En route pour l’école = Séguin

Tác giả Bài
sen dat
  • Số bài : 3043
  • Điểm: 34
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 29.03.2008
En route pour l’école = Séguin - 07.07.2021 16:28:49
0
En route pour l’école =Séguin
Lời giới thiệu, 
 
Nếu ở VN chúng ta có tác giả Thanh Tịnh nổi tiếng  với  truyện ngắn, Tôi đi học =(1941) - có những đoạn văn mà không một học sinh nào không biết thì trong tiếng Pháp chúng ta có tác giả Séguin. Tác phẩm EN ROUTE POUR L’ÉCOLE cũng là một tác phẩm mẫu mực khuôn thước được đưa vào chương trình giáo dục cấp một. Tuy viết cho thiếu nhi, viết về thiếu nhi nhưng sự phân tích sâu sắc về thế giới tuổi thơ. những hoang mang đầu đời, những bứt rứt khó chịu của những tâm hồn còn non nớt cần có sự yêu thương bao bọc thấu hiểu của người lớn để phát triển toàn vẹn tốt đẹp, đã được Séguin mô tả tài tình với lời lẽ giản dị nhưng chính xác khiến bất cứ ai dù thế hệ nào lứa tuổi nào khi đọc cũng thấy mình trong đó. Dù là người Việt chúng ta cũng nên đọc tác phẩm này để biết và giúp đỡ con em chúng ta trong những ngày đầu tiên đi học. 
Bước đường đến trường - Nguyễn Đức Thận chuyển ngữ 
Chương 1
Phần 1
MỘT BUỔI SÁNG THÁNG MƯỜI 
Một buổi sáng tháng mười, má của Lan Anh nói: “ Con bé này đã trên sáu tuổi rồi. Thế mà nó vẫn chỉ thích quanh quẩn ở xó nhà, hoặc ra ngoài đồng, hoặc vào trong các khu rừng. Nó không chịu học lấy một chữ. Đã đến lúc phải dắt nó đến trường “
Ông đang hái hồng ở ngoài vườn, cho rằng má nói vậy là phải:”Phải rồi! Chúng ta không thể để cho nó lớn lên như một đứa trẻ không được dạy dỗ thất học.”
Nhưng bà vì quá nuông chiều Lan Anh vừa lắc đầu vừa nói: “ Nó còn nhỏ dại quá mà! Bắt nó đi học sớm tội nghiệp cho nó.”
Lan Anh nghe nhưng không nói năng gì. Những mớ tóc óng ánh loà xoà bay trên cái trán gồ của nó. Nó tiếp tục nhảy nhót giữa con mèo Mun và con chó Vàng, hai con vật không bao giờ rời nó một bước. Nhưng cặp mắt nâu nhạt của nó, ánh nhìn thơ trẻ bỗng mất đi sự tươi vui.
Đi học! Người ta đã nói đến việc ấy cách đây vài tuần lễ rồi! Nhưng một chứng bệnh xoàng đã cản trở không cho nó đi học vào đúng dịp tựu trường  vời những đứa trẻ khác cùng lứa. Rồi ngày lại ngày trôi qua, Lan Anh cuối cùng đã tưởng rằng nó còn có thể tự do vui chơi ngoài sân, ngoài vườn và, những ngày đẹp trời , tay trong tay ông, lon ton chạy trên các đường mòn trong rừng.
Ông nói: “Nếu cháu không đi học thì lỗ tai của cháu sẽ mọc lên, dài, nhọn như những lỗ tai lừa.”
Lan Anh dừng lại nhìn ông với ánh mắt rảnh mảnh.
“ Không! Thưa ông chị Huệ, thợ giặt không biết đọc. Thế mà tai của chị đâu có lớn thêm lên!”
Bà ngoảnh mặt đi khẽ mỉm cười.
Còn má thì vừa thở dài, vừa buông thõng hai tay xuống. 
Phần 2
NHÀ TRƯỜNG 
Lan Anh biết ngôi trường không cách xa khu vườn của nó bao nhiêu.
Đôi khi, dạo bước trên lề đường và men sát vào tường, nó đến gần ngôi nhà xám với những cửa sổ to lớn rồi nó lắng nghe, hồi hộp.
Từ lớp học nó nghe văng vẳng những tiếng từ tốn vọng ra, lặp đi lặp lại:” bơ, a,ba! Dơ a đa.”
Rồi nó nghe cô giáo nói và cảm nhận tiếng của cô sao mà buồn chán vậy. 
Một nhịp thước gõ trên bàn và chính tiếng nói nghiêm khắc ấy đang la lên “im lặng! im lặng!” làm Lan Anh giật nảy mình. 
Đôi khi Lan Anh cũng đánh bạo đến bên cánh cổng sắt của sân trường, vào giờ ra chơi. Nó bám hai tay vào các thanh sắt và nhón chân lên để nhìn.
Nó nhận ra những người bạn nhỏ, CÚC, MAI, HƯỜNG.
Nó nhận ra chúng nhưng hình như chúng đã đổi thay.
Chúng chơi với vẻ nghiêm túc như thể giờ học vẫn còn tiếp tục. 
Chúng cầm tay nhau vừa nhảy vừa hát, nhưng giọng hát của chúng sao mà ngoan ngoãn, khác nào tiếng chim hót trong lồng. 
Ái chà! Cùng với Lan Anh chúng hát hay hơn biết bao vào những buổi tối dưới những cây phượng lớn ngoài cổng trường! Những tiếng cười những điệp khúc của chúng lúc đó hân hoan bay bổng du dương khôn tả.
Rồi tiếng chuông ngân lên, các cuộc chơi tiếng reo hò ngừng lại.
Mọi người đứng sắp hàng. Một vài đứa bé còn chuyện trò trong chốc lát rồi chúng cũng nín bặt trong sân trường vắng lặng. 
Để vào lớp, học sinh đi qua trước mặt cố giáo hai tay cắp sau lưng.
Một cánh cửa khép mạnh, các cửa sổ đóng lại. Sau những cửa sổ đó, chiếc que nghiêm khắc lại truyền lệnh cho mọi người im lặng.
Lan Anh rùng mình bỏ chạy.
Phần 3
CÔ GIÁO 
Lan Anh cũng biết cô giáo.
Hay nói đúng hơn nó biết hai “cô giáo”.
Cô giáo thường đến nhà để thăm nó và bà, cô đó ăn nói dịu dàng với Lan Anh trong khi cô vuốt ve những mớ tóc óng ánh của nó.
Cô giáo ấy giản dị và tốt. Cô thích con búp bê của Lan Anh cả con mèo Mun và con chó Vàng. Cô để ý đến cả con gà mái hầu như trụi lủi lông mà ông buộc chân vào sợi dây dài, trong một góc sân. Con gà ấy rất ư khổ sở rất đáng thương. Những con khác trong sân gà không hiểu sao cứ mổ nó, rứt lông nó hoài,  cho nên phải nuôi riêng nó ra.
Khi cô giáo dạo chơi ngoài vườn với ông, Lan Anh hài lòng mỉm cười với cô và đưa tay ra cho cô dắt. Lan Anh trả lời các câu hỏi của cô và chuyện trò vui vẻ với cô. Nhưng nó rút ngay tay ra khi nghe cô nói với má:” Thưa bà, lúc nào thì bà sẽ dẫn đứa trẻ dễ thương này đến cho tôi?”. 
Bởi ngay lập tức Lan Anh thấy hiện ra một cô giáo khác. 
Đó là cô giáo thường ra lệnh cho trẻ con ngừng chơi và bắt chúng phải sắp hàng, tay cắp sau lưng.
Đó là cô giáo thường lấy thước đập mạnh lên bàn mà ra lệnh “im lặng! im lặng!”
Thế là Lan Anh, đằng sau cái trán nhỏ hơi bướng bình của nó, không muốn tin rằng cô giáo của nhà trường đó mà nó tưởng tượng là luôn luôn nghiêm khắc lại cũng là cô giáo thường vuốt ve tóc nó và thường mang những thức ăn thừa thải của cô đến cho con gà mái xám.
Phần4
TẤM LÒNG CỦA LAN ANH
Các người sẽ nói con Lan Anh nhỏ này có nhiều nết xấu. Nó hay ngủng ngoẵng, không phải lúc nào nó cũng vâng lời. Điều đó có thực. Nhưng ngừơi ta thương yêu nó cả khi người ta la rầy nó và tôi sẽ nói cho các người biết tại sao.
Nó có lòng nhân ái. Nó hưởng sự âu yếm đang bao bọc và sưởi ấm nó dưới mái nhà này, êm ấm như một tổ chim. Nó tận tình đáp lại sự âu yếm đó đối với những ai thương yêu nó.
Nó đáp lại bằng sự dịu dàng. Không lúc nào nó dậm chân mà cũng chả bao giờ nó hờn giận. Tối đến nó biết lựa những lời thì thầm êm đẹp rót vào tai người thân trước khi đi ngủ.
Nó đáp lại bằng những ân cần. Trăm  vật qua tay nhỏ xíu của nó mỗi ngày, trăm cử chỉ biểu lộ ý nó muốn làm đẹp lòng người khác.
“Thưa bà ghế nhỏ của bà đây! Ông có muốn cháu mang tờ Nhật trình đến cho ông không?. Con có cần đi hái rau thơm cho má không hả má?”
Nó không ích kỷ. Hoa hổng đầu tiên trước sân, trái đào chín đầu tiên ngoài vườn, nó muốn người ta dâng cho má nó.
Nếu người ta cho nó kẹo, nó không muốn nếm đến kẹo của nó trước khi mọi người đã nhận được phần của mình.
“Cầm lấy bà! Đây là thứ kẹo mà bà thích đó!”
=Nhưng bà rụng gần hết răng rồi, còn nhai kẹo làm sao được?
=Mặc dầu vậy, bà cứ cầm lấy! Bà sẽ để cho kẹo tan ra trong miệng bà.
Vả lại Lan Anh còn tốt bụng với những người nghèo khổ thỉnh thoảng vào trong sân, trên lưng đeo một cái bị. Nó đem ra cho họ một phần ăn, vài hào lấy từ cái bùng binh tiết kiệm của nó.
Lúc trao của bố thí, nó không quên kèm thêm một nụ cười và vài lời ngọt ngào. Khi tiết trời quá lạnh nó còn dắt họ vào ngồi bên lò sưởi nữa.
Nó thương loài vật. Thương chim trên trời,thương bông hoa ngoài vườn. Nó thương tất cả thế giới nhỏ bé mà nó có thể thấy được xung quanh nhà.  Vả lại đó là thế giới duy nhất mà nó biết.
“Con bé tốt bụng thật!” Đôi khi bà nó nói như vậy khi Lan Anh không có  mặt.
Đó là lý do tại sao mọi người thương yêu Lan Anh và tại sao mọi người tha thứ  những nét xấu trẻ con của nó trong khi kiếm cách răn dạy nó.
Phàn 5
VƯƠNG QUỐC CỦA LAN ANH
 Vương quốc của Lan Anh, đó là một vài xó nhà mà chẳng ai đặt chân tới bao giờ. Đó là cái sân với những chậu hoa sắp hàng ngay ngắn, là cái củi của con Vàng, là sân gà, là những chỗ ẩn náu dưới các bụi hoa xoan. Đó là những nơi ngoài vườn mà ông bỏ trống không trồng trọt gì, ở những nơi ấy Lan Anh trồng đi trồng lại không ngừng tất cả những thứ mà,thực ra không bao giờ mọc thứ gì cả.
Lan Anh, trong vương quốc đó, có tất cả mọi hạnh phúc ở thế gian này vừa tầm tay tầm chân nhỏ bé của nó. Nó thống trị các đồ chơi của nó, nó thống trị cỏ, hoa, nó thống trị cả con Vàng, chỉ có độc con Mun đôi khi không chịu vâng lời nó.
Sáng hôm nay vì trời đẹp, nên Lan Anh ra ngoài vườn. Nó có các dụng cụ làm vườn đó ông làm cho, vừa tầm vóc của nó. Nó nhổ cỏ tại một góc vườn hẻo lánh, phía sau những bụi sắn mì. Rồi nó cuốc đất xốp lên.
“Bây giờ Vàng, chúng ta sắp trồng cây. Má sẽ sung sướng khi thấy những cây cao đẹp mọc lên trong vườn. “
Nó cắm xuống đất vài cành ổi nhỏ.
“Mày biết không, Vàng, những cây này sẽ mọc lên cao, cao hơn cái nhà. Nhưng cần phải tưới cho chúng lúc chúng còn nhỏ.”
Vàng hồi chễm chệ trên con đường mòn, chăm chú quan sát việc làm của Lan Anh. Con Mun cũng có mặt nhưng để khỏi mất thì giờ nó liếm chân và rửa mặt. 
Khi trời mưa thú lớn nhất của Lan Anh là vào ẩn trong kho lúa và chơi trò làm vườn đi chợ.
Xe bò là cái xe cút kít ông đã xếp vào đó. Lan Anh buộc một sợi dây vào hai cái càng xe, đó là những dây cương để buộc vào mồm ngựa nhưng kỳ thực thì không có ngựa. Một tay cầm cương, còn tay kia cầm roi, nó ngồi vào phía sau cái thùng xe.
 Và suốt cả một khắc đồng hồ, Lan Anh lúc lắc dây cương, kích thích con ngựa bằng những cái tắc lưỡi, buộc ngựa phải dừng rồi lại cho ngựa đi tiếp.
Nó chào hỏi vui vẻ tất cả những người nó gặp dọc đường.
“Chào ông! chào bà! Thưa phải, tôi đi chợ đây. Tôi đi bán đây. Xem này, rau tươi làm sao! Còn đây là bắp cải sú, cà chua. Thưa vâng, phải mất bao nhiêu công sức mới trồng được bấy nhiều đó bà ạ!…”
Nhưng đó là trò chơi Lan Anh không thích trình diễn trước mặt những người lớn. 
 còn tiếp 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 15.10.2021 19:17:11 bởi sen dat >

sen dat
  • Số bài : 3043
  • Điểm: 34
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 29.03.2008
Re:En route pour l’école = Séguin - 07.07.2021 17:27:45
0
Chương 2
Phần 1
BÉ HÙNG
Lan Anh và ông đi dạo chơi như thường lệ. Họ đi dạo theo các đường mòn qua đồng quê.
Đó đây những đám người vội vả thu hoạch khoai tây cho kịp trước khi mùa mưa tới.
Trong một cánh đồng, một cậu bé đang bận bịu làm việc với bố mẹ nó. Cúi lõm khom nó nhặt những củ khoai màu vàng hay hồng bỏ vào một cái giỏ. Khi giỏ đầy, bố nó đến lấy và đổ vào một cái bao. Xong rồi cậu bé lại tiếp tục nhặt khoai bỏ vào giỏ cho đầy, thỉnh thoảng nó ngước lên nhìn về cuối cánh đồng xa tít. 
Ông dừng lại, chào ông bà Cương và ngỏ lời khen ngợi cậu bé: “Hùng giỏi lắm! Cháu làm việc như một  người lớn!”
Hùng đứng thẳng lên và mỉm cười. Nó cùng tuổi và cao gần như Lan Anh. Nhưng trông nó cường tráng hơn.
Ông bà Cương tiến lại gần. “Vâng, ông Cương nói. Hùng giúp chúng tôi đắc lực lắm. Nó đang làm công việc không có gì nặng nhọc lắm. Mùa này chúng tôi bận rộn quá nên phải tận dụng tất cả mọi lực lượng lao động lớn nhỏ “
À ! Bà Cương tiếp lời, không phải cháu vui vẻ ra đây với chúng tôi đâu! Bởi vì năm nay cháu lên sáu tuổi rồi. Cháu lại muốn đi học.
=Nó có lý! Ông nói
Đến lượt Hùng lại gần nhìn thẳng vào mặt ông, nó nói: “ Ngay sau khi thu hoạch khoai xong, cháu sẽ đi học như những đứa trẻ khác. Cháu đã nói như thế với ba má cháu.”
Lan Anh tò mò nhìn cậu bé cùng tuổi với mình mà sao cậu lại quá vội vàng muốn bỏ nhà bỏ đồng áng để cắp sách đi học như vậy.
Phần2
BÀ THỢ MAY
Bà Nhung, người thợ may, đến nhà để may áo quần và một cái khăn tạp dề (tablier) cho Lan Anh.
“Con muốn có một bộ đồ, đúng thời trang, gọn ghẽ và có viền ren nữa.”Lan Anh rụt rè nói, còn cái túi của cái khăn thì sẽ như thế nào?
= Con sẽ có một bộ đồ đúng thời trang, cũng ăn, má nói. Con thử xem  loại vải màu xanh này má đã chọn cho con, có đẹp không?. Còn cái khăn thời màu đen, với những cúc màu đỏ đẹp ở phía bên và ở hai cổ tay. Khăn sẽ có hai cái túi lớn như còn ưa thích.”
Lan Anh thì không thích màu đen chút nào, nhưng những nút đỏ làm nó khoái chí lắm.
Bà Nhung bắt tay vào việc ngay. Cái kéo của bà phát ra những tiếng rổn rột như tiếng nghiến răng khi cắt xén vải với vẻ như muốn nghiến ngấu  tất cả. Rồi đây bà Nhung sẽ làm gì với tất cả những miếng vải nhỏ nhặt đó?.
Nhưng những miếng vải đó được bà Nhung sắp xếp lại, miếng này sát kề miếng kia. Dưới bàn tay của bà, chúng đã ngoan ngoãn trở thành những tay áo, cổ áo, thân áo. Bà Nhung lấy chỉ trắng lược qua những miếng ấy bằng những mũi kim dài. Bây giò cái áo quả đã thành hình rồi. 
Ngồi bên cạnh Lan Anh đưa mắt nhìn theo những ngón tay khéo léo của bà thợ may. Một trong những ngón tay của bà mang một cái đê. Cái đê đẩy cái kim, cái kim chợt hiện chợt biến vào trong vải xanh. Thỉnh thoảng bà Nhung xâu chỉ, chỉ trong nháy mắt là bà đã xâu xong. Rồi bà thắt nút một đầu sợi chỉ lại mắt không cần để ý đến, chỉ bằng một cử động nhanh nhạy nhẹ nhàng của hai ngón cái và trỏ.
Lan Anh muốn bắt chước bà, nhưng nó không thành công, chỉ để kim chich ngón tay rồi làm rơi kim hay mất chỉ.
Đến chiều tối, bộ đồ đã được may xong. Lan Anh mặc thử đến lần thứ tư. Nó thấy bộ đồ hợp với sở thích của nó. Nhưng nó thoáng cau mày  khi nghe bà Nhung nói: “Bà xem với bộ đồ này, cháu sẽ là một cô nữ sinh xinh đẹp biết bao!”
Phần 3
NHỮNG CẢM NGHĨ CỦA BÀ NHUNG 
Ngày hôm sau, bà thợ may trở lại nhà để may cái tạp dề.
Lan Anh cũng ngồi bên cạnh bà. Lan Anh loay hoay với cái áo của con búp bê. Nhưng cái áo có lẽ sẽ không khi nào hoàn tất được, vì cứ đến chiều 
Lan Anh lại tháo tung những gì mà nó đã khâu lúc sáng.
“ Cái tạp dề” của bé Lan Anh cũng sẽ đúng thời trang, bà Nhung nói. Nó sẽ cài cúc về bên hông. Và những cái cúc đỏ này trông thật mê hồn!”
“Vâng! nhưng cái “tạp dề”lại đen. Và cái màu đen đó lại làm người ta liên tưởng đến việc đi học. Lan Anh khá tế nhị để đoán được rằng đó chính là bộ đồ nữ sinh mà má đang chuẩn bị cho nó.
Phương chi hôm đó,  bà Nhung hầu như luôn miệng nói đến Lan Phương, đứa con gái nhỏ của bà tuy chưa đúng bảy tuổi mà đã đi học từ lâu rồi.
“Cháu đúng đầu lớp, thưa bà! Cháu đọc được cả một bài tập đọc dài,từ đầu đến cuối mà không vấp,không lầm lỗi. Và nếu bà xem các quyển cỏ của nó thì bà sẽ phải mê!”
=Lan Phương là một đứa bé dễ dạy và thông minh, má nói. Quả thật bà có phúc bà Nhung ạ!
=Ồ vâng! bà thợ may nói tiếp. Và bà biết không, nay cháu cẩn thận và lễ độ!. Từ ngày cháu đi học được lãnh hội những điều dạy bảo của cô giáo, cháu đã trở nên ân cần và nhân ái hơn trước.
Lan Anh đã xích cái ghế của nó xa cái bàn may nói bà Nhung và má nó đang làm việc. Nó cúi mặt xuống cái áo “búp bê” của nó, hình như nó để ý cái áo “búp bê” hơn lúc nào hết. Nó liên tiếp đâm cái kim của nó bất luận vào chỗ nào.
“ Cháu Lan Phương có thích đi học không? má hỏi.
=Ồ thua bà, những ngày học, nó không muốn ở nhà vì một lý do nào cả”, bà thợ may trả lời.
Lan Anh khâu một cái cúc vào cái áo “búp bê” của nó vẻ chăm chú, môi mím lại.
“Lan Anh! khi nào thì con sẽ đi học như Lan Phương?” bỗng chốc má hỏi.
Lan Anh nét mặt nhợt nhạt ngửng mặt nhìn vẻ buồn rầu.
“Chẳng bao lâu nữa,thưa má, bởi điều đó sẽ làm má vui lòng! “
Nhưng nó lại giơ ngón tay trỏ lên lúc lắc và nói thêm: “ tuy thế,má biết không, bà cho rằng con còn quá nhỏ  bé kia mà!”
Phần 4
LAN ANH  VÀ MÁ NÓ
Lan Anh và má nó đang ở ngoài vườn. Đã đến giờ học sinh ra về. Người ta nghe những tiếng chân bước lạnh lẹ, những tiếng cười và tiếng kêu gọi của chúng. 
Cô giáo đứng bên cạnh hàng rào sắt. Nam sinh và nữ sinh chào cô khi đi qua trước mặt cô. Cô cài lại cái cúc của một tạp dề, thắt lại một khăn quàng cổ, sửa lại một cái mũ cho ngay ngắn, cô nhắc lại những lời khuyên bảo mà cô đã nói đi nói lại hàng trăm lần rồi. 
“Về nhà gấp đi, nghe không các con! Để ý coi xe cộ! Còn con Dũng, cô đừng dừng là cà nơi cổng trường để chơi bi. Các con về gấp đi, trời sắp tối rồi đó!”
Má nói với Lan Anh:
“Con thấy không? Các đứa trẻ đó có vẻ vui sướng lắm. Mặc dù trong bọn chúng cũng còn có những đứa còn trẻ hơn con nữa đó.”
“Vâng, Lần Anh nói nhỏ, chúng vui sướng vì bây giờ chúng được ra về và sắp được gặp lại mẹ chúng”.
“Đã đành là thế! Nhưng chúng còn vui thích vì chúng đã học tập tốt, đã học  được những điều mới lạ và đang mang về nhà một cuốn vở sạch đẹp, những tấm ảnh đẹp, những điểm tốt mà chúng đã lãnh được”.
Vì Lan Anh không đáp lại gì cả, má nói tiếp, sau một hồi im lặng:
“ Má tin chắc rằng, con cũng vậy, con sẽ vui sướng đi học, khi nào con quen rời má mỗi ngày vài tiếng đồng hồ”.
= Thưa má, má có tin rằng con sẽ quen được không?
=Điều đó chỉ đòi hỏi một cố gắng nhỏ. Má sẽ đưa con đến tận cổng trường. Và má sẽ chờ đón con ở đấy vào giờ bãi trưởng. Ở trường con sẽ gặp những người bạn nhỏ mà con quen biết.  Và con sẽ thấy rằng cô giáo ở lớp cũng tốt và dịu dàng như khi cô tới thăm nhà ta.
=Như vậy thì con cũng muốn thử xem…thưa má. Vả lại, như ông đã nói, dù sao thì con cũng  cố mà học cho biết đọc biết viết đi. Khi nào thì má sẽ dắt con đến cho cô giáo?
=Ngay sáng mai, cưng của má à.
Má vừa nói vừa ôm hôn Lan Anh.
Là bởi vì má biết rằng không nên để lỡ cơ hội như người ta thường nói.
Phần 5
TRẰN TRỌC KHÓ NGỦ 
Thường ngày Lan Anh vào giường, kê đầu lên gối là ngủ ngay. Bà đến hôn nó. Rồi má cũng đến, lử lại lâu hơn, hôn nó nhiều cái rồi làm màn cho nó. Nó ú ớ đáp lại những lời âu yếm của bà và má rồi đi vào cõi mộng. 
Tại sao tối hôm đó Lan Anh lại trằn đi trở lại nhiều như thế trên cái giường nhỏ của nó?. Tại sao cặp mắt mở thao láo của nó lại cứ nhìn lên trần nhà lâu như thế?
“Này cưng, ngủ đi, má vừa trở lại bên giường nó và nói thế. Sáng mai má sẽ mặc cho con bộ đồ mới và cái khăn tạp dề đẹp. Con phải giữ vẻ mặt xinh tươi. Được như vậy thì người ta sẽ khen: “ô! cô nữ sinh bé nhỏ xinh xắn đáng yêu!”
Lan Anh nhắm mắt lại, lồng ngực nó phập phồng như sắp muốn khóc.
Có gì đâu!. Đáng lẽ ra nó đã phải đi học vào ngày tựu trường rồi, một lần với   Xuân Mai, con nhỏ láng giềng. Nhưng nó bị cảm, cảm xoàng thôi. Bà lại bảo: “ Để nó ở nhà thêm vài ngày nữa”.
Và nó đã ở nhà một tuần, rồi thêm một tuần nữa. Bây giờ thì Xuân Mai đã trở nên thông thái rồi, đó là theo lời Xuân Mai nói chắc như vậy. Nó đã đọc được nhiều chương của cuốn sách dạy đánh vần. Nó kẻ ở trên vở của nó những chữ ngay ngắn và thẳng hàng.
Bây giờ quả thật cực lòng cho Lan Anh phải cắp sách đến trường. Nó tự nhủ “Mình chưa biết đọc. Mình là người duy nhất chưa biết viết. Người ta sẽ chế nhạo mình. Rồi cô giáo buộc lòng sẽ phải là rầy mình.”
Má đoán biết những gì đang xảy ra trong đầu của Lan Anh. Má mỉm cười và ôm chặt nó vào lòng.”Cưng sẽ chăm chỉ học tập ở lớp, cưng ạ! Rồi chẳng bao lâu, cưng sẽ thấy cưng cũng thông thái chẳng kém gì Xuân Mai đâu.”
Bà có ở lại làm yên tâm Lan Anh một hồi nữa, và Lan Anh cuối cùng được vững lòng ngủ thiếp đi.
Còn tiếp
 

  
<bài viết được chỉnh sửa lúc 10.07.2021 16:36:34 bởi sen dat >

sen dat
  • Số bài : 3043
  • Điểm: 34
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 29.03.2008
Re:En route pour l’école = Séguin - 14.07.2021 21:06:47
0
Chương 3
Phần 1
NHỮNG SỰ CHUẨN BỊ
Sáng hôm sau má đến đánh thức Lan Anh dậy vào lúc bảy giờ.  Nhưng mắt Lan Anh đã mở thô lố ra rồi.
Nó không giương hai tay lên ôm choàng lấy cổ má nó với sự hăm hở vui mừng như những ngày khác. Nhưng nó đã hứa sẽ đi học nên không tìm kiếm lý do không chính đáng để nằm lại trong giường.
Tội nghiệp cho Lan Anh!
Hình như sáng nay cái gì cũng làm cho nó khó giữ được lời hứa.
Trước hết là vì trời mưa. Những hạt mưa phùn rơi buồn bã. Ngoài sân thì có những vũng nước dơ bẩn, còn đường thì bùn lầy.
Má vội vàng rửa ráy cho Lan Anh hối hả hơn thường ngày. Má lấy hai cái kẹp kẹp tóc Lan Anh lại. Hình như con gái đi học tóc tai phải gọn gàng.
Cả bộ đồ mới cũng không làm cho Lan Anh vui. Bộ đồ còn mới quá chưa ôm hẳn vào người Lan Anh. Áo còn vướng víu lử nách. Còn cái tạp dề thì có những nếp nhăn cứng ngắc sột soạt sau mỗi cử động.
“ Ăn nhanh lên! Kẻo chậm mất thôi!” Má nói thế. 
Lan Anh uể oải ăn.
Thường khi nó ăn, con Vàng ngồi bên phải ghế của nó, còn con mèo Mun ngồi bên trái. Chúng mong đợi một cái vuốt ve, một mẫu bánh vụn, một ít còn sót lại lử đáy bát.
Sáng hôm đó, con Vàng vốn không thích mưa gió, nên không chui ra khỏi cũi. Còn con Mun lại càng yếu ớt hơn, nên có lẽ còn cuộn tròn trên đống rơm ở gác xép.
“Chuông trường đánh rồi, má nói. Ăn hết miếng bánh đi! Lau miệng sạch đi! Còn cái dù của tôi đâu rồi?”
Bây giờ thì phải ra đi….
Má đã ra đến ngưỡng cửa rồi. Lan Anh đưa bàn tay nhỏ của nó cho má dắt. Nó đưa bàn tay ra như thể để cầu xin một sự cứu giúp.
Phần 2
LẦN ĐI HỌC ĐẦU TIÊN
Lan Anh đi qua sân, nép mình vào má nó. Còn má thì lấy dù che cho nó.
Lan Anh đưa mắt nhìn một vòng vương quốc của nó, hôm nay sao âm u buồn tẻ đến vậy!
Vào mùa lá bắt đầu rụng, vườn nhìn như bị cóng rét. Những cây bơ còn choán một khoảnh rộng, nơi đó người ta  là thể đứng xem những giọt nước rơi.
Trong cái xe cút kít để ngày ở cửa kho, những đồ chơi của Lan Anh  vứt ngổn ngang. Đó là những quả banh, một cái xô, những cái hộp, những cái bình, những cái cân. Các đồ chơi đó đều móp méo, phai màu nhưng Lan Anh thích hơn là những đồ chơi mới. Sáng hôm đó nhìn chúng có vẻ buồn tủi kiểu như bị bỏ rơi, còn Lan Anh thì nghĩ rằng nó đành bỏ luôn chúng nó rồi.
Lúc đi qua cái thang gác xép, nó gọi “Mun! Mun!”
Nhưng Mun sợ lạnh, Mun vô ơn, không chịu chạy ra.
Còn con Vàng tốt bụng thì đã thấy Lan Anh đi ra khỏi nhà. Mặc dầu trời mưa, nó chạy nhảy tung tăng quanh Lan Anh và để mỏm vào sát tay Lan Anh.
“Vào lại cũi đi Vàng, sáng nay chúng tao không cần tới mày”,  má nói.
Nhưng mặc cho lời ngăn cản của má, con chó vẫn chui qua cánh cổng hé mở. Nó lấy làm lạ sao lại có sự ra đi sớm thế này.
Nó đi theo cô chủ nhỏ bé của nó và tới một lần với chủ.
“ Chúng ta tới chậm mất rồi, má nói. Thật là phiền”.
Sân trường trống không. Các trẻ đã vào lớp hết rồi, và người ta nghe chúng đang hát.
Má đẩy Lan Anh vào trước rồi đóng sập của trường lại, trước mỏm con Vàng. Con chó tốt, vô cùng ngạc nhiên, nó đứng thẳng lên, mỏm xuyên qua hai cái chân song sắt và tiếp tục nhìn theo Lan Anh. Thỉnh thoảng nó rên lên một tiếng.
Phần 3
ĐẾN TRƯỚC CỬA LỚP HỌC
Học sinh đã thôi hát. Chung quanh lớp chỉ có sự im lặng.
Lan Anh tiến bước qua sân, hai tay cố hết sức nắm chặt tay má. Tiếng sỏi lạo xạo dưới những bước đi của họ. Rồi đến cửa hành lang cọt kẹt…
Càng tiến gần cửa lớp học, tim Lan Anh càng đập mạnh.
Tốc!Tốc!…Cửa mở ra, cô giáo xuất hiện tươi cười. Cô đưa tay bắt tay má,  ăn cô nói vói giọng rõ ràng: “Chào bé Lan Anh!”
Lan Anh nghẹn ngào sắp buột miệng trả lời: chào cô.
 Nhưng qua cánh cửa mở rộng nó thấy toàn là cặp mắt, chỉ những cặp mắt, ba chục cặp mắt đang ngó nó.
Một cô bé có vẻ trơ tráo,nói nhỏ: “Lan Anh”. Tức thì nhiều thì thầm hầu như khắp nơi. Lan Anh! Lan Anh!”
Quả là quá sức chịu đựng của Lan Anh mà lòng đang hồi hộp.
Thay vì trả lời cô giáo, Lan Anh quay ngược lại ôm choàng lấy má, úp mặt  ào bụng má.
“ Kìa!, má nóng giận bảo, chào cô rồi vào ngồi bên cạnh Xuân Mai đi.”
Nhưng Lan Anh cứ úp mặt vào bụng má, hai tay ôm cứng lấy hai vế của má.
Cô giáo biết rằng nếu cứ cầm tay Lan Anh đưa nó vào ngồi trong lớp thì nó sẽ oà lên khóc. Mà cô thì không muốn ngày đi học đầu tiên của nó lại được đánh dấu bằng những giọt nước mắt.
Cô nói với má: “Có lẽ hôm nay không được thuận tiện. Thôi chúng ta đừng bắt cháu vào đây như một con chim mà người ta bắt bỏ vào lồng”.
Má và Lan Anh ra về, không ai nói với ai một lời. 
Còn cô giáo thì về lại bàn nhún vai và suy nghĩ “ Mình phải làm sao cho con chim nhỏ này quen được nhỉ.”
Phần 4
NHỮNG SỰ HỐI TIẾC CỦA LAN ANH
Má và Lan Anh đã về đến nhà. Hai người im lặng đi bên cạnh nhau mà không cầm tay nhau.
Má còn thẹn đỏ mặt về sự lúng túng của bà hồi nãy trước mặt cô giáo.
Ông từ ngoài vườn, thấy hai mẹ con về. Ông giơ tay lên: Ba biết mà! Ông kêu lên vậy, chúng ta quá yếu đuối với con bé này. 
“Thực vậy, má nói. Lan Anh không ngờ rằng nó đã làm cho con cực lòng hết sức, và cô giáo hẳn nghĩ rằng con không biết dạy cháu”
Bà lại gần. Bà không nói năng gì cả, nhưng bà nhìn Lan Anh, về buồn rầu.
Lan Anh biết rằng nó đã không biết điều. Nó không hãnh diện về nó chút nào. Tai nó ù lên nhủ khi nó muốn khóc.
Nó đã hứa, nhưng đâu ngờ giữ lời hứa khó đến thế
Cơn mưa kia đã làm cho nhà trường thêm xám xịt, những tiếng rên rỉ của con Vàng, cái cửa mở rộng ra trước những cặp mắt tò mò hay chế nhạo, tất cả những cái đó đã giữ Lan Anh lại ngay lúc nó định bước vào lớp, và đã khiến nó quay lại phía má nó.
Mặc dầu trời đã hết mưa rồi, nhưng Lan Anh không còn muốn đi ra vườn nữa. Nó cũng không muốn đáp lại những lời mời mọc của con Vàng đang nhảy nhót quanh nó. Nó nhìn các đồ chơi của nó. Chúng đang chờ nó. Nhưng nó không có lòng nào mà chơi được nữa. Và cái khăn tạp dề không ngừng nhắc nhở nó là sáng nay nó đâu có được ở nhà.
Nó đã  gây buồn phiền cho những người thương yêu nó. Lần đầu tiên nó cảm thấy cái thứ hối tiếc chua chát mà người ta gọi là sự hồi hận.
Má ngồi trong phòng ăn. Lan Anh nhìn bà lâu lắm và nó ngẫm nghĩ. Rồi nó lại gần cái ghế bà đang ngồi nũng nịu nghiêng mình về phía đầu gối của bà, và ngửng mắt lên nhìn nét mặt buồn bã của bà, nó nói: “ Má yêu quý của con, rồi đây con sẽ đi học. Con sẽ đi một mình. Má cứ chờ xem”.
Phần 5
SỰ BUỒN RẦU CỦA HÙNG
Có tiếng gõ cửa khe khẽ. Má ra mở. Đó là bé Hùng từ bên nhà nó sang, tay mang một cái giỏ.
“Cháu chào bà! Má cháu không thể đến được. Cháu mang trứng bà đặt mua đến cho bà.”
Má để cho Hùng vào trong nhà. Lan Anh nhìn nó. Nó cũng mặc bộ quần áo cũ như hôm trước, khi nó làm việc ngoài đồng. Quần áo của nó mang màu của đất.
“Ngồi nghỉ đi Hùng!” má bảo.
Rồi lấy tay nâng cằm nó để nó ngẩng mặt lên, má nói thêm:
“Mắt cháu đỏ ngàu.  Có phải cháu đã khóc không?
Hai má của Hùng đỏ ửng lên. Nó nhìn xuống chân và nói nho nhỏ: 
“Cháu có khóc đâu”.
Má gặng hỏi nó rất ân cần và cuối cùng Hùng thú thật:
“Cháu muốn đi học. Ba cháu đã bằng lòng. Nhưng má cháu không muốn cho cháu đi học với cái áo cũ này.
= Má cháu sẽ may cho cháu một cái khác. Má nói.
= Vâng, Hùng nói tiếp. Má cháu có hứa với cháu là bà thợ may sẽ đến nhà. Nhưng không thấy bà ta đến. 
Má mỉm cười dịu dàng nói với Hùng
“Cháu cứ yên tâm! Bà thợ may có lẽ đã quên việc may áo cho cháu. Nhưng lát nữa bác sẽ gặp bà ấy. Bác sẽ dặn bà ấy sáng mai thế nào cũng phải đến nhà cháu. Bác hứa với cháu điều đó.
Cám ơn bà. Hùng vừa nói vừa ngước mặt lên.
Lúc ra tới ngoài sân, nó còn lặp lại 
“Cám ơn bà nhiều! Như thế là ngày mai bà thợ may sẽ đến, phải không bà. Cám ơn bà nhiều!
Má đóng cửa lại, và nói giản dị
“ Nó là một đứa trẻ thèm muốn được đi học. Nó có ý chí. Nó sẽ trở thành một sinh viên ưu tú.”
Còn tiếp
 

sen dat
  • Số bài : 3043
  • Điểm: 34
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 29.03.2008
Re:En route pour l’école = Séguin - 17.07.2021 17:57:39
0
Chương 4
Phần 1
CHIM ĐÃ VÀO 
Sau bữa cơm trưa,Lan Anh ra vườn lén nhìn những đứa trẻ đang trên đường đi đến trường. Các cô, các cậu vừa đi vừa chuyện trò, cười giỡn rồi đi vào sân trường. Đường phố trở nên vắng tanh khi tiếng chuông ngân vang.
Chính lúc đó, Lan Anh đi ra khỏi vườn, lách qua cái cửa nhỏ. Không ai thấy nó cả, cả con Vàng cũng vậy. Bằng những bước rụt rè, nó đi đến cổng trường còn hé mở.
Đến đó Lan Anh dừng lại và suy nghĩ, một ngón tay để trên môi.
Học sinh đang xếp hàng. Cũng như thường ngày chúng sắp sửa đi chậm chậm qua trước mặt cô giáo để vào lớp.
Lan Anh đột nhiên quyết định. 
Nó lén vào trong sân, đứng về phía cuối hàng và, theo sau những trẻ khác, nó đi qua trước mặt cô giáo, tay cắp sau lưng.
Kỳ lạ thật!…cô giáo không nói gì cả…Có lẽ, cô đã không nhận ra nó!
Lan Anh đi vào lớp. Một góc ghế còn bỏ trống, gần sát ngay cửa ra vào. Tiện cho nó quá. Nó lại ngồi ở chỗ ấy, chỉ ngồi ghé một vế thôi, một bàn chân để sát xuống đất, còn bàn chân kia thì bỏ thỏng lưng chừng.
Đã có ai từng thấy một con chim hồng tước dừng lại trên một bụi cây chưa? Nó đã đậu ngay ở đầu cành và hình như luôn luôn sẵn sàng để bay đi.
Nhưng Lan Anh thì nhất định không ra đi đâu. Sau một tiếng thở dài, nó ngồi ngay ngắn lại, khoanh tay trên bàn và ngó xung quanh vẻ hơi ngại ngùng. 
Lạ thật cô giáo vẫn còn chưa trông thấy nó! Cô viết trên bảng đen, cô phát sách cho những học sinh lớn, vở tập viết cho những học sinh nhỏ. Cô đi qua lại gần các bàn, khuyến khích người này người nọ.
“Này! Bình! Này! Xuân Mai! Cô hy vọng rằng hôm nay chúng ta sẽ cố gắng học tập tốt!”
Lan Anh đưa mắt tìm cặp mắt của cô giáo, nhưng không sao gặp được. 
Có ai gõ nhẹ vào tấm kiếng. Cô giáo mở hé cửa sổ và vừa mỉm cười vừa nói nhỏ: “ Vâng, thưa bà, bà cứ yên tâm!. Chim đã vào…Bây giờ thì phải kiếm cách giữ nó lại!”
Phần 2
NGÀY HỌC ĐẦU TIÊN
Cô giáo nói với học sinh. Thỉnh thoảng cô hỏi một câu. Một nữ sinh hay một nam sinh đứng dậy, ấp úng trả lời, đầu cúi xuống.
Lan Anh không nghe không hiểu gì cả, bởi vì đầu óc còn đang nghĩ đến những chuyện đâu đâu. Bỗng nó nghe một tiếng rên nhẹ từ ngoài đường vọng vào. Đó là tiếng của con Vàng. Có lẽ con Vàng đã ngạc nhiên về sự vắng mặt của Lan Anh. Nó đã đi theo dấu vết của Lan Anh, như những khi nó đi tìm Lan Anh tại những nơi ẩn náu ngoài vườn. Bây giờ thì nó kêu gọi và chờ Lan Anh ở phía bên ngoài cổng trường.
Lan Anh nghĩ đến nhà, nghĩ đến những người thân mà nó đã để lại nhà, đến con Vàng đến cái tiểu vương quốc của nó.
Trong lớp học không gì là của riêng nó cả. Không một vật gì có vẻ quen thuộc đối với nó. Không ai để ý săn sóc nó….Nó cảm thấy bị bỏ rơi và buồn tủi vô cùng.
Nhưng cô giáo đã giảng xong bài. Cô đi thẳng đến chỗ Lan Anh ngồi. Cô vừa mỉm cười vừa nói với nó mà không tỏ vẻ gì ngạc nhiên về sự hiện diện của nó cả.
“Chào cô bé láng giềng của tôi!”
Lan Anh ngước cặp mắt đầy vẻ ngại ngùng và nói nhỏ: “Chào cô. Con đã đến đây…đến một mình…
=  Tốt lắm! Và bây giờ, con muốn chơi gì?”
Câu hỏi lại làm Lan Anh thêm ngạc nhiên. Cô giáo nói tiếp: “ Cô có những đồ chơi như đô mi nô, lô tô, những hình ảnh con muốn gì?
=Nếu được con xin một cuốn sách và một cuốn vở. Lan Anh vừa nói vừa nhìn về phía Xuân Mai đang vừa lè lưỡi vừa viết.
=Sách vở thì để sáng mai, cô giáo nói. Trẻ em luôn luôn bắt đầu bằng những trò chơi khi đến lớp. Này con cầm lấy những hình ảnh này mà xem cho vui.”
Lan Anh nhìn các hình ảnh trong vài phút. Nhưng nó chưa quen chơi lâu với một trò chơi và cũng chưa quen tập tầng lâu vào một công việc gì.
Vả lại, nhưng hình ảnh đó, mà cô giáo cho là đẹp, thì lại không làm cho Lan Anh vui thích. Đó là hình những bông hoa và chim. Lan Anh thì lại thích xem những thứ ấy ở ngoài vườn hay ở ngoài đồng cỏ hơn.
Sau một chặp, nó xếp lại để qua bên những cái hoa không thơm đó, những con chim không biết hót đó, và nó lại đưa mắt nhìn xung quanh.
Phần 3
LỚP HỌC 
Lan Anh đưa mắt nhìn các bức tường của lớp học. Bốn cửa sổ lớn không có màn che về phía mặt và phía trái của nó, để ánh sáng mờ nhạt của buổi chiều tháng mười chiếu vào. Các cửa sổ bên trái mở ra phía sau trường và phía làng. Qua các cửa sổ ấy, con gà của tháp chuông nhà thờ có thể nhìn thấy những gì xảy ra ở trong lớp. Các cửa sổ bên phải thì mở ra phía các vườn và các đồng cỏ, và Lan Anh nhìn thấy những ngọn cây dương quen thuộc đu đưa trên nền trời có những đám mây lướt nhẹ.
Ước gì được chạy giỡn trên các đồng cỏ thì thích biết chừng nào! Lúc này , có lẽ các con bò cái đang ứng dụng nhai lại. Những con chim én bay vút lượn lờ trên Không. Và mỗi lần gió thổi làm cho lá vàng bay lượn rơi xuống rải rác khắp nơi tựa như những cơn mưa vàng.
Trước mặt Lan Anh là một cái bục. Trên bục là một cái bàn với những quyển sách xếp ngay hàng. Gắn khít vào tường là những bảng đen to lớn đầy những dấu mà Lan Anh không biết, và đầy hình ảnh nhiều màu. Chính con chim có cánh xanh được vẽ đậu trên một cái như cái cành cây, phải là một con én. Lan Anh nhận ra cái đầu thanh thanh và những con mắt bé tẹo. Nhưng ở ngoài đồng thì nó đâu có bao giờ thấy chim én đậu trên cành cây.
Học sinh cúi đầu chăm chú  vào công việc của chúng. Đôi khi một nữ sinh ngoảnh về phía Lan Anh với một nụ cười thân hữu. Lan Anh không có lòng nào đáp lại nụ cười đó.
Cô giáo vừa ngồi vào bàn được một lát, đã dễ dàng đoán được những gì đang xảy ra trong cái đầu của cô nữ sinh mới của cô.
“Này, cô nói, như để khuyến khích cả lớp, chỉ một lát nữa là chúng ta sẽ ra chơi. Sân khô ráo, chúng ta sẽ nô đùa, còn gì thích thú hơn.!”
Cô giáo luôn muốn giúp Lan Anh có thêm kiên nhẫn. Nhưng Lan Anh thì, luôn đưa mắt nhìn về phía góc trời nơi đó nhưng ngọn dương đang đu đưa như mời mọc.
Phần 4
GIỜ RA CHƠI 
Cô giáo ra lệnh: “ Xếp sách vở lại!” Tức thì dội lên tiếng sách vở xếp lại một cách hấp tấp, tiếng bút và thước để xuống một cách vội vã, và tiếng của những bàn chân nóng nảy vấp vào cái thanh ngang dưới bàn.
Rồi học sinh đi ra theo hàng lối và, sau một lệnh mới, chúng đã phân tán ra ngoài sân. Một số đã bắt đầu đuổi nhau chạy như những con ngựa con điên; những đứa khác, nhất là các cô gái, tụ lại thành từng nhóm, bắt đầu chuyện trò và thỏa thuận với nhau về các trò chơi yên lặng hơn.
Lan Anh thì cứ đứng ở trên thềm. Rụt rè, hơi ngại ngùng, nó không dám hoà mình với các bạn mới.
“ Xuân Mai! Phương Lan! Cô giáo gọi. Đến dắt tay Lan Anh và rủ nó xuống sân chơi đi!”
Và chính cô đề nghị: Các con hãy đứng vào góc này với những trò khác. Ở đây các con sẽ được yên ổn. Hãy cầm tay nhau làm thành một vòng tròn, cánh tay giăng ra, Xuân Mai sẽ chạy chung quanh vòng tròn. Nó sẽ để quả banh này lử sau lưng một người bạn, và cô này sẽ phải đuổi theo nó và bắt cho được nó,”
Lan Anh cùng các bạn  xếp thành một vòng tròn. Nhưng nó có vẻ không phấn khích. Và khi Xuân Mai đặt quả banh vào phía sau nó, thay vì chạy đuổi theo, nó cứ đứng đơ ra, hai tay xụi lơ.
“Lan Anh! Lan Anh! Đuổi bắt Xuân Mai đi!”những đứa khác kêu lên như thế!
Chính lúc đó, một vài năm sinh nghịch ngợm đột ngột chạy đến và xô đầy nhóm nữ sinh nhỏ. Khi vòng tròn được lặp lại, thì Lan Anh không còn muốn chơi nữa.
“Kìa! Con Vàng ở phía ngoài cổng kìa”, Phương Lan nói.
Quả vậy con Vàng nghe tiếng trẻ con nô đùa, nên đã trở lại. Cái đầu xù của nó tìm cách chui qua các song sắt. Lan Anh chạy ra phía cổng. Con Vàng liếm tay nó và kêu lên mấy tiếng như reo mừng.
Lan Anh muốn được phép mở cánh cổng nặng nề ấy ra xiết bao!
Hình như cả gia đình nó, cả vương quốc nhỏ của nó đã hùa theo con Vàng đến đây để gọi nó và để dành lại nó.
Phần 5
GIỜ TAN HỌC
Sau giờ chơi, Lan Anh về ngồi lại chỗ cũ. Cô giáo cho nó một miếng bìa đan màu xanh, và những dải băng giấy màu hổng. Bây giờ thì phải luồn những dải hồng qua các dải xanh của tấm bìa, một lần ở phía trên một lần ơi phái dưới….Xuân Mai làm như thế và được một bàn cờ tây màu xanh và hồng, mà nó, hãnh diện, từ đằng xa giơ lên cho Lan Anh xem. Trong lúc đó những ngón tay nhỏ của Lan Anh thường thì rất lanh lẹ, nhưng lại tỏ ra rất vụng về trong động tác này. Những dải rời của nó nhàu đi, và tấm bìa thì rách. Rồi Lan Anh cảm thấy muốn nhúc nhích. Nó khoanh tay rồi lại giang tay ra. Nó lúc lắc chân và nhiều lần bàn chân của nó đập 
vào ghế. Cô giáo không nói gì. Lát sau Lan Anh đứng dậy. Nó đi lại gần chỗ của Xuân Mai để xem cái bàn cờ của cô bé này làm và tiện thể nó đi nốt một vòng đến phái sau lớp học.
Nó nghĩ rằng cô giáo thế nào rồi cũng la rầy nó. Nhưng trái lại , cô lại mỉm cười với nó, cô  không la nó, bởi vì hôm nay là ngày đi học đầu tiên của Lan Anh, và cũng vì cô muốn cho nó làm quen với lớp học. 
“ Tất cả chúng ta đứng dậy để hát!” Cô giáo nói.
Tất cả học sinh đứng dậy,và Lan Anh cũng đứng dậy như mọi ngươi. 
Điệu hát nhẹ nhàng, thánh thót. Lan Anh không cho là bài hát dở. Nhưng nó không hiểu lời trong bài hát.
Tuy nhiên có những lời thỉnh thoảng cứ trở đi trở lại, và cuối cùng Lan Anh thuộc được như” nước rơi “tóc”trên sỏi, khi hát “tóc”tất cả học sinh đều lấy tay vỗ nhịp. Hay quá! Lan Anh không hát, nhưng có một lần nó cũng vỗ nhịp. Nhưng tức thì nó thẹn đỏ mặt vì sự táo bạo của nó.
Qua tất cả những dấu hiệu ở trong lớp, lử ngoài đường, ở trên không, Lan Anh đã đoán ra rằng giờ bãi trường sắp đến rồi. Bây giờ thì đầu óc nó đã nghĩ đến cảnh ra khỏi cổng trường, cảnh ra đến ngoài đường luôn!….
Cuối cùng cô giáo cũng bảo nó ra về với các đứa trẻ khác. Cô vỗ nhẹ vào má của nó và nói: “ Mai lại nhớ đi học nhé!”
Lan Anh chạy nhanh ra cổng, nơi đây má chờ sẵn và âu yếm ôm chặt lấy nó.
Đi bên cạnh má, tay cầm tay, quả thật thích quá!
Đường phố vui tươi biết bao khi người ta có thể tự tiện đi lại, bên mình lại có con Vàng tung tăng nhảy nhót vui mừng.
 còn tiếp 
 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 17.07.2021 18:19:06 bởi sen dat >

sen dat
  • Số bài : 3043
  • Điểm: 34
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 29.03.2008
Re:En route pour l’école = Séguin - 26.07.2021 16:48:46
0
Chương 5
Phần 1
ĐI HỌC VỀ
“Nó kia rồi!” Bà ra đến ngoài cổng chờ Lan Anh và từ đường xa kêu lên như vậy. 
Và ông cũng từ trong vườn đi ra vui vẻ nói: “ Cô nữ sinh nhỏ của chúng ta về đây rồi!”
Cặp mắt của Lan Anh không còn vẻ tươi vui rạng rỡ. Tuy thế nó cũng vẫn mỉm cười. Nó cảm thấy vui vui vì đã khiến cho tất cả người thân vừa lòng. Nó cũng có phần hãnh diện vì đã đi học một mình. 
Tuy thế nó không khỏi có chút buồn chán trong lòng vì đã không nhận được một quyển sách và một quyển vở. Những đứa trẻ khác thì đã có một cặp đầy phồng lên. Còn nó đi học về với hai bàn tay không. Nó chưa phải là một nữ sinh thật sự.
Bà ân cần vồn vã xoắn tít lấy nó.
Bà đã chuẩn bị bữa ăn chiều cho cháu tôi. Đi mau vào bếp với bà. Bà thấy cháu hơi xanh. Cháu không mệt quá đó chứ?
=Thưa bà không. Lan Anh trả lời. Ở trường cháu chỉ ngồi. Cháu khoanh tay. Cháu nhìn hình ảnh…Bà ơi, bà cởi cái tạp dề đen này dùm cháu.
Má và ông đi xa Lan Anh một tí và vừa nhìn nó vừa nói: “ Nó không có vẻ vui thích, ông nói nhỏ. Nhưng kệ nó! Nó sẽ quen dần! Bước đầu là bước khó nhất. Nó đã đi bước đầu rồi!”
Lan Anh đưa mắt nhìn ngó khắp nơi vương quốc nhỏ bé của nó mà nó vừa tìm lại được. Những đồ chơi của nó vẫn còn ở chỗ cũ. Mun ngủ trên bờ cửa sổ, còn con gà mái già tiếp tục kiếm ăn đó đây.
Con Vàng thì không rời nó nửa bước và cùng nó đi xuống bếp, nơi đây bà đã chuẩn bị sẵn các khoanh bánh có phết bơ.
Lan Anh ăn ngon lành.
Vừa ăn, nó vừa lại gần bà và nói nhỏ vào tai bà:” Bà biết không. Ông và má muốn cháu phải đi học để khỏi dốt nát. Thế mà hôm nay, cháu đã không được học đọc mà cũng không được học viết hay học tính gì cả!”
Phần 2
QUYỂN SÁCH ĐẦU VÀ QUYỂN VỞ ĐẦU
Sáng hôm sau, Lan Anh đến trường đúng giờ. Nó lại ngồi vào chỗ hôm trước và vòng tay ngồi chờ. 
Lúc đó cô giáo lại gần bên nó:
“Đây cho con một quyển sách, một bảng đá, một quyển vở, hai bút chì. Con phải gìn giữ thật cẩn thận. Cô sẽ cho con biết lúc nào thì sẽ dùng đến các thứ ấy!”
Tim của Lan Anh đập mạnh. Một quyển sách! Đó là quyển sách học đầu tiên của nó. Sách còn mới tinh. Nó lật đi, lật lại, lấy tay vuốt ve rồi cuối cùng mở sách ra xem. Gáy sách kêu rắc rắc. Các tờ còn ngửi mùi giấy mới lẫn mùi mực, và còn hơi dính vào nhau. Lan Anh thấy những hình vẽ, những mẫu tự lớn mà nó đã nhận ra được một vài chữ và những mẫu tự nhỏ hơn. Biết bao mẫu tự, biết bao dấu phải học thuộc! . Lan Anh đóng sách lại và mở vở ra.
Quyển vở có cái bìa đỏ, và nhiều trang giấy trắng đẹp có kẻ những đường chỉ xanh. Những tờ ấy không có lấy một vết dơ. Khích lệ người ta phải giữ gìn cẩn thận, phải có thứ tự và phải chăm chú học tập. Nhưng chắc là khó khăn lắm khi phải theo đúng các đường chỉ nhỏ xíu ấy, và khi, như Xuân Mai, phải viết một trương với những mẫu tự thật ngay hàng thẳng lối như học sinh khi đi vào lớp!
Và các bút chì! Lan Anh có một bút chì để viết trên bảng đá, và một để viết trên vở. Nó đã biết rằng không được tì nặng lên đầu bút chì nhon vì nó dễ gãy. Bởi vì ở nhà, nó thường vẽ để chơi.
Nó cầm lên rồi lại đặt xuống mỗi một vật ấy.
Chúng đích thực thuộc quyền sở hữu của nó, cũng như những đồ chơi của nó. Nhờ chúng mà nó đã thật sự trở thành một nữ sinh.
Buổi học sáng đi qua khá nhanh. Lan Anh nhìn lên bảng mà đọc, rồi lại nhìn vào quyển học vần của nó. Sau đó cô giáo nói với nó: Bây giờ lấy bảng đá ra tập vẽ những con vịt đi. Vẽ như thế này này con thấy không?
Cô giáo cúi xuống và với một bàn tay lạnh lẹ, cô vẽ một con vịt làm mẫu.
Lan Anh vẽ cả một đạo quân vịt, bé có, lớn có, con thì mỏ ngoảnh về bên phải, con thì mỏ ngoảnh trái, con thì mỏ chúi ngâm trong nước. Nó lại đã tìm ra phương cách chỉ kẻ một nét mà cũng vẽ ra được một cái gì hơi giống con vịt.
Khi về đến nhà từ xa nó đã giơ cho mọi người thấy các dụng cụ học sinh của nó.
“Con có một quyển sách, một quyển vở” nó kêu lên như thế. Chúng ta sẽ bọc chúng bằng giấy màu. Và con sẽ hết sức giữ gìn không làm bẩn và không làm mất chúng.”
Phần 3
NGÀY THỨ NĂM
Chưa lúc nào Lan Anh lại thấy cái giường của nó êm ấm như sáng nay. Má đến bên nó ôm hôn rồi mở cửa chớp ra. Một ít ánh sáng lọt vào trong phòng. 
Lan Anh nằm nán lại trong chăn êm nệm ấm. Nó biết rằng chuông nhà trường sẽ không gọi nó vì hôm nay là ngày thứ năm.
Bà mang bữa ăn sáng đến cho nó và nói: “Nghỉ đi, cô nữ sinh nhỏ của tôi!”
Nhưng sau đó một lát, từ ngoài sân, ông lại gọi vọng vào: “Có ai đi ra rừng với tôi không nào? Trời nắng đẹp và sương đã tan hết rồi! 
Nhanh nhẹn, Lan Anh nhảy ra khỏi giường, rửa mặt mũi và thay đồ. Và bây giò cả hai ông cháu đã ra đi cùng với con Vàng.
Quả là thích thật khi được tự do dạo chơi ngoài đồng.
Lan Anh hít không khí trong lành vào đầy phổi và bắt đầu chạy tung tăng như điên, hay tay vùng vẫy.
Con Vàng thì hễ nơi nào có hàng chuột là nó dừng lại. Nó cào đất và đánh hơi để tìm mồi nhưng Không bao giờ nó tìm được. Thỉnh thoảng một con chim vì sợ hãi, bất chợt bay khỏi bụi cỏ. Nó kêu lên một tiếng như than vãn. Con Vàng muốn chạy tới chỗ con chim vừa đậu xuống. Lan Anh ghìm dây cương buộc cổ giữ nó lại.
“Ở đây Vàng!”
Trong các hàng rào cây, còn sót lại một ít trái mận dại. Lan Anh hái một quả nếm thử và nhăn mặt vứt đi. Trên các cây Sơn trà còn có những quả đỏ thắm, vị nhạt, nhưng lại có thể dùng làm những chuỗi đeo cổ đẹp.
Lan Anh cũng hái quả dã tường vi để nếm, vị ngọt lờ lợ khó chịu, phía trong có lông nhọn.
Lan Anh học được biết bao điều khi đi với ông.
“Quạ tụ tập lại, ông nói với Lan Anh. Chúng bắt đầu đói. Cháu có thấy con chim xám kia bay vào bụi rậm không? Đó là một con chim ghi đá. Nó tới đó để kiếm một vài quả đỗ tùng màu nâu.”
Cái trường này hoạt động tuyệt hảo!
Nhưng ông thì lại nghĩ đến cái trường kia, bởi vì lúc về đến nhà ông nói với Lan Anh
=Bây giờ cháu có nhiều thứ phải mang đi học. Cho nên cháu phải có một cái túi như túi người phát thơ.
=Một cái cặp như bạn gái của cháu có, một cái cặp như thế đủ lớn đối với cháu. Lan Anh vừa mỉm cười vừa trả lời: “Cháu không dám xin, nhưng cháu sẽ sung sướng nếu cháu cũng có một cái cặp.
Phần 4
TỪ LÀNG RA THÀNH PHỐ 
Con đường mà người ta không biết bắt nguồn từ đâu, lướt qua giữa các dãy nhà trong làng, đi qua góc vườn của Lan Anh để rồi leo lên trên đồi gần đó và cuối cùng mất hút vào rừng.
Mỗi ngày bốn lần, những tiếng ồn ào đánh thức con đường cũ dậy. Đó là tiếng của chiếc xe ca chạy ra thành phố bên cạnh hay từ thành phố đó trở về. Động cơ xe nổ liên thanh, còi xe làm gà vịt sợ hãi. Phía trước nó, tất cả đều phải né ra một bên, tất cả đều bỏ chạy tán loạn.
Ngày thứ năm ấy, Lan Anh lên xe ngồi thoải mái trên một chiếc ghế dài, giữa ông và má, bởi vì lúc ăn trưa ông đã nói:
“Con bé này cần có một cái cặp. Chiều nay chúng ta sẽ cùng nhau đi ra thành phố. Nó sẽ chọn lấy một cái theo sở thích của nó.”
=“Con sẽ đi với ba, má nói. Con cũng đi mau sắm lặt vặt. Và con cũng muốn cho nó một hộp bút đẹp.”
Ai ai cũng muốn nuông chiều Lan Anh. Bởi vì không phải chỉ có mình cô giáo, mà ai ai cũng muốn nó yêu đời học sinh của nó.
Cuộc du hành bất ngờ nảy làm cho Lan Anh vui sướng. Qua các tấm kiếng rộng lớn, nó nhìn về phía trước xe, con đường tựa như một dải băng bị xe nuốt dần. Cây cối hai bên từ phía trước tiến lại vẫy cành chào rồi lùi nhanh về phía sau.
Mỗi khi lên dốc, động cơ dốc toàn lực, người ta nghe nó rên rỉ cực nhọc. Những khi xuống dốc, nó nghỉ, nó nín cả thở, và chiếc xe hình như lướt nhẹ trên đường. 
Thỉnh thoảng người tài xế lấy tay kéo một đòn bảy. Xe chạy chậm lại, rồi dừng hẳn. Một người đàn bà, lúng túng vì vướng mang cái giỏ, bước lên. Cửa đóng sập lại phía sau bà và xe lại tiếp tục chạy.
Bỗng một chiếc cầu đen hiện ra. Cầu vượt qua phía trên con đường. Đó là chiếc cầu hỏa xa. Sau một tiếng còi dài, xe chạy qua phía dưới cầu, nhanh như gió.
Nhà lại nhà tiếp nối nhau. Nơi đây là vùng ngoại ô. Đường lát đá tảng làm xe xốc và hành khách lắc lư. Xe tiến lên thận trọng, còi không ngớt vang lên. Cuối cùng xe dừng lại tại một công trường, bên cạnh một máy nước. 
“Chúng ta tới nơi rồi, ông nói. Chúng ta đi mua sắm đi và đừng để lỡ mất chuyến xe về.”
Lan Anh xuống xe. Nó thận trọng đi giữa ông và má, nhưng thực ra thì nó muốn được chạy cho nhanh.
Phần 5
VIỆC MUA SẮM
Tại cửa tiệm , bà chủ tiệm nói: “Cái cặp này chắc lắm. Nó khá lớn đối với một nữ sinh vào cỡ tuổi này. Hai cái quai được khâu thật kỹ. Thưa bà, bà cứ mua đi, bà sẽ vui lòng”
Má hỏi lại Lan Anh: “Con có thích không?”
=“Thưa má có, Lan Anh trả lời sau một hồi đó dự. Nhưng mà…nó màu đen. Nếu được, con muốn có một cái cặp màu khác.”
Lúc đó ông nói với bà chủ tiệm:
“Thưa bà, bà chịu khó xem lại trên các ngăn hàng thử coi còn có loại cặp nào màu đỏ, màu lục hay màu xanh dương Không?”
=“Thưa ông không ai, bà chủ tiệm vừa mỉm cười vừa trả lời. Nhưng tôi có cặp màu vàng.”
Lan Anh chọn lấy một cái cặp có màu sắc và những hạt nhỏ giống như vỏ cam. Nó cầm lấy, hai quai cặp, để cặp lòng thòng một bên mình và liếc mắt xem. Cặp đẹp thực…
“Má đã hứa cho con một cái hộp đựng bút” má còn nói vậy.
Bà chủ tiệm lấy cho xem những hộp đựng bút bằng gỗ hay bằng các tông sơn bóng. Nắp hộp có vẽ hình những con chim và những tràng hoa hồng. Lan Anh ngắm nghía các hình vẽ đó mà chưa biết quyết định ra sao. Bỗng nó kéo má nó cúi xuống phía nó và nói nhỏ: 
“Nếu được con muốn có một cái hộp đựng bút có khoá.
=Nhưng sợ sơ ý con làm mất chìa khoá đi thì làm sao?
=Thưa má không đâu! Con sẽ lấy dây buộc nó vào thắt lưng của con.”
Bà chủ tiệm đã tìm ra một  hộp đựng bút vừa sở thích của Lan Anh.
Má cho bỏ vào hộp bút một cục gôm tẩy và một cái bút chì. Rồi bà lại bỏ hộp bút vào trong cái cặp. Và Lan Anh hãnh diện bước ra khỏi cửa tiệm tay cầm cặp.
Thỉnh thoảng khi má không ngó nó, nó lấy khăn tay ra lau thật mạnh cái cặp cho cặp lên nước bóng. 
Còn tiếp
 

sen dat
  • Số bài : 3043
  • Điểm: 34
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 29.03.2008
Re:En route pour l’école = Séguin - 01.08.2021 18:58:24
0
Chương 6
Phần 1
MỘT NỮ SINH ĐÍCH THỰC
Sáng hôm sau ngày mua sắm đó, Lan Anh , khi thức dậy liền mau chóng nhảy ra khỏi giường. 
Nó vui thích đi học vì nó đã có cặp mới. 
“ Bà nhấc thử xem đi bà! Bà có thấy nó nặng lắm không?
Lan Anh đã bỏ quyển sách, quyển vở và hộp đựng bút của nó vào cặp. Nó lại còn lén bỏ thêm vào đó hai quả ban, một bó que và một cái dây để nhảy. Nó hy vọng sẽ sử dụng các thứ đồ chơi đó trong giờ ra chơi.
Và vì vậy mà cái cặp đã trở nên nặng và phồng to. Đích thực cặp của nó là cặp một học sinh và Lan Anh hãnh diện mang nó trên đường đi đến trường. 
Khi nó vào sân trường thì, như nó đã tiên đoán, mọi người đều để ý đến nó.
“Ồ! Cái cặp đẹp quá! Lan Phương, Minh Nguyệt và Xuân Mai đều kêu lên thế. Nó mới tinh! Nó ngửi mùi thơm! Cho tụi này xem có gì ở trong cặp được Không?”
Lan Anh sung sướng đỏ cả mặt và để cho những bạn nhỏ của nó cầm, mở ra và ngắm cái cặp.
Rồi những tiếng thán phục khác lại nổi lên khi chúng tìm thấy cái hộp đựng bút có ổ khoá. Lần lượt chúng nó lấy chìa khoá vặn thử xem. Ổ khoá kêu : cơ ríc! cơ rốc!
“Cái cặp của mình cũng đẹp như cái cặp của bạn khi má mới mua. Minh Nguyệt nói thế với giọng đầy luyến tiếc. Nhưng cặp của mình bắt đầu rách. Hộp đựng bút của mình trước đây cũng có chìa khoá. Nhưng chìa khoá đó nhỏ quá! Mình đã làm mất từ lâu rồi.”
Xuân Mai đem giấu ở sau lưng cái túi vải xám thắt bằng dây của nó, trong đó nó để lộn xộn sách vở và thức ăn giữa bữa của nó.
Cô giáo từ xa đã thấy cái cặp mới của Lan Anh. Cô không nói gì cả, nhưng cô đã liếc nhìn lâu Lan Anh và cô mỉm cười.
Cô đã thấy Lan Anh đỏ ửng mặt lên vì thích thú khi đưa cho bạn bè xem cái tài sản nhỏ bé của nó.
Rồi, khi chuông reo, Lan Anh đến xếp hàng không chút do dự, và nó đi vào lớp một cách cương quyết.
Lúc đó cô giáo tự nhủ:
“Con chim nhỏ của tôi đã quen rồi. Chắc chắn Lan Anh sẽ học tập tốt.”
Phần 2
MỘT NGÀY HỌC TẬP TỐT 
Cô giáo đã không lầm. Lan Anh hôm nay đã học tập tốt. Quá bận bịu với những dụng cụ học trò nhỏ bé của nó, nó đã không thường nhìn con gà của tháp chuông hay các đám mây bay lượn trên không. Nó đã không lúc lắc chân cẳng. Nó đã không rời bỏ cái ghế của nó trước khi có lệnh ra khỏi lớp.
Đến giờ tập đọc, nó nghiêm chỉnh lấy quyển sách đánh vần ra khỏi cặp và chăm chú đọc.
Lần đầu tiên nó đã phân biệt được chữ m với n, chữ d với chữ b. Đó là một sự tiến bộ, bởi Lan Anh không thích các chữ ấy vì chúng giống nhau nhưng lại không được đọc như nhau.
Trên quyển vở mới nó đã viết được bốn dòng, mà không mất kiên nhẫn. Nó đã theo đúng các đường kẻ, những đường kẻ xanh thường giữ tay người ta lại không cho nó vùng vẫy thỏa thích.
Rồi cô giáo cho xem một tấm hình. Cô dặn phải ngó cho kỹ. Cô đã đưa ra nhiều câu hỏi. Lan Anh tập trung nhìn tấm hình. Nó đã chăm chú nghe các câu hỏi.
“Khi con chim én bay thì cánh nó giống cái gì? Cô giáo hỏi
= “Người ta có thể nói chúng giống như những cái phố cỏ nhỏ, Lan Anh trả lời
=“Tốt lắm,” cô giáo nói.
Lan Anh nhận được một điểm tốt và nó sung sướng nhìn thẳng vào mắt cô giáo.
Hôm nay mọi việc đều cho tốt đẹp cả.
Học sinh đã vẽ những con én đang bay chung quanh một cây lê. Chỉ hai nét vẽ mà nhìn cứ như chim đang bay thiệt.!
Học sinh cũng đã học nhiều câu thơ hay, thơ nói về mùa thu và về chim. Chúng đã hát những khúc ca rất du dương. 
Vào giờ chơi, Lan Anh đã cho bạn mượn những quả ban của nó, và nó đã nhảy dây với Lan Phương và Xuân Mai.
Nói tóm lại Lan Anh đã có được một ngày học tập tốt, có lẽ là nhờ cái cặp mới đó. Chiều đến Lan Anh về nhà mang theo ba điểm tốt, và má nó âu yếm ôm hôn nó.
Phần 3
NGÀY NÀY QUA NGÀY KHÁC
Ngày này qua ngày khác nhưng không ngày nào giống ngày nào.
Ngày hôm sau, Lan Anh lại đã kém vui khi mang cặp đi học. Nhiều lần trên đường đến trường, nó đã phải ngoảnh lại ngó nhà, ngó vườn của nó.
Nó cũng phải đuổi con Vàng về lại nhà vì con Vàng nhất định đòi đi theo nó cho kỳ được và hình như muốn nói với nó: “Thôi! về lại nhà với tôi đi.!”
Ở lớp bà tập đọc đối với nó hình như dài và khó khăn. Cô giáo, tuy thế , lại còn tỏ ra kiên nhẫn hơn thường ngày.
“Chúng ta hãy bắt đầu lại!” Cô thường nói với Lan Anh như vậy, mà không biết mỏi mệt. Nhưng hôm đó Lan Anh đã không sao phân biệt được chữ d và chữ b.
“Con bé này trì độn hay sao?” Cô giáo tự hỏi như thế!
Đến giờ tập vẽ, Lan Anh lại lấy lại được sự phấn khởi. Nó thích vẽ theo kiểu của nó, những cánh hoa, những con vật, những ngôi nhà. Các con vật luôn luôn được vẽ với những con mắt tròn to, còn nhà thì nhiều cửa sổ và một cái ống thông khói, có khói bay tỏa ra ngoài. Cô giáo cho là các mẫu vẽ của Lan Anh đẹp…
Nhưng sau giờ chơi vào là giờ học tính. Lan Anh đếm sao nhiều lần các que nhỏ.
“Chúng ta hãy sắp đủ số mười hai!” Cô giáo nói.
Nhưng không lúc nào Lan Anh đếm được đến con số đó.
Còn cái trương tập viết thì thật thảm hại.
Lan Anh chăm chú viết được hai hàng đầu. Nhưng nó cảm thấy như có kiến bò ở chân và tay. Bàn tay của nó chỉ muốn viết nguệch ngoạc cho mau xong.
Đến hàng thứ ba thì các chữ lên lên xuống xuống như con đường đi ra thành phố. Cái chấm của chữ i thì được chấm bất luận lử chỗ nào. Chữ o thì dẹp hẳn lại. Khi thì phình bụng to tướng ra. Cuối trương thì không phải mẫu tự nữa mà là những đường cong queo như cái mở nút chai.
Cô giáo nhìn trang tập viết của Lan Anh với một cái nhìn nghiêm khắc 
“Lan Anh hư quá, cô nói. Tối nay má sẽ không bằng lòng khi xem cuốn vở của con.”
Phần 4
MỘT LÁ THƯ CỦA BA
Ba vì có việc phải xa nhà, nên vừa viết một lá thư dài.
Trong thư ba đã dành cả một trượng nói về Lan Anh.
Má đọc thư cho cô nữ sinh nhỏ nghe: “Anh rất sung sướng, ba viết, được tin Lan Anh, cuối cùng, đã chịu đi học. Anh mong rằng con sẽ vui vẻ đi học để làm hài lòng chúng ta.”
Đến đây má ngừng lại:
“Tối nay má sẽ viết thư trả lời ba, má nói. Có nên viết thư trả lời ba là con vui vẻ đi học không?”
Lan Anh ngước nhìn má với nụ cười nhạt nhẽo và khẽ trả lời:
“Có những ngày con vui học. Nhưng có những ngày con cảm thấy thì giờ dài. Giờ tập đọc và nhất là giờ tập viết, thì khó, má ạ.
= “Con phải tự nhủ: “Tôi muốn chăm chú. Tôi muốn học tập tốt!” Và con phải lập đi lập lại như thế luôn luôn. Cứ như thế thì con sẽ rèn luyện được cái đức tính mà người ta gọi là sự bền chí. Nhờ có đức tính ấy mà người ta sẽ làm mọi việc dễ dàng hơn.
=Thưa má, con sẽ cố gắng bền chí” Lan Anh ngoan ngoãn nói.
Nó liếc mắt nhìn lại cái cặp của nó để trên bàn. Quyển vở để trong đó.
May mắn sao, chưa ai thấy quyển vở đó. May mắn sao chưa ai thấy trương tập viết cuối cùng đó, trương viết đã khiến cô giáo nhìn nó nghiêm khắc.
Má tiếp tục đọc bức thư:
“Độ vài ba tháng nữa, anh sẽ về. Anh mong rằng lúc đó Lan Anh sẽ bắt đầu biết đọc rồi…”
Má ngừng lại rồi nói thêm với giọng có phần nào mỉa mai:
“Con nghe rõ không?…Ba viết: độ vài ba tháng nữa, Lan Anh có lẽ sẽ bắt đầu biết đọc rồi…”
Lan Anh nhún vai, ánh mắt nghiêm nghị vành trán nhíu lại:
Nó sẽ phải bền chí thật nhiều mới có thể nhận biết hết được tất cả những dấu đen kia của quyền học vần, và để có thể đọc mà không vấp như Xuân Mai!
Thư của ba kết thúc bằng những câu sau đây:
“ Anh sẽ lựa chọn cho con một cuốn sách hình đẹp. Nếu con có thể đọc cho anh nghe một vài hàng trong cuốn sách đó, sau bữa ăn tối, thì anh sẽ sung sướng biết bao!”
Phần 5
MÁ LO ÂU
Lan Anh đi học đã một tháng nay. Má quan sát nó, theo dõi sự tiến bộ  của nó và bắt đầu lo âu:
“Không biết đến bao giờ con bé mới trở nên một nữ sinh tốt được?” Má tự hỏi.
Đó là bởi vì, sáng dậy Lan Anh phải để cho người ta nài nỉ mới chịu ra khỏi giường, đi rửa mặt và mặc quần áo để đi học. Khi thì trời mưa làm cho đường bùn lấy và lớp học buồn bã. Khi thì vì nắng thu đẹp khiến người ta muốn tận hưởng những ngày nắng ráo cuối cùng trước mùa đông sắp đến. 
“Ước gì được cùng ông và con Vàng đi dạo chơi ngoài đồng hay trong rừng thì thích thú biết bao. Chắc chắn là chúng ta sẽ tìm được nhiều nấm.!”
Má tự nhủ: mặc dù tất cả sự dịu dàng và kiên nhẫn của cô giáo, Lan Anh chưa quen và chưa thích ứng với trường lớp của nó.
Tối hôm đó, cô giáo đến nhà thăm. Cô tìm cách làm yên lòng má.
“Không, cô nói. Lan Anh không trì độn đâu. Nhưng thường thường thì tuy cháu ngồi trong lớp nhưng đầu óc lại để đâu đâu. Tâm trí cháu lêu lỏng nơi phía nhà hay ở ngoài đồng
= Chúng tôi cưng con bé quá! Má thở dài.
=Cháu sẽ tập cố gắng dần. Cô nói thêm. Cháu đã thích vẽ, hát. Rồi đây cháu cũng sẽ thích tập đọc.”.
Rồi cô giáo nói đến một học sinh mà người ta sắp dẫn đến cho cô.
“Đó là Hùng, nó cùng lứa tuổi với Lan Anh. Cô sẽ để cho nó ngồi bên cạnh Lan Anh, và cả hai đứa sẽ có những bài học như nhau. 
“Tôi trông cậy nhiều vào đứa học sinh mới đó để lôi kéo Lan Anh chăm chỉ học tập, cô nói. Lan Anh sẽ cố gắng học tập giỏi hơn Hùng. Cháu phần nào sẽ hãnh diện khi có bên mình một học sinh kém hơn để dìu dắt.
“Bà cứ yên tâm, cuối cùng tôi sẽ làm cho con bé này yêu lớp học của nó.”
Bởi vì cô giáo có nhiều mưu kế lắm.
Còn tiếp
 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 07.08.2021 17:20:09 bởi sen dat >

sen dat
  • Số bài : 3043
  • Điểm: 34
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 29.03.2008
Re:En route pour l’école = Séguin - 07.08.2021 17:06:25
0
Chương 7
Phần 1
MỘT NAM SINH MỚI.
Sáng nay bà Cương đưa bé Hùng đến trường. Bà đánh xe ngựa ghé qua trường trước khi đi ra chợ. Bà chỉ vào trong sân trường chốc lát và chỉ nói vài lời với cô giáo vì bà không thể để ngựa một mình ngoài đường mà không có người coi giữ.
Từ trên xe bà giơ roi lên làm dấu chào tạm biệt Hùng và kêu to: “ Thôi! Chiều về nhé!”
Và Hùng vẫn ở lại trong sân tay cầm cái giỏ.
Trong giỏ, có bữa ăn trưa của nó, bởi vì đường quá xa, nó không thể trở về nhà ăn trưa được.
Hùng là cậu bé cường tráng. Cặp mắt của nó sáng lóng lánh trên gương mặt đỏ và tròn như quả táo. Nó đi một đôi giày thô, mặc một áo màu xanh dương may với vải lấy từ một cái áo cũ của ba nó. Cổ nó quàng một cái khăn màu đỏ.
Một số học sinh nhận ra nó và đến lôi kéo nó.
“Hùng! Tới đây chơi với bọn tao đi! Chiều nay bọn chúng mình sẽ ra về với nhau tha hồ mà nô đùa!”
Hùng không có vẻ gì ngạc nhiên khi đến trưởng. Nó gặp lại những bạn bè mà nó đã quen biết. Nó cười nói với chúng và khi bị xô đẩy thì xô đẩy lại.
“Đem giỏ để ở hành lang đi Hùng!”
Không còn bị vướng víu nữa Hùng cầm lấy tay hai cậu cao lớn rồi cùng nhau chạy mấy vòng quanh sân. Để tỏ ra nó cũng biết chơi và cũng thích nô đùa, thỉnh thoảng nó bắt chước tiếng chó sủa. 
Lan Anh đứng yên một mình, mở to cặp mắt đầy kinh ngạc nhìn cậu học sinh mới đó. Cậu đã để cho má cậu ra về mà không có vẻ buồn rầu gì cả…
Nhưng đã đến giờ vào lớp. Cô giáo dắt Hùng lại gần Lan Anh và nói:
“Đây là Hùng. Hùng sẽ ngồi bên cạnh con. Hai con sẽ cùng học với nhau. Hùng sẽ là người bạn nhỏ của con, và cô hy vọng con sẽ nêu gương tốt cho bạn theo.”
Phần 2
LAN ANH VÀ CẬU BẠN
Hùng ngồi bên cạnh Lan Anh. Cũng như Lan Anh, nó vòng tay và đưa mắt tò mò ngó chung quanh lớp học.
Lan Anh liếc mắt quan sát bạn học kế bên mà vẻ người làm nó hơi khiếp sợ.
Tóc của Hùng cứng chổng lên. Muốn lấy lược mà rẽ một đường ngôi trong mớ tóc đó, chắc phải vất vả lắm. Hai bàn tay của bạn thì to và đỏ.
Anh chàng rút ở trong túi ra một cái khăn tay. Trong khăn tay có những hạt dẻ. Anh chàng bốc một nắm đưa cho Lan Anh. Đưa thẳng phía trên mặt bàn, không giấu giếm gì cả. 
Lan Anh gạt tay Hùng ra, lắc đầu làm hiệu là không được làm như thế và nói nhỏ:
“Trong lớp không được phép ăn hạt dẻ!”
Hùng nghiêm chỉnh bỏ hạt dẻ vào lại trong túi.
Lan Anh còn nói nhỏ:
“Cất cái khăn cổ đi. Như vậy sẽ dễ chịu hơn”
Hùng vâng lời và bỏ khăn cổ vào trong hộc bàn.
Lan Anh nghĩ rằng chắc chắn nó sẽ thỏa hiệp với bạn mới một cách dễ dàng.
Cô giáo đưa cho Hùng một số hình ảnh để giúp nó có thêm kiên nhẫn mà chờ giờ ra chơi.
Nó xem những hình ảnh ấy rất lâu, xem từng cái một. Nó cầm lên rồi lại đặt xuống. Nó cố gắng nhận cho ra những hình ảnh nào là hình ảnh của những con chim mà nó đã thấy ở ngoài đồng hay trên các bụi cây.
Nó nghiêng người về phía Lan Anh và chỉ cho Lan Anh xem hình một con chim sáo lông đen, mỏ vàng.
Nó nói thật nhỏ :
“Tôi có một con sáo ở trong lồng. Tôi sẽ chỉ cho bạn xem. Ba tôi đã dạy cho nó hót.”
Lan Anh không nói không rằng gì cả. Nó hết sức chăm chú tập viết, như để nêu gương tốt cho Hùng theo.
Và vì sau nửa tiếng đồng hồ ngồi im, Hùng bắt đầu cựa quậy và lắc lắc chân cẳng. Lan Anh thì thầm với nó: “Coi chừng không được động đậy chân! Không được đụng mạnh chân vào ghế!”
Phần 3
NHỮNG LỜI KHUYÊN BẢO CỦA LAN ANH
Cô giáo đã nhìn thấy Hùng lấy hạt dẻ ra cho Lan Anh. Cô đoán biết những gì Lan Anh thì thầm, khi Hùng lúc lắc chân. Cô lại gần ghế của hai đứa. 
“Lan Anh ạ! Cô trông cậy vào con để cho Hùng những lời khuyên bảo tốt và giải thích cho bạn những gì bạn không hiểu.”
Lan Anh đảm nhiệm vai trò trợ giáo đó một cách nghiêm túc.
Hôm sau, Hùng cũng nhận được những dụng cụ học sinh của nó.
Nó viết nguệch ngoạc trên bảng đá. Nó lè lưỡi liếm tấm bảng đá, Lan Anh liền can ngăn:
“Bạn sẽ mang theo một miếng giẻ như miếng giẻ của mình đây. Nhìn xem!…bạn sẽ nhúng giẻ vào nước và bỏ giẻ vào một cái hộp trước khi đi học. Không được nhổ nước miếng lên trên bảng đá, dơ bẩn quá!”
Sau một lát, nó nói thêm:
“Bạn xem này! Phải ngồi như thế này khi vẽ hay khi viết.”
Nó ngồi ngay ngắn trên ghế, mình thẳng, hai cánh tay nhè nhẹ tì lên trên bàn.
Cô giáo thỉnh thoảng liếc mắt nhìn về phía nhóm học sinh nhỏ của cô và rất ngạc nhiên. Cô không ngờ Lan Anh nhớ những lời dặn dò của cô kỹ đến thế.
Trương tập viết là công việc quan trọng đầu tiên của Hùng. Cô giáo vẽ cho nó một nét sổ mẫu và nói:
“Làm những nét sổ như thế này. Và đừng làm gãy đầu nhọn bút chì”.
Hùng vừa le lưỡi vừa cố gắng kẻ một hàng nét sổ đầu tiên.
Khó nhọc quá! Bút chì của nó cào rách giấy lại bị rơi khỏi tay nó và lăn trên bàn.
Mặt mũi Hùng đỏ cả lên. Nó thở như vừa chạy đua xong. Sau một lát nghỉ ngơi, nó thở dài một cái và bắt đầu hàng thứ hai.
Lan Anh kín đáo giám sát nó. Lan Anh hiểu rằng, đối với một học sinh mới, kẻ theo đúng những đường màu xanh dương ở trên trang giấy quả là một việc làm rất khó.
Sau hàng thứ nhì, Hùng lại ngồi nghỉ và ngáp. Nó mệt mỏi. Nghỉ một lát, nó lại cầm bút chì lên và bắt đầu kẻ nguệch ngoạc.
Nhưng Lan Anh liền giữ tay nó lại:
“Không được! Không được! Không được kẻ cong queo như cái mở nút chai! Điều đó, cô giáo cấm!”
Phần 4
GIÚP ĐỠ NHAU LÚC NÀO CŨNG CÓ LỢI
Khi trời mưa Hùng được người ta dùng chiếc xe ngựa cũ đưa đến trường. Những ngày khác thì nó đi bộ đến trường, người lấm đầy bụi bặm hay bùn ngoài đường.
Nó tập kẻ những nét sổ và cả một vài chữ mà cô giáo vui lòng nhận cho là những chữ mẫu. Nó thích tập kẻ những nét sổ, và nó học tính nhanh chóng.
Nhưng đến giờ tập đọc thì nó luôn luôn nhầm lẫn. Khi cô giáo đã lặp đi lặp lại đến mười lần một lời giải thích mà nó vẫn lầm lẫn, thì nó nhìn cô giáo một cách buồn bã và nói nhỏ: “Con trì độn má con thường nói với con như thế!”
Hôm nay lúc ra chơi Hùng mang theo cuốn sách đánh vần. Nó ngồi trên bực tam cấp, xa những trẻ khác. Sách mở kê trên đầu gối, hai tay ôm đầu, nó không nghe những tiếng kêu la của những học sinh khác. Mắt nó nhìn vào trang sách và môi nó mấp máy thong thả.
Lan Anh đến ngồi bên cạnh Hùng.
“Bạn có muốn chúng ta cùng đọc không Hùng?
=Mình cũng thích thế, Hùng vừa trả lời vừa đặt cuốn sách vào giữa hai đứa. Dù sao thì tất cả những cái đó phải được nhét vào trong cái đầu của mình!”
Lan Anh và Hùng cùng nhau đánh vần những hàng đầu tiên của trang sách. Khi Hùng lẫn lộn một chữ cái với một chữ khác, Lan Anh nhẹ nhàng nhắc nhở. Lan Anh chỉ cho Hùng thây rõ sự khác biệt giữa b và d, giữa chữ p và q. Vả lại chưa lúc nào Lan Anh phân biệt được rõ  ràng những chữ ấy như thế, bằng khi giải thích cho bạn.
Vào cuối giờ chơi, Hùng đọc được phần đầu của trang sách đánh vần mà không sai lầm. Nó hồ hởi.
“Bạn đã giúp mình nhiều, nó nói với Lan Anh. Mai mình sẽ mang táo đến cho bạn.”
Lan Anh từ chối không nhận táo. Nó sung sướng trước sự hồ hởi của Hùng, và nó cảm thấy đã được đền đáp quá đủ rồi.
Phương chi, nếu Lan Anh đã giúp Hùng chút đỉnh, thì ngược lại Hùng đã giúp Lan Anh không Ít. Bởi vì mặc dù Hùng đã không ý thức được nó cũng đã cho Lan Anh một tấm gương tốt. Nó đã làm nảy ra trong lòng Lan Anh ý chí ham học.
Phần 5
HÙNG Ở NGOÀI ĐỒNG CỎ 
Một ngày thứ năm, Lan Anh nghĩ đến con sáo của Hùng. Nó muốn được thấy con sáo ở trong lồng và nghe con sáo hót.
Nó thưa với má:
“Má có bằng lòng cho con đi cùng với con Vàng sang nhà bà Cương lấy bơ về cho má không?”
Đường đi an toàn. Vàng là con vật hộ vệ đáng tin cậy. Nó sẽ không cho phép ai lại gần Lan Anh. Cho nên má để Lan Anh đi, tay xách một cái giỏ.
Thời tiết tháng giêng mát dịu. Lúa mới xanh tốt như cỏ ngoài đồng và anh đào bắt đầu đâm chồi nảy lá. Lan Anh nói chuyện với con Vàng, con chó vui thích nhảy nhót tung tăng.
Vừa đi vừa chơi, chả mấy chốc Lan Anh đã đến gần nhà bà Cương.
Bỗng Lan Anh đột ngột dừng lại. Có tiếng nhỏ từ phía sau hàng rào cây vọng lại. Qua những cành cây nhỏ, Lan Anh thấy hai con bò cái đang ăn cỏ. Gần hơn một chút, nhìn kỹ, nó thấy hai chiếc giày đu đưa phía trên mặt cỏ và một bộ tóc rối bù.
Đó là Hùng! Nó nằm sấp trên cỏ, hai tay ôm đầu, một quyền sách để trước mặt.
Lan Anh lắng nghe, tay cầm xích cố ghìm con Vàng lại.
Hùng đang ê a đánh vần trang sách của nó.
“Bờ a ba, Lờ a la”.
Đọc xong trang sách nó không ngần ngại đọc lại, đồng thời cứ tiếp tục đánh nhịp chân. Bên cạnh Hùng, Lan Anh thấy có một bó que nhỏ. Bây giờ thì Hùng dùng các que nhỏ ấy để tập đếm. 
Các con bò cái, chậm chạp và hiền lành tiếp tục ăn cỏ. Chúng không kiếm cách chạy ra ngoài đồng cỏ. Đó là điều may mắn, bởi vì kẻ giữ chúng hình như không để ý đến chúng nữa.
“Cúc cù ”! Lan Anh rẽ lá bước vào và kêu như vậy.
Hùng vội đóng sách lại và đứng phắt dậy.
“Chào Hùng! Lan Anh nói. Mình đến mua bơ và luôn thể xem con sáo của bạn.
Nó không đả động đến quyển sách đánh vần mà cũng không nhắc đến các que nhỏ. Nhưng khi đi bên cạnh Hùng, trên đường đến nhà bạn, nó nghĩ:
“Nếu mình không chăm chỉ học tập như nó thì rồi đây, không lâu nữa nó sẽ biết đọc và biết tính giỏi hơn mình”.
Còn tiếp 
 

sen dat
  • Số bài : 3043
  • Điểm: 34
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 29.03.2008
Re:En route pour l’école = Séguin - 27.09.2021 18:05:56
0
CHƯƠNG 8
Phần 1
NHỮNG KẺ TÙ TỘI
Trong nhà kho để nông cụ, có hai con vật bị giam: một con sáo và một con sóc.
Con sáo thì bị nhốt trong cái lồng, trong đó nó nhảy chuyền từ thanh ngang này sang thanh khác.
Lan Anh đã thấy những con sáo sống trong bụi cây và trong rừng. Bộ lông của chúng đen mượt nhưng lóng lánh ánh dương. Chúng lạnh lẹ, ồn ào hay đánh lộn nhau.
Còn con sáo của Hùng thì buồn rầu và không săn sóc gì đến bộ lông của nó. Cặp mắt đen của nó không còn tinh anh nữa.
Hùng muốn con sáo của nó trổ tài cho Lan Anh xem. Nó đứng ở phía dưới mái nhà và hát chậm chậm “ Tra…la….la….”
Con sáo lặp lại ba bốn lần rồi ngừng hẳn lại và tiếp tục nhảy qua nhảy lại trong lồng.
Còn con sóc thì hình như không nghĩ đến số phận buồn tủi của nó. Nó ở trong một cái hộp gỗ con, phía trước có chắn một tấm lưới. Trong hộp có một cành cây khô và một cái lồng hình tròn. Nó nhảy miệt mài  từ cành cây sang cái lồng. Cái lồng thì quay tít khiến ai nhìn cũng chóng cả mặt.
Lan Anh đã được ông dạy rằng, các loài vật sinh sống ngoài đồng hay trong rừng thì sung sướng vì chúng sống tự do. Ở lớp cô giáo thường nói đến sự buồn rầu của những con chim bị giam giữ. 
Lan Anh nói với Hùng:
“ Nếu là bạn, thì mình sẽ thả con sáo và con sóc ra. Mùa xuân đến rồi. Chúng sẽ sung sướng được gặp lại anh em của chúng trên các lùm cây.”
Hùng ngạc nhiên mở to mắt nhìn Lan Anh.
“Thả con sóc của tôi ra! Sao được! Vả lại, nó đâu có cực khổ”!
=Vậy thì bạn hãy thả con sáo ra. Lan Anh lặp lại với giọng bướng bỉnh nhưng dịu dàng: = Bạn có thấy nó buồn rầu không?
=Phải đó! Nó càng buồn rầu khi nó nghe những con chim khác hót. Mùa đông vừa qua nó bị đau. Mình tưởng thế nào nó cũng chết.
=  Tháo lồng cho nó ra đi Hùng!
Lan Anh van lơn lần nữa. Mình sẽ sung sướng biết bao khi được thấy nó tự do bay ngoài trời.”
Hùng nhìn nhiều lần cái lồng rồi lại nhìn cặp mắt của người bạn nhỏ của nó. 
“Dù sao thì, nó nói, ba mình cũng sẽ không la rầy mình đâu. Ông đã nhiều lần nói với mình là ổng đã chán quá với cái con chim đen này rồi!”
Hùng mở cửa lồng. Con sáo bay lướt ra ngoài và đến đậu trên đòn tay xe ngựa. Rồi nó bay về phía lùm cây gần đó, nhanh như viên đá của một phát ná cao su bắn ra.
Nó không hề ngoảnh lại để cám ơn hai đứa trẻ và biến mất trong một tiếng đập cánh phù phù.
Phần 2
BÀ CƯƠNG
Má của Hùng vừa ra đến ngưỡng cửa thì gặp lúc con sáo sổ lồng.
“Thế càng hay, bà nói với Lan Anh. Đôi khi Hùng quên không cho nó ăn nên dì lại thêm bận bịu.”
Lan Anh thì chỉ nghĩ đến sự vui thú của con chim. Chim đã bay xa rồi. Người ta không còn thấy nó nữa.
Trong quầy bán sữa, bà Cương chọn cho Lan Anh một miếng bơ thật tươi. Bà đặt miếng bơ lên trên một cái dĩa cân, và để một quả cân lên cái dĩa kia. Hai cái dĩa nhịp lên xuống một lúc và cuối cùng đứng yên, hai bên ngang bằng nhau. “Cháu thử xem miếng bơ của cháu cân nặng bao nhiêu?” má của Hùng vừa mỉm cười vừa hỏi Lan Anh.
= Thưa dì, cháu không biết ạ . Lan Anh trả lời.
Hùng lại gần bên, nó nhìn hòn cân
“Nửa ký ạ!”nó hãnh diện trả lời.
Nửa ký bơ giá mười một đồng, và Lan Anh đã mang theo hai tờ giấy bạc mười đông.
“Bây giờ dì phải thối lại cho cháu bao nhiêu?bà Cương lại hỏi.
Lan Anh cắn môi và cố hết sức mình để tính.
“Từ mười một đến hai mươi…đến hai mươi…”
Lan Anh cứ lầm bẩm như vậy hoài mà không tìm được ra câu trả lời.
Hùng quay mặt vào góc phòng và nhiều lần tính trên đầu ngón tay. Sau một lát nó kêu lên: “ Con biết rồi phải thối lại chín đồng.”
Lan Anh đỏ cả mặt vì mắc cỡ. Để an ủi nó bà Cương nói: “Ồ! nó thường thấy dì thối tiền. Do đó mà nó biết tính. Nhưng nó viết như gà cào. Còn tập đọc thì đầu nó đặc như cục cân bằng gang này.”
Nói xong bà gói miếng bơ vào hai lá non và láng, rồi bỏ vào giỏ.
Lan Anh ra về tay mang giỏ.
Con Vàng còn muốn nô đùa nên rất ngạc nhiên khi thấy cô chủ cúi đầu đi. Lan Anh nói: “Hùng có đức tính mà má gọi là sự bền chí. Mình cũng muốn bền chí như Hùng.!”
Phần 3
LỚP HỌC NHỎ 
Về đến nhà Lan Anh cũng muốn học tập như Hùng. Nó cũng chặt những cành cây nhỏ và chặt thành những khúc ngắn. Rồi nó đi lấy quyển sách của nó và một cục phấn.
Nó vào ngồi trong nhà kho. Một cái hộp gỗ sẽ là bàn giấy. Một tấm ván hông của chiếc xe cút kít sẽ là cái bảng đen. Mun và Vàng là hai học sinh.
Lan Anh vẽ lên trên tấm ván những tự mẫu và những chữ . Nó ngạc nhiên khi thấy mình viết những chữ ấy một cách dễ dàng như vậy và đọc được các chữ ấy mà không cần cố gắng. Nó mở sách ra và tim những chữ khó hơn. Nó cũng viết được mà không do dự và đọc được không lầm lẫn.
Thật ra tập đọc giản dị hơn là nó tưởng.
Vàng là học sinh gương mẫu về cả hai phương diện dễ bảo và chú ý.
Nó ngồi yên không nhúc nhích và nhìn chăm chăm Lan Anh với ánh mắt dịu dàng. Khi Lan Anh cất tiếng hỏi lớn nó vẫy tai nhè nhẹ. Nó chỉ có một khuyết điểm là không trả lời. Nhưng đó không phải là lỗi của nó.
“ Vàng! Mày sẽ được một điểm tốt”.
Mun thì trái lại tỏ ra không xứng đáng với sự dạy dỗ của Lan Anh. Nó đã chịu nằm dài một lúc ở phía trước bàn giấy. Nhưng thay vì để ý nghe, nó lại bắt đầu liếm chân. Và khi nó nghe có tiếng gặm ở phía sau kho thì nó đã biến mất phía sau các thùng rượu cũ.
Bây giờ thì Lan Anh sang bài học toán. Nó giải thích cho Vàng biết cách đếm và viết những số từ 20 đến 30. Mỗi khi nó để những que nhỏ trước mỏm con chó thì con chó ngửi rồi lại ngồi yên như cũ chăm chú nghe. 
Để thưởng cho nó, Lan Anh kể câu chuyện của đứa bé đội mũ đỏ cho Vàng nghe. Khi Lan Anh, để kết thúc câu chuyện kêu to “Lúc đó , con chó sói nhảy vồ vào cô gái bé nhỏ và ăn cô bé” thì Vàng sủa một tràng dài.
Thế là lớp học tan.
Lan Anh đã không ngờ nó biết được nhiều điều như vậy. Nó tự nhủ nếu nó chăm chỉ học tập thì nó sẽ tiến bộ nhanh như Hùng và nó lấy làm hài lòng.
Phần 4
ĐÃ CÓ SỰ THAY ĐỔI
“Đã có sự thay đổi!” Má và bà vừa vui vẻ nói với nhau như thế khi đi xuống bếp.
Quả thế! Chưa đến bảy giờ mà từ phòng của Lan Anh đã vọng ra những tiếng động khe khẽ. Người ta nghe tiếng động của bình nước, của thau rửa mặt.
Thực vậy, đã có gì thay đổi rồi.
Khi thức giấc dậy, Lan Anh không còn buồn chán. Khi thấy trời dần sáng và ánh mai lại khiến nó phải nghĩ đến giờ phải đi học.
Nó chỉ chờ má nó vào để bảo nó: “ Dậy, cưng, đừng để chậm giờ.”
Trước bảy giờ một chút, ông mở nhẹ cửa vườn ra. Vàng rũ lông trong chuồng. Gà mái cục tác trong sân nuôi gà. Những tiếng kêu nhẹ đó giờ thì đủ với Lan Anh. Nó duỗi mình một lát, nghĩ đến trường và nhảy ra khỏi giường.
Nó cũng không chờ má nó đến giúp nó rửa mặt nữa, bởi vì cô giáo đã nói: 
“Một đứa bé gái sáu tuổi đã phải biết tự lo liệu cho mình và tránh làm mệt cho má nó được chừng nào hay chừng nấy.”
Cái đồng hồ lớn chưa đánh chuông bảy giờ rưỡi, thì Lan Anh tươi tắn và hồng hào đi vào bếp. Nó vui vẻ chào mọi người và coi bộ đầy phấn khích.
“Cháu gái của bà là một cô gái đã lớn rồi! Bà vừa nói vừa ôm Lan Anh hôn. Cháu tôi bây giò tự làm vệ sinh và tự mặc đồ. 
=Đúng thế! Má nói và cũng ôm nó hôn. Bà coi này, mặt mày nó sạch sẽ sáng sủa. Tóc nó được cài gọn ghẻ, khăn tạp dề chải chuốt.
= “Con không còn là một em bé nữa, Lan Anh vừa nói vừa cười, bởi vì con đi học đến nay đã bốn năm tháng rồi.”
Nó ăn sáng vui vẻ, chơi một lúc với Mun và Vàng rồi xách cặp sửa soạn ra đi.
“ Chào má! Chào bà!”
Ra đến ngoài sân, nó còn ngoảnh lại vừa cười vừa lúc lắc ngón trỏ vừa nói:” Con biết có một cô bé gái, chỉ non một tháng nữa là nó sẽ biết đọc.”
Phần 5
SỰ BỀN CHÍ 
“Má nói “Sự bền chí làm cho công việc trở thành dễ dàng và thích thú”
Quả thật đúng vậy!
Mỗi khi sáng thức dậy mà Lan Anh tự nhủ: “Hôm nay ta phải chú ý, ta phải chăm chỉ, thì tự nhiên công việc gì ở lớp cũng dễ cả.
Những ngọn cây dương tha hồ đùa cợt với mây ở phương xa, phía trên các đồng cỏ. Con gà của tháp chuông tha hồ nhìn vào lớp học. Xuân Mai cứ việc từ chỗ ngồi của nó, ra hiệu cho Lan Anh. Nhưng Lan Anh, lúc này đã cố hết sức chăm chú nghe bài giảng của cô giáo, thì nay không còn ngừng đầu khỏi quyển sách hay quyển vở của nó nữa.
Bài tập đọc trở nên dễ dàng biết bao, khi người ta đã chăm chú theo cô giáo giảng dạy. Làm sao mà còn lầm lẫn n với m, p với q được. Vì những mẫu chuyện ngắn ở phía dưới các trang sách học vần vẫn dễ hiểu làm sao!
Cả việc tập tính với các que nhỏ cũng không còn có gì là buồn chán nữa. Hoặc là đếm từng que một, hoặc đếm từng chục một, buộc thành bó như những bó củi nhỏ. Mỗi ngày, người ta lại ghép thành những số mới. Với một chút chú ý, người ta viết dễ dàng những số ấy bằng chữ số ở trên bảng đá. Đây là những con số chục, và đây là những con số đơn vị.
Những giờ tập viết bây giờ lại là giờ mà Lan Anh nóng lòng chờ đợi. Viết được một trương đẹp quả là một sự vui thích lớn đối với Lan Anh. Không còn cảm giác kiến bò nơi chân hay nơi ngón tay nữa! Sau chữ mẫu mà cô giáo viết bằng mực đỏ, những chữ của Lan Anh viết cách quãng nhau đều đặn. Cho đến chữ cuối cùng tay nó vẫn dẻo dai chuyên chú. Không có lấy một nét gạch xoá trên trang giấy trắng đẹp! Một trương tập viết rõ ràng cũng đẹp như một hình vẽ đẹp.
Tối về Lan Anh hớn hở đưa quyển vở của nó cho mọi người xem. Bà vừa ngắm trang viết vừa nói: “ Bà chưa khi nào viết được đẹp như thế”. 
Đôi khi sau bữa ăn tối, Lan Anh mang quyển sách tập đọc của nó ra. Nó đọc to trang sách đã được đọc trong ngày lử trường rồi. Nó đánh vần những hàng tít in bằng chữ lớn, trên nhật báo của ông.
Ông nói: “ Ông không bao giờ ngờ rằng cháu học đọc mau như thế.”
Má vui sướng tiếp lời ông:”Bây giờ Lan Anh đã hiểu cần phải bền chí. Ít lâu nữa dây, ba cháu về sẽ ngạc nhiên về những tiến bộ của cháu. Và nếu cháu tiếp tục chăm chỉ học tập thì chắc chắn cháu sẽ có khả năng đọc cho ba cháu nghe một trang của cuốn sách đẹp mà ba cháu sẽ mang về cho cháu.”
Còn tiếp 
 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 02.10.2021 11:31:30 bởi sen dat >

sen dat
  • Số bài : 3043
  • Điểm: 34
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 29.03.2008
Re:En route pour l’école = Séguin - 02.10.2021 16:30:17
0
Chương 9
Phần 1
NHỮNG MÓN QUÀ BẤT NGỜ
Bây giờ thì mỗi khi cô giáo đến nhà, Lan Anh chuyện trò tâm sự với cô.
“Không còn bao lâu nữa là sinh nhật má. Hôm đó ba sẽ về. Con muốn dành cho cả hai người một món quà bất ngờ.”
Cô giáo nói:”Cô biết món quà con muốn dành cho ba con rồi. Con muốn làm sao đọc được cho ba con nghe câu truyện ở đằng sau quyển học vần của con. Nhưng với má con thì con muốn biếu gì?”
Lan Anh do dự một lát. Nó kéo cô giáo về phía một góc vườn và nói thật nhỏ:”Má gặp đâu là đâm kim cúc vào đấy, má đã vứt cái gối giắt kim quá cũ và rách của má đi rồi. Con muốn làm một cái mới để thay thế. Nhưng làm một cái gối để giắt kim chắc là khó lắm, và con còn quá nhỏ để thêu thêm cho đẹp.
= Điều đó dễ, nếu con chịu khó chăm chú làm việc. Cô giáo vừa mỉm cười, vừa nói. Chúng ta sẽ mua một mẫu hình vẽ sẵn. Chúng ta sẽ lựa chọn những thứ len hai màu, như xanh dương và đỏ, nếu con thích hai màu ấy…
Con đã có sẵn tiền để dành rồi, Lan Anh hãnh diện nói.
= Con sẽ làm cái gối giắt kim ngay ở lớp. Và chiều đến, con ngồi lại thêm một thời gian với cô. Cô sẽ hướng dẫn cô.”
Lan Anh chịu khó chăm chỉ thêu trong vòng mười hôm.
Nó đếm các mũi đan rất cẩn thận. Nó biết trộn lẫn len đỏ với len xanh và nó thêu được những hình vuông đẹp. Những ngón tay nhỏ của nó đã trở nên thật sự lành lẹ để điều khiển cái kim lớn.
Chiều đến cô giáo xem kỹ công việc làm trong ngày. Cô thêm một mũi kim ở nơi này, một mũi kim ở nơi kia. Cô thắt chặt một sợi len chưa được thắt nút đàng hoàng.
Để khuyến khích nó, cô giáo nói với Lan Anh: “ Tốt lắm. Má sẽ rất sung sướng!”
Khi hai mặt của cái gối giắt kim đã hoàn tất, chính cô giáo đã lấy mùn cưa nhét vào cho đầy, và khâu đính thêm vào bốn góc những búp tua cũng bằng len xanh và đỏ.
Rồi cái gối giắt kim được bỏ vào một cái hộp lớn bằng các tồng chung quanh có dải băng.
Trong khi chờ đợi Lan Anh mang về biếu má nó, cô giáo cất cái hộp đó vào trong một cái ngăn kéo của cô.
Phần 2
NGÀY SINH NHẬT
Sinh nhật của má đúng vào ngày thứ năm.
Lan Anh có đủ thời giờ để ra vườn hái hoa đem vào chưng bày trong phòng ăn. Nó cũng có thể giúp bà trong công việc chuẩn bị.
Bởi vì từ sáng sớm bà không rời khỏi bếp. Hôm nay bà muốn làm một bữa tiệc đúng nghĩa.
Má cùng ba ở ga về. Ba không ngạc nhiên khi thấy Lan Anh lớn hẳn cũng như thấy nó làm những việc lặt vặt quanh bà.
“Đã đến giờ cơm! Mời vào xơi cơm!” Lan Anh kêu to tứ phía.
Chẳng bao lâu cả gia đình tụ họp lại trong phòng nhỏ có chưng hoa.
Hôm nay các thứ chén dĩa có màu sắc rực rỡ sáng ngời đã được đem ra dùng bày biện trên chiếc khăn trắng tinh.
Cả hai gói quà được đặt bên chén của má. Quà nhỏ, được gói ghém có mỹ thuật. Má đoán chắc đó là quà của ba. Quà kia to hơn, đó là một cái hộp chung quanh có dải băng.
Má mở cái gói lớn ra trước tiên và Lan Anh từ nơi góc nó ngồi, nhìn má với ánh mắt lo âu.
Má kêu lên: “ Ồ! Cái gối giắt kim đẹp quá! Và những đường thêu tuyệt vời. Lại mới tinh, với những búp tua xanh và đỏ!”
Lan Anh vui sướng đến đỏ cả mặt. Nó nói:”Thưa má, con đã làm cái gối ấy ở trường để tặng má, nhân ngày sinh nhật hôm nay”.
Mọi người thoải mái ngắm nghía quà của Lan Anh.
Ba nói:”Làm sao mà bé Anh của tôi đã có thể chăm chú hết ngày nọ sang ngày kia vào một công việc lâu dài như thế?. Khi anh ra đi, nó luôn luôn đi từ trò chơi này sang trò chơi khác, từ công việc này sang công việc khác, như một con chim tung tăng bay nhảy.”
“ Có lẽ cô giáo đã dạy cho nó biết bền chí?” Má giải thích.
Suốt bữa ăn vui vẻ đó, Lan Anh đã ăn rất ngon miệng.
Sau khi dùng đồ tráng miệng xong, nó lấy quyển sách của nó ra và lại gần ba.
“Bây giò ba nghe nha!”, nó nói.
Nó đã đọc hết cả trang cuối cùng của cuốn sách vần của nó, trang khó nhất, mà không sai lầm.
Ba ôm nó hôn và nói:” Ba rất sung sướng về những tiến bộ của con. Con thực sự thương ông bà và ba má. Con yêu trường. Con là một đứa con gái nhỏ tốt. Giờ đến lượt cha trao con món quà”.
Và ba đi lấy quyển sách đẹp mà ba đã hứa trước đây.
Phần 3
LÒNG BIẾT ƠN
Buổi chiều hôm đó, tất cả sự vui sướng của Lan Anh biến thành sự biết ơn đối với cô giáo.
Chính cô đã hướng dẫn những bước đầu tiên của Lan Anh tại trường với biết bao kiên nhẫn. Chính cô đã chỉ cho Lan Anh biết những nết xấu nhỏ của nó và đã tìm cách sửa chữa cho nó. Chính nhờ cô mà Lan Anh đã có thể làm cho ba má nó sung sướng.
“ Thưa má, Lan Anh nói, má có thể cho phép con đến trường được không? Cô giáo chỉ có một mình chiều nay. Chắc rằng có buồn chán. Con muốn nói điều này với cô và luôn thể ơi lại chơi với cô một lát.”
Má nhìn thấu tâm tư của Lan Anh nên vừa mỉm cười vừa trả lời:”Dĩ nhiên! Và con nhớ mời cô tối nay ghé lại nhà chơi.”
Khi Lan Anh đến trường thì cô giáo đang chấm bài.
“Chào bé Lan Anh. Thế nào, má bằng lòng với món quà của con không?
=ồ! Thưa có, má sung sướng, sung sướng lắm. Con đến để cám ơn cô. Không có cô thì không bao giờ con có thể làm xong cái gối giắt kim đẹp ấy được. “
Lan Anh còn kể lại sự ngạc nhiên mà nó đã dành cho ba nó. Cũng như những lời khen ngợi mà nó đã nhận được.
“Ba cho con một quyển sách đẹp. Tối nay con sẽ đưa cho cô xem.”
Hết sức vui sướng nó nói chuyện huyên thuyên, và cô giáo vui thích khi luôn bắt gặp ánh mắt đầy tin yêu của nó.
“Vậy thì Lan Anh bây giờ không còn phải năn nỉ mới chịu đi học phải không? Cô giáo hỏi.
=ồ, thưa không cô ạ!
=Lan Anh sẽ tiếp tục học tập tốt để làm vui lòng ba má phải không?
= Để làm vui lòng cả cô nữa thưa cô.”
Nếu nó không e ngại thì nó đã nói thêm “ Bởi vì con yêu cô!”
Nhưng cô giáo đã đoán được điều đó, và cô sung sướng đã chinh phục được tấm lòng của cô nữ sinh nhỏ bé rất khó làm quen ấy.
Phần 4
BẠN BÈ
Bây giờ thời cứ mỗi buổi sáng khi vào đến sân trường là Lan Anh vui thích gặp lại những người bạn học cùng lớp của nó.
Nó biết rõ tưng tính tốt cũng như nết xấu của chúng. Con trai thì nghịch ngợm. Tuy thế chúng không thô bạo. Đôi khi một đứa trong bọn chúng húc phải Lan Anh, trong khi chạy. Nhưng liền sau đó, nó đến hỏi Lan Anh có đau không.
“Không Lan Anh trả lời mà không tức giận,nhưng bạn chạy dữ quá.”
Trong các cô bạn gái,nó thích nhất Lan Phương và Xuân Mai, hai đứa này tính tình cũng dịu dàng như nó. Với Lan Phương và Xuân Mai thì các cuộc chơi luôn luôn vui vẻ, và những cơn giận hờn không kéo dài.
Bởi vì ơi trường Lan Anh cũng đã học cách vui chơi với những bạn khác, chơi với bạn khó hơn là chơi với con Vàng, vì Vàng luôn luôn ngoan ngoãn. Với bạn thì không phải chỉ tìm thú cho riêng mình mà thôi. Thật không hay khi luôn nói: “Tôi muốn chơi trò nảy! Nếu các bạn thích trò chơi khác thì tôi đi đây!”
Phương chi, khi mình tạo sự vui thích cho người khác, thì mình vui chơi thoải mái hơn.
Không nên phách lối vì khi mình làm phách người ta sẽ ngoảnh mặt quay đi mà không chơi với mình nữa. Không nên kiêu căng, vì khi mình kiêu căng thì người ta sẽ chế nhạo mình.
Nhưng với sự dịu dàng, sự kiên nhẫn, tốt tính, thì mình dễ dàng có nhiều bạn.
Lan Anh cũng có cậu bạn đáng tin cậy. Đó là Hùng, vì Hùng không bao giờ quên những ngày đi học đầu tiên của nó.
Hùng luôn có vật gì trong túi để cho Lan Anh. Mặc dù nó không lớn hơn Lan Anh bao nhiêu, nhưng để bênh vực Lan Anh, nó sẵn sàng đương đầu với bất cứ cậu con trai nào. Một ngày nói, nó nói với Lan Anh:”Nếu bạn muốn, mình sẽ thả cả con sóc của mình để bạn được vui lòng!”
Đó là bằng chứng rõ ràng nhất về tình bằng hữu mà nó có thể tỏ cho Lan Anh. Nhưng Lan Anh không buộc nó phải thể hiện sự hy sinh đó.
Phần 5
LỚP HỌC NGOÀI ĐỒNG
Thỉnh thoảng khi buổi chiều trời đẹp, cô giáo dắt toán học sinh nhỏ bé của cô ra đồng.
Vui thích xiết bao cho tất cả mọi người!.
Đó là một cuộc đi chơi rất hữu ích vì vừa chơi đùa, người ta vừa học được nhiều điều hay.
Cô giáo đã căn dặn các học sinh lớn một cách nghiêm khắc cho nên chúng đi ngoan, không rời xa cô.
Còn những trò nhỏ nhất thì đi bên cạnh cô và mỗi lần cô dừng lại, chúng cũng dừng lại. Lan Anh đi bên phải cô và Hùng đi bên trái.
Người ta hái các loại hoa. Cô giáo chỉ cho học sinh tên của những hoa ấy. Cô chỉ cho các học sinh biết hoa mong manh và đẹp biết bao. Cô chỉ cho học sinh lớn biết cấu trúc của hoa. Những trò khéo tay thì vẽ hoa vào sổ tay.
Lan Anh và Hùng hãnh diện khi tỏ cho chúng bạn thấy những điều
hiểu biết của mình.
Lan Anh đã được ông dạy cho biết tên những loại cây. Hùng thì biết các loại cỏ thỏ ăn và các loài hoa mà người ta dùng để sắc nước uống.
Sau khi đã đi dạo chơi được một hồi lâu, cả lớp xúm lại ngồi bên bờ suối và cô giáo hỏi:
“Các trò có biết chúng ta đang ngồi bên bờ nào không?. Trò nào có thể chỉ cho cô một phụ lưu nào?. Con suối này chảy vào con sông nào?”
Lan Anh thấy lớp học ngoài đồng này cũng thú vị như những buổi đi chơi với ông.
Nó sung sướng nhất là khi, dưới những cây bắt đầu đâm chồi nảy lộc, tất cả học sinh xúm lại quanh cô giáo, hát du dương những bài hát hay nhất đã học ở trường.
Đối với mọi người giờ ra về sao đến quá nhanh.
Còn tiếp

sen dat
  • Số bài : 3043
  • Điểm: 34
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 29.03.2008
Re:En route pour l’école = Séguin - 02.10.2021 16:38:42
0
Chương 10
Phần 1
LAN ANH NGOAN
Bây giờ thì Lan Anh hết lòng học tập ở lớp.
Nó không muốn Hùng giỏi hơn nó. Nó muốn làm vui lòng má nó. Và nhất là nó muốn xứng đáng với những nụ cười hay những lời khen ngợi mà cô giáo thường ban cho nó.
Nó thích được nghe: “Tốt lắm bé Anh! Hôm nay con tốt hơn hôm qua!”
Cho nên thật thích thú khi xem quyển vở không một vết dơ của nó. Thật sự thích thú khi nghe nó đọc thuộc lòng một bài ngụ ngôn, hay khi thấy nó chăm chú nghe một bài giảng.
Đôi khi vào buổi chiều Lan Anh cũng đoán biết cô giáo mệt mỏi. Những lúc đó nó không bao giờ làm ồn, nó không muốn nói chuyện với cô bạn bên cạnh hay với Hùng.
Hôm qua một người chở bằng xe đến trường những gói sách và gói vở. Cô giáo đã phải ra ngoài trong chốc lát, và cô đã dặn một cậu học sinh lớn tuổi:” Con lên ngồi trên bàn cô, con sẽ coi ngó các bạn. Và cô mong rằng tất cả mọi người sẽ ngoan
ngoãn.”
Lớp học yên lặng được vài phút. Rồi một nam sinh ho, và một đứa khác động đậy chân cẳng. Tiếp đến là những tiếng xì xào. Cuối cùng hai trò xấu lớn tiếng gọi nhau.
Cậu học sinh lớn ở trên bàn giấy thỉnh thoảng kêu:
“Im! Im!” Nhưng cậu ta đã không lập lại được sự yên lặng.
Cô bạn kế bên của Lan Anh gọi: “Lan Anh xem các hình ảnh của mình nè!”
Lan Anh ngồi bất động, môi mím lại, khoanh tay. Hùng ngồi bên cũng làm như nó, ngoan ngoãn như một pho tượng.
Vì cô bạn bên cạnh lấy cùi chỏ thúc nó, Lan Anh nhìn nó với một cái nhìn đầy trách móc và nói với nó:
“Cô giáo dặn chúng ta phải ngoan. Cho nên nói chuyện là không tốt, nhất là khi cô vắng mặt.”
Phần 2
HƯƠNG XUÂN NỒNG NÀN
Vui!Vui! Mùa Xuân đến rồi!.
Không khí nhẹ nhàng. Trẻ em có những đôi má đỏ hồng, máu lưu thông nhanh trong huyết quản của chúng và chân cẳng chúng chỉ muốn nhảy nhót.
Vui!Vui! Mùa xuân đến rồi!
Tất cả khơi gợi trong lòng người ta thú đi dạo chơi, nhưng, tuy thế học sinh phải cắp sách đi học.
Lan Anh và Hùng can đảm đến trường. Lan Anh đi qua khu vườn đầy hoa của nó. Những cây mai anh đào như những bó hoa màu hổng tươi khổng lồ. Những chùm xoan tím đu đưa trước gió.
Hùng đi qua những con đường đồng quê, hai bên hoa đua nhau nở rộ.
Cả Lan Anh và Hùng có rất nhiều thứ để nhìn ngắm. Nhưng chúng phải rảo bước nhanh kẻo trễ học.
Chúng đã vào đến phía trong sân trường. Ở đây cũng là mùa xuân, bởi vì các cây cẩm chướng, cây trinh nữ thảo đua nhau trổ bông. Những chú chim sẻ ríu rít trên máng xối.
Lan Anh và Hùng vào lớp mà không hề buông một tiếng thở dài.
Cửa sổ hướng ra phía cánh đồng được mở cả ngày. Những âm thanh náo nhiệt và hương đồng lan vào tận lớp học.
Nhưng hầu hết học sinh đều tốt cả. Chúng dũng cảm cặm cụi trên trang sách hay vở của chúng!.
Nhưng bỗng dưng một chú ong đất bay vào trong lớp, kêu vo vo. Mọi người ngước mặt lên nhìn. Kể cả Lan Anh và Hùng.
Cô giáo liền nói:
“Cô cho phép các con nhìn ong đất trong chốc lát.”
Đó là một con ong đất bự, màu đen với những vệt vàng. Nó bay lòng vòng rồi đổi hướng bay loạn xạ, nhiều lần liên tiếp, nó đụng vào mặt kính cửa sổ đóng kín. Nó tưởng rằng nó bị giam hãm và nó giận dữ. Nó bay nhanh hơn và người ta nghe nó kêu vù vù lớn hơn. Cuối cùng nó tìm được lối ra. Nó biến mất trong nháy mắt.
Lớp học trở lại yên lặng và học sinh lại tiếp tục học tập.
Phần 3
LỚP HỌC ĐƯỢC CHƯNG HOA.
Sau lễ Phục Sinh cô giáo có một ý kiến rất hay. Cô yêu cầu tất cả học sinh nam cũng như nữ, lần lượt đem hoa đến lớp để chưng.
Cô đã để một cái bình trên bàn của cô, và một bình khác lử trên một cái kệ, đặt tại một góc lớp. Và khi hoa đã được cắm đủ vào hai bình rồi, số còn lại học sinh đem trang hoàng cả bảng đen, bảng nhờ hoa mà không còn vẻ buồn bả.
Như vậy là không những mùa xuân đã đi vào lớp qua các cửa sổ, mà còn hiện diện ngày ở trong lớp, do đó việc học tập của học sinh cũng vui nhộn hơn.
Hôm qua Hùng đã mang đến một nắm hoa. Vì bị nắm chặt trong tay nên hoa bắt đầu héo và chuỗi hoa gục xuống thảm hại. Mặc dầu thế, cô giáo cũng đã vui vẻ tiếp nhận.
Hôm nay đến lượt Lan Anh phải mang hoa đến chưng trong lớp.
Sáng sớm nó đã ra vườn. Nó hái những hoa cẩm chướng, hoa huệ, hoa xương bồ,mẫu đơn, thược dược.
Nó bẻ một vài cành.
Nó định đến bên mấy cây hoa hồng.
“Hoa hồng của ông,đùng động đến hoa của ông” Từ xa ông kêu lên như vậy.
“Thưa ông, để tặng cô giáo ông ạ!"
Lan Anh vừa đáp vừa cẩn trọng cắt một vài cành với cái kéo cùn.
Lan Anh đi học, tay cầm một bó hoa, còn những hoa lẻ thì nó bỏ vào túi tạp dề của nó.
Nó đi vào lớp và chưng hoa vào bình.
Cô giáo ngồi ở bàn của cô, vừa mỉm cười vừa nhìn nó. Có lẽ cô nghĩ đến cô nữ sinh nhỏ bé,nhút nhát,cách đây mấy tháng đã rón rén đến sắp hàng và sau một thời gian rất lâu hình như vẫn lại muốn ra đi như một con chim yêu chuộng tự do.
Trong tạp dề, Lan Anh vẫn còn có hoa. Nó tiến lại gần bàn của cô giáo. Và với một nụ cười tươi tắn và cử chỉ đầy duyên dáng, nó dâng tất cả hoa còn lại cho cô giáo.
Nếu nó được phép, thì có lẽ nó đã đem cả hoa kết lên đầu của cô.
HẾT

sen dat
  • Số bài : 3043
  • Điểm: 34
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 29.03.2008
Re:En route pour l’école = Séguin - 02.10.2021 16:43:05
0
Đây là một bản dịch của một ngừoi thân, không phải sđ dịch, nhân dịp giãn cách xã hội sđ có thì giờ đánh máy và biên tập lại, khi nào Ly rảnh Ly tìm bìa cuốn sách của tác giả Séguin tựa là En route pour l'école dùm sđ nha, cám ơn truóc, sđ sẽ ghi tên ngừoi dịch kèm theo bản dịch vì bẳn gốc tiếng Pháp không còn nữa. Thòi gian trôi, bao nhiêu bién cố qua đi có những thứ bị thất lạc. Đây là một tác giả mà sđ ngưỡng mộ chỉ vì ông viết với nhũng lời lẽ bình thường đơn giản, không kiểu cách, những sự việc những suy nghĩ tưởng chừng chả có gì là cao siêu, nhưng để viết được như thế, để đi sâu vào tâm lý trẻ thơ như thế quả là rất khó nếu không nói là tài tình. Nó làm sđ nhớ đến tuổi thơ, những ngây ngô khi còn thơ bé đến nỗi sau này dù đọc biết bao lần những bài viết những áng văn thơ hay bằng chính tiếng mẹ đẻ của mình viết cho con trẻ sđ thấy những bài viết của Séguin vẫn không sao lu mờ đựơc nó vẫn ngày càng đậm nét trong tâm trí mình. Nhân mùa nhập học năm nay sđ gởi tặng cho vnthuquan tác phẩm này để cho các vị phụ huynh cũng như chính các em có dịp đọc, để hiểu hơn về thế giới tuổi thơ, con trẻ muôn đời vẫn là con trẻ, chúng sẽ lớn dần lên qua năm tháng, sẽ trở thành người hữu ích nếu chúng ta chăm chút thương yêu chúng bằng cả tấm lòng, đừng bắt quả non chín ép, đừng ép con thành thiên tài thần đồng học sớm quá, học nhiều quá, đua nhau khoe con giỏi con tài để rồi tạo áp lực tội nghiệp con trẻ!

Ct.Ly

sen dat
  • Số bài : 3043
  • Điểm: 34
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 29.03.2008
Re:En route pour l’école = Séguin - 15.10.2021 16:52:22
0
Cám ơn Ly đã đưa sách vào thư viện. Sđ gởi hình bìa sách qua địa chỉ Mail Yahoo của Ly, Ly vào xem nếu nhận được Ly đính kèm vào sách của Séguin dùm bởi sđ không thể post hình thẳng ở vnthuquan được 

sen dat
  • Số bài : 3043
  • Điểm: 34
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 29.03.2008
Re:En route pour l’école = Séguin - 15.10.2021 19:20:32
0
SĐ viết giới thiệu ở phần đầu rồi đó Ly. 
 

Ct.Ly