En route pour l’école =Séguin
Lời giới thiệu,
Nếu ở VN chúng ta có tác giả Thanh Tịnh nổi tiếng với truyện ngắn, Tôi đi học =(1941) - có những đoạn văn mà không một học sinh nào không biết thì trong tiếng Pháp chúng ta có tác giả Séguin. Tác phẩm EN ROUTE POUR L’ÉCOLE cũng là một tác phẩm mẫu mực khuôn thước được đưa vào chương trình giáo dục cấp một. Tuy viết cho thiếu nhi, viết về thiếu nhi nhưng sự phân tích sâu sắc về thế giới tuổi thơ. những hoang mang đầu đời, những bứt rứt khó chịu của những tâm hồn còn non nớt cần có sự yêu thương bao bọc thấu hiểu của người lớn để phát triển toàn vẹn tốt đẹp, đã được Séguin mô tả tài tình với lời lẽ giản dị nhưng chính xác khiến bất cứ ai dù thế hệ nào lứa tuổi nào khi đọc cũng thấy mình trong đó. Dù là người Việt chúng ta cũng nên đọc tác phẩm này để biết và giúp đỡ con em chúng ta trong những ngày đầu tiên đi học.
Bước đường đến trường - Nguyễn Đức Thận chuyển ngữ
Chương 1
Phần 1
MỘT BUỔI SÁNG THÁNG MƯỜI
Một buổi sáng tháng mười, má của Lan Anh nói: “ Con bé này đã trên sáu tuổi rồi. Thế mà nó vẫn chỉ thích quanh quẩn ở xó nhà, hoặc ra ngoài đồng, hoặc vào trong các khu rừng. Nó không chịu học lấy một chữ. Đã đến lúc phải dắt nó đến trường “
Ông đang hái hồng ở ngoài vườn, cho rằng má nói vậy là phải:”Phải rồi! Chúng ta không thể để cho nó lớn lên như một đứa trẻ không được dạy dỗ thất học.”
Nhưng bà vì quá nuông chiều Lan Anh vừa lắc đầu vừa nói: “ Nó còn nhỏ dại quá mà! Bắt nó đi học sớm tội nghiệp cho nó.”
Lan Anh nghe nhưng không nói năng gì. Những mớ tóc óng ánh loà xoà bay trên cái trán gồ của nó. Nó tiếp tục nhảy nhót giữa con mèo Mun và con chó Vàng, hai con vật không bao giờ rời nó một bước. Nhưng cặp mắt nâu nhạt của nó, ánh nhìn thơ trẻ bỗng mất đi sự tươi vui.
Đi học! Người ta đã nói đến việc ấy cách đây vài tuần lễ rồi! Nhưng một chứng bệnh xoàng đã cản trở không cho nó đi học vào đúng dịp tựu trường vời những đứa trẻ khác cùng lứa. Rồi ngày lại ngày trôi qua, Lan Anh cuối cùng đã tưởng rằng nó còn có thể tự do vui chơi ngoài sân, ngoài vườn và, những ngày đẹp trời , tay trong tay ông, lon ton chạy trên các đường mòn trong rừng.
Ông nói: “Nếu cháu không đi học thì lỗ tai của cháu sẽ mọc lên, dài, nhọn như những lỗ tai lừa.”
Lan Anh dừng lại nhìn ông với ánh mắt rảnh mảnh.
“ Không! Thưa ông chị Huệ, thợ giặt không biết đọc. Thế mà tai của chị đâu có lớn thêm lên!”
Bà ngoảnh mặt đi khẽ mỉm cười.
Còn má thì vừa thở dài, vừa buông thõng hai tay xuống.
Phần 2
NHÀ TRƯỜNG
Lan Anh biết ngôi trường không cách xa khu vườn của nó bao nhiêu.
Đôi khi, dạo bước trên lề đường và men sát vào tường, nó đến gần ngôi nhà xám với những cửa sổ to lớn rồi nó lắng nghe, hồi hộp.
Từ lớp học nó nghe văng vẳng những tiếng từ tốn vọng ra, lặp đi lặp lại:” bơ, a,ba! Dơ a đa.”
Rồi nó nghe cô giáo nói và cảm nhận tiếng của cô sao mà buồn chán vậy.
Một nhịp thước gõ trên bàn và chính tiếng nói nghiêm khắc ấy đang la lên “im lặng! im lặng!” làm Lan Anh giật nảy mình.
Đôi khi Lan Anh cũng đánh bạo đến bên cánh cổng sắt của sân trường, vào giờ ra chơi. Nó bám hai tay vào các thanh sắt và nhón chân lên để nhìn.
Nó nhận ra những người bạn nhỏ, CÚC, MAI, HƯỜNG.
Nó nhận ra chúng nhưng hình như chúng đã đổi thay.
Chúng chơi với vẻ nghiêm túc như thể giờ học vẫn còn tiếp tục.
Chúng cầm tay nhau vừa nhảy vừa hát, nhưng giọng hát của chúng sao mà ngoan ngoãn, khác nào tiếng chim hót trong lồng.
Ái chà! Cùng với Lan Anh chúng hát hay hơn biết bao vào những buổi tối dưới những cây phượng lớn ngoài cổng trường! Những tiếng cười những điệp khúc của chúng lúc đó hân hoan bay bổng du dương khôn tả.
Rồi tiếng chuông ngân lên, các cuộc chơi tiếng reo hò ngừng lại.
Mọi người đứng sắp hàng. Một vài đứa bé còn chuyện trò trong chốc lát rồi chúng cũng nín bặt trong sân trường vắng lặng.
Để vào lớp, học sinh đi qua trước mặt cố giáo hai tay cắp sau lưng.
Một cánh cửa khép mạnh, các cửa sổ đóng lại. Sau những cửa sổ đó, chiếc que nghiêm khắc lại truyền lệnh cho mọi người im lặng.
Lan Anh rùng mình bỏ chạy.
Phần 3
CÔ GIÁO
Lan Anh cũng biết cô giáo.
Hay nói đúng hơn nó biết hai “cô giáo”.
Cô giáo thường đến nhà để thăm nó và bà, cô đó ăn nói dịu dàng với Lan Anh trong khi cô vuốt ve những mớ tóc óng ánh của nó.
Cô giáo ấy giản dị và tốt. Cô thích con búp bê của Lan Anh cả con mèo Mun và con chó Vàng. Cô để ý đến cả con gà mái hầu như trụi lủi lông mà ông buộc chân vào sợi dây dài, trong một góc sân. Con gà ấy rất ư khổ sở rất đáng thương. Những con khác trong sân gà không hiểu sao cứ mổ nó, rứt lông nó hoài, cho nên phải nuôi riêng nó ra.
Khi cô giáo dạo chơi ngoài vườn với ông, Lan Anh hài lòng mỉm cười với cô và đưa tay ra cho cô dắt. Lan Anh trả lời các câu hỏi của cô và chuyện trò vui vẻ với cô. Nhưng nó rút ngay tay ra khi nghe cô nói với má:” Thưa bà, lúc nào thì bà sẽ dẫn đứa trẻ dễ thương này đến cho tôi?”.
Bởi ngay lập tức Lan Anh thấy hiện ra một cô giáo khác.
Đó là cô giáo thường ra lệnh cho trẻ con ngừng chơi và bắt chúng phải sắp hàng, tay cắp sau lưng.
Đó là cô giáo thường lấy thước đập mạnh lên bàn mà ra lệnh “im lặng! im lặng!”
Thế là Lan Anh, đằng sau cái trán nhỏ hơi bướng bình của nó, không muốn tin rằng cô giáo của nhà trường đó mà nó tưởng tượng là luôn luôn nghiêm khắc lại cũng là cô giáo thường vuốt ve tóc nó và thường mang những thức ăn thừa thải của cô đến cho con gà mái xám.
Phần4
TẤM LÒNG CỦA LAN ANH
Các người sẽ nói con Lan Anh nhỏ này có nhiều nết xấu. Nó hay ngủng ngoẵng, không phải lúc nào nó cũng vâng lời. Điều đó có thực. Nhưng ngừơi ta thương yêu nó cả khi người ta la rầy nó và tôi sẽ nói cho các người biết tại sao.
Nó có lòng nhân ái. Nó hưởng sự âu yếm đang bao bọc và sưởi ấm nó dưới mái nhà này, êm ấm như một tổ chim. Nó tận tình đáp lại sự âu yếm đó đối với những ai thương yêu nó.
Nó đáp lại bằng sự dịu dàng. Không lúc nào nó dậm chân mà cũng chả bao giờ nó hờn giận. Tối đến nó biết lựa những lời thì thầm êm đẹp rót vào tai người thân trước khi đi ngủ.
Nó đáp lại bằng những ân cần. Trăm vật qua tay nhỏ xíu của nó mỗi ngày, trăm cử chỉ biểu lộ ý nó muốn làm đẹp lòng người khác.
“Thưa bà ghế nhỏ của bà đây! Ông có muốn cháu mang tờ Nhật trình đến cho ông không?. Con có cần đi hái rau thơm cho má không hả má?”
Nó không ích kỷ. Hoa hổng đầu tiên trước sân, trái đào chín đầu tiên ngoài vườn, nó muốn người ta dâng cho má nó.
Nếu người ta cho nó kẹo, nó không muốn nếm đến kẹo của nó trước khi mọi người đã nhận được phần của mình.
“Cầm lấy bà! Đây là thứ kẹo mà bà thích đó!”
=Nhưng bà rụng gần hết răng rồi, còn nhai kẹo làm sao được?
=Mặc dầu vậy, bà cứ cầm lấy! Bà sẽ để cho kẹo tan ra trong miệng bà.
Vả lại Lan Anh còn tốt bụng với những người nghèo khổ thỉnh thoảng vào trong sân, trên lưng đeo một cái bị. Nó đem ra cho họ một phần ăn, vài hào lấy từ cái bùng binh tiết kiệm của nó.
Lúc trao của bố thí, nó không quên kèm thêm một nụ cười và vài lời ngọt ngào. Khi tiết trời quá lạnh nó còn dắt họ vào ngồi bên lò sưởi nữa.
Nó thương loài vật. Thương chim trên trời,thương bông hoa ngoài vườn. Nó thương tất cả thế giới nhỏ bé mà nó có thể thấy được xung quanh nhà. Vả lại đó là thế giới duy nhất mà nó biết.
“Con bé tốt bụng thật!” Đôi khi bà nó nói như vậy khi Lan Anh không có mặt.
Đó là lý do tại sao mọi người thương yêu Lan Anh và tại sao mọi người tha thứ những nét xấu trẻ con của nó trong khi kiếm cách răn dạy nó.
Phàn 5
VƯƠNG QUỐC CỦA LAN ANH
Vương quốc của Lan Anh, đó là một vài xó nhà mà chẳng ai đặt chân tới bao giờ. Đó là cái sân với những chậu hoa sắp hàng ngay ngắn, là cái củi của con Vàng, là sân gà, là những chỗ ẩn náu dưới các bụi hoa xoan. Đó là những nơi ngoài vườn mà ông bỏ trống không trồng trọt gì, ở những nơi ấy Lan Anh trồng đi trồng lại không ngừng tất cả những thứ mà,thực ra không bao giờ mọc thứ gì cả.
Lan Anh, trong vương quốc đó, có tất cả mọi hạnh phúc ở thế gian này vừa tầm tay tầm chân nhỏ bé của nó. Nó thống trị các đồ chơi của nó, nó thống trị cỏ, hoa, nó thống trị cả con Vàng, chỉ có độc con Mun đôi khi không chịu vâng lời nó.
Sáng hôm nay vì trời đẹp, nên Lan Anh ra ngoài vườn. Nó có các dụng cụ làm vườn đó ông làm cho, vừa tầm vóc của nó. Nó nhổ cỏ tại một góc vườn hẻo lánh, phía sau những bụi sắn mì. Rồi nó cuốc đất xốp lên.
“Bây giờ Vàng, chúng ta sắp trồng cây. Má sẽ sung sướng khi thấy những cây cao đẹp mọc lên trong vườn. “
Nó cắm xuống đất vài cành ổi nhỏ.
“Mày biết không, Vàng, những cây này sẽ mọc lên cao, cao hơn cái nhà. Nhưng cần phải tưới cho chúng lúc chúng còn nhỏ.”
Vàng hồi chễm chệ trên con đường mòn, chăm chú quan sát việc làm của Lan Anh. Con Mun cũng có mặt nhưng để khỏi mất thì giờ nó liếm chân và rửa mặt.
Khi trời mưa thú lớn nhất của Lan Anh là vào ẩn trong kho lúa và chơi trò làm vườn đi chợ.
Xe bò là cái xe cút kít ông đã xếp vào đó. Lan Anh buộc một sợi dây vào hai cái càng xe, đó là những dây cương để buộc vào mồm ngựa nhưng kỳ thực thì không có ngựa. Một tay cầm cương, còn tay kia cầm roi, nó ngồi vào phía sau cái thùng xe.
Và suốt cả một khắc đồng hồ, Lan Anh lúc lắc dây cương, kích thích con ngựa bằng những cái tắc lưỡi, buộc ngựa phải dừng rồi lại cho ngựa đi tiếp.
Nó chào hỏi vui vẻ tất cả những người nó gặp dọc đường.
“Chào ông! chào bà! Thưa phải, tôi đi chợ đây. Tôi đi bán đây. Xem này, rau tươi làm sao! Còn đây là bắp cải sú, cà chua. Thưa vâng, phải mất bao nhiêu công sức mới trồng được bấy nhiều đó bà ạ!…”
Nhưng đó là trò chơi Lan Anh không thích trình diễn trước mặt những người lớn.
còn tiếp
<bài viết được chỉnh sửa lúc 15.10.2021 19:17:11 bởi sen dat >