghiệm sống hàng ngày.

Và đêm nay, tôi lập lại lần cuối cùng cũng câu nói đó cho cô dâu và chú rể : Các con hãy học làm vợ làm chồng tốt trước khi quyết định làm cha làm mẹ.

Xin cám ơn quí vị. Chúc quí vị ăn ngon và vui chơi hết mình.

*
* *


Ông ngoại là người sống theo tôn chỉ đã tự đặt ra cho bản thân và áp dụng vào lối giáo dục con cái bằng phương pháp cổ điển nói ít hiểu nhiều. Mẹ bảo chính ông ngoại gọi đó là lối Bi-da. Dùng một hình ảnh, một ý này để ngụ một hình ảnh, một ý khác. Vợ con (kể cả bầu bạn) hoặc muốn hiểu sao thì hiểu hoặc tự giác ngầm hiểu thêm điều ông ngoại không nói ra trong lời phát biểu. Mình cho rằng ông ngoại sính chơi chữ do ảnh hưởng sách của các nhà nho, của các nhà văn lớp trước. Mà kể cũng lạ vì căn bản học vấn của ông ngoại vốn hoàn toàn tây học.

Ông ngoại đã quá lý tưởng hoá con người thời nay, nhìn xã hội chung quanh qua lăng kính của một nhà thơ thế kỷ trước, co cụm trong nguyên tắc nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực ; trút ống niềm tin thiêng liêng vào một môi trường mới, chẳng may qua trung gian một nhúm chóp bu và đám quỉ đạo biết khéo léo tụ của - thật - trên tâm lý sợ hãi của mỗi kiếp người nơi đất lạ bằng chiêu bài tụ đức - giả, tụ phước - giả.

Trong bài diễn từ của ông ngoại, câu " học làm vợ tốt rồi mới quyết định làm mẹ " mình hiểu ông ngoại muốn gửi gắm điều gì, còn câu " đây không hề là lời luân lý dạy đời mà thuần là kinh nghiệm sống hàng ngày ": Ông ngoại ngụ ý chi ?

Hàn Lệ Nhân

Chú thích
(1) Vật liệu là mỳ-căn, đậu hủ, bắp su... nhưng họ làm thế nào mà giống và ngon như thứ thiệt. Mình đã thưởng thức qua nhiều lần rồi. Ông ngoại bảo « Trước đã có giả cầy thì nay có thêm giả mặn cũng là chuyện thường, cũng như xưa xuất gia là mưu ngộ nay là mưu sinh ».

(2) Ông bà ngoại gọi mẹ mình bằng chị, ý là chuẩn bị cho các cậu, các dì sau nầy gọi nhau thật rõ ràng trong ngôi thứ. Bố mẹ noi theo cũng gọi mình bằng chị, có điều mình là con một.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 15.11.2005 03:53:48 bởi Hàn Lệ Nhân >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9